VÕ THUẬT TINH HOA 78

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
'Thần cước' của làng võ Việt - Hạ thủ cả võ sĩ nước ngoài
Võ sư Lê Thanh Tùng bách chiến bách thắng trên các võ đài từ Sài Gòn cho đến các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Năm 1970, võ sĩ trẻ Lê Thanh Tùng đã đoạt chức vô địch võ tự do toàn miền Nam 

'Thần cước' của làng võ Việt, hạ thủ cả võ sĩ nước ngoài

Trước năm 1975, cha tôi (Võ Thơ) mở lò võ tại nhà ở huyện Phù Cát (Bình Định) để dạy võ cho con em tại địa phương. Không biết cơ duyên thế nào mà cha tôi mời được võ sư Lê Thanh Tùng, người được mệnh danh là “Thần cước” trong làng võ thuở ấy về dạy. Thế nên bây giờ, tại Bình Định hiện vẫn còn nhiều truyền nhân của “Thần cước” Lê Thanh Tùng. 


   
Từ “cầm thủ” trở thành “Thần cước”
Trước năm 1975, võ đường Lê Đại Hoan (cha của võ sư Lê Thanh Tùng) nức tiếng trên đất Sài Gòn. Mới 6 tuổi, con trai của võ sư Lê Đại Hoan là Lê Thanh Tùng đã được người cha cho tiếp cận với võ thuật. Tuy nhiên, phương pháp huấn luyện khắc nghiệt của võ sư Lê Đại Hoan chẳng những đã không hun đúc được niềm đam mê võ thuật trong lòng con trai, mà còn làm chú bé Lê Thanh Tùng ngày càng “quay lưng” với võ thuật. Thuở ấy, chú bé Tùng luyện võ chỉ là để làm vừa lòng cha chứ trong tâm khảm không ưng lắm, càng ngày chàng “võ sĩ nhí” càng lộ rõ thiên hướng mê âm nhạc.
 'than cuoc' cua lang vo viet, ha thu ca vo si nuoc ngoai hinh anh 1
Ngọn cước thần sầu của võ sư Lê Thanh Tùng (ảnh tư liệu gia đình).
Khi Lê Thanh Tùng vừa tròn 15 tuổi, một hôm võ sư Lê Đại Hoan nhìn thấy chàng trai trẻ ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” ôm cây đàn guitar luyện ngón say sưa, bỏ bê chuyện luyện võ, không cầm được ngọn lửa giận phừng phừng trong đầu, võ sư Lê Đại Hoan vớ ngay cây đàn đập vỡ toác. Bây giờ, khi đã gần chạm tuổi “thất thập cổ lai hy”, ngồi nhớ lại chuyện xưa, lòng của võ sư Lê Thanh Tùng không thể không lay động.
“Lúc bị cha đập vỡ cây đàn, lòng tôi luôn đầy ắp nỗi buồn, vì niềm đam mê của mình đã tiêu tan. Sau đó mấy ngày, võ sư môn quyền anh Tám Denis, người gốc Pháp, đến nhà thăm cha tôi. Sau khi nghe cha kể chuyện, võ sư Tám Denis tìm cách trò chuyện với tôi. Tôi bỗng mềm lòng trước sự thuyết phục của võ sư Tám Denis nên sau đó tôi tham gia tập luyện quyền anh”, võ sư Lê Thanh Tùng nhớ lại.
Đến với quyền anh được 3 năm, võ sĩ Lê Thanh Tùng bắt đầu sự nghiệp thượng đài và liên tục thắng những trận đấu với những võ sĩ đồng hạng 48kg, thắng cả võ sĩ Xuân Thanh, đương kim vô địch quyền anh quốc gia hạng 51kg. Thành công bước đầu trong nghiệp võ đã thắp lên ngọn lửa đam mê trong lòng chàng võ sĩ trẻ. Đến lúc này Lê Thanh Tùng mới thẩm thấu được lời khuyên của cha, nên quay lại tập luyện võ cổ truyền tại võ đường của võ sư Lê Đại Hoan và bắt đầu chuyển sang thi đấu võ tự do.
 'than cuoc' cua lang vo viet, ha thu ca vo si nuoc ngoai hinh anh 2
Những trận đài vinh danh võ sư Lê thanh Tùng (ảnh tư liệu gia đình).
Trên võ đài tự do, Lê Thanh Tùng bách chiến bách thắng hết trận đấu này đến trận đấu khác, từ các võ đài ở Sài Gòn đến các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Hầu hết các trận đấu, võ sĩ Lê Thanh Tùng đều hạ đối phương trong 1 - 2 hiệp đầu và đều bằng đòn chân nên được mệnh danh là “Thần cước”.
Hạ thủ cả võ sĩ nước ngoài
Trong sự nghiệp thượng đài, số võ sĩ bị hạ thủ bởi những đòn cước của võ sĩ Lê Thanh Tùng đếm không xuể, nhưng đáng nhớ nhất là những chiến thắng trước những võ sĩ nước ngoài.
Trong những chuyến du đấu tại các tỉnh miền Trung - Tây nguyên vào những năm đầu của thập niên 70 (thế kỷ 20), võ sĩ Lê Thanh Tùng đã thắng nốc ao trận đấu quyền anh 1 võ sĩ người Mỹ.
 'than cuoc' cua lang vo viet, ha thu ca vo si nuoc ngoai hinh anh 3
Cha tôi (ngoài cùng bìa trái), võ sư Lê Thanh Tùng (người đứng thứ 2 tính từ phải sang) và võ sư Vũ Lê Cang (ngoài cùng bìa phải) trong thời gian dạy võ tại Phù Cát (ảnh tư liệu gia đình).
Theo võ sư Lê Ngọc Có, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai, trong 2 đêm 24 và 25.12.1971, võ sĩ Lê Thanh Tùng liên tiếp có 2 trận thượng đài tại Pleiku (Gia Lai) lần lượt với võ sĩ Trần Can (võ đường Hà Trọng Sơn) và 1 người Mỹ là cố vấn quân sự cho Quân đoàn II của Việt Nam Cộng hòa thời bấy giờ tên là John. “Lúc ấy ông John đã ngoài 30 tuổi nhưng ra đòn rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đến hiệp đấu thứ 2, ông John bị trúng đòn vào mặt, chảy máu mũi nên xin dừng trận đấu, chấp nhận thua cuộc”, võ sư Lê Ngọc Có kể lại.
Sang năm sau (1972), nhận lời thách đấu của 2 võ sĩ Minh Phi và Thạch Danh, môn sinh của võ đường Minh Cảnh ở Sài Gòn, võ sĩ Lê Thanh Tùng theo cha là võ sư Lê Đại Hoan ra Quy Nhơn (Bình Định) để thượng đài. Đối thủ của ông Tùng trong đêm thượng đài thứ 2 tại Quy Nhơn là võ sĩ Thạch Danh, người gốc Miên.
Khi thi đấu, Thạch Danh ngậm tượng Phật vào miệng làm bùa để được phù hộ, chịu được đòn đánh của đối phương và giành chiến thắng. Trận đấu vừa bắt đầu, Thạch Danh liền có những hành động tâm linh kỳ quái để làm phân tâm đối thủ. Thậm chí, võ sĩ này còn tự dùng tay đấm vào ngực mình thình thình để hù dọa đối phương. Chỉ mất chưa đến 1 phút quan sát đối thủ, sau 1 loạt đòn tay, Lê Thanh Tùng tung liên tiếp những cú đá chính xác khiến Thạch Danh không thể trụ được, đành bỏ cuộc ngay cuối hiệp 1.
Trong những chuyến võ sĩ Lê Thanh Tùng thi đấu tại Quy Nhơn (Bình Định), quá ngưỡng mộ tài năng của chàng võ sĩ trẻ có dáng dấp rất nghệ sĩ, cha tôi ngõ lời mời Lê Thanh Tùng về lò võ của mình ở huyện Phù Cát để truyền thụ võ nghệ, nhất là đòn cước.
Võ sư Vũ Lê Cang, hiện ở phường Đập Đá (TX An Nhơn, Bình Định) là 1 trong những học trò của võ sư Lê Thanh Tùng khi ấy. Sau này, khi mở võ đường, những đường quyền, ngọn cước mà võ sư Vũ Lê Cang truyền dạy cho học trò vẫn còn mang nét vừa thanh thoát vừa hiệu quả của võ sư Lê Thanh Tùng.
Trận đấu đầu tiên của võ sư Vũ Lê Cang tại Quy Nhơn tôi được cha dẫn đi xem. Trận đấu đó Vũ Lê Cang gặp phải đối thủ là dân miền biển, rất lì đòn. Nhắm không thể thắng cái “tảng sắt di động” ấy bằng đòn tay, Vũ Lê Cang liên tục dùng cước “phang giò” (đá vắt vào đùi chân trụ đối phương). Do bị ê ẩm cả 2 đùi nên đối thủ không thể ra đòn, trận đấu ấy võ sĩ Vũ Lê Cang thắng điểm.
 'than cuoc' cua lang vo viet, ha thu ca vo si nuoc ngoai hinh anh 4
Võ sư Lê Thanh Tùng hiện nay.
Thời gian võ sư Lê Thanh Tùng dạy võ ở huyện Phù Cát, khi ấy tôi đã 15 tuổi nên được cha cho tập luyện cùng các đàn anh. Không theo nghiệp võ được lâu vì sau đó tôi phải đi học nội trú xa nhà, nhưng mãi đến giờ tôi vẫn còn nhớ kỹ thuật luyện cước rất công phu. Để luyện ống quyển cứng, môn sinh hàng ngày phải đá vắt vào những bao quân trang may bằng vải lính, đựng đầy mùn cưa. Trước khi tập, môn sinh phun nước vào bao để mùn cưa cứng lại như gỗ, ống quyển cứ đá miết vào bao mùn cưa lâu riết cứng như “ống đồng”. Nhờ đó trong thi đấu, nếu khi đá mà bị đối phương “ba rê” bằng cùi chỏ ống quyển vẫn không thấy đau, có thể tiếp tục ra ngay đòn khác.
Cuối tháng 9.2017, sau mấy mươi năm biền biệt, bỗng dưng võ sư Lê Thanh Tùng xuất hiện, hội ngộ cùng bạn võ ở Pleiku (Gia Lai) khiến giới võ thuật xôn xao, hoan hỉ. Hiện đã 68 tuổi, nhưng trông võ sư Lê Thanh Tùng vẫn rắn rỏi, phong nhã chẳng kém ngày nào. Năm 1978, võ sư Lê Thanh Tùng sang định cư tại Mỹ. Năm 2011, ông trở về sống tại TP.Hồ Chí Minh, sau đó ông kết hôn và về quê vợ ở một làng ven biển thuộc xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu, Phú Yên) ẩn cư và chuyên tâm vào nghiên cứu võ học.
Theo Vũ Đình Trung (Báo Nông Nghiệp)

46 năm vang bóng, “thần cước” làng võ Việt bất ngờ xuất hiện

authorDũ Tuấn Chủ Nhật, ngày 27/05/2018 18:31 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Trong sự nghiệp thi đấu của mình, võ sư Lê Thanh Tùng thượng đài trên 50 trận đấu ở cả Boxing và võ tự do. Hầu hết, ông đều thắng đối thủ đo ván hoặc họ bỏ cuộc, xin đầu hàng trong trận đấu.


   
Cuộc hội ngộ… đặc biệt
Ngày 26.5, võ sư Lê Thanh Tùng, tay đấm một thời được mệnh danh “độc cô cầu bại”, đệ nhất cao thủ ở miền Nam trước năm 1975, sau mấy mươi năm ròng biệt tăm bỗng hội ngộ cùng bạn hữu ở TP. Quy Nhơn (Bình Định) khiến nhiều người trong giới võ thuật xôn xao, người hâm mộ hoan hỉ.
Tại buổi gặp mặt, người ta xướng danh rất nhiều võ sư, võ sĩ tên tuổi một thời vang bóng như Đại võ sư Tân Tạo (Gia Lai), “độc cô cầu bại” Trần Quốc Long (lớp võ sĩ trước võ sư Tùng), hay còn mệnh danh là Võ sư Phi Long - “rồng đen” và rất nhiều võ sư danh tiếng lẫy lừng khác ở Bình Định, Gia Lai và Phú Yên.
 46 nam vang bong, “than cuoc” lang vo viet bat ngo xuat hien hinh anh 1
Võ sĩ Lê Thanh Tùng trong lần tranh đấu vào năm 1970. Ảnh tư liệu
Sau ngần ấy năm xa cách, võ sư Lê Thanh Tùng đã ôn lại chặng đường võ sĩ của mình, những trận đấu lịch sử đã làm nên tên tuổi một thời lẫy lừng của ông. Trong đó, có nhiều trận đấu ông cho rằng đối thủ rất “nặng ký” nhưng lại bị hạ gục nhanh bất ngờ và để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
“Thần cước” Lê Thanh Tùng cho hay, năm 1978 ông chuyển sang California (Mỹ) định cư. Tại đây, ông kêu gọi những võ sĩ, võ sư cộng đồng người Việt cùng đam mê tiếp tục giao lưu, thành lập hội võ thuật để truyền bá võ thuật Việt ở nước ngoài, góp phần bảo vệ văn hóa bản sắc dân tộc.
 46 nam vang bong, “than cuoc” lang vo viet bat ngo xuat hien hinh anh 2
"Thần cước" một thời Lê Thanh Tùng sau 46 năm với bộ vest khá lịch lãm
“Sau 46 năm, trở lại Bình Định tôi cảm tưởng như mình được sinh ra tại vùng đất này, chứ không phải TP. HCM. Từ khi sang đất khách lập nghiệp, tôi luôn luôn hướng về quê hương đất nước. Tôi tưởng như mình chưa bao giờ rời xa đất Bình Định, nơi địa linh nhân kiệt này”, ông Tùng nói.
Tại buổi gặp mặt, võ sư được mệnh danh “độc cô cầu bại” Trần Quốc Long đã dành rất nhiều lời khen ngợi và gọi “thần cước” Lê Thanh Tùng là người hùng trong quá khứ.
20 tuổi vô địch võ tự do  
Võ sư Lê Thanh Tùng (SN 1950, tại TP Hồ Chí Minh), năm 6 tuổi ông bắt đầu học võ do người cha là cố Đại võ sư Lê Đại Hoan truyền dạy. Đến năm 15 tuổi, ông tập luyện môn Boxing do HLV Thomson đến từ Mỹ và Tám Denis (người Việt gốc Pháp) huấn luyện.
“Hằng ngày, tôi và bác Tám Denis mỗi người một chiếc xe, đạp 15 km để đến sân vận động Cộng Hòa tập luyện quyền anh. Tôi rất hào hứng với môn võ thuật này. Thời đó, các võ sư lừng danh ở đất Sài Gòn như Minh Cảnh, Huỳnh Tiền, Kid Dempsey… đều có mở lò dạy võ tại các sân vận động Cộng Hòa và Phan Đình Phùng (cũ)”, võ sư Tùng nhớ lại.
 46 nam vang bong, “than cuoc” lang vo viet bat ngo xuat hien hinh anh 3
Võ sĩ Lê Thanh Tùng được vinh danh sau trận thắng. Ảnh tư liệu
Luyện tập Boxing được 3 năm, ông Tùng lần lượt thắng tất cả các võ sĩ đồng hạng 48kg đương thời, thậm chí thắng luôn nhà vô địch quyền anh quốc gia hạng 51kg. Khi niềm đam mê võ thuật được khơi lại, ông Tùng mới hiểu được cha mình nên trở lại tập luyện võ cổ truyền tại võ đường Lê Đại Hoan và chuyển sang thi đấu tự do.
Năm 18 tuổi, ông Tùng được Tổng cục Quyền thuật phong tặng danh hiệu “võ sĩ trẻ triển vọng nhất”. Đến năm 1970, ông đoạt chức vô địch võ tự do toàn miền Nam. Ông Tùng từng được Tổng cục Quyền thuật miền Nam phong võ sư và tham gia công tác giám định trọng tài do Tổng cục Quyền thuật điều hành vào năm 1972.
 46 nam vang bong, “than cuoc” lang vo viet bat ngo xuat hien hinh anh 4
Cuộc hội ngộ đặc biệt của "thần cước" Lê Thanh Tùng cùng nhiều võ sư, võ sĩ tại Quy Nhơn
Theo võ sư Vũ Lê Cang – Nguyên ủy viên BCH LĐVT Bình Định khóa III, trong sự nghiệp thi đấu từ năm 1966 -1973, ông Tùng đã thượng đài trên 50 trận đấu ở cả 2 môn Boxing và võ tự do được tổ chức tại Sài Gòn cũng như các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Hầu hết, các trận đấu ông Tùng đều thắng đối thủ bằng đo ván hoặc họ bỏ cuộc giữa chừng.
“Phải kể đến các trận đấu lớn như: trận thắng trước nhà vô địch Muay Thái – Mai Hồng Sơn (tại sân Tinh Võ, Chợ Lớn vào năm 1970), năm 1971 tại Gia Lai, võ sĩ người Mỹ đã xin bỏ cuộc ở trận đối đầu Boxing và năm 1972, tại Bình Định, võ sĩ Thạch Danh – người gốc Campuchia đã xin bỏ cuộc trong hiệp 1 sau lời thách đấu và nhiều trận đấu vẻ vang khác nữa”, ông Cang kể.
Sau nhiều trận đấu, ngoài các danh hiệu vô địch mà võ sư Lê Thanh Tùng đoạt được ở cả 2 môn võ tự do và Boxing, ông còn được giới võ thuật phong tặng các biệt danh như: “thần cước”, “cặp chân máy”, “độc cô cầu bại”, “võ sĩ huyền thoại”…

'Thần cước' làng võ Việt hội ngộ đồng môn

01/06/2018, 14:45 (GMT+7)
Cuộc gặp gỡ là dịp để những lão võ sư cùng thời với võ sư Lê Thanh Tùng ôn lại chuyện đời, chuyện nghề; cũng là dịp để những võ sĩ hậu bối thổi bùng lên trong lòng mình ngọn lửa võ thuật...
Võ sư Lê Thanh Tùng, người được làng võ miền Nam Việt Nam ngày xưa mệnh danh là “võ sĩ huyền thoại”, “độc cô cầu bại”, “thần cước”, đã có cuộc hội ngộ với các lão võ sư, võ sư và võ sĩ của làng võ miền Trung - Tây Nguyên tại TP Quy Nhơn (Bình Định), sau gần nửa thập niên vắng bóng.
14-56-16_1
Võ sư Lê Thanh Tùng ôn lại những kỷ niệm của chặng đời võ nghiệp
Cuộc gặp gỡ là dịp để những lão võ sư cùng thời với võ sư Lê Thanh Tùng ôn lại chuyện đời, chuyện nghề; cũng là dịp để những võ sĩ hậu bối thổi bùng lên trong lòng mình ngọn lửa võ thuật trên chặng đường tiếp bước cha anh giữ gìn và phát huy những tinh hoa của võ Việt.
Ngoài ra còn có những tên tuổi lừng danh trong làng võ cách đây gần nửa thập kỷ, như: Đại võ sư Tân Tạo (Gia Lai), đại lão võ sư “rồng đen” Phi Long (tên thật là Trần Quốc Long), lớp đàn anh của võ sư Lê Thanh Tùng, lão võ sư Nguyễn Đình Thơ (Bình Định) cùng nhiều võ sư danh tiếng lẫy lừng khác ở Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Sài Gòn.
Ông Đinh Khắc Diện, Chủ tịch Liên Đoàn Võ Thuật tỉnh Bình Định, võ sư Vũ Lê Cang, nguyên ủy viên BCH Liên đoàn Võ thuật Bình Định, cũng góp mặt.
Vào thập niên 70 của thế kỷ 20, bầu trời võ thuật ở miền Nam, miền Trung - Tây Nguyên (Việt Nam) đã sáng lên “ngôi sao” mang tên Lê Thanh Tùng. Liên tiếp hàng chục trận đấu ông đã đánh bại các đối thủ bằng những đòn cước vi diệu của mình trong chớp nhoáng, hầu hết ông đều thắng nốc ao hoặc đối thủ bỏ cuộc trong 1 - 2 hiệp đầu trận đấu.
Võ sư Lê Thanh Tùng sinh năm 1950, tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ông bắt đầu học võ năm 6 tuổi, do cha ông là Đại võ sư Lê Đại Hoan truyền dạy. Năm 15 tuổi, ông chính thức luyện tập Boxing, do HLV Thomson (Hawai, Mỹ) và Tám Denis (người Việt gốc Pháp) huấn luyện. Năm 1968 (18 tuổi) được phong tặng danh hiệu “Võ sĩ trẻ triển vọng nhất”; năm 1970, ông đoạt chức Vô địch Võ tự do toàn miền Nam. Trong sự nghiệp thi đấu của mình, từ năm 1966 - 1973, ông đã thượng đài trên 50 trận ở cả 2 môn Boxing và Võ tự do tại miền Nam và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Hầu hết các trận đấu, ông đều thắng đối thủ bằng đo ván hay đối thủ bỏ cuộc trong 1 đến 2 hiệp.
14-56-16_2
Quang cảnh cuộc hội ngộ
Năm 1970, ông đã có trận thắng trước nhà Vô địch MuayThai - Mai Hồng Sơn, tại Tinh Võ, Chợ Lớn. Năm 1971, tại thị xã Pleiku (nay TP Pleiku), tỉnh Gia Lai, ông đã thi đấu Boxing vì danh dự của võ thuật Việt với võ sĩ Mỹ đã thách đấu (đó là 1 viên cố vấn quân sự người Mỹ tên John). Trận này ông đã hạ võ sĩ Mỹ ngay ở hiệp thứ 2, trước sự vỡ òa của người hâm mộ Pleiku (Gia Lai)… Năm 1972, tại Bình Định, ông đã đấu và hạ võ sĩ Thạch Danh, 1 võ sĩ tiếng tăm lựng lẫy người gốc Campuchia ngay ở hiệp 1. Tên tuổi của ông đã trở thành huyền thoại trong làng võ.
“Năm 21 tuổi ông chính thức mở phòng tập “Lê Thanh huynh đệ”. Năm 24 tuổi ông được cử làm huấn luyện viên phái đoàn võ sĩ miền Nam đi thi đấu quốc tế tại Campuchia”, ông Đinh Khắc Diện, chủ tịch Liên đoàn võ thuật Bình Định, cho biết.
Đối với làng võ Bình Định, trong những năm 1971 - 1973, ông như luồng gió mới làm thay đổi nhận thức về võ học ngay trên đất võ. Bởi, ông có lối đánh sáng tạo, đòn của ông ra trông rất “hiền” nhưng lại rất “độc”, đối thủ dính đòn khó gượng, nhất là đòn cước và những đòn phối hợp liên hoàn cước - gối - chỏ. Học trò của ông phần lớn là người cùng trang lứa, tiêu biểu như cố Đại võ sư Nguyễn Lê Thanh và võ sư Vũ Lê Cang, là những người có những đóng góp lớn lao cho phong trào võ thuật Bình Định.
Sau 46 năm vắng bóng, võ sĩ huyền thoại Lê Thanh Tùng đã trở lại đất võ Bình Định để hội ngộ những đồng môn, bằng hữu… Họ ngồi lại trò chuyện, chia sẻ những kỷ niệm của 1 thời “dọc ngang” trên sàn đài. “Thần cước” Lê Thanh Tùng cho biết, năm 1978 ông chuyển sang California (Mỹ) định cư. Từ đó ông kêu gọi những võ sĩ, võ sư cộng đồng người Việt cùng đam mê tiếp tục giao lưu, thành lập hội võ thuật để truyền bá võ thuật Việt ở nước ngoài, góp phần vào việc bảo vệ văn hóa bản sắc dân tộc cho đến ngày về định cư tại TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên (Việt Nam).
“Sau 46 năm, trở lại Bình Định tôi cảm tưởng như mình là người con của miền đất võ. Từ khi sang đất khách lập nghiệp, tôi luôn luôn hướng về quê hương, đặc biệt là vùng đất địa linh nhân kiệt này”, “thần cước” Võ Thanh Tùng chia sẻ.
14-56-16_3
Võ sư Lê Thanh Tùng chụp ảnh kỷ niệm với võ sư, võ sĩ
VŨ ĐÌNH THUNG

Những trận đài để đời của ‘võ sĩ huyền thoại‘ làng võ Việt


Những trận đài có sự góp mặt của võ sĩ này luôn thu hút đông đảo người hâm mộ, những trận thắng giòn giã nối tiếp nhau, hầu hết các đối thủ đều bị hạ đo ván hoặc bỏ cuộc giữa trận bằng những đòn quyết định đã khiến anh được mệnh danh là “thần cước”, “võ sĩ huyền thoại”, “độc cô cầu bại”.
Ông là võ sư Lê Thanh Tùng, hiện định cư tại vùng quê biển tại xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu, Phú Yên).
Đến tận bây giờ, các lão võ sư cùng thời với võ sư Lê Thanh Tùng vẫn chưa thể quên những trận đài lịch sử diễn ra cách đây gần nửa thập kỷ đã làm nên tên tuổi của “thần cước” Lê Thanh Tùng, biến ông thành ngôi sao sáng trong làng võ Việt thời ấy.
“Người đẹp” và “thần cước”
Vào thập niên 70 của thế kỷ 20, làng võ miền Nam Việt Nam có 2 võ đường “nổi đình nổi đám” là võ đường Lê Đại Hoan ở Sài Gòn và võ đường Hà Trọng Sơn ở Bình Định. Võ đường Hà Trọng Sơn liên tục thách đấu cùng võ đường Lê Đại Hoan. Cuối năm 1972, võ đường Lê Đại Hoan nhận lời thách đấu.
Võ sĩ Lê Thanh Tùng (bìa phải) giành giải vô địch năm 1970, tiếp theo là các võ sĩ Minh Cường, Lý Ngọc Long (ảnh tư liệu gia đình).
Võ sĩ Lê Thanh Tùng (bìa phải) giành giải vô địch năm 1970, tiếp theo là các võ sĩ Minh Cường, Lý Ngọc Long (ảnh tư liệu gia đình).
Trận đấu được tổ chức tại xã Hòa Nghĩa nay thuộc TP. Cam Ranh (Khánh Hòa). Võ sư Hà Trọng Sơn cử học trò cưng của mình là võ sĩ Huỳnh Bông thượng đài, còn võ sư Lê Đại Hoan đưa chính con trai của mình là võ sĩ Lê Thanh Tùng từ Sài Gòn ra nhận lời thách đấu.
Trong buổi cà phê sáng trước giờ thượng đài, trước đông đảo nhiều võ sư, võ sĩ đi dự khán, võ sư Mười Tường (tên thật là Lê Văn Tường), khi ấy là trưởng ban tổ chức trận đài tại Hòa Nghĩa, nói với võ sĩ Lê Thanh Tùng: “Tối nay, nếu Tùng thắng Huỳnh Bông, bác Mười cho con đưa con gái của bác về Sài Gòn làm vợ, khỏi phải cưới hỏi!”.
Trong làng võ, không ai không biết con gái của võ sư Mười Tường có nhan sắc mà không võ sĩ nào không thầm mơ. Những võ sư, võ sĩ có mặt trong buổi cà phê nghe câu nói ấy của võ sư Mười Tường, người thì nghĩ là ông nhắm chàng võ sĩ điển trai, tài hoa để “chọn mặt gửi vàng”, cũng có người nghĩ Mười Tường “nói khích”.
Suốt cả ngày hôm ấy, Ban tổ chức trận đấu cho xe phóng thanh đi rao khắp Cam Ranh lẫn Nha Trang lời kêu gọi khán giả đến xem trận đấu: “Đêm nay là đêm còn - mất giữa 2 võ đường Hà Trọng Sơn và Lê Đại Hoan. Chỉ một đêm nay…”.
Trận thư hùng mới chỉ diễn ra 1 hiệp thì võ sĩ Lê Thanh Tùng đã hạ đo ván võ sĩ Huỳnh Bông bằng 1 đòn cước. Ngay lúc ấy, 1 bóng hồng bước lên võ đài, trao tặng võ sĩ Lê Thanh Tùng 1 bông hoa hồng.  Sáng hôm sau, cô gái tìm đến gặp võ sĩ Lê Thanh Tùng và hỏi: “Bông hồng em tặng anh tối qua đâu rồi?”. Chàng võ sĩ trẻ ngơ ngác, chẳng biết bông hoa ấy đã rời khỏi tay mình trong tối qua như thế nào! Không nói không rằng, cô gái lặng lẽ đi về. “Sau đó tôi mới biết cô gái xinh đẹp tặng hoa cho mình là con gái bác Mười Tường”, võ sư Lê Thanh Tùng nhớ lại.
Thắng nhanh để khỏi… chạy máy phát điện
Võ sư Lê Thanh Tùng đã thượng đài trên 50 trận đấu ở cả 2 môn Boxing và võ tự do tại miền Nam và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Hầu hết các trận đấu, ông đều thắng đo ván hay đối thủ bỏ cuộc trong 1-2 hiệp đầu. Tuy nhiên đến bây giờ, ông vẫn nhớ nhất trận đấu diễn ra với một võ sĩ nước ngoài vào đầu năm 1972 tại sân vận động Quy Nhơn (Bình Định).
Ngọn “thần cước” của Lê Thanh Tùng (ảnh tư liệu gia đình)
Ngọn “thần cước” của Lê Thanh Tùng (ảnh tư liệu gia đình)
Võ sư Lê Thanh Tùng kể: Hôm ấy khán giả đến xem chật ních, sắp diễn ra trận đấu cuối của đêm võ đài thứ 2 thì trời bắt đầu sụp tối. Bất ngờ võ sư Minh Cảnh, đại diện ban tổ chức đến gặp võ sĩ Lê Thanh Tùng, hỏi: “Cậu có thể thắng Thạch Danh trước hiệp 2 không, nếu không thì ban tổ chức sẽ thông báo tạm ngưng trận đấu để chờ chạy máy phát điện”. Khi ấy võ sĩ Lê Thanh Tùng trả lời ngay: “Dạ được”.
Trận đấu bắt đầu, Thạch Danh liền múa may theo kiểu tâm linh kỳ quái để hù dọa, làm phân tâm đối thủ. Thậm chí, võ sĩ này còn dùng tay đấm vào ngực mình đùng đùng để thách thức đối phương. Chỉ mất chưa đến 1 phút quan sát đối thủ, võ sĩ Lê Thanh Tùng tung đòn liên hoàn rồi kết thúc bằng 1 ngọn cước thần sầu khiến Thạch Danh phải giơ tay bỏ cuộc ngay cuối hiệp 1.
Võ sư Lê Thanh Tùng nhớ lại: “46 năm trôi qua, khi nhớ lại trận đấu ấy, nhớ lại cảnh đông đảo khán giả reo hò ủng hộ, tôi như được tiếp thêm động lực để hạ gục nhanh chóng một võ sĩ nước ngoài đến Bình Định thách thức võ sĩ Việt Nam ”.
create VŨ ĐÌNH THUNG / nongnghiep.vn

Thần cước Sài Gòn xưa hạ gục nhiều võ sĩ thế giới

Đánh bại nhiều võ sĩ của Pháp, Ấn Độ, Thái Lan… ông Sáu Cường với thân thủ phi phàm được mệnh danh "Thần cước không đối thủ" ở Nam bộ xưa.

Những năm 1930-1940, Sài Gòn và Nam kỳ lục tỉnh nổi lên trào lưu học võ, tỷ thí bằng các trận đấu lôi đài. Người học võ rất được trọng vọng nên nhiều trai tráng chọn theo con đường này.
Các cao thủ quyền anh từ Pháp, Miên, Ấn Độ, Thái Lan… cũng sang thi đấu. Nhờ thể trạng cao lớn, chuyên nghiệp, nên họ hạ gục nhiều võ sĩ Việt, nhanh chóng thống trị các võ đài.
than-cuoc-sai-gon-xua-ha-guc-nhieu-vo-si-the-gioi
Một trận đấu quyền anh ở Sài Gòn xưa. Ảnh: Tư liệu.
Nhân vật Sáu Cường quê Trà Vinh xuất hiện. Trong trận đấu tại Cần Thơ được tổ chức cho võ sĩ người Pháp gốc Ấn Độ thi triển tài năng, Sáu Cường đứng ra thách đấu.
Võ sĩ người Pháp sử dụng quyền anh kết hợp võ Ấn, từng thắng 10 trận khi thượng đài ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng khi đối mặt Sáu Cường, anh này bị hạ knock out ngay trong hiệp 2 bởi cú song phi.
3 tháng sau đó, Sáu Cường tiếp tục thượng đài với võ sĩ người Thái tên Anthuong Chay ở Sài Gòn. Đây là võ sĩ từng thi đấu nhiều nước ở châu Âu, thắng đến 30 trận, chưa nếm mùi thất bại. Anh ta đánh một thứ võ gọi là Muay Thái lợi hại nhưng vẫn đo ván trước Sáu Cường.
Thời điểm đó, Sáu Cường trở thành một huyền thoại của làng võ Sài Gòn và Nam kỳ lục tỉnh với thành tích bất bại. Ông được mệnh danh là "thần cước" với những cú đòn chân liên hoàn dũng mãnh. Các lão làng võ thuật cho rằng Sáu Cường có thế mạnh ở những cú đá do trời phú cho ông 2 bàn chân to lớn dị thường.
Trong hồi ký Từ U Minh đến Cần Thơ, nhà văn Sơn Nam bày tỏ lòng ngưỡng mộ với võ sĩ Sáu Cường nức danh thời ấy. Trên đường chu du của mình, ông đã trực tiếp chứng kiến cuộc đấu võ đài của Sáu Cường và võ sĩ quyền anh da màu có tên Kid Chocolat.
Trận đó, võ sĩ ngoại quốc tìm cách áp sát, tung những đòn móc quai hàm lợi hại nhưng bị Sáu Cường dùng ngón đá nghìn cân, phòng thủ từ xa. Chocolat trúng cước té lăn cù nhưng ngồi dậy nhanh chóng, xốc tới đánh móc. Cuối cùng Sáu Cường được trọng tài xử thắng điểm, ông liền đi một đường quyền đẹp mắt để cảm tạ.
"Cường cao ráo, tay chân khá dài, thỉnh thoảng nhảy cao như con chim đại bàng. Xem ông đấu, tôi và bao khán giả khác lấy làm hãnh diện cho dân tộc", nhà văn Sơn Nam miêu tả.
than-cuoc-sai-gon-xua-ha-guc-nhieu-vo-si-the-gioi-1
Mẫu quảng cáo đấu quyền anh trên báo thời xưa. Ảnh: Tư liệu.
Danh tiếng của thần cước càng nổi sau khi đánh bại tay đấm Hồng Sơn bảo vệ hãng xà bông thuần Việt của Trương Văn Bền. Sau trận này, "thần cước" Sáu Cường nhanh chóng quy tụ hàng trăm đàn em, bảo kê một vùng rộng lớn các bến xe, rạp hát, sòng bạc...
Một trong lãnh địa kiếm cơm lý tưởng nhất lúc bấy giờ là bến xe An Đông (khu vực đường Lê Hồng Phong, quận 10). Nhờ đòn liên hoàn cước không ai đỡ nổi, Sáu Cường sau khi thách đấu giành thắng lợi chiếm quyền bảo kê bến xe. Ông sau đó cùng đàn em dần thâu tóm nhiều điểm làm ăn béo bở khác.
Sau nhiều biến động xã hội, tuổi cũng lớn, Sáu Cường về Trà Vinh sinh sống. Ông cũng vài lần nhận lời thách đấu từ các võ sĩ trong nước và giành thắng lợi dù sức khỏe đã giảm sút. Trong lần thượng đài cuối cùng, ông thua võ sĩ đến từ Hà Nội rồi giải nghệ.
Sau năm 1945, Sáu Cường tham gia cách mạng, trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền Pháp. Do có uy tín, được nhiều người kính trọng nên chính quyền rất sợ ảnh hưởng của ông tác động đến phong trào chống đối lúc bấy giờ.
Pháp nhiều lần tổ chức lực lượng vây bắt nhưng Sáu Cường với thân thủ của mình đều thoát được. Đến lần bị mật thám chỉ điểm, ông không thoát nổi vòng vây nên bị bắt giữ. Sáu Cường bị Pháp tử hình tại Trà Vinh sau vài tháng biệt giam. 
Sơn Hòa

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH