Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

KÝ ỨC CHÓI LỌI 116

(ĐC sưu tầm trên NET)

Chuyện chưa kể về Lữ đoàn 316 Đặc công

Phương Anh Linh |

Chuyện chưa kể về Lữ đoàn 316 Đặc công
Các chiến sĩ Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động Sài Gòn sau trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc.

Ít ai biết, những ngày tháng Tư lịch sử năm ấy, đơn vị Z23 thuộc Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động Sài Gòn đã có trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc đầy cam go và ác liệt.


Lữ đoàn “luồn sâu, đánh hiểm”
Càng gần đến dịp Lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động Sài Gòn, lại càng bận rộn hơn với lịch gặp mặt các hội cựu chiến binh, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành lân cận như Long An, Bình Dương hay Bà Rịa – Vũng Tàu quê ông.
Kể về những năm tháng tham gia kháng chiến, giọng của vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tư Cang vẫn rất hào hùng.
Để phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 20/3/1974, Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động Sài Gòn trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập. Lữ đoàn được tổ chức thành nhiều tiểu đoàn và phân đội, gọi tắt là Z.
Theo Đại tá Tư Cang, trước ngày 30/4/1975, nhiệm vụ Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh giao cho Lữ đoàn 316 khi ấy là phải phân ra đi đầu các cánh đại quân, phát huy sở trường ngón đòn biệt động “luồn sâu đánh hiểm”, đánh trước vào một số mục tiêu quan trọng trong thành phố như Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng Nha Cảnh sát, Dinh Độc Lập, Biệt khu thủ đô…
Kế hoạch những ngày sát giờ “G” đã có một chút thay đổi. Khi ấy, Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động Sài Gòn được giao nhiệm vụ chính là đánh chiếm và giữ cho được một số cây cầu trọng yếu xung quanh Sài Gòn để mở đường cho các cánh quân giải phóng cùng xe pháo tiến vào thành phố.
Tuy vậy, trong nội thành, Lữ đoàn 316 còn phải cử một đội biệt động đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhằm làm tê liệt tổ chức chỉ huy của địch ngay từ phút đầu.
Ác liệt trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc
Theo trí nhớ của Đại tá Tư Cang, thời điểm ấy là 3 giờ sáng 27 tháng Tư năm 1975, các chiến sĩ biệt động của đơn vị Z23 và Tiểu đoàn 81 đã nổ súng đúng giờ theo kế hoạch. Đúng giây phút đó, các chiến sĩ biệt động đã bất ngờ tràn lên mặt cầu và nhanh chóng chiếm được đầu cầu phía Đông.
Trận chiến diễn ra ác liệt hơn khi bên ta tràn lên chiếm bốt gác bê tông ở phía Bắc cây cầu. Mặc dù so với bên địch rất chênh lệch về lực lượng và trang bị vũ khí, nhưng các chiến sĩ với tinh thần cảm tử truyền thống của biệt động đặc công đã chiến đấu rất anh dũng.
Trong khi đó, tiểu đoàn 4 Thủ Đức báo cáo đã chiếm được cầu Sài Gòn, cây cầu dài nhất và gần trung tâm Sài Gòn nhất.
Sau một giờ đồng hồ, đơn vị Z23 đã chiếm được cầu Rạch Chiếc. Lúc này, theo lệnh chỉ huy, các chiến sĩ đặc công biệt động phải trụ lại trên cầu để đánh phản kích, quyết thực hiện nhiệm vụ được giao là giữ cầu chờ xe tăng của đại quân tiến vào thành phố.
Súng vẫn nổ dai dẳng trên cầu Rạch Chiếc đến chiều 28 tháng Tư, khi quân địch tăng cường lực lượng buộc các chiến sĩ biệt động Z23 phải tạm thời rút ra vài trăm mét cố thủ trên bờ rạch.
Ngày hôm ấy, Đại tá Tư Cang cùng với các đồng chí trong Ban Chỉ huy và Ban Tác chiến Lữ đoàn luôn túc trực bên máy vô tuyến điện để theo dõi, chỉ đạo chiến đấu. Trong lúc chiến sự đang căng thẳng, Đại tá Tư Cang nhận được một mảnh giấy ngụy trang trong xâu nem chua báo về từ nội thành.
Nội dung cho biết nội bộ phía Việt Nam Cộng Hòa đang rối loạn, có tranh luận gay gắt giữa hai phái chủ chiến và chủ hòa trong Chính phủ Dương Văn Minh. Thậm chí tướng lĩnh thuộc chiến đoàn đặc nhiệm bảo vệ thành phố Sài Gòn hoang mang chưa nhận nhiệm vụ chỉ huy.
Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, chiều 28 tháng Tư, Đại tá Tư Cang nhận được một bức điện khẩn từ cấp trên với nội dung ngắn gọn nhưng là sự chờ đợi của biết bao chiến sĩ: “Giờ “G” cho toàn mặt trận: 0 giờ ngày 29 tháng Tư”. Ngay lập tức, Ban Tác chiến Lữ đoàn nhanh chóng thảo bức điện phổ biến giờ “G” cho các đơn vị và động viên tinh thần các chiến sĩ.
Chuyện chưa kể về Lữ đoàn 316 Đặc công - Ảnh 1.
Cầu Rạch Chiếc ngày nay.
Đối với đội biệt động đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, bức điện gửi cho đồng chí Bảy Vĩnh thêm ý kiến chỉ đạo:
“Giờ “G” cấp trên phổ biến cho toàn mặt trận là như vậy nhưng việc đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Rút kinh nghiệm hồi Mậu Thân 1968, anh chú ý tình hình thật sát, hợp đồng theo tiếng súng, chọn thời cơ để tiến công. Sớm quá, lực lượng dễ bị tiêu hao trước khi đại quân vào tới. Muộn quá thì không cần tới phân đội của chúng ta nữa và do đó cũng không hoàn thành được nhiệm vụ…”.
Tại chiến trường cầu Rạch Chiếc, phải đến đêm 29 tháng Tư, sau khi tổ chức lại lực lượng, các chiến sĩ đặc công biệt động Z23 đã bất ngờ tiến đánh khiến những người bên kia chiến tuyến bỏ chạy.
Đơn vị chốt giữ cầu cho đến khi chiếc xe tăng đi đầu thuộc Lữ đoàn 203 binh đoàn Hương Giang qua cầu, tiến vào Sài Gòn lúc 9 giờ 30 phút sáng 30 tháng Tư. Để rồi sau đó, lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút sáng hôm ấy.
Giờ đây, khi nói về Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động Sài Gòn, Đại tá Tư Cang đánh giá, những chiến công của đơn vị là những dấu mốc quan trọng, góp phần tô điểm cho toàn bộ bức tranh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau chiến tranh, Lữ đoàn đã rút gọn thành Trung đoàn 316 thuộc Bộ Tham mưu - Quân khu 7, sau đó đơn vị còn tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc trước khi giải thể vào cuối năm 1980, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử.
Trong căn nhà nhỏ, Đại tá Tư Cang hồ hởi khoe, với những thành tích oai hùng ấy, Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động Sài Gòn một thời ông giữ chức vụ Chính ủy được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 4/2015. Trong đó có 7 cá nhân được tuyên dương Anh hùng.
Được thành lập vào ngày 20/3/1974 với mục tiêu tham gia tiến công giải phóng Sài Gòn, chỉ hơn 1 năm sau ngày ra đời, Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động Sài Gòn đã lập nhiều chiến công thầm lặng, góp phần vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
theo Infonet

QĐ 1 thọc sâu giải phóng Sài Gòn và trận đánh ngoài kế hoạch: Kết cục hết sức bất ngờ!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |
QĐ 1 thọc sâu giải phóng Sài Gòn và trận đánh ngoài kế hoạch: Kết cục hết sức bất ngờ!
Ảnh minh họa.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Như Hoạt ngồi trên 1 xe tăng T-54 dẫn đầu đội hình. Đến một ngã ba, anh hỏi người dẫn đường: "Đi đường nào?" thì té ngửa bởi câu trả lời: "Tôi không biết!".

Trong chiến tranh, những bản kế hoạch được lập ra dù có chi tiết đến đâu song cũng không thể lường được hết những tình huống sẽ xảy ra trong thực tế. Và chính những tình huống ngoài kế hoạch ấy đôi khi mang lại những kết cục hết sức bất ngờ.
Bản kế hoạch hoàn hảo
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn I đảm nhiệm hướng tiến công từ phía Bắc vào Sài Gòn với mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu và khu các Bộ Tư lệnh binh chủng của quân đội VNCH.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định sử dụng Sư đoàn 320B được tăng cường binh khí kỹ thuật tiến công trên hướng chủ yếu của Quân đoàn, tổ chức đột phá thọc sâu vào giải phóng Sài Gòn, đánh chiếm Bộ tổng tham mưu, khu Bộ tư lệnh các binh chủng ở Gò Vấp và chi khu Gia Định.
QĐ 1 thọc sâu giải phóng Sài Gòn và trận đánh ngoài kế hoạch: Kết cục hết sức bất ngờ! - Ảnh 1.
Trên hướng tiến công thứ yếu, quân đoàn sử dụng Sư đoàn 312 được tăng cường binh khí kỹ thuật tiến công chia cắt, ngăn chặn, bao vây cô lập tiến tới tiêu diệt Sư đoàn 5 VNCH, không cho chúng co cụm hoặc rút chạy về Sài Gòn.
Bộ tư lệnh Quân đoàn nhấn mạnh: "Cả hai hướng tiến công đều hỗ trợ cho nhau, cùng thống nhất một mục đích thực hiện nhiệm vụ chính của Quân đoàn là đánh nhanh, đánh mạnh, táo bạo thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu được phân công trong thành phố Sài Gòn".
Về phía Sư đoàn 320B, sư đoàn trưởng Lưu Bá Xảo quyết định:
Sử dụng một phần lực lượng của Trung đoàn 27 kết hợp với bộ đội địa phương tiến công các cứ điểm phòng thủ vòng ngoài, thực hiện mở cửa để đưa lực lượng thọc sâu vào chiến đấu theo hai hướng.
QĐ 1 thọc sâu giải phóng Sài Gòn và trận đánh ngoài kế hoạch: Kết cục hết sức bất ngờ! - Ảnh 2.
Bộ đội Tăng Thiết giáp huấn luyện chiến đấu binh chủng hợp thành.
Hướng chủ yếu: Sử dụng Trung đoàn 48 được tăng cường xe tăng, xe bọc thép và được hỏa lực cấp trên chi viện tổ chức thành mũi thọc sâu bằng cơ giới, có nhiệm vụ phối hợp với đơn vị bạn nhanh chóng thọc sâu vào nội đô đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân đội VNCH.
Toàn bộ lực lượng thọc sâu ngồi trên các phương tiện cơ giới. Đơn vị dẫn đầu đội hình là Tiểu đoàn 1 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Như Hoạt - Anh hùng LLVTND chỉ huy ngồi trên xe tăng, xe thiết giáp và một số ô tô. Tổng số phương tiện cơ giới của hướng này là gần 200 xe.
Hướng thứ yếu: Sử dụng Trung đoàn 27 được tăng cường xe tăng, xe thiết giáp và được hỏa lực cấp trên chi viện tiến công quân địch ở Búng, Lái Thiêu rồi đột nhập nội đô đánh chiếm khu các Bộ Tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp và Chi khu quân sự Gia Định.
Phương châm chung của các mũi hướng thọc sâu là vòng tránh, bỏ qua các mục tiêu nhỏ lẻ để hướng đến mục tiêu chủ yếu. Khi không thể vòng tránh thì sử dụng một lực lượng thích hợp tiêu diệt địch, còn đại bộ phận lực lượng vẫn nhanh chóng cơ động đánh chiếm mục tiêu chủ yếu.
Nói chung, đây là một kế hoạch khá hoàn hảo, đã được Bộ Tư lệnh quân đoàn và các cơ quan dày công xây dựng. Nếu thực hiện đúng, mũi thọc sâu của Trung đoàn 48 sẽ không phải đánh trận nào ở tuyến phòng thủ vòng ngoài mà sẽ dồn toàn bộ lực lượng để đột nhập nội đô và đánh chiếm mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu VNCH.
QĐ 1 thọc sâu giải phóng Sài Gòn và trận đánh ngoài kế hoạch: Kết cục hết sức bất ngờ! - Ảnh 4.
Bộ đội Tăng Thiết giáp huấn luyện chiến đấu.
Tình huống ngoài dự kiến
Sau khi thực hiện cuộc hành quân "Thần tốc" vượt gần 2.000 km từ Ninh Bình vào có mặt tại miền Đông Nam Bộ để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, một trong những khó khăn đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn I là phải tác chiến trên một địa bàn mới lạ, không thông thuộc địa hình, đường sá.
Để giải quyết khó khăn này, Bộ Chỉ huy Miền đã bố trí các đồng chí cán bộ, chiến sĩ người địa phương dẫn đường cho quân chủ lực cơ động. Đội hình hướng thọc sâu của Trung đoàn 48 được một chiến sĩ Biệt động thành dẫn đường.
Đêm 28.4.1975, đội hình thọc sâu bắt đầu xuất phát. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Như Hoạt ngồi trên 1 chiếc xe tăng T-54 dẫn đầu đội hình. Khi đến một ngã ba, anh hỏi người dẫn đường: "Đi đường nào?" thì té ngửa bởi câu trả lời: "Tôi không biết!".
Tiểu đoàn trưởng Hoạt hỏi cho rõ thêm thì được biết: "Là biệt động thành, chỉ biết đường nội đô, còn ngoài này thì chịu!". Thật là một tình huống oái oăm, dẫn đường lại không biết đường. Tình huống ngoài kế hoạch đầu tiên đã xuất hiện.
Sau khi xem xét kỹ trên bản đồ, ngoài thực địa và báo cáo cấp trên, Tiểu đoàn trưởng Hoạt chọn con đường bên trái. Đó là một con đường có vẻ tốt hơn, đủ khả năng cơ động cho xe tăng, xe cơ giới các loại.
Tuy nhiên, không ai nghĩ việc lựa chọn con đường đó đã dẫn đội hình tới thẳng Chi khu quân sự Tân Uyên. Bọn địch ở đây đã tiếp đón mũi thọc sâu rất nhiệt tình, 1 xe tăng K63-85 trúng tên lửa chống tăng bốc cháy, các chiến sĩ trên xe đều hy sinh. Hỏa lực địch còn làm một số bộ binh bị thương.
QĐ 1 thọc sâu giải phóng Sài Gòn và trận đánh ngoài kế hoạch: Kết cục hết sức bất ngờ! - Ảnh 5.
Các chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong ngày chiến thắng.
Không thể vòng tránh, không thể bỏ qua, chỉ còn một lựa chọn duy nhất: Đánh để mở thông đường. Và trận đánh ngoài kế hoạch đã nổ ra.
Sau khi tạm dừng tìm vị trí ẩn nấp tránh hỏa lực địch, qua điện đài tiểu đoàn trưởng Hoạt đã thống nhất phương án tác chiến trong đơn vị và báo cáo cấp trên, đồng thời đề nghị hỏa lực cấp trên chế áp quân địch.
Sau khoảng 10 phút hỏa lực chuẩn bị - trong đó có cả pháo cao xạ 37mm hạ nòng bắn thẳng, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 48 chia thành 3 mũi đồng loạt xung phong đánh chiếm chi khu. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Như Hoạt ngồi trên xe tăng trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên hướng chính diện.
Lúc này, phía VNCH đưa máy bay đến chi viện. Chúng sà xuống ném các loại bom vào đội hình mũi thọc sâu ở phía sau. Tuy nhiên, chúng đã không còn làm chủ bầu trời. Những loạt đạn cao xạ thẳng căng và tên lửa phòng không vác vai A72 đã đánh bật chúng lên cao, hầu hết bom đạn rơi vào chỗ trống.
Sau khoảng 40 phút chiến đấu, quân ta đã hoàn toàn làm chủ chi khu quân sự Tân Uyên, đánh tan Tiểu đoàn bảo an 316, bắt sống tiểu đoàn trưởng và 35 tên khác, thu 25 xe quân sự, 2 pháo 105mm cùng nhiều trang bị khác. Và điều quan trọng nhất: Đường về giải phóng Sài Gòn đã thông!
Ngay lập tức, đội hình mũi thọc sâu tràn lên nhằm thẳng hướng Sài Gòn và trưa 30.4.1975, họ đã làm chủ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu quân VNCH như kế hoạch đã đề ra.
Những tình huống xảy ra ngoài kế hoạch thường là hết sức bất ngờ. Tuy nhiên, nếu cán bộ chiến sĩ có bản lĩnh vững vàng, được rèn luyện thường xuyên thì cũng không phải là điều gì quá đáng ngại.
(Ghi theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Như Hoạt, Anh hùng LLVTND, nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B)
theo Trí Thức Trẻ

Xe tăng Việt Nam vừa hành quân 2.000 km đã đánh thắng oanh liệt: Điều kỳ diệu xảy ra

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |
Xe tăng Việt Nam vừa hành quân 2.000 km đã đánh thắng oanh liệt: Điều kỳ diệu xảy ra
Lữ đoàn xe tăng 203 huấn luyện chiến đấu. Ảnh minh họa.

Đưa xe tăng vào tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam là niềm mơ ước thường trực của các lãnh đạo tại Đại bản doanh cũng như của Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, chiến trường B2 là chiến trường xa hậu phương nhất nên việc tiếp tế gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc đưa các trang bị vũ khí có trọng lượng lớn như xe tăng, xe thiết giáp vào đó lại còn khó khăn hơn nữa.
Phải đến cuối tháng 3 năm 1972, những đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam mới có mặt tại chiến trường này sau khi vượt gần 2.000 km đường dã chiến. Điều kỳ diệu là vừa có mặt, các chiến sĩ xe tăng đã được giao nhiệm vụ chiến đấu ngay và đã chiến thắng oanh liệt trong trận Lộc Ninh.
Ước mơ đã trở thành hiện thực
Với những ưu thế về hỏa lực, sức cơ động và khả năng phòng hộ, xe tăng luôn được đánh giá là lực lượng đột kích quan trọng, nhiều khi là chủ yếu của lục quân.
Vì vậy, đưa xe tăng vào tham gia chiến đấu trên các chiến trường miền Nam là niềm mơ ước luôn thường trực trong tiềm thức các lãnh đạo tại Đại bản doanh cũng như của Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG).
Xe tăng Việt Nam vừa hành quân 2.000 km đã đánh thắng oanh liệt: Điều kỳ diệu xảy ra - Ảnh 1.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do - cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc đưa xe tăng vào chiến trường gặp rất nhiều khó khăn.
Chưa có điều kiện biến ước mơ thành hiện thực song cấp trên vẫn quyết định đưa hàng trăm cán bộ, chiến sĩ xe tăng (XT) hành quân bộ vào B2 từ giữa những năm 60 với hai nhiệm vụ: chuẩn bị chiến trường và nếu có điều kiện thì lấy xe địch đánh địch.
Song song với đó, ở hậu phương, sau khi đánh thắng trận đầu ở Làng Vây (2.1968), đặc biệt là sau chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào thì việc đưa xe tăng vào chiến trường đã được xúc tiến mạnh hơn.
Tháng 11 năm 1971, Tiểu đoàn XT 297 nhận lệnh hành quân vào B3 (Tây Nguyên). Tiếp đó, hai tiểu đoàn 20 và 21 lần lượt nhận lệnh hành quân vào B2 (Miền Đông Nam Bộ). Thời gian tiếp theo, một số đơn vị nữa tiếp tục lên đường vào B1 (Khu Năm) và bổ sung cho B2, B3.
Xe tăng Việt Nam vừa hành quân 2.000 km đã đánh thắng oanh liệt: Điều kỳ diệu xảy ra - Ảnh 2.
Lữ đoàn xe tăng 203 huấn luyện chiến đấu. Ảnh minh họa.
Sau hơn 3 tháng hành quân, vượt gần 2.000 km đường quân sự làm gấp với bao đèo cao, sông sâu dưới sự ngăn chặn quyết liệt của không quân Mỹ, cuối tháng 3 năm 1972, những đơn vị đầu tiên của Tiểu đoàn XT 20 đã đến vị trí tập kết tại phía tây căn cứ Lộc Ninh.
Vậy là ước mơ đưa xe tăng vào chiến trường miền Nam - kể cả nơi xa xôi nhất như B2 đã trở thành hiện thực.
Tham gia đánh trận then chốt mở màn chiến dịch - Đoạt cờ "Đánh giỏi"
Thời điểm đầu năm 1972, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ có 2 hướng chính mà quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH) hết sức quan tâm và tăng cường phòng thủ. Đó là hướng Đường 22 từ Campuchia qua Tây Ninh về Sài Gòn và hướng Đường 13 từ Campuchia qua Lộc Ninh, Bình Long về Sài Gòn.
Phối hợp với các mặt trận khác trong cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ với mục tiêu đề ra là giải phóng một phần các tỉnh Binh Long, Phước Long, Tây Ninh làm nơi đóng trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN).
Đồng thời, đây sẽ là bàn đạp uy hiếp Sài Gòn từ hướng Bắc và Tây Bắc.
Căn cứ vào tình hình mọi mặt Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công địch trên hai hướng. Trong đó, hướng Đường 13 là hướng chủ yếu, hướng đường 22 là hướng thứ yếu. Trận then chốt mở đầu chiến dịch sẽ là trận tiến công căn cứ Lộc Ninh.
Căn cứ Lộc Ninh nằm trên một quả đồi, cách thị trấn Lộc Ninh khoảng 800 mét. Lực lượng VNCH đồn trú ở đây gồm có Sở chỉ huy Chiến đoàn 9, Chi khu quân sự Lộc Ninh, trận địa pháo hỗn hợp, sân bay dã chiến. Tổng quân số khoảng hơn 1.000.
Xe tăng Việt Nam vừa hành quân 2.000 km đã đánh thắng oanh liệt: Điều kỳ diệu xảy ra - Ảnh 4.
Lữ đoàn xe tăng 409 (Quân khu 1) huấn luyện chiến đấu.
Đặc biệt, hệ thống công sự ở đây khá kiên cố, có nhiều hầm bê-tông cốt thép. Xung quanh căn cứ có 5 - 6 lớp rào thép gai xen kẽ bãi mìn chống bộ binh.
Ngoài ra, bảo vệ vòng ngoài căn cứ còn 13 đồn lẻ và có sự chi viện của không quân, pháo binh từ căn cứ Hồng Tâm và Thiết đoàn 1 từ căn cứ Hoa Lư. Đánh giá chung, căn cứ Lộc Ninh là một cụm cứ điểm rất mạnh, quân đông, hệ thống công sự vật cản rất kiên cố, vững chắc.
Để đảm bảo chắc thắng cho trận mở đầu then chốt của chiến dịch, mặc dù xe tăng T-54 chưa vào đến nơi song Bộ Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Huệ vẫn quyết định sử dụng Sư đoàn bộ binh 5 chủ lực của Miền được tăng cường Đại đội XT10, Đại đội cao xạ tự hành (CXTH) 52 cùng một số phân đội hỏa lực khác tiến công căn cứ này vào ngày 5.4.1972.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho trận đánh, Bộ Tư lệnh Miền còn tổ chức các đòn đánh nghi binh bên hướng Đường 22, đồng thời bố trí lực lượng đón lõng phục kích quân địch từ căn cứ Hoa Lư về chi viện cho Lộc Ninh.
Vừa hành quân một chặng đường dài vào đến nơi đã nhận lệnh đi chiến đấu, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn xe tăng 20 đã chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh cấp trên, bắt tay ngay vào tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu.
Một mặt, cán bộ các cấp tham gia đi trinh sát thực địa, một mặt cán bộ chiến sĩ ở nhà trần lưng ra làm công tác kỹ thuật, hiệu chỉnh vũ khí, bổ sung nhiên liệu, đạn dược, đảm bảo cho 9 xe tăng T-54 và 3 xe cao xạ tự hành ZSU-57-2 đều tham gia chiến đấu được.
Có một khó khăn là khi tổ chức cho trưởng xe, lái xe đi trinh sát đường cơ động thì mọi ngả đường đều gặp địch nên bộ đội xe tăng phải đắp bàn cát và tổ chức hiệp đồng với nhau ngay tại vị trí tập kết. Mặc dù vậy, trận đánh vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.
Ngày 5.4.1972, Trung đoàn 2 của Sư đoàn bộ binh 5 bắt đầu tiến công và thực hiện vây lấn địch trong căn cứ.
Ngày 6.4.1972, Thiết đoàn 1 VNCH từ căn cứ Hoa Lư cơ động về giải vây cho Lộc Ninh rơi vào bẫy phục kích, bị tiêu diệt gọn. Trung tá Nguyễn Đức Dương, Thiết đoàn trưởng bị bắt sống.
Đêm 6.4, rạng ngày 7.4, xe tăng cơ động từ vị trí tập kết lên tuyến triển khai. Máy bay AC130 lên không kích chặn đường. Đại đội CXTH 52 nổ súng bắn rơi 1 máy bay AC130, đảm bảo xe tăng đến đích đúng thời gian quy định.
Đúng 5 giờ sáng ngày 7.4.1972, tận dụng kết quả vây lấn của Trung đoàn 2 và hỏa lực chuẩn bị của pháo binh, Trung đoàn BB 3 và Đại đội XT10, Đại đội CXTH52 đồng loạt tiến công trên 2 hướng vào căn cứ Lộc Ninh.
Hết sức bất ngờ vì sự xuất hiện của xe tăng Quân giải phóng (QGP), tinh thần binh lính VNCH "xuống đến gót chân" nên nhanh chóng tan rã.
Vì vậy, chỉ sau hơn 2 giờ chiến đấu QGP đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Lộc Ninh, tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tên địch - trong đó có Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, chỉ huy trưởng Chiến đoàn 9.
Trận Lộc Ninh là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đầu tiên ở chiến trường miền Đông Nam Bộ đã thắng lợi rực rỡ, mở ra một trang sử mới trong hoạt động tác chiến tại chiến trường này.
Riêng Đại đội XT10, sau trận này được Bộ chỉ huy Miền tặng cờ "ĐÁNH GIỎI".
theo Trí Thức Trẻ

Tình huống hy hữu trên đường xuất kích của xe tăng VN: Trúng mìn - Số "đen" thì phải chịu!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |
Tình huống hy hữu trên đường xuất kích của xe tăng VN: Trúng mìn - Số "đen" thì phải chịu!
Lữ đoàn xe tăng 201 tham gia diễn tập hiệp đồng quân binh chủng với Sư đoàn bộ binh 3, Quân khu 1. Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn

Tráng từ từ mở mắt ra rồi nhỏm dậy, lẩm bẩm: "Xe tôi bị mìn phải không anh?". Toàn xác nhận rồi nhắc Trường: "Vào xe xem có cậu nào làm sao không?"

Lệnh hành quân cấp tốc...
Tại chân Động Truồi, sau khẩu lệnh "Dỡ cố định!", cả 5 xe tăng của Đại đội xe tăng 4, Lữ đoàn 203 nhanh chóng chặt, tháo dây cố định và ném tất cả những gì vướng víu trong xe, ngoài xe xuống vệ đường.
Các pháo hai Khoái và Lực được giao nhiệm vụ trông giữ đồng đồ này. Dỡ cố định xong, toàn đại đội nhanh chóng xuất kích lên chiếm "tuyến triển khai".
Đội hình đại đội thành một hàng dọc. Đi đầu là xe 386 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, tiếp đó là 381 của trung đội trưởng Trung đội 1 Mai Hồng Trị, 380 của trưởng xe Nguyễn Đình Luông, 387 của trung đội trưởng Trung đội 2 Phạm Xuân Tráng, cuối cùng là 390 của chính trị viên Vũ Đăng Toàn.
Con đường 14 đoạn này nhỏ hẹp như một con đường độc đạo, chỉ vừa hai băng xích xe tăng nhưng các xe vẫn không giảm tốc độ vì pháo hỏa chuẩn bị đã bắt đầu rồi.
Tình huống hy hữu trên đường xuất kích của xe tăng VN: Trúng mìn - Số đen thì phải chịu! - Ảnh 1.
Húc đổ cổng Dinh Độc Lập, xe tăng QGP đánh chiếm mục tiêu quan trọng bậc nhất.
... nhưng "số nhọ"
Dỡ cố định chậm hơn một chút nên hai xe 387 và 390 chạy sau đội hình chính hơi xa. Trong khi xe 386 và hai xe của trung đội Một bắt đầu rẽ lên sườn đồi thì xe của Tráng mới đến khúc cua cách đó gần năm trăm mét, Tráng giục lái xe Thanh: "Chạy nhanh lên chứ! Sao bỏ xa đội hình thế kia?".
Tình huống hy hữu trên đường xuất kích của xe tăng VN: Trúng mìn - Số đen thì phải chịu! - Ảnh 2.
Lái xe Thanh nghiến răng tống số bốn và tăng ga, chiếc xe lao đi phăm phăm, ngay cả khi vào cua nó cũng chỉ hơi giảm tốc độ. Bỗng tất cả trước mắt Thanh tối sầm, một tiếng nổ dữ dội vang lên ngay dưới bụng xe, Thanh cảm thấy không thể điều khiển được chiếc xe nữa và gục đầu xuống kính lái.
Vừa giục lái xe tăng tốc độ xong, trưởng xe Tráng nhổm hẳn người chống hai tay lên cánh cửa trưởng xe để quan sát. Bỗng có một mãnh lực nào đó hất tung anh lên và ném xuống buồng truyền động phía sau.
Từ phía sau chính trị viên Vũ Đăng Toàn thấy một quầng bụi trùm kín xe Tráng, anh biết xe 387 đã vướng mìn nên giục lái xe Tập tăng tốc độ. Xe vừa dừng đằng sau xe 387 Toàn đã hô: "Tất cả xuống xe xem bên 387 có ai việc gì không?".
Tình huống hy hữu trên đường xuất kích của xe tăng VN: Trúng mìn - Số đen thì phải chịu! - Ảnh 3.
Những người lính trên xe tăng 390 và 843 là cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng giải phóng có mặt sớm nhất ở Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Francoise Demulder, Bảo tàng LSQS.
Toàn và pháo hai Trường là những người xuống xe đầu tiên. Cả hai giật mình khi thấy Tráng nằm bất động trên buồng truyền động, còn hai chiến sĩ công binh bị hất khỏi xe đang rên rỉ bên vệ đường. Trèo lên xe Toàn vỗ mạnh vào vai Tráng: "Tráng! Tráng! Tỉnh lại đi!"
Tráng từ từ mở mắt ra rồi nhỏm dậy, lẩm bẩm: "Xe tôi bị mìn phải không anh?". Toàn xác nhận rồi nhắc Trường: "Vào xe xem có cậu nào làm sao không?".
Pháo hai Trường chui vào trong xe. Trong buồng chiến đấu khói bụi chưa tan hết nhưng vẫn nhìn thấy pháo thủ Phong đang nằm gục đầu trên hộp điều khiển pháo, pháo hai Thành ngồi dựa lưng vào thành xe, còn lái xe Thanh gục đầu vào kính lái, cả ba đều bất tỉnh nhân sự.
Trường vội lay gọi Thành, rồi Phong. Cả hai đều mở mắt nhưng ngơ ngác không hiểu điều gì đã xảy ra. Lúc này cả lái xe Tập, pháo thủ Nguyên cũng đã trèo lên xe và đang kéo lái xe Thanh ra ngoài.
Phải mất mấy phút cả xe 387 mới định thần lại được. Nhìn xuống mặt đường dưới bụng xe thấy hai cái hố nằm cạnh nhau. Thì ra đây là một cặp 2 quả mìn chứ không phải một quả riêng lẻ.
Cặp mìn "đúp" đã làm bay cả trục bánh dẫn hướng và hơn chục mắt xích, sức mạnh của nó làm bật khóa cửa an toàn nên cả Thanh, Thành và Phong đều bị sức ép. Phong còn bị cửa an toàn đập vào làm gẫy xương cẳng chân. Riêng có Tráng bị hơi thuốc nổ hất ra ngoài nhưng chỉ bị choáng nhẹ.
Nhìn lên trời không thấy hỏa lực chuẩn bị nữa Toàn vội nói: "Tớ phải đi ngay. Tráng ở đây lo khắc phục và đưa anh em đi viện nhé!". Ngay sau đó xe 390 tìm đường vòng tránh vượt lên tham gia chiến đấu.
Sau khi xe 390 đi khỏi, trưởng xe Tráng vội tổ chức đưa Thành và Phong đi quân y, "cũng may có một số anh em công binh đi cùng chứ nếu không chẳng biết trông cậy vào ai" Tráng thầm nghĩ.
Tình huống hy hữu trên đường xuất kích của xe tăng VN: Trúng mìn - Số đen thì phải chịu! - Ảnh 5.
Từ trái qua phải,Vũ Đăng Toàn, Ngô Sĩ Nguyên, Lê Văn Phượng, Nguyễn Văn Tập bên xe tăng 390 đang trưng bày tại Dinh Thống Nhất.
Đưa thương binh đi xong xuôi, trưởng xe Tráng bảo lái xe Thanh: "Nghiên cứu xem có khắc phục được không?"
Sau cơn choáng lúc đầu giờ lái xe Thanh đã tỉnh hẳn, cậu ta chui xuống gầm xe quan sát và phát hiện ra hai cái hố. Thì ra đây là hai quả mìn chôn khá gần nhau, khi xích xe đè lên quả này nổ đã kích nổ cả quả thứ hai ở giữa bụng xe nên mới bẻ gãy khóa cửa an toàn được.
Về mặt lý thuyết thì trong trường hợp này có thể không cần đến bánh dẫn hướng mà nối xích vòng qua bánh chịu nặng cũng có thể cơ động tạm thời được để đưa xe về vị trí trạm kỹ thuật sẽ khắc phục sau. Đã được học về điều đó nên lái xe Thanh quyết định sẽ làm như vậy.
Thanh chui vào xe ấn nút khởi động. Thấy động cơ vẫn làm việc cậu phấn khởi lắm và bảo Tráng: "Bây giờ ta nối xích qua bánh chịu nặng thứ nhất là vẫn có thể chạy được!". Tráng lập tức đồng ý.
Thế là hai anh em cởi trần ra cắt xích, nối xích mất gần một tiếng thì xong. Băng xích bên trái không có bánh dẫn hướng trông thật buồn cười, "y như thằng cụt chân", Thanh nghĩ bụng vậy.
Sau khi nhìn ngó trước sau, Tráng xoa hai bàn tay lấm lem dầu mỡ vào nhau và bảo: "Tiến lên, lùi lại một tý xem có điều khiển được không?". Sau đó anh ra trước đầu xe để chỉ huy.
Thanh nổ máy, vào số rồi cho xe tiến lên độ ba mét thì dừng lại gật gật đầu ra ý tốt. Tráng cũng gật đầu rồi xoè bàn tay ra đẩy về phía sau. Thanh gài số lùi, thả ly hợp, cậu kéo cần lái thử xem xe có chuyển hướng theo không, cái đầu cậu ta vẫn gật gà gật gù ra chiều đắc ý lắm.
Bỗng "ầm" một tiếng, một đụn khói từ phía sau xe bốc lên trùm kín chiếc xe, hơi thuốc nổ đẩy Tráng nằm ngã ngửa "tênh hênh" xuống mặt đường. Lái xe Thanh mặt tái mét, cậu không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao nữa.
Đến lúc khói đã tan, hai anh em cũng đã trấn tĩnh được mới dám lò mò ra phía sau quan sát: cả cái bánh chủ động và gần chục miếng xích đã bị quẳng đi đâu mất. Ngay chỗ đó là một cái hố toang hoác đang ngún khói.
Thủ phạm gây ra tiếng nổ và làm bay bánh chủ động của xe là quả mìn thứ ba. Ngồi phịch xuống mặt đường đầy bụi Tráng ngao ngán than: "Đúng là số ăn mày! Ba xe kia nó đi trước có sao đâu, đến xe mình thì lại bị. Đã thế lại bị những ba quả thì còn gì là xe nữa?"
Thật là "may hơn khôn! Số đã nhọ rồi thì phải chịu thôi". Nhưng quả thật cũng là một tình huống hy hữu: Vẫn con đường độc đạo đó, 3 xe 386, 381, 380 đi trước không sao mà xe thứ tư lại bị. Và không chỉ 1 quả!
theo Trí Thức Trẻ

Đầu xuân 1975, quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc

B.T sưu tầm, SGK Sử 9 |
Đầu xuân 1975, quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc

Tận dụng ưu thế và thời cơ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị quyết định mở một loạt chiến dịch mùa xuân năm 1975, tiến tới thống nhất đất nước.

Chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam
Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976.
Kế hoạch giải phóng đề ra là hai năm, nhưng Bộ Chính trị lại nhấn mạnh: "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975". Bộ Chính trị cũng phân tích rõ sự cần thiết tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hoá..., giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
Đầu xuân 1975, quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc - Ảnh 1.
Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh Xuân 1975
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975
Thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam, ta tập trung chủ lực mạnh với vũ khí, kĩ thuật hiện đại, mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên – địa bàn chiến lược quan trọng. Trong trận then chốt mở màn ở Buôn Ma Thuột ngày 10 - 3 - 1975, ta đã nhanh chóng giành thắng lợi. Ngay 12 - 3 - 1975, địch phản công định chiếm lại Buôn Ma Thuột, nhưng không thành. Hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên rung chuyển. quân địch mất tinh thần, hàng ngũ rối loạn.
Ngày 14 - 3 - 1975, địch rút toàn bộ quân khỏi Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung. Trên đường rút chạy, chúng bị quân ta truy kích tiêu diệt. Đến ngày 24 - 3 - 1975, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng.
Đầu xuân 1975, quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc - Ảnh 2.
Lược đồ chiến dịch Tây Nguyên
Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh, hết sức thuận lợi ngay khi chiến dịch Tây Nguyên đang tiếp diễn, Bộ Chính trị có quyết định kịp thời thực hiện kế hoạch giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, trước tiên tiến hành chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng.
Ngoy 21 - 3, quân ta đánh thẳng vào căn cứ địch ở Huế, chặn các đường rút chạy của chúng, hình thành thế bao vây địch trong thành phố. Đúng 10 giờ 30 ngày 25 - 3, quân ta tiến vào cố đô Huế; đến ngày 26 – 3, giải phóng thành phố và toàn tỉnh Thừa Thiên.
Đầu xuân 1975, quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc - Ảnh 3.
Quân giải phóng tiến vào cố đô Huế
Cùng thời gian này, quân ta tiến vào giải phóng thị xã Tam Kì, Quảng Ngãi, Chu Lai... tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía nam.
Đầu xuân 1975, quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc - Ảnh 4.
Lược đồ chiến dịch Huế - Đà Nẵng
Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, một căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của Mĩ và quân đội Sài Gòn, rơi vào thế cô lập. Sáng 29 – 3, quân ta từ ba phía bắc, tây, nam tiến thẳng vào thành phố. Đến 3 giờ chiều, toàn bộ thành phố Đà Nẵng được giải phóng.
Đầu xuân 1975, quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc - Ảnh 5.
Các đơn vị thần tốc tiến về giải phóng Xuân Lộc, mở cửa ngõ phía đông Sài Gòn
Trước khi bắt đầu chiến dịch giải phóng Sài Gòn (mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh), quân ta tiến công Xuân Lộc và Phan Rang – những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.
Đầu xuân 1975, quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc - Ảnh 6.
Lược đồ chiến dịch Hồ Chí Minh
Trước việc tuyến phòng thủ bị chọc thủng (Phan Rang 16 - 4, Xuân Lộc 21 - 4), nội bộ Mĩ và quân đội Sài Gòn càng thêm hoảng loạn. Ngày 18 - 4 Tổng thống Mĩ ra lệnh di tản hết người Mĩ khỏi Sài Gòn Ngày 21 – 4, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống.
5 giờ chiều 26 - 4, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân cùng lúc vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng.
Đầu xuân 1975, quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc - Ảnh 7.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30 – 4 – 1975
10 giờ 45 phút ngày 30 - 4, xe tăng của ta tiến thẳng vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Chính phủ Trung ương Sài Gòn, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc tòa nhà Phủ Tổng thống, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau giải phóng Sài Gòn, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại, thừa thắng nhất tề đứng lên tiến công và nổi dậy. Đến ngày 2 - 5, tỉnh cuối cùng ở miền Nam được giải phóng là tỉnh Châu Đốc. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 kết thúc thắng lợi.
Đầu xuân 1975, quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc - Ảnh 8.
Lược đồ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975
Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954 - 1975)
Ý nghĩa lịch sử
Cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước thắng lợi đã kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mĩ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945; chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở nước ta. Trên cơ sở đó, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước mở ra kỉ nguyên mới cho lịch sử dân tộc – kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của nhân dân ta, thất bại của đế quốc Mĩ đã tác động mạnh đến tình hình nước Mĩ và thế giới, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, nhất là đối với phong trào giải phóng dân tộc.
Đầu xuân 1975, quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc - Ảnh 9.
Nhân dân Sài Gòn mít tinh mừng đất nước thống nhất
Thắng lợi đó "Mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".
Nguyên nhân thắng lợi
Cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước thắng lợi nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đường lối tiến hành đồng thời cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Nhân dân ta ở hai miền đoàn kết nhất trí, giàu lòng yêu nước, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà. Hậu phương miền Bắc không ngừng lớn mạnh, có khả năng đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc chiến đấu ở hai miền.
Thắng lợi đó là nhờ có sự phối hợp chiến đấu, đoàn kết giúp đỡ nhau trong đấu tranh chống kẻ thù chung của ba dân tộc ở Đông Dương; sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các lực lượng cách mạng, hoà bình, dân chủ trên thế giới, nhất là của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét