Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 167 (Nguyễn Tư Hoan)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Nguyễn Tư Thoan và vụ nội gián cài vào TW - Chuyện về vị Bí thư Quảng Bình có thời từng bị quên lãng

CÔNG BẰNG CHO MỘT NGƯỜI ĐÃ KHUẤT


Sep 23, 2012 5:01 PMPublicPageviews 2665
Trackback from
"CÔNG BẰNG CHO MỘT NGƯỜI ĐÃ KHUẤT" là tựa đề bài viết của hai nhà báo lão thành cách mạng Hữu Thọ và Nguyễn Sinh. trong đó ông Hữu Thọ nguyên là UVTƯ, nguyên trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương , nguyên trợ lý tổng bí thư, viết về Người đã khuất.

     Hoài nhớ xin trân trọng giới thiệu đến mọi người cùng xem.

Ngoài ra 
" Lời tâm tình gửi đến anh.... " của Ông Lại Văn Ly nguyên trưởng ty GTVT- Quảng Bình, nguyên bí thư thị ủy Đồng Hới, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên và Nhà văn Trần Công Tấn, hôi viên hội nhà văn Việt nam, tổng biên tập báo cao su là những tình cảm thân thương quý trọng gửi đến người đã khuất, cũng như khắc họa chân dung Ông, cung cấp cho người đọc một cái nhìn toàn diện hơn về Ông để thông cảm sẽ chia với cuộc đời ông...một ẩn số chưa có lời giải.

                                                                         *********
                                                                                                               
     Người đó là ông Nguyễn Tư Thoan, cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.
Hai chục năm sau ngày ông qua đời, một số cán bộ từng đóng vai trò chủ chốt trong tỉnh, nay ở tuổi bảy, tám mươi, đã tìm gặp lại nhau, bàn bạc cho ra đời một cuốn sách nói về ông. Sách có tên: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời đất lửa đã được nhà xuất bản Thuận Hóa in và phát hành vào đầu năm 2011.
Bằng nhiều mẩu chuyện thật, một số bài thơ và ảnh, sách dựng lại chân dung một con người dũng mãnh, quyết đoán, sống hết mình vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng.
Năm 1946, theo lời kể trong cuốn sách, Nguyễn Tư Thoan được chi bộ địa phương (xã Hoàng Hoa Thám, nay là xã Hoa Thủy, Huyện Lệ Thủy) kết nạp vào Đảng. Năm 1947, thực dân Pháp đánh chiếm Quảng Bình, người đảng viên trẻ được cử làm cán bộ Công an huyện, sau đó ít lâu trúng cử vào Huyện ủy phụ trách Quân sự.
Năm 1949 - 1950, Tỉnh ủy Quảng Bình điều ông sang làm Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh. Là huyện lớn, nằm quanh Thị xã Đồng Hới, lúc đó đang bị địch đánh phá dữ dội. Nguyễn Tư Thoan tự mình tìm hiểu tình hình bằng cách luồn sâu vào các thôn xã bị địch tạm chiếm. Ông thấy tình hình trong huyện quả thật hết sức khó khăn. Nhưng khó khăn không phải do địch quá mạnh hay nhân dân giảm sút lòng tin ở kháng chiến. Chính là do một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút tinh thần, bỏ đất, bỏ dân, chạy tuốt lên chiến khu tận chân núi Trường Sơn. Trong một cuộc họp Huyện ủy có Bí thư Tỉnh ủy về dự, ông nói thẳng suy nghĩ của mình và đề xuất một sáng kiến táo bạo: đốt chiến khu. Đốt sạch lán trại, hầm hào, vật nuôi, cây trồng…, cho cán bộ, đảng viên và một số đơn vị bộ đội địa phương “xuống núi” bám đất, bám dân. Đề nghị của ông được hội nghị chấp nhận và ghi vào Nghị quyết của Huyện ủy. Cuộc “đốt chiến khu” bắt đầu từ đêm 15 tháng 7 năm 1949 trở thành ngày Quảng Bình quật khởi, được ghi vào lịch sử của tỉnh này. Tình hình huyện Quảng Ninh từ đó thay đổi hẳn. Lòng dân phấn chấn, địch co cụm trong đồn bốt, tề ngụy ra đầu hàng hoặc nằm im…
Năm 1951 – 1952, ông Nguyễn Tư Thoan trở thành Phó bí thư Tỉnh ủy, được Hội đồng nhân dân tỉnh bầu làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến, Hành chính tỉnh. Từ tháng 3 năm 1959 ông là Bí thư Tỉnh ủy.
Mười năm hòa bình, chưa kịp gắn lành vết thương chiến tranh, Quảng Bình lại bị đẩy vào cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chọn vùng đất hẹp nhất, hiểm trở nhất, lắm sông, nhiều bến phà, cầu, cống…Kẻ thù muốn dốc hết các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, kể cả pháo đài bay B52, hòng bịt chặt con đường huyết mạch nối hậu phương với tiền tuyến. Được Tổ quốc giao nhiệm vụ chiến đấu, nhân dân Quảng Bình sẵn sàng. Nguyễn Tư Thoan, một lần nữa xứng đáng là vị Tư lệnh tài ba, đầy bản lĩnh.
Nhân dịp Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 100, Hồ Chủ Tịch gửi thư khen. Trong thư Bác có câu: “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Nguyễn Tư Thoan chộp ngay ý đó. Ông đề nghị với Tỉnh ủy phát động một phong trào thi đua rầm rộ đặt tên là Hai giỏi. Trong suốt những năm ấy, Hai giỏi đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn, đủ sức chống chọi với kẻ thù tàn bạo. Quãng đường, bến phà chạy qua xóm thôn nào thì nhân dân xóm thôn đó cùng với lực lượng công binh, thanh niên xung phong, công nhân giao thông lo bảo vệ. Hàng hóa trước khi vào Nam được rải khắp nơi, chỉ có nhân dân bảo vệ mới không bị mất mát, hư hao. Từ đó ra đời những câu ca như “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “đường chưa thông, không tiếc máu” hoặc“cho không lấy, thấy không xin, của công giữ gìn, của rơi trả lại”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thường có mặt ở những nơi bị đánh phá ác liệt nhất (gọi là “trọng điểm”). Khi bến phà sông Gianh bị máy bay Mỹ đánh rát, bị tắc hàng tháng trời. Chính ông đã cùng Bí thư Huyện ủy huyện Bố Trạch, Huyện ủy Quảng Trạch, Trưởng ty Giao thông đến tận nơi. Ban ngày nói chuyện cách đánh của máy bay địch, cách chống trả của ta, tìm chỗ yếu, chỗ mạnh…Tối đến, ông khoác tấm dù trắng đứng trên mố phà phía nam, để công nhân yên tâm cho phà rời bến. Đêm đó, địch vẫn thả đèn dù, vẫn đánh mạnh, ta cứ chạy phà theo kế hoạch đã bàn. Hơn chục chuyến phà mang theo xe chở đầy hàng vượt sông Gianh rộng hơn cây số. Từ đó phà hết tắc…
Những lần đến “trọng điểm” như vậy, được ông Nguyễn Tư Thoan đúc kết, tạo ra các bài học “Hai giỏi” để phổ biến khắp toàn tỉnh.
Năm 1968, tổng kết phong trào thi đua Hai giỏi, Quảng Bình được Đảng và Nhà nước tôn vinh: “ngọn cờ đầu thắng Mỹ”, được tặng thưởng hai Huân chương Độc lập. Một vinh dự hiếm có lúc bấy giờ.

*  *  *

Quảng Bình nghèo, dân ăn khoai ăn sắn nhiều hơn ăn gạo. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình ngày đêm lo nghĩ về việc đó. Đi đến đâu, ở cuộc họp nào, ông cũng nhắc đi nhắc lại câu: “Vác rá ra Trung ương xin gạo là nỗi nhục, phải cố lên mà xóa đi”. Muốn xóa nhục, phải dốc sức làm thủy lợi. Tỉnh ủy đã có nghị quyết. Nhưng dưới các trận mưa bom, làm thủy lợi không dễ, chưa kể đến thiếu tiền, thiếu vật tư, kỹ thuật…Chính trên mặt trận này, Nguyễn Tư Thoan cũng là người đi đầu. Ông cùng với các cán bộ kỹ thuật của Ty Thủy lợi đi tìm nơi xây dựng công trình, tham gia khảo sát góp ý kiến với họ về tổ chức thi công, làm sao để vừa tăng năng suất, vừa bảo toàn được lực lượng lao động. Một loạt đập, hồ như Đá Mài, Tiên Lang, Đập Bẹ, Cẩm Ly, Vực Tròn, Mỹ Trung đã ra đời. Nổi tiếng nhất là Đập Rào Nan ở huyện Quảng Trạch, công trình ngăn nước mặn, cứu đói, cứu khát cho hơn vạn dân. Công trình được làm xong vào năm 1969, đến nay, sau hơn 40 năm sử dụng vẫn tốt nguyên. Dân các xã phía nam huyện Quảng Trạch vẫn gọi là đập Ông Thoan và xin được góp công, góp của để xây ngôi miếu thờ ông.

*  *  *

Con người được nhân dân tôn thờ như vậy, lúc còn sống, còn làm việc lại là người rất giản dị, thanh khiết. Ông có bảy người con, ba trai, bốn gái. Hai người con trai lớn khi đến tuổi đều gia nhập quân đội. Một  người là chiến sĩ trinh sát, thương binh nặng, nay đã mất. Một là chiến sĩ Hải quân, thuộc đường mòn trên biển. Gần như suốt đời ông và gia đình sống chung trong nhà tập thể cơ quan. Đến lúc về hưu mới tự làm lấy ngôi nhà nhỏ hai gian bằng gỗ ở Cộn (xã Nghĩa Ninh). Ông ra đi không để lại gì đáng kể cho vợ con, ngoài tấm gương sáng là chính mình.

*  *  *

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời đất lửa” ra đời. Các tác giả, đồng chí, bạn cũ của ông muốn gừi vào đó lời ca ngợi, nỗi day dứt từ bấy lâu nay.
Năm 1974, Nguyễn Tư Thoan được gọi ra Hà Nội, bị đưa ra khỏi Đảng, chuyển sang làm chuyên viên ở Ban Nông nghiệp Trung ương một thời gian trước lúc về hưuLý do duy nhất là “có vấn đề về lịch sử cá nhân” trước Cách mạng tháng Tám. Lý do đó, nếu có, là dấu nhọ của phần đời quá khứ, đã bị chính ông Thoan cắt lìa, vứt bỏ hoàn toàn sau khi được giác ngộ. Từ đó ông là con người hoàn toàn khác, con người của cách mạng, toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng. Vì không được phổ biến công khai cho nên mãi đến bây giờ vẫn còn lơ lửng ở nơi này nơi nọ những tiếng xì xầm về “tên gián điệp của đế quốc leo cao đến tận chức Bí thư Tỉnh ủy”.  Công lao to lớn Nguyễn Tư Thoan cống hiến cho Quảng Bình trong chiến tranh, trong xây dựng gần như bị lãng quên. Dù đã muộn, nhưng chưa quá muộn, chúng ta nên ngoảnh lại, tìm sự công bằng cho con người đáng được tin yêu, kính trọng đó. Ghi công cho ông, truy tặng những gì ông đáng được. Trên hết khôi phục cho ông danh hiệu cao quý: đảng viên. Đó là nguyện vọng chung của đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình và gia đình ông.
Là phóng viên báo Nhân dân thường trú tại Quảng Bình, Vĩnh Linh trong thời đánh Mỹ, hai chúng tôi, những người viết bài này, biết ông Nguyễn Tư Thoan và đóng góp lớn lao của ông cho tỉnh Quảng Bình, cho cả nước, chúng tôi xin được góp thêm tiếng nói đồng tình./.

Hà Nội, tháng 4 – 2011
       Hữu Thọ và Nguyễn Sinh
Lời tâm tình đối với ANH NGUYỄN TƯ THOAN

I. Anh Nguyễn Tư Thoan là một cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình qua hàng chục năm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Anh đã từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy, trong thời gian lâu nhất so với các đồng chí khác. Theo tôi hiểu, do những lý do sau đây:
- Trong công tác lãnh đạo, anh Thoan biết nắm bắt đường lối chủ trương của Đảng một cách kịp thời. Là người lãnh đạo có bản lĩnh và kiên định lập trường cách mạng.
- Biết vận dụng các Nghị quyết của Trung ương vào đặc điểm tình hình địa phương một cách sáng tạo.
- Thường xuyên đi sát cơ sở, phát hiện cái mới, biết tổng kết đúc rút kinh nghiệm công tác trong từng thời kỳ.
Đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, anh Thoan luôn xông xáo gan dạ. Trên các mặt trận chiến đấu, sản xuất, giao thông, thủy lợi, chi viện cách mạng miền Nam…đều mang tính chiến đấu cao, có những quyết định đúng đắn, đã góp phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng Quảng Bình thành quê hương của phong trào thi đua “Hai giỏi”, được cả nước tin yêu.
Những ưu điểm cơ bản của anh Thoan đã truyền cảm cho cán bộ đảng viên trong tỉnh tư tưởng tiến công cách mạng, tăng thêm cho họ sức mạnh chiến đấu, vượt qua mọi gian nguy thử thách. Bản thân tôi đã được học tập ở anh Thoan nhiều điều bổ ích trong công tác.

II. Trong quá trình lãnh đạo, anh Thoan thường nghiêm khắc đối với những biểu hiện tiêu cực hoặc cố ý làm sai ý kiến lãnh đạo của Tỉnh ủy, nên có những người bị đụng chạm cá nhân, qui kết cho anh là mất dân chủ, độc đoán, đâm ra bất mãn, nói bậy.
Hơn nữa, lúc đó có những kẻ cơ hội, lợi dụng, kích động, cố tình xuyên tạc, cốt làm mất uy tính của anh Thoan hòng chia rẽ nội bộ.
Nhưng tôi thiết nghĩ, những điều đó không thể phủ nhận được công lao cống hiến của anhThoan đối với nhân dân Quảng Bình và đối với sự nghiệp cách mạng.

III. Anh Thoan ơi! Hôm nay ghi lại mấy lời tâm sự, biểu thị tình cảm thân thương và kính mến đối với anh.
Xin cầu chúc hương hồn anh Nguyễn Tư Thoan được siêu thoát ở cõi vĩnh hằng./.

                                                                                                                               LạiVănLy
ANH THOAN ƠI!

Những ngày Mỹ đánh phá rất dữ dội vào mảnh đất hẹp Quảng Bình. Trên trời thì máy bay Mỹ lao vun vút, bay đi ném bom. Ngoài biển thì hạm tàu Mỹ bắn đại bác vào, cứ ầm ầm tiếng bom đạn nổ suốt đêm, ngày. Tuy vậy, Hội Nhà văn vẫn cử một đoàn vào với Quảng Bình do anh Chế Lan Viên dẫn đầu. Anh Chế nói: “Mình muốn đưa đoàn đến thăm anh Thoan. Nghe anh này cũng yêu thơ và có làm thơ. Nhưng ngại anh bận. Tấn xem, thăm dò thử, có nên đến Tỉnh ủy không. Ngại quấy rầy các anh lãnh đạo”…
Tôi đến Tây Thành, nơi sơ tán của Tỉnh ủy gặp anh Thoan, nói với anh ý định của nhà thơ Chế Lan Viên. Anh Thoan hỏi đoàn có mấy người, ngoài nhà thơ Chế Lan Viên còn những ai. Tôi kể đoàn có sáu người, thơ thì có thêm anh Phạm Hổ, chị Anh Thơ. Văn thì có anh Bùi Hiển, Võ Huy Tâm, Nguyễn Kiên…
Anh Thoan tỏ vẻ vui mừng, kêu lên: “Trời ơi! Toàn là những nhà văn, nhà thơ lớn, nổi tiếng. Có yêu quý Quảng Bình lắm họ mới tìm đến với chúng ta trong lúc bom đạn này. Đáng lẽ tôi phải xin đi gặp để thăm các anh chị ấy”. Nói rồi, anh Thoan bàn với Chánh văn phòng Phan Xuân Thiết: “Ta phải chuẩn bị đón đoàn văn nghệ sĩ vào chiều mai. Không có gì tặng thì ta chuẩn bị biếu các anh chị ấy một ít nón “bài thơ” tốt nhất, đẹp nhất của quê hương Quảng Bình”…
Khi tôi chào ra về, anh hãy còn vẫy lại hỏi: “Các anh chị ấy có khỏe không. Đã đi được những đâu trong tỉnh. Anh Tấn nên qua bên Ban bảo vệ sức khỏe, xin một ít thuốc bổ biếu họ dưỡng sức, như tìm được ít cao khỉ, ban long, hà sa đại táo, sâm viên, sâm bột gì đó chẳng hạn… Anh nói với Ban là tôi muốn xin để bồi dưỡng sức khỏe các anh chị nhà văn, nhà thơ ở Trung ương vào công tác”.
Việc quan tâm của anh Thoan đối với văn nghệ sĩ, tôi không ngạc nhiên lắm. Bởi vì mấy năm đánh Mỹ sống ở Quảng Bình, anh Thoan đã có ý kiến với Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh để cấp cho Xuân Hoàng và tôi sổ mua hàng, gọi là “sổ văn nghệ sĩ”, có tiêu chuẩn đặc biệt để mua các loại hàng cần thiết mà khan hiếm như đường, sữa, trà, thuốc lá…Lại còn cấp sổ khám sức khỏe riêng và thuốc bổ do Ban bảo vệ sức khỏe cấp. Ngay cái chỗ ngồi khi họp hành anh cũng có ý kiến với văn phòng sắp xếp cho hai nhà văn, thơ của tỉnh được ngồi cùng chỗ với Thường vụ tỉnh ủy.
Cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với anh Chế Lan Viên của bí thư tỉnh ủy diễn ra thật cảm động. Anh chị em trong đoàn chỉ nghe trên đài phát thanh và báo chí ca ngợi người bí thư tỉnh ủy dũng cảm, năng động, sáng tạo…lãnh đạo hàng chục vạn quân, dân Quảng Bình sản xuất và đánh giặc giỏi, nhưng chưa bao giờ biết tình cảm riêng của anh Thoan và tâm hồn nghệ sĩ của anh. Họ rất ngạc nhiên khi anh Thoan thuộc lòng những bài thơ trong tập “Điêu tàn” của Chế Lan Viên và “Bức tranh quê” của chị Anh Thơ. Lại còn thuộc cả thơ của Phạm Hổ viết cho thiếu nhi. Anh Thoan cảm ơn riêng anh Chế Lan Viên và Bùi Hiển đã ra, vào nhiều lần và bám trụ những vùng ác liệt ở Quảng Bình – Vĩnh Linh để sáng tác. Anh Thoan nhắc đến truyện ngắn “Nằm Vạ” của anh Bùi Hiển và nói vui: “Cảm ơn anh Bùi HIển đã vào “nằm vạ giữa bom đạn” cùng chia sẻ gian khổ với chúng tôi”.
Mọi người vỗ tay cười vui. Anh Chế Lan Viên, Phạm Hổ, chị  Anh Thơ đọc mấy bài thơ vừa sáng tác ở Quảng Bình. Trong không khí vui vẻ đó, anh Thoan cũng xin đọc thơ. Mọi người chăm chú lắng nghe anh Thoan đọc bài thơ anh mới làm viết về đồng chí bí thư chi bộ xã Thạch Hóa. Đó là bài thơ “Nhớ đồng chí Phùng”
Bài thơ dài, có đoạn như sau:
                   Cùng bí thư xã, ra đồng thăm lúa
                   Trên miệng hố bom lúa đứng thẳng hàng
                   Tôi hỏi: “Lúa đội mô mà tốt rứa?”
                   Đồng chí trả lời: “Của đội Hồng Sơn
                   “Đội ni, trước đây gian nan, khổ lắm
                   Nửa ở trên bờ, nửa ở dưới sông
                   Lương, giáo hai chòm chưa hợp lại
                   Kẻ xuôi người ngược khá long đong”
                   Rồi chi bộ cử đồng chí Phùng phụ trách
                   Đoàn kết giáo lương, gắn bó chân tình
                   Tất cả đều bám làng chiến đấu
                   Bám hố bom sản xuất thâm canh…
Đọc đến đoạn anh Phùng bị bom Mỹ giết chết và sự tiếc thương của nông dân, giọng anh Thoan như nghẹn lại, mắt anh rưng rưng làm người nghe đều xúc động…
Trên đường về nơi nghỉ, anh Chế Lan Viên nói: “Hoàng và Tấn về thâm nhập sáng tác ở Quảng Bình, nơi đồng chí bí thư có tâm hồn nghệ sĩ như vậy, thì thật là hạnh phúc”.
Đúng với tôi, anh Thoan là người chân tình chăm sóc. Không chỉ riêng việc nhắc nhở các bác sĩ, các cán bộ tổ chức chăm sóc sức khỏe và điều kiện sinh hoạt trong chiến tranh của chúng tôi, mà riêng với tôi, anh quan tâm đến từng trang viết trong tác phẩm của tôi. Nghe tôi đang viết về anh hùng ngành ngư nghiệp Nguyễn Thị Khíu, anh nhắn gửi bản thảo ra cho anh đọc. Công việc chỉ đạo một tỉnh đang bị Mỹ đánh phá ác liệt như vậy, mà chỉ sau năm hôm, anh đã đọc xong cuốn sách dày ngót ba trăm trang và gọi tôi ra nhận lại bản thảo.
Tôi đến nhà hầm của bí thư Tỉnh ủy, thấy anh Thoan đang kêu to trên máy điện thoại: “Phải huy động mọi lực lượng phá bom nổ chậm, san lấp ngay hố bom trên mặt đường kịp cho xe thông tối nay”. Giọng anh như van lơn: “Các đồng chí ơi! Miền Nam đang cần người, cần gạo, cần đạn. Cố gắng đưa hết sức người mà thông đường… Tối nay tôi sẽ đến chỗ các đồng chí”.
Trước lúc đến chỗ đường tắc ở Quảng Phúc, gần bến phà sông Gianh, anh Thoan vẫn ngồi cả giờ để góp ý cho tôi sửa cuốn sách “Đường ra biển rộng”
Không chỉ cuốn sách trên, mà về sau này, trong bảy cuốn sách tôi viết về Quảng Bình, nói về các anh hùng, về quân dân Quảng Bình đã kiên cường chiến đấu dưới bom đạn Mỹ như “Tiếng nói dưới dòng sông, Dòng suối mát, Cô pháo thủ, Chớp biển, Chỗ gặp nhau, Những bông cỏ mặt trời…” đều có sự góp ý của anh Thoan.
Tôi nhớ có một đêm trăng, khi tôi ghé thăm anh, chúng tôi bỏ căn nhà hầm ra ngồi trước sân ngắm trăng tròn và sáng vằng vặc. Anh đọc thơ cho tôi nghe và mơ ước: “Hết chiến tranh, mình thôi nghề bí thư để khỏi bí thơ. Lúc đó mình sẽ làm những bài thơ kể lại chuyện hôm nay”. Rồi giọng anh tâm tình: “Tấn ạ!Nghề của cậu thật hạnh phúc. Cậu nên viết nhiều đến những chuyện về những con người hôm nay, giữ lại mai sau cho con cháu chúng ta. Để chúng hiểu cha ông chúng ta đã đánh giặc, giữ nước và phải chịu đựng biết bao khó khăn gian khổ, hy sinh như thế nào, chúng nó mới có trách nhiệm đối với nhân dân và Tổ quốc”.
Trời khuya, trăng vẫn sáng, nhưng máy bay giặc Mỹ ngày càng bay lượn hoạt động ráo riết hơn. Bom nổ rền dưới đường quốc lộ. Anh Thoan đưa tôi xuống nhà hầm. Rồi anh bưng ra một cái bát, hai đôi đũa và nói: “Bánh bột lọc mụ Lan để dành. Ta ăn bánh rồi đi ngủ”… Chị Lan vợ anh Thoan là đồng hương Huế với cô giáo Phan Bích An. Cháu Hòa con anh chị là học trò của vợ tôi. Trong thời buổi chiến tranh, có được cái bánh bột củ khoai mì cũng là món ăn quý hiếm để đãi đằng nhau. Chúng tôi ăn ngon lành rồi rút xuống căn hầm ngủ…

*  *   *

Nhớ lời động viên chân tình của anh Thoan, tôi đã viết nhiều nhân vật và đơn vị anh hùng của Quảng Bình. Năm 1971, tôi vào chiến trường B rồi ở miết công tác trong Nam . Cho đến tận năm 1989, mới được tin anh đã về hưu và qua đời tại Quảng Bình. Và giờ đây, sau hơn hai mươi năm anh mất, tôi vẫn viết về Quảng Bình trong chiến đấu chống Pháp và đánh Mỹ. Cuốn sách mới nhất của tôi để nhớ đến Quảng Bình, nhớ đến lời động viên của anh Thoan vừa in xong. Đó là cuốn “Dòng sông Son vẫn trong xanh”.
Anh Thoan ơi! Anh em văn nghệ sĩ vẫn không bao giờ quên a

                                                                                                                                                                                        Trần Công Tấn

VỀ MỘT NGƯỜI CÓ THỜI TỪNG BỊ QUÊN LÃNG

Dương Đức Quảng
Thứ năm ngày 15 tháng 12 năm 2016 5:56 AM




Trong cuộc đời làm báo tôi từng gặp một số người rất có công đối với đất nước nhưng rồi một sự việc nào đó ập đến với họ, khiến họ bị kỷ luật và bị lãng quên. Trong thời gian làm phóng viên VNTTX thường trú tại Quảng Bình trong chiến tranh tôi đã gặp một người như vậy. Đó là ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình từ tháng 3 năm 1959 đến tháng 6 năm 1974, một vị lãnh đạo tỉnh rất nổi tiếng trong chiến tranh nhưng rồi lại bị quên lãng sau này. Tôi không thể không viết về ông, dù chỉ là vài dòng.

Từ một bài báo của hai nhà báo đàn anh...
Năm 2011, khi tôi chuẩn bị bản thảo để in cuốn sách Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng ở Nhà xuất bản Lao Động, được nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, viết lời tựa cho cuốn sách. Mở đầu là những lời viết rất cảm động của anh nhắc lại những kỷ niệm của mấy anh em nhà báo chúng tôi thời anh em cùng làm phóng viên ở Quảng Bình trong chiến tranh khi ông Nguyễn Tư Thoan làm Bí thư tỉnh ủy. Anh Hữu Thọ viết: "Trong dịp kỷ niệm 36 năm Ngày thống nhất đ

ất nước, anh Dương Đức Quảng đến chơi nhà thăm vợ chồng tôi, tất nhiên không phải là lần đầu.
Dịp này, những người đã từng sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu gặp nhau thật lý thú. Tôi khoe với Quảng rằng, Nguyễn Sinh và tôi có cùng ý tưởng do Nguyễn Sinh chấp bút một bài viết về anh Nguyễn Tư Thoan, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình, một con người có ý chí kiên cường tiêu biểu đứng nơi đầu sóng ngọn gió vào thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất mà chúng tôi rất kính trọng nhưng rồi bị tai vạ, lãng quên, để muốn ghi lại những gì không thể quên trong lòng chúng tôi về những con người như thế trong những ngày vui. Kể với Quảng chuyện này vì Quảng từng là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (TTXVN) và tôi với Nguyễn Sinh, Quốc Vinh, Hồng Khanh là phóng viên báo Nhân Dân cùng thường trú tại Quảng Bình, Vĩnh Linh trong những ngày chiến đấu gian khổ nhất, cho nên chúng tôi đều biết nhau và biết anh Nguyễn Tư Thoan...".
Bài viết của hai anh Hữu Thọ và Nguyễn Sinh về ông Nguyễn Tư Thoan mà anh Hữu Thọ nhắc đến trên đây có nhan đề "Công bằng cho một người đã khuất". Bài báo đã điểm lại quá trình công tác của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ rồi có đoạn viết :"Năm 1974 ông Nguyễn Tư Thoan ra Hà Nôi, chuyển sang làm chuyên viên ở Ủy ban Nông nghiệp Trung ương một thời gian trước lúc về hưu. Công lao to lớn của ông Nguyễn Tư Thoan cống hiến cho Quảng Bình trong chiến tranh, trong xây dựng chúng ta nên ngoảnh lại, tìm sự công bằng cho con người đáng được tin yêu, kính trọng này. Ghi công cho ông, truy tặng những gì ông đáng được...Là phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Quảng Bình, Vĩnh Linh trong thời đánh Mỹ, hai chúng tôi, những người viết bài này, biết ông Nguyễn Tư Thoan và những đóng góp lớn lao của ông cho tỉnh Quảng Bình, cho cả nước, chúng tôi xin được góp thêm tiếng nói đồng tình."
Đến loạt bài trên báo Tuổi trẻ
về ông Bí thư Tỉnh ủy "Hai giỏi"
Ông Nguyễn Tư Thoan (trai) cùng Đoàn đại biểu "Hai Giỏi"
tỉnh Quảng Bình ra thăm Bác Hồ
Tôi hoàn toàn chia sẻ tình cảm và suy nghĩ của hai anh Hữu Thọ, Nguyễn Sinh, những nhà báo đàn anh của tôi về việc này. Tôi biết, tuy là phóng viên kỳ cựu của báo Nhân Dân nhưng báo Nhân Dân khó có thể đăng bài viết này. Biết con trai tôi là Dương Đức Đà Trang đang làm Trưởng Văn phòng đại diện của báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội, anh Nguyễn Sinh gọi cho tôi thử hỏi xem báo Tuổi Trẻ có đăng được bài này không? Tôi đã viết một thư riêng, sau đó còn trực tiếp gọi điện, gửi kèm bài báo trên của hai anh Hữu Thọ và Nguyễn Sinh tới anh Xuân Trung, Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký Tòa soạn báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, ngỏ ý mong muốn Báo Tuổi trẻ vào cuộc, đăng bài của hai anh Hữu Thọ và Nguyễn Sinh. Anh Xuân Trung (sau này là Phó Tổng Biên tập kiêm Tổng Thư ký Tòa soạn) trả lời tôi rằng Báo Tuổi trẻ rất quan tâm về việc này, sẽ cử phóng viên của Báo ra Quảng Bình để tìm hiểu thêm về sự việc sau đó sẽ quyết định cách thức sử dụng bài báo đó.
Sau đó ít lâu, Báo Tuổi trẻ đã cử hai phóng viên là Lê Đức Dục và Lam Giang vào cuộc, tìm hiểu sự việc mà hai nhà báo Hữu Thọ và Nguyễn Sinh viết về ông Nguyễn Tư Thoan. Lê Đức Dục và Lam Giang viết :"Gần một năm trời nay, kể từ khi tiếp cận hồ sơ tư liệu cuộc đời ông, chúng tôi đã tìm gặp rất nhiều nhân chứng, từ Hà Nội đến TP.HCM hay ngược xuôi khắp đất Quảng Bình nắng lửa. Ám ảnh trong tôi là những giọt nước mắt của những người tôi gặp mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Tư Thoan. Những giọt nước mắt ấy hình như đủ sức nói lên một điều gì đó về ông. Và ngày 21/08/2012 báo Tuổi trẻ bắt đầu đăng loạt bài về ông Nguyễn Tư Thoan của hai nhà báo Lê Đức Dục và Lam Giang. Bài đầu tiên có nhan đề :"Hồi ức về một Bí thư Tỉnh ủy", có lời dẫn của Báo: "TT - Có những cán bộ đảng viên, khi đã rời khỏi vị trí lãnh đạo của mình, vẫn để lại những ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc trong lòng dân. Hơn 15 năm làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Nguyễn Tư Thoan là người đã truyền cảm hứng cho nhân dân vùng đất lửa, đưa Quảng Bình trở thành ngọn cờ đầu của miền Bắc trong những năm chiến tranh khốc liệt. Bây giờ người dân nơi đây muốn được lập đền thờ tưởng nhớ công lao của ông..".
Năm 1967 khi tôi vào Quảng Bình thì ông Nguyễn Tư Thoan đã làm Bí thư Tỉnh ủy được 8 năm, nổi tiếng trong cả nước là ông Bí thư Tỉnh ủy "Hai giỏi'. Đó là vì ngày 17-7-1965, biết tin Quảng Bình bắn rơi 100 máy bay Mỹ, Bác Hồ đã gửi thư khen quân và dân Quảng Bình "chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi". Trước vinh dự đó, ông Nguyễn Tư Thoan đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động phong trào thi đua "Hai giỏi" trong toàn tỉnh nhằm động viên quân và dân trong tỉnh quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Từ đó phong trào thi đua "Hai giỏi" trở thành cao trào cách mạng sâu rộng trong toàn tỉnh trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt nhất ở vùng "đất lửa" này. Quảng Bình được cả nước vinh danh là "Quê hương Hai giỏi" chống Mỹ cứu nước. Trong những năm tháng chiến tranh ấy, những ai đã từng sống, chiến đấu ở nơi đây, nhất là các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Bình đều thuộc bài hát "Quảng Bình quê ta ơi!" của nhạc sĩ Hoàng Vân được sáng tác vào thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, khi ông Nguyễn Tư Thoan là Bí thư Tỉnh ủy và nhớ nhiều câu nói nổi tiếng được ông tổng kết và chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống gian khổ, ác liệt khi đó: "Xe chưa qua, nhà không tiếc"; "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau"; "Một tấc không đi, một ly không rời, bám làng mà chiến đấu, bám hố bom mà thâm canh"; "Cho không lấy, thấy không xin, của công giữ gìn, của rơi trả lại": "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"... Với tác phong miệng nói tay làm, ông Nguyễn Tư Thoan không những là vị chỉ huy luôn có mặt ở những nơi "đầu sóng ngọn gió", những nơi bom đạn ác liệt nhất cùng sát cánh với cán bộ, chiến sĩ chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Quảng Bình mà còn luôn có mặt ở những nơi xa xôi, gian khổ nhất trong tỉnh, nơi cuộc sống của đồng bào còn nghèo đói để không chỉ có chỉ đạo mà còn sắn quần lội ruộng, xây đắp các công trình thủy lợi đưa nước về làm sống lại các cánh đồng khô hạn ngay trong chiến tranh, làm thay đổi cuộc sống của người dân nghèo nơi đây. Không phải ngẫu nhiên mà đồng bào vùng Hoa-Sơn- Thủy gọi tên một số mương máng thủy lợi là "Mương ông Thoan", "Máng ông Thoan" và nhân dân huyện Quảng Trạch mong có một "Miếu thờ ông Thoan" ở ngay công trình thủy lợi Rào Nan, công trình do ông trực tiếp dẫn tất cả cán bộ của Ty Thuỷ lợi Quảng Bình lên đây chọn đoạn sông hẹp nhất ra lệnh đổ đất đá ngăn đập lấy nước tưới ruộng. Đến hôm nay, trải qua gần 50 năm con đập này vẫn vững chắc, đưa nước ngọt về tưới cho những cánh đồng rộng lớn của 11 xã phía Nam huyện Quảng Trạch trước đây quanh năm khô mặn, không sản xuất được, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng ông Nguyễn Tư Thoan (phải, ngoài cùng) trên bờ bãi biển Nhân Trạch, Quảng Bình (ảnh tư liệu của gia đình ông Thoan)
Một thời bị lãng quên
Năm 1971 tôi rời Quảng Bình vào chiến trường miền Nam, không còn biết tin tức gì về ông Nguyễn Tư Thoan. Sau ngày đất nước thống nhất, khi trở lại Hà Nội gặp anh Hữu Thọ và anh Nguyễn Sinh tôi mới biết chuyện ông gặp nạn. Sau đó tôi được một số người cho biết thêm, trong một lần ông Nguyễn Tư Thoan ra dự Đại hội Đảng, ngồi trên ghế Đoàn Chủ tịch Đại hội, bị một vị đại biểu là cán bộ lãnh đạo cấp cao từ Miền Nam ra dự Đại hội nhận ra ông là người trước năm 1945 đã từng làm cảnh sát cho Pháp! Vị đại biểu này đã báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, đề nghị làm rõ việc này. Sau khi kiểm tra, ông Nguyễn Tư Thoan đã thừa nhận trước 1945 ông đã có một thời gian đi làm cảnh sát cho Pháp ở một tỉnh Miền Nam. Sau khi Pháp đầu hàng đồng minh, Nhật nhảy vào Đông Dương, ông còn đi làm cảnh sát cho Nhật, song khi viết Lý lịch cá nhân ông đã thiếu trung thực, không ghi rõ hai sự việc này. Khi Cách mạng Tháng 8-1945 nổ ra, ông Nguyễn Tư Thoan về quê, xã Hoa Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình, tham gia Mặt trận Việt Minh, được kết nạp vào Đảng, từng làm Chính trị viên Trung đội Giải phóng quân Mặt trận đường 9 Nam Lào, Chính trị viên Huyện đội Lệ Thủy; Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Bình rồi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh trước khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình từ tháng 3-1959 đến khi xảy ra vụ bị phát hiện trên đây. Tháng 6 năm 1974 ông bị kỷ luật Đảng, không còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình mà chuyển ra Hà Nội, làm chuyên viên Ủy ban Nông nghiệp Trung ương đến tháng 5-1976 về hưu. Ông về lại quê nhà Quảng Bình sinh sống đến khi mất.
Ông Nguyễn Tư Thoan là người rất yêu văn học. Trong thời gian chiến tranh và cả sau này khi ông đã bị kỷ luật, chỉ còn là chuyên viên của Ủy ban Nông nghiệp Trung ương ở Hà Nội, ông Thoan vẫn làm thơ, nhiều bài thơ của ông đã in trong tập "Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình trên đất lửa" . Nhà văn Trần Công Tấn cho biết, ông Nguyễn Tư Thoan thuộc nhiều bài thơ trong tập "Điêu tàn" của nhà thơ Chế Lan Viên và trong tập "Bức tranh quê" của nhà thơ Anh Thơ. Nhà văn Bùi Hiển rất ngạc nhiên và thích thú khi tiếp nhà văn Bùi Hiển và Đoàn nhà văn từ Hà Nội vào thâm nhập tực tế ở Quảng Bình trong những năm chiến tranh, ông Nguyễn Tư Thoan nhắc đến truyện ngắn "Nằm vạ" của nhà văn, rồi nói vui; "Cám ơn anh Bùi Hiển đã vào "nằm vạ" giữa đạn bom cùng chia sẻ gian khổ với chúng tôi!". Nhiều người ở Quảng Bình đến nay còn nhớ hai câu "Nhà tan cửa nát cũng ừ/Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau" trong một bài thơ của ông. Trong bài thơ "Thơ ông tặng bà" ông làm sau khi bị kỷ luật phải rời Quảng Bình ra Hà Nội, ông viết những dòng thật cảm động về tấm lòng của bà đối với ông :"Quyền cao, chức trọng không còn nữa/ Em vẫn cười vui với thời gian..."; "Anh yêu", hai tiếng nghe trìu mến/Sưởi ấm lòng anh giữa thủ đô"...
Sau gần 40 năm ông Nguyễn Tư Thoan bị kỷ luật, các ông Trần Sự, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Phan Xuân Thiết, nguyên Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Lại Văn Ly, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Nguyễn Sinh, nhà báo Phan Văn Khuyến, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Bình Trị Thiên, các nhà văn Trần Công Tấn, Ngọc Tấn và nhiều cán bộ và nhân dân Quảng Bình cùng có chung nhận xét và đánh giá: Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhất là trong suốt 15 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Nguyễn Tư Thoan là "một con người có ý chí kiên cường, tiêu biểu, đứng nơi đầu sóng ngọn gió vào thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất"; người "rất quyết đoán, năng động, thông minh...", "có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, cũng cảm, sâu sát, xông pha nơi khó khăn, nguy hiểm nhất", không ai có thể làm phai mờ được công lao cống hiến của ông đối với nhân dân Quảng Bình và đối với sự nghiệp cách mạng...
Thế nhưng, sau khi ông bị kỷ luật những công lao to lớn đó của ông Nguyễn Tư Thoan dường như bị lãng quên. Ít người về sau này còn biết đến ông từng một thời là vị Bí thư Tỉnh ủy của Quảng Bình, vùng "đất lửa" nổi tiếng trong chiến tranh, người mà hai nhà báo Hữu Thọ, Nguyễn Sinh cũng như nhiều nhà văn, nhà báo khác và nhiều cán bộ, nhân dân Quảng Bình sống cùng thời đều mong muốn có sự Công bằng cho một người đã khuất.
Niềm vui dẫu muộn
Nhà báo Quốc Vinh, nguyên phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Quảng Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng Tổ phóng viên Thường trú với các nhà báo Hữu Thọ, Nguyễn Sinh, Hồng Khanh, do nhà báo Hữu Thọ làm Tổ trưởng và nhiều nhà báo quê ở Quảng Bình mà tôi quen biết cho biết: Về cuối đời ông Nguyễn Tư Thoan cũng có những bức xúc với "nhân tình thế thái" trong cách nhìn nhận và đối sử với ông sau khi ông bị kỷ luật. Một nhà báo khác cho biết, một lần có cuộc triển lãm ảnh Bác Hồ vào thăm Quảng Bình sau khi ông Nguyễn Tư Thoan bị mất chức. khi nhìn thấy bức ảnh ông đi bên Bác Hồ nay bị cắt, không có ông nữa, ông đã bỏ về, lòng buồn rười rượi. Nhưng, như ông thường tâm sự với những người thân thích: "Mình làm cách mạng phục vụ nhân dân thì nhân dân người ta biết cho mình là được rồi". Ông động viên các con "cứ ngửng đầu lên mà đi tiếp trên con đường Bác Hồ đã chọn". Làm theo lời cha, cả bảy người con của ông dẫu đời sống có nhiều khó khăn, vất vả vẫn giữ được nhân cách. Sáu người con của ông đã trở thành đảng viên của Đảng.
Năm 2015, các bạn chiến đấu của ông Nguyễn Tư Thoan qua các thời kỳ và các con cháu của ông chung tay sưu tầm và biên soạn cuốn sách "Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình trên đất lửa" để ghi ơn và tưởng nhớ ông sau gần 30 năm ông đi xa. Một ngày đầu tháng 8-2016 tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Quảng Bình gọi ra. Người gọi cho tôi tự giới thiệu là Nguyễn Thị Thu Thủy, con gái đầu của ông Nguyễn Tư Thoan. Chị cho biết trong một lần đến thăm nhà báo Quốc Vinh, được anh Quốc Vinh cho đọc cuốn sách Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng của tôi gửi tặng anh khi mới được xuất bản. Đọc một số bài trong cuốn sách, chị bắt gặp một số hình ảnh của người thân trong gia đình, trong đó có bà Tôn Thị Ngọc Quang, con nuôi của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, là bạn, là người Dì kết nghĩa của mẹ chị từ trong kháng chiến chống Pháp, đã dành tình cảm và sự chăm sóc chu đáo cho chị khi chị mới chỉ là một sinh viên nhưng vì là con của vị Bí thư Tỉnh ủy đương chức đang đứng ở nơi "đầu sóng ngọn gió", bị bệnh nặng, được các chú, các bác đưa vào điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Viêt - Xô, nơi bà Quang đang làm việc. Từ năm 1974, sau khi cha chị bị kỷ luật đến nay, chị không biết dược tin tức và gặp lại bà, nhất là sau khi bà Quang cùng gia đình chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Chị nhờ tôi nếu có dịp gặp bà Quang thì "chuyển lời hỏi thăm của em đến Dì"... Sau đó chị Nguyễn Thị Thu Thủy còn viết cho tôi một lá thư khá dài và gửi một người cháu từ Quảng Bình ra Hà Nội mang theo cuốn sách "Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình trên đất lửa" tặng tôi mà trong bài viết này tôi có sử dụng một số chi tiết của một số tác giả đã viết trong cuốn sách. Trong thư gửi cho tôi chị Thủy viết: "Đọc cuốn sách của anh đã có lúc em chảy nước mắt, liên tưởng đến số phận của ba em, của gia đình em, sao mà giống số phận của một số nhân vật mà anh đã kể trong cuốn "Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng" của anh đến thế!".
Cuốn sách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình trên đất lửa dày 335 trang, tập hợp các bài viết và ảnh chụp của gần 80 tác giả, phần lớn là các nhà hoạt động chính trị, nhà văn, nhà báo, nhiều người nổi tiếng nhưng cúng có nhiều người viết rất bình thường viết về ông Nguyễn Tư Thoan với sự thương tiếc và kính trọng một con người đã sống trọn một cuộc đời "chí công vô tư, trong sạch" vì quê hương, đất nước.
Nhà văn Ngọc Tấn viết về ông Nguyễn Tư Thoan những dòng thật cảm động :"Văn là người. Con người ấy đã sống trọn một cuộc đời chí công vô tư, trong sạch. Ông có bảy người con. Hai con trai đầu, với cương vị của ông, chẳng khó khăn gì để kiếm suất du học nhưng ông đã cho đi bộ đội. Một người là lính trinh sát, sau này là thương binh hạng hai. Một người là lính tàu không số. Tất cả đều tự học, tự lập thân. Mười lăm năm giữ cương vị lãnh đạo tỉnh nhưng cả ngần ấy thời gian gia đình ông toàn ở nhà tập thể. Mãi đến năm 1974 được xã Nghĩa Ninh cho đất, ông mới mua lại một căn nhà gỗ hai gian mang về dựng tạm để ở. Nghỉ hưu rồi ông mới xin mua một ít gỗ dựng căn nhà ngói đơn sơ, tự tay đóng lấy tap-lô, nhặt từng mảnh ngói vụn về làm chuồng lợn. Năm 1974 khi được điều ra Ủy ban Nông nghiệp Trung ương nhận nhiệm vụ mới, có chiếc radio casset đáng giá nhất ông mang trả Tỉnh ủy. Vật duy nhất mà ông giữ lại là chiếc bình hoa gò bằng xác máy bay Mỹ thứ 200 bị bắn rơi trên đất Quảng Bình..."
Ông Nguyễn Tư Thoan mất ngày 13-7-1989, thọ 69 tuổi. Trong Lời viếng ông, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình đánh giá: "Gần 45 năm hoạt động, trong nhiều lĩnh vực công tác, ông Nguyễn Tư Thoan đã cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình nỗ lực phấn đấu, chịu đựng mọi hy sinh gian khổ...trên những trận địa ác liệt, ngoài những cánh đồng, trong đời sống ở những địa bàn gặp nhiều khó khăn ông luôn có mặt, chỉ đạo tại trận, tại chỗ để giữ vững và phát triển phong trào. Ông đã cống hiến trọn công sức của mình vì sự lớn mạnh của tỉnh nhà. Thành tựu chung đó đã vinh dự được Bác Hồ tặng danh hiệu quê hương "Hai giỏi"...Đảng bộ, nhân dân Quảng Bình mãi mãi ghi nhớ công lao đóng góp của ông đối với phong trào cách mạng quê hương"...
Hà Nội, một ngày cuối đông 2016
D.Đ.Q

Ảnh: 1-Ông Nguyễn Tư Thoan (trai) cùng Đoàn đại biểu "Hai Giỏi"tỉnh Quảng Bình ra thăm Bác Hồ
pasting
2- Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng ông Nguyễn Tư Thoan (phải, ngoài cùng) trên bờ bãi biển Nhân Trạch, Quảng Bình (ảnh tư liệu của gia đình ông Thoan)

Bí thư Tỉnh ủy “cứu” tên lửa

Một buổi chiều đầu tháng 9 năm 1968, ông Hoàng Hữu Nghinh, cán bộ thanh tra giao thông được ông Lê Đức Mận, Trưởng ty giao thông vận tải Quảng Bình gọi vào phòng làm việc của ông.

Ông Mận hỏi: “Cậu có biết đường đi bộ từ Quảng Minh lên làng Cây Lim, xã Lâm Trạch không?”. Ông Hoàng Hữu Nghinh vốn là người lớn lên ở làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn) nên con đường ấy ông thuộc như lòng bàn tay.
Ông Nghinh sốt sắng: “Em biết. Đường ấy em đi rừng suốt mà. Hồi trước ở nhà, bọn em hay đi ăn hạt dẻ”. Ông Mận quay máy điện thoại cho ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Hai người trao đổi với nhau mấy phút, ông Mận quay lại nói với ông Nghinh: “Cậu về báo với anh Nhơn, Trưởng phòng tài vụ là lãnh đạo cử cậu đi công tác với đoàn của tỉnh ngay bây giờ”.
Báo với ông Nhơn xong, ông Nghinh đi đến cửa phòng ông Mận thì đã thấy xe của tỉnh đến đó rồi. Chuyến đi chỉ có ba người, ông Thoan, ông Nghinh và một người lái xe tên là Biểu.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (người thứ 2 từ phải sang) thăm đơn vị Pháo cao xạ ở Đồng Hới tháng 11/1965.
                                                                   Ảnh: Gia đình đồng chí Nguyễn Tư Thoan cung cấp
 Đường từ Cộn (thị xã Đồng Hới) ra bến phà Gianh bị máy bay địch bắn phá liên tục nên rất khó đi. Người lái xe tăng hết tốc độ nhưng đến phà Gianh vẫn phải mất hơn một tiếng đồng hồ. Ông Thoan nhìn đồng hồ lúc đó đã là 19 giờ 40 phút. Để người lái xe ở lại, ông Thoan và ông Nghinh đi dọc đê Hạ Trạch đến bến đò sang Quảng Văn. Hai người đi bộ về đến trụ sở UBND xã Quảng Minh đã gần 21 giờ đêm. Trụ sở ủy ban đóng trong nhà hầm tại xóm Bắc Minh Lệ. Bước vào hầm, ông Nghinh đã thấy trên bàn có mâm cơm chuẩn bị sẵn. Ông Hộ, Xã đội trưởng nói: “Mời hai anh vào ăn cơm đã rồi bàn công việc”. Ông Thoan bảo: “Tôi ăn rồi, chưa đói, cậu Nghinh vào ăn đi”. Ông Nghinh trả lời: “Tôi cũng đã ăn cơm tối rồi.” Ông Thoan nói: “Bây giờ có công điện khẩn của Trung ương là ta đã bắt được tín hiệu của bọn gián điệp điện cho Bộ Quốc phòng Mỹ phải tiêu diệt bằng được đoàn xe pháo cao xạ và tên lửa mới vào Quảng Bình trước lúc trời sáng. Không có cách nào thông báo với đoàn xe được. Đêm nay đoàn xe phải khẩn trương rời khỏi rừng Cây Lim (xã Lâm Trạch) ngay, đi sâu vào rừng để tránh bom.”
 Ông Hộ cử ông Chằn là xã đội phó cùng đi. Thế là 3 anh em qua đò Thọ Hạ, bắt đầu leo núi Đá Chẹt, rồi xuống dốc, qua khe Đá Mài. Ông Thoan chân dài, bước đi thoăn thoắt từ hòn đá này qua hòn đá khác, ông Nghinh người thấp, chân ngắn cùng ông Chằn chạy xăm xăm cho kịp. Họ băng băng trong rừng qua hết dốc này đến dốc khác. Ông Thoan cho dừng lại ở chân đồi Eo Ngựa nghỉ 5 phút để lấy sức, rồi vượt dốc đến làng Thùng Thùng. Vượt qua Khe Nước, qua làng Ba Trang dài 2 km lại lội qua một cái khe sâu ở làng Cây Lim. Họ đến cuối làng lúc gần nửa đêm. Gặp tổ canh gác của đoàn xe pháo binh và tên lửa chặn lại. Ông Thoan đem giấy tờ cho tổ gác xem và theo họ vào nhà gặp Đoàn trưởng. Ông Thoan trao đổi tinh thần điện khẩn và giao nhiệm vụ cho Đoàn trưởng tiến hành chuyển dời xe vào Khe Trạ cách đó 8 km. Lập tức cả đoàn xe kéo 12 khẩu pháo cỡ lớn và 6 tên lửa trong rừng Cây Lim lầm lũi sang nơi ẩn nấp mới.
Công việc với đoàn xe đã xong xuôi, ông Thoan lại đi tiếp về cuối thôn gặp lãnh đạo hai trường Trung cấp Y tế và Kế toán tài chính của tỉnh (mới về đây được 10 tháng) bàn kế hoạch di chuyển ra huyện Quảng Trạch. Trường Trung cấp Y tế ra xã Quảng Sơn, Trường Kế toán tài chính ra xã Quảng Thủy.
Hoàn thành công việc, ông Thoan thở phào, rút gói thuốc mời ông Chằn và ông Nghinh mỗi người một điếu để về phà Gianh vào Đồng Hới. Họ chưa đi ra khỏi làng thì cả khu rừng Cây Lim bom nổ ầm ầm. Máy bay AD - 6 thả bom tọa độ từ đợt này đến đợt khác xuống nơi đoàn xe vừa mới rút đi.
 Ba anh em lại leo dốc Eo Ngựa, về đò Thọ Hạ qua sông đến Quảng Minh. Ông Chằn ở lại, ông Nghinh và ông Thoan về đến Bắc Trạch đã có xe con do ông Biểu chờ đón.
Trên đường về, ông Nghinh thương ông Thoan quá, một Bí thư Tỉnh ủy có quyền sai cấp dưới, sao phải chịu khó, chịu khổ đêm tối đường rừng lặn lội, vất vả thế. Ông hỏi ông Thoan: “Sao anh không cử bên Tỉnh đội đi việc này?”. Ông Thoan trả lời: “Sợ tin đến chậm, sẽ nguy cho đoàn xe. Vả lại, đơn vị tên lửa này lần đầu tiên vào chiến đấu ở tỉnh ta, tiện dịp mình lên thăm anh em một thể”!
Câu chuyện giờ đã năm mươi năm rồi mà ông Hoàng Hữu Nghinh vẫn còn nhớ như in. Ông nói với người viết bài này: “Đúng là quê hương Quảng Bình “hai giỏi” có một Bí thư Tỉnh ủy cũng rất giỏi xứng đáng đứng đầu tuyến lửa thời đánh Mỹ”.
HOÀNG MINH ĐỨC


  
Mập mờ cuộc đời chính trị của Bí thư Nguyễn Tư Thoan, những sự thật ít ai biết

Hồi ức về một bí thư tỉnh ủy - Kỳ 1: Người thắp lửa trên đất lửa


Nguồn: Tuổi trẻ online - Cập nhật: Thứ Ba, 21/08/2012, 09:28 (GMT+7)
Tác giả: LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG
Có những cán bộ đảng viên, khi đã rời khỏi vị trí lãnh đạo của mình, vẫn để lại những ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc trong lòng dân. Hơn 20 năm làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Nguyễn Tư Thoan là người đã truyền cảm hứng cho nhân dân vùng đất lửa, đưa Quảng Bình trở thành ngọn cờ đầu của miền Bắc trong những năm chiến tranh khốc liệt. Bây giờ người dân nơi đây muốn được lập đền thờ tưởng nhớ công lao của ông...
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan (bìa phải) năm 1969 - Ảnh tư liệu
Quảng Bình quê ta ơi là bài “tỉnh ca” sừng sững như một đỉnh cao của nền âm nhạc VN mà mỗi khi cất lên thành lời “Nếu ai hỏi vì sao...” ai cũng thấy rạo rực yêu thương và hi vọng. Bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân viết về miền đất lửa Quảng Bình, nhưng ít ai biết âm vang của những “phong trào” trong ca khúc ấy đều là những câu chuyện gắn bó và liên quan tới cuộc đời vị bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình những năm tháng ấy: ông Nguyễn Tư Thoan.

Lần theo câu hát... Gần một năm trời nay, kể từ khi tiếp cận hồ sơ tư liệu cuộc đời ông, chúng tôi đã tìm gặp rất nhiều nhân chứng, từ Hà Nội đến TP.HCM hay ngược xuôi khắp đất Quảng Bình nắng lửa. Ám ảnh trong tôi là những giọt nước mắt của những người tôi gặp mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Tư Thoan. Những giọt nước mắt ấy hình như đủ sức nói lên một điều gì đó về ông.

“Có ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt, có nhớ những ngày cơ cực, tối tăm ngày xưa/... Có ai về Rào Nan xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm/Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn màu/Có ai về Cảnh Dương quê tôi đứng nơi đầu sóng gió/Truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây”. Con đập Rào Nan mang lại ấm no cho cả vạn dân Quảng Trạch giữa mưa bom bão đạn kháng chiến ấy có được từ tầm nhìn của ông Nguyễn Tư Thoan. Những làng chiến đấu Cảnh Dương, những Cự Nẫm “xe chưa qua nhà không tiếc”. Rồi “Quảng Bình quê ta ơi! Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son. Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà...” là lời thề vàng đá anh em “trút gạo trong nồi cho Trị Thiên đánh giặc” từ câu nói của vị bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình những năm tháng ác liệt ấy.
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan (bìa trái) và đoàn cán bộ chiến sĩ Quảng Bình ra thăm Bác Hồ - Ảnh tư liệu
Khởi nguồn “Quê hương hai giỏi”

Nhiều người đã sống chiến đấu ở Quảng Bình những năm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh vẫn nói rằng những ngày tháng ấy, chính bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan đã truyền được cảm hứng cho nhân dân và cán bộ để vượt lên sự khốc liệt của đạn bom, để Quảng Bình ngày ấy như một biểu tượng của sự can trường, bất khuất nơi địa đầu miền Bắc. Thời chiến có những đặc thù rất riêng, đôi khi chỉ từ một câu chuyện, nếu là người lãnh đạo năng động, thông minh sẽ biết nhân lên thành một phong trào rộng lớn. Quảng Bình những năm tháng ấy cơ cực gian nan đến vậy nhưng lòng dân lại vô cùng hồ hởi,nguồn năng lượng tinh thần ấy đã được vị bí thư động viên, nhân lên thành sức mạnh cụ thể.
Nhà báo Quốc Vinh, nguyên là phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Vĩnh Linh-Quảng Bình trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nhớ lại: “Ông Thoan là người để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi. Những gì mà tôi hiểu và biết về ông thì đó là một con người quyết đoán, sâu sắc, chu toàn và mưu trí.Ông là người có biệt tài phát hiện và nhân điển hình. Nếu không có ông Thoan thì Quảng Bình không thể có một số phong trào lớn nức tiếng cả nước và có sức cổ vũ cuộc chiến đấu của quân và dân ta thời đó, trong đó có phong trào “Hai giỏi”- một phong trào bắt đầu từ sáng kiến của bí thư Nguyễn Tư Thoan”.
Tháng 7-1965, Bác Hồ gửi thư khen quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 trên bầu trời địa phương vào ngày 14-7-1965, chỉ sau 150 ngày đêm chiến đấu, kể từ khi Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc. Thư khen của Bác viết:
“Thân ái gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Quảng Bình
Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt.
Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi.
Các tỉnh khác hãy ra sức thi đua với Quảng Bình”...
Huyền thoại “Quảng Bình quật khởi” Những câu chuyện về sự quyết đoán của ông Thoan không phải chỉ từ khi Quảng Bình bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Hằng năm Quảng Bình vẫn kỷ niệm một ngày truyền thống rất riêng là ngày “Quảng Bình quật khởi” vào 15-7-1949. Khởi phát của “Quảng Bình quật khởi” lại ở vào thời điểm gian khó nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhà báo Nguyễn Sinh, cũng là phóng viên thường trú báo Nhân Dân ở Quảng Bình những năm đánh Mỹ, khi nhắc đến sự kiện này đã cung cấp một tư liệu rất thú vị:

Năm 1948, ông Thoan làm bí thư Huyện ủy Quảng Ninh. Là huyện lớn, nằm bao quanh thị xã Đồng Hới, lúc đó đang bị quân Pháp đánh phá dữ dội. Nguyễn Tư Thoan tự mình tìm hiểu tình hình bằng cách luồn sâu vào các thôn xã bị địch tạm chiếm. Ông thấy tình hình trong huyện quả thật hết sức khó khăn. Nhưng khó khăn không phải do địch quá mạnh hay nhân dân giảm sút lòng tin ở kháng chiến mà chính là do một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút tinh thần, bỏ đất, bỏ dân, chạy tuốt lên chiến khu tận chân núi Trường Sơn.

Trong một cuộc họp huyện ủy có bí thư tỉnh ủy về dự, ông nói thẳng suy nghĩ của mình và đề xuất một sáng kiến táo bạo: đốt chiến khu. Đốt sạch lán trại, hầm hào, vật nuôi, cây trồng..., cho cán bộ, đảng viên và một số đơn vị bộ đội địa phương “xuống núi” bám đất, bám dân. Đề nghị của ông được hội nghị chấp nhận và ghi vào nghị quyết của huyện ủy. Cuộc “đốt chiến khu” bắt đầu từ đêm 15 tháng 7-1949 trở thành ngày “Quảng Bình quật khởi”, được ghi vào lịch sử của tỉnh. Tình hình huyện Quảng Ninh từ đó thay đổi hẳn. Lòng dân phấn chấn hơn...

Năm 1952 ông Nguyễn Tư Thoan trở thành tỉnh ủy viên, được bầu làm chủ tịnh Ủy ban kháng chiến - hành chính tỉnh. Từ năm 1959 ông là bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Mười năm hòa bình sau kháng Pháp và mười năm kháng chiến chống Mỹ, dấu ấn Nguyễn Tư Thoan vẫn sâu đậm cho đến tận hôm nay, không chỉ vẻ đẹp của người chỉ huy giữa đạn bom ác liệt mà trong từng dòng nước bờ kênh tưới tắm cho đồng ruộng Quảng Bình.
Sưu tầm: T.Quý
(Ghi chú: Tin bài trên được sưu tầm và đăng tin trên trang web nội bộ VP UBND tỉnh nhằm mục đích phục vụ thông tin nội bộ cơ quan)


Hồi ức về một bí thư tỉnh ủy - Kỳ 2: “Nhân chứng” Rào Nan


Nguồn: Tuổi trẻ - Cập nhật: Thứ Tư, 22/08/2012, 10:26 (GMT+7)
Tác giả: LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG
Trong rất nhiều công trình mang đậm dấu ấn của bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, đập thủy lợi Rào Nan như là một điển hình của tấm lòng lo cho dân và tầm nhìn, sự quyết đoán của người lãnh đạo. Chúng tôi ngược đường 12 từ ngã ba Ba Đồn rồi rẽ sang 9 xã vùng nam Quảng Trạch.
Hình ảnh những cánh đồng lúa đang thì con gái trôi qua ngoài cửa xe cứ gợi trong chúng tôi câu hát: “Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt/có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa...”. 
Ông Nguyễn Tư Thoan (giữa) trong một lần đi thăm đồng lúa của dân - Ảnh tư liệu
Công trình để đời cho dân Ông Phan Văn Khuyến - nguyên phó tổng biên tập báo Quảng Bình trong những năm chiến tranh, dân của làng Thọ Linh, nơi có con đập Rào Nan được xây dựng - là một nhân chứng của vùng đất này trước và sau khi có đập. Căn bệnh tim và tuổi già đã khiến ông Khuyến yếu đi nhiều, nhưng khi ngồi cùng chúng tôi, nhắc lại chuyện xây đập Rào Nan, dường như sự phấn chấn khiến ông như đang ở giữa công trường đập Rào Nan của hơn 40 năm trước:

Cả một vùng 9 xã nam Quảng Trạch có 7 vạn dân với 2.000ha ruộng mà cứ mùa hè là bị bao vây bởi nước mặn từ biển dâng lên. Muốn có nước ngọt tưới cho đồng ruộng chỉ có cách đắp đập chặn sự xâm nhập của nước mặn rồi bơm nguồn nước ngọt phía thượng nguồn cho lúa. Nhưng bom đạn như thế sống đã khó nói chi chuyện đắp đê dựng đập! Vậy mà cuối năm 1967, Tỉnh ủy Quảng Bình họp và nhận định Quảng Trạch dân đông, đất rộng mà không tự túc được lương thực chỉ vì thiếu nước là không chấp nhận được.

Quyết định xây đập Rào Nan, cấp nguồn nước tưới cho hàng ngàn hecta đồng ruộng Quảng Trạch giữa lúc cuộc kháng chiến đang hồi quyết liệt, không ít ý kiến bàn ra bàn vào, một lần nữa sự quyết đoán và bản lĩnh của bí thư Nguyễn Tư Thoan đã thuyết phục được mọi người: “Không thể cứ để trung ương chi viện mãi được, vũ khí, trang phục không lo được đã đành, còn lương thực để ăn hằng ngày mà cũng không tự lo được là một nỗi nhục!”.

Thời đó cũng có một đoàn chuyên gia của nước bạn Hungary lên khảo sát nhưng với mục đích để làm đập thủy lợi kiêm thủy điện - ông Phan Văn Khuyến nhớ lại - Đoàn này chọn vị trí làm đập ở khu vực Đồng Đâu. Nhưng muốn làm đập thủy lợi kiêm thủy điện phải có luận chứng, có thiết kế khoa học và phải có thời gian dài mới thi công được. Không thể chờ đợi như thế, ông Thoan quyết định ngay: Trong khi dân ta đang cần gạo ăn thì phải làm nhanh làm gọn đập thủy lợi đã, thủy điện làm sau.

Qua nhiều lần lặn lội xem đất, xem sông, ông Thoan đã nhắm được vị trí tốt nhất để làm đập thủy lợi Rào Nan. Sau đó ông Thoan triệu tập một hội nghị cốt cán toàn tỉnh tại nhà hầm của huyện ủy Quảng Trạch, tại hội nghị này ông trình bày phương án dự kiến về làm đập Rào Nan của tỉnh ủy, lấy nước tưới cho đồng ruộng vùng nam huyện Quảng Trạch và phục vụ sinh hoạt cho người dân. Trong hội nghị có người cho rằng muốn làm đập thủy lợi như thế thì phải mời người ở Bộ Thủy lợi vào khảo sát lưu lượng dòng chảy, các tầng đất làm nền móng rồi mới thiết kế chứ không làm theo chủ quan được.

Ông Phan Văn Khuyến nhớ như in: “Nghe mọi người nói thế, ông Thoan thuyết phục ngay: ta không còn thời gian nữa. Cuộc kháng chiến chưa biết kéo dài đến bao lâu, nếu không tìm cách giải quyết lương thực tại chỗ theo tinh thần của trung ương thì chưa chết vì bom đạn đã phải chết đói rồi”.

Sau đó ông Thoan quyết định làm đập thủy lợi Rào Nan bằng cách làm rọ thép, xếp đá vào và đổ xuống để ngăn sông Rào Nan ở đoạn sông hẹp nhất tại thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn. Cứ năm bảy hôm là ông Thoan lên công trường một lần (Rào Nan cách Đồng Hới hơn 60km). Trên công trường, ông đã cách chức tại chỗ ba người do làm việc lơ mơ, chỉ huy không sát thực tế, đơn vị không đạt tiến độ.

Sau gần một năm thi công, đến giữa năm 1969 con đập lớn bằng rọ đá dài hơn 110m, cao 6m tính từ đáy sông, chân đập rộng hơn 30m đã hình thành và vĩnh viễn ngăn ngang dòng nước mặn từ biển thấm lên. Con đập này đã làm nước sông Rào Nan đoạn phía trên đập dâng cao hơn trước đó 0,3m khi triều cường lên cao nhất và cao hơn 1,5m khi nước ròng. Nước mặn từ nay không thể xâm nhập lên thượng nguồn. Có nguồn nước ngọt từ Rào Nan về đồng ruộng, đất đai khô cằn ngàn đời trước của chín xã vùng Nam huyện Quảng Trạch là Quảng Sơn, Quảng Hòa, Quảng Thủy, Quảng Trung, Quảng Lộc, Quảng Tiên, Quảng Văn, Quảng Tân và Quảng Minh từ đó thay đổi hẳn.

Hình ảnh đọng mãi trong ký ức ông Khuyến là ngày hoàn tất công trình, khi tám chiếc máy bơm nổ giòn giã đưa dòng nước mát theo kênh mương chảy về đồng ruộng, những người dân vục tay xuống dòng nước mát mà khóc. Bầy trẻ con ào xuống kênh, xô đẩy tạt nước reo hò. Có nguồn nước ngọt, cây lúa thêm vụ, củ khoai thêm mùa, giữa khốc liệt đạn bom chiến tranh, điều đó như tiếp thêm sức mạnh cho người dân Quảng Bình bền gan với cuộc kháng chiến.
Văn bản xin dựng nhà bia tưởng niệm ông Nguyễn Tư Thoan của cán bộ và người dân Quảng Bình - Ảnh: L.Đ.Dục
Dân xin được lập miếu thờ...

Từ con đập Rào Nan, hàng loạt công trình thủy lợi khác đã mọc lên trên đất lửa Quảng Bình giữa những năm tháng mưa bom bão đạn ấy như đập Tiên Lang, Vực Tròn của Quảng Trạch, đập Vực Nồi của Bố Trạch, đập Mỹ Trung ở phá Hạc Hải... do ông Thoan khởi xướng và chỉ đạo đã mang lại sức sống mới cho đồng ruộng Quảng Bình quanh năm khô hạn.

Chính nhà báo Phan Văn Khuyến cũng đã cảm khái: “Ông Nguyễn Tư Thoan về cuối đời cũng như ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú, ông ra đi chẳng để lại tài sản riêng tư đáng giá nào, chỉ để lại trên mảnh đất khô cằn này những công trình thủy lợi cho dân thoát đói thoát nghèo. Từ đó quê hương Quảng Bình đi vào công cuộc đổi mới có điều kiện vượt lên, tiến những bước vững vàng”.

Trên đường từ Rào Nan về qua xã Quảng Hòa, chúng tôi ghé thăm nhà văn Hoàng Bình Trọng. Cũng thật ngẫu nhiên, thời chiến tranh ông Trọng làm việc ở Vĩnh Phú nên hiểu khá rõ về ông bí thư Kim Ngọc, khi ông về quê, những câu chuyện của bí thư Nguyễn Tư Thoan lại gợi lên trong ông những day dứt. Bên ấm trà giữa trưa, câu chuyện giữa chúng tôi và nhà văn phải dừng lại nhiều lần bởi nhắc đến ông Thoan, ông Trọng lại nén tiếng nấc nghẹn ngào... Và không chỉ nhà văn Hoàng Bình Trọng, có một lớp người đã vào sinh ra tử, đội bom đội đạn trong chiến tranh cũng day dứt nghẹn ngào như thế khi nhắc đến công lao của ông Nguyễn Tư Thoan.

Với niềm biết ơn sâu sắc ấy với bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan nên hội cán bộ hưu trí cơ quan Đảng khu vực Nam Quảng Trạch đã có tờ trình xin làm nhà bia tưởng niệm, ghi nhớ công ơn ông Nguyễn Tư Thoan với chữ ký của nhiều bậc lão thành cách mạng, trong đó có người như cụ Nguyễn Thanh, 99 tuổi vẫn ghi những nét chữ gân guốc vào đơn đề nghị xây miếu thờ tưởng nhớ người bí thư tỉnh ủy hết lòng lo cho dân.

Ngôi miếu thờ ấy, nếu được cấp trên đồng ý, sẽ được người dân Quảng Trạch góp cát góp đá và dựng ngay đầu nguồn con đập Rào Nan. Nhưng cho dù chưa xây nên miếu thờ thì trong lòng người dân nơi đây, ông Thoan đã được lập miếu thờ.
Sưu tầm: T.Quý
(Ghi chú: Tin bài trên được sưu tầm và đăng tin trên trang web nội bộ VP UBND tỉnh nhằm mục đích phục vụ thông tin nội bộ cơ quan)
                        Quảng Bình quê ta ơi - Bùi Thị Thuý( giải nhất dân ca THTH tp HCM)
Bùi Phương Thuý tên thật là Bùi Thị Thuý sinh năm 1993 quê ở Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình. Tốt nghiệp Khoa thanh nhạc loại Giỏi của trường CD VHNT Thái Bình .Hiện đang là Sinh viên Khoa Thanh Nhạc hệ Đại học chính quy Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Giải Thưởng: ☆ Tuyệt đỉnh song ca 2016 ☆ Sao Mai 2015 ☆ Giải Nhất Bảng Dân ca, Giải Thí sinh ấn tượng nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh năm 2014 ☆ Giải Nhì Tài năng trẻ HSSV các trường VHNT toàn quốc năm 2012

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời đất lửa

Đỗ Quý Doãn | Thứ Tư, 13/04/2016 09:02 GMT +7 

Chiều nay, nghe anh em làm báo ở Quảng Bình thông báo vừa tái bản có bổ sung cuốn sách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời đất lửa Nguyễn Tư Thoan, tôi nhắn tin để xin một cuốn thì ngay tối nay các cháu đang học ở Hà Nội mang đến tận nhà cho tôi. Thật cảm động trước sự nhiệt tình của các cháu...
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan là một cán bộ mà tên tuổi của ông gắn với nhiều sự kiện trong lịch sử Đảng bộ QB thời chống Pháp và chống Mỹ. Tám năm làm chủ tịch tỉnh, 15 năm làm bí thư tỉnh ủy, ông là người lãnh đạo gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân. Ông có tài tổ chức và phát động phong trào quần chúng, ông tổng kết thực tiễn và đưa ra những khẩu hiệu hành động dễ nhớ nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Phong trào hai giỏi, phong trào trút gạo trong nồi vì Trị Thiên ruột thịt, xe không qua nhà không tiếc, bám làng chiến đấu, bám hố bom sản xuất thâm canh... đều gắn với tên tuổi bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan.
Cuốn sách nhỏ này cũng chỉ là tập hợp bước đầu của những người hiểu biết về ông viết ra bằng tình cảm của trái tim để phần nào đánh giá một cách công bằng công lao và sự đóng góp cho quê hương ,đất nước của một con người như ông. Tiếc rằng cho đến nay những người cùng thời với ông còn sống rất ít và đã quá già yếu... 
Đã có bộ phim Bí thư Tỉnh ủy nói về ông Kim Ngọc lên sóng VTV với nhiều tập hấp dẫn. Hy vọng cuộc đời và sự nghiệp của Bí thư Nguyễn Tư Thoan sẽ là những tư liệu quý để có những tác phẩm văn học ,điện ảnh tương tự như bộ phim Bí thư tỉnh ủy đã chiếu.
Pham Xuan Dong: Năm 1964 bài hát "Quảng Bình quê ta ơi" ra đời đã nhanh chóng đi vào lòng người và cùng với ND QB và ND cả nước trong những năm tháng chiến đấu ác liệt. Bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sỹ Hoàng Vân mãi mãi đi cùng năm tháng trong đó có dấu ấn đặc biệt của bí thư tỉnh ủy Nguễn Tư Thoan,ông đã trực tiếp cùng sinh hoạt động viên gợi mở để nhạc sỹ viết nên bài ca bất hủ đó sau khi bài hát vừa hoàn thành chưa ráo mực ông đã thương ngay cho nhạc sỹ một chiếc đài orionton lúc bấy giờ vô cùng quý giá.
Đặng Ngọc Châu: Anh Quy Do ơi, nhân dân 9 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn mong mỏi Nhà nước cho đúc tượng vàng của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan nhưng chưa được.Nay có tập sách này là cơ sở cho sự đánh giá đúng đắn,công bằng công lao và sự nghiệp của ông .
Hoàng Hạc: Em từng nghe nhiều người kể về Ông với sự kính trọng nể phục. Hình như có một giai đoạn ông bị đối xử không tốt vì nghi ngờ ông... Em được Nguyễn Thị Phúc, con gái ông là bạn học thời CĐ với em kể về ông, thương lắm. Ông thực sự là người suốt cả sự nghiệp CM của mình đẫ hết lòng vì dân vì nước. Nếu có đk thì nên góp nhặt tư liệu để viết và ghi nhớ công lao của ông đối với tỉnh nhà anh ạ.
Một số bài thơ do ông sáng tác và một số bài thơ do bạn bè viết về ông qua giọng ngâm
của cô Nguyễn Thị Thu Hà  - Hội viên CLB thơ Ba Trại - Quảng Bình
với sự chỉ đạo chương trình của bác Hoàng Trình - Nguyên cố vấn ban tổ chức TW!
Câu cuối cùng của bài hát Quảng Bình quê ta ơi không nói về Quảng Bình mà kết thúc tha thiết: “Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son, hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về chung một nhà...”. Câu hát đó của nhạc sĩ Hoàng Vân đã bắt nguồn từ câu nói của bí thư Nguyễn Tư Thoan: “Dân Quảng Bình sẵn sàng trút gạo trong nồi cho đồng bào Trị Thiên đánh giặc”. (Theo TTO)
  
Thơ nhạc NGUYỄN TƯ THOAN "Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình thời đất lửa"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét