Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

TỔ TIÊN THIÊN CỔ 06/e (Âu Lạc)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Tóm Tắt Lịch Sử Kiến Lập Âu Lạc Từ Thời Hùng Vương – An Dương Vương

An Dương Vương Và Nhà Nước Âu Lạc

An Dương Vương tên thật là Thục Phán. Ông là vị vua duy nhất của triều đại Âu Lạc. Niên đại trị vì của An Dương Vương theo nhiều sử sách ghi lại là khác nhau. Trong Đại Việt Sử Kỳ Toàn Thư cho rằng thời gian ông làm vua kéo dài trong 50 năm từ năm 257 TCN đến 208 TCN. Trong Sử Ký Tư Mã Thiên lại cho rằng ông làm vua từ 208 TCN đến năm 179 TCN trong 30 năm. Những nghiên cứu này đều có sự sai lệch nhất định. Nhưng ta chắc chắn rằng thời kỳ Âu Lạc và An Dương Vương là có thật. Nó hiện diện rõ ràng trong những di tích và sách lịch sử ghi nhận lại. Không hoàn toàn là truyền thuyết như thời Hùng Vương.
Mục Lục [hide]

An Dương Vương

an dương vương
Tượng An Dương Vương

Nguồn gốc của Âu Lạc

Trong thời kỳ Lạc Việt của Hùng Vương, có các bộ tôc gọi là Âu Việt. Họ sống xen kẻ cùng người Lạc Việt. Hai bộ tộc đã sống chung từ lâu đời và gần gũi nhau. Sau này khi An Dương Vương lên làm vua đã đổi quốc hiệu thành Âu Lạc.

Nghi vấn về sự hình thành của Âu Lạc – Kẻ xâm lược hay sự đồng hóa?

Sự hình thành của Âu Lạc được đặt dưới sự nghi ngờ và nhiều giả thuyết khác nhau. Âu Lạc đã xâm chiếm Lạc Việt hay là sau những biến cố lịch sử. Đất nước Lạc Việt đã bị Âu Lạc đồng hóa dần?

Nghi vấn về nguồn gốc của Thục Phán

Nguồn gốc của Thục Phán, tức An Dương Vương cũng có nhiều tranh cãi. Một số nhà sử học đã cho rằng Thục Phán là hậu duệ của Trung Quốc. Thời nhà Tần thống nhất các quốc gia. Thục Phán là hậu duệ của nhà Thục đã chạy thoát và xuôi Nam. Hình thành nên Âu Việt và sống xen kẻ cùng tộc Lạc Việt.
Tuy nhiên giả thuyết này bị nghi ngờ về độ chính xác. Xét về mặt không gian, từ đất Thục lúc bấy giờ đến miền Bắc Việt Nam cách xa đến 3000km. Và nên nhớ, lúc bấy giờ “rừng thiêng nước độc” và những ngọn đồi cao là cản lực rất lớn. Khó có thể di dân 3000km để thành lập nên bộ tộc. Xét về mặt thời gian, An Dương Vương lên ngôi khoảng 200 đến 250 TCN. Nước Thục bị diệt là vào năm 316 TCN. Nên khó có thể Thục Phán – An Dương Vương là hậu duệ nhà Thục.
Thuyết nước Nam Cương và người Tày Cao Bằng
Thuyết này lấy căn cứ chủ yếu là truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” của đồng bào Tày ở Cao Bằng. Truyền thuyết này đã được Rômanê đuy Caiô nêu từ năm 1880, nhưng trong tay chúng ta không còn tài liệu đó của học giả người Pháp này. Câu chuyện được Lã Văn Lô dịch thành thơ tiếng Việt đăng lại trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 50 và số 51 năm 1963 . Đây là tài liệu thu thập được của Sở Văn hóa Việt Bắc.
Từ khi truyền thuyết được công bố, một số người nghiên cứu đã hướng về Cao Bằng để tìm quê hương vua Thục. Truyền thuyết áo lông chim của người Tày – Nùng, tục thờ rùa, truyền thuyết rùa dạy làm nhà, phù hộ người, chống ma quỷ của người Tày – Thái. Một vài địa danh tiếng Tày bắt gặp ở khu gần Cổ Loa như làng Viềng (tức Thành) càng tiếp sức cho thuyết vua Thục vốn người Tày làm chúa nước Nam Cương. Mà trung tâm là huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng ngày nay.
Tới nay, vẫn có người tiếp tục đi sâu nghiên cứu. Và suy đoán rằng tộc đảng Thục Vương đó đã định cư miền gần phía nam Tả Giang, lưu vực Hữu Giang cùng miền thượng lưu các sông Lô, sông Gâm, sông Cầu.
Sau cuộc điều tra ở Cao Bằng hồi tháng 7 và 8 năm 1969, các đồng chí Đỗ Đình Truật và Phạm Như Hồ, viện Khảo cổ học, đã cung cấp những tư liệu có phần khác. Người sưu tầm và viết lại truyền thuyết này là ông Lê Bỉnh Sư (còn có tên là Lê Đình Sự). Người Kinh vốn ở Nghĩa Lộ, sau năm 1947 mới dời về ở tại huyện Hòa An (Cao Bằng). Chính ông Lê Bỉnh Sư kể lại rằng chuyện do ông sắp xếp lại, có sửa ít nhiều cho các chi tiết được hợp lý. Gốc chuyện là do ông chú ngày trước kể, nay nhớ lại mà viết để dự cuộc thi văn nghệ do Sở Văn hóa Việt Bắc tổ chức.
Câu chuyện của truyền thuyết dân gian là những phần nào. Và chi tiết nào là thuộc phần sửa chữa của ông Sư? Chưa có chi tiết để làm sáng tỏ. Đỗ Đình Truật và Phạm Như Hồ đã tìm gặp một số cụ già địa phương để xác minh truyền thuyết. Nhưng không một ai biết chút nào. Vấn đề còn ở tình trạng chưa được sáng tỏ. Như vậy, truyền thuyết này không thể đã được coi là căn cứ đáng tin cho một kết luận khoa học. Và công việc phải tiến hành tức là tiếp tục điều tra lại để xác minh truyền thuyết.
Thuyết Ai Lao Di
Tác giả đã căn cứ vào truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, nghiên cứu một khối lượng khá lớn thần phả, ngọc phả, tục hèm có liên quan. Thấy rằng Sơn Tinh (tức Thánh Tản viên) là một nhân thần, là người đã có công giúp vua Hùng đánh Thục trong cuộc chiến tranh chống Thục. Đã “được phản ánh một cách rất đậm nét, rất cụ thể trong những truyền thuyết về thời Hùng Vương”. Và “giặc Thục ở đây còn được gọi là giặc Ai Lao, Thục Phán đã từ Ai Lao đến xâm lược Văn Lang”.
Từ truyền thuyết đối chiếu qua thư tịch, đặc biệt Nam Man Tây Nam di truyện trong bộ Hậu hán thư và Thuật dị ký. Tác giả đã tìm ra Tây Thục tức Ai Lao Di, tức nước Thục của thục Phán. “Đó là một nước đã tồn tại thật sự trong lịch sử: nước Tây Thục (tức Ai Lao)… ở phía Tây Bắc nước ta ngày nay”. “Cuối đời vua Hùng, Thục Phán đã từ đây mà xuống xâm lược nước ta. Đó là một cuộc chiến tranh dai dẳng và khốc liệt, cuối cùng nước Văn Lang bị diệt”. “Nước Tây Thục (Ai Lao) ở sát nước ta về phía tây bắc.
Nó nằm trên trục giao thông chủ yếu của nước ta với miền Tây Nam Di là thung lũng sông Hồng, sông Lô. Tây Thục cũng là một trạm trung gian trên con đường giao thông quốc tế thời cổ giữa Trung Quốc với các nước phía tây như Ấn Độ cổ đại”. Tác giả còn có phần chỉ cụ thể: “Đến đời Hán Minh Đế (58), Ai Lao thuộc hẳn nhà Hán. Nhà Hán lấy đất đó phân làm hai huyện Ai Lao và Bắc Nam, sau đổi thành Vĩnh Xương, nay là châu tự trị Đức Hoằng thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hiện nay”.
Thuyết người Lạc Việt nói chung
Từ chỗ chứng minh rằng Tây Âu, Tây Âu Lạc hay Âu Lạc là một nước có địa bàn chủ yếu nằm ở lưu vực sông Hồng ngày nay, trùng với bộ phận của địa bàn rộng lớn của Lạc Việt. Nó bao gồm từ lưu vực sông Hồng tới lưu vực Tây Giang ngày nay, tác giả chủ trương nước Tây Âu của người Lạc Việt,.“Trong Lạc Việt có nhiều dân tộc (theo đúng nghĩa dân tộc học ngày nay) có quan hệ lịch sử, huyết thống nào đó với nhau”.
Đối với thuyết Ai Lao Di, tác giả cho rằng “những thần tích ghi về việc Thục Phán cai trị ở Ai Lao là những tài liệu do người sau viết”. Về việc giao lưu giữa Giao Châu và Ích Châu thì “chỉ hạn chế đến Điền, không vượt qua khỏi Điền đến Ai Lao Di bao giờ. Ai Lao Di cũng chưa từng trở thành một nước hùng mạnh và có xu thế phát triển về phía Giao Châu bao giờ”.
“Văn hóa phương Bắc vào Giao Chỉ không phải qua con đường Ai Lao Di. Con đường qua Ai Lao Di là một con đường đi Thân Độc Quốc (Ấn Độ), nhưng con đường cũng chỉ đánh thông được rất muộn về sau. Thời Tần – Hán, Điền là bức thành chắn ngang đường giao lưu giữa Trung Quốc và Miến Điện, Ấn Độ ngày nay.
Tất cả những điều nghiên cứu trên dẫn tới việc không công nhận tên trước Âu lạc hình thành do sự sáp nhập của hai tộc Âu lạc và tộc Lạc. Mà tên nước này đã xuất hiện ngay từ trước khi thời Hùng Vương kết thúc.
Âu Lạc đã là một nhà nước thật sự
Thời gian nghiên cứu gần đây, vấn đề này chưa được bàn tới nhiều. Những ý kiến đã chính thức công bố nêu ra đây không phải khác nhau về điểm Âu Lạc đã là một nhà nước thật sự. Mà khác nhau ở chỗ Nhà nước Âu Lạc đã xuất hiện trên cơ sở trình độ sản xuất của thời đại đồng hay thời đại sắt.
Những mũi tên đồng Cầu Vực được coi là vật tiêu biểu của “văn hóa đồ đồng ở giai đoạn Âu Lạc”. Và “văn hóa vật chất của tổ tiên ta ở thời An Dương Vương vẫn chưa khác văn hóa vật chất ở thời Hùng Vương bao nhiêu, căn bản vẫn là văn hóa đồ đồng”. Đây là một trong những lập luận cho rằng nước Âu Lạc là một nhà nước của thời đại đồng.
Một ý kiến khác cho rằng “những di tích văn hóa vật chất thời An Dương Vương còn để lại trên khu di tích Cổ Loa đã được tìm thấy một số: như những lưỡi cày đồng ở xóm Nhồi, kho mũi tên đồng với hàng vạn chiếc mà chúng ta đều biết và có thể là lớp dưới của tầng văn hóa ở di chỉ Bãi Mèn”. Tuy rằng người viết không nói rõ, nhưng ta hiểu ý đó nói rằng thời kỳ lịch sử An Dương Vương thuộc thời đại đồng thau.
Di chỉ Đường Mây được phát hiện và khai quật 2 lần vào năm 1970. Nhiều cục sắt và mảnh hiện vật bằng sắt được tìm thấy, trên cơ sở đó di chỉ được tạm định thuộc sơ kỳ thời đại sắt. Đặc biệt, di chỉ Đường Mây nằm trên một doi đất cao tự nhiên ven sông Hoàng và ven bờ đầm cả và ngay dưới chân thành ngoài của thành Cổ Loa. Từ lẽ đó, người khai quật di chỉ này quả quyết rằng “nó (Đường Mây) thuộc về một thời đại trực tiếp trước thời đại của thành Cổ Loa.
Khi tiến hành xây thành, người ta đã đắp lũy (thành ngoài) phủ lên trên khu di chỉ này. Biến quả gò trên đó trước đây có cư dân sinh sống thành một bộ phận của thành ngoài. Vì di chỉ ấy thuộc về sơ kỳ thời đạt sắt cho nên thời hạn niên đại dưới của thành Cổ Loa không thể xưa hơn sơ kỳ thời đại sắt. Thành Cổ Loa là một công trình của thời đại sắt Việt Nam. Điều đó bác bỏ luận điểm cũ của nhiều nhà sử học và khảo cổ học nói rằng thành Cổ Loa thuộc về thời đại đồng thau phát đạt của Việt Nam”.
Nghiên cứu sâu hơn nữa về nước Âu Lạc, tác giả của ý kiến Cổ Loa chỉ có thể là kinh thành của một nhà nước Việt Nam thời cổ, có trước đời Hán… Nhà nước đó, theo sử cũ là Nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương”. Từ đó tác giả còn rút ra kết luận: “Nước Âu lạc do An Dương Vương lập đã là một nhà nước thật sự”.
Sự phân hóa giai cấp là rõ rệt. “Tầng lớp vua chúa quý tộc ở nhà ngói sân gạch”. Xã hội này đã có trình độ phát triển kinh tế cao, có quyền lực xã hội mạnh mẽ, kỹ thuật xây dựng cao, trình độ tổ chức cao, và có mức phát triển cao, của trí tuệ và tài năng sáng tạo, có trình độ nghệ thuật quân sự rất cao.
Một ý kiến khác cho rằng “văn hóa Âu Lạc” tồn tại chừng 100 năm trước khi nước Âu Lạc bị tiêu diệt, nghĩa là “văn hóa Âu Lạc” có hơn nửa thế kỷ song song tồn tại với “văn hóa Văn Lang” và thuộc thời đại sắt.
Với nhiều giả thuyết mơ hồ đặt ra, ta chỉ có thể khẳng định Thục Phán là lãnh đạo của tộc Âu Việt. Cư trú ở thượng du hay chính xác hơn là gần tỉnh Cao Bằng – Việt Nam lúc bây giờ.

Lĩnh Nam Chích Quái cho rằng đó là sự đồng hóa

Truyền thuyết “Họ Hồng Bàng” trong sách Lĩnh Nam chích quái cũng phản ánh phần nào cuộc tiếp xúc và đụng độ của người Việt với người Hoa Hạ ở phương Bắc. Sách có chép” Dân phương Nam khổ vì bị người phương Bắc quấy nhiễu, không được yên sống như xưa…”. Nước Tần thành lập năm 221 TCN đã mở rộng những cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô ra cả hai phía bắc, nam thành lập một đế chế rộng lớn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Về phía Nam tiếp tục kế thừa và phát triển chủ trương ” bình Bách Việt” của nước Sở trước đây.
Tần Thủy Hoàng đã sai 50 vạn quân xâm lược đất đai của Bách Việt ở phía Nam Trường Giang. Hàng vạn quân Tần vượt biên giới tràn vào lãnh thổ phía Bắc và đông bắc nước ta lúc đó. Lúc này hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt (Tây Âu) vốn gần gũi về dòng máu, về địa vực cư trú, về kinh tế và văn hóa lại có điều kiện liên kết chặt chẽ lại với nhau hơn trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Theo sách Hoài Nam Tử, “lúc đó người Việt đều vào rừng ở với cầm thú, không ai chịu để quân Tần bắt”, và “họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần” .
Đó là hình thức phôi thai của lối đánh du kích và thông qua lối đánh này mà lực lượng kháng chiến của người Việt ngày càng lớn mạnh; còn quân Tần dần dần bị dồn vào thế nguy khốn và tuyệt vọng. Trên đà chiến thắng, người Việt tập hợp lực lượng tổ chức đánh lớn nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đại phá quân Tần, giết chết chủ tướng Đồ Thư, buộc nhà Tần phải bãi binh. Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của cả dân tộc ta chống lại họa xâm lược của phong kiến phương Bắc.
Trong cuộc chiến đấu này, vai trò và uy tín của Thục Phán, người thủ lĩnh kiệt xuất của liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng được nâng cao, không chỉ ở trong bộ lạc Tây Âu mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong bộ lạc Lạc Việt. Sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt – Tây Âu đã hình thành và uy tín ngày càng cao của Thục Phán.
Thục Phán đã thay thế Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc. Sách Việt sử lược chép rằng “Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay” . Còn một số thần tích và truyền thuyết dân gian lại cho rằng sau nhiều cuộc xung đột, cuối cùng Hùng Vương theo lời khuyên của con rể là Thánh Tản Viên đã nhường ngôi cho Thục Phán.

Xây thành Cổ Loa

Sau chiến thắng trước quân Tần, An Dương Vương quyết định giao cho tướng Cao Lỗ xây thành Cổ Loa nhằm củng cố thêm khả năng phòng thủ quân sự. Tục truyền rằng thành xây nhiều lần nhưng đều đổ. Sau có thần Kim Quy hiện lên, bò quanh bò lại nhiều vòng dưới chân thành. Thục An Dương Vương bèn cho xây theo dấu chân Rùa vàng. Từ đó, thành xây không đổ nữa. An Dương Vương cũng phát triển thuỷ binh và cho chế tạo nhiều vũ khí lợi hại, tạo lợi thế quân sự vững chắc cho Cổ Loa.
Di tích của thành Cổ Loa vẫn còn lưu lại cho đến nay, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía đông bắc. Đền thờ An Dương Vương nằm ở trung tâm di tích này. Các nghiên cứu khảo cổ học tại đây vẫn tiếp tục làm sáng tỏ các thời kỳ lịch sử mà thành đã trải qua.

Mắc mưu và sự sụp đổ của nhà nước Âu Lạc

Triệu Đà buộc phải dùng kế nội gián bằng cuộc kết hôn giữa con trai mình là Trọng Thủy và con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Sau khi nắm được bí mật quân sự của An Dương Vương thông qua con trai, Triệu Đà đã thành công trong việc chinh phục Âu Lạc, buộc An Dương Vương bỏ chạy và tự tử, kết thúc thời kỳ An Dương Vương.
Về năm mất của triều đại An Dương Vương, các tài liệu ghi chép khác nhau. Đa phần sách sử Việt Nam  đều chép là An Dương Vương mất nước năm 208 TCN. Sách giáo khoa của Việt Nam căn cứ vào Sử ký của Tư Mã Thiên ghi nước Âu Lạc mất năm 179 TCN. Sở dĩ như vậy vì Sử Ký chép là Triệu Đà diệt nước Âu Lạc “Sau khi Lã Hậu chết”, mà Lã Hậu chết năm 180 TCN, do đó nước Âu Lạc mất khoảng năm 179TCN.

Giá trị lịch sử to lớn

Nước Âu Lạc của An Dương Vương chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn (khoảng gần 30 năm), nhưng nó cũng đã có những đóng góp to lớn vào trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước. Thời kỳ Âu Lạc được đưa vào thời kỳ lập nước của sử Việt.
An Dương Vương cưỡi ngựa

Vấn đề nguồn gốc của Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc

Co-loa2.jpg
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
CN. Trần Minh An
(Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển)
Thời đại dựng nước đời Hùng Vương – An Dương Vương với hai thành tựu hết sức cơ bản là sự tạo lập một nền văn minh Sông Hồng rực rỡ và một hình thái Nhà nước sơ khai- nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, không những khẳng định nước ta có lịch sử dựng nước sớm, có một nền văn hiến lâu đời, mà còn đặt cơ sở nền tảng cho toàn bộ sự sinh tồn và phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam. Vì thế vấn đề nguồn gốc của Thục Phán – An Dương Vương và sự thành lập nước Âu Lạc phải được coi là một trong những vấn đề cốt lõi của lịch sử Việt Nam.
Theo các nguồn tư liệu thư tịch cổ của Việt Nam và Trung Quốc thì kế tiếp nhà nước Văn Lang đời Hùng Vương là quốc gia Âu Lạc do Thục Phán – An Dương Vương lập ra. Nhưng Thục Phán – An Dương Vương là ai, từ đâu đến, quá trình thành lập nước Âu Lạc diễn ra như thế nào? Vấn đề đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trong nước và quốc tế từ hàng trăm năm nay, nhưng không phải tất cả đều đã có thể đi đến kết luận cuối cùng.
Tư liệu thành văn có ghi chép về Thục Phán – An Dương Vương và nước Âu Lạc không chỉ muộn, nghèo nàn, mà còn có chỗ mâu thuẫn và nhầm lẫn. Nguồn tư liệu khảo cổ học tuy có được đặc biệt quan tâm, nhưng vẫn còn tản mạn và chưa được khai thác triệt để, nhất là hệ thống các di tích, di vật trong lòng đất. Nguồn tư liệu dân gian tuy phong phú nhưng bị bồi phủ bởi quá nhiều các lớp bụi thời gian, khó có thể nhận ra đâu là cái nhân, cái lõi lịch sử đích thực của nó. Vì vậy, cho đến nay, xung quanh vấn đề nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và sự ra đời của nhà nước Âu Lạc vẫn còn tồn tại những ý kiến không giống nhau cũng là chuyện hết sức bình thường.
Những ghi chép đầu tiên về nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương có thể tìm thấy trong các thư tịch xưa nhất của Trung Quốc. Sử ký Tư Mã Thiên được viết vào khoảng thế kỷ I TrCN nhiều lần nhắc đến nước Âu Lạc ở phía tây nam của nước Nam Việt, sau bị Triệu Đà xâm chiếm, nhưng lại không cung cấp thông tin gì về Thục PhánAn Dương Vương. Các bộ sử được viết trong các giai đoạn sau có ghi chép rõ hơn rằng người thành lập nước Âu Lạc chính là Thục Phán – An Dương Vương. Sách Hậu Hán thư, Phần Quận quốc chí của Phạm Việp khi chép về quận Giao Chỉ có chú thích rõ “đấy là nước cũ của An Dương Vương”. Tác phẩm Bùi thị Quảng Châu ký ra đời thế kỷ thứ V được dẫn lại trong Sử ký sách ẩn của Tư Mã Trinh đời Đường thế kỷ thứ VIII cũng chép: “Sau con vua Thục đem quân đánh chiếm, tự xưng là An Dương Vương, sau Nam Việt Vương Úy Đà lại đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ cai trị hai xứ là Giao Chỉ và Cửu Chân, tức là nước Âu Lạc vậy”. Theo Nam Việt chí được dẫn lại trong Cựu Đường thư, phần Địa lý chí biên soạn thế kỷ X thì: “Vua nước Thục cho con là An Dương Vương cai trị đất Giao Chỉ. Nước ấy nay nằm về phía đông huyện Bình Đạo”.
Các thư tịch cổ Trung Quốc đều chép thống nhất rằng An Dương Vương là con vua Thục (Thục Vương tử), nhưng không cho biết cụ thể vua Thục là ai và nước Thục là nước nào, ở đâu.
Các nguồn thư tịch cổ Việt Nam có ghi chép rõ ràng hơn về nguồn gốc của Thục Phán – An Dương Vương. (Đại) Việt sử lược – bộ sử biên niên thời Trần chép: “Cuối đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay”1. Kế tiếp đó, Đại Việt sử ký toàn thư, đã có một kỷ riêng, kỷ nhà Thục (Quyển I, Ngoại kỷ) để chép về Thục Phán- An Dương Vương và nước Âu Lạc: “[An Dương Vương] Họ Thục, tên huý là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa)”2. Các bộ Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục… cũng đều ghi chép những thông tin tương tự. Nhìn chung, các sử gia phong kiến Việt Nam đều cho rằng Thục Phán – An Dương Vương, người gốc Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc) lập nước Âu Lạc vào năm 257 TrCN.
Điều có thể dễ dàng nhận ra ngay được là nước Thục (Ba Thục) đã bị nhà Tần diệt vào năm 316 TrCN. Vua Thục cuối cùng là Khai Minh đã bị giết ở Vũ Dương và thái tử con vua Thục cũng đã chết ở Bạch Lộc Sơn. Vậy “con vua Thục” trong thư tịch cổ ghi chép là ai và làm sao mà vượt hàng ngàn dặm núi rừng, đi qua lãnh thổ của nhiều nước ở vùng Tây Nam Di để từ đất Ba Thục mà tiến đánh Văn Lang năm 257 TrCN được? Mâu thuẫn về cả không gian và thời gian là cơ sở dẫn đến những nghi ngờ và phủ định giả thuyết về nguồn gốc Ba Thục của Thục Phán – An Dương Vương.
Ngay trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, các sử gia triều Nguyễn mặc dù vẫn ghi chép Thục Phán là con vua Thục, nhưng với thái độ hoài nghi và đề xuất  khả năng Thục Phán xuất thân từ một họ Thục khác ở “ngoài cõi Tây Bắc giáp nước Văn Lang… mà sử cũ nhận là Thục Vương”3
Đến nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, thái độ hoài nghi càng gia tăng và bộc lộ thành khuynh hướng cực đoan phủ định hoàn toàn tính chân thực của nhân vật Thục Phán – An Dương Vương cũng như lai lịch Ba Thục của ông. Sang đầu thế kỷ XX, Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố cũng cùng chung quan niệm như thế. Trần Trọng Kim quan niệm các câu chuyện được chép từ thời Hồng Bàng cho đến hết thời nhà Triệu “phần nhiều là những chuyện hoang đường, huyền hoặc cả”4. Còn Ngô Tất Tố thì nói thẳng ra rằng: “Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục”5 . Học giả Pháp H.Maspéro cũng cho An Dương Vương là một nhân vật chưa chắc đã có trong lịch sử, là một ông vua huyền thoại, vì sử cũ chỉ chép theo truyền thuyết mà thôi.6 Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, công cuộc nghiên cứu về An Dương Vương – Âu Lạc được gắn liền trong bối cảnh chung thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc, nhiều phát hiện mới về tư liệu, đặc biệt là các tư liệu khảo cổ học, tư liệu dân tộc học… cho phép đặt ra những kiến giải mới.
GS. Đào Duy Anh trong các chuyên khảo về lịch sử Việt Nam cổ đại đã cho rằngAn Dương Vương là người gốc nước Thục song đã rời xuống khu vực phía Bắc Việt Nam cư trú từ lâu đời: “Sau khi thái tử nhà Thục (Ba Thục – thời Chiến Quốc) chết ở Bạch Lộc Sơn thì dư chúng theo sông Mân Giang mà xuống miền Nam để tránh quân Tần. Trong đám dư chúng ấy, tất còn sót một số con hoặc cháu của vua Thục… Có lẽ con cháu vua Thục đã đánh thắng một bộ lạc mà chiếm một khoảng đất trên sông Hồng Hà giữa địa bàn người Thái và địa bàn người Việt, rồi nhóm họp đảng chúng lại thành một bộ lạc như các bộ lạc xung quanh nhưng cũng tự xưng là Thục Vương để nhớ lại nghiệp cũ của ông cha… Được một vài đời đến Thục Phán”7. Tuy nhiên chính GS. Đào Duy Anh cũng tự nhận thấy sự thiếu cơ sở thuyết phục trong nhận định của mình và coi nhận định này chỉ là ức thuyết mà thôi. Các GS. Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn thì phỏng đoán: Thục Vương trong thư tịch cổ không phải là vua nước Thục ở Ba Thục mà là tù trưởng bộ lạc Khương di cư từ đất Thục xuống phía Nam và tự xưng là Thục Vương. Bộ lạc Thục đó di cư xuống vùng Quảng Tây và Bắc Bộ, cộng cư và đồng hoá với người Tây Âu ở vùng này. Nước Âu Lạc bao gồm hai thành phần cư dân: Tây Âu và Lạc Việt8.
Năm 1963, với việc Tạp chí Nghiên cứu lịch sử công bố truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng, nhiều vấn đề về nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương đã dần dần được sáng tỏ.
Theo truyền thuyết này thì Thục Phán là con Thục Chế, vua nước Nam Cương gồm 10 xứ mường, trong đó, một xứ mường trung tâm là nơi vua ở, còn 9 xứ mường xung quanh do chín chúa mường cai trị. Lãnh thổ của nước Nam Cương thuộc vào khoảng Cao Bằng và vùng nam Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. Thục Chế mất, Thục Phán lên làm vua, tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã dùng mưu trí quy phục được cả chín chúa mường, xây dựng nước Nam Cương hùng mạnh. Sau đó, Thục Phán đã lãnh đạo bộ tộc đánh thắng Văn Lang, hợp nhất lãnh thổ, lập ra nước Âu Lạc. Truyền thuyết về Chín chúa tranh vua còn được minh chứng bằng các di tích, di vật và địa danh cụ thể như Tổng Lằn (xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình), Tổng Chúp, Khau Lừa, cây đa cổ thụ ở Cao Bình, đôi guốc đá khổng lồ ở bản Thành… (các xã Hưng Đạo và Bế Triều, huyện Hoà An, Cao Bằng)9.
Sau khi truyền thuyết trên được công bố, nhiều nhà nghiên cứu đã hướng về Cao Bằng để tìm quê hương Thục Phán và hầu như cho đến nay đều tin rằng Thục Phán là thủ lĩnh một liên minh bộ lạc người Tây Âu (hay người Tày cổ) ở vùng núi phía bắc Bắc Bộ (Việt Nam) và nam Quảng Tây (Trung Quốc), mà trung tâm là Cao Bằng10. Một số chuyên gia hàng đầu trước đây cũng bắt đầu điều chỉnh lại chủ thuyết của mình. GS. Đào Duy Anh cho biết: “Sự phát hiện truyền thuyết của người Tày trên kia đã khiến chúng tôi thay đổi ít nhiều ý kiến trong cái ức thuyết về sự thành lập nước Âu Lạc mà chúng tôi đã trình bày trong sách Lịch sử cổ đại Việt Nam. Sự điều chỉnh của GS. Đào Duy Anh chính là giải thích rõ hơn phạm vi của nước Nam Cương và vai trò của Thục Phán. Ông viết: “Chúng ta có thể nói một cách đại khái rằng miền Nam sông Tả Giang và lưu vực sông Hữu Giang cùng với miền thượng lưu các sông Lô, sông Gầm, sông Cầu là địa bàn sinh tụ của những bộ lạc Tây Âu họp thành bộ lạc liên hiệp Nam Cương mà Thục Phán là tù trưởng tối cao”11.
Năm 1969, Nguyễn Linh với bài Bàn về nước Thục của Thục Phán đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử lại đưa ra một thuyết mới về nguồn gốc của Thục Phán. Tác giả giải thích nước Thục trong ghi chép của thư tịch cổ là nước Tây Thục, tức Ai Lao ở phía Tây Bắc nước ta ngày nay12
Nguyễn Duy Hinh trong bài Bàn về nước Âu Lạc và An Dương Vương cho rằng Thục Phán là người đứng đầu một nhóm Lạc Việt, Tây Âu là một nước của người Lạc Việt, do đó cuộc chiến tranh Hùng – Thục thực chất là cuộc đấu tranh trong nội bộ người Âu Lạc13.
Như vậy có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc của Thục Phán, tuy nhiên các nhà nghiên cứu hiện nay trên căn bản đều thống nhất phủ định thuyết về nguồn gốc Ba Thục của Thục Phán và phần nhiều đều tin rằng ông là người Tày cổ, thủ lĩnh của liên minh bộ lạc Tây Âu mà trung tâm là Cao Bằng.
Mặc dù truyền thuyết Chín chúa tranh vua đã được sửa sang, thêm thắt theo quan niệm dân gian, nhưng nó vốn là một truyền thuyết cổ và chứa đựng nhiều nhân tố hợp lý cần phải được khai thác triệt để và nghiên cứu kỹ lưỡng. Hơn thế nữa, những tập tục, truyền thuyết dân gian sưu tập được tại Cổ Loa và vùng phụ cận cũng phù hợp với cách lý giải nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương là người Tày cổ giống như truyền thuyết Chín chúa tranh vua.
Tâm thức dân gian vùng Cổ Loa luôn ghi nhớ về nguồn gốc “người thượng du”, “một tù trưởng miền núi” của vua Thục. Thậm chí truyền thuyết còn nói rõ quê gốc của Thục Phán – An Dương Vương là Cao Bằng. Dân gian còn nhắc nhiều đến Cao Lỗ – vị tướng tài năng và thân tín vào bậc nhất, anh em kết nghĩa của An Dương Vương – cũng quê gốc ở Cao Bằng. Nhiều vị tướng khác của Hùng Vương – An Dương Vương hoạt động ở Cổ Loa và khu vực xung quanh Cổ Loa được dân gian giải thích là người miền núi phía Bắc như Nồi Hầu – một bộ tướng tài giỏi của An Dương Vương, người Hương Canh (Vĩnh Phúc), nhưng tổ ba đời lại ở miền Tuyên Quang; Niệm Hưng, Niệm Hải, hai tướng của Hùng Vương được thờ ở làng Lỗ Khê (Liên Hà, Đông Anh) cũng mới từ Cao Bằng xuống sống ở đây được một đời.
Các truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Mỵ Châu – Trọng Thuỷ phổ biến trong tâm thức dân gian ẩn chứa nhiều chi tiết gợi ra mối dây liên hệ giữa vùng đất Cổ Loa với các bộ tộc Tày – Thái xưa.
Rùa Vàng – Thần Rùa giúp An Dương Vương diệt yêu quái là tinh Gà Trắng và xây thành không bị đổ. Rùa Vàng và Gà Trắng chính là những linh vật mang đầy ý nghĩa biểu tượng trong quan niệm truyền thống của các tộc người Tày-Thái. Trong kho tàng truyện kể dân gian Tày còn nhiều mẫu kể liên quan đến Rùa như thần Rùa làm nhà, tướng Rùa giết giặc, rể Rùa ra quân… Trong phong tục người Tày vẫn còn hàng loạt lễ thức có liên quan đến Rùa Vàng. Người Tày và người Thái đều có tập tục nuôi rùa trong nhà, thờ mai rùa vàng, treo bùa mai rùa và đeo móng rùa vào cổ trẻ nhỏ để đuổi ma trừ tà ám hại14… Rùa, đặc biệt là Rùa Vàng trong tâm thức người Tày – Thái chính là hiện thân của thần linh phò trợ cho con người sản xuất và chống lại kẻ thù, diệt trừ các thế lực yêu ma.
Rùa là con vật thuộc tính dương mang đến điều tốt đẹp, tượng trưng cho ân nghĩa. Ngược lại với Rùa Vàng là biểu tượng Gà Trắng – thuộc tính âm, thường được coi là “vật ký thác linh hồn”. “Trong tín ngưỡng Tày cổ, Gà Trắng gắn liền với bóng đêm và sự chết chóc”15.
Gà Trắng nhìn chung bị coi là con vật đem đến tai hoạ, xui xẻo, được gọi là Cáy háo (Gà tang)16. Người Tày vì thế có tục kiêng nuôi gà trắng, kiêng ăn thịt gà trắng trong các dịp lễ vui vẻ, mừng việc hỷ… Từ ý niệm đến phong tục tập quán của người Tày về Rùa Vàng và Gà Trắng cho thấy sự tương đồng với những chi tiết trong truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Những nét tương đồng ấy phải chăng có cội nguồn từ nguồn gốc Tày cổ của Thục Phán – An Dương Vương? Vì nhà vua là người Tày cổ nên những quan niệm, phong tục cổ của người Tày đã được đưa đến vùng đất Cổ Loa, trở thành một bộ phận không thể thiếu của truyền thuyết đắp thành Cổ Loa, dựng nước Âu Lạc.
Về chi tiết Mỵ Châu rắc áo lông ngỗng chỉ đường cho Trọng Thuỷ cũng gần gũi với hình ảnh “một người con gái Tày đánh dấu chỉ đường bằng cách rắc áo lông ngỗng bứt ra từ chiếc áo trên mình trong sinh hoạt nương rẫy”17. Hay ngay cả cái tên Mỵ Châu cũng có thể được giải thích là xuất phát từ chữ Mẻ Châu trong tiếng Tày, có nghĩa là Bà Chúa Lớn.
Một chi tiết khá đặc biệt khác là ở Cao Bằng hiện nay vẫn còn lưu truyền huyền thoại về thành Nà Lự của Bế Khắc Thiệu chống lại triều đình nhà Lê năm 1430(18). Câu chuyện Bế Khắc Thiệu xây thành và làm nỏ thần gần như được mô phỏng theo truyền thuyết Rùa Vàng. Điều đáng được quan tâm nữa là người Tày ở Nà Lự hiện nay khi nhắc tới huyền thoại này lại giao tiếp bằng một thứ ngôn ngữ Tày đậm đặc từ Việt cổ19. Huyền thoại về thành Nà Lự phổ biến trong tâm thức dân gian Tày và truyền thuyết An Dương Vương trong tâm thức người Việt, nhất là ở vùng Cổ Loa phải chăng là có cùng một nguồn cội sâu xa?
Khi nghiên cứu địa danh khu vực Cổ Loa, các nhà dân tộc học cũng tìm thấy nhiều điểm tương đồng với văn hoá truyền thống cũng như ngôn ngữ của tộc người Tày Thái. GS. Trần Quốc Vượng nhận thấy sự xuất hiện một số từ thuộc ngôn ngữ Tày cổ còn lưu lại trong địa danh khu vực Cổ Loa, trong đó quan trọng nhất là địa danh “Viềng”. Viềng trong tiếng Tày cổ có nghĩa là thành, xuất phát từ việc An Dương Vương xây thành trên đất Cổ Loa. Có thể chữ “Viềng” sau được dân gian dùng để gọi tên một số làng trong phạm vi khu vực thành Cổ Loa xưa. Đặc biệt hơn là khi nghiên cứu cấu trúc thành Cổ Loa, các nhà dân tộc học nhận thấy rất rõ nét tương đồng của nó so với kết cấu thành Xam Mứn của người Thái xây dựng khoảng thế kỷ XIII-XIV ở Mường Thanh (Điện Biên Phủ). Hai toà thành này về cơ bản đều có ba lớp luỹ thành. Thành Xam Mứn được xây dựng ven sông Nậm Rốm có ba vòng là: Vòng thành trong gọi là Viềng công, vòng thành giữa gọi là Viềng tó, vòng thành ngoài gọi là Viềng nọ. Đồn canh của thành gọi là Che; phía ngoài Che có những luỹ bảo vệ gọi là Dom Che. Không chỉ giống về cấu trúc mà tên gọi các bộ phận thành của thành Cổ Loa cũng tương tự thành Xam Mứn. Những địa danh còn ở Cổ Loa như: Tó, Dục Nội, Uy Nỗ, Cường Nỗ, Kính Nỗ… chính là mang âm nguyên gốc hoặc biến âm từ những Đồn- Tó-Nọ… trong tiếng Tày – Thái20.
Có thể hình dung người Tày cổ – bộ tộc Tây Âu biết cách đắp thành từ rất sớm, đã đem kinh nghiệm đắp thành xuống vùng đồng bằng, tích hợp với kỹ thuật đắp đê truyền thống của người Lạc Việt tại đây. Cuối cùng, một toà thành Cổ Loa đồ sộ và kiên cố đã được xây dựng nhờ sự chung sức của cả hai cộng đồng Tây Âu và Lạc Việt. Điều này cũng góp phần cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa vùng Cổ Loa và miền núi phía Bắc, giữa An DươngVương và người Tày cổ.
Nhà Thái học Cầm Trọng khi nghiên cứu sử thi Táy Pú Xớc đã đưa ra một gợi ý khá thú vị là Thục Phán chỉ là tên phiên âm Hán – Việt của Túc Phắn, mà Túc Phắn là nhân vật Pú Túc Phắn (Ông Đánh Chém – Thủ lĩnh chinh chiến) trong Táy Pú Xớc của người Thái. Giả thuyết này đã được GS Trần Quốc Vượng và nhiều người nghiên cứu lịch sử – văn hoá Việt Nam đồng tình21
Nguồn tư liệu dân gian còn cho thấy lòng tôn kính của người dân Cổ Loa đối với Thục Phán – An Dương Vương. Người dân Cổ Loa hết sức tự hào vì quê hương họ được chọn làm đất đóng đô của An Dương Vương, vì những vòng luỹ thành bao quanh làng mình xưa là thành trì của vua Thục. Họ luôn luôn coi toà thành là thánh địa, là một khu vực bất khả xâm phạm. Hương ước Cổ Loa lập đầu thế kỷ XX, điều 47 quy định rất cụ thể việc giữ gìn và bảo vệ nguyên trạng toà thành Cổ Loa cổ kính.
Việc thờ cúng An Dương Vương đã trở thành truyền thống văn hoá – tín ngưỡng lớn ở Cổ Loa. Lễ tế An Dương Vương hàng năm và cả trong cúng Tết của người Cổ Loa không thể thiếu món bánh chưng tròn dài, gọi là Bánh chưng Tày. Lễ hội ở đền Thượng (ngày 6 tháng Giêng) luôn được tổ chức một cách chu đáo và trở thành một lẽ sống thiêng liêng của mỗi một người dân trong vùng:
“Chết thì bỏ con bỏ cháu Sống thì không bỏ mồng sáu tháng Giêng”.
Những tư liệu dân gian như thế chắc chắn còn phải được tiếp tục lọc nhiễu và phân tích, nhưng đặt trong mối quan hệ tổng thể với các nguồn tư liệu thư tịch và nhất là tư liệu khảo cổ học được phát hiện trong mấy thập kỷ gần đây, đã xác nhận một cách rõ ràng nguồn gốc người Tày cổ của Thục Phán – An Dương Vương. Thục Phán – An Dương Vương là thủ lĩnh của liên minh bộ lạc Tây Âu sống liền kề bộ lạc Văn Lang chứ không phải là con vua nước Thục ở mãi tận Tứ Xuyên, Trung Quốc. Chỉ có vậy mới có thể giải thích được những truyền thuyết, những địa danh, những nét tương đồng văn hoá đã trình bày ở trên cũng như thái độ cảm mến và kính ngưỡng của dân gian đối với người anh hùng dựng nước Thục Phán – An Dương Vương.
Năm 221 Tr CN, Tần Doanh Chính kết thúc cuộc nội chiến thời Chiến Quốc, thống nhất lãnh thổ toàn Trung Hoa, dựng nên một đế quốc tập quyền lớn mạnh, tự xưng là Tần Thủy Hoàng đế và tiến hành chiến tranh mở rộng lãnh thổ ra hai phía Bắc, Nam. Ở phía Nam, kế tục mưu đồ “bình Bách Việt” của nước Sở trước đây, năm 218 TrCN, nhà Tần đã phát 50 vạn quân do Đồ Thư cầm đầu chia làm 5 đạo đi chinh phục Bách Việt. Sau khi chiếm được đất Đông Việt, Mân Việt lập ra các quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận, năm 214 TrCN, quân Tần đã áp sát địa bàn Tây Âu và Lạc Việt. Cao Bằng- trung tâm của nước Nam Cương của Thục Phán đã trở thành tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Tần của cả hai bộ tộc Tây Âu, Lạc Việt. Theo sách Hoài Nam tử thì: “Trong ba năm [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh lính đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống”22.
Có thể hình dung cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt và về phía lực lượng kháng chiến cũng không tránh khỏi tổn thất nặng nề. Tuy vậy sự hy sinh của người dân và tù trưởng Tây Âu Dịch Hu Tống trên tuyến đầu không làm cho Tây Âu, Lạc Việt nao núng. Trái lại, vẫn theo sách Hoài Nam tử , lúc đó trước thế mạnh của quân Tần “người Việt vào rừng ở với cầm thú, không chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh nhau với quân Tần”23. Người kiệt tuấn đó không phải ai khác mà chính là Thục Phán. Việc cả Nam Cương và Văn Lang, cả Âu Việt và Lạc Việt đều thống nhất cử Thục Phán làm người chỉ huy chung cao nhất toàn bộ cuộc kháng chiến đã phản ánh sự trưởng thành vượt bậc của tinh thần yêu nước, của ý chí đoàn kết quyết tâm bảo vệ trọn vẹn non sông, lãnh thổ.
Thần tích đền Chèm (Từ Liêm) và sách Lĩnh Nam chích quái cho biết trước cuộc tấn công của quân Tần, An Dương Vương đã cống Lý Ông Trọng cho quân Tần để cầu hoà. Lý Ông Trọng (Lý Thân) vốn không phải là tướng của An Dương Vương mà là tướng của Hùng Vương thuộc nước Văn Lang. Chi tiết này xác nhận An Dương Vương thực sự là người đứng đầu lãnh đạo kháng chiến và đại diện chung cho toàn bộ cộng đồng Nam Cương, Văn Lang.
Hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt vốn gần gũi về dòng máu, về địa vực cư trú, về kinh tế và văn hoá lại có điều kiện liên kết chặt chẽ với nhau hơn trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là quân Tần dưới sự lãnh đạo chung của Thục Phán. Lực lượng kháng chiến của người Việt do biết đoàn kết thành một mối, có tổ chức và chỉ đạo thống nhất đã phát triển nhanh chóng, trong khi quân Tần càng ngày càng bị dồn vào tình thế nguy khốn và tuyệt vọng. Trên đà chiến thắng, người Việt (Âu Việt và Lạc Việt) tổ chức các trận đánh lớn liên tiếp tiêu diệt sinh lực địch, đại phá quân Tần, giết chết chủ tướng Tần là Đồ Thư, buộc nhà Tần phải bãi binh24.
Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta chống lại hoạ xâm lược và nô dịch của kẻ thù phương Bắc. Trong cuộc chiến đấu này, vai trò và uy tín của Thục Phán, người thủ lĩnh kiệt xuất của liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng được nâng cao, không chỉ ở trong bộ lạc Tây Âu mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong cả bộ lạc Lạc Việt. Sau khi kháng chiến kết thúc thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt – Tây Âu đã hình thành và uy tín của Thục Phán ngày càng cao, Thục Phán đã quyết định thay thế Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc.
Tên nước Âu Lạc bao gồm hai thành tố là Âu (Tây Âu/ Âu Việt) và Lạc (Lạc Việt), phản ánh sự liên kết của hai nhóm người Lạc Việt và Tây Âu. Trong triều vua Thục vẫn có Lạc hầu và các địa phương vẫn do Lạc tướng cai quản – nghĩa là trên căn bản nhà nước Âu Lạc vẫn được tổ chức theo mô hình nhà nước Văn Lang của Hùng Vương. Lãnh thổ nước Âu Lạc cũng được mở rộng trên cơ sở sáp nhập hai vùng lãnh thổ Văn Lang và Nam Cương. Trong quá trình thành lập nước Âu Lạc chắc chắn không tránh khỏi những mâu thuẫn, thậm chí là cả những xung đột, chống đối như sách (Đại) Việt sử lược và một số thần tích, truyền thuyết dân gian phản ánh.
Tuy nhiên phải thấy rõ một thực tế là nước Âu Lạc ra đời trong hào quang chiến thắng, sự thành lập nước Âu Lạc gắn liền với thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Tần do Thục Phán lãnh đạo chứ hoàn toàn không phải là một cuộc chiến tranh thôn tính. Đây về căn bản chỉ là kết quả của một quá trình hợp nhất cư dân và đất đai của Lạc Việt và Âu Việt, của vua Hùng và vua Thục. Vì vậy, nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, kế tục và cao hơn nước Văn Lang. Nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong khoảng thời gian không đầy 30 năm (từ năm 208 đến năm 179 tr CN), nhưng cũng đã có những đóng góp đặc biệt to lớn vào trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước.
Thành quả nghiên cứu về nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và sự hình thành nước Âu Lạc mấy chục năm qua đã góp phần làm sáng rõ thời đại dựng và giữ nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, thời đại đắp móng xây nền và quyết định đường hướng phát triển của lịch sử đất nước. Việc hiểu rõ nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và sự thành lập nước Âu Lạc còn là cơ sở để nhìn nhận một cách chính xác khuynh hướng vận động chủ đạo của của lịch sử Việt Nam là đoàn kết, tập hợp mọi thành phần cư dân, mọi lực lượng của đất nước trong sứ mệnh lịch sử chung. Quá trình hình thành và phát triển của lịch sử Việt Nam là quá trình vừa mở rộng, vừa quy tụ; quy tụ là cơ sở để mở rộng và mở rộng lại làm tăng thêm sức quy tụ. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một cộng đồng cư dân nhiều tộc người, có tộc người đa số, có những tộc người thiểu số, có những tộc người gia nhập cộng đồng ngay từ thời kỳ đầu dựng nước, có những tộc người gia nhập cộng đồng muộn hơn, nhưng một khi đã tự nguyện hoà chung vào cộng đồng dân tộc Việt Nam thì đều chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ đất nước. Họ đều là những chủ nhân chân chính và vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam.
Hà Nội, Tháng 5-2006
Chú thích:
1 Đại Việt sử lược, quyển I, tr 1a, bản dịch, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1960, tr 14. 2 Đại Việt sử ký toà n thư, tập I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr 135. 3 Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr 9.
4 Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, 1928, tr 3.5 Ngô Tất Tố, Tao đà n, số 3, ngà y 13/4/1939.
6 H.Maspéro, Bulletin Critique, trong Toung Pao, Vol 3, tr 373-379.
7 Đào Duy Anh, Cổ sử Việt Nam, Tập san Đại học Sư phạm chuyên san, Hà Nội, 1956, tr 63-64.
8 Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam, Nxb Giáo dục,Hà Nội, 1960, tr 51-56. 9 Văn hoá và lịch sử các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ Thái Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, HàNội, 2002, tr 54; 57-59.
10 Đặng Nghiêm Vạn, Trần Quốc Vượng, Vấn đề nguồn gốc An Dương Vương và lịch sử dân tộc Tà y ở Việt Nam, Thông báo khoa học- Sử học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tập II, 1966, tr 74-82.
11 Đà o Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1964, tr 20-22. 12 Nguyễn Linh, Bà n về nước Thục của Thục Phán, T/c NCLS, số 124, 7/1969, tr 33-51.
14 Vũ Anh Tuấn, Cần phải tìm hiểu mẫu kể An Dương Vương trong mối quan hệ văn hoá Tà y – Việt,trong Văn hoá và lịch sử người Thái ở Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1998, tr 185-186. 15 Vũ Anh Tuấn, Sđd, tr 187.
16 Vũ Anh Tuấn, Sđd, tr 188. 17 Vũ Anh Tuấn, Sđd, tr 193.
18 Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toà n thư, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr 305.
19 Vũ Anh Tuấn, Sđd, tr 183.13 Nguyễn Duy Hinh, Bà n về nước  u Lạc và An Dương Vương, T/c Khảo cổ học, số 3+4, 12/1969, tr144-154. 20 Theo Trần Quốc Vượng, Suy nghĩ thêm về thà nh Cổ Loa, nước Âu Lạc, An Dương Vương trongPhát hiện Cổ Loa năm 1982, Sở Văn hoá thông tin Hà Nội, 1982, tr 136-144.
21 Văn hoá và lịch sử các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ Thái Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, HàNội, 2002, tr 34 22 Lưu An, Hoà i Nam Tử, Nhân gian huấn, quyển 18. 23 Lưu An, Hoà i Nam Tử, Sđd, quyển 18.
24 Lưu An, Hoà i Nam Tử, Sđd, quyển 18.

Đời Sống Thời Âu Lạc

Đời sống vật chất của ông cha chúng ta trong thời cổ xưa dĩ nhiên là khó khăn, chật vật hết sức. Sử sách tới nay chưa có sự kê cứu rõ rệt về vấn đề này vì đây là một vấn đề thuộc về thuở tiền sử và khuyết sử.
Đời Sống Thời Âu Lạc
Ta có thể căn cứ vào câu “Ăn lông ở lỗ” để hình dung đại khái đời sống của người thượng cổ khi còn man dã. Dân tộc nào trên thế giới buổi nguyên thủy đều cũng vậy. Họ đã sống như bầy thú, trú ngụ trong các hang hốc. Họ lấy lá che thân, làm lều, túp lên các cành cây. Ăn thì ăn sống, nuốt thì nuốt tươi khi chưa biết dùng lửa. Hàng ngày rủ nhau săn bắn hoặc chài lưới, để tìm ra thực phẩm. Cuộc sống luôn luôn phải di chuyển vì chưa tìm ra được nhiều khả năng kinh tế (khi chưa có nghề giồng cây, giồng lúa, chế tạo các
dụng cụ) và chống với Thiên Nhiên tàn bạo. Tâm hồn lúc nào cũng bị hoảng hốt vì mọi vật (động vật hay cả bất động vật) đều có thể là thù nghịch của họ. Họ cảm thấy mình là những sinh vật nhỏ mọn, yếu đuối vật vờ giữa cái vũ trụ mênh mông, bát ngát đầy huyền bí. Dòng thác đổ, cành cây rơi, cơn lốc thổi, tảng đá lăn, cơn song gầm, tiếng thú thét, hết thảy đều là những thứ ngày đêm khủng bố, ám ảnh họ. Họ cho đấy là sự hờn giận của các hung thần. Không có ý niệm về các hiện tượng trong trời đất và vạn vật, vả lại không có cách gì đối phó, thảng hoặc có đối phó thì cũng vẫn e sợ nên họ phải tôn thờ mọi vật, bởi trong đầu óc người cổ xưa, mọi vật đều có linh hồn và linh cảm, có thể sinh họa hay tác phúc. Vì vậy tục bái vật và thuyết đa thần đã chi phối họ rất mạnh mẽ. Với thuyết đa thần người ta tin có Thần Sấm Sét (thần thiên lôi), Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sông, Thần Đất, Thần Nước, Thần Núi…có lẽ bởi các vị thần này có thể có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Với tục bái vật, người ta thờ cây đa, cây đề, ông bình vôi, hổ, rắn, cho rằng các thứ đó đều có quan hệ mật thiết đến đời sống của mình, cai quản mình trực tiếp hay gián tiếp. Những phong tục và dị đoan đó đến ngày nay cũng hãy còn lác đác ở các thôn quê Việt Nam, cũng như ở nhiều bộ lạc da đen (châu Phi, châu Mỹ hay châu Á).
Thời gian trôi qua, người cổ của chúng ta mỗi ngày một tiến rồi một ngày kia biết lặn lội trong những khoảng ruộng bùn lầy, tưới những giọt mồ hôi xuống đất cứng để sinh sống. Bấy giờ chưa có gia súc, chưa có dụng cụ tinh xảo, họ trần lực lấy sức tay chân tranh đấu với Thiên Nhiên. Họ đẽo đá làm thành những lưỡi cuốc nhọn để sới đất khô và đập cho nhỏ chờ lúc nước sông tràn vào ruộng, ruộng sẽ có bùn ngầu cho họ gieo giống. Họ biết tháo nước ra vào để khỏi nạn úng thủy hay thiếu nước. Gần bể về mùa hanh, họ biết dùng mực nước thủy triều lên xuống ở các ngành sông để lấy nước vào ruộng. Nhờ vậy ngay thời bấy giờ tại Trung Châu Bắc Việt đã có nơi làm ruộng được cả hai mùa. Sau này sum họp với người Tàu họ biết dùng lưỡi cày sắt và trâu bò.
Vào thời cổ miền Trung Châu Bắc Việt đâu có ruộng lớn như ngày nay. Đầm lầy, gò đống còn rải rác khắp nơi vì chưa khai thác, nhiều đồ nông nghiệp còn manh nha. Ngoài bờ biển và các cửa sông lau sậy cùng cây sú mọc đầy, rừng cây um tùm ở các đồi núi. Người cổ ở thưa thớt tại các thung lũng và các miền ruộng hợp thành từng làng, từng xóm. Năm bảy chục nóc nhà tranh, vách đất quay tụ im lìm sau những lũy tre cao ngất. Ngoài làng là những cánh đồng, không có đồn trại, thành thị, phố phường gì hết.
Đời Sống Thời Âu Lạc
Sông Nhị Hà bấy giờ là mạch máu chính nếu ta xí vùng Trung Châu là cái thân. Con sông này đã bồi đắp nên mảnh đồng bằng hàng năm, bằng những lớp phù sa trở qua các thác ghềnh từ miền núi Vân Nam đem về nuôi nấng trang điểm đứa con nuông. Sóng bể Đông hãy còn rào rạt ở ngoài đồng bãi thuộc tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An bây giờ. Hai chục thế kỷ qua, chỗ đất liền tiến rộng ra miền nước mặn được hàng trăm cây số mở rộng Trung châu thêm được mấy tỉnh. (Đại để hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn cách đây trên dưới 100 năm còn là vùng biển rồi bỗng hiện lên nhiều làng mạc sầm uất như do một phép lạ).
Đây là lời Lưu An về đời Hán đã am hiểu tình trạng dân tộc chúng ta khi nền đô hộ của Bắc phương đã thành hình trên đất Giao chỉ.
Ngay thuở đó, về chính trị dân ta đã lập thành nước (do họ Hồng Bàng) theo thể chế phong kiến. Trong mỗi nóc nhà đã có chế độ gia tộc, gia trưởng. Ngoài làng mạc có chế độ tù trưởng, lạc hầu, lạc tướng…
Sau này nhờ cuộc xúc tiếp với văn hóa Bắc phương, kỹ thuật canh tác được cải thiện, sức người được sức trâu bò hỗ trợ, nông nghiệp trở nên phát đạt. Nhân khẩu bắt đầu tăng gia, trí não mỗi ngày thêm cứng rắn trước Thiên Nhiên và vạn vật, đời song hoạt động và dồi dào trông thấy.
Những ngày mùa đông tháng giá qua, xuân về đầm ấm, cây cỏ xanh tương lại dưới ánh mặt trời, tinh thần của con người như bị kích thích do cái vui, cái tươi, cái linh động của vạn vật. Người có cảm tưởng trong khoảng thời gian này vị chúa tể thế gian đến với họ, gần gũi để thi ân, thi đức. Họ cũng vui theo cái vui của vạn vật. Họ khởi các công việc đồng áng nhưng ung dung thong thả rồi mở hội hè đình đám để làm vui từ già đến trẻ.
Trai gái hợp nhau xúng xính áo quần trên những ngọn đồi rộng hay bên các lũy tre xanh, hoặc giữa nơi đình trung điếm sở, hoặc rún rẩy trên các cây đu, hoặc tung còn, đánh phết, hoặc cất lên những câu hát đúm để ca ngợi cái tuổi trẻ đầy hứa hẹn mơ mộng, hoặc hy vọng những chuyện lứa đôi đằm thắm, hoặc mừng buổi thanh bình, thịnh trị. Đây là những điệu ca, những bài thơ mô tả cái đời sống mộc mạc, thuần phác hoàn toàn có tính cách bình dân giữa những buổi sáng huy hoàng của ngày xuân hay giữa nhưng đêm trăng trong, bên cạnh ngọn cỏ lá cây qua những đôi mắt thẫm của các cô thôn nữ luôn luôn mỉm cười để hé hàm răng đen nhức.
Rồi sau tiết Xuân có những cuộc vui công cộng, trai gái trưởng thành quen biết nhau, yêu nhau đính ước việc gia thất. Người con trai đem trầu cau đến xin bố mẹ người con gái rồi mới được cưới. Đám cưới
là một dịp làng xóm, hương thôn vui chơi ăn uống, nhai trầu nói chuyện. Trầu cau là một món cần trong sự xã giao vậy.
Về trầu cau có một chuyện cổ tích rất là cảm động lâm ly: Vào thời thượng cổ hai an hem nhà họ Cao thương yêu một người con gái; Người anh lấy được cô gái đó khiến người em đau đớn tuyệt vọng bỏ ra đi. Rồi người anh đi tìm em, vợ đi tìm chồng, rút cục ba người vì thương nhau trong cái nghĩa an hem chồng vợ quá thiết tha mà chết cả. Kẻ hóa ra hoàn đá vôi, kẻ hóa ra cây cau, kẻ thành cây trầu quấn quít lấy nhau.
Người ta đem nhai quả cau và lá trầu cùng vôi (của hòn đá) thì thấy thành một chất đỏ tươi, vị đậm đà, phải chăng là cả mối tình thương yêu chân thật, thật có ý nghĩa vô cùng.

Về việc hôn nhân của người việt chúng ta xưa kia thì lập gia đình chẳng phải là để cùng mưu cuộc sống mà thôi. Hôn nhân còn có ý nghĩa vì người chết hay người sẽ chết nữa. Lấy nhau, người Việt có lẽ nghĩ trước hết vấn đề sinh con đẻ cái để có người lo việc khói hương cho tổ tiên và cả cho mình sau này nữa. Không người kế tự, đó là một sự đau đớn, nhục nhã hết sức cho người Việt, và đấy cũng là một căn nguyên của chủ nghĩa đa thê ngoài ảnh hưởng của chế độ phong kiến. Người Việt tin rằng người chết nhưng linh hồn còn phảng phất ở chốn nhân gian do sự luyến tiếc con cháu, thì là sự mong mỏi người chết phù hộ cho kẻ sống, mối tin tưởng ở hầu hết các tầng lớp dân tộc chúng ta từ xưa đến nay.
Người chết, vào thời thượng cổ, xác còn phải quàn ở trong nhà. Người nhà đục gỗ làm áo quan, hàng ngày dâng cơm nước thờ phụng như khi còn sống (phong tục này các đồng bào thiểu số nhất là dân Mường, Thổ vẫn còn giữ đến bây giờ). Lúc đem chôn cũng phải chôn theo đồ ăn, thức đựng linh hồn khỏi phải thiếu thốn (tục đót vàng mã đã do quan niệm này, bây giờ gần mất hẳn).
Trước khi Khổng Giáo tràn qua và có ảnh hưởng nhiều vào văn hóa của chúng ta, chúng ta còn tập tụcnày nữa: nếu trong một nhà người anh chết đi thì người em út phải lấy chị dâu để cáng đáng mọi việc thay anh và trôm nom các cháu. Các nhà chép sử cho rằng tục này phát sinh vì lý do kinh tế, tức là không muốn người dàn bà trẻ tái giá đem của cải và con cái của bên chồng đi. Phong tục này còn đến cuối đời Hán vẫn còn và có lẽ đã bị bãi bỏ trong thời Nhậm Diên, Sĩ Nhiếp và Tích Quang là những người có nhiệm vụ du nhập văn hóa Trung Quốc vào đất này và thủ tiêu những tập tục của dân bản thổ.
Buổi nguyên thủy người Việt sống theo chế độ bộ lạc tức là sống trong tình trạng dã man. Đời sống lại không có phong tục và đạo đức như trên đây đã nói rõ, và sự xúc tiếp giữa các bộ lạc đã xây dựng trên sức mạnh tàn bạo. Các bộ lạc yếu phải tòng phục các bộ lạc mạnh, do đó chế độ phong kiến ra đời cho tới sau này họ Hồng Bàng, một bộ lạc mạnh nhất xuất đầu lộ diện ngự trị tất cả các bộ lạc khác (xin coi dưới đây cội rễ của họ Hồng Bàng).
Về y phục, người thượng cổ khi chưa biết dệt vải, may áo đã sống trần truồng, rét mướt thì lấy lá hay vỏ cây che thân. Sau này có nghề dệt mới biết đóng khố, quấn khăn, mặc quần áo. Người bình dân khi xưa lúc ở nhà chỉ đóng cái khố và mặc cái áo ngắn. Đàn bà mặc thêm cái váy. Có lẽ từ giai đoạn người Việt biết đóng khố, biết làm nhà cửa, biết dùng đồ kim khí là khi đã có tiếp xúc với các dị tộc, nhất là người
Hán văn minh hơn họ. Tuy vậy y phục của họ rất là đơn giản do xứ ta thuộc vùng nhiệt đới, nóng nhiều rét ít. Ngày nay người ta tìm thấy trên mặt cá trống đồng, cá tảng đá hình người ở trên, đóng khố, đầu đội mũ bằng lông chim. Có thể đây là những di tích về hình ảnh người Việt Nam cổ. Còn khi người Trung Hoa sang chinh phục chúng ta, bấy giờ sự ăn vận mới bắt đầu tề chỉnh và đồng thời nông nghiệp của ta trở nên thịnh đạt. Ta biết búi tóc hay quấn khăn, mặc áo khép về tay phải hay mở ở giữa. Y phục của người Mường, Thổ ngày nay có lẽ là y phục của ông cha chúng ta thuở xưa.
Phần đông hạng bình dân cắt tóc ngắn để làm lụng, chỉ có đàn bà và các nhà quý phái mới để tóc dài cũng do ý muốn làm dáng và để phân biệt giai cấp. Họ bện tóc quấn quanh đầu và búi thành một búi tóc to ở sau gáy, ngoài bịt một chiếc khăn màu nhỏ để giữ cho chặt.
Họ không biết đi giày, guốc. Giầy, nón là sau khi có người Tàu đem sang, ta mới có. Tính thích trang điểm, họ đeo đầy cổ và chân tay những vòng bằng đồng, xương hổ phách hay đồi mồi.
Đối với khách lạ, dân Việt rất tử tế ân cần. Họ ưa mời ăn uống, coi khách như người trong nhà. Lệ tiếp khách bao giờ cũng có cơi trầu, chén nước, đôi bên vừa nói chuyện vừa ăn trầu. Cũng vì tính hay ăn trầu nên họ có tục nhuộm răng. Điều này có lợi là răng được bền chặt thêm và nếu giữ gìn răng cứ đen nhánh mãi.
Bàn về phong tục của dân ta, chúng tôi phải nghĩ tới bài khảo luận về văn hóa Đông Dương (Les civilisations de I’Indochine) của ông G. Coedès. Nhà khảo cổ này đã nhận thấy ở dân tộc chúng ta không phải chỉ có những phong tục thuần túy “Trung Quốc” mà từ vua chúa đến dân thứ của ta hầu hết đều theo cả; ở nơi chúng ta còn có những phong tục trong gia đình, ngoài làng mạc như những việc thờ thần ở đình, miếu khác hẳn Trung Quốc. Những phong tục này có trước khi người Tàu qua đây, và tồn tại đến ngày nay mặc dầu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trên mảnh đất này khá mạnh.Ông Coedes ngờ rằng trước khi văn học Trung Quốc du nhập vào đây (đầu thế kỷ thứ hai trước Thiên Chúa) người Việt Nam chúng ta đã chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Nam Á (Austro Asiatique) nên mới có những phong tục riêng biệt này. (Đáng chú ý có nhiều phong tục cùa Tàu trên đất Việt mà chính người Tàu cận lai không còn giữ nữa).
Nhận xét này được nhiều học giả hiện đại cho là đúng vì văn hóa Ấn Độ đã đặt dấu vết và ảnh hưởng ở miền Nam Á (nói chung) và miền Nam Đông Dương (nói riêng) trước khi người Trung Quốc có mặt ở Bắc Việt ít nhất trên một thế kỷ, tức là vào khoảng thế kỷ thứ nhất theo Thiên chúa kỷ nguyên. Ngoài ra người Giao Chỉ đến Bắc Việt lại không phải là những người đầu tiên. Ông cha chúng ta đi dần xuống đây xua đuổi người thổ trước là giống Anh-đô-nê-diêng, hợp chủng với những phần tử còn lại nên đã có những
phong tục khác Tàu đến nay đã thành những đặc điểm của chúng ta. Tóm lại, có thể rằng chúng ta đã có thâu nhập một mớ phong tục thuộc văn hóa Nam Á nữa. Rồi văn hóa Trung Quốc hợp với một phần văn hóa Nam Á đã tạo nên nhiều cá tính quốc gia của người Việt nam chúng ta ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét