MUÔN NẺO MƯU SINH 21

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Trả 100 triệu trên tháng mình cũng không dám làm nói chi 5 triệu tháng nghề này/dangerous job

Gian nan phận nghề leo dừa

Họ là những ' cao thủ' leo dừa đã có nhiều năm trong nghề 'kiếm cơm' trên những ngọn dừa cao chót vót. Nhưng, hầu hết họ đều chia sẻ rằng, nghề này, luôn phải đối diện với những bất an vì nguy hiểm khó lường khi ở trên cây có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Cao thủ” leo dừa
Anh Trần Văn Sắc (31 tuổi, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) người có 10 năm trong nghề “đu mình” trên những ngọn dừa, được người dân trong xóm gọi là “cao thủ” leo dừa. Những ngày này, nắng hửng lên, anh Sắc lại tranh thủ gói ghém đồ đạc, những vật dụng làm nghề, từ sáng sớm chạy chiếc xe máy tuềnh toàng để đi thu mua dừa khắp nơi.
Anh Trần Văn Sắc tung tẩy trên ngọn dừa để hái trái.
“Tranh thủ chạy kiếm ít đồng. Cực thì không cực mấy, làm nghề quen rồi, nhưng có điều nắng quá. Mùa này, chủ yếu hái dừa non bỏ cho mấy quán bán nước dừa phục vụ nước uống giải khát. Dừa già tháng 7-8 mới có, dùng sản xuất bánh dừa, mứt dừa. Một ngày trung bình leo hái được 50 trái, có khi hơn. Làm thì làm vậy chứ không đủ sống, một ngày kiếm khoảng 150 nghìn đồng thôi”, anh Sắc cho hay.
Một ngày theo chân anh xuống ven biển, tận mắt chứng kiến cách anh leo hái dừa, mới biết được, vì sao được mọi người gọi anh là “cao thủ” leo dừa. Cây dừa to, cao, đứng ngạo nghễ giữa bãi cát trắng; những rặng dừa nghiêng ngả theo gió. Bằng kỹ năng và kinh nghiệm già dặn lâu năm, chẳng mấy chốc anh đã phóng như sóc lên đến ngọn cây. Dụng cụ anh dùng để hái trái là một con dao chặt dừa và vài cái bao 50 để đựng dừa.
“Đồ nghề phục vụ công việc cũng đơn giản thôi. Quan trọng muốn sống được với nghề phải biết chỗ mô dừa nhiều mà tới mua.Tôi thường đến các vùng ven, xã Tam Quang, Tam Hải, Tam Tiến, huyện Núi Thành để thu mua dừa, vì ở đó dừa nhiều và cây phát triển tốt. Làm nghề mười năm nên cây dừa nhà nào đang đến độ phát triển tôi đều biết cả. Tôi canh chừng 4 tháng sau khi hái sẽ tiếp tục trở lại; xem lúc ấy, dừa ra trái trở lại thì hái tiếp”, anh Sắc cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Sơn (52 tuổi, phường Hòa Hương, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) có thâm niên 30 năm trong nghề, được các đồng nghiệp xếp vào top những người leo dừa giỏi.
Ông Sơn cho biết: “Tùy theo mùa, chứ không phải cây dừa quanh năm đều có trái. Đó cũng là cái khó của những người trong nghề như chúng tôi. Dừa vào mùa khoảng tháng 3 – 4, còn những tháng khác cây dừa phát triển rất kém chất lượng. Nhiều trái về chặt ra cơm mỏng, có trái không có cơm, tiếc nuối cũng đành bỏ đi. Bởi vậy, theo tôi thì những người sống được bằng nghề này phải có kinh nghiệm lâu năm mới mua ra dừa chất lượng”.
Nguy hiểm khi leo
Vì miếng cơm manh áo, những người làm nghề leo dừa như ông Sơn bất chấp nguy hiểm sống với nghề, dẫu tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào, không ai biết. Ông Sơn chia sẻ, ngót 30 năm theo nghề, nhiều lần gặp phải nguy hiểm đến từ trên cây.
Ông Nguyễn Thanh Sơn đang chặt dừa để chuẩn bị bàn giao cho cơ sở.
“Một ngày cũng như mọi ngày tôi bắt đầu với công việc của mình, tôi thức dậy thật sớm để đến chỗ hẹn với khách hàng để thu mua dừa, ở xã Tam Tiến. Khi lên đến ngọn cây để hái dừa đưa xuống đất, thì bất ngờ, ở trong bẹ dừa, những con ong vò vẽ bay ra chích vào mặt làm sưng tấy. Nếu lúc đó tôi không giữ được bình tĩnh, rất có thể sẽ mất thăng bằng và ngã từ trên cây xuống dưới đất, rất nguy hiểm. Ngày hôm sau vết thương càng trở nên nghiêm trọng, tôi phải nghĩ mất vài tuần để chữa lành mới có thể tiếp tục hành nghề được”, ông Sơn nhớ kể.
Còn theo ông Trần Đinh (61 tuổi, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), người có 20 năm nghề; làn da rám nắng; trên bắp tay, phần bụng ông vẫn còn những vết sẹo chi chít do leo dừa để lại. Hiện tại, ông ít leo dừa vì tuổi cao, nhưng dùng chiếc câu liêm giật dừa từ trên cây xuống.
Ông Đinh cho biết: “Nghề này luôn đối diện với những nguy hiểm mà không thể nào lường trước được, thậm chí còn mất tánh mạng nếu trường hợp xấu nhất xảy ra. Bản thân tôi nhiều lần bị ngã gãy chân, giờ trời trở lạnh xương khớp lại đau nhức, rất khó chịu. Còn riêng ở xóm tôi, có thanh niên tuổi mới lớn chưa có công ăn việc làm ổn định cũng tập tành đi leo dừa, nhưng được vài tháng thì bỏ nghề, hỏi ra mới biết, vì tai nạn ngã từ trên cây xuống bị gãy tay”.
Để bảo vệ thân thể, ông Đinh còn tự chế ra một dây bảo hộ, thắt chặt lưng quần vào thân cây, gặp những cây cao thì đem ra sử dụng. “Mình chỉ phòng thôi, với những cây cao thì dùng. Chiếc câu liêm chỉ phát huy tác dụng với những cây thấp, cây tầm trung. Nhờ có dây bảo hộ cũng tránh được những tai nạn rủi ro không đáng có, với lại, cũng giảm được sức leo trèo trong khi tuổi tôi cũng đã cao rồi”, ông cho biết thêm.
Còn anh Trần Văn Sắc, cũng nhiều lần leo dừa bị ngã gãy tay nhưng vì miếng cơm manh áo mới theo nghề, mà nghĩ việc thì không biết làm gì. Anh nói: “Biết là nguy hiểm, nhưng nghề này là cuộc sống, là “chén cơm” của cả gia đình nên không thể nào bỏ được”.

Nhọc nhằn nghề leo dừa

11/04/2012, 10:18 (GMT+7) Có một điểm chung duy nhất giữa những người làm nghề leo dừa là ai cũng nghèo, nghèo đến nỗi cục đất chọi chim cũng không có.
Lần nào đi công tác về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thức uống mà tôi ưa thích nhất luôn là một trái dừa tươi. Nhưng nhiều khi, ngụm nước dừa trong miệng tôi bỗng mang vị mặn chát khi chợt thấy trên những ngọn dừa xa xa, một người thợ dừa đang cần mẫn leo lên tụt xuống những thân dừa cao vút, trông nguy hiểm, để hái xuống từng buồng dừa.
Người đàn bà leo dừa hơn nửa đời người
Trước mặt tôi là một cây dừa xiêm khẳng khiu, đường kính hơn 1 gang tay, nhưng cao dễ tới chừng 20 mét. Đứng sát dưới gốc dừa ngước mắt nhìn lên tận ngọn đang đong đưa vì vừa có một cơn gió lùa qua, tôi chợt thấy rờn rợn khi thoáng nghĩ rằng nếu bắt buộc phải leo lên ngọn cây dừa này, mình sẽ ra sao? Tôi nhìn sang bà Nguyễn Thị Mười Hai (ấp Bờ Xe, Thạnh Phú, Châu Thành, Tiền Giang). Bên dưới mái tóc mà phân nửa đã bắt đầu ngả sang màu bạc, gương mặt khắc khổ buồn buồn của người đàn bà đã vào tuổi 50 và đã có 2 đứa cháu ngoại ấy, vẫn bình thản như không. Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, bà khẽ cười: “Cây dừa này chưa ăn thua gì đâu. Tôi từng trèo lên những cây dừa cao tới bốn, năm chục mét vào những lúc trời còn gió hơn thế này”.
Nói rồi, bà Mười Hai dắt cái liềm chuyên để chặt dừa vô lưng quần. Cậu con trai út đang học cấp 3 mang ra một sợi dây dù dài chừng vài chục mét. Một đầu sợi dây dù ấy buộc vào một cái móc sắt. Bà Mười Hai cầm cái móc sắt đó, móc vào túi áo, rồi bà xỏ cái nèo vào hai cẳng chân. Đó là một một vòng vải làm bằng dây dù sợi vải pha, trông rất bền chắc. Sau đó, bà đưa 2 bàn tay bám chắc vào thân cây dừa theo thế một bàn ở trên, bàn kia sát ngay bên dưới. Hai bàn chân của bà cũng quặp vào 2 bên thân cây dừa. Sợi nèo níu giữa hai cẳng chân, cũng bám chắc vào nửa vòng thân cây dừa. Thế bám đã chắc, thế đẩy cũng sẵn sàng, bà Mười Hai bắt đầu leo dừa.
Bà Mười Hai bắt đầu leo dừa
Cứ ngỡ với cây dừa khẳng khiu cao tới hai chục mét ấy, phải mất ít nhất vài phút bà Mười Hai mới có thể leo đến tận ngọn. Nào ngờ, với những động tác đu đẩy rất dứt khoát, nhanh nhẹn, chỉ trong vòng chừng mười mấy giây, bàn tay bà Mười Hai đã chạm vào những buồng dừa xiêm lủng lẳng trên cao. Khi đã đứng vững trên những bẹ dừa, bà nhanh nhẹn rút cái liềm ra thoắt thoắt chặt buồng dừa. Chỉ sau vài giây, buồng dừa đã lìa khỏi ngọn. Bà Mười Hai lấy cái móc sắt buộc đầu sợi dây, móc chặt vào buồng dừa, rồi ra hiệu cho cậu con trai thả dần đầu dây dưới đất mà cậu đang giữ trong tay để cho buồng dừa ở đầu dây kia từ từ hạ xuống đất.
Sau khi xong việc thu hoạch dừa, bà lại leo trở xuống, nhanh chẳng kém gì lúc leo lên. Tôi lại nhìn bà, sắc mặt vẫn bình thường, nhịp thở không thấy gấp gáp hơn. Xem ra, việc leo một cây dừa cao vài chục mét đối với bà cũng chỉ như người ta thong thả đi bộ trên mặt đất vài chục mét vậy.
“Hồi còn con gái, tôi leo dừa không cần phải có sợi nèo đâu, chỉ cần hai bàn tay và hai bàn chân thôi”, bà Mười Hai vừa đưa cho tôi ly nước, vừa nhắc chuyện xưa. Thì ra, tuy là phận gái, nhưng từ nhỏ, Mười Hai đã ưa thích leo trèo như đám con trai, kể cả leo lên những cây dừa trong vườn trong xóm. Leo nhiều thành quen rồi trở thành người leo dừa giỏi vào bậc nhất trong vùng tự lúc nào. Từ sau khi lập gia đình, cái trò chơi leo dừa ấy lại trở thành cái nghề đeo đẳng cả đời bà. Ở xã Thạnh Phú cũng như các xã xung quanh khác của huyện Châu Thành, trong mấy chục năm qua, bà Mười Hai là người đàn bà duy nhất làm nghề leo dừa.
“Nhà nghèo, ruộng đất chẳng có, nghề nghiệp khác cũng không, nên tôi đành phải bám vào nghề này suốt mấy chục năm qua”, bà Mười Hai ngậm ngùi. Ngày trước, hai vợ chồng bà cùng đi thu hoạch dừa mướn cho người ta. Bà đảm nhận việc leo lên ngọn dừa, còn chồng bà do không biết leo dừa nên đứng dưới gốc, đón những buồng dừa vợ chuyển xuống rồi đem tới chỗ tập kết.
Sau này, khi con cái lớn lên, chúng lần lượt theo ông bà đi phụ việc thu hoạch dừa. Con cái cũng chẳng đứa nào biết leo dừa, thành ra, cái công việc khó khăn nhất ấy, vẫn thuộc về bà. Cứ thế người đàn bà bé nhỏ ấy từ khi mới lấy chồng, đến lúc có con và đến giờ đã có cháu ngoại, vẫn hàng ngày đánh đu với tính mạng trên từng ngọn dừa để kiếm tiền nuôi cả gia đình.
Mỗi ngày, bà leo chừng 50 cây dừa. Cứ mỗi một chục dừa (chục ở Tiền Giang tương đương với 12 trái) hái xuống và chở đến chỗ thu gom, được trả công 5.000 đồng. Mỗi ngày, bà và chồng con kiếm được chừng 200 ngàn đồng. Nếu đem chia làm 3, mỗi người chỉ được khoảng 70 ngàn đồng. Thành ra sau mấy chục năm làm người đàn bà leo dừa duy nhất ở khu vành đai Bình Đức, gia đình bà Mười Hai nghèo vẫn hoàn nghèo. 
Bà Mười Hai chỉ mất vài chục giây để leo tới ngọn cây dừa cao tới hai chục mét
Nghề của người nghèo
Do leo dừa giỏi, nên suốt mấy chục năm làm nghề leo dừa, bà Mười Hai mới chỉ bị ngã một lần từ trên cây dừa xuống đất, từ độ cao chừng 3 mét. Khi ấy bà đang mang thai tháng thứ 6. May mà bà mụ thương “đỡ” giùm nên cái thai không hề hấn gì.
Từ đó, bà Mười Hai cẩn thận hơn mỗi khi leo dừa nên không còn bị ngã thêm lần nào nữa, nhưng đụng phải rắn, ong vò vẽ… là chuyện thường ngày. Nói rồi, bà chỉ cho tôi xem những vết ong đốt, kiến cắn đã mờ vết, chi chít trên hai tay. “Hầu như ngày nào tôi cũng bị ong đốt hay kiến độc cắn. Đau buốt lắm, có hôm sưng vù khắp người, nhưng đã buộc phải kiếm cơm bằng nghề leo dừa thì phải ráng cắn răng mà chịu thôi. Cũng may mà gặp rắn lục, rắn hổ hành cũng nhiều nhưng chưa lần nào bị chúng cắn vào người. Nếu không…”, bà Mười Hai bỏ lửng câu nói rồi nhìn lên ngọn dừa trước mặt, khẽ nén một tiếng thở dài.
Cực nhọc là thế, nguy hiểm là thế, vậy mà ở các vùng dừa Nam Bộ, vẫn có không ít người đang hàng ngày mưu sinh bằng cái nghề được cho là luôn phải đối mặt với tử thần này. Có một điểm chung duy nhất giữa họ là ai cũng nghèo, nghèo đến nỗi cục đất chọi chim cũng không có. Ông Tư Đọt, một thợ leo dừa lâu năm ở Long Hưng (Châu Thành, Tiền Giang) than: “Những người không nghề nghiệp, không ruộng đất, không biết sinh nhai bằng cách nào như tui, mới đành phải nhắm mắt đưa chân… lên ngọn dừa mà chẳng biết đến ngày nào mới có thể kiếm sống bằng một công việc bình thường nào đó trên mặt đất”.
Nhưng hàng ngày phải trèo dừa để kiếm sống suốt mấy chục năm qua mà mới chỉ bị ngã một lần, và thường xuyên bị ong đốt, kiến cắn như bà Mười Hai, thì vẫn còn may chán. Bởi đã có không ít người gặp tai nạn khi đang leo dừa, nhẹ thì phải mất một thời gian thuốc thang chữa trị, nặng hơn phải bỏ nghề, còn nặng nữa là mất mạng.
Ông Ba Lạt, một người chuyên leo dừa ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, kể: “Những lúc trời vừa mưa xong, là lúc leo dừa nguy hiểm nhất vì thân cây trơn trợt”. Nói rồi, ông Ba Lạt vạch áo cho tôi xem những vết sẹo chằng chịt trên ngực, trên bụng: “Cậu coi này, những vết sẹo này là do những lần thân dừa trơn quá, mình bị mất thế, hai bàn tay không còn bám chắc vào thân dừa được nữa. Nếu buông tay, sẽ bị rơi thẳng xuống đất, có thể gãy cổ, gãy xương. Tôi đành phải cắn răng ôm thân dừa tuột thẳng xuống dù biết chắc là sẽ rách bươm da thịt”.
Không chỉ ngực và bụng, hai cánh tay của ông Ba Lạt cũng đầy sẹo. Ông Ba Lạt thở dài: Trầy xước da thịt như tôi nhưng mạng sống vẫn còn giữ được đến giờ này, cũng là nhờ phúc phần của ông bà, tổ tiên. Ở vùng này đã có nhiều tai nạn thương tâm của những thợ leo dừa. Ông Năm Nhựt ở xã Lương Hòa, có thâm niên leo dừa hơn ba chục năm, một lần bất cẩn bị té từ ngọn dừa cao mười mấy mét xuống đất. Tuy may mắn không chết nhưng phải nằm liệt một chỗ suốt quãng đời còn lại vì bị gẫy xương sống. Ở ven kênh Chẹt Sậy cũng thuộc huyện Giồng Trôm, ông Sáu Ân cũng là người nổi tiếng về tài leo dừa, hái dừa, với thành tích một ngày có thể hái trên ngàn trái dừa, vậy mà đã sớm thiệt mạng sau một tai nạn nghề nghiệp.
SƠN TRANG


 
Cụ Già 77 Tuổi Leo Dừa Thuê Kiếm Sống - Trả 100 triệu trên tháng mình cũng không dám làm nghề này

“Đệ nhất… leo dừa”


Chị Mười Hai luôn nở nụ cười lạc quan
Gần 30 năm qua, chị Nguyễn Thị Mười Hai (ấp Bờ Xe, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vẫn rảo bước trên khắp các hang cùng ngõ hẻm kiếm sống bằng nghề hái dừa thuê. Với thành tích hái dừa chuyên nghiệp, chị được bà con thương mến tặng cho danh hiệu“Đệ nhất… leo dừa”.
Con gái làm nghề… “kỳ cục”!
Nghề này nếu sơ sẩy là mất mạng như chơi. Nhưng cũng nhờ nó mà gia đình tui mới có cái ăn, cái mặc như ngày hôm nay…” - chị Mười Hai cười hiền lành cho biết như thế!
Có thể nói, Thạnh Phú là xã có nhiều vườn dừa nhất của tỉnh Tiền Giang, không thua gì xứ dừa nổi tiếng Bến Tre. Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, chị là con gái út nên ba mẹ đã lấy luôn thứ mười hai đặt tên cho chị. Hồi còn nhỏ, chị rất nghịch ngợm. Những trò chơi dành cho con gái như nhảy dây, bán đồ hàng không thu hút chị bằng trò chơi… thi leo dừa. Và lần nào, chị cũng là người thắng cuộc trong tiếng reo hò, sự ngưỡng mộ của đám con trai cùng ấp. Ba mẹ chị biết được đã la mắng, kể cả đánh đòn nhưng vẫn không ngăn được niềm đam mê “kỳ cục” này của chị. Những năm học cấp 2, mỗi lần về nhà các bạn chơi, ai cũng muốn uống nước dừa nhưng không dám leo vì thấy cây dừa nào cũng cao. Vậy là chị lại xung phong leo lên hái… Hồi đó, chị leo dừa đơn giản chỉ vì thích thể hiện bản lĩnh của mình chứ không hề nghĩ rằng nó sẽ trở thành cái nghề để cho mình mưu sinh sau này. Năm 20 tuổi, chị lấy anh Bùi Văn Lợi, gia đình cũng nghèo không thua gì chị. Hai vợ chồng bôn ba khắp nơi, làm đủ mọi nghề nhưng cái nghèo vẫn không buông tha. Cả hai quyết định quay trở về quê nhà, tiếp tục làm thuê làm mướn kiếm sống. Một hôm, trong đầu chị nảy ra suy nghĩ: Tại sao công việc thu hoạch dừa, làm vệ sinh cây dừa trong xã luôn thiếu lao động mà mình lại không làm. Đem suy nghĩ này ra nói với mẹ, tức thì mẹ chị can ngăn: “Trèo cây là chuyện của đàn ông con trai, con gái chẳng ai làm chuyện... “kỳ cục” đó…”. Anh Lợi còn phản đối quyết liệt hơn vì bản thân anh không biết leo dừa và cũng vì lúc ấy, chị đang mang thai đứa con gái đầu lòng. Nhưng rồi thấy chị quá cương quyết, cả nhà đành phải chiều theo. Nhưng chị lại gặp một trở ngại khác, biết chị đang mang thai, nhiều chủ vườn không dám thuê vì sợ “rủi xảy ra chuyện gì thêm mang họa”. Bản thân chị phải cam kết: “Nếu có chuyện gì tui tự chịu” thì họ mới đồng ý mướn. Lúc đầu, chị chỉ leo những cây dừa thấp, sau đó đến những cây dừa cao hơn. Mỗi chục dừa, chị được chủ vườn trả tiền công với giá 2.000đ. Sau một thời gian, chị tích góp được một số vốn nên quyết định hái và mua luôn với giá 22.000đ/ chục. Khi mang ra chợ bán lại, mỗi chục dừa chị lời 4.000đ. Hiện tại, ở vùng Thạnh Phú, chị Mười Hai là người duy nhất có thể chinh phục được những ngọn dừa cao từ 20-40m.
Nghề nguy hiểm

Chị Mười Hai đang chinh phục những ngọn dừa cao nhất xã
Quả là như vậy, chị Mười Hai cho biết: “Trời nắng thân dừa khô ráo nên dễ trèo, còn trời mưa rong bám đầy thân dừa, rất trơn, không khéo sẽ bị té như chơi…”. Mặc dù được mệnh danh là “Đệ nhất… leo dừa” nhưng chị cũng không tránh khỏi chuyện “tai nạn nghề nghiệp”. Chị kể: “ Lần ấy, cái thai đã đến tháng thứ 6, do phải tránh cái bụng bầu nên tui không dám ép chặt bụng vào thân cây. Chính vì vậy mà mới trèo lên được khoảng 5m, tui bị trượt chân té xuống đất bất tỉnh. Anh Lợi và chủ vườn sợ quá đưa tui đến Trạm y tế xã cấp cứu. Hơn một tiếng sau tui tỉnh lại, nghe bác sĩ bảo cái thai không bị ảnh hưởng, tui mừng đến rơi nước mắt. Nếu có chuyện gì xảy ra với đứa con đầu lòng, chắc tui ân hận suốt đời…”.
Lần khác, chị đang hái dừa trên cây thì mưa tới. Từ trước đến giờ, việc dầm mưa hái trái với chị là việc rất bình thường. Nhưng hôm ấy, cây dừa chị leo gần đường dây điện cao thế. Trời mưa lá dừa ướt, gió thổi phất phơ nhanh chóng bắt điện, xẹt lửa cháy sém tóc. Quá bất ngờ, chị buông tay té từ ngọn dừa xuống đất. Nhưng trời vẫn còn thương kẻ nghèo khó, nên lần ấy chị chỉ bị trật chân.
Trên thân thể chị còn chi chít những vết sẹo do bị ong ruồi, ong vò vẽ làm tổ trên ngọn dừa chích hàng trăm lần, bị rắn lục cắn không đếm hết trong suốt gần 30 năm qua. Chị cười bảo: “Nhờ có nhiều kinh nghiệm nên tui có thể “chiến đấu” với chúng. Nếu gặp rắn lục quấn buồng dừa hoặc tàu lá dừa thì tui lấy chiếc liềm cắt mạnh chúng ra làm đôi. Nếu phát hiện có tổ ong thì tui quay trở xuống đất tìm lá dừa khô bó thành đuốc rồi leo lên “hun khói” cho ong bay đi hết để hái dừa. Cách đây vài tháng, trong lúc hái dừa ở xã Long Hưng với độ cao hơn 20m, sém chút nữa tui bị con rắn hổ ngựa to bằng cổ tay cắn nếu không cả gan dùng liềm đánh nó rơi xuống đất cho bà con vây bắt…”.
Giờ đây, đã “lên chức” bà ngoại nhưng chị vẫn quyết theo nghiệp leo dừa kiếm sống, chị bảo: “Hơn nửa đời người sống bằng nghề này, nuôi được cha mẹ già và các con khôn lớn, giờ còn sức khỏe sao phải ngồi không để người khác nuôi!”. Và chị khoe: “Tui vừa mới lợp mái tôn thay cho mái lá, sửa sang lại căn nhà nát hết gần 10 triệu đồng bằng tiền dành dụm từ nghề này đó”.
Cũng nhờ leo dừa mà sức khỏe chị luôn dẻo dai, rất ít bị bệnh tật. Một kỳ tích khác, chị hiện là vận động viên điền kinh của huyện Châu Thành, 5 năm liền được xã cử tham dự giải việt dã truyền thống Báo Ấp Bắc (Tiền Giang) với ba giải nhì, một lần giải tư.
Song Minh


Gần 30 năm “hành nghề”, nếu tính trung bình mỗi ngày chị leo khoảng 50 cây thì đến nay, chị đã chinh phục được trên 46.000 lượt cây dừa. Gương mặt đen vì rám nắng, đôi chân khô cứng xơ xác, chai sần khắp vùng bụng và ngực, nhưng trên gương mặt khắc khổ ấy đôi mắt chị vẫn ngời ngời niềm tin vào cuộc sống, hy vọng vào tương lai của con cháu mình…

Mưu sinh trên... ngọn dừa

Ở xứ dừa miền Tây Nam bộ, không ít người cả đời mưu sinh bằng nghề trèo dừa. Để có được miếng cơm manh áo, họ không chỉ vất vả mà luôn phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí đánh đổi cả mạng sống.

Ông Mai Văn Mong đang trèo dừa
Ông Mai Văn Mong đang trèo dừa
Gian nan đời trèo dừa
Từ trung tâm huyện Châu Thành (Hậu Giang) chúng tôi chạy qua mấy con đường ngoằn ngoèo nhỏ xíu đến ấp Khánh Hội A, xã Phú An để gặp ông Mai Văn Mong, tên thường gọi là Chín Mong. Ông Chín Mong 61 tuổi đời nhưng có ngót nghét 50 năm tuổi nghề trèo dừa. Đó cũng là lý do tên tuổi người thợ trèo dừa này nổi tiếng khắp vùng. Ông cho biết mình bắt đầu leo dừa lúc 11 tuổi. Khi trưởng thành, ông cưới vợ rồi sinh liền 5 người con.
Trong khi gia đình chỉ có hơn 3 công đất vườn tạp cha mẹ để lại, loay hoay với cái ăn chưa đủ, còn phải lo cho các con ăn học, nên ông bắt đầu nghề leo bẻ dừa mướn. “Hồi nhỏ, thấy người ta trèo dừa mình bắt chước trèo theo chứ có ai dạy đâu. Họ trèo cây cao còn mình trèo cây thấp, dần dần nghề dạy nghề…”- ông Chín Mong nhớ về những ngày đầu chập chững trèo dừa.
Theo ông, nghề trèo dừa cũng đòi hỏi phải có “khiếu thẩm mỹ”. “Trời cho mình cái khiếu thẩm mỹ. Tôi làm vừa ý gia chủ nên nhiều người ủng hộ, việc làm không xuể do đó không sợ chết đói. Hơn nữa, nhờ trời cho mình khỏe mạnh, trước giờ làm nghề này tuy cực khổ nắng mưa nhưng không bệnh hoạn gì cả”- ông cười khì.
Đang trò chuyện, bỗng có một cô gái chạy đến gọi ông Chín Mong đi sửa dừa (làm vệ sinh, cắt tỉa bẹ dừa). Ông giới thiệu người gọi đó là Oanh, hàng xóm. Oanh cho biết, nhà có hơn 0,5 ha dừa gần chục năm tuổi. “Vài tháng là sửa dừa một lần cho sạch để cây dễ ra trái”- Oanh nói. Cô cũng cho biết: “Trước đây gia đình có thuê một vài người khác đến sửa nhưng không vừa ý, trong khi ông Chín Mong làm kỹ, gọn gàng hơn nên khi cần là chạy đến nhà thuê ổng”.
Chúng tôi theo chân ông Chín Mong đến vườn nhà Oanh để tận mắt quan sát ông trèo dừa. Người đàn ông tuổi lục tuần nhưng nhanh nhẹn như sóc. Thoắt một cái, ông đã tót lên tận ngọn cây dừa cao vút bằng đôi tay và chân trần. Neo mình lơ lửng trên thân dừa một tay ông Chín ôm cây dừa, một tay cầm lưỡi hái giật lia lịa.
Chỉ khoảng mười phút sau, cây dừa vốn tàu, bẹ ngổn ngang rác đã trở nên sạch sẽ, gọn gàng như người mới cắt tóc. Sau khi hoàn tất, ông Chín Mong tụt xuống đất ngồi nghỉ lấy sức tiếp tục chinh phục những cây dừa khác. Ông cho biết, khi gặp hai cây dừa gần nhau, thay vì từ cây này tụt xuống đất rồi lại trèo lên cây bên cạnh, ông lần theo tàu dừa chuyền qua cây khác bẻ tiếp, đỡ lên xuống mất sức.
Theo ông Chín Mong, công việc sửa dừa rất khó và nguy hiểm nhưng tiền công không được nhiều. “Làm cật lực, cố lắm ngày được khoảng 20 cây, kiếm vài trăm ngàn là rụng rời tay chân”- ông nói.
Mặc dù vậy, ông vẫn luôn kiên trì để làm việc và sống với nghề. Ông kể, có những cây dừa cao hơn 20m, trên ngọn các buồng dày đặc trái, quây giáp nhau không có đường lên phía trên. Gặp cảnh này, những người khác thường lui xuống, riêng ông vẫn không bỏ cuộc.
Ông Phạm Văn Thắng đứng trước nhà.
Ông Phạm Văn Thắng đứng trước nhà.
Dù hơn 30 năm làm nghề trèo dừa nhưng cuộc sống gia đình ông Nguyễn Văn Út ở ấp 3, xã Trinh Phú (Kế sách, Sóc Trăng) vẫn luôn chật vật. Gia đình ông Út thuộc diện hộ nghèo, không ruộng đất. Căn nhà ông đang ở là nhà tình thương do Nhà nước cất cho, chỉ rộng chừng vài chục mét vuông.
Vợ chồng ông Út có 5 người con, cả 5 đều không biết chữ. Hiện tại, 4 người con đã có gia đình, ở riêng và đều rất nghèo. Trong đó, có 2 người con trai theo ông đi đến tận vườn mua dừa rồi tự trèo hái và chở đi bán để kiếm sống. “Không ruộng đất mới làm nghề này chứ có yêu nghề đến mấy cũng không giàu được vì ngày nào không trèo trên cây thì ngày đó không có tiền. Trung bình ngày vài trăm ngàn, thậm chí hôm không ai kêu bán, lỗ vốn”- ông Út nói.
Điều khiến ông Út tâm tư nhất là “đến khi lớn tuổi, trèo không nổi thì lấy gì sống?”.
Đắng cay đời dừa
Nỗi ám ảnh thường trực và luôn hiện hữu trước những người sống với về trèo dừa là tai nạn ngã từ trên cao. “Nguy hiểm trong nghề không sao tả xiết, chỉ cần sơ sẩy chút xíu là đối mặt với tử thần. Nếu may mắn sống sót thì cũng thành tàn phế”- ông Út nói với vẻ mặt đầy tâm trạng. Theo chỉ dẫn của ông Út, phóng viên lần theo con đường đất quanh co đến nhà ông Phạm Văn Thắng, ở cùng ấp 3. Ông Thắng (54 tuổi), đang nằm trên võng với gương mặt gầy gò, hốc hác, da xanh xao. Ông cho biết, đang chuẩn bị đi bắt ốc để kiếm tiềm mua gạo.
Giọng nghèn nghẹn, ông Thắng kể: “Gần 6 năm trước, trong một lần trèo dừa vào sáng sớm, lúc ở trên ngọn cây, không may trượt té xuống đất từ độ cao khoảng trên 12 m…”. Vợ ông Thắng, bà Hồng (63 tuổi) tiếp lời chồng: “Sau lần té dừa, ổng bị dồn cột sống, tay phải và 2 chân không cử động được nên nằm ở nhà. Ổng ngày càng ốm o gầy mòn nhưng vì không có tiền nên chỉ xin thuốc nam uống cho qua ngày”. Bà Hồng cũng chia sẻ, khoảng một năm nay, có người ở bên Pháp biết đến hoàn cảnh của gia đình đã gửi thuốc về cho ông Thắng uống liên tục mấy tháng qua.
Nhờ vậy, ông Thắng hiện có thể đi lại được, nhưng sức khỏe còn yếu. Vợ chồng ông Thắng có 5 người con đều lập gia đình riêng. Không ruộng đất, nghèo khổ nên các con ông bà phải đi làm thuê ở nơi xa. Trước đây, vợ chồng ông mưu sinh trôi nổi trên chiếc ghe tải trọng hơn một tấn, đi khắp nơi thu hái bán dừa tươi kiếm sống mấy chục năm. Đến năm 2008 được xui gia cho mượn miếng đất ở tạm và được Nhà nước cất nhà tình thương nên mới gọi là tạm ổn định.
Anh Nguyễn Văn Tiến nằm một chỗ trong nhà. Ảnh: Hòa Hội
Anh Nguyễn Văn Tiến nằm một chỗ trong nhà. Ảnh: Hòa Hội
Anh Nguyễn Văn Tiến, 26 tuổi, ở phường Cái Khế (Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đang khỏe mạnh bỗng trở nên tàn phế sau lần bị ngã trong lúc trèo dừa. Đến thăm nhà Tiến vào một buổi trưa cuối tháng 2, gặp lúc Tiến đang ngồi trên ghế bố, nhoài người xuống nền nhà vẽ tranh. Thấy khách, Tiến dừng tay và nói: “Em muốn vẽ hình Phật để quên đi những cơn đau nhức hành hạ”.
Rồi Tiến kể, cách nay hơn 5 năm, trong lần leo dừa thuê, anh bị té xuống đất bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, anh thấy mình ở trong bệnh viện, toàn thân băng bó trắng toát. Bác sĩ cho biết, cú ngã khiến lưng Tiến bị gãy thành nhiều đoạn, dập tủy sống, 2 chân bị liệt. Bệnh viện phải dùng 2 thanh kim loại kẹp vào trong cho cơ thể vững.
Do nằm một chỗ lâu ngày, phần mông của Tiến bị lở loét, ngày càng ăn sâu vào trong. Mọi sinh hoạt hằng ngày của Tiến, từ ăn uống đến vệ sinh đều do cha mẹ giúp đỡ. “Đau nhức dữ lắm, em muốn xoay người hay di chuyển chỗ khác đều không được. Hơn nữa, máu và mủ chảy ra liên tục gây ngứa ngáy, khó chịu” - Tiến tâm sự trong nước mắt.
Tiến cho biết, để nguôi ngoai phần nào nỗi buồn, gần 4 năm nay, anh chú tâm vào vẽ và đã vẽ hàng trăm bức tranh, đặc biệt là tranh về Phật để tặng cho trẻ em cùng xóm, bạn bè, người thân. “Em muốn được đi thực tế nhiều nơi để vẽ những bức tranh tặng mọi người nhưng không đi được mà chỉ vẽ thông qua tưởng tượng và mơ”- Tiến tâm sự.
Ông Chín Mong chia sẻ, thợ leo dừa sợ nhất là những ngày trời ẩm ướt, rong rêu làm thân dừa trơn. Không ít trường hợp thợ trèo dừa gặp tai nạn dẫn đến thương tật nặng, thậm chí thiệt mạng. Bản thân ông cũng không ít lần đối mặt hiểm nguy. Ông kể, lần chết hụt gần đây nhất của ông là vào năm ngoái khi sửa dừa thuê tại thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng).
“Khi sửa xong cho một cây dừa cao gần 15m thì tôi tụt xuống, mới được nửa cây, bỗng nguyên buồng dừa 18 trái rơi từ trên xuống, sợt qua đầu. Lúc đó tay chân tôi run cầm cập, mặt mày tái mét không còn chút máu. Buồng dừa mà rơi trúng đầu thì bây giờ cỏ đã mọc xanh mả rồi”- ông hài hước nói.
Theo Báo Tiền Phong

Nghề nguy hiểm: “Ăn cơm dưới đất, kiếm tiền… ở độ cao 20m”

Phải đối diện thường trực với rắn độc, côn trùng và cả những tai nạn bất ngờ khi làm việc ở độ cao 20m. Bởi vậy, người làm nghề leo dừa có những khả năng và trải nghiệm mà ít nghề nào có được.

Nói không với người sợ độ cao
Đồ nghề của người leo dừa rất đơn giản, chỉ cần 1 cái dây nài dùng để tròng vào 2 bàn chân, một dây ba chạc đeo vòng qua bụng để giữ an toàn khi leo và một cái rựa dùng để hái dừa. Thế nhưng, ít ai biết để kiếm tiền từ nghề này, người thợ phải trả qua những thử thách đầy khó khăn.
Ông Nguyễn Hồng Tưởng (trú xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) - người có kinh nghiệm 20 năm trong nghề leo dừa, nêu một ví dụ khá đơn giản, khi mua quả ở những gốc dừa có dây leo quấn quanh như trầu, tiêu, thanh long, chủ nhà sẽ không ngần ngại đặt điều kiện: “Leo sao leo, hái sao hái, nhưng nếu làm dập, đứt dây tiêu, dây thanh long là phải đền”.
“Gặp trường hợp này, chúng tôi phải cẩn trọng từ đôi tay cho đến đôi chân để không làm đứt dây thanh long hay dây tiêu bò trên thân dừa. Chỉ cần sơ xuất nhỏ trong lúc thả dừa, làm gãy vài nhánh là ngay lập tức sẽ bị chủ nhà mắng mỏ không thương xót, thậm chí bắt đền. Có khi tiền đền bù cho người ta còn tốn hơn tiền mà mình mua số dừa hái được”, ông Tưởng nói.
 Ông Nguyễn Hồng Tưởng trong một chuyến "tác nghiệp" trên thân dừa.
Anh Nguyễn Văn Đẩu (40 tuổi, huyện Hoài Nhơn), chia sẻ: “Làm nghề này cực nhọc, nguy hiểm và không phải ai cũng có thể làm được. Để có thể leo từ 20-30 cây dừa mỗi ngày, mỗi cây cao 10-20 m, đòi hỏi người làm nghề phải có sức khỏe, không sợ độ cao, nhanh nhẹn và đánh cược cả mạng sống của mình. Bởi vậy, những người mắc bệnh tim mạch, sợ độ cao… thì không bao giờ tồn tại trong nghề”.
Đúng 6 giờ sáng, ông Đẩu ra khỏi nhà, dạo hết vườn nọ đến vườn kia, ai bán dừa thì vào mua. Bình quân một ngày chạy xe 40-50 km, ông thu mua trên dưới 100 quả dừa.
 Nghề hái dừa hót nhất là vào mùa nắng nóng vì người mua dùng để giải khát.
“Ăn cơm dưới đất, tác nghiệp trên cao”
Trải lòng về nghề, anh Nguyễn Tấn Trực - thợ leo dừa kỳ cựu (ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông) cho hay: “Nghề này thịnh nhất là vào mùa nắng nóng, đây cũng là khoảng thời gian mà ong vò vẽ rất khoái làm tổ trên đọt dừa. Có lần, khi leo đến nơi, nghe động ong vù vù túa ra đốt. Đôi tay mắc bám cây dừa nên không thể đuổi, đành cắn răng chịu đựng. Người nào xui xẻo thì bị chúng phủ nguyên cả đàn, khi xuống được dưới đất phải lập tức nhập viện với mọi bộ phận trên cơ thể đều sưng vù, sốt mê man suốt mấy ngày liền”.
Những thân dừa có độ cao lên đến 20m chính là thử thách dành cho người thợ theo nghề. 
Chưa dừng lại ở đó, anh Trực kể tiếp, có trường hợp trong lúc đã leo lên cao, tay chân người thợ bất ngờ bị vọp bẻ (chuột rút). Tiếp tục leo lên không được, xuống cũng không xong. Lúc đó, thợ leo dừa phải bình tĩnh bám chặt thân dừa, chờ cơn vọp bẻ đi qua mới thoát nạn.
“Bạn đồng nghiệp của tôi trong một lần leo lên nhưng bất ngờ nắm phải bẹ dừa khô, rơi tự do từ trên cao hàng chục mét xuống đất, giờ phải chịu cảnh tật nguyền. Đáng sợ hơn cả là những cây dừa có rắn độc nằm trên đọt. Rắn nằm dưới bẹ dừa chờ ăn bọ, ăn chuột, mình mà chạm phải là chúng đớp ngay. Có người xuống kịp đưa đi cấp cứu, người xuống nửa cây, chịu hết nổi thì đành thả tay phó mặc cho trời”, anh Trực nói.
 Người thợ lao vun vút trên thân dừa khẳng khiu.
Ở vùng đất Bình Định còn có nhiều thợ leo dừa chuyên nghiệp, chuyên phục vụ làm cỏ dừa khi các nhà vườn cần. Công việc này yêu cầu người thợ leo lên đọt dừa, dùng rựa chặt dọn những tàu lá khô, bóc sạch những lá dừa gãy vướng trên đọt dừa và dọn những buồng dừa khô cho thông thoáng để những buồng dừa non phát triển.
Theo các chủ vườn dừa, nếu làm sạch cỏ dừa, năng suất dừa sẽ tăng được 10%, cho khoảng trên 50 trái/cây/năm. Đồ nghề của những thợ chuyên làm cỏ dừa còn có thêm 1 cây thang cao. Nhờ có cây thang nên mỗi cây dừa người thợ chỉ leo 1 đoạn ngắn nên đỡ mất sức, do đó mỗi ngày có thể leo đến vài ba chục cây dừa.
“Bình thường làm cỏ dừa người thợ được nhà vườn trả từ 20-30 ngàn đồng/cây tùy dừa cao thấp, mỗi ngày tôi có thể leo làm cỏ được từ 30-40 cây dừa nên kiếm được cũng khá, bình quân 1 triệu đồng/ngày. Nếu tháng nào có công việc làm dày thì trúng mánh nhưng đổi lại là sự nguy hiểm luôn rình rập mỗi khi đặt chân leo lên cây”, anh Nguyễn Văn Hoàng - thợ chuyên làm cỏ dừa ở thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) chia sẻ.
Theo Dũ Tuấn/Dân Việt

Đánh đu thân già trên những ngọn dừa kiếm từng cắc bạc nuôi con trai khờ khạo

(PLO) - Việc leo dừa hái trái để mưu sinh không phải là chuyện lạ ở miền Tây. Nhưng đối với một người phụ nữ đã 60 tuổi chọn cái nghề “ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời này” thì không phải đâu cũng có.

Bà Để đang leo lên một cây dừa
60 tuổi, 40 năm leo dừa mướn
Bao năm nay, người dân phường 4, TP Vị Thanh, Hậu Giang đã quá quen với hình ảnh 1 người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, lưng hơi khom, quần xoắn ống thấp ống cao, lầm lũi đi từng nhà hỏi leo dừa mướn, kiếm tiền nuôi con. Đó là bà Mai Thị Để, 60 tuổi, nhưng đã có hơn 40 năm kiếm sống bằng nghề leo dừa mướn. Cái nghề mà dân gian ví von là nghề “ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời”.
7 giờ sáng phóng viên có mặt tại nhà bà Để để theo bà đi hái dừa. Vừa bước vào nhà chưa kịp chào bà đã cất giọng: “Đến rồi đó hả. Thôi tranh thủ đi để người ta chờ kỳ lắm”. Nói rồi bà Để vác đồ nghề đi, ra tới cổng không quên dặn cậu con trai đóng cửa cẩn thận.
Ra khỏi nhà, một người hàng xóm của bà Để cất tiếng hỏi thăm: “Bữa nay cô Để rửa dừa ở đâu? Hôm qua nghe nói cô mệt, hết chưa mà nay đi làm nữa rồi?”. “Nghỉ một bữa thôi, nghỉ hoài lấy cơm đâu mà ăn” - bà Để cười buồn đáp.
Rửa dừa là từ dùng để chỉ công việc của bà Để, nó bao gồm hái dừa, dọn bẹ, tỉa lá. Theo chân bà Để đi dọc theo các tuyến đường khu vực 1, đâu đâu cũng trồng dừa.
Chính nhờ những vườn dừa mà người phụ nữ này có công việc để làm hàng ngày. Bà Để dừng lại ở một ngôi nhà ven sông có hai cây dừa. Người chủ nhà ra chào rồi trao đổi công việc với bà. Nhìn hai cây dừa cao vút trĩu trái, chúng tôi không khỏi lo lắng cho bà. Như hiểu ý, bà cười ẩn ý rồi bắt đầu công việc.
Bà Để lấy trong túi ra một đoạn dây nài (dây dù) dài khoảng 30 mét và một con dao yếm. Nhìn đoạn dây đã mòn và bạc màu, đủ biết nó đã được sử dụng rất nhiều. Xỏ chân vào dây nài, con dao cũng được cột vào dây. Với các động tác nhanh gọn, chỉ trong chớp mắt bà Để là tót lên đến đọt dừa. Ngồi vắt vẻo trên ngọn dừa, bà Để lấy dây cột vào buồng dừa, rút dao chặt buồng rồi thong thả đưa xuống đất.

Vừa bắt lấy buồng dừa ông Huỳnh Văn Đủ, một trong những mối hái dừa lâu năm của bà Để nói: “Ở xứ này bả được mệnh danh là nữ tướng trèo dừa đó. Tôi cùng lứa với bả mà giờ tôi thua rồi, ngay cả mấy đứa con tôi nó còn không dám leo”.
“Bả khổ lắm, trèo dừa mướn từ nhỏ, nay 60 rồi mà còn phải trèo dừa mướn kiếm tiền nuôi chồng con. Hoàn cảnh bả thấy thương nên tôi và bà con ở đây ai muốn hái dừa, hái cao hay mé nhánh dọn cây gì đó là kêu bả làm. Kêu giờ nào bả cũng trèo hết”.
Ông Đủ vừa bắt được buồng dừa thì cũng là lúc bà Để xuống tới đất. Bà leo xuống nhanh cũng như lên, thoăn thoắt như chú sóc nhỏ. Không cần nghỉ ngơi bà Để lại nhanh chóng thót người lên cây khác.
Cây dừa lần này cao hơn, khoảng 15 mét nhưng không làm khó được người phụ nữ dáng người nhỏ bé này. Từ trên ngọn dừa, bà Để tay cầm một bẹ dừa xanh chắc, một tay cầm dao chặt bẹ dừa khô và tỉa bớt lá dừa xanh. Dù ở dưới thấp nhưng vẫn có thể thấy rõ mồ hôi tuôn đầy trên gương mặt già nua của người phụ nữ khốn khó.
Hình ảnh bà Để ngồi vắt vẻo trên ngọn dừa khiến cho những người theo dõi không khỏi chạnh lòng, xót xa. Cuộc sống còn quá nhiều phận đời vất vả. Vì mưu sinh con người buộc phải đánh đu số phận của mình trên những ngọn dừa.
Tất cả là vì con
Rửa cây dừa xong, bà Để leo xuống đất. Trên mặt bà, mồ hôi rịn ra ướt đẫm, vết trầy xước khắp người. Đối với bà, trèo dừa trầy xước tay chân là chuyện bình thường, có những lúc bà còn bị ong đốt, kiến cắn sưng mình.
Thù lao cho việc bà Để rửa 2 cây dừa vỏn vẹn chỉ… 40 ngàn đồng. Bà Để nói: “Nhiêu tiền đây tôi mua gạo ăn được 2 ngày rồi đó, còn đồ ăn thì bó rau là qua bữa”.
Ngồi dưới gốc dừa xanh mát, bà Để kể về cuộc đời và cái duyên đưa bà đến với cái nghề vốn không dành cho phụ nữ này.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, cha mất sớm, chỉ có 2 mẹ con bà nương tựa nhau sống. Cuộc sống chật vật nghèo khó, mặc dù là con gái nhưng 17 tuổi bà bắt đầu hái dừa mướn kiếm tiền.
“Thấy tôi leo dừa ai cũng chê cười nói con gái con lứa cũng bày đặt leo cây. Tôi cũng tự ái. Nhưng nhà nghèo quá chỉ có 2 mẹ con, chỉ có hái dừa là nhanh và có tiền liền để mua gạo nên tôi bỏ ngoài tai những lời đùa cợt, châm chọc”, bà Để tâm sự.
Thời gian cứ tuồn tuột trôi qua. Đến nay, bà Để đã có hơn 40 năm kinh nghiệm leo dừa. Bà không nhớ được mình đã leo được bao nhiêu cây dừa nữa. Chỉ biết, công việc vất vả, kén người này đã giúp bà nuôi sống gia đình mình.

Bà có 2 người con một người con gái đã đi lấy chồng, nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn không giúp được gì cho mẹ. Còn người con trai năm nay đã ngấp nghé 30 tuổi nhưng lại bị khờ khạo bẩm sinh. Suốt ngày, anh chỉ quanh quẩn ở nhà phụ mẹ nấu cơm hoặc đi theo mẹ nhặt dừa.
Chồng cũng đã lớn tuổi, không việc làm ổn định, nên mọi gánh nặng đều đè lên vai người phụ nữ bé nhỏ này. Ở cái tuổi đáng lẽ ra được hưởng phước của con cháu thì ngược lại bà Để vẫn phải ngày ngày bám víu trên ngọn cây kiếm sống.
Hàng ngày từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều bà xách đồ nghề đi len lỏi khắp các ngõ ngách xem ai kêu hái dừa thì hái. “Lúc khỏe thì trèo được 10 cây. Đủ tiền mua gạo và mớ rau để mẹ con sống qua ngày. Thấy con có được cái ăn là tôi hạnh phúc lắm rồi. Tôi chỉ sợ sắp tới không còn sức trèo nữa thì con tôi sẽ ra sao đây, tội nghiệp nó”, bà Để nhìn xa vời nói.
Bà Để chia tay chúng tôi để kịp ra chợ đong gạo về nấu cơm trưa cho con trai. Nhìn dáng người của người phụ nữ liêu xiêu nhỏ dần, trong đầu chúng tôi hiện lên câu hỏi, khi hết leo dừa nổi nữa, bà Để lấy gì để sống, để nuôi con?
Ông Trần Văn Dự, Trưởng KV 1, phường 4, TP Vị Thanh, Hậu Giang cho biết: “Hoàn cảnh của bà Để rất khó khăn, thuộc diện nghèo trên địa bàn. Bà Để đã lớn tuổi nhưng hằng ngày vẫn đi trèo dưa kiếm tiền nuôi đứa con bị khờ. Bà chỉ hưởng được chế độ bảo hiểm cho người nghèo chứ không có trợ cấp gì. Địa phương cũng quan tâm giúp đỡ nhưng chỉ được một phần, mạnh thường quân có ủng hộ thì chúng tôi luôn ưu tiên cho hộ bà Để”.

  
Du Lịch Miền Tây ► Người leo dừa giỏi nhất Bến Tre
Bến Tre là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện đất đai rất thích hợp cho cây dừa phát triển nên dừa ở đây sai trĩu quả và lượng dầu cao hơn so với các vùng khác của cả nước. Ở đây, khó có loại cây trồng nào có giá trị sử dụng cao như cây dừa. Dừa được sử dụng làm mọi thứ, từ đồ ăn, thức uống, cho đến các vật dụng trong gia đình, hàng thủ công mĩ nghệ và kể cả làm nhà. Vì vậy, dừa đang là một trong những cây trồng thế mạnh của người nông dân Bến Tre. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH