Chuyển đến nội dung chính

NỖI NIỀM OAN KHUẤT 40

-Cách mạng Việt Nam gồm hai cuộc cách mạng hợp thành: Cách mạng giải phóng dân tộc và Cách mạng vô sản
-Cách mạng giải phóng dân tộc đã hoàn thành một cách vẻ vang và đầy tự hào.
-Thực tế xã hội đã phơi bày: Cách mạng vô sản đã không những bên bờ thất bại không thể cứu vãn, mà còn có "thành tựu" làm hình thành tầng lớp "tư sản đỏ" từ những người cộng sản lứa hậu duệ do chính cách mạng đào tạo, không những không tạo ra được những nét ưu việt nổi bật của hình thái kinh tế xã hội mới (chủ nghĩa cộng sản),mà còn phải duy trì hình thái kinh tế xã hội cũ (chủ nghĩa tư bản) để mưu cầu tồn tại.
-Mục đích của định hướng XHCN là làm cho dân chúng có cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc. Nhưng giải tỏa qui hoạch Thủ Thiêm lại có hiệu ứng ngược lại. Như thế có phải là phản cách mạng và những kẻ chủ mưu (gồm các đảng viên cộng sản) có phải là bè lũ phản động?
-Tội lỗi lớn nhất của những kẻ cộng sản thoái hóa là bản thân chúng không những không tin, mà còn phá vỡ không thể phục hồi được lòng tin phải tốn biết bao xương máu mới bồi đắp nên được của quần chúng cần lao đối với Đảng cộng sản. 
-Điều đó gợi ý cho những người cộng sản chân chính phải xét lại nền tảng lý luận của triết học Mác - Lênin và tìm con đường khác để đến với chủ nghĩa cộng sản.
-Muốn thế, điều trước tiên là phải để trí não thoáng đãng, tâm hồn rộng mở, suy tư trên tinh thần tất cả là của dân, do dân và vì dân.
-Trong khi chưa tìm được con đường nào khác, vẫn đi trên con đường này để tiến lên CNXH, thì điều cấm kỵ không được làm số một là không được để sự uất ức, hận thù của họ dâng cao. Không được để xảy ra thêm những vụ tương tự Tiên lãng, Đồng Tâm, Thủ Thiêm...Phải tích cực, nỗ lực xây dựng lại lòng tin của quần chúng.
-Phải nghiêm trị những kẻ phản dân, hại nước, những kẻ đã thành "tư sản đỏ" làm suy đồi đạo đức xã hội, những kẻ gây tội ác trong thời bình. 
-Phải loại bỏ khỏi đội ngũ những kẻ mà lòng tham đã nhấn chìm hoàn toàn đức tính thiêng liêng nhất của một con người: lòng nhân ái, và lời thề số một của một đảng viên cộng sản: "Vì Nhân dân quên mình"!
-Trải qua một cuộc bể dâu  
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
 
----------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Bí mật vụ án oan 40 năm vụ cướp 5 chỉ vàng ở Tây Ninh
Câu chuyện nói về hành trình 40 năm đi tìm công lý của của một cựu chiến binh (từng là quân nhân tham gia chiến trường Campuchia) cùng 7 người thân - tất cả đều bị hàm oan trong vụ cướp 5 chỉ vàng, xảy ra vào năm 1979 tại tỉnh Tây Ninh. 
 
'Điều tra viên' vụ án oan sai 40 năm: ‘Tôi không biết, không nhớ gì hết’
Ông Phùng Văn Tiết cho hay mình bị giảm trí nhớ nên hầu như 'không nhớ, không biết' gì về vụ án oan sai liên quan 8 người xảy ra cách đây 40 năm ở Tây Ninh. Trong vụ án oan sai liên quan đến 8 người xảy ra ở ấp Bùng Bình, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) cách đây 40 năm, các bị can cho rằng một lý do dẫn đến oan sai là họ bị nhục hình, bức cung dẫn đến phải khai ẩu, khai bừa để tránh bị đánh đập. Và một trong những công an đã nhục hình mà 8 người này nhớ nhất là ông Phùng Văn Tiết, nguyên công an của Công an H.Trảng Bàng thời kỳ xảy ra vụ án.



8 công dân Tây Ninh gánh nỗi oan 40 năm


8 công dân Tây Ninh gánh nỗi oan 40 năm
(PL)- Quyết định đình chỉ điều tra được ký từ năm 1983 nhưng mãi đến nay những người bị oan mới chính thức nhận được, dù mấy mươi năm qua họ liên tục đi đòi.
Sáng 4-4, VKSND tỉnh Tây Ninh trao quyết định đình chỉ điều tra cho bảy công dân đã 40 năm mang thân phận bị can, trong đó có hơn 45 tháng bị giam oan. Trước đó, năm 2018, một người bị oan đã nhận được quyết định đình chỉ điều tra và sau đó được tòa tuyên bồi thường 615 triệu đồng.
Tờ quyết định ố màu sau 40 năm
Tám người được xác định bị oan là các ông bà Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”), Hồ Long Chánh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”), Nguyễn Thành Nghị, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Lan.
Vụ án cướp tài sản riêng của công dân được khởi tố từ ngày 27-7-1979. Họ bị khởi tố, truy tố tội cướp tài sản riêng của công dân theo Điều 6 Sắc luật 03 ngày 15-3-1976 của Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Sau đó, ngày 11-5-1983, ông Trịnh Quốc Anh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh, đã ký quyết định đình chỉ điều tra tất cả tám bị can này. Vậy mà 36 năm nay, dù những người bị oan nhiều lần đề nghị cung cấp nhưng VKS lần lữa thoái thác trách nhiệm.
Mãi đến hôm qua, 4-4-2019, ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng 8 VKSND tỉnh Tây Ninh, đại diện cho cơ quan này mới chủ trì buổi làm việc và trao quyết định đình chỉ điều tra. Ông Danh cho biết ông và VKSND tỉnh Tây Ninh làm theo chỉ đạo của cấp trên. Những thắc mắc, yêu cầu về các vấn đề liên quan trách nhiệm làm oan, việc bồi thường oan và lý do chậm trễ trao quyết định đình chỉ… sẽ được giải đáp trong những buổi làm việc sau.
8 công dân Tây Ninh gánh nỗi oan 40 năm - ảnh 1
Sau 40 năm bị khởi tố oan, đến nay các công dân Tây Ninh mới nhận quyết định đình chỉ. Ảnh: DUY SƠN
Đêm kinh hoàng của 40 năm trước
Theo hồ sơ khoảng 11 giờ đêm 26-7-1979, một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt ngay một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt bốn người đàn ông nữa bị bắt rồi bị đưa về công an huyện điều tra.
Cán bộ điều tra đã dùng nhục hình khiến những người đàn ông này phải nhận tội cướp tài sản đem về cho vợ con cất giấu. Ba người phụ nữ bị bắt tiếp theo sau đó cũng bị dùng nhục hình nên buộc phải nhận đã cất giấu tài sản cướp được.
Ads by AdAsia

Tám cuộc đời đang bình yên bỗng nhiên dậy sóng vì những cáo buộc vu vơ và những tháng ngày oan khiên tù tội. Cả một đại gia đình tan tác. Nhiều lần công an dẫn đi lấy tang vật nhưng không có mà chỉ có năm chỉ vàng. Công an buộc người nhà họ đem nộp để bảo lãnh người thân về.
Quyết định đình chỉ điều tra ghi: Xét đủ bằng chứng chứng minh các bị can không phạm tội cướp tài sản riêng của công dân. “Như vậy, việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn bắt điều tra nhục hình bắt họ nhận, chớ họ không phạm tội này” - quyết định đình chỉ nêu rõ.
8 công dân Tây Ninh gánh nỗi oan 40 năm - ảnh 2
Cụ bà Võ Thị Thương, 94 tuổi, từ Bình Dương đến VKSND tỉnh Tây Ninh nhận quyết định đình chỉ điều tra được ký từ 36 năm trước. Ảnh: DUY SƠN
Người đầu tiên nhận quyết định đình chỉ
Năm 1979, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) đang là bộ đội đóng quân tại chiến trường Campuchia. Ngày 25-7-1979, ông Dũng được đơn vị cử về Việt Nam lấy tài liệu tập huấn và nhân dịp về thăm gia đình.
Đêm 26-7-1979, bỗng nhiên ông Dũng bị công an xã bắt giải lên Công an huyện Trảng Bàng với lý do cướp tài sản riêng của công dân rồi bị tạm giam luôn. Trong suốt thời gian bị giam, ông Dũng một mực kêu oan. Sau hơn 45 tháng bị tạm giam, ông Dũng được thả nhưng những quyết định về việc đình chỉ vụ án, dù đã có, vẫn không được trao cho ông.
Sau đó ông Dũng quay lại Campuchia xin được tiếp tục làm nhiệm vụ nhưng ông bị từ chối tiếp nhận vì lý do chưa có quyết định nào minh định ông không phạm tội. Đến năm 2000, ông Dũng mới được giải quyết thủ tục xuất ngũ. Từ đây, ông Dũng tiếp tục cuộc hành trình khiếu nại, kêu oan.
Đến tháng 1-2018, ông Dũng là người đầu tiên trong tám bị can nhận được quyết định đình chỉ điều tra. Tháng 11-2018, TAND tỉnh Tây Ninh đã y án sơ thẩm, buộc VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường oan cho ông Dũng 615 triệu đồng.
Đến chết vẫn chưa được minh oan
Cụ bà Võ Thị Thương, 94 tuổi, là người lớn tuổi nhất trong vụ án oan 40 năm này. Chiều 3-4, con trai cụ là ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”, cũng là người bị oan trong vụ án này) chạy về nhà báo tin mừng cho mẹ. Ông Dũng cho mẹ biết mình có thư mời của VKSND tỉnh Tây Ninh, xã mới kêu ra lấy.
Rồi để mẹ mình không phải thắc thỏm, ông Dũng chạy vội ra trụ sở UBND xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương để nhận tờ giấy mời của VKS tỉnh. Tấm giấy khổ A4 với vài dòng chữ ngắn ngủi thông báo về buổi làm việc sẽ diễn ra vào sáng 4-4 nhưng phải 30 phút sau ông mới đọc hết.
4 giờ sáng 4-4, ông Dũng có mặt ở nhà mẹ, thắp nén nhang lên bàn thờ và đặt tấm giấy mời trước di ảnh cha là ông Nguyễn Thành Nghị - cũng là một trong tám bị oan. Khấn cha xong, ông tự trách mình ngày ấy đã vì kinh sợ trước đòn tra tấn mà khai theo ý cán bộ để cả cha và mẹ phải chịu cảnh tù oan.
Năm 2013, cha ông Dũng qua đời mà tiếng oan cướp tài sản vẫn chưa được gột rửa. Còn mẹ ông, tuy chân đứng không vững, đi lại phải có người dìu nhưng hôm qua vẫn một mực theo xe từ Bình Dương đi Tây Ninh để “nhận xong giấy giải oan, qua bên kia thế giới gặp và nói cho ba bây biết để ổng yên lòng”.
Vậy là hôm qua, 4-4, sau 40 năm bị hàm oan, cụ bà gần đất xa trời mới nhận được tờ giấy đình chỉ điều tra nói rõ bà và người chồng quá cố cùng đứa con trai (và năm người khác) hoàn toàn trong sạch.
Tan đàn xẻ nghé vì bị vu oan giá họa
Năm 1983, sau hơn 45 tháng vô cớ bị tạm giam oan uổng, cả tám công dân ở Tây Ninh trong vụ án nói trên được trả tự do. Tuy nhiên, mặc cảm của bản thân lẫn hoài nghi của xóm giềng đã đẩy họ phiêu bạt xứ khác mưu sinh. Tài sản gắn liền với cuộc sống như nhà cửa, đất đai, ruộng vườn đành bỏ lại sau lưng.
8 công dân Tây Ninh gánh nỗi oan 40 năm - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và ông Hồ Long Chánh trong ngày nhận quyết định đình chỉ. Ảnh: DUY SƠN
Có cặp đôi phải ngậm ngùi chia tay vì gia đình người vợ nghi ngờ do lời khai của người chồng mà gia đình họ vướng vòng lao lý. Người vợ khi bị bắt sau lời khai của người chồng lúc đó đang có thai năm tháng. Họ là ông bà Hồ Long Chánh, Nguyễn Thị Ngọc Lan. Những ngày ở tù, bà Lan luôn nghĩ rằng ông Chánh đã khai bà giấu vàng nên bà mới bị bắt. Bà trách chồng sao biết bà đang có thai mà lại nỡ khai khống vu oan cho vợ. Bà từng nghĩ nếu có ngày ra tù, bà sẽ không bao giờ cho ông Chánh nhìn mặt con. Vậy nên sau khi sinh con, bà Lan nói đứa bé ấy đã chết khi sinh, để “người chồng phụ bạc” không được quyền biết có đứa con đó trên đời. Rồi cũng vì giận chồng khai khống mà sau này bà và ông cạn duyên chồng vợ.

Bà Lan kể: “Sau khi sinh con, tôi về lại trại. Nghe nói con sinh ra và theo mẹ lớn lên trong tù sẽ chẳng có tương lai. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Cũng trong lúc đó, một cán bộ trại giam mách nước tôi nên đem con cho vợ chồng một cán bộ công an là ông Út Lục. Vợ chồng ông Út chỉ có người con trai duy nhất, nếu đứa bé được vào nhà ấy thì tương lai có thể sẽ khác”. Đến nay, người con này đã gặp lại cha mẹ ruột của mình…
PHƯƠNG LOAN

40 năm chịu oan sai: ‘Ba ơi, nỗi oan của ba đã được giải’

Sáng 4.4, Viện KSND (VKS) Tây Ninh trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 nạn nhân 40 năm chịu oan sai đằng đẵng.
Bà Võ Thị Thương xúc động trước khi vào nhận quyết định
Ảnh: Trung Hiếu
Ngồi trong khuôn viên VKS Tây Ninh, bà Võ Thị Thương (94 tuổi), một trong 7 nạn nhân bị tù oan - kể lại chiều ngày 3.4 bà đang cúng giỗ bố chồng bỗng giật thót mình khi nghe con là ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ; cũng là nạn nhân oan sai) thông báo có quyết định đình chỉ điều tra cho cả 7 người trong vụ án cướp “5 chỉ vàng” xảy ra tại ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) năm 1979.
Chân tay run rẩy, bà Thương víu vội mép giường ngồi xuống lấy vạt áo lau nước mắt. “Có thật không chèn?”, bà hỏi con.

40 năm chịu oan sai: ‘Ba ơi, nỗi oan của ba đã được giải’ - ảnh 1
Bà Võ Thị Thương nhận quyết định đình chỉ điều tra
Ảnh: Trung Hiếu
Như để trấn an mẹ và cũng là để chắc chắn cho mình ông Dũng vội lấy chìa khóa xe ra UBND xã Minh Tân, H.Dầu Tiếng (Bình Dương) để nhận tờ giấy thông báo cuộc hẹn của VKS Tây Ninh gửi.
Cầm tấm giấy thông báo trên tay, ông Dũng đọc đi đọc lại cả chục lần. “Đọc đến đâu mắt tôi nhòe đến đó. Nước mắt cứ chảy dài”, ông Dũng chia sẻ. 30 phút sau ông mới đọc hết tấm giấy mời ông và 6 người còn lại trong vụ án năm xưa đúng 8 giờ sáng 4.4 ra trụ sở VKS tỉnh Tây Ninh nhận quyết định đình chỉ điều tra.
Về tới nhà, ông Dũng lấy tấm giấy mời đọc cho vợ con nghe như để chứng minh trước nay mình bị oan. Sau đó, ông đi thuê taxi mất 1 triệu đồng để sáng 4.3 cùng mẹ đi Tây Ninh “nhận giấy minh oan” dù điều kiện không khá giả.
Ông kể muốn mẹ mình - bà Võ Thị Thương - được “nở mày nở mặt”; được ngẩng cao đầu với hàng xóm láng giềng; muốn mẹ mình đường đường chính chính nhận quyết định như một công dân thật sự sau 40 năm mang thân phận bị can.

40 năm chịu oan sai: ‘Ba ơi, nỗi oan của ba đã được giải’ - ảnh 2
Sao y quyết định đình chỉ điều tra năm 1984
Ảnh: Trung Hiếu
4 giờ sáng 4.4, ông Dũng có mặt ở nhà mẹ, thắp nén nhang lên bàn thờ và đặt tấm giấy mời trước di ảnh cha là ông Nguyễn Thành Nghị, rồi khấn: “Ba ơi, cuối cùng nỗi oan của ba cũng được giải. Quyết định này lúc sống ba không được nhận thì nay con với má đi nhận thay ba. Ba yên nghỉ nha ba!”.
Khấn xong, ông tự trách mình nếu như ngày ấy ông không sợ chết và cố chịu đòn tra tấn độc ác sẽ không khai vống để ba mẹ mình phải chịu tù oan. Chính lời khai của ông đã khiến ba mẹ ông phải vào tù và đến khi ba ông mất năm 2013 vẫn chưa được minh oan.
“40 năm rồi chúng tôi đi đường chỉ biết cúi mặt nhưng từ nay sẽ khác…”, ông Dũng nghẹn ngào nói và kể mẹ ông dù năm nay 94 tuổi, bệnh tật liên miên nhưng vẫn một mực theo xe từ Bình Dương đi Tây Ninh với lý do: “Tao phải đi để thay mặt ba bây nhận giấy giải oan. Nhận xong qua bên kia thế giới gặp và nói cho ba bây biết để ổng yên lòng”.

40 năm chịu oan sai: ‘Ba ơi, nỗi oan của ba đã được giải’ - ảnh 3
ĐỒ HỌA: CẨM TIÊN

Nhận quyết định đình chỉ điều tra sau 40 năm gánh nỗi oan

(NLĐO) - Ông Thân Văn Danh, Trưởng Phòng 8, VKSND tỉnh Tây Ninh đã trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 người trong vụ bị giam oan ở Tây Ninh.

Bảy người gồm các ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Nguyễn Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”), ông Nguyễn Thành Nghị (đã mất), bà Nguyễn Thị Thương, bà Nguyễn Thị Lan. Riêng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) đã nhận quyết định đình chỉ điều tra năm 1983.
Đáng nói, những người bị giam oan được trao bản sao y bản chính quyết định đình chỉ điều tra  do ông Trịnh Quốc Anh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh, ký cách đây hơn... 36 năm (ngày 11-5-1983).
Theo ông Thân Văn Danh, sau khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc, VKSND tỉnh Tây Ninh đã tìm và trao quyết định cho 7 nạn nhân.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng "lớn") cho biết cả gia đình rất vui mừng khi đã được minh oan. "Từ nay gia đình tôi không phải là người phạm tội. Sắp tới gia đình sẽ nhờ luật sư làm đơn yêu cầu bồi thường theo quy định" - ông Nguyễn Văn Dũng bày tỏ.
Nhận quyết định đình chỉ điều tra sau 40 năm gánh nỗi oan - Ảnh 1.
Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) vui mừng khi nhận quyết định đình chỉ điều tra
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP HCM), một trong những người bảo vệ quyền lợi cho người bị oan nói ông rất vui khi những người bị oan nhận được quyết định đình chỉ điều tra.
Luật sư Phúc nhận định vụ án oan sai gây hậu quả hết sức nặng nề và bi thảm; các nạn nhân bị bắt tạm giam, bị tra tấn, dùng nhục hình, dẫn đến đau bệnh, suy giảm nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần, để lại nhiều di chứng. Không chỉ 8 người lương thiện bị oan sai, gánh chịu hậu quả đau đớn mà gia đình, người thân họ bị ảnh hưởng về danh dự, nhân phẩm trong suốt gần 4 thập kỷ qua chưa được khắc phục.
Sắp tới đây, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, bà Nguyễn Thị Thương, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, bà Nguyễn Thị Lan, ông Hồ Long Chánh, ông Nguyễn Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Dũng và các con ông Nguyễn Thành Nghị sẽ được các luật sư thiện nguyện giúp đỡ làm các thủ tục yêu cầu khôi phục danh dự (xin lỗi và cải chính) và yêu cầu bồi thường thiệt hại, kể cả giúp đỡ họ trong quá trình thương lượng hoặc phải tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ tại tòa án các cấp để đòi bồi thường theo đúng luật.
Nhận quyết định đình chỉ điều tra sau 40 năm gánh nỗi oan - Ảnh 2.
"Tôi nghĩ VKSND tỉnh Tây Ninh cần nhanh chóng thụ lý và xem xét giải quyết các yêu cầu khôi phục danh dự và bồi thường thiệt hại cho 7 nạn nhân vừa nhận quyết định đình chỉ điều tra vụ án, sớm khắc phục hậu quả oan sai, thông qua thương lượng bồi thường với người bị oan" – luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận xét.
Liên quan đến vụ án này, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng "lớn") đã kiện, yêu cầu bồi thường hơn 10,4 tỉ đồng. Qua 2 cấp xét xử là TAND huyện Gò Dầu, TAND tỉnh Tây Ninh chỉ chấp nhận bồi thường 615 triệu đồng. Ông Dũng đang khiếu nại bản án trên.
Trước đó, ngày 29-1-2018, Báo Người Lao Động có bài "Một gia đình có 8 người bị giam oan" phản ánh ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng "lớn") bị bắt giam oan 3 năm 9 tháng 14 ngày nhưng không được bồi thường. Ngoài ông Dũng còn 7 người khác là thành viên trong gia đình cũng bị bắt giam oan trong vụ án ông Dũng nhưng không được bồi thường.
Trường Hoàng, Ảnh: Trung Hiếu 
Tây Ninh: Cả gia đình bị oan sai nhưng gần 40 năm chưa được bồi thường
Minh Hải
#VNTB Từng là quân nhân đóng góp tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam tại chiến trường Campuchia, ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1958 quê xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng Tây Ninh)cùng gia đình phải gánh nỗi oan ức vì bị đánh đập, nhục hình đến nay đã gần 40 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết bồi thường…
Được sự giúp đỡ của người dân, Việt Nam Thời Báo (VNTB) đã vào cuộc tìm hiểu vụ oan sai của cá nhân ông Nguyễn Văn Dũng nói riêng và của những thành viên trong gia đình ông Dũng nói chung.
Được biết, vào cuối năm 2017 có nguồn thông tin tiết lộ là Viện Kiểm sát tỉnh Tây Ninh tiếp tục thương lượng và đáp ứng phần yêu cầu bồi thường cho ông Dũng. VNTB đã liên lạc với ông Dũng và được ông Dũng chia sẻ là hiện ông đã đưa vụ việc ra Tòa vì mức bồi thường 590 triệu đồng mà Viện Kiểm sát Tây Ninh đưa ra so với khoảng thời gian tù oan sai và khoảng thời gian gian khổ đi tìm công lý cho bản thân đối với ông Dũng là không thỏa đáng.
Ông Dũng nói:
“Hiện nay Tòa chuẩn bị đưa ra xét xử, xét xử vụ của tôi. Bởi vì khi Viện Kiểm sát đưa vụ việc ra để thương lượng bồi thường cho tôi nhưng tôi thấy không thỏa đáng. Họ quyết định bồi thường cho tôi là khoảng 590 triệu đồng, tôi không đồng ý và tôi quyết định đưa vụ việc ra tòa.”
Thụ lý vụ khiếu kiện của ông Dũng hiện nay là Tòa án huyện Gò Dầu, nơi ông Dũng đang sinh sống. Phía Tòa án huyện Gò Dầu có thông báo là ngày 11/7/2018 này sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm nhưng ông Dũng xin hoãn vì có lý do.
“Tòa án huyện Gò Dầu. Hiện nay tôi đang ở huyện Gò Dầu và Tòa án đưa ra xét xử. Họ thông báo cho tôi biết là 11/7/2018 đưa ra xét xử nhưng tôi xin hoãn vì tôi cần luật sư hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho tôi.”- Lời ông Dũng.
Là một quân nhân, ông Dũng được Đảng và Nhà nước Việt Nam đưa sang chiến trường Campuchia chiến đấu vào năm 1979. Ông Dũng đảm nhận chức vụ tiểu đội trưởng đơn vị C19-E774, thuộc Sư đoàn 317 Quân khu 7. Đến tháng 7/1979, ông Dũng được đơn vị cho về nước công tác ít ngày.
Sau khi về nước công tác trong thời gian ngắn, tài liệu xong xuôi thì ông Dũng chờ ngày để qua lại bên K (Camphuchia), trước khi lên đường công tác thì vào ngày 26/7/1979, ông Dũng về nhà để xin tiền gia đình cũng như để thăm nhà.
Chiều ngày 26/7/1979, ông Dũng có mặt tại nhà thì tối cùng ngày ở địa phương có xảy ra vụ cướp có vũ khí. Ông Dũng cùng 8 người trong gia đình bao gồm cả phụ nữ mang thai và trẻ em bị công an xã bắt đưa về trụ sở rồi chuyển lên công an huyện Trảng Bàng.
Tại Công an xã cũng như Công an huyện Trảng Bàng, ông Dũng và một số thành viên của gia đình bị Công an dùng nhục hình, đánh đập và ép cung. Ông Dũng kể:
“Họ ép cung, đánh đập, nhục hình rồi họ đưa tôi về Công an huyện Trảng Bàng, ở đó họ cũng đánh đập nhiều lắm, tra tấn nhiều lắm, tra tấn đến bây giờ tôi vẫn còn mang bệnh mà.”
VNTB còn được biết, quá trình bị bắt chị dâu của ông Dũng là bà Nguyễn Thị Lan đang mang thai 5 tháng nhưng vì bị Công an dùng nhục hình, đánh đập dẫn đến hư thai.
Ông Dũng kể tiếp, bị nhốt ở Công an huyện Trảng Bàng chừng một năm thì Công an đưa ông Dũng lên Công an Tây Ninh nhốt tiếp, tổng cộng là ba năm chín tháng mười bốn ngày. Sau đó vào ngày 11/5/1983, Viện Kiểm sát tỉnh Tây Ninh theo ông Dũng nói có thể họ đã bắt được nhóm gây ra vụ cướp nên đã thả hết những người trong gia đình ông Dũng, kèm theo quyết định đình chỉ điều tra. Viện Kiểm sát tỉnh Tây Ninh có xác nhận do bị điều tra dùng nhục hình buộc tội ông Dũng và những người thân của ông Dũng.
Sau khi được trả tự do, gia đình ông Dũng phải đón nhận những áp lực tinh thần của người tù tội nên những thành viên trong gia đình đã phải ly tán, tha phương kiếm sống.
Ông Dũng về lại đơn vị có trình bày nỗi oan của mình nhưng phía đơn vị của ông Dũng không thể can thiệp vào công việc bên phía tố tụng. Cho nên ngoài việc đơn vị khôi phục hồ sơ quân nhân cho ông Dũng thì sau đó còn giải quyết chế độ xuất ngũ cho ông Dũng chứ không thể giúp được gì thêm.
Ông Dũng phiêu bạt đến xã Thạnh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh vừa làm việc vừa làm đơn từ khiếu nại vụ tù oan sai của mình. Khoảng thời gian này, ông Dũng cùng với một người phụ nữ lập gia đình, may mắn cho ông Dũng là người vợ đã không quản ngại chia sẻ những nỗi đau khổ, oan ức của ông.
“Khổ lắm! Vừa đi làm mướn để có chi phí. Khi tôi có vợ thì bên vợ của tôi phải bán hai mẫu ruộng cho tôi để tôi làm lộ phí để đi khiếu nại, cộng thêm một cặp trâu bò. Họ bồi thường cho tôi 590 triệu đồng có nghĩa lý gì. Theo anh nghĩ có đau cho tôi không?”- ông Dũng tâm sự.
Hành trình gửi đơn khiếu nại, khiếu kiện của ông Dũng gặp rất nhiều khó khănlà khoảng thời gian gần 40 năm đầy đau khổ của một người quân nhân đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng nước nhà. Ông Dũng nói:
“Tôi gửi đơn đi các nơi, họ đưa về cho Viện Kiểm sát Tây Ninh và Viện Kiểm sát Tây Ninh thì lại né tránh nói là hết thời hiệu. Sau đó tôi gửi đơn qua Cục Bồi thường Nhà nước, Cục Bồi thường Nhà nước mới chuyển qua bên Viện Kiểm sát tối cao rồi Viện Kiểm sát tối cao mới chỉ đạo người vào đây làm việc trực tiếp với tôi, cuối cùng rồi vụ việc nào mới giải quyết cho tôi.”
“Sau khi tôi về, tôi làm đơn khiếu nại, từ địa phương cho đến Trung ương cũng không giải quyết gì được cho đến năm 2017 thì Viện Kiểm sát tối cao vào làm việc với tôi. Viện Kiểm sát tối cao vào làm việc với tôi xong thì chỉ đạo cho Viện Kiểm sát Tây Ninh thụ lý hồ sơ, làm việc vào tháng 7-8/2017, đến cuối năm 2017 thì họ thương lượng không được nên ra quyết định bồi thường cho tôi là 590 triệu đồng.
Tôi không đồng ý. Một khoảng thời gian ba năm chín tháng mười bốn ngày, tôi mất mát của một quân nhân rồi khoảng thời gian tôi phải đi khiếu nại gần 40 năm mà họ bồi thường cho tôi 590 triệu đồng, tôi không đồng ý. Tôi đưa ra tòa.”
Đáng nói ở đây, trong vụ oan sai này như đã nói trên là không riêng gì bản thân ông Dũng mà nhiều thành viên trong gia đình ông Dũng cũng bị oan sai, bị phía Công an dùng nhục hình, đánh đập nhưng theo VNTB được biết là những người này hiện không được giải quyết bồi thường.
“Nói chung là người của gia đình nhưng những người này không thể đi khiếu nại được bởi vì khi họ trở về địa phương thì một viên công an hồi ấy là công an huyện Trảng Bàng đã thụ lý hồ sơ vụ án, nó đánh đập tôi, đánh đập gia đình tôi thì lại về địa phương làm trưởng công an.
Sau khi gia đình về địa phương này thì nó kêu mọi người tập trung lên, nó giáo dục rồi nó thu hồi giấy quyết định đình chỉ điều tra, nó không trả lại. Sau này những người trong gia đình của tôi tha phương cầu thực, đi tứ xứ để làm ăn kiếm sống về hỏi lại viên công an này thì viên công an này nói là giấy đó mất rồi cho nên những người trong gia đình tôi không thể đi khiếu nại được, không có cơ sở để khiếu nại ngoại trừ tôi bởi vì khi trở về tôi về lại đơn vị”- Ông Dũng chia sẻ.
Sắp tới sẽ có phiên xử giải quyết vụ bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Văn Dũng nhưng đối với ông Dũng chỉ có tòa án công lý-công bằng mới là điều ông cần và xét tình hình hiện tại ông Dũng phán đoán có lẽ chưa thể.
“Tôi nghĩ là phiên tòa này cũng chưa chắc, thấy qua cách làm việc họ chiếu về cái lý quá nhiều không thấy có cái tình chút nào, cái lý này lại không phù hợp đối với hoàn cảnh thực tế của tôi. Cho nên cái phiên tòa sơ thẩm ở huyện này chưa giải quyết được gì đâu theo tôi phán đoán là vậy.”
Qúa trình cầm bút, người viết đã tiếp xúc không ít trường hợp oan khuất mà người bị oan là những người có công với cách mạng, những người đáng lẽ thời bình hôm nay phải được Đảng và Nhà nước chăm lo bồi đắp, quan tâm giúp đỡ thì họ lại phải cầm đơn đi khiếu nại, khiếu kiện để đối diện với muôn ngàn khó khăn và nguy hiểm.
Xin lỗi, phục hồi danh dự và bồi thường oan sai là những việc phải làm nhưng thiết nghĩ các cấp chính quyền nơi có người oan sai cần làm nhiều việc hơn nữa để những người này không phải mang một tâm lý bất mãn với chế độ mà mình đã dùng cả sinh mạng để phục vụ.
http://www.vietnamthoibao.org/…/vntb-tay-ninh-ca-gia-inh-bi…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH