Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

VÕ THUẬT TINH HOA 74 (Lê Xuân Cảnh)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
ĐẠI VÕ SƯ LÊ XUÂN CẢNH
  
Võ đường Lê Xuân Cảnh
Giỗ tổ võ đường Lê Xuân Cảnh
11:12', 6/7/ 2012 (GMT+7)
Chiều ngày 5.7, võ đường Lê Xuân Cảnh (phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) đã tổ chức Lễ giỗ tổ.
Đây là dịp để võ sư Lê Xuân Cảnh cùng các học trò tưởng nhớ đến các vị tổ sư (Đạt Ma), tiên sư (Hoàng đế Quang Trung), ân sư (thầy Thích Bửu Thắng và thầy Lý Tường) cùng chi sư (Phương Danh). Đồng thời, đây cũng là một cách giáo dục tinh thần tôn sư trọng đạo, nhắc nhở các thế hệ môn sinh ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản võ cổ truyền.
Lễ giỗ tổ được tổ chức trong không khí trang nghiêm, Báo Bình Định ghi lại một số hình ảnh  buổi lễ  này:
Đánh trống khai lễ.

Xuân Lành uyển chuyển, mạnh mẽ với bài Song đao.

Võ sinh Xuân Anh mềm dẻo với bài quạt.

Tiết mục Tam đấu với sự góp mặt của các võ sinh: Xuân Giáo - Xuân Lũy - Xuân Lành.

Biểu diễn Bát quái côn.

Võ sinh nhí Xuân Việt biểu diễn một thế trong bài Lão hổ thượng sơn.

Võ sư Lê Xuân Cảnh (áo đỏ) cùng đội trợ tế thực hiện các nghi thức cúng tổ.

Đọc chúc văn trước bàn thờ tổ.

Các võ sinh dâng hương lên bàn thờ tổ.

55 năm miệt mài với tinh hoa võ Việt

(Dân trí) – 15 tuổi, cậu bé Lê Xuân Cảnh lên đường “tầm sư học đạo” với ước vọng học được các bài thuốc trong võ đường về chữa bệnh cho dân làng. Nay ở tuổi 70, võ sư Xuân Cảnh vẫn miệt mài trên võ đường với tâm nguyện gìn giữ tinh hoa võ thuật Việt.
Ba lần bái sư học võ


Thầy Lê Xuân Cảnh đang truyền dạy học trò bí kíp sử dụng “binh khí” khăn
Như câu chuyện của những anh hùng hiệp khách thời xưa, con đường “tầm sư học võ” của Lê Xuân Cảnh cũng lắm ly kỳ. Ba lần bái sư là ba lần ông được học những bài võ đắc địa mà sau này ông đã chắt lọc những nét độc đáo, tạo thành những bài quyền, cước độc để truyền dạy tại võ đường của mình.
Cao thủ đầu tiên mà cậu bé Lê Xuân Cảnh khi ấy tìm đến bái sư chính là võ sư Lý Tường (cha của võ sư Lý Xuân Hỷ), một trong những truyền nhân của môn phái dòng họ Lý lừng danh ở Đập Đá (An Nhơn, Bình Định). Sau ba năm thọ giáo võ công nhà họ Lý, khi đã phần nào lĩnh hội được những bài quyền nổi tiếng của môn phái, ông quyết định giã biệt thầy lên đường rong ruổi tiếp tục học võ.
Người thầy thứ hai mà Lê Xuân Cảnh theo học là ông Phạm Thế Giáo (xã Nhơn An, huyện An Nhơn), một trong những đệ tử của võ sư Hồ Nhu. Ở đây, Lê Xuân Cảnh đã được tiếp cận với những bài roi vang danh thiên hạ của làng võ Thuận Truyền. Những tưởng bước chân giang hồ đã dừng lại ở đó, nhưng sau một năm Lê Xuân Cảnh lại tiếp tục lên đường học hỏi.
Lần này, ông tìm đến xin làm đệ tử thầy Bửu Thắng ở Tuy Phước, người có những đường roi tuyệt kỹ, được truyền dạy từ võ sư Văn Bảo Hiến (Gò Bồi), vốn là cao thủ Thiếu Lâm Tự từ Trung Quốc lưu lạc sang. Lê Xuân Cảnh đã thực sự bị “quyến rũ” bởi những đường roi đầy biến ảo của sư phụ, ông kiên trì ở lại “võ luyện” suốt 11 năm trời và trở thành đệ tử thân tín nhất của thầy Bửu Thắng.  

Tâm nguyện suốt đời của thầy Cảnh là giữ cho võ cổ truyền không bị mai một
Mở lò võ để giữ gìn di sản cha ông
Gần 15 năm trời rong ruổi theo học võ, kiên nhẫn tiếp thu tinh hoa của những người thầy, Lê Xuân Cảnh bái biệt người thầy cuối cùng, trở về quê ở xã Nhơn Hưng (An Nhơn, Bình Định) sinh sống. Đặt chân về đến quê nhà, vốn tình ít nói, không thích ồn ào, những tưởng ông sẽ giữ mãi những ngón đòn võ thuật cho riêng mình.
Nhưng không, cái nghiệp võ đã thấm vào da thịt ông, khiến ông không thể yên tâm “ở ẩn” mãi. Ông day dứt lo sợ khi thấy võ cổ truyền đang dần bị mai một. Năm 1975, ông quyết định mở lò luyện võ mang tên mình để truyền dạy võ cho con cháu trong làng, như một cách giữ lại tinh hoa võ thuật dân tộc.
Ông tâm sự: “Mình đi học võ của các thầy, học được cái đạo cái nghĩa của võ rồi mà nhìn thấy những ngón đòn mình đam mê suốt đời đó đang mất dần đi thì có lỗi với công lao truyền dạy của các thầy lắm”
Với mục đích đó nên thầy Xuân Cảnh thu học phí rất ít, gọi là có chút tiền để chăm chút thêm cơ sở vật chất cho võ đường. Đặc biệt, đối với những em tham gia học các bài trống hội để phục vụ các lễ hội trong huyện, tỉnh thì được miễn hoàn toàn học phí.
Ban đầu chỉ với 10 môn sinh, ngày nay lò võ của thầy Cảnh đã nức tiếng một vùng. Hàng ngàn võ sinh đã được rèn dạy các bài võ binh khí như Song đao, Song phủ, Độc kiếm, Song kích… và nhất là sở trường về roi với các bài roi Thái Sơn, Trực chỉ, Bát quái.
Đặc biệt, ở võ đường Lê Xuân Cảnh còn có bài biểu diễn võ với “binh khí” khăn. Không mạnh mẽ đầy phô trương uy lực như đao, kiếm, chiếc khăn quàng trên người, quấn trên đầu là một vật dụng gần gũi với con người, chỉ đến khi gặp khó khăn mới thực sự bộc lộ tính năng là một binh khí hiệu nghiệm, linh hoạt, uyển chuyển. Đó cũng chính là tinh thần của võ Việt: Học võ để phòng thân và cứu giúp người hoạn nạn chứ không phải để phách lối, khoa trương.  

Một màn biểu diễn đẹp mắt của học trò thầy Cảnh
Kể từ khi Giải Võ cổ truyền toàn tỉnh ra đời, năm nào, võ đường Lê Xuân Cảnh cũng có võ sinh tham gia và đạt huy chương, nhất là ở nội dung biểu diễn.
Em Bảo Trân (10 tuổi) cũng từng đoạt Huy Chương Vàng giải tỉnh, hồ hởi khoe: “Học ở võ đường của thầy Cảnh vui lắm, thầy coi chúng em như con cái, khi chúng em làm sai động tác, thầy nhẹ nhàng chỉ dạy chứ không bao giờ mắng. Mẹ em cũng là môn sinh của thầy Cảnh đó”.
Trong những học trò của võ sư Lê Xuân Cảnh, không thể không nhắc đến Bảo Thương, cô học trò thuộc lứa đầu tiên. Cách đây gần 20 năm khi được cử đi tham gia Liên hoan Võ thuật Quốc tế tại Liên Xô (cũ), chị đã xuất sắc giành Huy chương Vàng với bài roi Bát quái.
Đáng trân trọng nhất ở võ đường của thầy Lê Xuân Cảnh là truyền thống giỗ tổ hàng năm vào ngày 17/5 âm lịch. Đó như một cách để giáo dục tinh thần tôn sư trọng đạo, nhắc nhở các thế hệ môn sinh ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản võ cổ truyền Việt Nam.
Khánh Hằng – Thành Chung

Các dòng họ võ thuật nức tiếng ở Bình Định

Ngày đăng: 21-10-2016
Tuyệt kỹ Ngọc trản thần công

Đất võ Bình Định có nhiều dòng họ nổi danh võ thuật từ hàng trăm năm qua. Trong đó, họ Trương ở làng Kỳ Sơn có nhiều người bất bại trong những lần thượng đài.

Võ đường họ Trương ở làng Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, H.Tuy Phước) hiện do võ sư Phi Long Vịnh, tên thật là Trương Văn Vịnh (78 tuổi), cai quản. Thượng đài từ năm 18 tuổi, đến nay đã trải qua hàng trăm trận tỉ thí nhưng võ sư Vịnh chưa một lần thất bại. “Võ phái chúng tôi có quan niệm “ăn sớm, ăn muộn thì ăn, không ăn được thì về nghỉ”, tức là nếu thấy đánh thắng thì nên đánh, nếu biết đánh không thắng thì hoãn lại, về nhà tìm hiểu kỹ đòn thế của đối phương để đánh được thì mới đánh. Người học võ phải có trí, chứ xông vào đánh bừa thì mất mạng như chơi”, võ sư Vịnh nói.

Trong những lần thượng đài, lão võ sư Trương Văn Vịnh nhớ nhất vẫn là 2 lần hạ các võ sư ngoại quốc bằng tuyệt kỹ Ngọc trản thần công. Năm 1962, võ sư Vịnh đang dạy võ tại Vũng Tàu thì một võ sư người Khmer tên Thạch Khen, đang dạy boxing ở đó, đến khiêu chiến. Vốn coi thường võ cổ truyền Việt Nam, khi hai bên thượng đài, Thạch Khen dùng sức mạnh tấn công tới tấp khiến võ sư Vịnh gặp rất nhiều khó khăn. Được vài hiệp đấu thì võ sư Vịnh đã “dính” nhiều đòn, mặt sưng vù, răng muốn rụng… Cuối cùng, ông áp sát, dùng Ngọc trản thần công điểm vào các huyệt đạo của đối thủ khiến Thạch Khen ngã gục trên sàn đài.

Võ sư Trương Văn Vịnh đang múa quyền


Năm 1968, võ sư Vịnh có cuộc tỉ thí với một võ sư taekwondo tứ đẳng huyền đai người Hàn Quốc (đang huấn luyện võ cho sư đoàn Mãnh Hổ) tại Gia Lai. Vào cuộc, võ sư taekwondo dùng chân đá tới tấp vào đối phương. Biết taekwondo chỉ giỏi đánh đòn xa nên võ sư Vịnh áp sát, rồi sử dụng hổ trảo, một chiêu trong Ngọc trản thần công, móc vào mạng sườn, sau đó kéo xuống bụng, đánh vào vùng gan. Võ sĩ Hàn Quốc gục trên sàn đấu. “Khi đã dùng Ngọc trản thần công thì phải ra đòn liên hoàn, không thể nương tay nếu đối thủ chưa gục ngã. Vì đây là loại đòn độc, không hạ được đối phương ắt sẽ tự giết mình”, võ sư Vịnh nói.

Ngoài ra, võ sư Trương Văn Vịnh còn dùng Ngọc trản thần công trên đài một lần nữa vào năm 2007 nhưng không phải để hạ đối phương mà để biểu diễn, quảng bá võ cổ truyền Việt Nam. Năm đó, Tổng hội Quán khí đạo (Qwuan Ki Do) mời võ sư Vịnh sang Ý biểu diễn trong dịp khai mạc đại hội lần thứ 4 của môn phái. Ông Vịnh biểu diễn bài Ngọc trản thần công khiến hàng trăm võ sư của gần 40 nước trên thế giới thán phục. Lần đó, chưởng môn của Quán khí đạo là võ sư Phạm Xuân Tòng đích thân tặng ông 3 chữ “Đại danh sư”.

Múa võ như rồng bay

Theo võ sư Vịnh, võ đường họ Trương thờ ông Quan Thánh (tức Quan Công - Quan Vân Trường) là để nhắc nhở con cháu, đệ tử của môn phái biết trọng nghĩa khí, học võ là để hành hiệp trượng nghĩa. Hầu hết người trong họ Trương từ xưa đến nay đều học võ. “Truyền thống này có từ thời ông tổ của dòng họ là danh sư Trương Văn Hiến, tức thầy giáo Hiến, người dạy cả văn lẫn võ cho anh em nhà Tây Sơn và nhiều vị văn thần, võ tướng của triều đại này”, võ sư Trương Văn Vịnh cho biết.

Ông nội của võ sư Vịnh là ông Trương Hổ và em trai Trương Ninh đều là những người giỏi võ nghệ. Ông Trương Hổ có 3 người con để lại tên tuổi trong làng võ thuật là Trương Văn Cẩn, Trương Hoàng (Ba Chăm), Trương Xuân Ba (Sáu Hòa). Trong đó, ông Trương Hoàng là một trong những người thầy của võ sư Hà Trọng Sơn (biệt danh Hùm xám miền Trung). Ông Trương Xuân Ba cũng từng đoạt cúp vô địch Đông Dương thời Pháp thuộc.

Võ sư Trương Văn Vịnh được cha là võ sư Trương Văn Cẩn truyền thụ võ nghệ từ nhỏ. Sau đó, ông Vịnh học thêm võ từ 2 người bác là võ sư Trương Xuân Ba và võ sư Trương Hoàng. Võ sư Vịnh kể: “Năm 1970, trong chương trình giao lưu võ thuật với các võ sư nổi tiếng trong nước và quốc tế, tôi biểu diễn bài Ngọc trản thần công quyền cước biến hóa trên một chiếc chiếu nên được họ khen là “Phi Long”, tức rồng bay. Từ đó, tên Phi Long gắn liền với cuộc đời tôi. Khi dạy võ, tôi lấy tên võ đường của mình là Phi Long. Nhưng sau này nhiều võ đường cũng lấy tên Phi Long nên tôi chuyển thành Phi Long Vịnh”.

Các con trai của võ sư Trương Văn Vịnh là: Trương Trọng Khiêm, Trương Trọng Hải, Trương Trọng Hùng, Trương Trọng Vinh, Trương Trọng Quang đều biết võ nghệ. Trong đó, võ sư Trương Trọng Hùng đã mở lò võ riêng và Trương Trọng Hải cũng đang dạy võ cùng với cha. Cháu nội, cháu ngoại của võ sư Vịnh đến nay đã hơn 20 người và cũng đều được học võ. “Trong học võ, “cha truyền con nối” thì đương nhiên nhưng mấy đứa không ham thì chịu chứ làm sao mà bắt ép? Nhưng các cháu của tôi rất ham luyện võ, bất kỳ khi nào có thời gian là chúng luyện với nhau. Thấy các cháu ham luyện tập vậy nên tôi cũng yên tâm, dòng họ võ nhà họ Trương rồi sẽ có thế hệ kế nghiệp xứng đáng”, võ sư Vịnh nói.

Ông Chảng ngang thiên


Trong đó nhiều người vẫn hay nhắc đến câu thành ngữ "ngang như ông Chảng" hoặc "ông Chảng ngang thiên" và nhiều giai thoại về nhân vật này.

Cha nuôi anh em nhà Tây Sơn



Ông Chảng về làng

Từ bài văn tế của họ Đào ở TX.An Nhơn, tên thật của ông Chảng được xác định là Đinh Viết Nhưng (có sách nói là Đinh Văn Nhưng), công thần của nhà Tây Sơn. Sau khi nhà Tây Sơn mất, ông Nhưng đổi từ họ Đinh sang họ Đào để tránh sự truy sát của triều Nguyễn. Ngày nay, 2 nhánh con cháu của ông Chảng sống ở khu vực Bằng Châu (thuộc P.Đập Đá, TX.An Nhơn) và thôn Thanh Liêm (thuộc xã Nhơn An, TX.An Nhơn) vẫn giữ tục “Sinh Đào tử Đinh”.

Theo Địa chí Bình Định, ông tổ họ Đinh ở Bằng Châu tên Đinh Viết Hòe, đi lính cho chúa Nguyễn, lấy vợ ở đây và sinh ra 3 người con là Đinh Văn Diệm, Đinh Văn Nhưng và Đinh Thị Triêm. Lúc nhỏ, nhà nghèo, ông Nhưng phải có cuộc sống tự lập, tính ngang bướng, không chịu luồn cúi ai nhưng lại giỏi võ nghệ. Nhờ có tầm nhìn xa nên ông đã tổ chức khai hoang tại các vùng Thanh Liêm, Kim Tài và trở thành người giàu có, trong nhà có nhiều người giúp việc. Ông Nhưng còn là một võ sư, một quân sư có tiếng trong vùng.

Trong sách Võ nhân Bình Định, hai tác giả Quách Tấn, Quách Giao có miêu tả về họ Đinh tại thôn Bằng Châu: “Thôn Bằng Châu được tổ chức thành một thôn biệt lập. Người trong thôn phần nhiều có liên hệ thân thuộc với nhau. Không một gia đình xa lạ nào có thể vào mua ruộng đất lập nghiệp tại thôn này. Những kẻ tha phương tầm thực ghé đến xin việc làm đều được họ Đinh vui lòng thâu nhận. Thôn Bằng Châu nổi tiếng là khu an toàn nhất trong vùng. Nhờ tổ chức an ninh giỏi, nhất là hầu hết các tráng đinh trong thôn đều biết võ nghệ nên vùng đất này luôn an toàn”.

Ông Đào Duy Thu (67 tuổi, ở khu vực Bằng Châu), cháu đời thứ 9 của họ Đào, kể: Nghe tiếng ông Nhưng, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đến xin học võ. Ông Nhưng nhận họ làm con nuôi và dốc lòng dạy dỗ. Lúc nhà Tây Sơn khởi nghĩa, ông Nhưng ủng hộ rất nhiều ngựa và lương thực. Khi Nguyễn Nhạc xưng vương tại thành Hoàng Đế đã phong cho ông Nhưng chức Điện tiền đại đô đốc tả thân vệ úy, tước Sanh Sơn bá.

Tuy nhiên, ông Nhưng nói lại rằng: "Ông làm vua là làm vua với thiên hạ, chứ với tôi, ông vẫn là con cháu. Con cháu mà ban chức tước cho cha ông thì hơi nghịch, chi bằng để tôi phê rồi ông lục thì hơn...". Nhà vua đồng ý, ông Nhưng cầm bút viết 4 câu chữ Nôm, được phiên âm: "Bùng binh chi tướng/Uýnh cướng chi quan/Bộn bàng chi chức/Chảng chảng ngang thiên" (Nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch dịch nghĩa 4 câu này như sau: Tướng lớn/Quan to khiến người được phong mừng quýnh lên/Chức nhiều/Chảng ngang hàng với trời).

Mỗi lần vào thăm vua Thái Đức, ông Chảng thường ngồi trên một cái ghế thang có bốn người khiêng, hai bên có vài chục người cầm cào cỏ, cuốc, thuổng... thay cho cờ biển và hai cây du du (dụng cụ che nắng của nông dân làm đồng ngày xưa) dùng làm lọng. Phía sau, phía trước lại có hai đoàn người thổi kèn, đánh trống bằng miệng tưng bừng nhộn nhịp, mọi người kéo ra xem rất đông, vui như hội. Nguyễn Nhạc cũng rất kính trọng ông nên không bắt bẻ gì.

Nhân vật lịch sử bị lãng quên ?

Từ đường chính của ông Đinh Viết Nhưng ngày xưa không còn nữa, nay chỉ còn bàn thờ tại nhà ông Đào Văn Hùng (ở thôn Thanh Liêm). Di vật của từ đường cũ chỉ còn lại hai tấm liễn bằng chữ Hán viết trên ván gỗ nhưng đã bị mờ, rất khó đọc. Hằng năm, nhánh họ Đào ở Thanh Liêm vẫn tổ chức kỵ cơm ông Nhưng vào ngày 27 tháng giêng. Cụ Đào An (87 tuổi, ở thôn Thanh Liêm) cho biết: “Khi ông Nhưng qua đời, con cháu phải lập đến 6 hay 7 ngôi mộ giả vì sợ bị khai quật nên ngày nay tộc họ cũng không biết chính xác mộ ông ở đâu”.

Theo cuốn gia phả họ Đào do ông Đào Văn Hỷ (đời thứ 9) biên soạn, ông Nhưng còn xuống tận vùng Đa Tài, Kim Ngọc (nay là thôn Kim Tài, xã Nhơn Phong, TX.An Nhơn) lập trại khai hoang, lấy vợ thứ và sinh con cái ở đó. Từ đường thờ ông Nhưng ở Kim Tài bị cháy từ năm 1968 do chiến tranh. Con cháu kể lại rằng từ đường này ngày xưa đặt 6 dụng cụ tượng trưng cho công việc khai hoang, gồm: cào cỏ, mỏ gãy, du du, cuốc, xẻng, chìa ba. “Ông Chảng là nhân vật lịch sử có tiếng tăm thời Tây Sơn, có công khai phá nhiều vùng đất ở TX.An Nhơn, nhưng đến nay vẫn chỉ là truyền miệng dân gian và có nguy cơ bị lãng quên. Mong chính quyền, ngành văn hóa quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu để có kết luận chính xác nhằm tôn vinh công lao của ông, giáo dục con cháu đời sau noi gương”, cụ Đào An nói.

Theo ông Đào Duy Thu, con cháu dòng họ Đào ở các thôn Thanh Liêm, Kim Tài, Bằng Châu ngày nay không còn ai giỏi võ nghệ, các tài liệu võ của dòng họ đã bị tiêu hủy sau khi phong trào Tây Sơn thất bại. Tài liệu võ duy nhất còn lại của họ Đào là một tập tư liệu cổ do võ sư Phan Thọ (ở xã Bình Nghi, H.Tây Sơn, Bình Định) cung cấp, trong đó có ký tên Đào Thống. “Hiện truyền nhân duy nhất của dòng họ Đào biết nhiều võ nghệ là ông Đào Xích (ở Bằng Châu, đời thứ 8) nay đã trên 80 tuổi. Những năm trước, hầu hết các con cháu họ Đào ở Bằng Châu đều đến nhà ông Xích học võ. Từ khi ông Xích nghỉ dạy võ thì trong tộc chẳng còn võ đường nào”, ông Đào Duy Thu cho hay.

Người giữ lửa làng quyền An Vinh

Lão võ sư Phan Thọ (88 tuổi, ở làng Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, H.Tây Sơn, Bình Định) là người thông thạo 18 ban binh khí của võ cổ truyền Bình Định.

Danh tiếng làng quyền An Vinh (xã Tây Vinh, H.Tây Sơn) có từ hơn 200 năm trước, bắt nguồn từ những người mang họ Nguyễn. Theo võ sư Phan Thọ, ông Nguyễn Ngạc (tức Hương mục Ngạc) là sáng tổ của làng quyền An Vinh. Dân gian truyền lại rằng bà tổ cô của ông Ngạc là thầy dạy võ cho nữ tướng Bùi Thị Xuân. Ngay từ nhỏ, ông Ngạc đã học võ nghệ của gia đình và lớn lên theo học ông Khách Bút ở Kiến Hàng (thuộc TX.An Nhơn, Bình Định ngày nay). Ông Khách Bút nhận 2 học trò cùng ở làng An Vinh là ông Năm Nghĩa và ông Nguyễn Ngạc. Hai học trò có hai tư chất khác nhau nên ông Khách Bút chú tâm luyện cho mỗi người một chuyên biệt võ công. Trong khi ông Ngạc được thầy chuyên tâm hướng dẫn về quyền thì ông Năm Nghĩa được rèn luyện về roi.


Võ sư Lê Công Hoàng biểu diễn lại chiêu dùng mông đánh ngã
cột nhà của ông Hương Kiểm Mỹ



Năm 1908, ông Ngạc và ông Năm Nghĩa tham gia yểm trợ cho đồng bào An Vinh, An Thái chống thuế. Ông Hương mục Ngạc lấy uy tín của mình tập hợp tất cả bằng hữu và môn sinh ở An Vinh, An Thái, kêu gọi họ “thi hành võ đạo, ủng hộ chính nghĩa” bằng cách tiêu diệt bọn ác ôn, bảo vệ đồng bào. Ông Ngạc sinh được tám người con nhưng chỉ có ông Bảy Lụt (tên thật là Nguyễn An), Chín Giác và bà Tám Cảng để lại nhiều giai thoại trong giới võ thuật. Các học trò của ông Ngạc cũng có nhiều người rất nổi tiếng là Sáu Hà, Hương Kiểm Mỹ, Tám Tự, Hai Tửu...

Võ sư Phan Thọ bắt đầu học quyền An Vinh từ năm 17 tuổi với thầy Bảy Lụt.

Sau đó, trong vòng 20 năm “cơm nhà, áo vợ”, ông lần lượt theo học các thầy Diệp Trường Phát (Tàu Sáu), Lê Hải (Sáu Hà), Đinh Hề (Hương Kiểm Mỹ), Hồ Ngạnh… Mỗi người thầy của võ sư Phan Thọ đại diện cho một môn phái, có thế mạnh riêng và tất cả đều là những cao thủ đương thời. Tuy nhiên, sở trường của võ sư Phan Thọ vẫn là quyền của phái An Vinh. Võ sư Phan Thọ từng hạ heo rừng, đánh bại nhiều cao thủ cùng thời nhưng ấn tượng nhất vẫn là hạ 3 võ sĩ Đại Hàn (Hàn Quốc ngày nay).

Tiếng lành đồn xa, võ đường của võ sư Phan Thọ có nhiều võ sinh từ các miền của đất nước đến trọ học. 18 môn binh khí của võ cổ truyền xuất phát từ thời phong trào nông dân Tây Sơn (thập bát ban binh khí), gồm: quyền, roi, siêu, kiếm, đao, độc tiên (tức khăn xéo), thương, kích, giảng, thủ, chùy, mỏ gẩy, xà mâu, côn, xích, thước, ba chĩa và trống thiên cung đều được võ sư Phan Thọ mang ra truyền lại cho các học trò. Hai người con của võ sư Phan Thọ, võ sư Phan Thanh Sơn dạy võ ở tỉnh Bình Dương, còn võ sư Phan Hữu Đức đang dạy võ tại Quy Nhơn. Các cháu của võ sư Phan Thọ cũng rất nhiều người theo nghiệp gia truyền và đang được ông truyền lại các chiêu thức của 18 môn binh khí.



Võ sư Phan Thọ truyền dạy 18 môn binh khí cho học trò


Các thế hệ học trò của võ sư Phan Thọ, như: Đỗ Hượt, Lê Công Hoàng, Kim Dũng, Phan Trường Hận, Nguyễn Xuân Nam… đều thành danh trong nghiệp võ. Trong đó, Đỗ Hượt từng đánh nốc ao võ sĩ ngũ đẳng huyền đai người Đại Hàn trên sàn đấu Tây Sơn. Ông Hượt còn nổi tiếng trong trận giáp chiến tại cầu Đập Bộng (xã Bình Nghi), một mình ông đương đầu với một trung đội lính Đại Hàn trang bị lưỡi lê sáng quắc, giữa hai cuộn thép gai dã chiến. Bị chúng bao vây và tới tấp đâm lê vào người, Đỗ Hượt vừa đánh vừa tránh đòn rồi chui xuống cống Đập Bộng để thoát thân.

Học võ không chỉ dùng lực mà phải dùng trí

Võ sư Lê Công Hoàng (70 tuổi, ở thôn 1, xã Bình Nghi) kể, ngày xưa học võ rất khó khăn, đến giờ người ta vẫn còn nhắc câu “giàu học võ, khó học văn”. Người học võ phải quyết tâm, kiên trì thì các thầy dạy võ mới nhận và chỉ dạy cho. Thầy Phan Thọ là người rất nghiêm khắc trong dạy bảo học trò.

Có lần, ông Hoàng đang ở nhà thầy Phan Thọ một mình thì ông Hương Kiểm Mỹ đến và nói: “Tao nghe Phan Thọ nói mày học võ tốt lắm, tao đố nếu mày trả lời được thì sẽ bày thêm cho vài đường. Cây cột ở giữa nhà này (ngày xưa cột nhà bằng gỗ dựng trên một tảng đá vuông), mày dùng thế võ nào để đánh nó bay ra khỏi cục đá?”. Ông Hoàng suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Trung bình tấn xuống thấp rồi dùng vai đánh vào cột”. Ông Hương Kiểm Mỹ bảo: “Cách đó được nhưng chưa hay”. Sau khi uống ly trà, ông Hương Kiểm Mỹ trụ người xuống tấn, dùng mông hất một cái, cây cột bay ra khỏi cục đá kê. Sau khi kê lại cây cột, ông Hoàng áp dụng thế của ông Hương Kiểm Mỹ, dùng hết lực hất một cái thật mạnh, cây cột cũng văng ra khỏi cục đá nhưng vài ngày sau cái mông của ông Hoàng vẫn còn ê ẩm.

“Cây cột giữa nhà gánh rất nhiều lực, càng lên cao thì lực gánh càng nhẹ đi nên đánh khó ngã, đánh dưới thấp thì cột dễ ngã hơn. Bài học đó, ông Hương Kiểm Mỹ muốn dạy tôi rằng học võ không chỉ dùng lực mà phải dùng trí, phải biết thế thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn”, võ sư Lê Công Hoàng nói.

“Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”


Họ Hồ bắt đầu nổi danh trong giới võ thuật từ thời võ sư huyền thoại Hồ Ngạnh (1891-1976). Từ đó đến nay đã có 5 thế hệ tiếp nối truyền thống võ học của gia tộc. Võ đường của họ Hồ hiện do võ sư Hồ Sừng (75 tuổi), cháu nội võ sư Hồ Ngạnh, cai quản.

Theo võ sư Hồ Sừng, ông Hồ Ngạnh tên thật là Hồ Nhu, con của ông Đốc Năm (Hồ Đức Phổ) và bà Lê Thị Huỳnh Hà. Tuy cha mẹ đều là những người giỏi võ nghệ nhưng ông Đốc Năm làm võ quan cho triều Nguyễn tại Huế nên ông Hồ Ngạnh được mẹ truyền dạy võ nghệ từ nhỏ. Lớn lên, ông theo học rất nhiều danh sư đương thời tại đất Tây Sơn, trong đó có ông Đội Sẻ và Hồ Khiêm. Từ những bài roi học được của các môn phái, Hồ Ngạnh sáng tạo tuyệt kỹ roi “đánh nghịch”, ngược với cách đánh thuận thông thường. Khi giao chiến với các cao thủ, thế roi đánh nghịch bất ngờ nhiều lần giúp ông Hồ Ngạnh thắng thế.

Võ sư Hồ Ngạnh để lại nhiều giai thoại về các trận tỉ thí, trong đó có trận đối đầu với bọn cướp Dư Đành. Khi đó, bè đảng của Dư Đành có 11 cao thủ rất giỏi võ, chính quyền đương thời không sao bắt được. Biết Hồ Ngạnh nổi tiếng về roi, Dư Đành cho người đến đề nghị nhập bọn nhưng ông từ chối. Chúng bèn nhắn tin thách đấu, nếu Hồ Ngạnh thua thì phải gia nhập đảng cướp. Mặc dù bạn bè can ngăn, ông Hồ Ngạnh một mình xách roi đến điểm hẹn. Khi Hồ Ngạnh về nhà, quần áo rách tơi tả nhưng không một thương tích trên người.

Võ sư Hồ Sừng kể sau lần đó, Dư Đành quyết tâm tìm cơ hội phục thù. Một hôm, ông Hồ Ngạnh đang ở nhà thì được người báo tin nương sắn của gia đình bị nhổ hết nhưng củ sắn vẫn để nguyên trên rẫy. Ông Hồ Ngạnh ra rẫy gánh sắn về nhà. Tuy nhiên, trên đường về thì gặp Dư Đành đang phục sẵn rồi bất ngờ xông ra tấn công. Lần nay, Dư Đành bị ông Hồ Ngạnh đánh văng vào bụi tre và mắc kẹt trong đó nên phải xin tha và hứa không về làng Thuận Truyền quậy phá nữa.

Cùng thời với Hồ Ngạnh, ở làng An Thái (nay thuộc xã Nhơn Phúc, TX.An Nhơn, Bình Định) có một người gốc Tàu tên Diệp Trường Phát (Tàu Sáu) rất giỏi võ nghệ, đặc biệt là võ Thiếu Lâm. Nghe tiếng ông Tàu Sáu, Hồ Ngạnh đến làm quen, giao đấu để tìm hiểu võ nghệ lẫn nhau. Theo võ sư Hồ Sừng, ông Hồ Ngạnh cầm roi bọc vải trắng có đệm bông được thấm mực xanh, ông Tàu Sáu cầm roi thấm mực đỏ. Ông Hồ Ngạnh dùng đường roi nghịch tấn công liên tiếp làm Tàu Sáu không kịp phản công mà chỉ lo chống đỡ. Sau một hồi giao đấu, Tàu Sáu nhảy ra ngoài xin chịu thua. Trên áo của ông Tàu Sáu chi chít những chấm mực xanh tại các điểm tương ứng với huyệt đạo trong thân thể. Từ đó, hai người kết nghĩa thâm giao, trao đổi võ nghệ lẫn nhau. Tàu Sáu đã tặng Hồ Ngạnh câu: Đoản côn Thuận Truyền duy hữu nhất (Roi Thuận Truyền chỉ có một), Hồ Ngạnh cũng tặng lại câu: Thủ vũ An Thái ngã vô song (Tay quyền An Thái cũng không hai). Câu ca “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”  bắt nguồn từ giai thoại này.

Võ sư Hồ Sừng cho biết: “Ông nội tôi còn được triều đình Huế triệu ra kinh đô dạy võ cho các thanh niên hoàng tộc. Tại Huế, ông nội tôi đã dùng roi đánh thắng một võ sư gốc Trung Quốc, thuộc phái Thiếu Lâm, đang hành nghề Sơn Đông mãi võ tại chợ Đông Ba tên là Trịnh Hùng Trí. Sau trận đấu, Trịnh Hùng Trí nói: “Hồ Ngạnh danh bất hư truyền” và từ đó không dám coi thường võ cổ truyền Việt Nam”.

Tre già măng mọc

Võ sư Hồ Ngạnh có một người con trai nhưng mất sớm, để lại người cháu nội duy nhất là võ sư Hồ Sừng. Trong sách Võ nhân Bình Định, hai tác giả Quách Tấn, Quách Giao có kể lại câu chuyện truyền miệng dân gian về sự “mất sớm” của con trai võ sư Hồ Ngạnh: Hồ Ngạnh dạy cho con trai nhiều năm võ nghệ song vẫn giữ lại một món nghề để phòng thân. Người con nhiều lần cầu xin cha dạy cho món nghề đó nhưng đều bị từ chối. Một hôm, nhân dịp tối trời, con bịt mặt lẻn vào đánh lén Hồ Ngạnh để học trộm võ. Hai cha con giao đấu với nhau, người con trúng đòn độc của cha nên phải tháo thân chạy trốn. Sáng hôm sau, khi vợ chồng ông Hồ Ngạnh sang thăm con trai thì chứng kiến cảnh con trai đang thoi thóp trên giường.


Võ sư Hồ Sừng biểu diễn đường roi nghịch của ông nội

Tuy nhiên, võ sư Hồ Sừng cho biết: “Đấy là lời đồn đại sai sự thật, cha tôi bị bệnh rồi mất. Khi ông nội tôi còn sống, một người bạn trong giới võ thuật đưa ông tập sách có đề cập đến câu chuyện cha đoạt mạng con, ông phản đối kịch liệt và yêu cầu nhà xuất bản rút lại câu chuyện nói trên”.

Trong 7 người con của võ sư Hồ Sừng, ông Hồ Cương vừa được phong danh hiệu võ sư thì qua đời. Võ sư Hồ Bé đang dạy võ cùng với cha tại võ đường của gia tộc. Võ sư Hồ Sỹ đang công tác tại Bảo tàng Quang Trung (H.Tây Sơn). Các anh Hồ Dư, Hồ Sửu, Hồ Hiệp đang dạy võ tại gia đình. Thế hệ tiếp theo, họ Hồ cũng trình làng những gương mặt đang là vận động viên hoặc từng là vận động viên đội tuyển võ thuật tỉnh Bình Định như: Hồ Thứ, Hồ Thị Kim Tâm, Hồ Đức Thiệt (con của võ sư Hồ Cương), Hồ Thị Thảo (con của võ sư Hồ Bé), Hồ Đức Hạnh (con của Hồ Hiệp)…

Độc chiêu “Mèo rửa mặt”

Họ Lý ở phường Đập Đá (thị xã An Nhơn, Bình Định) là chủ nhân của bài quyền “Miêu tẩy diện” nổi tiếng, được lưu truyền qua nhiều đời.

Người sử dụng bài quyền “Miêu tẩy diện” (Mèo rửa mặt) thuần thục nhất hiện nay là võ sư Lý Xuân Hỷ (73 tuổi), thế hệ thứ 5 của dòng họ Lý tại Bình Định. Bài quyền này được ông tổ của dòng họ có tên là Lý Thế dựa theo sự nhanh nhẹn, nhẹ nhàng của loài mèo mà dựng nên. Cái hay của bài quyền là ở những bộ trửu (chỏ) thuộc bộ thủ (tay) và ra đòn rất nhanh nên phát huy thế mạnh khi cận chiến.


Võ sư Lý Xuân Hỷ đang thị phạm bài "Miêu tẩy diện"


“Tôi bắt đầu học với cha là võ sư Lý Tường từ năm 8 tuổi, nhưng đến năm 12 tuổi mới bắt đầu được dạy bài “Miêu tẩy diện”. Tôi luyện tập cả ngày lẫn đêm, nắng thì luyện ngoài sân, mưa thì luyện trong nhà mãi rồi cũng sử dụng được. Bây giờ đã luyện bài quyền “Miêu tẩy diện” gần một đời người mà tôi còn chưa hiểu hết những bí ẩn của nó”, võ sư Lý Xuân Hỷ nói.

Khi còn trẻ, võ sư Lý Xuân Hỷ có hàng trăm lần thượng đài nhưng chỉ có lần duy nhất ông bị trọng tài xử thua. Những năm trước giải phóng, ông đoạt HCV tại giải vô địch Cao nguyên Trung phần và được mệnh danh là “Hùm xám cao nguyên”. Hầu hết những lần thượng đài trong cuộc đời, võ sư Lý Xuân Hỷ dù cân nặng chừng 50-55 kg nhưng luôn thi đấu với những võ sĩ nặng hơn mình từ 10 đến 20 kg. Tuy nhiên, mỗi khi ông dùng “Miêu tẩy diện” thì đối phương bao giờ cũng lâm nguy.

Võ sư Lý Xuân Hỷ kể, năm 1990 ông cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam sang Nga dự Festival Võ thuật cổ truyền quốc tế (16 nước tham gia). Đối thủ của ông là một võ sư Ba Lan cao lớn, nặng hơn ông gần 10 kg và biết nói tiếng Việt lơ lớ. Đến giờ thượng đài, thấy ông Hỷ đứng yên chẳng thủ thế gì, võ sư Ba Lan ngạc nhiên hỏi sao không chuẩn bị. Ông trả lời: “Võ thuật Việt Nam chúng tôi là vậy đấy, đứng chơi chơi cũng là thủ rồi” để trêu tức đối phương. Võ sư Ba Lan nổi nóng xông vào đá thật mạnh, võ sư Lý Xuân Hỷ tránh đòn rồi đánh trả khiến đối phương ngã xuống sàn đấu. Điên người, võ sư Ba Lan ngồi dậy, tạo lực rồi phóng một đòn thẳng vào võ sư Lý Xuân Hỷ. Ông bình tĩnh né đòn trong gang tấc rồi để chỏ vào ngực đối phương và tung tiếp đòn thứ 2 vào bụng dưới khiến võ sư Ba Lan ngã xuống sàn. Bất ngờ, võ sư Ba Lan bò dậy rồi quỳ sụp xuống nói “sư phu… ụ”.

Năm 2007, một võ sĩ người Ý tìm đến Bình Định và nhờ các ngành chức năng dẫn đến tìm võ sư Lý Xuân Hỷ để giao đấu. Thấy võ sĩ người Ý trẻ tuổi, nặng hơn ông Hỷ khoảng 30 kg nên có người khuyên ông từ chối. Tuy nhiên, võ sư Lý Xuân Hỷ vẫn nhận lời vì “thể diện quốc gia” và giao ước trận đấu chỉ diễn ra trong 30 phút. Khi giao đấu, võ sĩ người Ý liên tục dùng cước pháp đá vào người võ sư Lý Xuân Hỷ nhưng ông đều né được. Đến khi võ sĩ người Ý tung cú đá thật mạnh về mặt Lý Xuân Hỷ, ông né đòn rồi quét vào chân trụ khiến đối phương ngã gục, lúc đó trận đấu mới chỉ diễn ra được vài phút.

Phát huy tinh hoa môn phái

Dòng họ Lý đến Đập Đá lập nghiệp từ đời ông Lý Thế, vốn là một người rất giỏi võ nghệ. Đến đời thứ 2 là ông Lý Xuân Hùng thì lấy tên môn phái là Lý Gia võ đạo. Ông Hùng truyền lại võ nghệ cho con trai là Lý Hân. Đời thứ 4 nhà họ Lý có hai anh em rất giỏi võ nghệ là Lý Xuân Tạo và Lý Tường. Võ sư Lý Xuân Tạo và Lý Tường đã đào tạo ra nhiều võ sư nổi tiếng như: Lý Xuân Hỷ, Nguyễn Đức Thọ, Lê Xuân Cảnh, Lý Thành Nhân… Trong đó, võ sư Lê Xuân Cảnh đã mở lò dạy võ tại thị xã An Nhơn và được công nhận là một trong 6 võ đường tiêu biểu của tỉnh Bình Định hiện nay. Võ sư Lý Thành Nhân, con của võ sư Lý Xuân Tạo, từng là Chủ tịch Hội Võ cổ truyền Bình Định, sử dụng nhuần nhuyễn bài “Miêu tẩy diện”. Võ sư Lý Xuân Hỷ cũng đang đảm nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội Võ cổ truyền Bình Định.

Theo võ sư Lý Xuân Hỷ, bài thảo “Miêu tẩy diện” có hơn 20 động tác dù tha thướt, nhẹ nhàng, không gây tiếng động nhưng lại là một ẩn họa cực lớn với đối phương khi bị tấn công. Khi sử dụng trảo thì như mèo, như hổ, khi dùng ngón điểm chỉ vào tử huyệt đối phương. Tập “Miêu tẩy diện” không khó, nhưng luyện cho đến mức thân pháp và bộ pháp thành thục thì không dễ. Ông Hỷ có 5 con đều đã được phong võ sư. Hiện ông đã giao võ đường lại cho con trai đầu của mình là võ sư Lý Xuân Vân (50 tuổi) trông coi việc đào tạo các thế hệ trẻ. Thế hệ thứ 7 của Lý Gia võ đạo cũng có nhiều người sớm thành danh trong nghiệp võ như: Lý Xuân Vũ (27 tuổi, cháu gọi võ sư Lý Xuân Hỷ bằng ông nội), Trần Minh Trí, Lý Xuân Hảo, Lý Xuân Hợp…

Võ sư Lý Xuân Hỷ cho biết: “Ngày xưa, do quan niệm hẹp hòi nên các bài võ của dòng họ chỉ được truyền dạy cho con cháu. Nhưng cứ làm mãi như thế thì làm sao mà phát huy được tinh hoa môn phái và rất dễ thất truyền. Hiện lò võ của gia đình tôi đang truyền dạy võ cho tất cả võ sinh đến học. Ai có chí thì sẽ học được võ, trong đó có cả bài “Miêu tẩy diện” gia truyền của dòng họ Lý”.

Tinh hoa phái võ chùa

Ra đời sau những làng võ danh tiếng như An Thái, Thuận Truyền, An Vinh... nhưng phái võ chùa Long Phước đang dần khẳng định được vị thế trong dòng võ cổ truyền Bình Định.

Môn phái võ cổ truyền chùa Long Phước (ở thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận, H.Tuy Phước, Bình Định) ra đời từ sau những ngày đất nước giải phóng, do hòa thượng Thích Hạnh Hòa trụ trì chùa (nay là hòa thượng Viện trưởng chùa Long Phước) sáng lập. Ban đầu, hòa thượng Thích Hạnh Hòa và đệ tử của ông là Thích Vạn Thanh (tức võ sư Nguyễn Đông Hải) trực tiếp đứng ra dạy võ thuật. Mãi đến năm 1986, ông Lê Thì, Giám đốc Sở TDTT Bình Ðịnh lúc ấy, đã thuyết phục được hòa thượng Thích Hạnh Hòa mở CLB võ thuật cổ truyền chùa Long Phước để phổ biến võ học.

Hiện CLB võ thuật cổ truyền chùa Long Phước do võ sư Nguyễn Văn Thắng làm chủ nhiệm, 2 hòa thượng Thích Vạn Thông và Thích Vạn Nguyên làm phó chủ nhiệm. Ngoài ra, còn có 3 hòa thượng và 3 võ sư khác tham gia trong công tác huấn luyện võ thuật. “Những bài võ cổ truyền được ghi trong 2 tập “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiếu pháp” (tạm dịch là: Sao chép binh thư võ thuật của những vị tướng qua nhiều đời khác nhau) và Tây Sơn danh tướng mộ hùng thao (còn gọi là Tây Sơn bí kíp) đã được dạy tại chùa Long Phước từ nhiều năm nay. Các sư thầy là những người biết chữ Hán, chữ Nôm nên việc nghiên cứu, dịch tài liệu võ cổ truyền từ thời xưa để lại rất thuận lợi”, võ sư Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Lò võ chùa Long Phước đã lần lượt xuất hiện hàng loạt những tên tuổi thành danh tại các giải vô địch quốc gia như Nguyễn Ðức Thắng với bài U linh thương, Nguyễn Văn Cảnh với bài Tru hồn kiếm, Võ Văn Tính với bài Chấn lôi âm tiên, Trần Duy Linh với bài Lôi long đao... Võ sư Nguyễn Văn Cảnh (44 tuổi), HLV Trường Năng khiếu thể dục - thể thao Bình Định, cho biết: “Chùa Long Phước là nơi đóng góp nhiều võ sinh cho đội tuyển và các lớp năng khiếu võ thuật của tỉnh Bình Định. Ngoài bản thân tôi thì 2 đồng môn là các võ sư Trần Duy Linh, Võ Văn Tính đang là nòng cốt trong công tác huấn luyện các đội tuyển võ thuật của tỉnh Bình Định”.

Theo hòa thượng Thích Vạn Nguyên, ngoài võ thuật, các võ sinh chùa Long Phước đều được nghe giảng giải về giáo lý nhà Phật. Thông qua việc dạy võ, nhà chùa cũng rèn luyện đạo đức cho võ sinh.

Bảo tồn, phát huy bí kíp võ học

Võ sư Trần Duy Linh (39 tuổi, ở xã Phước Thuận, Tuy Phước, Bình Định), HLV Trường Năng khiếu thể dục - thể thao Bình Định, là một trong những đệ tử xuất sắc của phái võ cổ truyền chùa Long Phước. Anh bắt đầu học võ tại chùa Long Phước năm 13 tuổi với hòa thượng Thích Hạnh Hòa và Thích Vạn Thanh. Thời còn đi thi đấu, võ sư Trần Duy Linh đã đoạt nhiều huy chương về các bộ môn võ cổ truyền. Ngoài công tác huấn luyện cho các đội tuyển võ thuật tỉnh Bình Định, hiện võ sư Linh còn tham gia các nhóm sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lại những tuyệt kỹ võ học cổ truyền của dân tộc và được mời vào Ban chuyên môn, Ban huấn luyện Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam.

Theo võ sư Trần Duy Linh, võ sư Nguyễn Đông Hải (Hư Linh Tử) có thời gian tu ở chùa Long Phước, vốn là đệ tử đời thứ 13 của hệ phái Hư Minh. Ông tổ hệ phái Hư Minh (sáng tổ của môn phái Long Hổ Không Hồng) sống vào thời hậu Lê có để lại cuốn Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiếu pháp. Cuốn sách có sao chép hơn 150 bài võ cổ truyền của các danh tướng từ thời hậu Lê về trước, như: U linh thương (thời nhà Đinh), Động địa thủy tiên (của Đinh Tiên Hoàng), Tru hồn kiếm (thời Lý), Tây quy kinh môn tiên (của Lý Công Uẩn), Lôi long đao (của Trần Quang Khải), Mai hoa quyền (của Phạm Ngũ Lão), Vệ la thành thương, Đằng vân sát kiếm, Sa vân kiếm pháp…

Đến đời thứ 8 của hệ phái Hư Minh có người tên Nguyễn Trung Như (Hư Linh Ẩn), vốn là quan võ nhà Tây Sơn, để lại cuốn Tây Sơn danh tướng mộ hùng thao có ghi chép lại các bài võ, thân thế, sự nghiệp các danh tướng nhà Tây Sơn. Trong đó có cái bài võ nổi tiếng như Nghiêm thương của Nguyễn Huệ, Hiệp hộ đàn thương của Nguyễn Trung Như, Song phượng kiếm của Bùi Thị Xuân, Lôi phong tùy hình kiếm của Trần Quang Diệu, Lôi long đao của Võ Văn Dũng, Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ…

Hàng trăm bài võ trong 2 tập sách bằng chữ Hán này được võ sư Nguyễn Đông Hải dịch ra, tập luyện rồi truyền lại cho nhiều thế hệ học trò võ ở chùa Long Phước, trong đó có võ sư Trần Duy Linh. Võ sư Trần Duy Linh lại tiếp tục công việc của thầy, lại nghiên cứu, biên soạn, chú giải những bài võ cổ xưa sao cho dễ hiểu, dễ tiếp nhận hơn đối với người học võ ngày nay. “Học võ cũng cần có chữ “duyên”. Tôi may mắn được học võ tại chùa Long Phước và đã tiếp cận được nhiều bài võ bí truyền của dân tộc. Giờ đây, tôi phải tiếp tục tìm kiếm, truyền dạy những bài võ của các thế hệ cha ông cho các học trò”, võ sư Trần Duy Linh nói.
Theo vocotruyenvn.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét