THẾ CUỘC GIANG HỒ 09 (trí tuệ dân gian)

(ĐC sưu tầm trên NET)

đánh cờ

Tác giả: Hồ Xuân Hương
Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Để đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.
Thọat mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà.
-----------------------------------------------------------------------------
 
Giải Cờ thế giang hồ tập 8 Các thế cờ gây kinh hoàng thế giới
 
Cờ thế giang hồ chọn lọc Tập 8 thất tứ liêm ngâm

Chương 342: Cờ tướng Trung Quốc đã ra dời như thế nào?

Cờ tướng là một hoạt động tương đối phổ cập. Cờ tướng đã có lịch sử hết sức lâu đời, đại khái nó bắt nguồn từ trước đây hơn hai nghìn năm. Cuối thời kì Chiến Quốc, trong tập thơ cổ trứ danh Sở Từ đã có viết về cờ tướng. Thời bấy giờ đã thịnh hành một cách chơi gọi là "Lục bác", mỗi bên có thể đi sáu quân cờ. Đồng thời ở đời Chiến Quốc, các nước chư hầu tách rời nhau và tranh đoạt đất đai của nhau, chiến tranh diễn ra hết năm này qua năm khác. Tình hình xã hội như thế này cũng đã tạo điều kiện cho cờ tướng ra đời. Mà trên bàn cờ "Sở giang (sông nước Sở) và "Hán giới" (biên giới nước Hán) đã có nguồn gốc từ thế kỉ II trước Công nguyên. Đó là do Lưu Bang và Hạng Vũ chống lại ách thống trị của nhà Tần, đi tới thành lập hai nước Sở và Hán.
Đời xưa cờ tướng đã được quảng đại nhân dân ham thích. Cách bố cục của cờ tướng cũng không ngừng được cải tiến. Đến đời nhà Đường, các quân cờ đã có những cái tên : Tướng, Mã, Xa, Tốt. Về cơ bản, cách đi các quân cờ này cũng giống như ngày nay.
Cờ tướng ngày nay đã được định hình vào cuối thời kì Bắc Tống và đầu thời Nam Tống. Nếu suy đoán theo trước tác của những người như Tư Mã Quang, thì dưới triều Bắc Tống đã lưu hành ba loại cờ tướng. Trong đó một loại có 32 quân cờ Tướng, Sĩ, Tượng, Mã, Xe, Pháo, Tốt. Bàn cờ chiều ngang và chiều dọc đều có 9 ô, không có sông. Nhưng đến đời Nam Tống thì thêm con sông ngăn bàn cờ làm đôi, và loại cờ tướng này được lưu hành rộng rãi trong dân gian.
Cuốn Sự lâm quảng kí của đời Tống còn có ghi bản "Tượng kì phổ" (sách ghin cờ tướng) sớm nhất mà hiện nay chúng ta còn có thể được xem.
Sang đến đời Minh, con Tướng ở một bên được đổi tên thành con Sư. Từ đấy cờ tướng Trung Quốc đã được định hình không thay đổi nữa.
Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, cờ tướng được đưa vào các hạng mục thi đấu thể dục thể thao. Để phân biệt với cờ vua quốc tế, cờ tướng truyền thống được gọi là "Trung Quốc tượng kì" (cờ voi Trung Quốc).
LA DUẪN HÒA - DIỆP QUẢNG SINH

Chương 343: Tại sao trên bàn cờ tướng Trung Quốc có "Sở hà, Hán giới"?

Các bạn đều thích chơi cờ, nhất là cờ tướng Trung Quốc thì càng được yêu thích. Trên bàn cờ tướng Trung Quốc có một dải trống, dùng làm ranh giới giữa hai bên đỏ và đen, trên dải này có ghi "Sở hà, Hán giới" (sông nước Sở, biên giới nước Hán).
Theo truyền thuyết, sở dĩ có vùng trống này là vì cờ tướng bắt nguồn từ cuộc chiến tranh giữa nước Sở và nước Hán, đã từng diễn ra trong lịch sử Trung Quốc. Năm 206 trước Công nguyên, sau khi nước Tần bị diệt vong, Hạng Vũ tự lập làm Tây Sở Bá vương và phong Lưu Bang làm Hán vương. Đến năm 203, Hạng Vũ mang quân tiến ra ngoài, Lưu Bang thừa cơ kéo quân tiến chiếm vùng Quan Trung và tiến thêm về phía đông. Hạng Vũ đem quân về đánh bại Lưu Bang. Lưu Bang bèn liên hợp các lực lượng chống Hạng Vũ ở các nơi, và lần nữa lại giằng co với Hạng Vũ. Trong hoàn cảnh thiếu lương thực, binh sĩ bị kiệt quệ đến cùng cực, Hạng Vũ phải nêu ra phương án "trung phần thiên hạ" tức là đem đất nước chia làm hai. Hai bên thương lượng với nhau và quyết định lấy Hồng Câu làm đường phân giới, phía tây con sông này thuộc về nước Hán, còn phía đông thuộc về nước Sở. Từ đó đã nảy sinh ra cách nói "Sở hà, Hán giới".
"Sở hà, Hán giới" này ngày nay ở vào một dải phía đông bắc Vinh Dương ở tỉnh Hà Nam. Đất này phía bắc lên tới sông Hoàng Hà, phía tây dựa vào núi Mang Sơn, phía đông liền với Bình Nguyên, phía nam tiếp với Tung Sơn. Đó là vùng đất mà binh gia các thời đại ắt phải tranh giành với nhau. Ngày nay trên núi Quảng Vũ ở Vinh Dương vẫn còn lưu di chỉ của hai toà thành cổ đối diện với nhau từ xa. Toà thành phía tây gọi là thành Hán vương, còn toà thành phía đông thì gọi là thành Bá vương.
Truyền thuyết kể lại rằng hai toà thành này xưa kia do Lưu Bang và Hạng Vũ xây dựng. Giữa hai toà thành này có một con sông lớn rộng khoảng 300m tức là sông "Hồng Câu" mà người ta thường nói tới.
Khi sáng chế ra cờ tướng Trung Quốc, người ta cho rằng hai bên bố cục thành lũy rành rọt, tựa như con sông Hồng Câu được dùng làm đường phân giới cho hai nước Sở và Hán. Như vậy Sở hà Hán giới đã được đưa vào cờ tướng dùng làm đường phân giới giữa hai bên trên bàn cờ.
TRƯƠNG LƯƠNG NHẤT

Chương 344: Tại sao trên bàn cờ Trung Quốc hai bên đều có năm quân Tốt?

Cờ tướng Trung Quốc đã ra đời trước đây hơn hai nghìn năm trong thời kì Chiến Quốc. Thời bấy giờ các nước chư hầu tranh cướp lãnh thổ và quyền lực của nhau, vì thế chiến tranh luôn luôn nổ ra.
Tiểu tốt là một binh chủng trong cờ tướng của Trung Quốc, mỗi bên đều có năm quân Tốt, cách bố cục như thế không thể tách rời khỏi ảnh hưởng của hình thức chiến tranh thời bấy giờ. Thời bấy giờ, hai bên đánh nhau chủ yếu dựa vào bộ binh, mà biên chế cơ bản trong quân đội là ngũ, đó tức là năm lính bộ binh thì họp thành một ngũ, tức là một đơn vị chiến đấu. Mỗi người dùng một trong năm thứ binh khí là cung, thù, mâu, qua, kích. Thế chiến đấu hoàn chỉnh với năm thứ vũ khí như thế này đã được phản ánh trong cờ tướng. Vì thế mỗi bên chơi cờ đều có năm con Tốt, bên đỏ có năm con Tốt, bên đen cũng có năm con Tốt.
Nội dung cờ tướng Trung Quốc đã có một quá trình biến hóa và phát triển. Chẳng hạn : người chơi cờ đời xưa đã tham khảo cờ vây của Trung Quốc, biến 60 ô thành 90 điểm. Đến đời Tống, theo với sự phát minh thuốc súng lại có thêm quân pháo, nhưng tình trạng mỗi bên chơi cờ có năm quân Tốt thì vẫn còn được giữ
LIÊU KIỆN HOA

Hứa Ngân Xuyên nói về tinh thần của con chốt trong cờ tướng


Chúng tôi thường gặp Hứa Ngân Xuyên trong những dịp đấu giải, nhưng vì bận rộn nên ít có cơ hội ngồi lại đàm đạo. Có điều Anh là người Quảng Đông có thói quen ăn cháo khuya và tôi là dân viết lách quen thức đêm thế là chúng tôi lâu lâu cũng ngồi lại với nhau trong những đêm nhậu sương sương trong tiệm ăn khuya.
Tửu lượng Ngân Xuyên không cao nhưng chắc chắn hơn tôi. Phong cách đánh cờ và uống rượu của Anh thì trái ngược nhau. Lúc thi đấu chỉ cần có chút ưu thế Anh sẽ quần tới quần lui để tìm đường thắng, những khi thất thế Anh ngoan cuờng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ván cờ mang tính quyết định việc thắng thua của hai đội QĐ và BK hai ngày trước đó khi đụng Trương Cường, đó là ván cờ vô phương cách cứu vãn, thế mà cuối cùng Anh đã thủ huề được. Nhưng khi uống rượu , Anh chỉ thích nhâm nhi chút chút, thấy đủ là ngưng. Anh cho rằng uống rượu là một phương thức điều chỉnh thân tâm để giảm sự căng thẳng, mệt mỏi, quá chén chỉ hại cho sức khoẻ. Mọi người trong đội đều biết trong những bữa tiệc, rượu uống nửa chừng là Anh bắt đầu rút lui; đôi lúc gặp gia chủ quá nhiệt tình , nể mặt Anh đành phải tuỳ thuận chúng sanh, nhưng truờng hợp này rất ít khi xảy ra.
Tiếp xúc nhiều với Ngân Xuyên rồi mới biết giữa chúng tôi có nhiều sở thích giống nhau, chẳng hạn như Thư pháp, Hội hoạ, Văn học và cả Triết học nữa. Chúng tôi đã từng đứng hàng giờ trước một bức tiểu phẩm Thanh Minh ở hành lang một khách sạn mà đàm luận; hoặc cùng thảo luận Triết học trong khi đi dạo mát. Phương thức giao lưu chính của chúng tôi là vừa nhâm nhi vừa đàm đạo, chuyện xưa chuyện nay, trên trời duới đất đều là đề tài tốt để chúng tôi thả hồn bay luợn trong đó.
Nhớ mùa Đông năm ngoái ở Thừa Đức, đơn vị chủ nhà tổ chức một buổi giao lưu giữa kỳ thủ và các nhà Thư pháp và Hội hoạ, Ngân Xuyên và tôi đến dự, chúng tôi đứng lặng lẻ thưởng lãm, nghiền ngẫm, trao đổi sự cảm nhận và lĩnh hội cá nhân với nhau. Tôi biết công lực về thư pháp của Ngân Xuyên rất thâm hậu, xúi Anh lên ” biểu diễn” cho bà con xem. Ngân Xuyên nói : “Tôi phải uống chút rượu vô thì mới viết có hồn được , thiếu rượu thì linh khí đặc có của thư pháp sẽ không dễ toát ra.”

Thật thú vị khi đuợc tiếp chuyện với Anh , tôi mừng như tìm được một đối thủ ngang cơ. Chẳng hạn có lúc Anh buột miệng ngâm một câu thơ cổ, tôi ngâm liền câu tiếp. Đôi khi gặp cảnh khế hợp với câu thơ nào đó tôi liền thốt ra và Ngân Xuyên vui vẻ đọc tiếp, mỗi người một câu đọc hết cả bài mới thôi.

Hôm nọ hai nguời gặp nhau ở truớc thang máy, vì đội Giang Tô vừa thắng trận, Ngân Xuyên cười nói :
” Giang Đông tử đệ đa tài tuấn”
Tôi cười và tiếp:
” Quyển thổ trùng lai vị khả tri “
Nhưng cũng có những lúc chính tự tôi lầm lẫn. Hôm ấy hai anh em ăn khuya trong một quán rượu nhỏ, có lẽ xúc cảnh sanh tình Anh ra chiều suy nghĩ, ngâm câu Thơ Đường:
“Phong suy liễu hoa mãn điếm hương”
Tôi ngâm tiếp:
– “Ngô cơ áp tửu KHUYẾN khách thưởng “
Ngân Xuyên sửa lưng liền:
– ” Ngô cơ áp tửu HOÁN khách thưởng ” mới đúng, vừa nói vừa chấm rượu viết lại chữ Hoán lên bàn.
Tôi cố cãi và cười: “Sao tôi nhớ là chữ “Khuyến” mà, nghĩa là “khuyên” khách nhâm nhi rượu ngon.”
Ngân Xuyên cũng không để tâm, cảm khái nói : “Tôi thích nhất câu đầu : “Gió thoáng qua tiệm tỏa ngát hương thơm mùi bông liễu ” hàm súc một ý nghĩa thật sâu sắc, dư âm không dứt khiến nguời ta suy ngẫm mãi không thôi. Anh Mã Qua à, theo Anh thì đây là mùi thơm gì đây? Thơm rượu ? Ngát thơm tươi mát của mùi bông liễu hay là xạ hương trinh nữ của người đẹp đất Ngô? Tôi nghĩ đó là mùi thơm tổng hợp , là một cảm giác tâm trạng tươi vui của thi nhân.. Dùng chữ “thơm” để diễn tả tâm trạng vui xem ra hơi thấp tục, nhưng trong tục lại toát lên sự thanh nhã, hoá hủ lậu ra thần kỳ. Cảnh giới tư tưởng, tình cảm và phong cách biểu hiện trong câu thơ đẹp làm sao ấy! Làm thơ, đánh cờ cũng như đối nhân xử thế đều cần có chiều sâu của cảnh giới như vậy”.
Tôi thừa cơ hỏi:
-” Thế nào là quan niệm về cảnh giới của đánh cờ và cách xử thế ?” Ngân Xuyên nói liền không suy nghĩ:
-“Cảnh giới đánh cờ là cầu đạo, ngộ đạo. Chuyện thắng thua không đáng để tâm, ta dồn hết tâm trí vào việc tìm cầu chiều sâu trong cuộc cờ. Thầy Lý Lai Quần từng nói:. ” Cờ tướng không phải chỉ thuần là môn nghệ thuật đấu trí, đúng hơn còn là một “dạng” văn hoá nữa. Tôi hoàn toàn đồng ý với Anh ta. Lần trước khi đọc bài phỏng vấn Lý Lai Quần của Anh, tôi rất vui và có nhiều cảm xúc. Tôi SMS cho Anh , nói lên cái cảm xúc của mình. Những quan điểm của Lý cũng chính là những điều tôi muốn nói, là những tâm tư tận đáy lòng của các kỳ thủ chuyên nghiệp.”
Nói đến đây, Ngân Xuyên bỗng cười:
-“Có những lúc đang thi đấu, chợt nhớ đến một bài thơ cổ nào đó thế là tôi bắt đầu nghiền ngẫm, càng nghiền ngẫm càng thấy hay. Đối thủ cũng không biết tôi đang nghĩ gì, hì hì, xấu hổ! xấu hổ! “
-“Thế là Anh đang đánh cờ mà lại lo ra rồi!” Anh tiếp:
-“Kỳ thủ chuyên nghiệp như chúng tôi khi đấu giải thì bằng mọi cách phải tranh thắng, nhưng bản chất cờ tướng mang tính hài hoà, trong cờ tướng thể hiện tư tưởng của Nho gia hoặc có thể nói là quan điểm Triết học. Tôi nghĩ rằng người xưa khi phát minh cờ tướng ,không phải chỉ để con cháu sau này thi đấu tranh thắng mà là thông qua việc chơi cờ để chúng ta thể nghiệm và cảm ngộ nhân sinh, sẽ giúp ích ta nhiều trong cuộc sống như công việc, hôn nhân, gia đình…Cờ tướng thực là một quyển ” Vô Tự Thiên Thư” nhưng lại bao hàm tất cả Triết lý tổng hợp trong cuộc sống”
Tôi đồng ý:
-“Vâng! Chỉ có người có lòng mới đọc hiểu được. Vậy còn ý cảnh nhân sinh là thế nào đây?”
– “Là sự ban cho mà không nhận lãnh. Là những kỳ thủ chuyên nghiệp, chúng tôi có thể làm được những việc có hiệu quả và tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn so với kỳ hữu bình thường. Chúng tôi mang trong nguời một sứ mạng là vừa phải đánh những ván cờ có chất lượng đồng thời có trách nhiệm hoằn dương, đẩy mạnh sự phát triển cờ tướng, để người ta có cái nhìn chính diện đúng đắn về cờ…Những việc làm này là ban cho, bỏ ra chứ không có hồi báo, nhưng chúng tôi đã làm và dốc toàn lực không ngừng làm”.
Chúng tôi cụng ly, Ngân Xuyên đang cao hứng uống cạn và tiếp:
– ” Tôi chẳng qua đóng vai một con Chốt tí hon trong bàn cờ lớn này mà thôi, không phải khiêm nhượng mà đó là cảm thọ chân thật của tôi. Làm con Chốt qua sông là chuyện rất vinh quang , nhưng làm đúng vai trò Chốt thì không dễ tí nào. Tôi rất thích nghệ thuật, mọi nghành nghệ thuật, cũng từng muốn trở thành nhà văn, nhà báo, dùng cây viết trong tay bày tỏ nguyện vọng tâm tư của người dân thấp cổ bé miệng cũng như nói lên những sự bất bình trong cuộc đời, dương cao ngọn cờ chính nghĩa, đòi công lý xã hội, đó là sứ mạng thiêng liêng của nguời cầm bút. Tinh thần trách nhiệm và sứ mạng của một kỳ thủ cũng thế. Có thể chúng ta không sống đến ngày để nhìn thấy sự phồn vinh, hưng thịnh thật sự của cờ tướng , nhưng dầu sao chúng ta đã từng sống, từng làm, từng đóng góp tích cực trong đó… tôi cho rằng đó đã là cái chân giá trị nhân sinh của mình rồi.
Rất ít khi thấy Ngân Xuyên xúc động như đêm nay, tấm lòng cởi mở tận tình thổ lộ tâm tích. Tôi cảm động quá nhất thời không biết nói gì. Tôi rót đầy ly cho Anh hỏi tiếp :
– “Tại sao nhất định làm con Chốt qua sông?”
– Chốt quá hà luôn dũng mãnh tiến tới chứ không bao giờ thối lui, không tiếc hy sinh sinh mạng mình để mang lại thắng lợi toàn cuộc. Trong cuộc cờ Chú Chốt là dũng sĩ tiên phong, chỉ biết tiến tới!
Trong giây phút này, Ngân Xuyên không còn là con người e dè nữa , “Bản thân con Chốt đã hàm chứa cái tinh thần hiến thân cao đẹp. Mặc dù Chốt chỉ đi từng bước nhỏ, mỗi bước của quân cảm tử đều mang khí thế hiên ngang, hùng dũng. Việc phát triển, đẩy mạnh cờ tướng cần có nhiều con Chốt như thế, cần những tinh thần kiên định bước từng bước vững chắc như thế. Anh Mã Qua, chúng ta cùng làm những con Chốt nhé?” Ngân Xuyên quàng tay qua vai tôi, tay kia nâng ly: ” Này! Chúng ta cùng cạn ly để chúc mừng mình thành con Chốt qua sông”!
Các bạn yêu cờ thân mến, bất kể bạn đến từ phương trời nào và đã làm được những gì trong việc đẩy mạnh phát triển cờ, nay ta hãy cùng làm những con Chốt quá hà, vì tương lai cờ tướng, hãy cùng gánh vác sứ mạng cao cả này.
* Tự sự : Các bạn và tôi cùng có một niềm đam mê, một tình yêu mãnh liệt đối với cờ. Tình yêu đó ngày một lớn mạnh theo năm tháng phải không các bạn? Trong niềm đam mê, trong sở thích chung ấy, mỗi chúng ta – những người yêu mến cờ đều có chung một khao khát: MÌNH HÔM NAY CAO HƠN HÔM QUA. Nhưng năng lực và tố chất cờ của mỗi người đều có một giới hạn : đến một ngưỡng nào đó bạn sẽ không thể cao hơn được nữa (!?) – Đó là quy luật của muôn đời. Bạn phải hiểu và chấp nhận điều đó một cách hiển nhiên – đối với những người chơi cờ không phải chuyên nghiệp.
Nếu bạn còn lăn tăn bởi những câu hỏi : đã có nhiều người làm trước rồi, tìm gì trên mạng gì cũng có, tôi không có thời gian…các thắc mắc, các vấn đề các bạn đưa ra đều đúng. Nhưng xin hỏi nhỏ với các bạn : ĐAM MÊ VỚI CỜ CỦA BẠN LÀ GÌ ?
Bạn ạ, đam mê và niềm tin của mình là : ĐƯA CỜ TƯỚNG ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI theo cách mình có thể.
Chỉ đơn giản vậy thôi mà không hề dễ nhé : mình đã từng day dứt trước những thế cờ khó, từng loay hoay không biết tìm phương hướng nào học cờ… rồi đến những lo toan trong việc mưu sinh cuộc sống đời thường khiến mình có lúc chìm đắm vào đam mê, bỏ bẵng cờ một thời gian. Có rất nhiều định nghĩa, cách trả lời khác nhau và đều bị ngăn cách bởi chữ : NHƯNG .
Quả thật là một câu hỏi khó, một vấn đề nan giải người viết bài này cũng không có câu trả lời cụ thể và cũng không dám trả lời dứt khoát. Chỉ dám đưa ra một đề xuất nho nhỏ : mỗi chúng ta – những người yêu cờ hãy đề xuất những ý tưởng , hãy phát huy hết thế mạnh của mình, Mỗi người góp một chút sức lực … có như vậy phong trào cờ mới dần tiến bộ lên chăng?
Bạn đã bắt đầu chưa ? Hay bạn còn lăn tăn , nghi ngại điều gì? TỪNG CHÚT , TỪNG CHÚT MỘT thôi bạn ạ. Tôi giờ mới bắt đầu .

Bài chuyên phỏng về Hứa Ngân Xuyên của nhà báo Mã Qua

1001 chuyện đánh cờ của người xưa: Cao Bá Quát ngông chẳng nể vua, Từ Hy Thái Hậu giận giết người



Cờ tướng đã có hơn 2.000 năm lịch sử. Từ cổ chí kim cũng có rất nhiều danh nhân thích chơi cờ, đã lưu truyền lại cho hậu thế nhiều giai thoại thú vị.
Chơi cờ là một hoạt động giải trí cao cấp. Cờ tướng 32 quân, bàn cờ nho nhỏ, Sở hà Hán giới, đỏ đen đối đầu, gió giật mây vần, khó mà đoán định, ẩn chứa bên trong là đạo lý tiến thoái tồn vong, lại có biết bao huyền diệu âm dương, dài ngắn. 
Văn Thiên Tường đời Bắc Tống chơi cờ theo phong cách rất độc đáo. Khi ông làm Tri châu Cám Châu, Giang Tây, thường với cao thủ cờ nổi tiếng vùng Giang Nam là Chu Tử Thiện đến giữa sông đấu cờ. Họ để bàn cờ làm bằng gỗ trên mặt nước, vừa du ngoạn vừa đấu cờ, đến khi hoàng hôn mới khoan khoái trở về.
Từ Hy Thái Hậu cũng rất thích chơi cờ, mà lại muốn mình phải là người “bách chiến bách thắng”. Thực ra, những đối thủ chơi cờ với bà, đều vì sợ bà mà nhường nước. Thế nhưng Từ Hy lại cho rằng “Ta đây là thiên hạ đệ nhất”.

Chơi cờ tuy thú vị, nhưng chơi cờ với nhân vật như Từ Hy thế này, phải cẩn thận từng đường đi nước bước. Ảnh: Secret China

Một lần, bà gọi Liên Kỳ, thái giám trong cung có cờ nghệ cao siêu, tới hầu cờ. Ngay khi khai cuộc, Liên Kỳ liên tiếp tấn công, Từ Hy phải lùi bước. Lúc này, Liên Kỳ cầm một quân tốt chắp tay bái, cười nói: “Thần giết một con mã của Lão Phật gia”.
Từ Hy thấy thất bại đã định, cầm quân cờ ném mạnh, bừng bừng nổi giận: “Ta giết cả nhà ngươi!”. Đáng thương cho Liên Kỳ chỉ vì một ván cờ mà gây ra cái họa diệt mộn, cả nhà phải chết 
Nội hàm của cờ tướng là rất phong phú. Những câu chuyện về cờ có thể kể mãi không hết.
Kỳ liên (câu đối cờ)
Gia Cát Lượng thời Tam Quốc có viết: “Trời cao như lọng tròn, đất rộng như cuộc cờ. Tả Tông Đường đời Thanh dẫn quân đánh A Cổ Bách phía Tây, có người soạn một câu đối cờ: “Đại Soái dùng Binh, Sỹ Tốt nghe lệnh, Xe ầm ầm, Mã vù vù, khí Tượng lồng lộng, nhìn phen này, một Pháo công, mới xứng danh xuất Tướng nhập Tượng”. Vế đối này đã đưa tất cả các quân cờ vào trong đó. 
Học sỹ Đinh Lượng đã dùng “Bài cửu” để đối lại, ngụ ý chuyện liên quân 8 nước chiếm kinh thành, nhà Thanh bỏ chạy. Vế đối chan chát, chặt chẽ: “Chí tôn thôn dã, tốt xấu đừng bàn, văn tiu nghỉu, võ thẫn thờ, thừa tướng lảo đảo, đến sau này, vạn người thất vọng, bị gục ngã than trời vãn đất”. 
Kỳ thi (Thơ cờ)

Vương Thủ Nhân rất thích chơi cờ. Ảnh: Secret China

Văn nhân mặc khách đều có duyên với cờ, thích làm thơ về cờ, đã để lại rất nhiều kiệt tác khoan khoái lòng người. Nổi tiếng hơn cả có bài “Khốc tượng kỳ thi” (Thơ khóc cờ tướng) của Vương Thủ Nhân (Vương Dương Minh), một nhà triết học đời Minh.
Khi Vương Thủ Nhân còn nhỏ, một lần chơi cờ trên bờ sông với bạn, mải chơi quên ăn, mẹ gọi nhiều lần, cậu đều không thưa. Mẹ cậu giận quá, bèn bước đến ném các quân cờ xuống sông.
Vương Thủ Nhân tiếc nuối khôn nguôi, bất giác ngâm luôn một bài thơ làm mọi người phải vỗ bàn khen ngợi:
“Tượng kỳ tại thủ nhạc du du,
Khổ bị nghiêm thân nhất đán đâu.
Binh tốt trụy hà giai bất cứu,
Tương quân nịch thủy nhất tề hưu.
Mã hành thiên lý tùy ba khứ,
Sĩ nhập tam xuyên trục lãng lưu.
Pháo hưởng nhất thanh thiên địa chấn,
Tượng nhược tâm đầu vi nhân thu”.
Tạm dịch:
Cờ tướng trên tay lạc thú thay
Khổ nỗi mẹ nghiêm ném mất bay
Binh tốt rớt sông không thể cứu
Tướng quân đuối nước cũng đành thôi
Mã phi ngàn dặm theo dòng nước
Sỹ chốn ba sông sóng cuốn trôi
Pháo gầm một tiếng long trời đất
Tượng kia gục ngã ruột gan rơi.
Những câu thơ tỏ rõ ý chí của một đại tướng, nhìn thấy quân sĩ “chết” mà lòng đau đớn khôn cùng. Quả đúng vậy, sau này Vương Dương Minh trở thành một vị tướng tài ba, văn võ song toàn, là cột trụ của triều Minh, đánh dẹp và chấn chỉnh khắp nơi, mãi đến tận đã ngoài 80 tuổi vẫn cầm quân ra trận.
Kỳ ngữ (ngôn ngữ cờ)
Rất nhiều ngôn ngữ trong cờ tướng thường được dùng trong đời sống hàng ngày, như “Mã hậu pháo” (Mã trước pháo sau), “Kỳ phùng đối thủ” (Kỳ phùng địch thủ), “Cử kỳ bất định” (Cầm quân cờ phân vân), “Tinh la kỳ bố” (La liệt như bàn cờ), “Đâu xa mã bảo tướng soái” (Bỏ xe ngựa, giữ tướng soái), “Kỳ thác nhất bộ, mãn bàn giai thâu” (Cờ sai một nước, thua cả ván)… 
Kỳ phổ (Cờ phổ)
Có rất nhiều kỳ phổ, sách dạy đánh cờ, nghiên cứu cờ được lưu truyền lại trong lịch sử rất nhiều, nổi tiếng nhất trong đó có “Thất quốc tượng hý đồ” (Tranh trò chơi cờ tướng 7 nước) của Tư Mã Quang, “Quảng tượng hý tự” (Thứ tự trò chơi cờ tướng) của Hoảng Lợi Chi đời Bắc Tống, “Kỳ kinh luận” (Kinh luận về cờ) của Hồng Mại đời Nam Tống, “Bách biến tượng kỳ phổ” (Kỳ phổ cờ tướng trăm biến) đời Minh, “Thao lược chi cơ” (Tính toán thao lược) đời Thanh…
Lưu hành rộng rãi nhất, có thành công nhất phải kể đến “Kết trung bí” (Bí mật trong con quay), “Mai hoa phổ” (Kỳ phổ mai hoa) và “Trúc hương trai” (Nhà hương trúc).
Giai thoại Cao Bá Quát chơi cờ với Tự Đức
Ở Việt Nam, cờ tướng cũng là một môn khá phổ biến, được nhiều người yêu thích, thường gặp nhất là những bàn cờ vỉa hè, nơi có rất nhiều người cùng vây quanh bàn cờ, bình luận, mách nước, không khí thực náo nhiệt, rôm rả.
Chuyện xưa kể lại rằng, có lần Chu Thần Cao Bá Quát chơi cờ với vua Tự Đức. Thấy cờ mình đang ưu, đôi ngựa nhảy tung tăng, vua bèn đắc ý đọc:
“Lưỡng Mã trì khu thiên lý địa” (tức là: Đôi ngựa tung tăng muôn dặm đất).
Cao Bá Quát vốn tính ngông, thẳng thắn, cũng không chịu lép. Thấy cặp xe của mình đang uy hiếp quân tướng của nhà vua bèn đối trả lại rằng:
“Song Xa truy kích cửu trùng thiên” (tức là: Cặp xe đuổi đến chín tầng trời).
Vua giận tái mặt vì câu đối khá “hỗn” này. Cao Bá Quát dám khoe đôi xe của mình truy đuổi “cửu trùng”. Cửu trùng là từ dùng để chỉ các bậc hoàng đế, quân vương.
***
Người giỏi chơi cờ tướng không phải là ở những việc hãm tướng, vây thành, bắt xe, giết mã mà là ở tầm nhìn, trí tuệ, định liệu được đại cục, rèn luyện được sự nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ. 
Thắng thua trong cờ tướng chỉ là chuyện thứ yếu. Người chơi cờ chỉ với mục đích sát phạt, thắng thua thì cổ nhân không hề coi trọng. Trái lại, chơi cờ chính là rèn trí lực, tu tâm tính, vừa là thưởng thức một nét văn hóa, vừa là giải trí giải khuây. Đối thủ trên bàn cờ không phải kẻ thù mà chính là tri kỷ.
Chúng ta thường thấy những bậc cao cờ dù thắng dù thua, kết thúc ván cờ vẫn là tay bắt mặt mừng, cung kính lễ nghĩa, xem nhau như tri kỷ. Ngày nay, sau hàng nghìn năm lưu truyền, cờ tướng đã dần mất đi vẻ đẹp thuần thiện ban đầu. Người ta đấu cờ là để so tài cao thấp, tranh đua giải thưởng, thể hiện cái tôi, tranh đấu không ngừng. Những điều đó vốn không có trong đạo đánh cờ.
Vậy mới nói, đánh cờ cũng là tấm gương phản ánh của đạo làm người vậy. Kẻ hiếu thắng thì nước đi mạnh bạo, chỉ thích sát phạt, ăn quân, tham bát bỏ mâm, không nhìn đại cuộc. Người quân tử đánh cờ là nhìn trước nhìn sau, phân tích thế trận, ứng đối khôn khéo, điềm đạm, thanh thản, thắng không kiêu, bại không nản, từ chuyện đánh cờ mà ngẫm về đạo tu thân, làm người. Ấy mới là người cao cờ thực sự vậy!
Nam Phương

Đời người như ván cờ, quân tốt tuy yếu nhưng có thể vụt sáng lúc tàn cuộc


Trong cuộc sống, có thể bạn đã từng nghe câu nói: “Đời người như ván cờ, đi sai một bước, cả ván đều thua”. Quan sát ván cờ cuộc đời, có những lúc khiến người ta do dự không quyết được, sau khi đã đặt quân cờ xuống bàn cờ thì cho dù là thắng thua ra sao, đều không thể đi lại được nữa.
Người ta thường nói rằng:“Người đứng xem thì luôn tỉnh táo”. Trong lúc người khác chơi cờ, tôi không thích bình phẩm nước cờ, mà chỉ thích xem thi đấu. Vì xem thi đấu chỉ là quan sát, bất luận đôi bên ai thắng ai thua, tâm cảnh của tôi cũng không nằm ở trong đó, nó đã sớm vượt ra ngoài thắng thua rồi. Xem thi đấu, luôn có thể nhìn ra được triết lý nhân sinh mà trong đời sống không dễ dàng phát giác được, những đạo lý đó đều có thể khai ngộ ra trí tuệ nhân sinh hiếm có.
Ví dụ, trong một ván cờ, binh tốt chắc chắn sẽ chết trước. Là vì không chỉ do vị trí của nó đứng ở ngay hàng trên cùng nhất, còn vì quy tắc quy định những quân cờ khác sau khi quá hà (qua sông) còn có thể tụt lùi về phía sau, binh tốt sau khi quá hà thì không được tụt lùi về phía sau nữa, cho dù gặp phải quân địch lớn mạnh ra sao, cũng chỉ có thể dũng cảm tiến về phía trước. Do vì nguyên nhân này, tuy số quân của binh tốt là nhiều nhất, nhưng binh tốt có thể sống sót đến phút cuối thì lại rất ít.
Kỳ thủ đấu cờ, đều vô cùng trân quý các quân cờ “xe- pháo – mã” của mình, còn về sự tổn thất của binh tốt thì lại không bận tâm. Nào biết rằng đấu đến lúc tàn cuộc, một binh một tốt mới là mối chốt quan trọng để giành thắng lợi, quân tốt tuy yếu kém nhưng lại có thể khắc được tướng già, trong một số tàn cuộc thì 2 quân tốt còn mạnh hơn quân xe.
Quân xe tuy có thể phi nước đại khắp bàn cờ, nhưng vẫn không thể thoát khỏi vài nước đi, và nó cũng không thể quay vòng tiến quân. Người chơi sử dụng quân xe chém giết mạnh bạo, luôn bị thiếu hụt sức mạnh về sau; kỳ thủ lợi dụng mã và pháo hỗ trợ tấn công, cờ nghệ có cao hơn một bậc, ngang dọc bắt chéo nhau, từng bước ép chết, luôn làm cho đối thủ chỉ còn sức đổi quân với nhau, mà không còn sức đánh trả lại.
Kỳ thủ cao minh nhất là biết tận dụng sức mạnh của binh tốt, bởi vì quân cờ tung hoành ngang dọc, khắc chế quân địch để giành thắng lợi trong rất nhiều màn tàn cuộc, rất có thể là một quân tốt nhỏ không được xem trọng. Sinh mạng vốn dĩ không có sự phân biệt nặng nhẹ sang hèn, chỉ cần đặt quân tốt vào đúng vị trí thích hợp, trong giờ phút quyết định có thể là quân yếu nuốt chửng quân mạnh, một nước chiếu tướng giành thắng lợi.
Vì vậy, tôi thường nghĩ rằng tính quan trọng của mỗi quân cờ đều giống nhau, quan trọng là do kỳ thủ đặt nó vào vị trí nào.
Trên đời này không có quân cờ nào là vô dụng cả, nhưng lại có vô số kỳ thủ bất tài không biết dùng cờ, tuy là một lòng muốn chiến thắng, nhưng lại vì tham lợi nhỏ mà không có tầm nhìn quan sát toàn cuộc, cuối cùng xé lẻ hết các quân cờ rồi đi vào con đường tự hủy diệt.
Đi một bước cờ, cần phải tĩnh tâm suy nghĩ. Thật ra đạo lý của đời người không phải cũng như vậy hay sao?

Đi một bước cờ, cần phải tĩnh tâm suy nghĩ. Thật ra đạo lý của đời người không phải cũng như vậy hay sao? (Ảnh từ inkdancechinesepaintings.com)

Nếu như mỗi ngày đều có thể duy trì một tâm thái ôn hòa, đã là người giành chiến thắng của cuộc đời rồi! Lúc tâm trạng bực tức, bất luận là chơi cờ, làm việc hay viết văn chương, đều có cảm giác không thể làm được theo ý muốn. “Tắm gió xuân nhìn trời cao, dung hòa với tự nhiên thành nhất thể”, làm được như vậy, đời người sẽ không còn trận đấu giữa người với người nữa, mà chỉ còn là tâm thái im lặng xem thi đấu mà thôi.
* “Tắm gió xuân nhìn trời trong, dung hòa với tự nhiên thành nhất thể”: Hai câu này nói về một cảnh giới tương tối cao trong tâm, mượn hình ảnh của thiên nhiên để diễn đạt tâm thái ung dung tận hưởng những gì đang diễn ra trước mắt, hòa nhập tâm tư suy nghĩ với tự nhiên làm một, không phán xét và nhận định, để mọi thứ diễn ra một cách chân thực nhất.
Châu Yến Lâm

Đôi điều thú vị về tản mạn môn chơi cờ tướng


Trong cuộc sống có nhiều thú chơi mà người đời rất đam mê như cầm, kỳ, thi, hoạ,… Một trong những môn nghệ thuật hấp dẫn đó là cờ tướng.

Người ta say mê môn chơi này là bởi tính “thiên biến vạn hoá” của nó. Chúng ta lướt qua một vòng quanh thế giới và thấy rằng cờ tướng ngày nay đang phát triển với một tầm cao rực rỡ. Bởi vì các nước thường tổ chức các giải đấu hàng năm để chọn ra những kỳ thủ xuất sắc. Các kỳ thủ này sẽ là những đại diện thi đấu ở tầm cao hơn. Dưới đây là đôi điều thú vị về tản mạn môn chơi cờ tướng.
Các giải đấu quốc tế rất được sự quan tâm của đông đảo mọi người, đặc biệt là những người yêu cờ. Hơn nữa; vinh quang từ các đấu trường quốc tế mà các kỳ thủ mang lại cũng là niềm hãnh diện cho quốc gia. Ở khu vực châu Á của chúng ta, các nước có nền văn hoá cờ phát triển là Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia,… Đáng nói nhất là Trung Quốc, một quốc gia hàng đầu về cờ tướng trên thế giới. Trung Quốc còn là nơi sản sinh ra các cuốn kỳ phổ vang danh thiên hạ như Quất Trung Bỉ, Mai Hoa Phổ, Mộng Nhập Thần Cơ, Thích Tinh Nhã Thú,…
Đôi điều thú vị về tản mạn môn chơi cờ tướng - Ảnh 1
Một số danh thủ Trung Quốc như Dương Quang Lân, Lý Chí Hải, Vương Gia Lương,… đã là niềm mơ ước của nhiều người chơi cờ… Vì sao chúng ta gọi là cờ tướng nghệ thuật? Bởi vì, như đã nói ờ trên, đó là tính “thiên biến vạn hoá” của nó. Tính chất này được thể hiện ngay trong từng ván cờ. Trong thực tiễn thi đấu, không ván cờ nào giống ván cờ nào. Khi đi một quân cờ, nó đã hàm ẩn rất nhiều nước biến, người chơi phải linh hoạt, phải phân tích một cách sáng suốt, chọn nước cờ tối ưu để giành ưu thế, để khắc chế đối phương… Thật căng thẳng, quyết liệt và hấp dẫn biết bao!…
Trong lúc tranh hùng, một ván cờ quyết định thắng – thua trung bình từ 40 – 60 nước đi cho mỗi bên. Nhưng cũng có những trường hợp hai đối thủ ngang tài ngang sức đã kéo dài ván cờ lên đến trên 70 nước đi (đây là những ván cờ thường rất đạt về chuyên môn). Điều đáng nói là trong quá trình thi đấu, nếu sơ suất để phạm phải một nước đi sai lầm là có thể bị đối phương khai thác và thắng cuộc tương đối nhanh (có thể từ 15-30 nước). Đây cũng chính là nghệ thuật “điều binh khiển tướng ”vậy.
Tính nghệ thuật của cờ tướng còn thể hiện ờ chỗ thông qua việc đánh cờ, người ta có thể hiểu được tính khí con người như tính nóng, trầm lặng, ôn hoà thư thái,… để từ đó có thể kết tình thâm giao, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Người ta có thể từ bàn cờ mà suy ngẫm những đạo lý, triết lý sâu xa… Từ tính đa dạng, phức tạp, hấp dẫn của môn chơi này mà nảy sinh ra một hiện tượng, đó là cờ thế giang hồ. Những tay cờ giang hồ thường “bôn tẩu” khắp nơi để kiếm ăn. Ở các năm trước đây, các tay cờ này có rất nhiều đất để “dụng võ”, vì lúc này nhiều người chơi cờ còn thiếu thông tin, chưa nắm được vấn đề, nên khi nhập cuộc thì hầu hết bị “nốc ao”, nhiều khi bị cháy túi.
Bây giờ thông tin về cờ rộng rãi hơn nên đất “làm ăn” của các tay cờ thế dần dần bị thu hẹp lại. Nhưng rải rác ở các nơi một số tay cờ trên vẫn còn “bám nghề”, chưa chịu giải nghệ. Đó là những khu du lịch, các bến xe… Họ “bày trận” ở những nơi này và người chơi cờ vẫn còn rơi vào tình trạng “bị bắt nai” một cách đáng thương… Vậy thì tính cốt lõi của vấn đề trên là gì? Làm thế nào để “hoá giải” các thế cờ đó? Người viết bài này sẽ từ từ “bật mí” cho mọi người rõ (Dĩ nhiên là đối với những người chưa hiểu thấu đáo về cờ thế giang hồ).
Trước hết, xin được nói một chút về cờ thế: Cờ thế là gì? Cờ thế là những thế cờ đã được các danh kỳ nghiên cứu, đúc kết một cách tương đối đầy đủ, chính xác. Trong đó có phân tích rõ các nước đi, nước biến và cuối cùng là kết quả thắng – thua hoặc hoà. Có nhiều thế cờ mặc dù đã được các danh kỳ tiền bối tổn nhiều công sức đúc kết, tinh lọc nhưng theo thời gian, các danh ký đương đại đã nghiên cứu lại, phát hiện có điểm sai sót nên sửa chữa lại. Và người đời sau lại có phát hiện mới nên tiếp tục chỉnh lý… Điều đó cho thấy rằng, cờ thể là những sáng tạo đầy tính trí tuệ của người chơi cờ.Đôi điều thú vị về tản mạn môn chơi cờ tướng - Ảnh 2
Trong cờ thế có hai đặc điểm sau:
1. Cờ sinh: Là cờ hoà. Nếu hai bên đều đi chính xác.
2. Cờ tử: Là cờ thắng – thua. Nếu bên thắng đi chính xác. Có những bậc phụ huynh dặn dò con em mình rằng: “Ra đường thấy cờ thế phải tránh, nếu chơi là thua”. Thiết nghĩ, lời dặn trên là đúng, là cần thiết, song chưa đủ. Lời dặn đó chỉ là một câu khẳng định nhưng, chưa được phân tích rõ. Vì lẽ đó mà nhiều “cậu choai” chưa hiểu cặn kẽ, nên khi ra đường thấy cờ thế, vẫn sà vào tìm cách phá giải, và… bị nốc ao – cùng lúc các tay cờ thế mỉm cười nhét tiền thắng cuộc vào hầu bao…
Như vậy, bí quyết của những ván cờ thế trên là điều gì? Xin thưa, đó là những ván cờ hoà. Vì chọn cờ hoà, các tay cờ thế mới không bị thua, chỉ từ hòa tới thắng (trừ trường hợp đặc biệt). Người chơi nếu đi đúng nước thì hoà, đi sai nước thì thua. Nói chung, người nào sà vào chơi chính là chưa rõ tính cốt lõi của cờ thế giang hồ là vậy.
Tuy nhiên, cũng có cá biệt người chơi thắng cuộc. Thứ nhất là các tay cờ thế chủ quan, xem thường đối thủ, chấp người chơi đi hoà thì thắng; thứ hai, các tay cờ thế này sử dụng chiêu “thả”, cố tình sắp thế cờ thắng – thua chứ không phải cờ hoà; thứ ba, trong một vài ván cờ thế, các danh kỳ tiền bối trong quá trình nghiên cứu, đúc kết đã có sai sót, đến ngày nay các danh kỳ hiện đại đã nghiên cứu lại, giải cách khác nên từ thế cờ hoà trở thành thế cờ thắng – thua. Tay cờ thế nào chưa cập nhật kịp thời thông tin này bị người chơi nắm thông tin trước hạ cho một  cú “nhớ đòi”, bởi rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông”… Song, cả ba trường hợp trên rất hiếm khi xảy ra.
Trong một số trường hợp cá biệt người chơi thắng cuộc thì liệu các tay cờ thế trên có chung tiền hay không? Điều này cũng còn tuỳ: tuỳ vào địa bàn hoạt động, khách chơi từ đâu đến… Thường thì các tay cờ này nói rằng: “Các anh thông cảm, để em “làm ăn” nhé!” và mời một điếu thuốc chẳng hạn. Xem như hoà. “Giang hồ” mà!… Thực chất, cờ thế giang hồ chính là một sự lừa đảo. Mọi người cần cảnh giác với hiện tượng trên.
Đôi điều thú vị về tản mạn môn chơi cờ tướng - Ảnh 3
Tóm lại: Tính cốt lõi của cờ thế giang hồ là cờ hoà. Muốn hoá giải nó chính là không ăn thua với nó. Về tình hình cờ tướng của nước ta trong những năm gần đây và hiện tại, phải nói rằng môn TDTT trí tuệ này cũng rất được Nhà nước quan tâm, biểu hiện qua các giải đấu được tổ chức thường xuyên. Những “anh tài” trong làng cờ Việt Nam như Mai Thanh Minh, Trịnh A Sáng, Trương Á Minh,… Các danh thủ khác ở Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai… nhưng không nhiều.
Các giải thưởng quốc tế gắn liền với các danh hiệu Kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế cấp đại sư mà các kỳ thủ Việt Nam mang lại đã khẳng định rằng, môn chơi trí tuệ này, Việt Nam đã sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Chính vì tính hấp dẫn của nó mà những năm qua, một số địa phương trong nước có tổ chức sân chơi “kỳ đài” cho mọi người tham gia. Thường một tuần 1 lần hoặc mỗi tháng 1 lần. Xin được nói sơ lược sân chơi này như sau: Một kỳ thủ có trình độ cờ khá đang giữ chức “Kỳ chủ”, các kỳ thủ khác đến đăng ký thách đấu với vị “kỳ chủ” này sẽ được ban tổ chức tiến hành bốc thăm.
Sau đó người được chọn sẽ thi đấu trong 3 ván với vị chủ đài. Một bên quyết bảo vệ chức “kỳ chủ”, một bên quyết giật ngôi “chưởng môn” nên các ván đấu rất hấp dẫn. Có một bình luận viên chuyển tải thông tin từ trong phòng thi đấu ra ngoài; một minh hoạ viên thực hiện lại các nước đi này trên một bàn cờ lớn, có những quân cờ rất to cho mọi người theo dõi. Bàn cờ lớn này thường đặt ở một quán cà phê rộng rãi, hay ở trong công viên… để người xem có thể bình luận, ủng hộ, giải trí. Đấu thủ nào thắng sẽ giữ chức “kỳ chủ”, sẽ đấu với kỳ thủ được chọn lần sau…
Với loại hình sân chơi trên, phong trào cờ ở địa phương sẽ được nâng cao một bậc. Các kỳ thủ có dịp cọ xát, rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ cờ. Từ đó có thể xuất hiện danh thủ, bổ sung vào làng cờ cao cấp trong nước. Rõ ràng cờ tướng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Chúng ta tin tưởng rằng, trình độ cờ của các danh thủ tiếp tục được củng cố, nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng trên các đấu trường quốc tế; và cờ thế giang hồ không lành mạnh sẽ bị đào thải.
Nguồn tổng hợp



"Phong trần quái khách" cờ Tướng
10:07 03/07/2013
HLV trưởng đội tuyển cờ tướng Quốc gia: Hoàng Đình Hồng: “Quái khách” phong trần giữa đời thường…

Hơn 2 chục năm qua, biệt hiệu “Phong Trần Quái Khách” gắn với tên ông. Thoạt nghe đã thấy toát lên cái vẻ “bụi đời” trong nét phong trần của một đời người gắn với nhiều giai thoại thú vị. Nhưng có tiếp xúc với ông, hiểu ông, mới hay thật ra vị “quái khách” ấy chẳng hề “quái” mà rất đỗi bình dị, dễ gần, dễ mến.

Còn từ góc độ công việc, ông chẳng khác nào một “ngọn đuốc sống”, luôn có thể “cháy” đến tận cùng…

Từ một cao thủ cờ giang hồ khét tiếng…
Ngay từ lúc còn nhỏ xíu, cậu bé Hoàng Đình Hồng đã bị cái trò đấu trí trên bàn cờ vuông hút hồn khi phục vụ “điếu đóm” cho ông bác ruột Hoàng Đình Không và các bằng hữu. Lớn lên chút nữa, Hồng được thụ giáo ông thầy… hàng xóm Đỗ Quốc Sang, được thầy chỉ tận tình từ cách đọc Hán tự đến cách khai thác mấy cuốn sách cờ bằng tiếng Tàu.

Sau giải phóng, Hoàng Đình Hồng bắt đầu tham gia giới cờ độ – vốn phát triển rất mạnh ở TPHCM thời điểm ấy. Với bản tính ham học hỏi, Hồng được thụ giáo thêm danh thủ Hứa Kim Thành, và được các danh thủ khác như Thái Văn Hiệp, Quách Anh Tú, Lê Thiên Vị cho mượn tài liệu tự nghiên cứu nâng cao trình độ… Trong thời gian hơn 10 năm, Hoàng Đình Hồng gần như có mặt tại mọi sới cờ giang hồ của thành phố, và nằm lòng mọi mánh khóe “câu độ”, “gài độ” để có thể… sống khỏe trong môi trường phức tạp nhưng luôn thấm đẫm cái nghĩa khí giang hồ rất riêng của làng cờ tướng.

Quãng thời gian “hành hiệp” đã để lại trong ông rất nhiều kỷ niệm. Một lần, Hồng vét gần sạch túi một đối thủ mà trước đó cứ đinh ninh là chủ hãng xà bông (như giới thiệu của một số kỳ hữu) sau gần 1 tuần “gài” độ. Tới ngày so tài cuối cùng, mới hay ông ta chỉ là một anh… bán ve chai (sở dĩ túi ông ta rủng rỉnh tiền là do chủ vựa ve chai cho mượn), gia cảnh cực kỳ khó khăn với 1 vợ và 6 con nheo nhóc sinh sống trong một cái chòi vịt. Thế là trong mấy ngày liền sau đó, “quái khách” bỗng dưng… sút giảm phong độ lạ kỳ, bao nhiêu tiền “ăn” được trước đó lần lượt… trở lại túi cái ông bán ve chai mê cờ (đến nỗi quên mất cả vợ con) trong sự ngỡ ngàng của chính ông ta.

Một lần khác, “tay cờ lạ” Hoàng Đình Hồng quần một ông thầy bói người Tàu mê cờ ở Chợ Lớn tơi tả. Cuối cùng, thầy bói hỏi: “Anh tuổi gì?”, Hồng đáp bừa: “Tuổi Dần” (thực ra là tuổi Tí). Thầy bói gật gù: “Chả trách. Tôi tuổi Hợi, anh tuổi Dần, tôi thua là phải”. “Độc hành đại đạo” (biệt danh được làng cờ đặt cho, ám chỉ việc ông Hồng thường đi đánh cờ độ một mình) phải bấm bụng, tới khi rời xa hẳn khỏi “sới” mới dám cười một trận tưởng bể bụng…

Làng cờ đều biết kỳ nghệ siêu phàm của danh thủ Trần Quới (người Hoa, biệt hiệu “Lác Chảy”), người từng được ví von là “Nhất bộ đăng thiên” (một bước là tới trời). Nhưng ít ai biết đến câu chuyện về những trận so tài giữa danh kỳ này với “độc hành đại đạo” hơn 20 năm trước. Thoạt tiên, Trần Quới chấp Hoàng Đình Hồng tới 3 nước tiên kèm theo điều kiện: hòa được là thắng Quới. Những lần so tài đầu tiên, ông Hồng thua. Lần cuối cùng 2 người đấu với nhau, Trần Quới vẫn chấp 3 nước, nhưng bỏ điều kiện “hòa ăn”, Hoàng Đình Hồng thắng một lèo 5 ván… Nhưng với Hoàng Đình Hồng, mãi tới bây giờ Trần Quới vẫn là bậc kỳ tài đáng phục nhất. “Trước đây và mãi sau này khó có ai đạt tới trình độ như anh ta. Tiếc rằng họ Trần đoản mệnh…

Nếu có một tay cờ cỡ ấy trong đội tuyển ViệtNam, chúng ta không ngại gì đối thủ Trung Quốc!”, ông Hồng tâm sự. Trong nghiệp cờ giang hồ của mình, Hoàng Đình Hồng vẫn nhớ như in 3 lần đọ tài cùng các cao thủ đất Bắc. Hai lần đầu, ông đều thất thủ trước các danh kỳ Nguyễn Tấn Thọ (cựu vô địch Bắc Kỳ, người đứng đầu nhóm “Ngũ Tốt” lừng lẫy của Hà Nội hồi những năm 50-60) và Đinh Trường Sơn (cựu vô địch Hà Nội, sau là HLV của đội cờ tướng Quân đội). Tới lần thứ 3, ông mới thắng được danh thủ Cao Bá Dũng (vô địch Hải Phòng). Đáng nói ở chỗ, sau mỗi lần đọ sức, ông Hồng đều trở thành bạn tri kỷ với đối thủ do tìm thấy ở nhau sự đồng cảm, sẻ chia.

…tới một huấn luyện viên hết lòng vì nghiệp cờ
Sự nghiệp HLV của ông Hoàng Đình Hồng bắt đầu khá muộn: năm 1988 (khi đã tròn 40 tuổi) tại Trung tâm TDTT quận 8. Nhưng phải tới năm 1994, khi được một đàn anh – ông Lê Thiên Vị (cựu HLV đội tuyển QG, từng nổi tiếng trong giới cờ giang hồ những năm 60-70 với biệt danh “Mộc Thanh Cốc”) mời về làm HLV của quận 1 thì ông mới thực sự có chỗ đứng ổn định trong nghiệp… thầy cờ.

Vốn tính tình phóng khoáng, lại rất tận tình trong công việc, HLV Hoàng Đình Hồng luôn có được sự tín phục, tin yêu của các thế hệ học trò. Chẳng quản nắng mưa, ông từng phóng xe tới mấy chục cây số để đón một học trò có năng khiếu về rèn luyện; ông từng xuống tận Bình Dương để “bắt” một tài năng nhí có năng khiếu rất đặc biệt về huấn luyện đội năng khiếu quận 1… Năm 1996, ông được bổ nhiệm là HLV đội tuyển nữ TPHCM, sau đó là HLV tuyến năng khiếu của TPHCM.

Suốt 2 thập kỷ qua, HLV Hoàng Đình Hồng tham gia đào tạo nhiều học trò xuất sắc cho làng cờ thành phố HCM. Lớp trước có Lê Tân Ngọc Thơ, Nguyễn Thị Kim Anh, Trần Thị Thúy Hồng, Trần Thu Hà, Vũ Thị Thu… Lớp nhỡ có Lý Thanh Phương, Nguyễn Tuyết Nhung, Đoàn Thị Anh Vũ, Trương Lê Hoàng… Lớp sau có Trần Nguyễn Thế Toàn, Trần Thanh Tân, Bùi Châu Ý Nhi, Đàm Thị Thùy Dung, Trần Thùy Trang, Võ Thị Thu Hằng… Một cái tên khá đặc biệt nữa là cựu VĐQG Hoàng Hải Bình (gốc Bình Định). Ít người biết rằng ngay khi Bình còn thi đấu cho Bình Định, cô đã được sự chỉ giáo tận tình của thầy Hồng. Khi quyết định rời đất Võ, cô nhất quyết đầu quân cho TPHCM, dù chính HLV Hoàng Đình Hồng giới thiệu cô về… Bà Rịa Vũng Tàu (để tránh tiếng dị nghị lôi kéo người của địa phương khác).

và nghĩa khí giữa đời thường
Có một kỷ niệm rất sâu sắc với HLV Hoàng Đình Hồng về cái gọi là “nghĩa khí” của dân cờ. Nhân dẫn quân dự giải VĐQG năm 1996 (tại Hà Nội), ông được danh thủ Nguyễn Tấn Thọ mời qua “sới” cờ Ngõ Trạm để tỉ thí với một kỳ thủ giang hồ khét tiếng Hà Nội khi ấy là Hưng “con” kèm theo điều kiện: phải chấp Hưng 2 nước tiên. Ông thắng 2 ván liên tiếp. Tới ván thứ 3, khi cờ đã ở thế ưu, ông Hồng sực nhớ phải chuẩn bị lên tàu về thành phố trong đêm, nên chủ động đề nghị hòa, đồng thời lấy số tiền thắng được mời nước tất cả các kỳ hữu có mặt lúc ấy. Ai ngờ trên đường đi xe xích-lô về KS, có cả đoàn 7-8 chiếc xe máy chặn ngang. Hóa ra chỉ vì phục tài lại mến cái nghĩa khí của ông, mà đám thanh niên ấy đuổi theo mời ông ở lại để chiêu đãi rồi mua vé máy bay cho ông về sau. Vất vả lắm ông mới có thể khước từ, nhưng trong hành trang của ông về TPHCM có thêm một mớ quà Hà Nội, bia và thuốc lá “để thầy hút trên tàu”.

Chủ trương sống hòa đồng, và “trải lòng với tất cả mọi người”, ông Hồng thường xuyên gửi tài liệu nghiên cứu cho rất nhiều kỳ hữu khắp mọi miền đất nước. Mới mấy ngày trước, ông còn nói chuyện điện thoại hàng tiếng đồng hồ để bổ sung tài liệu cho chàng sinh viên Hoàng Ngọc Khánh (Trường Đại học TDTT I) ở tận Bắc Ninh hoàn tất đề tài tốt nghiệp về cờ tướng.

“Niềm trăn trở lớn nhất của tôi là cờ tướng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp lãnh đạo. Trong môn thể thao trí tuệ này, chúng ta có tiềm năng nhân lực cực kỳ mạnh mẽ. Nếu được đầu tư chu đáo, bài bản thì dứt khoát cờ tướng ViệtNamsẽ còn rạng danh hơn trên kỳ đài quốc tế, thậm chí có thể cạnh tranh mạnh với Trung Quốc”, ông Hồng cả quyết.

Những điều ít người biết

2 năm nằm viện và… 7 lần mổ!
Trong thời gian làm công nhân ở công ty Xây dựng điện số 1, thi công phần điện cho SVĐ Long An và KS Vàm Cỏ chuẩn bị phục vụ giải bóng đá quân đội các nước xã hội chủ nghĩa (SKDA) 1984, ông Hồng bị tai nạn nghiêm trọng, bị đứt dây niệu đạo. Hậu quả của tai nạn ấy là 2 năm gắn với… giường bệnh và 6 lần mổ. Nếu tính thêm 1 lần mổ vì thủng dạ dày, tổng cộng ông Hồng đã phải trải qua tới 7 lẫn phẫu thuật ổ bụng: một kỷ lục không giống ai? “Tôi không thể mập nổi là vì thế”, ông lý giải!

HLV đội tuyển QG từng là nhà… quản lý 3 lò bánh mì
Năm 1986, sau 2 năm trị bệnh, ông Hồng tình cờ quen một kỳ hữu, được ông ta mời quản lý giúp 3 lò bánh mì. Duyên số đẩy đưa, ông “mến” cô em của ông chủ bánh mì ấy, rồi hai người nên nghĩa vợ chồng.

Kỷ lục gia viết sách cờ
Năm 2004, trung tâm sách kỷ lục Việt Nam từng xác nhận HLV Hoàng Đình Hồng là một kỷ lục gia viết sách cờ khi ông là tác giả, đồng tác giả của 41 tác phẩm cờ tướng. Tất cả đều thuộc dạng best-seller. Không thật thông thạo tiếng Hoa, ông Hồng thường hợp tác với một chuyên gia Hoa ngữ – anh Lý Kim Tường – cựu sinh viên trường Đại học Đà Lạt, đồng thời tham khảo thêm nơi các danh thủ Quách Anh Tú, Lê Thiên Vị, Diệp Khai Nguyên… và viết theo lối phân tích tổng hợp chứ không biên dịch đơn thuần. Cuốn sách đầu tiên của ông là bản dịch “Pháo cuộc bách biến” của danh thủ Hà Thuận An (TQ). Một số tác phẩm ưng ý: “Chiến thuật tấn công và phòng thủ”, “Khai cuộc hiện đại”, “Tinh hoa kỳ nghệ”, “Những cạm bẫy trong khai cuộc”…

“Bình luận viên cờ số 1 Việt Nam”
Điều này vốn đã được thừa nhận từ lâu. Lần đầu tiên ông chính thức trở thành bình luận viên cờ là tại giải VĐQG năm 1996. Tới nay, ông là “cộng tác viên ruột” của nhiều kỳ đài (Nhà VH Thanh niên, Kỳ Ngộ, Bằng Hữu…), đồng thời tham gia viết bình luận về cờ cho một số tờ báo, tạp chí. Ông từng là người đứng mục cờ tướng cho báo Hậu Giang.

“Huấn luyện viên nhân dân”
Ấy là cách gọi vui của đồng nghiệp về khí khái dân dã và sẵn sàng giao lưu với bất kỳ người hâm mộ cờ nào của ông. Trong các học trò “ngang” của thầy Hồng có một cái tên khá đặc biệt: ca sĩ nổi tiếng Ngọc Sơn. Cách nay khá lâu, khi còn tập bóng bàn tại CLB Nguyễn Du, ca sĩ Ngọc Sơn đã lên tiếng… thách đấu HLV Hoàng Đình Hồng. Được chấp 1 con Mã vẫn thua, Ngọc Sơn phục sát đất, bèn xin học cờ và được theo học thầy Hồng trong 1 tháng. Trong số các học trò ngoài đời của ông hiện nay có cả 1 tiến sĩ y khoa, anh Võ Minh Tuấn (du học tại Mỹ)…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH