CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 40
(ĐC sưu tầm trên NET)
Tiểu Sử Khổng Minh Gia Cát Lượng
Tức giận là bản năng, kìm nén cơn giận lại là bản lĩnh: sống như Hàn Tín hay chết tựa Trương Phi?
Cái chết của Trương Phi, nghĩ
lại cũng thật bứt rứt: ông không phải chết một cách oanh oanh liệt liệt
nơi chiến trường, mà là bị cảm xúc của mình hại chết.
Hay tin
người anh kết nghĩa Quan Vũ tử nạn, thoạt tiên ông không nén nổi đau
thương, huyết lệ tuôn trào. Sau đó say xỉn đánh đập binh sĩ, bức ép họ
ngày đêm chế tạo binh khí gấp để sớm báo thù cho người anh kết nghĩa.
Cuối cùng bộ hạ dưới trướng của ông là Phạm Cương và Trương Đạt không
thể chịu đựng thêm nữa, đành phải nhân lúc Trương Phi lại say rượu mà
thích sát ông ngay trong quân doanh.
Trương
Phi rất có bản sự, đây là điều không ai có thể phủ nhận được. Vậy mà
người có năng lực lớn như vậy, cuối cùng lại không có được một kết cục
lý tưởng. Những người không kiểm soát được cảm xúc của mình, kỳ thật dù
năng lực của họ có lớn hơn nữa cũng không giúp ích được gì.
Hàn Tín chịu nhục chui háng
Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi
mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang
ngoài chợ. Thấy Hàn Tín gầy gò yếu đuối nhưng lại vác kiếm trông như võ
tướng, có gã bán thịt lợn làm nhục bắt Tín một là dùng kiếm đánh nhau
với gã, hai là luồn qua háng (trôn) y. Tín chấp nhận chui qua háng, mọi
người thấy Tín bị nhục đều chê cười.
Về sau ông trở thành danh tướng bách chiến bách thắng, thiên hạ vô địch, được vua Hán Cao Tổ ca ngợi là “Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hoài Âm Hầu.”, thời Hán Sở tranh hùng, cùng với Trương Lương và Tiêu Hà là một trong “tam kiệt nhà Hán” có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm.
Dẫu không thể khống chế nổi cảm xúc thì cũng phải học cách kìm nén
Trong
thời gian Abraham Lincoln còn làm Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng lục quân phàn
nàn với ông về việc bản thân mình bị một thiếu tướng dưới quyền sỉ
nhục. Lincoln đề nghị đối phương hãy viết một lá thư nguyền rủa với
những lời lẽ cay nghiệt nhất để đáp trả lại.
Thư đã viết xong, khi Bộ trưởng muốn gửi lá thư đi, Lincoln hỏi: “Ông đang định làm gì đấy?”.
“Đương nhiên là gửi thư cho hắn ta”. Bộ trưởng không hiểu trả lời.
Ông bị điên rồi hả, hãy mau mau đốt bỏ
lá thư đó đi”. Linlcon vội nói: “Những lúc tôi bực tức cũng là làm như
vậy, viết thư chính là vì để trút giận mà thôi. Nếu như ông vẫn còn chưa
nguôi giận, thế thì hãy viết thêm nữa, viết cho đến khi nào trong tâm
cảm thấy thoải mái mới thôi!”.
Trong tâm sản sinh cảm xúc phụ diện, cần phải khai thông giải tỏa, giống như Lincoln đã dùng cách viết thư vậy.
Không có
người nào trời sinh ra đã biết cách kiềm nén tâm trạng. Người giỏi
khống chế tâm trạng thật sự, là bởi họ thường xuyên chú ý không muốn để
bản thân rơi bị điều khiến bởi những cảm xúc tệ hại này.
Năng lực cần giữ chắc nhất chính là kiềm chế bản thân mình
Trong bộ phim “Bố già” (The Godfather)
có một câu thoại nổi tiếng: “Đừng bao giờ để cho người ngoài gia tộc
hiểu được suy nghĩ của anh”. Không có người nào trời
sinh ra là đã biết kiềm nén tâm trạng. Người giỏi kiềm nén tâm trạng
thật sự, là bởi họ thường xuyên lưu ý không muốn để bản thân rơi vào cảm
xúc tệ hại. Con người ưu tú thật sự, lấy công tác làm chủ, đặt cảm xúc
ảnh hưởng đến đại cục sang một bên. Kiềm chế được cảm xúc, năng lực mới
có thể có được thành tựu lớn nhất. .
Mỗi
khi cơn giận kéo đến, phúc khí đều sẽ rời đi, tức giận là bản năng của
con người, còn kìm nén cơn giận lại là bản lĩnh của chính bạn
Hàn Tín
có thể chịu nhục chui háng, vậy nên đã thành tựu được đại nghiệp sau
này, còn Trương Phi nhất thời không nén được cơn giận, để rồi dẫn đến
cái họa sát thân, thật khiến người đời không khỏi tiếc than.
Mỗi một
người đều có cảm xúc, nếu như khi gặp phải những chuyện không thuận tâm
liền buông lơi cảm xúc, chỉ sẽ khiến cho vấn đề càng trở nên rối rắm
phức tạp, tâm trạng suy sụp cũng giống như chiếc xe đang lao nhanh xuống
dốc, nếu không biết đạp thắng cho xe dừng lại ngay lúc đó, chiếc xe có
thể sẽ lao xuống khe núi, xe hỏng người chết cũng là điều khó tránh
khỏi.
Thiện Sinh (biên dịch)
Nhân quả báo ứng sau khi Trương Lương chết
Sau khi Trương Lương chết được
gần 10 năm, con trai Trương Lương liền bị tước chức vị, đến tận đời sau,
gia tộc Trương Lương cũng không còn có nền nếp, gia phong.
Trương Lương và Trần Bình đều là danh
thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán, hai người đều thông minh và nhạy
bén, giỏi về bày mưu tính kế, đều có công lao hiển hách trong việc dựng
lập Tây Hán. Nhưng họ luôn hành động quá tuyệt tình, kết quả khiến cho
con cháu bị rơi vào quả báo của ông trời.(Tây Hán, từ năm 206 TCN đến năm 25 sau CN, kinh đô ở Tràng An (Tây An ngày nay))
Trần Bình từng thẳng thắn nói: “Ta là người giảo hoạt lắm mưu nhiều kế, điều này là không phù hợp với tư tưởng vô vi của Đạo gia”. Nhưng ông ta luôn giả bộ mình là người hiểu chuyện, bên trong lời nói thường xuyên biểu lộ ra một chút bi ai: “Con cháu ta sau này không có phúc phận rồi, bởi vì cả đời ta đã làm không ít việc xấu”. Quả nhiên, đến đời cháu đã rơi vào cảnh bị tịch thu hết tài sản, thật là ứng với chính lời tiên đoán của ông ta.
So với Trần Bình mà nói, khí phách tiết
tháo của Trương Lương có phần tốt hơn một chút, dựa vào các mối quan hệ
mà nói, ông không có quá nhiều tính toán với người khác, chỉ là Hán Cao
Tổ Lưu Bang ngẫu nhiên mà tiếp thu sáng kiến mưu lược của ông ta, khiến
cho tính sát thương có cơ hội được vùng vẫy mà thôi.
Trương Lương tính cách kiên cường khí
khái, khi còn trẻ, vì để báo thù giết cha, ông cùng với đại lực sĩ đem
theo chiếc trùy nặng 120 kg đến bãi cát Bác Lãng hành thích Tần Thủy
Hoàng. Chiếc trùy này của Trương Lương thực sự đã được lưu truyền đến
ngàn đời sau. Để đạt được mục đích giết Tần Thủy Hoàng, ông đã nương nhờ
vào Lưu Bang, tận tâm tận lực bày mưu tính kế.
Lưu Bang trên đường tiến quân vào Hàn
Dương, tại Nao Quan (nay thuộc huyện Thiểm Tây) gặp quân Tần ngoan cố
chống cự. Trương Lương đề xuất ý kiến với Lưu Bang: “Khí thế của
quân Tần đang hừng hực, không thể tiến công bằng sức mạnh, tạm thời
không nên xuất đầu lộ diện nhằm làm tiêu hao đối phương”, về sau
quân Tần lâu không tấn công, khí thế tan rã, lương thực thiếu thốn, đành
phái người hướng về phía Lưu Bang mà cầu hòa, tình nguyện đầu hàng quân
Hán, Trương Lương bày tỏ phản đối. Ông nói với Lưu Bang: “Người hàng nhưng tâm không hàng, tương lai tất thành hậu họa, chi bằng thừa thắng xông lên, chém tận giết tuyệt”.
Lưu Bang tiếp thu ý kiến của Trương
Lương, tung binh kích Tần, quân Tần thất bại thảm hại, xác chết ngổn
ngang, ngay cả tù nhân và thương binh cũng không được tha. Từ điểm này
mà nhìn, Trương Lương quả thực hoàn toàn không nên làm việc quá mức như
vậy. Việc này Hán Cao Tổ Lưu Bang nhất định có một phần trách nhiệm,
nhưng Trương Lương cũng phải gánh vác phần lớn trách nhiệm.
Nước Sở và nước Hán tranh chấp, đôi bên
đều cảm thấy mệt mỏi, Hạng Võ đề xuất, tự mình dẫn quân lính quay trở
lại Giang Đông, cùng vua Hán chia đều Thiên hạ. Trương Lương lại khuyên
bảo vua Hán: “Phóng thích Hạng Võ không khác gì thả hổ về rừng, Đại Vương hãy thừa thắng xông lên, lại có thể trừ bỏ được mầm mống tai họa”.
Theo lý thuyết, Trương Lương vì Lưu Bang mà đề xuất một số chủ ý thì
cũng không có gì đáng trách, nhưng mà tâm thái Trương Lương biểu hiện ra
là tuyệt ác.
Sau khi Trương Lương chết gần mười năm,
con trai của Trương Lương liền bị tước phong vị. Đến tận đời con cháu
sau này, dòng họ Trương Lương cũng không đạt được gia phong. Số mệnh của
đời con cháu Trương Lương và Trần Bình có chỗ giống nhau đến kinh
người.
Trần Bình và Trương Lương đã làm những
việc quá ác, gây đại nạn và tai họa cho đời con cháu, người đời sau cũng
nên lấy đó làm bài học cho mình mà tránh làm điều ác.
Mai Trà biên dịch
Tranh minh họa Khổng Tử gảy đàn. Ảnh qua: vinhblog.info
Khi cần xếp hàng hãy cứ bình tâm chờ đợi. (Ảnh qua tiin.vn)
Nhẫn nhất quyết không phải là nhu nhược! Người xưa nhẫn như thế nào?
“Bậc Đế Vương vì nhẫn mà được
thiên hạ, tướng lĩnh vì nhẫn mà được lâu dài, thương nhân vì nhẫn mà
được giàu sang phú quý, người thường vì nhẫn mà có được tri kỷ”. Nhẫn
nhịn luôn là một đức tính truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay của con
người. Nhìn lại lịch sử Trung Hoa, có nhiều câu chuyện mang đậm chữ
“nhẫn” trong nội hàm ý nghĩa.
Nhẫn là khoan dung, tha thứ
Trong “Thượng thư”, Chu Thành Vương khuyên bảo quân rằng: “Tất hữu nhẫn, kỳ nãi hữu tể; hữu dung, đức nãi đại.” (Tạm dịch: Nhất định phải nhẫn nhịn mới có thể thành công, có thể khoan dung với người thì đạo đức tu dưỡng mới có thể nâng cao lên). Khổng Tử nói: “tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (Tạm dịch: Không nhịn được điều nhỏ nhặt, sẽ làm hỏng chuyện đại sự) “quân tử vô sở tranh” (Tạm dịch: Người quân tử không tranh gì cả)…
Nhẫn là bài học tất yếu của mỗi người,
có thể tinh lọc nhân tâm, hóa giải xung đột. Khoan dung, độ lượng trong
cuộc sống là một loại biểu hiện của “Nhẫn”. Có thể nhẫn mới có thể thành
tựu việc lớn, hóa giải sự thù hận.
Trong sử ký “Liêm Pha Lận Tương Như liệt
truyện” có ghi lại câu chuyện “Chịu đòn nhận tội”. Lận Tương Như bởi vì
có công “đem ngọc trả lại vua Triệu “ mà được phong làm Thượng Khanh.
Địa vị của Lận Tương Như đột nhiên cao hơn của Liêm Pha (một vị tướng
giỏi của nhà Triệu). Liêm Pha không phục liền tuyên bố rằng, chỉ cần gặp
mặt Tương Như sẽ làm nhục ông. Sau khi Lận Tương Như biết được, ông đã
cố gắng né tránh để không phát sinh xung đột với Liêm Pha. Mỗi lần đến
lúc vào triều, Lận Tương Như thường cáo ốm vì không muốn tranh giành
chức vị với Liêm Pha. Không lâu sau, lúc Tương Như ở thành Hàm Đan, khi
đoàn xe của ông từ xa xa đã nhìn thấy đoàn xe của Liêm Pha, ông đã ra
lệnh cho đoàn xe của mình rẽ vào một con hẻm để cho đoàn xe của Liêm Pha
đi trước, tránh hai bên xảy ra xung đột.
Môn khách của Lận Tương Như thấy ông xử sự như vậy, liền cho rằng ông sợ, nên đã nói: “Chúng tôi rời bỏ người thân gia đình đến hầu hạ ngài là vì ngưỡng mộ tiết nghĩa cao thượng của
ngài. Bây giờ chức vị của ngài cũng tương đương với của Liêm Pha tướng
quân. Tướng quân Liêm Pha mở miệng ra là nói lời ác, vậy mà ngài lại
trốn tránh ông ta. Ngài quá sợ ông ta. Dù là người thường gặp phải cũng
cảm thấy bị sỉ nhục, huống hồ là tướng quân như ngài! Chúng tôi, những
người không có tiền đồ, xin ngài cho chúng tôi được cáo từ!”.
Lận Tương Như kiên quyết giữ họ lại và nói: “Các vị thử nghĩ xem, Liêm tướng quân và Tần Vương ai lợi hại hơn?” Mọi người trả lời: “Liêm Tướng Quân không bằng được Tần Vương” Tương Như lại nói: “Với
uy thế của Tần Vương, mà ta còn dám nói lý, quát mắng ông ta ngay trước
triều thần nước Tần. Ta, Lận Tương Như mặc dù tài hèn, nhưng lẽ nào lại
sợ Liêm Pha? Điều ta nghĩ đến là nước Tần lớn mạnh sở dĩ không dám xâm
lược nước Triệu chúng ta, là bởi vì nước Triệu có ta và Liêm tướng quân!
Hiện giờ nếu hai hổ đấu nhau, tất không thể cùng sinh tồn. Cho nên, ta
nhẫn nhịn Liêm tướng quân như vậy, là vì luôn đặt sự an nguy quốc gia
làm đầu mà để chuyện cá nhân ở phía sau!”
Khi những lời này của Lận Tương Như được
truyền đến tai Liêm Pha tướng quân, bấy giờ Liêm Pha tướng quân mới
bình tâm suy nghĩ cảm thấy mình vì tranh giành địa vị cá nhân mà không
nghĩ đến quốc gia đại sự, thật là không phải. Thế là, Liêm tướng quân
liền cởi áo bào, mang theo một cành mật gai đến gặp Lận Tương Như để
chịu tội. Lận Tương Như thấy Liêm Tướng quân đến xin chịu tội, vội vàng
đi ra nghênh đón. Từ đó, hai người trở thành bạn tốt và đồng tâm hiệp
lực bảo vệ nước Triệu.
Đại nhẫn là ở “Tâm”
Nhẫn không chỉ là thể hiện ở sự nhượng
bộ, mà còn thể hiện ở chỗ khi bị lăng nhục vẫn có thể chịu nhận mà không
động tâm. Chỉ riêng chữ Nhẫn (忍) đã biểu đạt được điều này. Bên trên
của Nhẫn (忍) là chữ đao (刀) và còn thêm một điểm để biểu thị sự sắc bén
của vết đao, bên dưới của Nhẫn (忍) lã chữ Tâm (心).
Ý tứ ở đây chỉ việc dùng một đao sắc bén
đâm vào trái tim thì đương nhiên là đau. Người bình thường bị như vậy
phải đau đớn quằn quại lăn qua lăn lại trên mặt đất. Nhưng chữ Tâm ở bên
dưới chữ Nhẫn kia vẫn đứng vững yên tĩnh. Biểu hiện không động tâm này
chính là hình ảnh lột tả được nội hàm của Nhẫn.
Câu chuyện về hòa thượng Đại Hưng
Hòa thượng Đại Hưng là một người độ
lượng và từ bi. Cuộc đời của ông, đã trải qua nhiều gian khổ tủi nhục
nhưng rất thành tâm trong tu Phật. Câu chuyện sau đây nói đến cái nhẫn
phi thường của ông.
Tại chân núi Cửu Hoa, có một gia đình
rất giàu có. Họ có một người con gái tên Tiểu Hội, cô có hôn ước với
người con trai của một gia đình giàu có khác.
Ba năm trước khi chọn ngày hôn lễ, Tiểu
Hội đã sinh một bé trai. Gia đình cô ta điên đảo lo sợ và thất vọng. Họ
bắt cô phải khai ra sự thật. Cuối cùng Tiểu Hội đã nói với gia đình cô
ta “Có một lần tôi đi chùa cúng phật tại Núi Cửu Hoa và bị hòa thượng
Đại Hưng hãm hiếp. Sau đó tôi mang thai bé trai này.” Cha cô ta tức
giận. Ông đem gia nhân của ông đến núi Cửu Hoa làm náo động cả ngôi
chùa. Ông và gia nhân đánh đập, chửi bới nguyền rủa hòa thượng Đại Hưng
về những tội ác đã làm kể trên. Cuối cùng ông ném thằng bé này cho hòa
thượng Đại Hưng và bắt phải nuôi dưỡng nó. Hòa thượng Đại Hưng lặng lẽ
nhận đứa bé và nói khẽ “A Di Đà Phật!”
Từ đó danh tiếng của hòa thượng sụp đổ
hoàn toàn. Ông đã từng là một vị hòa thượng rất được kính nể, nhưng bây
giờ đã bị nguyền rủa là một hòa thượng hiếp dâm phụ nữ. Nơi nào ông đến,
đều bị thiên hạ khinh khi cười cợt, phỉ báng. Nhưng, ông không để ý
đến. Hằng ngày ông xuống núi xin bố thí để mua sữa nuôi đứa bé. Được sự
dưỡng dục chu đáo của ông, đứa trẻ trông rất khỏe mạnh và thông minh.
Ba năm trôi qua rất nhanh.
Tuy rằng cô bị hãm hiếp, những ngày lẽ
cưới không thay đổi. Trong đêm tân hôn, người chồng muốn biết sự thật
xuất xứ của đứa bé đó, cô ta vừa khóc vừa nói với ông tất cả. Ngay sáng
hôm sau, người chồng nói sự thật với gia đình của anh ta là hai người đã
lén lút gặp nhau và đó cũng là lý do tạ sao Tiểu Hội đã mang thai và
sinh đứa bé ba năm qua. Đó cũng là lý do tại sao anh ta khăng khăng muốn
đám cuới với Tiểu Hội dù rằng cô không còn trong trắng. Vì muốn giữ
danh tiếng của chồng tương lai của cô, Tiểu Hội đã đổ tội cho hòa thượng
Đại Hưng.
Ba ngày sau hôn lễ, Tiểu Hội về thăm gia
đình của mình theo phong tục của người Trung Hoa. Cô đã nói với gia
đình cha mẹ cô về sự thật đó. Gia đình cô vô cùng kinh ngạc, nhất là đứa
bé con của cô ta. Họ rất hối hận là đã làm điều sai trái đối với vị hòa
thượng và đã bỏ bê cháu của họ trong ba năm qua.
Hai gia đình gấp rút tới chùa. Họ quỳ
trước mặt hòa thượng Đại Hưng, và thành tâm xin lỗi và mong được xin lại
đứa cháu. Hòa thượng đã nuôi được một đứa bé khỏe mạnh, và luôn có nụ
cười trên môi, Hòa Thượng với dáng bình yên thanh thản như chưa từng xảy
ra chuyện gì, ông bế đứa bé trả lại cho Tiểu Hội một cách trang trọng,
và nói với họ “Đem đứa bé này về! A di dà Phật!” Ông chấp hai tay trước
ngực để ra dấu tạm biệt họ, và thản nhiên trở vào phòng thiền định.
Kể từ đó trở đi, tất cả hòa thượng trong chùa và mọi người càng kính trọng hòa thượng Đại Hưng hơn nữa.
“Nhẫn” quyết không phải là nhu nhược
Nhẫn là một loại tu dưỡng và cảnh giới, tuyệt đối không phải là nhu nhược.
Thuở thiếu niên, Hàn Tín thân thể cường
tráng, võ nghệ cao cường, vì là người luyện võ nên thường khoác bảo kiếm
đi trên đường. Một hôm, có một kẻ vô lại hỏi Hàn Tín: “Ngươi khoác bảo kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Có can đảm thì giết ta đi!”
Hàn Tín thầm nghĩ: “Ta giết hắn là việc quá dễ dàng, nhưng sát nhân là phải đền mạng, hơn nữa cũng là việc không đáng.” Người kia liền cười to và nói: “Ngươi không dám giết ta, vậy ngươi phải chui háng ta đi nếu không đừng hòng đi qua!” Trong tiếng cười nhạo của cả đám đông bọn họ, Hàn Tín đã thực sự chui qua háng của kẻ vô lại.
Hàn Tín làm như vậy, không những không
có người cho rằng ông nhu nhược mà nhiều người còn cho rằng ông có năng
lực nhẫn nại và khả năng kiềm chế cao.
Trong “Lưu Hầu luận”, Tô Thức cho rằng:
Thời xưa, người được xưng là dũng sĩ nhất định có tiết tháo hơn người,
có thể độ lượng với cả những việc người thường không thể chịu đựng được.
Người “hữu dũng vô mưu” khi bị vũ nhục, nhất định sẽ rút kiếm, đây
không thể được gọi là dũng sĩ. Dũng sĩ thực sự trong thiên hạ, khi gặp
những sự tình bất ngờ đều không bị kinh hoảng, khi vô cớ bị người khác
vũ nhục, cũng thấy bình thường, không phẫn nộ. Đây thường là bởi vì họ
có ý chí, khát vọng vô cùng lớn, chí hướng cao xa phi thường.
Không có “Dục vọng” chính là “Nhẫn”
Cốt lõi của nho gia là “Nhân”, “Nhân”
với “Nhẫn” là cùng âm. Vậy thì, cái gì là Nhân? Khổng Tử nói: “khắc kỷ
phục lễ vi nhân” (Tạm dịch: Có thể theo “Lễ” thì là Nhân). Một
người nếu muốn trở thành người hành xử theo “lễ” phải thường xuyên kiềm
chế bản thân, ước thúc lời nói và hành vi của mình, khiến cho lời nói và
hành vi của mình đều phù hợp với yêu cầu của “Lễ”.
Đây là một việc rất khó, kỳ thực trên đời này chiến thắng khó khăn nhất là chiến thắng bản thân mình chứ không phải chiến thắng người khác.
Con người đều có thất tình lục dục. Thất
tình theo Nho gia là: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ác, dục. Thất tình theo Phật
giáo là: hỉ, nộ, ưu, cụ, ái, tăng, dục. Thất tình theo Trung y là: hỉ,
nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh.
Con người khi chìm đắm trong tình và
dục, vì mình, trước đủ loại hấp dẫn, trong lợi ích trước mặt, thì có thể
nhẫn được không? Rất nhiều người khi mất đi “danh, lợi, tình” sẽ sản
sinh ra một loại cảm giác thống khổ, cảm thấy khó có thể chịu đựng được.
Kỳ thực, chỉ cần có thể bỏ đi dục vọng, thì sẽ không có loại cảm giác
thống khổ này, Nhẫn lúc đó cũng đã thăng hoa.
Bị nguy khốn, đói khát, vì sao Khổng Tử vẫn đàn hát ung dung?
Khi
Khổng Tử đi chu du liệt quốc, đến vùng đất giáp ranh giữa nước Trần và
nước Thái thì gặp cảnh khó khăn không còn lương thực. Mấy thầy trò bị bỏ
đói, chỉ có thể húp nước cháo cầm hơi. Thế nhưng ông vẫn điềm nhiên
ngồi trước nhà gảy đàn ca hát.
Học
trò của ông là Tử Lộ thấy vậy mới thưa: “Lúc này phu tử vẫn có thể ca
hát, lẽ nào đây cũng là yêu cầu của lễ hay sao?”. Khổng Tử nghe vậy
không trả lời ngay mà đợi sau khi chơi hết bản nhạc mới đáp: “Tử Lộ à!
Trong tình cảnh này người quân tử gảy đàn chơi nhạc là để khiến cho tâm
mình không kiêu ngạo phóng túng, còn tiểu nhân chơi nhạc là che giấu nỗi
sợ hãi của mình. Con đi theo ta lẽ nào lại còn không hiểu tình cảnh của
ta sao?”. Tử Lộ nghe nói xong mới bắt đầu bình tâm xuống.
Tử
Cống nói: “Đạo của phu tử đã đạt tới cảnh giới vô cùng cao thâm cho nên
không dễ dàng để người trong thiên hạ có thể dung nạp. Phu tử có thể
giảm bớt tiêu chuẩn xuống một ít không?”. Khổng Tử trả lời: “Tử Cống à!
Một người nông dân giỏi trồng cây không có nhất định là có được thu
hoạch tốt. Một người thợ tay nghề điêu luyện không nhất định được mọi
người thích. Người quân tử thực thi và tuyên dương đạo nghĩa, đó là hi
vọng người thiên hạ có thể tuân theo quy tắc đạo nghĩa mà đối nhân xử
thế quay về với thiên lý. Làm sao có thể hạ thấp chuẩn mực đạo nghĩa để
phù hợp với con người thế tục? Như hôm nay con không tu chính đạo của
con mà đi suy nghĩ làm sao để thiên hạ dung nạp, đây là vì chí hướng của
con không đủ lớn”.
Tranh minh họa Khổng Tử gảy đàn. Ảnh qua: vinhblog.info
Nhan
Hồi nói: “Đạo của phu tử đạt tới cảnh giới vô cùng cao thâm cho nên có
một số người không thể dung nạp, nhưng cho dù có như vậy thì phu tử vẫn
tận tâm tận lực đi thực thi, lấy tâm nhân đức đi cứu độ bách tính trong
lửa nước. Tuy gặp phải sự ghen ghét, đố kỵ nhưng không phải vì những
người đó không dung nạp, không thấu hiểu mà đạo của phu tử bị tổn hại.
Đây càng chứng minh sự trân quý của đạo phải không? Trong bất kỳ hoàn
cảnh nào vẫn kiên trì giữ vững chính đạo không lay động, đây chính là
phẩm chất của người quân tử và chỉ có người quân tử mới làm được. Không
tu dưỡng chính đạo chính là sự hổ thẹn của chúng ta. Chúng ta truyền
chính đạo rồi nhưng không được những người này dung nạp thì đây chính là
sự hổ thẹn của họ”. Khổng Tử nghe xong vui mừng nói: “Kiến thức của
Nhan Hồi thật tốt”
Vừa
đúng lúc này gió nhè nhẹ đưa đến hương thơm thoang thoảng, Khổng Tử
theo hướng hương thơm truyền lại mà đi, tới một thung lũng nhỏ nơi thâm
sâu tịch cốc phát hiện một nhành lan rừng đang nở, hương thơm dịu mát,
lặng lẽ lan toả khắp nơi. Khổng Tử nói với các học trò của mình: “Hoa
lan trong tịch cốc, không phải vì không có người mà nó không đơm hoa toả
hương, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thay đổi bản chất của
mình. Giống như người quân tử thanh tao, chính trực, kiên cường, họ là
quân tử chân chính!”.
Sau
đó, Khổng Tử viết bản nhạc “Ỷ Lan Thao”. Các học trò của ông đều nhận
được động lực khích lệ rất lớn. Khổng Tử tiếp tục nói: “Đạo nghĩa được
nội hàm trong hoàn cảnh khó khăn cũng giống như từ băng giá lạnh buốt
chuyển sang ấm áp. Sau khi trải qua cái giá lạnh của mùa đông rồi mới
đến sự ấm áp mát mẻ của mùa xuân. Những điều này chỉ có bậc thánh nhân
mới có thể thấu hiểu”.
Tử
Cống hỏi: “Tại sao lại có người không hiểu được?” Khổng Tử đáp: “Người
không có đại trí nhìn xa trông rộng, chỉ nhìn những thứ trước mắt, đối
với những thứ bản thân không thấy thì không tin. Đối với người có đạo
đức tu dưỡng và trọng trách lớn mà nói, thường họ sẽ không bị cảnh giới
bên ngoài khống chế, ảnh hưởng. Bởi vì trong tâm trí họ có đạo cho nên
có thể nhìn cao trông rộng, trí huệ tinh thâm, có thể biến nghịch cảnh
trở nên thuận trí”. Các học trò của ông nghe xong đều lấy lại được tinh
thần, sang ngày thứ hai thì giải quyết được khó khăn.
Cả
đời khổng Tử bất luận làm việc gì đều kiên trì nguyên tắc trước sau như
một, tuyên dương đạo đức và thiên lý nhân nghĩa tuần hoàn, lắng nghe
thiên mệnh. Người quân tử cần kiên trì theo đuổi theo tín ngưỡng của
mình, tuân thủ đạo đức nhân nghĩa, ý chí không lay động. Bởi lý tưởng và
ý chí của người quân tử cao thâm, nhìn xa trông rộng, có trọng trách,
sứ mệnh duy trì và phát triển chân lý chính nghĩa trong xã hội, có lòng
bác ái, cảnh tỉnh mọi người quy về chính đạo.
Cuộc sống cần phải biết chờ đợi
Ví
như khi phấn chấn bước vào trong một quán ăn, gặp người phục vụ đưa
thức ăn lên chậm trễ, ta chỉ có thể bình tâm mà chờ đợi. Khi lái xe qua
một thị trấn đông đúc, hay khi gặp đèn đỏ chúng ta chỉ có cách chờ đợi.
Ví như đi mua đồ trong siêu thị, khi thanh toán cũng cần xếp hàng chờ
đến lượt, có vội cũng chẳng được, có gào thét cũng chẳng ích lợi gì.
Khi cần xếp hàng hãy cứ bình tâm chờ đợi. (Ảnh qua tiin.vn)
Chờ đợi luôn khiến người ta bực tức, khó chịu. Sự bực tức này sẽ khiến chúng ta khởi tâm oán trách người khác. Nhiều người cho
rằng không phải chờ đợi thì có thể đi nhanh hơn, không phải lãng phí
thời gian. Tuy nhiên nó cũng chỉ là xoa dịu tâm lý sốt ruột của chúng ta
mà thôi. Thực tế, nó không hề giúp chúng ta sớm đạt được mục đích,
nhiều khi trái lại còn tạo nên chướng ngại.
Trước
đây, có chàng trai hẹn hò với một cô gái. Vì đến chỗ hẹn sớm hơn nhưng
lại không thích chờ đợi, chàng trai than ngắn thở dài sốt ruột. Lúc ấy
có một thiên sứ xuất hiện. Vị thiên sứ đưa cho chàng trai một chiếc hộp,
chỉ cần ấn chiếc nút trên chiếc hộp thì có thể bỏ qua khoảng thời gian
chờ đợi đó.
Chàng
trai rất thích thú ấn một cái, cô gái lập tức xuất hiện. Chàng trai lại
nghĩ, bây giờ mà có thể kết hôn với người mình yêu thì tốt biết mấy,
vậy là chàng trai ấn tiếp chiếc hộp lần nữa, lập tức thấy mình xuất hiện
trong hôi trường hôn lễ. Hai người bước đi trên thảm đỏ tráng lệ trong
tiếng vỗ tay chúc phúc của mọi người. Thật là tốt quá, mơ ước của chàng
trai được thực hiện!
Những
nguyện vọng của chàng trai không ngừng được nhảy qua các giai đoạn mong
muốn, có vợ, có con, có nhà, có sự nghiệp, tất cả đều diễn ra vô cùng
nhanh chóng, chỉ bằng một cái ấn tay. Rất nhiều sự việc còn chưa được
cảm nhận và hưởng thụ thì đã qua đi. Lúc này chàng trai mới nhận ra một
điều, tất cả mọi việc trong đời đều có ý nghĩa của nó, cho dù là chờ đợi
cũng có rất nhiều hàm nghĩa thâm sâu…
Theo soundofhope
Minh Vũ biên dịch
Minh Vũ biên dịch
Nhận xét
Đăng nhận xét