Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

CÂU CHUYỆN KHOA HỌC 78

LẠM BÀN:
-Không có trực giác, đã không có nhận thức thế giới.
-Tư duy lý trí là con đẻ của trực giác.
-Thế giới thực tại rộng lớn và sâu sắc đến cùng cực, trong khi khả năng trực giác của con người lại hạn định, do đó tư duy lý trí phải hóa thân thành tư duy trừu tượng, lấy suy tư lôgic phi thực chứng làm công cụ để tiếp tục nhận thức thế giới.
-Đó là lý do vì sao khoa học ngày nay bấp bênh đến thế.
-Computer vĩnh viễn là tư duy máy móc, không phải là tư duy trừu tượng của não người. Do đó nó không bao giờ có thể "đẻ ra" một lý thuyết khoa học mới nào.
-Nếu Trái Đất tồn tại đủ lâu thì câu “Chúng ta phải biết; Chúng ta sẽ biết!” sẽ là một chân lý chắc chắn.
-Tình yêu sinh ra từ bản năng sinh tồn và sự thấm thía về nỗi thống khổ của con người. Do đó có thể nói: tình yêu sinh ra Chúa chứ không phải do Chúa sinh ra!
 
 
------------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

Lý lẽ của Trái tim (La Raison du Cœur)

1 
Abstract: Three and half centuries ago, Blaise Pascal wrote in his Pensées: “The heart has its reasons that reason does not know”. The more I ponder on this idea, the more I approach to the core subjects of epistemology: INTUITION and the Limits of Reasoning thinking. The more I study the limits of reason, the more I comprehend the profound implications of Gödel’s Incompleteness Theorem – “The #1 Mathematical Discovery in 20th Century”.
Ba thế kỷ rưỡi trước đây, Blaise Pascal viết trong tác phẩm Pensées của ông: “Trái tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không hiểu”. Càng suy nghĩ về tư tưởng này, tôi càng tiến gần tới những chủ đề cốt lõi của nhận thức luận: TRỰC GIÁC và Giới hạn của Tư duy Lý trí. Càng nghiên cứu về giới hạn của lý trí, tôi càng thấu hiểu những ngụ ý sâu xa của Định lý Bất toàn của Gödel – “khám phá toán học số 1 của thế kỷ 20”[1].
Trước hết hãy nói về TRỰC GIÁC. Như tôi đã trình bày trong bài “Phép Mầu”[2], TRỰC GIÁC là kênh giao tiếp chủ yếu giữa con người với toàn bộ thế giới, kể cả với chính mình, với những tầng vũ trụ cao hơn và với Thượng đế. TRỰC GIÁC là phép mầu kỳ lạ nhất, một đặc ân của Tạo Hóa giúp ta nhận biết được những sự thật ở phía bên kia tầm với của tư duy lý trí.
Tư duy lý trí sắc sảo nhất là tư duy logic. Tư duy logic chính xác nhất là tư duy của computer. Trong thời buổi computer tạo ra nhiều “phép lạ” đáng kinh ngạc như hiện nay, nhiều người bị choáng ngợp đến nỗi coi computer như thần thánh, tin rằng đến một ngày nào đó computer sẽ giải quyết được tất cả mọi việc thay thế con người. Điều này có vẻ đúng, khi Chương trình Deep Blue đã đánh cờ thắng vua cờ Garry Kasparov[3].
Nhưng mặt trái của tiến bộ khoa học và công nghệ là nguy cơ suy giảm tính người!
Dường như thấy rõ nguy cơ đó, nhà tương lai học John Naisbitt ở Mỹ đã phải lên tiếng nhắc nhở giá trị chủ yếu của con người nằm ở đâu: “Trong thời đại thông tin ngày nay trực giác càng trở nên có giá trị hơn chính vì dữ liệu nhiều đến mức ngập ngụa” (Intuition becomes increasingly valuable in the new information society precisely because there is so much data).
Thật chí lý, nếu bạn không có trực giác tinh tường để sàng lọc thông tin, bạn sẽ chết ngập trong đống thông tin đó. Bạn sẽ hoang mang, mất phương hướng, rồi trở thành nô lệ của tư duy logic máy móc. Điều này đã và đang trở thành một thực tế đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.
Trẻ em ở nhà trường ngày nay đang có nguy cơ biến thành những chiếc máy. Tư duy trực giác của con người đang dần dần bị chìm lặn, không có chỗ phát huy trong một nền giáo dục càng ngày càng thiên về nhồi nhét và đánh đố. Cặp sách đeo trên lưng các em ngày càng nặng, sách vở ngày càng dày, chữ nghĩa ngày càng trừu tượng, nội dung ngày càng khó hiểu, chương trình ngày càng nâng cao, nhưng… hiểu biết ngày càng nghèo nàn.
Hố sâu ngăn cách giữa người có trí thức cao với mặt bằng dân trí ngày càng lớn. Trong khi có một nhóm rất nhỏ những học sinh được hưởng thụ những điều kiện ưu đãi về kinh tế và giáo dục để trở thành thành phần “elite” của xã hội thì đại đa số học sinh và trí thức có trình độ văn hóa thấp, thậm chí rất thấp. Mục đích học để đi thi và giành giật bằng cấp, giành giật miếng ăn ngày càng lấn át mục đích học để thỏa mãn hiểu biết và hướng tới Chân, Thiện, Mỹ. Học sinh thi khối nào thì hầu như chỉ biết kiến thức những môn thi của khối ấy, ngoài ra không cần biết các môn khác, bởi riêng việc đối phó với những môn phải thi đã không đủ thì giờ. Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng kém văn hóa. Những gì nền giáo dục mang lại cho con người là quá ít so với tiền của và công sức của cả nhà nước lẫn cá nhân bỏ ra. Lỗi chủ yếu là ở đường lối và phương pháp giáo dục.
Bất chấp mọi lời cảnh báo, các nhà giáo dục tiếp tục mơ ngủ trên đống lý thuyết chữ nghĩa sáo rỗng. Họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi một trào lưu tư tưởng trong thế kỷ 20 – trào lưu đề cao tư duy logic hình thức như thần thánh, khẳng định tư duy lập luận khoa học là công cụ vạn năng cho phép khám phá ra mọi sự thật mà con người muốn biết. Nhân vật tiêu biểu cho tư tưởng này là David Hilbert, với tuyên ngôn bất hủ của ông:
Chúng ta phải biết; Chúng ta sẽ biết!” (Wir müssen wissen; Wir werden wissen!)
Tuyên ngôn ấy đã được khắc trên bia mộ của Hilbert tại nghĩa trang Stadtfriedhof ở Göttingen, đến nay vẫn còn nguyên vẹn, như một dấu tích không chỉ nói lên tham vọng khôn cùng của cá nhân Hilbert, mà còn là dấu tích của một thời tư duy khoa học được tôn vinh như chúa tể trong vương quốc nhận thức, lấn át mọi dạng nhận thức khác như văn chương, nghệ thuật, triết học, tôn giáo,…
Những ai quan tâm tới bản chất của nhận thức, có lẽ không nên bỏ lỡ cơ hội đến thăm mộ của nhà toán học lừng danh này, để chứng kiến tận mắt tuyên ngôn đầy tự tin của ông, và cũng là tuyên ngôn của một bộ phận rất đông đảo các nhà khoa học – tuyên ngôn về sức mạnh của lý trí khoa học! Từ bia mộ ấy lần ngược thời gian về quá khứ khoảng nửa thế kỷ, từng trang sử sôi động nhất và nhiều ý nghĩa nhất của khoa học và triết học cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 sẽ lần lượt được mở ra trước mắt bạn. Trang đầu tiên có một câu châm ngôn bằng tiếng La-tinh đối lập hoàn toàn với câu châm ngôn của Hilbert:
Ignoramus et Ignorabimus” (Chúng ta không biết và sẽ không biết).
Hilbert Giống như một mồi lửa, câu châm ngôn ấy châm ngòi cho sự bùng nổ một trào lưu tư tưởng được gọi là Chương trình Hilbert (Hilbert’s Program) – một chương trình vĩ đại kéo dài gần nửa thế kỷ nhằm tìm kiếm Chiếc Chén Thánh[4] của Toán học (The Holy Grail of Mathematics), chiếc chén mầu nhiệm cho phép xây dựng lại Toán học thành một hệ thống logic tuyệt đối hoàn chỉnh: đầy đủ, độc lập và phi mâu thuẫn.
Nhưng… như chúng ta đã biết, chương trình vá trời lấp biển ấy đã kết thúc trong sự lảng tránh và im lặng, trong nỗi thất vọng đắng cay vì phải chứng kiến sự ra đời của một định lý chôn vùi tham vọng của nó: Định lý Bất toàn của Gödel!
Hơn bất kỳ một lý thuyết nào khác, Định lý Gödel dạy cho nhân loại biết rằng tư duy lý trí không bao giờ là đủ để hiểu thế giới. Một cách gián tiếp, nó gợi ý con người hãy học lắng nghe tiếng nói thì thầm từ trong sâu thẳm của trái tim, bởi “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu”. Tiếng thì thầm ấy chính là trực giác, là ánh chớp lóe lên trong tâm trí, và là “thứ duy nhất thực sự có giá trị[5] như Albert Einstein đã từng chia sẻ.
Nếu không có cái trực giác mẫn tiệp ấy, dù chúng ta có trí tuệ khổng lồ như David Hilbert, chúng ta vẫn có nguy cơ dẫm lại vết xe đổ của ông, để rồi trở thành tự phụ đến mức coi mình là chúa, coi thường những cảnh báo mà những người đi trước đã gợi ý.
Nếu bớt tự phụ, nếu biết lắng nghe, thì câu châm ngôn “Chúng ta không biết và sẽ không biết” sẽ là một gợi ý đáng để cho chúng ta suy ngẫm.
IGNORAMUS et IGNORABIMUS
Năm 1872, Emil du Bois-Reymond, một nhà sinh lý học thần kinh (neuro-physiologist) người Đức, cho ra mắt một cuốn sách làm chấn động dư luận khoa học đương thời:
Về những giới hạn của sự hiểu biết của chúng ta về tự nhiên” (Über die Grenzen des Naturerkennens).
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong khoa học xuất hiện một tác phẩm chính thức khuyến cáo khoa học cần xem xét lại tính hạn chế của bản thân mình.
Emil_du_Bois-Reymond Với tác phẩm đó, Bois-Reymond phải được xem như một kẻ táo gan đi ngược lại xu thế đương thời – thời đại thống trị gần như tuyệt đối của vật lý Newton với đỉnh cao của nó là Quyết định luận Laplace (Laplace’s Determinism). Quyết định luận này tuyên bố rằng khoa học có thể xác định được tình trạng của vũ trụ tại một thời điểm bất kỳ trong quá khứ hoặc tương lai, nếu biết tình trạng của nó tại một thời điểm cho trước. Nói một cách đơn giản, Quyết định luận Laplace thể hiện tư tưởng cho rằng khoa học sẽ biết được mọi sự thật, giải thích được mọi hiện tượng.
Cho đến cuối thế kỷ 19, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng những lý thuyết bao quát vũ trụ đã tìm thấy cả rồi. Khoa học gần như biết hết mọi sự thật rồi. Phần còn lại chỉ là chi tiết. Vì thế tác phẩm của Bois-Reymond phải nói là thực sự dũng cảm, vì nó nhắc nhở rằng khoa học đã nhầm, có những sự thật chúng ta không biết và sẽ không bao giờ biết!.
Trong rất nhiều năm qua, hầu hết chúng ta đều không hề biết đến tác phẩm nói trên của Bois-Reymond. Mãi đến bây giờ, khi internet tạo nên cuộc cách mạng về thông tin, những sự thật về Bois-Reymond mới được sáng tỏ.
Không khó khăn lắm để giải thích sự muộn màng đó: tác phẩm của Bois-Reymond, giống như Định lý Bất toàn của Gödel nửa thế kỷ sau, nói chung không được giới khoa học hoan nghênh, đơn giản vì nó dập tắt ngọn lửa đang bùng cháy trong lòng các nhà khoa học. Nó nói sự thật, nhưng những người cố chấp coi nó như chống lại khoa học!
Chưa hết, năm 1880, Emil du Bois-Reymond lại một lần nữa buộc giới khoa học đương thời phải chú ý – trong một diễn văn nổi tiếng đọc trước Viện Hàn lâm Khoa học Berlin, ông nêu lên “Bảy Thách đố” (Seven Riddles) đối với khoa học:
1.Bản chất tận cùng của vật chất và lực?
2.Nguồn gốc của chuyển động?
3.Nguồn gốc sự sống?
4.Tại sao tự nhiên sắp xếp dường như có mục đích?
5.Nguồn gốc của những khả năng cảm thụ đơn giản?
6.Nguồn gốc của tư duy thông minh và ngôn ngữ?
7.Bản chất của tự do ý chí (freewill)?
Trong đó, các thách đố 1, 2, 5 được ông mô tả là “ignoramus et ignorabimus” (Chúng ta không biết và sẽ không biết)! Ông tuyên bố cả khoa học lẫn triết học sẽ không bao giờ trả lời được ba thách đố đó.
Xin lưu ý rằng “ignoramus et ignorabimus” không phải là chủ nghĩa bất khả tri (agnosticism). Thật vậy, Emil du Bois-Reymond không phải là người có tinh thần chống đối khoa học. Ngược lại, ông là một nhà khoa học thực thụ: ông là người khám phá ra hiện tượng thay đổi điện thế trên màng tế bào thần kinh, được gọi là hiện tượng “nerve action potential”. Ông cũng được coi là cha đẻ của ngành điện-sinh-lý-học (electro-physiology). Hơn thế nữa, từ khi Bois-Reymond nêu lên Bảy Thách đố đến nay đã là 133 năm mà dường như chưa có thách đố nào được giải đáp. Chúng ta không có cơ sở nào để bảo rằng tư tưởng “ignoramus et ignorabimus” của ông là chống đối khoa học, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng nó đã chọc tức nhiều người, nhất là những người có niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của lý trí, điển hình là David Hilbert.
Tất nhiên, Hilbert và những người đi theo ông chống đối tư tưởng của Bois-Reymond một cách quyết liệt.
Năm 1900, tại Hội nghị Toán học Quốc tế ở Paris, David Hilbert tuyên bố dứt khoát:
Trong toán học không có ignorabimus!” (In mathematics there is no ignorabimus).
Ba mươi năm sau tại Königsberg[6], trong một diễn văn lừng danh đọc trước Hội các nhà khoa học và bác sĩ Đức ngày 08/09/1930, Hilbert một lần nữa thể hiện thái độ giận dữ đối với tư tưởng “ignorabimus”. Ông kêu gọi giới khoa học phải chống lại tư tưởng đó:
“Chúng ta không nên tin vào những kẻ mà hôm nay, với quan điểm triết học và giọng điệu có tính toán, tiên đoán sự sụp đổ của nền văn hóa và chấp nhận quan điểm ignorabimus. Đối với chúng ta không có ignorabimus, và theo ý kiến của tôi, không có bất kể cái gì là không biết trong khoa học tự nhiên. Để chống lại cái ignorabimus ngu xuẩn đó, khẩu hiểu của chúng ta phải là: Chúng ta phải biết – Chúng ta sẽ biết!”[7]
Nhưng than ôi, chỉ đúng một năm sau những tuyên bố hùng hồn đó, Định lý Bất toàn của Gödel ra đời, chứng minh rằng Hilbert sai!
Hóa ra trong toán học cũng có cái ignorabimus!
Thật vậy, Định lý Gödel đã chứng minh hùng hồn rằng tồn tại những mệnh đề toán học không thể quyết định được (undecidable), có nghĩa là không thể biết mệnh đề đó đúng hay sai.
Định lý Gödel cũng chứng minh hùng hồn rằng toán học không bao giờ đầy đủ. Chữ “incompleteness” nói lên điều đó. Muốn đầy đủ thì không tránh khỏi mâu thuẫn. Muốn tránh mâu thuẫn thì không thể đầy đủ. Đó là cái giá phải trả của bất kỳ hệ thông nhận thức logic nào.
Như lịch sử cho biết, Hilbert thực sự bị shock với Định lý Gödel. Nhưng… giống như Einstein không bao giờ chấp nhận Nguyên lý Bất định trong Cơ học Lượng tử, Hilbert cũng không bao giờ chấp nhận Định lý Gödel. Cho đến phút chót của cuộc đời, ông không bao giờ thừa nhận ông sai. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn cho khoa học. Bởi lẽ Hilbert là người có uy tín rất lớn. Nếu ông khảng khái thừa nhận mình sai thì sẽ là một động thái cảnh tỉnh toàn bộ thế giới khoa học. Nhưng sự bảo thủ của ông đã để lại một ảnh hưởng tai hại lâu dài cho đến tận hôm nay vẫn chưa thực sự chấm dứt.
Bằng chứng là mãi cho tới thập kỷ 1950-1960, nhóm Bourbaki vẫn tiếp tục xây dựng Toán học theo đường lối hình thức của Hilbert, và tệ hại hơn nữa, tư tưởng Hilbert tràn cả vào trường phổ thông dưới ngọn cờ Toán học Mới, gây nên thảm họa giáo dục chưa từng có ở Pháp và nhiều nơi trên thế giới trong thập kỷ 1960, mà ngày nay những nước lạc hậu vẫn còn súng sính bắt chước, không hề biết rằng thế giới đã từ bỏ từ lâu.
Toàn bộ đường lối Hilbert ấy có thể tóm tắt trong một câu: đó là đường lối đề cao logic suy diễn hình thức và triệt tiêu trực giác sáng tạo!
Giấc mơ của Hilbert và rất nhiều nhà toán học là tính TUYỆT ĐỐI CHÍNH XÁC của Toán học. Muốn tuyệt đối chính xác thì phải từ bỏ ý nghĩa vật chất trong các mệnh đề toán học. Phải nâng Toán học lên tầm một ngôn ngữ tuyệt đối thoát ly khỏi mọi ràng buộc thực tế. Phải biến Toán học thành một hệ thống thuần túy logic hình thức. Đó là lý do để Hilbert say mê Lý thuyết Tập hợp của George Cantor, bênh vực Cantor chống lại mọi chỉ trích, đến mức coi lý thuyết của Cantor là một thiên đường của Toán học!
Nếu không có Định lý Gödel thì không biết trường phái Hilbert còn đẩy Toán học đi tới đâu nữa. Nhưng cái gì phải xẩy ra sẽ xẩy ra. What will be, will be!
Chính tham vọng tìm thấy một hệ logic tuyệt đối phi mâu thuẫn đã thúc đẩy nhà toán học trẻ Kurt Gödel, khi ấy mới có 25 tuổi, khám phá ra điều ngược lại, rằng không thể tồn tại một hệ logic như thế!
Gödel chỉ ra rằng một hệ thống tự quy chiếu (self-referential system), tức một hệ thống tự nhận định về mình, bao giờ cũng dẫn tới mâu thuẫn nghịch lý.
Nếu lý trí của con người được xem như một hệ thống logic khép kín, thì lý trí của con người cũng sẽ đi tới mâu thuẫn khi nó tự phán xét về nó. Nói cách khác, con người rất khó để tự hiểu mình. Phán xét người khác thì dễ, phán xét bản thân mình thì khó. Đó là chuyện đời thường thấy, không có gì đáng ngạc nhiên.
Với cách nhìn đó, nếu Hilbert không nhận ra sai lầm của bản thân để thức tỉnh nhân loại thì âu cũng là một biểu hiện cụ thể của chính Định lý Gödel.
Nếu đặt câu hỏi tại sao một bộ óc uyên thâm như Hilbert, và rất nhiều nhân vật lỗi lạc khác tham gia Chương trình Hilbert, lại phạm sai lầm tự tin quá đáng như thế, thì quả thật đó là một câu hỏi rất đáng nghiên cứu để trả lời.
Thiết nghĩ câu hỏi đó xứng đáng dành cho một luận án tiến sĩ về lịch sử khoa học nói riêng và lịch sử nhận thức nói chung.
Trong thời đại thông tin toàn cầu ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy vô số sự kiện hữu ích để trả lời câu hỏi đó.
Có một thông tin vô cùng hữu ích mà rất tiếc là ít người để ý, nhất là những người nghiên cứu và giảng dạy toán học. Đó là những thảo luận của Blaise Pascal từ thế kỷ 17 (gần ba thế kỷ trước Hilbert) về tính hạn chế của phương pháp tiên đề trong hình học. Cụ thể, đó là tiểu luận của Pascal nhan đề “Về Tinh thần Hình học” (De l’Esprit Géométrique). Nếu Hilbert nghiền ngẫm Pascal, có thể ông đã không phạm sai lầm như thế.
Thật vậy, đó là những thảo luận làm cho tất cả những ai quan tâm tới lịch sử toán học sẽ phải sửng sốt ngạc nhiên, bởi vì nội dung cơ bản của nó có thể coi như những tư tưởng manh nha của Định lý Bất toàn của Gödel, ra đời sau Pascal ba thế kỷ!
Khó có thể tưởng tượng một con người như thế, một Pascal thường xuyên ốm yếu, bệnh tật, chỉ sống được 39 năm, mà lại có thể ôm trong lòng một khối lượng tri thức rộng đến thế và vượt thời gian như thế. Từ toán học đến vật lý, triết học, thần học,… chỗ nào ông cũng đặt dấu ấn sâu đậm đến mức buộc hậu thế phải vắt tay lên trán mà suy ngẫm.
Nhưng thật đáng tiếc, dường như người đời biết về Pascal quá ít! Người ta nói nhiều đến những khám phá khoa học của ông hơn là đề cập đến tư tưởng của ông. Mà phần tư tưởng mới là phần cốt lõi nói lên một Pascal vô cùng sâu sắc. Chính ông từng nói “Tư tưởng làm nên tầm vóc con người” (Penser fait la grandeur de l’homme).
Với một nhân vật quá lớn như thế, tôi cảm thấy sẽ mắc lỗi nặng nếu như viết về ông chỉ trong vài dòng ngắn ngủi để làm một cái kết cho bài viết này, nhất là khi mối liên hệ từ Pascal tới những nhà khoa học trong thế kỷ 20 chưa được trình bày rõ ràng.
Vì thế tôi quyết định tạm dừng bài viết ở đây. Xin hẹn sớm gặp lại độc giả trong một bài viết tiếp theo dành riêng cho Pascal. Nhưng xin độc giả đừng quên câu kết ở trên:
Nếu Hilbert nghiền ngẫm Pascal, có thể ông đã không phạm sai lầm như thế.
Nếu nghiền ngẫm Pascal, chúng ta sẽ hiểu ra rằng tư duy lý trí chỉ đạt tới một hiểu biết nhất định nào đó mà thôi.
Những người chỉ tin vào lý trí thường là những người vô thần. Đối với những người này, Pascal nói: “Chủ nghĩa vô thần thể hiện sức mạnh của tinh thần, nhưng chỉ ở một mức độ nhất định mà thôi” (Athéisme marque de force d’esprit, mais jusqu’à un certain degré seulement).
Để có thể chắp cánh bay tới những chân trời rộng hơn, xa hơn, con người phải khôn ngoan vận dụng TRỰC GIÁC, mà Pascal gọi là lý lẽ của trái tim, còn Einstein thì gọi đó là thứ duy nhất thực sự có giá trị. Trực giác không chỉ giúp con người khám phá những sự thật của Tự nhiên, mà còn khám phá những sự thật Siêu nhiên (supernatural), những Phép Mầu,…
PVHg, Sydney 05/12/2013

[1]“ Gödel’s Incompleteness Theorem – “The #1 Mathematical Discovery in 20th Century”, một bài báo của Perry Marshall, http://www.perrymarshall.com/articles/religion/godels-incompleteness-theorem/
[2] “Phép Mầu”, PhamVietHung’s Home, 26/11/2013
[3] Để so sánh tư duy của computer với con người, xin đọc loạt bài “Đi tìm bản chất đích thực của con người” của Phạm Việt Hưng trên Khoa học & Tổ quốc từ Tháng 06 đến Tháng 09/2011, và trên các trang mạng: PhamVietHung’s Home https://viethungpham.wordpress.com/  và Vietsciences http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/tinhoc/DiTimBanChat1.htm
[4] Chiếc Chén Thánh (The Holy Grail) là chiếc chén của Chúa Jesus dùng trong bữa tiệc ly với 12 môn đệ trước khi Chúa bị hành hình. Với thời gian, cụm từ “Chiếc Chén Thánh” đã được sử dụng phổ biến trong nền văn hóa Tây phương như một thuật ngữ ám chỉ một cái gì đó rất cao siêu, vô cùng quý giá, nhưng quá khó để đạt tới hoặc không bao giờ đạt tới, một giấc mơ không tưởng.
[5] Albert Einstein: “The only real valuable thing is intuition”
[6] Một thành phố trước đây thuộc Đức, bị Nga chiếm trong Thế Chiến II và nay trở thành Kaliningrad thuộc Nga.
[7] “We must not believe those, who today, with philosophical bearing and deliberative tone, prophesy the fall of culture and accept the ignorabimus. For us there is no ignorabimus, and in my opinion none whatever in natural science. In opposition to the foolish ignorabimus our slogan shall be: Wir müssen wissen — wir werden wissen!”

EINSTEIN: LOVE IS THE UNIVERSAL FORCE / EINSTEIN: TÌNH YÊU LÀ LỰC VẠN NĂNG

In a letter to his daughter, Albert Einstein described love as an extremely powerful force – the universal force. He said that Love is God and God is Love. This is a revolution in Einstein’s thought of God. Please read his letter, published by his daughter in the last of 1980s.
Trong một thư gửi con gái, Albert Einstein mô tả tình yêu như một lực vô cùng mạnh mẽ – lực vạn năng. Ông nói Tình yêu là Chúa và Chúa là Tình yêu. Đây là một cuộc cách mạng trong tư tưởng của Einstein về Chúa. Xin đọc lá thư do con gái ông công bố cuối những năm 1980.
Thưa độc giả,
Tôi nhận được bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt lá thư này từ một người bạn ở Mỹ, thạc sĩ Vật Lý Đoàn Văn Phụng. Xin trân trọng cảm ơn thạc sĩ Văn Phụng và xin trân trọng giới thiệu lá thư rất đặc biệt này của Albert Einstein đến độc giả. PVHg.

Một lá thư Abert Einstein gửi con gái: TÌNH YÊU chính là Lực Vạn Năng

Vào cuối những năm 1980, cô Lieserl, con gái của thiên tài nổi danh Albert Einstein, đã hiến tặng cho Đại Học Hebrew 1400 bức thư do ông viết ra với lời dặn dò chỉ được công bố các nội dung của chúng hai thập niên sau khi ông mất. Sau đây là một trong những lá thư đó, viết cho Lieserl Einstein….
… Khi cha nêu ra thuyết tương đối thì rất ít người hiểu cha, và bây giờ điều mà cha sẽ bày tỏ để gửi tới nhân loại cũng sẽ đụng chạm với sự ngộ nhận và thiên kiến trên thế giới.
Cha yêu cầu con gìn giữ những thư này lâu dài như cần thiết, nhiều năm hay nhiều thập niên, cho đến khi xã hội đủ tiến bộ để chấp nhận điều mà cha sẽ gii thích dưới đây.
Có một lực cực kỳ mạnh mẽ mà cho đến nay khoa học chưa tìm ra được một sự giải thích hoàn chỉnh. Đó là một lực bao hàm và thống lãnh tất cả các lực khác, và thậm chí nó đứng sau bất kỳ hiện tượng nào vận hành trong vũ trụ, tuy nhiên nó chưa được chúng ta nhận dạng.
Lực đa năng này là TÌNH YÊU.
Khi các nhà khoa học tìm kiếm một lý thuyết thống nhất về vũ trụ họ đã bỏ quên lực không thấy được nhưng mạnh mẽ nhất đó.
Tình Yêu là Ánh Sáng làm bừng sáng lên người cho và kẻ nhận.
Tình Yêu là trọng trường vì nó khiến cho người ta bị thu hút lẫn nhau.
Tình Yêu là sức mạnh vì nó nhân bội điều thiện hảo ta có, và khiến cho tính nhân đạo không bị dập tắt trong sự vị kỷ mù quáng. Tình Yêu khai mở và tỏ bày.
Ta sống và chết vì yêu.
Tình Yêu là Chúa và Chúa là Tình Yêu.
Lực này giải thích mọi sự và đem ý nghĩa đến cho đời sống. Đây là biến số mà chúng ta đã lãng quên quá lâu, có thể bởi chúng ta e sợ tình yêu do nó là năng lượng duy nhất trong vũ trụ mà con người không biết sử dụng như ý muốn.
Để hình dung được tinh yêu, cha thực hiện một sự thay thế đơn giãn vào trong phương trình nổi danh nhất của cha.
Nếu thay vì  E=mc^2 , ta chấp nhận rằng năng lượng để chữa lành (hàn gắn) thế giới có thể đạt được thông qua tình yêu nhân với bình phương của vận tốc ánh sáng, ta đi đến kết luận rằng tình yêu có sức mạnh vạn năng vì nó không có giới hạn.
Sau sự thất bại của nhân loại trong việc sử dụng và kiểm soát những lực khác của vũ trụ vì chúng đã quay lại chống chúng ta, điều cấp bách là chúng ta phải nuôi dưỡng bản thân mình bằng một loại năng lượng khác…
Nếu chúng ta muốn muôn loài được sống còn, nếu chúng ta tìm kiếm ý nghĩa trong đời sống, nếu chúng ta muốn bảo tồn thế giới và mọi sinh linh trong đó thì tình yêu là một câu trả lời và là câu trả lời duy nhất.
Có lẽ chúng ta chưa sẵn sàng để chế tạo được một quả bom tình yêu như một thiết bị có đủ năng lực phá hủy hoàn toàn sự thù hận, sự ích kỷ và tham lam đang tàn hại hành tinh này.
Tuy nhiên mỗi một cá nhân đơn thuần mang trong mình một máy phát tình yêu tuy nhỏ nhưng mạnh mẽ đang chờ đợi để phát khởi.
Khi chúng ta biết cho và nhận năng lực đa năng này, Lieserl con ạ, chúng ta sẽ xác quyết rằng tình yêu chinh phục tất cả, nó có thể biến đổi mọi sự và bất cứ điều gì, vì tình yêu là yếu tố thứ năm [1] của đời sống.
Cha rất lấy làm tiếc vì không diễn tả được điều ở trong tim cha, nó khẽ đập vì con suốt đời cha. Có lẽ là quá trễ để xin lỗi, nhưng vì thời gian là tương đối, cha cần tỏ với con rằng cha yêu con và nhờ con mà cha đạt tới câu trả lời tối thượng!”
Cha của con, Albert Einstein

Bình luận của PVHg’s Home

Chúng ta đều biết Albert Einstein tin tưởng tuyệt đối vào sự hiện hữu của Đấng Sáng Tạo (The Creator) mà ông thường gọi là “God”, tức Chúa. Tuy nhiên, Einstein không tin vào Chúa của Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo. Nói cách khác, Chúa của Einstein là Đấng sáng tạo ra vũ trụ với những định luật vật lý, nhưng không can thiệp vào đời sống xã hội của loài người.
Tuy nhiên lá thư nói trên cho ta thấy một Einstein “mới mẻ”, một Einstein ít được biết ─ một Einstein cuối đời đã giác ngộ về một Thiên Chúa can thiệp vào đời sống của loài người bởi lực vạn năng: TÌNH YÊU!
Khẳng định bất hủ của ông, “Tình yêu là Chúa và Chúa là tình yêu”, cho phép chúng ta tin chắc rằng tuổi tác và sự trải nghiệm cuộc sống đã dẫn ông quay trở về gần gũi hơn với chân lý của tôn giáo, rằng Thiên Chúa không chỉ là Đấng Sáng Tạo nên vũ trụ, sáng tạo nên loài người, mà còn yêu thương loài người, ở cùng loài người, can thiệp vào đời sống của loài người. Điều này Chúa Jesus nói rõ hơn ai hết:
“Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con phải yêu thương nhau. Thầy đã yêu thương các con thế nào, các con phải yêu thương nhau như vậy” (Giô-an 13:34) / “A new command I give you: Love one another. As I have loved you, so you must love one another”. (John 13:34)
Nhưng từ thế kỷ 19, học thuyết Darwin đã thay thế tình yêu thương đó bằng nguyên lý đấu tranh sinh tồn. Loài người đã coi học thuyết Darwin là khoa học, và cứ thế áp dụng vào đời sống xã hội loài người như một chân lý đã được chứng minh, dẫn tới một thời đại đấu tranh sinh tồn khốc liệt chưa từng có, với hai cuộc thế chiến thảm khốc và nguy cơ chiến tranh hạt nhân như một bóng ma phủ bóng thường trực trên đầu nhân loại.
André Bourguignon, nhà nhân loại học nổi tiếng người Pháp, chua chát thốt lên rằng loài người là một loài điên rồ khi nó là loài DUY NHẤT tiến hành những cuộc tàn sát trong loài của mình, và với hành vi này, loài người tự đặt mình xuống dưới động vật !!!
Lá thư của Albert Einstein không chỉ dành cho con gái của ông, mà là một lời kêu gọi thống thiết của Einstein đối với nhân loại.
Đọc thư của ông, tôi cảm thấy ông đang muốn nói với chúng ta rằng, nhân loại hỡi, hãy tỉnh thức lại đi, chỉ có tình yêu thương mới cứu rỗi con người được mà thôi.
Nhưng thưa ông Albert Einstein, điều ông tha thiết kêu gọi chính là lời dạy của Thiên Chúa giáo từ xa xưa rồi. Có thể chính ông đã không chú ý đến điều đó, để cuối đời ông mới tái khám phá ra một chân lý đã được Thiên Chúa giáo khẳng định từ hàng ngàn năm trước, nên ông mới phải tốn nhiều công phu giải thích một cách vật lý cho loài người hiểu tình yêu là gì, sức mạnh của nó ra sao.
Nhưng dẫu thế nào tôi cũng vô cùng biết ơn Albert Einstein, không phải vì công thức E = mc^2 để các nhà khoa học chế tạo ra bom nguyên tử, mà vì rốt cuộc ông cũng dùng uy tín vĩ đại của ông để nói với nhân loại điều cần nói nhất: chỉ có tình yêu thương mới cứu rỗi được con người.
Xung quanh tính xác thực của lá thư này còn có nhiều nghi vấn, tranh cãi. Tôi sẽ công bố những nghi vấn đó trong những ngày tới.
PVHg 26/09/2017
CHÚ THÍCH:
[1] quintessence hay aether là yếu tố thứ năm sau đất, nước, khí, lửa – một dạng giả định của năng lượng tối (dark energy) dùng để giải thích sự gia tốc của vũ trụ .
BẢN TIẾNG ANH CỦA LÁ THƯ EINSTEIN GỬI CON GÁI
Albert Einstein (14 March 1879 – 18 April 1955) is perhaps best known for being a theoretical physicist and for receiving the 1921 Nobel Prize in Physics “for his services to Theoretical Physics”.  A lesser known fact about arguably one of the most intelligent men of modern times is that he was also a prolific sender of personal notes and letters upon his own personalised letterhead.
In the late 1980s, Einstein’s daughter Lieserl donated 1,400 letters written by Einstein to the Hebrew University. The text of one of them is reproduced below for you.  Having been sent by Einstein to his daughter, this letter shows a very different side to Einstein’s personality and his outlook on the world.…
When I proposed the theory of relativity, very few understood me, and what I will reveal now to transmit to mankind will also collide with the misunderstanding and prejudice in the world.
I ask you to guard the letters as long as necessary, years, decades, until society is advanced enough to accept what I will explain below.
There is an extremely powerful force that, so far, science has not found a formal explanation to. It is a force that includes and governs all others, and is even behind any phenomenon operating in the universe and has not yet been identified by us.
This universal force is LOVE.
When scientists looked for a unified theory of the universe they forgot the most powerful unseen force.
Love is Light, that enlightens those who give and receive it.
Love is gravity, because it makes some people feel attracted to others.
Love is power, because it multiplies the best we have, and allows humanity not to be extinguished in their blind selfishness. Love unfolds and reveals.
For love we live and die.
Love is God and God is Love.
This force explains everything and gives meaning to life. This is the variable that we have ignored for too long, maybe because we are afraid of love because it is the only energy in the universe that man has not learned to drive at will.
To give visibility to love, I made a simple substitution in my most famous equation.
If instead of E = mc2, we accept that the energy to heal the world can be obtained through love multiplied by the speed of light squared, we arrive at the conclusion that love is the most powerful force there is, because it has no limits.
After the failure of humanity in the use and control of the other forces of the universe that have turned against us, it is urgent that we nourish ourselves with another kind of energy…
If we want our species to survive, if we are to find meaning in life, if we want to save the world and every sentient being that inhabits it, love is the one and only answer.
Perhaps we are not yet ready to make a bomb of love, a device powerful enough to entirely destroy the hate, selfishness and greed that devastate the planet.
However, each individual carries within them a small but powerful generator of love whose energy is waiting to be released.
When we learn to give and receive this universal energy, dear Lieserl, we will have affirmed that love conquers all, is able to transcend everything and anything, because love is the quintessence of life.
I deeply regret not having been able to express what is in my heart, which has quietly beaten for you all my life. Maybe it’s too late to apologize, but as time is relative, I need to tell you that I love you and thanks to you I have reached the ultimate answer!
Your father, Albert Einstein

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét