Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Keith Richards

(ĐC sưu tầm trên NET)
Keith Richards là tay guitar người Anh kiêm thành viên sáng lập ra nhóm nhạc rock Rolling Stones. Mặc dù không còn ở đỉnh cao sự nghiệp nữa nhưng tên tuổi của Keith vẫn được nhắc đến như một huyền thoại với lối chơi nhạc đầy sáng tạo ở những đoạn guitar riff tuyệt vời. Ông được xếp ở vị trí thứ 4 trong danh sách 100 nghệ sỹ guitar xuất sắc nhất và 14 ca khúc do ông cùng đồng nghiệp – tay vocal Mick Jagger sáng tác cũng nằm trong 500 bài hát xuất sắc mọi thời đại do tạp chí Rolling Stone bình chọn.

The Rolling Stones: Những hòn đá lăn giữa dòng nước đục


Tuấn Thảo
Rolling Stones trong nghĩa đen là “Những hòn đá lăn”. Còn hiểu theo nghĩa bóng là Lãng tử phong trần, phiêu bạt giang hồ, kiếp sống lang thang. Người đầu tiên dùng chữ này để đặt tựa cho bài hát là tay đàn nhạc blues người Mỹ Muddy Waters. Do rất ngưỡng mộ bậc đàn anh, nên ban nhạc người Anh Rolling Stones mới lấy tựa này làm biệt danh của nhóm.
Một thập niên sau nhạc sĩ Muddy Waters, đến phiên Bob Dylan dùng chữ Rolling Stone làm tựa cho một ca khúc viết vào năm 1965. Nhạc phẩm Like a Rolling Stone (Như một kẻ phong trần) từng được bình chọn làm ca khúc hay nhất mọi thời đại. Nguyệt san nổi tiếng nhất Hoa Kỳ chuyên viết về nhạc rock cũng được đặt tên là Rolling Stone. Điều đó phần nào cho thấy là tư tưởng nhạc rock gắn liền với hình ảnh luân chuyển không ngừng của hòn đá lăn, nhưng hiểu theo nghĩa bóng nhiều hơn là nghĩa đen.

Audio Player
00:00
00:00
Năm 2012 đánh dấu 50 năm thành công sự nghiệp của Rolling Stones. Tuy được xem như là một trong những huyền thoại của làng nhạc rock, nhưng ban đầu nhóm này chủ yếu chơi nhạc blues, tham gia vào phong trào British Blues Boom (gọi tắt là 3B), thời mà các nghệ sĩ Anh tái tạo các khúc nhạc blues của người da màu, thuộc trường phái Chicago. Những nghệ sĩ từng khởi nghiệp với phong trào này, trong đó có tay đàn Eric Clapton, John Mayall và Mick Jagger, có lần tuyên bố rằng : họ là những đứa con da trắng của dòng nhạc tâm huyết của người da đen.

Nhắc tới ban nhạc Rolling Stones, mọi người nghĩ đến ngay cặp bài trùng Mick Jagger và Keith Richards, sáng tác các ca khúc kinh điển của nhóm, cũng như hai nghệ sĩ John Lennon và Paul McCartney của nhóm The Beatles. Nhưng công bằng mà nói thì Mick Jagger và Keith Richards không phải là sáng lập viên nhóm Rolling Stones. Chính nhạc sĩ Brian Jones mới là người đã thành lập ban nhạc khi cho đăng tin trên báo (tờ Jazz News) để tuyển lựa nghệ sĩ. Trong số các thành viên ban đầu lưu diễn với nhau từ năm 1962 đến 1968, Brian Jones là người chơi nhạc blues thuần chất nhất, lối sáng tác của anh mang nhiều tính thử nghiệm đột phá.

Cho dù đã lập gia đình và có con, nhưng Brian Jones lại có tật ăn vụng và nhất là anh bị ghiền ma túy. Tánh tình thất thường của anh khiến cho các vòng lưu diễn của nhóm thêm khó khăn. Đến khi anh bị cấm đặt chân lên lãnh thổ Hoa Kỳ, không được cấp visa vì tội tàng trữ ma túy, Brian Jones bị trục xuất ra khỏi nhóm Rolling Stones vào tháng 6 năm 1969. Chỉ vài tuần lễ sau, thi hài của Brian Jones được phát hiện trong hồ tắm ở nhà riêng. Cái chết này cho tới nay vẫn còn mang nhiều bí ẩn. Có người cho rằng Brian Jones dùng ma túy quá liều nên chết đuối trong hồ bơi. Theo một giả thuyết khác, Brian Jones do bị đuổi ra khỏi nhóm Rolling Stones nên tự kết liễu cuộc đời.

Sự nghiệp của The Rolling Stones cất cánh từ năm 1965 trở đi. Trong giai đoạn này, có hai ca khúc của nhóm nổi tiếng trên khắp thế giới. Bài đầu tiên là As tears go by (tựa ban đầu là As time goes by) mà Mick Jagger viết cho bạn gái của anh thời đó là ca sĩ Marianne Faithfull. Bài thứ hai là nhạc phẩm (I can’t get no) Satisfaction với đoạn guitare mở đầu rất quen thuộc. Các thế hệ đàn em thường bắt chước hoặc sao chép cách sáng tác ca khúc này. Nhưng bên cạnh đó còn có hàng loạt ca khúc khác như Sister Morphine, Angie, Miss You hay Jumping Jack Flash.
Riêng nhạc phẩm Satisfaction, bài này từng được tờ báo Rolling Stone xếp hạng nhì trong số những ca khúc hay nhất mọi thời đại, chỉ thua có nhạc phẩm Like a Rolling Stone của Bob Dylan. Ngược lại, cũng theo các nhà phê bình, trên danh sách 500 bài hát Anh Mỹ quan trọng nhất làng nhạc rock, nhóm The Rolling Stones đứng hạng nhì với tổng cộng là 14 ca khúc, qua mặt các tên tuổi như Bob Dylan (13 bài), ông hoàng Elvis Presley (11 bài), nhóm U2 (8 bài), ban nhạc Beach Boys và tay đàn Jimi Hendrix (mỗi bên 7 bài).
Trong vòng 50 năm sự nghiệp, nhóm The Rolling Stones đã cho ra mắt 22 album và 8 tập nhạc live. Nếu không tính đến các tuyển tập, thì nhóm này đã bán trên thế giới hơn 200 triệu album. Thời kỳ huy hoàng nhất của ban nhạc kéo dài trong 5 năm từ năm 1969 đến 1974. Sau khi Brian Jones bị đuổi ra khỏi nhóm, đến lượt Mick Taylor gia nhập ban nhạc. Tuy không được công nhận là thành viên ‘‘thường trực’’, nhưng Mick Taylor có tài chơi đàn solo mang nhiều ngẫu hứng của dòng nhạc soul và nhờ vậy mà nâng lối diễn xuất của nhóm lên một tầm cao hơn.
Đây chính là giai đoạn mà nhóm The Rolling Stones trình làng loạt album để đời, mở đầu với tập nhạc Sticky Fingers (1971). Trên album này có một hình ảnh trở nên rất quen thuộc đối với giới hâm mộ trên toàn thế giới. Đó là logo màu đỏ chói vẽ một cặp môi đang thè lưỡi. Do một sinh viên trường Mỹ thuật Luân Đôn thiết kế (John Pasche), logo này trở thành thương hiệu của nhóm The Rolling Stones trong vòng bốn thập niên liền.
Tài nghệ chơi đàn của Mick Taylor đẩy thành viên trụ cột Keith Richards xuống hàng thứ yếu. Xung khắc bất hoà nẩy sinh từ đó, và cuối năm 1974, Mick Taylor quyết định chia tay, giã từ cả nhóm thay vì chờ đến khi bị trục xuất như trường hợp của Brian Jones. Nhóm The Rolling Stones lúc ấy mới kết nạp thành viên mới là Ron Wood, chủ yếu chơi đàn bass. Không phải ngẫu nhiên Keith Richards chọn một tay đàn bass để thay thế Mick Taylor, vì trong thâm tâm, anh không muốn để cho một người khác lấn lướt mình. Tính già rốt cuộc hóa non : nếu như thành viên mới giúp hoà giải phần nào những bất đồng nội bộ, thì ngược lại chất lượng của các album bắt đầu kém hẳn.
Trong giai đoạn này, nhóm The Rolling Stones thay đổi cách chơi nhạc : thay vì đưa vào bài hát những màn độc tấu ghi ta điện, học lại dùng kỹ thuật guitare weaving, tức là hai tay đàn chơi xen kẽ luân phiên, lúc thì dẫn dắt, khi thì đánh đệm. Tuy hiệu quả trong phòng ghi âm, nhưng khi đứng trên sân khấu, lối chơi này lại phản tác dụng, do thiếu thần sầu cảm hứng. Vì thế cho nên mà giới phê bình ít khi nào chọn các album của nhóm ra đời trong giai đoạn này, làm cột mốc quan trọng.
Một khi đã vắng bóng Mick Taylor, thì âm thanh tiếng đàn của nhóm không còn cừ khôi bằng đồng hương là Eric Clapton và Fletwood Mac, hay là các nhóm nổi danh vào những năm 1970 như Eagles hay Santana. Vào mùa hè năm 1977, Joe Strummer tay đàn chính của nhóm The Clash thẳng thừng tuyên bố : Ông hoàng nhạc rock Elvis Presley vừa qua đời, nay cũng chẳng còn Beatles và Rolling Stones, ý muốn nói rằng các ban nhạc này bắt đầu lỗi thời, không còn đột phá sáng tạo.
Họa vô đơn chí. Cũng vào năm 1977 mà Keith Richards bị bắt tại Canada (Toronto) về tội dùng ma túy. Thoát khỏi án tù giam 7 năm, nhưng bù lại anh bị phạt và buộc phải đề bù bằng cách đi trình diễn để gây quỹ từ thiện (giai thoại Blind Angel). Nhờ vậy mà Keith Richards ý thức về trách nhiệm của mình và quyết định cai nghiện. Nhưng sự thức tỉnh đó dường như đã quá trễ. Mối bất đồng giữa Mick Jagger và Keith Richards ngày càng sâu rộng. Keith Richards đổ lỗi cho Mick Jagger là muốn thâu tóm quyền hành để trở thành thủ lãnh duy nhất của nhóm. Còn theo Mick Jagger, vì Keith Richards mà sự nghiệp của nhóm không còn bền vững.
Tuy không chính thức rã đám, nhưng cặp bài trùng Mick Jagger và Keith Richards không còn muốn nhìn mặt nhau. Mick Jagger tách ra riêng và ghi âm 4 album solo. Mãi đến năm 1989, ban nhạc mới chịu làm việc chung với nhau (sau khi được đưa vào Đại sảnh Danh vọng – Rock & Roll Hall of Fame). Tuy âm thanh của các album sau này hiện đại tân kỳ hơn, nhưng ca khúc không còn nhiều ngẫu hứng sáng tạo như trước. Chỉ có ở trên sân khấu, thì các thành viên của Rolling Stones tuy đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn tạo được cơn sốt nơi khán giả, nhờ phong cách vũ bão sôi động.
Cũng như hai nhóm The Beatles và The Beach Boys, ban nhạc The Rolling Stones đã ảnh hưởng sâu đậm đến thế hệ cùng thời cũng như lớp trẻ đi sau. Bằng chứng là trong cuộn phim Hải tặc vùng Caribê, diễn viên Johnny Depp khi đóng vai thuyền trưởng Jack Sparrow, đã vay mượn phong cách rất bụi đời của Keith Richards. Đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese đưa khá nhiều bài hát của nhóm vào trong những bộ phim của ông (Goodfellas, Casino & The Departed). Ông đã thực hiện cuộn phim tài liệu mang tựa đề Shine a Light về vòng lưu diễn của The Rolling Stones.
Báo chí truyền thông thường hay so sánh đối chiếu Rolling Stones với nhóm The Beatles. Thật ra ở ngoài đời họ quen biết nhau và thường xuyên gặp mặt. Một trong những ca khúc ghi âm đầu tay của Rolling Stones (bài I wanna be Your man) là do nhóm Beatles sáng tác. Giữa hai ban nhạc huyền thoại này có một thoả thuận ngầm, đĩa hát của họ không bao giờ được phát hành cùng lúc, để tránh ảnh hưởng đến sự thành công của cả hai bên. Tuy nhiên, vẫn có một sự phân biệt nhất định nơi người nghe.
Một cách vắn tắt, các fan hâm mộ cho rằng nhạc Beatles do được dung hòa với nhạc pop, có giai điệu ngọt ngào du dương, cho nên là một loại nhạc rock mềm mại dành cho con gái. Còn nhạc Rolling Stones cứng cựa gân cốt, bén nhọn gai góc cho nên giống như một thứ nhạc rock cuồng nhiệt, hoang dại dành cho con trai. Định nghĩa như vậy không tránh khỏi sự hạn hẹp, vì nhìn kỹ lại Rolling Stones khác với The Beatles chủ yếu là ở trong phong cách.
Ngay từ ban đầu, ban nhạc The Rolling Stones đã tự tạo cho mình phong cách bad boys, những thanh niên chơi bời hư hỏng để đoạn tuyệt với hình ảnh con nhà lành của nhóm Tứ Quái. Rolling Stones khiêu khích ra mặt, bày tỏ sự phản kháng của mình với ca từ gây sốc (Satisfaction và Cocksucker Blues là hai bản tuyên ngôn). Họ tung bài hát như một cú đấm vào bụng, một cái tát vào mặt. Còn The Beatles nếu có tư tưởng phản kháng, thì chủ yếu là khuynh đảo ngầm, thông qua ẩn dụ và ngụ ý.
Dù gì đi nữa, Rolling Stones đã góp công thay đổi cục diện của làng nhạc Âu Mỹ. Với Rolling Stones, rock không chỉ đơn thuần là một thể loại âm nhạc, mà trước hết là một lối suy nghĩ, một cách sống. Gợi hứng từ bậc thầy Muddy Waters, Những hòn đá lăn không sợ chốn nước đục, không ngại cõi bùn lầy. Huyền thoại Rolling Stones có đi vào lòng người là cũng từ đấy.
Theo RFI

Ca sĩ lừng danh Keith Richards: 'Liều mình' tung album solo tiếp theo

Thứ Năm, 17/09/2015 13:06
(Thethaovanhoa.vn) - Vào ngày 18/9 tới đây, Keith Richards (71 tuổi), thành viên ban nhạc rock huyền thoại Anh Rolling Stones, sẽ phát hành album solo tiếp theo, gần 25 năm sau album đầu tiên.
Album mang tựa đề Crosseyed Heart. Richards bắt đầu xúc tiến album từ năm 2011, vào thời điểm ông viết cuốn tự truyện Life - cuốn sách đã trở thành tác phẩm ăn khách bậc nhất trên khắp toàn cầu.
Album tiếp tục khẳng định sự nghiệp solo
Trong album mới, giọng ca khàn và lối chơi guitar đã trở thành thương hiệu của ông tiếp tục được nêu bật. Trong một số ca khúc, ông chơi cả guitar bass và đàn phím.
Ông còn mời một số nghệ sĩ cộng tác như Aaron Neville, thành viên ban nhạc Neville Brothers của New Orleans và ca sĩ Norah Jones, người song ca cùng ông ca khúc Illusion.
Phần sau của album là 5 khúc ballad, cho thấy có những sự khác biệt lớn giữa dự án solo của Richards với công việc của ông trong ban nhạc Rolling Stones.
Đây là dự án solo thứ 2 của Richards, sau khi ông phát hành album Talk Is Cheap hồi năm 1988. Album này tiếp tục khẳng định danh tiếng của Richards trong sự nghiệp solo, 1/4 thế kỷ sau khi Rolling Stones nổi lên là đối thủ đầy nguy hiểm của ban nhạc huyền thoại Beatles.
Bìa album solo mới của Keith Richards, mang tựa đề Crosseyed Heart. Ảnh: Stuff.co.nz
Các chủ đề trong Crosseyed Heart trải dài từ những tình cảm yêu đương lãng mạn tới sự tha thứ, những rủi ro bất hạnh trong đời và tầm quan trọng của sự trung thực trong một mối quan hệ.
Có thể nói sự nghiệp solo của Richards bắt đầu vào thời kỳ xuất hiện xung đột trong Rolling Stones, hồi những năm 1980. Thời điểm đó, Mick Jagger, đối tác soạn ca khúc và sản xuất của ông, đã chọn các cộng sự trẻ trung hơn để làm album solo. Trong bối cảnh ấy, Richards cũng quyết định đi con đường riêng.
Tuy nhiên, Crosseyed Heart là album solo đầu tiên mà ông không phải chịu áp lực về thời gian. Bởi vậy mà mặc dù đã hoàn thành từ 1 năm rưỡi qua, đến giờ Richards mới phát hành album. Nguyên nhân do ông bận bịu thực hiện các chuyến lưu diễn cùng Rolling Stones.
Nhiều phần thu âm của album mới đã được thực hiện trong thời gian nghỉ ngơi giữa các chuyến lưu diễn của Rolling Stones. “Trở về sau mỗi buổi diễn của Rolling Stones, chúng tôi lao thẳng vào phòng thu và đó chính là lý do tại sao một số bản thu âm thể hiện sinh lực tràn trề” – Richards cho biết.
Đam mê duy nhất là chơi nhạc
Richards sống thọ hơn một số cộng sự âm nhạc lâu năm của mình. Gần đây nhất, vào tháng 12/2014, nghệ sĩ kèn saxophone của Rolling Stones là Bobby Keys đã qua đời.
Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động trong Rolling Stones, Richards vẫn gắn bó với âm nhạc và cây đàn guitar. “Có những lúc tôi ngủ với đàn guitar. Sẽ không có nhạc phẩm Satisfaction nếu khi ngủ tôi không để cây đàn bên cạnh. Tôi tỉnh dậy vào lúc nửa đêm, cầm cây đàn lên và chơi những nốt nhạc đang hình thành trong đầu” – Richards kể.
Cùng ngày tung ra album Crosseyed Heart, bộ phim tài liệu mới về ông, mang tên Keith Richards: Under The Influence, do Morgan Neville đạo diễn, cũng được phát hành thông qua Netflix.
Phim có những hình ảnh ghi lại quá trình thu âm album Crosseyed Heart của Richards, một số hình ảnh thời quá khứ của Rolling Stones và các đoạn video ghi cảnh ông thăm một số thành phố như Chicago, Nashville.
Thành danh cùng ban nhạc Rolling Stones và đã khẳng định được tên tuổi qua các dự án solo, song với Richards danh tiếng chưa bao giờ là mục tiêu của ông. Ông chia sẻ rằng mong muốn duy nhất, đam mê lớn nhất của bản thân là được chơi nhạc.
Đôi mắt của Richards sáng rực lên và miệng ông nở nụ cười tươi khi nói đến hoạt động trình diễn trên sân khấu. “Tôi luôn hứng khởi khi trình diễn trước khán giả. Tôi vẫn thường nói với Ronnie Wood (thành viên của Rolling Stones) rằng, khi ở trên sân khấu chúng ta có thể có được một chút yên bình, bởi không ai làm phiền chúng ta. Lúc đó, chúng tôi trở nên ‘bất khả xâm phạm’”.
Việt Lâm (Theo Stuff.co.nz)
Thể thao & Văn hóa

Keith Richards – Con ngựa già bất kham trên dốc đời sỏi đá


“Mọi người nói sao ông không từ bỏ? Tôi không nghĩ họ thực sự hiểu. Tôi không làm điều đó vì tiền, hay vì họ. Tôi làm vậy vì chính mình.” – Keith Richards
image
Năm nay Keith Richard bước qua tuổi thất thập cổ lai hi. Cuộc đời của Richards, ngoài The Rolling Stone cùng những ngón đàn guitar điêu luyện còn lại gắn liền với rượu, ma túy, thuốc lá và tình dục. Một kẻ lắm tài nhiều tật, với những câu chuyện kể, những tin đồn, những phán xét bất hư bất thực, những lần vào tù bất thành. 70 năm cuộc đời, Keith Richards như con ngựa già bất kham trên dốc đời sỏi đá. Hoàng Khôi
The Rolling Stone, một trong những band nhạc vĩ đại nhất vừa ăn mừng 50 năm thành lập bằng album Grrr! và một tour lưu diễn hoành tráng. 50 năm, một chặng đường dài kể từ buổi biểu diễn đầu tiên của nhóm diễn ra vào ngày 12.07.1962. The Beatles, từng được xem là đối thủ một thời của The Rolling Stone đã dừng lại từ rất lâu nhưng thời đại của The Rolling Stone vẫn chưa kết thúc. Những hòn đá vẫn cứ tiếp tục lăn, những âm thanh vang vọng trên sân khấu, bên dưới là hàng triệu khán giả cuồng nhiệt. Phía trên sân khấu những gã đàn ông từng được xem là cuồng loạn và nguy hiểm đối với thế hệ trẻ ngày nào với những mảnh áo quần lập dị giờ đã là những ông già với mái tóc bạc, khuôn mặt đầy nếp nhăn và làn da lấm tấm đồi mồi. Khán giả bên dưới những cô cậu thanh niên trẻ trung cuồng nhiệt máu lửa giờ cũng đã thành những người trung niên. Thời gian trôi đi, thời đại thay đổi nhưng linh hồn của The Rolling Stones vẫn còn đó, thứ âm nhạc đó vẫn khuấy đảo trái tim hàng triệu người hâm mộ.
image
Có lẽ những ngày thơ ấu khi mới tập tành với câu guitar mà mẹ tặng, Keith Richards đứa trẻ được sinh ra trong lúc chạy loạn, cũng không tin nổi có ngày những ngón đàn guitar của mình làm nên linh hồn của The Rolling Stones và trở nên bất hủ. Nhưng từ sớm lẽ sống của Keith Richards là âm nhạc. Một thiếu niên gàn dở phá phách được hiệu trưởng tốt bụng thương tình đưa đến học viện nghệ thuật, lí tưởng theo đuổi cũng chỉ có âm nhạc. Đến năm 70, Richards hài hước nói: “Tôi nhận ra cũng có vài thứ khác quan trọng như không khí, nước và thức ăn. Nhưng nhìn chung âm nhạc vẫn là điều tận hưởng thú vị nhất”.
Trong cuộc đời mình Richards theo đuổi âm nhạc và chỉ âm nhạc. Và nhiều ca khúc đã ra đời trong hoàn cảnh khá kì lạ. Có một câu chuyện về sự ra đời của ca khúc Satisfaction, ca khúc được xếp thứ 2 trong 500 ca khúc hay nhất mọi thời đại. Đoạn riff kinh điển trong đấy được Richards tạo nên trong một buổi sáng sớm trong phòng trọ ở Clearwater, Florida năm 1965. Nhiều năm đó Richards hồi tưởng lại “Khi tôi thức dậy, băng ghi âm đã hết” (Keith đặt một chiếc máy ghi âm ở đầu giường và ngủ cùng cây guitar) “Tôi đặt nó trở lại, và có lẽ đó là 30 giây đầu tiên của Satisfaction, trong không khí rất buồn ngủ, bất thình lình tiếng guitar vang lên “Clang” và sau đó 45 phút là âm thanh ngáy ngủ”. Ban đầu Mick Jagger cho rằng đó là một trò đùa nhưng Richards không hề bận tâm đến điều đó. Nhưng từ âm thanh đầu tiên đó, họ đã có đoạn riff kinh điển cho một bài hát kinh điển góp phần tạo nên thành công vang dội của The Rolling Stones cho đến sau này.
image
Mick Jagger và Keith Richards vốn dĩ là bạn học cùng trường, họ gặp nhau từ khi còn rất trẻ và tái hợp với nhau trong The Rolling Stones. Mick Jagger giữ vai trò cầm cương ban nhạc nhưng Keith Richards không phải là kẻ chịu chấp nhận cho người khác dẫn dắt. Jagger và Richard là hai thành viên cốt lõi của ban nhạc, chính những sáng tác của họ làm nên danh tiếng của nhóm. Bắt đầu từ năm 1983 Undercover ra đời, bộ đôi mâu thuẫn về cách mà ban nhạc phải đi, Jagger muốn Stones theo xu hướng hiện đại và Richards muốn họ giữ lại chất rock. Kết quả là, Undercover nhận được doanh số bán hàng tương đối thấp với những ý kiến phê bình khen chê phức tạp. Phát hành vào năm 1986, Dirty Work chịu một số phận tồi tệ hơn khi Jagger còn bận bịu với sự nghiệp solo non trẻ của mình. Khi Jagger quyết định rằng sẽ không thực hiện tour quảng bá cho Dirty Work, Richards đã quyết định tung ra bản solo của mình vào năm 1988 với tên gọi Talk Is Cheap. Album solo thứ hai của Jagger thất bại trong khi đó Talk Is Cheap được đánh giá tốt và đạt đĩa vàng. Cuối cùng Jagger và Richards chịu ngồi xuống bàn bạc và tái hợp vào cuối năm 1988. Điều thú vị là kể cả khi đầy những bất đồng như thế Keith Richards vẫn thừa nhận: “Tôi đã luôn luôn nghĩ rằng những bài hát được viết bởi hai người vẫn tốt hơn một. Bạn sẽ có được một góc độ khác về nó”.
image
Nhưng điều đó cũng không giúp cho tình bạn của Jagger và Richards mãi mãi bền chặt. Life, cuốn hồi kí của Keith Richard ra đời vào năm 2010 đã khiến Jagger tức giận vì một câu trong một đoạn văn. Jagger đã yêu cầu Richards xóa nó khỏi cuốn hồi ký. Và Richard dù đã từng bị bắt cùng Jagger, cùng nhau tạo nên một band nhạc lẫy lừng thế giới và một thứ âm nhạc đi vào lịch sử, rốt cuộc không hề nhượng bộ: “Nếu tôi rút câu đó ra, tôi phải rút hết toàn bộ cuốn hồi kí của mình”. Nhưng có lẽ chính điều đó đã làm nên cá tính độc đáo của ông, luôn luôn là một kẻ từ trước đến nay chỉ đi theo đường lối của mình.
Nhắc đến Keith Richards của The Rolling Stone người ta dễ dàng hình dung đến điều gì? Ngón đàn guitar lão luyện hiếm có, lối sống trụy lạc, chủ nghĩa khoái lạc, con người phóng túng như một con ngựa hoang dã không tài nào có thể thuần dưỡng. Keith Richards nổi tiếng về tài năng âm nhạc cùng với The Rolling Stones bao nhiêu thì cũng nổi tiếng với lối sống sa đọa cùng rượu, ma túy bấy nhiêu. Ông nhiều lần bị bắt vì liên quan đến chất kích thích. Tháng 2.1976, khi cảnh sát khám xét nhà riêng của ông và chất kích thích được tìm thấy trong túi áo khoác của bạn gái Jagger, ca sĩ Marianne Faithfull. Richards suýt bị kết án một năm tù giam. Và The Rolling Stone phải dừng lại một khoảng thời gian. Sau đó, Richard lại dính líu đến cảnh sát Canada vì ma túy.
Nữ diễn viên Anita Pallenberd, vốn dĩ được biết đến là bạn gái của Brian Jones, thành viên trong nhóm nhạc đã chuyển thành bạn gái của Keith Richards. Câu chuyện ầm ĩ trên mặt báo lúc bấy giờ và được lôi ra bàn tán trở lại sau khi Brian Jones chết. Keith Richard và Anita Pallenberg không chính thức kết hôn nhưng đã chung sống với nhau trong suốt 12 năm và có hai con. Sau đó Richard kết hôn ở tuổi 40 với và có 3 người con.
image
Người ta co thể cho rằng Keith Richards thật sự là tên quá mức phóng túng: “Lúc đầu thì không có nhiều những cô gái. Nhưng sau một bài hit, thế là rất nhiều cô gái quay quanh nhóm”. Tiêu chuẩn chọn phụ nữ của ông là gì? “ Tôi không có mẫu phụ nữ lý tưởng. Tôi đơn giản là yêu những người yêu tôi. Tôi chưa từng là gã trai thích những cô em tóc vàng hay đại loại vậy. Tôi thích tất cả.”  Nhưng vì sao phụ nữ sẵn sàng lên giường với Richard? “Luôn luôn có một điều khác từ phụ nữ rất có ý nghĩa đối với tôi. Họ tận tâm chăm sóc cho bạn. Bạn ôm họ suốt đêm và họ đem đến điểm tâm cho bạn vào buổi sáng. Những mẩu bánh mì ngon lành cùng với trứng chiên. Thật đáng yêu. Đó là những điều mà trước đây lẫn sau này khiến tôi cảm động. Bản thân tình dục không phải mọi thứ….”
Keith Richards của những năm 70 dĩ nhiên không còn phong độ như những tháng ngày trẻ trung nhưng không có nghĩa là Richards trở thành người có lối sống khiêm khen lành mạnh. Một con ngựa chiến đến cuối đời vẫn không mất đi bản tính hoang dã và ngông cuồng của nó. Nhưng dẫu sao, sau một cơn say dẫn đến súy mất mạng (không ai hiểu nổi Keith Richards đã say xỉn thế nào đến nỗi leo cây và bị té chấn thương não) ông cũng đã đi đến quyết định bỏ rượu và các chất kích thích: “Khi rơi xuống ý nghĩ lướt qua đầu tôi rằng mình phải từ bỏ thôi”.
Thật ra, người ta sẽ  không thể hình dung nổi The Rolling Stone sẽ như thế nào nếu không có Keith Richard. Nền âm nhạc thế giới sẽ như thế nào nếu không có những tiếng riff guitar của ông, những tiếng riff mà ngay cả những tay chuyên nghiệp cũng khó lòng cover nổi. Keith Richards một kẻ đầy tài năng, ông hoàng của dòng nhạc Rock&Roll, một trong những tay guitar vĩ đại nhất mọi thời đại.
image
Box: Năm 1963, The Rolling Stone được thành lập với Mick Jagger (giọng ca chính), Keith Richard (guitar), Brian Jones (guitar), Ian Stewart (piano), Dick Taylor (bass), Tony Chapman (trống). Năm 1962 là năm mà nhóm được hoài thai và đến 1963 Charlie Watts gia nhập nhóm, là năm chính thức bắt đầu của The Rolling Stones. Trong những ngày tháng đầu tiên không ai trong số bọn họ có thể hình dung được The Rolling Stones lại có ngày rạng danh trên toàn thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét