Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 104

(ĐC sưu tầm trên NET)

5 truyền thuyết bí ẩn về Vạn Lý Trường Thành

Vạn Lý Trường Thành được coi là công trình biểu tượng của quốc gia và văn hóa Trung Quốc. Nhiều câu chuyện và truyền thuyết thú vị về công trình này đã hình thành trong quá trình xây dựng và được truyền lại qua nhiều triều đại. Chính những truyền thuyết này đã thu hút nhiều du khách tới thăm quan tường thành dài nhất thế giới.

Những điều thú vị về kỳ quan Vạn Lý Trường Thành

1. Mạnh Khương Nữ tìm chồng

Đây là câu chuyện nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất trong số các truyền thuyết về Vạn Lý Trường Thành. Truyện diễn ra vào thời nhà Tần (221-206 trước Công nguyên). Phạm Hỷ Lương, chồng Mạnh Khương Nữ, bị triều đình bắt đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Đến mùa đông, nàng đan áo cho chồng và đã lặn lội tìm chồng để trao áo.
5 truyền thuyết bí ẩn về Vạn Lý Trường Thành
Tượng Mạnh Khương Nữ.
Mạnh Khương Nữ đã đi khắp theo chiều dài của Trường Thành, hỏi thăm nhiều người và cuối cùng nhận được hung tin chồng bị chết vùi thây dưới Trường Thành. Nàng đau buồn khóc lóc thảm thiết 3 ngày 3 đêm, nước hòa lẫn máu. Tiếng khóc của nàng vang xa 800 dặm Trường Thành, làm sụp đổ một khúc thành, để lộ xác chết của chồng mình. Nàng an táng cho chồng xong liền nhảy xuống biển tự vẫn. Ngày nay, tại quận Sơn Hải Quan, tỉnh Hà Bắc có miếu thờ Mạnh Khương Nữ. Câu chuyện này đã được kể lại trong sách vở, các bài hát dân gian và các vở kịch truyền thống. Hầu như người Trung Quốc nào cũng biết câu chuyện này.

2. Gia Dục quan

Truyền thuyết nổi tiếng nhất về Gia Dục quan kể về một người tên Yi Kaizhan vào thời nhà Minh (1368-1644), ông rất giỏi số học. Ông tính toán rằng họ sẽ cần 99.999 viên gạch để xây dựng Gia Dục quan. Người quản lý không tin ông và nói nếu ông tính sai dù chỉ một viên, công nhân sẽ phải lao động khổ sai trong ba năm.
5 truyền thuyết bí ẩn về Vạn Lý Trường Thành
Gia Dục quan trên Vạn Lý Trường Thành
Khi xây xong cửa ải, một viên gạch còn sót lại và người quản lý đã rất vui mừng, sẵn sàng trừng phạt họ. Tuy nhiên, Yi Kaizhan nói rằng viên gạch là do thần tiên đặt ở đó, chỉ cần dịch chuyển một chút cũng sẽ khiến tường thành sụp xuống. Vì vậy, viên gạch được để yên và ngày nay nó vẫn còn ở tòa tháp của Gia Dục quan. Một phiên bản khác lại kể rằng Yi Kaizhan đã tính ra chính xác số gạch cần dùng nhưng thêm vào một viên theo lời của người quản lý.

3. Truyền thuyết về đài Ly Sơn

Câu chuyện này diễn ra vào thời Tây Chu (1122-711 trước Công Nguyên). Vua Chu có hoàng hậu tên là Bao Tự, một mỹ nhân có nhan sắc tuyệt trần. Vua Chu rất sủng ái nàng, nhưng Bao Tự không bao giờ cười.
5 truyền thuyết bí ẩn về Vạn Lý Trường Thành
Hoàng hậu Bao Tự là một tuyệt sắc giai nhân
Một vị quan hiến kế rằng việc phóng hỏa đài Ly Sơn có thể khiến dân chúng hoảng sợ và làm hoàng hậu cười. Vua You thích ý tưởng đó. Dân chúng bị đánh lừa và hoàng hậu mỉm cười trước cảnh tượng hỗn loạn đó. Sau đó, khi quân địch xâm lược Tây Chu, vua Chu đốt tháp để cầu cứu nhưng các nước chư hầu không ai tới vì họ đã bị đánh lừa một lần. Nhà vua đã bị quân địch giết chết và Tây Chu sụp đổ.

4. Pháo đài Xifeng Kou (tạm dịch “Cuộc hội ngộ hạnh phúc”)

Lính canh Vạn Lý Trường Thành phải làm nhiệm vụ quanh năm. Điều đó khiến không chỉ bản thân họ mà gia đình và người thân của họ buồn phiền. Một người lính trẻ tới bảo vệ lãnh thổ phía bắc của Trung Quốc dọc Trường Thành đã nhiều năm và không được nghỉ phép. Anh chỉ có người cha già đang sống một mình tại quê hương.
5 truyền thuyết bí ẩn về Vạn Lý Trường Thành
Tượng lính đặt ở Vạn Lý Trường Thành
Người cha đã rất già và sợ rằng sẽ không bao giờ gặp lại con. Do đó, ông đã tới khu vực con trai làm nhiệm vụ để gặp con, có thể là lần cuối. Khi tới pháp đài, ông tình cờ gặp lại con mình. Anh cũng nhận ra ông, hai người ôm nhau vừa khóc vừa cười. Điều bất ngờ là cả hai đều chết ngay tại chỗ gặp gỡ. Để tưởng nhớ hai cha con, pháo đài nơi họ gặp nhau được đặt tên là Xifeng Kou (“Cuộc hội ngộ hạnh phúc”). Họ là đại diện cho hàng ngàn người lính và gia đình đã phải xa nhau.

5. Kim Đường

Cách Bắc Kinh 60 km về phía bắc, một đoạn Trường Thành được đặt tên là Huang Hua Cheng (tạm dịch “Hoàng Hoa Đài”, tức pháo đài hoa vàng) do vào mùa hè, toàn bộ khu vực phủ kín bởi hoa màu vàng. Hoàng Hoa Đài bắt đầu được xây dựng vào năm 1575 vào thời nhà Minh và do tướng Cai Kai phụ trách. Trương truyền, họ mất nhiều năm để hoàn tất đoạn Trường Thành này. Khi tướng Cai Kai về kinh thành báo cáo với hoàng đế, một số vị đại thần ghen ăn tức ở đã tâu với hoàng đế rằng tướng Cai Kai tiêu tốn quá nhiều tiền và chất lượng của đoạn thành rất tệ. Hoàng đế tức giận tới mức ra lệnh xử tử tướng Cai ngay lập tức.
5 truyền thuyết bí ẩn về Vạn Lý Trường Thành
Đoạn Hoàng Hoa Đài trên Trường Thành
Một thời gian sau, hoàng đế cử một người tin cẩn tới kiểm tra đoạn thành tướng Cai đã xây. Người đó trở về báo rằng đoạn Hoàng Hoa Đài rất vững chắc và được xây dựng công phu. Hối hận vì đã quá nóng vội gây ra cái chết của tướng Cai, hoàng đế cử người xây dựng lăng mộ và tượng đài để tưởng nhớ vị tướng trung thành. Hoàng đế cũng viết hai chữ "Jin Tang" (tạm dịch “Kim Đường” - nghĩa là vững chắc và bền bỉ) và lệnh cho người khắc lên một tảng đá lớn phía dưới chân thành. Do đó đoạn thành này còn được gọi là Kim Thành.
Cập nhật: 02/03/2015 Theo news.zing.vn

Vạn lý trường thành - huyền thoại và sự thật

Van ly truong thanh huyen thoai va su that
Đoạn Vạn lý trường thành cổ nằm hẩm hiu giữa cát sa mạc tại Long Cung miếu (ngoại ô Trung Vệ - Ninh Hạ) - Ảnh: Nguyễn Tập
Người Trung Quốc có câu: “Bất đáo trường thành phi hảo hán” (Chưa đến Vạn lý trường thành chưa phải là hảo hán). Đến Bắc Kinh tôi cũng bở hơi tai trèo lên Vạn lý trường thành để nhận được “cái bằng hảo hán” đem về hớn hở “khoe” với mấy đứa bạn. Nhưng...
Tôi khá “quê độ ”khi người bạn cười cười bảo: “Bát Đạt lãnh chỉ là một đọan trường thành“mới”, được xây từ thời nhà Minh (1368-1644) và hầu hết được phục chế lại bởi kĩ thuật hiện đại. Trường thành nguyên thủy ở xa lắm. Mày đến được đó mới là hảo hán!”…
Truy tìm dấu vết trường thành cổ
Vài ngày trước giờ xuất phát, tôi đọc được một thông tin: “Các chuyên gia Trung Quốc đã phát hiện ra một đoạn tường thành đổ nát, 30 tháp báo hiệu, hai thành quách vững chắc và hai tòa nhà phụ từ thời Hán (206 trước CN - 220 sau CN) được khai quật tại tỉnh Cam Túc.
Bắt đầu xây dựng khoảng giữa thế kỷ thứ 8 và thứ 5 trước Công nguyên. Đến đời Chiến Quốc (khoảng 2500 năm trước đây) Vạn lý trường thành được tiếp tục tu bổ để chống rợ Hung nô và các bộ lạc Tây Vực.
Sau đó, Tần Thủy Hoàng (năm 221 trước Công nguyên) cho xây dựng Trường thành trở nên một dãy liền lạc dài trên 5.000km trải dài đến sa mạc Gobi.
Đời nhà Minh (năm 1368 - năm 1644), vua Chu Nguyên Chương đã huy động trên 1 triệu nhân công tu bổ, xây lại Trường Thành từ năm 1386 đến năm 1530 mới xong.
Ngày nay, Trường thành dài khoảng 6.700km, xuất phát tại Gia Dụ Quan ở Cam Túc tới Sơn Hải Quan trên bờ Vịnh Bohai ở phía đông chạy qua Hồ Bắc, Thiên Tân, Bắc Kinh, Sơn Tây, Nội Mông, Ninh Hạ, Thiểm Tây, và Cam Túc.
Theo họ, từ thời Chiến quốc (475-211 trước CN), các phần của Vạn lý trường thành đã được tiến hành xây dựng ở tỉnh Cam Túc, Ninh Hạ. Câu chuyện “hảo hán” leo trường thành năm nào chợt bùng lên. Tôi chẳng muốn làm “hảo hán” nữa, nhưng sự tò mò về Vạn lý trường thành vẫn còn…
Theo sự hướng dẫn của dân địa phương, chúng tôi “mò” từ Lan Châu vượt khoảng 300km đến Trung Vệ thì trường thành gần như mất dấu. Hỏi nhiều người chẳng ai biết Trường thành nằm ở đâu.
Cuối cùng một ông già chủ tiệm ăn cho biết: “Ở Long Cung miếu, có một đoạn thành nhưng không biết có phải Vạn lý trường thành không. Mà mấy chú đến đó làm gì, chỉ là một đống đất thôi”. Long Cung miếu nằm ở ngoại ô Trung Vệ. Con đường vào đất cát, bụi bay mù mịt. Xa xa hai bên đường lèo tèo vài nóc nhà bằng đất nện…
Nếu không có tấm pano giới thiệu có lẽ tôi sẽ không biết cái bờ đất cao chừng ba mét, kéo dài vài cây số nằm lẫn giữa đất cát và những bụi cỏ dại này chính là Vạn lý trường thành (Về mặt tầm vóc và sự nổi tiếng có lẽ nó chỉ xếp sau Kim tự tháp ở Ai Cập).
Nói cho đúng, đoạn trường thành này cũng được “bảo vệ” bởi hàng kẽm gai và cái quầy bán vé nhưng chẳng có “ma” nào đến nên quầy bán vé cũng bỏ không.
Các nhà khoa học nước ngòai đã đến đây khảo sát và chứng minh những đoạn trường thành bằng đá hùng vĩ đều được làm từ thời Minh trở đi. Còn cái “đống đất hoang tàn” này là một trong những đọan trường thành “thật”, được làm từ thời Tần (cách đây hơn 2000 năm). Vì làm bằng phương pháp thủ công thô sơ (đóng cây xung quanh để làm “cốpha”, đổ đất bùn trộn rơm… vào rồi dùng đầm gỗ nén chặt) nên chỉ vài trăm năm, bức tường thành lại bị hư hoại theo thời gian và người dân lại tu sửa, tái tạo lại bằng cách đó.
Ngày ấy, bây giờ…
Van ly truong thanh huyen thoai va su that
Đoạn Vạn lý trường thành cổ nằm hẩm hiu giữa cát sa mạc tại Long Cung Miếu (ngoại ô Trung Vệ - tỉnh Ninh Hạ) - Ảnh: Nguyễn Tập
Tôi leo lên bức tường thành đã bị phong hóa bởi thời gian lặng im đứng nhìn ra xa. Quá khứ, hiện tại cứ xen lẫn vào nhau…
Hồi đó, Tần Thủy Hoàng nằm mơ thấy rợ Hung nô vượt biên giới qua xâm lăng đất Tần. Giật mình, tỉnh dậy ông ra lệnh cho quân dân đắp Vạn lí trường thành để ngăn chặn chúng. Thật ra, nhiều đọan trường thành đã được các nước Yên, Triệu, Ngụy xây cất từ thời trước, nhưng ông là người nối lại, kéo dài, củng cố thêm để thành một thành duy nhất dài mấy ngàn cây số.
Bây giờ, giữa trưa mà gió vẫn rít ào ào mang theo cái nóng ghê gớm của sa mạc. Xung quanh chẳng có ai ngòai cát, nắng, gió và... chúng tôi. Đứng một chút đã thấy khó chịu, vậy mà dưới cái nóng khắc nghiệt thế này, ba trăm ngàn chiến sĩ với rất nhiều dân đinh phải làm khổ sai quần quật từ năm này sang năm khác. Mùa đông buốt giá, hạ thì nóng như nung, hàng vạn người đã bỏ mạng.
Chuyện kể rằng, có nàng Mạnh Khương vượt mười ngàn dặm thăm chồng đang bị bắt xây trường thành. Đến nơi thì biết chồng đã chết vì đói. Xung quanh chỉ tòan là rừng núi và đá, không biết tìm xác chồng nơi đâu. Nàng tuyệt vọng khóc mấy ngày đêm cho đến tường thành cũng phải mủi lòng… sụp xuống (?!). Anh Kim Sơn, bạn đồng hành cùng tôi, lẳng lặng, chầm chậm đi quanh bức tường thành, bất giác anh cất giọng ngâm:
“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”
Đúng rồi! bài thơ Lương Châu Từ của Vương Hàn đời Đường đây mà. Trường phái Biên tái rất nổi tiếng thời Thịnh Đường qua các tác giả Lí Bạch, Đỗ Phủ, Đỗ Mục… chuyên viết về chinh chiến, quan ải, chia li. Hồi đó, trường thành được coi là biên giới của người Hán và rợ Hung Nô. Đi chinh chiến tức là vượt trường thành đi đánh giặc. Trường thành đã chứng kiến bao nhiêu người ra đi mà không trở về?
Cạnh ngay bức tường thành có một ụ đất ngang khoảng sáu mét cao mười mét. Không ai có thể nghĩ cái ụ đất “tầm thường” này lại chính là phong hỏa đài một phương thức truyền tin nhanh và hiệu quả nhất thời bấy giờ.
Khi có giặc, họ phát tín hiệu như đốt rơm hoặc phân súc vật trên tường thành để báo động có người lạ xâm nhập. Một cột khói đen có nghĩa là có một toán cướp tấn công bất ngờ, bốn cột khói nghĩa là có một vạn lính đang tiến vào thành. Tại phong hỏa đài (luôn có người trực) kế cận sẽ nhận ra và gởi quân đến tiếp viện hoặc tiếp tục báo về kinh đô để sẵn sàng ứng cứu.
Hẩm hiu trường thành cổ
Van ly truong thanh huyen thoai va su that
Phong hỏa Đài - hệ thống truyền tin tân tiến, hiệu quả nhất ngày nào bây giờ chỉ còn lại đống đất - Ảnh: Nguyễn Tập
Tôi đến nhà những người dân xung quanh để hỏi thêm về trường thành. Dân ở đây nghèo quá. Nhà bằng đất, trong nhà chỉ có mấy con dê là tài sản quí nhất. Vừa cho dê ăn, bà Hà Linh vừa nói: “Người ta nói bức tường thành được làm từ thời Tần nhưng thời gì cũng vậy vì nó không đem đến ngô, dê, sữa... cho chúng tôi”?!
Dẫu sao thì họ cũng chỉ than thở thôi, chứ những nông dân ở ngôi làng Biên Tương Hạo (Mông Cổ) còn đào hang tại một trong những đọan cổ nhất của Vạn lý trường thành xây từ đời Triệu (453-222 trước CN) làm vựa chứa ngũ cốc, chuồng gia súc. Thứ bùn khô của quá khứ đầy hào quang trở thành nguồn vật liệu qúi giá cho họ để… làm nhà!
Theo dấu trường thành cổ, từ Trung Vệ tôi đến cao nguyên Alashan thuộc Nội Mông. Đoạn Trường thành thất lạc nằm ẩn trong lớp cát sau nhiều thế kỷ này mới được phát hiện nằm ngay biên giới của tỉnh Ninh Hạ và Nội Mông có độ dài khoảng 80km, cao bảy mét (tính từ móng), và rộng sáu mét rưỡi. Tại đây, số phận của nó còn đáng buồn hơn. Một phần bị đập bỏ không thương tiếc để làm con đường xuyên tỉnh nối Nội Mông và Ninh Hạ. Phần còn lại chạy dọc theo sườn núi Hạ Lan cũng không có được “một hàng rào kẽm gai sơ sài để bảo vệ”.
Van ly truong thanh huyen thoai va su that
Đoạn trường thành bị đập phá tại biên giới tỉnh Ninh Hạ và Nội Mông - Ảnh: Nguyễn Tập
Ngoài sự xâm hại nặng nề của khí hậu và sự sa mạc hóa của Gobi, cách đây ba năm, ở Nội Mông, các nhà xây dựng đường cao tốc 110 chạy từ Đông Trung Quốc đến Tây Tạng đã phá một chòi gác 2.200 năm tuổi. Hiện nay, Quỹ Bảo tồn Bảo tàng thế giới đã liệt Vạn lí trường thành này vào danh sách đỏ "những khu vực có khả năng biến mất".
Chỉ 1/3 trong tổng số 6.350m chiều dài của Vạn Lý Trường Thành còn được giữ vững. 1/3 đang phải chịu những xâm hại tàn tệ nhất, còn 1/3 cuối cùng thì đã biến mất từ lâu. Tiếc thay, những di tích cổ xưa hiếm hoi còn sót lại ở những vùng này không được người ta xem trọng. Phải chăng chỉ vì nó không thể trở thành “máy kiếm tiền” như đọan trường thành Cư Dung quan, Bát Đạt Lãnh tại Bắc Kinh?
Bài, ảnh: NGUYỄN TẬP
Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ )
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét