Chuyển đến nội dung chính

Ca sĩ Quốc Đại

(ĐC sưu tầm trên NET)

Quốc Đại: 'Xíu nữa thôi tôi đã là anh thợ may'

Đăng Bởi -
Quoc dai

Một câu chuyện thật nhẹ nhàng về chàng ca sĩ khởi đầu bằng dòng nhạc cách mạng nhưng lại được yêu thích ở dòng nhạc trữ tình- quê hương.

1. Nhà tôi ở khuất trong một con hẻm nhỏ của Sài Gòn. Nắng từ trời rớt xuống, xiên qua lổ thủng của những mái hiên, làm thành thứ hoa nắng sáng lòa trong kí ức. Sài Gòn ngày xưa chưa có “bê tông hóa” như bây giờ, con hẻm tôi ở, đường ra vô còn là đường đất. Đường đất thì mềm, soi lô bắn bi, đào lỗ đánh đáu … vô tư; nhỏ con gái nhảy dây lỡ té, thằng con trai chơi bắt cướp bị trượt chân, … cũng đỡ đau, đỡ khóc và đỡ bị ba mẹ la rầy. Con hẻm ngắn, rộng chừng hai sải tay, tôi len lén bỏ dép, nghe hơi đất ẩm sương thấm vào từng bước chân mát rượi. Tiếc rằng ngày xưa còn nhỏ quá, đâu có biết đất dưới chân cũng có một tâm hồn.
Ba sáng sớm đã cắp cặp đi làm, mùi hương gia đình còn ấm nồng trên áo. Mẹ tất tả lo cho 4 chị em, giặt đồ đầu này, nấu ăn chỗ kia, … những công việc không tên ngốn hết thời gian của mẹ. Nhà không khá giả gì, nên ngoài nội trợ, mẹ bàn với ba nhận thêm nhiều việc khác. Có thời, nhà tôi nhận giữ xe trên đường Lê Lợi. Tối đến, bên ánh đèn măng - sông tăng cường, ba mẹ, với mấy chị em cặm cụi ngồi cắt giấy, dán thẻ. Tôi mới bảy, tám tuổi đầu cũng lăng xăng ghi ghi, dán dán. Mẹ mua bột năng, một phần nấu thành hồ dán, một phần bỏ đường vô khuấy lên thành thứ đồ ăn chơi ngòn ngọt, mà anh em tôi rất thích. Thuở nhỏ xíu, nhà lại nghèo đâu có bánh trái gì cho cam, nên thứ bột dính dính, thơm thơm, ăn vào thấy là lạ, ngon ngon đeo đuổi tôi cho đến tận bây giờ. Món ăn tôi không biết gọi tên, chỉ có vị là nhớ mãi. Lại nhớ cái thuở mẹ nhận hàng jean về may gia công để kiếm thêm, chị em tôi đi học về là thay đồ chạy ra cắt chỉ, xếp hàng giúp mẹ. Ba đi làm về, cơm nước xong xuôi cũng tham gia cùng. Bụi vải xông kín mũi, mẹ vừa ho gạt bụi vừa... đuổi tôi đi vì… “để em nó hít bụi, bịnh bây giờ”. Tới giờ ngủ, mẹ sai chị lùa mấy đứa em lên giường. Khuya hanh hao, giấc ngủ không tròn, tôi trở mình ngó ra nhà trước thấy ba mẹ cặm cụi tay đung đưa cắt chỉ, cả hai như bất động, chỉ có tiếng thầm thì len lỏi vào đêm.
Tôi hát hay từ nhỏ. Một mình tôi thường đi bộ ra rạp Quốc Thanh cũ, rạp Lao Động mà giờ đang bỏ hoang để coi cải lương. Coi đúng giờ ngủ là chạy về, biếng cả ăn chơi cùng bạn bè. Biết tôi mê, khi hết lớp năm, nghỉ hè ba mẹ đồng ý cho tôi theo học cải lương. Học kỳ 1 năm lớp 6 tôi từ một học sinh giỏi bị rớt xuống trung bình. Ba mẹ đoán rằng chắc tại tôi mê học cải lương quá mà bỏ bê học chính khóa, nên cho nghỉ. Ba mẹ kêu nghỉ thì tôi nghỉ, chứ nhỏ quá mà, biết gì đâu mà cãi. Cuối năm ấy, tôi lại được học sinh giỏi. Mẹ ngó tôi cười cười: “Hiểu hàng rồi ha”, tôi cũng cười “he he”, thầm nghĩ “tại mình mê học nhạc nên học dở”… mà đâu có biết sau này xướng ca nó trở thành cái nghiệp. Đã là nghiệp thì rũ mãi cũng khó mà buông…
2. Lớn lên xíu nữa, tôi ước làm thợ may. Bác ruột tôi là thợ may vest có tiếng cũng ở cùng con hẻm. Bác thương tôi lắm, hay kêu qua nhà để … “ăn chực”. Bác may vest vừa khéo, khách quen rất nhiều, nhìn bác nhíu mày, hai ngón tay thuôn thuôn dài cặp viên phấn vạch vạch, đo đo, tôi không khỏi ước ao sau này mình cũng kế thừa cái nghề của bác. Nhưng tiếc thay, vài năm sau gia đình bác ra nước ngoài định cư, tôi còn quá nhỏ, bác lại không có đệ tử nên tiệm may bỏ luôn từ đó. Tôi nung nấu ước mơ thơ dại ấy cho đến lớn. Mấy năm phổ thông, trường có cho học nghề vào chương trình học ngoại khóa. Tôi đăng kí học may, cả lớp không có đứa nào đăng ký chung nghề, kể cả tụi con gái. Mấy thằng bạn cứ ôm vai, bá cổ chọc quê. Mà tôi đâu thấy quê gì đâu, tôi học may vì tôi muốn thành thợ may thật mà, với lại nhà tôi cũng có máy may nữa. Nhưng có một mình lủi thủi đi học cũng không được, vậy là tôi đăng kí học cơ khí. Nhân chuyện này, tôi lại nhớ về mẹ tôi. Lần đó, tôi gom mớ nhựa thông vụn trong lớp học, định bụng nấu chảy ra rồi đông thành một khối để thử que hàn. Tôi đốt lửa trên bếp dầu, bỏ nhựa thông vô cái chén sứ để lên nấu. Bếp dầu có chỗ thông hơi ngay nơi phun lửa, mà tôi đặt cái chén bít luôn chỗ đó, nên mấy phút sau thì cái lò phát nổ, chén nhựa thông hắt hết vào tay tôi. Tôi hét lên trong vô thức: “Mẹ ơi, cứu con”… Mở mắt ra đã thấy tay mẹ mát rượi áp lên má. Kể từ đó, mỗi lúc khó khăn ập đến dồn dập tôi hay nhủ thầm: “Mẹ ơi…”
Xong phổ thông tôi lại mơ học ngoại ngữ. Tôi thi vào trường Đại học Tổng hợp cũ, mà nay tách ra thành Nhân văn và Tự nhiên. Tôi rớt ngon ơ à. Ba mẹ cũng không trách, gần một năm “chơi không” đó tôi đi học ôn. Đang buồn buồn nên tôi đăng kí học thanh nhạc ở Trung tâm văn hóa quận nhất, thầy dạy tôi là thầy Trung Khánh. Một hôm mưa tầm tã, tôi đội áo mưa đến trung tâm, không thấy ai, không thấy thầy. Tôi gọi điện về nhà thầy, nói: “Thầy ơi, con đến lớp rồi mà không có ai”, thầy dặn: “Đợi đó, thầy lên liền”. Từ đó, hễ mỗi khi trời mưa to, gió dữ là cả trung tâm chỉ có hai thầy trò luyện thanh giữa màn mưa đang thét gào ầm ĩ. Sau này tôi mới biết, lớp có lệ mỗi khi mưa to học trò và thầy sẽ tự nghỉ. Tôi hỏi thầy tại sao vẫn đội mưa chỉ để dạy một mình tôi, thầy cười bảo: “Con thích học thì thầy dạy thôi”. Thầy của tôi là vậy, cứ lẳng lặng làm mà không cần ai phải biết đến. Tính bền bỉ của tôi chắc cũng nhờ thầy mà ra.
Quoc dai
  Say mê cải lương từ nhỏ nên Quốc Đại hát dân ca cũng không kém mượt mà. Ảnh: Dương Hoàng Sơn
3. Năm sau tôi thi đậu khoa Ngữ văn Anh trường đại học Tổng hợp. Học được mấy tháng, trường tổ chức cuộc thi “Tiếng hát sinh viên Tổng hợp”, tôi lơ ngơ đăng kí dự thi, ai dè được giải nhất. Vài tháng sau, tôi đăng kí thi Tiếng hát truyền hình, được giải khuyến khích. Rồi ham đi hát quá, nghỉ học luôn. Mẹ biết được, buồn so, nhưng mà ba nói: “Con lớn rồi, làm gì thì làm, miễn là phải theo cho tới cùng, và biết tự đứng dậy khi vấp ngã, biết tự chịu trách nhiệm cho bản thân”. Như được “hậu thuẫn” tôi theo nghề hát luôn, bụng bảo dạ: “Ngoại ngữ mà, tự học cũng được”. Nhưng rồi có học đâu, mê hát quá, chạy show liên miên cho đến tận bây giờ. Nghĩ lại cũng tiếc, phải chi mình ráng vừa hát vừa học để lấy cái bằng thì giờ coi như mọi sự đã vẹn tròn. Nhưng mà, cuộc sống, mấy ai được tròn vẹn bao giờ đâu. Có rất nhiều người trên thế gian này hao khuyết nhưng rất đẹp, họ đẹp vì hao khuyết…
Kể ra đời tôi cũng may mắn, vì tôi đã đến với dân ca. Thứ âm nhạc mộc mạc mà lay động lòng người. Tôi tự nhận mình không thể kiếm tiền được nhiều như đồng nghiệp, nhưng dân ca mang lại cho tôi thứ tình yêu bền bỉ. Sống với nghề, và không cảm thấy mệt mỏi với nó, chẳng phải là quá hạnh phúc hay sao. Mà đời tôi êm êm chắc bởi dân ca rất hiền. Người ta hay đùa, nhìn tôi khờ quá, “chắc tại vì thằng Đại nó hát dân ca”. Thấy vui vui, không phải vì người ta “khen” … khờ, mà bởi dân ca hiền thật. Dân ca như con mương, con rạch, chảy êm êm, quanh năm chỉ một mùa xanh mát; như chiếc lá, con chim se sẻ, sống chết gì cũng hiền queo. Nhạc dân ca có giận, có thương, mà giận thương gì cũng hiền khô, như chị Hai chịu cảnh “ru lại câu hò”, như anh thấy “tóc em bay bay trong chiều chiều gợi bao nỗi nhớ” … có nhiêu đó thôi mà thương nhau… Nghĩ lại, thấy đời tôi cũng như bản dân ca, nhẹ không…
Quoc dai
  Quốc Đại trong Chuyện tình lá diêu bông sắp được công diễn
Quốc Đại trong Chuyện tình lá diêu bông
Ngoài giọng hát ngọt ngào trời phú, Quốc Đại còn tiếp tục thử sức mình trên sân khấu kịch. Ngày 29.3 tới đây, tại sân khấu 5B, Quốc Đại vào vai chàng ca sĩ nghèo, em trai nghệ sĩ Tú Sương trong vở kịch Tình lá diêu bông do NSUT Hữu Quốc dàn dựng. Tình lá diêu bông nói về Thương – cô gái thôn quê sớm mất cha mẹ, phải tảo tần buôn bán, hy sinh gần nửa đời người để nuôi 3 đứa em ăn học. Diễn xuất trong trẻo, chân thật của Quốc Đại trong Tình lá diêu bông chiếm được nhiều thiện cảm của khán giả. Trong một vài lớp diễn, Quốc Đại đã khiến khán giả rơi nước mắt, và chính anh cũng khóc thật với cảm xúc của nhân vật. Hy vọng vai diễn lần này là bước rẽ mới cho chàng ca sĩ mê đắm dân ca. 
Hồ Ngọc Giàu (ANTG)

Ca sĩ Quốc Đại: Từng phải lòng một cô gái miền Tây

Ca sĩ Quốc Đại: Từng phải lòng một cô gái miền Tây
 

GiadinhNet - Trò chuyện với chúng tôi, Quốc Đại tiết lộ rằng anh từng "cảm nắng" một cô gái miền Tây.

Cho đến giờ, giọng nói ấy, nụ cười ấy, cử chỉ ấy… vẫn khiến anh xao xuyến mỗi khi nghĩ lại.
Ngại lên báo nói những điều sáo rỗng

Anh sắp ra mắt album Vol.6, được ấp ủ trong thời gian khá dài?

- Album này chúng tôi ấp ủ khá lâu nay, gồm 12 ca khúc, đa số là các bài hát thuộc dòng nhạc dân ca - trữ tình mới. Trong số đó, có 6 ca khúc được thể hiện dưới dạng Bonus Karaoke và một ca khúc tôi song ca cùng chị Cẩm Ly. Những bài hát góp mặt trong album lần này cũng là những sáng tác mới của một số nhạc sĩ tên tuổi như: Minh Vy, Đinh Trầm Ca, Tô Thanh Sơn… Chủ đề của album là Cô gái miền Tây -là tên của một ca khúc do nhạc sĩ Minh Vy mới sáng tác dành riêng cho Quốc Đại và đây cũng là bài hát mà tôi thích nhất trong album này.

Bao năm qua anh vẫn trung thành với một dòng nhạc, ngay cả khi đã là người nhà của Kim Lợi. Anh sợ sự thay đổi hay vì Kim Lợi không tạo điều kiện cho anh thay đổi?

-Một khi đã định hình thành một phong cách và giọng ca cũng chỉ phù hợp với dòng nhạc đó thì dại gì thay đổi. Và có lẽ thấy được điều đó nên Kim Lợi cũng luôn tạo điều kiện cho tôi đi theo con đường sở trường của mình. Tất nhiên, thay đổi để làm mới mình thì ai cũng muốn. Nhưng cho đến thời điểm này, cả tôi và Kim Lợi đều chưa tính đến một ngã rẽ khác nhưng biết đâu được trong tương lai sẽ có một sự thay đổi nào đó. Tôi luôn tin vào Kim Lợi bởi họ lúc nào cũng có cái nhìn đúng đắn về thị trường, về giọng hát, về khả năng của tôi.

Anh đặt kỳ vọng gì vào album này?

-Phải nói, đây là album tôi rất thích, vì nó toàn những ca khúc mới. Tôi hy vọng là qua những ca khúc mới này, người yêu nhạc sẽ nhớ đến tôi hơn.
Ca sĩ Quốc Đại

Gần 5 năm nay vẫn là "lính phòng không"

Nghe nói có cô gái miền Tây nào đó là người mà anh thương nhớ?

- Tôi đã từng đi biểu diễn ở miền Tây khá nhiều, người dân miền Tây cũng dành cho tôi nhiều tình cảm hơn những nơi khác mà tôi đã từng đặt chân đến. Hơn nữa, phải thú nhận một điều là con gái miền Tây rất dễ thương, có nét hấp dẫn rất riêng. Tôi đã từng "phải lòng" một cô gái miền Tây.
Đó là vào năm 2004, trong một lần tôi tham gia chiến dịch Mùa hè xanh dài ngày ở  Bến Tre. Đợt đó, chúng tôi đi cùng sinh viên của các trường khác nữa. Cũng giống như các sinh viên, đội văn nghệ chúng tôi phải lưu trú trong nhà dân. Nhà tôi ở có một cô gái tên Hoa, nấu ăn rất ngon, hát vọng cổ rất hay và rất thích hát. Hoa rất dễ thương, thân thiện, đối đãi với mọi người rất chân tình. Thời điểm đó, không chỉ tôi mà một số thành viên khác trong đội văn nghệ đã rất thích cô bé này.

Chẳng lẽ tất cả chỉ dừng ở "thích" thôi?

- (Cười). Tại ở thời điểm đó, tôi đang có người yêu nên không thể "thích" nhiều hơn được. Nhiều lúc, cứ ước trong lòng là giá như mình gặp Hoa sớm hơn. Thế rồi khi về thành phố chúng tôi bị mất liên lạc hẳn. Tuy nhiên, giọng nói ấy, nụ cười ấy, cử chỉ ấy… cho đến bây giờ vẫn khiến tôi cảm thấy xao xuyến mỗi khi nghĩ lại.

Tiết lộ chuyện "ngoài luồng" này anh không sợ người yêu hiện tại của anh ghen?

-Thật buồn vì chuyện tình của chúng tôi đã không khi đến hồi kết có hậu. Từ giữa năm 2005 cho đến nay, tôi vẫn là "lính phòng không". Dường như tôi khá hợp với cảnh sống này, bởi nó mang lại cho tôi sự tự do, thoải mái. Tôi có nhiều thời gian hơn để chuyên tâm cho âm nhạc, làm những việc mình thích.

Là người trầm tính, nội tâm lại chỉ chuyên hát dòng nhạc trữ tình - nhạc sến. Anh có cảm thấy tâm hồn mình lúc nào cũng mềm ướt như những ca khúc do mình thể hiện?

- Tôi thừa nhận ai theo nghệ thuật cũng đều mang trong mình một tâm hồn nhạy cảm. Nhạy cảm khác với mềm yếu, ướt át theo kiểu ủy mị. Tôi không thuộc dạng người quá ướt át, ủy mị nhưng cũng không phải là người khô khan. Nhiều người thấy tôi ít nói, hay rụt rè trước đám đông nên nghĩ tôi như  "con gái". Nhưng thật sự thì những người sống nội tâm thường có một nghị lực khá mạnh mẽ.

Những người như anh thường như thế nào khi đối diện với cú sốc tình cảm?

- Thời gian đầu chia tay người yêu tôi cũng buồn rất nhiều. Tình yêu đâu dễ gì có và cũng đâu phải một ngày, hai ngày là có thể vun đắp, nên khi mất nó thì cũng tiếc nuối, cũng xót xa chứ. Nhưng tôi không yếu mềm đến mức bị khủng hoảng tinh thần hoặc bị sốc nặng như trong phim Hàn Quốc đâu. Tôi vốn dĩ cũng là người khá lạc quan, nên những khi buồn tôi thường tìm đến những người bạn của mình để trút bầu tâm sự hoặc đi du lịch đâu đó.
Rất thích món lẩu nấm do Cẩm Ly nấu

Rất ít khi xuất hiện trên báo chí, trong các sự kiện mặc dù anh là một ca sĩ còn khá trẻ. Phải chăng vì Cẩm Ly không tham gia nên anh cũng ngại xuất hiện một mình?

- Đúng là tôi rất ít khi xuất hiện trên báo chí, trong các chương trình, sự kiện này nọ… là do tính tôi cũng hơi nhút nhát, không thích sự ồn ào. Còn trên báo chí thì xưa nay tôi vẫn giữ thói quen là có gì mới thì mới lên báo chứ lên báo mà chỉ nói những điều đã cũ thì tôi không thích chút nào. Tôi thích người ta nhớ đến mình sau khi đọc một bài báo, nghe một bài hát chứ không phải là những scandal hoặc những điều sáo rỗng.

Là người nhà lại từng song ca và biểu diễn chung trên một sân khấu rất nhiều lần với Cẩm Ly, anh cảm nhận như thế nào về ca sĩ này?

- Nhiều người bảo với tôi là Cẩm Ly khó gần, còn với tôi thì Cẩm Ly cũng ít nói và sống nội tâm giống mình. Khi làm việc, Cẩm Ly là người nghiêm túc, đòi hỏi cao trong công việc nhưng sau giờ làm việc, khi trở về cuộc sống đời thường Cẩm Ly rất vui vẻ, đôi lúc còn nhí nhảnh nữa. Đặc biệt, chị Ly nấu ăn khá ngon.

Tôi được ăn ké nhà chị Ly anh Minh rất nhiều lần, không thể nhớ nổi. Mỗi lần "phát minh" hay "sáng chế" ra món ăn nào mới là vợ chồng anh chị ấy lại "hú" tôi qua nếm thử. Hầu hết các món chị Ly nấu đều ngon nên món nào tôi cũng "nghiền" hết.

Có khi nào anh thấy chán vì song ca với một người lớn tuổi hơn mình?

- Không. Tại vì khi vào hát, tôi không còn là Quốc Đại và chị Ly không còn là Cẩm Ly nữa. Khi đó chúng tôi là nhân vật trong bài hát. Ngoài đời, dù Cẩm Ly đã là bà mẹ có hai đứa con nhưng chị ấy vẫn còn rất trẻ trung. Hai chị em hát với nhau khá cân xứng và hòa hợp.

Anh có mong ước sau này sẽ lấy được một người vợ như Cẩm Ly?

- Điều này quả thật tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng nếu được thì tôi vẫn mong lấy được một cô gái nấu ăn ngon như chị ấy và giống Cẩm Ly ở nhiều điểm khác nữa (cười).
"Đó cũng là lý do khiến tôi như thấy mình, thấy Hoa khi anh Minh Vy đưa Cô gái miền Tây cho tôi hát thử. Lời và giai điệu của bài hát rất ngọt ngào, sâu lắng, đậm chất miệt vườn và sông nước miền Tây quê tôi. Bài hát không quá buồn như bài “Anh về miền Tây”, cũng không quá ủy mị như những ca khúc viết về sự chia xa, mà nó tạo cho người hát lẫn người nghe một cảm giác rất thoải mái, nhẹ nhàng, gần gũi" -  ca sĩ Quốc Đại chia sẻ.

Hà Tùng Long
Quốc Đại: "Hi sinh là đức tính đẹp nhất của phụ nữ Việt"

Quốc Đại: "Hi sinh là đức tính đẹp nhất của phụ nữ Việt"

Quốc Đại chia sẻ: “Phụ nữ thành đạt bên ngoài xã hội nhưng khi bước qua cánh cửa nhà vẫn hết lòng chăm lo cho gia đình và thậm chí còn quên lo cho chính mình".
Pia
21.11.2015
Quốc Đại là nam ca sĩ chuyên "trị" các thể loại dân ca, trữ tình và nhạc Cách mạng. Anh sở hữu giọng hát mềm mại, ngọt ngào song lại không có ngoại hình "bắt mắt" như các ca sĩ dòng nhạc trẻ.

Quốc Đại từng song ca nhiều ca khúc nổi tiếng cùng đàn chị Cẩm Ly.
Gây được tiếng vang từ cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM với dòng nhạc kén người nghe, đến nay Quốc Đại đã có những thành công đáng nể. Đặc biệt là sau chiến thắng thuyết phục của anh cùng NSƯT Tú Sương, diễn viên Thụy Mười trong chương trình truyền hình đình đám, đã ghi được dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả hâm mộ.
Luôn làm mới mình bằng những chuyến lưu diễn, Quốc Đại chia sẻ thêm, chính nhờ những chuyến đi làm anh gần hơn với người hâm mộ khắp nơi. Đi nhiều, trải nghiệm nhiều cũng đem lại cho nam ca sĩ vô vàn những cảm hứng mới, bớt nhàm chán hơn trong nghệ thuật.

Quốc Đại luôn làm mới cảm xúc qua những chuyến đi.
Với vai trò ca sĩ khách mời trong không gian lãng mạn của Màu thời gian với chủ đề Tình yêu quê hương, Quốc Đại đã mang đến cho chương trình những ca khúc trữ tình như Xa quê, Bóng hồng Việt Nam, Ai nhớ chăng ai, Đêm tâm sự…mà anh tâm đắc nhất.

Những ca khúc ngọt ngào lãng mạn về quê hương sẽ được Quốc Đại thể hiện trong Màu thời gian.
Tuy không có ngoại hình bắt mắt như các thế hệ ca sĩ trẻ hiện nay nhưng Quốc Đại vẫn đốn tim người hâm mộ với những bản nhạc trữ tình đằm thắm, mềm mại mà không kém phần sâu lắng.
Với cảm hứng từ chiếc áo dài của phụ nữ Việt, Quốc Đại chia sẻ: “Quốc Đại cực kì thích mái tóc đen óng và tà áo dài duyên dáng phụ nữ Việt. Mỗi khi họ khoác lên mình chiếc áo dài ắt sẽ toát ra vẻ đẹp Á Đông rạng ngời thu hút bất cứ ai”.
Trò chuyện cùng MC Thanh Tùng, cả hai đồng tình cho rằng đức tính hi sinh chính là điều đặc biệt tạo ra vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua mọi thời kì. Quốc Đại trải lòng: “Phụ nữ thành đạt bên ngoài xã hội nhưng khi bước qua cánh cửa nhà, họ vẫn hết lòng chăm lo cho gia đình, người thân và thậm chí còn quên lo cho chính mình. Như vậy tại sao không đáng khen, không đáng ngưỡng mộ?”

Vợ chồng Cẩm Ly hết lòng hỗ trợ Quốc Đại

Dù đã hết hợp đồng độc quyền, chồng Cẩm Ly vẫn làm một CD song ca cho vợ và 'đàn em'.
    Đạo diễn Hữu Minh chia sẻ, anh và Cẩm Ly có khá nhiều điểm tương đồng, mà một trong số đó là sự nhạy cảm trong âm nhạc. Cách đây vài năm, hai vợ chồng đang xem truyền hình thì cùng để ý đến một giọng ca trẻ là ca sĩ Quốc Đại. Thời đó, Quốc Đại từng đoạt giải tại cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP HCM và đã sinh hoạt văn nghệ tại nhiều câu lạc bộ ở Sài Gòn, nhưng "duyên nghề" chưa đến nên vẫn không nổi tiếng. 
    Quốc Đại chuyên hát thể loại dân ca, trữ tình và nhạc Cách Mạng. Anh sở hữu giọng hát mềm mại, ngọt ngào song lại không có ngoại hình "bắt mắt" như các ca sĩ chuyên hát nhạc trẻ. Thế nhưng, cả đạo diễn Hữu Minh và Cẩm Ly đều không mảy may quan tâm đến vẻ ngoài của chàng ca sĩ này, mà bị "hạ gục" bởi chính giọng ca đầy cảm xúc. 
    1-4376-1382684782.jpg
    Vợ chồng Cẩm Ly hết lòng hỗ trợ Quốc Đại (giữa).
    Một thời gian sau, Hữu Minh thủ thỉ với Cẩm Ly: "Anh đưa Quốc Đại về công ty nha", vợ anh liền trả lời: "Em cũng đang định nói với anh điều này". Khi Hữu Minh ngỏ lời mời Quốc Đại về trung tâm Kim Lợi, chính ca sĩ này cũng bị... sốc, bởi thời điểm đó không dễ gì lọt vào "mắt xanh" của ông chủ hãng đĩa danh tiếng. Quốc Đại xin phép vợ chồng Hữu Minh - Cẩm Ly cho suy nghĩ vài ngày, không phải vì sợ sệt hay e ngại mà vì anh vẫn chưa hết sốc khi nhận được lời mời bất ngờ này.
    Khi Quốc Đại chính thức trở thành "gà" của trung tâm, đạo diễn Hữu Minh xây dựng cho anh và Cẩm Ly thành một "cặp". Nếu ở mảng nhạc trẻ, Cẩm Ly - Đan Trường là song ca đình đám, thì ở mảng dân ca khó ai qua được Cẩm Ly - Quốc Đại. Sau vài năm, không chỉ có những album đơn, Quốc Đại còn ra nhiều sản phẩm chung với Cẩm Ly, đều được tiêu thụ với số lượng lớn. Trong tất cả show diễn lớn nhỏ của đàn chị, Quốc Đại đều được góp mặt.
    Ông xã Cẩm Ly chia sẻ, điều anh thương Quốc Đại nhất là luôn "biết mình biết ta", không bao giờ đòi hỏi. Hàng tháng, Quốc Đại chỉ cần thu nhập khoảng 20 triệu, trong đó dành một nửa làm từ thiện. Thời điểm này, Quốc Đại đã hết hợp đồng độc quyền với trung tâm, Hữu Minh quyết định để anh tự do "bay nhảy". Thế nhưng, nam ca sĩ xin được ở lại vì vẫn còn đặt sự tin tưởng tuyệt đối vào vợ chồng Hữu Minh - Cẩm Ly.
    2-2498-1382684782.jpg
    Album mới nhất của Cẩm Ly - Quốc Đại là 'Tình khúc dân ca Minh Vy - Người tình quê', gồm toàn sáng tác của ông xã Cẩm Ly.
    Hết lòng hỗ trợ đàn em, Hữu Minh sáng tác tiếp loạt dân ca - trữ tình để làm một album chung cho Quốc Đại - Cẩm Ly. Album Người tình quê gồm 10 ca khúc của nhạc sĩ Minh Vy (nghệ danh khác của Hữu Minh) đã gần như hoàn tất, sẽ chính thức phát hành trong đợt liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát của Cẩm Ly - Minh Tuyết. Album với những bài hát có cái tên mộc mạc, giản dị như: Cô Tư bánh tét, Nhớ ai, Cha già... được Quốc Đại và Cẩm Ly lần lượt hát đơn lẫn song ca. 
    Hàn Quốc Việt

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    MIỀN TÂY HOANG DẠI

    MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/153

    VẪN THẾ MÀ!