Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

HÁT NỮA ĐI, ĐỜI ! 5

(ĐC sưu tầm trên NET)



Nhọc nhằn phận lao động nước ngoài tại các nông trại Hàn Quốc

Quỳnh My, Theo Channel News Asia


ANTĐ - “Tôi không muốn, tôi sẽ không bao giờ trở lại đó”, Tina, 23 tuổi, một người Campuchia tâm sự sau khi thường xuyên bị chủ trang trại trồng nấm người Hàn Quốc đánh đập, lạm dụng. Dù Chính phủ Hàn Quốc thường xuyên kiểm tra 3.000 - 4.000 doanh nghiệp có thuê lao động nước ngoài mỗi năm nhưng thực tế, rất ít trường hợp sai phạm bị xử lý.
Cực khổ, thậm chí bị ngược đãi

Tina giữ một đoạn băng ghi âm tố cáo ông chủ người Hàn Quốc xúc phạm, đánh đập cô tại một trang trại trồng nấm ở Cheongju, phía Nam Seoul. Cô đã phải tìm đến một trung tâm bảo trợ xã hội chuyên giúp đỡ lao động xuất khẩu, sau khi bị ông chủ đuổi việc và không cho cô mang theo bất kỳ vật dụng nào. “Tôi không biết phải làm gì. Tôi không biết có nên làm đơn khiếu kiện hay không” - Tina nói. “Tôi sang Hàn Quốc làm thuê vì gia đình nghèo. Ở quê, tôi thấy nhiều người đã sang Hàn Quốc làm thuê và có thể kiếm được rất nhiều tiền” - Tina kể với Channel News Asia.

Tương tự, đối với Lee, một người Campuchia 23 tuổi khác, quãng thời gian làm thuê ở trang trại nhân sâm “thật là kinh khủng”. “Tôi phải trốn chạy cái địa ngục đó. Họ vi phạm quyền của người lao động, không tôn trọng hợp đồng lao động. Họ không quan tâm đến cuộc sống cực khổ của chúng tôi. Bất cứ khi nào chúng tôi yêu cầu được tăng lương, người chủ  chỉ biết hứa, nhưng thực tế chưa bao giờ thực hiện” - Lee nhớ lại. May mắn, sau đó, Lee được tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội và Tổ chức nhân quyền Khmer giúp đỡ và đưa anh ra khỏi trang trại đó.


Nhiều lao động nông nghiệp chỉ được trả lương bằng 60% so với lao động công nghiệp

Luật sư Kim Yi-chan người Hàn Quốc rất bức xúc về tình trạng ngược đãi, lạm dụng người lao động nhập cư, đặc biệt trong nông nghiệp: “Nơi ở dành cho người lao động, đặc biệt là lao động nông nghiệp rất khó sống. Một số người phải sống trong nhà kính container mà không có khu vệ sinh hay phòng tắm. Mùa hè nóng bức, mùa đông lạnh giá. Một số khu nhà trọ không có khóa và rất tối”. “Theo quan điểm của tôi, lao động nông nghiệp phải làm việc rất nhiều, nhưng họ được trả lương chỉ bằng 60% so với lao động công nghiệp với cùng thời gian làm việc như nhau. Nếu cứ như thế này, sẽ có người chết vì kiệt sức” – luật sư Kim cảnh báo.

 “So với lao động nước ngoài làm việc trong các ngành công nghiệp khác, lao động nông nghiệp thường phải đối mặt với điều kiện làm việc khắc nghiệt, thường xuyên phải làm việc nhiều giờ, môi trường xa thành phố và có thu nhập thấp hơn” - ông Pyo Daebum, Phó giám đốc Cục Lao động nước ngoài Hàn Quốc thừa nhận.

Tương lai bấp bênh

Theo Hệ thống cấp phép  việc làm (The Employment Permit System - EPS), tại Hàn Quốc có khoảng 250.000 lao động nhập cư, phần nhiều làm việc trong ngành nông nghiệp, xây dựng và sản xuất. Trong số đó, nhiều người đến từ các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Một lao động làm việc ở Hàn Quốc có thể kiếm khoảng 1.000 USD/tháng, cao gấp 10 lần so với bất kỳ công việc nào họ có thể làm ở quê hương mình nhưng hầu hết họ phải vay một khoản tiền lớn để chi phí cho chuyến đi “đổi đời” ở xứ sở Kim chi này.



Thường họ phải làm việc cật lực sau 2 năm mới trả hết được số tiền vay đó. “Nhưng khi đến Hàn Quốc, họ nhận thấy mọi thứ khác với những gì tưởng tượng hay  được hứa khi tuyển dụng. Nếu không có việc làm, họ sẽ không trả được nợ và giúp đỡ gia đình” - bà Norma Muico thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế nói.

Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường thanh tra các nông trường và đang đề ra các chính sách ưu đãi bổ sung cùng chương trình tập huấn giúp người lao động nâng cao thu nhập, nhưng việc xử lý sai phạm chưa hiệu quả. Minh chứng cụ thể là, năm 2011, cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện 8.000 trường hợp vi phạm Luật Lao động, nhưng chỉ có 6 vụ bị khởi tố.

Thân phận lao động chui trên đất Thái

Thứ Năm, 31/12/2015, 10:30:12

Chấp nhận mọi sự nhọc nhằn vì áp lực mưu sinh.
Những bất trắc, rủi ro và cả những cái chết thương tâm nơi đất khách, quê người vẫn chưa làm hạ nhiệt cơn sốt lao động chui tại Thái-lan. Lúc cao điểm Hà Tĩnh có hơn 10 nghìn lao động sống chui, làm chui trên đất Thái. Cuộc sống ở nhiều làng quê bị xáo trộn, nhiều giá trị truyền thống bị thách thức. Sự bất lực của các cơ quan quản lý, sự bế tắc của một bộ phận lao động nông thôn...
Trăm phương nghìn kế mưu sinh

BangKok- Thái-lan. Chị Lê Thị Thủy quê ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà ngừng tay lau cần bi trong một trung tâm giải trí, cho tôi hay: “Đây là công việc nhàn hạ mà thu nhập cao nhất. Công việc mỗi ngày của mình bắt đầu từ 8 giờ tối đến sáng hôm sau. Lương tháng chỉ khoảng vài ba nghìn bạt (tương đương 1,5 - 2 triệu đồng) nhưng đổi lại mỗi đêm có thể được khách bo cả nghìn bạt, tính ra mỗi tháng thu nhập tới mấy chục triệu đồng”. Chị Thủy được làm việc ở đây vì ngoài vẻ trẻ trung, xinh xắn còn có thể bập bẹ một ít tiếng Thái. Hầu như ở tất cả các thành phố trên đất Thái đều có người Hà Tĩnh mưu sinh. Nhiều nhất vẫn là thủ đô Bangkok, tiếp đến là những thành phố lớn như Pattaya, Phukhet, Chiengmai... nhưng không phải ai cũng may mắn như chị Thủy. Có cả trăm thứ nghề để kiếm tiền. Phổ biến nhất vẫn là bưng bê, dọn dẹp, trông xe trong các nhà hàng, tiếp đến là bán rong trên đường phố, rồi giúp việc tại gia, làm thợ may, thợ sửa chữa cơ khí cho các cơ sở sản xuất, thậm chí có những người còn làm nghề hành khất. Và cả những công việc hết sức lạ lẫm như sắp bi, lau cần trong các Trung tâm giải trí bi-a.

Tiền bo gần như là nguồn thu nhập chính của lao động phục vụ trong các nhà hàng, quán bar, trung tâm giải trí. Nguyễn Quang Dũng, đến từ xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà tiết lộ: Để có được một chân giữ xe tại nhà hàng Laplaya cạnh khu đèn đỏ ở thủ đô Bangkok, anh và nhóm bạn phải trả cho ông chủ mỗi tháng 20 nghìn bạt, tương đương khoảng 13 triệu đồng. Đổi lại mỗi lái xe ô-tô vào gửi thường sẽ bo từ 50 đến100 bạt. Đêm ít cũng được vài trăm xe, hôm cuối tuần có thể lên tới cả nghìn xe. Mỗi tháng Dũng và anh em cũng có thể kiếm được từ 10 đến 15 triệu đồng từ tiền bo của khách.

Đó quả là khoản thu nhập tương đối cao so với công việc phổ thông tại quê nhà, tuy nhiên để kiếm được đồng tiền cũng không kém phần nhọc nhằn. Phần nhiều công việc đòi hỏi người lao động phải thức đêm ngủ ngày, làm những việc mà người Thái ít khi đụng tới. Anh Nguyễn Văn Anh ở xã Gia Hanh, huyện Can Lộc cho biết: Ngoài bồi bàn, làm bếp tại nhà hàng, còn phải chấp nhận dọn dẹp nhà vệ sinh, đấm lưng thư giãn cho thực khách chỉ cốt để tăng thêm tiền bo.

Anh Nguyễn Văn Dương ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà tâm sự: Để có được mỗi tháng 10 triệu đồng gửi về gia đình, tôi phải dậy sớm đi mua dừa trái, sau đó về cắt gọt để đầu buổi chiều đẩy xe ra hè phố Bangkok ngồi bán nước dừa cho đến tận đêm. Bốn anh em nhà tôi cùng thuê một phòng rộng chừng 15m2, trong một khu phố mà hễ mở cửa ra là gặp ngay người đồng tính và hút chích. Không thật sự thoải mái, nhưng đấy là cách để tiết kiệm chi phí.

Anh Dương cũng như tất cả những lao động người Hà Tĩnh mà tôi tiếp xúc trên đất Thái đều chấp nhận vất vả, vì rất khó để có thể tìm kiếm công việc ở quê với thu nhập đều đặn mỗi tháng trên dưới chục triệu đồng.

Phận sống lủi, làm chui

Nỗi ám ảnh lớn nhất của lao động Việt Nam nói chung và lao động Hà Tĩnh tại Thái-lan nói riêng chính là cảnh sát. Đơn giản vì họ nhập cảnh vào Thái-lan với tư cách là khách du lịch nhưng rồi ở lại để lao động kiếm tiền. Do vậy sự lưu trú quá thời hạn 30 ngày là bất hợp pháp, công việc cũng không được pháp luật bảo hộ và thừa nhận. Chị Phạm Thị Tình ở xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà cho hay: Ra đường nếu gặp cảnh sát thì cứ thành thực thú nhận là đi làm, còn trả lời lòng vòng ắt sẽ bị gây khó khăn, bởi họ biết tỏng người mình sang đây chủ yếu với mục đích gì.

Để tồn tại trên đất Thái, người lao động tìm ra nhiều phương cách. Cách tốt nhất là nhờ ông chủ, bà chủ quan hệ với cảnh sát, đóng một khoản tiền lót tay để được bỏ qua vi phạm. Theo anh Nguyễn Đại Phúc (quê ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà), để có một khoảng không gian chưa đầy 1 m2 bán nước giải khát trên hè phố Bangkok, anh phải chung chi, nạp cho cảnh sát mỗi tháng 3.000 bạt (tương đương hai triệu đồng).

Để kéo dài thời hạn lưu trú, mánh phổ biến nhất được người lao động áp dụng là giả làm thủ tục xuất cảnh rồi sau đó lại nhập cảnh. Theo cách này, hằng tháng họ phải xuống cửa khẩu Cam-pu-chia hoặc lên cửa khẩu Lào để đi gia hạn hộ chiếu (mà như cách nói của người trong cuộc là đi “tò” hộ chiếu). Cũng có những người chấp nhận không gia hạn để “hộ chiếu chết” rồi khi trở về nước lại phải đi chui, thậm chí vượt biên. “Có cầu ắt có cung”, đã hình thành nên những nhóm người chuyên đảm nhận khâu đi “tò hộ chiếu” hoặc là đưa người qua lại cửa khẩu theo những cách trái phép khác nhau.

Gần đây, việc quản lý người nước ngoài ở Thái-lan thêm siết chặt, dẫn tới công việc của lao động người Việt càng khó khăn. Đã có một số lượng lớn lao động Hà Tĩnh buộc phải trở về vì không thể trốn tránh.
Chen chúc làm thủ tục nhập cảnh vào Lào trước khi qua Thái-lan.

“Cơn sốt” bao giờ hạ nhiệt?

Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hà Tĩnh: Lúc cao điểm có khoảng 10 nghìn lao động trong tỉnh sống chui, làm chui trên đất Thái, trong đó huyện Can Lộc có tới bốn nghìn, Thạch Hà, Lộc Hà mỗi huyện có từ hai nghìn đến ba nghìn người. Tất cả đều nhập cảnh vào Thái-lan theo con đường du lịch, rồi trốn ở lại làm thuê. Cơn sốt ly hương sang đất Thái làm thuê đang gây nên rất nhiều hệ lụy sau lũy tre làng. Trên thực tế, đã có những vụ án mạng thương tâm mà người lao động hoàn toàn một mình phải gánh chịu bởi pháp luật Thái-lan hoàn toàn không bảo hộ. Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc (Can Lộc) Trần Trí Quang không giấu nổi nỗi lo khi toàn xã có 7.800 dân thì đã có hơn 1.000 người đang lao động tại Thái-lan. Có nơi như xóm Nhật Tân, gần 100% số người trong độ tuổi lao động hiện đang ở Thái. Cuộc sống xáo trộn khi nhiều cặp vợ chồng bỏ lại con cái cho ông bà nuôi dạy, nhiều học sinh bỏ học giữa chừng và thậm chí còn có cả những cán bộ xã, cán bộ thôn xin nghỉ việc chỉ để theo người nhà sang đất Thái kiếm tiền. Sự yên tĩnh của làng quê đang bị phá vỡ, nhiều giá trị truyền thống đang bị thử thách.

Cùng chung quan điểm, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn bày tỏ: “Cái được từ những đồng bạt gửi về không bằng những cái mất mà nó mang lại. Để giải quyết căn cơ tình trạng này, chính phủ hai nước Việt Nam và Thái-lan cần đàm phán ký kết một nghị định thư về hợp tác xuất khẩu lao động, giống như những gì mà Việt Nam và Malaysia đã làm. Điều này không chỉ hợp lý hóa lao động Việt Nam tại Thái-lan mà còn mở ra một thị trường lao động mới với nhiều cơ hội việc làm và thu nhập chính đáng.
Chính phủ Thái-lan vừa thông qua Tờ trình của Bộ Lao động nước này liên quan đến vấn đề nhập khẩu lao động từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở Thái-lan. Theo đó, Thái-lan cho phép người lao động Việt Nam sang Thái-lan với visa du lịch trước ngày 10-2-2015 được đăng ký và hoàn tất các thủ tục để được lao động hợp pháp tại nước này trong thời hạn một năm. Những người nhập cảnh vào Thái-lan sau thời điểm nói trên sẽ phải về nước. Mức phí thị thực đối với lao động Việt Nam sẽ giảm từ 2.000 bạt (khoảng 57 USD) xuống còn 500 bạt.
Bài và ảnh: TRẦN LONG

Mặt trái xuất khẩu lao động ai lo ?

TP - Chỉ tính riêng một huyện Yên Dũng ở Bắc Giang, từ năm 2009 tới nay đã có khoảng trên dưới 10 triệu USD mỗi năm được gửi về từ những người đi XKLĐ. Kiều hối từ lao động xuất khẩu năm 2011 trên cả nước lên tới ngót 2 tỷ USD,
Cục Quản lý lao động ngoài nước dự báo trong 5 năm (2011-2015) sẽ có khoảng 10 tỷ USD kiều hối từ hàng trăm ngàn người đi XKLĐ trên khắp thế giới gửi về. Những con số trên cho thấy lợi ích quan trọng và rõ ràng của lĩnh vực XKLĐ, đem lại thu nhập tới 2% GDP, giúp xóa đói, giảm nghèo cho hàng chục vạn hộ gia đình trên cả nước.
Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Trong loạt bài “XKLĐ, nỗi đau ở một làng quê” trên Tiền Phong (ngày 27, 28, 29-9) đã cho chúng ta thấy cận cảnh những mặt trái, những nỗi đau đến nhói lòng của những làng quê vốn yên bình, nay bị “những trận cuồng phong” có nguồn gốc từ đồng tiền làm cho điên đảo, xác xơ.
Mái trường THCS, nơi con em của những người đi XKLĐ học, chỉ có 30% thi đậu vào THPT. Trên lớp thầy giảng bài, còn ở dưới học sinh hỏi thẳng “thầy ơi, bằng tốt nghiệp giá bao nhiêu ?”.
Nhiều ngôi nhà tranh vách đất đã bỗng chốc biến thành nhà lầu lộng lẫy chốn thôn quê, song sóng gió cũng từ đó mà nổi lên, nhiều gia đình tan đàn sẻ nghé. Tính riêng huyện Yên Thế (Bắc Giang) năm 2011 đã có gần 200 vụ xin ly hôn do có người đi lao động ở nước ngoài.
Đồng tiền nhọc nhằn kiếm được nhờ bán sức lao động nơi xứ người vốn thẫm đẫm mồ hôi và nước mắt. Song sức tàn phá ghê gớm của nó nơi quê nhà cũng chua xót không kém.
Không ít những giá trị đạo đức, văn hóa của làng quê Việt hun đúc tự ngàn đời, nay bị xuống cấp, bị đảo lộn. Tệ nạn, lối sống lai căng, tạp nham từ khắp nơi trên thế giới bỗng chốc ùa về chốn thôn quê từ lúc nào chẳng hay. Cái giá phải trả đôi khi là quá đắt !
Khó mà trách được những người lao động, đa phần vốn ít học, ra đi từ nghèo khó để “cứu nhà” này.
Có chăng, chính là trách nhiệm của những người hoạch định chính sách XKLĐ, các cấp chính quyền, đoàn thể, các Cty làm dịch vụ.
Nếu chỉ biết đưa thật nhiều lao động sang xứ người để thu ngoại tệ, để lấy tiền dịch vụ, mà quên không chuẩn bị hành trang cho họ lúc trở về, quên luôn cả sự xáo trộn cơ cấu gia đình-xã hội ở nhiều vùng quê, tức là vô cảm và cả có phần vô trách nhiệm.
Vậy nên, rất cần những con số đánh giá, những dữ liệu khoa học nghiêm túc về thực trạng mặt trái của XKLĐ ở khắp các làng quê Việt, giúp đưa ra những chính sách, giải pháp hỗ trợ thích hợp cho người lao động và gia đình của họ.
Đa số những người Việt đi XKLĐ đều chưa có tay nghề, hoặc trình độ thấp, phải bán rẻ sức lao động, phải làm các công việc nặng nhọc, công việc người bản xứ không làm.
Ước ao sao cái nghề này chỉ là nhất thời, bao giờ hết phải xuất khẩu “cơ bắp”? Bao giờ đến lượt chúng ta xuất khẩu chất xám ra xứ người ?
Báo giấy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét