Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

BẠN BIẾT CHƯA? 55

(ĐC sưu tầm trên NET)

Ngạt thở

PN - Ngạt thở là dấu hiệu cơ thể bật đèn đỏ báo hiệu: nguy hiểm, cần tìm chỗ để hít thở không khí trong lành. Nếu không có hướng giải quyết, tình hình sẽ trầm trọng hơn như nhức đầu, nôn ói, liệt cơ, ngất, thậm chí tử vong.Ngat tho

Có nhiều nguyên nhân gây khó thở bên cạnh các bệnh làm cho việc hít thở khó khăn như suy tim, suyễn… Song, nguy hiểm nhất là ngạt thở do thiếu dưỡng khí.
Bất kỳ vật gì cháy cũng cần oxy, do đó khi để một vật đang cháy ở trong phòng kín, oxy sẽ bị "nuốt" hết. Ngay lập tức, những người trong khu vực này thấy ngạt thở, khó thở vì không đủ oxy cung cấp cho máu và hít phải những khí độc sinh ra khi cháy như CO, CO2... Dễ gây mệt nhất là khí CO, vì cản trở không cho hồng cầu chuyên chở oxy từ phổi đến tế bào và các cơ quan. Những cơ quan sử dụng nhiều oxy như não bộ và tim sẽ tổn thương nặng nhất.
Chẳng hạn như trường hợp ngộ độc khói tại siêu thị Big C ở Hà Nội. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tại thời điểm đó, lượng xe máy gửi vào tầng hầm đông, người gửi xe vẫn nổ máy chờ lấy thẻ nên lượng khí thải bị hút lên tầng trên theo đường thang máy, khiến nhiều nhân viên, khách hàng khó thở, buồn nôn… phải nhập viện cấp cứu.
Sự thiếu dưỡng khí còn hiện diện ở cả những hộ gia đình sống trong nhà ống, nấu bếp than, nấu cồn. Những trường hợp này chỉ cần tạo sự thông thoáng như quạt tay phe phẩy hay đặt quạt máy trong không gian, sẽ thấy thoải mái ngay. Song, nếu thán khí vây bủa lúc “khổ chủ” đang ngủ, sẽ rất nguy hiểm. Do khí độc làm liệt cơ nên người ngủ không thể cử động, tiếp đó là mê não và tử vong (thói quen dùng bếp than để sưởi ấm ở những vùng giá lạnh từng gây ra những cái chết thương tâm). Mở máy điều hòa xe hơi rồi đóng kín cửa để ngủ cũng dẫn tới ngộp thở với cơ chế tương tự. Có nhiều nguyên nhân: không gian hẹp, lượng oxy ít lại giảm dần, do uống rượu bia, ngồi trong xe có máy lạnh nên mạch máu ngoại biên co lại nhưng mạch máu nội biên lại dãn nở, nên gây tai biến…
Thuốc cũng có thể gây khó thở, vì bên cạnh các thuốc dãn phế quản giúp bệnh nhân dễ thở, có thuốc gây co thắt mạch máu, co thắt khí quản, làm quá trình thở khó khăn. Do đó, cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trẻ em có thể bị ngạt thở do cho ăn lúc bé đang khóc. Họng là ngã tư giữa đường ăn và đường thở, vì vậy khi trẻ la, khóc, không chịu nuốt, vùng khí quản, thanh quản đang hoạt động. Nếu cố đút thức ăn lúc này, thay vì nuốt, trẻ sẽ hít thức ăn vào đường thở, gây ngạt thở, thường trẻ sẽ ho dữ dội để tống xuất thức ăn. Vì lý do nào đó mà thức ăn không tống ra được, bé sẽ bí thở, cơ thể tím tái vì thiếu dưỡng khí. Nếu không được cấp cứu bằng cách vỗ lưng ấn ngực, não sẽ thiếu oxy nặng, để lại di chứng thần kinh - tâm thần nặng nề…
Các bệnh viện nhi đã nhận không ít trường hợp người lớn đút hoặc cho bé bú không đúng cách khiến bé ngạt thở, thiếu oxy não trong thời gian dài, để lại di chứng tàn tật. Vì vậy, cần nhớ không cho bé ăn khi trẻ đang khóc la. Khi gửi trẻ, cha mẹ cần “điều tra” xem bảo mẫu có kinh nghiệm hay không. Tốt nhất là trang bị kiến thức nuôi con và học phương pháp cấp cứu vỗ lưng ấn ngực để cấp cứu trường hợp trẻ sặc, ngạt thở.
 VŨ ÂU
Xử trí khi bị ngạt thở
BS Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết, khí thải, cháy nổ… sẽ làm cho bầu không khí thiếu oxy nên nạn nhân choáng váng, nhức đầu, bất tỉnh. Để không bị khó thở, ngạt thở, cần chú ý:
- Tránh vùng ô nhiễm do khói, bụi, khói thuốc lá… càng xa càng tốt.
- Nếu làm việc trong môi trường ô nhiễm, cần có phương tiện bảo hộ và đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh phổi do nghề nghiệp.
- Trường hợp bình thường không khó thở, nhưng khi uống thuốc vào lại thở không được, có thể do tác dụng phụ của thuốc hoặc đã bị bệnh lý về phổi. Cần đi kiểm tra sức khỏe gồm: đo chức năng phổi, đo điện tim, siêu âm và loại trừ thuốc gây phản ứng phụ. Cần biết thêm có những thuốc khi dùng có thể gây dị ứng, sốc phản vệ không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
- Cần đặt máy phát điện nơi thoáng khí để khí thải không xâm nhập vào nơi sinh hoạt.
- Tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra các thiết bị điện định kỳ.
- Cần quan tâm, tạo nơi ở thoáng mát cho phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, mạch máu não... vì khi bị ngạt thở dù nhẹ cùng dễ trở nặng do sức khỏe yếu, khó “chống trả”.


Vượt qua trầm cảm

PN - Trầm cảm là bệnh tâm thần có khả năng tàn phá sức khỏe nhanh chóng và dễ dẫn người bệnh đến những quyết định sai lầm như tự tử. Tìm hiểu về bệnh là cách tốt nhất để phòng từ xa căn bệnh này.
     Nhận mặt thủ phạm
    Thông thường, những người mắc bệnh trầm cảm (TC) không còn cảm thấy thích thú trong công việc, thậm chí trong quan hệ vợ chồng và cả những thú vui trước đó họ yêu thích. Từ chối giao tiếp bạn bè, lánh đám đông, sợ tụ họp là những dấu hiệu nhận biết TC ở một người.
    Giảm hoặc tăng cân cũng là một cách nhận biết bệnh. Khi không còn vui nữa thì ăn uống không còn hứng thú. Có người ăn thật nhiều, nuốt như nuốt giận. Cũng có người dửng dưng với chuyện ăn uống. Ngoài tăng hoặc giảm cân, nét mặt “dàu dàu”, nói chậm cũng góp phần nhận diện bệnh TC.
    Theo BS Trần Duy Tâm - BV Tâm thần TP.HCM, cho đến nay, giới chuyên môn đã thống nhất TC là bệnh lý phức tạp có nhiều yếu tố đan xen, cộng hưởng đến một thời điểm thích hợp thì TC… “ra đời”. Những yếu tố sinh bệnh gồm:
    - Nguyên nhân sinh học, bệnh nhân có cơ địa di truyền TC, não bộ dễ bị ức chế (trong gia đình có nhiều người cùng bị TC).
    - Yếu tố môi trường, sự căng thẳng cũng góp phần gây TC.
    - Sống trong hoàn cảnh mất mát, thiếu thốn tình thân, tổn thương tâm lý, mồ côi sớm, đánh giá thấp bản thân, tự ti.
    - Thu nhập thấp, mất chỗ dựa về kinh tế, gia đình, không có bạn bè để chia sẻ, tâm sự.
    - Suy nghĩ tiêu cực, nhìn cuộc đời xám xịt cũng có thể dẫn đến bệnh TC.
    Phụ nữ bị TC nhiều hơn nam giới, nhất là giai đoạn sau sinh vì họ có cảm giác cô đơn, thiếu ngủ vì phải thức đêm nhiều chăm sóc con. Việc nhà đầu tắt mặt tối, không người quan tâm cũng dẫn dắt đến chứng TC...
    TC là một trong những nguyên nhân khiến cho đương sự mắc các bệnh mạn tính, nhiễm trùng. Những suy nghĩ tiêu cực “gặm nhấm” dần sức khỏe.
    Vuot qua tram cam
     
    Phòng trị
    Tuy phức tạp nhưng việc điều trị khỏi bệnh TC trong tầm tay các bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần.
    BS Trần Duy Tâm cho biết: “Các nhà khoa học phát hiện trên não bộ người bị TC có sự rối loạn chức năng của những chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác thanh thản, thư giãn, vui tươi, chống lo âu như serotonin, noadrenalin… vì một lý do nào đó mà giảm hoạt tính lên não. Từ năm 1950, ngành dược đã điều chế thuốc chống TC, tăng hoạt tính các chất trên trong não, thuốc ngày càng tiến bộ và hạn chế tác dụng phụ”.
    Việc điều trị TC đòi hỏi cả yếu tố tâm lý, sự quan tâm, chia sẻ, thương yêu của người thân, sự tin tưởng giúp đỡ của đồng nghiệp.
    Về phòng bệnh, việc loại trừ các yếu tố cộng hưởng làm bệnh TC phát sinh cũng là cách phòng bệnh hiệu quả. Người thân trong gia đình, vợ hoặc chồng cần có sự quan tâm chia sẻ với bệnh nhân, nhất là lúc bị tổn thương tâm lý, tinh thần, bị cô lập… Riêng với TC sau sinh, rất cần sự thương yêu, quan tâm, tạo niềm tin yêu và giúp đỡ từ người chồng và gia đình.
    - Tập những thói quen tốt để ngăn trầm cảm từ xa. Đầu tiên là tập thể dục vì cơ thể sẽ tiết ra dopamine, serotonin… sẽ tăng cảm giác yêu đời.
    - Ngủ đầy đủ giúp cơ thể phấn chấn. Ăn những món ăn chứa nhiều chất có lợi cho não như: chè bạch quả, gà hầm bạch quả, cá…
    - Tham gia các hoạt động hội, nhóm để tăng cường giao tiếp...
     PHƯƠNG NAM

    Cách nào để nhớ lâu?

    PN - Muốn nhớ dai cần có sự chăm sóc “ưu ái”, kể cả… rèn luyện cho não.
    Não cần gì?
    Não cần sự tỉnh táo và thoải mái để ghi nhận thông tin. Nhiều người có thói quen dùng trà, cà phê với mục đích giúp tỉnh táo. Cách này chỉ làm mệt não, thông tin ghi nhận như “nước đổ đầu vịt”. Để đủ tỉnh táo, cần nghỉ 15-20 phút sau hai tiếng học bài, làm bài tập. Trong lúc nghỉ, cần tranh thủ đưa mắt ra xa thay đổi thị trường để đỡ mỏi mắt, tránh tật khúc xạ, song song là vận động vài động tác thể dục để máu huyết lưu thông, tăng cường thải độc giúp não sáng suốt.
    Não làm việc mạnh mẽ vào ban ngày, giảm dần vào ban đêm. Do đó, sau khi học tám giờ cần có giấc ngủ sâu tối thiểu bốn giờ, tốt nhất từ sáu-tám giờ. Ngủ ban đêm và ngủ đủ giấc thì khả năng ghi nhận thông tin và nhớ sẽ tốt hơn học đêm ngủ ngày vì đảo lộn đồng hồ sinh học và phải chống chọi với cơn buồn ngủ.
    Não cần có năng lượng nhiều để hoạt động, vì vậy nên lưu ý các món ăn có lợi cho não. Bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM hướng dẫn: “Trong thời gian chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, ngoài ba bữa chính cần có thêm ba bữa phụ cung cấp năng lượng cho não. Nên chú trọng nhóm bột đường (cơm, mì, nui, bún…) và vitamin nhóm B (có trong trái cây, các loại đậu có vỏ).
    Hạn chế các món ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ. Khi hệ tiêu hóa phải làm việc trong thời gian dài, cơ thể sẽ ưu tiên cung cấp máu để đảm bảo các hoạt động này. Vì thế, não không được cung cấp máu đầy đủ. Mỗi ngày cần dùng 150g thực phẩm giàu đạm: thịt, cá, trứng… Ba bữa phụ chủ yếu cung cấp bột đường: một ly sữa, bánh quy, khoai, trái cây tươi…”.
    Cách nào de nho lau?
     
    Đánh thức khả năng lưu trữ
    Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, khả năng lưu trữ thông tin của não bộ rất lớn nhưng không phải ai cũng biết cách “đánh thức” tiềm năng này.
    Vừa chơi vừa học. Ngoại ngữ được cho là môn “thuộc nhóm” học vẹt nhưng nếu nắm được ngữ pháp, cách dùng từ, trong từng hoàn cảnh thì sẽ nhớ lâu. Những người học tiếng Anh dễ dàng, vốn từ phong phú thường nhờ thói quen thích đọc sách, thích ca hát không qua bản phiên dịch. Thói quen này là cách vừa chơi vừa học, thú vị nên nhớ lâu. Tương tự, khi học các môn lịch sử, địa lý, nên đọc sách và xem thêm nhiều hình vẽ...
    Nghĩ đến để nhớ. Khi yêu một ai đó, ta sẽ không bao giờ quên nụ cười, ánh mắt bởi hình ảnh người yêu đã được não “chụp hình”. Để nắm chắc công thức toán, lý, hóa cũng cần có sự “chụp hình” và hồi tưởng. Cần có một tấm bảng, ghi công thức lên rồi để ở nơi hay ra vào, ví dụ ở gần cửa… Ngoài ra còn có các dụng cụ hỗ trợ khác như điện thoại thông minh, laptop… Những gì cần nhớ cho vào một file, có thể đặt tên “đọc lại để thi đậu”. Khi có thời gian rảnh rỗi, “chui” vào đọc. Một ngày “gặp mặt” vài lần, sau này muốn quên cũng… khó.
    Tạo dấu ấn để nhớ. Cần có sự liên hệ với những việc xung quanh để nhớ bài học tốt hơn. Đã có không ít bạn sau khi nhận sách đầu niên khóa cắm cúi đọc xem cả năm mình học những gì. Sau khi đọc xong, những gì thắc mắc sẽ ghi chú để hỏi thêm thầy cô. Do có sự chuẩn bị lô-gic nên não nhớ dai hơn người học thụ động, thầy cô giảng đến đâu học đến đó. Đọc trước khi học là cách giúp não ghi nhận nhiều hơn những tình huống xung quanh.
    Tóm tắt để nhớ. Rút ý chính để triển khai những phần còn lại. Đây là cách học đòi hỏi sự tổng hợp và phân tích. Cuối cùng là không nên để nước đến chân mới nhảy, sát kỳ thi mới học mà là học mỗi ngày, gần kỳ thi chỉ ôn tập và thư giãn.
     PHƯƠNG NAM

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét