Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

HÁT NỮA ĐI, ĐỜI ! 4

(ĐC sưu tầm trên NET)

Xuất khẩu lao động: Nhức nhối nạn lừa đảo và bỏ trốn




Năm 2015, lao động bỏ trốn vẫn ở mức cao, tình trạng thu phí cao và lừa đảo người lao động vẫn xảy ra, đòi hỏi những giải pháp lâu dài, bài bản.
 >> “Cty XKLĐ được đánh giá tốt, nhiều người lao động sẽ lựa chọn đăng ký”
 >> XKLĐ Nhật Bản: Tạm dừng 90 ngày dịch vụ nếu để thực tập sinh bỏ trốn nhiều
 >> Tạm dừng dịch vụ đưa lao động làm việc tại Ả rập Xê út của 3 công ty XKLĐ

Năm 2015, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 95.000 người đi xuất khẩu lao động, nhưng đến hết 11 tháng đã đưa được 109.000 người, vượt 15% kế hoạch năm và bằng 110,64% so với cùng kỳ năm 2014.
Thế nhưng, đằng sau con số “ấn tượng và đáng mừng” này là bài toán về phát triển thị trường bền vững, bởi xuất khẩu lao động vẫn còn những “mảng tối”. Lao động bỏ trốn ở mức cao, tình trạng thu phí cao và lừa đảo người lao động vẫn xảy ra, đòi hỏi những giải pháp lâu dài, bài bản.
Dự kiến, hết năm 2015, số người được đưa đi làm việc ở nước ngoài không dừng lại ở mốc 109.000 người, vượt qua số 106.000 lao động đi xuất khẩu lao động của cả năm 2014. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực triển khai nhiều biện pháp của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp tuyển dụng nhằm ổn định, mở rộng và phát triển thị trường tiếp nhận lao động.
Việc tuyên truyền ý thức và nâng cao hiểu biết của người lao động cũng từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, nhìn lại công tác xuất khẩu lao động năm 2015 cho thấy vẫn còn những hạn chế.

Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết: “So sánh với những nước mạnh về cung ứng lao động trong khu vực thì chất lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, còn yếu ở ngôn ngữ và ý thức kỷ luật. Vẫn còn một số doanh nghiệp do mải chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng lao động phái cử đi làm việc ở nước ngoài.
Một số doanh nghiệp vẫn ủy quyền hoặc là giao phó trách nhiệm cho những chi nhánh mà không có sự giám sát, không có sự quản lý... dẫn đến việc lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp phải những trục chưa được giải quyết thỏa đáng, nên đáng nhẽ ra một sự việc nhỏ có thể bùng phát, kéo dài”.
Năm 2015, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản tiếp tục là hai thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, (chiếm hơn 80%) tổng số lao động được đưa đi.
Tuy nhiên, đây cũng là những thị trường mà Bộ Lao động thương binh và Xã hội phải triển khai các biện pháp mạnh, nhằm chấn chỉnh tình trạng nhiều công ty thu phí của người lao động cao hơn quy định và để lao động bỏ trốn tại hai thị trường này đang ở mức đáng lo ngại.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 155.000 lao động đang làm việc tại Đài Loan nhưng tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp tại thị trường này đã lên đến 17%. Đối với thị trường Nhật Bản, tỷ lệ lao động bỏ trốn đang ở mức 4% và phía bạn yêu cầu nếu lao động Việt Nam bỏ trốn quá 5% sẽ dừng tiếp nhận.
Với thị trường Nhật Bản còn xảy ra tình trạng nhiều thực tập sinh phải chịu chi phí cao trước khi đi thực tập, thậm chí tới mức 5.000 đôla. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thực tập sinh bỏ trốn khỏi nơi làm việc tại Nhật Bản để đi làm nơi có mức thu nhập cao hơn...
Với thị trường Hàn Quốc, tỷ lệ lao động bỏ trốn vẫn ở mức 32%, đứng đầu danh sách 15 quốc gia có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc (tỷ lệ này với các nước khác là 15 đến 17%). Đây cũng là lý do khiến năm 2015 Việt Nam tiếp tục không đưa được lao động mới nào sang thị trường này.
Nguy cơ đóng cửa thị trường Hàn Quốc đang là vấn đề khiến cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người lao động phải suy ngẫm, bởi tháng 4/2016, Hiệp định lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hết hiệu lực, phía bạn ra điều kiện để đàm phán tiếp là Việt Nam phải giảm số lao động bỏ trốn xuống dưới 30%, sau đó có lộ trình giảm dần hàng năm. Điều này có nghĩa nếu từ nay đến tháng 3/2016, Việt Nam không giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống sẽ rất khó để nối lại Hiệp định với bạn.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết: Tỷ lệ lao động bỏ trốn nói chung, ở Hàn Quốc tuy có giảm xuống nhưng vẫn còn ở tỷ lệ cao. Cao đến mức mà mình chưa thể nào đàm phán, vận động rất nhiều nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu đàm phán để Hàn Quốc mở cửa lại. Đây là thị trường rất tốt, rất nhiều lao động trông ngóng cơ hội đi thị trường này, nhưng chưa giải được bài toán cơ bản, mới giải được một bước thôi.
Những tồn tại trong công tác xuất khẩu lao động không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hợp tác lao động của cả quốc gia mà còn làm giảm uy tín của thị trường Việt Nam. Đồng thời tước mất cơ hội cải thiện đời sống của hàng nghìn lao động khác.
Không chỉ vậy, tình trạng cò mồi, lừa đảo xuất khẩu lao động với thủ đoạn tinh vi của một số tổ chức, cá nhân tiếp tục là vấn đề “nóng” của công tác xuất khẩu lao động năm 2015, khiến cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý, doanh nghiệp chân chính bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Xuân Lanh, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Eshuhai, thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế thông tin về việc đưa người lao động sang Nhật Bản làm việc đang bị hỗn loạn. Một người dân muốn tìm đến công ty hay một đơn vị đưa thực tập sinh sang Nhật làm việc uy tín rất khó tìm được thông tin, họ không tìm được. Nhiều người đã tìm rất nhiều lần mới tới được Công ty.
Để thị trường xuất khẩu lao động trở nên ổn định, nhiều ý kiến cho rằng cần triển khai đồng bộ ba giải pháp. Đó là sốc lại công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động; tuyên truyền, phổ biến ý thức kỷ luật, đào tạo kỹ năng cho người lao động và chấn chỉnh hoạt động lộn xộn, ăn xổi của các doanh nghiệp. Tiếp đó là một chiến lược dài hơi về công tác tuyển chọn và đào tạo lao động để không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng cũng cần được nâng lên.
Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp
Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp
Với vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: “Bộ yêu cầu các doanh nghiệp công khai, minh bạch tất cả các hợp đồng đối với người lao động, từ thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thời gian làm thêm, tiền lương rồi tiền điện, nước, tiền nhà ở…
Hiện nay, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cũng dự kiến trình Chính phủ là đối với những tỉnh có đông lao động ở lại bất hợp pháp, thì nếu nối lại được thỏa thuận thông thường, có thể những tỉnh này sẽ không tham gia. Việc này nhằm tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Câu chuyện này là câu chuyện phải làm”.
Theo dự báo, cơ hội đi làm việc ở nước ngoài sẽ mở ra đối với người lao động trong năm 2016. Tuy nhiên, để có thể tìm được việc làm ổn định tại thị trường lao động nước ngoài, việc mỗi người lao động cần tự nâng cao tay nghề, kiến thức và tác phong đáp ứng nhu cầu của chủ sử dụng chưa đủ.
Điều quan trọng là uy tín và chất lượng của lao động Việt Nam có được khẳng định hay không, còn phục thuộc vào những giải pháp bài bản và dài hơi của cơ quan quản lý và ngành chức năng cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này./
Theo Hà Nam/VOV.VN

Nhọc nhằn lao động nữ tha hương

22/09/2013 19:28

Do thiếu thông tin, lao động nữ làm việc ở nước ngoài phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình làm việc và sau khi về nước

Theo báo cáo tại một hội nghị về xuất khẩu lao động (XKLĐ) tổ chức ở TP HCM mới đây, số lượng lao động nữ đi nước ngoài làm việc có xu hướng gia tăng (chiếm trên 36% tổng số lao động đi XKLĐ). Bình quân mỗi năm có 27.000 lao động nữ đi XKLĐ. Số ngoại tệ lao động Việt Nam ở nước ngoài nói chung và phụ nữ nói riêng mỗi năm gửi về khoảng 2 tỉ USD. Tuy nhiên ở nước ngoài, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới do vẫn chưa được bảo vệ một cách tốt nhất.
Bị xâm hại, lừa gạt
Thực tế cho thấy khi đi XKLĐ, lao động nữ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hay bị ngược đãi, lạm dụng hoặc phải sống trong điều kiện lao động tồi tàn, bị cắt xén lương tùy tiện. Chị N.N.M (quê Nghệ An), công nhân may ở Malaysia, cho biết chủ cơ sở nơi chị làm việc luôn tìm cách để phạt và trừ lương công nhân. “Có tuần, ngày nào tôi cũng bị trừ 50.000 đồng mà không dám phản ứng” - chị ấm ức. Nhiều lao động giúp việc gia đình cũng không tránh khỏi tình trạng bị ông chủ gạ gẫm, xâm hại. “Có đêm, ông chủ tìm cách sờ soạng khiến tôi không dám chợp mắt” - chị K. (quê Thái Bình), giúp việc nhà ở nước ngoài, kể lại.
Lao động nữ Việt Nam tại một nhà máy ở Malaysia Ảnh: DUY QUỐC
Ngoài ra, lao động nữ thường có ít thông tin về nước mà họ sẽ đến làm việc, không nắm được các điều kiện lao động, phải phụ thuộc hoàn toàn vào người môi giới hoặc các công ty tuyển dụng. Thạc sĩ Dương Hiền Hạnh, Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), cho biết nhiều lao động nữ phải trả phí rất cao để ra nước ngoài làm việc. Họ thường không biết rõ các quy định của pháp luật, cam kết của bên môi giới và công ty tuyển dụng. “Tại một số địa phương, lao động nữ phải trả 60 triệu đồng khi đi lao động tại Hàn Quốc, trong khi đó mức phí quy định chỉ có 14 triệu đồng. Nhiều lao động nữ đã trở thành “con nợ” do phải gánh phí môi giới quá cao” - bà Hạnh dẫn chứng.
Khi về nước, lao động nữ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tự tìm việc làm. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cho biết kết quả khảo sát người lao động đi XKLĐ trở về ở TP HCM và các tỉnh lân cận cho thấy chỉ 20% nữ lao động có việc làm; số còn lại có việc bấp bênh hoặc thất nghiệp. Thời gian sống xa gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến rạn nứt trong hôn nhân. Nhiều nghiên cứu chỉ rõ gần 50% các hộ gia đình được phỏng vấn cho rằng khi phụ nữ đi XKLĐ, quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, 84% người chồng thừa nhận họ gặp khó khăn khi chăm sóc con.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Nhiều chuyên gia cho rằng đa số phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài làm việc đều cần cù, tiếp thu nhanh và không ngại khó. Tuy nhiên, số người có chuyên môn, kỹ thuật chỉ chiếm 1/3. Hầu hết nữ lao động học dang dở cấp THCS, thậm chí mới tốt nghiệp tiểu học. Vì thế, lao động nữ Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là lao động thủ công, tay nghề chưa cao. Nhà nước vẫn chưa có những chính sách tốt để bảo vệ lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ ra nước ngoài làm việc. Rất nhiều lao động nữ làm việc ở nước ngoài không biết tìm đến cơ quan chức năng khi gặp sự cố.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, nhìn nhận những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài bắt nguồn từ việc cơ quan quản lý chưa xử lý nghiêm những sai phạm của doanh nghiệp XKLĐ. Từ đó dẫn đến tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trục lợi, lừa người lao động.
Theo TS Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu gia đình và giới, hệ thống pháp lý của các nước sở tại thường không có các hỗ trợ pháp lý cho người lao động Việt Nam vì chưa có thỏa thuận về thủ tục hỗ trợ pháp lý giữa Chính phủ Việt Nam và các quốc gia này. “Nên lập đường dây nóng hoặc địa chỉ hỗ trợ pháp lý cho lao động nữ ở các nước sở tại, đồng thời phải xử phạt nghiêm các công ty XKLĐ phạm luật” - ông Minh đề nghị. PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, góp ý nên thành lập các hội, nhóm, như hội gia đình có người đi XKLĐ để chia sẻ kinh nghiệm, chuẩn bị tâm lý cho những người chuẩn bị đi hoặc về và thân nhân của họ; cùng sinh hoạt, chia sẻ tâm tư, tình cảm khi vợ chồng sống xa nhau, cách quản lý giáo dục con cái…
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc trên 14 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, tập trung ở các thị trường lớn như: Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan. Năm năm trở lại đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 80.000 lao động ra nước ngoài làm việc.
HỒNG NHUNG

Xuất khẩu lao động: Gian nan cơ hội đổi đời

Chủ nhật, ngày 23 tháng 8 năm 2015 | 14:15
KTNT - Xuất khẩu lao động là chủ trương lớn của Nhà nước, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, cơ hội đổi đời không đến với tất cả mọi người. Trong cuộc mưu sinh đầy khó nhọc nơi xứ người, nhiều trường hợp đã phải trắng tay về nước, cùng với đó là những bi kịch gia đình.
Nhiều phụ nữ nghèo ở nông thôn Thái Nguyên tìm sự bình yên, an toàn bằng cách làm công nhân cho các DN trong nước hoặc phủ xanh đất trống đồi núi trọc để phát triển cây chè.
Trường hợp chị Mai Thị Xoan, sinh năm 1982, ở tiểu khu Lân 1, thị trấn Đu, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) là một ví dụ. Chị Xoan đi giúp việc gia đình ở Ảrập - Xêút, lần gần nhất chị liên lạc với gia đình cũng cách đây 2 tháng nhưng chỉ nhắn gửi mấy câu rằng: Ở bên đó khổ cực quá, mỗi ngày chỉ được nghỉ ngơi vài tiếng, thời tiết khắc nghiệt, ăn uống kham khổ và bị ngược đãi dẫn đến cơ thể suy nhược. Lương thì bị chủ nhà bớt xén, chậm trả; mong muốn lớn nhất của chị là sớm được về nhà.
Biết chúng tôi là người địa phương, lại làm báo nên chồng chị Xoan là anh Nguyễn Văn Hậu và bố chồng là ông Nguyễn Văn Huấn (70 tuổi) tìm đến tận tòa soạn để nhờ giúp đỡ. Trước đó, hai bố con một già, một bệnh tật đã lóc cóc xe máy về tận Hà Nội, tìm đến Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trụ sở Công ty CP Cung ứng nhân lực và Thương mại VIETCOM (đơn vị tuyển dụng lao động) để gửi đơn kiến nghị nhưng chưa có hồi âm.
Anh Hậu ngậm ngùi: “Hoàn cảnh khó khăn, cả gia đình chỉ trông vào 2 sào ruộng, nghề phụ không có nên vợ chồng tôi bàn nhau tìm thêm việc để làm. Nghe có người giới thiệu đi giúp việc tại Ảrập - Xêút, lương mỗi tháng hơn 7 triệu đồng nên tôi quyết cho vợ đi làm. Xuống Hà Nội ký hợp đồng, chỉ một thời gian ngắn, chị Xoan đã lên máy bay, không cần học tiếng, cũng chẳng được đào tạo nghề giúp việc và những kỹ năng khác như trong hợp đồng đã ghi”.
Hôm chúng tôi tìm đến nhà, chỉ gặp một mình ông Huấn đang tất bật quán xuyến mấy đứa cháu, còn anh Hậu đi phụ xây cách nhà mấy chục cây số. Ông Huấn kể: “Vợ Hậu đi được một thời gian thì nó ở nhà phải đi bệnh viện và phát hiện bị viêm túi tinh. Sức khỏe vốn yếu, lại biết vợ bên đó cực khổ mà bất lực không làm gì được nên sinh ra uống rượu, cáu gắt rồi nhiều lúc có biểu hiện của người tâm thần”. Cả nhà đi vay mượn khắp làng trên xóm dưới được 40 triệu đồng nộp phạt cho công ty để chị Xoan về nước trước thời hạn. Tiền đã nộp từ ngày 9/2/2015, công ty cũng hứa đưa chị Xoan về trước Tết Nguyên đán Ất Mùi nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín”.
Trở về đã khó nhưng những hệ lụy “hậu” xuất khẩu lao động còn nặng nề hơn nhiều. Trước đó, chúng tôi nắm được thông tin nhiều phụ nữ nông thôn đi giúp việc ở Ảrập - Xêút nhưng không chịu nổi điều kiện làm việc khắc nghiệt, buộc phải đền tiền để về nước. Trong số này, có 5 chị em họ hàng gần gũi ở xóm Tân Khê, xã Tức Tranh (Phú Lương) gồm: Đỗ Thị Hoa, Nông Thị Khởi, Cao Thị Hạnh, Lâm Thị Quế và Hoàng Thị Thập. Sau nhiều tháng gia đình kêu cứu, rồi nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng, các chị cũng được về nước. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng có điểm chung là nhà nào cũng ôm một khoản nợ lớn để “chuộc” người về.
Anh Hoàng Văn Lâm, chồng chị Nông Thị Khởi, kể: “Hôm xuống đón vợ ở sân bay, tôi suýt không nhận ra vì cô ấy quá gày và tiều tụy”. Sau niềm vui hội ngộ ngắn ngủi, cả nhà lại phải lo trả khoản nợ đã vay. Số là, để có tiền nộp cho công ty môi giới cho vợ về, anh Lâm thế chấp cả vườn chè đang thu hoạch để vay 35 triệu đồng với lãi suất cao (2%/tháng). Chị Khởi về, hai vợ chồng bàn nhau thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng vay 50 triệu đồng để trả món vay ngoài cho bớt tiền lãi và lấy lại vườn chè canh tác. Ngặt nỗi, từ đầu năm đến nay, thời tiết khô hạn, hầu hết diện tích chè ở xóm bị cháy lá nên thu nhập chẳng đáng là bao.
Mời chúng tôi cốc nước đun sôi, chị Khởi phân bua: “Mọi năm, vào chính vụ gia đình tôi thu được hơn tạ chè búp khô, năm nay thì cháy hết, chè để uống thôi cũng không có mời khách. Vậy nên, món nợ ngân hàng chưa trả bớt được đồng nào, tiền lãi, tiền đóng học cho hai đứa con phải vay hàng xóm”.
Không riêng trường hợp chị Nông Thị Khởi, hầu hết những gia đình có người đi giúp việc ở Ảrập - Xêút về nước trước thời hạn cũng gặp tình trạng tương tự. Gia đình anh Hoàng Văn Chung, chị Hoàng Thị Thập ở xóm Tân Khê cũng cầm cố hơn 1.000m2 chè để vay tín dụng đen với lãi suất 2,5%. Gia đình chị Cao Thị Hằng, ở xóm Hin (xã Yên Đổ, huyện Phú Lương) thì bán đi 2 sào ruộng được 20 triệu đồng, cộng thêm 20 triệu đồng vay “nóng” với lãi suất lên tới 100.000 đồng/ngày; gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc, xóm Bờ Tấc (xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình) thế chấp số đỏ vay ngân hàng 50 triệu đồng…
Khó khăn về kinh tế kéo theo những hệ lụy trong gia đình chẳng dễ nói ra. Đó là cảnh vợ chồng mâu thuẫn, cãi vã nhau về chuyện tiền bạc, con cái không được kèm cặp, chăm lo học hành đến nơi đến chốn. Anh Hoàng Văn Lâm thừa nhận: “Suốt mấy tháng vợ ở nước ngoài, gọi điện về nói công việc vất vả, bị ngược đãi, tôi lo lắng chẳng đêm nào ngủ được, bỏ bê công việc đồng áng, việc học hành của hai đứa trẻ cũng chẳng buồn quan tâm”.
Để có tiền nộp phạt về nước, gia đình chị Cao Thị Hằng đã phải bán 2 sào ruộng và vay lãi 20 triệu đồng. Với 2 sào cấy lúa còn lại, gia đình chị chỉ đủ thóc ăn trong khoảng 3 tháng.
Những trường hợp kể trên dù sao cũng có được niềm vui đoàn tụ, khó khăn về kinh tế nếu biết chắt chiu, chịu khó lao động thì sẽ vượt qua. Thế nhưng, có nhiều người vì đi lao động xuất khẩu mà gia đình tan vỡ, nẻo về bình yên cũng không còn. Trường hợp chị Hoàng Thị Lâm, ở xóm Tân Thành 2 (xã Đồng Bẩm,TP.Thái Nguyên) là một ví dụ. Gia đình khó khăn nên chị quyết định đi xuất khẩu lao động làm linh kiện điện tử tại Đài Loan (Trung Quốc). Lương thấp nên hết thời  hạn hợp đồng mà tiền tích lũy gửi về chẳng được bao nhiêu. Hai vợ chồng chị bàn nhau làm ly hôn giả, để chị lấy một ông chồng “hờ” người Đài Loan để được bảo lãnh ở lại. Chẳng ngờ, giả lại thành thật, xa cách về mặt địa lý, lại ít liên lạc với nhau nên tình cảm phai nhạt, vợ chồng mâu thuẫn đến mức không thể dung hòa dẫn đến ly hôn và chia tài sản. Anh Phạm Văn Hân, chồng cũ của chị Lâm nay đã lấy vợ mới và sinh con. “Mỗi năm tôi về nước một lần, ở nhà bố mẹ đẻ không tiện nên phải thuê nhà để nghỉ. Đi làm bên đó, đồng lương cũng tương đối cao nhưng nhiều lúc nghĩ chẳng biết kiếm tiền để làm gì khi không có gia đình, con cái”, chị Lâm buồn rầu nói.
Những câu chuyện buồn về xuất khẩu lao động như thế không hiếm. Nguyên nhân có nhiều, do sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin tư vấn, định hướng của các cơ quan chức năng hoặc người lao động chấp nhận đánh đổi mong có cuộc sống khấm khá. Đồng tiền nhọc nhằn kiếm được do bán sức lao động nơi xứ người vốn thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, song hệ lụy của nó cũng thật xót xa...
                Hồng Vân - Nhị Hà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét