Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

HÁT NỮA ĐI, ĐỜI ! 3

(ĐC sưu tầm trên NET)

VTV tôn vinh nhạc chế?

Nhạc chế đã có từ rất lâu. Nhạc chế cũng có hình thức giống như cải biên đồng dao hay viết lời mới cho dân ca. Từ khi có internet nhạc chế phát triển rầm rộ, thâm thúy cũng có mà nhố nhăng cũng nhiều. Tuy nhiên, nhạc chế chỉ là thứ bông phèng, không ai xem nhạc chế là sáng tạo. Vậy mà, bất ngờ chương trình “Cuộc sống thường ngày” trên VTV1 tuyên dương một gương mặt nhạc chế Bùi Nhật Anh. Sau vài câu đối thoại vu vơ và tâng bốc, biên tập viên truyền hình đã chúc mừng những thành quả Bùi Nhật Anh đã đạt được và mong anh “tiếp tục làm mới tác phẩm âm nhạc”.
Thật khó tin, một kênh truyền hình quốc gia lại có thái độ ứng xử với văn hóa một cách ngớ ngẩn và ngược ngạo như vậy. “Cuộc sống thường ngày” là chuyên mục chính luận, đâu phải tiết mục thư giãn. Khi VTV1 đưa Bùi Nhật Anh lên sóng để nói và hát những bài nhạc chế, đồng nghĩa đã hợp thức hóa một dòng chảy giải trí phi chính thống. Sự cổ vũ nhạc chế của VTV1 hết sức nguy hiểm, vì công chúng sẽ nhầm tưởng thú vui nhàn rỗi của Bùi Nhật Anh rất đáng khuyến khích, và thể loại nhạc chế rất đáng tôn vinh.
Nhạc chế, xét cho tường tận cũng là quyền được cười cợt của quần chúng. Thế nhưng, nhạc chế phải có bối cảnh thích hợp và cần phải hạn chế trong những không gian nhất định. Nhạc chế cốt trêu đùa, vì vậy đối tượng sử dụng nhạc chế nhiều nhất là các danh hài. Hầu hết những gương mặt diễn viên ăn khách như Hiệp Gà, Long Tự, Xuân Bắc… đều dùng nhạc chế như một thứ gia vị cho tiểu phẩm của họ.
Cách đây vài năm, nhạc sĩ vừa quá cố Phan Huỳnh Điểu đã phản ứng rất gay gắt khi một tập đoàn viễn thông đã có bản nhạc chế từ ca khúc “Đoàn giải phóng quân” của ông để làm bài ca sinh hoạt tập thể. Dù đơn vị này ngỏ ý trả cho nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu một khoản tiền tác quyền, nhưng ông cương quyết từ chối, vì không muốn tác phẩm của mình bị nhại thành “thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lùi thì mình giật tiền, đầy túi mới về”.
Chàng trai nhạc chế VTV1 giới thiệu thường tự làm các video nhạc chế rồi đưa lên mạng, trong đó có bài “Bụi phấn” cực kỳ phản cảm. Không hiểu VTV1 đã dựa trên tiêu chí thẩm mỹ nào để đề cao nhạc chế, và còn dành cho Bùi Nhật Anh hát bài “Và tôi cũng yêu ăn” nhái theo ca khúc “Và tôi cũng yêu em” của nhạc sĩ Đức Huy?
GIA QUAN

Nhạc chế vô tư lên sóng truyền hình

27/8/2015
Không chỉ trên internet, nhạc chế giờ đây đã lan sang cả sóng truyền hình, bất chấp sự vi phạm pháp luật.
bi-mat-dem-chu-nhat-nguoiduatin
Nghệ sỹ Trấn Thành biểu diễn ca khúc chế Đường cong trong chương trình Bí mật đêm chủ nhật.
Từ internet lên truyền hình
Đã tồn tại từ rất lâu nhưng phải đến khi internet phát triển, nhạc chế (hiểu nôm na là chế lại lời của một ca khúc) cũng theo đó “tăng tốc” một cách đáng kinh ngạc. Nhạc chế thường do các bạn trẻ tự chế lại lời nhằm mục đích nhất định nào đó: Vui vẻ có, thâm thúy có, thậm chí nhố nhăng, nhảm nhí cũng nhiều. Bất cứ một bài hát nào cũng đều có thể được cải biên với một ca từ khác, từ những ca khúc nhạc trẻ tới những bài hát thuộc hàng “kinh điển”.
Thực tế, nhạc chế được tạo ra chủ yếu để bông đùa hay để gây cười nên thường được các danh hài sử dụng trong các tiểu phẩm của mình, nhằm chọc cười khán giả, cũng như để châm biếm một vấn đề mang tính xã hội nào đó. Bởi vậy, từ internet, nhạc chế bắt đầu lan lên sân khấu và rồi “lấn sân” truyền hình. Các chương trình sử dụng nhiều nhạc chế có thể kể đến: Gặp nhau cuối năm, Ơn giời cậu đây rồi, Bạn có thực tài… và gần đây nhất là Bí mật đêm chủ nhật. Sự xuất hiện của nhạc chế liên tục trên sóng truyền hình khiến loại nhạc này ngày càng được nhiều người cổ vũ.
Đang là một trong những chương trình ăn khách, Bí mật đêm chủ nhật cũng là chương trình sử dụng nhạc chế khi mỗi tập các nghệ sỹ phải đều chế một bài để chào đón ca sĩ khách mời. Từ những ca khúc nhạc trẻ như Đường cong,  Bốn chữ lắm… tới “huyền thoại” 60 năm cuộc đời của nhạc sỹ Y Vân cũng bị “lên thớt”.
Chế nhạc là hành vi phạm pháp
Trước đây, khi nhạc chế mới manh nha xuất hiện, bên cạnh những bình luận hưởng ứng góp vui vẫn có một bộ phận không nhỏ khán giả “ném đá” vì chế nhạc sẽ làm mất ý nghĩa và giá trị của ca khúc, nhất là với những ca khúc nổi tiếng. Nhưng ngày nay, nhạc chế được người ta hưởng ứng và rất ít người soi xét nữa, thậm chí kể cả khi những ca từ chế lại mang nội dung thô tục, nhảm nhí, phản cảm. Không những thế, việc nhạc chế cứ liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình dễ khiến người ta nhầm tưởng đây là một sự “sáng tạo” được phép và được ngợi khen.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, chế nhạc thực chất là một hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tác giả.
“Việc đưa những lời đùa bỡn vào trong âm nhạc đã có từ rất lâu rồi, nhưng nếu nó chỉ tồn tại trong một phạm vi nhất định, mang lại tiếng cười nhất thời thì được. Tuy nhiên, khi nó trở thành một kênh truyền bá chính thống thì là vi phạm luật pháp về quyền tác giả, gồm quyền nhân thân và quyền tài sản”, Nhạc sỹ Phó Đức Phương cho biết.
Theo nhạc sỹ Phó Đức Phương, quyền tài sản là khi sử dụng tác phẩm phải xin phép và trả tiền bản quyền. Quyền nhân thân quy định không được thay đổi và làm sai tác phẩm của chính tác giả. Còn nếu thay đổi phải xin phép và được sự đồng ý của chính tác giả, khi đó được gọi là “tác phẩm phái sinh”. Còn nếu thay đổi mà không xin phép thì đó là hành vi phạm pháp.
Không chỉ vậy, chế nhạc còn làm méo mó những nguyên tắc cảm thụ nghệ thuật. Mỗi bản nhạc luôn có một giá trị thẩm mỹ riêng để tác giả gửi gắm và truyền tải một thông điệp trọn vẹn nào đó, nên nếu “chế lời” khác cho những bản nhạc ấy để vui thì không sao, nhưng để truyền tải một thông điệp khác thì không chỉ vi phạm quyền tác giả mà còn hạ thấp những tiêu chuẩn thẩm mỹ về âm nhạc. “Nghe những bản nhạc chế tưởng chừng vô hại, nhưng thực chất thẩm mỹ âm nhạc cực kỳ thấp. Bởi thế, không thể coi chế nhạc là một loại hình nghệ thuật, cũng không được đưa nó lên một kênh truyền thông chính thức”, nhạc sỹ Phó Đức Phương chia sẻ.
Theo nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong, về lý thì chế nhạc thực chất là hành vi vi phạm bản quyền, nhất là khi sử dụng mà không xin phép tác giả. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà chế nhạc trở thành vấn đề đáng nói và đáng lên án hay không. Nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong bày tỏ: “Việc đặt lại lời một ca khúc, nếu chỉ nhằm mục đích để vui đùa, chọc cười người khác thì không có gì đáng lên án, nhưng khi làm điều này phải xin phép tác giả, để thể hiện việc tôn trọng bản quyền và tôn trọng tác giả ca khúc. Bản thân tôi cũng từng sản xuất nhiều chương trình, trong đó cũng có sử dụng những bản nhạc chế để gây cười cho khán giả, lời lẽ không quá đà, phản cảm, và đã xin phép tác giả thì việc này không phải quá nghiêm trọng”.
Theo Giao thông
 
Tràn lan nhạc chế phản cảm
Ngày cập nhật: 12/08/2015 6:44:10 SA

(SGGP) - Thời gian gần đây, cứ có sự kiện nóng được nhiều người quan tâm, ngay lập tức xuất hiện mấy bài nhạc chế được tung lên mạng. Không ít clip nhạc chế độc đáo cả về nội dung và chất lượng kết hợp với sự quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều clip nhạc chế gây sốc với phần ca từ phản cảm.
Liên tục nóng trên cộng đồng mạng là những bài nhạc chế được ghép từ những ca khúc có tiếng hay hình ảnh của những người nổi tiếng được ghép vô tội vạ với những lời lẽ không mấy thiện cảm đã khiến cộng đồng mạng nổi sóng. Các sự kiện nóng trên mạng xã hội từ chiếc váy màu vàng, trắng hay xanh đen, sự kiện chặt cây xanh, vụ đứt cáp mà nghi phạm là cá mập, vụ vượt rào ở công viên nước Hồ Tây, lễ ra mắt Bphone, ca sĩ Tuấn Hưng cạo đầu vì đội tuyển bóng đá nam thua trận, trào lưu Kiss Cam, phim ngàn tập Cô dâu 8 tuổi… đều được tận dụng để làm nên hàng trăm bản clip nhạc chế. Mấy ngày vừa qua, một đoạn clip ghi lại cuộc tranh cãi giữa một cô giáo và học viên cũng trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Cô giáo này bỗng chốc trở thành nhân vật xuất hiện dày đặc trong các “siêu phẩm” nhạc chế. Nhiều người còn nhanh chóng tung ra những video clip ăn theo clip gốc. Tất cả đều thể hiện ý đồ châm biếm, mỉa mai trước những câu nói, hành động bị cho không đúng mực, dễ gây ức chế cho người khác của cô giáo.
Công bằng mà nói, có những bài nhạc chế với nội dung ca từ hay, ý nghĩa đã phần nào đánh thức được suy nghĩ và tác động không nhỏ đến nhận thức của người xem. Cách đây không lâu, khi dư luận xã hội bức xúc trước việc chặt hàng loạt cây xanh ở Hà Nội thì Hồ Minh Tài, người được biết đến với những clip nhạc chế dựa theo thời sự gây ấn tượng, tung ra clip nhạc Xin đừng đốn cây được chế theo giai điệu ca khúc Trống vắng của nhạc sĩ Quốc Hùng và nhận được sự đồng tình của nhiều người. Lời ca khúc được viết lại với ý nghĩa bày tỏ nỗi lòng xót xa của người dân khi nhìn cảnh cây xanh bị chặt, đồng thời kêu gọi dừng ngay hành động này. Clip nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng mạng và nhận được sự ủng hộ tích cực từ người nghe.
Tuy nhiên, những sản phẩm nhạc chế có ý nghĩa như trên không nhiều. Đa phần, những clip nhạc chế có nội dung nhảm, lời thô tục, phản cảm tràn lan trên mạng. Trong Bài ca leo rào phê phán những người leo rào vào công viên nước Hồ Tây có đoạn: “Một chị leo tận trên cao/Vẫn không sao/ Nhưng ôi thôi song sắt hàng rào đâm vào...” gây phản cảm. Trong clip Bốn chữ lắm chế có những câu từ phản cảm như: “Mạng như… beep, Mạng như… quá tức”.
Chế nhạc không xin phép là hành vi vi phạm luật pháp, không nên cổ xúy. Bởi không có chế tài thích đáng, vô tình mạng xã hội tiếp tay cho nạn vi phạm bản quyền phát triển mạnh. Ngoài ra, việc không giới hạn số lượng chủ đề, thành viên và bình luận không kiểm soát chặt chẽ đã khiến phần bình luận ở một số video clip trở thành “chiến trường” cho cuộc chiến… bàn phím, nơi để mọi người thỏa sức a dua chửi bới hội đồng, xâm phạm đời tư ª Box: Nhạc chế là khái niệm dùng để chỉ phần lời đặt mới cho những ca khúc nổi tiếng được nhiều người biết đến với đủ các nội dung, từ lời hay ý tốt đến những lời thô tục, được thể hiện bằng nhiều phương tiện khác nhau (âm thanh và hình ảnh). Nhạc chế chỉ truyền khẩu để mua vui cho nhau trong một nhóm người chứ không trở thành tác phẩm được phép xuất bản và công diễn hợp pháp.
                                                                                               VÕ THẮM - THÀNH SƠN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét