Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

BÀI VIẾT HAY 10

(ĐC sưu tầm trên NET)

Cụ Trần Văn Hương
Xem “Chí Sĩ” Ngô Đình Diệm
Như Một “Thằng Ngu Ngốc Vô Liêm Sỉ”
Bửu Châu
14-Feb-2016
LTS: Đọc bài này mới thấy những người bênh vực "nhà Ngô" vô cùng gian trá! Đơn giản là vì "cú" không thể thành "phượng hoàng" mà không có phù phép. Những việc làm gian manh của họ xưa nay nhiều biết bao và khó ai có thể lật tẩy hết được trong một thời gian ngắn. Người ta chỉ có thể may mắn mới khám phá được một vài chuyện mà từ đó mới thấy rằng mưu kế của họ vô cùng tinh vi. Bài học mà ta chỉ có thể học là đừng bao giờ tin những gì họ nói hay viết, vì trong đó chắc chắn phải có điều gian trá. (SH)
Sau 1975 và tại hải ngoại, lợi dụng tình trạng khó kiểm chứng độ khả tín của tài liệu và tình hình càng ngày càng vắng dần nhân chứng, đồng thời, nhằm thực hiện lời nguyền đầy hận thù “… tôi chết trả thù cho tôi” của con chiên cuồng tín Ngô Đình Diệm, nhóm tàn dư Cần lao-Công giáo của gia đình nhà Ngô (“the House of Ngo”, như người Mỹ cũng thích dùng từ nầy) đã tung ra trên các diễn đàn Internet và một số báo giấy những tài liệu ngụy tạo trắng trợn,  nhằm hai mục đích đan kết phối hợp với nhau:
HAI MỤC ĐÍCH, MỘT CÔNG MỘT THỦ
● Một mặt, họ xuyên tạc và bôi nhọ tính chính đáng của Phật tử và trí thức Việt Nam trong cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo dài 6 tháng trong năm 1963, bằng cách chụp mũ cho phong trào Phật giáo là khi thì do CIA Mỹ điều động, khi thì … ngược lại, do Cộng sản Bắc Việt lãnh đạo. Tiêu biểu như bốn bài sau đây:
1)- Ngụy tạo ra một Đại úy CIA bí mật tên là James Scott như là hung thủ duy nhất, đặt chất nổ trong vụ thảm sát 8 Phật tử tại khuôn viên Đài Phát thanh Huế ngày 8-5-1963 (http://www.talawas.org/?p=5924).
2)- Vu khống cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ngày 11-6-1963 tại Sài Gòn là do một “cán bộ Cộng sản nằm vùng” tên Nguyễn Công Hoan lên kế hoạch và đã tự tay tiêm thuốc mê rồi tưới xăng đốt Ngài (http://thuvienhoasen.org/...-nguyen-kha).
3)- Bôi nhọ cuộc “tự hủy mình” của nhà văn Nhất Linh ngày 7-7-1963, cho đó chỉ là hành động quẫn trí vì Nhất Linh vốn bị bệnh tâm thần từ năm 1939, lúc viết truyện Bướm Trắng. (http://www.nguoi-viet.com/...).
4)- Dựng ra một kết luận không hề có cho Bản Phúc trình A/5630 của “Phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc tại Nam Việt Nam” (http://hoangnamgiao.blogspot.com/2013/07/blog-post.html ).
● Mặt khác, họ tìm cách “đánh bóng” cho hai lãnh tụ Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu một lớp sơn để che dấu những sai lầm và tội ác mà hai ông nầy đã gây hại cho đồng bào miền Nam.
Vì đồng bào xứ Huế (nơi biết rõ gốc gác và tư cách của dòng họ Ngô Đình nhất) đã từng lên án rằng: Họ Ngô có bốn gian hùng / Diệm ngu, Nhu ác, Cẩn khùng, Thục điên (trích từ đồng dao xứ Huế trong những năm đầu thập niên 1960’) nên bây giờ, nhóm tàn dư của nhà Ngô phải gian trá gán bừa cho lãnh tụ của mình những giải thưởng có kích thước quốc tế, những tác phẩm nghiên cứu lý luận có giá trị cao … hầu “dựng tượng” văn hóa cho lãnh tụ!!! Tiêu biểu như hai bài sau đây:
1)- Phong bừa cho ông Diệm làm khôi nguyên giải thưởng “Leadership Magsaysay Award” mà họ bịa ra là vào năm 1962 (hay 1959?) với trị giá 10,000 (hay 15,000?) đô la Mỹ để ông Diệm mau mắn tặng số tiền nầy cho vị lãnh tụ Phật giáo thế giới là ngài Đạt Lai Lạt Ma. (http://giaodiemonline.com/2013/03/suthat.htm).
2)- Bịa đặt ra những tình tiết không có thật để mạo nhận ông Nhu trở thành tác giả của cuốn khảo luận chính trị “Chính đề Việt Nam” hầu chứng tỏ rằng lý thuyết gia “uyên bác” của chế độ cũng có tác phẩm lập thuyết như ai! Tuy nhiên, công trình nghiên cứu giá trị nầy thật ra là của ông Tùng Phong Lê Văn Đồng, một người từ Pháp về, từng tham gia chính quyền ông Diệm (Bộ Canh Nông) nhưng đã bỏ đi không hợp tác nữa vì bất đồng quan điểm. (http://hoangnamgiao.blogspot.com/...)
Tại sao những xuyên tạc, gian trá và ngụy tạo nầy không được phổ biến rộng rãi khi hai ông Diệm Nhu còn nắm quyền sanh sát trong tay với bộ máy mật vụ ác ôn và hệ thống tuyên truyền muốn nói gì thì nói? Thậm chí trong những năm đầu thập niên 1970’, khi nhóm Cần lao-Công giáo trở lại khống chế chính trường miền Nam với sự thỏa hiệp của con chiên Nguyễn Văn Thiệu để thiết lập một chế độ “Diệm không Diệm” (nhóm từ của Robert Shaplen trong The Cult of Diem), những vu khống, bôi nhọ, mạo nhận hoặc “bốc thơm” như thế nầy hầu như không xuất hiện mà đến nay, ra hải ngoại và sau 1975, mới được ngụy tạo hoặc kích hoạt lại để tung ra một cách quy mô có hệ thống như thế? Câu trả lời gồm 3 vế.
* * *
CÂU TRẢ LỜI BA VẾ
(i) Vế thứ nhất: hội-chứng-bầy-đàn.
Sau biến cố long trời lở đất vào mùa Xuân năm 1975, về phương diện lịch sử và trong lãnh vực tài liệu, khi đề cập đến Miền Nam, hầu như cà hai “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc” đều muốn viết gì thì viết tùy ý đồ chính trị, chẳng còn tiêu chuẩn chuyên môn nào hay tư cách đạo đức gì được tôn trọng hay làm chuẩn mực nữa. Hiện tượng nầy lan tràn một phần vì trong cơn vật đổi sao dời đó, luôn luôn có một đám đông bị hội-chứng-bầy-đàn, có đầu mà không có óc, sẳn sàng đưa “sọ” cho những phù thủy “nhồi” gì cũng tin.
Một ví dụ nhồi sọ điển hình là trường hợp nữ sinh viên Nguyễn  Phương Uyên. Em sinh năm 1992 trong một gia đình theo đạo gia tiên thờ ông bà, vì chống chế độ nên bị tòa kết án tù treo 3 năm. Phương Uyên ra khỏi tòa sau phiên xử đó vào tháng 8/2013. Nhưng dù chỉ mới hơn hai tháng sau, và dù không đủ điều kiện để tiếp cận thông tin đa chiều, do đó không biết gì (và biết đúng) về chế độ Ngô Đình Diệm 50 năm trước đây, thế mà vẫn được mấy “cha” Dòng Chúa Cứu Thế trao bằng khen gì đó, rồi “nhồi sọ” đưa lên mộ ông Diệm khóc thương vào dịp mồng 1 tháng 11 cùng năm 2013 để mấy “cha” chụp hình phát tán khoe trên Internet.
Hiện tượng nhồi sọ nầy không những thành công dễ dàng với một em nữ sinh viên trẻ tuổi, mà còn “lừa” được một đám trí thức Hà Nội nông nổi và vọng động, vì quá bất mản với đảng Cộng sản nên tung hô bất kỳ cái gì họ “vớ” được (và xem đó như mẫu mực của “dân chủ tự do”), kể cả hai nền Cộng hòa cũ ở miền Nam mà họ hầu như không có những kiến thức đầy đủ và sâu sắc về quá trình hình thành và bản chất thực sự của hai nền Cộng hòa nầy!  
 Phương Uyên giỗ ông DiệmPhương Uyên giỗ ông Diệm
Sinh viên Phương Uyên cầu kinh cùng các cha dòng Chuá Cứu Thế và chụp hình cạnh ngôi mộ của ông “Huynh” (Ngô Đình Diệm) trong ngày 1-11-2013 (Hình: Dân Chúa Đồng Hành – dcdh.bplaced.net)
(ii) Vế thứ nhì: Mạng lưới thông tin
Đó là kỷ năng lan tỏa thông tin tức thời và khắp nơi của Internet. Mạng lưới Internet được khai sinh (packet networking) từ thập niên 1950’, triển khai trong thập niên 1960’ (ARPANET), rồi đi vào ứng dụng phổ quát và khai dụng đại trà trong những năm cuối thập niên 1980’ (ISPs). Internet với những ứng dụng trong lãnh vực  truyền thông xã hội (social media), một phần, đã trở thành công cụ tuyên truyền hữu hiệu cho  những kẻ giấu mặt bất lương hay minh danh nhưng không biết ngượng. Cứ nói láo mãi và nói láo nhiều, thế nào cũng có người tin. Không tin bây giờ thì để lại tài liệu cho thế hệ sau … “tham chiếu”! (Kỹ thuật nhồi sọ nầy đã được bộ máy tuyên truyền của Đức Quốc xã và Đệ Tam Quốc tế học thuộc từ một bậc thầy sành sỏi là Giáo hội Công giáo, vốn đã xử dụng để truyền đạo kinh qua cả nghìn năm trước).
Một ví dụ điển hình của hiện tượng lan tỏa rộng rãi lời nói láo trong cyberspace là sự kiện một cựu quan chức cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa đã dùng Internet để liên tục gian trá khẳng định rằng lãnh tụ của mình là tác giả của một cuốn sách chính luận có giá trị trí thức cao. Thật vậy, nguyên tác phẩm “Chính Đề Việt Nam” đã được ông Tùng Phong Lê Văn Đồng chấp bút và xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1965. Thế mà ông Tôn Thất Thiện, một “nhà nghiên cứu” hoài-Ngô (đã từng làm Giám đốc Báo chí kiêm Thông dịch viên riêng của ông Diệm, và sau 1963, làm đến Bộ trưởng Bộ Thông Tin của Đệ Nhị Cộng Hòa), mãi đến năm 2009 vẫn cứ tiếp tục khẳng định một cách bất lương và không biết ngượng trong một bài viết được phát tán rộng rãi trên Internet, rằng tác phẩm nầy là “viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng của nhân loại” vốn “kết tụ những nghiên cứu và phân tích dựa trên kinh nghiệm lịch sử của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng một số phụ tá thân cận”. Ông Thiện nầy, có bằng tiến sĩ ở Anh, vừa làm báo chí vừa làm thông tin trong cả hai nền Cộng hòa, người tự nhận là “tôi đã được học hỏi ở những Đại học có tiếng là đứng hàng đầu thế giới về các môn Chính trị, Kinh tế, Xã hội học, tôi đã đọc rất nhiều sách, báo, về vấn đề phát triển”, thế mà trong 44 năm (1965-2009) lạikhông biết đến (?) nên không nhắc đến tác giả thật, và duy nhất, là ông Tùng Phong Lê Văn Đồng, nguyên Đổng lý Văn phòng Bộ Canh Nông thời ông Diệm, ở ngay tại Sài Gòn. Ông tưởng sau 1975 ra đến hải ngoại rồi muốn nói gì thì nói sao? Thật là bất lương hết thuốc chữa!
bìa sách Chính Đề Việt NamTôn Thất ThiệnChính Đề Việt Nam google
Bìa “Chính Đề Việt Nam” của Tùng Phong, Nxb Đồng Nai, Sài Gòn 1965.
Ông Tiến sĩ Bộ trưởng Tôn Thất Thiện, người đánh tráo tác giả để đề cao lãnh tụ Ngô Đình Nhu.
Google ngày 14-1-2016 với keyword là tựa đề bài viết của ông Thiện (“CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM MỘT VIÊN NGỌC QUÝ TRONG KHO TÀNG TƯ TƯỞNG NHÂN LOẠI”), Internet cho 199,000 kết quả (đường link URL) dẫn về những trang web/blog hoài-Ngô như “Hồn Việt”, “Chúa Cứu Thế”, “Bảo Cệ Cờ Vàng 2012” … Và sự dối trá nầy sẽ cứ, theo thời gian, tiếp tục lan tràn trong không gian Internet như ý đồ bất lương của đám hoài-Ngô. 
(iii) Vế thứ ba: Thế lực đứng sau
Nhưng “hội-chứng-bầy-đàn” và mạng lưới Internet mà thôi cũng chỉ mới là những điều kiện “đủ”, nên vẫn chưa kết hợp được để có cả một chiến dịch rộng lớn, phối hợp nhịp nhàng trong và ngoài nước, nhằm xuyên tạc lịch sử và bôi nhọ các tôn giáo khác với một ý đồ chính trị rất rõ ràng. Chiến dịch nầy, để thực hiện nó ở tầm cao của chiến tranh tuyên truyền trong thời hiện đại, phải được một thế lực cực mạnh lãnh đạo và cung cấp phương tiện mới làm được. Thế lực đó, như lịch sử đã chứng nghiệm (từ thời cố đạo Alexandre de Rhodes “gọi Thích Ca bằng thằng”) và thực tế đang chứng minh (như Giáo hoàng Benedict 16 gọi Phật giáo là một loại tâm linh tự dâm – “autoerotic spirituality”) chỉ có thể là Vatican. Và Vatican chính là vế thứ ba trong chiến dịch tuyên truyền xám đó!
Thật vậy, trong “mùa gặt lớn” mà Vatican gọi là “chương trình cứu độ của Giêsu” tại lục địa Á châu, theo đúng chiến lược xâm lăng văn hóa để “cải đạo, cướp linh hồn” được Giáo hoàng Gioan Phaolồ 2 đề xuất trong “Tông huấn Giáo hội tại châu Á” (Ecclesia In Asia) vào năm 1999 tại Ấn Độ (http://giaodiemonline.com/2009/07/tonghuan.htm), Vatican đã cởi lên để khuynh loát làn sóng bất mãn với chính quyền Việt Nam bằng một chiến dịch “thánh hóa” trường hợp Ngô Đình Diệm như một viên đá nhắm hai con chim:
Vừa bóp méo quá  khứ để vinh danh dòng họ con chiên Ngô Đình và Đệ Nhất Cộng hòa hầu mong “giải tội” cho Giáo hội Công giáo Việt Nam về quá trình 100 năm (1858-1954) làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp xâm lăng và đô hộ Việt Nam; lại vừa hướng về tương lai, dùng Giáo hội Công giáo để tiêu diệt chế độ Xã hội Chủ nghĩa tại Việt Nam hầu thành lập một “Philippines toàn tòng thứ nhì”, gợi hứng từ chế độ giáo trị Đệ nhất Cộng hòa của Ngô Đình Diệm, trên bán đảo Hoa-Ấn. Ý đồ chiến lược nầy của Vatican, từ góc độ chính trị, là lập lại trường hợp Ba Lan vào mùa Hè năm 1989, chỉ khác là lần nầy “giòng nước lũ” chỉ đại diện không đến 10% dân số Việt Nam nhưng được Internet và hội-chứng-bầy-đàn khuyếch đại lên nhiều hơn …
Từ đó, ta không lấy làm lạ khi thấy những động thái tưởng là rời rạc nhưng thật ra kết hợp nhất quán và đều khắp để phục vụ cho những mục tiêu chiến lược đó của Vatican:
Từ Giáo hoàng Gioan Phaolồ II viết “Crossing the Threshold of Hope” (Bước qua Ngưỡng cửa Hy vọng) để phỉ báng Phật giáo, đến rửa tội cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngay trước giờ lâm chung để tạo uy tín truyền đạo dù ông nầy trước đó chỉ muốn quy y Tam bảo – Từ ồ ạt và gấp rút phong một con số kỷ lục 117 người cả Tây lẫn Ta làm “thánh tử đạo” tại Việt Nam chỉ trong vòng một năm (1988), đến một tên nhà văn Công giáo là Chu Tất Tiến ở tại Little Saigon (Mỹ) to mồm vu khống rằng “Phật giáo Việt Nam giết hại hơn 100 nghìn người cùng máu đỏ da vàng chỉ vì họ theo đạo Ca Tô”. – Từ vận động nhà nước Việt Nam đặt lại tên đường tên trường cho những thành phần Công giáo hợp tác với chính quyền thuộc địa Pháp như Nguyễn Trường Tộ, Petrus Ký, Nguyễn Bá Tòng, cho đến ra sách vinh danh ông Linh mục Trần Lục, người đã từng mộ quân và dẫn đường cho quân Pháp đánh chiếm chiến lũy Ba Đình của anh hùng Đinh Công Tráng. –  Từ Giám mục Ngô Quang Kiệt xách động giáo dân xuống đường bạo động đòi lại một mảnh đất vốn của chùa Báo Thiên, đến vận động nhà nước cho xuất bản sách (Việt dịch) của một nữ tác giả Mỹ viết về bà Nhu. Đó là chưa kể hàng trăm video được phát tán trên YouTube để đề cao Ngô Đình Diệm và phỉ báng Phật giáo và Tướng Dương Văn Minh …
* * *
CỤ TRẦN VĂN HƯƠNG VÀ BÀI THƠ “CẢM HOÀI”
Trong chiến dịch thiên la địa võng, huy động sức mạnh tổng hợp vừa thần quyền vừa thế quyền đó của Vatican, sự kiện cụ Trần Văn Hương làm thơ “mắng” ông Ngô Đình Diệm là “thằng ngu ngốc vô liêm sĩ” (vì bài thơ Cảm Hoài) là một trường hợp tuyên truyền xám điển hình khác về thủ đoạn “thấy sang bắt quàng làm họ” để tô son trét phấn cho lãnh tụ, do “bầy tôi” của ông Diệm thực hiện.  Bài thơ Cảm Hoài nầy, một dạo, đã được tàn dư của ông Diệm phổ biến giới hạn trong nước mà họ chú thích rằng tác giả là ông Diệm. Bài thơ được tán dương là một tuyệt tác với “khẩu khí của nhà ái quốc” đang trong thời kỳ làm ẫn sĩ phải “bao năm lê gót nơi quê người” Mỹ. Đến lúc ra đến hải ngoại sau 1975, bài thơ lại được phổ biến rộng rãi trên các diễn đàn và bổng trở thành “viên ngọc quý của thi ca Việt Nam” mà chỉ có người có tấm lòng yêu nước thương nòi như “chí sĩ” Ngô Đình Diệm mới sáng tác nỗi.
Ai cũng bị “đầu độc” tin như thế cho đến khoảng năm 1995, sau khi Mỹ-Việt bang giao, chuyện về Việt Nam để tìm mua sách cũ hoặc gặp lại bạn bè đồng nghiệp xưa trở nên dễ dàng hơn, nhiều người mới phát giác ra rằng tác giả bài thơ Cảm Hoài là một vị khác. Và chuyện gán cho ông Diệm là tác giả bài thơ nầy chỉ là trò gian trá, mạo nhận của nhóm Cần lao-Công giáo để bốc thơm ông Diệm mà thôi!        
Ngoài ra, cũng nhờ vậy mà thế hệ sau mới biết được rằng trể nhất là từ năm 1974, một số ít người sinh hoạt thi ca trong nước đã biết vụ lừa dối nầy rồi.  Đặc biệt, một trong những người đó là cụ Trần Văn Hương, đã biết từ năm … 1961!
Cụ Trần Văn Hương là một nhà giáo, một nhân sĩ nỗi tiếng tại miền Nam. Cụ từng tham gia chính quyền Việt Minh, nhưng rồi vì bị quy chụp là Việt gian nên cụ bỏ kháng chiến về quê Vĩnh Long sống ẩn dật. Sau khi đất nước qua phân, cụ hoạt động trở lại và đã từng là Đô trưởng Thành phố Sài Gòn dưới thời ông Diệm. Nhưng chỉ được vài năm rồi cũng bất mãn vì bản chất độc tài của chế độ nầy nên cụ và một số đồng chí thành lập nhóm Tự Do Tiến Bộ, ra Tuyên Ngôn (năm 1960 tại khách sạn Caravelle) để lên án chế độ Diệm. Cũng trong năm 1960 đó, cụ ủng hộ cuộc binh biến của binh chũng Nhãy Dù để lật đổ ông Diệm nên bị Nha Tổng Giám đốc Cảnh Sát và Công An Quốc Gia bắt cầm tù vào ngày 12-11-1960. Cụ được phóng thích khoảng 5 tháng sau đó (7-4-1961).
Năm 1964, cụ trở lại tham chính và đã từng giữ những chức vụ Thủ Tướng, Phó Tổng thống và Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, cụ chọn ở lại quê hương, tiếp tục sống ở căn nhà cũ ở Sài Gòn. Cụ mất năm 1982. Ngày nay, nhắc đến cụ, người ta vẫn gọi cụ là một mẫu mực tiêu biểu và đúng đắn  của một “Sĩ  phu Nam kỳ”. (Xem toàn bộ tiểu sử và hoạt động của cụ tại  Trần Văn Hương)
Trong thời gian bị tù dưới chế độ Diệm, cụ và một số bạn tù chính trị khác (như các vị Tạ Chương Phùng, Phan Bá Cầm, Trần Văn Tuyên, Phan Khắc Sữu, Nguyễn Trung Hậu, Phan Quang Đán, Phan Huy Quát, …) thỉnh thoảng có làm thơ để ký thác tâm sự. Sau nầy, cụ tập trung một số thơ của mình và của các bạn đồng chí cùng cảnh ngộ in thành một tuyển tập lấy tên là “Lao Trung Lãnh vận” (Những vần thơ lạnh trong tù).
cụ Trần văn Hương Lao trung lãnh vận
Cụ Trần Văn Hương (1902-1982) và Hình bìa trước của tập thơ Lao Trung Lãnh Vận, Sài Gòn, in lần thứ ba, 1974.  
Trong tuyển tập thơ nầy, cụ có cho đăng bài thơ Cảm Hoài vốn thực sự của cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác mà một người bạn thơ từng bị “tuyên truyền”, nói là của “chí sĩ Ng. Đ.D.”. Sự thực là trong giai đoạn đó, vì bộ máy tuyên truyền của chế độ ông Diệm đã đánh tráo tác giả nên có rất nhiều người bị lầm, tưởng đó là thơ của ông Diệm thật. Cụ Trần Văn Hương và một số bạn thơ cũng đã bị lừa như thế nên sau nầy, khi phát hiện ra bị lừa, đã làm thơ “đả kích ông ta” (ông Diệm). Vì vậy mà  trong bài thơ “Chuyện Trớ Trêu” làm cuối năm 1961 để hoạ lại bài thơ “Phúng Thế” của người bạn “đả kích” ông Diệm từ năm trước, cụ Trần Văn Hương đã kết bài bằng hai chữ mà “muôn đời” sau sẽ dành cho nhà “chí sĩ” Ngô Đình Diệm:

Tấp tểnh đua đàn tranh “chí sĩ”
Muôn đời để mãi tiếng thằng công

“Thằng công” là thằng gì? Cuối bài thơ, cụ Trần Văn Hương đã giải thích rằng chữ “thằng công” vốn là diễn âm tiếng Việt của một chữ Pháp là “Un con (tiếng thô tục để mắng mấy thằng ngu-ngốc vô liêm sỉ)
Dưới đây là phần trích dẫn và phóng ảnh ba bài thơ “Cảm Hoài”, “Phúng Thế” và “Chuyện Trớ Trêu” trong tác phẩm Lao Trung Lãnh Vận của cụ Trần Văn Hương:
Bắt đầu trích, với 3 chú thích của NK trong [ ]
● [Trang 128] 
Một bữa kia, ông bạn Long Giang ĐỖ PHONG THUẦN có đưa cho xem một bài thơ “Cảm Hoài”, nói là của “chí sĩ NG.Đ.D.”. Sau mới biết đó là bài thơ của ông NGUYỄN SĨ GIÁC cũng gọi là NGUYỄN SĨ XÁC, hiện còn mạnh giỏi. Hình như ông cũng đã chịu nhiều gian khổ vì chuyện nước nhà, nhơn lúc buồn sanh cảm làm ra bài nầy:
CẢM HOÀI
Lao  Trung Lãnh Vận trang 128

Gươm đàn nửa gánh muốn sang sông
Hỏi bán: Thuyền không lái cũng không!
Xe muối nặng-nề thương vó ký,
Đường mây rộng-rãi tiếc chim hồng.
Vá trời lấp bể, người đâu vắng?
Bán lợi mua danh chợ vẫn đồng!
Lần-lữa nắng mưa trong cuộc thế,
Cắm sào đợi nước thưở nào trong!
(Theo trong quyển “Chơi Chữ” của LÃNG NHÂN)

● [Trang 130]
Một số thi-hữu tưởng bài thơ nầy thật của “chí sĩ” nọ, nên họa vận đả kích ông ta [ông Diệm]; tôi cũng thế…
Cũng nhơn bài thơ trên, ông bạn LONG GIANG có gởi cho xem bài thơ “Phúng Thế” như sau đây:
Lao Trung Lãnh Vận trang 130
PHÚNG THẾ

Đường đời chen lấn, chợ đời đông.
Chác lợi mua danh mới phập phồng
Trách kẻ ham giàu bôi sử sách
Phụ người công khó giúp non song
Con buôn gặp mối đeo như đỉa,
Thằng mổng no cơm hót tợ nhồng
Ái quốc ưu dân, là quảng cáo
Ngân-hàng ngoại quốc dẫy đầy công (1)
LONG GIANG (Tháng chạp, 1961)

    - Công: Un compte de dépôt, un compte en banque (số tiền gởi ở ngân hàng). [Hàm ý rằng gia đình nhà Ngô mở miệng thì nói thương nước thương dân, nhưng thực ra đó chỉ là miệng lưỡi “quảng cáo” vì chính nhà Ngô đã chuyển tiền ra nhiều trương mục của ngân hàng nước ngoài rồi - NK]
  • [Trang 131]
Tôi họa lại như thế nầy:
Lao  Trung Lãnh Vận trang 131
CHUYỆN TRỚ-TRÊU

Trớ-trêu mật ít lại ruồi đông!
Thầm nghĩ cười ai mũi sớm phồng!
Môi mỏng khoe lo dân với nước,
Mặt dày quên thẹn núi cùng song.
Thấy lâu xốn mắt, lòng lang sói
Nghe lắm rườm tai, giọng cưỡng nhồng (1)
Tấp tểnh đua đàn tranh “chí sĩ”
Muôn đời để mãi tiếng thằng công (2)
(26-12-1961)

(1) Trong Nam dùng 2 tiếng: a) nhàm: nghĩa là nghe chán lắm, -  b) nhờm: nghĩa là nghe thấy gớm ghê lắm. - Chử “rườm”, ngoài Bắc, gồm hết hai ý ấy.
(2) Un con (tiếng thô tục để mắng mấy thằng ngu-ngốc vô liêm sỉ) – Ông bạn giả-ngộ dùng một tiếng Pháp làm vần thơ, nên tôi cũng dùng một tiếng Pháp trùng-âm để làm vần họa lại. [Nhấn mạnh của NK]
[Hết trích]
Hình:  Ba trang trong tác phẩm  Lao Trung Lãnh Vận - Trang 128, bài “Cảm Hoài” của cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác; trang 130, bài “Phúng Thế” của cụ Long Giang Đỗ Phong Thuần; và trang 131, bài họa “Chuyện Trớ Trêu” của cụ Trần Văn Hương, có cước chú số (2) để giải thích hai chữ “Un con (tiếng thô tục để mắng mấy thằng ngu ngốc vô liêm sĩ)
Vậy thì cụ Nguyễn Sĩ Giác là ai mà đám tàn dư Ngô Đình Diệm phải hèn hạ dùng thủ đoạn mạo nhận, “thấy người sang bắt quàng làm họ” để đánh bóng cho lãnh tụ không thực tài, không thực danh và không thực lực nên phải dựa hơi người khác!!!
Trích đoạn dưới đây của một người học trò của cụ Nguyễn Sĩ Giác cho ta biết vài nét chấm phá về thân thế và sự nghiệp của Cụ. Tư cách và hành hoạt của Cụ Nghè Giác như vậy nên đám tàn dư nhà Ngô gian trá muốn cho lãnh tụ của mình “bắt quàng làm họ” thật phải!:
[Bắt đầu trích - nguyên văn, trừ tấm hình ông Diệm được NK thêm vào để minh họa bài viết]
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác (1888- 197?) là giáo sư Hán Văn tại trường đại học Văn Khoa và Sư Phạm Sài gòn trong thập niên 60.Tiên sinh cũng như giáo sư Nguyễn Huy Nhu ,Viện Đại Học Huế là những vị tiến sĩ cuối cùng của nhà Nguyễn.
Nguyễn Sĩ Giác tiên sinh sinh năm mậu tí (1888) quán xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông , là con trai của cử nhân Nguyễn Duy Nhiếp, cháu nội của tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp, đỗ tiến sĩ khoa canh tuất, niên hiệu Duy Tân thứ tư (1910) vào lúc 23 tuổi, đồng khoa với các phó bảng Hoàng Tăng Bí, Bùi Kỷ , trước Đinh Văn Chấp một khoa (1913), trước Nguyễn Huy Nhu, Nguyễn Can Mộng hai khoa (1916).
Nguyễn Trọng Hợp là cháu bốn đời của Nguyễn Công Thái (1684-1758), đỗ tiến sĩ khoa Ất Vị (1715), làm quan đến chức Tể tướng. Như vậy, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác cùng thi sĩ Tản Đà chung một tổ tiên.

[Hết trích]
(Trích từ “Nguyễn Sỹ Giác Thi Văn Tập”, Lời Nói Đầu, của Nguyễn Thiên Thụ
http://sontrung.blogspot.com/2010/04/nguyen-si-giac-thi-van-tap.html )
Cụ Nghè Nguyễn Sĩ GiácNgô Đình Diệm
Trái: Tác giả thật của bài thơ “Hoài Cảm”, Cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác
(Hình: sontrung.blogspot.com) – Phải: “Tác giả dỏm” Ngô Đình Diệm
do nhóm tàn dư nhà Ngô gán ghép phịa ra. (Hình: LIFE)
* * *
KẾT LUẬN
Để kết luận, xin chỉ nhấn mạnh một điều: Trong suốt 9 năm chấp chánh của ông Ngô Đình Diệm và gia đình của ông, xã hội miền Nam gồm nhiều thành phần đã lấy những chọn lựa khác nhau trước chế độ mới. Lẽ xuất xử  thì tùy từng người trước tình thế mới, nhưng đặc biệt có một thành phần trí thức, dù trong hoàn cảnh nào cũng “gìn vàng giữ ngọc” để bảo tồn nguyên khí quốc gia.
Đó là những vị như Tăng Xuân An, Hoàng văn Chí, Nguyễn Xuân Chữ, Vũ Hoàng Chương, Phùng Tất Đắc, Trần Văn Đỗ, Hồ Sỹ Khuê, Tạ Chương Phùng, Phan Huy Quát, Doãn Quốc Sĩ, Phan Khắc Sửu, Nguyễn Tường Tam, Quách Tấn, Đoàn Thêm, Hoàng Trọng Thược, Nguyễn Thế Truyền, Dương Tấn Tươi, Lương Trọng Tường, Trần Văn Văn, Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Vỹ, … mà nhân cách và khí tiết của họ thì dân chúng miền Nam lúc bấy giờ, cũng như sau nầy, đều ngưỡng mộ.
Trong số họ, có người an phận trùm chăn nhìn cuộc hí trường lên voi xuống chó, có người khinh bỉ bất hợp tác với gia đình kẻ cầm quyền. Nhưng cũng có người lấy thái độ quyết liệt hơn, thẳng thắn lên án chế độ, thậm chí còn công khai chống lại anh em nhà Ngô bằng võ lực bất chấp tù đày.  Cụ Trần văn Hương là một người trong số thành phần ưu tú nầy.
Nếu một người khí phách và cương trực như Cụ mà, từ năm 1961, đã xem ông Ngô Đình Diệm là một “thằng ngu ngốc vô liêm sỉ” thì còn gì đề nói về ông ta, và về chế độ “nhân vị” của gia đình nhóm chóp bu quyền lực Ngô Đình nữa!!!  
Bửu Châu
Đầu năm 2016
ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM LÀM THƠ ?
http://lexuannhuan.tripod.com/LamTho.html#Dong
Thanh Thanh
LTS: Nếu không có những bài viết như sau, những người thích đọc emails mà thiếu vốn liếng văn học sẽ tin theo những bài viết của những nhà văn nhà thơ "mì ăn liền" trên các diễn đàn thư tín, mỗi ngày thổi ra một "phong trào" mới. Hôm nay phục hồi tinh thần này, ngày mai hạ bệ danh nhân kia, ngày mốt đánh bóng nhân vật nọ,.... Và ông Ngô Đình Diệm ở chỗ nào đó trong thế giới vô hình cũng giật mình rằng ông là tác giả một bài thơ, lại là thơ đường với đầy đủ niêm luật mà ông không hiểu! Điều quan trọng hơn là bài thơ đó "làm dáng tư cách" cho cuộc đời làm chính trị của ông.
Trong cuốn "Chơi Chữ" của cụ Lãng Nhân, ấn bản 1979 của Zieleks Co., in tại U.S.A, bài thơ dưới đây không thấy tựa, nhưng đề là "Ông Nguyễn Sĩ Giác khoảng năm 1920 có bài thơ tỏ chí:"... Tiếp theo dưới bài thơ, cụ Lãng Nhân biên: "Lời thơ bằng phẳng, có chỗ mâu thuẫn là "Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không!" thì lấy đâu mà cắm đợi nước trong? Sở dĩ chúng tôi lục ra đây là vì khoảng năm 1961, có người chép lại, bảo là sáng tác của ông Ngô Đình Diệm, và đưa ra "sách họa", báo hại mấy ông trong vòng phải nghĩ thơ "phụng họa" rồi mấy ông ngoài vòng nhân thế cũng ghép vần đả kích:
"Hèn vụng toan khai núi lấp sông
Chiêm bao: sự nghiệp có rồi không.
Tan tành lưới gió hoài tơ nhện,
Diệu vợi đường mây rã cánh hồng.
Mùi thế ngọt ngon ai đã chán?
Chợ đời giành giựt khách còn đông.
Nhắn lời xin hỏi người cao kiến:
Nào thuở Hoàng Hà thấy nước trong?
Giai thoại về bài thơ này như thế cũng đã đủ, nhưng chuyện "ăn cắp" trong văn học có thể còn dài. Mới tháng trước đây, sachhiem.net có đăng một trường hợp "Ăn cắp cả cái sắc không của nhà Phật". Xin bạn đọc đóng góp cho các bạn đọc khác những câu chuyện "cầm nhầm" tương tự. Cám ơn tác giả Thanh Thanh rất nhiều (SH)


Trong tháng 10 năm 2003, sắp-sửa đến ngày 2-11-2003 là ngày giỗ lần thứ 40 của cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, ông Trần Việt Yên ở San Jose đã đăng lên một số diễn-đàn liên-mạng một bài thơ Đường-luật và tin theo lời của ông Lệ Khanh nào đó cho rằng đó là thơ của ông Ngô Đình Diệm sáng-tác vào năm 1953. Nguyên-văn như sau:
NĂM MƯƠI NĂM
ĐỌC BÀI THƠ "NỖI LÒNG" CỦA MỘT CHÍ SĨ
Trần Việt Yên
Tình cờ tôi gặp nhà thơ Lệ Khanh, trong câu chuyện hàn huyên, anh hỏi tôi:
- "Có biết cụ Diệm làm thơ không?"
- "Tôi chưa nghe nói" - tôi thành thực trả lời
Anh kể:
- "Cụ Diệm có một bài thơ làm từ năm 1953, Việt Yên muốn nghe tôi đọc cho nghe.
- "Vâng xin anh đọc đi" - tôi vừa trả lời vừa sửa soạn giấy bút để ghi chép lại.
Anh đọc bài thơ cho tôi chép:

NỖI LÒNG
Gươm đàn nửa gánh quẩy sang sông
Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không!
Xe muối nặng nề thân vó Ký
Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng
Vá trời lấp biển người đâu tá?
Bán lợi mua danh chợ vẫn đông!
Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế
Cắm sào đợi khách, thuở nào trong?
(Chí sĩ) NGÔ ĐÌNH DIỆM 1953
Mới thoạt nghe bài thơ Lệ Khanh đọc, tự nhiện tôi rùng mình, cảm xúc bài thơ đi thẳng vào tim óc, tôi nhẩm đi nhẩm lại bài thơ, gần như thuộc lòng,
Trở lại với bài thơ NỖI LÒNG của chí sĩ NGÔ Đ̀NH DIỆM , tôi xin được nêu vài ý nghĩ thô thiển về bài thơ của cụ...
Theo Lệ Khanh cho biết Cụ Diệm làm bài thơ này từ năm 1953, nếu trí nhớ không đánh lừa tôi thì... lúc đó cụ Diệm chưa về nước chấp chánh, cụ còn đang lưu ngụ trong một nhà dòng Thiên Chúa Giáo tại tiểu Bang Misouri (?) Hoa Kỳ . Thời điểm đó, chiến cuộc Đông Dương đang diễn ra ác liệt... Hội nghị Genève được hình thành nhằm tìm kiếm hòa bình cho Đông Dương, các chính phủ Quốc gia được thành lập và tham dự hòa đàm Genève, nhưng... Người Mỹ với vai trò lănh đạo khối thế giới Tự Do nóng lòng và muốn can thiệp vào vũng lầy Đông Dương, đang tìm kiếm một khuôn mặt ít chịu ảnh hưởng của người Pháp để ủng hộ , Do những quen biết, ông Ngô Đình Diệm có lẽ đă được thăm dò ý kiến về vai trò lãnh đạo, theo tôi chính đó là hoàn cảnh bài thơ NỖI LÒNG được ra đời .
Đọc bài thơ NỖI LÒNG người ta thấy được tinh thần dấn thân của một con người đang muốn xông pha vào thế cuộc , Chỉ 3 chữ “quẩy sang sông “ đă thể hiện được thái độ hăm hở xốc vác dám dấn bước sang một hoàn cảnh khác của tác giả... Câu thơ thứ 2 ” Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không , Mặc dù hăm hở muốn sang sông, tác giả vấp phải hoàn cảnh thực tế phũ phàng : Muốn sang sông thì phải có thuyền, nhưng thuyền không có mà lái cũng không nốt!! Nhìn vào hoàn cảnh nước nhà lúc đó con thuyền quốc gia đang bị sóng gió cộng sản vùi dập, mà người đủ tài lèo lái con thuyền cũng không có, lấy gì để sang sông. Riêng trong trường hợp tác giả lúc đó, dù nóng lòng hăm hở muốn sang sông gánh vác, nhưng thuyền là tổ chức, mà người lãnh đạo cũng chưa có thì làm sao có thể sang sông cho được bây giờ ?!... Nếu cứ chần chừ chờ cơ hội thuận tiện thì bao giờ cơ hội mới đến, vì thế phải nhập cuộc, phải sang sông . Đọc cả bài thơ tôi thấy toát lên cái hào sảng của một kẻ sĩ, dù đang ẩn nhẫn , nhưng quyết chí phải xông pha vào con đường gió bụi phong trần cái hăm hở của một con người nhập thế, dám chấp nhận thử thách khó khăn...
Có lẽ vì mang tinh thần NHẬP CUỘC đó mà chí sĩ NGÔ ĐÌNH DIỆM sau đó ít lâu đă nhận lời mời của Quốc trưởng Bảo Đại về nước đảm nhận vai trò thủ tướng khi người Pháp đang bị vây khốn Điện Biên Phũ,
TRẦN VIỆT YÊN

Đến tháng 10 năm 2006, bài viết trích trên của ông Trần Việt Yên đã được đăng lại trên nhiều diễn đàn (cùng với các lỗi chính tả y nguyên như cũ).
⊙⊙⊙
Đọc lời bình của ông Trần Việt Yên, tôi cũng "rùng mình."
1/ Ông Trần Việt Yên không biết gì về lịch sử cả (ít nhất là những gì liên quan đến bài thơ và ông Ngô Đình Diệm).
Bài thơ được cho là làm vào năm 1953, mà ông Trần Việt Yên viết là:
Hội nghị Genève được hình thành“ trong lúc sự thật là mãi cho đến năm sau, ngày 26 tháng 4 năm 1954 Hội-Nghị Genève mới hình thành (chấm dứt ngày 21-7-1954)! "lúc đó cụ Diệm chưa về nước chấp chánh, cụ còn đang lưu ngụ... tại tiểu Bang Misouri (?) Hoa Kỳ.
Tất nhiên là chưa về nước chấp chánh, viết như thế là thừa. Vả lại, ở Mỹ mà không viết đúng cái tên của Bang Missouri (tối thiểu cũng có trong sổ điện-thoại)? Hơn nữa, sự thật là ông Diệm ở Bang New Jersey (mặc dù ông Trần Việt Yên có ghi dấu hỏi nghi-vấn liền sau tên Bang Missouri, nhưng một khi ông Yên đã chú ý đến thời-điểm ra đời của bài thơ (năm 1953) nhất là hoàn-cảnh lúc đó của tác-giả (Ngô Đình Diệm) mà ông Yên vẫn cứ mù-mờ nhập-nhằng sự-kiện này với thời-điểm kia chứ không chịu tìm hiểu xem ông Diệm lúc đó cư-ngụ/sinh-sống ở đâu, thì làm sao mà bình thơ, vể NỖI LÒNG của ông Diệm được?
mà chí sĩ NGÔ ĐÌNH DIỆM đă nhận lời mời của Quốc trưởng Bảo Đại về nước đảm nhận vai trò thủ tướng khi người Pháp đang bị vây khốn Điện Biên Phũ”. Sự thật là Điện Biện Phủ (trận đánh mở màn từ 13-3-1954) đã thất thủ vào ngày 7-5-1954 rồi, thì, gần một tháng rưỡi sau, khi ông Ngô Đình Diệm được Quốc Trưởng Bảo Đại cử làm thủ tướng vào ngày 16-6-1954, Pháp đã đầu hàng rồi, đâu còn đang bị vây khốn ở Điện Biên Phủ nữa?
2/ Nội-dung bài thơ (nếu là của ông Ngô Đình Diệm) thì thật là đã rọi thêm ánh sáng vào tâm-trạng (“nỗi lòng”) thật sự của ông Diệm lúc bấy giờ:
Theo ý bài thơ thì tác-giả (cho là ông Ngô Đình Diệm) là người đang muốn “sang sông” (đem tài ra giúp nước), nhưng “thuyền không, lái cũng không!”, nên “Cắm sào đợi khách” mà không biết dòng sông “thuở nào” mới “trong.”
Ông Trần Việt Yên đã bàn rõ thêm: “Mặc dù hăm hở muốn sang sông, tác giả (Ngô Đình Diệm) vấp phải hoàn cảnh thực tế phũ phàng : Muốn sang sông thì phải có thuyền, nhưng thuyền không có mà lái cũng không nốt!! Nhìn vào hoàn cảnh nước nhà lúc đó con thuyền quốc gia đang bị sóng gió cộng sản vùi dập, mà người đủ tài lèo lái con thuyền cũng không có, lấy gì để sang sông.” Chừng e chưa rõ, ông Trần Việt Yên lặp lại lần nữa: “Riêng trong trường hợp tác giả (Ngô Đình Diệm) lúc đó, dù nóng lòng hăm hở muốn sang sông gánh vác, nhưng thuyền là tổ chức, mà người lãnh đạo cũng chưa có (Vá trời, lấp biển, người đâu tá?) thì làm sao có thể sang sông cho được bây giờ ?!
Rõ ràng, theo ông Trần Việt Yên, thì ông Ngô Đình Diệm muốn “sang sông” (đem tài ra giúp nước), nhưng không có thuyền (không có tổ chức), không có người lái (không có lãnh đạo), cho nên không thể “sang sông”, chỉ biết “cắm sào đợi khách” mà thôi. Như thế tức là ông Ngô Đình Diệm không có tổ chức (thuyền) của mình, mà chỉ trông chờ tổ chức của người khác, và chấp nhận để cho người khác lãnh đạo (lái) mình. Nói một cách khác, ông Ngô Đình Diệm sẵn-sàng đem tài ra phục-vụ trong tổ-chức của người khác, dưới quyền lãnh đạo của người khác, mà chưa toại nguyện, nên phải bất động, hay bất-lực, “cắm sào” (không làm gì hơn) để chờ thời thôi. Câu thơ “Vá trời lấp biển người đâu tá?” chỉ rõ là ông Ngô Đình Điệm không/chưa thấy, nên mong chờ, người lãnh đạo ấy -- là người khác (chứ có ai lại đi mong chờ chính mình?). Câu thơ thứ hai đã khẳng định là “thuyền không (không có tổ chức), lái cũng không (không có lãnh tụ)” rồi, cho nên câu cuối (Cắm sào đợi khách, thuở nào trong?) không có nghĩa là con thuyền hay người lái đò “cắm sào đợi khách” (vì từ câu 2 đã nói rõ là không có thuyền, không có người lái, tức không có tổ chức, không có lãnh đạo rồi), mà là nói về nỗi lòng của tác giả (lần lữa nắng mưa) “cắm sào đợi khách” tức là bất động, và thụ động trông chờ một con thuyền tức một tổ chức, và một người lái tức một người lãnh đạo, hầu ông bước lên con “thuyền” ấy, tùy vào người “lái” đò ấy, để mà “sang sông”). “Thuở nào trong?” là lời tự hỏi của tác giả, không biết bao giờ mới có tổ-chức và người lãnh đạo tài ba ấy, để sông hết đục và nước nên trong (Đó là hiểu theo lời bình của ông Trần Việt Yên – xin mời đọc lại -- chứ không phải là của tôi).
Tôi liền lục tìm tài-liệu lịch-sử thì thấy quả là từ năm 1950 ông Ngô Đình Diệm đã qua Nhật Bản tìm gặp Kỳ-Ngoại-Hầu Cường Để (dòng dõi Hoàng-Tử Cảnh; từng được nhóm Phan Bội Châu và một nhóm giáo-dân Ky-Tô từ Quảng Bình tới Nghệ An tôn làm Minh Chủ lo việc chống Pháp; bị Pháp tuyên án tử-hình khiếm-diện; cầm đầu Viêt-Nam Phục-Quốc Đồng-Minh-Hội, tổ-chức Việt-Nam Kiến-Quốc-Quân; hoạt-động khắp Hồng-Kông, Nhật, Trung-Hoa, Thái-Lan, Singapore, Ý, Đức, Anh; được Bảo Đại cử làm Trưởng Cơ-Mật-Viện; cư-ngụ và có thế-lực ở Nhật) để bàn với ông Cường Để về việc thành-lập một chính-phủ chống Cộng; rồi qua Mỹ, tiếp xúc với Bộ Ngoại-Giao Hoa-Kỳ; rồi qua Pháp, rồi qua Roma, rồi liên lạc với Quốc Trưởng Bảo Đại (ngỏ ý sẵn sàng làm thủ tướng, với một số điều kiện); xong mới qua Mỹ lại. Từ đó, ở Mỹ nhiều năm (dưới sự bảo trợ của Hồng-Y Francis Joseph Spellman, làm quen với nhiều dân-biểu và Thượng-Nghị-Sĩ như Mike Mansfield, John F. Kennedy...), ông Ngô Đình Diệm vận động ráo riết (kể cả đề nghị giải pháp suy tôn Hoàng-Thái-Tử Bảo Long vào năm 1951, lưu giữ quân đội Pháp lại tại Việt Nam vào năm 1953). Hiển-nhiên ông Diệm không thể đề-nghị Cường Để cũng như Bảo Long phục-vụ dưới quyền của mình, mà ngược lại mà thôi.
Tháng 5 năm 1953 ông qua Âu Châu (và đến đầu năm 1954 vẫn chưa được ai bàn chuyện chính ông chấp chánh). Đó là hoàn-cảnh và tâm-trạng thực-sự của ông Ngô Đình Diệm vào năm 1953, năm làm bài thơ nói trên. Thế thì ông Trần Việt Yên quả đã hiểu đúng nỗi lòng và bài thơ (cho là) của ông Ngô Đình Diệm vậy.
Do đó, nếu căn-cứ vào các loại “tài-liệu” của những người thân-Diệm sau này, tán-tụng ông Diệm lên tận mây xanh, thì ông Trần Việt Yên, dựa vào ông Lệ Khanh, đã phạm tội vu khống ông Ngô Đình Diệm là tác giả bài thơ ấy (vì bài thơ ấy phản lại huyền-thoại do một số người dựng lên về quá-trình sự-nghiệp của ông Diệm: tự mình làm nên, không nhờ vào ai, nhất là không chịu ở dưới quyền ai), tức là ông Trần Việt Yên đã hạ thấp giá trị tinh thần của chí sĩ họ Ngô vậy.
Hoặc giả (nếu quả thật bài ấy là thơ của ông Ngô Đình Diệm), thì ý tác-giả là ông đã có tổ-chức nằm sẵn trong nước, chỉ cần, và rất cần, được (siêu quyền-lực) hợp-thức-hóa thành một con thuyền, để ông được chính-thức-hóa thành kẻ lái đò, tức người lãnh-đạo, thì bài thơ “khẩu-khí” nói lên hoài-vọng của ông như trên cũng đã đồng-thời đặt ra và xác-nhận một thực tế là yếu-tố ngoại-bang trong chiều dài vận-động chính-trị của các chính-khách Việt-Nam xưa và nay: một bên là Liên-Xô; một bên là Đông-Du, Đông-Kinh Nghĩa-Thục, rồi Hoa-Kỳ. Và Hoa-Kỳ sau này vẫn là cái bến tốt nhất cho các con thuyền vào đậu hay ra đi (mà Diệm thì vào đậu nhờ, song sau khi tách bến đã tự biến thành con thuyền không bến, không cả tìm về bến cũ với cây đa xưa).
Tôi không tin rằng ông Ngô Đình Diệm có làm thơ ‒ đâu giỏi Hán-văn mà làm thơ Đường-luật? (↓) vả lại người sính làm thơ thì đã làm nhiều, chứ đâu chỉ có một bài! ‒ nhưng tôi lại tin rằng, nếu ông Diệm mà có làm thơ, thì hẳn là ông đã hủy (không còn lưu lại) bài thơ... bất-lợi cho ông như trên.
⊙⊙⊙
Trở lại thời-gian 1954-63, dưới thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa: hầu hết các cơ-quan truyền-thông (đều do chế-độ kiểm-soát), các công-chức và quân-nhân văn+nghệ-sĩ, cùng với các phần-tử mưu-cầu danh-lợi, đều đã nỗ-lực tối-đa để sản-xuất những tác-phẩm (chưa kể các báo-cáo, diễn-văn, kiến-nghị, thỉnh-nguyện-thư, lời nói miệng...) đề-cao Tổng-Thống họ Ngô. Nhưng đằng sau những cố gắng ấy đã có thấp-thoáng cái mặc-cảm tự-ti rằng Ngô Tổng-Thống trong này có thể thua kém Hồ Chủ-Tịch ngoài kia về một số mặt nào đó, cho nên người ta đã tô vẽ quá đà. Một trong các thí-dụ là: ngoài Bắc thì Tố Hữu cường-điệu “Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin”, trong Nam thì Đỗ Tấn (Đỗ Tấn Xuân) xuất-bản hẳn cả một tập thơ nhan đề “Mùa Hoa Sim Nở” mà then chốt trong đó là câu: Tiếng đầu lòng con gọi: “Cụ Ngô”"!
Trong bối-cảnh đó, nếu có, dù chỉ một câu, thơ của Cụ Ngô, thì hẳn mọi người đã tranh giành nhau giảng-bình, ca-tụng, chêm vào các sách văn-học-sử, đem dạy khắp mọi lớp+trường, phổ-biến khắp các công+quân+tư-sở, phổ nhạc, dịch qua các tiếng nước ngoài, v.v..., nhất là dùng làm bằng-chứng cụ-thể rằng chính Cụ Ngô cũng có làm thơ, chứ đâu thua kém Cụ Hồ ngoài kia!
Còn một điểm nữa, là nếu ông Ngô Đình Diệm, vì quá nôn nóng ra làm quan sớm trong triều bù-nhìn dưới quyền thực-dân (nên đã khai gian trội tuổi để được nhận vào học trường Hậu-Bổ), rồi lại tiếp-tục mải-mê theo-đuổi chí-huớng của mình, nên chỉ làm được có một bài thơ mà thôi, thì nó là phần di-sản tinh-thần quý-hiếm của ông; lẽ nào những người thân-tín hàng đầu, như ông+bà Trần Trung Dung, Hồng-Y Nguyễn Văn Thuận, các linh-mục ở Phủ Cam, các người quản-thủ văn-khố của gia-đình họ Ngô, của cố Tổng-Giám-Mục Ngô Đình Thục, và cả bà Ngô Đình Nhu, v.v... mà cũng không biết gì đến bài thơ ấy; và những nhân-vật hoài-Ngô sưu-tầm viết-lách đầy dẫy trên trường sách+báo truyền-thanh truyền-hình và Internet, nhất là từ năm 1963, mà cũng không ai nói đến -- mà phải đợi đến dịp giỗ lần thứ 40 của ông (40 năm sau khi ông mất), vào năm 2003, mới có một ông Lệ Khanh nào đó, nhân trong câu chuyện hàn huyên, không trưng xuất-xứ, mà tung bài thơ ấy ra?
Thế nhưng ông Trần Việt Yên lại còn rao thêm là có cả một mục-sư tên Hồ Xuân Phong (?) cho hay là ông Ngô Đình Diệm còn có một bài thơ thứ hai nữa, nhan đề “Tóc Bạc”, sáng-tác vào thập-niên 1960 (thời-gian ông Diệm đạt-nguyện), mà mục-sư ấy không nhớ, chỉ nhớ một bài họa lại của một “nữ sĩ vô danh” vào năm 1963 (là năm cuối-cùng của Tổng-Thống Diệm).
Bài thơ chủ-yếu và hiếm-hoi (cho là) của một danh-nhân mà không cần nhớ, lại đi nhớ bài họa lại của một phần-tử vô-danh!
Cuối cùng, cũng trong tháng 10, vào ngày 22-10-2006, giáo-sư Lưu Trung Khảo đã lên tiếng về bài thơ này như sau:
To: Nuoc_Viet @yahoogroups. com, yen @vlink. com, CC: mangykien @yahoo. com, @calitoday.com,
From: "khao luu" <luutrungkhao@ yahoo.com >
Date: Sun, 22 Oct 2006 21:23:43 -0700 (PDT)
Subject: Re: [Nuoc_VIET] 50 nam sau doc bai tho “ Noi long" cua mot chi si - Bai viet nam 2003
Thưa quý vị,
Tác giả bài thơ Nỗi Lòng là cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác, Giáo sư trường Đại Học Văn Khoa Saigon trước 1975.
Hồi thời Đệ Nhất Cộng Hòa, không hiểu vì đâu có tin đồn rằng cụ Ngô là tác giả bài thơ đã in trong Văn Đàn Bảo Giám với tên tác giả là Nguyễn Sĩ Giác. Cụ Lãng Nhân* cũng đã viết rõ ràng về lai lịch bài thơ này trong cuốn “Giai Thoại Làng Nho” hay “Chơi Chữ” (tôi không nhớ rõ cuốn nào).
Xin kính trình để quý vị thẩm định.

LƯU TRUNG KHẢO

* Lãng Nhân là biệt hiệu của cụ Phùng Tất Đắc, nhà văn, chủ trương nhà xuất bản Nam Chi tại Saigon trước năm 1975, tác giả “Chơi Chữ” (1961), “Chuyện Vô Lý” (1962), “Hán Văn Tinh Túy” (1965), “Giai Thoại Làng Nho” (1966), “Chuyện Cà Kê” (1968)...
* <<... “Trong tập hồi ký có tên “Khúc Tiêu Đồng”, tác giả Hà Ngại có viết: “Nguyên ông Ngô Đình Diệm tốt nghiệp trường Pháp (Diplôme complémentaire) , không có khoa mục – tức là không có khoa bảng về Hán văn... Cụ (Nguyễn Hữu) Bài (thông gia với cụ Ngô Đình Khả) lúc bấy giờ là Thượng Thư Bộ Lại, quyền uy rất lớn, cụ Bài muốn cho ông Diệm vào trường Hậu Bổ, mới tâu xin vua ra một điều lệ mới: Là người nào có văn bằng tốt nghiệp Trung Học Pháp *, được xem ngang Tú Tài Hán Học và đương nhiên ấm sinh Tú Tài được thi vào trường Hậu Bổ. Ông Diệm là con quan, có ấm sinh, nên được thi vào trường Hậu Bổ... Nhưng điều lệ ấy chỉ có ông Diệm và một vài người có thế lực được hưởng. Sau một thời gian ngắn, điều lệ ấy bị bãi bỏ.” (trang 126) >>
(Hà Thúc Ký, “Sống Còn với Dân Tộc”, California: Phương Nghi, 2009, trang 166-67) ↑
*(Hồi đó có 2 chương-trình giáo-dục: chương-trình Pháp do giáo-viên Pháp dạy tại trường Pháp, sau 4 năm thi lấy bằng Diplôme là bằng Trung-Học Đệ-Nhất Cấp ̶ chương-trình bản-xứ do giáo-viên Việt dạy tại trường Việt, sau 4 năm thi lấy bằng Thành Chung; cả hai đều tương-đương lớp 9 ̶ chương-trình Việt có dạy Hán-tự. Học thêm 3 năm nữa mới thi lấy bằng Baccalauréat hoặc Tú-Tài tức Trung-Học Đệ-Nhị Cấp tương-đương lớp 12)

NGƯỜI THƠ
www.Thanh-Thanh. com
http://LeXuanNhuan.tripod.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét