TT&HĐ I-1/c



Bình Minh Của Văn Minh Hy Lạp (The Rise of Greek Cilivization)

PHẦN I :

Có một cái gì đó 

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?” 

Lepnit.

-------------------------- 

CHƯƠNG I: TỒN TẠI VÀ HƯ VÔ

Trí tưởng tượng quan trọng hơn sự hiểu biết, nhưng điều quan trọng hơn cả là đừng bao giờ ngưng đặt ra những câu hỏi.”


A. Einstein
---------------------------
 
Cây có gốc mới nở cành xanh lá
Nước có nguồn mới bể cả sông sâu
Người ta nguồn gốc ở đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình.
(Ca dao)
(Tiếp)

Vì đang quan tâm đến khái niệm tồn tại nên chúng ta chỉ liệt kê (một cách sơ sài) ý kiến của các nhà hiền triết Hy lạp cổ đại về “tồn tại” thôi. Thực ra nếu muốn viết về sự nghiệp và công lao của họ đóng góp cho tri thức nhân loại thì không biết phải tốn bao nhiêu bút mực cho xiết. Thời đó hầu hết các nhà triết học lại cũng chính là các nhà khoa học cụ thể. Nhiều người trong số họ như Thalès, Pythagore, Democrite, Aristote… đã từng đến Ai cập, Babilon, Ấn độ… để nghiên cứu, học tập. Họ đã tiếp thu được những kiến thức về khoa học tự nhiên và những tư tưởng triết học của người phương Đông cổ đại, vận dụng nó trong suy tư triết học, trong nghiên cứu khoa học của mình, tạo nên sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Hy lạp cổ đại trên tất cả các lĩnh vực triết học, thiên văn, địa lý, toán học, vật lý, sinh vật, y học …
Có thể nói lịch sử nhận thức của nhân loại đã chỉ ra rằng, Hy Lạp là quê hương của nền triết học – khoa học Phương Tây mà Phương Đông cổ đại đã có công lớn tạo ra những mầm mống, những khai mở trác tuyệt đầu tiên.

Trong Wikipedia có viết: "Hy Lạp cổ đại là một nền văn minh thuộc về một thời kỳ lịch sử của Hy Lạp khởi đầu từ thời kỳ Tăm tối của Hy Lạp khoảng từ thế kỷ XII cho tới thế kỷ thứ IX TCN và kéo dài đến cuối thời kỳ cổ đại (khoảng năm 600 Công Nguyên). Tiếp nối giai đoạn này là sự bắt đầu của giai đoạn đầu thời kỳ trung cổ và kỷ nguyên Byzantine. Khoảng ba thế kỷ sau giai đoạn sụp đổ cuối thời kỳ Đồ đồng của nền văn minh Mycenaean, các thành bang Hy Lạp đã bắt đầu hình thành vào thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, mở ra thời kì Hy Lạp cổ xưa và quá trình thuộc địa hóa khu vực Địa Trung Hải. Tiếp theo, đó là thời kỳ Hy Lạp cổ điển, kỷ nguyên này được bắt đầu bằng các cuộc Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư, kéo dài từ thế kỷ thứ V cho đến thế kỷ thứ IV TCN. Nhờ vào các cuộc chinh phạt được Alexandros Đại Đế của Macedonia thực hiện, nền văn minh Hy Lạp hóa đã phát triển rực rỡ trải dài từ khu vực Trung Á cho đến tận cùng phía tây của khu vực biển Địa Trung Hải. Thời kỳ Hy Lạp hóa đi đến hồi kết khi Cộng hòa La Mã tiến hành chinh phạt và sáp nhập các vùng đất nằm ở phía đông khu vực biển Địa Trung Hải, họ đã thành lập ra các tỉnh như Macedonia của La Mã, và sau này là tỉnh Achaea của Đế quốc La Mã.
Nền văn hoá cổ điển của Hy Lạp, đặc biệt là về triết học, đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến La Mã cổ đại, mà đã giúp truyền bá nó đến nhiều vùng đất khác nhau của khu vực Địa Trung Hải và Châu Âu. Vì lý do này, nền văn hóa Hy Lạp cổ điển thường được coi là cội nguồn văn hóa mà góp phần tạo ra nền tảng cho nền văn hoá phương Tây thời kỳ cận đại và còn được coi là cái nôi của nền văn minh phương Tây".
 


* * *
Lịch sử phát triển khoa học nói chung của Phương Tây (cụ thể là Châu Âu) là một câu chuyện dài. Trong đó vật lý học nói riêng nổi lên như một hiện tượng xuyên suốt trong quá trình khám phá và thực chứng những qui luật vận động của các sự vật - hiện tượng; và ngày nay nó trở thành ngành khoa học chủ chốt có trách nhiệm trả lời trước nhân loại những hành vi bí hiểm nhất, có thể là cuối cùng, của sự thực khách quan. Cuối thế kỷ XIX, sau khi thuyết điện từ của Macxoen hoàn thành, vật lý học tưởng chừng như đã hoàn thành sứ mạng của mình thì đùng một cái, “tai biến tử ngoại” và “cuộc thí nghiệm oái oăm” của Maikenson – Mookly (sau này chúng ta còn nói nhiều về chúng) đã làm cho số phận của nó thay đổi. Hóa ra, nó còn phải đi một chặng đường dài gian lao nữa, đi đến bây giờ, và không biết phải đi đến bao giờ. Sự ra đời thuyết tương đối rộng của Anhstanh và cơ học lượng tử đã mở ra trước vật lý học cổ điển một bức tranh hoàn toàn mới mẻ, kỳ lạ và hết sức bất thường về sự thực khách quan: một Vũ Trụ sinh ra từ điểm kỳ dị, dãn nở ngày một nhanh (không biết về đâu?) và một thế giới lúc nhúc lượng tử nhưng nhòe nhoẹt bất định không thể nắm bắt được. Ngay cả các tác giả của bức tranh, khi nhìn ngắm nó, cũng lúng túng hoang mang, cố giải nghĩa mà không biết giải nghĩa cái gì. Nền triết học hiện đại (mà thực chất là triết học Phương Tây, thoát thai từ nền triết học Hy Lạp cổ đại, đã bị ràng buộc chặt vào những khái niệm "khô cứng" tính thực chứng) cũng bất lực trước những thể hiện kỳ quặc, vô lý của đối tượng đối với hình dung của con người hiện nay, và buộc phải chấp nhận một cách khiên cưỡng những điều không muốn chấp nhận tí nào.
Chính lúc này, người ta mới sực nhớ đến những suy lý siêu nghiệm mang màu sắc huyền bí của triết học cổ đại Phương Đông, nền triết học đã hầu như bị lãng quên suốt ngót nghét hai ngàn năm (có thể còn hơn nữa!). Người ta đã vô cùng ngạc nhiên và khâm phục những hình dung tiên tri có từ cách nay mấy ngàn năm về một sự thực khách quan mà về cơ bản đã tương đồng rất nhiều với bức tranh được vật lý học hiện đại vừa vẽ nên. Có lần Anhstanh nói: “Nếu như tồn tại một tôn giáo có thể đồng thuận với những đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật Giáo”
.
Đó là một câu nói sai, thể hiện sự bế tắc tạm thời của khoa học! Theo chúng ta "bói" (!), thế giới quan cũng như nhân sinh quan Phật Giáo có nền tảng rút ra từ triết học tiền Phật Giáo và Đạo Gia của Lão Tử. Trong đó, có thể có nhiều suy tưởng hợp lý về mặt định tính nhưng không mảy may đúng về định lượng. Lịch sử đã không ghi lại một công trình khoa học cụ thể nào của Phật Giáo cho nhân loại như toán học hay vật lý học.
Vậy thì triết học cổ đại Phương Đông nói gì về sự thực khách quan, về tồn tại cũng như Tồn Tại?

Chúng ta sẽ xem triết học Ấn Độ cổ đại nói gì (còn triết học Trung Hoa cổ đại sẽ được nói tới vào dịp khác, muộn hơn).


* * *
Ấn Độ là một bán đảo hình tam giác, rộng trên năm triệu cây số vuông, nằm ở phía nam Châu Á nhưng hầu như bị ngăn cách với châu lục này bởi dãy núi cao nhất thế giới là Himalaya.
Giữa những năm 30 (thuộc thế kỷ XX sau CN), người ta tiến hành khai quật di chỉ hóa thạch ở đồi Sixallik nằm trên biên giới phía Bắc Ấn Độ và Pakistan. Ở đây, họ đã tìm thấy một số răng và mảnh hàm trên của một loài vượn người, đặt tên là Ramapithécus, có niên đại khỏang hơn 10 triệu năm, là tiền thân của người vượn Australopithecus và Homo Erectus. Vì thế, dù chưa phát hiện được những dấu tích tiếp nối, những hóa thạch xương, nhưng người ta phỏng đoán rằng đây cũng có thể là nơi đã chứng kiến quá trình chuyển biến từ vượn thành người.

Tại Ấn Độ, người ta cũng phát hiện được dấu tích hai nền văn hóa đồ đá cũ hậu kỳ niên đại khoảng 20.000 năm đến 40.000 năm. Đó là văn hóa Soan ở tây bắc, trên hạ lưu sông Indus (sông Ấn) và văn hóa Madras ở miền Nam. Đồ đá mới đã được phát hiện một cách rộng rãi trên hầu hết Ấn độ: từ vùng cực bắc Kasamia đến miền Nam Đêcan, ở Bellery, từ triền sông Indus ở Tây bắc, Axam và Orixa ở Đông bắc.

Trước đây các nhà sử học Phương Tây với niềm tin Hy lạp đã mở màn cho nền văn minh nhân loại, thì Châu Âu ngây thơ cho rằng Ấn độ sống trong cảnh dã man cho tới khi các dân tộc Châu Âu - anh em trong dòng Aryen với họ - rời bờ biển Caspienne, tiến xuống phương Nam, truyền bá khoa học và nghệ thuật vào bán đảo đó. Nhờ thế mà dân chúng ở đó mới được thoát ly khỏi cảnh tăm tối, ngu muội. Ảo tưởng đó đã bị phá tan bởi những phát kiến. Đáng chú ý nhất là vào năm 1924, nhiều tin tức ở Ấn độ đã kích thích các nhà khảo cổ khắp thế giới. Ông John Marshall loan báo rằng đã tìm thấy ở Mohenjo Daro, trên bờ tây sông Indus - hạ, nhiều di tích của một nền văn minh có vẻ cổ hơn hết các nền văn minh đã từng biết. Ở đó và ở Harappa, cách vài trăm cây số về phía Bắc, thượng lưu Indus, họ đã đào thấy bốn năm thành phố chồng chất lên nhau, có mấy trăm ngôi nhà và cửa tiệm xây bằng gạch, rất chắc chắn, có ngôi nhà gồm mấy tầng lầu, hết thảy đều sắp hàng hai bên những con đường rộng hoặc ngõ hẹp (điều lạ lùng là những vật ở lớp dưới có nghệ thuật lại tiến bộ hơn lớp trên!). John Marshall đã nói về thời đại của những ngôi nhà đó như sau:
“Những phát kiến chứng tỏ rằng ba bốn ngàn năm trước công nguyên, ở miền Sindh (cực bắc tỉnh Bombay) và ở miền Pendjab nữa, đã có một đời sống thành thị rất hoạt động, nhiều nhà có giếng, phòng tắm, lại có một hệ thống dẫn nước phức tạp, như vậy là người dân thời đó đã có một lối sống mà địa vị xã hội ít nhất cũng bằng dân Sumérte thời cổ, và cao hơn dân Babylonie và Ai cập đồng thời với họ. Ngay ở Ur, nhà cửa xây cất cũng thô sơ hơn ở Mohenjo – Daro".

Việc phát hiện dấu tích các thành phố cổ nói trên có thể đã đưa Ấn độ trở thành cái nôi của một nền văn minh vào hàng cổ nhất thế giới. (Tuy nhiên văn minh sông Indus có dấu hiệu suy sụp nhanh chóng, đột ngột và được tiếp nối bởi nền văn minh sông Hằng (Ganga), bắt đầu từ cuộc xâm nhập của người Aryen vào Ấn độ khoảng nửa sau thiên niên kỷ II trCN. Vì sao có sự tàn lụi của văn minh sông Ấn? Có nhiều suy đoán nhưng chưa thuyết phục!).


* * *
Lịch sử cổ đại của vùng đất Ấn Độ làm chúng ta có cảm tưởng rằng mầm mống của nền triết học Ấn Độ đã có từ rất lâu , từ 1500 năm trước công nguyên, thậm chí là hơn thế, từ nền văn minh sông Ấn (Indus) hay còn gọi là thời kỳ tiền Vê-đa.
Có thể cho rằng lịch sử triết học Ấn Độ bắt đầu từ 1500 năm trước Công nguyên và chia làm ba thời kỳ:
- Giai đoạn 1500-600 năm TCN gọi là thời kỳ Vê-đa.
- Giai đoạn 600 năm TCN-200 năm sau CN: gọi là thời kỳ Upanishad.
- Giai đoạn 500 năm TCN-thế kỷ IX SCN: gọi là thời kỳ Phật Giáo.

Triết học Ấn Độ cổ đại là một nền triết học siêu nghiệm, tâm linh, đầy huyền hoặc, như một cánh rừng già mông lung thần thoại thời kỳ đầu và đậm màu tôn giáo thời kỳ sau; Nhiều người (chúng ta trước đây cũng vậy) vì đã quá quen với lối triết lý khúc chiết, lôgic, nặng về thực chứng của Phương Tây (cũng là một thành quả vĩ đại của nhân loại vì có nó chúng ta mới có được tri thức cũng như cuộc sống hiện đại và tiện nghi hôm nay!) nên đã chỉ thấy trong đó sự ngây ngô, phi thực và "nặng nề" tín ngưỡng.

Vượt qua "đêm trường trung cổ", châu Âu khoa học phục hưng (giữa thế kỷ XV) và phát triển như vũ bão. Cùng với ngành khảo cổ đã có những tiến bộ vượt bậc và nhờ bản tính thực chứng của mình, chính Châu Âu khoa học chứ không ai khác đã tìm lại được cội nguồn đích thực của mình: những miền đất đã từng chứng kiến nền văn minh cổ đại Phương Đông, trong đó có Ấn Độ. Nhà bác học Laplace đã viết:

“Chính nhờ Ấn độ mà chúng ta học được cái cách tài tình chỉ dùng có mười chữ mà viết được đủ các số, mỗi chữ vừa có một trị số tuyệt đối, vừa có một trị số tùy theo vị trí của nó; ý đó tế nhị mà quan trọng, ngày nay chúng ta cho là giản dị quá nên không cảm được công lao của người Ấn. Nhưng chính nhờ nó đơn giản mà làm toán mới hóa ra cực kỳ dễ dàng, và hệ thống số học đáng được kể là sáng kiến ích lợi nhất. Có nghĩ rằng hai bậc thiên tài bậc nhất thời Thượng Cổ, Archimède và Apollonius mà cũng không tìm ra được hệ thống đó thì mới nhận định nổi sáng kiến của người Ấn tài tình ra sao”.

Vật lý học là một trường hợp đặc sắc. Như chúng ta đã nói, nhiều nhà vật lý đại tài ngày nay, trong cơn khủng hoảng nhận thức lại sự thực khách quan, đã nhìn thấy ở triết học Phương Đông nói chung và triết học Ấn Độ nói riêng những lý giải tương đồng đáng ngạc nhiên.

Chúng ta thấy (bây giờ mới thấy!) những triết thuyết, triết lý của triết học cổ đại Ấn Độ thường mang âm hưởng thơ ca, nhẹ nhàng uyển chuyển, mơ mộng và dung dị, lạ thường, không ồn ào sôi nổi hùng biện, không bày vẽ rối rắm uyên bác như hậu kỳ triết thuyết say này, thản như không mà vương vấn sâu xa. Cảm ơn Hoàng Tử Bé! Nhờ cậu mà chúng tôi đã thấy được nhiều điều tuyệt diệu!
Nếu ví triết học Hy Lạp cổ đại như ngọn núi Ôlempơ hùng vĩ, nơi quần tụ những vị thần như Pythagore, Platon, Arixtote … thì triết học Ấn Độ cổ đại lại như dòng sông Ấn, sông Hằng, bắt nguồn từ vùng sơn cước hoang vắng ở đâu đó xa vời chảy hiền hòa qua những miền dân dã, và dọc hai bên bờ là lác đác các tu sĩ, trơ trọi ngồi trầm tư mặc tưởng hay những nhà sư áo vàng chân đất ẩn hiện trong ngàn xanh.

Điều gây kinh ngạc nhất của triết học Ấn Độ mà có lẽ các nền triết học khác không có được là tính nhất quán, kế thừa và liên tục. Có thể coi thời Vê-đa là thời mở ra một quan niệm về thực tại thì thời Upanishad là thời tiếp nhận, phát triển mở rộng và luận giải quan niệm ấy. Dù các thánh ca (thời) Vê-đa (hay còn gọi là kinh Vêda) có vẻ mang nặng hình thức tôn giáo thì vẫn được coi là khởi nguyên mà các kinh Upanishad (các triết thuyết?) là nền tảng cho tất cả các hệ thống tư tưởng và giáo lý chính thống Ấn Độ (kể cả Phật Giáo?).

Vì sao có hiện tượng đó?

Có thể có nhiều nguyên nhân nhưng theo ý chúng ta thì nguyên nhân mang tính cốt lõi chính là ngay từ buổi đầu tiên, người Ấn Độ ở thời Vê-đa đã quan niệm chân xác (dù thô sơ) tồn tại! Có được quan niệm đó là do một nền văn minh nào đó còn sâu hơn nữa trong quá khứ truyền lại hay là nhờ may mắn, hay là từ linh nghiệm linh tri? Chúng ta không thể nào trả lời một cách thuyết phục được câu hỏi đó!

Cũng có thể sự thật lại rất giản đơn: chỉ có quan niệm như thế thì mới có khả năng giải thích được đồng thời những hiện tượng trực giác và những hiện tượng tâm linh.

Quan niệm về tồn tại đó như một chân lý sáng ngời. Các bậc minh triết đời sau, tiếp nhận nó như một lẽ đương nhiên và đã cố gắng diễn giải, phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu để thỏa mãn những vấn đề mới nảy sinh ở thời đại họ.
Ở Ấn Độ về sau xuất hiện nhiều trường phái triết học, nhiều hệ tư tưởng có phần rời xa nhau, nhưng nhìn chung thì vẫn giữ nguyên quan niệm về thực tại thời Vêđa – Upanishad.


* * *
Vêđa có nghĩa là tri, là biết, rộng hơn: là nhận thức. Theo sư Auropinđo: “Vêđa là một pho kinh gồm những công thức bí truyền gần như là công thức tâm linh giả dạng thành những bài thơ uyên áo tối nghĩa, nặng về nghi lễ”. Còn theo cổ thư thì Vêđa khởi nguyên chỉ là những bài thánh ca, vũ điệu cầu nguyện các thần linh khi tế sự, tống tiễn người chết của các vị chủ tế theo dạng truyền khẩu. (Thời ký chưa có chữ viết thì việc lưu thông tin bằng truyền khẩu là điều tất nhiên!).

Các học giả ngày nay cho rằng Vêđa xuất hiện vào khỏang 1500-1200 TCN. Nhưng nếu theo truyền thuyết Ấn Độ thì nó xuất hiện vào đầu mạt vận Vũ Trụ Kali Yuga, nghĩa là vào khỏang 3.000 năm trước Công nguyên.

(Vêđa được người Ấn Độ tin tưởng là những chân lý do Thượng Đế mặc khải cho loài người ở đầu mỗi chu kỳ Vũ Trụ (Kalpa). Thời gian một chu kỳ Vũ Trụ (Kalpa) bằng một ngày của Thần Sáng Tạo (Prahmâ), tức là 4.320.000.000 năm. Mỗi Kalpa gồm có 100 kỷ nguyên (Chatur-Yuga) hay đại kỷ nguyên (Mahâ-Yuga). Mỗi đại kỷ nguyên gồm có bốn thời đại kế tiếp nhau:

  1. Thời đại hoàng kim (Kritayuga) bằng 1.728.000 năm. Trong thời đại này, nhân loại sống hạnh phúc tuyệt đối, mầm ác chưa xuất hiện.
  2. Bạch ngân thời đại (Tredâyuga) bằng 1.296.000 năm. Trong đó mầm ác bắt đầu xuất hiện, gây nên những chuyện bất hòa trong nhân loại.
  3. Lưỡng tính thời đại (Dvâpara – yuga) bằng 864.000 năm, tính thiện xuất hiện trong khi tính ác đã phát triển tạo nên sự mâu thuẫn và xung đột ngày một nhiều.
  4. Mạt vận thời đại (Kali – yuga) bằng 432.000 năm: tính ác tràn ngập, tính thiện mất dần, nhân loại sống trong hỗn loạn và đau khổ. Kali – yuga chính là thời hiện đại của nhân loại. Chúng ta đang sống trong khoảng 6.000 năm của thời đại này, còn cách ngày tận thế 426.000 năm nữa!

Dựa vào đâu mà các bậc thánh nhân thời cổ đại lại khẳng định được số phận Vũ Trụ một cách cụ thể như thế với những con số khổng lồ như thế và con số 4.320.000.000 giống với thời điểm ứng thành sự sống trên Trái Đất như thế? Thật quá kinh ngạc trong những điều kinh ngạc!!! Vì tò mò mà chúng ta nêu ra đây cho vui, "giải lao" một chút cho đỡ mệt, chứ khó lòng mà tin được!).

Theo cổ thư thì kinh Vêđa khởi nguyên chỉ là những bài thánh ca, vũ điệu cầu nguyện các thần linh khi tế tự, tống tiễn người chết của các vị chủ tế theo dạng truyền khẩu. Về sau mới được viết thành sách.

Có lẽ khi chưa có chữ viết (hoàn thiện về mặt cú pháp để có thể hành văn được?), muốn lưu truyền được kinh Vêđa phải được thể hiện dưới dạng thơ ca giàu vần điệu âm thanh dễ nhớ (có thể phỏng đoán: thơ ca truyền khẩu hình thành bắt nguồn từ nhu cầu truyền đạt và lưu giữ thông tin của con người trong thời đại chưa có chữ viết). Cũng vì thế mà nó vừa mang tính giản dị dân gian phục vụ theo nhu cầu đời sống, vừa là nơi gửi gắm những suy tư, linh nghiệm của những bậc minh triết.

Kinh Vêda mang nặng yếu tố thần linh và tôn giáo. Người ta tranh luận về thuyết đa thần và nhất thần xuất hiện trong Vêda. Nhiều người còn suy luận rằng do khiếp sợ thiên nhiên mà thần linh hóa các hiện tượng. Điều đó cần suy nghĩ kỹ. Nếu chúng ta được về sống lại thời kỳ đó thì có thể sẽ thấy người Ấn Độ cổ suy nghĩ giản dị hơn chúng ta tưởng nhiều. Họ không đến nỗi nhát gan, trước những biểu hiện của tự nhiên như chúng ta nhận định. Khi đã quan niệm sống chết, chuyện "đi về"
là chuyện an nhiên, thì lý gì họ lại khiếp sợ thần linh? Đối với họ, thần linh là thiêng liêng vì thần linh có thể bao bọc che chở họ nhưng cũng thân thuộc như tổ tiên cha ông họ. Hay nói như ngày nay, họ sùng kính môi trường mà họ đang sống vì họ hiểu rõ hơn chúng ta một điều: con người không phải là chúa tể!

Nếu bỏ qua những rườm rà nghi thức cần cho các tế lễ thì Vêđa phải được coi như một trường ca bất hủ ca ngợi thiên nhiên và nếu thay luôn cả những tên gọi thần linh bằng chữ “sự vật - hiện tượng” thì bằng “cách nhìn triết học” sẽ thấy kinh Veda thực chất là nói về, suy tư, tìm hiểu về tất cả các sự vật - hiện tượng chủ yếu, quan trọng, có liên quan ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến cuộc sống con người, trong đó có một sự vật - hiện tượng, tối thượng, bao trùm lên tất cả các sự vật - hiện tượng khác mà họ gọi là Đấng Tối Cao hay Tinh Thần Tối Cao mà chúng ta gọi theo tên khác: Tạo Hóa-đấng tạo sinh ra mọi tồn tại.

Chúng ta đều biết lửa có tầm quyết định như thế nào đối với loài người thuở sơ khai. Dưới đây là những đoạn ca tụng Thần Lửa (Agni) của thánh kinh Veđa:

“Ngày đen và ngày trắng xoay quanh mình chúng, theo phương cách riêng tạo thành khoảng sáng và khoảng tối.
Agni Vaishvânara, một khi ra đời, dùng ánh sáng đẩy lui bóng tối như một vị đế vương.
Đây là vị chủ tế đầu tiên, hãy nhìn Ngài!
Giữa loài người, Ngài là ánh sáng bất diệt.
Ngài đã ra đời, lớn mạnh, vững vàng và bất tử
Ngài là ánh sáng hằng cửu trong không gian khiến cho muôn loài đều thấy rõ, Ngài là tư tưởng mau lẹ nhất so với những vật biết bay.”
(Rig – Veda VI-9)

Ở đoạn khác:

“Agni đã thông suốt trên trời dưới đất
Hai thế giới muôn hình
Ngài là thấu thị rất được kính mến
Người ta chào đón trong tất cả các biểu hiện của Ngài
Hỡi vị thần của tất cả nhân loại
Của chung của tất cả bộ lạc
Chúng tôi khao khát những biểu hiện của Ngài
Những biểu hiện nhờ đấy mà Ngài đã khám phá ra ánh sáng
Ngài nhìn tới xa
Ngay khi sinh ra Ngài đã tràn ngập những vang động trên trời dưới đất
Tất cả hiện hữu
Thần Lửa Agni
Ngài bao bọc lấy bằng chính bản thân Ngài”
(Rig – Veda III – 3)

Hay:

“Nhờ tay cầm cọ sát thanh gỗ, loài người phát sinh ra lửa Agni đáng tôn trọng
Cái không chết đã do tay người có chết tạo ra.
Thần Agni duy nhất
Ngài cháy ở hàng ngàn nơi”
(Rig – Veda III-VII-VIII)

Đây là ca tụng Thần Đất khi tống táng người chết:

“Hỡi Đất, hãy lập khung vòm, chớ đè lên người chết! Hãy cho y tiến vào bình yên và trú ngụ bình yên. Hỡi Đất! Hãy lấy vạt áo che chở cho y như một người mẹ đối xử với con trai.
Cầu cho đất lập khung vòm vững chắc vì hàng ngàn cột cần dựng nên. Cầu cho ngôi nhà (mồ) này được chất mỡ thiêng và mãi mãi là nơi yên nghỉ của người quá cố!
- Ta đắp đất phủ lên người. Mong rằng ta không xúc phạm đến người khi đắp mô đất này! Cầu xin tổ tiên chống đỡ những cây cột này. Cầu xin Tử Thần (Yama) lập cho người ở đây một tòa trú sở.
- Đời ta cũng vậy, sẽ có một ngày kia ta được đưa vào lòng đất, như người ta lắp mũi tên vào cánh cung. Ta thôi không nói nữa, chẳng khác gì một người kỵ mã cầm cương”.
(Rig – Veda X-18)

Và ca tụng Thần Nhật - Nguyệt (Mitra – Vatuna):

“Hỡi Mitra! Hỡi Vatuna!
Ngài là các vì chúa quyền thế, và Ngài làm tăng quyền thế cho tín đồ Ngài
Ngài hộ vệ ba cõi thiên đường
Ba cõi xán lạn. Ba cõi trần thế
Hỡi Mitra! Hỡi Vatuna!
Vì tuân theo mệnh lệnh của Ngài mà “bò cái” cho sữa
Và sông cho nước
Ấy là để chuyển vận mây và làm cho đổ mưa
Mà có ba vị thần chói lọi: Lửa, Gió, Mặt trời”
(Rig – Veda, VII)

Kinh Vêđa còn ca ngợi Thần Sông, Thần Núi, Thần Gió … Nói chung tất cả các hiện tượng tự nhiên đều được nó thần hóa. Hơn thế nữa và vô cùng sâu sắc, ngoài những vị thần được xây dựng nên từ trực giác thông thường, Kinh Vêđa còn xây dựng nên những vị thần chỉ thấy được nhờ linh cảm, trực giác linh tri. Đó là những vị thần như Vicvakarman - Thần Kiến Thiết; Paramatman – Tinh Thần Tối Cao; Purusa - Thần Ngã; Prajapati - Thần Sáng Tạo …

Dưới đây là bài thánh ca ca tụng Thần Ngã (Purusa):

“Thần Ngã có ngàn đầu
Ngài có ngàn mắt, ngàn chân
Ngài thấm nhuần hiện hữu của Ngài trong tất cả các mặt, trên mặt đất và Ngài còn vượt ra ngoài khắp phía
Ngài vừa là tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai
Ngài là chúa của trường sinh bất tử vì Ngài không chịu kết quả của hành động
Tất cả biểu hiện là biểu thị cho thế lực Ngài
Nhưng Thần Ngã ở phương diện siêu phàm còn cao hơn là hiện tượng
Toàn thể Vũ Trụ chỉ là một phần tư của bản thể Ngài.
Ba phần tư ở lại miền thiên đình trong cõi bất tử”.
(Rig – Veda X90-93)

Thật kỳ lạ, mô tả Thần Ngã mà chúng ta có cảm giác như đang nói về không gian! Câu cuối cùng như nói về vật chất tối - thứ mà vật lý hiện đại quan niệm nhưng chưa phát hiện được.
Kinh Vêđa ca ngợi Tinh Thần Tối Cao (Paramatman):

“Chính Ngài ngự tại bầu trời tinh tú ở trạng thái ánh sáng
Trong không trung và ở trạng thái không khí
Trên bàn thờ ở trạng thái lửa thờ
Tại gia đình là vị thượng khách
Tại người ta là nguyên lý của sự sống
Ngài ngự ở mọi chúng sinh và mọi vật
Ngài duy trì tất cả hiện hữu.
Ngài là đấng tối cao.
Chính ngài, và luôn luôn Ngài giáng linh trong cuộc lễ
Ở trên trời, ở trong nước, trong ánh sáng, tại núi cao và tại chân lý”.
(Rig – Veda IV.40-45)

Ca tụng Thần Kiến Thiết (Vicvakarman):

“Lúc khai thiên lập địa, Ngài ở đâu?
Ngài Vicvakarman vĩ đại!
Người chứng kiến bất tử của muôn vật,
Đã thúc đẩy cuộc sáng tạo như thế nào, với cái gì?
Làm thế nào mà Ngài đã phô diễn vòm trời kia,
Và mặt đất ở dưới này?
Tai và mắt Ngài đâu đâu cũng có!
Diện mục Ngài ở khắp cả mọi nơi!
Ngài ở trong tất cả bàn tay, tất cả bàn chân
Thượng đế duy nhất vận động cánh và tay
Và đây Ngài tạo ra đất và trời!
Với rừng nào, với gỗ nào,
Ngài đã dùng làm chất liệu để tạo thành trời đất?
Hỡi đại hiền triết,
Hãy tìm vào bên trong
Và thực hiện ở tại chính tâm mình
Cơ sở của Vũ Trụ,
Mà Ngài đã kiến thiết!”
(Rig – Veda)

Và đây là sự ca tụng thần của mọi thần, cái tột đỉnh, cái toàn nhất, không thể nhận biết mà chỉ có thể cầu nguyện: Thần Prajapati (Thần Sáng Tạo, hay chúng ta cũng thường gọi là Tạo Hóa):

“Thuở ấy, hoàn toàn chẳng có gì cả mà cũng không phải trống không, Mặt Trời rực rỡ kia không có
Mà vòm trời như cái khăn phủ mênh mông kia, cũng không có
Vậy thì cái gì trùm lên, che phủ, chứa chất vạn vật?
Phải chăng là vực nước sâu thẳm?
Thời đó không có chết mà cũng không có bất tử
Không phân biệt ngày và đêm.
Cái Một, cái Độc Nhất không có hơi mà tự thở lấy được
Ngoài Cái Đó ra không có cái gì khác nữa
Thuở ấy, chỉ có bóng tối mịt mùng trong bóng tối mịt mùng, tất cả là nước mênh mông. Cái mầm khuất trong cái vỏ.
Bỗng nảy ra sức nóng nung nấu (Tapas).
Thế là ý muốn đầu tiên (dục tính) xuất hiện. Nó là dòng suối mới của tinh thần, các thi sĩ suy tư và thấy được trong lòng mình mối liên lạc giữa cái không được tạo ra với cái được tạo ra (Vô thể - Hữu thể?).
Tia sáng đó chiếu ra, xâm chiếm hết, nó xuất phát từ trời hay từ đất?
Các đạo sĩ phân ngang một đường phân ranh. Có gì ở dưới? Có gì ở trên? Giống đã gieo và người ta thấy các năng lực cao cả xuất hiện.
Ở dưới thấp là thiên nhiên, ở trên cao là quyền năng và ý lực
Ai là người vén được màn bí mật? Ai là người cho ta biết
Sự sáng tạo muôn vật đó từ đâu mà có?
Chư vị thần linh không thể nói được, vì các Ngài cũng chỉ xuất hiện sau này. Vậy ai là người biết được sự sáng tạo mầu nhiệm đó từ đâu mà có?
Đấng nào đó đã gây ra sự sáng tạo đẹp đẽ đó? Vô tình hay hữu ý?
Thế giới này là sáng tạo hay không phải sáng tạo? Chỉ có Đấng Tối Cao trên tầng trời cao nhất kia là biết được, nhưng có thể Ngài cũng không biết được”.
(Rig – Veda X-129)
 (Còn nữa)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH