TT&HĐ I-1/a

Thuyết minh: Sự hình thành của Vũ Trụ

 

PHẦN I :

Có một cái gì đó 

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?” 

Lepnit.

-------------------------- 

CHƯƠNG I: TỒN TẠI VÀ HƯ VÔ

Trí tưởng tượng quan trọng hơn sự hiểu biết, nhưng điều quan trọng hơn cả là đừng bao giờ ngưng đặt ra những câu hỏi.”


A. Einstein
---------------------------
 
Cây có gốc mới nở cành xanh lá
Nước có nguồn mới bể cả sông sâu
Người ta nguồn gốc ở đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình.
(Ca dao)

Khi mới được sinh ra, tất cả chúng ta, nào ai có biết gì đâu. Chúng ta được nuôi nấng, lớn dần lên: biết lật, biết bò, biết ngồi, rồi đứng dậy, rồi chập chững đi những bước đầu tiên trong sự mừng vui động viên của mẹ, của cha, của anh chị em ruột thịt. Từ lòng mẹ, chúng ta đã bước ra và bắt đầu bập bẹ, nhìn nhận. Chúng ta thấy căn phòng với những đồ vật, chúng ta thấy khoảng sân, thấy ngôi nhà mà chúng ta và mọi người xum họp. Chúng ta, với những ý nghĩ cảm tính đã chớm nở, bắt đầu nhận biết dần những sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh; bắt đầu tìm hiểu, bi bô đặt ra biết bao câu hỏi ngây thơ, ngộ nghĩnh về chúng. Tầm nhìn của chúng ta dần rộng hơn: đường xá, cỏ cây, sông núi, đất trời hiện ra. Ta lớn khôn hơn và hiểu rằng đó là thế giới, cái mà ta đang sống trong đó. Chúng ta đã bước ra từ vô tri vô giác để có mặt, để dự phần trong cái thế giới dung túng tất cả, cưu mang tất cả và được gọi là Thiên Nhiên ấy.
Lớn hơn chút nữa, chúng ta bắt đầu cắp sách tới trường. Chúng ta học hành và theo năm tháng, nhận thức của chúng ta về thế giới ngày càng mở rộng và sâu sắc. Chúng ta được học về lịch sử và hiểu rằng trước chúng ta đã có biết bao cuộc đời từng sống ở đây và đã xa khuất, rằng chúng ta là những kẻ đến sau; rằng cái thế giới này với cỏ cây đất trời sông núi, với cuộc xoay vần như bất tận của ngày và đêm, của bốn mùa thay đổi xuân hạ thu đông, đã hiện diện từ trước, có sẵn từ lâu lắm rồi, nghĩa là chúng ta nhận thức được một cách khái quát rằng chúng ta đang sống trong hiện thực bao la Không Gian và trên dòng trôi không ngừng Thời Gian.

Chúng ta càng học lên cao chúng ta càng thấy rằng thế giới đâu chỉ có vậy. Khi chúng ta biết những ngôi sao trên bầu trời kia nằm ở rất xa xôi thì cũng có nghĩa rằng thế giới là vô cùng rộng lớn. Cái thế giới rộng lớn đến choáng ngợp ấy được tổ tiên chúng ta đặt tên là Vũ Trụ.

Cuối cùng, chúng ta đã biết rằng chúng ta từ vô tri vô giác bước ra, nhìn ngắm, cảm nhận một đời rồi lại như ông bà tổ tiên trở về với vô tri vô giác, và dù có tiếc nuối cuộc sống đến mấy thì đó chính là Định Mệnh của muôn đời, không ai cưỡng lại được.

Và tự nhiên bật ra những câu hỏi: Vũ Trụ có đến và đi như chúng ta không hay Vũ Trụ còn mãi? Vũ Trụ lớn tới cỡ nào, hay Vũ Trụ
vô tận?
Đặt câu hỏi đó, vô tình hay hữu ý, chúng ta đã chạm đến nỗi trăn trở hàng ngàn đời nay của suy tư triết học: tồn tại hay không tồn tại, và thực chất của tồn tại là gì?

TRỜI, ĐẤT VÀ TÔI

Có Trời-Đất mới có Tôi
Có Tôi, Trời-Đất lần hồi hiện ra
Trời cao Đất thấp bao la
Cho Tôi ở giữa để mà buồn-vui
Đất gần, Trời tít xa vời
Nên đời Tôi ngắn, đến rồi lại đi
Tan thành cát bụi vô tri
Lủi thà lủi thủi vô vi vô thường
Bơ vơ lạc bến Nhớ Thương
Theo dòng Nương Náu về phương Xứ Người
Để rồi lại hóa một đời
Giữa lòng Trời-Đất có Tôi vui-buồn...

Bao giờ mới hết Vấn Vương?!...


                                                   Trần Hạnh Thu 


* * *
“Vì sao mỗi hạt mưa sa
Mỗi tia nắng rọi cũng là tình chung?”
Tố Hữu


Nhưng tồn tại có nghĩa là gì?

Thật khó mà trả lời ngay được. Bởi vì một trong những khái niệm đầu tiên, cơ bản nhất, đơn giản nhất mà rồi cũng mơ hồ nhất của suy tư triết học là khái niệm Tồn Tại. Mọi quyển sách triết học, hay nói đúng hơn là mọi học thuyết triết học đều nói đến Tồn Tại, và ngày nay đã coi Tồn Tại như một khái niệm dễ hiểu để luận giải những vấn đề khác, nhưng chưa thấy ai định nghĩa tồn tại một cách rõ ràng, dứt khoát. Có lẽ, nếu có một trăm triết gia thì cũng có một trăm cách nhận định về khái niệm Tồn Tại.

Như trên đã nói, chúng ta sinh ra, lớn lên và cảm nhận được thế giới xung quanh. Quá trình cảm nhận là quá trình thế giới xung quanh tác động lên các giác quan của chúng ta và các giác quan ấy phản ứng truyền lên não theo hệ thần kinh tạo nên cảm giác, rồi tri giác để hình thành nên ấn tượng, biểu tượng – hình ảnh chủ quan của con người về thế giới khách quan sinh động. Từ đó chúng ta chủ động nhận thức thế giới qua các hình thức như ý niệm, khái niệm, phán đoán và suy tưởng. Ở đây, chúng ta hiểu ấn tượng là hình thức sơ khai, đóng vai trò tiền đề làm xuất hiện biểu tượng, tương tự, ý niệm là kết quả của nhận thức cảm tính, đồng thời vừa là hình thức sơ khai của khái niệm vừa đóng vai trò làm hình thành nên khái niệm (nên nhớ, sự phân biệt này chỉ là tương đối!). Có thể nói sự hình thành khái niệm và hệ thống khái niệm là bước đầu tiên của nhận thức và suy tư logic (hay nôm na là suy tư "có lý"),còn bản thân khái niệm và hệ thống khái niệm được cho là tư tưởng phản ánh thuộc tính chung và bản chất của (các) sự vật và hiện tượng, là hình thức nền tảng của tư duy trừu tượng. Tóm lại, không có ý niệm thì tư duy trừu tượng không thể khởi phát được, không có khái niệm thì tư duy lôgic không thể triển khai được, và hệ thống khái niệm đóng vai trò là "bảng chữ cái" của mọi quá trình suy tư lý luận. Suy tư lý luận là hình thức vận động lý trí ở trình độ cao nhất của bộ não người. Đó cũng là "vũ khí" quan trọng bậc nhất của con người trên bước đường đi tìm hiểu thế giới, đồng thời là phương thức cơ bản nhất, thiết yếu nhất, có tính quyết định trong việc giúp cho con người có khả năng nhận thức và nhận thức ngày càng xác đáng thực tại khách quan. Triết học chính là kết quả của suy tư lý luận trên cơ sở những nhận biết đã được thừa nhận trước đó (dù có thể thực ra vẫn chưa đích đáng) nhằm trình bày một giải thích có tính tổng thể ở mức độ sâu rộng nào đó về thế giới - cái Vũ Trụ mà con người đang "ở trong" nó và đang quan chiêm nó. Nhưng giải thích cái gì về Vũ Trụ? Hiển nhiên là giải thích cái nguyên nhân làm xuất hiện Vũ Trụ và Vũ Trụ tồn tại như thế nào. Tuy nhiên, như đã nói, điểm xuất phát của mọi suy lý cơ bản là khái niệm, cho nên, muốn giải thích sự tồn tại của Vũ Trụ thì trước hết phải xây dựng hoàn chỉnh khái niệm Tồn Tại. Ấy vậy mà cho đến tận ngày nay, khái niệm Tồn Tại vẫn chưa được hiểu một cách đồng thuận, nhất quán, hơn nữa, vẫn còn nét mơ hồ, trong khi đó, triết học về tự nhiên lại đã phát triển đến mức quá ư đồ sộ (phần nhiều là về thể xác chứ không phải tâm hồn!!!), thế mới lạ lùng!!!

Một cách mộc mạc, khái niệm là định nghĩa đi liền sau hoặc cùng lúc với sự đặt tên, sự gán nhãn mác qui ước của con người lên sự vật, hiện tượng nhằm mục đích đầu tiên là truyền đạt, trao đổi và lưu giữ thông tin giữa các cá thể với nhau trước đòi hỏi về nhận thức trong công cuộc mưu sinh ở loài người. Khi chúng ta nói “tôi ăn cơm” thì đó chính là sự kết hợp của ba khái niệm (hay ba nhãn mác chỉ sự vật và hiện tượng) “tôi”, “ăn”, “cơm”; và mọi người đều hiểu chúng ta đang nói về cái gì. Phải nói rằng không có ý niệm, khái niệm thì cũng không có ngôn ngữ và chữ viết. Không có ngôn ngữ và chữ viết thì cũng không thể có tích lũy, truyền đạt về sự hiểu biết. Không có
tích lũy, truyền đạt về sự hiểu biết thì làm sao có sáng tạo? Mà đã không có sáng tạo thì dứt khoát loài người không thể tiến lên văn minh! Vì vậy mà ngôn ngữ và chữ viết là biểu hiện rõ ràng nhất, đầy đủ nhất giữa động vật mông muội và con người khôn lanh, có lý trí. Lịch sử loài người đã cho thấy quá trình từ động vật hoang dã vươn lên thành con người biết suy nghĩ là hết sức dài lâu. Điều đó cũng có nghĩa là từ những hú, hét, ám hiệu, ký hiệu vạch vẽ thô sơ và rời rạc đến giai đoạn xuất hiện những khái niệm cũng ngần ấy “thiên thu”. Lúc đầu có thể chỉ là những khái niệm hết sức cụ thể, giản đơn, mù mờ (ý niệm?), về sau, cùng với sự phát triển của tư duy mà có khái niệm riêng, khái niệm chung và cuối cùng là những khái niệm mang tính trừu tượng cao độ. Chẳng hạn chúng ta vô tình phát hiện ra một quả gì đó ăn được và chúng ta đặt tên là táo. Sau đó, trong khi “lang thang” chúng ta bắt gặp những thứ khác ăn được, rất giống vị quả táo nhưng có thể khác về hình thức một chút, nên chúng ta đặt tên là táo ở đó, táo ở đây hay đại loại táo tàu, táo tây, táo ta để phân biệt. Lúc này, táo không còn là khái niệm riêng nữa mà được "nâng lên", trở thành tên chung của các loại táo. Cũng như vậy, từ quả là một khái niệm chung chỉ các loại ăn được và không ăn được ở trên cây có hình thù giống táo. Và ở mối tương quan này quả táo lại là một khái niệm riêng để chỉ một loại quả. Tóm lại sự mở rộng ý nghĩa một khái niệm và sự xuất hiện những khái niệm mới cùng với sự phát triển nhận thức con người về thế giới là một tất yếu. Khái niệm “triết học” thuở ban đầu chỉ có nghĩa đơn giản là “yêu mến sự thông thái” nhưng đến ngày nay, để trả lời câu hỏi “triết học là gì?” thôi, cũng phải tốn rất nhiều giấy, mực mà đã dễ gì thỏa mãn được. Nhưng tại sao người ta cứ tranh luận mãi về ý nghĩa của hai từ “triết học” ấy và tranh luận để làm gì, thì chúng ta, những đứa trẻ thơ, chẳng bao giờ hiểu được. Có lẽ là do tính hoang tưởng của tư duy trừu tượng, tính mù mờ, tương đối của khái niệm chăng?! 
Theo từ điển mở Wiktionary khi ở trạng thái danh từ, thì tồn tại có nghĩa thế giới bên ngoài có được một cách khách quan, độc lập với ý thức con người. Khi tồn tại đóng vai trò động từ, có nghĩa là ở trang thái có thật, con người có thể nhận biết bằng giác quan, không do tưởng tượng ra, là còn lại, chưa mất đi, chưa được giải quyết. Có Wikipedia thì viết vỏn vẹn: "Sự tồn tại thường được định nghĩa như một thế giới, nơi mà con người nhận thức hoặc ý thức được, cái vẫn diễn ra khách quan độc lập với sự hiện diện của con người. Nó cũng là một từ đồng nghĩa với cụm từ "mọi thứ", hoặc "tất cả mọi thứ" cái mà hầu hết mọi người đều tin vào.
Bản thể luận là môn khoa học nghiên cứu về bản chất của con người, sự tồn tại hay thực tế nói chung, theo truyền thống, được phân loại vào một nhánh lớn của triết học là siêu hình học, trả lời các câu hỏi liên quan đến thực thể tồn tại hoặc có thể được cho là tồn tại".
Lịch sử nhận thức của loài người là quá trình phát triển trình độ từ thấp đến cao. Sự hình thành để dẫn đến khái niệm và hệ thống khái niệm cũng phải chuyển hóa theo chiều hướng như thế. Số phận của khái niệm “Tồn Tại” chắc rằng không ngoài xu thế đó. Khởi nguyên của nó chắc cũng chỉ mang một ý nghĩa đơn giản, trực giác nào đó, giả dụ như: sự hiện diện của sự vật, hiện tượng xung quanh ta. Nhưng rồi con người lại phát hiện ra rằng không phải sự vật và hiện tượng nào cũng hiện diện trước họ, có thể là do ở quá xa, có thể là bị che khuất, hoặc cũng có thể là do ngũ quan của họ không cảm nhận được. Ví dụ như không khí, như gió: chúng ta biết rằng có một cái gì đó xảy ra nhưng không thấy cái gì cả. Như vậy thì những sự vật hiện tượng đó có được gọi là tồn tại không? Nếu chúng ta cho rằng chúng có hiện diện, chỉ có điều chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện ấy thôi, thì chúng cũng phải được cho là tồn tại. Như vậy đến đây việc mở rộng khái niệm tồn tại là cần thiết? Chúng ta cho rằng tất cả các sự vật và hiện tượng xảy ra, đều hiện diện, đều có thực, đều là sự thực và vì sự hiện diện ấy không cần sự nhận biết của chúng ta nên chúng ta nói chúng không phụ thuộc vào chúng ta; chúng là khách quan. Lúc này, một cách ngắn gọn, tồn tại có nghĩa là sự có thực khách quan. Nhưng một khi nói: Tồn Tại (viết hoa), thì nên hiểu bao quát hơn. Ngày nay có lẽ nên hiểu Tồn Tại là tất cả những gì được nêu thành khái niệm chăng? Sẽ có người hỏi rằng: thế thì chúng ta, những con người cùng với những suy tư, những mộng mị, những hệ tư tưởng có được gọi là tồn tại không, có phải là một sự thực khách quan không? Nếu chúng ta phải trả lời câu hỏi này, thì quan niệm của chúng ta là: bước ra từ thế giới này, tham dự vào thế giới này và trở về với thế giới này nên chúng ta chẳng là cái gì cao siêu cả mà cũng chỉ là những sự vật và hiện tượng, cũng hiện diện và như vậy chúng ta cũng tồn tại, thuộc về Tồn Tại, và là một bộ phận của sự có thực khách quan.

Như vậy khái niệm tồn tại hiểu theo cách nguyên sơ, “bình dân” có nghĩa là cái gì đó hiện diện, có thực như mặt trăng là tồn tại, con người là tồn tại, rừng núi là tồn tại; hiểu theo cách rộng nhất, “triết học” thì đó là hiện thực và có thể không hiện thực, là thực tại khách quan và là toàn bộ Vũ Trụ này. Nếu ta hỏi một anh nông dân: “Mặt Trời có tồn tại không?”, có lẽ anh ta sẽ cự chúng ta ngay lập tức: “Điên à? Mặt trời sờ sờ ra đấy mà còn hỏi!”. Nhưng nếu chúng ta hỏi ngược lại: “Tồn Tại có phải là Mặt Trời không?” thì chính anh ta sẽ là người phát điên vì không hiểu chúng ta định hỏi gì. Cũng với câu hỏi này, chúng ta mang ra đố một triết gia, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời phủ định: “Không! Mặt Trời là một sự vật - hiện tượng nên nó là một tồn tại. Nó tồn tại nhưng Tồn Tại không phải là nó!”. Nghe xong đến lượt chúng ta điên!

Rốt cuộc câu hỏi “Tồn Tại là gì?” vẫn còn đó!

Tại sao lại có tình trạng lúng túng ấy? Có lẽ là nó có nguyên nhân từ lịch sử hình thành và phát triển của những khái niệm. Mỗi khái niệm đều có một số phận, đều buồn vui và lớn lên theo những chặng đường buồn vui và lớn lên của nhận thức loài người và có thể là hầu hết trong số chúng đều được mở rộng hoặc khác xa về mặt ý nghĩa so với nghĩa gốc, nghĩa ban đầu. Có nhiều khái niệm đến ngày nay vừa được hiểu theo nghĩa hẹp nhất, trực giác nhất, vừa được hiểu theo nghĩa bao hàm nhất, rộng lớn nhất, đến tận biên giới, thậm chí là vượt quá cả khả năng tưởng tượng của não người; làm cho chúng vừa được sử dụng “thoải mái, hồn nhiên”, ai cũng hiểu, vừa rất khó sử dụng một cách xác đáng và hết sức mơ hồ. (Đến độ làm cho chúng ta có cảm giác rằng tất cả mọi sự vật hiện tượng đều hàm chứa những mâu thuẫn, và ngôn ngữ không phải là ngoại lệ!). Trong triết học, những khái niệm thuộc loại này lại chính là những khái niệm cơ bản nhất, nền tảng nhất và cũng khó định nghĩa nhất. Có thể nói nếu không có chúng thì công trình triết học sẽ sụp đổ; nhưng chúng cũng chính là đầu mối của mọi rắm rối nảy sinh trong triết học. Chỉ khi nào những khái niệm cơ bản mà triết học dựa vào để suy lý được định nghĩa xác đáng, tường tận thì triết học mới trở nên sáng sủa và đồng thời được coi là hoàn thành nhiệm vụ cốt yếu của mình. Nói một cách khác, triết học muốn giải thích đúng đắn được một cách tổng quan về thực tại khách quan thì trước hết phải thấu tỏ được bản chất đích thực của những thứ "nấp" dưới dạng những khái niệm mà nó dựa vào để suy lý. Một số những khái niệm ấy là: tồn tại, không gian, thời gian, vật chất … Và câu hỏi cơ bản dành cho triết học: chúng là gì? Chính sự "đeo đẳng" tâm trí loài người ngay từ buổi bình minh suy tư triết học đến nay của câu hỏi này đã làm xuất hiện trong quá trình nhận thức từ thấp đến cao một hiện tượng có tính lặp đi lặp lại, tưởng dị thường nhưng thật ra lại là tất yếu, đó là: nhận thức lại cái đã được nhận thức, định nghĩa lại cái đã được định nghĩa!

Chúng ta nói nhiều về khái niệm để thấy rõ được tính không ổn định của nó, để sau này trong khi sử dụng các khái niệm để mô tả, giải thích điều gì đó sẽ khỏi phải lại kể lể dài dòng, coi những khái niệm được sử dụng là đã được hiểu. Chúng ta không nên, và, (may quá!) không có khả năng đóng vai trò các triết gia. Chúng ta chỉ là những người lớn hoang tưởng đi tìm cái gì đó cho thỏa chí tò mò của riêng mình và ngay lúc này phải làm sao xây dựng được quan niệm về Tồn Tại, cũng là cho riêng mình nốt!

Cuối cùng, trả lời câu hỏi: tồn tại là gì và thế nào là Tồn Tại? Chúng ta nói chắc nịch: tồn tại là "có"tương đối còn Tồn Tại là "Có" tuyệt đối, trái ngược với "Có" tuyệt đối" là Không Có" tuyệt đối hay "Hư Vô" tuyệt đối!
(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH