Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

CÒN ĐÓ TÌNH THƯƠNG 33

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Cụ bà 94 tuổi lết bán vé số trên đường nhận 65 triệu, kết thúc chuỗi ngày cơ cực

Bán vé số dạo: Sự thật người tàn tật thu nhập 100 triệu đồng/tháng

24 Thanh Niên Online
'Bán vé số thu nhập 100 triệu đồng/tháng'. Tôi dị ứng với những ‘thánh phán’ khi họ 'chém gió' như vậy khi tôi trải nghiệm đi bán vé số. 
Trong thời gian tham gia bán vé số dạo để viết phóng sự Vé số đây! (đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 25- 30.3), một trong những kỷ niệm lưu dấu trong tôi là lần được khách hàng cho 2.000 đồng.
Được cho 2.000 đồng, vui chi lạ!
Bán vé số dạo: Sự thật người tàn tật thu nhập 100 triệu đồng/tháng - ảnh 1
Đêm 20.3, tôi bán vé số trước siêu thị Co.op Mart trên đường Trường Sa (P.12, Q.3, TP.HCM). Khi tôi chìa xấp vé số kèm lời mời: “Mua dùm em tờ vé số ạ”, nhóm bốn phụ nữ ngồi ở ghế đá đang tán gẫu đều đồng loạt… lắc đầu. Một cô trẻ nhất thanh minh: “Hồi nãy đã mua mấy tờ rồi”.
Bán vé số dạo: Sự thật người tàn tật thu nhập 100 triệu đồng/tháng - ảnh 2
PV Báo Thanh Niên bán vé số ở những quán nhậu ban đêm tại Q.3, TP.HCM
Ảnh: B.A
Tôi không biết nói gì thêm, đành đáp “Dạ” và quày quả bước đi. Có thể nhìn mặt tôi phờ phạc tội nghiệp, cũng có thể nghe câu trả lời lịch sự chăng (?) nên cô trẻ nhất kêu lại, mua một tờ vé số rồi đưa tôi 12.000 đồng. Thấy tôi định trả 2.000 đồng tiền dư, cô gái tươi cười: “Có chút xíu, chị cầm cho vui”.
Đang ế ẩm, có người mua ủng hộ, tôi phấn chấn lên. Và lần đầu tiên được khách cho 2.000 đồng kèm thái độ nhã nhặn, tôi cũng lâng lâng. Mình không hề xin xỏ, bỗng có người tự nguyện cho thêm vài ngàn đồng với lời động viên “nhận cho vui”, thì mình cứ vui chứ câu nệ gì!
Bán vé số dạo: Sự thật người tàn tật thu nhập 100 triệu đồng/tháng - ảnh 3
PV Báo Thanh Niên bán vé số ở Q.Bình Thạnh
Ảnh: Trác Rin
trải nghiệm bán vé số dạo, tôi càng dị ứng với những “thánh phán” khi họ chém gió rằng: “Người tàn tật đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ, thu nhập mỗi tháng xấp xỉ 100 triệu đồng!”; “Tâm lý lười lao động là lý do khiến nhiều người trẻ không chịu tìm cho mình một cái nghề để kiếm tiền mà tìm đến sổ xố như một công việc nhàn nhã”… Bán vé số mà nhàn nhã, thu nhập cao ngất ngưỡng ư?!
Thực tế, người bán vé số dạo chân chính phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để kiếm tiền, vì mỗi tờ bán được họ chỉ lời 1.000 đồng -1.200 đồng. Họ ăn uống kham khổ, tằn tiện để trang trải cuộc sống, nuôi con hoặc phụ giúp gia đình.
Trải nghiệm bán vé số dạo
Bán vé số dạo: Sự thật người tàn tật thu nhập 100 triệu đồng/tháng - ảnh 4
Trong thời tiết oi bức như những ngày này, một số “đồng nghiệp” bán vé số của tôi lại bị say nắng, cảm cúm. Mới đây, chị Trịnh Lan Anh (quê Thanh Hóa, ở trọ P.10, Q.3, TP.HCM) bị kiệt sức, ngất xỉu khi đi bán vé số. Chị suýt làm rớt đứa con gái 9 tháng tuổi ẵm theo, may mà một người dân đỡ kịp. Đi bán cả ngày lẫn đêm, chị Lan Anh mới có thể kiếm được 150 - 200.000 đồng. Số tiền gom góp phải chia năm xẻ bảy để trả trọ, điện nước, tã sữa…, mấy hôm nay còn gánh thêm khoản thuốc thang cho hai mẹ con.
Bán vé số dạo: Sự thật người tàn tật thu nhập 100 triệu đồng/tháng - ảnh 5
Cụ ông Đoàn Văn Thái (63 tuổi, ngụ P.5, Q.11) dành dụm hai triệu đồng từ việc bán vé số dạo để tặng mẹ con chị Lan Anh
Ảnh: Như Lịch
Từ loạt bài Vé số đây!, nhiều độc giả bức xúc đặt vấn đề về sự chăm lo của các công ty xổ số đối với lực lượng bán vé số dạo, nhất là với những người đặc biệt khó khăn (Báo Thanh Niên ngày 9.4 có bài Phản hồi từ loạt phóng sự Vé số đây!: Công ty xổ số có quan tâm người bán vé số dạo?).
Bán vé số dạo: Sự thật người tàn tật thu nhập 100 triệu đồng/tháng - ảnh 6
Một số độc giả trực tiếp đến thăm, trao tiền, tạo việc làm thêm cho những hoàn cảnh đáng thương trong loạt bài. Chiều 12.4, cụ ông Đoàn Văn Thái (63 tuổi, ngụ P.5, Q.11) đã dành dụm 2 triệu đồng từ việc lặn lội bán vé số dạo để tặng cho người bán vé số khốn khó hơn.
Riêng tôi, tôi vẫn cất giữ 2.000 đồng khách hàng cho mình. Nó khiến tôi chùn tay mỗi khi có ý định tiêu xài hoang phí. Nó nhắc nhớ tôi về những ngày lang thang bán vé số nhọc nhằn, về những “đồng nghiệp” chịu thương chịu khó, nhẫn nại vô biên…
 
>> NHƯ LỊCH
Hầu như sáng nào cũng vậy, khoảng 6 giờ 30, ông Đoàn Văn Thái (63 tuổi, ngụ P.5, Q.11, TP.HCM) cầm xấp vé số rời nhà đi bán dạo. Thấy ông chỉn chu với áo sơ mi bỏ trong quần, giày tây, đội mũ cao bồi, một thanh niên nhận xét: “Chắc chắn bác không phải bán vé số. Người bán vé số thường có vẻ nhếch nhác, khổ sở, tội nghiệp lắm, đâu như tướng mạo phương phi sang trọng của bác”. Ông Thái giải thích: “Ra đường, mình cần ăn mặc lịch sự. Bán vé số mà lem nhem quá, người ta cũng ngán”. Với một số người tò mò, ông còn dừng lại chuyện trò, thỉnh thoảng nói những câu triết lý và cười sảng khoái. Bán vé số như ông kể cũng lạ thiệt!
Từ tháng 11.2017 đến nay, ông Đoàn Văn Thái đã bền bỉ trải qua gần 500 ngày bán vé số dạo để kiếm tiền làm từ thiện. Mỗi ngày, ông bán khoảng 150 vé. Trung bình cứ một cây số, ông bán được 10 vé. Như vậy, ông đã đi bộ gần... 7.500 km để bán vé số.
Tôi theo ông bán vé số đến giữa trưa thì về nhà (trong hẻm đường Lạc Long Quân, P.5, Q.11). Vừa qua lối đi hẹp và tối, đập vào mắt tôi là ảnh một cô gái trên bàn thờ. Ông Thái nói: “Con tôi đó. Nó chết lúc 21 tuổi”. Nghe tiếng chồng, bà Võ Thị Hoa Cúc, 61 tuổi, gượng ngồi dậy. Ba năm nay, bà bị thấp khớp nặng nên ít khi ra ngoài, chuyện chợ búa ông Thái đảm nhiệm.
Mấy năm nay, vợ chồng ông ngăn nhà mình thành những phòng nhỏ cho thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Ông bà cũng ở trong căn phòng chật chội, phần lớn các vật dụng đều cũ rích. Hằng đêm, ông ngủ trên chiếc ghế bố xập xệ, gỉ sét.
Chỉ đống phế liệu sau hè, ông Thái cho hay hồi trước ngoài việc gói bánh chưng bánh giò bỏ mối, ông còn chế ăng ten để bán. Ông cũng biết sửa điện, nên có người gọi đùa ông là “kỹ sư Thái”.
Ký ức ùa về khiến đôi vợ chồng già lại nhớ con. Mở chiếc tủ sắt cũ kỹ lấy ra chồng giấy tờ, ông Thái tâm sự: “Chúng tôi chỉ có một đứa con sinh năm 1991. Nó học tới lớp 6 bỗng phát bệnh động kinh, phải bỏ học để điều trị rồi mất năm 2012”.
Mất con, buồn quá suốt ngày ông làm văn, làm thơ về con, về cuộc đời và ghi tâm tư lên cả tường nhà. Một lần sờ mái tóc dài và chòm râu bạc đã lâu không cắt, ông như bừng tỉnh: “Mình phải làm điều gì đó có ích”. Thế là sáu năm qua, cứ đến mùa Giáng sinh, ông hóa trang thành ông già Noel đi tặng quà cho những trẻ khó khăn.
Muốn có kinh phí san sẻ cho người nghèo chữa bệnh, ông quyết định đi bán vé số. Mới đây, ông đến thăm và hỗ trợ 2 triệu đồng cho bé Gia Minh (10 tuổi, ngụ P.10, Q.Tân Bình) mắc bệnh hiểm nghèo.
“Nhiều người bảo tôi điên, tự dưng chịu cực khổ đi bán vé số kiếm tiền giúp người dưng. Chờ giàu có hay trúng số mới làm từ thiện thì biết tới khi nào nên thôi kệ, mình cứ làm, dù chỉ là sự đóng góp nho nhỏ. Tôi sẽ làm việc này đến lúc sức tàn, lực tận”, ông Thái tâm sự.
Dừng xe trước một sạp vải chưa mở cửa bên hông chợ Tân Bình (TP.HCM), người đàn ông lấy cây sáo bầu ra thổi. Tiếng sáo da diết réo rắt như làm dịu bớt nhịp sống náo nhiệt xung quanh. 
Trong giỏ xe đạp của ông có thùng loa mini, ba cây sáo cùng một số dụng cụ. Nhìn thoáng qua chưa chắc thấy được xấp vé số nằm khá khiêm tốn trên ghi đông. Tuyệt nhiên không có lời mời mua cũng như không có dòng chữ quảng cáo “bán vé số”.
Nhưng thực tế, ông đang bán vé số mưu sinh. Ông bán mà như không bán, cũng may, vẫn có người mua. Ông là Nguyễn Hữu Thành, 65 tuổi, cựu TNXP Nông trường Lê Minh Xuân (hiện ngụ P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM).
Trước khi đến với công việc này, ông Thành làm đồ chơi chong chóng, tàu bay bằng giấy bán cho trẻ con. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ bán vé số cũng tùy duyên, nên không chào mời bất cứ ai. Người ta mến mình họ tìm mua chứ không ép”.
Mỗi ngày, ông đạp xe rời nhà lúc 4 giờ sáng, ghé chợ Bà Hoa uống cà phê rồi bán dọc dài tới chợ Tân Bình, chợ Nhật Tảo, phố đi bộ Nguyễn Huệ... Mỗi lần ông chỉ nhận 50 tờ vé số, lúc nào bán hết thì lấy tiếp.
Từ năm 8 tuổi, ông Thái đã biết thổi sáo. Ông còn biết chơi đàn tỳ bà, trống kèn, búng nhạc bằng lưỡi cưa thép... Tuy nhiên, “gia tài” của ông trên xe chỉ có mấy cây sáo bầu và sáo trúc, nên ông thường biểu diễn một ngón nghề. Thưởng thức tiếng sáo và nhìn dáng vẻ phong trần với mái tóc ngang vai của ông, nhiều khán giả gọi ông là nghệ sĩ đường phố. Ông cười hiền: “Tôi không phải là nghệ sĩ, tôi chỉ là người bán vé số bình thường. Việc thổi sáo thổi kèn vừa giúp tôi giải khuây, vừa kiếm tiền, vừa giúp người khác vui vẻ”.
Rút trong ví ra ba tờ vé số ngày 27.7.2017, ông kể từng bị khách lừa lấy vé cũ đổi số trúng khiến ông mất 300.000 đồng. Sau sự cố đó, ông luôn mang theo ba tờ vé số ấy để làm bài học kinh nghiệm và kỷ niệm.
“Tôi cảm nhận vũ trụ luôn có sự bù đắp kỳ diệu. Chẳng hạn 2 - 3 ngày sau hôm tôi bị lừa mất 300.000, có người lạ đến cho tôi 1,5 triệu. Vì vậy, tôi sống theo tự nhiên, không hoảng hốt, không sợ hãi. Thậm chí, trước đây khi bị người ta gọi là kẻ tâm thần, tôi tổn thương lắm nhưng nay tôi cũng cho qua hết”, ông Thành tâm sự. (còn tiếp)
Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Như Lịch, Lam Phong, Gia Bách
Báo Thanh Niên
28.03.2019 
>> Như Lịch
Cho đến nay, ông Trương Minh Tấn (biệt danh là “Thần tài xuyên Việt”, 65 tuổi, TP.HCM) vẫn được xem là “Thần tài vé số” chuyên nghiệp đầu tiên và bám trụ lâu nhất với nghề.
Còn nhớ đầu năm 2012, lần đầu tôi được gặp ông Tấn trong dung mạo Thần tài bán vé số ở chợ Trần Văn Quang (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM). Lúc đó, cũng như nhiều người khác, tôi mua vé số của ông vì tò mò, ấn tượng.
Ông Tấn cho biết ông sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Từ năm 1977 - 1982, ông đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, ông tham gia dạy học cho đồng bào thiểu số ở tỉnh Bình Phước. Được khoảng chục năm, ông từ giã bục giảng do bị sốt rét liên tục, sức khỏe sa sút.
Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, ông loay hoay kiếm kế sinh nhai. Nghe những người bán vé số dạo kể rằng công việc này nhọc nhằn, tủi cực, trong khi đó lượng người bán vé số rất đông, nếu ông gia nhập sẽ khó lòng cạnh tranh.
Chợt nhớ tới câu: “Thần tài đem may mắn, ông Địa đem niềm vui”, ông lóe lên suy nghĩ: Mình sẽ làm “Thần tài bán vé số” mang niềm hy vọng, vui vẻ đến cho người khác. Rồi ông vắt óc thiết kế các mẫu trang phục Thần tài và đưa đi may thử.
Đến năm 1998, ông Tấn mặc bộ đồ Thần tài đầu tiên và xuống phố bán vé số. Nhiều người trầm trồ thán phục sự sáng tạo và nhạy bén của ông. Tuy vậy, cũng có người tưởng ông bị khùng.
Hằng ngày, ông thường dậy lúc 4 giờ - 4 giờ 30 để hóa trang và chuẩn bị khởi hành. Ông đánh phấn, vẽ chân mày đậm, dặm râu, tô má hồng, son môi… Nhìn ông chăm chút từng công đoạn, có thể cảm nhận cái tâm, cái tình và cả sự chuyên nghiệp với nghề. Ông thổ lộ: “Dù suốt ngày ở ngoài đường nhưng tui không bao giờ tiểu tiện bừa bãi. Bởi tui sợ làm ô uế thương hiệu Thần tài mình đã xây dựng hơn 20 năm qua”.
Đặc biệt, “Thần tài” Trương Minh Tấn đã thực hiện nhiều chuyến xuyên Việt… bán vé số. Bước chân ông đi qua nhiều vùng miền đất nước: miền Đông, miền Tây Nam bộ, vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.... Ông chia sẻ: “Mỗi tỉnh tui định ở 3-4 tháng thôi. Không ngờ thấy phong tục, con người nơi đó rất thú vị, nên tui lưu lại một vài năm. Nhiều người nói từ nhỏ đến lớn không thấy ông Thần tài, nay được gặp ông Thần tài này vui tính quá chừng”.
Một số người cắc cớ hỏi sao mua vé số của “Thần tài” mà vẫn không trúng. Ông nhẹ nhàng giải thích: Trúng hay không là do… công ty xổ số quyết định. Điều đó còn phụ thuộc vào phước phần của mỗi người. Còn “Thần tài bán vé số” luôn cầu chúc mọi người gặp may mắn.
12 giờ 30 tại khu dân cư Trung Sơn (H.Bình Chánh, TP.HCM), dưới cái nắng đổ lửa trong trang phục Thần tài đỏ rực, mũ tai chuồn, ông Tạ Văn Trong (còn gọi là Chín Trong, 55 tuổi, ở xã Viên An Đông, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) bán vé số với phong thái rất đĩnh đạc. Cách ông bán cũng nhẹ nhàng, không chèo kéo, chẳng mời dai, lại thường xuyên “khuyến mãi” nụ cười thân thiện. Hai thanh niên chạy xe máy dừng mua hai tờ vé số. Thấy ông vui vẻ, họ mua thêm hai tờ, rồi nâng lên chẵn chục vé. “Chúc hai cậu may mắn nha”, ông vẫy tay chào.
Thời trẻ, ông Trong làm thợ may. Sau khi lấy vợ, ông nuôi tôm, buôn bán thủy sản. Rủng rỉnh tiền bạc, ông lao vào chơi số đề, đánh bài rồi đổ nợ đầm đìa. Chín Trong cùng vợ con bỏ xứ lên tỉnh Bình Dương làm bảo vệ, công nhân.
“Thần tài vé số” Tạ Văn Trong
Năm 2012, tình cờ đọc báo biết có người mang y phục Thần tài đi bán vé số, ông Trong quyết định đổi nghề. Thời gian qua, “Thần tài bán vé số” Chín Trong tha phương cầu thực khắp các tỉnh, thành miền Tây: Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu… Hiện ông trọ gần Bến xe miền Tây, mỗi ngày bán ở một khu vực.
Bình thường ông bán được khoảng 400 - 500 tờ vé số/ngày. Vào dịp Tết và ngày vía Thần tài mùng 10 tháng Giêng âm lịch, ông bán 1.000 vé/ngày. Mỗi đợt bốn tháng, ông mua vải nhung may ba bộ y phục Thần Tài (1,3 triệu đồng/bộ). Ông dứt khoát: “Đã bận đồ Thần tài thì phải luôn thể hiện sự tôn kính ông, từ cách bán vé số đến đi đứng, ăn uống… Mình cũng không được phép tranh giành với những đồng nghiệp nghèo khó. Để thiên hạ kêu ca Thần tài gì mà kỳ cục, mất lịch sự là không được!”. Có những hôm xong sớm, ông bán giúp vé số cho người già, tàn tật.
Hơn 6 năm làm “Thần tài vé số”, ông Trong khẳng định sức khỏe của mình “lên đô” rõ rệt. Ông khoe: “Tui lội bộ mỗi ngày 15-20 cây số, càng lội càng mạnh, cái giò càng cứng. Chứng nhức mỏi kinh niên cũng biến mất”.
Trước đây Chín Trong nóng tính, chơi bời, tiêu xài phung phí. Từ ngày cầm cọc vé số đi bán, ông thấm thía việc kiếm đồng tiền cực khổ nên chi tiêu tằn tiện. Thỉnh thoảng, gặp những thanh thiếu niên lêu lổng, ông coi như con cháu, tận tình khuyên nhủ bằng kinh nghiệm xương máu của bản thân.
Phút nghỉ ngơi, “Thần tài vé số” Tạ Văn Trong xem hình đứa cháu ngoại qua điện thoại cho đỡ nhớ
Trên con đường thiên lý mưu sinh, đôi lúc “Thần tài” Chín Trong cũng chạnh lòng, nhất là những ngày Tết xa nhà. Nhưng vì lời thề với hai đứa con: “Cha mần tới lúc nào nằm xuống, có tiền để lại cho tụi con thì mới nhắm mắt. Không có tiền, người ta khi dễ”, ông tiếp tục bước.
Chín Trong tâm sự lúc mẹ bệnh nặng, ông nghỉ việc về quê nuôi bà nằm viện gần một tháng. Năm 2017, bà mất trong lúc ông bán vé số ở xa. Tức tốc trở về, ông chỉ còn có thể giở tấm vải phủ mặt mẹ mà hôn vĩnh biệt… “Nếu không vớt vát được một tháng về chăm sóc mẹ, chắc bây giờ tui khổ tâm, day dứt nhiều lắm”, giọng ông chùng xuống, mắt đỏ hoe.
Đến bây giờ tôi mới biết, “Thần tài” cũng…khóc! (còn tiếp)
Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Như Lịch
Báo Thanh Niên
28.03.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét