Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

BÍ ẨN LỊCH SỬ 127

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Giải Mã Những Bí Ẩn Chưa Có Lời Giải Về HỒ GƯƠM Trong Lịch Sử Việt Nam Sẽ Khiến Bạn Bất Ngờ

Vén bức màn bí ẩn chuyện “huynh đệ tương tàn” của Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài

7 Thanh Niên Online
Lâu nay, một số tài liệu hiếm hoi và phim ảnh chỉ mới tiếp cận được phần nào những “thâm cung bí sử” của các Chúa Trịnh, nên đằng sau bức rèm buông tại phủ Chúa ở Đàng Ngoài vẫn còn nhiều bí ẩn cần khám phá.
Xử án người phạm tội thời xưa
ẢNH: T.L
Câu chuyện ‘huynh đệ tương tàn” trong phủ Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài được tác giả Samuel Baron viết trong cuốn sách Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài do Omega và NXB Khoa học Xã hội ấn hành, kể về đời Chúa Trịnh Căn (trị vì từ năm 1682 – 1709), tiếp sau các đời Chúa trước đó là Trịnh Kiểm (nắm quyền 1545 – 1570), Trịnh Tùng (trị vì 1570 – 1623), Trịnh Tráng (trị vì 1623 – 1657) và Trịnh Tạc (trị vì 1657 – 1682) với nhiều tư liệu hấp dẫn.


Vén bức màn bí ẩn chuyện “huynh đệ tương tàn” của Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài - ảnh 1
Phủ Chúa Trịnh xưa do tác giả Samuel Baron vẽ
Ảnh: T.L

Anh em nghi kỵ dẫn đến thanh trừng 

Các vị Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, theo sách đã dẫn được miêu tả đa số khá chừng mực, không có những đặc tính xấu mà những vị bạo chúa hay có: tham vọng, tham lam, tàn ác…, mà thường cất nhắc anh em mình vào vị trí quan trọng như quan đầu tỉnh, chỉ huy quân đội, thống chế, tổng trấn quan… và sử dụng họ vào những việc cao quý của triều đình để xứng đáng với địa vị huynh đệ của Chúa. Tuy nhiên, đến thời Chúa Trịnh Tạc thì xảy ra một vụ án mạng do anh em nghi kỵ dẫn đến thanh trừng khá đau lòng.
Đó là chuyện Chúa Trịnh Tạc cho tống giam Ninh Quốc Công Trịnh Toàn, con út chúa Trịnh Tráng, em của mình và cũng chính là chú ruột của Chúa Trịnh Căn sau này. Ai cũng biết Ninh Quốc Công Trịnh Toàn là người  có công rất lớn trong việc đẩy lùi quân nổi loạn ở vùng Nghệ An trong đợt xung đột lần thứ 5 (1655 -1660). Do có tài và có uy tín trong quân đội nên Trịnh Toàn bị Trịnh Tạc nghi ngờ lập mưu bắt giam, tìm cách giết đi để trừ hậu họa.
Theo sách đã dẫn, Trịnh Toàn (tên trong sách được Samuel Baron viết là Chechenging) hội tụ những đủ đức độ của một người được mọi người kính trọng: đức độ, phóng khoáng, anh dũng, rộng lượng… nên được binh sĩ quý mến gọi là cha, còn quân địch khiếp sợ với uy danh của ông ở Đàng Ngoài hình tượng ông là “ánh chớp Đàng Ngoài”. Biết anh trai ngờ vực vào lòng tốt của mình, Ninh Quốc Công Trịnh Toàn cố gắng tìm mọi cách “thanh minh” và thường đẩy những thành tích vẻ vang ngoài chiến trường là nhờ tài thao lược chỉ đạo của Chúa Trịnh Tạc. Ông khiêm tốn nhận mình chỉ là người thừa hành chỉ đạo của Chúa Trịnh và thề luôn trung thành tuyệt đối. Lúc đầu, Chúa còn tin tưởng vào lời thề này nhưng dần dà không hiểu vỉ lý do gì, Chúa Trịnh Tạc cho triệu tập khẩn Trịnh Toàn cùng một vài quân sĩ về cung khi đang chiến đấu với quân Đàng Trong ở biên thùy phía Nam. Vừa về tới nơi, Ninh Quốc Công Trịnh Toàn bị bắt và tống giam trong một nhà ngục ngay gần phủ Chúa Trịnh.


Vén bức màn bí ẩn chuyện “huynh đệ tương tàn” của Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài - ảnh 2
Chân dung Chúa Trịnh Tạc trong Trịnh gia chính phả
Ảnh: T.L
Từ đó, Trịnh Toàn bị giam cầm suốt trong vài năm mà chẳng có lý do gì chính đáng để phải hành quyết. Tác giả Samuel Baron kể tiếp: “Thế nhưng có lẽ định mệnh đã sắp đặt cho sự ra đi của ông: Vào khoảng năm 1672, một lượng lớn quân sĩ không dưới 40.000 người, ở Kinh thành Kẻ Chợ, chiếm đóng mọi ngõ ngách của khu phủ Chúa Trịnh, gây ra nỗi lo bạo loạn và huyên náo khắp nơi khiến dân chúng sợ hãi bỏ thành chạy về quê. Binh lính đến trước phủ Chúa kêu gào ầm ĩ…”. Tình thế lúc này vô cùng nguy nan, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong đối với vương quốc nên Chúa Trịnh cho mời nhiều quan cận thần đến tham khảo ý kiến. Một vị quan văn đại thần cho rằng: “Tóm cổ một vài đứa đầu sỏ đem giết sẽ khiến bọn phản loạn khiếp sợ”. Vì vậy, phát hiện ra đám binh lính nổi loạn đang tìm cách phá ngục giải cứu Trịnh Toàn để suy tôn ông này lên làm Chúa, ngay trong đêm, Chúa Trịnh Tạc pha một liều thuốc độc rồi sai viên hoạn quan tin cẩn mang đến yêu cầu Ninh Quốc Công Trịnh Toàn phải uống hết.


Vén bức màn bí ẩn chuyện “huynh đệ tương tàn” của Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài - ảnh 3
Xã hội Đàng Ngoài trong tranh vẽ xưa
Ảnh: T.L
“Ông lúc đó đã đoán được thứ quà Chúa ban cho mình. Trịnh Toàn phủ phục về phía phủ Chúa Trịnh rồi lạy 4 lạy, sau đó uống cạn chén thuốc độc. Vài giờ sau ông chết – một cái chết bị gây ra bởi chính đức độ cao cả của ông cũng như tình yêu lớn lao mà đám binh sĩ dành cho ông”, Samuel Baron chua chát viết.
Ngay sáng hôm sau, sau khi việc sát hại Ninh Quốc Công Trịnh Toàn đã hoàn tất, Chúa Trịnh Tạc cho mở kho phát chẩn bạc và tiền đồng cho đám binh lính nên tạm thời tránh được sự bạo loạn tiếp diễn. Sau đó những cái chết bí ẩn khác chẳng ai hiểu rõ nguyên do cũng lần lượt xảy đến với nhiều người cho đến khi Chúa Trịnh Tạc mất năm 1862 và Trịnh Căn là con trai lên kế vị cha, khép lại một trang sử về một câu chuyện "huynh đệ tương tàn" bí ẩn của giai đoạn này.


Thảm kịch tràn dầu tàn khốc nhất lịch sử Mỹ: Hàng chục tỷ USD cũng không khâu nổi vết thương của biển

Trang Ly |


Thảm kịch tràn dầu tàn khốc nhất lịch sử Mỹ: Hàng chục tỷ USD cũng không khâu nổi vết thương của biển
Hình ảnh giàn khoan Deepwater Horizon phát nổ, bốc cháy thành quả cầu lửa khổng lồ trong phim "Deepwater Horizon" (2016) của đạo diễn Mỹ Peter Berg.

Tròn một thập kỷ sau thảm kịch tràn dầu tàn khốc nhất lịch sử Mỹ, những rủi ro của việc khai thác dầu thô vùng nước sâu tiếp tục xuất hiện ngay phía chân trời...

Được đánh giá là sự cố tràn dầu lớn nhất, tàn khốc nhất trong lịch sử Mỹ, vụ tràn dầu Deepwater Horizon ngày 20//4/2010 đã gây nên những hậu quả môi trường nặng nề hơn bao giờ hết cho hệ sinh thái biển Mỹ: Ba tháng sau sự cố, giếng dầu đã khai thác rò rỉ hơn 300 bể dầu có kích cỡ Olympic vào vùng biển của Vịnh Mexico.
Thảm họa Deepwater Horizon đã bơm ra lượng dầu nhiều hơn gấp 12 lần so với vụ tràn dầu Exxon Valdez năm 1989.
Vụ nổ khiến toàn bộ giàn khoan Deepwater Horizon bốc cháy thành quả cầu lửa khổng lồ, có thể nhìn thấy từ 64 km.
Thảm kịch tràn dầu tàn khốc nhất lịch sử Mỹ: Hàng chục tỷ USD cũng không khâu nổi vết thương của biển - Ảnh 1.
Vụ nổ khiến toàn bộ giàn khoan Deepwater Horizon bốc cháy thành quả cầu lửa khổng lồ, có thể nhìn thấy từ 64 km. Photo: Getty Images
Tròn 10 năm sau thảm kịch, giới khoa học biển vẫn không khỏi nhức nhối với vết thương mà Deepwater Horizon gây ra: Sự cố tràn dầu đã khiến nhiều người phải đối mặt với những rủi ro khi khoan dầu ở một trong những khu vực giàu có nhất về mặt sinh thái, quan trọng về văn hóa và có giá trị kinh tế lớn trên thế giới NHƯNG dù 10 năm đã qua và hàng tỷ đô la được chi trong nỗ lực dọn dẹp hậu quả, thì nhiều rủi ro tương tự vẫn biến thảm họa này như vừa mới xảy ra hôm qua.
Thảm họa tràn dầu tương tự có thể xảy ra lần nữa?
Hoàn toàn có khả năng, vì sao? Hãy nghe các chuyên gia phân tích.
Khoảng 17% tổng sản lượng dầu thô của Mỹ đến từ các dự án ngoài khơi vùng Vịnh Mexico. Gần 42.000 km đường ống nối các giếng dầu với cơ sở hạ tầng chế biến. Trước khi đại dịch Covid-19 khiến giá dầu giảm mạnh thì Vịnh Mexico là "công xưởng dầu thô" của Mỹ trong nhiều năm qua.
"Ngay cả khi nhu cầu dầu thô xuống thấp do đại dịch, hoạt động khai thác dầu thô vẫn diễn ra ngoài khơi" - Gregory Upton, Jr., một nhà kinh tế học năng lượng tại Đại học bang Louisiana (Mỹ) nói. "Và việc khoan dầu ở vùng biển sâu ngoài khơi vốn đã nguy hiểm đối với những người làm việc trên giàn khoan, vẫn có khả năng gây tác động xấu tới môi trường biển và kinh tế biển."
Thảm kịch tràn dầu tàn khốc nhất lịch sử Mỹ: Hàng chục tỷ USD cũng không khâu nổi vết thương của biển - Ảnh 2.
200 triệu gallon dầu đã tràn ra vùng Vịnh Mexico. Photo: Getty Images
Làm việc tại các giàn khoan sâu nguy hiểm tương tự phi hành gia làm việc ngoài vũ trụ, Mark Davis, một chuyên gia về luật nước tại Đại học Tulane (Mỹ) cho biết.
Sau sự cố tràn dầu, ủy ban do chính quyền Obama lập ra để điều tra vụ tràn dầu đã đạt được kết luận rõ ràng. Nhiều sai sót trong an toàn đã góp phần gây ra thảm họa, cụ thể: Khi một kỹ thuật viên trên giàn khoan Deepwater Horizon đóng một giếng dầu thăm dò sâu dưới Vịnh Mexico, một luồng khí bắn lên. Van khẩn cấp được thiết kế để đậy nắp giếng trong trường hợp xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, do sự cố kỹ thuật, hệ thống van không hoạt động, khiến dầu và khí đốt lan đến giàn khoan gây ra vụ nổ khổng lồ, khiến 11 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương.
Deepwater Horizon - thuộc sở hữu của nhà thầu khoan Transocean (trụ sở đặt tại Thụy Sĩ) - là một giàn khoan siêu sâu do công ty đóng tàu lớn nhất thế giới Hyundai Heavy Industries (Hàn Quốc) xây dựng năm 2001. Transocean cho Công ty dầu khí BP (trụ sở tại Anh) thuê lại giàn khoan này trong giai đoạn từ 2001-2013. Tháng 9/2009, Deepwater Horizon đã khoan giếng dầu sâu nhất trong lịch sử ở độ sâu thẳng đứng đạt 10.683 mét. Sau sự cố tràn dầu ngày 20/4/2010, Deepwater Horizon ngừng hoạt động vĩnh viễn.
Điều đáng nói là, sau sự cố tràn dầu của Deepwater Horizon, các giàn khoan sâu khác ở Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động. Hơn 50% sản lượng dầu vùng Vịnh Mexico đến từ các giàn khoan cực sâu hoạt động ở độ sâu 1.500 mét trở lên (Deepwater Horizon hoạt động ở độ sâu 1.200 mét).
Vịnh Mexico đã sản xuất 2 triệu thùng dầu kỷ lục mỗi ngày vào năm 2019. Và tỷ lệ sản xuất trung bình cho một giếng dầu ở Vịnh Mexico tăng theo độ sâu của nó, The Verge cho biết.
Với tiến bộ công nghệ, các giàn khoan càng ngày càng khoan sâu hơn, nhờ đó mở ra trữ lượng dầu chưa được khai thác lớn hơn. Điều này càng thúc đẩy các nhà thầu khai thác nhiều hơn nữa dầu thô ngoài khơi Vịnh Mexico. Tuy nhiên, giếng càng sâu, rủi ro càng cao: Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy cứ một giếng khoan sâu hơn 30 mét, xác suất xảy ra sự cố như tràn dầu hoặc chấn thương, tai nạn nghiêm trọng, tử vong... tăng 8,5%.
Khoan ở độ sâu sâu hơn có nghĩa là công nhân sẽ làm việc dưới áp lực lớn hơn. Nhiệt độ của dầu và khí bị giữ lại càng nóng hơn. Thiết bị khoan cần phải có khả năng chịu được nhiệt độ có thể lên tới 180 độ C ở khoảng 12.000 mét dưới lòng đất.
Scott Eustis, Giám đốc khoa học tại Healthy Gulf (trụ sở tại bang Louisiana), cho biết: Xuất phát từ áp lực ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, bang Louisiana - nơi có kế hoạch thích ứng khí hậu toàn diện nhất trong khu vực - dự kiến số lượng và cường độ của những cơn bão lớn sẽ tăng trong vòng 50 năm tới. Mỗi cơn bão thổi qua Vịnh Mexico đều đe dọa tới cơ sở hạ tầng giàn khoan ngoài khơi.
Với nhu cầu gia tăng của con người về dầu thô, khí đốt; cộng với tiềm lực kinh tế và công nghệ của các nhà thầu, các giàn khoan sâu hơn nữa vẫn "mọc lên" bất chấp những cảnh báo về thương vong, sự cố của giới chuyên môn.
200 triệu gallon dầu tràn ra biển: Hậu quả nhức nhối tận ngày nay
10 năm sau thảm kịch Deepwater Horizon, 200 triệu gallon dầu không chỉ loang ra biển mà còn tiếp tục chìm xuống đáy đại dương.
- Đối với lượng dầu chìm xuống đáy đại dương, nó đã thay đổi lượng trầm tích thu thập dưới đáy biển trong nhiều năm sau đó. Các nhà khoa học vẫn đang tìm ra chính xác làm thế nào dầu ảnh hưởng đến sinh học của vùng Vịnh, nhưng hiệu quả ngay lập tức là biến đáy biển gần vị trí giếng dầu thành bãi thải chất thải, một nghiên cứu cho biết.
Thảm kịch tràn dầu tàn khốc nhất lịch sử Mỹ: Hàng chục tỷ USD cũng không khâu nổi vết thương của biển - Ảnh 4.
Sóng biển đục ngầu vì dầu tràn sau sự cố Deepwater Horizon năm 2010. Photo: Internet
Các nghiên cứu cũng cho thấy cá rạn san hô thay đổi mạnh mẽ sau sự cố tràn dầu; cộng đồng sinh thái biển xung quanh, từ vi khuẩn nhỏ đến san hô biển sâu đến động vật chân đốt bị diệt vong đến mức có thể mất nhiều thập kỷ mới phục hồi lại.
- Đối với lượng dầu loang trên mặt biển, nó biến thành tấm màng và giam lỏng các sinh vật biển vì không có oxy. Nghiên cứu tháng 2/2020 cho thấy, dầu đã loang rộng hơn 30% so với ước tính trước đây, khiến các loài cá, sinh vật biển khác bị đe dọa lớn hơn bao giờ hết.
Lượng dầu tràn khổng lồ đã trôi dạt đến dọc bờ biển 2000 km từ bang Texas tới Florida của Mỹ. Hàng chục ngàn động vật bị diệt vong sau thảm họa.
Thảm kịch tràn dầu tàn khốc nhất lịch sử Mỹ: Hàng chục tỷ USD cũng không khâu nổi vết thương của biển - Ảnh 5.
Bồ nông "tắm" trong biển dầu sau sự cố. Photo: Internet
Thảm kịch tràn dầu tàn khốc nhất lịch sử Mỹ: Hàng chục tỷ USD cũng không khâu nổi vết thương của biển - Ảnh 6.
Một con cá trống đen đã chết trôi nổi qua vùng nước có dầu ở Grand Isle, Louisiana. Photo: JOEL SARTORE / NAT GEO IMAGE COLLECTION
Những sự cố trong thảm kịch nổ giàn khoan Deepwater Horizon cho thấy ngành công nghiệp chưa chuẩn bị kỹ cho vấn đề an toàn lao động cũng như cách đối phó trong một sự kiện thảm khốc như vậy.
Trong một tuyên bố, thảm kịch Deepwater Horizon đã thay đổi mãi mãi Công ty dầu khí BP. Thảm họa gây thiệt hại tới 65 tỷ USD cho công ty của Anh này (trong đó có hơn 20 tỷ USD tiền phạt và thiệt hại, khoảng 13 tỷ USD khắc phục hậu quả môi trường biển).
10 năm sau Deepwater Horizon, tác động của nó vẫn đến được bờ (Deepwater Horizon hoạt động ngoài khơi cách thành phố Houston, Texas 400km về phía đông nam).
Cả con người và động vật hoang dã đã phải đối mặt với các tác động độc hại kéo dài của sự cố tràn dầu. Điều đó vẫn chưa đủ để đánh thức các công ty dầu mỏ như BP rút lui. Một thập kỷ sau, những rủi ro của việc khai thác dầu vùng nước sâu tiếp tục xuất hiện ngay phía chân trời.
Giáo sư, Tiến sĩ ngành đại dương học tại trường Đại học Florida (Mỹ) Ian MacDonald đã dành 7 năm liên tục để nghiên cứu tác động của vụ tràn dầu Deepwater Horizon. "Theo một số cách, bây giờ người ta biết nhiều hơn bao giờ hết về Vịnh Mexico và sự cố tràn dầu ảnh hưởng đến hệ sinh thái của nó như thế nào" - ông nói.
Samantha Joye, một nhà khoa học hàng hải tại Đại học Georgia (Mỹ) cho biết, hiện tại chúng ta có đủ dữ liệu để nhận ra những điều chúng ta đã bỏ lỡ trước đó và vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết. Đây là một cuộc đua marathon, không phải là chạy nước rút.
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic, The Verge



12 điều khó tin về hành tinh chúng ta gọi là "Nhà": Ngày đang dài hơn đêm, người đặt tên "Trái Đất" là ai?

Trang Ly |


12 điều khó tin về hành tinh chúng ta gọi là "Nhà": Ngày đang dài hơn đêm, người đặt tên "Trái Đất" là ai?
Ảnh minh họa: Internet

Hành tinh mà chúng ta gọi là "Nhà" chứa đựng rất nhiều bí mật mà không phải ai cũng biết.

Ngày 22/4/2020 đánh dấu tròn 5 thập kỷ Ngày Trái Đất (Earth Day) ra đời. 
Là hành tinh duy nhất có sự tồn tại của con người trong Hệ Mặt Trời, địa cầu xanh được ví là hòn ngọc đẹp nhất, chứa đựng sức sống kỳ diệu nhất của vũ trụ, bởi thế, Ngày Trái Đất ra đời để nhắc nhở mọi người chung tay bảo vệ vẻ đẹp ấy thật bền vững, chung tay giải quyết các vấn đề môi trường (như biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu) trong bối cảnh công nghiệp và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Trái Đất ra đời (22/4/1970-22/4/2020), Tạp chí chuyên đề khoa học, công nghệ Popular Mechanics (New York, Mỹ) liệt kê những điều khó tin về hành tinh đất đá mà chúng ta gọi là "NHÀ", mời độc giả theo dõi.
01. Ai là người đặt tên cho quả địa cầu là "Trái Đất - Earth"?
Không ai biết! Không giống như các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời, người ta không tìm thấy dữ liệu về người hoặc nhóm người nào đã đặt tên cho Trái Đất. Cái tên ấy ra đời như thế nào, vào năm nào và tại sao, tất cả các câu hỏi cho đến nay vẫn không ai tỏ.
12 điều khó tin về hành tinh chúng ta gọi là Nhà: Ngày đang dài hơn đêm, người đặt tên Trái Đất là ai? - Ảnh 1.
Trái Đất - NHÀ của loài người. Ảnh: AARON FOSTER / GETTY IMAGES
Chỉ biết rằng, thuật ngữ "Trái Đất" xuất phát từ tiếng Anh cổ và tiếng Đức cao địa (Old English và High Germanic). Trái Đất cũng là hành tinh duy nhất trong Thái Dương Hệ không được đặt theo tên của vị thần Hy Lạp hoặc La Mã nào. 
[Kim tinh (Venus) đặt theo tên nữ thần tình yêu và sắc đẹp của La Mã - Hải Vương tinh (Neptune) là tên của thần biển La Mã - Hỏa tinh (Mars) đặt theo tên của chiến thần La Mã...]
02. Trái Đất già hơn 10.000 lần so với con người
"Hành tinh Trái Đất có tuổi đời ước tính 4,5 tỷ năm", Jeremiah P. Ostricker, Học giả nghiên cứu cao cấp tại Đại học Princeton (Mỹ) nói với Popular Mechanics. "Người tinh khôn Homo Sapiens đã tồn tại gần 450.000 năm, tức là bằng 1/10.000 tuổi của hành tinh.
Để độc giả dễ hình dung, nếu chúng ta gói gọn toàn bộ lịch sử hình thành Trái Đất 4,5 tỷ năm trong 24 giờ đồng hồ thì thời điểm con người xuất hiện là 23 giờ 59 phút 56 giây.
03. Xa lộ 66 của Mỹ dài hơn khoảng cách từ lớp vỏ đến lõi Trái Đất
Xa lộ 66 của Mỹ (Route 66) dài 3.940 km. Điều này có nghĩa là nó dài hơn ranh giới giữa lớp vỏ lõi Trái Đất (dưới 3000 km), ít hơn gần 1000 km so với tuyến đường cao tốc nối từ Đông sang Tây của Mỹ", nhà địa chấn học Jennifer Jackson thuộc Viện nghiên cứu California (Caltech) cho biết.
12 điều khó tin về hành tinh chúng ta gọi là Nhà: Ngày đang dài hơn đêm, người đặt tên Trái Đất là ai? - Ảnh 2.
Ảnh minh họa: Internet
Theo các nhà khoa học, vùng ranh giới giữa lớp vỏ và lõi Trái Đất là khu vực phức tạp nhất của hành tinh. Nơi chưa đá rắn và sắt lỏng này có ảnh hưởng rất lớn đền sự tồn tại của thế giới bề mặt. Động lực học phức tạp của ranh giới lõi-lớp vỏ Trái Đất ảnh hưởng đến trường địa từ bảo vệ Trái Đất và chuyển động của các mảng kiến ​​tạo.
04. Áp suất "nghiền nát tất cả" tại lõi Trái Đất
5.500 độ C là nhiệt độ mà giới khoa học ước tính tại lõi Trái Đất. Thế giới hình cầu nhỏ ở trong cùng của Trái Đất có bán kính khoảng 1.220 km. Đây được xem là nơi chứa toàn sắt nóng nung chảy.
Lõi Trái Đất gồm lõi trong và loãi ngoài. Áp suất của lõi trong Trái Đất là 3.000.000 atm (átmốtphe tiêu chuẩn). Để dễ hình dung, bạn hãy tưởng tượng: Áp suất tại điểm sâu nhất Trái Đất (11.000 mét) là 1.100 atm, tương đương với trọng lượng của một tấn đặt lên đầu ngón tay. Do vậy, với áp suất 3.000.000 atm (gấp gần 3000 lần) của lõi trong thì vạn vật sẽ bị nghiền nát khủng khiếp cỡ nào.
12 điều khó tin về hành tinh chúng ta gọi là Nhà: Ngày đang dài hơn đêm, người đặt tên Trái Đất là ai? - Ảnh 3.
Các lớp của Trái Đất. Ảnh: Johan Swanepoel / Alamy
05. Trái Đất có một lò phóng xạ khổng lồ
Tổng cộng, Trái Đất tạo ra tới 40 terawatt nhiệt (tương đương 40.000 tỷ watt), một nửa trong số đó đến từ sự phân rã phóng xạ trong lõi Trái Đất, theo một nghiên cứu năm 2011. Các nhà khoa học đã đo các hạt gọi là phản neutrino (antineutrino) phát ra từ lõi Trái Đất và thấy rằng một nửa nhiệt lượng của Trái Đất được tạo ra thông qua sự phân rã phóng xạ của các nguyên tố nhất định.
Tom Crafford, Điều phối viên Chương trình Tài nguyên Khoáng sản tại Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết: Hầu hết nhiệt lượng bên trong giữ cho Trái Đất tồn tại, sự sống động của hành tinh đến từ sự phân hủy phóng xạ của các nguyên tố như thorium, uranium và kali ở lõi trong.
06. Một trận động đất cường độ 12 sẽ cắt đôi Trái Đất
Trái Đất chưa từng xảy ra một trận động đất cường độ 9,5 trong lịch sử. Về lý thuyết mà nói, sẽ không thể có một trận động đất cường độ 12. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, nó sẽ khiến Trái Đất chúng ta bị cắt làm đôi, có khả năng kết liễu sự sống hành tinh trong chốc lát.
12 điều khó tin về hành tinh chúng ta gọi là Nhà: Ngày đang dài hơn đêm, người đặt tên Trái Đất là ai? - Ảnh 4.
Ảnh minh họa: Internet
"Khi một trận động đất xảy ra, người ở phía bên kia hành tinh có thể cảm nhận được. Thông thường, động đất có thể xảy ra ở độ sâu hơn 640 km dưới bề mặt Trái Đất và được cảm nhận theo nghĩa đen ở phía bên kia của địa cầu", nhà địa chấn học Zhongwen Zhan thuộc Caltech cho biết.
Năm 2013, một trận động đất cường độ 8 xảy ra gần quần đảo Kuril (Nga) ở độ sâu hơn 640 km và người dân Úc vẫn có thể cảm thấy sự kiện này.
07. NGÀY đang dần dài hơn ĐÊM
Thủy triều là sự khác biệt nhỏ giữa lực hấp dẫn của Mặt Trăng và Mặt Trời và lực ly tâm ở hai hướng ngược nhau. Thủy triều trên Trái Đất mạnh nhất khi Trái Đất-Mặt Trăng-Mặt Trời nằm trên một đường thẳng (điều xảy ra khi Trăng tròn và Trăng non).
Đại dương phản ứng nhiều nhất với sự kiện này, nhưng ngay cả Trái Đất rắn cũng phản ứng với các lực thủy triều. Phản ứng đồng thời xảy ra bao gồm: Nước di chuyển trong các đại dương và đá di chuyển dưới lòng đất, cả hai đều tiêu tan động năng. Kết quả cuối cùng là Trái Đất quay xoáy xuống khiến ngày trở nên dài hơn đêm.
08. Trái Đất có nhiều virus hơn số sao trong vũ trụ
Viết trên National Geographic, Tiến sĩ Mỹ Katherine J. Wu cho biết: Trái Đất ngập tràn virus. Ước tính có khoảng 1030 (1.000 tỷ tỷ tỷ) virus đang tồn tại trên đại dương Trái Đất. Con số này đủ gấp 100 triệu lần số sao trong vũ trụ mà con người tìm thấy được.
Ngoài ra, trong 1 muỗng cà phê đất, có khoảng 1 tỷ vi khuẩn. Con số này tương đương với số người hiện đang sống tại châu Phi - Nhà sinh vật học Dianne Newman ở Caltech cho biết.
09. Sự sống dồi dào dưới đáy biển
"Các trầm tích dưới đại dương Trái Đất là nơi cư trú của khoảng 2,9 x 1029 vi sinh vật, tồn tại ở độ sâu tới 2,5 km dưới đáy biển. Phần lớn sinh quyển dưới lòng đất sâu phát triển cực kỳ chậm so với sự sống ở thế giới bề mặt, với ước tính phân chia tế bào cứ sau 10-1000 năm một lần. " Nhà địa chất học của Caltech là Victoria Orphan nói.
Các nhà khoa học đang tìm kiếm nguồn sống mới của vi sinh vật ngày càng sâu hơn dưới đáy biển hơn bao giờ hết. Vào tháng 3/2020, một nhóm các nhà khoa học tiết lộ rằng họ đã tìm thấy dấu vết của vi khuẩn trong các tảng đá sâu 122 mét dưới đáy biển.
10. Nước biển có thể tăng 75 cm vào năm 2100
"Vào cuối thế kỷ này, nước biển có thể tăng lên 60 cm hoặc hơn. Hậu quả cho việc nước biển dâng từ 30 đến 75 cm là có thể làm biến mất các quốc đảo thấp, bãi biển đẹp và sự hủy hoại của các hệ sinh thái biển" - nhà khoa học khí hậu Tapio Schneider thuộc Caltech nói.
11. Mây giúp điều chỉnh nhiệt độ Trái Đất
12 điều khó tin về hành tinh chúng ta gọi là Nhà: Ngày đang dài hơn đêm, người đặt tên Trái Đất là ai? - Ảnh 5.
Ảnh minh họa: Internet
"Nếu bạn mang tất cả các giọt nước trên mây lên bề mặt, nó sẽ phủ Trái Đất bằng một màng chất lỏng không dày hơn tóc người", chuyên gia của Caltech cho biết. 
"Tuy nhiên, lượng nước nhỏ bé này lại có thể tạo ra sự khác biệt cho những ngày hè mát mẻ và nó cực kỳ quan trọng đối với khí hậu. Trung bình, mây làm mát Trái Đất 13 độ so với nhiệt độ toàn cầu không có mây.
Bao nhiêu sự nóng lên toàn cầu mà chúng ta có được chủ yếu phụ thuộc vào việc chúng ta có nhiều hay ít mây hơn khi khí hậu ấm lên. 
Tại Caltech, chúng tôi đang nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các mô hình khí hậu và mô phỏng đám mây của chúng tốt hơn, để có câu trả lời chính xác hơn về cách thức khí hậu thay đổi nhờ có mây.
12. Lỗ thủng Ozone đầu tiên vẫn chưa lành hẳn
Các nhà khoa học đã phát hiện ra lỗ thủng tầng Ozone đầu tiên vào năm 1985, nằm ngay phía trên Nam Cực. Điều đáng nói là sau 35 năm trôi qua, lỗ thủng này vẫn chưa lành. Trong khi đó, vào tháng 4/2020, giới khoa học phát hiện lỗ thủng tầng Ozone hiếm có tại Bắc Cực.
Điều này khiến giới khoa học Trái Đất quan ngại về tình trạng phát thải hóa chất độc hại (như CFC, clo và brom) gây xói mòn tầng Ozone - tấm chăn dày bảo vệ sự sống Trái Đất khỏi bức xạ tia cực tím.
Liên Hợp Quốc vẫn đang nỗ lực vận động các quốc gia tuân thủ Nghị định thư Montreal năm 1987 nhằm hạn chế phát thải hóa chất gây ảnh hưởng đến tầng Ozone.
Bài viết sử dụng nguồn: Popular Mechanics Magazine
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét