Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

KÝ ỨC CHÓI LỌI 139

  

ĐC sưu tầm trên NET)

                                  
                                          Đòn trinh sát chiến lược Đường 14 Phước Long 

Chiến dịch đường 14 - Phước Long góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Thứ năm - 05/01/2017 07:43 21.934 0
Phước Long là địa bàn rừng núi, tiếp giáp với cực Nam Trung bộ và vùng giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp; là cửa ngõ, bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía Bắc; là đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh - nơi tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương lớn đối với chiến trường Nam bộ. Từ những nét đặc thù về vị trí địa lý khẳng định Phước Long là một địa bàn chiến lược quan trọng về quân sự.

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ sau năm 1973, Bộ Tư lệnh Miền và Tỉnh ủy Bình Phước tập trung chỉ đạo cho các địa phương vừa đẩy mạnh hoạt động chống càn lấn chiếm để mở rộng vùng giải phóng, vừa đặc biệt ra sức xây dựng củng cố vững chắc vùng căn cứ địa cách mạng. Đến cuối năm 1974, vùng giải phóng ở Phước Long được củng cố vững chắc, vùng tạm chiếm thì không còn cơ sở trắng, nơi nào cũng có chi bộ; các tổ chức đoàn thể được thành lập. Ngay trong hàng ngũ địch, ta đã tổ chức được một số cơ sở nội tuyến và đã cung cấp cho ta nhiều tin tức quan trọng. Lực lượng tập trung của tỉnh, huyện cùng các mũi công tác, du kích các xã bám sát chiến trường.

Để chuẩn bị mở màn cho chiến dịch đường 14 - Phước Long, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Bình Phước phải chuẩn bị chiến trường, đẩy mạnh hoạt động 3 mũi giáp công để kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch tại chỗ, tạo thế cho quần chúng nổi dậy. Đối với vùng căn cứ, Phước Long vừa có nhiệm vụ chuẩn bị lương thực, hậu cần tại chỗ, vừa chuẩn bị địa bàn đứng chân cho các đơn vị chủ lực lớn, mở đợt tiến công tiêu diệt địch. Tỉnh ủy Bình Phước phối hợp với Quân đoàn 4 khẩn trương chuẩn bị các mặt cho chiến dịch, thông qua quyết tâm trước Trung ương Cục, Quân ủy Miền.

Tháng 12/1974, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho quân dân Bình Phước dùng bộ đội địa phương tiến công, diệt gọn chi khu quân sự Bù Đốp lưu vong, chi khu quân sự Đức Phong và yếu khu Bù Na nhằm chia cắt và cô lập Phước Long với các khu vực xung quanh, sau đó phối hợp với quân chủ lực tiến công giải phóng Phước Long. Nhận nhiệm vụ trên, Tỉnh ủy gấp rút lập Ban chỉ huy tiền phương do đồng chí Đỗ Văn Nuống (Tư Nguyện) -Bí thư Tỉnh ủy làm Chính ủy, đồng chí Lê Hùng - Tỉnh đội trưởng làm Chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ đạo mũi tiến công này.

Chiến dịch đường 14 - Phước Long do Quân đoàn 4 tiến hành, lực lượng vũ trang của tỉnh tham gia chiến dịch bao gồm toàn bộ các đơn vị của tỉnh, các huyện. Lực lượng của Bù Đăng, Đồng Xoài. Các đơn vị tập trung của tỉnh có Tiểu đoàn 208, hai đại đội đặc công U11 và U13, Đại đội 14 trợ chiến, Trung đội công binh, Đại đội bộ binh 54, hai đại đội bộ binh của Bù Đốp và Phước Bình.

Diễn biến của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long
Đêm 12 rạng ngày 13/12/1974, trong lúc các đơn vị chủ lực bí mật hành quân về hướng Bù Đăng - đường 14 thì các đơn vị của tỉnh gồm Tiểu đoàn 208, các đơn vị đặc công U11 và U13 đồng loạt nổ súng tiêu diệt chi khu "Bù Đốp lưu vong" ta vừa chiếm giữ trận địa vừa truy quét địch xung quanh, vừa nghi binh kéo địch để tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực tập trung vào các hướng tiến công chủ yếu. Trong khi đó, ngày 14/12/1974, ở hướng Bù Đăng - đường 14, các đơn vị chủ lực cùng với lực lượng địa phương tiến công giải phóng chi khu quân sự Đức Phong. Những ngày kế tiếp đó, ta tiếp tục giải phóng đoạn đường 14 từ Đức Phong đến yếu khu Bù Na, tiến công uy hiếp Đồng Xoài, giải phóng vùng Đông Nam Phước Long rộng lớn với hơn 14.000 dân, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam.
Bộ Tư lệnh chủ lực Miền tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát ngụy ở Phước Long  (ảnh tư liệu)

Ngày 17/12/1974, địch đưa 2 tiểu đoàn đến tái chiếm chi khu "Bù Đốp lưu vong", lực lượng ta chiến đấu quyết liệt với địch. Đến ngày 22/12, ta hoàn toàn làm chủ trận địa và tiêu diệt thêm các đồn Thác Mơ, Phước Quả, Phước Tín, Phước Lộc… Sau trận đánh, Tỉnh ủy Bình Phước thành lập Tiểu đoàn Bà Rá.

Ngày 26/12/1974, ta nổ súng tiến công chi khu quân sự Đồng Xoài. Đúng 5 giờ sáng, quân ta nổ súng tấn công, đến 8 giờ 35 phút ta làm chủ được chi khu. Quân ta tiếp tục truy quét địch 15 giờ cùng ngày thì hoàn toàn làm chủ khu vực Đồng Xoài. Đồng Xoài bị thất thủ, Phước Long bị bao vây cô lập.

Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Quân đoàn 3 địch và tiểu khu Phước Long xác định thế phòng thủ là “kiềng ba chân” gồm Phước Long, núi Bà Rá và chi khu Phước Bình. Tuyến phòng thủ này nằm trên một diện tích rộng 10 km2 với 3 tuyến phòng ngự cơ bản: tuyến vành đai, tuyến kháng chính và tuyến tử thủ. Chi khu Phước Bình và sân bay Phước Bình là hai điểm tựa quan trọng của Phước Long; núi Bà Rá do một đại đội của tiểu đoàn bảo an đóng chốt là “con mắt thần” bao quát thị xã và các khu vực xung quanh. Ngoài ra, địch còn tổ chức các đơn vị ngăn chặn trên hai hướng đường 311 (Phước Yên, Phước Sơn, Phước Vĩnh) và đường 309 (Phước Lộc, Thác Mơ, Tư Hiền 1, 2) nhằm ngăn chặn quân ta tiến công vào thị xã. Chúng còn lập một hệ thống đồn bót, ấp chiến lược dày đặc ở Sơn Giang, cầu Suối Dung, Nhơn Hòa, An Lương, Tư Lập… để phòng thủ vòng ngoài. Phía trong thị xã, trung tâm phòng ngự cuối cùng của địch có nhiều vị trí trú quân, nhiều chướng ngại vật hình thành căn cứ phòng thủ hết sức kiên cố.
       
Mặc dù lực lượng địch phòng thủ đông đúc nhưng tinh thần của chúng thì đang hoang mang, rệu rã. Ngay từ những ngày đầu chiến dịch, ta đã cho pháo bắn vào thị xã, phá hủy một số công sự, làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc, gây cảnh hoang mang, hỗn loạn trong binh lính và sĩ quan ngụy. Nắm được tình hình đó, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền hạ quyết tâm giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long.
       
Vào những ngày cuối tháng 12/1974, các lực lượng vũ trang của Bình Phước liên tục mở những mũi tiến công địch từ các hướng. Rạng ngày 31/12/1974 mở đầu trận quyết chiến giải phóng tỉnh Phước Long, pháo binh ta dồn dập bắn vào chi khu quân sự Phước Bình, sân bay Phước Bình và núi Bà Rá. Sau đó bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt nổ súng tiến công vào chi khu quân sự Phước Bình và núi Bà Rá. Cuộc chiến giằng co quyết liệt giữa ta và địch diễn ra suốt ngày. Đến tối ngày 31/12, lực lượng ta liên tục tiến công, siết chặt vòng vây các mục tiêu còn lại của địch ở Phước Long.
       
Sáng 1/1/1975, quân ta với 2 mũi từ Thác Mơ, Phước Quả có pháo binh yểm trợ thọc sâu tiến công chốt cố thủ cầu Suối Dung và Tư Hiền. Cánh quân của các đơn vị Sư đoàn 7 đánh chiếm ấp chiến lược Sơn Hà, Nhơn Hòa 1, 2. Một cánh quân khác đánh chiếm đồn An Long và đồn Vạn Kiếp. Lớp vỏ ngoài của thị xã gồm hệ thống ấp chiến lược và đồn bót đã bị quân ta chọc thủng. Lúc này, vòng vây của quân ta đang dần dần siết lại. Các điểm cố thủ chính của quân địch hầu như bị tê liệt, không còn khả năng chống trả.
       
Ngày 2/1/1975, một đơn vị chủ lực của ta đánh chốt hướng Tây Bắc sân bay Phước Bình và các ấp chiến lược xung quanh, chiếm lĩnh luôn trận địa. Ngày 3/1, lực lượng ta tiếp tục phá vỡ tuyến phòng thủ phía Nam thị xã, đưa lực lượng đột nhập vào khu chợ, sân vận động, bến xe,… để tiêu diệt địch. Các đơn vị chủ lực có xe tăng tăng cường đánh vào các mục tiêu: dinh tỉnh trưởng, tiểu khu mới, tiểu khu cũ, tòa hành chánh và nhiều khu vực trong thị xã.
       
Sáng ngày 6/1, đúng như hiệp đồng đã thỏa thuận, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công trên tất cả các hướng. Trước sự tấn công mãnh liệt của quân ta, cuối cùng tất cả các mục tiêu trong thị xã đều bị quân ta tiêu diệt. Đến 9 giờ sáng ngày 6/1, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc nhà “Dinh tỉnh trưởng”. Quân ta được sự hướng dẫn của nhân dân tiếp tục truy quét các nhóm tàn quân địch đang lẩn trốn. Các mũi vũ trang còn lại tiếp tục nổ súng tiến công tiêu diệt các mục tiêu còn lại trong thị xã. Đến 19 giờ ngày 6/1/1975, thị xã Phước Long được hoàn toàn giải phóng.

Ý nghĩa lịch sử quan trọng của Chiến thắng Phước Long
Chiến thắng Phước Long đã tạo nên địa bàn chiến lược thuận lợi cho chiến trường Nam Bộ, đẩy nhanh sự suy sụp của quân địch, uy hiếp trực tiếp phía Quốc lộ 13 và hệ thống phòng thủ của địch trên hướng Bắc Sài Gòn, góp phần nhanh chóng tạo thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Chiến thắng Phước Long là chiến thắng đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam mà nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ trong phạm vi một tỉnh, tạo niềm tin cho quân và dân ta thúc đẩy mọi hoạt động trên chiến trường cũng như ở hậu phương khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng miền Nam.

Chiến thắng Phước Long là dẫn chứng cụ thể, sinh động nhất, chứng minh cho tương quan thế và lực giữa ta và địch trên chiến trường, có ý nghĩa là “trận trinh sát chiến lược” thăm dò khả năng quân đội Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ, làm sáng tỏ hơn những cơ sở để Bộ Chính trị có cơ sở để ra quyết định cuối cùng, với quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam. Quyết tâm đó của Bộ Chính trị đã trở thành hiện thực, ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Tác giả bài viết: Minh An

Vị tướng già và trận chiến Phước Long

07:28 AM - 23/01/2020

BPO - Cách đây 45 năm, quân và dân ta đã thực hiện “đòn nắn gân chiến lược”, giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long, mở ra một chương mới cho cách mạng Việt Nam. Chính nhờ thắng lợi giòn giã từ mặt trận Phước Long, Đảng ta đã đưa ra quyết sách và quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa xuân 1975. Nhân dịp năm mới, chúng tôi có dịp trò chuyện với một nhân chứng lịch sử về trận đánh giải phóng Phước Long năm xưa. Ông là Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, người được đồng đội tôn vinh “Dũng tướng miền Đông”.

“Dũng tướng miền Đông”
Trong căn nhà nhỏ số 36B, đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, vị tướng già như sống lại một thời khói lửa chiến tranh đầy hào hùng của quân và dân ta trên trận tuyến đánh quân thù. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Doanh đã gần như gắn trọn với chiến trường miền Đông Nam bộ.
Ông Doanh kể: Tôi sinh năm 1942, tại Sóc Sơn, Hà Nội, được kết nạp Đảng năm 1962 và nhập ngũ vào Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 312 sau đó 1 năm. Đầu năm 1966, đơn vị tôi từ Thanh Hóa hành quân theo đường Trường Sơn vào Bù Gia Mập để chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau 4 tháng 19 ngày leo đèo vượt suối vào vị trí tập kết, quân số của sư đoàn đã giảm mất gần một nửa do bệnh sốt rét rừng, do bị máy bay địch ném bom... Khi đến Bù Gia Mập, đơn vị nhanh chóng ổn định tổ chức để đánh trả hàng chục cuộc càn quét của địch.
Ông Nguyễn Ngọc Doanh đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quân đoàn 4 năm 1997
Từ tháng 8-1966, trong vai trò trung đội trưởng, ông Doanh đã tham gia đánh địch trong hàng loạt chiến dịch như Đường 10 - Vĩnh Thiện (Bù Đăng); trận công đồn Tân Hưng (Bình Long); Chiến dịch Mậu Thân năm 1968; đồi 224 Lộc Ninh; đánh tan cuộc chiến mở rộng sang Campuchia năm 1970 của Mỹ - ngụy, Chiến dịch đường 22 (Tây Ninh); trận Núi Gió (Bình Long); Bù Na, Nha Bích, Đồng Xoài; đường 14 - Phước Long; Định Quán, Xuân Lộc (Đồng Nai)... và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đặc biệt, chiến thắng Phước Long đã làm thay đổi cục diện chiến tranh và cơ hội thuận lợi cho quân, dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc trường chinh này, ông Doanh đã tham gia đủ mọi tư cách từ người lính cho đến chỉ huy trên đất miền Đông anh dũng. Sau ngày miền Nam giải phóng, dù tỷ lệ thương tật 78% nhưng ông Doanh vẫn không ngơi nghỉ để sang Campuchia giúp bạn xây dựng quân đội cấp sư đoàn. Ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 196K, sư đoàn đầu tiên của bạn. Đến năm 1988, ông về nước giữ chức Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 (Sóng Thần, Bình Dương) và được phong hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam năm 46 tuổi. Tháng 12-1991, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 2 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1997.
Về Phước Long xây chiến thắng
Ông Doanh cho hay: Trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long mở ngày 13-12-1974, đơn vị tôi (ông là Chính ủy Trung đoàn 141, kiêm Chỉ huy Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4) được giao nhiệm vụ đánh chiếm yếu khu Bù Na, rồi bí mật đánh địch tại cầu Nha Bích. Sau khi hoàn thành xuất sắc 2 nhiệm vụ nêu trên, đơn vị ông được lệnh tấn công Chi khu quân sự Đồng Xoài từ hướng Tây Bắc trong đêm 22-12-1974. Đến chiều tối 26-12, quân ta giải phóng chi khu quân sự trọng yếu bảo vệ đô thành Sài Gòn từ xa của địch. Giải phóng Đồng Xoài, chưa kịp nghỉ ngơi thì cấp trên yêu cầu đơn vị ông cắt rừng, hành quân cấp tốc để tham gia mặt trận Phước Long.
Mùa xuân này, ông Nguyễn Ngọc Doanh sang tuổi “cổ lai hy” nên sức khỏe giảm sút nhiều. Thế nhưng, khi nghe chúng tôi từ quê hương Bình Phước anh hùng tìm đến, trong ông lại trỗi dậy niềm kiêu hãnh của một người lính từng vào sinh ra tử từ vùng đất miền Đông, trong đó có chiến dịch giải phóng Phước Long cách đây 45 năm.
Phước Long thời điểm này là một trong 11 tỉnh bao quanh đô thành Sài Gòn. Tại đây, Mỹ - ngụy tập trung xây dựng thành một căn cứ quân sự lớn để ngăn bước tiến công của ta từ phía Bắc vào Sài Gòn. Ngoài một lực lượng quân đội hùng hậu gồm lính chính quy thuộc Quân đoàn 3 và bảo an, dân vệ cùng 1 tiểu đoàn pháo binh..., chúng còn có lực lượng dự bị cùng không quân từ các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất... sẵn sàng ứng chiến. Tuy nhiên, sau khi bị ta đánh tan ở các chi khu quân sự Đồng Xoài, Bù Na..., Phước Long rơi vào thế cô lập. Để bảo vệ Phước Long, quân ngụy đổ lính, lập tuyến phòng thủ hình tam giác gồm Chi khu quân sự Phước Bình, núi Bà Rá và Chi khu quân sự Phước Long. Mờ sáng 31-12-1974,  Trung đoàn 141 được lệnh nổ súng tấn công chia cắt địch giữa 2 chi khu Phước Bình và Phước Long. Sau đó tiến vào nội ô Phước Long từ phía Tây hồ Long Thủy. Ông Doanh kể, các mũi tấn công của quân ta đều có xe tăng chi viện tạo sức đột phá. Thế nhưng, địch từ trong các căn cứ dùng pháo bắn trả quyết liệt nên nhịp độ tấn công của quân ta chưa đạt yêu cầu. Đến chiều tối cùng ngày, quân ta đã “xóa sổ” Chi khu Phước Bình và sử dụng căn cứ này làm trận địa pháo, bắn vào đội hình địch ở núi Bà Rá. Chiều 1-1-1975, Trung đoàn 141 đã giải quyết hết các mục tiêu của địch trên hướng tiến quân và đặt Chi khu Phước Long trong tầm súng.
Sáng 2-1, pháo của ta bắt đầu bắn vào các mục tiêu quân sự trong nội ô Phước Long. Trung đoàn 141 chiến đấu quyết liệt, giành giật với địch từng căn nhà, khu phố. Ngụy cho không quân ném bom vào trận địa. Trung đoàn 141 được tăng cường thêm một đơn vị để ổn định mũi tấn công. Địch liều chết chống trả điên cuồng khắp nơi. Trung đoàn 141 được 4 xe tăng hỗ trợ để tạo mũi đột phá tiến về hướng dinh tỉnh trưởng Phước Long. Đến 9 giờ 30 phút ngày 6-1-1975, lá cờ quyết chiến, quyết thắng tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng. Chiều tối cùng ngày, tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng... Sau Phước Long, đơn vị của ông Doanh tiến sang đánh Chi khu Định Quán, vòng lên giải phóng Lâm Đồng, rồi xuôi về đánh trận Xuân Lộc, mở toang cánh cửa tiến vào giải phóng Sài Gòn trưa 30-4-1975.
Sống mãi miền ký ức
Vợ chồng ông Doanh hiện an dưỡng tuổi già với người con trai út tại phường 25, quận Bình Thạnh. Trong tâm trí, ông Doanh luôn nhớ về các vùng đất vốn là chiến trường xưa. Ông nhớ tại Đắk Ơ có một hang đá, nơi đây đơn vị đã mai táng hơn 100 chiến sĩ do sốt rét rừng quật ngã. Sau khi về hưu, ông cùng đoàn công tác của các ngành chức năng đã 4 lần vào tìm kiếm nhưng chưa tìm ra dấu vết của hang đá. Vì vậy, ông vẫn đau đáu một nỗi niềm, bởi đâu đó trong những cánh rừng miền Đông đất đỏ vẫn còn nhiều đồng chí, đồng đội chưa được quy tập.
Ông Nguyễn Ngọc Doanh cho biết thêm: “Tháng 7-1974, Quân đoàn 4 được thành lập với 3 sư đoàn bộ binh, trong đó Sư đoàn 7 của tôi và nhiều đơn vị hợp thành. Ngay sau khi thành lập quân đoàn, cấp trên chỉ đạo cho Sư đoàn 7 tổ chức diễn tập phương án đánh chiếm Chi khu quân sự Đồng Xoài, trước đây gọi là Đôn Luân”.
Ông Doanh cho biết: Những lúc khỏe mạnh, tôi luôn về thăm các chiến trường xưa vừa để sống lại ký ức một thời hào hùng của tuổi trẻ, đồng thời tìm kiếm những đồng đội đã hy sinh để báo với cơ quan chức năng quy tập đưa hài cốt các anh về nghĩa trang liệt sĩ. Nhờ đó, ông và đồng đội đã tìm được 215 bộ hài cốt liệt sĩ, báo chính quyền địa phương biết 1 ngôi mộ tập thể có 139 liệt sĩ bị vùi lấp do bom đạn để quy tập về các nghĩa trang. Trong câu chuyện, ông Doanh rất tự hào về mảnh đất Bình Phước anh hùng trong khói lửa chiến tranh nay đang phát triển nhanh về mọi mặt. Hằng năm, cứ vào dịp 6-1, ông lại về Phước Long dự lễ kỷ niệm để thắp nén nhang tri ân đồng đội. Ông nói, từ vùng chiến địa ác liệt, Phước Long hôm nay đã khoác lên mình sức sống mới. Năm nay ngoài sự kiện 45 năm ngày giải phóng, còn là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phước Long kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã với những thành tựu đáng tự hào. Đặc biệt, trong năm 2019, Phước Long đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2020, Phước Long thu ngân sách đạt 618 tỷ đồng, thu nhập đầu người đạt 68,8 triệu đồng/năm càng làm cho ông Doanh thêm phấn khởi về một vùng đất kiên cường...
Năm mới đã về, ngày tết đang chạm ngõ mọi nhà, vị tướng già vẫn tất bật với những dự định của mình. Càng nghe vị tướng già kể chuyện, chúng tôi càng thấy hình ảnh về một thời hào hùng của cả dân tộc cùng ra trận như đang được tái hiện.
Tấn Phong

Nghệ thuật xuyên thủng “lá chắn” Đường 14-Phước Long

QĐND Online - Kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhìn lại các chiến dịch và chuỗi chiến thắng trong năm 1975 mới thấy hết ý nghĩa quan trọng của Chiến dịch Đường 14-Phước Long. Đây là chiến dịch điển hình về tạo thế chiến lược để ta mở Chiến dịch Tây Nguyên sau này, điểm trúng huyệt đạo quan trọng, tiến tới làm sụp đổ toàn bộ hệ thống phòng thủ của ngụy được Mỹ chỉ đạo xây dựng công phu.

Bước vào mùa khô 1974-1975, quân ta đẩy mạnh hoạt động tạo thế, tạo lực trên các chiến trường của toàn miền Nam. Trước tình hình đó, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền quyết định sử dụng Quân đoàn 4 để mở Chiến dịch Đường 14-Phước Long, làm bàn đạp tạo thế đe dọa, tiến công hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng, mở rộng tuyến hành lang vận chuyển nối thông với Tây Nguyên.
Khu vực Phước Long địch bố trí gồm các Chi khu quân sự Đồng Xoài, Bố Đức, Đức Phong, quận lỵ Phước Bình, thị xã Phước Long, căn cứ Bà Rá vốn được xem là tuyến phòng thủ quan trọng bảo vệ Sài Gòn từ xa. Bởi địch xác định, từ các tỉnh này, quân Giải phóng có thể từ Tây Nguyên tràn xuống hoặc từ Lộc Ninh đánh vào Bình Dương, đe dọa Sài Gòn. Giữ được Phước Long tức là địch sẽ tạo ra “lá chắn” ngăn chặn hành lang vận tải của ta qua Lào và Campuchia vào Đông Nam Bộ; đồng thời giữ vị trí chia cắt thế liên hoàn các vùng do ta chiếm lĩnh, cô lập Lộc Ninh với nam Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông khác.
Nghệ thuật xuyên thủng “lá chắn” Đường 14-Phước Long
Hành quân về giải phóng Phước Long. Ảnh tư liệu. 
Ngày 13-12-1974, ta nổ súng đánh chiếm đồn bảo an ở km19 trên Đường 14, mở màn chiến dịch. Sau 5 ngày chiến đấu liên tục, ta đã tiêu diệt Chi khu Bù Đăng, Yếu khu Bù Na, diệt hơn 60 đồn bốt địch, giải phóng khu vực dài hơn 100km dọc Đường 14 từ Bù Đăng đến Đồng Xoài với 14.000 dân.
Từ ngày 23-12 đến 28-12-1974, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7), tiến công tiêu diệt Chi khu Bù Đốp và một số đồn bốt địch trên Đường 311; Trung đoàn 141 và Trung đoàn 290 (Sư đoàn 7) tiến công chi khu Đồng Xoài, giải phóng Đường 14, đưa lực lượng áp sát, cô lập hoàn toàn thị xã Phước Long.
Rạng sáng 31-12-1974, ta nổ súng tiến công Chi khu quân sự Phước Bình, cùng lúc bộ đội địa phương tiến công Phước Lộc. Sáng 1-1-1975, Tiểu đoàn 79 đặc công chiếm núi Bà Rá. Ngày 2-1-1975, ta tiến công và ngày 6-1-1975, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Phước Long.
Sau 25 ngày chiến đấu, Chiến dịch Đường 14-Phước Long kết thúc thắng lợi. Ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long với 50.000 dân; tạo bàn đạp chiến lược quan trọng uy hiếp hệ thống phòng thủ bắc Sài Gòn của địch. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta đã giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở gần Sài Gòn. Chiến dịch Đường 14-Phước Long là đòn đánh thăm dò phản ứng của Mỹ, góp phần củng cố vững chắc thêm quyết tâm chiến lược của Đảng ta là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong 2 năm 1975-1976.
Bên cạnh ý nghĩa chiến lược này, Chiến dịch này Đường 14-Phước Long còn để lại giá trị lớn về nghệ thuật chiến dịch, đóng góp vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Nghệ thuật xuyên thủng “lá chắn” Đường 14-Phước Long
Truy kích địch trong thị xã Phước Long ngày 5-1-1975. Ảnh tư liệu.
Lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ trường kỳ chúng ta sử dụng cách đánh lướt từ ngoài vào trong, vừa đánh vừa thăm dò động thái của địch. Tại chiến dịch, quân ta được điều động lực lượng tăng dần từng bước đã khiến cho địch không phán đoán được hành động mà chủ động tìm phương cách đối phó. Bị các lực lượng chủ lực của ta tấn công liên tục qua các giai đoạn mà hầu như không có thời gian đệm nên địch càng bị động và nhanh chóng sụp đổ.
Cụ thể, ở Bù Đăng ta diệt diệt 2 căn cứ chính thì toàn bộ chốt dân vệ và cả chốt bảo an trên Đường 14 đều tan rã. Ở Đồng Xoài ta tiêu diệt chi khu xong dùng đó làm bàn đạp phát triển chiến đấu các mục tiêu xung quang trong vòng nửa ngày. Ở cụm thị xã Phước Long ta hình thành 2 bước: Bước 1, ta tiêu diệt chi khu Phước Bình và Bà Rá, bởi vì chi khu Phước Bình có sân bay ta có thể khống chế diệt máy bay địch, khống chế trên không, không cho máy bay địch đổ quân xuống thị xã Phước Bình và núi Bà Rá. Bước 2, ta đánh vào thị xã. Đây chính là cách đánh sáng tạo trong chiến dịch để đưa đến sự thành công trong chiến dịch.
Đáng kể, trong bước 2 của chiến dịch, đây là lần đầu tiên chủ lực của ta vận dụng cách đánh hợp đồng binh chủng tiến công thị xã có cấu trúc phòng thủ tương đối kiên cố. Theo đó, ta sử dụng 1 tiểu đoàn xe tăng, 6 khẩu 130 ly, pháo 122 ly, 105 ly, tạo ra hỏa lực lấn ướt và thời cơ thuận lợi để bộ binh làm chủ các trận đánh, tiến tới chia cắt, bao vây và xử lý gọn các mục tiêu.
Trong cuốn “Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1980 đã thông tin sau sự kiện ta xuyên thủng “lá chắn” Đường 14-Phước Long: Mỹ - Thiệu làm rùm beng “sự kiện Phước Long”. Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Okinawa đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp; một bộ phận hạm đội 7 được điều đến bờ biển Nam Việt Nam; quân chủ lực ngụy ồ ạt phản công “tái chiếm Phước Long”. Nhưng bị thất bại thảm hại, cuối cùng cả Mỹ lẫn ngụy phớt lờ đi “sự kiện Phước Long”.
Sự kiện “lá chắn” Đường 14-Phước Long bị xuyên thủng đã báo hiệu suy yếu nghiêm trọng của quân ngụy, không đủ sức phản kích chiếm lại những vùng đã mất và Mỹ khó có khả năng can thiệp bằng lực lượng quân sự trở lại vào miền Nam. Thời cơ giải phóng Tây Nguyên đã điểm bằng chiến thắng vang dội như thế.
MẠNH THẮNG (khai thác và phân tích theo Nghệ thuật quân sự trong chiến đấu, tập 3, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, xuất bản: 2007)

Ngày 18 tháng 3 năm 1975: Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/3/2015 | 7:31:36 AM
Cuối năm 1974, đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30/9 đến ngày 7/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Bộ đội ta đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên - mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975.
Bộ đội ta đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên - mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975.
Chiến thắng Phước Long và tình hình chiến sự sau Phước Long giúp Bộ Chính trị củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch hai năm (1975 - 1976) hoàn thành giải phóng miền Nam được đề ra từ Hội nghị Bộ Chính trị (từ 30/9 đến 7/10/1974). Cụ thể là năm 1975 tranh thủ thời cơ, bất ngờ tiến công trên quy mô lớn, rộng khắp, tạo điều kiện đến năm 1976 tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bộ Chính trị đề ra kế hoạch hai năm nhưng lại nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện “Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa”, phải đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa... giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam đã diễn ra gần hai tháng mùa xuân 1975 với ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn. Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng mà cả ta và địch đều chú ý và cố gắng nắm giữ. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 về chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, Quân ủy Trung ương quyết định dùng lực lượng chủ lực mạnh với binh khí kỹ thuật hiện đại để mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên với trận then chốt mở màn tiến công Buôn Ma Thuột nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, phát triển cuộc tiến công sang các tỉnh ven biển miền Trung, thực hiện chia cắt chiến lược.
Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 24/3/1975) thắng lợi,hơn 10 vạn quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu; hơn 60 vạn dân thuộc các dân tộc Tây Nguyên được giải phóng. Hệ thống phòng thủ chiến lược của quân ngụy ở miền Nam đứng trước nguy cơ bị chia cắt. Tuyến phòng ngự của địch dọc ven biển miền Trung bị uy hiếp trực tiếp. Thế nhưng Mỹ vẫn không có hành động gì, càng làm tăng thêm sự hoang mang, suy sụp của chính quyền Sài Gòn. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang giai đoạn mới: từ cuộc tiến công chiến lược phát triển thành cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Với tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật phân tích, đánh giá chính xác tình hình so sánh lực lượng của ta - địch và dự báo sớm tình huống, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, nhận định thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ - ngụy. Địch đang thực hiện co cụm chiến lược ở Đà Nẵng và Cam Ranh... Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, quyết tâm hoàn thành kế hoạch 2 năm (1975 - 1976) ngay trong năm 1975 và xác định hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn.
Quyết tâm của Bộ Chính trị được cụ thể trong phương hướng chiến lược: tập trung lực lượng của cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trước mắt, tiến hành trận quyết chiến chiến lược giải phóng Huế - Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, tiêu diệt được toàn bộ lực lượng địch trong vùng 1 chiến thuật, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, không cho chúng co về giữ Sài Gòn đồng thời đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn.
Để thực hiện quyết tâm trên, Bộ Tổng tư lệnh đã tập trung nghiên cứu xác định hướng tiến công chiến lược, tổ chức nghi binh lừa địch cả về hướng, thời gian và lực lượng; nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận và tích cực chỉ đạo hoạt động tác chiến trên các hướng. Với sự chỉ đạo tác chiến táo bạo, linh hoạt của Bộ Tổng tư lệnh và được sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân các địa phương dọc tuyến đường hành quân, Quân đoàn I đã kịp thời cơ động vào chiến trường đúng thời gian quy định; các sư đoàn chủ lực ở mặt trận Tây Nguyên bí mật hành quân vào áp sát Sài Gòn; tăng cường 2 trung đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo binh và 3 trung đoàn pháo cao xạ cho Mặt trận B2...
Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện cho tiền tuyến do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch nhằm động viên sự nỗ lực của cả nước vào công cuộc chiến thắng đồng thời quyết định thành lập thêm Quân đoàn III, trên cơ sở lực lượng quân chủ lực Tây Nguyên, thành một lực lượng cơ động chiến lược của Bộ để cùng với Quân đoàn I, Quân đoàn II, Quân đoàn IV tham gia giải phóng Sài Gòn.
Cùng với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình, sắc sảo của Bộ Chính trị, nghệ thuật tạo thế, lực và nhất là nghệ thuật chớp thời cơ,cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành toàn thắng. Quân và dân ta đã đập tan toàn bộ bộ máy chiến tranh to lớn của chính quyền tay sai Mỹ ở miền Nam, quét sạch bộ máy ngụy quyền mà đế quốc Mỹ đã xây dựng trong hơn 20 năm. Ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ. Nhân dân ta đã giành được độc lập, tự do, tiến tới thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
K.T (Theo BTLSQG)

 
Hình ảnh chiến sĩ Giải phóng quân - Mỗi Bước Ta Đi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét