Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 93

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Cả thế giới sửng sốt trước huyền thoại võ thuật Việt
 

                                     15 mãnh tướng văn võ song toàn nhất lịch sử Việt Nam


Giai thoại về cao thủ bắn cung là sư phụ của 'Võ Tòng Việt Nam'


Ông Cử Tốn là một trong số những võ sư xuất sắc trong lịch sử nước nhà. Tài năng, đức độ của ông đã đi vào huyền sử của võ học dân tộc.
Theo những tài liệu còn lưu truyền đến nay, võ sư Cử Tốn tên thật Nguyễn Đình Trọng, sinh ra tại Hà Nội. Ông là dòng dõi với võ tướng Nguyễn Đình Tùng, người từng đỗ thủ khoa kỳ thi Đình dưới thời nhà Nguyễn.
Năm mới 18 tuổi, Cử Tốn đã thi đỗ Hội nguyên (phó bảng võ). Đến kỳ thi Đình, do gia đình có chuyện buồn, cụ đã xin về quê không thi nữa.
Dù phải bỏ thi giữa chừng, võ sư Cử Tốn vẫn được vua Tự Đức ca ngợi hết lời. Theo sách Đại Nam hội điển sự lệ, nghe danh tài bắn cung siêu hạng của Cử Tốn, vua Tự Đức rất muốn chứng kiến tài năng của ông. Nhà vua đã tổ chức một cuộc thi bắn cung ở sân đình.
Những võ tướng, nhân tài giỏi bắn cung nhất nước đã tham dự. Dù còn trẻ và chưa có kinh nghiệm ở những nơi đông người, trang nghiêm, Cử Tốn đã rất bình tĩnh để bắn liền lúc 9 mũi tên trúng hồng tâm.
Không chỉ vua Tự Đức, các cao thủ ở kinh thành chỉ biết tròn mắt kinh ngạc. Vua Tự Đức đã ban cho võ sư bốn chữ “xạ năng quán quốc” để ghi nhận tài năng của Cử Tốn.
Cũng theo một số tư liệu được dòng họ ông Cử Tốn lưu giữ, thực dân Pháp từng muốn thử thách tài năng của vị võ sư bằng cách chỉ lên con chim đang đậu trên cây, yêu cầu bắn trúng. Ông chưa kịp bắn, chúng đã rung cây cho chim bay đi. Dù vậy, võ sư tài năng vẫn kịp bắn hạ con chim được chỉ định.
Giai thoai ve cao thu ban cung la su phu cua 'Vo Tong Viet Nam' hinh anh 1
Chân dung võ sư Cử Tốn nổi tiếng một thời. Ảnh tư liệu.
Ngoài tài bắn cung, Cử Tốn còn tinh thông võ thuật, thông thạo nhiều loại vũ khí. Trong đó, thương thuật của ông khiến nhiều người kính nể. Cho rằng thầy trò Cử Tốn là mầm họa, thực dân Pháp nhiều lần tìm cách hãm hại.
Chúng cho dựng võ đài, loan báo khắp Đông Dương rằng, ai đánh hạ được thầy trò Cử Tốn sẽ được trọng thưởng Bắc Đẩu bội tinh và được trọng đãi hậu hĩnh. Hiểu rõ âm mưu ấy, Cử Tốn nghĩ ra kế sách đối phó.
Ngày ấy, ở sở thú Hà Nội có con hổ cụt đuôi hung dữ, thấy người là lồng lên, bổ nhào lên chuồng thép như muốn ăn tươi nuốt sống. Võ sư Cử Tốn muốn môn sinh của mình diễn lại tích "Võ Tòng đả hổ" ngay trước mắt quần hùng để tạo thanh thế. Người được cụ chọn sắm vai Võ Tòng là võ sư Mùi Đen, một đệ tử có thân hình vạm vỡ.

Trước sự kinh hãi của mọi người, Mùi Đen thủng thẳng vào mở cửa chuồng cọp đực. Sau một giờ quần thảo, bằng một đòn chí mạng, ông đã bẻ gãy cổ mãnh thú.
Chẳng cần nghỉ ngơi lấy sức, túm gáy "kẻ thua cuộc", ông vác sang chuồng con cọp cái. Lại một màn kịch chiến kinh hoàng diễn ra. Con cọp cái đã bị ông bẻ gãy bốn chân, nằm phủ phục, rên những tiếng thảm thiết.
Phía dưới, quần hùng không ngớt vỗ tay tán thưởng và nể trí, dũng của thầy trò võ sư Cử Tốn, chẳng ai còn dám thượng đài nữa. Có người còn gọi võ sư Mùi Đen là "sư phụ của Võ Tòng" vì một lúc đánh chết 2 con hổ.
Đám cai trị được một phen muối mặt, rẽ đám đông đang hân hoan với những lời tán dương không ngớt, chuồn thẳng.



Tinh hoa võ thuật cổ truyền Võ cổ truyền Việt Nam gắn liền tinh thần chiến đấu anh dũng trong quá trình dựng và giữ nước của nhân dân ta.

Tương truyền, có lần, một mình ông Cử Tốn dùng tay không đánh bại 10 tên cướp có võ công và vũ khí. Sau này, cháu ngoại của cụ là võ sư Vũ Văn Nhàn (Nguyễn Văn Nhân) đã kế thừa những di sản võ học của ông để thành lập nên phái Thăng Long võ đạo.

Võ sĩ ngày xưa thi đấu như thế nào?

Các triều đại phong kiến Việt Nam đã mở nhiều kỳ thi võ học để tuyển dụng nhân tài phục vụ đất nước.
Nguyễn Thanh Điệp
Video: VTV

Võ trạng nguyên nổi tiếng lịch sử Việt và cây đại đao nặng hơn 30 kg


Mạc Đăng Dung là một trong những vị vua gây tranh cãi trong lịch sử. Xuất thân nghèo khổ, bằng võ nghệ cao cường, ông từng bước trở thành trọng thần, rồi lập ra triều đại mới.
Mạc Đăng Dung sinh ngày 23/11 năm Quý Mão, tức ngày 22/12/1483. Ông là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).
Theo các nguồn sử liệu, Mạc Đăng Dung chính là dòng dõi của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần và trạng nguyên Mạc Hiển Tích thời nhà Lý.

Từ trạng nguyên võ thành thái tổ của nhà Mạc

Mạc Đăng Dung hồi trẻ nổi tiếng là người có sức khỏe. Nhà nghèo, ông làm nghề đánh cá. Khi Lê Uy Mục tổ chức thi tuyển dũng sĩ, Mạc Đăng Dung đã tham dự và trúng Đô lực sĩ (còn được gọi là võ trạng nguyên), được vào đội quân Túc Vệ cầm dù theo vua. Đây chính là mốc mở đầu cho con đường công danh của ông.
Trong hàng ngũ võ quan nhà Lê, Mạc Đăng Dung tỏ ra là người thật thà, ngay thẳng. Nhờ có công “đánh nam dẹp bắc”, ông từng bước được thăng nhiều chức vụ quan trọng. Quyền lực của Mạc Đăng Dung rất lớn, kiểm soát toàn bộ triều đình. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết rằng: "Công danh ngày càng thịnh, triều đình ai cũng phục".
Vo trang nguyen noi tieng lich su Viet va cay dai dao nang hon 30 kg hinh anh 1
Cây đại đao nổi tiếng của Mạc Đăng Dung hiện được lưu giữ trong thái miếu ở Nam Định.
Năm 1524, Mạc Đăng Dung nắm chức Bình Chương quân quốc trọng sự, Thái phó, tước Nhân Quốc Công. Tháng 6/1527, Mạc Đăng Dung ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Theo Lê Quý Đôn, “lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô”.
Ông lên làm vua từ ngày 15/6/1527 âm lịch đến hết năm 1529 với niên hiệu Minh Đức. Sau đó, ông nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh (Mạc Thái Tông), rồi lui về làm thái thượng hoàng.

Số phận của cây Định Nam đao hơn 30 kg

Sinh thời, Mạc Đăng Dung nổi tiếng là dũng tướng trên sa trường. Đến nay, nhiều giai thoại còn được lưu truyền về khả năng đánh trận của ông, trong đó có câu chuyện về cây Định Nam đao nặng hơn 30 kg của vị vua này.
Theo các nhà sử học, đây chính là một trong hai cây đao của đấng quân vương từng sử dụng ở châu Á còn tồn tại đến ngày nay. Cây đao còn lại của hoàng đế Triệu Khuông Dẫn - người lập ra nhà Tống, vốn cũng xuất thân từ một dũng tướng trên chiến trường.
Tương truyền, trước khi làm quan, Mạc Đăng Dung đi qua một lò rèn. Người thợ chính thấy tướng mạo ông đặc biệt, đoán rằng sau này sẽ làm nên nghiệp lớn. Chính vì vậy, ông bèn đúc thanh đao tặng Đăng Dung và nói: "Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn".
Điều này về sau đã trở thành hiện thực, Mạc Đăng Dung thi đỗ Võ trạng nguyên, lập nhiều chiến công trên chiến trường, khai lập ra triều Mạc.
Nhưng, cũng giống như số phận của nhà Mạc, ra đời trong bối cảnh lịch sử đầy biến động, cây Định Nam đao của Mạc Đăng Dung cũng có số phận hết sức kỳ bí.
Sau này, khi nhà Mạc thất thủ năm 1592, con cháu Mạc Đăng Dung mang theo bảo đao, lui về đất Kiến Lao, Thiên Trường (Nam Định ngày nay), đổi sang họ Phạm để ẩn thân. Thanh đao vẫn là bảo vật, được thờ cúng. Cùng với thời gian, thanh đao bị thất lạc, phải tới năm 1938 mới tìm lại được.
Hiện nay, dù đã rỉ sét, thanh đao vẫn nặng hơn 25 kg, dài 2,55 m (cán dài 1,6 m, lưỡi dài 0,95 m). Theo các nhà khoa học ước tính, khi còn mới, nó phải nặng hơn 30 kg.


Thanh đại long đao gần 500 tuổi của Mạc Đăng Dung Thanh đại long đao gần 500 tuổi của Mạc Đăng Dung hiện vẫn được lưu giữ trong thái miếu.

Theo GS sử học Nguyễn Khắc Thuần, ngày 22/9/2010, Định Nam đao của Mạc Thái tổ “trở về nguồn cội” khi chi Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nghinh rước vật báu này về khu tưởng niệm Vương triều Mạc, đúng dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nguyễn Thanh Điệp
Video: VT

Võ sư Việt đại náo huyện đường và giai thoại anh hùng thời loạn


Võ sư Diệp Đình Tòng không chỉ được lưu danh nhờ hành hiệp trượng nghĩa, mà còn có công đào tạo một trong những dũng tướng xuất sắc nhất lịch sử nước nhà (Trần Quang Diệu).
Theo sách Võ nhân Bình Định, do có thân hình mảnh mai, tính tình hiền hậu, phong cách của văn nho hơn võ sĩ, Diệp Đình Tòng không được nhiều người dân Vĩnh Thạnh (Bình Định) biết đến.
Một ngày kia, con bò đực điên sổng chuồng, chạy khắp thôn, gây nguy hiểm cho người dân, đinh tráng vây bắt nhưng bất lực. Diệp Đình Tòng (Diệp Công) vội xông ra, nắm chặt đôi sừng to nhọn, ghì xuống đất.
Ông thét lên một tiếng, vặn mạnh cổ bò sang một bên, khiến con vật hung hăng nằm im chịu trận. Trai tráng xúm lại dùng dây trói 4 chân, khiêng về chuồng. Từ đó, dân trong thôn hết sức khâm phục tài sức của ông.
Bấy giờ, Vĩnh Thạnh là thôn hẻo lánh, nhưng đất đai màu mỡ nên có nhiều nhà giàu có, giặc cướp thường đến quấy nhiễu. Các phụ lão yêu cầu Diệp Công mở trường dạy võ để con em trong làng đủ sức bảo vệ quê hương. Ông hứa sẽ làm theo sau chuyến đi An Nhơn thăm bà con bè bạn.
Khi tới nơi, nghe danh võ sư Trương Văn Hiến (thầy dạy của 3 anh em nhà Tây Sơn), Diệp Công liền đến diện kiến. Từ đó, hai người kết bạn và chuyến đi An Nhơn làm thay đổi cuộc đời của Diệp Đình Tòng.
Sau khi từ biệt Trương võ sư, ông đi thẳng xuống Phụng Ngọc thăm bạn đồng hương. Khi đi ngang An Nhơn, Diệp Công nghe người dân nguyền rủa viên tri huyện là tên quan lại ác ôn, thường xuyên hãm hại dân lành.
Có người cho biết quan tri huyện sở tại sai lính bắt cô gái nhà lành ở thôn An Ngãi về làm thiếp hầu hạ. Cha mẹ cô gái không đồng ý liền bị lính đánh đập rồi bị bắt luôn về tống giam.

Đợi suốt đêm, không thấy con, dâu và cháu nội trở về, bà lão bèn chống gậy đến huyện đường đòi trả người thân. Viên tri huyện nổi nóng đạp bà lão té lăn, rồi dùng gậy đánh đập tàn nhẫn.
Không kìm được tức giận, Diệp võ sư liên tìm đến nha huyện. Ông nhảy vào sân huyện đường, giật lấy gậy trên tay quan tri huyện và đỡ bà cụ đứng lên. Thấy có người ngăn cản, viên tri huyện miệng chửi mắng, tay chụp lấy chiếc ghế đẩu đánh vào đầu Diệp Công. Sẵn gậy trên tay, ông đâm thẳng vào trán khiến tên tri huyện bật ngửa, chết tại chỗ.
Người trong huyện kêu cứu, lính tráng kéo đến. Một mình Diệp Công tả xung hữu đột giữa vòng vây của lính huyện.
Với cây gậy trong tay, võ sư đã hạ gục đám sai nha, sau đó ông vào nhà giam, phá cửa thả những người bị bắt (phần đông đều bị vu khống, bắt oan). Để tránh rắc rối cho nhân dân địa phương, võ sư Diệp vào công đường, viết lại tên tuổi của mình, rồi lên đường.
Khi trở về Vĩnh Thạnh, Diệp Công biết đám quan lại địa phương sẽ cho người truy nã mình nên lên núi ẩn náu. Ông dạo khắp các ngọn núi cao ở vùng Tây Sơn. Khi đến dãy Kim Sơn thuộc huyện Hoài Ân, ông gặp được nơi ưng ý, bèn chặt cây cất nhà ở.
Một thời gian sau, ông gặp Trần Quang Diệu, nhận làm đệ, truyền dạy võ nghệ. Sau vài năm, Trần Quang Diệu được truyền võ công của Diệp sư phụ.
Một hôm, ông gọi Trần Quang Diệu đến, kể rõ nguồn cơn rồi bảo: “Nước nhà đang cơn loạn lạc, bọn tham quan ô lại vì quyền lợi riêng làm khổ nhân dân. Vùng non sông thanh tú này nảy sinh nhiều anh hùng hào kiệt để chung sức dẹp loạn cứu dân. Con nay tài nghệ đủ dùng, thầy và con duyên trần đã mãn.
Thầy tặng thanh long đao thường dùng để huấn luyện võ công cho con. Sau khi thầy qua đời, con hãy xuống núi, ghé lại Vĩnh Thạnh, nơi thôn có gia đình thầy, cho biết tin tức rồi đi tìm anh hùng hào kiệt trong vùng để cùng nhau lo toan việc lớn”.
Nói rồi, Diệp Công xếp bằng chân, chắp tay, nhắm mắt vĩnh viễn đi vào hư ảo.


Bình Định - hào khí đất võ Võ thuật Bình Định bao gồm nhiều môn võ cổ truyền có xuất xứ từ tỉnh Bình Định hoặc từng phổ biến ở tỉnh này sau đó được truyền bá rộng rãi khắp cả nước và thế giới.

Lo hậu sự cho thầy xong, Trần Quang Diệu xuống núi đi tìm minh chủ. Sau khi gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, nhờ võ công và bản lĩnh do sư phụ truyền dạy, Trần Quang Diệu nhanh chóng trở thành một trong những danh tướng tài năng nhất của nghĩa quân.
Suốt phần đời còn lại, ông đã theo Quang Trung - Nguyễn Huệ “đánh đông, dẹp bắc”, lập những chiến công lẫy lừng. Sau này, khi vua Quang Trung qua đời, ông tiếp tục phò tá vua Cảnh Thịnh cho đến khi vương triều Tây Sơn sụp đổ, gia đình ông hy sinh lẫm liệt.

Nguyễn Thanh Điệp
Video: Tỉnh đoàn Bình Định

Võ sư nổi danh nước Việt có hai học trò trở thành hoàng đế


Có tới 2 học trò xưng là hoàng đế và một người xưng vương, võ sư Trương Văn Hiến có lẽ là trường hợp “độc nhất vô nhị” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Trong số rất nhiều học trò tài năng của thầy Trương Văn Hiến, hai người trở thành hoàng đế là Nguyễn Nhạc và Quang Trung - Nguyễn Huệ. Một học trò khác là Nguyễn Lữ cũng phong vương (Đông Định vương).
Võ sư Trương Văn Hiến là người Hoan Châu (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay). Ông là anh em thúc bá với Trương Văn Hạnh, đại thần thờ Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
Sau khi Nguyễn Phúc Khoát qua đời, quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền, Trương Văn Hạnh tỏ ý phản đối nên bị Trương Phúc Loan bắt giết. Trương Văn Hiến phải bỏ vào Nam.
Theo sách Võ nhân Bình Định, Trương Văn Hiến, tuổi trẻ tài cao, tinh thông thao lược võ văn. Một hôm, trên đường vào Nam, ghé vào nghỉ chân tại ngôi chùa hẻo lánh, ông quen trụ trì hiệu Trí Viễn thiền sư, vốn là quan trả ấn về nương cửa Phật. Theo lời khuyên nhủ của thiền sư, Trương Văn Hiến vào Quy Nhơn, Bình Định lập nghiệp.
Sau khi ghé chân miền đất võ, ông thường xuyên giao du khắp nơi. Bấy giờ, ngoại thành Quy Nhơn có một bậc phú gia tên Phan Nghĩa. Tính đôn hậu, giao thiệp rộng rãi, bạn bè khắp nơi. Trong nhà, thực khách luôn có đến hàng chục người. Ông có nuôi một toán võ sĩ đi theo áp tải đội thuyền buôn. Đứng đầu là võ sư Đặng Quan, sức mạnh và võ công hơn người.
Một hôm, Đặng Quan cùng bộ hạ áp tải một số hàng quan trọng và bị cuớp. Cầm đầu là tên Song Tiên, võ nghệ cao cường, hành tung bí hiểm.
Trong trận chiến ngang sức ngang tài này, Đặng Quan trúng tên bắn lén, rơi xuống sông. Vùng vẫy trong dòng nước, Đặng Quan cố sức bơi vào bờ. Thấy võ sư lâm nạn, biết không đánh lại bọn cướp, những người đi theo bèn nhảy xuống sông tẩu thoát.
Đang lúc nguy nan, một trang hán tử xuất hiện, xông vào đánh dạt bọn cướp và dùng sào chống ghe cứu những người bị nước sông cuốn đi. Người đó là Trương Văn Hiến. Vì võ sư Đặng Quan bị thương, Trương Văn Hiến nhận lời tháp tùng bảo vệ hàng.

Ghé lại nhiều lần, sau khi quan sát địa lý, nhân văn, Trương Văn Hiến quyết định chọn vùng đất An Thái làm nơi lập nghiệp. Nhờ có sự giúp đỡ về tài chính của Phan Nghĩa, ông mở trường dạy học cả văn lẫn võ, gần như biệt lập với xóm làng. Nhân dân trong vùng đem con đến nhập học rất đông.
Thầy giáo Hiến khi nhận học trò điều kén lựa môn sinh theo hai tiêu chuẩn: Tư chất và đức tính. Tư chất phải thông minh, hiếu học; đức tính phải kiên trì và nhân ái. Học trò các huyện, tỉnh khác đều có người đến xin học. Văn thì chuyên binh thư đồ trận, võ học đủ thập bát ban.
Thầy Trương Văn Hiến từng nói với môn sinh: “Có võ mà không có văn thì thường hay cường bạo. Có văn mà không có võ thường nhu nhược. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững”. Học trò của thầy sau này hầu hết trở thành tướng lĩnh của nhà Tây Sơn.
Khi ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ đến xin thụ giáo, được thầy Hiến thu nhận ngay. Thêm nữa, ba người từng tập luyện võ nghệ có căn bản của họ Đinh.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế hiệu rồi rước thầy Trương Văn Hiến về Quy Nhơn làm quân sư. Nhờ có thầy bên cạnh, Nguyễn Nhạc xây dựng nhà Tây Sơn thêm vững chắc. Cũng chính quân sư Trương Văn Hiến đã đề xuất cùng Nguyễn Nhạc tiến quân vào chiếm Gia Định để củng cố sự nghiệp buổi ban đầu cho nhà Tây Sơn.
Về sau, ông lấy cớ già yếu hay đau ốm mà xin được về quê tịnh dưỡng tuổi già. Ông mất khi triều đình Tây Sơn dưới thời vua Cảnh Thịnh đang dần suy yếu.


Bình Định - hào khí đất võ Võ thuật Bình Định bao gồm nhiều môn võ cổ truyền có xuất xứ từ tỉnh Bình Định hoặc từng phổ biến ở tỉnh này sau đó được truyền bá rộng rãi khắp cả nước và thế giới.

Ngoài ba anh em nhà Tây Sơn, thầy Trương Văn Hiến còn dạy nhiều người nổi tiếng. Về võ công, Đặng Văn Long ở Tuy Phước, Phan Văn Lân ở Bình Định là những nhân vật có tiếng.
Về văn, hai anh em ông Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Danh người Bình Sơn - Quảng Nghĩa, làm quan triều Tây Sơn có soạn bộ sử nhà đề "Tây Sơn thư hùng ký".
Tuy quê gốc ở Nghệ An, thầy Trương Văn Hiến vẫn được nhân dân Bình Định coi như người con của quê hương đất võ, vì ông đã có công đào tạo nên những anh hùng của triều đại Tây Sơn.

Nguyễn Thanh Điệp
Video: Tỉnh đoàn Bình Định

Võ sĩ ngày xưa thi đấu như thế nào?


Các triều đại phong kiến Việt Nam đã mở nhiều kỳ thi võ học để tuyển dụng nhân tài phục vụ đất nước.
Di tích đền thờ Võ Thánh Miếu hiện nay ở huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế vẫn còn 5 tấm bia đá khắc tên các vị tiến sĩ võ. Trong đó, 3 tấm bia được gọi là Võ Công bi ký, Võ công tả bi và Võ công hữu bi.
Bia Võ Công bi ký được khắc lời dụ của vua Minh Mạng về việc tuyển chọn 10 võ tướng có công với triều Nguyễn khi khai quốc.
Dưới thời Lê - Trịnh, sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn miêu tả chi tiết nội dung của các kỳ thi võ học. Năm 1723, chúa Trịnh Cương tổ chức khoa thi võ để tuyển dụng nhân tài phục vụ triều đình. Kỳ thi được tổ chức ở hai cấp là trung ương và địa phương.
Ở cấp địa phương gọi là Sở cử, được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Người đạt trong kỳ Sở cử được thi tiếp Bác cử vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Nội dung kỳ thi này gồm 3 vòng. Vòng thứ nhất hỏi sơ qua 6 câu về đại nghĩa trong binh pháp Tôn Tử. Vòng hai thi các môn võ thuật và kỹ thuật chiến đấu gồm cưỡi ngựa múa mâu, bắn cung, lăn khiên, múa kiếm, đấu kích, chạy bộ múa mâu, lại đấu kiếm. Mỗi môn chỉ thi một tao. Vòng thứ ba thi về phương lược đánh trận và làm một bài thơ đường.
Khoa thi võ này có 572 thí sinh. Vòng một lấy 188 người. Sau đó, 12 người được chọn vào hạng tam thắng, 16 người vào hạng nhị thắng, 17 người vào hạng nhất thắng, 21 người vào hạng bình phân. 
Có 6 người vào hạng thiếu một phân nhưng vì thân thể, diện mạo, can đảm, sức lực có phần khá nên được lựa chọn lấy trúng. 14 người vào hạng nhất thắng nhưng vì thân thể, diện mạo can đảm sức lực bình thường nên không được lấy.
Vo si ngay xua thi dau nhu the nao? hinh anh 1
Tranh minh họa về thi võ ngày xưa.
Sang năm Giáp Thìn (1724), triều đình tổ chức khoa thi Bác cử ở Thăng Long. Nội dung vẫn thi qua 3 vòng nhưng yêu cầu cao hơn. Triều đình cũng tổ chức chấm điểm linh động. Giám khảo xem xét thể chất sĩ tử rồi chia làm 3 hạng để phân phối thi từng hiệp.
Trước hết, họ thi cưỡi ngựa múa siêu đao, lăn khiên và đấu gươm giáo. Cộng kết quả các môn thi lại, đem các trận được trừ đi các trận thua để định người hơn kẻ kém. Những người có khí phách can đảm thì thăng một bậc, người kém lùi một bậc.
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, để kiểm tra tính can đảm của thí sinh, người ta lấy cái dùi đồng bên ngoài có bọc rạ rồi đánh vào đầu sĩ tử 3 lần. Nếu người nào không chớp mắt và thân thể không chấn động thì đạt.
Những người đỗ qua 3 vòng thi trong kỳ thi Bác cử được gọi là Tạo sĩ (tương đương tiến sĩ nho học) và được ban mũ áo và hưởng các nghi lễ như sĩ tử đỗ đạt.
Năm 1731, quy chế thi võ được sửa chữa lại. Kỳ thi vẫn gồm 3 vòng nhưng quy định chi tiết là vòng một thi giương cung và múa siêu đao. Cung dùng loại nặng 55 kg, siêu đao dùng hạng nặng 30 kg và 24 kg. Sĩ tử phải giương được cánh cung hết cỡ và múa được thanh đao nặng đó mới qua.
Dưới thời Nguyễn, triều đình tiếp tục duy trì việc tổ chức thi tuyển nhân tài võ học. Giống như thời Gia Long, sau khi lên nắm quyền, vua Minh Mạng tiếp tục củng cố nền khoa cử cho võ học.
Theo Đại Nam thực lục, sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng ra chỉ dụ "điều cốt yếu của trị nước là cả văn lẫn võ, không thể riêng bỏ bên nào. Đặt ra Võ Miếu là việc nên làm... Huống chi bản triều từ ngày khai quốc đến trung hưng, công liệt rực rỡ, không kém người xưa, đáng biểu dương để khuyến khích nhân tài".
Năm 1837, khoa thi Hương võ và Hội võ lần đầu tiên được mở. Triều đình quy định lấy các năm Dần, Tỵ, Thân, Hợi mở khoa thi Hương võ, các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu mở khoa thi Hội võ.
Về quy chế thi cử, Hương võ qua ba giai đoạn là mang vật nặng; đấu côn, quyền, đao, thương... và thi bắn súng (súng hỏa mai). Sĩ tử vượt qua ba môn thi nói trên đều được triều đình phong học vị "cử nhân võ", còn gọi là "võ cử". Thí sinh chỉ đạt hai môn được gọi là "tú tài võ".
Sau Hương võ là đến kỳ thi Hội võ và Đình võ. Thí sinh ở các tỉnh về thi ở kinh thành đều được triều đình cấp tiền, gạo đi đường. Vì thời Nguyễn không có lệ lấy trạng nguyên nên người đỗ đầu kỳ thi đình được gọi là Đình nguyên (tiến sĩ võ).
Người đạt học vị tiến sĩ võ thường phải vượt qua ba kỳ thi, đồng thời thông thạo các lý thuyết bài binh bố trận, cũng như nhuần nhuyễn về binh pháp.
Năm Mậu Dần (1878), nhà Nguyễn mở khoa thi Hương võ ở bốn địa điểm là Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa và Hà Nội. Đến năm Kỷ Mão (1879), cả bốn trường thi võ trong toàn quốc tuyển được 120 võ cử.
Sau khi lên thay vua Tự Đức, vua Kiến Phúc đã cho mở lại các kỳ thi Hương võ với thể lệ và các bộ môn thi võ là xách tạ, múa quyền, múa côn gỗ, múa đao to, lăn khiên, nhảy xa... Môn thi võ cuối cùng vẫn là bắn súng.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn có nhiều biến động, đất nước đã bị thực dân Pháp xâm lược, triều đình lập và phế vua liên tục nên việc thi tiến sĩ võ không được tổ chức.


Bình Định - hào khí đất võ Võ thuật Bình Định bao gồm nhiều môn võ cổ truyền có xuất xứ từ tỉnh Bình Định hoặc từng phổ biến ở tỉnh này sau đó được truyền bá rộng rãi khắp cả nước và thế giới.


Nguyễn Thanh Điệp
Video: Tỉnh đoàn Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét