Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

BÍ ẨN LỊCH SỬ 67/2

(ĐC sưu tầm trên NET)
[​IMG]
Tình báo là một mặt trận thầm lặng nhiều khi không có tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi người chiến sĩ tình báo phải gan dạ, mưu trí, dũng cảm. Trong thời gian tồn tại của mình, cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đã có những đóng góp đáng kể vào sự vững mạnh của đất nước cũng như thế cân bằng chiến lược Đông Tây. Cuốn Các chủ tịch KGB - Những hồ sơ lộ sáng của nhà sử học lừng danh người Nga Leonid Mlechin viết về những nhà lãnh đạo của KGB trong suốt thời gian cơ quan này hoạt động. Với những phân tích, đánh giá sâu sắc, tinh tế của mình, Leonid Mlechin sẽ đem đến cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn, thoả đáng về vai trò, vị trí của các vị thủ lĩnh và cơ quan KGB trong lịch sử tồn tại của Liên bang Xô Viết. Đó là những người mà số phận gắn liền với cả vinh quang chói lọi và những thất bại cay đắng.
------------------------------------------------------------------

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách các bạn cầm trên tay của tác giả Nga Leonid Mlechin là một cuốn sách đặc biệt vì nó kể về những người lãnh đạo một công tác mà ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay gọi là "công tác đặc biệt"; và bản thân những người đó cũng có những số phận đặc biệt. Đó là các Chủ tịch KGB.
Cơ quan an ninh Liên Xô được thành lập từ những ngày đầu cách mạng tháng Mười với nhiệm vụ trấn áp các lực lượng phản cách mạng trong nước để bảo vệ chính quyền với tên gọi là Ủy ban đặc biệt, về sau đã trở thành một cơ quan kiểm soát toàn diện xã hội và một cơ quan tình báo quốc tế bậc nhất. Với tên gọi là KGB từ năm 1954, cơ quan quyền lực hùng mạnh này đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với số đông người và niềm kính nể đối với đồng nghiệp an ninh quốc tế.
KGB là một hiện tượng lịch sử trong thế kỷ 20, nó được xây dựng bằng công sức, trí tuệ và cả xương máu của nhiều thế hệ người Xô viết. Suốt 74 năm tồn tại Liên Xô (1917 - 1991); KGB sống song hành cùng Liên Xô.
Những chặng đường các Chủ tịch KGB đã đi là những chặng đường của lịch sử Liên Xô vinh quang và cay đắng. Và số phận cá nhân vừa oanh liệt vừa bi thảm của họ cũng không nằm ngoài lịch sử đó. Đây là lần đầu tiên, một cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp của tất cả các Chủ tịch KGB (mười bảy vị) từ thời Lênin cho đến khi Liên Xô tan rã.
Đọc cuốn sách này, người ta hiểu biết thêm nhiều về lịch sử chính trị và an ninh Liên Xô. Trong sách có đề cập đến những lãnh tụ và nhân vật lịch sử như Lênin, Stalin, Trotski và một số nhân vật còn có những đánh giá khác nhau như Beria, Tukhachevski và một số vụ việc còn nhiều bí ẩn như vụ ám sát Kirov, "Vụ án các bác sĩ", vụ "Đảng bộ Lêningrad "v.. v... Một số sự kiện lịch sử như việc Stalin bắt tay với Hitle để trì hoãn chiến tranh, sự biến ở Hung-ga-ri năm 1956 v.v... được đề cập và phân tích khá sâu trong mối quan hệ chính trị - ý thức hệ - an ninh.
Sách cũng cung cấp thêm tư liệu và lý giải về những diễn biến nhân sự ở hậu trường trong những bước ngoặt lớn chuyển giao lãnh đạo của Liên Xô. Hầu hết các nhà hoạt động nhà nước nổi tiếng của Liên Xô được nhắc đến trong sách này.
Đây không phải là cuốn sách về một ngành công tác. Đây là câu chuyện kể về những bước ngoặt lịch sử của đất nước Liên Xô, mà trên mỗi bước ngoặt đó đều có vai trò của KGB.
Do đó nó không chỉ bổ ích về nghiệp vụ mà còn có giá trị nghiên cứu, tham khảo rất quý đối với đông đảo bạn đọc.
L.Mlechin trong mấy năm gần đây là một tác giả ăn khách ở Nga, vì sách của ông thường viết về đề tài an ninh, trên cơ sở khai thác kho tư liệu lưu trữ phong phú của Liên Xô và KGB. Tuy nhiên, nằm trong trào lưu tư tưởng dân chủ cấp tiến của xã hội Nga hiện nay, tác giả có xu hướng phân tích một cách phê phán đối với lịch sử nước nhà, đối với Stalin.
Đó là điều phổ biến và khó tránh được hiện nay. Nhiều điều đã được biết hoặc trở thành bình thường đối với xã hội Nga có thể không được chấp nhận hoặc chia sẻ đối với chúng ta. Mặc dù vậy, giới thiệu cuốn sách này với độc giả kính mến, chúng tôi tin rằng cuốn sách có giá trị tái hiện lịch sử sinh động, lại được viết bằng giọng văn chính luận hấp dẫn, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và phát hiện lý thú.
Dịch giả HÙNG SƠN


CHƯƠNG 2: VIACHESLAV RUDOLFOVICH MENJINSKI 
Vyacheslav Menzhinsky
Вячеслав Менжинский
Menzhinsky V 1932 Sochi.jpg

Chairman of the OGPU
 
Cục trưởng Cục chính trị quốc gia (7/1926 - 5/1934)
Trong tất cả các Chủ tịch An ninh Liên Xô, Menjinski có lẽ là nhân vật mờ nhạt nhất, mặc dù ông đứng đầu cơ quan này 8 năm - lâu hơn cả Yagoda và Ejov cộng lại, và mặc dù đã nghe ra những phương pháp làm việc được những người kế nhiệm ông sử dụng một cách đầy đủ và triệt để. Ông là người cao hơn họ một cái đầu, mà họ - những người thừa kế - chỉ đi theo con đường mà ông đã vạch ra, chứ ở địa vị ông chưa chắc họ đã nghe ra được những phương pháp đó.
Điều không may có lẽ là ở chỗ Menjinski lỗi lạc hơn các đồng nghiệp của mình. Một con người dễ chịu, nhẹ nhàng, cởi mở, khiêm tốn, vô tư và rất trí thức - đó là những nét tính cách đọng lại trong bức chân dung của Menjinski. Thời gian cuối trên cương vị Chủ tịch cơ quan an ninh, nhà cách mạng Bônsêvích trung kiên Menjinski bị ốm nặng, nhiều thời gian phải ở nhà riêng ở ngoại ô, vui trồng hoa và làm các phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm. Không có điều kiện đi sâu vào mọi chi tiết công vụ, ông phải bằng lòng với những thông tin mà người phó thứ nhất của ông là Yagoda báo cáo. Tuy nhiên, cho rằng mọi việc đều do Yagoda làm là hoàn toàn sai. Chính Menjinski là người đã soạn thảo đường lối và chiến thuật tiêu diệt ku-lắc như một giai cấp, cử các nhóm khủng bố ra nước ngoài để ám sát các kẻ thù của chế độ Xô viết và đề xuất việc mở phiên toà xét xử các vụ án đầu tiên ở Matxcơva trong loạt các vụ án đã làm chấn động không chỉ cả nước mà toàn thế giới.
Chính Menjinski khởi đầu đã là lý thuyết gia của hệ phương pháp An ninh Liên Xô, và nếu quy mô những việc làm của Menjinski chưa phải như của những người sẽ kế nhiệm ông là chỉ vì Stalin chưa đòi hỏi một người như thế.
Menjinski sinh ngày 19/8/1874 ở Peterburg trong một gia đình quý tộc. Cha ông là giảng viên sử học ở trường Ca-det [1] Peterburg. Menjinski tốt nghiệp phổ thông xuất sắc được nhận huy chương vàng, rồi vào học khoa luật Đại học tổng hợp Peterburg, ra trường làm nghề luật sư.
Ông tham gia Đảng Xã hội - Dân chủ sớm - từ năm 1902, nhưng khác với Dzerjinski, ông luôn cố gắng không vi phạm pháp luật. Ông dạy học ở các khoá học bổ túc ban tối cho công nhân, cộng tác với tờ báo Bônsêvich "Trại lính" trong thời gian cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất. Tháng 7/1905, cảnh sát bắt toàn bộ cộng tác viên của báo, và ông phải ngồi tù 4 tháng. Sau khi được thả, ông chạy sang Phần Lan (luật lệ nước đó dễ chịu hơn Nga). Năm 1907, ông lưu vong sang sống ở Bỉ, Thụy Sĩ, rồi Pháp và Mỹ. Thời gian ở Pháp, ông tranh thủ học Đại học Sorbonne. L.Trotski gặp Menjinski lần đầu tiên là ở Paris. Menjinski thời gian ấy thuộc nhóm xã hội - dân chủ cực tả cùng với Dân uỷ Giáo dục sau này là Lunacharsky. Tại Bôlônha (Italia), tổ chức Bônsêvich mở một lớp học cho công nhân Nga, và tại đây, Trotski đã cùng làm việc với Menjinski, kể lại:
"Tôi có thể nói ấn tượng đầu tiên ông ta gây cho tôi là không gây được ấn tượng gì cả. Ông ta như là cái bóng của một người nào đó khác, hay như một bức ký họa dở dang của một bức tranh không thành. Có những người mà khoé mắt và nụ cười thể hiện một sự cố gắng che giấu nhân cách của bản thân".
Khi Trotski viết những dòng này, ông ta đang ở nước ngoài, sau khi bị trục xuất, khi mà Menjinski đang tiến hành cuộc đấu tranh chống phe đối lập trong nước, cho nên nhận xét của ông ta có thể không được khách quan.
G.A.Solomon, một nhà xã hội - dân chủ có tiếng đầu thế kỷ, có quan hệ gần gũi với gia đình Lênin và là bạn của Menjinski trong thời gian lưu vong kể lại:
"Sau cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất, theo yêu cầu của Lênin, Menjinski đến Bruxelles để đón Lênin... Tôi trông thấy Menjinski người gù gù, ốm yếu, và đi sau Menjinski là Lênin. Menjinski thời gian này đang bị đau thận, không có tiền để chữa bệnh, tay run run xách vali cho Lênin. Trông thấy thế, tôi bèn giằng chiếc vali từ tay Menjinski. Còn Menjinski thì nhoẻn một nụ cười ngượng nghịu, dễ thương (đọng lại mãi trong tôi hình ảnh đó của Menjinski). Một lần khác, tôi lại gặp vẫn Menjinski ấy trên đường công tác về Matxcơva, vui vẻ khuân vác hành lý của mình và của mọi người. Thời gian cuối, ông bị vôi hóa cột sống phải nằm nhà, không hề than thở và yêu cầu gì với một ai, lặng lẽ chịu đau đớn, môi vẫn nhoẻn một nụ cười dịu dàng .
Những ngày đầu sau Cách mạng tháng Mười, Lênin có cảm tưởng Menjinski là một người nhẹ dạ, nông nổi, không có đủ năng lực gánh vác nhiệm vụ biến những tư tưởng vĩ đại của cách mạng thành hiện thực.
Nhưng Lênin đã nhầm. Menjinski trước và sau khi làm Chủ tịch cơ quan an ninh là hai con người khác nhau. Không rõ công tác đã làm thay đổi con người, hay là trong con người ấy đã bộc lộ rõ ra những nét tính cách mà trước đây còn tiềm ẩn?
Tháng 7 năm 1917, Menjinski từ nước ngoài về Nga.
Ông - một người thuần tuý dân sự - được đưa vào Ban tổ chức quân sự của Trung ương đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga. Ngày 25/10/1917, Menjinski được bổ nhiệm làm Chính ủy ủy ban quân sự cách mạng ở Ngân hàng quốc gia. Ông yêu cầu cơ quan tài chính lớn nhất của đất nước cấp cho Chính quyền mới mười triệu rúp để phục vụ những nhu cầu cấp thiết. Các công chức Ngân hàng không công nhận chính quyền Bônsêvich và ngạo mạn từ chối yêu cầu. Khi đó, các chiến sĩ cận vệ bèn bao vây ngân hàng, nhưng vẫn không lấy được tiền ra. Đó là những ngày đầu cách mạng.
Sau đó, Lênin bổ nhiệm Menjinski làm Dân ủy tài chính (tức Bộ trưởng Bộ Tài chính), có lẽ vì nhớ thời gian lưu vong ở nước ngoài ông đã từng làm việc ở ngân hàng Pháp. Menjinski trả lời phỏng vấn nhà văn Mỹ John Reed: "Chúng tôi hoàn toàn bất lực nếu không có tiền... Các ngân hàng thì đóng cửa, Ngân hàng quốc gia không hoạt động. Các viên chức ngân hàng trong cả nước bị mua chuộc và lãn công ".
Khi đó Lênin bèn ra lệnh dùng bộc phá đánh vào các tầng hầm của Ngân hàng quốc gia và ban hành lệnh yêu cầu các ngân hàng nhỏ "phải mở cửa ngay từ ngày mai, nếu không chính quyền cách mạng sẽ tự mở".
Menjinski đã ký cùng với Lênin một sắc lệnh quy định cho các ngân hàng "Trong ngày 31/10 phải mở cửa làm việc. Nếu không mở và không chịu cấp tiền theo ngân phiếu, thì tất cả giám đốc và các thành viên hội đồng quản trị sẽ bị bắt, và các chính ủy sẽ được điều động tạm thời về các ngân hàng và dưới sự chỉ đạo của Phó dân ủy tài chính sẽ tiến hành việc trả tiền theo các ngân phiếu có đóng dấu của ủy ban công - nông".
Chỉ đến 17/11, Menjinski mới nhận được 5 triệu rúp đầu tiên để chi dùng cho nhu cầu của Hội đồng dân ủy (tức Chính phủ - ND). Hội đồng dân ủy tuyên bố Nhà nước độc quyền về công việc ngân hàng. Các ngân hàng tư nhân bị quốc hữu hóa và sát nhập vào Ngân hàng quốc gia thành Ngân hàng nhân dân. Các trái phiếu ngân hàng bị hủy bỏ và việc buôn bán chúng bị coi là bất hợp pháp. Tất cả những công việc đó Menjinski hoàn thành trong có vài tháng. Nhưng Menjinski không được Lênin chú ý khen ngợi lắm và cũng không được giữ chức vụ cao. Khi Chính phủ chuyển về Matxcơva, Menjinski ở lại làm ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng thành phố Petrograd và thành viên ban lãnh đạo Cơ quan dân ủy tư pháp Petrograd. Đấy là một sự xuống chức.
Năm 1918, với kiến thức, ngoại ngữ và kinh nghiệm sống ở nước ngoài, Menjinski được cử đi làm Tổng lãnh sự ở Đức nhưng lại sớm bị Đức trục xuất khi cảnh sát Đức tìm thấy truyền đơn tuyên truyền trong văn ngoại giao của cơ quan lãnh sự. Menjinski được phái xuống Ucraina làm Phó dân ủy thanh tra Liên Xô tại Ucraina được mấy tháng.
Mùa thu năm 1919 Menjinski quay trở lại Matxcơva.
Dzerjinski tìm được công việc cho ông ở Ủy ban đặc biệt.
Tháng hai năm đó, Trung ương Đảng ra nghị quyết "về những đơn vị đặc biệt trong Ủy ban đặc biệt toàn Nga".
Đó là các đơn vị có nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng và gián điệp trong quân đội. Do uy tín và vị trí cao của Trotski lúc đó là Dân ủy quân sự, nên các đơn vị đặc biệt đó vẫn được đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng quân sự cách mạng do Trotski đứng đầu. Từ năm 1931, tình báo quân sự sẽ tách ra khỏi sự quản lý của quân đội. Ngành quân báo của Liên Xô đã ra đời như vậy. Nó không chỉ phát hiện gián điệp và những kẻ phản bội, mà còn có nhiệm vụ theo dõi các tướng lĩnh và nắm tâm trạng binh sĩ.
Ngoài ra, vì Ủy ban đặc biệt còn chưa có một vụ đối ngoại, nên một Cục đặc biệt được thành lập để làm công tác tình báo ở nước ngoài và ở các lãnh thổ tạm thời bị Bạch vệ và quân đội nước ngoài chiếm đóng.
Dzerjinski kiêm phụ trách công tác này, và là Cục trưởng đầu tiên của Cục đặc biệt.
Tháng 9/1919, Menjinski được cử về Cục đặc biệt, nửa năm sau làm Cục phó và mấy tháng sau nữa trở thành Cục trưởng, đến năm 1922 là ủy viên ban lãnh đạo của Ủy ban đặc biệt. Menjinski có trách nhiệm báo cáo về công tác của Cục đặc biệt và về tình hình trong nội bộ quân đội cả với Dzerjinski và với Trotski, bởi vì lúc đó Trotski là nhân vật lãnh đạo quan trọng. Trotski kể lại có lần sau khi báo cáo tình hình với Trotski xong, Menjinski đứng lại tần ngần như muốn nói thêm điều gì.
Khi Trotski gạn hỏi, Menjinski mới nói không biết Trotski có biết rằng Stalin đang tiến hành tập hợp lực lượng sau lưng Trotski hay không. Việc báo cáo với lãnh đạo cấp cao không chỉ về tình hình chính trị mà cả về thái độ của các thành viên ban lãnh đạo đã trở thành hầu như một nhiệm vụ của cơ quan an ninh. Từ năm 1927, sau khi Dzerjinski mất, việc đấu tranh với Trotski và với phe đối lập được giao cho cơ quan Dân uỷ nội vụ. Trong hai năm: 1927 - 1928, toàn bộ những nhân vật đối lập chủ yếu - khoảng 150 người - bị đưa khỏi Matxcơva về những vùng xa của đất nước dưới sự giám sát của cơ quan Dân uỷ nội vụ. Năm 1929 Menjinski được giao nhiệm vụ tổ chức việc trục xuất Trotski khỏi Nga.
Menjinski lãnh đạo công tác tình báo từ ngày thành lập, hơn nữa từ tháng 9/1923 ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban đặc biệt, trong khi Dzerjinski ngày càng bận công việc lãnh đạo kinh tế.
Menjinski đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tình báo Liên Xô trở thành nền tình báo mạnh nhất thế giới những năm 20 - 30. Ưu thế của ngành tình báo trong Ủy ban đặc biệt là ở chỗ: Thứ nhất, làm việc trong công tác tình báo là những người dày dạn kinh nghiệm: những người Bônsêvich đã từng hoạt động bí mật, quen chạm trán với cảnh sát và nhà tù của Sa hoàng. Thứ hai, thế hệ đầu tiên các chiến sĩ tình báo Liên Xô là những người vì hoàn cảnh nào đó đã từng sinh sống ở nước ngoài, họ am hiểu nước ngoài và không bỡ ngỡ khi làm công tác liên quan đến nước ngoài. Và thứ ba, quan trọng nhất, là trước khi có chính quyền Xô viết, người ta cho rằng tình báo và phản gián chỉ cần trong thời gian chiến tranh, còn trong thời bình thì giải tán, chỉ cần công an hoặc cảnh sát. Cơ quan an ninh Đức thôi không tồn tại sau khi Đức bị thất bại trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Mỹ không có cơ quan tình báo trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai và chỉ bắt đầu thành lập nó sau chiến tranh thế giới thứ hai, với sự giúp đỡ của Anh. Anh giảm biên chế của cơ quan an ninh đến mức tối thiểu, Pháp cũng vậy. Duy chỉ có cơ quan an ninh Liên Xô - bao gồm cả bộ máy Ủy ban đặc biệt và tình báo quân sự - là lại được củng cố và tăng cường. Không một nước nào khác bỏ vào lĩnh vực này nhiều sức lực và tiền của đến như vậy. Nước Nga Xô viết tự coi mình vẫn ở trong tình trạng chiến tranh gần như với toàn thế giới.
Thế hệ đầu các chiến sĩ tình báo Liên Xô đa phần là những người theo chủ nghĩa lý tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng thế giới. Họ đi vào tình báo không phải vì để được đi nước ngoài. Họ phục vụ cho sự nghiệp mà họ cho là vĩ đại. Ban đầu họ tìm đến sự giúp đỡ của những người đồng minh tự nhiên là các đảng cộng sản ở nước ngoài, rồi họ sớm hiểu ra rằng một đảng viên cộng sản hoạt động công khai bị cảnh sát ghi sổ đen và theo dõi, thì không thể làm tình báo được. Khi ấy, tình báo Liên Xô bèn tuyển mộ nhân viên trong số thanh niên có quan điểm tả khuynh. Họ khuyên những thanh niên đồng ý cộng tác với họ không nên phô trương những quan điểm thật sự của mình, mà cố gắng tìm được chỗ làm việc trong cơ quan nhà nước, trong cơ quan an ninh thì càng hay. Những người tình nguyện về mặt tư tưởng như vậy không thể có nhiều, do đó phải tìm kiếm cả những cộng tác viên đồng ý làm việc vì tiền. Tình báo Liên Xô cũng đã sớm tuyển dụng cả những cộng tác viên trong số những kẻ đồng tính luyến ái. Sự thực kẻ nào sống cuộc sống hai mặt, kẻ đó thường biết giấu bí mật, vả lại trên giường ngủ người ta dễ dàng khai thác được các bí mật. Gay Berges - người Anh đã được tình báo Liên Xô sử dụng để lôi kéo một cán bộ của Bộ Quốc phòng Anh chính bằng con đường đó.
Đó là thế hệ của những người kỳ lạ và độc đáo, những nhà lãng mạn chủ nghĩa. Trong những năm 20 và 30, người ta đi vào tình báo còn vì cảm giác mạnh để trốn khỏi những ngày thường tẻ nhạt, tối tăm nhằm khẳng định sức mạnh và chí nam nhi.
Tháng 1/1923, Bộ Chính trị quyết định thành lập ủy ban nhiễu thông tin (desinformation) bao gồm đại diện Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao, Cục tình báo quân sự. Ủy ban này chịu trách nhiệm thảo ra những tài liệu cung cấp thông tin giả về tình hình Nội bộ Nga để cho đối phương lấy được, kể cả việc tung cho báo chí những thông tin giả các loại, nhưng trong từng trường hợp đều phải có ý kiến của một Bí thư Trung ương Đảng. Những thông tin này còn nhằm mục đích làm cho các cán bộ chính trị và quân sự đã từng đào tẩu tin rằng ở Nga đang có một phong trào chống Đảng khá mạnh và khi họ về nước thì lập tức bị bắt. Người ta cho rằng Menjinski là người đã đề ra chiến thuật dụ dỗ, lôi kéo các phần tử phản động từ nước ngoài về để bắt trên lãnh thổ Nga. Vụ tên phản động B.V.Savinkov năm 1924 là một thí dụ. Menjinski đã được tặng thưởng Huân chương "Cờ Đỏ" - một Huân chương cao mà ít người được tặng hồi đó.
Đầu những năm 20, Nga kiều V.Shulgin, nguyên đại biểu Duma thời Sa hoàng, được Liên Xô (thực chất là Ủy ban đặc biệt) tổ chức cho một chuyến đi du lịch khắp nước Nga để ông ta thấy rằng những người Bônsêvich nắm chắc chính quyền và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới như thế nào. Sau khi về nước, ông ta viết một cuốn sách nhan đề "Du lịch đến nước Nga đỏ" tán dương chính quyền Xô viết.
Một thời gian sau, Menjinski thành lập một nhóm đặc nhiệm trực thuộc Chủ tịch Ủy ban đặc biệt, tách khỏi Cục công tác nước ngoài, phụ trách các chiến dịch đột nhập và cài cắm điệp viên vào những mục tiêu quan trọng trên đất địch. Nhóm này gồm có 20 chiến sĩ cùng với 60 nhân viên hoạt động bí mật. P.Sudoplatov - Thiếu tướng an ninh, người sau này tổ chức việc giết Trotski, là người nhận lệnh của Menjinski "trung lập hóa" - tức nói nôm na là giết các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ucraina, trong đó có lãnh tụ Tổ chức những người theo chủ nghĩa dân tộc Ucraina là Conovalets.
Ngày 30/7/1926, 10 ngày sau khi Dzerjinski mất, Menjinski được cử làm Chủ tịch Ủy ban đặc biệt và giữ chức vụ này 8 năm.
Chính Menjinski đã được Dzerjinski đưa lên làm Phó thứ nhất chứ không phải Unshlich như mọi người chờ đợi. Stalin ủng hộ Menjinski, và sau khi Dzerjinski mất, đã đưa Menjinski vào Ban chấp hành trung ương.
Vẫn như trước kia, Menjinski luôn nhã nhặn, lịch thiệp, thậm chí tế nhị. Cán bộ đến báo cáo, ông bắt tay, chào hỏi, chứ không coi đấy là nghĩa vụ công tác "anh phải báo cáo tôi". Em gái ông làm ở Bộ Giáo dục thỉnh thoảng vẫn nói với ông giúp cho người này người kia được nhẹ bớt tội.
Menjinski hay ốm, thậm chí khi làm việc ở cơ quan, ông cũng thường nằm tiếp khách. Nhà văn Ilya Erenbua kể rằng năm 1920 ông được đi Pháp, trước khi đi phải làm một số thủ tục ở Bộ Ngoại giao và được báo đến cửa chính Ủy ban đặc biệt gặp đồng chí Menjinski.
Erenbua tưởng Menjinski sẽ hỏi ông có quan hệ gì với quân Vrangel (Bạch vệ) trong thời gian nội chiến hay không, nhưng Menjinski nói ngay đã gặp ông ở Paris rồi, và vừa nằm vừa nói chuyện với ông về tình hình văn học, về việc hiện nay in nhiều thơ tồi, mà Blôc thì không thấy viết gì cả v.v...
Erenbua được nhận hộ chiếu đi nước ngoài, nhưng còn chưa biết rằng hai năm sau, Blôc cũng sẽ đến Bộ Ngoại giao xin hộ chiếu, nhưng đã không được phép ra nước ngoài, và trong khi chờ trả lời của Menjinski thì nhà thơ đã ốm nặng và qua đời năm 1921.
Ngày nay chúng ta cứ nghĩ rằng khủng bố, bắt bớ chỉ diễn ra trong thời gian nội chiến và sau đó đến năm 1937 lại bắt đầu. Thực ra, khủng bố bắt đầu ngay từ sau cách mạng và tiếp diễn cho đến tận năm 1953, khi Stalin chết.
Năm 1927, Henri Barbusse, nhà văn Pháp có cảm tình với Liên Xô sang thăm Matxcơva, được Stalin tiếp.
H.Barbusse hỏi Stalin làm thế nào đập lại luận điệu tuyên truyền của phương Tây về khủng bố đỏ ở Liên Xô.
Stalin trả lời giản dị và logich:
"Việc xử bắn những tên gián điệp và tay sai của đế quốc không phải là khủng bố đỏ. Chúng ta đang nói về các tổ chức đặc biệt mà cơ sở đặt ở Anh hoặc Pháp và các thế lực đế quốc tài trợ cho họ" "Vừa mới đây, chúng tôi bắt được một nhóm sĩ quan quý tộc. Chúng có nhiệm vụ đánh hơi ngạt cả một hội trường đại hội có mặt 3 - 4 nghìn người. Bỏ tù những kẻ này thì chúng chẳng sợ. Đây là vấn đề tiết kiệm sinh mạng: hoặc là tiêu diệt một số phần tử quý tộc và con nhà tư sản... hoặc để cho chúng sát hại hàng trăm, hàng nghìn người".
" Khi nói về các án tử hình, thì chúng ta phải đặt câu hỏi: án tử hình đối với ai? Toàn là những nhà quý tộc, tướng lĩnh sĩ quan Sa hoàng, đã từng chiến đấu chống lại chính quyền Xô viết. Trong danh sách đó rất hiếm khi có những người thuộc các giai cấp bị áp bức, có thể vài ba người... làm gián điệp. Khi người ta phê phán chúng tôi không bảo vệ mọi công dân như nhau, thì xin trả lời rằng: chúng tôi cũng không định bảo vệ tất cả mọi người: Chúng tôi nói công khai điều đó, bởi vì chế độ của chúng tôi là chế độ có giai cấp".
Lý lẽ của Stalin khó có thể bác bỏ được. Chỉ có điều là trên thực tế, mỗi năm càng có thêm nhiều công nhân và nông dân ngã trước mũi súng hoặc bị đưa vào trại cải tạo cùng với các đại diện của "giai cấp bóc lột". 


Lính gác tại mộ của Moissei Urizki, chủ tịch Petrograd, người bị Bạch Vệ ám sát. Lời dịch của biểu ngữ: "Hãy giết chết bọn Tư sản và tay sai của chúng. Khủng bố đỏ muôn năm." (đầu tháng 9 năm 1918).
Trong những năm 1928 - 1930, đã diễn ra một loạt các vụ án lớn gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, do Ủy ban đặc biệt thiết kế. Đó là các vụ: vụ Sắc- tưi (xử "tổ chức chuyên gia tư sản ở vùng mỏ Sac-tưi, tỉnh Đôn-bas") năm 1928, vụ "Đảng công nghiệp" (xử "những kẻ phá hoại trong công nghiệp") năm 1930, vụ "Đảng Lao động nông dân" năm 1930 và "vụ trung ương Đảng Mensêvich" (xử về tội "phục hồi chủ nghĩa tư bản") năm 1931.
Các vụ xử án đều nhằm một mục đích là làm cho cả nước thấy rằng những tổ chức và phần tử phá hoại tồn tại khắp mọi nơi, chính chúng cản trở việc phục hồi công nghiệp và ổn định cuộc sống của nhân dân. Những kẻ phá hoại đó trước hết nằm trong số những nhà tư sản, quý tộc cũ, sĩ quan Bạch vệ, chuyên gia của chế độ cũ.
Trong những năm 1930, những sự cố sản xuất hoặc việc cho ra sản phẩm kém chất lượng đều là lý do để truy tố thành vụ việc đối với những người lãnh đạo trong ngành công nghiệp. Một anh đầu bếp tồi - nếu muốn - cũng có thể bị chụp mũ là trốt-kít. Mặc dù nguyên nhân thực sự của những sự cố sản xuất và cho ra sản phẩm kém chất lượng là việc công nghiệp hóa quá nhanh trên quy mô toàn quốc và đòi hỏi hoàn thành kế hoạch bằng mọi giá.
Việc xét xử vụ án "Đảng Công nghiệp" kéo dài hai tuần với sự chứng kiến của phóng viên nước ngoài đến ngày 7/12/1930 đã kết thúc. Tám kỹ sư và giám đốc có tên tuổi bị tuyên cáo về "hoạt động phản cách mạng có tính chất phá hoại và làm gián điệp, gây tổn hại cho nền công nghiệp Liên Xô". Tất cả các bị cáo bị tuyên án tử hình, nhưng ủy ban chấp hành trung ương toàn Nga (tức Xô viết tối cao về sau này) xét việc họ đã thành khẩn "nhận lỗi"nên đã quyết định hạ mức án tử hình xuống 10 năm tù giam cho mỗi người.
Stalin quan tâm đến những nhân vật tầm cỡ lớn hơn những bị cáo này, mà hiện ông mới chỉ nhắm đến họ.
Menjinski biết Stalin muốn gì. Quân của Menjinski - các cán bộ điều tra - đã lấy được từ những kẻ phản động lời khai về quan hệ của họ với cái gọi là "những phần tử hữu khuynh". Đó là hai ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch ủy ban chấp hành trung ương toàn Nga M.I.Kalinin và Chủ tịch Chính phủ A.I.Rykov. Kalinin thì Stalin biết là không có trọng lượng chính trị gì mấy nên không quan tâm lắm. Nhưng còn Rykov, người đang có uy tín lớn trong nhân dân, thì Stalin bắt đầu lập hồ sơ. 

Tướng Pál Prónay, lãnh đạo Khủng bố trắng chống Xô-viết tại Hungary năm 1919-1921
Những người đọc tiểu thuyết "Nghệ nhân và Margarita" của M. Bulgakov ngày nay sẽ rất buồn cười khi đọc đến đoạn Nikonor Ivanovich đem nộp ngoại tệ và bị quở trách: "Đất nước thì đang cần ngoại tệ, mà ông thì ngồi với đồng ngoại tệ này hoàn toàn không dùng gì đến nó mà không chịu đem nộp cho Nhà nước".
Khi cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên, đoạn này bị cắt vì nó bê y nguyên sự thật vào. Trong những năm đó, nhà nước thu của dân tất cả của cải có thể thu được để tiến hành công nghiệp hóa. Một người có thể bị bắt (thường là do tố giác của hàng xóm hoặc đồng nghiệp) và bị giam giữ cho đến khi phải giao nộp tất cả những gì mà anh ta cất giữ ở nhà. Khi thành phố hầu như đã chẳng còn gì, người ta bèn tiến về nông thôn. Tiến sĩ kinh tế A.Uliukaev, Phó Giám đốc Viện kinh tế quá độ cho rằng:
"Những gì diễn ra cuối những năm 20 có thể coi là khủng bố, cũng có thể coi là việc thực hiện mô hình thay thế nhập khẩu trong điều kiện đất nước bị cô lập. Lúa mì là phương tiện thanh toán chủ yếu, cho nên được tập trung vào tay nhà nước. Người nông dân không tự nguyện nộp lúa mì cho nhà nước, cho nên chính quyền đã sử dụng các đội thu lương thực và tiến hành đấu tranh chống Ku lắc. Chống Ku lắc, nếu nói bằng ngôn ngữ kinh tế hiện đại, thì đó là một kiểu cưỡng bức phá sản. Do vậy cuộc khủng bố cuối năm 1920 bắt đầu không phải do ác ý (mặc dù cái đó cũng không phải là thiếu), mà trước hết là do những người lãnh đạo nhà nước ta đã thông qua một quyết định đơn giản: ta không có thời gian để thuyết phục tư nhân tự nguyện đóng góp tiền bạc, nên chúng ta phải tập trung toàn bộ dự trữ có được để ném vào phát triển đất nước. Khi giao nhiệm vụ cho những cán bộ tổ chức phong trào nông trang tập thể tháng 1/1930, người ta căn dặn rằng: "Nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, các đồng chí có quá tay, thì Đảng sẽ bắt các đồng chí. Nhưng hãy nhớ rằng các đồng chí bị bắt là vì sự nghiệp cách mạng".
Các đảng bộ địa phương trong cả nước thi đua nhau xem ai đạt được mục tiêu tập thể hóa một trăm phần trăm sớm hơn. Người nào có lúa mì thì bị thu - mà đó là những người chủ giỏi giang, cần mẫn nhất. Họ bị dán nhãn hiệu "Ku-lắc" và bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Chỉ thị ban đầu của M.Kalinin chỉ là đưa họ sang các mảnh đất xấu và tước bớt những phần đất "thừa" của họ. Nhưng sau người ta đi xa hơn, cho thế là chưa đủ.
Bộ máy tuyên truyền thể hiện họ như là những kẻ gian ác bẩm sinh. Rồi thì thực tế là cướp hết tài sản của họ, cấm họ rút tiền gửi trong các quỹ tiết kiệm. Tất cả những điều này có trong tập một của cuốn tư liệu lịch sử "Nước Nga chưa được biết đến".
Ngày 30/1/1930, Bộ Chính trị ra nghị quyết "Về những biện pháp tiêu diệt kinh tế Ku lắc ở những địa phương đã tiến hành tập thể hóa", trong đó có nêu dự kiến đưa vào trại cải tạo hoặc bắn 60 nghìn chủ hộ kinh tế Ku lắc và di dời gia đình họ, và di dời 150 nghìn gia đình nữa. Nhưng quy mô thực tế của việc thực hiện đã vượt quá con số dự kiến đó.
Tiếp theo sau nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban đặc biệt cũng ban hành lệnh ngày 2.2.1930 về việc tiêu diệt Ku lắc như một giai cấp. Cơ quan an ninh có nhiệm vụ lập gấp hồ sơ các đầu sỏ Ku lắc và xem xét các đối tượng được giai cấp Ku lắc cài vào trong các tổ chức phản cách mạng và chống đối. Đa số bị đưa đi cải tạo. Một số nguy hiểm nhất thì xử bắn. Đồng thời di dời những Ku lắc khá giả nhất, địa chủ cũ, cha cố chống chế độ... và gia đình họ về các vùng xa và tịch thu tài sản. Sau hai năm 1930 và 1931, hơn một triệu rưỡi nông dân đã bị đưa vào trại cải tạo hoặc trại lao động của Ủy ban đặc biệt. Nửa triệu tự chạy ra thành phố và công trường.
Còn 2 triệu nữa bị di dời theo diện 3, tức là trong nội tỉnh, nhưng cũng bị tước hết tài sản. Những tài sản bị tịch thu này được đưa vào nhà nước, một phần được chia lại cho nông dân trong làng. Một nửa số nông dân bị di dời đó bị đưa vào làm việc ở các ngành công nghiệp khai thác gỗ, khai khoáng và xây dựng.
Nhằm tăng hiệu lực bắt buộc người dân nộp lương thực, Menjinski đã đề nghị bổ sung một số tội danh như giết gia súc, không hoàn thành kế hoạch gieo cấy, đầu cơ tích trữ lúa mì. Đối với Ku lắc, không hoàn thành nghĩa vụ giao nộp lương thực có thể bị khởi tố. Nhưng nhiều Ku lắc chạy trốn, không đợi đến khi bị khởi tố. Khi đó, để hoàn thành kế hoạch, chính quyền địa phương bèn quay sang "nã" trung nông. Bất kỳ ai nói ra những lời không đồng tình với thực trạng đều bị buộc tội phản tuyên truyền. Ai say rượu đánh nhau với cán bộ địa phương bị quy là "có hành động khủng bố". Theo quy định, tất cả các án tử hình đều phải được báo cáo Bộ Chính trị, nhưng một đạo luật ngày 7/8/1932 lại cho phép ba người lãnh đạo cao nhất của Ủy ban đặc biệt được quyền thi hành án tử hình không cần đợi Bộ Chính trị thông qua.
Chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa và cưỡng bức nông dân vào nông trang tập thể đã đẩy đất nước vào tình trạng nội chiến. Những con người chết đói dở ngăn không cho chở lúa mì đi. Nông dân nổi dậy khắp nơi trong cả nước: năm 1929 có 1300 cuộc, nghĩa là mỗi ngày diễn ra 4 cuộc. Tháng 1/1930 có 125 nghìn nông dân tham gia các cuộc nổi dậy phản kháng, tháng hai có 220 nghìn, tháng ba gần 800 nghìn... Chính quyền chỉ có thể kiểm soát đất nước bằng vũ lực, đã xử tử hàng nghìn người theo các hồ sơ của Ủy ban đặc biệt. Công việc quá nhiều, phải động viên trở lại biên chế các cán bộ cũ của cơ quan an ninh đã chuyển ngành hoặc thôi việc sau kỳ cải tổ Ủy ban đặc biệt lần trước.
Khi nhìn thấy quy mô phản kháng của nhân dân trong nước như vậy, có thể cũng là lúc Stalin và các đồng sự của ông nghĩ rằng cần phải tiến hành thanh lọc đại trà để loại trừ từ gốc tất cả những người mà về lý thuyết có thể không đồng tình với đường lối của Trung ương.
Năm 1933, chế độ hộ chiếu và đăng ký hộ khẩu được ban hành nhằm kiểm soát sự đi lại của nhân dân. Trước năm 1923, nhân dân đi lại từ thành phố này đến thành phố khác sử dụng các giấy tờ khác nhau mà họ có, thường là sổ lao động. Năm 1923, có chứng minh thư thống nhất, nhưng mọi người vẫn xuất trình đủ thứ giấy tờ khác nhau: từ giấy chứng nhận của Sở Nhà đất, chứng minh thư cơ quan đến thẻ Công đoàn viên, thẻ Đảng. Với quyết định của một ủy ban của Bộ Chính trị, đứng đầu là một Phó Chủ tịch Ủy ban đặc biệt (V Balitsky), năm 1932, sau đó là quyết định của Hội đồng dân ủy ngày 28/4/1933, "những công dân thường trú ở các vùng nông thôn có nghĩa là nông dân - không được cấp hộ chiếu, để cho họ không được rời bỏ nông thôn. Quyết định này chỉ đến năm 1974 mới được hủy bỏ.
Một đạo luật ban hành ngày 7/8/1932 quy việc biển thủ tài sản Nhà nước và tài sản công cộng là một tội phạm phải bị tử hình. Đạo luật này được ban hành theo đề nghị cá nhân của Stalin.
Việc tàn phá nông thôn cuối cùng đã dẫn đến nạn đói năm 1932 - 1933. Những người nông dân đói khát lấy trộm lúa về ăn, liền bị Ủy ban đặc biệt áp dụng đạo luật trên, khép tội tử hình.
Trong công nghiệp, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Tiền được đầu tư vào các công trình xây dựng dang dở, các xí nghiệp đang làm việc thì không nhận được nguyên liệu và thiết bị. Tài chính suy sụp. Chính phủ tăng giá, in tiền, phân phối lương thực theo tem phiếu.
Các cửa hàng trống rỗng. Thực phẩm trong cửa hàng giao tế được bán bằng ngoại tệ, bằng cả đồ trang sức bằng vàng. Nạn đói năm 1932 - 1933 đã làm chết hàng triệu người.
Về mặt chính trị, cuộc khủng hoảng đó dẫn đến việc uy tín của phái "hữu" tăng lên - có nghĩa là những người trong ban lãnh đạo chủ trương chính sách ôn hòa hơn đối với nông thôn. Đó là Chủ tịch Chính phủ A.I. Rykov, nhà tư tưởng của Đảng N.I. Bukharin và nguyên lãnh tụ Công đoàn M.P.Tomski. Cuộc thanh lọc vẫn tiếp tục diễn ra: từ 1929 đến 1931 đã khai trừ khỏi Đảng 250 nghìn người. Trong Bộ Chính trị, đa số vẫn rất tín nhiệm những người "hữu khuynh", do đó không phải lúc nào cũng xử lý tình hình như Stalin mong muốn. Đặc biệt Stalin rất khó bác lại Rykov - một người có phẩm chất, một nhà quản lý tài năng, hoàn toàn có thể tranh vị trí lãnh đạo cao nhất.
Cũng như với tất cả các đối thủ cạnh tranh khác, Stalin đã xử lý với Rykov bằng sự trợ giúp của cơ quan an ninh.
Menjinski nói với Chicherin - dân ủy ngoại giao:
"Ủy ban đặc biệt có nghĩa vụ phải biết tất cả những gì xảy ra trong nước, từ Bộ Chính trị đến ủy ban nhân dân xã. Và bộ máy của chúng tôi đã phấn đấu để đạt được việc hoàn thành nhiệm vụ đó".
Menjinski có lý do để tự hào về công tác của mình.
Sau 8 năm, ông đã thành lập được một hệ thống cơ quan an ninh tỏa rộng khắp đất nước, đã đè bẹp được các cuộc nổi dậy của người dân trong thời kỳ tập thể hóa, đã tiến hành xét xử một số vụ án gây tiếng vang đối với những tên "phá hoại" nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và thành lập một mạng lưới tình báo khá mạnh ở nước ngoài.
Khác với người tiền nhiệm của mình, Menjinski hiểu rằng cơ quan an ninh cần phải phục vụ đích thân Tổng Bí thư. Dưới thời Menjinski, việc đề bạt cán bộ lãnh đạo cao cấp của Ủy ban đặc biệt do cơ quan Đảng phê duyệt.
Các cán bộ làm công tác an ninh cũng được sàng lọc như đảng viên. Đầu thời kỳ tập thể hóa, còn không đủ cán bộ an ninh để bao quát nông thôn. Cuối thời Menjinski, bộ máy an ninh đã tỏa xuống tận xã.
Menjinski chết sau một cơn đau tim ngày 10/3/1934 tại biệt thự ngoại ô Matxcơva ở vùng Arkhangelskoe, ở tuổi 60. Thi hài ông được chôn ở chân tường điện Kremli.
Stalin tìm người thay Menjinski rất lâu: sau hai tháng, chức vụ của Menjinski mới được chuyển giao cho G.G.Yagoda. Đây là cuộc chuyển giao hoà bình cuối cùng chức vụ Chủ tịch cơ quan An ninh. Từ nay trở về sau, mỗi người mới sẽ bước lên vị trí này sau khi loại bỏ người tiền nhiệm của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét