BUỒN ƠI, VỀ ĐÂY VỚI CÔ HỒN! 83
(D0C sưu tầm trên NET)
Ban đờn ca tài tử Nguyễn Tống Triều dự hội chợ các nước thuộc địa ở Marseille, Pháp năm 1906.
Một ban nhạc đờn ca tài tử Sài Gòn năm 1911.
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, tại Bảo tàng TP.HCM, Sở VH,TT&DL TP.HCM đã tổ chức chương trình Họp mặt nghệ nhân đờn ca tài tử và trao đổi giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, trong buổi họp mặt khá nhiều ý kiến nêu lên bức xúc về “nỗi buồn” của nghệ nhân dân gian trong đó có nghệ nhân đờn ca tài tử.
Như vậy, Cải lương nói một cách
nôm na là Ca ra bộ được đưa lên trình diễn trên sân khấu. Thế nhưng, đã
lên sân khấu hát nguyên tuồng thì phải “diễn xuất”. Tức là, người nghệ
sĩ trên sân khấu lấy lời “ca” để bổ trợ cho động tác “diễn”. Người ta
đến “xem” nghệ sĩ biểu diễn, còn người nghệ sĩ thì “hát” cho người ta
“xem”. Bởi vậy mà, thường nghe ông bà ta nói là “hát cải lương”, nhưng
lại là “Ca tài tử”. Bởi vì, trong Đờn ca tài tử, thì động tác “ca” là
chính mà “ra bộ-diễn” là phụ.
Có người cho rằng, chữ “tài tử” trong Đờn
ca tài tử có nghĩa là “dân chơi không chuyên nghiệp”. Thế nhưng, qua
những điều phân tích bên trên, ta thấy không thể hiểu như vậy. Còn nhớ
cụ Trần Văn Khê thường nói, chữ “tài tử” phải mang ý nghĩa của câu “Dặp
dìu tài tử giai nhân” như trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du.
Hữu Hạnh độc tấu Sương Chiều
Về miền di sản đờn ca tài tử
Đờn ca
tài tử, di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, là loại hình nghệ thuật
công chúng, ai cũng có thể xuất thần trở thành nghệ sĩ, biểu diễn ngay
trên bờ đê hay dưới gốc cây ô môi hoa tím rực một góc trời. Lời ca tiếng
hát trong những làn Điệu lý, Nam ai… mộc mạc, chân chất, bình dị như
chính cốt cách khoáng đạt, giàu nhân nghĩa của người miền Tây Nam Bộ.
Trải qua bao thời cuộc, đời người tiếng hát, tiếng đờn vẫn ngân vang,
làm nên tình đất, tình người Nam Bộ.
Nghệ sĩ thương hồ
Ghe
xuồng tấp nập, xuôi ngược như con thoi từ lúc hừng đông. Chợ nổi Ngã
Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu nhóm họp từ khi chưa nhìn
rõ mặt người. Đêm trước, anh Tư Thọ dong ghe đi từ khi gà gáy sáng,
chạy xuống tận miệt Thứ, U Minh, tỉnh Kiên Giang để kịp cân năm tấn khóm
(dứa). Chiếc ghe bầu “ăn” đầy một bụng khóm gồng mình đạp sóng nước,
ngược dòng. Khi ghe hàng của Tư Thọ về đến chợ nổi Ngã Bảy thì trời đã
xế chiều. Những vạt nắng cuối ngày xõa trên sóng nước, mấy giề lục bình
chầm chậm, lững lờ trôi. Vài cánh chim nhạn chao lượn trên sông, cố hoàn
thành chuyến đi săn cá cuối ngày. Cảnh sắc yên bình và thơ mộng, hoàng
hôn vùng sông nước như lắng đọng lại khi bất ngờ một giọng ca mùi mẫn
cất lên, mở khúc dạo đầu trong bài Tình anh bán chiếu, vốn làm nên tên
tuổi của “đệ nhứt danh ca” Út Trà Ôn: “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm.
Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm em
không gặp, hò... ơ... Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm…”. Sau mấy
câu nói lối dạo đầu, câu vọng cổ cất lên chân phương thuần túy tính tự
sự, kể chuyện: “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, cô gái
năm xưa sao không thấy ra... chào”.
Tôi như
bị tiếng đờn kìm réo rắt, tiếng ca ngọt lịm ấy làm cho ngẩn ngơ. Không
cần phải mở miệng mời gọi, rủ rê, mấy tay thương hồ neo ghe gần đó nghe
tiếng đờn kìm đã biết rõ bạn tri âm đang réo gọi mình. Họ đi chuyền từ
ghe này qua ghe khác. Kéo tới rần rần. Ngồi chật cả mui ghe. Có người
còn ngồi chồm hỗm, để tiện lấy hơi cao khi lên… vọng cổ. Vừa dứt Tình
anh bán chiếu, anh Tư Thọ tay ôm đờn, miệng bắt đầu vào khúc dạo của Sầu
vương ý nhạc nghe sao mà nức nở đến thê lương. “Em ở nơi nào em ở đâu.
Lời ca tức tưởi giữa cung sầu. Quê nghèo áo nhuộm màu sương gió. Một
kiếp phong trần mấy biển dâu…”. Anh Tư Thọ đang gân cổ và thả hồn theo
từng cung bậc cảm xúc của lời ca buồn não nuột như chính thân phận của
“cha con ông lão ăn xin bên cầu Bến Lức”, chị Tư ngồi kề bên phụ họa
đoạn cuối bài: “Mưa rừng ơi mưa rừng. Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên.
Phải chăng mưa buồn vì tình đời. Mưa sầu vì lòng người duyên kiếp không
lâu”. Hết bài tình ca, anh trần tình với tôi: Kiếp thương hồ sống đời
nổi trôi, phiêu bạt lênh đênh, trong hành trang của anh có thêm cây đờn
kìm bầu bạn. Ngón đờn mà hồi trước, chỉ mới kịp học vài tháng vỡ lòng,
do cha anh truyền lại. Nhưng nhờ đam mê, anh cứ lôi đờn luyện tập, lúc
rảnh rang. Khi những “mái nhà” thương hồ bỏ neo nơi bến chợ nghỉ ngơi
cuối ngày và chờ buổi chợ sớm mai nhóm họp, bên ly rượu nồng cay, cái
chất tài tử trỗi lên sôi sục. Thương hồ tứ hải mượn lời ca tiếng hát để
xua nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Rồi Tư Thọ, Sáu Rô, Chín Lễ đều mặc định
trở thành “nghệ sĩ”... thương hồ. Đờn ca tài tử là như vậy, đơn sơ,
bình dân như vậy mà làm nên hồn cốt hết sức chân phương.
Mộc mạc tình quê
Nghệ sĩ
Ưu tú Thanh Kim Huệ ngân nga trong bài vọng cổ Hoa tím bằng lăng của
tác giả Linh Châu: “… Con rạch cái Thia chảy “dìa” Tắc Cậu, con sáo sang
sông con sáo đậu… hiên nhà”. Đó mới là đờn ca tài tử. Cái chất mộc mạc
của người miền Tây Nam Bộ được tác giả lột tả đến chân phương ở cái chữ
“dìa”, thay vì “về”. Đây là một trong ba bài vọng cổ đình đám sau ngày
miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Dư luận càng chú ý
đến Hoa tím bằng lăng hơn bởi lời ca lãng mạn mà hết sức mộc mạc tình
quê. Theo tâm sự của “cha đẻ” của Hoa tím bằng lăng - nhà văn Mặc Tuyền
(ở Long An - ký bút danh Linh Châu, đã được xác định) thì thời điểm sáng
tác bài hát này, anh đang ở Kiên Giang. Con sông Tắc Cậu, nối đôi bờ
miệt Thứ với thị trấn Mỹ Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang được
anh khắc họa nên thơ. “Con rạch cái Thia chảy dìa Tắc Cậu…”. Lại thêm sự
tranh cãi của giới văn nghệ sĩ về địa lý của “con rạch Cái Thia”. Ngày
nay, khi đi từ thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành vào đến bến phà Tắc
Cậu cũ nay đã bắc cầu bê-tông hoành tráng vượt sông Cái Lớn, khách vẫn
thấy một con rạch nhỏ dọc bên đường. Nhiều người quả quyết, đó chính là
con rạch Cái Thia đã đi vào Hoa tím bằng lăng. Trong khi, giới văn nghệ
tỉnh Đồng Tháp cho rằng, địa danh “Cái Thia” lại thuộc tỉnh này. Rồi
tỉnh Tiền Giang cũng có tên gọi Cái Thia. “Chẳng lẽ, con rạch Cái Thia
lại dài hàng trăm cây số?”. Còn tác giả từng giãi bày: “Hồi đó, cao hứng
nên viết theo ký ức về những nơi mà anh và đồng nghiệp đã đi qua,
thường nhắc tới. Nhưng anh không ngờ lại “phượt” đến một địa danh xa xôi
ở tỉnh bạn, “kéo” gần đến đây bờ con sông Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang…!”.
Nếu ai
từng một lần được thưởng thức Tình anh bán chiếu của cố soạn giả Viễn
Châu, qua giọng ca Út Trà Ôn, hẳn sẽ ngất ngây trước giọng hát ngọt ngào
pha chút ưu tư cùng những thanh âm mộc của cây đờn kìm như ru hồn lãng
đãng trên màn sương của dòng sông Ngã Bảy. Suốt bao nhiêu năm qua, Tình
anh bán chiếu đã làm say lòng bao thế hệ, từ nam chí bắc. Và cũng nhờ
Tình anh bán chiếu mà chợ nổi Ngã Bảy trở nên nổi tiếng khắp vùng. Soạn
giả Viễn Châu sinh thời từng tâm sự rằng, cái hình ảnh mộc mạc của làng
quê, sông nước miền Tây đã gợi cho ông cảm hứng vô cùng đặc biệt. Vì
thế, trên chuyến xe đò từ Bạc Liêu về Sài Gòn năm 1961, xe dừng lại bên
bờ sông Ngã Bảy, soạn giả Viễn Châu nhìn thấy một anh bán chiếu lưng ướt
sũng mồ hôi, đang đứng bên đường. Vẻ mặt anh bán chiếu đượm chút u
buồn. Xe về đến Sài Gòn, ông đã viết xong bài Tình anh bán chiếu.
Trong
hầu hết những bài vọng cổ thuộc thể loại đờn ca tài tử Nam Bộ, dựa trên
nền của sáu câu vọng cổ, những bản Nam, Oán và các chỗ lên Xang xuống
Xề, người ta có thể viết ra rất nhiều bài hát. Những bản đờn ca tài tử
thường chuộng tâm trạng buồn, bi thương, ai oán, chuyện tình yêu dang
dở, cũng có thể là niềm hân hoan, sự thành công. Nhưng điểm chung của
chúng là hình ảnh mộc mạc của làng quê Nam Bộ, tình đất tình người luôn
dạt dào trong từng điệu đờn, câu hát. Cái tính bình dân của đờn ca tài
tử còn được phổ biến tới mức bất cứ người con nào của vựa lúa miền Tây
đều có thể thuộc nằm lòng những bài hát. Trước đây và bây giờ cũng vậy,
anh nông dân đi thăm ruộng, thấy hạt lúa trĩu bông, trúng mùa nên sung
sướng cất lên mấy câu vọng cổ ngay triền đê, ngoài đồng ruộng. Hay những
buổi cày xới đất để làm đồng, vô mùa thu hoạch lúa đông xuân, trong lúc
nghỉ tay, từng nhóm thanh niên, thiếu nữ tụ tập dưới gốc cây ô môi đang
mùa nở hoa tím rực một góc trời, rồi những lời ca tiếng hát cứ ngân
vang. Đờn ca tài tử không câu nệ hình thức, cũng không cần dàn âm thanh
khuếch đại (dĩ nhiên có thì càng hay, hấp dẫn), chỉ cần cây đờn kìm hoặc
người giỏi nhịp nhàng còn có thể chơi “đờn miệng” để dìu dắt người ca
xuống xề ngọt lịm. Đờn ca tài tử còn là nền tảng của lối ca ra bộ, dần
phát triển thành những vở cải lương kiếm hiệp kỳ tình trên sân khấu một
thời làm nên tên tuổi của những danh ca, đào, kép ở miền nam thuở trước.
Chưa kể, một trong những sáng tạo của loại hình nghệ thuật này là người
diễn đạt, người ca có thể ghép tân nhạc vào vọng cổ (Tân cổ giao
duyên). Nhờ vậy mà những giai điệu cổ trở nên phóng khoáng, uyển chuyển,
dễ đi vào lòng người khi lột tả cảm xúc ở nhiều thời điểm, không gian,
gắn liền và mang hơi thở nhịp sống hiện tại chứ không hẳn chỉ là tuồng
xưa, tích cũ. Có lẽ đặc tính đó cũng là một trong những nguyên nhân góp
phần làm nên sức sống lâu bền, tạo nên sự trường tồn cho di sản nghệ
thuật độc đáo này.
Theo: Bùi Quốc Dũng
Vọng cổ 1,2,3,4,5,6 (dây kép). Văn Hải độc tấu đàn guitar
Con trai cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu kể chuyện về bản “Dạ cổ hoài lang”
Câu
chuyện về Cao Văn Lầu và bản nhạc trứ danh Dạ cổ hoài lang qua lời kể
của người con duy nhất còn sống khiến người ta không khỏi bất ngờ. Ở
tuổi 90, ông Cao Văn Hoai, thừa nhận mình đã “nhớ ít quên nhiều” nhưng
vẫn luôn rất hào hứng khi kể về người cha tài hoa và người mẹ hiền hậu
của mình.
Thầy đờn của Công tử Bạc Liêu
Theo lời
ông Cao Văn Hoai, gia đình ông có gốc gác ở Long An vì nghèo khó phải
phiêu bạt xuống Bạc Liêu kiếm sống vậy mà nghèo vẫn hoàn nghèo. “Ông già
(Cao Văn Lầu) từ nhỏ đã phải nương nhờ cửa chùa, đến tuổi đi học mới
trở về với gia đình”. Nhưng tình yêu âm nhạc đã nảy nở trong lòng chàng
trai Cao Văn Lầu (thường gọi là Sáu Lầu) khi nghe tiếng đờn trác tuyệt
của Nhạc Khị - nhạc sư Lê Tài Khí lừng danh Nam Bộ, người có công san
định 20 bài bản Tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử, được giới tài tử xem
như hậu Tổ.
“15
tuổi, ông già xin theo học đờn kìm với thầy Nhạc Khị. Ổng học rất mau
lại chăm chỉ, ham học nên được thầy cưng lắm. Nhạc Khị bị tật, đâu có
thấy đường, mỗi lần dạy là bắt ổng ngồi sát bên chân. Ông già đờn, Nhạc
Khị vừa đánh trống vừa nghe tiếng đờn. Đờn chịch (chệch) chữ nào là ổng
quay roi trống đánh vào đầu cái cốp. Ông già đau lắm mà đâu dám khóc,
lẳng lặng chùi nước mắt đờn tiếp”, ông Hoai kể. Sáu Lầu tiến bộ rất
nhanh, chỉ vài năm ông đã thành thục các loại nhạc cụ (chuyên về tranh
và kìm) và ghi danh vào làng tài tử Bạc Liêu vốn đầy rẫy nhân tài.
“Cả đời
ông già gắn với cây đờn, rong ruổi miết theo những cuộc chơi tài tử. Bất
kể hội hè đình đám, giỗ quải, tang ma… ở đâu cũng đều rước ổng tới
chơi. Ông ít khi ở nhà, cứ vác đờn dẫn anh em đi suốt có khi mấy ngày
mấy đêm mới về. Tiếng tăm vang xa, nhiều người đến xin học. Mấy người
nhà giàu đến tận nhà rước về dạy đờn hoài. Công tử Bạc Liêu, cậu Ba Trần
Trinh Huy cũng là học trò của ổng. Mỗi lần cậu Ba mở tiệc hay rước hoa
hậu, người đẹp từ Sài Gòn về chơi là đều mở cuộc đờn ca và cho xe rước
ổng đến nhà chơi thâu đêm suốt sáng…” - ông Hoai kể.
Có thể
nói, cuộc đời nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một cuộc chơi tài tử bất tận. Là
cuộc chơi nên rất tùy hứng. Ông nổi tiếng khó tính và không phải ai mời
cũng chơi, chơi sao cũng được. Cuộc chơi của ông phải ở nơi chốn sạch
sẽ, thoáng mát, thanh tĩnh và luôn bắt đầu bằng một cuộc rượu. Nơi nào
gia chủ không biết ý chuẩn bị sơ sài hay nói năng không thuận là ông dắt
anh em về liền. Là cuộc chơi nên dù tiếp xúc nhiều với giới thượng lưu
ông vẫn cứ… nghèo: “Thời đó đờn ca tài tử đâu phải để kiếm tiền. Người
ta rước đi chơi, đi dạy đờn khắp chốn nhưng thù lao là tùy tâm. Có người
cho tiền, có người tặng đờn. Tài tử mà nên đa số chỉ tặng đờn, thêm đờn
bạn bè tặng nữa nên đờn treo đầy nhà. Ông già đi thì thôi, ở nhà cực
lắm, cũng phải còng lưng ngoài đồng, ngoài biển mò cua bắt ốc nuôi gia
đình”.
“Khoảng
năm 1945, Tây đàn áp dữ, phải tản cư vào Vĩnh Mỹ, ông già đem theo cây
đờn kìm và đờn tranh để trong bao buộc chặt lại và giao cho tui giữ.
Biết cha quý hai cây đờn, tui cũng xem như báu vật đi đâu cũng vác bên
mình. Có lần trốn trong đồng, nằm trong mớ lúa buồn quá, nửa đêm ổng lấy
đờn ra gảy, ai dè người dân nghe thấy bu lại nghe quá trời. Mấy bà nghe
một hồi rồi sụt sùi khóc nói: “Bác Sáu ơi, nghe tiếng đờn của bác Sáu
sao mà nhớ cha mẹ quá!”. Vậy là tối nào ổng cũng đờn, mọi người mến ổng
lắm kêu ở lại luôn, không cho đi” - ông Hoai kể. Tiếng đờn của ông Sáu
Lầu vang cả vào vùng giải phóng và được rước vào bưng dạy đờn, truyền
nghề đờn ca tài tử cho anh em trong chiến khu.
Chuyện tình Dạ cổ hoài lang
“Ba má
tôi đến với nhau là do mai mối chứ ban đầu không xuất phát từ tình yêu.
Thế mà từ đấy ra được bản Dạ cổ hoài lang danh tiếng”, ông Hoai thẳng
thắn chia sẻ. Tuy không khởi đầu bằng tình yêu nhưng sự tận tụy, chịu
thương chịu khó của người vợ trẻ - bà Trần Thị Tấn lấy ông Sáu Lầu khi
mới 17 tuổi - chắc hẳn đã chinh phục con tim người nhạc sĩ tài hoa.
Ông Hoai
kể: “Bà già giỏi lắm. Ban đêm đi bắt ba khía với ông già ngoài biển. Ba
giờ sáng về, ông già còn ngủ được chứ bà lại tiếp tục gánh nước, giã
gạo. Đến sáng là ra chợ bán hay đi làm lúa…, không lúc nào ngơi tay ngơi
chân. Bà con hàng xóm thấy bà già làm dâu cực quá còn xúi trốn đi nữa
kìa”. Cái tình, cái nghĩa ấy làm sao một tâm hồn nhạy cảm như ông Sáu
Lầu có thể làm ngơ.
Sau ba
năm hương lửa mặn nồng mà vẫn chưa có con, ông Sáu chết điếng khi nghe
cha mẹ buộc phải bỏ vợ lấy người khác vì “tam niên vô tử bất thành thê”.
Không thể trái lời, ông đành trả vợ về bên ngoại nhưng hễ có dịp chơi
đờn ở đám tiệc là ông ghé về thăm vợ, có bao nhiêu tiền ông đưa cho bà
hết. Tiễn ông về, bà phải nhìn cho đến khi bóng ông khuất dạng mới thôi.
Thời gian đó, mỗi đêm người ta lại thấy ông Sáu Lầu ngồi ôm đờn thẫn
thờ và không lâu sau Dạ cổ hoài lang ra đời. Trong tâm trạng nhớ nhung
tột độ, ông đã đặt mình vào vị trí của người vợ đang mong nhớ chồng mà
viết lên tiếng lòng tha thiết. Và thật không ngờ bản nhạc về nỗi đau
chia ly của ông lại khởi đầu cho sự viên mãn cả sự nghiệp lẫn gia đình.
“Bác Hai
biết chuyện ông già trốn đi thăm bà già nên cũng giúp nói gạt bà nội để
giấu cho ổng. Rồi một người quen ở gần nhìn thấy tình cảnh tội quá nên
nói ông già dẫn má về chỗ của bà cho tiện qua lại. Như vậy được mấy
tháng thì bà già có thai. Ông già mừng quá rước bà về và 7 anh em tụi
tôi (5 trai, 2 gái) lần lượt ra đời” - ông Hoai cười hạnh phúc.
Cả 7 anh
em ông đều ít nhiều học được chút nghề của cha. Trong đó, có cậu Út Cao
Văn Đàn bộc lộ tài năng âm nhạc từ sớm được ông Sáu Lầu truyền dạy tất
cả sở học hứa hẹn nối tiếp xứng đáng người cha tài hoa. “Tiếc là nó mất
sớm quá, bị giặc bắn lúc mới hơn 30 tuổi. Đến nay, tôi chỉ tiếc một điều
là con cháu không nối tiếp được nghề của ông già thôi”.
Nhưng
với chỉ một Dạ cổ hoài lang cũng đã đủ để cái tên Cao Văn Lầu trở thành
bất tử. Mang tâm sự riêng của một cá nhân nhưng Dạ cổ hoài lang lại rất
gần với nỗi niềm những người chinh phụ có chồng bị bắt lính tham chiến
tại Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất nên nhanh chóng được hưởng
ứng và lan tỏa. Lại ra đời trong giai đoạn phong trào đờn ca tài tử phát
triển rộng khắp, sân khấu cải lương buổi đầu hình thành và phát triển
mạnh mẽ, bản nhạc ngày càng phổ biến và kích thích sự sáng tạo của giới
làm nghề. “Tôi nhớ hoài lời của cha mình là ông sáng tác Dạ cổ hoài lang
nhằm để lại cho con cháu, dọn đường cho anh em theo đó mà đi. Dạ cổ
hoài lang là bản gốc sẽ biến ra hàng ngàn nhánh mà mỗi nhánh có bông hoa
lá khác nhau”.
Ngày
18/7/1976, nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua đời. Giữa những bạn đờn, học trò,
bỗng xuất hiện một ông lão hát rong mang theo một cây đờn guitar đến xin
viếng. Gia đình từ chối phúng điếu ông bèn xin được hát cúng: ông ngồi
đờn và ca một bản vọng cổ để đưa tiễn chủ nhân bản Dạ cổ hoài lang, tiền
thân bản vọng cổ mà nhờ đó ông nuôi sống cả gia đình mình, rồi lặng lẽ
ra đi không ai kịp hỏi danh tính…
Theo: Ninh Lộc
Đoản khúc lâm giang- Vọng cổ/ Văn Giỏi và Thanh Hải hòa tấu
Muối Bạc Liêu mặn và... ngọt trong câu vọng cổ
Buổi
trưa thả mình miên man trên cánh võng sau hè, tôi mê đắm bởi câu vọng cổ
ngọt ngào từ chiếc radio của ngoại: “Muối Long Điền vẫn mặn nghĩa thủy
chung, sao người con gái đồng bưng vội rời xa quê biển…”. Lắng nghe từng
câu chữ trong bản vọng cổ của soạn giả Ngô Hồng Khanh, mới thấy muối
Bạc Liêu quê mình vào vọng cổ thật ngọt ngào, da diết…
Ca dao
dùng muối và gừng để ngợi ca tình nghĩa son sắt của vợ chồng: “Muối ba
năm muối đang còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay. Đôi ta nghĩa
nặng tình dày/ Có xa nhau đi nữa, cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”, hay
“Tay bưng dĩa muối chấm gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”…
Trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đề cập đến muối và gừng để
thể hiện tình cảm vợ chồng thủy chung - một trong vô số cái nghĩa tình
cấu thành tên “Đất nước”: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”.
Nay, trong một bản vọng cổ, lại một lần nữa nhắc đến muối mặn - gừng
cay, nhưng là hạt muối với “đích danh”: Muối Bạc Liêu.
Tôi lắng
lòng mà nghe những câu từ trong Biển cạn: “Cá kèo kho muối Bạc Liêu.
Lấy chồng quê biển càng yêu Gành Hào”. Muối Bạc Liêu thật ngọt ngào
trong câu hát ấy! Soạn giả Ngô Hồng Khanh viết Biển cạn để nói hộ tâm
tình của một chàng trai đem lòng yêu cô gái xứ Long Điền với những kỷ
niệm ngọt ngào in trên đồng muối mặn: “Chiều ấy đi bên tôi, em nói: Mình
đang đi trên biển cạn quê mình. Em bỗng ngước nhìn mênh mông ruộng
muối, biển cạn mênh mông mình vẫn bên mình…”. Nhưng cái vị mặn mà ngọt
ngào thủy chung của biển muối bỗng chốc hóa thành mặn đắng trên bờ môi
khi “Muối Long Điền vẫn mặn nghĩa thủy chung, sao người con gái đồng
bưng vội rời xa quê biển”. Dõi mắt kiếm tìm từ tu muối Long Điền, chàng
trai ngó nghiêng đến tận… phía Long Điền Tây: “Phía Long Điền Tây vẫn
muối trắng mênh mông, em theo chồng như con sáo qua sông”. Mà sáo qua
sông rồi thì mong chi ngày trở lại, để cho chàng trai trong bài ca ấy
chênh vênh không biết đi đâu về đâu với tâm tư hoài vọng: “Chiều nay tôi
lại chèo ghe muối Bạc Liêu, như chở nặng tình quê đi khắp nẻo… Gành Hào
ơi, mênh mông tình biển mặn, dẫu biển cạn non mòn tình ta vẫn mênh
mông…”.
Nếu vị
soạn giả ở thế hệ tiền bối như Ngô Hồng Khanh mượn vị mặn - ngọt của
muối Bạc Liêu để nói về tâm sự của chàng trai bị người yêu phụ rẫy (có
thể vì nghịch cảnh nào đó) thì lớp sáng tác trẻ hơn, chẳng hạn như tác
giả Vưu Long Vỹ cũng có lần mượn hạt muối Bạc Liêu để gieo vào lòng khán
giả những tâm trạng u hoài, khắc khoải với bản vọng cổ nhịp 16 Chiều
trên đồng muối Kinh Tư. Không khắc khoải sao được khi nghe tâm trạng như
bật thành nước mắt của người con gái Kinh Tư: “Em mơ thành vợ thành
chồng, cùng anh cuối đất cùng trời, mơ ngày loan phụng hòa đôi, ước mơ
trọn vẹn. Ngờ đâu mưa giông tàn phá, muối chưa kết hạt thành đôi, đôi ta
hai ngả chia lìa”. Nhưng người con trai mà cô gái mơ thành vợ thành
chồng đã không trở lại để cô gái nghe như “muối Kinh Tư mặn đắng trong
lòng”… Muối mặn thủy chung, biển quê son sắt… những hình ảnh thật đắt
giá mà tác giả Vưu Long Vỹ sử dụng trong bản vọng cổ nhịp 16 cũng đã
chiếm trọn cảm tình của khán giả trong Liên hoan hát ru, hát dân ca cổ
truyền được tổ chức tại Bạc Liêu cách đây chưa lâu. Bài ca khiến nhiều
người hiểu hơn về vị ngọt thủy chung của muối Bạc Liêu, cũng như vị mặn
đắng của muối ấy khi tình yêu son sắt không được đáp trả bằng sự sắt
son…
Đằng nào
đi nữa, dù mặn hay ngọt, muối Kinh Tư, muối Long Điền và tựu trung là
hạt muối Bạc Liêu thật đặc biệt khi nó ngọt ngào trong từng câu vọng cổ.
Phải chăng, đó tiếp tục là sự kết tinh thêm những hương vị ngọt ngào
cho âm nhạc Việt Nam bằng chính vị mặn pha lẫn ngọt ngào đặc trưng của
hạt muối Bạc Liêu!
Theo: Cẩm Thúy
TIẾNG ĐÀN BẦU
Nỗi buồn… nghệ nhân đờn ca tài tử
Thứ Hai, 24/03/2014 08:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, tại Bảo tàng TP.HCM, Sở VH,TT&DL TP.HCM đã tổ chức chương trình Họp mặt nghệ nhân đờn ca tài tử và trao đổi giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, trong buổi họp mặt khá nhiều ý kiến nêu lên bức xúc về “nỗi buồn” của nghệ nhân dân gian trong đó có nghệ nhân đờn ca tài tử.
1.
Thực tế, không phải đợi đến khi đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là
Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại (12/2013) thì đờn ca tài tử
mới được quan tâm. Nhưng những năm qua, vấn đề bảo tồn và phát huy “đặc
sản” này vẫn là niềm trăn trở của giới lãnh đạo văn hóa cũng như nỗi
chạnh lòng của những người trót đeo mang nghiệp tài tử.
Là
“di sản” đầu tiên của Nam Bộ được vinh danh ở tầm thế giới nhưng trên
hết với người phương Nam đờn ca tài tử từ lâu đã là “máu thịt” của họ.
Trong không gian văn hóa trải rộng khắp 21 tỉnh thành của đờn ca tài tử
thì TP.HCM được xem là điểm hội tụ với đa dạng các hoạt động cũng như
thu hút được giới tài tử khắp nơi.
Nhạc hội Đờn ca tài tử được tổ chức thường niên tại TP.HCM
Theo
kết quả khảo sát từ năm 2010 cho đến nay, trên địa bàn TP.HCM có đến
hơn 118 câu lạc bộ đờn ca tài tử với hơn 1.000 tài tử ca và khoảng 1.000
tài tử đờn. TP.HCM cũng chiếm ưu thế hơn hẳn các địa phương khác khi có
đến… 8 nghệ nhân dân gian được công nhận là: Lâm Văn Xiếu, Bạch Huệ (đã
mất), Ba Tu, Út Tỵ, Lê Khắc Tùng, Lê Hoàng Tấn, Tấn Nhì, Nguyễn Thế
Viên. Thế nhưng nhiều năm qua, đã có không ít lời phàn nàn lẫn thắc mắc
về một thành phố lớn và “giàu” nhất nước như TP.HCM lại không thể có
được đãi ngộ xứng đáng cho những nghệ nhân dân gian - “báu vật sống” của
văn hóa dân tộc.
“Tôi
thực sự rất bức xúc chế độ chính sách đối với nghệ nhân dân gian hiện
nay. Ở nước ngoài có chế độ đến cuối đời cho những nghệ nhân được công
nhận. Trong khi ở mình, ngay lễ công nhận di sản được tổ chức hoành
tráng thì lại bỏ bao thư cho mỗi nghệ nhân là… 200.000 đồng. Một việc
phải nói là hết sức kỳ quặc! Mà nhìn lại, nghệ nhân mình có mấy người
đâu, cũng “gần đất xa trời” cả rồi…”, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Phó
Giám đốc Nhạc viện TP.HCM) thẳng thắn.
2. Rõ
ràng, với tiềm lực kinh tế của mình, TP.HCM không thiếu tiền đề “nuôi”
vài nghệ nhân dân gian. Tuy nhiên vướng mắc không nằm ở vấn đề “tiền” mà
ở cơ chế, quy định. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL
TP.HCM, cho biết: “Theo Luật thi đua khen thưởng năm 2003 thì trong các
danh hiệu vinh dự của Nhà nước có công nhận nghệ nhân dân gian nhưng sau
khi luật có hiệu lực thì Bộ Công thương, Bộ Tài chính lại không có bất
kỳ thông tri nào hướng dẫn thi hành luật. Sau 10 năm, đến năm 2013 thì
luật đã sửa đổi rồi. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam không biết làm cách
gì để vinh danh nghệ nhân. Không được Nhà nước công nhận thì không có
chế độ gì hết. Thực tình chế độ chính sách đối với TP.HCM không là gì cả
nhưng các nghệ nhân phải được sự vinh danh của Nhà nước. Nếu có trách
thì trách nhiệm thuộc về những người làm luật quá chậm!”…
Theo
nghệ nhân dân gian Hoàng Tấn, thay vì trông đợi vào những chuyển biến
của cơ chế thì nên chăng giới tài tử hãy chủ động lập một quỹ “khuyến
đờn ca tài tử” là nguồn để hỗ trợ cho những người gặp khó khăn hoặc
khuyến khích tài năng trẻ. Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL
TP.HCM, tán đồng ý kiến và chia sẻ cảm xúc đau xót cũng như “bất lực”
trước việc không thể chăm lo xứng đáng cho những người đã gắn bó cả đời
cho nghệ thuật dân tộc.
Sự
vinh danh của UNESCO cũng là cơ hội để đờn ca tài tử được quan tâm đúng
mực hơn và hiện tại TP.HCM nói riêng, các tỉnh thành phía Nam nói chung
đang đẩy mạnh những chương trình thiết thực để giữ gìn và phát huy nghệ
thuật này. Ông Nguyễn Văn Minh khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm hết sức để
những nghệ nhân được làm hồ sơ công nhận danh hiệu đợt này nhằm được
vinh danh vào ngày 2/9/2014 tới. Nếu không thì phải đợi đến năm 2019 và
sẽ lại có người… ra đi!”…
Ninh Lộc
Thể thao và Văn hóa
Thể thao và Văn hóa
Đường Về Hai Thôn
Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013
Đờn ca tài tử khác biệt với cải lương như thế nào ?
....Đờn ca tài tử khác biệt với cải lương
như thế nào? Đờn ca tài tử có phải là “quê mùa” như người ta thường
nghĩ? Đờn ca tài tử có “dễ chơi” không ? Xin lướt qua đôi chút về những
vấn đề này để hiểu thêm và trân trọng hơn nữa “cái nghề” mà danh ca Bạch
Huệ đã gắn bó suốt 70 năm.
Tản mạn từ các tài liệu ghi
chép cho liên quan, có thể khái quát về tài tử và cải lương như sau :
Người dân đồng bằng Nam Bộ từ bao lâu nay có một thú vui rất văn học, đó
là hò đối đáp: Hò trên đồng ruộng khi gieo mạ hay cắt lúa, hò trên sông
khi chèo thuyền, hò đêm trăng trong dịp lễ cúng đình …
Từ đó mà bao câu hò điệu lý
đã ra đời. Đương nhiên, cái hò không phải là do bà con Nam Bộ sáng tạo
ra, mà là do ông cha ta đã du nhập vào Nam trong quá trình “Nam tiến”.
Thế nhưng, những câu hò điệu lý của bà con Nam Bộ có cái rất riêng, và
phải là giọng “rặc” miền Nam thì hò nghe mới hay.
Đến cuối thế kỷ XIX, Nhã
Nhạc Cung Đình Huế bắt đầu tiến xuống phương Nam và đương nhiên là được
văn hóa Nam Bộ dung hợp như bản chất vốn có của nền văn hóa này. Sự hội
ngộ giữa hai nền âm nhạc đã cho ra đời cái gọi là “Đờn ca tài tử”. Bà
con nông dân Nam Bộ khi rảnh rỗi, hay nhân dịp trăng rằm, hẹn nhau tập
trung lại một nhà, ngồi ngoài sân, cùng “ăn nhậu”, cùng ca hát. “Ăn
nhậu” ở đây không mang nghĩa “rượu chè be bét”, mà là: mượn men rượu làm
thắm men tình, làm nồng câu ca tiếng hát.
Dần dần, người ta ngồi ca hoài cũng chán, trong khi có những bài ca mới khá dài, có
chứa đựng những hành động hay những lời đối đáp. Thế là, người ca tài tử
mới bắt đầu đứng dậy “ca” với những “cử chỉ” tay, mắt, mặt…để bổ trợ
cho lời ca. Đương nhiên, những cử chỉ điệu bộ này hết sức “thô sơ”, thể
hiện đúng như “rập khuôn” cái tình cảm mà bài ca muốn nói. Tức đúng với
bản chất chân quê của người nông dân: nghĩ sao nói vậy. Đó là cách ca mà
các nhà nghiên cứu sau này gọi là “Ca ra bộ”.
Trong khoảng thời gian đầu
thế kỷ XX, người Việt Nam đã biết đến kịch nghệ của Pháp. Kịch cổ điển
của Pháp được biểu diễn trên sân khấu, mỗi vở diễn thường được chia ra
thành 5 màn, xoay quanh một cốt truyện nào đó. Loại hình này cũng đã ảnh
hưởng đến những người ca tài tử Nam Bộ.
Bởi có người nghĩ : Tại sao
chỉ viết những bài ca vắn mà không viết thành hẳn một tuồng cùng một cốt
truyện nhưng có nhiều tình tiết và đưa lên sân khấu biểu diễn. Trong ý
tưởng đó, “Cải lương” đã ra đời.
Và khi một nghệ sĩ cải lương
và một người ca tài tử thể hiện cùng một bài ca, thì qua động tác thể
hiện, người ta có thể phân biệt được đâu là dân cải lương mà đâu là dân
tài tử: động tác của tài tử thì “thô sơ”, có sao làm vậy, còn động tác
của nghệ sỹ cải lương thì có ít nhiều ước lệ trong đó, nên nó được thể
hiện đúng mức và đẹp mắt, mang tính chuyên nghiệp.
Vì cái trọng tâm là biểu
diễn, cho nên người nghệ sĩ cải lương không phải bận tâm học đầy đủ bài
bản tổ, mà thường chỉ học ca cái gì cần thiết cho vai tuồng mà thôi. Ví
dụ như bản Phụng Hoàng 12 câu, trong vai tuồng soạn giả chỉ viết có 4
câu, thì người nghệ sĩ đóng vai tuồng đó chỉ tập trung học ca bốn câu đó
mà thôi.
Phụng Hoàng là bài bản khá
quen thuộc nằm trong 20 bài bản tổ, nên dĩ nhiên nghệ sĩ cải lương
chuyên nghiệp đều biết ca hết 12 câu, thế nhưng không phải ai cũng làu
thông 20 bài bản tổ. “Làu thông” ở đây tức là hiểu rõ nhịp nhàng và ca
đúng nhịp từ đầu đến cuối tất cả 20 mươi bài bản tổ.
Chưa hết, mỗi bài bản đều thể
hiện một tâm trạng cụ thể. Có bài bản thể hiện sự bi ai tột cùng, có
bài bản thể hiện sự đau khổ vừa phải, có bài bản thể hiện sự bi hùng, có
bài bản thể hiện sự tươi vui rộn rã…Trong từng bài bản, người ca phải
làm sao sử dụng giọng ca thể hiện được tâm trạng cần thiết (đúng “cái
thần” của bài bản) và đương nhiên cũng phải đúng nhịp nhàng.
Đây là một yêu cầu rất khó mà
nếu không phải nghệ sỹ cải lương bậc thầy thì khó lòng đạt đến được.
Bởi vậy, nhiều nghệ sĩ cải lương được gọi là chuyên nghiệp, nhất là
trong giai đoạn ngày nay, chỉ đạt được một điều là ca đúng nhịp thôi chứ
chưa đạt đến mức thể hiện được “cái thần” của bài bản. Trong khi đó,
như đã nói, dân ca tài tử “đúng điệu” là phải đặt trọng tâm cho việc
“ca”, vì thế họ tập trung thể hiện được “cái thần” của bản ca.
Như vậy, dù sinh ra và trưởng
thành từ nơi thôn dã, nhưng Đờn ca tài tử thật sự là một nghệ thuật mang
tính hàn lâm. Tức là, không phải khi ca tài tử là muốn ca thế nào thì
ca, mà rất có khuôn phép, bài bản. Người ca phải ca làm sao cho đúng
nhịp, đúng dây đờn. Hơn thế nữa, người ca phải hiểu được nét tinh túy
của các bài bản tài tử, đó là: mỗi bài bản tài tử đều có ý thể hiện một
tâm trạng cụ thể, đó là “cái thần” của Đờn ca tài tử.
Người ca tài tử được xem là
“đúng điệu” không chỉ biết ca đúng nhịp, mà còn phải biết sử dụng giọng
ca để thể hiện đúng tâm trạng, đúng “cái thần” mà bài bản đòi hỏi. Nói
cách khác là thể hiện tất cả những cung bậc tình cảm bằng giọng hát. Một
nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp chưa chắc gì có nhịp nhàng và cách ca
“chuẩn” như dân ca tài tử “đúng điệu”. Trên có sở đó, có thể nói rằng,
người ca tài tử là những nghệ sĩ nhà nghề “chuyên trị” về “ca”. Đương
nhiên, ở đây chỉ nói đến những dân ca tài tử “đúng điệu”, tức là những
bậc thầy trong Đờn ca tài tử, chứ không nói đến Đờn ca tài tử đại trà
trong quần chúng.
Người ca tài tử là những bậc
tài hoa, yêu thích môn nghệ thuật đờn ca Nam Bộ này, nhưng không phải
lấy đó làm nghề để sinh nhai, mà lấy đó là một đam mê, một thú tiêu
khiển không thể thiếu và sẵn sàng sống hết mình với thú tiêu khiển đó.
Tức là, người ca tài tử lấy sự ca để nuôi dưỡng tinh thần và cũng biết
“chết sống” với nó.
Có lẽ đó cũng là lý do mà tại
sao danh ca Ngọc Bảo bên tân nhạc suốt đời ông chỉ thích xưng là “Tài
tử Ngọc Bảo” chứ không phải là “Ca sĩ Ngọc Bảo” trong khi giọng ca Ngọc
Bảo thuộc đẳng cấp bậc thầy trong dòng nhạc của ông.
Người ca tài tử “đúng điệu”
không lấy tài tử làm kế sinh nhai còn có trình độ ca như vậy, thì huống
gì là người lấy ca tài tử làm nghề, tức là ca tài tử chuyên nghiệp như
Danh ca Bạch Huệ, thì trình độ ca còn “chuẩn” đến dường nào.
Nguồn : www.viet.rfi.fr
Nhận xét
Đăng nhận xét