Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

BUỒN ƠI, VỀ ĐÂY! 81

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                      Văn Hải độc tấu đàn guitar 

                                         Văn Vĩ độc tấu Lục huyền cầm độc tấu cổ nhạc

                                             Văn Vỹ- Bảy Bá- Năm Cơ (Hòa tấu Vọng cổ)

                             Tình anh bán chiếu & Gánh nước đêm trăng (Cố NSND Út Trà Ôn)

Danh Cầm Văn Hải - Đệ tử chân truyền của Vua đờn Guitar phím lõm

25/09/2013 4:45:29 CH

Hồi nhỏ, Văn Hải tên thiệt là Nguyễn Văn Cu, khi đủ tuổi đi làm chứng minh nhân dân, cô gái cảnh sát phụ trách hộ tịch nói: “Tên ngoài đời gọi sao cũng được tên trong giấy tờ để vầy thì hơi khó coi, thôi để tôi sửa tên cho anh nhé !”, vậy là cô ta thêm dấu ư để có cái tên dễ đọc là Nguyễn Văn Cư.

Sinh năm 1954, tại làng Đông Hưng Thuận, Hốc Môn nay là Tân Chánh Hiệp, quận 12, gia đình là nông dân thứ thiệt nên người nào cũng khỏe mạnh chỉ có bé Cu bị bệnh ban lớn không nổi, nhỏ con ốm yếu, không giúp việc gì được cho gia đình. Ở nhà có ông anh ruột thứ ba biết đờn, đợi lúc ông anh đi vắng, bé Cu xuống phá đờn, nhưng có biệt tài lên dây đờn rất chuẩn, rất đúng, dù lúc đó chưa biết đờn, chỉ thấy người ta đến nhà đờn ca để ý mà biết cách lên dây. Ba thấy cậu con trai của mình ốm yếu, bệnh hoạn nên không cho theo nghề nông, ông nói: “Thằng Cu nó bệnh hoạn, sức khỏe không tốt, chắc cho nó đi học đờn chớ làm nông làm sao nó làm nổi”. Ở gần nhà có nhạc sĩ Ngọc Sáu, danh cầm đờn cò, đờn gáo nổi tiếng trên Đài phát thanh, trên các hãng dĩa, nên ba dẫn xuống cho học đờn, lúc Văn Hải mới vừa tròn 9 tuổi. Vừa tròn một năm, đã biết đờn 3 nam, 6 bắc, học thầy mà trong lòng không khoái chữ đờn của thầy bởi Ngọc Sáu là danh cầm đờn cò, gáo, nhưng đờn guitar phím lõm chỉ ở bậc trung bình. Một bữa nọ, ngồi nghe radio cùng với ba, trên đài phát thanh giới thiệu danh cầm Văn Vĩ độc tấu, nghe xong, bé Cu chỉ vào cái radio nói với ba: “Ba cho con đi học với ông này nè, ông này mới đờn hay, thầy con đờn không bằng ông này”. Thương con, thấy thằng nhỏ có năng khiếu nên ba cũng chiều, hỏi thăm lần dò được địa chỉ của ông Văn Vĩ, rồi dẫn con xuống cho học, đó là những ngày đầu năm 1964, bé Cu vừa tròn 10 tuổi.

Học thầy Văn Vĩ đến năm 1972 thì được thầy cho ra trường, vậy là bé Cu đã có 8 năm tầm sư học nghệ. Khi học được một hai năm đầu, thầy Văn Vĩ đã cho phép cậu học trò nhỏ ôm đờn dạy lại cho một số anh chị lớn học ca. Văn Hải là bạn đồng lứa với Minh Kỳ, Minh Trung, Đức Minh... So với những học trò từng học đờn với thầy Văn Vĩ thì Văn Hải là người có năng khiếu đặc biệt nhất, từ ngón đờn, tay khảy, bộ nhịp rất chắc, có những nét giống thầy một cách ngẫu nhiên, nên Văn Vĩ coi Văn Hải như con. Ở nhà thầy Văn Vĩ không lẽ nói mình tên Cu, khi thầy hỏi tên, Văn Hải nhớ tên ba má đặt hồi mới sanh là Hải, vì khó nuôi phải lựa tên xấu để tránh ma tà, nên nói tên Hải, thầy khen tên hay và đặt tên là Văn Hải, ý thầy muốn sau nầy con phải đờn như vũ bão, như sóng cuồng đại dương, quả nhiên sau nầy Văn Hải trở thành tay đờn dữ dội, lưu lại nhiều giai thoại khi còn ở tuổi thiếu niên.

Sau năm 1975, Văn Hải đờn cho một số gánh hát nhỏ, rồi về quê nhà đi chơi đờn ca tài tử. Thầy Văn Vĩ giới thiệu Văn Hải đờn cho đài Tiếng nói nhân dân TP, cùng với Minh Thảo đờn Kim, Thanh Hồng đờn cò, gáo. Năm 1981, Văn Hải cùng danh cầm đờn kìm Duy Trì (thầy của nhạc sĩ Văn Dần) một người em kết nghĩa của Văn Vĩ, cây đờn kìm có bộ nhịp siêu đẳng nổi tiếng trong giới đờn ca, một cao thủ mà Văn Vĩ rất nể nang, hai chú cháu Văn Hải - Duy Trì đã để lại cho đời 3 câu vọng cổ trong bản hòa tấu Trăng Thu Dạ Khúc, vọng cổ 4, 5, 6 dây xề kép bất hủ, xứng danh một trong những bài đờn hay nhất, độc đáo mang dấu ấn tài năng của danh cầm Duy Trì và sự bay bổng của Văn Hải khi mới vừa 27 tuổi. Kỹ thuật nhấn nhá tuyệt vời, sự tung hứng, ăn ý của một danh cầm thượng thặng và tay đờn trẻ đang lên. Nhiều nhạc sĩ rất khó hòa tấu với Duy Trì bởi ông có bộ nhịp thuộc hàng quái chiêu, ngay cả Văn Vĩ cũng đã từng nếm mùi với người đàn em tài hoa này. Nhờ bộ nhịp chắc bẩm sinh, Văn Hải đã cùng nhảy múa trên cung bậc của cây đờn guitar phím lõm với hàng sư thúc bậc thầy. Ba câu hòa tấu này hiện nay có thể nghe để thưởng thức chớ muốn đạt trình độ nghệ thuật như vậy, nhiều cây đờn trẻ vô cùng thán phục bậc đàn anh. Văn Hải đã từng đờn qua cho các đoàn cải lương Văn Công Thành Phố, Trúc Giang, Huỳnh Long - Minh Tơ. Năm 1990, đờn cho hãng dĩa Việt Nam, đến năm 1992 thì cộng tác với hãng băng Vafaco, đờn chánh cho hầu hết tất cả những hãng băng nhạc cải lương trong nước cũng như hải ngoại. Tính đến nay, có thể Văn Hải là nhạc sĩ đờn guitar phím lõm có kỷ lục vô tiền khoáng hậu về số lượng chương trình đã được phát hành, trên một ngàn chương trình tân cổ giao duyên, karaoke phát hành trong nước và nước ngoài, trên hai ngàn chương trình tuồng cải lương CD đến DVD.

Văn Hải là điển hình cho sự sửa sai ngoạn mục, một tấm gương để cho các cây đờn guitar trẻ hiện nay, có thể lấy đó mà rút kinh nghiệm. Văn Hải là số ít trong các danh cầm guitar hàng đầu ở Việt Nam. Có ngón đờn rất lanh, rất chắc, có thể chuyền chạy nhanh mà vẫn rõ vẫn chín không hề vấp váp, bộ nhịp thì khỏi chê thuộc về hàng cao thủ, vốn liếng về bài bản tài tử đủ sức để nhập cuộc với những cuộc chơi lớn thâu đêm suốt sáng. Biết mình ngón hay nhịp chắc, nên hồi nhỏ Văn Hải đờn rất láo cá, thích chọc phá cho bạn đờn chung với mình rớt, những cuộc hòa đờn với những bậc đàn anh, chú bác, có nhiều người đã bị Văn Hải cho ra rìa nên trong giới biết Văn Hải có tài nhưng không thích đờn chung. Trên sân khấu cải lương cũng vậy, Văn Hải hay đờn độc, khó nhịp, có nghệ sĩ tài danh không ưa Văn Hải đờn đến nỗi vào phòng thu thấy Văn Hải ngồi đờn là bỏ đi về. Trước năm 1990, hầu như Văn Hải bị cô lập, nản chí Văn Hải đã bỏ về quê tính giải nghệ luôn, không màn tới việc đờn ca gì nữa. May mắn sao, còn có nhạc sĩ Thái An, con trai của danh cầm đờn kìm Năm Vĩnh là người rất giỏi về cổ nhạc, tân nhạc. Thái An rất mê tiếng đờn của Văn Hải, rất phục tài năng của Văn Hải. Lúc này trên thị trường băng đĩa cải lương, danh cầm Văn Giỏi là số 1, chưa có đối thủ xứng tầm. Thái An muốn chọn một nhạc sĩ khác trẻ hơn, tài năng, có phong cách đờn khác Văn Giỏi. Vì là học trò chân truyền của Văn Vĩ nên Văn Hải vẫn có thể đứng riêng tạo ra một phong cách đờn khác vừa kế tục tiếng đờn của Văn Vĩ, đồng thời có sự sáng tạo, phát triển thêm của mình. Thái An như Lưu Bị đi tìm Gia Cát Khổng Minh, những góp ý thẳng thắn của Thái An về cách đờn của Văn Hải nếu muốn tồn tại và đi lên thì phải đờn cho người ta mê, cho nghệ sĩ thích chớ đờn hiểm đờn độc phá phách người khác, khoe tài thì nên ở nhà đờn cho mình nghe. Đối với Văn Hải chuyện đó không khó. Đờn độc đờn hiểm mới khó chớ đờn hiền, đờn ru thì như lấy đồ trong túi. Từ chỗ đờn phá nghịch ngợm, Văn Hải chuyển lại đờn mùi, đờn nuôi nghệ sĩ, đờn hòa quyện với những bạn đờn. Năm 1992, Văn Hải tái xuất lại ở hãng băng Vafaco với một phong cách đờn khác quyến rũ hơn, mềm mại hơn để trở thành một kỷ lục gia về số lượng chương trình đã thu, phát hành từ trong nước ra đến nước ngoài, tiếng đàn của Văn Hải đã vượt qua biên giới Việt Nam, đến với thính giả kiều bào, xứng đáng là người học trò có đủ tầm cỡ để phát triển trường phái đờn của vua đờn guitar phím lõm Văn Vĩ. Danh cầm Văn Hải vừa đờn băng đĩa rất hay, nhưng cũng là tay chơi đờn ca tài tử cự phách, thường các tay đờn cải lương chỉ hay có một mặt, có người đờn sân khấu rất hay nhưng chơi đờn ca tài tử thì không bằng ai và ngược lại, có người chơi đờn ca tài tử rất giỏi nhưng đờn sân khấu, thu băng thì chỉ thường thường bậc trung. Văn Hải là trường hợp ngoại lệ, giỏi cả hai phong cách chơi đờn từ sân khấu, băng đĩa đến đờn ca tài tử. Hiện nay, những tay đờn guitar phím lõm trẻ hầu như chỉ học đờn theo hai phong cách đờn, một của Danh cầm NSƯT Văn Giỏi, hai là danh cầm Văn Hải. Ngày trước Văn Giỏi, Văn Vĩ như một văn một võ, ngày nay Văn Hải nối nghiệp thầy cũng trở thành một võ tướng trong hệ đờn guitar phím lõm. Nhắc lại những sai lầm của mình trong quá khứ, Văn Hải muốn nhắn nhủ lại với các tay đờn đàn em, khi đã đủ bản lĩnh đờn có nghĩa là chắc nhịp, ngón hay, tay đánh giỏi, có thể điều khiển tiếng đàn theo ý muốn của mình thì vẫn có thể múa may, quay cuồng, nhưng đó không phải là nghệ thuật đỉnh cao. Đờn hay là đờn ru người để người nghe, người hát, người hòa đờn mê say lịm hồn qua những cung bậc trữ tình da diết. Đờn mùi, đờn ngọt mới khó. Văn Hải nói: “NSƯT Văn Giỏi chính là tay đờn thượng thừa đạt đến trình độ ru người số 1”. Văn Hải vẫn luôn dành sự thương mến, kính trọng với bậc đàn anh tài hoa. Đó cũng là nét đẹp, nét ứng xử rất văn hóa của những danh cầm. Hiện nay, Văn Hải vẫn đắt show đờn cho các album của những nghệ sĩ trẻ, những giọng ca mới, vẫn đi đờn show ở các đám tiệc, mỗi tuần có 3 buổi dạy cho các học trò, có một trang web dạy đờn trên mạng. Giật mình nhớ lại, tuổi đời đã 60 rồi, không còn trẻ nữa, mong sao sẽ có nhiều tay đờn guitar phím lõm trẻ tài năng tiến lên. Sự thành công của Văn Hải chính là sự khổ luyện, chịu khó không bao giờ bằng lòng với chính mình, năng khiếu chỉ là một phần, rèn luyện học hỏi mới là yếu tố quyết định sự tiến lên. 

Đăng Minh
Đệ nhất danh cầm ghi ta phím lõm
23:54pm, 27/12/2012
Nhắc đến Văn Vĩ (1929 1985) là nhắc đến một huyền thoại của đờn ca tài tử cải lương Nam Bộ. Không chỉ người mộ điệu thưởng thức và tôn sùng tiếng đờn của ông mà những bậc nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc tài tử cải lương cũng phải công nhận ông là "Đệ nhất danh cầm", là "Nhạc sĩ Tài tử Nam Bộ"...
Ngón đờn lừng lẫy bước ra từ thế giới vô sắc
Mới 3 tuổi đời, căn bệnh đậu mùa đã cướp đi đôi mắt của cậu bé Văn Vĩ. Vì vậy, Văn Vĩ chỉ có thể cảm nhận thế giới bằng thanh âm, mùi, vị và đôi bàn tay. Người ta cho rằng, chính nhờ sống trong "thế giới bóng tối" mà Văn Vĩ đã tạo nên một thứ âm thanh tuyệt diệu, xuất chúng không ai sánh kịp. Tuy khiếm thị nhưng Văn Vĩ rất "thông thính" và "sành" nhiều loại nhạc cụ: cò, líu, gáo, kìm, tỳ bà, tam, sáo, violon,.v.v. loại nào "chơi" cũng hay "ghê ghớm". Nhưng đưa ông lên hàng "đỉnh cao" nghệ thuật thì người ta phải kể đến những ngón đờn trong ghi-ta phím lõm.

Đệ nhất danh cầm Văn Vĩ
Năm 14 tuổi khi xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng, ông đờn cho gánh hát Minh Tinh, rồi quán Lạc Cảnh ở Sài Gòn, đã có nhiều đoàn hát, hãng đĩa, đài phát thanh tranh nhau "câu kéo" ông như: Asia, Continental, Đài Pháp Á, Họa Mi, Việt Nam cổ nhạc kịch đoàn, Thăng Long, Lam Sơn, Hồng Hoa, .v.v. Những "tuyệt kỹ" độc tấu sáu câu vọng cổ bằng ghi ta phím lõm hay song tấu, tam tấu cùng hai bậc danh cầm Năm Cơ (đờn kìm) - Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu - ông vua viết vọng cổ đờn tranh) đã "làm mưa làm gió" một thời.
Những "tuyệt phẩm" như: "Cung thương hòa điệu" từ ngón đờn bay bướm, tinh anh của bộ ba này thường "cháy" đĩa!. Còn các bản đờn ca được phát trên đài phát thanh sau năm 1975 do Văn Vĩ đờn độc tấu ghi-ta phím lõm có thể kể ra hai tuyệt phẩm "kinh điển" là "Đài hoa dâng Bác" của soạn giả Trần Nam Dân do "Đệ nhất danh ca" Út Trà ôn hát, "Lòng dạ đàn bà" của soạn giả Viễn Châu do NSưT Minh Vương thể hiện. Rồi phải kể đến việc Văn Vĩ kết hợp cùng danh ca, "sầu nữ" Út Bạch Lan làm "bứt ruột bứt gan" và lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khán thính giả mộ điệu.
Nhạc sĩ kiêm nhà nghiên cứu nghệ thuật đờn ca tài tử Nhị Tấn cho biết: "Nói về kỹ thuật đờn ghi-ta phím lõm hay dở, cao thấp, hơn thua nhau ở sự ngẫu hứng, sáng tạo nhiều "chữ đờn" riêng, lối chạy chữ luyến láy, chẻ nhịp và quan trọng nhất ở cách nhấn nhá chữ "xang". Cùng một chữ "xang" nhưng Văn Vĩ lại nhấn nhá ra nhiều âm vị cao thâm, mùi mẫn không thể tả. Tiếng đờn Văn Vĩ là tiếng đờn "độc chiêu" của người chỉ cảm nhận cuộc đời qua âm thanh nên rất tinh tế, sâu sắc, nghe "đã tai" hơn hẳn người sáng mắt đờn".
Còn Nhạc sĩ Văn Hải, vốn là học trò "cưng" của Văn Vĩ thì "bái phục" nhất ông thầy mình ở chỗ có sức đờn và ngón tay khỏe "kinh hồn": "Thầy Văn Vĩ có ngón đờn khỏe lắm, hồi đó và bây giờ người ta đờn dây cỡ 16 đến 18 thì thầy đờn toàn dây cỡ 20, loại dây mà không tay đờn nào đờn nổi vì dây đó lớn và cứng nên rất khó nhấn nhá. Vậy mà thầy nhấn nhá nghe ngon ơ".
Với tinh thần "phong lưu tài tử” của mình, Văn Vĩ ngoài việc đờn cho những nơi có thể "hái" ra tiền thì ông còn tham gia "miễn phí" ở các câu lạc bộ đờn ca tài tử, cốt để tìm bạn tri âm. Văn Vĩ từng tâm sự với bạn bè rằng: "Đi giao lưu ở câu lạc bộ đờn ca tài tử vậy mà vui, không phải bận tâm như khi đờn trên sân khấu". "Chính những chuyến đi giao lưu với anh em, những lần "rày đây mai đó" khắp miệt đồng bằng để vui, để buồn cùng những người nông dân chân lắm tay bùn, chơn chất, chính cái tự do, cái vui đó mà Văn Vĩ đã nhiều lần ngẫu hứng, sáng tạo nên những "chữ đờn độc" xuất thần để đời", nhạc sĩ Nhị Tấn bình luận.
Duyên nghiệp với ghi - ta phím lõm
Đệ nhất danh cầm Văn Vĩ tên thật là Đinh Văn Dậm, sinh tại làng Bình Đăng, nay là xã Bình Hưng, Cần Giuộc, Long An. Thân sinh là ông Đinh Văn Muôn làm nghề đánh xe ngựa và bà Chung Thị Sái tảo tần làm ruộng. Khi "chạy" thầy trị bệnh đậu mùa năm 3 tuổi, thầy thấy thương tình và đặt lại tên theo vì sao: Sao Vĩ.

Bộ ba danh cầm: Bảy Bá - Văn Vĩ - Năm Cơ
Năm lên 7, gia đình Văn Vĩ xuôi về Bạc Liêu sinh sống. Khi ở Bạc Liêu, cạnh nhà Văn Vĩ có ông thầy đờn. Khi nghe cậu bé mù đờn cò líu (cò có cần ngắn) với "giọng" kéo rất năng khiếu, ông thương tình chỉ bảo không cần trả công. Vài năm sau, gia đình Văn Vĩ chuyển về Thuận Đông, Sài Gòn. Nơi đây Văn Vĩ được học bài bản đờn và luyện hai nhạc khí kìm, cò của hai "cao thủ" là thầy Bảy Thừa và Tư Lai.
Biết đờn, Văn Vĩ cùng Bé Hai (tức "sầu nữ" út Bạch Lan) hợp nhau đi đàn hát dạo kiếm tiền phụ giúp gia đình: "Chọn góc phố đông người, anh đờn em hát, đâu cỡ chục bài thì tiền đầy nón, toàn xu lẻ có khoét lỗ ở giữa. Hai anh em lấy dây xâu lại mang về cho mẹ mà lòng vui như Tết", danh ca Ủot Bạch Lan từng kể lại. "Rồi có lúc đang đờn hát dạo, hai người bị lính Mã Tà bắt về bót đánh cho mấy cây ma trắc. May nhờ nhạc sĩ Jean Trịnh và danh ca Thành Công đến bảo lãnh mới được về...
Lần khác, tôi và Văn Vĩ được mời đờn cho một quán ca cổ ở Tân Bình, chưa đờn xong lớp một bản Xuân Tình thì súng nổ rầm rầm trong quán. Tôi dẫn Văn Vĩ chạy vào nhà vệ sinh núp. Văn Vĩ than: "Thúi quá"(!), tôi bảo: "Thà thúi mà không bị ăn đạn, chứ ăn đạn rồi cây ghita để cho ai", nói xong cả hai cười xòa", nhạc sĩ Nhị Tấn kể thêm.
Đầu những năm 50, thấy cây ghi-ta phím lõm chơi nghe hay lại đa năng nên Văn Vĩ theo học thầy Tư Thìn rồi thầy Tư A, sau đó "giao du" học hỏi đàn anh như: nghệ sĩ Ba Xây, Mười Út (làm cho Đài Phát Thanh Sài Gòn), thầy Chín Thành...Trải qua nhiều năm khổ luyện với nhiều loại nhạc cụ, qua tay "mài giũa" của rất nhiều bậc thầy âm nhạc nên ngón đờn của Văn Vĩ ngày một cao thâm nên được liệt vào hàng "kinh điển".
Trời không phụ lòng người, năm 14 tuổi Văn Vĩ đã có tiếng tăm, có chỗ đứng trên sân khấu như gánh hát Minh Tinh, quán Lạc Cảnh. 16 tuổi đã đứng vào hàng ngũ của câu lạc bộ đờn ca tài tử, nơi toàn tập hợp những bậc danh cầm. Năm 21 tuổi Văn Vĩ đã đờn cho Đài Pháp Á (Văn Vĩ tham gia Ban Việt Nam cổ nhạc kịch đoàn do tài tử Tám Thưa làm trưởng ban) rồi được một loạt quán ca nhạc giải trí và gánh hát có tiếng thời đó mời biểu diễn.
Mãi tới năm 1964, sau ngần ấy năm "bôn ba" trong nghệ thuật, Văn Vĩ mới có được căn nhà trên đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Ở đây ông mở lớp dạy đờn ca cổ nhạc. Từ lò luyện này, bao lớp ca - nhạc sĩ lần lượt thành danh. Về ca có Thanh Hương, Vương Linh, Hoài Thanh...Về đờn có 3 người con trai: Văn An, Văn Hậu, Văn Tài; đệ tử ruột có Văn Bền, Văn Hải, Văn Mách... Đồng thời Văn Vĩ còn cộng tác cho: các hãng băng nhạc (băng từ), đĩa nhựa, Sở Văn hóa, Hội Sân khấu Thành phố, Đài truyền hình, Viện nghiên cứu âm nhạc... (Năm 1981, ông được Viện nghiên cứu âm nhạc công nhận là "Nhạc sĩ Tài tử Nam Bộ" do Viện trưởng Lưu Hữu Phước ký).
Cả cuộc đời "Đệ nhất danh cầm" Văn Vĩ đã cống hiến hết mình cho thứ âm nhạc tinh túy của miền Nam Bộ. Ông ra đi để lại một khoảng trống không nhỏ trong đờn ca tài tử - cải lương Nam Bộ mà cho tới bây giờ chưa ai khỏa lấp được.
Nguyên Pháp

Ông hoàng cải lương và mối tình kỳ lạ với cô bán cơm

Theo Trân Trân/Pháp luật Việt Nam
Nhắc đến nghệ sĩ Út Trà Ôn thì ngay cả người không quan tâm đến nghệ thuật cải lương cũng nghe danh. Út Trà Ôn được vinh danh là "ông vua vọng cổ”, bởi ông không chỉ để lại một gia tài lớn cho nghệ thuật cải lương nước nhà, mà người ta còn nhớ đến ông như một người đàn ông đào hoa nhưng nhất mực thủy chung…
Rồi dần dà, người ta mới biết, hóa ra lý do để ông vua vọng cổ khoái cơm bình dân, mà chỉ mê đúng cơm của tiệm này, không chỉ là ông có thói quen ăn uống giản dị, mà còn để… ngắm cô con gái duyên dáng của chủ quán cơm.

Nhắc đến nghệ sĩ Út Trà Ôn thì ngay cả người không quan tâm đến nghệ thuật cải lương cũng nghe danh. Út Trà Ôn được vinh danh là "ông vua vọng cổ”, bởi ông không chỉ để lại một gia tài lớn cho nghệ thuật cải lương nước nhà, mà người ta còn nhớ đến ông như một người đàn ông đào hoa nhưng nhất mực thủy chung…
 
Danh ca nhận thù lao tương đương một lượng vàng
Nghệ sĩ Út Trà Ôn, tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh năm 1918 tại Trà Ôn, Vĩnh Long. Sinh ra trong một gia đình bần nông, không dính dáng gì đến đàn ca hát xướng, lớn lên nối tiếp cha mẹ làm ruộng kiếm sống. Nhưng không hiểu sao, trong người nông dân chân chất trẻ tuổi ấy lại âm thầm có dòng chảy nghệ thuật.
Cố NSND Út Trà Ôn

Chàng trai Mười Út có giọng ca rất hay và mùi mẫn. Ngày ấy, ở làng quê Nam bộ, mỗi khi nghỉ ăn cơm trưa hoặc sau mỗi buổi đồng áng xong hoặc những đêm trăng thanh gió mát, các bạn nhà nông thường quây quần hát vọng cổ cho nhau nghe. Út Mười nổi tiếng trong làng trong xã vì cái giọng hát ngọt lịm, cao vút, mỗi khi cất lên sáu câu vọng cổ là chung quanh phăng phắc lắng nghe. Chính bà con làng xóm là những người đã xúi chàng nông dân Út Mười bỏ làm ruộng đi theo nghiệp ca hát.
Nghe tin có gánh hát ở miệt Sa Đéc đang tuyển chọn đào kép để lập gánh, chòm xóm xúi quá, anh đánh liều đi thi. Người tuyển chọn, ông chủ gánh vừa nhìn thấy mặt chàng Út quê mùa, nông dân liền lắc đầu chê: "Cái thằng này coi tướng xấu quá làm sao làm kép được bây?".
Thế nhưng, khi Út cất giọng lên thì ông bầu thay đổi hoàn toàn: “Trời, tuy cái mặt nó xấu vậy chứ nó cất giọng lên thì mấy thằng kép đẹp xách dép cũng không bằng!”. Từ đó, anh nông dân Nguyễn Thành Út trở thành kép chính của đoàn.
Nhan sắc không đẹp có thể dùng phấn son tô điểm, còn chất giọng của Út, thì quả là vật báu của đoàn hát Tiến Hóa. Nhờ có Út mà đoàn hát danh tiếng lên vùn vụt, đêm diễn nào cũng chật kín khán giả, bầu tha hồ đếm tiền mỏi tay.
Rồi anh nông dân Nguyễn Thành Út càng ngày càng nổi tiếng, các ông bầu đoàn lớn săn đón để mời anh về thủ kép chính trong đoàn mình. Năm 1937, Mười Út được người quen giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn và từ đó chính thức có nghệ danh Út Trà Ôn, ghép từ cái tên Út và xứ sở Trà Ôn quê ông.
Đào hoa nhưng chung thủy
Danh tiếng, tài hoa là vậy, giọng ca hay diễn ngọt là vậy, nên chuyện Út Trà Ôn được nhiều cô gái say mê, thầm yêu trộm nhớ là chuyện không lạ. Nhưng Út Trà Ôn lại được tiếng là người đàn ông nhất mực thủy chung. Cả cuộc đời ông chỉ có một gia đình duy nhất, là người vợ mà ông yêu thương và 6 người con.
Là một danh ca, nhưng nghệ sĩ Út Trà Ôn lại gặp vợ - một người phụ nữ bình dân trong hoàn cảnh cũng hết sức… bình dân. Nghệ sĩ nổi tiếng với cát xê cao ngất, nhưng Út Trà Ôn không phải là khách quen của những nhà hàng đám tiệc sang trọng. Ông vẫn có thói quen hàng ngày lui tới ở một quán cơm bình dân nằm trong hẻm, quán chuyên bán cho sinh viên, công nhân, thậm chí ông còn đăng kí cả cơm tháng.
Cứ mỗi lần Út Trà Ôn đến quán ăn, là trẻ con, người mộ điệu bu chật trước quán để xem mặt ông danh ca thích ăn cơm bình dân. Rồi dần dà, người ta mới biết, hóa ra lý do để ông vua vọng cổ khoái cơm bình dân, mà chỉ mê đúng cơm của tiệm này, không chỉ là ông có thói quen ăn uống giản dị, mà còn để… ngắm cô con gái duyên dáng của chủ quán cơm.
Hồi đó, vợ ông trẻ măng, mặt mũi xinh xắn, tính tình chân chất, thật thà, có lẽ Út Trà Ôn yêu bà là vì thế, dù thế giới chung quanh ông nhiều hào nhoáng và không ít mỹ nhân sẵn lòng nâng khăn sửa túi cho ông.
Vợ Út Trà Ôn cũng đáp lại tấm tình ấy, vì bà ngưỡng mộ ông đã từ lâu qua băng, đĩa, đến khi gặp lại ngỡ ngàng thấy một Út Trà Ôn không “già” như giọng ca, không cao sang như tưởng tượng mà lại rất gần gũi, ăn nói có duyên…
Lấy nhau về, bà cùng ông đi qua bao vinh quang cũng như trắc trở của nghề hát. Trong kí ức những người con của Út Trà Ôn, hình ảnh người cha giữa vòng vây người hâm mộ, được các cô gái xúm xít chung quanh xin chữ kí, bắt tay, thậm chí ôm chầm lấy là không ít.
Và để có được một Út Trà Ôn thủy chung nhất mực với gia đình, phải kể đến sự khéo léo, ứng xử tuyệt vời của vợ Út Trà Ôn. Chưa bao giờ bà tỏ ra ghen với những bóng hồng chung quanh ông. Thậm chí, có người con gái đứng cạnh vồ vập, muốn lôi kéo sự chú ý của Út Trà Ôn, bà cũng chỉ mỉm cười độ lượng.
Con cái trong nhà cũng kể, chưa bao giờ thấy má ghen ba, kể cả khi bao nhiêu cuộc điện thoại nặc danh nói xằng bậy, những lá thư tình gửi liên tiếp đến nhà, má cũng coi như không. Vững chãi, thong thả, bản lĩnh là những gì con cái Út Trà Ôn nhớ về má mình.
Thực ra, đâu phải bà không biết ghen, đã yêu thì phải có ghen tuông. Nỗi lòng của bà, chỉ có một lần bà bộc bạch trước đám đông: “Ớt nào mà ớt chẳng cay nhưng đã chấp nhận làm vợ nghệ sĩ thì không ghen. Bí quyết của tôi là giữ vững uy tín cho chồng, vì thần tượng của mọi người cũng chính là thần tượng của tôi!”. Chính Út Trà Ôn cũng nhiều lần nói về vợ mình, là người “nổi tiếng không biết ghen”.
Vợ chồng họ cũng đã dìu nhau bước qua những ngày khốn khó của nghệ thuật cải lương. Khi mà các sân khấu ít sáng đèn, nhiều đêm, người nghệ sĩ vang bóng một thời đã trắng đêm vì buồn cho nghệ thuật cải lương, cho thân phận mình, thì chính người vợ là người rơi những giọt nước mắt chia sẻ cùng chồng.
Trong những ngày gia đình gian khó, Út Trà Ôn không có nhiều vai diễn, vợ Út Trà Ôn đã phải tần tảo gánh gồng kinh tế của gia đình. Nhưng Út Trà Ôn, lại cũng rất đàn ông và tự trọng. Ông luôn nói rằng, khán giả còn thương thì không lo đói. Tôi sẽ gánh việc nhà, bà chỉ việc lo săn sóc dạy dỗ các con…
Sáu mươi tuổi, Út Trà Ôn còn lục tục dắt con gái Bích Phượng lên kí hợp đồng với đoàn cải lương ở Tây Ninh để con nối nghiệp mình. Nhưng rồi lận đận, vướng nhiều ganh ghét đấu đá, chị không theo nghề được khiến Út Trà Ôn buồn suốt một thời gian dài.
Để rồi, khi Bích Phượng xuất hiện trên truyền hình với chất giọng dân ca mượt mà, ông đã mừng rơi nước mắt, vì dù không hát cải lương thì cũng là theo nghệ thuật, cũng nối nghiệp nhà…
Năm 1997, Út Trà Ôn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt 4 và huân chương Vì sự nghiệp sân khấu vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật cải lương. Ông ra đi năm 2001. Nhưng tài hoa và đức thủy chung thì sống mãi trong kí ức của những người mộ điệu, những người thân yêu.
Theo Trân Trân/Pháp luật Việt Nam

NSND Út Trà Ôn - Anh nông dân thành đệ nhất danh ca

Bài vọng cổ Tình anh bán chiếu hầu như người dân miền Nam nào cũng biết, bởi giọng ca Út Trà Ôn đã làm thăng hoa nó lên, biến nó thành “kinh điển”. Và ngược lại, bài vọng cổ ấy cũng làm thăng hoa tên tuổi Út Trà Ôn, một nghệ sĩ lẫy lừng được tôn là “đệ nhất danh ca” của miền Nam.

Bài vọng cổ Tình anh bán chiếu hầu như người dân miền Nam nào cũng biết, bởi giọng ca Út Trà Ôn đã làm thăng hoa nó lên, biến nó thành “kinh điển”. Và ngược lại, bài vọng cổ ấy cũng làm thăng hoa tên tuổi Út Trà Ôn, một nghệ sĩ lẫy lừng được tôn là “đệ nhất danh ca” của miền Nam.

NSND Út Trà Ôn
 Ảnh: gia đình NS cung cấp
Đi lên từ đồng ruộng
Là con thứ mười trong một gia đình làm nông, cha mẹ mất sớm nên anh thanh niên Mười Út phải ra đồng từ 13 tuổi. Cày sâu cuốc bẫm nhọc nhằn, ông lấy ca hát làm niềm vui giữa cái nắng oi ả nơi đồng ruộng. Giọng hát ngọt ngào thiên phú của ông được bạn bè yêu thích và đến tai dân làng, nên mỗi khi có Hội cúng Kỳ Yên, Mười Út lại được ban nhạc lễ nhờ đứng ra xướng danh cho hương chức hội tề cúng lễ. Dần dần, các nhạc sư trong làng dạy cho ông học ca 20 bài bản tổ của cổ nhạc. Từ chỗ chơi đàn ca tài tử, ông tập luyện thêm cách vô câu vọng cổ, cách sắp chữ và kỹ thuật luyến láy. Mến mộ năng khiếu của chàng nông dân trẻ, có một nhà sư đã tìm tới tặng Mười Út bài vọng cổ Tôn Tẫn giả điên gồm 20 câu. Và với vốn liếng ít ỏi đó, vào năm 1937, chàng thanh niên 18 tuổi quyết định từ giã quê hương lên Sài Gòn lập nghiệp, bắt đầu cho một cái tên vang dội khắp miền Nam.
Hành trang chỉ có cái nón lá, vài bộ quần áo cùng một ít bài hát trong đầu, Mười Út được giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn. Các bài Thức suốt đêm thâu, Sầu bạn chung tình và đặc biệt là Tôn Tẫn giả điên qua giọng ca truyền cảm, ấm áp đậm chất miền Tây của ông khiến thính giả say như điếu đổ và nghệ danh Út Trà Ôn cũng có từ lúc đó. Năm 1939, ông đoạt giải nhất trong cuộc thi ca cổ nhạc do hãng rượu Bình Tây tổ chức. Nhiều đoàn hát nghe danh bèn tìm mọi cách để mời ông bằng được.
Năm 1947 ông bắt đầu thu thanh cho hãng đĩa Asia. Hai bài vọng cổ Thái Sư Văn Trọng gián thập điềuTrụ Vương thiêu mình sau đó được Đài Pháp Á phát thanh, dấy lên  một phong trào thưởng thức vọng cổ khắp Sài Gòn lục tỉnh. Báo chí không ngớt viết bài ngợi khen. Năm 1948, ông bầu gánh Tiến Hóa ký hợp đồng 50.000 đồng mời bằng được Út Trà Ôn về hát. Số tiền này đã lập kỷ lục trong hợp đồng nghệ thuật vào thời điểm ấy, vì bằng phân nửa giải độc đắc xổ số Đông Dương. Sau đó, ông còn hát cho nhiều đại ban khác như Mộng Vân, Thanh Minh, Thống Nhất, Dạ Lý Hương, Thủ Đô, Thái Dương, Quốc Thanh, Hương Dạ Thảo, Thanh Hải, Kim Chung... Tiền contrat (hợp đồng) của ông tăng theo cấp số nhân, từ 50.000 đồng tăng lên 100.000, 150.000 rồi 300.000 đồng. Nhất là năm 1959, ông ký hợp đồng với đoàn Thanh Minh của bà bầu Thơ với con số là 750.000 đồng một năm. Trong những dịp lễ tết, thù lao cho hai suất diễn một ngày của Út Trà Ôn lên tới 3.000 đồng, tương đương một cây vàng thời đó, kéo theo nhiều ngôi sao như Hữu Phước, Thành Được, Tấn Tài, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Mỹ Châu... đều được hưởng contrat bạc triệu, cát sê cho mỗi suất hát bằng cả tháng lương của một công chức bình thường.
Sau 1975, ông về cộng tác với đoàn cải lương Sài Gòn 1, Trần Hữu Trang và Sân khấu 28-4 đến năm 1988 thì nghỉ. Nhưng vì nhớ nghề, ông vẫn thường tham gia làm giám khảo cho các cuộc thi tuyển cải lương ở các tỉnh và giải Trần Hữu Trang cho đến 80 tuổi, góp phần đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế thừa. Ngoài ra, ông còn tham gia các hoạt động từ thiện, đi ca trong các chương trình gây quỹ.
Giàu sang và sa sút
Với tiền lương và ký hợp đồng cao ngất ngưởng, chưa kể thu nhập từ các hãng đĩa, NSND Út Trà Ôn từng sống như một triệu phú. Ông có biệt thự, xe hơi... đầy đủ tiện nghi. Ông còn mướn luôn tài xế lái xe, một bà đầu bếp và ba cô giúp việc chuyên nấu ăn và chăm sóc con cái. Bước ra ngoài ông luôn quần áo chỉn chu, tóc xức dầu bóng loáng, lại chơi rất mạnh tay, mua nhẫn hột xoàn 3-4 carat không một cái nhăn mặt.
Chơi thì ngông lắm, nhưng đến khi làm nghề nghệ sĩ Út Trà Ôn cũng hết mình. Xuất thân là nông dân, không biết chữ nên mỗi khi nhận vai mới thì phải có người đọc kịch bản cho ông học. Cứ đọc đi đọc lại nhiều lần cả lúc ngồi ăn cơm, hay trước khi ngủ. Vậy mà người ta thuộc tới đâu thì ông thuộc tới đó, đến khi lên tập tuồng thì nhớ vanh vách lời ca, lời thoại không vấp chữ nào đúng y như soạn giả viết. Cả diễn xuất ông cũng trôi chảy lạ kỳ. Yêu nghề nên ông không "kén" vai diễn, sẵn sàng tham gia những vai rất khác nhau, miễn là nó có cá tính, có số phận.
Nhiều người vẫn nghĩ, nghệ sĩ thường có những trục trặc về gia đình, nhất là người nổi tiếng, giàu có, được nhiều cô gái theo đuổi như Út Trà Ôn. Nhưng ông chỉ có một người vợ duy nhất trong đời. Vợ ông trước là cô giáo ở Cần Thơ, về ở với ông nhưng bà không thường ra rạp hát, chỉ ở nhà dạy con và chăm sóc ông. Sau này, khi gia đình sa sút vì làm gánh hát thua lỗ, rồi đến giai đoạn sau 1975 chỉ được nhận lương tập thể ba cọc ba đồng, mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai người vợ, ông thường trằn trọc không ngủ được vì xót xa ân hận. Ông an ủi vợ và cũng là tự an ủi mình: "Công chúng còn thương tôi thì sợ chi nghèo đói".
Đệ nhất danh ca và bản Tình anh bán chiếu
Soạn giả Viễn Châu sáng tác hơn 2.000 bài vọng cổ, thì có đến 2/3 có công truyền bá của NSND Út Trà Ôn. Trong đó có nhiều bài đã gây được dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, đặc biệt là bài Tình anh bán chiếu. Chỉ có 6 câu vọng cổ, trình bày chưa đến 10 phút mà đã đưa Út Trà Ôn và Viễn Châu lên ngôi vua của làng vọng cổ.
Nội dung bài ca khá đơn giản, chỉ là tâm sự của một thanh niên làm nghề bán chiếu phải lòng một cô gái đặt mua. Khi anh trở lại giao chiếu như giao hẹn thì cô gái đã sang ngang mà có biết đâu anh bán chiếu đã thầm thương trộm nhớ. Nhưng cũng chính vì đơn giản mà dễ đi vào lòng người, nhất là nó được thể hiện qua giọng ca tuyệt vời của Út Trà Ôn. Giữa thập niên 1960, khi đĩa hát Tình anh bán chiếu được phát hành đã tạo nên một làn sóng. Bài ca thâm nhập vào mọi ngõ ngách ở miền Nam, từ các nhóm đờn ca tài tử cho đến tiểu thương, quân đội, công chức... đều mê và mang ra đến miền Trung, miền Bắc.
Sau 1975, Tình anh bán chiếu cũng vào trại học tập, cứ đến giờ nghỉ sinh hoạt là dân mê vọng cổ lại lôi ra hát và sau đó sang đến tận hải ngoại. Có lẽ hiếm ai có được làn hơi đồng pha thổ trầm ấm cùng phong cách ca ngâm độc đáo, vừa luyến láy kỹ thuật nhưng lại vừa chân phương như nghệ sĩ Út Trà Ôn. Chưa kể ông còn được xem là bậc thầy về lối hành văn, sắp chữ. Câu nhiều chữ ông ca vẫn hay, câu ít chữ kéo ra vẫn duyên dáng. Phát âm tròn vành, nhịp nhàng chắc chắn, trầm bổng rõ ràng, xứng đáng với danh hiệu “đệ nhất danh ca” miền Nam, hay “vua vọng cổ” như giới mộ điệu cải lương và các ký giả kịch trường trao tặng.
Khi đã ở tuổi 80, NSND Út Trà Ôn vẫn đi ca trong các chương trình cổ nhạc do con gái ông là nghệ sĩ Bích Phượng tổ chức. Mỗi khi gặp soạn giả Viễn Châu, ông hay khoe: “Anh Bảy, hồi trẻ tui diễn biết bao nhiêu tuồng nhưng tới tuổi này chỉ sống nhờ vào mấy câu vọng cổ Tình anh bán chiếu của anh”. Lớn tuổi, đi xa mệt, nhưng ông đâu có chịu ở nhà. Hễ tới nơi, bước lên sân khấu là ông nhất định phải ca đủ 6 câu mới chịu xuống. Nay khi ông đã qua đời, Tình anh bán chiếu vẫn sống và trở thành “đặc sản” của vùng sông nước Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang. Đâu đó nơi miền đất phù sa trĩu nặng vẫn còn vang lên tiếng ca như chất chứa tình yêu của người nghệ sĩ: “Sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai”...
Út Trà Ôn (1919 - 2001) tên thật Nguyễn Thành Út, quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ngày nay. 70 năm theo nghề hát, ông tham gia nhiều vở cải lương như Tuyệt tình ca, Nạn con rơi, Sương khói rừng khuya, Lưu Bình Dương Lễ... và thể hiện nhiều bài vọng cổ kinh điển như Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Gánh chè khuya, Tôn Tẫn giả điên... Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1997 và từ trần ngày 13.8.2001 tại TP.HCM, an táng tại chùa Nghệ Sĩ, quận Gò Vấp, hưởng thọ 82 tuổi.
Vũ Anh

Người xưa - chuyện cũ : Bộ ba Đệ nhất ở Trà Vinh

09/09/2014 8:30:14 SA

Trước nay, khi nói đến danh ca, danh cầm về Đờn ca Tài tử - Cải lương (ĐCTT - CL), người ta thường nghĩ đến những địa danh nổi tiếng gắn liền với tên tuổi danh ca và danh cầm quê ở đó, như Bạc Liêu có Cao Văn Lầu, Trịnh Thiên Tư, Hồng Tấn Phát, Ba Chột, Năm Nhỏ, cô Ba Vàm Lẽo…;

Tiền Giang có Năm Châu, Năm Phỉ, Ba Du, Bảy Phùng Há, Bảy Nam, Văn Giỏi…; Cần Thơ có Tám Danh, Sáu Tửng, Cô Năm Cần Thơ, cô Bạch Huệ…; Vĩnh Long có Út Trà Ôn…; Long An có Ba Tu, Văn Vĩ, Út Bạch Lan… là những danh ca - danh cầm bậc thầy. Nhưng ít ai biết đến đất Trà Vinh có bộ ba gắn bó với nhau lừng danh trên đất Sài Gòn suốt một thời gian khá dài, đó là Năm Cơ - Bảy Bá - cô Ba Trà Vinh. Lần lượt chúng tôi sẽ giới thiệu tài nghề của ba nghệ sĩ tiền bối này với bạn đọc.


Năm Cơ - Văn Vỹ - Bảy Bá

DANH CẦM NĂM CƠ - NGÓN ĐỜN TÀI HOA KIỆT XUẤT

Khán thính giả mộ điệu ĐCTT - CL từ trước năm 1980 không ai không biết và đã nghe tiếng đờn của danh cầm Năm Cơ. Tiếng đờn huyền ngoặc làm say lòng biết bao người mộ điệu, và đã chấp cánh cho nhiều tên tuổi của nghệ sĩ Cải lương lừng danh bay bổng. Ngón đờn tài hoa của ông kiệt xuất trên ba nhạc cụ: Kìm, Sến, Guitar phím lõm, mà bất cứ ai dù khó tính khi nghe ông tấu lên cũng mềm lòng vì bị chinh phục.

Tuổi thơ cơ cực sớm vương nghiệp dĩ

Cố danh cầm Năm Cơ tên thật là Dương Văn Cơ, ông sinh năm 1917, tại xóm rẫy Thị Ròn, Lạc Thạnh (nay là Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh), ông tạ thế năm 1980 tại TP. Hồ Chí Minh. Ông là người Việt gốc Hoa, thuở xưa kinh tế gia đình ông thường thiếu trước hụt sau, nên tuổi thơ ông sớm lâm vào cơ cực. Lúc mới sáu, bảy tuổi, ông phải đi chăn bò đến nhiều năm. Có lẽ, Năm Cơ hấp thụ dòng huyết thống của phụ thân, nên tuổi thơ của ông nhanh chóng hình thành năng khiếu ca cầm. Lúc chăn bò là thời gian như phiêu lưu đầy ngẫu hứng, ông thường ca “Dạ cổ hoài lang” rồi đờn bằng miệng cho thỏa niềm say mê… Thấy vậy, thân phụ Năm Cơ truyền dạy cho ông đờn Đoản (loại đờn có thùng tròn như đờn Kìm nhưng cần đờn ngắn chỉ bằng một phần ba của cần đờn Kìm, nên mới gọi là “Đoản”) với vài thể điệu. Thông thường năng khiếu cộng say mê sẽ nhanh chóng trở thành tài năng, đó cũng là trường hợp của cậu bé Năm Cơ thuở còn chăn bò.

Theo lời kể của cố NNDG Bạch Huệ thì vào những năm của thập kỉ 30 của thế kỉ trước, thân phụ của bà là nhạc sĩ Sáu Tửng đờn Kìm nổi tiếng ở Cần Thơ, mà cả giới ĐCTT - CL miền Nam ai cũng biết. Đặc biệt là ông đờn Vọng cổ nhịp 16 rất độc đáo, và tiếng đờn của ông thường tâm đầu ý hợp với hai nữ danh ca lúc bấy giờ là cô Năm Cần Thơ và cô Ba Trà Vinh. Bởi Cần Thơ xưa nay được mệnh danh là thủ phủ của miền Tây Nam bộ, nên các tài tử - giai nhân thường tập trung về đây ca cầm là chuyện không gì là lạ, và cô Ba Trà Vinh cũng không là ngoại lệ. Hai nữ danh ca này và nhạc sĩ Sáu Tửng còn được hãng dĩa Pathé mời thu và phát hai dĩa “Kiến tình trung nghĩa” và “Khóc bạn”. Tiếng đờn và giọng ca của hai dĩa hát này đã lọt vào tai của cậu bé Năm Cơ, khiến cậu càng say mê tiếng đờn và giọng ca, nhất là tiếng đờn Kìm mùi mẫn của Sáu Tửng như càng thúc dục niềm đam mê đờn Kìm mãnh liệt hơn đối với cậu lúc này. Và,cậu Cơ thử dợt những chữ đờn Kìm mà cậu học lóm của Sáu Tửng qua dĩa hát, đưa vào đờn Đoản. Tuy âm vực và âm điệu hai nhạc cụ có khác nhau, nhưng giống nhau thang âm và loại dây tơ đờn cây nên có phần thích hợp với ngón đờn của cậu.
Gặp bạn tri kỉ - tri âm

Sau một thời gian khá dài mày mò tự học, vốn thông minh sáng tạo, cậu Cơ thành thạo đờn Kìm với nhiều bài bản nhạc Tài tử và Cải lương. Cậu còn cải tiến chữ đờn Kìm để đưa qua Guitar phím lõm thể nghiệm khá thành công, cậu kết hợp nghe dĩa hát, nghe những nghệ nhân đờn Guitar mà rút kinh nghiệm chỉnh lí âm sắc Guitar cho đúng phong cách diễn tấu. Cậu Cơ chưa chịu dừng lại ở đó mà còn chuyển chữ đờm Kìm qua thực nghiệm cây đờn Sến, với phương pháp cải tiến và chu chỉnh âm sắc nhạc cụ, đờn Sến của cậu đờn cũng không kém Kìm và Guitar phím lõm. Thế là cả ba nhạc cụ sở trường cũng như sở đoản, cũng là lúc tuổi đời cậu Cơ bước vào tuổi thanh niên - độ tuổi mà đầy khát vọng hiếu học, năng động và sáng tạo.

Lúc này, chàng Năm Cơ được xóm làng chú ý, các tài tử - giai nhân cũng ghé mắt, nên các tiệc tùng, những cuộc đờn ca là có mặt chàng Năm Cơ. Ngón đờn Năm Cơ càng ngày điệu luyện, lã lướt, duyên dáng và thu hút giới mộ điệu càng đông hơn.Trong đó, có sự chú ý của một nghệ nhân trẻ đang nổi tiếng về đờn Tranh ở làng bên (Trung Châu - Trà Cú) giáp ranh với làng của Năm Cơ; đó là chàng trai Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu ngày nay, ông nhỏ hơn Năm Cơ 7 tuổi). Có lẽ, hai chàng trai trẻ này có cơ duyên với nhau nên mau thành đôi bạn hòa đờn tri kỉ - tri âm; không những hai niềm đam mê gặp nhau như hai lãng tử, mà còn chung một hướng đi sau này cho đến cuối đời vẫn là nghiệp dĩ… Thế rồi từ đó, Năm Cơ và Bảy Bá tình thâm như huynh đệ, Bảy Bá có “show” là gọi Năm Cơ và ngược lại. Tiếng đờn Tranh - Kìm ngày càng gắn bó, hòa quyện nhau càng lúc nhịp nhàng ăn ý, quăng bắt, chẻ xốc, đan xen, nhường nhau rất có rơ…

Sau đó Bảy Bá và Năm Cơ theo gánh hát được ít lâu, Bảy Bá bị lính Pháp bắt bỏ tù gần hai năm ở Cẩm Giang, Năm Cơ về Sài Gòn sống bằng nghề đờn cho nhà hàng, quán nghệ sĩ. Sau khi Bảy Bá ra tù, ông theo gánh Cải lương Việt kịch Năm Châu của ông Nguyễn Thành Châu và bắt đầu sang nghề sáng tác kịch bản Cải lương. Một thời gian sau đó, Bảy Bá và Năm Cơ lại gặp nhau tại Sài Gòn vào những năm cuối của thập kỉ 50 của thế kỉ XX. Như ông bà ta từng nói “có duyên sẽ gặp lại”, và như “Bá Nha ngộ Tử Kỳ”, hai người bắc lại nhịp cầu “đồng hương đồng nghiệp”.

Mấy thập niên tuổi tên lừng lẫy


Khi Năm Cơ và Bảy Bá gặp lại nhau thành một liên danh, hai ông vừa đờn chầu cho một số gánh Cải lương lúc đó ở Sài Gòn, vừa đờn cho một vài quán nghệ sĩ như Mỹ Linh, Lệ Liễu… và bắt đầu thu cho đài phát thanh và các hãng dĩa. Lúc này lại có mặt của cô Ba Trà Vinh ở Sài Gòn (theo lời bác Bảy Bá thì cô Ba Trà Vinh lên Sài Gòn sớm hơn bác và Năm Cơ), nên bộ ba của đất Trà Vinh tái hợp càng lúc càng nổi lên tuổi tên lừng lẫy. Bộ ba này rất ăn khách ở đất Sài thành, nhất là các hãng dĩa như Hoành S    ơn, Asia, Hồng Hoa, Việt Nam, Continantal… và các đài phát thanh. Bởi vì bộ ba này có nhiều thuận lợi vừa có nhạc sĩ, ca sĩ và soạn giả, trong họ có mối quan hệ liên hoàn nhau và trở thành một hiện tượng độc nhất giai đoạn đó. Lúc đó, Bảy Bá còn là một soạn giả đang viết rất sung sức, bài của ông được nhiều hãng dĩa và đài phát thanh kí contract; có lúc ông làm giám đốc kỹ thuật cho hãng dĩa nữa (biên tập và dàn dựng). Lúc này, Sài Gòn có khá nhiều tên tuổi danh ca và danh cầm, các ban ca kịch nổi lên ở Sài Gòn, nhưng bộ ba ở Trà Vinh là ăn khách hơn. Bởi vì, bộ ba này mỗi người một thế mạnh riêng: Năm Cơ là ngón đờn trẻ đang lên, Kìm và Guitar phím lõm, Bảy Bá đờn Tranh và soạn giả, cô Ba Trà Vinh ca. Ban đầu, hai nhạc sĩ trẻ song tấu cho co Ba Trà Vinh ca, sau đó có thêm danh cầm Văn Vĩ trẻ hơn, liên danh thành bộ tam danh cầm “Cơ - Bá - Vĩ”. Và, bộ tam của danh cầm này đã để lại trong kho tàng âm nhạc Tài tử - Cải lương nhiều tác phẩm độc đáo, mà cho đến bây giờ vẫn chưa có một ban nhạc nào thay thế nổi.

Vào những năm 1956 - 1958, ông bầu Long thành lập Công ty Cải lương Kim Chung gồm nhiều gánh: Kim Chung 1, 2, 5, 6… Mỗi gánh có lực lượng soạn giả, diễn viên, nhạc sĩ riêng; có lúc thì bầu Long điều phối lực lượng cho thực lực mỗi gánh đồng đều. Nhưng thành phần nhạc sĩ trụ cột số “1” vẫn là bộ ba “Cơ -  Bá - Vĩ”. Từ khi bộ ba này hình thành cho đến ngày miền Nam giải phóng (1975) thì chưa có ban nhạc cổ nào có thể sánh kịp; từ Sân khấu Cải lương cho đến các đài phát thanh, truyền hình, các hãng dĩa… Trong bộ ba, Năm Cơ được xem là trụ cột, vì ngón đờn tài hoa của ông, khi ông và Bảy Bá song tấu thì ông đờn Kìm, có lúc ông đờn Guitar phím lõm. Khi bộ tam hình thành (có Văn Vĩ) thì Năm Cơ vẫn đờn Kìm, có lúc đờn Sến.

Đối với ngón đờn Năm Cơ dường như ba nhạc cụ: Kìm, Guitar, Sến, ông đờn đều tuyệt vời, riêng đờn Kìm và Sến cho đến bây giờ chưa có một nhạc sĩ nào thay thế nổi. Tiếng đờn ông ba loại nhạc cụ có ba phong cách và âm sắc khác nhau. Ông diễn tấu Guitar phím lõm rất thông thoáng, ngón chạy chữ duyên dáng, âm sắc tươi mượt, láy đờn lạ hơn nhiều nhạc sĩ khác, kể cả kỹ thuật nhấn chữ “xang” của ông mùi mẫn đến nức nở. Đờn Kìm, ngón nhấn của ông càng sắc bén hơn, âm sắc sâu lắng, lúc lại bổng lên tựa như lời tâm sự của ông qua tiếng nhạc - tiếng lòng vậy.  Ngón đờn Sến của ông càng duyên dáng hơn, ông chạy ngón không nhiều chữ nhưng âm sắc nghe như mức độ âm thanh dày đặc, tiếng đờn giòn giã, rộn ràng, xôm tụ rất tươi trẻ… Chính vì thế mà ngày trước, đồng nghiệp, khánh thính giả, báo chí âm nhạc và kịch trường tôn tặng ông nhiều danh hiệu như: “Cặp sóng thần trong làng cổ nhạc” (ông và Bảy Bá), “Ba danh cầm bậc nhất Sài Gòn” (Cơ - Bá - Vĩ), “Đệ nhất đờn Sến”, “Đệ nhất đờn Kìm”…

Ngón đờn đa tài của danh cầm Năm Cơ không chỉ phục vụ cho Sân khấu Cải lương, mà ông còn bồi dưỡng, bổ sung về chuyên môn cho rất nhiều nghệ sĩ tài danh, như nhịp nhàng, hơi điệu, bài bản, hầu hết những nghệ sĩ từng trải qua các gánh Kim Chung; đặc biệt là chấp cánh cho nhiều tên tuổi nghệ sĩ bay lên thành tài danh. Nhiều nghệ sĩ, có người học ông trực tiếp về chuyên môn ca ngâm, có người học gián tiếp qua tập tuồng… Có thể điển hình những nghệ sĩ tên tuổi như: Cô Ba Trà Vinh, Cô Năm Cần Thơ, Cô Năm Sa Đéc, Út Trà Ôn, Hữu Phước, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Hương, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Thanh Sang, Thành Được, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn...

Theo lời kể của bác Bảy Bá (NSND Viễn Châu),trong cuộc đời của danh cầm Năm Cơ có hai vấn đề khá đặc biệt: một là ông có tính đãng trí, ông sống đất Sài Gòn mấy chục năm mà không nhớ nổi 5 - 7 tên đường phố; học trò chính thức và không chính thức có đến hàng trăm người, nhưng ông không nhớ tên quá 5 người; các thể điệu nhạc Tài tử và Cải lương ông cũng không nhớ tên quá 5 điệu, ai đờn bản gì nghe “rao” hoặc vô đầu là ông đờn theo không sai một li, âm sắc huyền ngoặc, láy chữ kiệt xuất… Hai là các nhạc cụ của ông thì cây đờn Sến là nhạc cụ cũ và xấu nhất, cây đờn rất đơn sơ, có thể nói là cây đờn xấu nhất trong các cây đờn Sến, nhưng khi ông đờn thì tiếng kêu (âm thanh) của nó tuyệt vời, không có một cây đờn nào qua được. Có thể nói, ông là một bậc danh cầm kì tài; phải chăng cuộc đời cũng có những kì dị khác người…

Có lẽ, khả năng bài viết này khó mà diễn tả hết tài năng của cố danh cầm Năm Cơ, mà chỉ cảm nhận và tôn tặng ông vượt khỏi hàng danh cầm bằng cụm từ “Ngón đờn tài hoa kiệt xuất”.

Đỗ Dũng / Hội NSSKVN

Vợ của cố “Đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn qua đời 

(NLDO) - Mẹ của ca sĩ Bích Phượng – bà Nguyễn Thị Bích Thủy đã từ trần lúc 7giờ 45 phút ngày 2-8, hưởng thọ 85 tuổi. Bà là vợ của cố Đệ nhất danh ca NSND Út Trà Ôn. Đông đảo nghệ sĩ đồng nghiệp đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình của ca sĩ Bích Phượng.Vo cua co �SDe nhat danh ca� Ut Tra On qua doi 

Ca sĩ Bích Phượng bên quan tài của mẹ

Lúc còn trẻ bà là một cô gái ở quê lên Sài Gòn phụ người dì bán cơm. NSND Út Trà Ôn thời đó đăng ký cơm tháng nên mỗi ngày bà đến giao cơm cho ông rồi bén duyên và nên đôi vợ chồng. Ông bà chung sống hạnh phúc hơn 60 năm có với nhau 7 người con, 3 trai, 4 gái, duy nhất có ca sĩ Bích Phượng nối nghiệp cha. “Trước đây, anh tôi là Trường Thọ có theo nghề, cùng cha về đoàn cải lương Sài Gòn 1 đóng những vai phụ. Ba tôi chăm lo cho các con đầy đủ, ân cần dạy bảo, nhất là động viên việc học nên anh chị em nhà tôi đều học hành đến nơi, đến chốn.
Vo cua co �SDe nhat danh ca� Ut Tra On qua doi NSND Út Trà Ôn và bà xã Nguyễn Thị Bích Thủy trong ngày vui của gia đình
Sau này, anh tôi rời khỏi ngành, chuyển sang công việc buôn bán, cha tôi cũng ủng hộ. Mẹ tôi là điểm tựa vững vàng để ba tôi yên tâm cống hiến cho nghệ thuật. Nhiều ngày qua, mẹ tôi trở bệnh nặng, bệnh tim mạch, phổi, khiến mẹ tôi khó thở. Mẹ tôi ra đi trong niềm đau của anh chị em chúng tôi. Khi ba tôi qua đời, gia sản để lại chỉ là những bài vọng cổ vang bóng một thời, ngôi nhà từ đường và những vali đựng đầy kịch bản. Mẹ tôi lại tiếp tục tảo tần để nuôi các con, chăm lo cho các cháu” – ca sĩ Bích Phượng ngậm ngùi khi nói về cha mẹ.
Vo cua co �SDe nhat danh ca� Ut Tra On qua doi NSND Út Trà Ôn và vợ - bà Nguyễn Thị Bích Thủy NSND tiến sĩ Bạch Tuyết, nữ nghệ sĩ đã từng được NSND Út Trà Ôn dìu dắt khi bà được mời về diễn trên sân khấu đoàn Thủ Đô: “Ông và bà sống mực thước, hết lòng vì nghệ sĩ trẻ. Tấm gương lao động nghệ thuật của ông rất đáng kính trọng. Bà là người phụ nữ chăm lo cho gia đình, một mực yêu kính chồng”.
NSND Lệ Thủy xúc động nói: “Xin được chia buồn với gia đình ca sĩ Bích Phượng, tôi quen gọi ông bà là cậu và mợ. Mợ Mười đã về nơi an nghỉ, gặp cậu Mười dưới suối vàng. Lúc sinh thời lúc nào có sự kiện sân khấu cậu và mợ đều sánh bước bên nhau. Cậu là tấm gương lớn cho thế hệ vàng của chúng tôi. Mợ chính là người phụ nữ chăm lo cho bữa ăn, giấc ngủ của cậu, nuôi dạy con cái ăn học thành tài để cậu yên tâm cống hiến tài năng cho sàn diễn. Điều mà tôi học hỏi từ mợ đó là không biết ghen. Mợ thường nói “đệ nhất danh ca” là của riêng mợ sao? Phải để ông ấy thuộc về những trái tim yêu bài ca cổ và sân khấu cải lương”.
Tang lễ vợ NSND Út Trà Ôn được tiến hành tại tư gia (576 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10 – TP HCM). Lễ động quan được tiến hành 6 giờ sáng 4-8 sau đó đưa đi hoả táng tại Bình Hưng Hoà.
Tin ảnh: Thanh Hiệp
VietBao.vn (Theo_Người lao động >>>)

Ký ức về đêm đờn ca tài tử

tưởng nhớ cố nghệ sĩ nhân dân

Út Trà Ôn

 

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Út Trà Ôn vĩnh biệt chúng ta vào ngày 13/8/2001  ở t
uổi 82. Ông ra đi để lại niềm thương tiếc cho công chúng yêu thích vọng cổ sân khấu cải lương.
Đêm 16/8/ trời lất phất mưa nhưng UBND TX. Bạc Liêu vẫn chỉ đạo Phòng VH-TT thị xã tổ chức đêm đờn ca tài tử tưởng nhớ NSND Út Trà Ôn tiễn đưa ông về cõi thiên thu sau khi ông sống trọn kiếp đời đầy tình yêu thương con người. Một sân khấu được vội vàng dựng lên trên đường Hai Bà Trưng trước hội trường thị xã và trên tấm phông (màn) sân khấu gắn dòng chữ “Đêm đờn ca tài tử tưởng nhớ cố NSND Út Trà Ôn” đã làm mọi người xúc động khi nghe tin người nghệ sĩ vĩnh viễn ra đi.Khán giả đến đây càng lúc càng đông yên lặng lắng nghe một số bài bản do nhóm đờn ca tài tử TX. Bạc Liêu và Đoàn cải lương Cao Văn Lầu thể hiện để nhớ lại những bài hát quen thuộc mà sinh thời nghệ sĩ Út Trà Ôn thường hát từng làm rung động xao xuyến thổn thức trái tim hàng triệu con người. Những người có mặt hôm đó hầu như không có nụ cười họ trầm tư lắng nghe lòng dạt dào cảm xúc.Trên sân khấu những diễn viên biểu diễn hay hơn mọi khi bởi có sự xúc cảm dâng trào trong lòng họ. Những bản Tình anh bán chiếu Ông lão chèo đò… rồi ca trích đoạn trong vở cải lương Ngày về cố quận… cứ âm vang xoáy sâu ngấm dần trong lòng người để họ nhớ thương về người nghệ sĩ tài hoa. Từng đoạt giải nhất trong cuộc thi vọng cổ ở Sài Gòn năm 18 tuổi với giọng ca thiên phú làn hơi ngọt ngào truyền cảm lối ca diễn chân phương nghệ sĩ Út Trà Ôn nhanh chóng nổi tiếng vào những năm 1950 đặc biệt với Tình anh bán chiếu ông đã nâng giá trị bản vọng cổ lên đỉnh cao nghệ thuật và được tôn vinh là “Vua vọng cổ”. Trong quãng đời hoạt động nghệ thuật ông đã ca thành công cả ngàn bản vọng cổ diễn trên 200 vở cải lương đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển nền sân khấu cải lương nước nhà.Tên của ông (Nguyễn Thành Út) sau này được gắn với địa danh nơi ông sinh ra và lớn lên (quận Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long) còn sự nghiệp của ông thăng hoa tột đỉnh là nhờ câu ca vọng cổ vì vậy mỗi khi có dịp về Bạc Liêu Út Trà Ôn đều đến viếng mộ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu thắp hương tưởng niệm và ca bài Dạ cổ hoài lang. Câu nói đầy tình nghĩa chân thành của ông làm nhiều người thêm thương yêu và kính trọng: “Bản vọng cổ của bác Sáu Lầu đưa tôi lên một địa vị được báo chí khen là “Vua vọng cổ”. Đó là nhờ công lao của bác Sáu Lầu và tôi tin tưởng bài vọng cổ sẽ trường tồn mãi mãi. Tôi hết sức cảm động và nhớ ơn người sáng tạo ra bản vọng cổ”.Trái tim của NSND Út Trà Ôn ngừng đập nhưng âm hưởng những lời ca của ông vẫn còn đọng mãi trong tâm tưởng những người yêu vọng cổ. Và công chúng Bạc Liêu khó quên hình ảnh nghệ sĩ Út Trà Ôn ở tuổi 80 tóc bạc đi chầm chậm lên sân khấu để giao lưu cùng khán giả nói một vài lời hát một vài câu vọng cổ theo yêu cầu và lòng ngưỡng mộ của công chúng Bạc Liêu vào dịp kỷ niệm 80 năm - Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang - Rằm tháng tám âm lịch năm 1999…  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét