Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

GIAI THOẠI THIỀN 4

(ĐC sưu tầm trên NET)

Ai biết cô

Có Tỳ-kheo ni hỏi thiền sư Long Đàm :
- Phải tu thế nào mới chuyển thân nữ thành thân nam ?
- Cô xuất gia làm Tỳ-kheo ni đã bao lâu rồi ?
- Chuyện lâu mau có quan hệ gì ? Con chỉ muốn biết sau này con có chuyển thành thân nam không ?
- Hiện giờ cô là gì ?
- Con là người nữ, chẳng lẽ thầy nhìn không ra sao ?
- Cô là người nữ, ai nhìn ra cô là người nữ ?
Ngay đó, Tỳ-kheo ni tỉnh ngộ.
Lời bình :
Nam nữ chỉ là giả tướng, trên bản tánh bình đẳng của chúng ta đâu có giả tướng nam nữ ? Vì bị tướng nam nữ làm mê hoặc cho nên chúng ta không nhận biết bản lai diện mục của mình. Bản lai diện mục không thể thấy được mà phải do nội tâm tu chứng mới thể hội được.

Thời gian không có già

Đệ tử Đại Trí thuộc môn hạ của thiền sư Phật Quang, sau hai mươi năm ra ngoài tham học trở về, vào pháp đường kể lại những chuyện thấy nghe của việc ra ngoài tham học. Thiền sư Phật Quang lắng nghe rồi cười một cách miễn cưỡng. Sau cùng Đại Trí hỏi :
- Bạch thầy ! Hai mươi năm tham học, thầy có thấy con trở thành một người tốt không ?
Thiền sư Phật Quang nói :
- Tốt lắm ! Tốt lắm ! Giảng học, thuyết pháp, trước tác, viết kinh, mỗi ngày rầm rộ trong pháp đường, trên đời này không có sinh hoạt nào vui bằng, ta cũng vui lây.
Đại Trí quan tâm nói :
- Bạch thầy ! Phải có một chút thời gian nghỉ ngơi chứ !
Đêm đã khuya, thiền sư Phật Quang nói với Đại Trí :
- Ông về nghỉ ngơi đi ! Từ từ chúng ta sẽ bàn sau.
Trời gần sáng, trong giấc mộng Đại Trí chập chờn nghe tiếng mõ tụng kinh từ trong phòng của thiền sư Phật Quang vang lên. Sáng ra, thiền sư Phật Quang vui vẻ khai thị giảng pháp cho một số tín chúng đến lễ Phật, Đại Trí đến hỏi thiền sư Phật Quang :
- Bạch thầy ! Con xa cách thầy đến nay đã hai mươi năm, sinh hoạt hàng ngày của thầy vẫn bận bịu như thế, thầy không biết thầy đã già rồi sao ?
Thiền sư Phật Quang đáp :
- Ta không thấy có thời gian già !
Lời bình :
Có những người trẻ tuổi mà tâm lực bị suy thoái, khi họ biết được thì đã già rồi. Có những người tuổi già nhưng tâm lực rất mạnh mẽ, tinh thần sung mãn.
“Thời gian không có già”, thực ra chính tâm mình không có quan niệm già. Khổng Tử nói : “Người ta khi nổi giận thì quên ăn, khi vui thì quên lo mà chẳng biết cái già sắp đến”. Người tu thiền cũng thấy như thế.
Có người hỏi một ông già : “Ông bao nhiêu tuổi ?”. Ông đáp : “Bốn tuổi”. Mọi người đều giựt mình, ông nói : “Tôi sống bảy mươi năm qua là sống vì bản thân mình, không có ý nghĩa gì cả. Bốn năm này mới hiểu được, tôi phục vụ cho xã hội, cho mọi người, cho nên tôi nói rằng mình sống mới bốn tuổi.
Nếu chúng ta sống được như ông già bốn tuổi này thì có ý nghĩa làm sao.

Con chó có Phật tánh không

Triệu Châu Tùng Thẩm là một vị thiền sư vô cùng thú vị. Người ta tôn xưng sư là “Triệu Châu Cổ Phật”.
Có người hỏi sư :
- Thế nào là Triệu Châu ?
- Cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc.
Đó là trả lời một câu mà hai ý, nghĩa là nếu người hỏi thành Triệu Châu, thành có bốn cửa, đó là cách trả lời hay nhất. Nếu hỏi về thiền sư Triệu Châu, sư đáp cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc nghĩa là đạo phong của sư hoạt bát và thông suốt, đã có cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc mỗi cửa đều có thể tiến vào.
Có vị học tăng hỏi :
- Con chó có Phật tánh không ?
Sư không cần suy nghĩ đáp :
- Không.
Học tăng nghe xong bất mãn, nói :
- Trên từ chư Phật, dưới đến loài côn trùng đều có Phật tánh, vì sao con chó không có Phật tánh ?
Sư giải thích :
- Vì nghiệp thức che đậy.
Lại có học tăng hỏi :
- Con chó có Phật tánh không ?
Sư đáp :
- Có.
Học tăng không bằng lòng cách trả lời như thế, cho nên phản đối :
- Đã có Phật tánh, tại sao chui vào đãy da hôi thúi ?
Sư giải thích :
- Vì biết mà cố phạm.
Lời bình :
Đây là một công án nổi tiếng. Hai học tăng hỏi cùng một vấn đề mà thiền sư Triệu Châu trả lời hai lối khác nhau, có khi nói không, có khi nói có. Thực ra, có và không chỉ là một nghĩa, một mà là hai, hai mà là một, dù sao cũng không thể đem có, không mà tách rời ra, không thể đem có, không phân làm hai thứ mà giải thích. Bát-nhã Tâm kinh nói : “Vì không có sở đắc, nên Bồ-tát …”. Đó là nghĩa này.
Có và không, không thể dùng ý thức mà hiểu được, như người câm nằm mộng, chỉ tự mình biết chứ không thể nói với ai được. Như nuốt hòn sắt nóng, nhả ra không được, nuốt vào không trôi, sạch hết tình phàm mới chuyển thân được.
Người đời đối với hai chữ có, không đều dùng hai cách phân biệt để giải thích, cho rằng có, không là đối đãi nhau, phải quấy chẳng đồng, phân chia thiện ác, đó là không biết được con đường về nhà, chưa nhận ra cội gốc bản lai diện mục của mình.
Con chó có Phật tánh không ? Phật tánh không thể dùng có không để nói. Thiền sư Triệu Châu bất đắc dĩ nói có nói không, chẳng hay chúng ta có nhận ra nghĩa trung đạo có, không chăng ?

Dã hồ thiền

Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải là đệ tử nối pháp thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Mã Tổ sáng lập tùng lâm còn Bá Trượng dựng lập thanh quy. Đủ thấy rằng các ngài là người đầu tiên dâng hiến cho tùng lâm.
Một hôm, thiền sư Bá Trượng thuyết pháp xong, đại chúng đều trở về, chỉ có một ông già còn ở lại. Sư hỏi :
- Ông là ai ?
Ông già đáp :
- Con không phải người, thực tình mà nói, con vốn là chồn hoang. Thời Phật quá khứ, con tu hành ở núi Bá Trượng này, sau có vị tăng hỏi con : “Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không ?”. Con đáp : “Không”. Do lời nói này mà con đọa làm thân chồn năm trăm đời. Nay xin thiền sư nói cho một chuyển ngữ để con được thoát khỏi thân chồn !
Thiền sư Bá Trượng nghe xong, từ bi nói :
- Mời ông cứ hỏi.
Ông già chấp tay thưa :
- Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không ?
Thiền sư Bá Trượng đáp :
- Không lầm nhân quả.
Ngay lời nói này, ông già đại ngộ, làm lễ cáo từ.
Hôm sau, thiền sư Bá Trượng dẫn đại chúng ra phía sau núi, dùng gậy khêu ra tử thi con chồn hoang. Sư bảo đại chúng làm lễ hỏa táng như một vị tăng qua đời.
Lời bình :
Công án này chỉ vì trả lời cho học tăng một câu “Không rơi vào nhân quả”, vì sao đọa làm thân chồn năm trăm đời ? Thiền sư Bá Trượng nói cho một câu chuyển ngữ “Không lầm nhân quả”, vì sao được thoát khổ năm trăm đời ? Sai chừng một chữ thì khác nhau một trời một vực. Hỏi : “Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không ?”. Đáp : “Không rơi vào nhân quả”. Ý nói rằng người tu hành không thọ nhân quả báo ứng đó là chỉ cho tùy tiện nói ẩu, lầm rồi ! Sai rồi ! Vì bất cứ người nào cũng không thể thoát ra ngoài nhân quả báo ứng. Thiền sư Bá Trượng nói : “Không lầm nhân quả” thực là chí lý danh ngôn, vì bất cứ người tu hành ngộ đạo nào cũng phải “Không lầm nhân quả”. Cho nên, thiền sư Vô Môn có làm bài tụng rằng :
                        Không rơi không lầm,
                        Hai người một trả.
                        Không lầm không rơi,
                        Ngàn lầm muôn lầm !

Cháo và trà

    Thiền sư Triệu Châu rất chú trọng Phật giáo trong sinh hoạt, sư ở bất cứ nơi nào cũng thể hiện thiền phong trong cuộc sống sinh hoạt. Có vài học tăng đến hỏi thiền, học tăng thứ nhất hỏi :
    - Đệ tử mới vào tùng lâm, xin thầy khai thị.
    Thiền sư Triệu Châu không đáp mà hỏi ngược lại :
    - Ông ăn cháo xong chưa ?
    Học tăng đáp :
    - Ăn cháo xong rồi.
    Thiền sư Triệu Châu chỉ dạy :
    - Rửa bát đi.
    Học tăng này nhân đó khai ngộ.
    Học tăng thứ hai đến hỏi :
    - Đệ tử mới vào tùng lâm, xin thầy không tiếc lời khai thị.
    Thiền sư Triệu Châu không đáp mà hỏi ngược lại :
    - Đến đây bao lâu rồi ?
    - Mới đến hôm nay.
    - Uống trà chưa ?
    - Uống trà rồi.
    - Đến nhà khách trình diện đi.
    Học tăng thứ ba ở viện Quán Âm tham học với thiền sư Triệu Châu hơn mười năm, cho nên cũng đến hỏi :
    - Đệ tử từ trước đến giờ tham học với thầy hơn mười năm mà chưa được thầy khai thị chỉ đạo, hôm nay xin thầy cho phép con xuống núi đến nơi khác tham học.
    Thiền sư Triệu Châu nghe xong, cố tình làm vẻ kinh ngạc :
    - Sao ông vu oan cho ta như thế ?
    Từ khi ông đến đây, mỗi ngày ông đem trà đến, ta vì ông mà uống; ông dâng cơm, ta vì ông mà ăn; ông xá chào, ta gật đầu; ông đảnh lễ, ta cúi đầu, có lúc nào ta không chỉ dạy ông ? Sao ông vu oan ẩu tả cho ta !
    Học tăng nghe xong, dùng tâm khởi nghĩ. Thiền sư Triệu Châu nói :
    - Hiểu thì ngay đó liền hiểu, nếu dùng tâm phân biệt suy nghĩ thì cách xa đạo rồi !
    Học tăng dường như có sở ngộ, hỏi :
    - Làm sao bảo nhậm ?
    Thiền sư Triệu Châu chỉ dạy :
    - Chỉ hết tình phàm, không có thánh giải khác, nếu lìa vọng duyên, tức như như Phật.
    Lời bình :
    Nói là Phật pháp hay là tâm thiền đều không rời cuộc sống. Ăn cơm mà ăn khế hợp được vị, đó là thiền, ngủ nghỉ mà ngủ được an nhiên, đó là thiền. Lìa cuộc sống, Phật pháp còn chỗ nào để dùng ? Ngày nay, người tu đạo chỉ trọng sanh tử mà không trọng cuộc sống, quả thật cách xa đạo rồi !

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét