CÂU CHUYỆN KHOA HỌC 49
(ĐC sưu tầm trên NET)
Người phụ nữ “hiểu được Newton” (Phần 1)
Viết bởi Trần Nghiêm
Thứ hai, 09 Tháng 9 2013 10:58
- Paula Findlen (Physics World, tháng 8/2013)
Laura Bassi là cái tên ít người
biết tới, nhưng bà là một trong những ngôi sao tỏa sáng của nền vật lí
Italy thế kỉ 18 – và có thể được xem là người phụ nữ đầu tiên theo đuổi
một sự nghiệp khoa học chuyên nghiệp.
Laura Bassi và thành phố học thuật. Ảnh: Shutterstock/Kushch Dmitry
Hai trăm năm trước khi Marie Curie nhận
Giải Nobel Hóa học, một trong những tiền bối lỗi lạc của bà, nhà vật lí
Laura Bassi (1711–78), đã chào đời tại thành phố Bologna. Là một người
đương thời của nhà vật lí toán người Pháp Émilie du Châtelet, Bassi được
biết tới là một giáo viên và một nhà thực nghiệm. Sự nghiệp lâu năm, có
nhiều thành tựu của bà còn trùng với giai đoạn vật lí thực nghiệm phát
triển thành một ngành học riêng. Giống như Châtelet, Bassi được biết tới
trên toàn cõi châu Âu, và xa xôi đến tận nước Mĩ, là người phụ nữ am
hiểu Newton. Tuy nhiên, danh vọng chính thống mà bà nhận được đã khiến
bà thành nhà khoa học nữ tiêu biểu của thời đại của bà. Là người tốt
nghiệp đại học, là giáo sư được trả lương và là viện sĩ hàn lâm, Bassi
có lẽ là người phụ nữ đầu tiên từng ghi danh vào lịch sử với một sự
nghiệp khoa học đầy bản lĩnh.
Ví dụ, vào năm 1803, nhà thiên văn học
người Pháp Jérôme Lalande đã viết những dòng thán phục về Bassi, ông
nhắc lại cái lần ông gặp bà gần 40 năm trước đó. Than vãn về tình trạng
không trọng dụng phụ nữ làm khoa học ở nước mình, Lalande cho rằng
trường hợp Bassi là cái nước Pháp nên học hỏi. Lalande đã đến Bologna,
thành phố thứ hai thuộc hạt Papal, đến thăm những mái vòm, tranh khắc và
nhà thờ của nó và hòa mình vào không khí ẩm thực xứ Bologna. Nhưng cái
đáng nhớ trong chuyến đi của ông là cơ hội gặp gỡ vị nữ giáo sư danh
tiếng nhất Italy.
Bassi bắt đầu đứng lớp tại trường đại
học xưa nhất châu Âu vào tháng 12 năm 1732 và gặp gỡ bà là một điểm dừng
chân bắt buộc đối với bất kì nhà khoa học nào có điều kiện đi xuyên cựu
lục địa. Chẳng hạn, vào năm 1764, bác sĩ John Morgan – bạn của Benjamin
Franklin và là người sáng lập trường Cao đẳng Y khoa Philadelphia – đã
chứng kiến Bassi chứng minh các thí nghiệm lăng kính Newton trong phòng
thí nghiệm gia đình của bà ở Bologna. Ông nhận thức rõ rằng Bassi cùng
chồng của bà, Giuseppe Veratti, là những nhà thực nghiệm nhiệt liệt ủng
hộ lí thuyết lực hút và đẩy điện của Franklin. Morgan hứa kể cho ông bạn
nổi tiếng người Mĩ của ông rằng ông đã gặp họ ở Bologna.
Bologna là xứ sở trù phú và hiếu học,
nhưng nó cũng được gọi đùa là “thiên đường cho phụ nữ” vì truyền thống
có nhiều phụ nữ thành đạt. Bologna thời Trung cổ được cho là đã sản sinh
ra nhiều phụ nữ tiếng tăm; vào thời Phục hưng, Bologna là nơi có nhiều
nữ danh họa. Thật vậy, Bassi chỉ là người phụ nữ xếp thứ hai, từ bằng
chứng tư liệu mà chúng tôi có, từng nhận bằng đại học, vào ngày 17 tháng
4 năm 1732 – 5 năm sau khi Isaac Newton qua đời. (Người đầu tiên là
Elena Cornaro Piscopia, bà lấy bằng triết học từ trường Đại học Padua
vào năm 1678.)
Hầu như từ lúc bắt đầu, Bassi đã nổi lên
là một nhà vật lí thuộc trường phái Newton. Thơ ca được sáng tác để tán
dương cách Bassi giải thích thí nghiệm lăng kính nổi tiếng của Newton,
mô tả cách bà lí giải sự khúc xạ khi chiếu “ánh sáng bảy bậc” từ cái
bóng của Đại Anh quốc trên đất Italy. Tin tức thành công của bà lan tỏa
ngày càng xa rộng. Ở nước Anh và nước Pháp, người đọc các bản tin về
danh tiếng và sự công nhận trong giới học thuật của Bassi tự hỏi không
biết vì sao Italy lại trọng vọng phụ nữ có học thức như thế, trong khi ở
nước họ phụ nữ gần như bị gạt ra rìa. Ở nước Đức, các bài viết cổ vũ
nhà khoa học nữ đã truyền cảm hứng cho ít nhất là một ông bố nghĩ đến
khả năng con gái của ông sau này lớn lên sẽ làm một Bassi thứ hai. (Thật
vậy, Dorothea Erxleben đã trở thành người phụ nữ Đức đầu tiên lấy bằng
đại học, từ trường Halle vào năm 1754.)
Trong quãng đời sự nghiệp dài hạn và sôi
nổi của mình, Bassi có trong tay vô số danh hiệu giáo sư và viện sĩ hàn
lâm, bắt đầu với chức danh được bổ nhiệm là giáo sư “triết học phổ
thông” tại trường Đại học Bologna vào tháng 12 năm 1732. Sau đó, bà
giảng dạy vật lí thực nghiệm cho trường Collegio Montalto (1766–78) –
một trường nội trú dành cho sinh viên nhận học bổng từ Marches đến học
làm giáo sĩ ở Bologna – và rồi bà được ngồi vào chiếc ghế danh giá trong
khoa vật lí thực nghiệm thuộc Viện Bologna vào năm 1776, biến bà thành
một trong những người dạy vật lí giỏi nhất thuộc thế hệ của bà. Chàng
trai trẻ Alessandro Volta – người sau này là nhà phát minh của pin hóa
học – đã hăm hở gửi cho Bassi những ấn phẩm đầu tay của ông, hi vọng
giành được sự đồng thuận của bà dành cho công trình của anh.
Bức
chân dung chính thức của Laura Bassi với vai trò giáo sư đại học, được
khắc vào năm 1745 – vào năm Giáo hoàng Benedict XIV phong bà làm “tu sĩ
Benedict” thuộc Viện hàn lâm Khoa học Bologna. (Ảnh: Sheila
Terry/Science Photo Library)
Khởi đầu khiêm tốn
Danh tiếng lẫy lừng của Bassi lúc trưởng
thành khiến người ta quên mất xuất phát điểm tương đối khiêm tốn của
bà. Cha của bà là một luật sư, còn mẹ của bà, bà Rosa Maria Cesari, thì
thường xuyên ốm đau. Bassi lớn lên cùng với mớ sách vở của bố, và trong
những lần định kì đến nhà Bassi thăm bệnh cho mẹ của bà, vị bác sĩ riêng
của gia đình, Gaetano Tacconi, để ý đến đứa trẻ duy nhất của họ có vẻ
sáng dạ và giỏi tiếng Latin. Tacconi đã đề nghị ông bố Giuseppe để ông
làm gia sư dạy triết học cho cô bé – lúc ấy triết học là một môn học mà
mọi bác sĩ đều phải biết như một chuyên môn của họ. Nhờ đó, Bassi nhận
được sự dạy dỗ của ông tại nhà, bao gồm cả học vật lí Aristotle, Galileo
và Cartes.
Lúc Bassi đã là một thiếu nữ, Tacconi
cảm thấy đã đến lúc để người khác biết tới người học trò xuất sắc của
ông, giống như Henry Higgins đã giới thiệu Eliza Doolittle trong vở kịch
Pygmalion. Thật vậy, Bassi đã thành công vượt ngoài sự trông đợi
của ông – cái đã trở thành một nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai thầy
trò khi người học trò còn giỏi hơn cả thầy. Vào đầu năm 1732, hầu như
mọi người ở Bologna đều biết tới bà. Người ta tụ tập trong nhà của bà để
nghe tranh luận của cô gái 20 tuổi về mọi phương diện của lịch sử triết
học và vật lí học với các vị giáo sư và học giả hàng đầu của thành phố.
Thật vậy, đức giám mục Prospero Lambertini thành Bologna – người vốn
xem trọng những tài năng trẻ - đã đích thân cất công đến kiểm chứng rằng
Bassi thật sự giỏi đúng như những người hâm mộ của bà truyền tụng. Sự
ủng hộ của ông đã khai thông cho sự nghiệp khoa học của Bassi và vào
tháng 3 năm 1732 bà đã trở thành nữ viện sĩ đầu tiên của Viện Hàn lâm
Khoa học Bologna, cơ quan tương đương với những hội học thuật khác ví dụ
như Hội Hoàng gia Anh. Đó là bước đầu tiên tiến tới đài danh vọng với
tư cách là nhà khoa học nữ trong Thời đại Khai sáng.
Viện hàn lâm Bologna, cơ quan vẫn tồn
tại ngày nay, lúc đầu miễn cưỡng lấy Bassi làm một tiền lệ để công nhận
những phụ nữ khác. Họ xem việc bổ nhiệm bà làm viện sĩ là một chuyện
danh dự thuần túy và không trông đợi chuyện bà tham gia vào công việc
thường ngày của viện. Đây cũng là tình huống xảy ra với chỗ đứng của
Bassi ở trường đại học. Danh hiệu giáo sư của bà được phong riêng cho
bà, nằm ngoài số lượng nhân sự bình thường. Không có lần bổ nhiệm nào mà
không gây tranh cãi vì có quá nhiều nữ trí thức trẻ đang chờ những cơ
hội như thế. Việc tạo điều kiện cho họ, giống như bây giờ, luôn luôn eo
hẹp và một số đồng nghiệp nam lớn tuổi của bà – và thậm chí ít nhất là
một nữ trí thức khác – xem việc một người phụ nữ trẻ “luôn ở giữa cuộc
họp của những người đàn ông”, tranh luận những bí mật của tự nhiên với
họ, là chuyện không đúng đắn. Tuy nhiên, quan điểm của đức giám mục
Lambertini là những người phụ nữ có tài đáng được ưu tiên công nhận
trước, mặc dù huấn thị ghi rõ rằng Bassi chỉ thỉnh thoảng giảng một bài
khi cấp quản lí của bà yêu cầu “vì lí do giới tính”. Nghĩa là khi có
khách mời đặc biệt đến viếng, hoặc khi có những tranh luận nổi tiếng
trong công chúng Bologna về giải phẫu trong dịp lễ hội, hoặc khi trao
bằng cấp.
Người phụ nữ “hiểu được Newton” (Phần 2)
Viết bởi Trần Nghiêm
Thứ tư, 11 Tháng 9 2013 19:31
- Paula Findlen (Physics World, tháng 8/2013)
Laura Bassi là cái tên ít người
biết tới, nhưng bà là một trong những ngôi sao tỏa sáng của nền vật lí
Italy thế kỉ 18 – và có thể được xem là người phụ nữ đầu tiên theo đuổi
một sự nghiệp khoa học chuyên nghiệp.
>> Xem Phần 1
Chiến lược gây sốc
Nếu Bassi yên phận với cương vị của bà
như họ đã sắp xếp vào năm 1732, thì sẽ có ít chuyện để nói về cuộc đời
và sự nghiệp của bà. Tuy nhiên, ngay từ lúc bắt đầu, bà cảm thấy rằng bà
đã được trao một cơ hội đặc biệt để theo đuổi niềm đam mê tri thức và
dùng kiến thức của bà góp phần cải tạo xã hội. Không được tôn trọng
khiến bà bực dọc. Bassi lịch thiệp nhưng bà cực lực yêu cầu gỡ bỏ các
ràng buộc về giảng dạy của bà. Khi yêu cầu này bị bỏ qua, bà tập trung
sang một chương trình nghiên cứu nữa được vạch ra để tăng thêm giá trị
của bà với tư cách là một nhà khoa học. Bà khiến một số người bị sốc khi
yêu cầu cấp giấy phép cho đọc các quyển sách bị Giáo hội Thiên chúa La
Mã cấm đoán. Trong số này có nhiều tác phẩm được viết bởi các nhà khoa
học theo đạo Tin lành, cũng như các tác phẩm của Galileo và Descartes,
tất cả đều cần thiết cho những tham vọng của bà. Nhận ra những hạn chế
của nền học vấn ban đầu của bà, đặc biệt là không học qua toán cao cấp,
Bassi đã nghiên cứu giải tích cùng với Gabriele Manfredi. Bà còn học
việc với vị giáo sư vật lí thực nghiệm và hóa học của thành Bologna,
Jacopo Bartolomeo Beccari. Cả hai người họ đều là viện sĩ thuộc Hội
Hoàng gia và có tiếng tăm. Nền giáo dục hậu tốt nghiệp này của bà đã
trang bị cho bà những kĩ năng góp phần không nhỏ cho một chương trình
giảng dạy và nghiên cứu mới xuất hiện thuộc trường phái vật lí Newton
khi ấy vẫn đang phát triển.
Vào tháng 2 năm 1738, Bassi có một quyết
định thức thời khác nữa. Bà lấy bác sĩ và giáo sư Giuseppe Veratti,
người âu yếm gọi bà là Cara Laurinda. Khi một người bạn nói đùa
rằng rồi bà sẽ phải gặp ông chồng tương lai đang làm thí nghiệm lăng
kính của Newton trong phòng tối, sau những chỉ trích trước công chúng
bởi những nhà đạo đức học công nhiên nói huỵch toẹt rằng bây giờ bà đang
thám hiểm những bí ẩn của tự nhiên với thân xác thay vì với trí tuệ của
bà, Bassi đáp lại chua chát trong một bức thư mủi lòng bà gửi cho bác
sĩ Giovanni Bianchi vào năm 1738: “Tôi đã chọn một người cùng chí hướng
và, theo kinh nghiệm của tôi, tôi chắc chắn ông ấy sẽ không cản đường đi
của tôi.” Khi ấy bà có mang hai tháng đứa con đầu lòng trong số tám
người con của họ, chỉ có năm người con sống tới trưởng thành.
Bassi và Veratti đã cùng nhau nhiệt tình
xúc tiến một chương trình vật lí thực nghiệm Newton ở Bologna trong gần
nửa thế kỉ, đáp ứng nguyện vọng của nhau như một đối tác khoa học. Hôn
nhân của họ đã cho phép Bassi thường xuyên mời khách đến thảo luận các
vấn đề vật lí với bà mà không vi phạm những quy chế ràng buộc về công
việc giảng dạy của bà; nói chung, những người phụ nữ trẻ chưa lấy chồng
lúc ấy đều hành xử rất khuôn phép và chuyện bà thường ở một mình với đàn
ông trước khi lấy chồng đã gây ra không ít tai tiếng.
Dần dần, ngôi nhà của họ ở Via Barberia
đã có đầy những thiết bị cần thiết cho giảng dạy và thí nghiệm. Veratti
đã khảo sát mối liên hệ giữa y học, sinh lí học và điện động vật, tiến
hành các thí nghiệm truyền cảm hứng cho một số đồng nghiệp trẻ, trong đó
có Luigi Galvani, người sau này nổi tiếng với nghiên cứu về những cái
đùi ếch bị co giật vì điện. Ban đầu Bassi nghiên cứu các vấn đề cổ điển
khai thác học vấn mà bà đã được đào tạo là một nhà vật lí toán và đã
công bố các bài báo về những ngoại lệ cho định luật Boyle, cơ học và đo
tỉ trọng nước.
Nhưng rồi bà cảm thấy bản thân mình bị
thu hút hơn với những vấn đề liên quan đến kĩ năng thực nghiệm của bà:
bài toán khúc xạ, bản chất của lực điện và cuối cùng là thành phần của
không khí. Giá như những bài báo này còn lưu lại đến ngày nay, thì chúng
ta sẽ biết được rất nhiều điều về những đóng góp của bà cho mỗi ngành
học này. Tuy nhiên, cái rõ ràng là bà là một người nhiệt tình ủng hộ các
chương trình nghiên cứu theo phái Newton trong suốt thế kỉ 18, trong đó
bao gồm nghiên cứu của Stephen Hales, Benjamin Franklin và Joseph
Priestley. Bà là một nhà khoa học song hành sánh bước cùng thời đại mà
bà đang sống.
Tòa
nhà Archiginnasio ở Bologna, trước đây là tòa nhà chính của trường Đại
học Bologna, nơi Laura Bassi là vị nữ giáo sư đầu tiên của trường. Ảnh:
Shutterstock/vvoe
Không có tên trong danh sách
Vào năm 1745, người bảo trợ của Bassi,
Lambertini, khi ấy là Đức giáo hoàng Benedict XIV (1740–58), quyết định
cải tổ Viện hàn lâm Bologna bằng cách lập ra một tầng lớp viện sĩ gọi là
Benedictine. Những người được nhận vinh dự này sẽ được trả lương hằng
năm 50 lire, với nghĩa vụ là phải công khai nghiên cứu của họ mỗi năm.
Khi Bassi phát hiện bà không nằm trong số 24 Benedictine, bà đã viết thư
gửi đến Rome báo cáo thành tích của bà cho Giáo hoàng. Bassi khẩn khoản
đề nghị giáo hoàng công nhận bà là thành viên thứ 25 thuộc nhóm mới
này. Giáo hoàng Benedict XIV tán thành. Nhưng một lần nữa, các đồng
nghiệp nam giới của bà lại phải đối mặt trước thực tế không dễ chịu là
sự tham vọng của Bassi. Bà vẫn không thuyết phục được họ rằng bà đáng
được trao đầy đủ những đặc quyền đặc lợi của một viện sĩ trong nhóm, ví
dụ như quyền bỏ phiếu và quyền dự họp. Tuy nhiên, trước sự tôn trọng của
những người khác, các đồng nghiệp của Bassi biết rằng khát vọng của bà
là được tham gia đầy đủ vào công việc xúc tiến kiến thức khoa học ở
thành phố quê hương của bà. Họ cũng bắt đầu nhận thêm phụ nữ làm viện sĩ
danh dự của Viện hàn lâm Bologna, trong đó có Châtelet vào năm 1746 và
nhà toán học thành Milan Maria Gaetana Agnesi vào năm 1748. Trong một
thời đại mà cả Hội Hoàng gia London và Viện hàn lâm Khoa học Pháp đều
không nhận phụ nữ, thì Bologna đúng là thành phố của những người phụ nữ
làm khoa học.
Laura
Bassi nhận được nhiều danh vọng trong cuộc đời của bà, trong đó có tư
cách thành viên ở nhiều viện hàn lâm học thuật, các bài báo khoa học đề
tặng cho bà (ví dụ như một bài báo của Lazzaro Spallanzani, phía dưới
bên phải) và có cả một quyển thơ viết về bà (góc dưới bên trái). Ảnh:
Biblioteca dell’Archiginnasio
Vào năm 1749, Bassi chính thức mở
“trường tư thục” tại nhà. Khóa học tám tháng với những bài giảng mỗi
ngày “đi kèm với các thí nghiệm” đã mang lại cái mới mẻ và tiếng lành
càng đồn đi xa. Bassi giảng dạy sâu hơn cả trường đại học. Những chàng
trai trẻ đến từ khắp đất nước Italy và xa xôi đến tận Hi Lạp, Tây Ban
Nha và Đức lũ lượt kéo đến học với bà vì kĩ năng của bà kết hợp các
phương diện lí thuyết và thực nghiệm của vật lí học đã trở nên nổi
tiếng. Trong số họ có người họ hàng trẻ của bà tên là Lazzaro
Spallanzani, người bị phương pháp giảng dạy của Bassi thu hút đến mức
anh ta bỏ luôn lớp luật đang học và chuyển sang làm nhà thực nghiệm.
Spallanzani nhờ Bassi tham gia vào nghiên cứu của anh ta với tư cách một
giáo sư vật lí trẻ, mời bà xác nhận một số thí nghiệm của anh ta và đề
tặng tên bà trên bài báo công bố, anh gọi bà là “người thầy đáng kính”
của mình. Một đồng nghiệp trẻ khác đã khích lệ Bassi và Veratti xin làm
giáo sư ở Padua khi nhân sự bên đó có chỗ trống, hi vọng họ sẽ cùng ông
rời khỏi thành phố quê hương đến với trường viện đối thủ này. Tuy nhiên,
họ đã không theo đuổi lời đề nghị của ông.
“Vào thời của chúng tôi, vật lí thực
nghiệm đã trở thành một khoa học hữu ích và cần thiết như thế,” Bassi
khẳng định vào năm 1755, bà nói một cách tự hào rằng những bài giảng cá
nhân của bà có sức sống động hơn bất kì bài giảng nào khác của những
trường viện trả lương cho bà – nhưng lại không cho phép bà giảng dạy
trước công chúng. Hội đồng thành phố Bologna đánh giá rằng Bassi đã làm
được cái gì đó tốt hơn. Họ bật đèn xanh nhưng với một điều kiện: bà tiếp
tục mở lớp vật lí thực nghiệm của mình. Ở tuổi 44, Bassi cuối cùng đã
hoàn thành mục tiêu của bà là được tôn kính vì cái bà đã làm chứ không
phải vì địa vị của bà.
Đỉnh điểm của sự đánh giá này là Bassi
được bổ nhiệm làm giáo sư vật lí thực nghiệm thuộc Viện Bologna vào năm
1776, hai năm trước khi bà qua đời. Mặc dù danh vọng của bà không phải
là không chịu sự càu nhàu từ một số người – rằng bà luôn đòi hỏi nhiều
hơn quyền của bà – nhưng sự phản đối như thế khi ấy có vẻ khá vơi. Cuối
cùng thì các viện sĩ ở Bologna đã học được cách sống chung với nhà khoa
học nữ nổi tiếng nhất thế kỉ là đồng nghiệp của họ trong gần 45 năm
trời. Veratti đảm đương vai trò trợ lí của bà và họ đã cùng nhau đào tạo
đứa con út Paolo của họ làm người kế tục.
Di sản bền vững
Dù Bassi có nhiều thành tựu khoa học,
nhưng câu hỏi phát sinh tự nhiên là vì sao những đóng góp của bà ngày
nay lại ít được biết tới. Một lí do là chỉ có bốn trong số những bài báo
của bà có mặt trên bản in trong lúc bà còn sống hoặc sau khi bà qua
đời. Tuy nhiên, kho tư liệu thuộc Viện hàn lâm Bologna có một danh sách
gồm 32 bài báo nghiên cứu bà đã báo cáo thường niên từ năm 1746 đến
1777, thành quả từ bổn phận Benedictine của bà. Khi mọi người hỏi về
những bài báo của bà sau khi bà qua đời, Veratti tiếc thương cho biết vì
bà không có thói quen công bố, mà trông đợi quá nhiều từ công việc thực
tiễn hằng ngày nên bà không muốn đưa những ý tưởng của bà vào bản in
trên giấy.
Buồn thay, toàn bộ những bài báo chưa
công bố của bà, trừ một bài, đã thất lạc trong giai đoạn suy tàn của
triều Napoleon. Nhưng cho dù không có tư liệu này, chúng ta vẫn phải kết
luận rằng Bassi đã đóng góp cho sự tiến bộ của tri thức qua đàm thoại,
minh chứng, thực nghiệm và lí giải. Bà đã tạo ra những thành quả sinh
sôi, mặc dù chưa đáng cho một giải Nobel, nhưng chúng là thiết yếu cho
sự phát triển của khoa học. Bà nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của
kiểu người có thể làm sáng tỏ những chiều kích của khoa học thay vì một
khám phá lớn hay một nhận thức sâu sắc.
Niềm đam mê vật lí của Bassi phần nào là
niềm đam mê chung của cả cộng đồng đã lớn lên cùng với những khám phá
khoa học mới. Thế kỉ 18 ngập trong một thế giới ngoạn mục gồm những thí
nghiệm và những thiết bị tạo ra chân không và những thế giới không ma
sát, và có vẻ thách thức cả sức mạnh của trời đất bởi những chiếc máy
phát ra điện. Nhưng Bassi còn khăng khăng rằng một thí nghiệm mà không
có nền tảng toán học và triết lí đúng đắn thì chỉ biết có một nửa của
cái cần phải biết thôi.
Chồng của Bassi và cậu con trai Paolo
của họ tiếp tục triển khai chương trình giảng dạy vật lí thực nghiệm mà
bà đã làm cho nổi tiếng, cho đến khi những khó khăn tài chính buộc Paolo
phải bán đi các thiết bị vào năm 1818. Có cả một thế hệ thanh niên
thuộc thế kỉ 19 khi được hỏi đã có thể trả lời bằng câu “Tôi đã tốt
nghiệp trường Signora Dottoressa Laura Bassi”. Họ là nam sinh của một
thí nghiệm đặc biệt đã sản sinh ra nhà khoa học nữ duy nhất trước thế kỉ
19 có vai trò nổi trội trong việc thể chế hóa một ngành khoa học mới.
Đây một phần không nhỏ là nhờ vào khát vọng tha thiết của Bassi khai
thác cơ hội đã trao vào tay bà vào năm 1732 khi bà được cả thế giới tôn
vinh là người phụ nữ duy nhất ngoài Châtelet ra thật sự hiểu và giải
thích được nền khoa học Newton.
Tư liệu về Laura Bassi ngày nay
Khi Bassi qua đời vào tháng 2 năm 1778,
các đồng nghiệp đã mang quan tài của bà đến làm lễ tang trọng thể trước
nhà thờ Corpus Domini ở Bologna. Mộ bia bằng đá hoa do chồng và bốn
người con trai lập vẫn còn đến ngày nay, bên cạnh mộ của Luigi Galvani
và bà vợ Lucia Galeazzi. Mặc dù chữ khắc trên mộ bia đã phai mờ đi theo
năm tháng, nhưng bà không hoàn toàn bị lãng quên. Chân dung của Bassi
được treo trong Bảo tàng trường Đại học tại số 33, Via Zamboni, Bologna,
nơi người ta còn có thể xem một bộ phim tư liệu được sản xuất vào năm
2011: Laura Bassi, una vita straordinaria: O de l'aurata luce settemplice,
do Enza Negroni làm đạo diễn, và Valeria Consolo sản xuất, với sự cố
vấn của một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về Bassi, Marta Cavazza
thuộc trường Đại học Bologna, nhân dịp kỉ niệm 300 năm ngày sinh của bà.
Đồng thời, một kho tư liệu kĩ thuật số đã được lập bởi Biblioteca
Comunale dell'Archiginnasio di Bologna hợp tác với Thư viện trường đại
học Stanford công bố những bài báo của gia đình bà tại địa chỉ http://bassiveratti.stanford.edu.
Đây là những biểu hiện của sự tôn kính trước một nhà khoa học xuất sắc
có những đóng góp đã bị phần đông người ta quên lãng bởi vì bà hiếm khi
công bố kết quả nghiên cứu của mình.
- Tác giả Paula Findlen là giáo sư lịch sử Italy và là giám đốc Trung tâm Lịch sử và Triết học Khoa học tại Đại học Stanford, Mĩ. Bà đang viết một cuốn sách về Bassi và bà đã viết nhiều bài luận về phụ nữ trong buổi bình minh của lịch sử khoa học.
Trần Nghiêm dịch (Theo Physics World, tháng 8/2013)
Vui lòng ghi rõ "Nguồn Thuvienvatly.com" khi đăng lại bài từ CTV của chúng tôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét