Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 56

(ĐC sưutầm trên NET)

Những anh hùng của Tình báo quân sự Xô Viết

(Hồ sơ) - Nhân ngày truyền thống Tình báo quân sự Nga (GRU) ngày 5/11, xin giới thiệu với bạn đọc một số tình báo viên bất hợp pháp xuất sắc nhất.

    Lịch sử Tình báo quân sự Nga hiện đại bắt đầu từ ngày 05/11/1928 , khi Hội đồng quân sự nước cộng hòa ra sắc lệnh thành lập Cục đăng ký trực thuộc Bộ Tham mưu dã chiến Hồng quân – tiền thân của Tổng cục tình báo quân sự Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga ( GRU GSH- viết tiếng Nga : GRU – Tổng cục tình báo; GSH - Bộ Tổng tham mưu ) ngày nay . Sau đây là số phận của một số tình báo viên được coi là nổi tiếng nhất của GRU.
    Chứng minh thư của R.Giorge , trong đó có mục cho phép ông được mang súng  ngắn “Mauser” do OGPU cấp . Ảnh:RIA Novosti
    Chứng minh thư của R.Giorge , trong đó có mục cho phép ông được mang súng ngắn “Mauser” do OGPU cấp . Ảnh:RIA Novosti
    Richard Sorge
    R.Sorge – một trong những sỹ quan tình báo lỗi lạc nhất thế kỷ XX sinh năm 1885 gần Bacu ( thủ đô Azerbaizan hiện nay) trong một gia đình đông con mà cha là kỹ sư người Đức G.Vilhem Richard Sorge và mẹ là Nhina Kobeleva người Nga.
    Mấy năm sau khi Richard ra đời, gia đình ông chuyển về sống tại Đức và Richard lớn lên tại đây. R.Sorge tham gia vào cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất trên cả 2 mặt trận, phía Tây và phía Đông và nhiều lần bị thương.
    Sự tàn bạo của chiến tranh đã không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn thay đổi cả thế giới quan của ông. Từ một người yêu nước Đức nhiệt thành, R.Sorge đã trở thành một người Marxist thực thụ.
    Vào giữa những năm 20, sau khi chính quyền Đức cấm Đảng cộng sản hoạt động, R.Sorge chạy sang Liên Xô, sau khi cưới vợ và nhận quốc tịch Liên Xô ông bắt đầu làm việc cho Cơ quan của Quốc tế cộng sản.
    Năm 1929, Richard chuyển sang làm việc cho Cục Bốn Bộ Tham mưu Hồng quân (Tình báo quân sự). Trong những năm 30, ông được cử sang Trung Quốc (Thượng Hải) và sau đó là Nhật Bản với bình phong là một phóng viên Đức.
    Chính thời gian hoạt động tại Nhật Bản đã làm ông trở nên nổi tiếng. Trong rất nhiều bức điện được mã hóa gửi về Matxcova ông đã cảnh báo về việc Đức sắp tấn công Liên Xô, và sau đó cam đoan với I.Stalin là Nhật sẽ giữ lập trường trung lập với Liên Xô.
    Những thông tin trên đã cho phép Liên Xô vào thời điểm nguy cấp nhất điều các sư đoàn mới thành lập ở Xibiri sang bảo vệ Matxcova. Tháng 10/1941, Sorge bị cảnh sát Nhật nghi ngờ và bắt giữ.
    Cuộc điều tra tiến hành gần 3 năm. Ngày 7/11/1944 (cách đây tròn 70 năm), nhà tình báo Xô Viết này bị treo cổ tại nhà tù “Sugamo”, và 20 năm sau, ngày 5/11/1964, Richard Sorge được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
    Nhikolai Kuznhetsov
    Nhikanor (tên khai sinh) Kuznhetsov sinh năm 1911 trong một gia đình nông dân đông con ở Ural. Sau khi học xong khóa kỹ sư nông nghiệp tại Chiumen, ông trở về quê vào cuối những năm 20.
    Điều đặc biệt ở Kuznhetsov là ông có một năng khiếu rất hiếm có về ngôn ngữ, - đã tự mình học và sử dụng hoàn hảo 6 phương ngữ (tiếng địa phương) của Tiếng Đức. Sau đó Kuznhetsov làm việc tại các đội khai thác rừng, 02 lần bị khai trừ khỏi Đoàn thanh niên Komsomol, tiếp sau nữa tham gia tích cực vào phong trào “ tập thể hóa” và có lẽ vì thế nên đã được cơ quan an ninh NKVD (Bộ nội vụ- tức Bộ công an) để mắt tới.
    Từ năm 1938, sau mấy tháng ngồi tù tại nhà tù Sverdlovsk, Kuznhetsov trở thành nhân viên của Cơ quan trung ương NKVD. Dưới bình phong là một kỹ sư người Đức tại một nhà máy chế tạo máy bay tại Matxcova, ông đã thâm nhập thành công vào giới ngoại giao các nước tại Matxcova.
    Nhikolai Kuznhetsov trong quân phục sỹ quan Đức. Ảnh:TASS
    Nhikolai Kuznhetsov trong quân phục sỹ quan Đức. Ảnh:TASS
    Khi Chiến tranh vệ quốc bắt đầu, tháng 1/1942 Kuznhetsov được điều sang Cục Bốn NKVD – Cục này lúc đó do P. Sudoplatov làm cục trưởng, có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động biệt kích-tình báo trong hậu phương của Quân Đức.
    Từ tháng 10/1942, Kuznhetsov với giấy tờ tùy thân mang tên một sỹ quan Đức - nhân viên cảnh sát bí mật Đức P.Zibert đã hoạt động tình báo tại Tây Ukraine, trong đó có thành phố Rovno – trung tâm hành chính của chính quyền Đức tại Ukraine đang bị quân Đức chiếm đóng.
    Viên sỹ quan tình báo Liên Xô ( dưới vỏ bọc sỹ quan Đức) này thường xuyên tiếp xúc với các sỹ quan cao cấp Đức, các cơ quan tình báo Đức, các quan chức cao cấp nhất của chính quyền chiếm đóng và đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho các đội du kích tại hậu phương quân Đức.
    Chỉ trong nửa năm hoạt động, Kuznhetsov đã tự mình tiêu diệt được 11 viên tướng và quan chức cao cấp của chính quyền Đức tại đây, nhưng rất tiếc là dù đã rất nhiều lần mạo hiểm nhưng vẫn không ám sát được Viên toàn quyền Đức tại Ukraine nổi tiếng tàn bạo Erich Koch.
    Tháng 3/1944, trong một lần vượt chiến tuyến tại làng Boratin khu Lvov, nhóm đặc nhiệm của Kuznhetsov chạm trán với các chiến binh của Quân đội khởi nghĩa Ukraine. Trong cuộc đấu súng này, Kuznhetsov đã hy sinh.Ông được an táng tại nghĩa trang “ Đồi vinh quang” tại Lvov ( Ukraine).
    Ian Chernhiak
    Iankel  (tên khai sinh) Chernhiak sinh tại Chernov năm 1909 ( lúc đó vùng này đang là lãnh thổ của Đế chế Áo-Hung). Cha ông là một nhà buôn người Do Thái , còn mẹ người Hung gary.
    Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cả gia đình ông đã bị thiệt mạng trong các vụ đập phá và cướp bóc các cửa hàng của người Do Thái , còn ông được đưa vào trại mồ côi .
    Ông học cực giỏi, ngay khi còn học phổ thông đã thành thạo tiếng Đức, tiếng Rumani, tiếng Hung, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Sec và tiếng Pháp – đến những năm 20 thì đã có thể nói thứ tiếng trên chuẩn như tiếng mẹ đẻ, ngay người bản ngữ cũng không thể phát hiện được.
    Sau các khóa học ở Praha và Berlin, Chernhiak nhận bằng kỹ sư. Năm 1930, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lúc đó đã lên đến đỉnh điểm, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đức và được tình báo Xô Viết ( lúc này đang hoạt động dưới bình phong là đại diện của Quốc tế cộng sản) tuyển mộ.
    Khi được gọi vào Quân đội ( Đức), Chernhiak được phân công làm thư ký cho một trung đoàn pháo binh đóng quân tại Rumani. Tại đây ông chuyển cho Tình báo quân sự Xô Viết tin tức về các hệ thống vũ khí của quân đội các nước Châu Âu và 04 năm sau đó, ông trở thành tổ trưởng Tổ điệp báo Xô Viết tại Rumani.
    Ngay khi ông bị lộ ở Rumani, Tình báo quân sự Xô Viết đã nhanh chóng đưa ông về được Matxcova, tiếp đó Chernhiak vào học tại Trường tình báo của Cục Bốn (Cục tình báo) Bộ Tổng tham mưu Hồng quân. Đến lúc này ông mới học tiếng Nga và nhanh chóng sử dụng thành thạo ngôn ngữ mới này.
    Từ năm 1935 , trong vai một phóng viên của TASS (mật danh hoạt động “ Jen”) Chernhiak sang Thụy Sỹ. Thường xuyên đến nước Đức và đến nửa sau những năm 30 đã xây dựng được một lưới điệp báo cực mạnh mang mật danh “Crona”. Sau này phản gián Đức dù biết là có tồn tại một lưới điệp báo như vậy và tìm mọi cách nhưng vẫn không bắt được bất cứ một điệp viên nào của lưới điệp báo này.
    Cho tận đến thời điểm hiện tạị, trong số 35 điệp viên của “Crona” , người ta chỉ mới biết được 2 cái tên – một là nữ diễn viên được Hitler rất hâm mộ - Olga Chekhova (vợ của cháu đại văn hào Nga Chekhov) và tình nhân của chính J.Goebbels ( Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã) - ngôi sao điện ảnh trong bộ phim “ Cô gái trong mơ của tôi” là Marika Rokk.
    Ian Chernhiak. Ảnh: warheroes.ru
    Ian Chernhiak. Ảnh: warheroes.ru
    Các điệp viên của Chernhiak vào năm 1941 đã lấy được bản sao kế hoạch “ Barbaross”, còn trong năm 1943 – kế hoạch tác chiến chi tiết Chiến dịch tấn công của Đức tại Kursk. Chernhiak cũng đã chuyển về Liên Xô những thông tin kỹ thuật rất quý giá về các loại vũ khí mới nhất của Đức Quốc xã.
    Từ năm 1942, ông cũng đã gửi về Matxcova những tin tức tình báo về những nghiên cứu nguyên tử tại Anh. Mùa xuân năm 1945, Chernhiak được điều đến Mỹ với ý đồ là sẽ cài cắm vào làm việc cho dự án nguyên tử của Mỹ , nhưng do nhân viên mật mã phản bội nên buộc phải khẩn cấp quay về Liên Xô.
    Sau vụ này, ông hầu như không được giao nhiệm vụ hoạt động tình báo nào nữa mà chuyển làm chuyên viên cho GRU, sau đó làm phiên dịch cho TASS. Một thời gian nữa chuyển sang làm công tác giảng dạy, và đến năm 1969 thì được lẳng lặng cho về hưu và bị lãng quên.
    Mãi đến năm 1994, Tổng thống Nga mới ra sắc lệnh phong danh hiệu Anh hùng Liên Bang Nga cho ông vì “ vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng trong khi thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt”. Lúc này ông đã bị hôn mê sâu, đang nằm trong bệnh viện và tấm bằng cùng ngôi sao đỏ cao quý này được trao cho vợ ông. Hai tháng sau, ngày 19/2/1995, Ian Chernhiak qua đời , rất tiếc đã không biết được rằng là Tổ quốc vẫn còn nhớ tới ông .
    Anatoli Gurevich
    Một trong những nhà lãnh đạo tương lai của nhóm điệp báo “ Krasnaia Kapella” nổi tiếng sinh năm 1913 trong một gia đình dược sỹ tại Kharkov (Ukraine) . 10 năm sau đó gia đình Gurevich chuyển đến Petrogad (nay là Xanh Peterburg). Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Anatoli vào nhà máy “Ngọn cờ lao động số 2” làm thợ học việc đánh dấu các thanh kim loại (để cắt) và nhanh chóng trở thành lãnh đạo của cơ quan phòng thủ dân sự của nhà máy  kiểu như tự vệ ở ta).
    Sau đó vào học tại Trường đại học du lịch và bắt đầu chuyên tâm học các khóa ngoại ngữ. Khi xảy ra nội chiến ở Tây Ban Nha năm 1936, Gurevich đến Tây Ban Nha với vỏ bọc là chiến sỹ tình nguyện và làm phiên dịch cho Cố vấn trưởng Xô Viết tại Tây Ban Nha Grigori Shtern. Tại Tây Ban Nha ông được cấp giấy tờ tùy thân mang tên trung úy Hải quân nước Cộng hòa Tây Ban Nha Antonio Gonsales.
    Khi quay trở về Liên Xô, Gurevich được cử đi học tại Trường tình báo và sau khi tốt nghiệp đóng vai công dân U-ru-goay Vinsent Sierra đến Brussel hoạt động dưới sự chỉ đạo của tổ trưởng tổ điệp báo của GRU tại đây là Leopold Trepper.
    Anatoli Gurevich. Ảnh: albom gia đình
    Anatoli Gurevich. Ảnh: albom gia đình
    Không lâu sau đó, do vẻ bề ngoài Do Thái quá rõ nét nên (L.Trepper là người Do Thái) nên ông này phải khẩn cấp rời Brussel, còn lưới điệp báo “ Krasnaia Kapella” được giao lại cho A.Gurevich phụ trách – lúc này mang mật danh “Kent”. Tháng 3/1940, “Kent” báo cáo về Matxcova về việc nước Đức phát xít chuẩn bị tấn công Liên Xô.
    Tháng 12/1942 Mật vụ Đức bắt được “Kent” và ông bị đích thân trùm “Gestapo” là Muller thấm vấn. Tuy nhiên, “Kent” không bị tra tấn và hành hạ như những người khác mà còn được Muller đề nghị tham gia vào “ trò chơi vô tuyến” để cài bẫy tình báo Liên Xô.
    Ông đồng ý tham gia vì biết cách thông báo cho Trung tâm biết là mật mã của ông đang bị kiểm soát. Nhưng các chuyên gia ở Trung tâm do thiếu chuyên nghiệp nên không nhận ra các tín hiệu báo động của Gurevich. Tuy nhiên, Gurevich không khai ra bất cứ ai trong lưới điệp báo của mình, còn Gestapo thì thậm chí không biết tên thật của ông.
    Năm 1945, ngay sau khi trở về từ Châu Âu, Gurevich bị SMERSH (Cơ quan phản gián Xô Viết – viết tắt; SMER ( smert - cái chết); SH( spion – gián điệp – Bọn gián điệp phải chết ) bắt. Tại Lubianka (Trụ sở KGB) ông bị tra tấn và hỏi cung suốt 16 tháng. Đích thân tướng Abakumov (người đứng đầu SMERSH” ) tham gia các cuộc tra tấn và hỏi cung Gurevich.
     Một cuộc họp đặc biệt của Bộ an ninh Liên Xô đã tuyên Gurevich 20 năm tù vì tội “ phản bội tổ quốc”. Người thân trong gia đình được thông báo là Gurevich “ mất tích trong một hoàn cảnh không rõ ràng và vì thế (gia đình) không được quyền hưởng các ưu tiên”.
    Mãi đến năm 1948, cha của Gurevich mới biết là con trai của mình đang còn sống. Trong suốt 10 năm sau đó “Kent” bị giam ở các nhà tù khác nhau ở Vorkutin và Mordova.
    Sau khi ra tù, mặc dù Gurevich rất nhiều lần khẩn khoản đề nghị xem xét lại vụ án và trả lại danh dự cho ông nhưng tất cả các nguyện vọng trên đều bị từ chối. Ông sống rất nghèo khổ trong một căn hộ nhỏ tồi tàn ở Leningrat (nay là Xanh Peterburg), và số tiền lương hưu còm chủ yếu dùng để mua thuốc.
    Tháng 7/1991, lẽ công bằng đã chiến thắng – viên sỹ quan tình báo Xô Viết bị nguyền rủa và lãng quyên này đã được giải oan và phục hồi danh dự. Gurevich mất tại Xanh Peterburg tháng 1/2009.
    • Lê Hùng (Nguồn “Russkaia Planeta”, ngày 5/11/2014) 
       
      Cuộc chiến ngầm trong Chiến tranh thế giới thứ hai
      QĐND - Thứ hai, 04/05/2015 | 9:6 GMT+7
      QĐND - LTS: Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, đã có nhiều tài liệu về cuộc chiến khốc liệt này được giải mật và công bố. Một trong số đó là bộ phim tài liệu Bão táp Xô-viết (Soviet Storm), được công chiếu trên truyền hình Nga năm 2011. Không chỉ mô tả chân thực chặng đường dài của quân và dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít, bộ phim còn có một tập mô tả kỹ lưỡng một thế hệ điệp viên Xô-viết dũng cảm và mưu trí -những người đã góp công không nhỏ vào chiến thắng của “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”.
      Kỳ 1: Vạn sự khởi đầu nan
      Khi An-đóp Hít-le (Adolf Hitler) xua quân xâm lược Liên Xô vào tháng 6-1941, mạng lưới điệp viên Xô-viết ít nhiều bị xáo trộn. Thực tế cho thấy, phát-xít Đức đã có bước khởi đầu lấn lướt hơn trên mặt trận tình báo. Tuy nhiên, lực lượng tình báo Liên Xô đã nhanh chóng phản công.
      Chiến sĩ Hồng quân Liên Xô báo cáo kết quả trinh sát tại mặt trận năm 1941. Ảnh: Corbis
      Chiếc va-li của Tùy viên hải quân Liên Xô
      Ngày 21-6-1941, một đoàn tàu tốc hành từ Béc-lin cập ga Belorussia ở Mát-xcơ-va. Trên tàu có Mi-khai-in Vô-rôn-xốp (Mikhail Vorontsov), Tùy viên hải quân của Đại sứ quán Liên Xô ở Béc-lin, với một chiếc va-li cột chặt vào tay. Hai ngày trước đó, M.Vô-rôn-xốp nhận được điện tín khẩn lệnh cho anh phải trở về Mát-xcơ-va ngay lập tức. Một toán hộ tống đón anh trên sân ga, gồm một cán bộ của Bộ Dân ủy nội vụ đi cùng hai sĩ quan an ninh.
      Bên ngoài sân ga, một chiếc ô tô đang đợi sẵn. M. Vô-rôn-xốp nhanh chóng được đưa vào ghế sau ngồi giữa hai sĩ quan an ninh. Đó cũng là lần đầu tiên M. Vô-rôn-xốp được thư giãn kể từ khi rời Béc-lin. Chiếc va-li của anh giờ cũng đã thuộc trách nhiệm quản lý của người khác.
      Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân, M. Vô-rôn-xốp được điều động về vùng Viễn Đông và tại đó anh phát triển lên làm Phó tham mưu trưởng Hạm đội Thái Bình Dương. Năm 1939, anh được điều chuyển tới Béc-lin làm Tùy viên hải quân Liên Xô.
      Chiếc xe dừng lại bên ngoài lối vào Điện Crem-li. 10 phút sau, M.Vô-rôn-xốp bước vào văn phòng của nhà lãnh đạo Xta-lin (Stalin). Trong số các tài liệu anh đem về từ Béc-lin, có bản sao một điện tín mà anh được Tùy viên hải quân Thụy Điển tại Béc-lin đưa cho. Điện tín có nội dung: “Đề nghị chính thức của Béc-lin đề cập tới tuyến di chuyển của tàu chiến và máy bay Thụy Điển ở biển Ban-tích sau ngày 22-6-1941, để tránh va chạm trong trường hợp có chiến tranh với Liên Xô”.
      Thời đó, công tác tình báo nước ngoài của Liên Xô được thực hiện bởi mạng lưới các điệp viên nằm vùng. Hoạt động tình báo Xô-viết được tiến hành cả kênh hợp pháp thông qua các điệp viên có hộ chiếu Xô-viết, làm nhiệm vụ "kép" tại các cơ quan đại diện của Liên Xô ở nước ngoài với vỏ bọc là một quan chức ngoại giao, lái xe hay chuyên viên kỹ thuật, lẫn bất hợp pháp qua các điệp viên dùng giấy tờ giả. Mỗi thành viên của một mạng lưới điệp viên nằm vùng đều có nhiệm vụ riêng biệt. Một điệp viên chuyên tuyển dụng và điều hành các điệp viên địa phương, một điệp viên khác chịu trách nhiệm về điện đài, một người nữa làm liên lạc viên chuyển tài liệu và một người điều phối toàn bộ các hoạt động của nhóm. 
      Sau khi  Hít-le lên nắm quyền ở Đức, Liên bang Xô-viết đã thấy rõ quốc gia nào là mối đe dọa lớn nhất với mình. Do đó, nhiều điệp viên Xô-viết được đưa vào Đức để thu thập thông tin về tiềm năng quân sự và mưu đồ của phát-xít Đức. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra năm 1939, số mạng lưới điệp viên nằm vùng của Liên Xô ở Đức tăng tới 50%. Những mạng lưới tương tự cũng hoạt động ở Bỉ, Anh, Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp, Nhật, Bun-ga-ri và Nam Tư.
      Tháng 6-1941, cơ quan Tình báo Quân sự Trung ương của Liên Xô đã tuyển dụng được 914 người ở nước ngoài, 316 trong số đó làm cộng tác viên với các mạng lưới điệp viên hợp pháp, còn 598 người là hoạt động bất hợp pháp. Thậm chí, ngay cả nhà lãnh đạo Xta-lin cũng chỉ biết phần lớn những người này qua mật danh. Bản thân ông cũng có quá đủ kinh nghiệm về hoạt động bí mật để hiểu rằng, tên của một điệp viên bị đề cập càng nhiều lần thì anh ta càng gặp nhiều nguy hiểm.
      Mất liên lạc
      Kể từ mùa thu năm 1940, ngày càng có nhiều báo cáo cảnh báo về việc phát-xít Đức tập trung quân dọc biên giới với Liên Xô. Tình báo quân sự Xô-viết nỗ lực tìm câu trả lời cho câu hỏi: Liệu Hít-le có tấn công và nếu có thì khi nào? Các báo cáo tới tấp cung cấp những thời điểm khác nhau về cuộc xâm lược Liên Xô của phát-xít Đức. Ban đầu họ cho rằng, nó sẽ diễn ra vào tháng 3 hay tháng 4-1941. Sau đó có báo cáo nói rằng, cuộc tấn công được hoãn đến mùa hè và tùy thuộc vào việc nước Anh có đầu hàng hay không. Rồi lại có tin mới toanh rằng sẽ hoãn đến năm 1942. Tình hình còn phức tạp thêm bởi trên thực tế, người duy nhất biết chính xác dự tính của Hít-le chỉ có… chính Hít-le. Ông ta chỉ ký lệnh thông qua chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô ngày 10-6-1941, 12 ngày trước giờ thực hiện. Đến ngày 18-6, Mát-xcơ-va mới bắt đầu nhận được báo cáo từ điệp viên K: “Các đơn vị lục quân Đức đang chuẩn bị chuyện gì đó rất lớn. Rõ ràng không phải chuyện vài tháng hay vài tuần mà là vài ngày nữa thôi”.
      Nhưng dù có cảnh báo, tình báo Xô-viết vẫn không thể khẳng định chính xác điều gì, kể cả bức điện tín mà M.Vô-rôn-xốp mang về Mát-xcơ-va. Chiến dịch Barbarossa đã bắt đầu, nhưng Liên Xô vẫn chưa thực sự chuẩn bị sẵn sàng.
      Trong những ngày đầu của chiến tranh, mọi mạng lưới điệp viên hợp pháp của Liên Xô tại Đức, các đồng minh của Đức và tại những nước bị phe Trục chiếm đóng đều bị chấm dứt hoạt động và tất cả nhân viên đại sứ quán đều bị trục xuất về Liên Xô. Tình báo quân sự Xô-viết mất liên lạc với các điệp viên ở 11 nước châu Âu. Số điệp viên còn lại không ít, nhưng nếu không thể liên hệ được với Mát-xcơ-va, xem ra họ chẳng còn hữu ích là mấy.
      Các điệp viên Liên Xô hoạt động ở nước ngoài không có đủ điện đài hay điện đài viên giỏi. Máy điện đài của họ cũng rất cồng kềnh và thiếu tin cậy, thậm chí thiếu cả ắc quy. Tầm hoạt động của các điện đài này là không quá 1000km, tức là tín hiệu chỉ truyền đến được miền Tây Liên Xô và không đủ mạnh để truyền tới Mát-xcơ-va, chứ đừng nói tới Cui-bi-sép (Kuibyshev), nơi Tổng hành dinh của Cơ quan tình báo quân sự trung ương được sơ tán tới.
      Hơn nữa, mật mã và bảng mã khóa tình báo Xô-viết sử dụng hồi đầu chiến tranh rất phức tạp và khó dùng. Ngay cả những tin nhắn đơn giản nhất cũng phải mất khá nhiều thời gian để mã hóa và giải mã. Tín hiệu chuyển đi cũng dễ bị đối phương bắt được. Phản gián Đức tuần tiễu khắp thành phố với thiết bị dò hướng để định vị điện đài. Ngay khi xác định được nơi đặt điện đài, lực lượng mật vụ sẽ bao vây và xông vào bắt điện đài viên.
      Và thế là phản gián Đức đã khiến các điệp viên Xô-viết gần như không thể liên lạc trực tiếp với Mát-xcơ-va. Nhưng tình thế đã dần thay đổi nhờ sự đáp trả kịp thời của tình báo Xô-viết.
      ĐẶNG LÂM VŨ

      Kỳ 2: Những người đảo ngược cuộc chơi
       
      QĐND - Thứ ba, 05/05/2015 | 10:39 GMT+7
      QĐND - Việc liên lạc trực tiếp với phần lớn số điệp viên Xô-viết trước chiến tranh chỉ được nối lại vào năm 1945 khi Hồng quân tiến vào Đông Âu. Một trong những cách liên lạc mang tính đối phó tạm thời là thông qua những người đưa tin để chuyển đi các thông tin tối quan trọng.
      Bẻ mã
      Nếu như ở thời bình, người đưa tin có thể đi lại khắp châu Âu, thì trong thời chiến mọi chuyện lại khác hẳn. Họ không chỉ đối mặt với nguy cơ bị Gestapo (Cơ quan Mật vụ của Đức Quốc xã) bắt giữ, mà còn có thể bị thiệt mạng bởi "tên bay đạn lạc".
      Trong khi đó, tại Trung Quốc và Nhật Bản, các điệp viên Xô-viết vẫn hoạt động tích cực. Một vài điệp viên nằm vùng bất hợp pháp tiếp tục hoạt động trong vùng tạm chiến ở Pháp, Bỉ và Hà Lan. Tình báo Xô-viết cũng vẫn khá hiệu quả ở Mỹ, Anh và các quốc gia trung lập như Thụy Điển và Thụy Sĩ.
      Điệp viên huyền thoại Ri-chác Xo-gây. Ảnh: historynet.com
      Tháng 7-1941, tức là ba tuần sau khi phát-xít Đức tấn công Liên Xô, nhìn bên ngoài, kho trữ cá gần bến cảng ở thủ đô Xtốc-khôm (Thụy Điển) vẫn trông bình thường như những tòa nhà xung quanh. Nhưng bên trong đó lại chứa đựng một bí mật. Đây là trụ sở của Ban Mã hóa và Giải mã của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Thụy Điển. A-lanh Ni-blát (Allan Nyblad), một người đưa tin của Bộ Chiến tranh Thụy Điển đang cân nhắc phải làm gì. Ông được Bộ Tổng tham mưu tin tưởng giao cho nhiệm vụ chuyển đi các giấy tờ khẩn cấp và quan trọng nhất. A-lanh Ni-blát là người tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc và chỉ trao "gói hàng" của mình tận tay người nhận theo lệnh, điều đó đã gây được ấn tượng mạnh với Bộ trưởng Chiến tranh Thụy Điển. Tuy nhiên, chính quyền Thụy Điển không biết rằng, A-lanh Ni-blát làm việc cho tình báo Liên Xô.
      Khi ấy, để thuận tiện cho việc đi lại, xe đạp của người đưa tin được gắn biển số đặc biệt, tức là sẽ không bị cảnh sát địa phương chặn lại. Một hôm, sau khi nhận được "gói hàng" phải gửi đến Bộ Tổng tham mưu, A-lanh Ni-blát đạp xe qua một khu nhà kho yên tĩnh rồi đột ngột ngoặt vào một ngõ vắng vẻ. Sau khi chắc chắn không bị ai theo dõi, ông tháo biển số xe đặc biệt ra và thay bằng biển xe thường. Ông đến một ngôi nhà hai tầng rồi bước vào gặp Xê-mi-ôn Xta-rô-xtin (Semyon Starostin), điệp viên Xô-viết mật danh “Kent". Vỏ bọc của X.Xta-rô-xtin bao gồm chức danh giám đốc một công ty tổ chức du lịch tại Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch và trưởng đại diện hãng hàng không quốc gia Liên Xô Aeroflot. Tháng 11-1941, ông quay về Liên Xô khi một "chân rết" của ông bị bắt.
      Khi tất cả các tài liệu do A-lanh Ni-blát mang đến đã được chụp xong, X. Xta-rô-xtin bỏ hết giấy tờ vào một phong bì mới. Ông có trong tay rất nhiều con dấu của các cơ quan Thụy Điển để gửi phong bì đi trót lọt. Nhờ mạng lưới của điệp viên “Kent”, Mát-xcơ-va nhận được báo cáo hằng ngày về hoạt động của địch dọc khắp tuyến mặt trận phía Đông do người Thụy Điển vẫn theo dõi phía phát-xít Đức và đã “bẻ mã” được họ. Năm 1940, Thụy Điển nghi ngờ phát-xít Đức có kế hoạch xâm lược nước mình. Xtốc-khôm tìm cách phát hiện trước ý đồ của Hít-le. Chỉ trong vòng 2 tuần cặm cụi với độc bút chì và giấy, Giáo sư toán học người Thụy Điển A-nơ Bơ-linh (Arne Beurling) đã bẻ được mật mã quân sự và ngoại giao của phát-xít Đức. Điều này cho phép Thụy Điển giải được các liên lạc đã mã hóa của phát-xít Đức và với điệp viên "Kent", tất cả những gì người Thụy Điển biết thì Mát-xcơ-va cũng biết.
      Tháng 1-1942, A-lanh Ni-blát bị phía Thụy Điển bắt và bị kết án 12 năm tù khổ sai. Nhưng đến lúc đó, Mát-xcơ-va đã có được thông tin làm cách nào Thụy Điển bẻ được mật mã của Đức. Đến tháng 6 năm đó, khi Đức phát hiện ra Thụy Điển đã bẻ được mật mã, phía Liên Xô cũng đã có thể tự bẻ khóa được hệ mã mới của Đức.
      Nguồn tin vô giá về toan tính của Nhật Bản
      Ngày 18-10-1941, quan hệ Nhật Bản và Liên Xô đang trong trạng thái "hòa hoãn đầy căng thẳng". Rạng sáng hôm đó, cơ quan phản gián Nhật Bản mở một chiến dịch vây bắt mạng lưới điệp viên Liên Xô. Một trong những người bị bắt là Ri-hác Gioóc-gơ (Richard Sorge). Trong khi Ri-hác Gioóc-gơ bị đưa đi, căn hộ của ông bị lục soát kỹ lưỡng. Tại đây, mật vụ Nhật tìm thấy những tài liệu buộc tội ông như máy ảnh và một xấp ảnh chụp tài liệu.
      Ri-hác Gioóc-gơ sinh ra tại Đông Nam nước Nga, nhưng ngay từ bé ông đã cùng gia đình chuyển tới sống ở Đức. Sau khi chiến đấu trong quân đội Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Ri-hác Gioóc-gơ trở thành một người Cộng sản nhiệt thành và đến Mát-xcơ-va. Tại đây, ông được tình báo quân sự Xô-viết tuyển dụng rồi gửi trở lại Đức dưới vỏ bọc nhà báo và cảm tình viên Quốc xã. Điều này đã đem lại nhiều thuận lợi cho ông cho đến tận tháng 10-1941, khi ông bị người Nhật bắt. 3 năm sau đó, Ri-hác Gioóc-gơ bị treo cổ. Đến năm 1964, ông được truy tặng phần thưởng Nhà nước cao quý nhất là danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
      Mạng lưới của Ri-hác Gioóc-gơ bao gồm 32 điệp viên người Nhật Bản, 4 người Đức, 2 người Nam Tư và 1 người Anh, trong đó đáng chú ý có điện đài viên người Đức Bru-nô Oen-tơ (Bruno Wendt), nhà báo người Nam Tư Bran-cô Vu-kê-lích (Branko Vukelic) và nhà báo người Nhật Bản Hát-xu-mi Ô-da-ki (Hatsumi Ozaki), một cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Cô-nô-ê (Konoe). Một nguồn tin đáng giá khác của mạng lưới là Ơ-gơn Ốt (Eugen Ott), Đại sứ Đức tại Nhật Bản và là một trong những người “đặt trọn niềm tin” vào Ri-hác Gioóc-gơ.
      Việc Ri-hác Gioóc-gơ bị bắt và nhóm của ông bị phát hiện là tổn thất nặng đối với tình báo Liên Xô. Ông là một nguồn tin vô giá về các toan tính của Nhật Bản và Đức tại Viễn Đông. Chiến công lớn nhất của Ri-hác Gioóc-gơ là xác minh được việc Nhật Bản không có kế hoạch tấn công Liên Xô trong năm 1941 như ban lãnh đạo Liên Xô lo ngại. Tháng 9-1941, từ Tô-ki-ô, ông gửi về một điện tín với nội dung: “Theo lời Ô-da-ki (Ozaki), Bí thư Nội các, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ không có hành động chống Liên Xô trong năm nay nhưng quân đội vẫn đóng ở Mãn Châu để có thể tấn công vào mùa Xuân tới nếu Liên Xô bị Đức đánh bại. Sau ngày 15-9, vùng Viễn Đông của Liên Xô có thể được xem là an toàn, không bị Nhật tấn công”.
      Thông tin vô cùng quan trọng này đến vào lúc quân Đức vừa tung đòn tấn công tổng lực vào Mát-xcơ-va. Nó cho phép Bộ Tổng tham mưu quân đội Xô-viết rút nhanh 32 sư đoàn từ Xi-bê-ri (Sibiri) và Viễn Đông về cứu nguy cho thủ đô Liên Xô. Ngày 5-12-1941, các sư đoàn này dẫn đầu cuộc tổng phản công đẩy quân Đức lùi xa khỏi cửa ngõ Mát-xcơ-va. Đó là một chiến thắng quan trọng mang công lớn của Ri-hác Gioóc-gơ. 
      ĐẶNG LÂM VŨ
      Kỳ 3: “Dàn nhạc Đỏ”
       Kỳ 1: Vạn sự khởi đầu nan

      Kỳ 3: “Dàn nhạc Đỏ”
      QĐND - Thứ tư, 06/05/2015 | 9:17 GMT+7
      QĐND - Ngày 13-9-1943, một xe ô tô chở hai người khách dừng trước một hiệu thuốc tại Pa-ri. Lần lượt, hai người rời xe bước vào. Chợt có tiếng hô lớn: “Hắn chạy thoát qua cửa sau. Phải phong tỏa ngay khu vực này”…
      Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường
      Người chạy trốn là Lê-ô-pôn Chép-pơ (Leopold Trepper), điệp viên Xô-viết đã đồng ý về làm việc cho phát-xít Đức trước đó vài tuần. Đám người Đức tức tối lùng sục khắp thành phố…
      Ngay từ năm 1938, Lê-ô-pôn Chép-pơ đã lập ra một mạng lưới tình báo Xô-viết rất mạnh ở  Bỉ, Hà Lan, Pháp và I-ta-li-a. Danh sách khoảng 300 thành viên của mạng lưới này luôn được ông cất giữ trong đầu. Thông qua nhóm của Lê-ô-pôn Chép-pơ, Liên Xô cũng nhận được tin tình báo từ Ru-đôn-phơ Rô-xlơ (Rudolf Rossler), mật danh "Lucy".
      Du kích Liên Xô chiến đấu trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ảnh: corbisimages.com
      Là người Đức định cư tại Thụy Sĩ, Ru-đôn-phơ Rô-xlơ làm việc cho tình báo Xô-viết vì lý tưởng. Ông được coi là một trong những điệp viên giá trị nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ru-đôn-phơ Rô-xlơ từng cung cấp cho Liên Xô tin tức quan trọng về chiến dịch ở vòng cung Cuốc-xcơ của phát-xít Đức năm 1943. Nguồn tin riêng của Ru-đôn-phơ Rô-xlơ cho đến thời điểm hiện tại vẫn là một ẩn số. Tại phiên tòa quốc tế Nu-rem-be sau chiến tranh, Tham mưu trưởng chiến dịch của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Đức Quốc xã (OKW) An-phrết Giô-đơ (Alfred Jodl) nói rằng thông tin về Chiến dịch Cuốc-xcơ đến tay Mát-xcơ-va trước cả khi nằm trên bàn của ông ta. Sau chiến tranh, Ru-đôn-phơ Rô-xlơ tiếp tục cung cấp cho Liên Xô thông tin thu thập được về Tây Đức, khiến ông bị bắt và chịu án 1 năm tại Thụy Sĩ. Ông qua đời chẳng bao lâu sau khi được thả vào năm 1958.
      Trở lại với câu chuyện về Lê-ô-pôn Chép-pơ, sau khi bị bắt, mạng lưới của ông đã bị phản gián Đức đánh sập gần như hoàn toàn. Ở Béc-lin, các điện báo viên Liên Xô được gọi là những "nghệ sĩ dương cầm". Mạng lưới của Lê-ô-pôn Chép-pơ liên quan đến ít nhất 10 "nghệ sĩ dương cầm", bởi vậy còn có mật danh là “Dàn nhạc Đỏ”. Phản gián Đức đã ép được một số điện báo viên của “Dàn nhạc Đỏ”, bao gồm cả Lê-ô-pôn Chép-pơ, gửi tin giả về cho Mát-xcơ-va. Phía Liên Xô không chỉ tin vào tin giả mà còn đề nghị cung cấp thêm. Sau khi trốn thoát, Lê-ô-pôn Chép-pơ, với sự giúp đỡ của những người Cộng sản Pháp, đã tìm cách báo về Mát-xcơ-va rằng mạng lưới của mình đã bị khống chế. Thông tin nhận được từ các điện báo viên đó cuối cùng đã được hiểu theo đúng bản chất.
      Tháng 11-1944, hai điệp viên Xô-viết tiến hành theo dõi 24/24 giờ đoạn bờ biển Na Uy: “Phía chân trời thấy có khói. Một thiết giáp hạm. Thêm mấy khu trục hạm. Tốt. Ghi lại. Ta cần gửi điện tín về”. 12 tiếng sau, một sĩ quan tham mưu bước vào phòng của Trưởng ban Tình báo Hải quân Mi-khai-in Vô-rôn-xốp, báo cáo. “Máy bay trinh sát xác nhận có tàu trong khu vực đó”, viên sĩ quan nói. “Các anh có thấy chiếc Tirpitz không? Người Anh đang tìm cách diệt nó suốt 3 năm nay. Hãy cho đồng minh của chúng ta thêm một cơ hội. Báo ngay cho người Anh tọa độ của chiếc thiết giáp hạm”, Mi-khai-in Vô-rôn-xốp ra lệnh.
      Tirpitz là một trong vài phương tiện chiến tranh uy lực của Hải quân Đức. Mặc dù khi đó (tháng 11-1944), vai trò của Tirpitz đã khá mờ nhạt trong cuộc chiến, nhưng sự có mặt của chiến hạm này ở bờ biển Na Uy vẫn đe dọa các đoàn vận tải từ Biển Bắc đến Liên Xô và ghìm chân một số lượng đáng kể tàu chiến Anh. Ngày 12-11-1944, các máy bay ném bom Lancaster của Anh bay đến vịnh Tromso ở Na Uy. Người Đức không hay biết gì về cuộc không kích sắp diễn ra. Hai quả bom khổng lồ Tallboy đã rơi trúng mạn trái của Tirpitz, tạo một lỗ lớn trên vỏ tàu. Khi nước tràn vào, chiếc Tirpitz nặng nề nghiêng dần rồi lật úp. Tirpitz bị đánh chìm khiến 1000 trong số 1.700 thủy thủ đoàn thiệt mạng. Đó là chiếc đinh cuối cùng đóng lên cỗ quan tài của Hải quân Hít-le.
      Kể từ mùa hè năm 1941, Liên Xô đã có điệp viên cài cắm tại Na Uy, bao gồm các đơn vị thu thập tin tức tình báo cho Hạm đội Bắc Hải. Họ cũng tuyển dụng "chân rết" từ cộng đồng người bản địa và cộng tác với quân kháng chiến Na Uy. Một số điệp viên Na Uy được gửi tới trại huấn luyện Xô-viết. Tại đó, họ được hướng dẫn cơ bản về liên lạc điện đài và thu thập tin tình báo. Điệp viên sau đó được đưa về Na Uy bằng tàu ngầm. Khi màn đêm buông xuống, họ sẽ đổ bộ xuống một bờ biển hẻo lánh. Nhiệm vụ của các điệp viên là theo dõi các đồn, bốt, hoạt động chuyển quân và tiếp vận của Đức. Họ cũng được lệnh tìm kiếm các tàu chiến Đức neo trong các vịnh biển Na Uy và chuyển tin tức ấy về Mu-man-xcơ (Murmansk). Không quân Liên Xô và Anh có thể dùng tin tình báo này để không kích các mục tiêu có giá trị của Đức ở Na Uy và Phần Lan.
      Lầm tưởng của Mỹ - Anh
      Sau khi nước Đức đầu hàng tháng 5-1945, nhiều người đã có thể ăn mừng nhẹ nhõm nhưng cơ quan tình báo vẫn không thể xả hơi. Việc thiếu niềm tin với nhau bắt đầu nổi lên khi kẻ thù chung đã bị đánh bại.
      Tháng 4-1945, Thủ tướng Anh Uyn-xtơn Sớc-sin (Winston Churchill) ra lệnh cho Bộ Tham mưu của mình nghiên cứu khả năng tấn công Liên Xô bằng chiến dịch mang mật danh “Unthinkable”. Cuộc nghiên cứu được tiến hành bởi Ban Tham mưu hỗn hợp các quân chủng Anh. Một kịch bản được vạch ra, theo đó 47 sư đoàn Anh và Mỹ chiến đấu cùng quân đội Ba Lan và 12 sư đoàn Đức được tái vũ trang sẽ tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào lực lượng Hồng quân ở Tây Bắc châu Âu. Bộ Tham mưu của Uyn-xtơn Sớc-sin kết luận rằng, nước Anh sẽ phải tiến hành một cuộc chiến kéo dài và nhiều tổn thất, trong khi khả năng chiến thắng vẫn còn là điều đáng nghi ngờ. Nhận xét về kế hoạch này, Thủ tướng Uyn-xtơn Sớc-sin nói rằng đây là một biện pháp phòng ngừa cho một tình huống mang tính giả thuyết cao.
      Ngày 18-5-1945, Tùy viên quân sự Liên Xô ở Luân Đôn, Thiếu tướng I-van Xcơ-li-a-rốp (Ivan Skliarov), đã chuyển thông tin về Chiến dịch tối mật  “Unthinkable” về cho Mát-xcơ-va. Nguồn tin của Thiếu tướng I-van Xcơ-li-a-rốp là điệp viên X mà danh tính cho đến nay vẫn còn là một bí mật. Trong vài tuần sau đó, cũng chính điệp viên này đã chuyển cho Thiếu tướng I-van Xcơ-li-a-rốp nhiều thông tin có giá trị về Chiến dịch “Unthinkble”, bao gồm cả quy mô lực lượng Anh và Mỹ tham gia.
      Tháng 6-1945, Nguyên soái G.Giu-cốp (G. Zhukov) nhận được chi tiết về kế hoạch này và lập tức bố trí lại lực lượng Xô-viết ở Đông Đức. Ông ra lệnh cho Hồng quân củng cố phòng thủ và theo dõi sát sao lực lượng của đồng minh phương Tây. Uyn-xtơn Sớc-sin biết rõ khả năng của Hồng quân vượt trội so với Anh-Mỹ và quan trọng là dư luận không đồng tình cho một cuộc chiến như vậy vào năm 1945. Bản thân người Mỹ lại đang quan tâm hơn đến việc nhờ Liên Xô giúp đánh phát-xít Nhật Bản. Thế là Chiến dịch “Unthinkable” chỉ dừng lại ở đó.
      Tháng 7-1945, trong Hội nghị Postdam, Tổng thống Mỹ Ha-ri Tru-man (Harry Truman) đã bóng gió đề cập với Xta-lin rằng Mỹ đã phát triển được một thứ vũ khí mới có sức hủy diệt phi thường. Nhưng phản ứng của nhà lãnh đạo Xô-viết đã khiến Tổng thống Mỹ sững người. “Ông ta còn không thèm hỏi lại”, Ha-ri Tru-man sau này thuật lại với vẻ ngạc nhiên. Lúc ấy, các nguyên thủ Anh và Mỹ cho rằng, Xta-lin tỏ ra thờ ơ đơn giản là vì ông không hiểu về tầm quan trọng của điều ông được thông báo.
      Nhưng họ đã lầm!
      Kể từ năm 1942, tình báo Xô-viết đã thu thập tin tức về chương trình bom nguyên tử của Đồng Minh. Có hơn 10 điệp viên cung cấp tin cho Liên Xô. Nhờ nỗ lực của họ, Liên Xô đã thử quả bom nguyên tử đầu tiên của mình ngay từ năm 1949.
      ĐẶNG LÂM VŨ

      Kỳ 4: Lưỡi dao nhọn trong lòng địch
       
      QĐND - Thứ năm, 07/05/2015 | 8:50 GMT+7
      QĐND - Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Cơ quan tình báo quân sự Đức Quốc xã (Abwehr) đã bị xâm nhập bởi hàng trăm điệp viên Xô-viết. Họ thu thập thông tin về địch và cung cấp thông tin giả về Hồng quân. Các điệp viên này đã thành công trong việc biến chính cơ quan tình báo của Đức thành nguồn cung cấp tin giả lớn nhất cho Bộ Tổng tham mưu quân đội phát-xít một cách đầy hiệu quả.
      Niềm phấn khởi mong manh
      Tháng 2-1942, tại Béc-lin, Đô đốc Uyn-hem Ca-na-rít (Wilhelm Canaris), người đứng đầu Cơ quan tình báo quân sự Đức Quốc xã (Abwehr) đang tỏ ra rất thất vọng. Uyn-hem Ca-na-rít bị Hít-le chỉ trích vì không thu thập được thông tin chính xác về quy mô dự trữ của Liên Xô và vì đã để cho quân đội Đức Quốc xã bất ngờ trước cuộc phản công của Liên Xô mùa đông trước đó. Lên làm sếp Abwehr từ năm 1933, Uyn-hem Ca-na-rít là người chống cộng sản điên cuồng và ngay từ lúc đầu đã ủng hộ Hít-le và Đảng Quốc xã. Nhưng đến năm 1938, Uyn-hem Ca-na-rít cho rằng Hít-le sẽ đưa nước Đức đến chỗ sụp đổ và bắt đầu âm mưu chống lại quốc trưởng. Năm 1942, Uyn-hem Ca-na-rít lập tuyến liên lạc bí mật với tình báo Anh, nhưng đã bị SS nghi ngờ và bị cách chức ngay trong tháng 2 năm đó. Uyn-hem Ca-na-rít bị bắt sau âm mưu ám sát Hít-le vào tháng 7-1944 và bị tống vào trại tập trung một tháng trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
      Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô tiến vào thành phố Phranh-phuốc (Frankfurt) của Đức, tháng 4-1945. Ảnh: Corbisimages.com
      Uyn-hem Ca-na-rít rất quan tâm đến cuộc chiến tình báo chống Liên Xô, nhưng Abwehr vẫn không thể cung cấp cho Bộ Tổng tham mưu quân đội phát-xít các thông tin chính xác về sức mạnh quốc phòng của Liên Xô trước khi Đức bắt đầu cuộc xâm lược. Họ cũng không thể cài điệp viên trong Bộ Tổng tham mưu Liên Xô. NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô) vô cùng lão luyện trong việc phát hiện các gián điệp địch. Rất nhiều tù binh Liên Xô được Abwehr tuyển dụng làm gián điệp rồi thả qua chiến tuyến, nhưng phần lớn đã biến mất tăm trong nội địa Liên Xô. Một số ra tự thú, số khác thì bị NKVD bắt. Rất ít trong số điệp viên ấy quay trở về Đức và những báo cáo của họ cũng chẳng có mấy giá trị.
      Tháng 12-1941, Uyn-hem Ca-na-rít tỏ ra rất phấn khởi khi nhận được một báo cáo đột xuất: “Tại Mát-xcơ-va tồn tại tổ chức chống cộng ngầm mang tên Prestol (Ngai vàng), đang tìm cách tuyên truyền và nuôi dưỡng thái độ chống cộng trong dân chúng. Lãnh đạo là Bô-rít Xa-đốp-xki (Boris Sadovsky), một thi sĩ bảo hoàng và vợ ông ta từng là ngự tiền phu nhân của Hoàng hậu Nga. Một thành viên của tổ chức là A-lếch-xan-đrơ Đờ-mi-a-nốp (Aleksandr Demianov), người đã liều vượt chiến tuyến để báo cho chúng ta về “Ngai vàng”. Khi bị hỏi cung, Đờ-mi-a-nốp nói rằng đã liên hệ với tình báo Đức từ năm 1940". Sau khi câu chuyện được kiểm tra kỹ lưỡng, Đờ-mi-a-nốp được đặt mật danh “Max” và gửi trở lại Liên Xô.
      Nhiệm vụ của "Max" là tổ chức một nhóm chống Xô-viết hoạt động ngầm tại các thành phố lớn, điều phối các chiến dịch phá hoại và thiết lập mạng lưới thu thập tin tức về việc di chuyển của lực lượng Hồng quân. Quan trọng nhất là "Max" sử dụng quan hệ của mình trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Xô-viết và Bộ Đường sắt để phát hiện việc chuyển quân bằng đường sắt. Đến cuối chiến tranh, trong một buổi hỏi cung, Ri-chác Cau-đơ (Richard Kauder), một sĩ quan Abwehr bị người Mỹ bắt được, nói rằng trong năm 1942 và 1943, "Max" đã cung cấp những tin tức rất giá trị và thường được chuyển thẳng lên Bộ Tổng tham mưu quân đội phát-xít. Thế nên người Đức tin rằng "Max" đã lọt được vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Xô-viết. Ri-chác Cau-đơ còn nói rằng tổ chức “Ngai vàng” đã lập được nhiều nhóm ở Mát-xcơ-va và Goóc-ki, thường xuyên liên lạc trực tiếp với Abwehr ở Béc-lin bằng ba điện đài do người Đức cung cấp.
      Cú lừa ngoạn mục
      Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, tất cả những điều này đều do cơ quan phản gián Xô-viết đạo diễn. NKVD đã kỹ lưỡng tạo ra các nhân vật "chống Xô-viết" rồi đưa họ xâm nhập vào Abwehr. Sau đó, các điệp viên này sẽ cung cấp cho địch các thông tin giả. Nó được gọi là “Chiến dịch Tu viện”. Đờ-mi-a-nốp đúng là một cựu quý tộc nhưng đã trở thành nhân viên của NKVD từ năm 1929. Ông xâm nhập vào cơ quan tình báo Đức từ năm 1942 và thậm chí còn được lãnh đạo Abwehr tin tưởng cho đi huấn luyện đặc biệt. Sau này, Đờ-mi-a-nốp được nhận Huân chương Sao Đỏ vì thành tích đặc biệt trong “Chiến dịch Tu viện”.
      Trong khi đó, tình báo Đức tiếp tục tìm cách tuyển dụng điệp viên từ hàng ngũ tù binh Xô-viết. Từ mùa xuân 1942, điệp viên của Ca-na-rít đều đặn báo cáo cho ông ta về tiến triển mà các cựu Hồng quân này đạt được. Tháng 10-1942, tại trung tâm huấn luyện tình báo của Cụm Abwehr 102 ở vùng Pôn-ta-va (U-crai-na) bị phát-xít Đức chiếm đóng, các cựu quân nhân Xô-viết đang nghe giảng về cách thu thập bí mật quân sự khi hoạt động sau phòng tuyến địch. Bỗng cửa mở, hiệu trưởng bước vào và nói: “Tôi biết nhiều người các anh tin rằng không thể sống sót trở về sau khi vào lãnh thổ Liên Xô và đây là một người như vậy. Người này là một anh hùng đã đích thân vượt qua chiến tuyến để chiến đấu chống Xta-lin”. Người mà viên hiệu trưởng đang nói đến là Pi-ốt-chơ Pri-át-cô (Piotr Pryadko).
      “Anh đã vượt qua chiến tuyến được bao nhiêu lần?”, viên hiệu trưởng hỏi. “Ba lần. Tất cả đều là sự thật”, Pi-ốt-chơ Pri-át-cô đáp.
      Điều mà không ai trong Abwehr ngờ là Pi-ốt-chơ Pri-át-cô, cựu sĩ quan chỉ huy thuộc Tập đoàn Không quân số 5 Xô-viết, đã xâm nhập vào tình báo quân đội Đức theo lệnh của NKVD. Mọi thông tin ông cung cấp cho địch thực ra đều là tin giả được soạn ở Mát-xcơ-va. Vai trò của Pi-ốt-chơ Pri-át-cô trong Cụm Abwehr 102 là làm giả giấy tờ cho học viên. Ông luôn tạo ra các sai sót nho nhỏ để đảm bảo điệp viên sẽ bị bắt khi giấy tờ của người này bị kiểm tra đúng cách. Tin giả của ông cũng khiến nhiều sĩ quan tình báo cao cấp của Đức bị cách chức. Pi-ốt-chơ Pri-át-cô đã gửi về các thông tin liên quan đến 101 điệp viên làm việc cho Đức và 24 thành viên của Abwehr. Tháng 12-1942, ông trở về với Hồng quân. Sau đó, ông được trao Huân chương Cờ Đỏ vì lòng dũng cảm.
      ĐẶNG LÂM VŨ
      (tiếp theo và hết)
       

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét