Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

GIAI THOẠI THIỀN 8

(ĐC sưu tầm trên NET)

BẤT BIẾN ỨNG VỚI VẠN BIẾN

Thiền sư Đạo Thọ xây dựng một ngôi tự viện gần miếu quán của đạo sĩ. Đạo sĩ ngăn không cho ngôi chùa này xuống miếu, do đó biến thành yêu ma quỷ quái đến nhiễu loạn tăng chúng trong chùa, muốn cho họ bỏ đi. Hôm nay gào mưa thét gió, ngày mai xẹt điện sấm chớp, quả thật các Sa-di trẻ tuổi đều bỏ đi hết. Nhưng thiền sư Đạo Thọ vẫn ở đó hơn mười năm. Cuối cùng, đạo sĩ dùng hết phép thuật mà thiền sư Đạo Thọ vẫn không đi. Đạo sĩ không còn cách nào hơn, đành bỏ miếu quán dời đi nơi khác.
 
Sau này, có người hỏi thiền sư Đạo Thọ :
- Các đạo sĩ có phép thuật cao cường, sao thầy thắng được họ ?
Thiền sư nói :
- Ta không có gì để thắng được họ cả, miễn cưỡng mà nói, chỉ có một chữ “không” mới thắng được họ.
- Chữ “không” làm sao thắng được họ ?
Thiền sư nói :
- Họ có phép thuật, phép thuật có giới hạn, có lúc phải hết; còn ta không phép thuật, không có nghĩa là không giới hạn không cùng tận. Sự quan hệ giữa có và không là bất biến ứng với vạn biến. Ta không biến đương nhiên sẽ thắng biến hóa.
 

TRÊN ĐƯỜNG THUẬN GIÓ

Một hôm vào lúc ban đêm, Động Sơn thuyết pháp mà không thắp đèn, có thiền tăng Năng Nhẫn hỏi :
- Vì sao không thắp đèn ?
Thiền sư Động Sơn nghe xong, gọi thị giả thắp đèn lên, sau đó nói với Năng Nhẫn :
- Mời ông đến trước mặt ta !
Thiền tăng Năng Nhẫn bước tới.
Động Sơn nói với thị giả :
- Ông đi lấy ba cân dầu đèn cho vị Thượng tọa này !
Ý của Động Sơn là từ bi hay châm biếm. Hay là có ý nào khác ? Năng Nhẫn ra khỏi giảng đường suốt đêm tham cứu, dường như có tỉnh ngộ. Do đó, liền đem tất cả tài vật thiết trai cúng dường đại chúng. Từ đó, ông theo đại chúng sinh hoạt ba năm. Sau ba năm, ông đến từ giã Động Sơn đi nơi khác.
Động Sơn không có ý giữ lại, chỉ nói :
- Chúc ông trên đường thuận gió !
Khi ấy, Tuyết Phong đang đứng bên cạnh Động Sơn, đợi thiền tăng Năng Nhẫn xoay mình ra ngoài, ông liền hỏi Động Sơn :
- Vị tăng ấy ra đi không biết bao giờ trở lại ?
Động Sơn đáp :
- Ông ấy biết mình đã đi, nhưng không biết bao giờ trở lại. Nếu ông không yên tâm, hãy vào tăng đường xem.
Tuyết Phong vâng lời vào tăng đường, không ngờ Năng Nhẫn khi trở vào tăng đường ngồi ngay chỗ của mình tịch rồi. Tuyết Phong lập tức đến báo với Động Sơn. Động Sơn nói :
- Mặc dù ông ấy đã ra đi, nhưng nếu sánh với ta vẫn chậm hơn ta ba năm.
Lời bình :
Xem ra đoạn công án thiền tăng Năng Nhẫn hỏi thiền sư Động Sơn vì sao thuyết pháp mà không thắp đèn – lúc tối đen mà muốn được sáng suốt đó là lẽ thường của con người. Thiền sư Động Sơn nhân đó bảo thị giả thắp đèn lên, đó là tùy thuận mọi người, cũng là lẽ thường của nhân tình. Nhưng thiền sư Động Sơn bảo thị giả đem ba cân dầu đèn cho ông ấy, đó là việc bất bình thường. Có thể nói rằng đó là lòng từ bi đặc biệt của thiền sư Động Sơn, cũng có thể nói rằng đó là sự châm biếm của thiền sư Động Sơn đối với lòng tham cầu của ông ấy. Nhưng dù nói thế nào, thiền tăng Năng Nhẫn khi ngộ đạo rồi liền xả bỏ của cải thiết trai, đó nói lên ông đã buông bỏ sự tham cầu.
Sau khi thiền tăng Năng Nhẫn ngộ đạo, ông ở đó ba năm. Sau ba năm, duyên đời đã hết bèn từ giã nhập diệt, thiền sư Động Sơn còn chúc ông ta trên đường thuận gió. Đối với con mắt của thiền giả, sanh tử như trở về nhà. Nhưng thiền sư Động Sơn vẫn còn sống, cho nên nói thiền tăng Năng Nhẫn sánh với ông ta chậm hơn ba năm. Chỗ này thiền sư Động Sơn rõ biết được pháp thân không sanh không tử vậy.

PHẬT BAY ĐẾN

Chùa Thê Hà Sơn ở núi Thê Hà – Nam Kinh, được tôn là thánh địa sáu triều là đạo tràng nổi tiếng có một ngàn vị Phật.
Núi Thê Hà dùng đá khắc một ngàn tượng Phật phải nói là lớn nhất. Trên đỉnh núi cao nhất không ai trèo lên được, thế nhưng lại có một tượng Phật đứng trang nghiêm sinh động, ai đi ngang cũng phải ngước mắt nhìn.
 
Năm 1941, có một tín đồ tham quan núi Thê Hà, thấy trên đỉnh có một tượng Phật, bèn hỏi thiền sư Trác Thành :
- Bạch thầy ! Ông Phật đó tên gì ?
Thiền sư Trác Thành đáp :
- A ! Ông Phật đó tên là Phi Lai !
Ý của thiền sư nói rằng ngọn núi đó rất cao, không ai có cách gì trèo lên điêu khắc được. Ông Phật đó phải từ nơi khác bay đến.
Tín đồ nghe xong, rất hiếu kỳ hỏi :
- Nếu bay đến, sao lại không bay đi ?
- Một động không bằng một tĩnh.
- Vì sao phải tĩnh ở đây ?
- Đã đến đó thì ở yên đó.
Lời bình :
Thiền sư Trác Thành nói : “Một động không bằng một tĩnh” đó là cảnh giới đẹp mầu biết bao. “Đã đến đó thì ở yên đó”. Đó là khẳng định sự sống động biết dường nào. Chúng ta sống trên thế gian lúc nào cũng dao động không có một phút giây yên tĩnh, chính khi ngủ mà ý thức cũng hoạt động. Cảnh giới yên tĩnh mới là rộng lớn, bình đẳng; cuộc sống yên tĩnh mới là an nhiên giàu có.

Đánh xe hay đánh trâu

Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng lúc trụ trì chùa Bát Nhã, phát hiện vào buổi chiều có một thanh niên ngồi thiền tại Đại Hùng bảo điện, xem dáng vẻ rất có huệ căn, do đó quan tâm hỏi :
- Ông ngồi đây làm gì ?
Thanh niên không vui khi có người quấy nhiễu, miễn cưỡng đáp :
- Ngồi thiền !
Thiền sư Hoài Nhượng hỏi lại :
- Vì sao phải ngồi thiền ?
Thanh niên rất bực bội, nhưng vẫn đáp :
- Thành Phật !
Hoài Nhượng lại hỏi :
- Ngồi thiền làm sao thành Phật được ?
Thanh niên không đáp nữa, dường như chán Hòa thượng này quá lải nhải.
Bất đắc dĩ, thiền sư Hoài Nhượng đem một cục gạch đến bên cạnh thanh niên mài mỗi ngày. Qua mấy ngày, thanh niên lấy làm lạ hỏi :
- Hàng ngày thầy ở đây làm gì ?
- Mài gạch !
- Mài gạch để làm gì ?
- Làm gương.
- Gạch làm sao thành gương được ?
- Nếu gạch không thành gương được, vậy ông ngồi thiền làm sao thành Phật được ?
Thanh niên kinh ngạc. Một câu nói bình thường như thế, khiến cho kiêu khí của ông ta tiêu tan, lập tức đứng dậy cung kính đảnh lễ, hỏi :
- Như thế làm sao mới đúng ?
Thiền sư Hoài Nhượng hiền hòa đáp :
- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh trâu hay đánh xe ?
Thanh niên nghe xong, quỳ xuống lễ bái, thưa :
- Phải dụng tâm thế nào mới đạt được cảnh giới vô tướng Tam-muội ?
Thiền sư Hoài Nhượng đáp :
- Học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta giảng giải pháp yếu cho ông như mưa nước cam lồ, chỉ đợi nhân duyên hòa hợp liền thấy được đạo.
Ngay lời nói này thanh niên đại ngộ, ông chính là thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất, tông sư một đời trong thiền môn.
Lời bình :
Từ quá trình ngộ đạo của thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất, dưới con mắt của người tham thiền là phải minh tâm kiến tánh. Đương nhiên ngồi thiền không thể minh tâm kiến tánh, vì thiền không phải tướng ngồi nằm, không thể đem thiền hạn cuộc vào một hình thức cố định. Phương pháp ngồi thiền có thể thông đạt Phật đạo, nhưng không phải là mục đích. Nếu trâu kéo xe không đi, đánh trâu mới phải chứ, còn xe đâu quan hệ gì. Tham thiền ngộ đạo dụng tâm mới phải, không dính dáng đến thân tướng. Tâm là chủ của muôn việc, bất cứ người tu hành nào cũng phải chú trọng. Sáng tâm mà thôi.

TÂM YẾU CỦA THIỀN

Đại thi nhân Bạch Cư Dị có lần hỏi thiền sư Duy Khoan :
- Thân khẩu ý làm sao tu hành mỗi cái ?
Duy Khoan đáp :
- Vô thượng Bồ-đề mặc nơi thân là luật, nói nơi miệng là pháp, hành nơi tâm là thiền. Ứng dụng thì có ba, nhưng chỉ là một thể. Như sông Hoài sông Hán, tuy tên khác nhau mà tánh nước chỉ là một. Luật tức là pháp, pháp không lìa thiền, hợp thân khẩu ý thành một mà tu, thân khẩu ý đều do tâm đặt tên, cớ sao ở trong đó khởi tâm phân biệt ?
- Nếu không phân biệt, làm sao tu tâm ?
- Tâm vốn không thương tổn, vì sao phải tu ? Nên biết rằng không luận là dơ hay sạch, tất cả đều không được khởi niệm.
- Dơ, có thể lau chùi, không được khởi niệm; sạch, không khởi niệm được chăng ?
- Như tròng mắt không thể dính vật, mạt vàng tuy quý, rơi vào mắt cũng xốn như thường; mây đen che bầu trời, mây trắng cũng như thế.
- Không tu, không nghĩ thì đâu khác phàm phu.
- Phàm phu ở mãi trong vô minh, Nhị thừa thường chấp trước, lìa hai bệnh vô minh và chấp trước này, đó là chân tu. Người chân tu không được tinh tấn cũng không quên lãng. Tinh tấn kẹt vào chấp trước, quên lãng rơi vào vô minh. Đó là tâm yếu vậy.
Bạch Cư Dị nghe xong tỉnh ngộ, sau trở thành hành giả thực tiễn trong Phật giáo.
Lời bình :
Tất cả sự phân biệt ở thế gian là vì có tốt có xấu, có lớn có nhỏ, chẳng hạn như bố thí, bố thí nhiều công đức nhiều, bố thí ít công đức ít. Tu thân thì không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, tu miệng thì không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, tu ý thì không tham, không sân, không tà kiến. Tu thân khẩu ý đương nhiên mỗi cái có khác, Nếu nói theo chơn tâm tự tánh chính mình là thanh tịnh, chính mình đầy đủ, đâu cần tu chứng ? Cũng đâu có tinh tấn hay quên lãng ? Cho nên thiền sư Duy Khoan lấy đó làm tâm yếu thiền.

DIỆU DỤNG CỦA THIỀN

Thiền sư Tiên Nhai ra ngoài hoằng pháp, giữa đường gặp hai vợ chồng gây lộn. Cô vợ nói :
- Ông là chồng cái gì, không giống đàn ông chút nào !
Người chồng nói :
- Bà chửi tôi hả ? Bà chửi nữa tôi sẽ đánh bà !
Cô vợ :
- Sợ gì mà không dám chửi, ông không giống đàn ông !
Thiền sư Tiên Nhai nghe xong bèn lớn tiếng gọi người đi đường :
- Các người đến đây xem nè, xem đấu trâu phải mua vé vào cửa, xem đấu dế đấu gà cũng phải mua vé, bây giờ đấu người không cần vé, mọi người hãy đến xem.
Vợ chồng vẫn tiếp tục chửi.
- Bà còn nói một câu tôi không giống đàn ông, tôi sẽ giết bà !
Vợ :
- Giết đi ! Giết đi ! Tôi cứ nói ông không giống đàn ông !
Tiên Nhai :
- Thật tuyệt vời, bây giờ muốn giết người rồi, mau đến xem !
Người đi đường :
- Hòa thượng ! Lớn tiếng om sòm làm gì ? Vợ chồng cãi nhau, quan hệ gì đến ông ?
Tiên Nhai :
- Sao không quan hệ đến tôi ? Ông không nghe họ muốn giết người sao. Giết chết người cần phải mời Hòa thượng tụng kinh, khi tụng kinh chẳng lẽ ta không có phong bì sao ?
Người đi đường :
- Thật không có lý này, vì phong bì mà mong giết người sao ?
Tiên Nhai :
- Mong không chết cũng được, đó là ta muốn thuyết pháp.
Lúc ấy hai vợ chồng dừng cãi, hai bên không hẹn cùng nhau quây quanh nghe thiền sư Tiên Nhai tranh cãi với người ta cái gì ?
Thiền sư Tiên Nhai dạy hai vợ chồng tranh cãi :
- Băng lạnh có dày cách mấy, khi mặt trời lên cũng tan ra, cơm rau nguội lạnh, khi hâm lên thì nóng, vợ chồng có duyên sống chung nhau nên làm mặt trời sưởi ấm cho người khác, làm củi lửa để ấm lòng kẻ chung quanh. Mong vợ chồng hiểu biết thương kính lẫn nhau.
Hoạt dụng của Thiền sư Tiên Nhai là như thế
(bài này không có lời bình)

KHÔNG TIN LÀ CHÂN ĐẾ

Có vị học tăng xin Quốc sư Huệ Trung chỉ dạy :
- Cổ đức nói : “Trúc biếc xanh xanh đều là pháp thân, hoa vàng rỡ rỡ đều là Bát-nhã. Có người không tin cho đó là tà thuyết, người tin cho đó là không thể nghĩ bàn, chẳng hay thế nào mới đúng ?
Quốc sư Huệ Trung đáp :
- Đó là cảnh giới Văn-thù, Phổ Hiền, hàng phàm phu, Tiểu thừa không thể tin nhận được. Cho nên kinh Hoa Nghiêm nói : “Thân Phật trùm khắp pháp giới, hiện khắp trước tất cả chúng sanh, tùy duyên cảm đến, không nơi nào chẳng có mà thường ở tòa Bồ-đề này”. Trúc biếc đã không ngoài pháp giới, há không có ở pháp thân sao ? Lại kinh Bát-nhã nói : “Vì sắc vô biên, Bát-nhã cũng vô biên”. Hoa vàng đã không ngoài sắc, há không có ở Bát-nhã sao ? Thế nên, kinh không phải là pháp bất định, pháp cũng không có nhiều.
Học tăng nghe xong vẫn chưa hiểu, lại hỏi :
- Tin tức này, người tin phải hay người không tin phải ?
Quốc sư Huệ Trung đưa ra ý cao siêu :
- Người tin là tục đế, người không tin là chân đế.
Học tăng kinh ngạc nói :
- Người không tin đó là tà kiến, vì sao thiền sư nói là chân đế ?
Người không tin tự họ không tin, còn chân đế là chân đế. Vì chân đế ấy mà phàm phu cho là tà kiến. Người tà kiến, đâu thể nói là chân đế ?
Quốc sư Huệ Trung nói lời tóm kết xong, học tăng mới ngộ chân lý cứu cánh không phải dễ tin.
Lời bình :
Đức Phật khi mới chứng ngộ, liền than thở : “Chỗ ngộ của ta không giống chúng sanh”. Chúng sanh cho dục lạc là thật, còn đức Phật cho dục lạc là giả; chúng sanh cho Phật tánh chơn như là không, đức Phật cho là có. Cho nên pháp thế gian chớ đem tin và không tin làm chuẩn, ai cũng lấy lời tốt lời xấu làm chuẩn. Thật ra, Phật đạo trở về Phật đạo, tà kiến trở về tà kiến.

QUÝ LỖ TAI KHINH CON MẮT

Đời Đường, Thích sử Lý Cao người Lãng Châu, nghe đồn đức hạnh thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm, một hôm đích thân đến tham bái, gặp lúc thiền sư đang xem kinh dưới gốc cây, tuy biết Thái thú đến nhưng vẫn không đứng dậy đón tiếp. Thị giả ở bên cạnh cho hay, sư vẫn chuyên chú đọc kinh.
Lý Thái thú thấy thái độ thờ ơ của thiền sư, nổi giận to tiếng :
- Thấy mặt không bằng nghe danh !
Nói xong phất tay áo đi ra.
Thiền sư Duy Nghiễm nói một cách lạnh nhạt :
- Thái thú đâu được quý lỗ tai mà khinh con mắt ?
Một câu nói cộc lốc làm cho Thái thú bị động, bèn quay lại chấp tay xin lỗi và hỏi :
- Thế nào là đạo ?
Thiền sư Duy Nghiễm dùng tay chỉ lên chỉ xuống, nói :
- Hiểu không ?
Thái thú lắc đầu đáp không hiểu.
Duy Nghiễm nói :
- Mây ở trời xanh nước trong bình.
Thái thú nghe xong, vui vẻ làm lễ và nói kệ rằng :
                Luyện được thân hình giống hạc hình,
                Dưới tùng ngàn gốc hai hòm kinh.
                Nay tôi hỏi đạo không lời khác,
                Mây ở trời xanh nước trong bình.
                Luyện đắc thân hình tợ hạc hình,
                Thiên chu tùng hạ lưỡng hàm kinh.
                Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết,
                Vân tại thanh thiên thủy tại kinh.
Lời bình :
Trên xã hội ngày nay, chúng ta khi mới gặp nhau thường nói : “Đã lâu nghe nổi tiếng”. Thật ra chỉ nghe như thế, đó là người quý lỗ tai mà khinh con mắt. Thấy mặt không bằng nghe danh, nghe danh không bằng sau khi chết nói tốt, đó là người căn tánh hạ liệt. Lý Cao ở địa vị quan lớn, lúc nào cũng kiêu căng, cho mình là nho giả nhưng không chịu nổi sự thờ ơ của thiền sư Dược Sơn. Điều đó chứng minh rằng chiều sâu của thiền và nho không giống nhau.

TÌM LINH DƯƠNG

Có sáu vị học tăng cùng đến chỗ thiền sư Hoàng Bá tham học, trong đó năm vị chí thành tha thiết làm lễ, chỉ có một người cố ý cho mình là một thiền giả, không nói năng gì cả, chỉ đưa tọa cụ lên làm tướng tròn rồi đứng một bên. Thiền sư Hoàng Bá thấy tình trạng ấy, bèn nói với học tăng :
- Ta nghe nói có một con chó săn vô cùng hung ác !
Học tăng học lóm thiền ngữ đáp :
- Nhất định là tìm tiếng linh dương đến đây.
- Ông có nghe tiếng linh dương không ?
- Nhất định là tìm dấu chân linh dương đến đây.
- Ông có thấy dấu chân linh dương không ?
- Đó là dấu chân phía sau con linh dương.
- Ông có thấy bóng con linh dương không ?
- Đó là một con linh dương chết.
Thiền sư Hoàng Bá liền lui xuống. Hôm sau, Hoàng Bá lên pháp đường nói :
- Hôm qua, vị học tăng nào tìm linh dương ra đây !
Học tăng vội đi ra, Hoàng Bá nói :
- Công án hôm qua chưa xong, ông làm sao giải thoát được.
Học tăng không biết trả lời thế nào.
Hoàng Bá nói :
- Ta tưởng ông là thiền giả đến nhà, té ra chỉ là sa môn học nghĩa, là tông đồ của hàng tri giải.
Thiền sư Hoàng Bá nói xong, đại chúng mới biết rằng vị học tăng này không biết mà cho là biết, không ngộ mà cho mình ngộ, liền đuổi học tăng này ra khỏi sơn môn.
Lời bình :
Nói đến thiền là phải ngộ chứ không phải học. Tri thức có thể học, còn thiền không thể học mà được. Các thiền tăng ngày xưa có những cử chỉ quái dị, nói năng kỳ đặc, nhưng trong quái dị có chân thật, trong kỳ đặc có lẽ thường hằng. Nếu không phải kỳ tăng, chỉ cần vừa mở miệng, trước mặt thiền sư liền biết rõ hay không biết rõ.
Thiền không phải là hóa trang, mà thiền là từ trong tự nhiên hiện bày ra.

KHÔNG MONG CẦU GÌ CẢ

Đời Tống, thiền sư Tuyết Đậu gặp học sĩ tiên sinh Tằng Hội bên dòng suối. Tằng Hội hỏi :
- Thầy định đi đâu ?
Tuyết Đậu lễ phép đáp :
- Không nhất định, hoặc đến Tiền Đường, hoặc đến Thiên Thai.
Tằng Hội bèn đề nghị :
- Thiền sư San trụ trì chùa Linh Ẩn đối với tôi rất tốt, tôi viết một lá thư cho thầy mang đến, ông ấy nhất định tiếp đãi tốt cho ngài.
Nhưng khi Tuyết Đậu đến chùa Linh Ẩn, không chịu đem thư giới thiệu ra trình trụ trì, mà ở suốt trong chúng ba năm.
Sau ba năm, Tằng Hội phụng lệnh xuất sứ Triết Giang, đến chùa Linh Ẩn tìm Tuyết Đậu, nhưng tăng chúng trong chùa không ai biết đến người ấy.Tằng Hội không tin, liền tự mình đến tăng phòng, chỗ ở của các tăng hành cước, hơn một ngàn tăng chúng, tìm tới tìm lui mới gặp Tuyết Đậu, liền hỏi :
- Vì sao thầy không đến diện kiến trụ trì mà ẩn ở đây ? Tôi đã viết thư giới thiệu cho thầy rồi ?
Tuyết Đậu nói :
- Không dám, không dám, vì tôi là một tăng hành cước, không mong cầu gì cả, cho nên không làm người đưa thư của ông.
Tuyết Đậu liền lấy lá thư giới thiệu trả lại cho Tằng Hội, hai người đều cười to ha hả. Tằng Hội liền dẫn Tuyết Đậu đến diện kiến trụ trì thiền sư San. Thiền sư San rất quý trọng người tài bèn cử Tuyết Đậu đến chùa Thúy Vi – Tô Châu trụ trì ở đó.
Lời bình :
Trên xã hội ngày nay, vì cầu chức vị mà thường kết thân người sang quý. Như thiền sư Tuyết Đậu, tuy có con đường tiến thân mà bỏ không dùng. Nếu chúng ta siêng năng tu học, một ngày nào đó tự nhiên thời cơ chín muồi, thì được long thiên đẩy ra. Nghĩa là :
                   Đừng lo mình không vị,
                   Chỉ lo mình không tài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét