Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG 81

  (ĐC sưu tầm trên NET)

Trung Quốc lại chấn động với vụ nổ kho hóa chất mới ở Sơn Đông




Một vụ nổ lớn vừa xảy ra tại nhà khoa hóa chất ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc tối ngày 22/8, chỉ một tuần sau vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân khiến ít nhất 121 người thiệt mạng.

Hiện trường vụ nổ ở Sơn Đông.
Theo Nhân dân Nhật báo, hiện trường vụ nổ chỉ cách khu dân cư khoảng 1km.
Lính cứu hỏa hiện đang được điều động đến hiện trường vụ nổ, tại quận Zibo.
Hình ảnh được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đăng tải cho thấy quầng lửa lớn bốc lên từ hiện trường mà đứng cách rất xa vẫn có thể nhìn rõ, sáng rực cả một góc trời.
Hiện chưa có thông tin nào về thương vong cũng như thiệt hại của vụ nổ này.
Vụ nổ ở Sơn Đông diễn ra vào thời điểm người dân Trung Quốc vẫn còn chưa hết bàng hoàng với vụ nổ kho hóa chất ở thành phố cảng Thiên Tân hôm 12/8.
Đến chiều 22/8, cơ quan chức năng cho biết số người thiệt mạng ở Thiên Tân đã lên tới con số 121, trong đó có 67 lính cứu hỏa. Hiện vẫn còn 37 lính cứu hỏa khác nằm trong số 54 người vẫn đang mất tích.​​
Trong khi đó, mối lo về nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường vẫn đang tăng lên, bất chấp những lời trấn an của chính quyền.
Theo AFP, các chuyên gia kỹ thuật ghi nhận hàm lượng xyanua đang cao gấp 356 lần mức an toàn trong khu vực sơ tán với bán kính 3km quanh hiện trường vụ nổ, mặc dù không có dấu hiệu nhiễm độc bất thường nào bên ngoài khu vực trên.
Theo Vietnamplus.vn

Rối tuyển sinh do đổi mới không đồng bộ

PHONG ĐIỀN - Chủ Nhật, ngày 23/8/2015 - 02:50
    (PL)- Các chuyên gia giáo dục cho rằng khâu xét tuyển của kỳ thi trở nên rối là do việc đổi mới chưa đồng bộ, triệt để. Lẽ ra sau khi cho thí sinh biết điểm thi và tự do lựa chọn ngành, trường thì nên để các trường được tự chủ tuyển sinh, lúc đó vấn đề tuyển sinh mới được giải quyết một cách tối ưu.
    Giá như cho các trường tự quyết…
    “Kỳ thi THPT quốc gia là một tiến bộ về khâu tổ chức khi gộp hai kỳ thi thành một, tiện lợi và không phức tạp như mấy năm trước. Điểm tích cực này làm kỳ thi THPT trở lại quỹ đạo bình thường như kỳ thi tú tài ở các nước tiên tiến” - GS Nguyễn Đăng Hưng mở đầu câu chuyện. Theo ông, hướng đổi mới này lẽ ra nên làm sớm hơn.
    Điểm tích cực thứ hai trong kỳ thi THPT quốc gia, theo GS Hưng, là cho phép thí sinh biết được điểm thi, trình độ của mình trước khi chọn lựa vào các trường ĐH theo đúng ngành nghề mình quan tâm. Tiếp đó, cho phép thí sinh ghi danh vào nhiều trường, nhiều ngành làm cho không khí học tập thoáng ra, sát với các nền giáo dục tiến bộ ngày nay.
    Tuy nhiên, GS Hưng cho rằng chính việc đổi mới không đồng bộ, làm không triệt để, không đến nơi đến chốn khiến việc tuyển sinh trở nên rối. Bộ GD&ĐT đã không dự đoán trước các tình huống trong khâu tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) để dẫn đến rối loạn, âu lo cho thí sinh, cho xã hội và thực tế nó đã xảy ra.
    Ông Hưng nhận xét sở dĩ có sự rối loạn trong khâu tuyển sinh là do Bộ GD&ĐT không giao quyền tự chủ trọn vẹn cho các trường ĐH; trong đó bao gồm quyền xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức xét tuyển… “Lẽ ra vai trò của Bộ chỉ đưa ra các quy định khung như xác định điểm sàn, quy định về diện tích phòng học, chuẩn số lượng và chất lượng giảng viên… Bộ không nên can thiệp chi tiết, quá sâu vào việc tuyển sinh của các trường” - ông Hưng nói.
    Ông Hưng cho rằng một khi hai hướng được tháo gỡ là tự do lựa chọn ngành, trường của thí sinh và tự chủ của các trường ĐH gặp nhau thì mới giải quyết được vấn đề tuyển sinh một cách tối ưu.
    Những rối rắm gây bức xúc, mệt mỏi cho thí sinh và phụ huynh của đợt xét tuyển vừa qua mong rằng sẽ không lặp lại?  Trong ảnh: Cảnh thí sinh nộp, rút hồ sơ tại Hà Nội, Huế và TP.HCM. Ảnh: H.HÀ - V.AN - P.ĐIỀN

    Kỳ tuyển sinh năm nay hầu như trường nào cũng rối vì không có quyền tự do xét tuyển theo quy mô, ngành nghề đào tạo theo khả năng của mình. Còn với thí sinh khi được tự do lựa chọn rồi nhưng không biết dùng quyền tự do như thế nào cho nên cảm thấy mới lạ, tâm trạng âu lo, cảm thấy phiền hà khi nộp, rút hồ sơ xét tuyển. “Sự cố đã xảy ra rồi, vấn đề là thời gian tới Bộ GD&ĐT rút kinh nghiệm và hóa giải như thế nào trong kỳ tuyển sinh năm tới hoặc tương lai. Đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT” - GS Hưng nói.
    “Kỳ thi THPT quốc gia năm nay chắc sẽ còn được nhắc đến nhiều vì có quá nhiều cảm xúc. Từ một mong muốn tốt đẹp và khởi đầu suôn sẻ nhưng cái kết lại không có hậu” - TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, nhận định.
    Ông Minh chia sẻ: “Tôi thực sự buồn khi chứng kiến cảnh phụ huynh và thí sinh phải vất vả những ngày qua. Mặc dù biết rằng việc đó chỉ diễn ra ở một số trường nhất định và với những thí sinh nhất định. Nhưng con số đó vẫn quá lớn và mức độ căng thẳng của nó là không cần thiết. Trong những lúc hoang mang, nhiều phụ huynh và thí sinh đã làm bừa mà không còn đủ tỉnh táo và sáng suốt để tính toán lựa chọn tương lai phù hợp nhất với các thí sinh”.
    TS Minh cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT về cơ bản được tổ chức quy mô và nghiêm túc. Những nỗ lực về chuẩn bị và tổ chức thi đã cho một bức tranh đúng mực về bậc THPT. Giá như việc tuyển sinh còn lại là do các trường tự quyết dựa trên ngưỡng tối thiểu của Bộ GD&ĐT thì sẽ có hiệu quả tốt hơn chứ không căng thẳng đến như vậy. Ngoài ra sẽ tốt hơn nếu Bộ GD&ĐT có nhiều đợt thi THPT và nhiều đợt xét tuyển ĐH trong năm thì mức độ căng thẳng sẽ giảm xuống.
    Trước những hoang mang, lo lắng của thí sinh, phụ huynh, xã hội và gánh nặng đè lên các trường ĐH trong khâu nhận hồ sơ xét tuyển, ông Minh thẳng thắn: Những vấn đề phát sinh của kỳ tuyển sinh năm nay có phần lớn trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Để vấn đề này không lặp lại thì kỳ thi năm sau còn cần cải tổ theo hướng trao quyền chủ động hơn cho các trường. Cho phép các trường chủ động tuyển sinh và nhập học nhiều đợt tùy thuộc theo quy mô đã đăng ký để có được những sinh viên phù hợp nhất. Sinh viên cũng có thể chuyển đổi trường ngay cả khi đang học để không phải bằng mọi giá vào được một trường không theo sở thích.
    Không nên cho nộp vào, rút ra tràn lan

    Theo tôi, chỉ nên cho thí sinh nộp một lần chứ không nên cho nộp vào, rút ra tràn lan như vậy. Sau 20 ngày, nếu không trúng tuyển thì trả hồ sơ cho thí sinh đi nộp ở trường khác. Cho dù mục đích là thương học sinh nhưng điều đó không đúng vì sẽ gây rối loạn trong khâu quản lý xét tuyển và gây bức xúc, lo âu cho thí sinh. Nhà trường nên công bố khoảng bao nhiêu điểm thì đỗ, thí sinh căn cứ vào đó để nộp hồ sơ vào. Đến khi đủ chỉ tiêu thì ngưng. Không nên quy định thời gian mỗi đợt xét tuyển 20 ngày vì quá dài, nếu có quy định thì chỉ nên 10 ngày.
    Ông TRẦN XUÂN NHĨ, Phó Chủ tịch
    Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam
    Nên nghiên cứu cách làm của ĐH Quốc gia Hà Nội

    Những ngày xét tuyển vừa qua thí sinh vô cùng căng thẳng, hồi hộp, kể cả những thí sinh điểm cao cũng có thể bị trượt, không đúng như mong muốn của Bộ là để thí sinh điểm cao không bị rớt oan.
    Nhiều phụ huynh có con 20 điểm nhưng khuyên con chọn trường lấy 17 điểm để đảm bảo đậu ĐH, còn học ngành gì cũng được. Điều này dẫn tới tình trạng sinh viên học ĐH nhưng không say mê, hứng thú với nghề nghiệp, ra trường nhiều khả năng không xin được việc hoặc làm việc không có hiệu quả...
    Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu cách tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội, làm bài thi đánh giá năng lực, thi một buổi, câu hỏi thì toàn bộ các môn đều có, không ai học lệch được. Rất nghiêm chỉnh, làm bài xong là biết kết quả bao nhiêu điểm. Mô hình ấy của một đơn vị thôi nhưng thấy hay thì phải nghiên cứu sửa đổi thêm cho phù hợp.
    PGS VĂN NHƯ CƯƠNG
    Nên tính đến đăng ký trực tuyến để đỡ tốn kém đi lại

    Cái được của đợt xét tuyển năm nay là thí sinh biết điểm rồi mới ĐKXT, vì thế thí sinh có thể biết được mức điểm của mình phù hợp với trường nào lúc đó mới đăng ký vào. Nguồn xét tuyển của các trường có thương hiệu, các trường tốp trên khá thuận lợi, nhà trường chọn được những thí sinh có chất lượng. Tuy nhiên, những trường tốp dưới và đặc biệt là những trường ngoài công lập sẽ khó khăn trong nguồn tuyển.
    đợt xét tuyển vừa qua, thời gian kéo dài 20 ngày, dài quá mức cần thiết. Nếu tính tổng cả bốn đợt xét tuyển thì đã là 100 ngày, như vậy ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch năm học. Không nên để quá dài vì gây căng thẳng, mệt mỏi không cần thiết cho phụ huynh.
    Bộ GD&ĐT cũng nên tính toán để xây dựng phần mềm tuyển sinh cho phép thí sinh đăng ký trực tuyến để giải quyết được bài toán rút ra, nộp vào và đi lại để đỡ vất vả cho thí sinh và phụ huynh.
    TS TRẦN MẠNH DŨNG, Trưởng phòng
    Đào tạo Học viện Ngân hàng.
    H.HÀ - V.LONG ghi
    Ba được, sáu chưa được
    Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia giáo dục, Pháp Luật TP.HCM tổng hợp thành bảng nhận xét về những mặt được và chưa được của kỳ thi THPT quốc gia 2015.
    Ba được:
    1. Kỳ thi năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh khi chỉ phải tham gia một đợt thi thay vì bốn đợt thi như trước đây, làm giảm áp lực căng thẳng, tốn kém cho gia đình thí sinh và xã hội.
    2. Việc các thí sinh biết kết quả thi trước rồi mới đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ĐH sẽ giúp thí sinh chủ động lựa chọn các trường, ngành học phù hợp. Đây là hướng đi đúng tiến sát các nền giáo dục tiên tiến của thế giới.
    3. Việc biết điểm thi rồi mới đăng ký vào trường đã giúp phân tầng các trường ĐH, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đào tạo của các trường.
    Sáu chưa được:
    1. Mỗi hồ sơ ĐKXT cho phép được chọn tối đa bốn ngành. Việc này sẽ suôn sẻ nếu khả năng lọc ảo của phần mềm tuyển sinh hoạt động tốt nhưng thực tế không diễn ra đúng như vậy. Tình trạng thí sinh ảo đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho thí sinh vì không biết chính xác khả năng đậu hay rớt của mình. May thay nhiều trường đã có chương trình riêng để lọc ảo.
    2. Việc cho phép thí sinh được chuyển đổi nguyện vọng, rút hồ sơ sang trường khác không hạn chế số lần, đây là nguyên nhân chính gây nên cảnh rối loạn trong khâu xét tuyển những ngày qua.
    3. Quy định mỗi thí sinh đăng ký vào một trường với bốn nguyện vọng cho bốn ngành học khác nhau là chưa thật khoa học vì đi ngược định hướng nghề nghiệp chọn ngành học. Thay vào đó nên cho thí sinh nộp đơn vào bốn trường có cùng ngành học phù hợp năng lực, sở thích của thí sinh thì sẽ hợp lý hơn.
    4. Thời gian xét tuyển đợt 1 để 20 ngày là quá dài; ngoài ra còn bốn đợt xét tuyển bổ sung kéo dài gần cả trăm ngày làm ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung của các trường.
    5. Hiện nay việc xét tuyển chủ yếu phụ thuộc vào hình thức thủ công thay vì đăng ký trực tuyến là một khó khăn lớn cho cả các trường và thí sinh. Hầu hết thí sinh phải trực tiếp đến trường nộp hồ sơ. Những thí sinh ngoài tỉnh phải đi lại nhiều lần để ĐKXT, rút hồ sơ, đổi nguyện vọng gây mệt mỏi, mất thời gian và tốn kém. Sắp tới, Bộ GD&ĐT cần cải tiến khâu ĐKXT trực tuyến để thí sinh đỡ vất vả hơn.
    6. Bộ GD&ĐT mà cụ thể là Cục Khảo thí còn độc quyền quản lý cơ sở dữ liệu thí sinh và điểm thi gây khó khăn và ảnh hưởng rất nhiều cho các trường trong khâu xét tuyển. Đó là chưa kể hạ tầng công nghệ thông tin không đủ mạnh nên đã gây ra sự cố nghẽn mạng.
    TNT tổng hợp
    Cơ hội vào ĐH chưa hết
    Bộ GD&ĐT vừa có báo cáo về xét tuyển ĐH đợt 1. Theo Bộ GD&ĐT, đến hết ngày 20-8 đã có gần 570.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ (so với dự kiến số thí sinh đạt điểm từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hệ ĐH là hơn 531.000). Có thể nói phần lớn số thí sinh đạt điểm trên sàn ĐH, CĐ đã tham gia xét tuyển.
    Trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, có 108 trường ĐH và 21 trường CĐ có số thí sinh ĐKXT lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Với tình hình thí sinh ĐKXT như trên dự kiến có hàng trăm trường ĐH, CĐ với hơn 350.000 chỉ tiêu sẽ được xét tuyển ngay từ đợt 1 (so với năm 2014, chỉ có khoảng 50 trường xét đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1).
    Có một số trường ĐH ngoài công lập có lượng thí sinh ĐKXT cao như Trường ĐH Võ Trường Toản (107%), Trường ĐH Buôn Ma Thuột (93%), Trường ĐH Hoa Sen (91%), Trường ĐH Văn Lang (80%), HUTECH (60,8%), Trường ĐH Thăng Long (60%); có khoảng 10 trường khác đạt từ 50% trở lên.
    Số lượt thí sinh thay đổi nguyện vọng ĐKXT là gần 43.000 (chiếm 8,1% tổng số thí sinh ĐKXT đợt 1); trong số thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng ĐKXT tại các sở GD&ĐT là hơn 11.000, tại các trường ĐH, CĐ là gần 32.000. Việc thay đổi nguyện vọng ĐKXT chủ yếu tập trung vào khoảng 30 trường có số thí sinh ĐKXT vượt nhiều so với chỉ tiêu.
    Ngày 25-8, các trường bắt đầu đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết với các em chưa trúng tuyển đợt 1 thì cơ hội vào ĐH chưa phải là hết. Có khá nhiều trường ĐH-CĐ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thông tin liên quan đến xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ được các trường cập nhật trên trang web của trường. Việc ĐKXT vào nguyện vọng bổ sung các em sử dụng các giấy báo điểm còn lại. Các em cần lưu ý là trong đợt xét tuyển bổ sung không được rút hồ sơ ra và điểm thi không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.
    H.HÀ
    PHONG ĐIỀN

    Hàng chục nghìn hộ ở Sài Gòn sẽ bị cúp nước trong 8 giờ

    Đêm nay, 30 phường xã thuộc 4 quận huyện ở TP HCM với hàng chục nghìn hộ dân sẽ bị cúp nước để nhà máy nước lắp đặt thiết bị và đấu nối các máy biến áp.
    Theo Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn, từ 22h ngày 22/8 đến 6h sáng 23/8, Nhà máy nước Tân Hiệp (công suất 300.000m3/ngày) sẽ ngưng hoạt động để lắp đặt thiết bị và đấu nối các máy biến áp 4.000KVA. 30 phường xã, thuộc quận 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh với hàng chục nghìn hộ dân sử dụng nước máy có khả năng bị thiếu nước sinh hoạt.
    Cụ thể, quận 6 (từ phường 5 đến phường 14); quận 8 (từ phường 7 đến phường 10 và từ phường 14 đến phường 16); quận Bình Tân gồm các phường: An Lạc, An Lạc A, Bình Trị Đông, Bình Trị Đông A, Bình Trị Đông B, Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Tân Tạo, Tân Tạo A và huyện Bình Chánh gồm các xã: Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, thị trấn Tân Túc, chợ Bình Điền.
    Khi có nước máy trở lại, một số khu vực thuộc các địa bàn trên có thể bị xáo trộn thủy lực trong đường ống dẫn đến nước đục cục bộ. Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn cho biết sẽ cấp nước bằng xe bồn cho các khu vực thiếu nước và sẽ khắc phục hiện tượng nước đục trong thời gian sớm nhất.
    Hữu Công

    Đình chỉ điều tra trọng án ở Nghệ An vì hung thủ tự tử

    Công an tỉnh Nghệ An kết luận người đàn ông treo cổ trong rừng tràm là hung thủ sát hại bé trai 4 tuổi, đánh trọng thương đứa trẻ 10 tuổi.
    Sáng 22/8, trao đổi với PV, thượng tá Cao Ánh Hồng (Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An) cho biết thi thể người đàn ông treo cổ trong rừng tràm ở xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương) được xác định là Võ Văn Mùi (36 tuổi) - nghi can dùng gậy tre đoạt mạng bé trai 4 tuổi.
    Theo thượng tá Hồng, kết quả giám định chỉ ra ADN của thi thể này trùng khớp với ADN của con gái Mùi. Trước đó, chị gái của Mùi cũng xác nhận nhiều đặc điểm riêng của em mình trùng với xác của người đàn ông treo cổ. "Do nghi can đã chết, cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra vụ án", Phó phòng PC 45 cho hay.
    Sáng nay, gia đình cho biết sức khoẻ bé trai 10 tuổi, nạn nhân thứ hai của Mùi, đã có tiến triển, tuy nhiên vẫn phải trải qua một số lần phẫu thuật nữa.
    Đình chỉ điều tra trọng án ở Nghệ An vì hung thủ tự tử - ảnh 1 Con đường sau nhà nạn nhân là nơi Mùi bắt đầu chạy trốn vào rừng. Ảnh: Hà Hằng.
    Theo nhà chức trách, sáng 31/7, Mùi chở con gái nhỏ tới nhà mẹ vợ ở xã Thanh Đức. Lúc này người lớn trong nhà đi vắng, chỉ có Nguyễn Ngọc Trung (4 tuổi) và Nguyễn Ngọc Chiến (10 tuổi), hai con của anh vợ, đang chơi ở sân.
    Theo cáo buộc, Mùi dùng gậy tre dài hơn nửa mét tấn công khiến Trung tử vong, cháu Chiến bị thương nặng. Mùi vứt lại hung khí, áo sơ-mi dính máu tại hiện trường rồi chạy trốn vào rừng trên địa bàn.
    Người nhà cho hay gần đây cuộc sống gia đình của Mùi thường xuyên căng thẳng. Vợ giận bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở, Mùi nhiều lần đến thuyết phục song không được.
    Sau 4 ngày huy động gần 100 công an truy tìm, cảnh sát tìm thấy thi thể nghi can trong rừng tràm cách hiện trường vụ án chừng 2 km đường chim bay, dây treo cổ được xé từ vải quần dài.
    Theo VnExpress

    Hai miền Triều Tiên tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế




    Hàn Quốc và Triều Tiên đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế đối với lập trường và lợi ích của mỗi bên, trong bối cảnh tình hình căng thẳng đang leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.
     >> Tương quan lực lượng giữa hai miền Triều Tiên

    Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết tiếp sau vụ đấu pháo qua biên giới ngày 20/8 và việc Triều Tiên đòi Hàn Quốc ngừng các buổi phát thanh chống Bình Nhưỡng trước 17 giờ ngày 22/8, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế đối với lập trường và lợi ích của mỗi bên trong bối cảnh tình hình căng thẳng đang leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.
    Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 21/8 chủ trì cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia - NSC. (Ảnh: THX/TTXVN)
    Theo hãng tin trên, Hàn Quốc đã tham vấn Mỹ và các đối tác quan trọng khác. Các quan chức của Chính phủ Hàn Quốc đã giải thích các chi tiết của vụ đấu pháo trên với các bên đối tác và Liên hợp quốc, thảo luận các biện pháp phối hợp nhằm ngăn chặn các hành động quân sự tiếp theo của Triều Tiên.
    Trước đó, Đặc phái viên của Hàn Quốc về vòng đàm phán 6 bên, Hwang Joon-kook, ngày 20/8 đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vũ Đại Vĩ để thảo luận về các biện pháp đối phó chung với tình hình. Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc dẫn lời ông Vũ Đại Vĩ nói Trung Quốc đang đóng một “vai trò tích cực” đối với việc giải quyết tình hình hiện nay và sẽ tiếp tục những nỗ lực này.
    Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se đã rút ngắn chuyến thăm Costa Rica và dự kiến sẽ trở về nước vào ngày 23/8.
    Về phần mình, Triều Tiên cũng sử dụng kênh ngoại giao và đại diện của mình tại các nước đối tác chủ chốt để bác bỏ những lời cáo buộc rằng họ đã châm ngòi cho cuộc đấu pháo, đồng thời cáo buộc Hàn Quốc gây ra tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
    Các đại sứ và quan chức cao cấp của Triều Tiên tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Moskva (Nga) và Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp báo về tình hình hiện nay trước khi Hội đồng Bảo an có bất kỳ động thái nào liên quan đến các diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên cũng đã đề nghị Hội đồng Bảo an triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về việc Hàn Quốc tiến hành các buổi phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên cũng như các cuộc tập trận quân sự chung Hàn - Mỹ.
    Các chính đảng Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên ngừng hành động quân sự
    Ngày 22/8, các chính đảng cầm quyền và đối lập ở Hàn Quốc đã hối thúc Triều Tiên ngừng ngay mọi hành động có thể làm gia tăng tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sau vụ hai miền đấu pháo qua biên giới ngày 20/8.
    Tiền đồn quân sự Hàn Quốc (phía dưới) và Triều Tiên (phía trên) được nhìn từ thành phố biên giới Paju ngày 21/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
    Chủ tịch đảng Saenuri cầm quyền Kim Moo-sung và lãnh đạo đảng này tại Quốc hội Won Yoo-chul đã cùng với những người đồng cấp Moon Jae-in và Lee Jong-kul của đảng Liên minh chính trị mới vì dân chủ đối lập đưa ra lời kêu gọi trên trong một tuyên bố chung tại cuộc họp bàn về tình hình căng thẳng hiện nay. Lãnh đạo các đảng cũng kêu gọi chính quyền hai miền Triều Tiên tiến hành một cuộc đối thoại nhằm giải quyết tình trạng căng thẳng này một cách hòa bình.
    Tuyên bố chung có đoạn viết: “Chính phủ cần giải quyết tình hình một cách vững chắc và hòa bình. Giới chính trị cam kết sẽ ngừng mọi xung đột chính trị, đối phó với tình hình theo cách không phân biệt đảng phái và tin tưởng vào khả năng đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn cho người dân của quân đội”.
    Ông Kim cũng dự kiến sẽ có cuộc họp với các quan chức hàng đầu của đảng Saenuri vào cuối ngày 22/8 để thảo luận những diễn biến mới nhất của tình hình. Trong khi đó, đảng đối lập cho biết các quan chức hàng đầu của họ cũng đang sẵn sàng ứng phó nhanh với những hành động quân sự mà Triều Tiên có thể thực hiện.
    Ngày 20/8 vừa qua, Triều Tiên đã đe dọa tiến hành “hành động quân sự mạnh mẽ” nếu Hàn Quốc không cho ngừng các buổi phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng qua hệ thống loa phóng thanh dọc theo biên giới và dỡ bỏ các thiết bị chiến tranh tâm lý này trước thời hạn chót là 17h00 ngày 22/8. Trong khi đó, phía Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục các buổi phát thanh này.
    Theo (TTXVN)

    Trọng tâm Biển Đông nổi bật trong chiến lược biển mới của Mỹ

    media Tiêm kích F/A18 Hornet của Hải quân Mỹ trên không phận Biển Đông (ảnh wikipedia)
    Ngày 21/08/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức công bố tài liệu mang tựa đề Chiến lược an ninh hàng hải ở Châu Á Thái Bình Dương, phác họa những đường nét quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ nhằm bảo đảm an ninh tại vùng biển Châu Á. Dù cũng đề cập đến Biển Hoa Đông, nhưng rõ ràng là chiến lược biển mới của Mỹ đặt trọng tâm vào việc đối phó với các hành vi quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
    Trong một cuộc họp báo tại Washington, ông David Shear, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương đã xác định ba trục chính trong chiến lược mới đó : (1) kiên trì dấn thân và tiếp tục sử dụng ngoại giao và các định chế đa phương để bảo vệ quyền tự do lưu thông và tiếp cận các vùng biển Châu Á ; (2) tập trung bảo vệ quyền tự do sử dụng các vùng biển, ngăn chặn xung đột và các hành vi cưỡng bức ; (3) phát huy việc tuân thủ pháp luật và chuẩn mực quốc tế.
    Sau khi nhắc lại quan điểm từng được tuyên bố của Washington, theo đó Mỹ không thiên vị ai trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa khẳng định là Hoa Kỳ « có lợi ích trong việc đảm bảo sao cho tranh chấp chủ quyền được giải quyết một cách hòa bình, không thông qua xung đột hay cưỡng chế ». Mối lo ngại của Hoa Kỳ tuy nhiên đang tập trung ở Biển Đông, khi ông David Shear nêu bật mối quan ngại của Mỹ về sự kiện Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa và quân sự hóa các nơi này.
    Trong bối cảnh đó, theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington sẽ duy trì một sự hiện diện quân sự cần thiết, đủ khả năng bảo vệ lợi ích của Mỹ cũng như của đồng minh và đối tác trong khu vực, chống lại các mối đe dọa tiềm tàng. Trên tinh thần đó, Hoa Kỳ đang tăng cường lực lượng quân sự trong vùng để trở thành một lực lượng răn đe, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Theo ông David Shear, Bộ Quốc phòng Mỹ không chỉ chuyển qua Châu Á các phương tiện tối tân nhất, mà lại còn trải đều các phương tiện đó trên toàn khu vực.
    Con chủ bài trong các phương tiện tối tân đó là hạm đội tàu chiến tuần duyên LCS (Littoral Combat Ship), loại chiến hạm nhỏ nhưng linh hoạt, với hỏa lực hùng hậu, được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tại những vùng nước nông ven bờ, đặc thù của Biển Đông : 4 chiếc sẽ được triển khai ngay tại Singapore, phụ trách trực tiếp Biển Đông, 4 chiếc khác sẽ được dùng làm lực lượng dự bị, sẵn sàng tung ra khi cần thiết.
    Một hàng không mẫu hạm mới, chiếc USS Ronald Reagan sẽ qua thay thế chiếc George Washington, và trong vòng năm năm sắp tới, Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ có thêm một chiếc tàu đổ bộ tấn công mới, USS America, trong lúc thêm hai tàu khu trục Aegis được gửi đến túc trực tại Nhật Bản. Không quân cũng sẽ được tăng viện bằng loại chiến đấu cơ F-22 và F-35 tối tân hơn, không kể đến loại oanh tạc cơ chiến lược B-2 và B-52, và 47 chiếc phi cơ tuần thám đời mới P8 A Poseidon, có gắn thủy lôi. Lực lượng Thủy quân lục chiến túc trực trong vùng cũng sẽ được trang bị loại máy bay lên thẳng V-22.
    Sau cùng, khu vực cũng sẽ có thêm các loại tên lửa hiện đại phóng đi từ chiến hạm hoặc phi cơ, cùng với các hỏa tiễn tầm xa có độ chính xác cao, trong đó có loại JASSM-ER và một loại tên lửa hành trình chống hạm tầm xa mới. Với các phương tiện răn đe đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục vai trò người bảo vệ ổn định và quyền tự do hàng không và hàng hải, đặc biệt là ở Biển Đông.
    Hôm thứ Năm, 20/08/2015, như để nhắc nhở Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã khẳng định trở lại là Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự bên trong và chung quanh Biển Đông : « Phi cơ và chiến hạm Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như vẫn làm ở mọi nơi khác trên thế giới ».

    Ngày định mệnh của hai sếp ngân hàng đầu bạc

    Một ngày cuối tháng 8 năm 2012, Nguyễn Đức Kiên - tức “Kiên đầu bạc” nhận quyết định bắt giam về hành vi “kinh doanh trái phép”. Cũng đúng vào ngày đó 3 năm sau, Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á - Trần Phương Bình với mái tóc trắng quen thuộc cũng bị “truất ngôi” sau nhiều năm lãnh đạo nhà băng này.
    Nguyên tổng giám đốc DongABank Trần Phương Bình (trái) và nguyên chủ tịch HĐQT ACB Nguyễn Đức Kiên Nguyên tổng giám đốc DongABank Trần Phương Bình (trái) và nguyên chủ tịch HĐQT ACB Nguyễn Đức Kiên
    Ngày định mệnh của hai ông chủ tóc bạc
    Chiều tối 20/08/2012, nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB - Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam về hành vi "kinh doanh trái phép" theo điều 159 - Bộ Luật hình sự.
    Ngay tối ngày hôm đó , việc khám xét nhà riêng của ông Kiên tại quận Tây Hồ (Hà Nội) đã diễn ra. Công an đã thu giữ một số tài liệu, CPU phục vụ quá trình điều tra. Căn biệt thự 3 tầng bề thế, rộng 500 m2 nhìn ra hồ Tây đóng kín cửa. Bên ngoài cánh cổng sắt cao hơn 3 mét có người mặc đồng phục bảo vệ canh gác, ngăn cản người tới gần.
    Cũng vào ngày định mệnh đó, 3 năm sau, ngày 20/08/2015, một nhân vật khác cũng nổi danh trong nghề “buôn tiền” nhận quyết định đình chỉ chức danh Tổng giám đốc tại ngân hàng TMCP Đông Á - ông Trần Phương Bình.
    Quyết định của NHNN như “sét đánh ngang tai” khi mới vài hôm trước đây, ông Bình còn cười và nói với phóng viên “Tôi đang ở ngân hàng và trao đổi với cán bộ công nhân viên DongA Bank những việc cần làm cho ngày mai (ngày 18/8)”.
    Cùng một ngày trong năm, cùng một hình ảnh với mái tóc bạc của hai ông chủ nhà băng Nguyễn Đức Kiên và Trần Phương Bình, khiến cho dư luận không khỏi e ngại về nghề “kinh doanh tiền” đầy rủi ro và bất trắc.
    Ngày đen tối của ngân hàng
    Phản ứng đầu tiên của ACB sau khi lệnh bắt “bầu” Kiên được loan báo hôm 20/8 là thông cáo báo chí khẳng định “ông Kiên không còn là cổ đông lớn, cũng không phải thành viên Hội đồng quản trị, không tham gia ban điều hành của ngân hàng ACB”.
    Nhưng tâm lý của người dân về sự ảnh hưởng của bầu Kiên đối với hình ảnh của ACB vẫn còn rất lớn, để tránh khủng hoảng người dân ồ ạt rút tiền như tin đồn Tổng giám đốc ACB bỏ trốn vào năm 2003, không phải tình cờ mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên làm việc thường kỳ của UB thường vụ Quốc hội vào ngày hôm sau.
    Người dân ồ ạt rút tiền tại ngân ACB ngày 21/08/2012
    Theo đó, NHNN sẵn sàng đảm bảo tính thanh khoản cho ACB trong trường hợp khách hàng rút tiền hàng loạt. Đồng thời, Thống đốc cũng gián tiếp xác nhận công bố mà các nhân vật điều hành ACB đưa ra trước đó về việc “vụ bắt giam ông Kiên không liên quan đến ACB”, tất nhiên, kèm theo ghi chú “tính đến thời điểm này”.
    Tin đồn – chính là từ đáng sợ nhất thời điểm này của hệ thống ngân hàng. Mặc dù thời gian gần đây, các cán bộ cấp cao của các nhà băng vướng vào vòng lao lý không phải là thông tin quá sốc sau vụ bầu Kiên, sau Hà Văn Thắm…
    Đối với Đông Á Bank, sau khi NHNN công bố kết luận thanh tra toàn diện và quyết định kiểm soát đặc biệt vào ngày 14/08, thị trường bỗng xôn xao tin đồn Tổng giám đốc Bình bị bắt, một bộ phận không nhỏ khách hàng đã kéo đến ngân hàng để rút tiền.
    Ngân hàng Đông Á cũng trải qua tình trạng tương tự sau lệnh kiểm soát đặc biệt ngày 14/08 của Ngân hàng Nhà nước
    Trong 4 ngày từ 14-18/08 (trừ Chủ nhật), chênh lệch số tiền gửi vào và rút ra trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm và thanh toán qua tài khoản ngân hàng bị âm 4.834 tỷ đồng (trong đó tiền rút ra 15.424 tỷ đồng và gửi vào là gần 10.592 tỷ đồng). Ngoài ra, số vàng giữ hộ trong bốn ngày cũng sụt giảm hơn 7.400 lượng.
    Qua nắm tình hình, NHNN khẳng định Ngân hàng Đông Á vẫn hoàn toàn đủ khả năng đảm bảo chi trả đầy đủ cho mọi khoản tiền gửi, vàng giữ hộ của khách hàng gửi tại ngân hàng. Đồng thời NHNN cũng cam kết sẽ hỗ trợ thanh khoản đầy đủ, kịp thời để đảm bảo nhu cầu chi trả tiền gửi của người dân và hoạt động bình thường của Ngân hàng Đông Á.
    Mọi sự dần lắng xuống khi hiện tượng rút tiền ồ ạt không còn, NHNN lại “bồi” thêm thông tin đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Trần Phương Bình và chức Phó Tổng giám đốc đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Vân.
    NHNN cũng cử hai đại diện từ BIDV sang thay thế là ông Võ Hải Nam và ông Phạm Thế Nguyên.
    “Việc chỉ định nhân sự tham gia điều hành DAB là một trong các giải pháp để tăng cường kiểm soát, bảo đảm hoạt động của DAB được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật” – Ngân hàng Nhà nước cho biết.
    Theo vietnamnet.vn

    ​“Đệ nhất phu nhân” Khmer Đỏ qua đời

    22/08/2015 18:38 GMT+7
      TTO - Ngày 22-8, Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) thông báo cựu “đệ nhất phu nhân” Khmer Đỏ Ieng Thirith vừa qua đời ở tuổi  83.
      "Đệ nhất phu nhân" Khmer Đỏ Ieng Thirith - Ảnh: AFP
      "Đệ nhất phu nhân" Khmer Đỏ Ieng Thirith - Ảnh: AFP
      Theo AFP, ECCC cho biết Ieng Thirith trút hơi thở cuối cùng tại Pailiin, gần biên giới Thái Lan. “Bà ta được trả tự do dưới sự giám sát pháp lý và vẫn chịu sự giám sát pháp lý đó cho đến khi qua đời” - ECCC nhấn mạnh.
      Ieng Thirith là một trong số rất ít phụ nữ nắm quyền lãnh đạo trong chế độ Khmer Đỏ. Bà ta từng là “bộ trưởng xã hội” của Khmer Đỏ và là vợ của “ngoại trưởng” Ieng Sary. Năm 2012, dư luận Campuchia và quốc tế vô cùng kinh ngạc và thất vọng khi ECCC quyết định trả tự do cho Ieng Thirith.
      ECCC giải thích Ieng Thirith mắc nhiều chứng bệnh khác nhau, do đó không đủ sức khỏe để hầu tòa. Chồng bà ta là Ieng Sary cũng qua đời năm 2013 ở tuổi 87 trước khi lãnh án.
      AFP dẫn lời ông Youk Chhang, giám đốc Trung tâm Tài liệu Campuchia, khẳng định Ieng Thirith không phải là kẻ thụ động trong vai trò vợ Ieng Sary và chị vợ lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot. “Bà ta là một nhân vật rất có ảnh hưởng trên toàn quốc” - ông Youk Chhang cho biết.
      Với vị trí bộ trưởng các vấn đề xã hội, Ieng Thirith quản lý hệ thống cung cấp thuốc men cho người dân Campuchia dưới thời Khmer Đỏ. “Ieng Thirith trực tiếp dính líu đến việc cản trở người dân Campuchia được tiếp cận những dịch vụ y tế cơ bản nhất dưới thời kỳ Khmer Đỏ” - ông Youk Chhang mô tả.
      Bà ta bị bắt năm 2007 cùng chồng và liên tiếp phủ nhận mọi cáo buộc. Sinh ra với cái tên Khieu Thirith trong một gia đình giàu có, Ieng Thirith bắt đầu hoạt động chính trị cùng chồng tương lai khi còn là học sinh trung học ở Phnom Penh.
      Ieng Thirith học đại học ở Paris (Pháp) và trở thành người Campuchia đầu tiên lấy bằng cử nhân văn học Anh. Tại đây, Ieng Thirith cưới Ieng Sary và cả hai có bốn con. Bà ta trở về Campuchia năm 1957 và tham gia hoạt động chính trị cùng chồng từ giữa thập niên 1960.
      Dưới chế độ Khmer Đỏ, khoảng 2 triệu người Campuchia thiệt mạng. Ieng Thirith bị cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người… Dù vậy, cuối cùng Ieng Thirith chết đi mà không phải đối diện với công lý.
      NGUYỆT PHƯƠNG

      Lính thủy đánh bộ Mỹ chặn đứng vụ thảm sát trên tàu điện tới Paris




      Dân trí Hai lính thủy đánh bộ Mỹ đang được ca ngợi như người hùng, khi phát giác và cùng chặn đứng nghi phạm xả súng trên chuyến tàu cao tốc từ Amsterdam tới Paris. Tên này mang theo súng AK-47, 9 băng đạn và nhiều vũ khí khác.

      Trong cuộc đối mặt và khống chế đối tượng, một trong hai binh sỹ này đã bị trúng đạn vào cổ.
      Theo tờ Daily Mail, trong lúc đi trên chuyến tàu ngày 21/8, một trong hai binh sỹ lính thủy đánh bộ Mỹ đã nhìn thấy một nam giới có biểu hiện đáng ngờ. Sau đó cả hai đã cùng theo dõi tên này và nghe thấy tiếng súng lên đạn trong lúc đối tượng đi vào nhà vệ sinh.
      injured-man-b9146
      Một người bị thương trong vụ nổ súng được đưa đi cấp cứu (Ảnh: AFP)
      Trước đó, nghi phạm - được xác định là công dân Ma rốc, 26 tuổi - đã lên chuyến tàu tại thủ đô Brussels, Bỉ, và có ý định thực hiện vụ tấn công ngay khi tàu vừa vào biên giới Pháp.
      Tên này thời gian qua bị cơ quan an ninh Pháp đưa vào danh sách theo dõi với nhận định “có khả năng nguy hiểm". Khi y vừa bước ra từ nhà vệ sinh trên tàu và giơ súng lên, hai lính thủy đánh bộ Mỹ dù không có vũ khí đã kịp thời ngăn chặn.
      Trong lúc vật lộn, một trong hai người bị trúng đạn vào cổ, dù vết thương không nguy hiểm đến tính mạng. Một hành khách khác trên tàu bị thương là diễn viên người Pháp Jean-Hugues Anglade, Bộ nội vụ Pháp xác nhận.
      suspect-detained-d6e09
      Nghi phạm bị khống chế và bàn giao cho cơ quan an ninh Pháp tại thành phố Arras (Ảnh: Freedomfilm)
      Kẻ khủng bố bị khống chế và giao cho cơ quan chức năng khi chuyến tàu vào ga tại thành phố Arras. Khám xét ba lô của tên này, cảnh sát phát hiện 9 băng đạn được nạp đầy, với tổng cộng gần 300 viên đạn, một súng AK-47, một súng lục tự động và dao, một nguồn tin cảnh sát tiết lộ với hãng tin AFP.
      Báo giới Tây Ban Nha cho biết nghi phạm là Ayoub el-Qahzzani và đang sống tại Tây Ban Nha. Tờ El Pais khẳng định tên này vừa trở về từ Syria để thực hiện vụ tấn công.
      magazins-f6e6e
      Nhiều vũ khí và băng đạn được tìm thấy bên trong ba lô của kẻ tấn công (Ảnh: RT)
      Theo trang tin FranceInfo.fr, el-Qahzzani có liên hệ với một số nhóm Hồi giáo cực đoan.
      Phát biểu tại Arras, Bộ trưởng nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã ca ngợi hành động can thiệp đúng lúc của các lính thủy đánh bộ Mỹ.
      "Hành động anh hùng"
      Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 21/8 đã bày tỏ cảm kích trước “sự can đảm và nhanh trí” của các hành khách trên chuyến tàu cao tốc tại Pháp, trong đó có 2 thành viên của quân đội Mỹ, những người đã khống chế một phần tử vũ trang.
      “Tổng thống Mỹ bày tỏ sự cảm kích sâu sắc trước sự dũng cảm và nhanh trí của một số hành khách, trong đó có các quân nhân Mỹ, những người đã không lo sợ cho bản thân và khống chế kẻ tấn công”, thông cáo của Nhà Trắng viết. “Rõ ràng những hành động anh hùng của họ đã ngăn chặn một thảm kịch tồi tệ hơn nhiều”.
      “Nhờ có họ chúng ta đã tránh được một thảm kịch. Họ đặc biệt gan dạ và đã chứng tỏ sự dũng cảm trong những tình huống đặc biệt khó khăn”, ông Cazeneuve nói.
      Theo phóng viên Marin Buxant đến từ Bỉ, hai binh sỹ Mỹ đang được nghỉ phép tại Brussels khi phát hiện đối tượng và theo dõi tên này.
      Hiện vụ việc đã được chuyển cho lực lượng chống khủng bố của Pháp xử lý, dù động cơ của vụ nổ súng chưa được xác định.
      Tổng thống Pháp Francois Hollande và thủ tướng Bỉ Michel đã có cuộc điện đàm ngay sau khi hay tin về âm mưu tấn công, và thống nhất sẽ “hợp tác chặt chẽ” trong quá trình điều tra, thông cáo của điện Elysee cho biết.
      Thời gian qua, Pháp đã chứng kiến nhiều vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan, trong đó có vụ thảm sát tại trụ sở tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và vụ tấn công một siêu thị ở Paris khiến 17 người thiệt mạng.
      Mới hồi tháng 6, một người đàn ông đã chặt đầu ông chủ của mình và tìm cách cho nổ tung một nhà máy khí đốt ở miền Nam nước Pháp, trong vụ việc cơ quan công tố khẳng định nghi phạm bị xúi giục bởi nhóm nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
      Thanh Tùng
      Tổng hợp

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét