Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

XEM PHIM: Ngã Ba Đồng Lộc

(ĐC sưu tầm trên NET)

                           
Ngã ba Đồng Lộc



Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta,
Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc
Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba
Và có nhiều ngã ba nổi tiếng:
Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của
                              một đại châu, sóng dựng trùng trùng;
Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to
Như những mạch máu khổng lồ
Trên thân hình trái đất
Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói,
Có những ngã ba là nơi gặp gỡ của những dòng
                     văn minh lớn, đông, tây, kim cổ....
Tất cả những ngã ba trên, con có thể học biết
                    (trong sách địa dư, trên những bản đồ),
Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và chụp ảnh nữa...
Xong rồi, con có thể quên
Nhưng con ơi, con chớ có quên ngã ba Đồng Lộc.

Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định,
Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba
Những ngã ba vận mệnh
Những cái nút trên dặm dài lịch sử
Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhó đến ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc:
Là ngã ba nhưng nào có phân vân
Nào có đắn đo do dự!
Là ngã ba trên chặng đường quyết liệt
Nhưng hướng đi đã quyết
Không phải cho một lần
Mà cho tất cả mọi lần
Không phải cho một người
Mà cho tất cả quê hương, đất nước:
Hướng về Nam, một nửa mình Tổ quốc


Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng
                    sông, bằng thuỷ triều lên xuống,
Hay bằng đá, bằng đất
Bằng xi măng cốt sắt
Bằng vôi trắng, gạch nâu
Bằng đèn xanh đèn đỏ đủ màu
Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã,
Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu.
Khi con về quê con nhớ viếng thăm
Mộ người cô kề bên đường đỏ.
Các cô như còn đứng đó
Chờ lấp hồ bom
Đường thông xe các cô mới đi  nằm.
Các cô để lại tuổi thanh niên
Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi
Cho đất nước, quê hương
Hồn trong như suối,
Bình minh đời sáng rực vừng dương...
Con sẽ tìm thăm mời cô La Thị Tám (1)
Từ trường học lại về trận địa đầu non
Đứng giữa đàn bò bê mũm mĩm
Trên sườn núi cao cỏ đã mượt màu xanh
Như mảng da non trên thân thể đang lành
Cô sẽ chỉ con xem
Những hồ bom loang lổ
Như đất trên mặt trăng
Mỗi thước vuông ba quả bom to bự
Cô sẽ chỉ con xem
Nghìn vạn điểm lăn bom nổ chậm
Cô từng đến cắm cờ
Mỗi lần chạy đua với cái  chết.
Đôi chân cô nhanh hơn kíp nổ,
Cô là một ngọn cờ đỏ của quê ta.
Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi
Những năm tháng chiến tranh ác liệt
Nghìn vạn chuyến xe đi
Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc
Máu qua tim máu lọc
Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam.
Và con ơi, bố ngồi nghĩ miên man:
Bạn bè ta trong cơn gió lốc
Hẳn cũng đang vượt những ngã ba Đồng Lộc,
Những ngã ba Việt Nam.
Dọc đường dài kẻ địch còn găm
Nhiều bom nổ chậm
Nhưng chẳng hề chi!
Khắp năm châu còn nhiều La Thị Tám.
Nhiều Võ Thị Tần (2)
Đường sẽ thông xe đi về cách  mạng.

                                                                      Huy Cận
(1) Chị La Thị Tám chuyên phát hiện bom nổ chậm, cắm cờ bên cạnh bom để xe tránh, và để hướng dẫn đội công binh đến phá bom; chị đã được tuyên dương anh hùng.
(2) Chị Võ Thị Tần đội trưởng đội thanh niên xung phong (10 cô) chuyên lấp hố bom, đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ: toàn tổ đã được tuyên dương anh hùng

Nguồn: http://hanoi.vnn.vn/chuyen_de/9812/dgiac_lamtho/tho_18.htm

10 Cô

Ngã ba Đồng Lộc
Tin đăng ngày: 20/11/2009 - Xem: 10175


Con ơi , bố về thăm Hà Tĩnh quê ta               Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc                                                      (Huy Cận)
        Nhân kỷ niệm 79 năm ngày ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930-20/10/2009) , tôi xin được nhắc lại sự hi sinh quả cảm của 10 cô gái thanh niên xung phong đã làm nên huyền thoại Đồng Lộc !


        Giờ đây những cái tên con gái : Võ Thị Tần , Hồ Thị Cúc , Võ Thị Hà , Nguyễn Thị Nhỏ , Hà Thị Xanh , Trần Thị Rạng , Nguyễn Thị Xuân , Võ Thị Hợi . Trần Thị Hường, Dương Thị Xuân không còn là những cái tên xa lạ trong tâm thức mỗi người Việt Nam . Các cô hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ : từ 17 đến 22 .
       Trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước , ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc , tỉnh Hà Tĩnh là tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam . Vì thế Đồng Lộc được coi là toạ độ lửa , là túi bom mà ngày ngày máy bay Mĩ thi nhau dội xuống hòng cắt đứt mạch máu giao thông giữa hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam . Bởi vậy mà mỗi mét đất ở đây phải hứng chịu hàng chục tấn bom đạn của giặc Mĩ . Bầu trời Đồng Lộc lúc nào cũng đen kịt khói bom , hố bom cũ - mới chồng lên nhau ,không có một cây cỏ nào sống sót được .  
       Tiểu đội nữ TNXP có tên là A4 do chị Võ Thị Tần làm A trưởng (Tiểu đội trưởng),nhiệm vụ của các cô là ngày ngày san lấp hố bom để thông đường cho xe ra mặt trận , bởi chỉ cần chậm một phút một giây , đường bị tắc , hàng trăm chiếc xe lồ lộ giữa ngã ba trống trải không có cây cối , chỉ có màu đất đỏ lở loét sẽ rất dễ bị máy bay địch phát hiện và tổn thất sẽ khôn lường . Không chỉ san lấp hố bom , họ còn đếm từng loạt bom rơi , nắm số bom nổ chậm hoặc số bom chưa nổ , cắm mốc vào đó để báo cho lực lượng công binh rà phá bom mìn . Công việc vô cùng nguy hiểm  nhưng khẩu hiệu quyết tâm của toàn đơn vị là thông xe .
       Hôm ấy  là 16h 30 phút chiều 24/7/1968, theo thường lệ , 10 cô gái TNXP do Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần chỉ huy đang bám sát mặt đường để làm nhiệm vụ . Máy bay Mĩ kéo đến , thả bom . Thông thường sau khi trút bom vào rốn lửa Đồng Lộc , chúng lại kéo nhau tháo chạy vào phía Nam để tránh những loạt pháo chống trả của quân ta ,và sau khi bom nổ , mặt đường bị cày xới , các đơn vị TNXP lại hối hả san lấp hố bom làm nhiệm vụ thông đường . Thế nhưng trái với lệ thường , sau khi trút xuống loạt bom thứ nhất , máy bay địch lại quay lại trút loạt bom thứ hai ngay giữa đội hình . Mọi người không kịp trở tay . Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần chỉ kịp ra lệnh cho chị em nấp vào những chiếc hầm trú ẩn tạm bợ bên đường .
       Sau loạt bom nổ , khói lửa mịt mù . Thông thường cứ sau một loạt bom nổ , mọi người lại lao lên ồ ạt cuốc xẻng san lấp mặt đường để cứu đường , thông  xe , vậy mà hôm nay , sau loạt bom nổ , không còn thấy bóng ai trên mặt đường nữa . Cả không gian im vắng đến lạnh người . Đồng đội lao lên : A4 đâu rồi ? A4 đâu rồi ? Không còn nhìn thấy một dấu vết nào của Tiểu đội A4 , chỉ có một chiếc nón lá đã bị bom xé nát !
       Mọi người đổ xô đi tìm , gọi tên từng người , gọi đến khản tiếng mà không nghe một lời đáp trả , chỉ có tiếng dội vọng lại từ vách đá .Thế là hi sinh hết cả rồi !
      Đồng đội lại cuốc xẻng để đào bới . Nhưng không ai dám cuốc mạnh , mọi người vứt hết cuốc xẻng và đào bới bằng tay vì sợ dùng cuốc xẻng chạm phải đồng đội mình . Việc tìm kiếm thật khó khăn vì sau một loạt bom , địa hình lại bị biến dạng đi . Trời dần tối , ai cũng căng mắt ra nhưng không thể xác định được vị trí của những căn hầm trú ẩn , phải hơn một tiếng đồng hồ sau nữa , họ mới phát hiện được căn hầm thứ nhất , trong đó có 5 cô , ngoài cùng là A trưởng Võ Thị Tần , chứng tỏ chị đã nhường cho đồng đội vào trước , còn mình vào sau cùng . Tiếp đến căn hầm thứ hai , có 4 cô . Thân thể các chị còn mềm , còn ấm  nhưng tim không còn đập nữa . Các chị đã hy sinh . Như vậy , đến nửa đêm hôm đó , đồng đội đã tìm được 9 cô , còn một người nữa : A phó Hồ Thị Cúc .
       Suốt đêm hôm đó , đồng đội  đã cày xới cả một khúc đồi mà chẳng tìm được thi thể chị Hồ Thị Cúc . Công tác khâm liệm và làm lễ truy điệu liệt sĩ phải tiến hành khẩn cấp trong đêm , bởi nếu kéo dài thời gian máy bay địch quay lại sẽ không tránh khỏi thương vong thêm nữa . Có ý kiến cho mai táng 9 cô , còn một ngôi mộ đắp giả . Nhưng có nhiều ý kiến phản đối : Cả tiểu đội đã từng sống, chiến đấu bên nhau , thương yêu nhau như chị em ruột thịt nột nhà , thì khi hy sinh phải được ở cùng nhau . Phải tìm cho được thi hài chị Hồ Thị Cúc .Thế là mọi người lại tiếp tục công việc tìm kiếm . Gần một ngày nữa trôi qua , cả một khúc đồi đã bị cày đi xới lại mà mà vẫn không thấy một tia hi vọng nào . Mọi người nhìn nhau , bất lực!
        Trong nỗi đau thương tột cùng , anh Nguyễn Thanh Bình (tác giả Yến Thanh) lúc ấy là cán bộ phụ trách kĩ thuật ngành Giao thông vận tải đang có mặt tại chiến trường Đồng Lộc , anh đã viết vội dòng thơ ngay bên miệng hố bom gọi tên người con gái:
Cúc ơi !Tiểu đội đã về xếp một hàng ngangCúc ơi , em ở đâu không về tập hợp Chín bạn đã quây quần đủ hết Nhỏ , Xuân , Hà , Hường , Hợi , Rạng Xuân , Xanh A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh Chín bỏ làm mười răng được Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng Cúc ơi , em ở đâu ?... Ở đâu hỡi Cúc Đồng đội tìm em Đũa găm cơm úpGọi em Gào em Khản cả cổ rồiCúc ơi !
       Phải chăng nhờ sự linh thiêng màu nhiệm nào đấy mà khi anh vừa đọc xong câu thơ cuối cùng thì đồng đội cũng tìm được chị bị vùi lấp trên đồi Trọ Voi , cách chỗ hi sinh của chín đồng đội gần 20 mét . Xúc động nhất là khi hi sinh chị vẫn trong tư thế ngồi , đầu vẫn đội nón , một tay cầm chặt cán xẻng , cả mười đầu ngón  tay rướm máu , có lẽ chị đã tìm mọi cách bới đất để tìm đường ra.
        Sau khi hi sinh , 10 liệt nữ được an táng ngay tại Đồng Lộc , sau đó lại chuyển về quê của từng người , giờ các cô lại được trở về Đồng Lộc như hiện nay .
       Nhà thơ Vương Trọng trong bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" sáng tác năm 1995 đã xúc động thay lời các cô  :

Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi ,các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường
Cần gì ư , lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang .

      Thưa các bạn ! Lời thỉnh cầu trên đây đã có khúc vĩ thanh . Hai cây bồ kết trong khu di tích nghĩa trang đã được trồng ngay sau đó và giờ đây đã toả xanh bóng mát.
        Khu di tích Đồng Lộc đã được xây dựng khang trang và trở thành điểm đến tham quan - tưởng vọng của hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước . Đồng Lộc bây giờ đường nhựa thênh thang và cả khu đồi trọc năm xưa không một cây cỏ nào sống sót giờ đây đã phủ mát một màu thông xanh. Đến đây không ai cầm được nước mắt trước 10 di ảnh là 10 khuôn mặt trẻ trung xinh xắn. Mộ 10 cô xếp hàng ngay ngắn như đang tập hợp . Đầu tiên là A trưởng Võ Thị Tần . Trên mộ các cô không giống như mộ các liệt sĩ ở các nghĩa trang trên khắp cả nước .Trên mỗi mộ là một bình hoa tươi toàn hoa cúc trắng . Rất đặc biệt , rất con gái nữa là mỗi mộ có một chiếc nón lá , một chiếc gương soi , một chiếc lược chải đầu và một nắm trái bồ kết .


       Hơn 40 năm đã trôi qua , nếu còn sống các chị cũng đã bước qua tuổi lục tuần . Thế nhưng dù thời gian trôi qua là 40 năm , 50 năm hay lâu hơn nữa thì mười bông hoa trinh liệt ấy vẫn nguyên vẹn tuổi hai mươi .
       Cách đây ba năm , mùa hè năm 2006 , tôi đã có dịp về lại Đồng Lộc để hôm nay kể lại câu chuyện này với các bạn . Ba năm rồi nhưng những xúc động  về Đồng Lộc vẫn còn vẹn nguyên . Qua đây ta thấy rằng để có ngày đất nước được hoà bình như hôm nay dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng một cái giá quá đắt : đó là sinh mạng của hàng triệu triệu thanh niên ở lứa tuổi 18 , đôi mươi như mười nữ liệt sĩ ở ngã ba Đồng Lộc . Họ đã chết cho chúng ta được sống . Bởi vậy chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh . Đó cũng chính là thông điệp mà tôi muốn gửi đến  các bạn trẻ qua câu chuyện này .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét