Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

GIAI THOẠI THIỀN 11

(ĐC sưu tầm trên NET)

Một chữ quên rất khó

Thiền sư Triệu Châu hỏi Quy Sơn Linh Hựu :
- Thế nào là ý Tổ sư nhiều đời ?
Quy Sơn gọi thị giả, bảo :
- Hãy đem cái ghế đến đây mau !
Triệu Châu nói :
- Từ khi ta làm chủ một ngôi chùa đến nay, chưa từng gặp một thiền giả chân chánh.
Khi ấy, có một học tăng đứng bên cạnh hỏi :
- Nếu gặp thiền giả chân chánh, thầy sẽ nghĩ thế nào ?
Triệu Châu nói :
- Một cây cung to phải dùng cả ngàn sức mạnh, không vì một con chuột nhắt mà giương cung.
Học tăng lại hỏi :
- Ai là thầy của chư Phật ?
- Nam-mô A-di-đà Phật.
- Nam-mô A-di-đà Phật là ai ?
- Nam-mô A-di-đà Phật là đệ tử của ta.
Học tăng đem câu thoại này hỏi thiền sư Trường Khánh:
- Thiền sư Triệu Châu nói Nam-mô A-di-đà Phật là đệ tử của ngài, đó là lời nói dẫn đường đối phương hay bỏ đối phương ?
Trường Khánh nói :
- Nếu tìm tòi ở hai đầu thì không hiểu chơn nghĩa của Triệu Châu.
Học tăng hỏi :
- Thế nào là chơn nghĩa của Triệu Châu ?
Trường Khánh khảy móng tay một cái, học tăng không hiểu nghĩa gì cả, tiếp tục theo Triệu Châu tham vấn.
Có lần, Triệu Vương thỉnh Triệu Châu thuyết pháp, Triệu Châu lại lên bảo tòa tụng kinh. Học tăng đứng bên cạnh hỏi :
- Mọi người thỉnh thầy thuyết pháp, chẳng hay vì sao thầy tụng kinh ?
Triệu Châu nói :
- Chẳng lẽ đệ tử Phật mà không tụng kinh được sao ?
Lại có một lần, mọi người đang tụng kinh, bỗng dưng Triệu Châu ngồi thiền bất động. Học tăng hỏi :
- Sao thầy không tụng kinh ?
Triệu Châu :
- May nhờ ông nhắc ta tụng kinh, chứ không dường như lão tăng quên mất rồi.
Lời bình :
Các bậc cổ đức trong thiền môn, Triệu Châu là một nhân vật vô cùng thú vị. Ngài nói không vì con chuột nhắt mà giương cung và tự cho rằng mình là thầy của Phật A-di-đà. Người ta thỉnh ngài thuyết pháp, ngài lại tụng kinh, người ta đang tụng kinh, ngài lại ngồi thiền, không phải ngài tùy tiện làm trái mọi người. Thiền giả muốn siêu việt đối đãi chỉ cần một chữ quên, quên mình, quên người, quên tình, quên cảnh, quên phải, quên quấy, quên có, quên không. Từ xưa đến nay một chữ quên này rất khó mà thực hành. Thật là đúng vậy.

Không có miệng để thuyết pháp

Có một học tăng tên Đạo Niệm, xuất gia được mấy mươi năm, đến các nơi tham học mà chưa được khai ngộ. Một hôm, thỉnh thiền sư Thạch Thê chỉ dạy :
- Con chưa biết bản tánh của mình, xin thiền sư chỉ cho.
Thạch Thê nói :
- Thạch Thê không có miệng.
- Con chí thành kính cẩn lắng nghe.
- Ông nghe cái gì ?
- Con biết tội nghiệp của mình sâu dày.
- Lão tăng tội lỗi cũng không ít.
- Thiền sư lỗi chỗ nào ?
- Lỗi chỗ ông sai lầm.
- Sám hối được không ?
- Tội nghiệp vốn không do tâm tạo, tâm nếu diệt rồi tội cũng không.
Đạo Niệm liền lễ bái, Thạch Thê bèn đánh. Đánh xong hỏi :
- Ông từ đâu đến đây ?
- Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu, đến các nơi vân du hành cước.
- Những người chủ ấy có trọng Phật pháp chăng ?
- May mà thiền sư hỏi con, nếu hỏi người khác e rằng mắc họa.
- Vì sao ?
- Vì những quân chủ ấy không thích người khác hoài nghi.
- Người còn không thấy, có Phật pháp nào để trọng ?
- Xin thiền sư nói cho con nghe, thế nào là trọng Phật pháp ?
- Ông thọ giới được bao nhiêu năm ?
- Hơn mười năm rồi.
- Hơn mười năm mà không biết trọng Phật pháp. Hôm nay hỏi ta, cái miệng của ta làm sao nói được rõ ràng ? Lỗ tai ông làm sao nghe lọt ?
Ngay đó, Đạo Niệm liền đại ngộ.
Lời bình :
Tham học mấy mươi năm mà không thấu đáo tin tức, khi cơ duyên đến hoàn toàn không uổng phí công phu. Thiền sư Thạch Thê không có miệng để nói, bởi vì thiền là vô ngôn. Đạo Niệm kính cẩn lắng nghe, dù cho lắng nghe, nhưng không thể nhập tâm được, phải làm sao ? Đạo Niệm thọ giới hơn mười năm mà không biết trọng pháp. Thiền sư Thạch Thê điểm phá cho ông, mây mù trong tâm bao nhiêu năm nay đều tan biến. Đó mới gọi là thiền thoại nhập tâm.

Một bài thơ

Thiền sư Song Khê Bố Nạp và thiền sư Khế Tung là bạn thân với nhau, hai vị đều đã thấu triệt tâm thiền. Một hôm, thiền sư Khế Tung đùa nghịch dùng bài thơ truy điệu gởi cho thiền sư Bố Nạp :
                        Kế Tổ đời ta đây,
                        Sanh duyên quy tắc này.
                        Trọn đời thường tại đạo,
                        Biết bệnh biếng tìm thầy.
                        Dáng xưa bút khó tả,
                        Tình cao chẳng ai hay.
                        Mây từ bủa đâu nhỉ ?
                        Thích hợp trăng tròn đầy.
Khi thiền sư Bố Nạp đọc thơ truy điệu của thiền sư Khế Trung xong, vô cùng hoan hỷ, cầm bút viết một bài thơ đáp lại :
                        Hợp đạo bình sanh lại có ai ?
                        Tôi ở quên nhàn chỉ tâm hay.
                        Buổi đầu gặp gỡ đành chia cách,
                        E lầm đồng đạo thơ một bài.
Thiền sư Bố Nạp viết xong, ném bút ngồi tịch.
Lời bình :
Thiền sư Bố Nạp vốn không có ý đồ nhập diệt, nhưng vì tin cậy đến người bạn đạo biên thơ cho mình, nên liền nhập diệt.
Người xưa có một phen chết để báo đáp người tri kỷ, nhưng đó cũng chỉ là báo ân. Thiền sư Bố Nạp chỉ vì bạn đạo đùa vui bút mực mà dùng cái chết để bảo vệ ý kiến của bạn. Ý bài thơ của thiền sư Khế Tung là lập tức lãnh ngộ thiền pháp của thiền sư Bố Nạp, cũng có thể nói rằng một câu đùa vui, hay là một bài thơ, hoặc là thật có chỗ thấy. Thiền sư Bố Nạp vì nhận biết như thế, cho nên nhập diệt mà không chút do dự. Người không hiểu cho rằng thiền sư Bố Nạp bị thiền sư Khế Tung bức bách mà chết. Thực ra, cách nhìn sống chết đối với các thiền sư đó là một sự khám phá, chỉ cần có người truyền thừa, liền buông tay mà đi, thong dong tự tại, còn có gì đẹp hơn cái này !

Đến hỏi ông ấy

Môn hạ của thiền sư Kính Sơn có năm trăm vị học tăng, nhưng chơn chánh dụng tâm học đạo không được mấy người. Thiền sư Hoàng Bá bảo Lâm Tế đến chỗ thiền sư Kính Sơn. khi Lâm Tế chuẩn bị đi, thiền sư Hoàng Bá hỏi :
- Khi ông đến chỗ thiền sư Kính Sơn, phải làm sao ?
Lâm Tế đáp :
- Khi đến, con tự có phương pháp.
Khi Lâm Tế đến chỗ Kính Sơn, liền đi thẳng vào pháp đường bái kiến thiền sư Kính Sơn. Kính Sơn vừa ngẩng đầu lên, Lâm Tế liền hét lớn một tiếng. Kính Sơn định mở miệng, Lâm Tế lắc đầu bỏ đi.
Có một học tăng hỏi thiền sư Kính Sơn :
- Vừa có một vị pháp sư nói với thầy cái gì vậy ? Tại sao trước mặt thầy mà dám hét lớn thế ?
Thiền sư Kính Sơn nói :
- Ông ấy là đệ tử của thiền sư Hoàng Bá. Nếu ông muốn biết nói cái gì, sao không tự đến hỏi ông ấy ?
Học tăng thưa :
- Chúng con không biết đến hỏi ông ấy thế nào ?
Kính Sơn nói :
- Các ông hét lớn một tiếng được chăng ?
Các học tăng đều thưa :
- Hét lớn một tiếng, đó là chuyện quá đơn giản.
Thiền sư Kính Sơn liền hét lớn một tiếng, hỏi :
- Tiếng hét này, ý thế nào ?
Nhóm học tăng nhìn nhau không biết trả lời thế nào ?
Kính Sơn nói :
- Một tiếng hét ấy, trên thông đến thiên đường, dưới thấu tới địa ngục, trùm khắp tam giới, mười phương. Năm trăm học nhân các ông, đại đa số đều buông lung giống như người câm kẻ điếc, làm sao hiểu được tiếng rống của loài sư tử ?
Tất cả năm trăm học tăng của thiền sư Kính Sơn mỗi người tự chia tay nhau đi các nơi tham học.
Lời bình :
Thiền sư Kính Sơn là một trong những vị cổ đức chứng ngộ thiền rất cao, nhưng ngài thiếu phương tiện quán cơ khải phát người học. Qua tiếng hét của thiền sư Lâm Tế, quả thật có đủ công lực phấn phát kẻ điếc người mù. Ngài biết mình chỉ dạy thiền giả khế lý dễ dàng mà khế cơ thì không phải dễ, cho nên tự mình cũng hét lớn một tiếng để giải tán người học thập phương đến các nơi tìm người có duyên. Từ xưa đến nay, các bậc đại đức, tuy phong cách mỗi người có khác, nhưng không bao giờ lừa gạt người học.
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét