XEM PHIM: Bài ca người lính
(ĐC sưu tầm trên NET)
http://phim14.net/xem-phim/bai-ca-nguoi-linh_ballad-of-a-soldier.6106.html
http://phim14.net/xem-phim/bai-ca-nguoi-linh_ballad-of-a-soldier.6106.html
Bài ca người lính – Баллада о солдате - Ballad of a Soldier
Chủ đề này đã có 1568 lượt đọc và 0 bài trả lời
Bài ca người lính – Баллада о солдате - Ballad of a Soldier
Một kiệt tác của điện ảnh Xô ViếtTừ cuối những năm 50, một làn gió
thay đổi trong bối cảnh chính trị đã giúp nền văn học nghệ thuật Liên Xô
trở mình và đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện
ảnh. Những kiệt tác điện ảnh về Thế chiến thứ II lần lượt ra đời như “Số
phận một con người” (Sergei Bondarchuk), “Khi đàn sếu bay qua” (Mikhail
Kalatozov), “Bầu trời trong xanh” (Grigory Chukhrai), “Bài ca người
lính” (cũng Grigory Chukhrai)… Điểm chung của những kiệt tác điện ảnh về
chiến tranh này không phải việc mô tả sự dữ dội nơi mặt trận hay chiến
công sáng ngời của người lính Hồng quân mà tập trung vào khía cạnh tình
yêu con người và sức mạnh tinh thần trong cuộc chiến. Qua đó ngôn ngữ
điện ảnh được sử dụng để khắc họa một cuộc chiến dữ dội không kém ở hậu
phương, nơi tồn tại những sự tra tấn về tinh thần, lòng chung thủy cũng
như sự dối trá và cơ hội… một cuộc chiến ở phía bên kia của cuộc chiến
nơi mặt trận. Một cuộc chiến mà trong một giai đoạn nhất định của lịch
sử người ta đã lờ đi hoặc không cho phép thể hiện bằng những hình thức
nghệ thuật. Bài ca người lính, bản tình ca ca ngợi hình ảnh người lính
Nga thấm đẫm tính nhân văn, xứng đáng đứng ở vị trí kiệt tác trong những
kiệt tác của điện ảnh Xô Viết.
Ngay
từ đầu phim, với hình ảnh bà mẹ Nga khắc khoải chờ đợi ngày về của
người con trai trên một con đường heo hút, người xem đã biết rằng,
Aliosha, con trai của bà, đã ra đi vĩnh viễn như hàng triệu người lính
Nga khác đã nằm xuống đâu đó xa quê nhà. Với tư cách người lính, người
bạn và người đồng đội, những người làm phim muốn kể về câu chuyện của
anh lính trẻ Aliosha và cũng là lời tri ân gửi đến những người lính Hồng
quân đã không trở về sau cuộc chiến.Câu chuyện tập trung kể về kỳ nghỉ
phép sáu ngày của anh lính thông tin trẻ 19 tuổi Aliosha sau khi lập
được chiến công hạ hai chiếc xe tăng Đức trong một trận chiến ở
Stalingrad. Cảnh đầu phim cũng là cảnh chiến đấu duy nhất ở chiến trường
của bộ phim tạo ra một cái cớ để Aliosha có được kỳ nghỉ phép ngắn hạn
để trở về nhà lợp lại mái nhà cho mẹ. Cuộc phiêu lưu của Aliosha bắt đầu
từ đây, chỉ với 6 ngày ngắn ngủi của cuộc hành trình, Aliosha đã gặp gỡ
và chứng kiến những mảnh đời khác nhau ở hậu phương. Đó là sư dằn vặt
của người thương binh mất một chân, giấc mơ hâu chiến của tốp lính đi ra
mặt trận, sự phản bội của người vợ, niềm tự hào của người cha ốm liệt
giường nhằm động viên con trai nơi mặt trận, việc “ăn bẩn” của anh lính
gác tàu… Suốt hành trình, Aliosha lần lượt chứng kiến sự tuyệt vọng,
những tấm lòng cao thượng, lòng trắc ẩn, sự phản bội, và cả những “lời
nói dối chân thật” của những người ở hậu phương. Tâm hồn chân thành và
nhiệt thành của Aliosha đã giúp đỡ nhiều người và cũng tê tái khi chứng
kiến những sự việc đau lòng. Nhưng vượt lên trên hết là tình mẫu tử và
một mối tình “không nói ra” với cô gái trẻ Shura trên chuyến tàu định
mệnh.Sự phát triển tình cảm nhanh chóng giữa đôi bạn trẻ không làm người
xem ngạc nhiên vì họ nhìn thấy ở đó một sự đồng điệu về tâm hồn của đôi
trẻ đang trong tuổi xuân phơi phới và tràn đầy sức sống. Họ đã gặp nhau
tình cờ và ngắn ngủi, mặc dầu chưa kịp trao lời yêu thương, nhưng đó
vẫn là một mối tình với đầy đủ các cung bậc tình yêu e ngại, ham muốn,
giận hờn, mơ mộng, hy sinh cao thượng, mong ngóng và cả sự hồn nhiên của
lứa tuổi 19. Tất cả được thể hiện với một sự diễn giải logic về nhịp độ
phim và trình tự các sự kiện. Cảm xúc người xem được đẩy dần lên theo
tình cảm thổn thức của đôi trẻ và vỡ òa khi Shura gọi Aliosha trên cầu.
Cảnh chia tay của đôi bạn trẻ trên sân ga cũng lấy đi nhiều nước mắt của
người xem, đến những giây phút cuối cùng đó, họ nhận ra là họ thực sự
cần nhau và sinh ra để cho nhau, nhưng… nhưng cuộc chiến đã lấy đi tất
cả những gì họ có thể trao cho nhau…
Cảnh
gặp gỡ đồng thời là chia tay của Aliosha với mẹ cũng là một cảnh phim
xúc động mãnh liệt. Chỉ diễn ra trong vòng vài chục giây, hai nhân vật
chỉ nói được vài câu vì Aliosha phải quay về trả phép đúng thời hạn.
Tiếng gọi thất thanh của người mẹ giữa cánh đồng như xé nát không gian
và lòng người. Thời gian dường như hối hả trôi khi “cậu bé” trở về trong
vòng tay người mẹ, thêm một giây gục đầu vào vai mẹ cũng đồng nghĩa với
sự chia tay thêm cận kề. Sự đau khổ của chia ly vượt quá sức chịu đựng
của con người và cũng phản ánh sự khắc nghiệt tột cùng của chiến tranh,
nơi tồn tại một ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Aliosha đã
sống và ra đi như vậy!
Bài
ca người lính vừa ra đời đã bị phê bình kịch liệt trong hệ thống kiểm
duyệt XHCN như thường lệ, vì đã mô tả chiến tranh khác với cách thông
thường. Bộ phim tưởng như đã không thể đến với công chúng và chấp nhận
số mệnh của một kiệt tác bị lãng quên khi đạo diễn Chukhrai không chấp
nhận cắt bỏ một số đoạn phim. Sau một thời gian xếp trong kho, bộ phim
được cho phép công chiếu ở nông thôn. Tuy nhiên, những biến chuyển chỉ
đến sau khi bộ phim được mời đích danh đi tham dự và sau đó giành giải
thưởng lớn ở LHP Cannes sau khi vượt qua những phim “bom tấn” thời điểm
đó (kể cả siêu phẩm “Ben Hur” của điện ảnh Mỹ), phim được trình chiếu
rộng rãi ở Liên Xô và trở thành một trong những bộ phim được yêu thích
nhất và có đông đảo người xem. Quá trình làm phim cũng có nhiều trắc
trở, khi đạo diễn Chukhrai thực hiện sự thay đổi cả hai diễn viên chính,
ban đầu đã giao cho những diễn viên nổi tiếng, bằng hai khuôn mặt mới
đúng với độ tuổi của hai nhân vật trong phim. Vladimir Ivashov và Zhanna
Prokhorenco đã được chọn và đã trở thành một trong những cặp đôi đẹp
nhất trong lịch sử điện ảnh.Bộ phim đen trắng này cũng sở hữu nhiều cảnh
quay đẹp mê hồn, bố cục hình ảnh chuẩn mực, ánh sáng hiệu quả và những
góc quay độc đáo, đặc biệt là những góc máy thấp hay cận cảnh. Những
cảnh quay rất tinh tế trong những chi tiết nhỏ góp phần đưa đẩy và dồn
nén cảm xúc người xem. Bài ca người lính đươc sự góp sức của nhà quay
phim Nikolayev, cũng là một cựu chiến binh như đạo diễn Chukhrai. Nhiều
cảnh quay tạo ấn tượng mạnh như cảnh cô gái trẻ nằm chết như một thiên
thần trên đồng cỏ, cảnh Aliosha với thân hình gầy gò chèo bè vượt sông
về với mẹ, hay cảnh Shura hồn nhiên rửa chân bên vòi nước… Cảnh quay
lãng mạn nhất trong phim có lẽ là khi Aliosha đứng đối diên với Shura
trên tàu, hai người nhìn nhau thật gần và tình cảm, những sợi tóc của
Shura theo gió tấp vào mặt Aliosha, ánh sáng ven làm nổi bật khuôn mặt
đôi trẻ. Họ đứng đó lặng im trong sự ồn ã của con tàu thời chiến lướt
qua khung cảnh nông thôn nước Nga, không một lời nói nhưng người xem
dường như có thể cảm nhận được nhịp đập thổn thức của hai trái tim trẻ.
Vẻ đẹp tình yêu của Aliosha và Shura được tôn lên bởi cả vẻ đẹp tâm hồn
và vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật. Sau khi xem phim, chắc chắn không ai
quên được đôi mắt đẹp đen lay láy của Shura hay vẻ đẹp cương nghị của
Aliosha.
Từ
một cốt truyện tưởng chừng đơn giản được phát triển từ một kịch bản với
2 trang đánh máy, đạo diễn Chukhrai đã làm nên một tuyệt tác điện ảnh,
một BẢN TÌNH CA NGƯỜI LÍNH, trong đó hình ảnh người lính Nga trong chiến
tranh được xây dựng dung dị và đầy tình người, hoàn toàn khác với hình
ảnh những chiến thần với sứ mệnh giải phóng. Hãy giành một chút thời
gian trong cuộc sống bộn bề để xem Bài ca người lính, để tâm hồn trăn
trở với sự khắc nghiệt của chiến tranh, để trái tim thổn thức với những
cảm xúc của Aliosha và Shura, và … để được khóc.
Nhận xét
Đăng nhận xét