Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 54

(ĐC sưu tầm trên NET)

Nữ tình báo xuất thân Quận chúa xinh đẹp nhất VN (1)

Xinh đẹp, gan dạ, bản lĩnh, thông minh, tài giỏi... bà trở thành một cán bộ tình báo chiến lược, sánh ngang với những cây đa, cây đề trong làng tình báo Việt Nam.

    Bà là người từng gây chấn động nước Mỹ với trận đánh xóa sổ Đại sứ quán Mỹ, Nha cảnh sát quận I (Sài Gòn) ngày 20/9/1965.

    Theo bà Đặng Hoàng Ánh, chính tuổi thơ bất hạnh, thời thế loạn lạc đã dẫn lối đưa đường một thiếu nữ 11 tuổi như bà đi theo con đường cách mạng. Mong ước đền nợ nước, trả thù nhà là động lực để bà cố gắng học hỏi và trở thành một nhà tình báo xuất sắc, luồn sâu trong lòng địch, thực hiện những trận đánh cảm tử rúng động chính quyền địch. 

    Ký ức Hoàng tộc

    May mắn được biết đến bà, với tôi đó là một diễm phúc. Bởi xét theo đế hệ Hoàng triều thời phong kiến, bà là một Quận chúa lá ngọc cành vàng. Chị em con chú con bác với vua Bảo Đại và là em họ của giáo sư Bửu Hội (Giáo sư nổi tiếng thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Pháp). Thời chiến, bà là một chiến sỹ tình báo cao cấp hoạt động lưỡng tuyến trên lằn ranh giữa ta và địch. Bên cạnh đó, bà cũng là bác sỹ giải phẫu nổi tiếng từng tốt nghiệp hạng xuất sắc đại học Sorbonne Pari (Pháp) thập kỷ 60, được chính quyền Sài Gòn trọng dụng và Tống Ngô Đình Diệm mến mộ nhận làm con nuôi.

    Thời bình trở lại, bà là người thẳng thắn, sắc sảo, dám đấu tranh với tiêu cực, được nhân dân và chính quyền cơ sở tin yêu. Điều đáng nói cuộc đời bà không bình lặng như người ta tưởng, đó là quãng đời chỉ có sóng gió và những con đường gập ghềnh, đầy góc khuất. Tôi cam đoan như thế. Trong những dòng nhật ký được bà chép tay trong suốt hơn nửa cuộc đời có vinh, nhục, ngọt, bùi, đắng, cay... Tất nhiên, còn thấm đẫm những dòng nước mắt chát chua. Cả cuộc đời hy sinh, cống hiến cho cách mạng, cuối đời bà phải sống nương tựa vào người con tật nguyền của một nữ đồng đội mà bà hứa nhận nuôi. Để có cái ăn, bà phải tự tay lao động âm thầm ở một bản làng vùng sâu của huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).

    Chuyến xe từ TP.HCM ngược Tây Nguyên chông chênh vượt qua những con đường gập ghềnh, đèo cao, dốc thẳm. Qua điện thoại hẹn trước, giọng cụ bà tôi cần gặp thâm trầm chất Huế pha lẫn sự ngọt ngào của thanh âm Nam Bộ cứ động viên quan tâm. Tôi bồi hồi liên tưởng khi được gặp, trò chuyện thân tình với bà, con người mà cuộc đời có thể ví tựa huyền thoại. Từ ngã ba Liên Khương (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) rẽ trái tầm 10km thì vào xã Bình Thạnh - chốn quê yên bình mà cựu tình báo một thời đang sống quảng cuối cuộc đời.

    Vừa đến nơi, cụ bà đã đứng đầu ngõ nở nụ cười đón khách. Với cặp kính trắng trễ gọng, nụ cười tươi trên gương mặt phúc hậu, vết nhăn thời gian vẫn chưa làm nhòa nét đẹp quý phái của một Quận chúa có dòng dõi Hoàng tộc. Bà bắt tay lanh lẹ và dẫn tôi vào nhà. Căn nhà nhỏ, sạch sẽ do một tay bà tạo dựng bằng chính sức lao động của mình sau giải phóng. Hiện bà ở cùng gia đình anh Đặng Anh Quân (48 tuổi), là con của một nữ đồng đội hi sinh trong tù mà bà nhận nuôi, đến nay vẫn chưa thể tìm được người thân, cũng như gốc tích.

     Bà Đặng Hoàng Ánh và cuốn nhật ký ghi lại cuộc đời.

    Trong gian phòng nhỏ, trên chiếc tủ mộc đơn sơ, bà trân trọng để tấm ảnh trắng đen đã ố màu. Bên đối diện là ảnh Bác Hồ. Thấy ánh mắt tò mò của tôi, cụ bà cười hiền: "Ba tôi đấy, Trần Lệ Chất (tự Gia Khanh), đồng môn, đồng niên, đồng chí hướng với cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ). Ông cũng là thành viên sáng lập ra trường Dục Thanh (Phan Thiết, nơi Bác Hồ từng dạy học) và tổ chức những hoạt động yêu nước đầu thế kỷ 20. Bà Đặng Hoàng Ánh bảo, cha bà sinh năm 1862, làm quan triều đình nhà Nguyễn, thông minh, thạo nhiều ngoại ngữ nhưng có xu hướng tiến bộ, bất mãn triều đình nên bỏ áo mũ, từ quan.

    Trong ảnh, ông cụ trán cao, mắt sáng ẩn sau cặp kính tròn, cổ thắt cà vạt kiểu Tây, bức ảnh chụp chân dung một trí thức hơn thế kỷ trước vẫn đẹp đến lạ. Trong trí nhớ cụ bà, vị cha già hiện lên đầy hãnh diện và tự hào: "Sinh thời người dân mến mộ thường gọi cha tôi là Lệ Chất tiên sinh. Với những hoạt động yêu nước, khi phong trào Duy tân bị Pháp đàn áp, ông phải chạy sang Bồ Đào Nha. Sau khi về nước thì ông ra Bắc rồi lấy vợ ngoài Thanh Oai (Hà Nội), sau đó làm thư ký cho Công sứ Pháp Claude Léon Lucien Garnier (Người có cổ phần trong Công ty thương mại Liên Thành hồi đầu thế kỷ 20 ở Phan Thiết - Bình Thuận). Hiện tại con cháu của các anh chị em (con của vợ đầu) của cha tôi vẫn còn ở ngoài Bắc, đến nay chúng tôi vẫn liên lạc.  

    Theo cách mạng

    Được Công sứ Claude Léon Lucien Garnier trọng dụng, năm 1906 cha bà vào Bình Thuận xin giấy phép tập hợp với những trí thức tư sản yêu nước lúc bấy giờ là Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, Ngô Văn Nhượng thành lập Công ty Liên Thành. Công ty chuyên buôn bán nước mắm và một số mặt hàng hải sản khác, trong đó có cổ phần của viên công sứ Pháp. Rồi thành lập tiếp 2 bộ phận là: "Liên Thành Thư Xã (truyền bá sách báo, tài liệu tiến bộ từ hải ngoại) và Dục Thanh học hiệu (trường dạy học). Tất cả để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ. Nhân duyên đã đưa cha bà cưu mang người con của đồng môn Nguyễn Sinh Sắc là Nguyễn Văn Ba (sau này là Bác Hồ).

    Cũng từ đây, cha bà nhận ra nguyện vọng tìm con đường cứu nước của Nguyễn Văn Ba, nhờ quen biết với Công sứ Pháp và ông Hồ Tá Bang (trí thức Duy tân) mà ông đã làm giấy chứng nhận (tựa như giấy chứng minh) cho Văn Ba. Vào tháng 5/1911 Công sứ Pháp gọi cha bà giao việc đi Pháp để ngoại giao buôn bán. Cơ hội đến, chàng thanh niên Văn Ba xin được ra nước ngoài cùng chuyến tàu. Cha bà đã đứng ra xin Công sứ Pháp làm paso xuất cảnh cho Văn Ba và được đồng ý, còn cha bà chính thức đổi họ thành Nguyễn Như Chuyên

    Ngày 2/6/1911 tàu Amiral Latouche Tréville (quốc tịch Pháp) cập cảng Nhà Rồng (Sài Gòn). Đến ngày 5/6/1911, cha bà và chàng thanh niên Văn Ba lên tàu rời bến Nhà Rồng, chính thức xuất ngoại. Bà Đặng Hoàng Ánh bảo, những câu chuyện quá khứ bà đều được nghe cha mình kể lúc ông còn sinh thời. Và, chính tuổi thơ đầy bất hạnh, những tháng năm đau thương như là chất xúc tác găm tất cả vào trí nhớ, thường trực theo bà qua từng năm tháng không thể nào quên. "Đó là những câu chuyện tôi được nghe lúc cha tôi còn sống kể lại và một phần tôi đã chứng kiến, tôi đã ghi lại trung thực trong những trang nhật ký từ khi tôi là sinh viên y khoa ở Việt Nam, với mong muốn con cháu mình sau này đọc lại để biết", bà nói.

    Trong những lời trò chuyện, tôi cảm nhận được nỗi buồn khó giấu trên khuôn mặt nhẫn nhịn của bà. Như khơi vào ký ức buồn, giọng bà chùng xuống: "Rồi một ngày tai họa ập xuống, cả nhà tôi bị xử giảo hình". Nói đến đây cổ bà nghẹn lại, khóe mắt đôi dòng lệ lại rơi, đôi mắt thâm quầng mà cuộc đời đầy sóng gió của một Quận chúa đã bao lần thầm khóc. Ngồi suy ngẫm lại cuộc đời, bà gửi trong dòng nhật ký: "Tôi chịu đựng bao cay đắng, nhiều lúc muốn buông xuôi trôi nổi theo số phận. Nhưng nhìn về quá khứ của bản thân, của ba, của má, của anh chị em... nên tôi lại gượng dậy, vượt qua".

    Câu chuyện giữa tôi và Quận chúa có lúc chững lại, đó là lúc bà nhắc lại quá khứ đau buồn. Bà Ánh đưa tôi xem chiếc vòng tay bằng đá xanh, đúng ra nó là một kỷ vật hơn là thứ đồ trang sức, bà đã cẩn trọng đeo giữ trong suốt quãng đời đã qua của mình. "Khi cả nhà tôi bị xử giảo hình, máu chảy loang lổ nền đất, mẹ tôi ngã xuống, tôi chỉ kịp lấy được chiếc vòng này. Mẹ tôi là cụ Trương Ngọc Trầm em họ của cụ Trương Gia Mô (1866-1929, từng làm quan ở Huế, một sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ 20). Đó là ngày 26 tháng Chạp, năm 1945 (Bính Tuất), chỉ còn bốn ngày nữa là Tết cổ truyền. Bọn Tôn Nhân Phủ (cơ quan quản lí nội bộ hoàng tộc thời phong kiến của triều đình) và giặc Pháp đã cấu kết với nhau giả chiếu của vua Bảo Đại xử tru di cả nhà tôi, vì cha tôi ủng hộ các phong trào cải tến".                

    Lối rẽ

    Bà bảo, bản thân may mắn được đồng chí Phạm Hùng (nhà cách mạng lừng danh từng bị Pháp hai lần tuyên án tử, người từng được cha bà cứu thoát hồi ở Mỹ Tho) cứu đưa về Sài Gòn giao gửi cho đồng chí Phạm Văn Xô (người được nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cao quý). Bà được cưu mang, dạy dỗ và cho đi học, đó là con đường dẫn bà đến với cách mạng và trở thành một sinh viên y khoa xuất sắc, một nhà tình báo chiến lược từng làm cho bọn Mỹ - Ngụy bao phen chao đảo.

    Nữ tình báo xuất thân Quận chúa xinh đẹp nhất Việt Nam (2)

    Mỗi khi nhắc lại câu chuyện người em họ là vua Bảo Đại từng bán chiếc du thuyền cho bà ăn học lúc ở Paris, bà lại rưng rưng cảm động.

      Chiến công đầu đời

      Vẫn là câu chuyện giữa tôi và nữ Quận chúa triều Nguyễn Đặng Hoàng Ánh. Có thể nói, bà dễ gây thiện cảm cho bất cứ ai ngay lần gặp đầu tiên, với tôi cũng không là ngoại lệ. Mặc dù tuổi đã ngoài 80, nhưng ngược lại trí của bà thì thông tuệ đến lạ. Bà am hiểu lịch sử, nhớ chi tiết nếu nói về sử bà có thể kể và phân tích sắc bén khiến bất cứ ai cũng phải giật mình.

      Bà ăn nói nhẹ nhàng, ẩn nét duyên thầm của con người xứ Huế, có sự sắc sảo của một người từng khiến những viên quan chóp bu của chế độ Sài Gòn phải nể phục. Bà nói và viết được nhiều ngoại ngữ: Tiếng Pháp sành sỏi, tiếng Anh chuẩn, đồng thời tiếng Nga, Đức, Trung Quốc, Nhật bà đều sử dụng được. Lối nói của bà có lúc cổ kính thoang thoảng của người đi ra từ Hoàng triều, nhưng hiện đại, sắc sảo khi nói về những vấn đề đương đại, không hổ danh từng là tình báo viên chiến lược, từng lòn sâu trong lòng địch. Thời hoạt động cách mạng bà có rất nhiều tên cũng như biệt danh. Hiện tại bà tên là Đặng Hoàng Ánh, nhưng tên gốc khai sinh là Nguyễn Phúc Ngọc Diệp (dòng họ Nguyễn Phúc triều đình nhà Nguyễn).


      Trở lại quá khứ, con đường làm tình báo của Quận chúa Nguyễn Phúc Ngọc Diệp bắt đầu khi cả gia đình bà bị bọn phản loạn xử giảo hình. Chỉ duy một mình bà được cán bộ cách mạng là đồng chí Phạm Hùng (người được cha bà cứu giúp) cứu thoát, lúc đó bà chỉ khoảng 11 tuổi. Sau đó bà được giao gửi cho đồng chí Phạm Văn Xô cưu mang và nuôi nấng, dạy dỗ ở Trung đoàn 307 Liên hợp quốc đoàn này gồm bộ đội đa quốc gia, đóng tại nhà đồng chí Phan Văn Đáng (Trà Vinh, sau này Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam), năm 1948 thì Trung đoàn này giải tán. Bà được các đồng chí che chở tránh sự truy sát (vì bà là con của Trần Lệ Chất chống Pháp), gom tiền cho đi học và hướng tư tưởng vào con đường cách mạng. Sau này khi lớn lên bà vẫn coi đó là 2 người anh thân tín, bà luôn quý như cha, như anh ruột của mình.

      Trong hồi ký, nhớ lại quãng tuổi thơ bà có viết: "Ngày đi học ở Trường Gia Long Sài Gòn, thời gian còn lại tôi tranh thủ đi bán báo dạo, bánh mì, lạc rang... có lúc đói thèm mà chẳng dám ăn một hạt. Học bậc Đệ Tam phải có đồng phục áo dài trắng, riêng tôi phải mang áo giật gấu vá vai, bọn con nhà giàu thường trêu chọc. Những lúc buồn muốn buông xuôi, anh Hai Xô (đồng chí Phạm Văn Xô) lại động viên: "Út Diệp, em phải nhẫn nhục cố học cho thành tài, hôm nay mây mù, ngày mai sẽ có bình minh chiếu sáng, sau lũ lụt đất nhiều phù sa, cây lại tươi tốt".

      Chính nhờ những lời động viên ấy cô bé mồ côi lại cố gắng, luôn đạt kết quả xuất sắc, hoàn thành Tú tài  I, II rồi thi đỗ luôn vào trường đại học Y khoa Hà Nội khi chưa đủ tuổi. Đốc học Lưu (thầy dạy Ngọc Diệp) lo chạy cho cô thêm một tuổi, nhưng trong thời gian chờ đợi một sự kiện làm thay đổi chính bản thân nữ thiếu niên.

      Đó là vào một hôm đi bán báo dạo, đồng chí Hai Xô giao cho cô mang theo hai quả lựu đạn (lúc ấy phong trào chống Tây nổ ra khắp nơi), đến rạp hát Nguyễn Văn Hảo (Sài Gòn) cô liều mình rút kíp ném chết hai tên lính Pháp. Với chiến công đầu đời, cô bé Ngọc Diệp được các anh khâm phục về sự gan dạ và phong cho biệt danh con bé to gan lớn mật. Với bản lĩnh, thông minh, Ngoc Diệp được xứ ủy Nam kỳ cử đi học lớp phản gián ở Đông Cao Miên với thời hạn một năm. Khóa học phản gián đầu tiên đã trang bị nền móng kiến thức để sau này bà trở thành tình báo chiến lược.

       Bà Đặng Hoàng Ánh còn nhớ như in những năm tháng du học trên đất Pháp.

      Chuyện cảm động về vị vua thất sủng


      Sau khi hoàn thành khóa học phản gián ở Đông Cao Miên, năm 1952 Ngọc Diệp trở về vừa đủ tuổi vào học tại đại học Y khoa Hà Nội, một năm sau thì chuyển vào Sài Gòn. Bốn năm trôi qua, Ngọc Diệp là sinh viên xuất sắc, thuộc danh sách thí sinh học bổng để sang Pháp học. Nhân tiện tổ chức Xứ ủy Nam kỳ cử đi học để đào tạo bác sỹ giỏi cho cách mạng sau này. Bà Đặng Hoàng Ánh kể: "Rất may là nhờ vào sự chăm chỉ, tôi nhận được học bổng của đại học Sorbonne Paris khi chỉ còn bảy ngày nữa là chiếc thuyền của đoàn quan Pháp và thân nhân thất bại trong chiến dịch Điện biên phủ năm 1954 từ Việt Nam trở về Pháp. Chỉ trong vòng một tuần lễ Ngọc Diệp phải hoàn thành hết thủ tục, chuẩn bị kinh phí để đi cùng đoàn người bại trận sang Pháp.

       Vua Bảo Đại. Ảnh nguồn Internet.

      Sau 90 ngày lênh đênh trên biển, ngày 10/8/1954 thì chiếc tàu cập cảng Marseill, mọi thứ lại bắt đầu với một thiếu nữ trên xứ người. Được vào học tại đại học danh tiếng của Pháp, may mắn Ngọc Diệp được gặp Giáo sư Bửu Hội là giảng viên của trường, cũng là anh họ cô. Theo đế hệ cô phải gọi là Hoàng Huynh, không lâu sau thì người em họ là phế đế Bảo Đại nghe tiếng tiếp tục tìm đến. Cuộc hội ngộ bất ngờ của những người đồng tông khiến cô gái Việt bé nhỏ không còn cô độc trên xứ người. Bà Ánh nói về hai người anh em họ mình: "Họ giúp tôi rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần khi tôi học ở Paris hoa lệ. Ở trường Hoàng huynh Bửu Hội là một người thầy giỏi và nghiêm khắc, đã cho tôi những kiến thức, còn Hoàng đệ Bảo Đại luôn giúp tôi về vật chất những năm cuối của khóa học".

      Bà bảo, để có tiền chi trả chi phí đắt đỏ ở Paris, Bảo Đại đã không đi vào các sòng bài, quán bar, ăn chơi nữa mà dành dụm tất cả tiền cho bà đi học. Khi túng bấn quá, Bảo Đại đã bán luôn chiếc du thuyền mang tên Hương Giang của mình để lo chí phí cho bà học. Thời gian này Bảo Đại định cư cùng vợ là Nam Phương Hoàng Hậu tại Chabrignac (thuộc tỉnh Corrèze miền trung nước Pháp).    

       Con người khác của Bảo Đại

      "Thời gian học ở Pháp, tôi được nghe tâm sự của Bảo Đại rất nhiều, trên thực tế báo chí, những người viết sử không tìm hiểu đến nơi đến chốn, bảo Bảo Đại ăn chơi sa đọa đến nỗi bán cả du thuyền. Trên thực tế một phần tài sản trong đó có chiếc du thuyền Bảo Đại đã bán để tôi ăn học. Khi lưu vong ở Pháp, không lúc nào Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương thôi nhớ về quê hương. Nhiều lần Nam Phương đòi về Lâm Đồng sống ở đồi chè B'Lao, nhưng vì điều kiện không cho phép...".
       

      Nữ tình báo xuất thân Quận chúa xinh đẹp nhất VN (3)

      Kienthuc.net.vn - 

      Tháng 10/1949, trong phiên tòa xử tên cướp Nguyễn Bình tại thị xã Long Thành (Bà Rịa- Vũng Tàu), bà Đặng Hoàng Ánh chính là thư ký.

      Kỳ 3: Sự thật về Trung tướng Nguyễn Bình và phiên xử Nguyễn Bình tướng cướp

      Như chúng tôi đã giới thiệu ở kỳ trước, sau khi thực hiện chiến công ném lựu đạn diệt hai tên lính Pháp ở rạp hát Nguyễn Văn Hảo (Sài Gòn), bà Đặng Hoàng Ánh lúc đó có tên là Phạm Ngọc Diệp được Xứ ủy Nam Kỳ tuyển chọn cử đi học lớp phản gián đầu tiên tại Đông Cao Miên (Campuchia) trong thời gian 1 năm. Cùng khóa học này còn có đồng chí Phan Văn Đáng (Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam mà bà thường gọi thân thiện là anh Hai Văn), đồng chí Đặng Thiết Bảng, đồng chí Bùi Ngọc Hường và người giảng dạy là đồng chí Đào Phúc Lộc (tên khác Hoàng Minh Đạo, Bùi Văn Thu - nhà tình báo nổi tiếng).

      Năm 1948, đồng chí Đào Phúc Lộc nhận lệnh điều động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử vào tăng cường cho chiến trường miền Nam, đảm trách chức Trưởng ban Quân báo Nam Bộ với nhiệm vụ là Đặc phái viên của Bộ Tổng tham mưu đi kiểm tra tình hình công tác phản gián, tình báo, quân báo ở Khu IV vào đến tận Nam Bộ. Mục đích là để kiện toàn thống nhất lại tổ chức của ngành tình báo từ Trung ương đến địa phương, giúp Cục có điều kiện chỉ đạo tình báo toàn quốc. Chủ trương này được Trung ương nhanh chóng tiến hành nhằm chuẩn bị để đối phó với tình hình mới, khi Pháp quyết quay lại leo thang xâm lược ở Nam Bộ.
      Đồng chí Đào Phúc Lộc năm 1968, người cùng bà Ánh xử tên Nguyễn Bình tướng cướp.

      Lúc này ở miền Nam có một nhóm lớn trung lập, nhưng có xu hướng thân Pháp đó là lực lượng Bình Xuyên do tên tướng cướp Bảy Viễn (Lê Văn Viễn, người Chợ Lớn- Sài Gòn) cầm đầu. Trước năm 1945, Bảy Viễn nổi tiếng là một tên tướng cướp ngang tàng và ma mãnh. Y từng bị chính quyền Pháp tuyên án rất nhiều lần, từng bị đày đi tù Côn Đảo nhưng vượt ngục trốn về thành lập lực lượng Bình Xuyên (dân giang hồ tứ chiếng ở Nam Bộ, hoạt động ở vùng ven Sài Gòn trong 10 năm từ 1945-1955).

      Năm 1946, Pháp quay lại Nam Kỳ thì Bảy Viễn ngả sang Pháp, y được Tướng Pháp De la Tour gắn cho lon đại tá. Năm 1952, vua Bảo Đại phong cho Bảy Viễn cấp bậc thiếu tướng 2 sao và bổ nhiệm vào chức vụ Đô trưởng Cảnh sát Công an Sài Gòn Chợ Lớn. Bằng thế lực của mình, Bảy Viễn thâu tóm các sòng bài Đại Thế Giới, Kim Chung ở Sài Gòn và casino Thái Bình Dương ở Vũng Tàu, đồng thời làm ngơ cho khu mại dâm Bình Khang hoạt động công khai.

      Với quyền thế cộng với máu giang hồ, Bảy Viễn không những tăng cường hợp tác với Pháp, mà còn cho đàn em lộng hành chống phá cách mạng ráo riết, gây tổn thất rất lớn cho cách mạng và nhân dân. Trong đó y cho một tên tướng cướp tên là Nguyễn Bình, đây là một đàn em đắc lực của Bảy Viễn, chuyên cướp của giết người ở Long Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). Điều đáng nói là sau khi gây án, hắn thường lấy tên công khai và đổ vấy cho phía Việt Minh, hạ uy tín của Trung tướng Nguyễn Bình phía cách mạng, làm mất lòng tin nhân dân. Chủ trương của phía cách mạng là phải bắt cho bằng được tên này để công khai xử trước nhân dân, ổn định tinh thần quần chúng.

      Đồng chí Đào Phúc Lộc được cử thực hiện điệp vụ này, ông đã tìm cách làm quen và làm thư ký của Thiếu tướng thân Pháp Nguyễn Văn Xuân (1892-1989, Thủ tướng của Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, là sĩ quan gốc Việt đầu tiên mang quân hàm cấp tướng của quân đội Pháp năm 1947). Qua nhiều lần điều tra thì đồng chí Lộc lần được hồ sơ về cái tên tướng cướp Nguyễn Bình. Với sự khôn khéo, một mẻ lưới được bủa, tên tướng cướp Nguyễn Bình nhanh chóng bị bắt gọn. Tháng 10/1949 phía cách mạng đưa tên này ra xử công khai tại Long Thành, chính bà Đặng Hoàng Ánh lúc đó tên là Đặng Ngọc Diệp làm thư ký phiên tòa, Hội đồng xét xử có đồng chí Đào Phúc Lộc và một số đồng chí khác. Phiên tòa công khai trước bàn dân thiên hạ, kết quả tên Nguyễn Bình tướng cướp bị nhận án tử, tên thổ phỉ từng gây bao tai họa bị tử hình, từ đó người dân mới yên tâm sinh sống.
      Trung tướng Nguyễn Bình người từng bị nhầm lẫn với tướng cướp Nguyễn Bình của Bảy Viễn.

      Cuộc gặp bất ngờ vị tướng tài ba

      Trở lại năm 1951, trong thời gian học lớp phản gián tại Đông Cao Miên (Campuchia), bà Đặng Hoàng Ánh là người có cơ duyên gặp được Trung tướng Nguyễn Bình. Có thể nói, trong lịch sử quân đội Việt Nam đây là nhân vật khá đặc biệt. Nguyễn Bình là Trung tướng đầu tiên, ông có tên khai sinh rất nữ là Nguyễn Phương Thảo và có biệt danh là tướng một mắt. Trước khi theo cách mạng ông là thành viên chủ chốt của Quốc Dân Đảng ở Bắc Bộ. Sau khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 bất thành ông và bạn mình là Trần Huy Liệu bị đày đi Côn Đảo. Nhưng rồi khi Quốc Dân Đảng bị phân hóa, ngả sang hữu, do có tư tưởng theo phe cách mạng. Nguyễn Bình và Trần Huy Liệu bị nhóm cực hữu trong Quốc Dân Đảng kết án tử, nhưng Nguyễn Bình may mắn thoát nạn, ông bị đâm mù một mắt từ đó.

      Với tài năng quân sự và năng lực lãnh đạo, sau khi Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông vào để thống nhất lực lượng vũ trang toàn Nam Bộ. Chính ông có vai trò to lớn trong việc phân hóa lực lượng Bình Xuyên do Bảy Viễn đứng đầu, đưa một số quân không nhỏ về phía cách mạng, được gọi là bộ đội Bình Xuyên. Khi tình hình ổn định, tháng 6/1951, Trung tướng Nguyễn Bình nhận được quyết định triệu tập ra Trung ương để triển khai kế hoạch mới. Ngày 6/7/1951, ông khởi hành đi từ Tân Uyên (chiến khu Đ, Bình Dương) với một đội bảo vệ 22 người, dự tính phải đi 6 tháng mới ra đến thủ đô kháng chiến Việt Bắc. Đoàn của ông đi sang đường Campuchia, xuyên qua các bản làng để tránh sự truy sát của giặc Pháp. Tại đây ông có đến thăm lớp học phản gián tại Đông Campuchia, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bà Đặng Hoàng Ánh được gặp Trung tướng Nguyễn Bình. “Tướng Nguyễn Bình thăm hỏi và động viện đồng chí Đào Phúc Lộc (người dạy phản gián), và những đồng chí anh em chúng tôi, sau đó thì cáo từ”, bà nói.
      Bà Đặng Hoàng Ánh, nhân chứng sống của vụ án xử tướng cướp Nguyễn Bình của trùm Bảy Viễn.

      Chuyến đi của Trung tướng Nguyễn Bình được ông ghi nhật ký trong cuốn Nhật ký đi đường, cho thấy vô cùng gian nan, thiếu thốn. Những dòng nhật ký của chuyến đi tháng 6 năm ấy nay còn lưu giữ: "Đi từ Sốcky đến Suối Đá, rồi từ Suối Đá đi Tà Nốt, tôi đành phải nằm trên xe bò vì bệnh ngày càng nặng. Bác sĩ ở Cao Miên nói phải tạm nghỉ trong hai tháng nếu không muốn quỵ dọc đường. Tôi nghĩ nếu dừng hai tháng, rồi đến mùa mưa thêm ba tháng, sau đó đi sáu tháng nữa mới ra tới Trung ương thì không thể được. Một năm không hoạt động gì trong khi cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, tôi kiên quyết ra đi. 80% đoàn bị bệnh, bốn chiếc xe bò cũng không chở hết. Gạo đã gần hết. Từ một tháng nay mỗi ngày tôi (Nguyễn Bình) chỉ ăn chút xíu đủ để đứng vững. Tôi đã ăn măng thay cơm... Đang đi thì một xe bò bị gãy trục, theo dân địa phương là một điềm rất xấu. Ngày 23, tôi quyết định phái tổ trinh sát vượt sông Serepok, đi vòng để tránh gặp địch. Ngày 24, cả đoàn không còn gì ăn nữa".

      Bất ngờ vào trưa 29/9/1951, đoàn của ông dừng lại ở phun Back bên bờ sông Srê-pốc, bị toán lính Pác-ti-giăng nổ súng hạ sát nhưng không biết ông là ai, cuốn nhật ký kết thúc...
      Đừng tiếp tục nhầm lẫn!
      Bà Đặng Hoàng Ánh bảo, đây là vụ án ít người biết có nhiều chi tiết trùng khớp, chỉ có những người từng tham gia hoạt động với bà mới nắm rõ. Nhiều người sau này từng nhầm lẫn cho rằng, Trung tướng Nguyễn Bình là tướng cướp (vì ông bị hư một mắt) tham gia cướp của đã bị tử hình trong phiên tòa này. Tiện thể bà Ánh đính chính: "Nguyễn Bình tướng cướp bị tòa xử tử năm 1949 tại Vũng Tàu, trong khi Trung tướng Nguyễn Bình phía cách mạng hi sinh năm 1951 tại Campuchia, các sự kiện cách nhau hai năm. Một người là phía cách mạng, người còn lại là bên kia chiến tuyến. Mong sao chúng ta đừng tiếp tục nhầm lẫn, nhân chứng vụ việc còn sống chính là tôi".
       
      Xem lại việc giải quyết chế độ cho một nữ chiến sĩ tình báo-biệt động
      QĐND - Chủ nhật, 17/06/2012 | 10:59 GMT+7
      QĐND - Tôi được gặp bà vào đúng dịp lễ mừng Chiến thắng 30-4 vừa qua. Ở tuổi 80, bà có dáng người mảnh mai, gương mặt phúc hậu và quý phái. Bà chính là nhân vật trong cuốn tiểu thuyết tư liệu “Quận chúa biệt động” của nhà văn Đặng Vương Hưng mà trước đây tôi đã được đọc.  
      Chiến sĩ tình báo-biệt động gan dạ, dũng cảm
      Theo Chứng minh thư do Công an tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 19-11-2008 (cấp lại do hết hạn), bà mang tên là Đặng Hoàng Ánh, sinh năm 1940. Nói như vậy là vì trong quá trình hoạt động cách mạng cũng như ở đơn vị tình báo 1752, bà mang rất nhiều tên khác nhau: Nguyễn Ngọc Diệp, Nguyễn Phúc Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Thu Hồng, H12, Thu Nga, Hoàng Nga, Út Lệ, Út Đẹt, Út Diệp, LeNa Phạm và Phạm Thị Na. Theo bà kể, ở đơn vị 1752, bà được công tác cùng nữ tình báo Đinh Thị Vân (H15), Hoàng Thị Cát (Sáu Hiền), Sáu Hà, Năm Đen dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bạch Ngọc Phách (tức Nguyễn Văn Ninh, Ba Thu) và đồng chí Phạm Văn Xô (tức T4-Trần Văn Đạt).
      Bà Đặng Hoàng Ánh.
      Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Vịnh (tức Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), đơn vị 1752 được giao nhiệm vụ tổ chức đánh vào Đại sứ quán Mỹ tại góc đường Mạc Đĩnh Chi và đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) nối liền vách với Tổng nha Cảnh sát quận Nhất. Sau một thời gian điều tra, nghiên cứu và lên kế hoạch, phương án chiến đấu và được cấp trên đồng ý, các chiến sĩ tình báo-biệt động gồm Đinh Thị Vân (H15), Hoàng Thị Cát (Sáu Hiền), Sáu Hà, Năm Đen, Ba Thu và Nguyễn Thị Thu Hồng (tức Đặng Hoàng Ánh), đã tổ chức trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ. Trận đánh xảy ra vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 29-5-1965. Với vỏ bọc là ca sĩ Hoàng Nga, người quen của Cố vấn Mỹ C.Taylor vào hát cho các sĩ quan và nhân viên sứ quán, bà thực hiện việc đặt mìn hẹn giờ do Năm Đen đem đến. Kể từ năm 1963 đến thời điểm này, Đại sứ quán Mỹ đã bị đánh tới 6 lần, nhưng có lẽ lần này là thành công nhất. Tòa Đại sứ Mỹ và Tổng nha Cảnh sát quận Nhất bị sập hoàn toàn, hàng trăm lính Mỹ-ngụy bị thương vong. Ngày 28-9-1969, bà được giao nhiệm vụ đánh cảm tử rạp chiếu bóng Ngọc Lan (Đà Lạt) trong buổi chiếu phim chiêu đãi sĩ quan trường võ bị Đà Lạt và một số sĩ quan Mỹ. Do đánh bom cảm tử nên bà phải gửi lại toàn bộ giấy tờ tùy thân và đồ dùng cá nhân cho đồng chí Lê Văn Phận (tức Ba Du) lúc đó là trưởng đơn vị. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà may mắn thoát chết về gặp lại đồng chí Ba Du để xin lại giấy tờ. Do nhỏ nhen ích kỷ cá nhân nên Ba Du đã không những không trả lại bà mà còn nói đã nộp lên trên. Sau này, Khu ủy khu 6 kiểm điểm, Ba Du hứa sẽ trả lại, nhưng rồi sự việc vẫn chìm vào quên lãng.
      Tháng 9-1969, đoàn 1752 được cử đến Khe Sanh và Đắc Tô để nghiên cứu việc Mỹ đổ quân xuống đây. Khi bám sát quân Mỹ đến Sa-va-na-khet (Lào) thì đoàn 1752 bị chúng bao vây, mất liên lạc với Trung ương Cục nên tổ chức đã báo tử về cho các gia đình trong đoàn. Sau 3 năm ở Sa-va-na-khet, đoàn mới bắt liên lạc được với đồng chí Năm Công, Chính ủy Liên khu 5 (đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch HĐNN sau này). Sau đó không lâu, bà bị địch bắt giam tại Đà Lạt, cùng ở tù với Trần Văn Thành và Nguyễn Thị Dương. Hơn 3 tháng bị giam cầm, bà được cơ sở của ta là Trần Văn Phước (tức C16) giải cứu. Ra tù, bà hoạt động tại Đà Lạt cho tới ngày 29-4-1975 thì về Sài Gòn và được chứng kiến những giờ phút lịch sử của dân tộc.
      Bà và Đoàn dũng sĩ miền Nam chụp ảnh với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch năm 1966 (trong ảnh, bà Ánh được Bác cho đứng trước). Ảnh do nhân vật Ánh cung cấp.
      Trong cuộc đời hoạt động của bà có một kỷ niệm không thể nào quên, đó là đầu năm 1966 bà cùng một số chiến sĩ thi đua được Trung ương Cục miền Nam cho ra Bắc gặp Bác Hồ. Ngày 1-6-1966, Bà cùng các đồng chí khác như Út Tịch, Lê Chí Nguyện, Trần Dưỡng, Phạm Tất Liêm, Huỳnh Văn Đảnh, Tạ Thị Kiều, chú Hai Khơ-me… được gặp và báo công với Bác. Mọi người được chụp ảnh và cùng ăn cơm với Bác - cùng chụp ảnh với Bác và anh chị em trong đoàn còn có Phó chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng, Nhà thơ Tố Hữu… (hiện nay bức ảnh được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh số KKQĐ 743, 744Q6). Hồi ấy bà lấy tên là Nguyễn Thị Thu Hồng.
      Chưa có sự tri ân thỏa đáng
      Mấy năm qua, bà đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để yêu cầu: Một là, được khôi phục Đảng tịch (bà kết nạp Đảng ngày 19-4-1954 và chính thức ngày 19-4-1955 tại Trung ương Cục miền Nam); hai là xem xét lại việc bà đã được trên đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân sau trận đánh vào tòa Đại sứ quán Mỹ (lúc đó xác định là hy sinh). Theo bà, năm 2001 bà được mời dự lễ phong tặng danh hiệu anh hùng nhưng trong buổi đó bà chỉ được nhận Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày mà thôi (Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày 18-10-2000 do Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - nay là Thủ tướng ký). Rất tiếc, việc xác minh lại cho bà không ít cơ quan có trách nhiệm chưa nhiệt tình vào cuộc.

      Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng và Quyết định của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh về cấp và thu hồi chế độ trợ cấp như thương binh hạng 2/4.
      Chẳng hạn, một cơ quan đã trả lời bà: “…Sau khi kiểm tra hồ sơ lưu trữ và danh sách cán bộ hoạt động qua các thời kỳ kháng chiến; qua gặp gỡ các đồng chí cán bộ lão thành của ngành đã từng hoạt động thuộc các địa bàn có liên quan, đều khẳng định không có cán bộ, nhân viên nào có tên Đặng Hoàng Ánh và các bí danh bà đã nêu…”. Cứ cho việc trả lời trên là xác đáng, thế nhưng, chẳng lẽ tấm ảnh bà và những người (bà đã nêu tên) được chụp với Bác Hồ không nói lên điều gì sao? Về tấm ảnh bà có, theo bà, trong một lần vào công tác ở Lâm Đồng, chính cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng đã tận tay đưa tặng bà, vì hồi đó, mọi người không có tấm ảnh quý giá này. Một chi tiết nữa là bà đã tìm và gặp được ông Bạch Ngọc Phách - người có trong tấm ảnh cùng được chụp với Bác Hồ (đứng thứ 4, từ phải qua trái). Hiện nay ông Bạch Ngọc Phách đã 85 tuổi và đang bị một căn bệnh hiểm nghèo, tuy gần 40 năm xa nhau, nhưng ông Phách và bà vẫn nhận được nhau trong nước mắt.
      Một cơ quan nữa, sau khi nhận đơn của bà, đã gửi công văn cho Bộ Quốc phòng và cá nhân bà, vẫn đề “gửi ông Đặng Hoàng Ánh” (chứ không phải bà Đặng Hoàng Ánh?). Thực ra cái tên Đặng Hoàng Ánh bà lấy từ năm 1982 sau khi gặp đồng chí Hoàng Đức Nhã (tức Hai Long, tức Vũ Ngọc Nhạ). Đồng chí Hoàng Đức Nhã khuyên bà hãy thay đổi họ tên, hạn chế tiếp xúc với mọi người và tạm lánh xa một thời gian. Cũng năm 1982 bà gặp cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng (anh Hai Thiện) - người được bố đẻ bà cứu khỏi tù đày khi hoạt động cách mạng trước đây và luôn coi bà như em gái - can thiệp, bà mới làm được Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu và chế độ mua gạo bằng tem phiếu thời đó.
      Theo Quyết định số 90/QĐ ngày 28-8-1989 của UBND tỉnh Lâm Đồng do Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Xuân Ái ký, bà được hưởng chế độ Trợ cấp thương tật và cấp sổ như thương binh bậc 2/4 từ ngày 1-4-1984. Từ đó đến nay, bà vẫn lĩnh bình thường. Không hiểu vì sao ngày 10-10-2011, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng lại ra Quyết định số 78/LĐTBXH-QĐ do bà Đoàn Thị Ngọc Ân, Phó giám đốc sở ký, quyết định ghi rõ: “Cắt và thu hồi trợ cấp ưu đãi người hưởng chính sách như thương binh đối với bà Đặng Hoàng Ánh” và “Thời gian thu hồi trợ cấp từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 10 năm 2011… thu hồi số tiền 140.375.175 đồng”. Lý do cắt và thu hồi “thủ tục hồ sơ xác lập không đúng quy định”. Bà buồn rầu cho biết: “Trước đây tôi kê khai làm các thủ tục để xét do hướng dẫn của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng hẳn hoi, bây giờ lại bảo “thủ tục hồ sơ xác lập không đúng quy định” thì tôi cũng không rõ là không đúng ở điểm gì?”. Phải chăng, theo bà, vì đã “cả gan” làm đơn kiến nghị trên xem xét về hai trường hợp nhận chính sách chất độc da cam/đi-ô-xin không đúng đối tượng ở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh? Bà cứ băn khoăn, một Phó giám đốc sở ra quyết định phủ nhận quyết định của UBND tỉnh liệu có đúng không? Việc làm trên của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã được xem xét kỹ chưa?
      Từ một “quận chúa” “lá ngọc cành vàng”, xuất thân trong một hoàng tộc triều Nguyễn, một thiếu nữ xinh đẹp trở thành một bác sĩ tài hoa được đào tạo tại Pháp, bà đã trở thành một chiến sĩ tình báo-biệt động gan dạ, dũng cảm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Vậy mà đến nay, bà chưa có được sự tri ân thỏa đáng, không được một phần thưởng cao quý nào khác ngoài một Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba và Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày. Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm xác minh, giải quyết một cách tích cực để những năm tháng cuối đời của người nữ chiến sĩ biệt động được bù đắp phần nào.
      Bài và ảnh: Lê Quý Hoàng
       

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét