Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 230

(ĐC sưu tầm trên NET)

"Batman" - điệp viên hai mang, kẻ phản bội của ngành tình báo Mỹ

Năm 1997, tại Tòa án ở Portland, Oregon, Mỹ lần đầu tiên báo chí được tiếp xúc với điệp viên CIA có biệt danh là “Batman” trong vòng bảo vệ của nhân viên Cục Điều tra Liên bang FBI và cảnh sát Mỹ. Đằng sau vẻ bề ngoài có vẻ kém tự tin trước Thẩm phán, người từng có 26 năm phục vụ Chính phủ Mỹ này lại là một con người hết sức nguy hiểm và liều lĩnh.

Trong ghi chép biên niên sử của hoạt động tình báo Mỹ, Jim Nicholson đứng ở mức 4, mức được đánh giá xuất sắc trong hoạt động thu thập các tin tức tình báo. Ông ta là nhân viên CIA cao cấp nhất bị kết tội vì bán danh sách hàng trăm học viên và các tệp tin mật của CIA cho cơ quan đặc biệt Nga. Jim Nicholson cũng là người duy nhất 2 lần phản bội Tổ quốc và một trong số đó là thực hiện hoạt động gián điệp từ trong tù. Điều khác biệt đáng thất vọng, Jim là nhân viên CIA duy nhất bị bắt sau hành trình đấu trí giữa điệp viên với điệp viên ngay bên trong trụ sở cơ quan CIA tại Langley, Virginia. Jim trở thành mục tiêu của đồng nghiệp trong cuộc điều tra bí mật và đầy táo bạo.

Nathan Nicholson thăm cha mình, Jim Nicholson, bị giam trong tù vào dịp Giáng sinh năm 2003
Nathan Nicholson thăm cha mình, Jim Nicholson, bị giam trong tù vào dịp Giáng sinh năm 2003
Nhiệm vụ “cuối đời”
John Maguire được giao nhiệm vụ trở thành đặc vụ ngầm, điều tra phát hiện điệp viên hai mang trong nội bộ. Cuộc điều tra trở thành ví dụ kinh điển cho “chiến tranh” gián điệp dai dẳng giữa Matxcơva và Washington.
Langley, Virginia, mùa hè năm 1996, John Maguire ngồi ở trụ sở CIA. Sau 14 năm sống cuộc đời một điệp viên, giờ đây ông chấp nhận làm việc với nhóm lưu trữ hồ sơ. Maguire từng chiến đấu trên những mặt trận thực sự như El Salvador, Honduras, Lebanon và Iraq nhưng rõ ràng là ở tuổi 42, sự nghiệp hoạt động gián điệp đầy hứa hẹn của ông đã kết thúc.
Bước ngoặt đời ông bắt đầu khi Maguire liên hệ với lãnh đạo, Trưởng bộ phận Cận Đông, từ chối nhiệm vụ được cử đến Karachi, Pakistan. Thay vào đó, ông được rút về một vị trí trong Ban quản trị nhân sự, tại chính tòa nhà trụ sở của CIA, một vị trí được đánh giá là an phận cho những ai đã ở cuối sự nghiệp. Ở đó, hàng ngày ông uống cà phê, dùng bút chì phân loại nhân viên tập sự, xem xét kỹ lưỡng các hồ sơ của nhân viên CIA khác, đánh giá họ có xứng đáng với vị trí, nhiệm vụ được giao. Ông cảm thấy chán nản khi phải làm công việc này.
Một ngày vào mùa xuân năm 1996, điện thoại của Maguire reo lên. Ông nghe tiếng Anna qua ống nghe. Anna là thư ký cấp cao của bộ phận Cận Đông, một nhân vật quyền lực.
- “Công việc thế nào?” - Anna hỏi.
- “Tôi đang cố gắng không tự giết mình trong cái ghế này” - Maguire nói.
Rồi cô ta nói như ra lệnh: “Đừng cho ai biết anh đang đi đâu. Chỉ cần ra khỏi bàn và đến đây với tôi ngay lập tức”.
Maguire tưởng tượng ra có lẽ một tai họa sắp giáng xuống. Ông đã 7 năm làm cảnh sát ở Baltimore, sau đó là 14 năm làm điệp viên. Ông hiểu rõ, những quyết định đột ngột như vậy của cấp trên giống như gắp than hồng bỏ vào tay cấp dưới.
Maguire với thân hình cao hơn 1m80, nặng gần 89kg đi thang máy lên tầng 6, dưới tầng áp mái, nơi Giám đốc Trung tâm Tình báo điều hành công việc. Từ bên ngoài, ông nhìn thấy Anna đứng cạnh bàn làm việc. Cô bước tới, đưa ông vào văn phòng và đóng cửa lại. Ông đứng trước chiếc bàn, ngay sát vị trí Steve Richter ngồi. Richter là thành viên chủ chốt của Ban Giám đốc, “đôi cánh” bí mật của CIA, giám sát các hoạt động gián điệp trên khắp Trung Đông.
“Chúng ta có một gián điệp của Nga trong nội bộ, phải bắt anh ta. Anh được lựa chọn cho vị trí này”, Steve Richter mở đầu câu chuyện. Nhiệm vụ cho thấy tầm quan trọng của nó khi FBI và CIA cùng phối hợp thành lập một nhóm đặc biệt để bắt tên gián điệp hai mang. Họ chọn Maguire làm điệp viên ngầm tiếp cận anh ta.

Một bức ảnh không xác định được thời gian và địa điểm do CIA cung cấp, trong đó Jim Nicholson mặc chiếc áo có in dòng chữ đầy mỉa mai với tội lỗi của mình
Một bức ảnh không xác định được thời gian và địa điểm do CIA cung cấp, trong đó Jim Nicholson mặc chiếc áo có in dòng chữ đầy mỉa mai với tội lỗi của mình
Điệp viên đấu trí điệp viên
Trên nền tảng từng làm cảnh sát và những kinh nghiệm về chứng cứ tại tòa, ông trở thành ứng cử viên số 1 giúp Cục thu thập bằng chứng ngay bên trong cơ quan đầu não của CIA về kẻ tình nghi của họ: Harold James “Jim” Nicholson. Các đặc vụ liên bang giải thích về Jim, người mà Maguire chưa bao giờ gặp: Jim có 16 năm làm quan chức điều hành tại CIA. Jim đang giảng dạy môn kỹ thuật, phương pháp và công nghệ hoạt động gián điệp tại The Farm - Trung tâm huấn luyện của CIA đặt ở phía Nam bang Virginia.
Maguire nghiên cứu hồ sơ về Jim, ông ta là người cha đơn độc, mới ly dị, nhận quyền nuôi cả 3 đứa con. Cậu con cả Jeremi đang học đại học; con gái Star và con trai út Nathan sống trong một ngôi nhà hai tầng của Chính phủ ở trại Peary, nhưng họ sẽ sớm chuyển đến nhà của gia đình ở Burke, Virginia. Maguire biết rõ về The Farm. Ông từng trải qua khóa huấn luyện kéo dài 5 tháng và đào tạo bán quân sự ở đây trước khi được đưa đến Trung tâm xử lý chất nổ của CIA trong một căn cứ bí mật ở Atlantic. Ở đó, ông học cách lắp đặt và tháo dỡ tất cả các loại vật liệu nổ.
Các quan chức cấp cao của CIA chuẩn bị một kế hoạch chi tiết, họ sẽ gọi Jim rời The Farm và bổ nhiệm ông ta làm Giám đốc chi nhánh tại Trung tâm chống khủng bố (CTC) trong tòa nhà trụ sở chính. Nơi này là môi trường lý tưởng để Jim thoải mái thu thập tin tức tình báo bán cho Nga. Maguire sẽ làm việc với tư cách là Phó giám đốc chi nhánh của Jim.
Các nhà điều tra của FBI hy vọng Jim sẽ chọn Maguire khi so sánh với các ứng viên khác cho vị trí này. Nếu tất cả đi đúng theo kế hoạch, Maguire sẽ đảm nhiệm vị trí bên cạnh của Jim. Nhóm FBI - CIA sẽ giám sát chặt chẽ quá trình đấu trí của Maguire với “sếp” của mình, chiến dịch điệp viên đấu điệp viên ngay trong trụ sở cơ quan đặc biệt CIA. Chưa từng có hoạt động điều tra nào như thế dưới mái nhà Langley.

Bắt giữ Jim Nicholson cuối năm 1996 tại Sân bay quốc tế Dulles gần Washington
Bắt giữ Jim Nicholson cuối năm 1996 tại Sân bay quốc tế Dulles gần Washington
Màn phỏng vấn hồi hộp
Jim sẽ phỏng vấn một số nhân viên CIA có kinh nghiệm cho vị trí Phó Giám đốc chi nhánh, cấp dưới của ông ta. Thành tích của Maguire đã được các đặc vụ bí mật làm dày, ấn tượng thêm và kinh nghiệm hơn hẳn người khác. Hồ sơ thể hiện Maguire là thành viên sáng lập của CTC, hiểu biết về khủng bố và có nhiều năm hoạt động chống khủng bố ở Trung Đông.
Maguire là một điệp viên giỏi chưa đủ. Các nhà điều tra muốn Maguire gây ấn tượng mạnh với Jim bằng cách làm nổi bật kỹ năng tấn công tội phạm khi ông làm cảnh sát thành phố Baltimore. Kỹ năng đó có được sau nhiều giờ làm việc trong các góc phố bạo lực của khu Charm City hay trên những đường phố nổi tiếng The Wire. Maguire có kinh nghiệm làm việc với các công tố viên và vô số giờ tiếp xúc với nhân chứng.
Mùa hè năm đó, ông bước vào phòng 6E2911 để Jim phỏng vấn. Họ ngồi trong văn phòng của Jim. Ở khắp mọi nơi, những bức ảnh, giấy chứng nhận, các giải thưởng quân sự và bằng khen được đóng khung treo ngay ngắn. Rõ ràng đây là người thông minh và thích đề cao bản thân. Maguire nói gần như đọc lại bộ hồ sơ đã chuyển cho Jim trước đó. Maguire giải thích rằng ông có kinh nghiệm, vốn kiến thức tốt, vui mừng quay trở lại biên chế hoạt động và sẵn sàng kết nối lại những nguồn tin của mình tại Trung Đông. Các đầu mối của ông có thể giúp chi nhánh của Jim xác định và phá vỡ các cơ sở theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang giết hại người Mỹ hoặc đe dọa đến an ninh của Mỹ.
Jim hỏi: “Làm sao mà một nhân viên tài năng như Maguire lại có thể sa sút và kết thúc sự nghiệp tại phòng nhân sự?”. Maguire đùa rằng đôi lúc muốn nhảy ra khỏi cửa sổ nhưng phòng nhân sự chỉ ở tầng hai nên cùng lắm chỉ bó bột với vài cái xương gãy. Hai điệp viên kỳ cựu cùng cười lên vui vẻ.
Mặc dù đánh giá cao con người Maguire cũng như tình huống khó xử mà Maguire đang gặp phải, Jim cũng không đưa ra bất cứ lời hứa hẹn nào. Maguire bước ra ngoài và nghĩ rằng mình thất bại trong cuộc phỏng vấn. Nếu Jim từ chối không tuyển dụng Maguire, chiến dịch của nhóm điều tra đăc biệt của FBI - CIA sẽ thất bại từ những bước đầu tiên. Vài tuần sau, Maguire nhận một phong bì gửi cho ông tại nơi làm việc. Bên trong là một chỉ thị từ bộ phận nhân sự. Bộ máy của CIA cồng kềnh, mất thời gian nhưng rõ ràng tờ quyết định bổ nhiệm chức danh phó giám đốc chi nhánh trong CTC dưới quyền Jim Nicholson có ưu ái đặc biệt.
Lật tẩy kẻ phản bội
Dù có nhiều năm kinh nghiệm, Maguire vẫn hồi hộp. Đây là cơ hội để ông thử thách các kỹ năng gián điệp, chống lại nhân vật tài năng nhất mà ông từng gặp.
Không lâu sau khi Maguire nhận được tin sẽ làm việc cho Jim, Richter đã mời ông tham gia một cuộc họp kín với thành viên nhóm đặc biệt. Ở đó, ông được phổ biến các phương thức thu thập hoạt động của Jim, cách thức và mật mã liên lạc... Richter tâm sự với Maguire, nếu ông thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt lần này, đó là cách phục vụ đất nước đáng ngưỡng mộ nhất và nó đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp đời ông.
Sau 6 tháng, John Maguire làm “diễn viên” chính của chiến dịch, những chứng cứ ông thu thập đã đưa Jim Nicholson ra tòa án ở Portland, Oregon. Tháng 1-2010, Nicholson trình diện trước tòa một lần nữa để trả lời những cáo buộc mới: Ông ta không chỉ kết nối lại với người Nga từ trong tù, mà còn nhờ Nathan Nicholson, con trai út, làm trung gian cho ông ta.
Cả hai cha con Jim Nicholson đều chấp nhận lời buộc tội của tòa. Nathan không phải ngồi tù, nhưng bị kết án 5 năm quản chế và 100 giờ lao động công ích. Trong khi đó, Jim nhận bản án 8 năm cộng dồn vào 23 năm tù giam với tội mà ông ta phạm phải trước đây.
Theo Hoàng Tiến
An ninh thủ đô

Tiết lộ gây sốc về mạng lưới điệp viên của Trung Quốc tại Mỹ

Dân trí Một nguồn thạo tin với quân đội Trung Quốc mới đây đã tiết lộ về quy mô mạng lưới tình báo mà nước này đang tổ chức tại Mỹ.



Doanh nhân tỷ phú Guo Wengui (Ảnh: Twitter)
Doanh nhân tỷ phú Guo Wengui (Ảnh: Twitter)
Trang tin FreeBeacon dẫn lời ông Guo Wengui, một doanh nhân tỷ phú từng có quan hệ mật thiết với các cơ quan tình báo và quân đội Trung Quốc, cho biết mạng lưới tình báo của Bắc Kinh ở Mỹ bao gồm 25.000 sĩ quan tình báo và hơn 15.000 mật vụ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông Guo, người sang Mỹ tị nạn cách đây vài tháng, cho biết ông có quan hệ chặt chẽ với Bộ Công an Trung Quốc, Cơ quan tình báo dân sự và Cơ quan tình báo trực thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Thông qua một thông dịch viên trong cuộc phỏng vấn, ông Guo tiết lộ: “Tôi nắm rất rõ về hệ thống tình báo của Trung Quốc. Tôi có thông tin cụ thể về cách hệ thống đó hoạt động trong từng phút”.
Theo ông Guo, kiến thức về hệ thống tình báo của Trung Quốc mà ông nắm được khởi nguồn từ Ma Jian - cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, và Ji Shengde - cựu Giám đốc một cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc.
Ông Guo cho biết thêm ông Ma từng là Giám đốc Cục số 8 của Bộ Công an Trung Quốc - đơn vị phụ trách các hoạt động phản gián nhằm vào những mục tiêu nước ngoài, gồm các nhà ngoại giao, doanh nhân hay phóng viên. Tuy nhiên, ông Ma đã “thất thế” trong cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Quốc hồi cuối năm 2015. Sau đó, ông này bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị tạm giam từ đầu năm nay.
Theo ông Guo, cựu Thứ trưởng Ma bị tạm giam vì đã phát hiện ra những sai phạm liên quan tới ông Vương Kì Sơn - quan chức cấp cao nhất phụ trách cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc.
Còn về trường hợp của Ji, ông Guo cho biết mình có quan hệ thân thiết với nhân vật này và từng từ chối đề nghị làm trung gian cho cơ quan tình báo quân đội có tên gọi tắt là 2PLA. Năm 2000, ông Ji bị một tòa án binh tuyên án tử hình treo vì cáo buộc tham nhũng và gây quỹ trái phép. Hiện ông Ji đang sống ở Trung Quốc còn vợ ông sống ở Los Angles. Ông Guo cho biết ông đã chu cấp tiền cho Ji trong 25 năm qua như một phần trong các hoạt động kinh doanh “vỏ bọc” cho các chương trình tình báo.
Ông Guo là một nhà đầu tư bất động sản, người đã trốn chạy khỏi Trung Quốc từ năm 2015. Hiện doanh nhân này đang sống ở thành phố New York và kể từ tháng 1 năm nay, Guo đã trở thành mục tiêu của chiến dịch được cho là buộc ông “im lặng”.
Hồi tháng 5 vừa qua, 2 quan chức an ninh cấp cao của Trung Quốc được cho là đã tới Mỹ nhằm gây sức ép với Washington về việc buộc Guo “im lặng” và không tiết lộ những thông tin mật về các vụ tham nhũng của giới chức cấp cao nước này, cũng như không nên đề cập tới các hoạt động tình báo.
Ngoài ra, hai quan chức trên cũng đề nghị chính quyền Mỹ dẫn độ Guo về nước để đối diện với các cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, Washington đã không đáp lại đề nghị.

Ngọc Anh
Theo Free Beacon

Cuộc đời “chìm nổi” của điệp viên Triều Tiên

Video tạm dừng

Dân trí Từng bị tuyên án tử 2 lần vì tội gián điệp và trải qua 30 năm ở trong nhà tù Hàn Quốc với phần lớn thời gian là biệt giam, điều khiến cựu điệp viên 90 tuổi Seo Ok-ryol đau đáu nhất bây giờ là được trở về quê nhà Triều Tiên và gặp lại vợ con trước khi ông qua đời.



Cựu điệp viên Triều Tiên Seo Ok-ryol (Ảnh: AFP)
Cựu điệp viên Triều Tiên Seo Ok-ryol (Ảnh: AFP)
Người Hàn Quốc chiến đấu cho Triều Tiên
Ông Seo Ok-ryol, 90 tuổi, sinh ra trên một hòn đảo tại Hàn Quốc. Ông bắt đầu đi theo chủ nghĩa cộng sản khi còn là sinh viên tại Đại học Hàn Quốc danh tiếng ở thủ đô Seoul và gia nhập lực lượng quân đội Triều Tiên trong cuộc chiến tranh liên Triều cách đây hơn 60 năm.
Ông Seo gia nhập đảng Lao động Triều Tiên và trở thành giáo viên tại thủ đô Bình Nhưỡng trước khi được cử đi học tại một trường đào tạo điệp viên vào năm 1961. Lúc này, vợ con ông cũng đang ở Triều Tiên.
“Tôi phải rời đi mà không được nói lời chào tạm biệt với vợ của mình”, ông Seo nhớ lại.
Sau khi hoàn tất quá trình đào tạo điệp viên, ông Seo được giao nhiệm vụ tới Hàn Quốc để chiêu mộ một quan chức chính phủ cấp cao tại Seoul có anh trai từng đào tẩu sang Triều Tiên. Ông Seo sẽ phải tìm cách để đưa một bức thư của người anh trai cho vị quan chức Hàn Quốc, từ đó lôi kéo vị này về phía Triều Tiên.
Để sang được Hàn Quốc, ông Seo phải vượt biên bằng cách bơi qua sông Yeomhwa. Tuy nhiên, khi tiếp cận được vị quan chức Hàn Quốc cần gặp, ông Seo liền bị từ chối hợp tác.
“Đối với anh trai tôi, ông ấy sống hay chết không quan trọng. Tôi đã báo tin với các nhà chức trách (Hàn Quốc) rằng anh trai tôi đã chết trong chiến tranh”, quan chức Hàn Quốc nói với ông Seo và từ chối kế hoạch chiêu mộ của điệp viên Triều Tiên.
Mặc dù vậy, vị quan chức này đã không tố giác ông Seo với chính quyền Hàn Quốc, mặc dù vào thời điểm đó, các cuộc tiếp xúc ngoài lề giữa người Triều Tiên và người Hàn Quốc có thể bị phạt tù rất nặng.
Bỏ lỡ cơ hội về nước
Các bức ảnh bên trong ngôi nhà của ông Seo tại Gwangju, Hàn Quốc (Ảnh: AFP)
Các bức ảnh bên trong ngôi nhà của ông Seo tại Gwangju, Hàn Quốc (Ảnh: AFP)
Không hoàn thành nhiệm vụ được giao, ông Seo ở lại Hàn Quốc trong 1 tháng để chờ được đưa về Triều Tiên. Trong khoảng thời gian này, ông liên tục phải nghĩ cách để giấu cuốn sách mật mã, trong đó có các mã số đặc biệt dành cho các điệp viên Triều Tiên. Một thời gian sau, đài phát thanh Triều Tiên mới phát đi một thông điệp gồm các con số bí mật. Ghép với các con số trong cuốn sách mật mã, nội dung của thông điệp này là yêu cầu ông Seo về nước.
Tuy nhiên, ông Seo đã đến điểm đón muộn và bỏ lỡ thuyền cứu hộ được chuẩn bị sẵn để đưa ông về Triều Tiên. Ông Seo sau đó đã tìm cách bơi qua sông để trở về Triều Tiên nhưng thất bại. Sóng đã đánh dạt ông vào bờ trước khi ông kiệt sức và bị lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc bắt giữ.
“Là một điệp viên, bạn được huấn luyện phải tự sát, hoặc bằng cách uống thuốc độc, hoặc sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, tôi thậm chí còn không kịp có thời gian để tự sát”, ông Seo kể lại.
Cựu điệp viên Triều Tiên cho biết ông đã bị thẩm vấn trong vòng nhiều tháng, bị đánh đập, không được ăn uống hay ngủ nghỉ. Sau đó, một tòa án quân sự kết án tử hình ông vì tội gián điệp. Ông Seo phải ở trong phòng biệt giam, chỉ được cho ăn những bữa cơm thiếu thốn và nhìn những điệp viên Triều Tiên khác bị hành hình.
Giữ vững lập trường
Ông Seo ngồi tại nhà riêng ở Hàn Quốc (Ảnh: AFP)
Ông Seo ngồi tại nhà riêng ở Hàn Quốc (Ảnh: AFP)
Năm 1963, ông Seo được giảm án tử hình sau khi phía Hàn Quốc xét đến việc ông vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ do Triều Tiên giao phó. Tuy nhiên, 10 năm sau đó, ông tiếp tục bị tuyên án tử một lần nữa vì tìm cách chiêu mộ một tù nhân khác đứng về phía Triều Tiên.
Cha mẹ của ông Seo tại Hàn Quốc đã phải bán nhà để chi trả cho các khoản tiền pháp lý nhằm cứu con trai khỏi án tử hình. Tuy nhiên, họ đã ra đi khi con trai vẫn chưa được ra tù.
Vào những năm 1970, quân đội Hàn Quốc thường tìm cách cải tạo các tù nhân Triều Tiên bằng các biện pháp mạnh tay nhằm thay đổi lập trường tư tưởng của những người này. Tuy nhiên, ông Seo vẫn không chịu từ bỏ lòng trung thành với Triều Tiên ngay cả khi mắt trái của ông bị thương và sau này bị mù lòa.
“Họ yêu cầu tôi thay đổi tư tưởng, hứa hẹn rằng sẽ cho tôi điều trị ở một bệnh viện. Nhưng tôi từ chối. Dù cho có bị mất một bên mắt, tôi cũng vẫn trung thành với niềm tin của tôi. Tư tưởng chính trị còn đáng quý hơn mạng sống của tôi”, ông Seo nói.
Giấc mơ dang dở
Cựu điệp viên vẫn mong chờ một ngày được gặp lại vợ con trước khi mất (Ảnh: AFP)
Cựu điệp viên vẫn mong chờ một ngày được gặp lại vợ con trước khi mất (Ảnh: AFP)
Sau 30 năm ở tù, ông Seo đã chấp nhận thỏa hiệp vào năm 1991 và hứa sẽ tuân thủ luật pháp của Hàn Quốc. Sau khi ra tù, ông chuyển tới thành phố Gwangju ở phía nam Hàn Quốc, gần quê hương của ông và nơi ở của các anh chị em trong gia đình. Tuy nhiên, ông vẫn đau đáu giấc mơ được trở về Triều Tiên để gặp lại vợ và các con trai.
Ông Seo vẫn giữ nguyên lập trường trung thành với Triều Tiên, ca ngợi đây là một xã hội bình đẳng - nơi ông có thể tốt nghiệp từ trường Đại học Kim Nhật Thành hàng đầu bằng sự trợ cấp của chính phủ.
Ông cũng bênh vực chính sách hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cho rằng đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ Triều Tiên trước Mỹ. Ông gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là “gã khùng”.
Vài năm sau khi được thả, một phụ nữ Hàn Quốc sống ở Đức từng tới thăm Bình Nhưỡng nói với ông Seo rằng vợ con ông vẫn còn sống. Tuy nhiên, người này khuyên ông Seo không nên liên lạc với vợ con vì sợ rằng sự xuất hiện của ông sẽ ảnh hưởng tới cơ hội sự nghiệp của các con.
Từ khi sang Hàn Quốc tới nay, ông Seo vẫn chưa tái hôn. Hiện 25 nhóm hoạt động xã hội đã đệ đơn kiến nghị các nhà chức trách tạo điều kiện cho ông Seo được tới Triều Tiên đoàn tụ với gia đình.
Khi được hỏi về điều ông sẽ nói với vợ nếu có cơ hội gặp lại bà, ông Seo cho biết: “Tôi muốn nói cảm ơn vì bà ấy vẫn sống. Tôi vẫn luôn nhớ bà ấy. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có thể rời xa bà ấy lâu như vậy”.
Thành Đạt
Theo AFP

“Nữ điệp viên Triều Tiên” hé lộ vụ đánh bom máy bay Hàn Quốc

Dân trí Tờ Telegraph của Anh hôm nay đã dẫn thông tin từ một cuộc phỏng vấn người phụ nữ được cho là cựu điệp viên Triều Tiên, hé lộ về vụ đánh bom làm nổ tung một máy bay dân sự của Hàn Quốc, khiến 115 người thiệt mạng năm 1987.

 Kim Hyun-hee được cho là người người đã đánh bom máy bay dân sự Hàn Quốc năm 1987.
Kim Hyun-hee từng bị Hàn Quốc kết án tử hình vì đã đánh bom máy bay dân sự Hàn Quốc năm 1987. 

Theo tờ Telegraph, ngay sau vụ đánh bom, cựu điệp viên có tên Kim Hyun-hee đã tìm cách tự sát bằng cách nuốt hóa chất xyanua nhưng không chết. Người phụ nữ hiện 51 tuổi này sau đó đã bị bắt và bị kết án tử hình. Trong vụ đánh bom năm 1987, Kim Hyun-hee cùng đồng phạm đã gài một quả bom trên chuyên bay từ Baghdad tới Seoul, quá cảnh qua Abu Dhabi.

Mặc dù toàn bộ 115 người trên máy bay thiệt mạng, Kim Hyun-hee sau đó được hưởng khoan hồng do chính phủ Hàn Quốc cho rằng bà đã bị “tẩy não”.

Và vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao, lần đầu tiên Kim Hyun-hee tham gia trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC của Australia về vụ đánh bom 26 năm về trước, hé lộ về chính quyền Triều Tiên và cả về nỗ lực “kiềm tỏa” quân đội của nhà lãnh đạo mà bà cho là “thiếu kinh nghiệm” Kim Jong-un.

Trong cuộc phỏng vấn từ một địa điểm không được tiết lộ ở Hàn Quốc, nơi Kim Hyun-hee đang sống trong sợ hãi cùng chồng và 2 con, bà cho biết, . “Tôi đã được chính quyền chọn đánh bom máy bay Hàn Quốc”.
 Kim Hyun-Hee (giữa) bị các nhà điều tra Hàn Quốc áp giải sau khi được dẫn về Seoul ngày 15/12/1987.
Kim Hyun-Hee (giữa) bị các nhà điều tra Hàn Quốc áp giải sau khi được dẫn về Seoul ngày 15/12/1987.
Kim Hyun-hee cũng nói về nhà lãnh đạo Kim Jong-un. “Ông ấy đang cố gắng kiểm soát hoàn toàn quân đội và giành được sự trung thành của họ”, Kim Hyun-hee cho hay. “Đó là lý do vì sao ông ấy thực hiện nhiều chuyến thăm tới các căn cứ quân đội đến vậy, để giành được sự ủng hộ. Ông ấy cũng đang dùng chương trình hạt nhân làm con át chủ bài để mặc cả lấy viện trợ, để giữ công chúng ở phía sau mình”, cựu điệp viên nói.

“Triều Tiên đang dùng chương trình hạt nhân để giành được sự ủng hộ của người dân và để buộc Hàn Quốc và Mỹ phải nhượng bộ”, Kim Hyun-hee đánh giá.

Kim Hyun-hee cũng cho biết đầu tiên bà được các quan chức đảng “chọn” làm điệp viên khi họ gặp bà ở trường. Họ yêu cầu bà chuẩn bị hành lý và cho bà một đêm cuối cùng ở với gia đình trước khi cho bà tên mới và đưa bà tới một trường tình báo ở trên núi. Tại đó bà được huấn luyện võ thuật, học sử dụng súng và học các ngôn ngữ. “Tôi thậm chí không được có thời gian để nói lời tạm biết với bạn bè”, Kim Hyun-hee cho hay.

Bà cho biết, sau 8 năm được huấn luyện, bà được lựa chọn cho sứ mệnh “nổ tung máy bay Hàn Quốc”. Theo Kim Hyun-hee thì âm mưu là do lãnh đạo Triều Tiên khi đó, Kim Jong-il (cha của nhà lãnh đạo hiện nay) ra lệnh, nhằm khiến người nước ngoài tránh xa Thế vận hội Olympic 1988 ở Seoul.

Hyun-hee đã thực hiện vụ việc cùng với một điệp viên Triều Tiên khác, Kim Seung-il, và hai người cải trang là hai cha con người Nhật đi du lịch. Họ lên chuyến bay ở Baghdad, cài bom trong một chiếc máy radio và đặt giờ cho nó phát nổ 9 tiếng sau đó.

Hai điệp viên xuống máy bay ở Abu Dhabi và quả bom phát nổ khi máy bay đang bay tới Seoul. Toàn bộ 115 người thiệt mạng và vụ nổ bom đã khiến Mỹ liệt Triều Tiên vào danh sách quốc gia tài trợ cho khủng bố.

Hyun-hee và đồng phạm bị bắt khi đang tìm cách rời Bahrain. Giới chức trách đã phát hiện họ dùng hộ chiếu giả. Trong khi họ bị săn lùng, Kim Seung-il đã nói với Hyun-hee nên nuốt cyanide được giấu trong một bao thuốc lá. Kim Seung-il chết còn Hyun-hee vẫn sống. Sau đó bà đã bị kết án tử hình ở Hàn Quốc. Bà cũng cho biết, trong thời gian bị xét xử ở Hàn Quốc bà đã thấy hối hận vì những gì đã làm. “Tôi đã thấy Hàn Quốc hiện đại như thế nào. Tôi đã nghe thấy những điệp viên quanh tôi nói chuyện tự do thế nào. Điều đó trái ngược đối với những gì tôi được thông tin khi ở Triều Tiên”.

 “Tôi hối tiếc về những gì tôi đã làm”, Hyun-hee nói.

Vũ Quý
Theo Telegraph

CIA và những thắng - bại trong cuộc chiến gián điệp chống Trung Quốc

Ngày 20/5 vừa qua, tờ Thời báo New York đăng bài cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc đã phá tan mạng lưới gián điệp của CIA, khiến cơ quan này gánh chịu một trong những tổn thất lớn nhất trong mấy chục năm qua”.

Các cơ quan tình báo Mỹ không thể xác định nguyên nhân thất bại là trong nội bộ CIA có kẻ phản quốc, hay là Trung Quốc đã thành công trong việc đánh người vào nội bộ CIA.
Một cuộc điều tra được tiến hành, nhưng quan điểm của những người điều tra về nguyên nhân thất bại bất đồng nghiêm trọng, không đưa ra được kết luận cuối cùng.
Tiết lộ bất ngờ về thất bại toàn diện
Tác giả của bài báo gây xôn xao này là nhóm 4 người: Mark Mazzetti, Adam Goldman, Michael S. Schmidt và Matt Apuzzo. Họ viết: “Chỉ từ mấy tuần cuối năm 2012 đến cuối năm 2012, Trung Quốc đã giết chết ít nhất mười mấy điệp viên của CIA.
Một cựu quan chức của cơ quan hữu quan Mỹ nói, trong đó một người bị bắn chết ngay tại phòng làm việc trong trụ sở chính phủ trước mắt các đồng sự. Ngoài ra còn một số người khác bị tống vào tù. Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tiêu diệt và tống giam từ 18 đến 20 điệp viên của CIA trong nội bộ, phá hủy mạng lưới mà CIA tốn bao năm mới xây dựng nên.
Bài báo dẫn lời một quan chức hữu quan đánh giá: “Đây là lần thất bại tồi tệ nhất trong suốt mấy chục năm qua”. Có quan chức tình báo cho rằng có lẽ do người của Trung Quốc đánh vào hàng ngũ CIA đã lấy được bí mật về hệ thống liên lạc.
Bài báo không tiết lộ nguồn tin cũng như không nêu ra bất cứ tên người nào bị giết hại, gây nên sự chú ý sâu sắc của dư luận. Sau khi đăng tải, bài báo liên tục được đưa lại trên các phương tiện truyền thông của cả Trung Quốc lẫn các nước. Cho đến nay, cả CIA lẫn Cục Điều tra Liên bang (FBI) đều không đưa ra bất cứ bình luận gì về những thông tin này.

Khang Nhật Tân dẫn đầu đoàn Trung Quốc phát biểu tại Hội nghị Năng lượng hạt nhân thế giới ngày 15.11.2007, sau đó ít lâu bị bắt...
Khang Nhật Tân dẫn đầu đoàn Trung Quốc phát biểu tại Hội nghị Năng lượng hạt nhân thế giới ngày 15.11.2007, sau đó ít lâu bị bắt...
Tuy mấy năm gần đây, Trung Quốc mới ban hành Luật chống gián điệp và Luật an ninh quốc gia nhưng xét về lịch sử cuộc chiến phản gián của Trung Quốc, họ thường sử dụng biện pháp tử hình để đối phó với gián điệp nước ngoài, nhất là điệp viên của Đài Loan. Điều này có thể thấy rõ qua các vụ án nhà khoa học Ốc Duy Hán du học ở Đức, Thiếu tướng quân đội Lưu Liên Côn, Đại tá Thiệu Chính Trung.
Tuy Thời báo New York không nêu bất cứ cái tên hay vụ án cụ thể nào, nhưng nói chung, nếu điệp viên CIA là công dân Mỹ thì Bắc Kinh không vội vàng hành quyết mà không qua xét xử. Còn nếu là công dân Trung Quốc thì điều này có thể xảy ra, song nếu có việc “bị bắn chết trong trụ sở chính phủ trước mặt các đồng sự” thì trong thời đại Internet ngày nay, chuyện như thế khó giấu kín được mãi, sớm muộn cũng bị lộ lọt.
Những vụ án gián điệp nổi tiếng bị Bắc Kinh phát hiện
Báo chí nước ngoài đều biết rõ vụ Du Cường Sinh, anh trai của Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Du Chính Thanh – một điệp viên được CIA móc nối là quan chức cao cấp trong hệ thống công an – an ninh quốc gia của Trung Quốc chạy trốn sang Mỹ, tiết lộ điệp viên chiến lược Kim Vô Đãi (Larry Wu-Tai Chin) của Trung Quốc nằm trong đơn vị ngoại vi của CIA khiến mạng lưới gián điệp của Trung Quốc ở Mỹ bị thiệt hại nặng nề.
Cuối cùng, Du Cường Sinh được nước Mỹ bảo vệ an toàn trong khi những người Trung Quốc luôn tung tin ông ta đã bị đặc công Trung Quốc ám sát ở nước thứ ba. Về điều này, một quan chức FBI đã khẳng định với đài VOA: “Tin này không chính xác, Du Cường Sinh vẫn an toàn”.
Một số nhân vật là điệp viên CIA và các nước bị Trung Quốc trừng phạt được VOA đưa tin hoặc lộ lọt qua các trang mạng gồm có: Đông Đạt Ninh - Chủ nhiệm Văn phòng Quỹ Bảo hiểm xã hội Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cáo buộc Ninh tiết lộ bí mật quan trọng về kinh tế và tiền tệ cho Đài Loan, Ninh bị tử hình năm 2006.

Đại tá không quân Giả Thế Khánh - điệp viên của CIA
Đại tá không quân Giả Thế Khánh - điệp viên của CIA
Thái Tiểu Hồng - Tổng thư ký Văn phòng liên lạc của chính phủ Trung Quốc ở Hongkong bị kết tội làm gián điệp cho Anh quốc, bị nhận án 15 năm tù. Khang Nhật Tân - Bí thư đảng ủy kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp hạt nhân - bị phạt tù chung thân vì “bán thông tin tình báo cho nước ngoài”. Lý Bân - Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc bị cáo buộc làm gián điệp cho Hàn Quốc và nhận án 7 năm tù.
Ngoài ra còn có Từ Tuấn Bình, Cục trưởng Cục Mỹ-Canada thuộc cơ quan tình báo quân sự - bị cáo buộc bán thông tin về tên lửa đạn đạo cho Mỹ, cung cấp “các thông tin tuyệt mật về tính cách, tập quán và phương thức quyết sách của người lãnh đạo”. Năm 2000, nhân cơ hội đi thăm Mỹ, Bình đã trốn ở lại không về; năm 2007, Bình bị xét xử vắng mặt và bị kết án tử hình hoãn thi hành.
Một trường hợp nữa là Giả Thế Khánh - Đại tá Không quân, từng là Phó giám đốc Tạp chí Không quân - bị CIA mua chuộc. Thiếu tướng, giáo sư Kim Nhất Nam ở Đại học Quốc phòng tiết lộ Khánh đã bị “quốc pháp nghiêm trị”, nhưng không rõ vào thời gian nào. Một Đại tá khác là Vương Khánh Giản – một chuyên gia về Nhật Bản, từng giữ chức Bí thư thứ nhất sứ quán tại Tokyo. Giản bị cáo buộc đã tiết lộ thông tin và làm gián điệp cho Nhật, năm 2007 đã bị kết án tử hình hoãn thi hành.
Một nhà khoa học ở Viện Khoa học xã hội là Lục Kiến Hoa bị cáo buộc làm gián điệp cho nước ngoài (có tin nói là điệp viên của 5 nước Mỹ, Nga, Nhật, Hàn, Đài Loan), năm 2006 bị kết án 20 năm tù. Hai tướng lĩnh làm gián điệp cho Đài Loan là Thiếu tướng Lưu Liên Côn và Đại tá Thiệu Chính Trung, sau khi bị bắt đã bị tử hình năm 1999.
Mấy năm gần đây cũng liên tiếp xảy ra các vụ án gián điệp được đưa tin, như: Lý Khải, Giáo sư người Mỹ gốc Hoa đang bị giam giữ vì làm gián điệp; Phan Uyển Phần - nữ thương gia làm gián điệp mới được phóng thích cho về Mỹ; nhà khoa học hạt nhân Trung Quốc Quách Vạn Quân; Phó ban Tuyên truyền Liên minh Đài Loan Khúc Vĩ; phóng viên Minh Báo Tịch Dương; học giả Cao Chiêm, Lý Thiều Dân; người Mỹ gốc Hoa Đàm Quảng Quang; phóng viên Thời báo Eo biển Singapore Trình Tường; học giả Hongkong Từ Trạch Vinh và học giả Mỹ Tiết Phong.
Tuy nhiên xem xét về thời gian xét xử thì trong số các trường hợp nêu trên đây chỉ có duy nhất một người phù hợp với thông tin nêu trong bài báo của Thời báo New York. Đó là Khang Nhật Tân - Ủy viên Trung ương, Ủy viên Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương - bị Tòa án Bắc Kinh kết án chung thân ngày 19/11/2010.
Từ những phân tích trên đây, nếu xét về tính chất vụ án và thời gian thì có lẽ Khang Nhật Tân nằm trong số “18 – 20 điệp viên CIA bị Trung Quốc hành quyết hoặc tống giam” – ít ra là phía Trung Quốc đã có nhìn nhận.
Trang tìm kiếm chính thức Baidu ghi thông tin về Khang Nhật Tân như sau: Giáo sư Đại học Quốc phòng Kim Nhất Nam trong khi lên lớp đã nói: “Khang Nhật Tân liên quan đến vụ án gián điệp, bán thông tin về hạt nhân của Trung Quốc cho nước ngoài. Sau khi Tân xảy ra vấn đề, trung ương rất lo lắng, yêu cầu điều tra triệt để, nhưng cuối cùng chỉ có thể thông tin ra ngoài là ông ta phạm tội kinh tế vì những chuyện khác không tiện nói ra”.

 Lưu Liên Côn - Thiếu tướng quân đội làm gián điệp cho Đài Loan
Lưu Liên Côn - Thiếu tướng quân đội làm gián điệp cho Đài Loan
Cũng Baidu có ghi: “Có báo chí Trung Quốc nói số tiền liên quan trong vụ án Khang Nhật Tân lên tới 1,8 tỷ NDT”. Như thế khác nào đã gián tiếp xác nhận chuyện Ân bán tình báo bí mật để kiếm tiền.
Thời báo New York cho biết, một số nhân viên FBI than phiền: Người của CIA ở Bắc Kinh phụ trách liên lạc với các điệp viên đã quá thường xuyên sử dụng một tuyến đường, một địa điểm tiếp xúc, như thế khác nào giúp cho mạng lưới giám sát rộng rãi của Trung Quốc dễ dàng xác định được thân phận của điệp viên. Có sĩ quan CIA còn lắp đặt thiết bị nghe trộm tại phòng ăn nơi họ gặp gỡ điệp viên mà không nghĩ rằng các nhân viên phục vụ ở đó cũng làm việc cho cơ quan tình báo Trung Quốc…
Theo Lan Hương
Pháp luật Việt Nam

New York Times: Trung Quốc giết và bỏ tù 20 gián điệp CIA

Dân trí Trung Quốc đã giết chết hoặc bỏ tù từ 18-20 đầu mối thông tin cho các gián điệp của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong khoảng thời gian từ năm 2010-2012 khiến các hoạt động tình báo của Washington gặp không ít khó khăn, tờ New York Times đưa tin ngày 20/5.


Binh sĩ Trung Quốc đứng trước Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh (Ảnh: Getty)
Binh sĩ Trung Quốc đứng trước Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh (Ảnh: Getty)
New York Times dẫn nguồn tin từ các quan chức đương nhiệm và về hưu của Mỹ cho biết Trung Quốc đã giết chết ít nhất 12 người là đầu mối thông tin địa phương, cung cấp tin tức cho CIA trong khoảng thời gian từ năm 2010-2012. Bằng cách này, Bắc Kinh đã đánh sập mạng lưới thông tin gián điệp giữa các nguồn tin ở Trung Quốc với cơ quan tình báo Mỹ, vốn mất rất nhiều năm để xây dựng.
3 quan chức Mỹ đã tiết lộ với New York Times rằng, một trong số các nguồn tin đã bị bắn chết ngay trước một tòa nhà chính phủ ở Trung Quốc. Giới chức Mỹ cho rằng đây là cách để Bắc Kinh gửi thông điệp cứng rắn tới tất cả những ai có ý định làm việc cho Washington. Hiện CIA từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.
Tuy nhiên, các nhà điều tra hiện vẫn giữ quan điểm không thống nhất về vấn đề này. Họ không dám chắc rằng liệu có phải trong nội bộ CIA đã tồn tại nội gián và người này đã phản bội tổ chức, làm lộ thông tin cho phía Trung Quốc hay không. Ngoài ra, các nhà điều tra cũng đặt ra nghi vấn về việc người Trung Quốc có thể đã xâm nhập vào hệ thống thông tin bảo mật của CIA , từ đó tìm cách liên hệ với các đầu mối thông tin ở Trung Quốc.
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) (Ảnh: NYT)
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) (Ảnh: NYT)
New York Times dẫn lời 4 cựu quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc bắt đầu tiến hành các hoạt động chặn đứng thông tin gián điệp cho Mỹ từ năm 2010. Vào thời điểm đó, cơ quan tình báo Mỹ nhận được nhiều thông tin quan trọng về chính phủ Trung Quốc thông qua các nguồn tin “nằm sâu” trong nội bộ chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, các thông tin được tuồn cho tình báo Mỹ bắt đầu giảm dần cho tới cuối năm 2010 và dừng hẳn vào đầu năm 2011.
Khi nhận thấy các nguồn tin dần bị Trung Quốc giết, CIA và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt đầu phối hợp điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Các cơ quan này đã tiến hành rà soát lại tất cả các chiến dịch đang được thực hiện ở Bắc Kinh, đồng thời kiểm tra tất cả các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc.
Cuộc điều tra này rốt cuộc đã khoanh vùng được một đối tượng khả nghi, đó là cựu điệp viên CIA - người từng làm việc cho một đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà điều tra cuối cùng không đưa ra đủ chứng cứ để bắt giữ đối tượng này, theo New York Times.
Một số nhà điều tra cho rằng mạng lưới tin tức gián điệp trên bị vỡ lở là do cách thức tiến hành các hoạt động tình báo bất cẩn của những người được giao nhiệm vụ, trong đó bao gồm việc di chuyển trên cùng một tuyến đường, tới cùng một địa điểm gặp mặt tại các nhà hàng nơi Trung Quốc đã đặt các thiết bị nghe lén.
Tới năm 2013, tình báo Mỹ buộc phải kết luận rằng Trung Quốc đã thành công trong việc vạch mặt các đầu mối thông tin địa phương cho Washington. Sau đó, CIA được cho là đã bắt đầu xây dựng lại mạng lưới gián điệp tại Trung Quốc từ đầu, dù đây là công việc không hề đơn giản.
Thành Đạt
Theo New York Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét