Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

BINH PHÁP TÔN TỬ - 36 KẾ 3/16 (Kế sách thứ mười sáu:DỤC CẦM CỐ TÚNG )

(ĐC sưu tầm trên NET)

Kế thứ 16:
DỤC CẦM CỐ TÚNG
(Muốn bắt phải thả)

Dục cầm cố túng quả mưu mô
Săn sắt thả rồi phải bắt rô
Mạnh Hoạch bao lần qui lại phản
Hầu Gia mấy bận thả rồi vồ
Im hơi lặng tiếng vì đơn lẻ
Khuấy đục buông cần bởi thế cô
Thu phục lòng người đâu phải dễ
Dục cầm cố túng quả mưu mô

 
36 kế - Kế Thứ 16: Muốn bắt nên thả
 
Kế thứ 16: DỤC CẦM CỐ TÚNG
Yếu lĩnh:
“Đôi khi, đừng có dồn địch thủ vào góc tường. Đôi khi, nên giữ chúng sống hơn là triệt hạ. Đôi khi, để chúng trốn thoát, mệt mỏi, mất tinh thần và tan rã lại hay hơn nhiều. Quan trọng nhất là triệt cái tâm. Bởi tâm đã bị triệt thì đầu hàng là vĩnh viễn và sự trung thành cũng được bảo đảm”.
Tích cổ: năm xưa Mạnh Hoạch là tướng của quân Man, năm nào cũng quấy nhiễu biên cương nước Thục, chẳng bao giờ yên. Bấy giờ, Gia Cát Lượng tiến đánh Mạnh Hoạch, lòng nghĩ cách trấn an sao cho bền vững. Bởi đánh thắng thì dễ, rút về thì địch lại quấy nhiễu, chẳng bao giờ yên. Vì thế, Gia Cát đánh Mạnh Hoạch, bảy lần bắt sống, bảy lần thả làm cảm động trái tim mà Hoạch quỳ phục, thề không xâm lấn. Tích này sau gọi là Thất Cầm Mạnh Hoạch, là ví dụ điển tích cho chiêu số thứ 16 này.
Chiêu thức này lấy nền tảng từ một nội công trong Cửu biến thiên của Tôn Tử Binh Pháp: “Cố tướng hữu ngũ nguy: tất tử, khả sát dã; tất sinh, khả lỗ dã; phẫn tốc, khả vũ dã; liêm khiết, khả nhục dã; ái dân, khả phiền dã.Phàm thử ngũ giả, tướng chi quá dã, dụng binh chi tai dã.”
Dịch nghĩa:
“Vì thế, làm tướng có 5 nhược điểm nguy hiểm: 1 là liều chết có thể bị giết; 2 là tham sống sợ chết có thể bị bắt; 3 là nóng giận có thể mắc mưu địch; 4 là liêm khiết tự trọng có thể không chịu được nhục; 5 là thương dân có thể bị lo buồn bất an.”
Dựa vào 5 yếu điểm này mà chiến thắng trái tim của đối phương, mới là thượng sách. Chỉ bắt giết lấy được, ấy là hạ sách.
Ứng dụng của Dục Cầm Cố Túng cơ bản là có hai hướng chính.
Một là, muốn triệt hạ địch, chưa chắc đối đầu trực tiếp, đánh rát đã là tốt vì thiệt hại lớn là khó tránh khỏi. Thay vì thế, đánh, thả, đánh, thả ở các mặt trận chính, khiến địch vừa bất an, vừa suy yếu dần cho đến khi quá mệt mỏi mà tan rã.
Vd: Công ty A muốn mua Công ty B. Nếu thẳng tưng vào mua thì giá cao. Thay vì thế, A dùng mọi phương pháp, đập các khách hàng chính của B, nhà cung cấp chính của B v.v. khiến B loạn từ trong ra, suy yếu thị trường, nguồn thu, tài chính v.v… rồi mới tiến tới thỏa thuận mua B. Khi ấy, B vì quá mệt mỏi đấu tranh với những khó khăn nảy sinh liên tiếp từ khách hàng, nhà cung cấp mà A chọc ngoáy, đành chấp nhận bán mình cho A với giá thấp hơn nhiều. Đây là chiến lược Phá hoại mua lại mà rất nhiều cá mập thường sử dụng.
Hai là, trong công tác nhân sự, kế này thường được sử dụng trong việc chiếm lĩnh trái tim của các tướng lĩnh, nhờ vào việc cho làm việc quá khả năng (để chắc chắn mắc sai lầm) rồi khi mắc sai lầm thì dạy dỗ, hướng dẫn khiến cho người tướng đó cảm động mà mãi đi theo. Từ trong trái tim, người tướng đó trung thành. Dù có rời khỏi hàng ngũ mà gia nhập công ty khác thì vẫn mãi ngóng trông và khi có dịp thì dốc sức giúp đỡ, trở thành gián điệp quan trọng sau này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét