Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

TIN BUỒN 35

(ĐC sưu tầm trên NET)

"Hổ cụt Tây Nguyên" kể về bộ não làm nên chiến thắng

(Chinhphu.vn) - Từ tháng 2/1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam dốc toàn bộ khả năng trí tuệ và sức lực của mình để tham mưu cho lãnh đạo cấp cao chỉ đạo chiến đấu, giành toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh 30 năm.
Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Ảnh: VGP/Phương Liên
Mặc dù năm nay đã 92 tuổi nhưng Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến vẫn còn rất minh mẫn. Ông là một trong bốn người tham gia soạn thảo kế hoạch giải phóng miền Nam từ năm 1973. Lê Hữu Đức tham gia kháng chiến từ năm 20 tuổi. Ở tuổi 22, ông đã được giao chức vụ Tiểu đoàn trưởng và trong một cuộc chiến với quân Pháp ở Đại Lộc (Quảng Nam) năm 1947, ông bị thương, cụt bàn tay trái. Dẫu chỉ còn lại 1 tay, ông kiên quyết xin được ở lại trong quân ngũ và chiến đấu hầu khắp chiến trường Nam Trung Bộ những năm 1947-1953.
Tháng 6/1953, Lê Hữu Đức được lệnh vượt Trường Sơn ra Việt Bắc về nhận công tác ở Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu. Lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại Sở chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng, Lê Hữu Đức được phân công theo dõi các chiến trường miền Nam.
Thất bại thảm hại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, năm 1964, Mỹ đổ quân ồ ạt vào chiến trường miền Nam, tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, mặc dù là thương binh nhưng Lê Hữu Đức vẫn nhất quyết xin được vượt Trường Sơn vào tham gia chiến đấu tại Tây Nguyên - một chiến trường cực kỳ gian khổ, đói rét, bệnh tật để kịp “bám thắt lưng địch mà đánh”. Trên chiến trường, ông là một cán bộ cao cấp nổi tiếng với phương châm “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ” khi ra mệnh lệnh cho bộ đội đánh chiếm các cứ điểm của địch. Trong những năm tháng ác liệt đó, Lê Hữu Đức được mệnh danh là “Hổ cụt Tây Nguyên” khiến quân thù hoang mang, khiếp đảm.
Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn tiến công chiến lược, Lê Hữu Đức lại được lệnh vượt Trường Sơn ra Bắc, về nhận nhiệm vụ cương vị Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (từ 1972 -1979). Tại đây, ông được trực tiếp đóng góp công sức và trí tuệ của mình vào việc soạn thảo Kế hoạch giải phóng miền Nam mà Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao cho Bộ Tổng tham mưu.
Theo Trung tướng Lê Hữu Đức, chiến tranh dài ngắn bao nhiêu căn cứ vào sự chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật tiến hành chiến tranh và tương quan lực lượng hai bên lúc đó.
Bộ Tổng tham mưu - trực tiếp là Cục Tác chiến, bắt đầu xây dựng kế hoạch chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam từ giữa năm 1973. Trải qua 8 lần sửa chữa qua ý kiến bổ sung của Quân ủy Trung ương mà trực tiếp là đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Văn Tiến Dũng.
Tháng 4/1973, Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tổ Trung tâm nghiên cứu xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam. Tổ gồm 4 đồng chí: Đại tá Vũ Lăng (Cục trưởng Cục Tác chiến), Thượng tá Lê Hữu Đức, Thượng tá Võ Quang Hồ (cùng là Cục phó Cục Tác chiến); Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu Lê Trọng Tấn làm tổ trưởng. Mỗi tuần tổ dành 2 ngày (thứ ba, thứ tư) để nghiên cứu tại phòng làm việc của đồng chí Lê Trọng Tấn trong Khu A Thành Cổ (nay là Hoàng thành Thăng Long).
Nội dung nghiên cứu kế hoạch chiến lược cơ bản có 5 vấn đề. Một là, nghiên cứu tình hình địch, ta; đánh giá tương quan so sánh lực lượng mạnh-yếu hai bên sau Hiệp định Paris. Hai là, chọn hướng tiến công chủ yếu, mục tiêu tiêu chủ yếu của cuộc tổng tiến công. Ba là phải chọn cách đánh chiến lược. Bốn là xác định những khó khăn cần khắc phục. Năm là, cuộc tổng tiến công nên bắt đầu từ năm nào? Trong 5 nội dung trên, ba nội dung đầu gồm: đánh giá địch; chọn hướng tiến công chủ yếu và cách đánh chiến lược là “mệt óc” nhất đối với Tổ Trung tâm – Trung tướng Lê Hữu Đức nhớ lại.
Về lựa chọn chiến trường chính, sau khi bàn bạc nhiều lần về các phương án kế hoạch, Bộ Tổng tham mưu xác định mở tiến công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công theo 3 hướng: Trị Thiên, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, trong đó Tây Nguyên là hướng chủ yếu. Ở chiến trường này sẽ mở chiến dịch do Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ huy qua Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, hướng tiến công chính là Buôn Ma Thuột. Từ giữa năm 1973, Cục Tác chiến đã nhận xét Buôn Ma Thuột là nơi hiểm yếu. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng đã chỉ thị nghiên cứu về Buôn Ma Thuột. Bộ Tổng tham mưu đã tiến hành cho Học viện quân sự làm bài tập về giải phóng miền Nam, hầu hết đều chọn Buôn Ma Thuột.
Từ ngày 29/5/1973, đồng chí Lê Trọng Tấn cũng đã phổ biến với Tổ Trung tâm về ý kiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dũng phải nghiên cứu đánh vào Buôn Mai Thuột, là chỗ yếu chí tử của địch, đánh được vào đấy mới thắng to. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: “Phải đánh lớn, đánh đau, đánh hiểm mới giành được hoàn toàn bất ngờ, muốn vậy phải làm đường để sử dụng xe tăng,  pháo lớn. Phải bàn với công binh khắc phục về địa hình, về hoạt động của địch, mở đường qua sông Sê Rê Pốc vào gần Buôn Ma Thuột”.
Từ chiến thắng Tây Nguyên, Bộ Tổng tham mưu chuyển sang chỉ đạo chỉ huy cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam theo quyết tâm và chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Trong quá trình diễn biến của chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Tổng tham mưu thường xuyên theo sát tình hình chiến trường, nhận địch đánh giá khả năng đối phó của Mỹ-Ngụy cả về chiến lược, chiến dịch, tổng hợp báo cáo đề đạt ý kiến lên Bộ Chính trị và Quân ủy Trương ương. Đồng thời, truyền đạt những nhận định và quyết tâm của lãnh đạo đến tận chiến trường. Những nhận định, phán đoán của Bộ Tổng tham mưu đã giúp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có thêm cơ sở để dự kiến từng bước, rút ra kết luận về thời cơ chiến lược, chỉ đạo chiến trường kiên quyết phát triển thế tiến công chiến lược toàn miền Nam.
Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi vượt mức. Sau khi toàn bộ Tây Nguyên được giải phóng, ngày 25/3/1975, các lực lượng ta ở Tây Nguyên phát triển tiến công xuống đồng bằng ven biển miền Trung, phối hợp với lực lượng Khu 5 giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa và quân cảng Cam Ranh.
Từ diễn biến thực tế tình hình trên chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khẳng định thời cơ chiến lược lớn đã đến. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chuyển kế hoạch cuộc tiến công chiến lược 1975 thành cuộc Tổng tiến công nổi dậy trên toàn chiến trường, giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Như vậy, Chiến thắng Tây Nguyên có ý nghĩa chiến lược khiến Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã ra quyết định rất kịp thời: Khẩn trương chuyển hẳn sang phương án thời cơ.
Trong những tháng ngày đó, Tổ Trung tâm nghiên cứu tình hình địch một cách toàn diện, cố gắng tìm hết chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, của ta, hết sức khách quan.
Trung tướng Lê Hữu Đức kể rằng, sau này đồng chí Lê Trọng Tấn có nói với Cục Tác chiến: “Trong chiến tranh, do nắm được tình hình, vận dụng theo phép biện chứng, lại nắm được quy luật, nên nhiều cấp chỉ huy có những tư duy chiến lược trùng hợp là điều dễ hiểu”.
Đồng chí Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã viết trong báo Quân đội nhân dân cuối tuần ngày 19/12/1975 cũng khẳng định: “Từ năm 1973, tôi đã trình bày vấn đề Buôn Ma Thuột với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng nói một cách sòng phẳng, công đầu thuộc về các anh ở Cục Tác chiến – Bộ Tổng Tham mưu”. Các tác giả của cuốn “Lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ” cũng viết: “Chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu và chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá chủ yếu cho cuộc Tổng tiến công là một quyết định vô cùng đúng đắn và sáng suốt”.
Công việc chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng tháng 4/1975 đã được tiến hành hết sức chủ động, sáng tạo, công phu, kiên trì từ lâu. Với kế hoạch tác chiến chiến dịch của ta, Cục Tác chiến luôn thiết kế có các lực lượng liên tục tiến công địch, đồng thời vẫn tính đến tổ chức các lực lượng dự bị. Vì vậy, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ta có đủ lực lượng với 5 cánh quân (tương đương 5 quân đoàn) ào ạt tiến công và giải phóng Sài Gòn trong 6 ngày đêm. Tuy nhiên, diễn biến cuộc Tổng tiến công chiến lược đột biến quá nhanh, hiếm ai dự kiến được chiến thắng của cuộc tiến công chiến lược chỉ diễn ra với 56 ngày đêm.
Một sự trùng hợp lịch sử thú vị đã diễn ra: hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỷ 20 cùng kết thúc bằng cuộc chiến đấu 56 ngày đêm. Nếu như ở Điện Biên Phủ, 56 ngày đêm là thời gian cần thiết cho một trận tiến công dài ngày vào một tập đoàn cứ điểm kiên cố theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” thì 56 ngày đêm Tổng tiến công và nổi dậy ở miền nam là bước kết thúc chiến tranh không ngừng rút ngắn, khẩn trương, thần tốc, nhanh đến không ngờ.
Từ tháng 2/1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn Cục Tác chiến dốc toàn bộ khả năng trí tuệ và sức lực của mình để phục vụ sự chỉ đạo của Bộ Thống soái tối cao và Bộ Tổng Tham mưu giành toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh 30 năm.
Cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống đế quốc Mỹ, với một đội quân viễn chinh hơn nửa triệu quân, có trang bị vũ khí hiện đại nhất thời đó với đội quân Ngụy hơn 1 triệu tên cùng quân đội một số nước chư hầu được trang bị vũ khí mới tối tân, là một cuộc “đụng đầu thế kỷ”. Vì vậy, thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Trong thắng lợi chung của dân tộc và quân đội ta, Cục Tác chiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình.
Nhắc đến chiến thắng 40 năm trước, vị tướng già lại không cầm nổi nước mắt, cầm bàn tay còn lại của ông, tôi thầm chúc ông sống khỏe, sống lâu để chứng kiến kỷ niệm 50 năm và lâu hơn nữa ngày non sông thu về một mối, chứng kiến “đất nước đứng lên” sau những chiến đấu, hy sinh của cả một thế hệ.
Phương Liên

Thượng tướng Lê Hữu Đức: kiên quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không

Thứ Sáu, 24/07/2015 12:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 24/7, tại Hà Nội, Quân chủng Phòng không – Không quân tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam anh hùng (24/7/1965 – 24/7/2015).
Cách đây 50 năm, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiều 24/7/1965, nhiều tốp máy bay địch từ hướng Tây Hà Nội bay vào khu vực ta bố trí trận địa, Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không – Không quân đã hạ lệnh quyết tâm tiêu diệt địch. Đến 15 giờ 53 phút cùng ngày, khi máy bay địch vào đúng cự ly tiêu diệt, 2 Tiểu đoàn 63 và 64 của Trung đoàn 236 đã phóng những quả đạn đầu tiên vào tốp máy bay F-4 ở độ cao 7.000m, tiêu diệt cả tốp; trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 400 bị quân và dân ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.
 Ngày 24/7/1965, được ghi vào lịch sử là ngày ra quân đánh thắng trận đầu của Trung đoàn Tên lửa 236 và trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam anh hùng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị bộ đội tên lửa 236 anh hùng sau chiến thắng trận đầu của Bộ đội tên lửa phòng không năm 1965. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam đã không ngừng phát triển, trở thành một binh chủng hiện đại. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chiến đấu anh dũng, càng đánh càng thắng, Bộ đội Tên lửa Phòng không đã góp phần cùng với lực lượng Không quân, Cao xạ, Ra đa và các lực lượng phòng không 3 thứ quân tạo nên thế trận đất đối không vững chắc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Tên lửa Phòng không đã bắn rơi 788 máy bay trong tổng số 2.635 máy bay do Quân chủng Phòng không – Không quân và 4.181 chiếc bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc; trong đó có 61 máy bay B – 52.
 
Kíp trắc thủ của phân đội 6, bộ đội tên lửa Thủ đô đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí góp phần bắn rơi nhiều máy bay B52 của giặc Mỹ. (10/1967). Ảnh: Hứa Kiểm - TTXVN
 Bộ đội Tên lửa Phòng không đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang, hoàn thành xuất sắc cả 3 nhiệm vụ tác chiến phòng không mang ý nghĩa chiến lược bảo vệ miền Bắc, bảo vệ giao thông vận tải chiến lược và chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành. Càng chiến đấu gian khổ ác liệt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam càng được phát huy cao độ, làm ngời sáng lên phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận bảo vệ bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Binh đoàn Tên lửa 457 Anh hùng của Sư đoàn Phòng không 361 Hà Nội luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Tiến Ất - TTXVN
50 năm qua, với lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam đã hy sinh quên mình, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và trong thực hiện mọi nhiệm vụ; vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cống hiến tài năng, trí tuệ và cả máu xương vì sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Tên lửa đã giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ Phòng không – Không quân ưu tú”, viết nên truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam anh hùng. Ghi nhận những thành tích và cống hiến của Bộ đội Tên lửa Phòng không, Đảng, Nhà nước, Quân đội đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Binh chủng Tên lửa, 11 Trung đoàn, 19 Tiểu đoàn, 1 Đại đội, 1 nhà máy và 26 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương sự nỗ lực, cố gắng, những chiến công, thành tích của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Tên lửa Phòng không và Quân chủng Phòng không – Không quân anh hùng.
Nhấn mạnh tình hình thế giới, khu vực, nhất là vấn đề Biển Đông hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Lê Hữu Đức yêu cầu Quân chủng Phòng không – Không quân tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; coi trọng xây dựng nhân tố con người – nhân tố quyết định mọi thắng lợi; tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng nhằm nâng cao bản lĩnh và ý chí chiến đấu cho bộ đội trong tình hình mới. Lực lượng Phòng không – Không quân không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao, kiên quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không; làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên không của lực lượng phòng không 3 thứ quân trong đánh trả tiến công đường không của địch.
Mặt khác, Quân chủng Phòng không – Không quân cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện toàn diện, trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội sát với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc thủ đoạn, kỹ thuật, chiến thuật của không quân và các phương tiện tác chiến đường không của địch…
Thay mặt các cựu chiến binh Bộ đội Tên lửa Phòng không, Đại tá Nguyễn Văn Thân - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 63 xúc động chia sẻ: Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ chiến thắng trận đầu nhưng cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa trong lòng ông lại thấy bồi hồi nhớ về những năm tháng khói lửa chiến tranh hào hùng của toàn dân tộc chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, trong suốt chặng đường dài vinh quang và máu lửa đó, trận đầu đánh thắng ngày 24/7/1965 vẫn còn mãi vẹn nguyên trong ký ức của ông.
Nguyễn Cường

Tướng Lê Hữu Đức: Bác sỹ ta gan thật!

Tướng Lê Hữu Đức: Bác sỹ ta gan thật!

Giadinh.net - Trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình, tướng Lê Hữu Đức, người có thời được Mỹ ngụy kinh sợ gọi là “Hổ cụt Tây Nguyên”, đã 17 lần bị thương, mất một cánh tay và một lần mổ vai không thuốc gây mê, gây tê gì cả.

“Đi suốt hai cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, nếu không có những người chiến sỹ quân y chắc chúng tôi không thể có mặt hôm nay”, tướng Đức hồi tưởng lại.
Trong những năm 1961 - 1963, dù bị thương cụt một bàn tay từ năm 1947, song ông vẫn nhiều lần xin vào Nam trực tiếp chiến đấu, nhưng chưa được chấp nhận vì hồi đó lương thực còn khó khăn, bộ đội phải vừa sản xuất vừa chiến đấu mà ông thì chỉ có một bàn tay. Mãi đến đầu năm 1965 ông được cấp trên điều về Sư đoàn 325B vào Nam chiến đấu. Trong thời kỳ chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông đã chứng kiến hoặc nghe được nhiều câu chuyện cảm động về sự anh dũng, tận tụy của các chiến sĩ quân y.
Kỷ niệm ấn tượng nhất của trung tướng Lê Hữu Đức là lần ông được một bác sĩ quân y khu 5 tên là Kỹ “mổ chay” để lấy một mảnh xương vỡ trên bả vai. Bác sĩ Kỹ nói: “Tôi không có thuốc gây mê, anh có chịu đau được thì tôi “mổ chay”, chứ để thế này thì không được, tay anh sẽ hỏng mất”. Tướng Đức đồng ý. Vị bác sĩ lấy dây treo cánh tay ông lên ngực, rồi rạch vết thương và chọc mạnh hai ngón tay vào bả vai ông. “Tôi nghiến chặt răng và nhìn thấy một luồng máu phụt cầu vồng từ vai ra. Tê dại. May mà anh ấy làm nhanh, chỉ hơn 5 phút là xong. Thấy làm nhanh quá, tôi lại nghiến răng đề nghị: “Anh xem lại có sót mảnh nào không lấy ra nốt cho tôi, thà chịu đau một lần còn hơn là sau này phải mổ lại”. Thế là anh Kỹ lại dùng hai tay banh vết thương ra, sục sạo rồi phấn khởi, nói: “Hết rồi ông Đức ạ”. Tôi thấy các bác sỹ của ta vừa giỏi mà cũng gan thật!
Lần khác, cũng tại chiến trường khu 5, máy bay địch đánh bom trúng sở chỉ huy, san phẳng mọi thứ. Căn hầm của Tướng Đức và cần vụ tan tành không còn dấu vết, nhưng ông vẫn sống và chỉ bị vùi lấp. Sau trận oanh tạc, mọi người đã rơi nước mắt vì nghĩ rằng ông đã hy sinh. Thế nhưng một vị chỉ huy đã ra lệnh cho anh em: Tan xác cũng phải tìm bằng được thân thể anh Đức.
Ở dưới hầm, tướng Đức nghe trên đầu có tiếng bước chân, ông mừng rỡ bảo cần vụ: Khi nào thấy gậy của anh em ở trên thục xuống, phải nắm lấy lắc thật mạnh để báo hiệu cho đồng đội biết mình đang còn sống mà cứu.
Quả nhiên một lát sau một chiếc gậy chọc xuống đúng khoảng cách giữa mặt hai người, cả hai vội nắm lấy gậy lắc lấy lắc để. Đồng đội reo hò khi hai thầy trò được đưa lên mặt đất. “Bom đạn gầm ghè nhiều lần nhưng làm sao giết nổi tôi” - tướng Đức vui vẻ khẳng định.  
Hồng Sơn


Vĩnh biệt “Hổ cụt đường 9” – Vị tướng khiến quân thù khiếp sợ

Bùi Hải |
Vĩnh biệt “Hổ cụt đường 9” – Vị tướng khiến quân thù khiếp sợ
Trung tướng Lê Hữu Đức tại một cuộc gặp mặt nhân dịp 30.4

17 lần bị thương trên các chiến trường, nhưng ông không chịu đầu hàng bom đạn quân thù. Ông chỉ chịu dừng lại hành trình cuộc đời cực kỳ gian khổ và vinh quang của mình ở tuổi 93, để về với người Thủ trưởng vĩ đại của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Sáng nay, những mái đầu bạc đầu xanh của gia đình, bạn chiến đấu cũ và rất nhiều đồng đội đã đến nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, làm những thủ tục cuối cùng để tiễn đưa PGS. TS, Trung tướng Lê Hữu Đức về nơi an nghỉ cuối cùng.
Họ nghiêng mình trước một vị chiến tướng đã tận hiến đời mình "trọn gói" cho cả 4 cuộc kháng chiến nhiều mất mát, đau thương nhưng hào hùng của dân tộc.
Hổ cụt đường 9 và "cái đầu" trị giá nhiều ngàn đô la
Năm 1947, khi mới 23 tuổi, Tiểu đoàn trưởng Lê Hữu Đức đã bị đạn địch xuyên vào bả vai trái ở chiến trường Điện Bàn – Quảng Nam. Ông ngất đi.
Ca mổ hoàn toàn không có thuốc mê, khiến Lê Hữu Đức gần như ngất đi một lần nữa. "Giống như Hoa Đà mổ cho Quan Vân Trường ngày xưa, đau đớn không kể xiết. Trước khi mổ, bác sĩ quân y tên Kỹ còn hỏi tôi: Không có thuốc mê đâu, anh có chịu đựng được thì để tôi mổ chay. Không mổ, tay anh hỏng mất" – ông Đức kể lại.
Ông gật đầu. Bác sĩ Kỹ lấy dây trói cánh tay ông giáp ngực, nhanh chóng rạch vết thương và luồn hai ngón tay vào bả vai ông gắp đạn và xương vỡ. "Tôi nghiến chặt răng và nhìn thấy một luồng máu phụt từ vai ra, cơ thể đau buốt dại".
Khi thấy thao tác mổ quá nhanh, ông cắn răng đề nghị bác sĩ Kỹ xem còn mảnh xương vụn nào thì tranh thủ vét ra hết, để sau phải mổ lại. Vết thương lại được banh ra lần nữa trong đau đớn.
Dù ca mổ rất dứt khoát, nhưng do không đủ thuốc men, cánh tay ấy hoại tử, hôi thối, nhức buốt buộc ông phải đi đến một quyết định khó khăn nhất: Cắt bàn tay.
"Cắt bỏ một phần cơ thể tôi không sợ. Sợ nhất là với việc mất một tay, tôi không còn đủ tiêu chuẩn làm lính chiến nữa. 23 tuổi đời đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu thì còn nói chuyện gì." – ông nhớ lại.
Cuối cùng, cánh tay vẫn phải cắt, nhưng nó không ngăn được ông tiếp tục chiến đấu. Với một cánh tay rưỡi ấy, Lê Hữu Đức vẫn nhiều lần bò vượt qua hàng rào dây thép gai, cùng cấp dưới vào tận căn cứ địch để trinh sát, để đánh trận nào oanh liệt trận ấy.
Câu chuyện về người chỉ huy có thân hình rất cao lớn, cụt tay, vẫn ngang dọc chiến trường gieo sợ hãi cho Mỹ ngụy ấy, đã được chính đồng đội và cả kẻ thù, định danh trong cụm từ oai dũng "Hổ cụt Tây Nguyên", "Hổ cụt đường 9 nam Lào".
Kẻ thù còn treo thưởng: Ai lấy được đầu, đoạt được mạng sống của ông sẽ được lĩnh hàng ngàn đô la. Nhưng cuối cùng, không một kẻ địch nào được lĩnh thưởng, dù bom đạn của chúng đã khiến Lê Hữu Đức bị thương tới 17 lần.
Có những trận đánh, tưởng như không thể có phép màu nào cứu sống được ông, nhưng rồi ông vẫn thoát. Một trận, bom thả trúng sở chỉ huy của ông, tan nát tất cả. Những người còn lại không thể tìm ra dấu vết cũ của căn hầm tướng Đức và cần vụ trú ẩn.
Khi mọi người đã rơi nước mắt khóc ông thì một vị chỉ huy khác ra lệnh: Tan xác cũng phải tìm bằng được thân thể anh Đức. Hóa ra, bom chỉ san phẳng phía trên chứ không khoan sâu xuống. Khi thấy gậy của đồng đội thọc xuống tìm, theo hướng dẫn của ông, cậu cần vụ đã nắm lấy cây gậy lay lay và hai người được cứu sống.
Vĩnh biệt “Hổ cụt đường 9” – Vị tướng khiến quân thù khiếp sợ - Ảnh 1.
“Hổ cụt Tây Nguyên”, “Hổ cụt đường 9” – Trung tướng Lê Hữu Đức
Đám cưới kỳ lạ và giọt nước mắt chiến tướng
Người vợ gắn bó với tướng Lê Hữu Đức phần lớn cuộc đời, chăm sóc yêu thương ông đến hơi thở cuối cùng, là người phụ nữ của cuộc hôn nhân thứ 2.
Cuộc hôn nhân đầu là một câu chuyện vừa tuyệt vời nhất nhưng cũng đau thương nhất. Ông gặp bà trong thời gian chiến đấu. Bà cũng là một chiến sĩ cách mạng nam tiến.
Lăn lộn cùng nhau trong những năm tháng thiếu thốn, gian khổ, xa quê hương, đã khiến hai người gần nhau, với một tình yêu vừa đúng nghĩa vừa đậm sâu tình đồng đội.
Sau này, khi đã gần 90 tuổi, ngồi nói chuyện với chúng tôi, tướng Đức thỉnh thoảng vẫn kể về người vợ - đồng đội ấy. Có lần, ông đã khiến chúng tôi khóc theo, khi đưa cánh tay cụt lên lau nước mắt lã chã.
Ông kể, đám cưới của hai người diễn ra giản dị và bí mật tại một mảnh vườn nhỏ ở vùng địch chiếm đóng. Chỉ có vài cái kẹo, dăm cốc nước. Đêm tân hôn của cặp vợ chồng trẻ cũng là màn trời chiếu đất ở trong vườn.
Thế nhưng, do yêu cầu chiến đấu, chỉ vài ngày sau ông bà phải chia tay để hành quân đến những nơi khác nhau. Sau đó, giặc thù đã cướp vĩnh viễn của ông người vợ - người đồng đội tuyệt vời ấy.
Một lần khác, phóng viên báo tôi thấy ông ứa nước mắt, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạ thế. Hôm ấy, ngồi trong ngôi nhà nhỏ 4 tầng tại ngõ phố Đội Nhân, Hà Nội, ông chỉ lên bức trướng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mừng thọ ông năm ông 80 tuổi, nói về người cựu thủ trưởng trực tiếp của mình:
"Mỗi lần nhắc tới cụ Hồ, nhắc tới ông Võ Nguyên Giáp là tôi không cầm được nước mắt. Hôm qua, có một người quen nằm ở viện 108 gọi điện cho cô giúp việc nhắn với tôi là ông Võ mất. Sau đó lại nghe được tin xác nhận từ một chú trung tá, tôi đã rất buồn. Đau xót vô cùng. Vẫn biết sinh ly tử biệt nhưng tôi thấy tiếc một người tốt như vậy, văn võ song toàn, đức độ trọn vẹn, ít có ai được như thế!".
Vĩnh biệt “Hổ cụt đường 9” – Vị tướng khiến quân thù khiếp sợ - Ảnh 2.
Bức ảnh chụp lúc 12h50 ngày 30.4.1975 tại Tổng hành dinh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Đại tá Lê Hữu Đức ngoài cùng bên trái)
Những thời khắc lịch sử
Từ chiến trường ra, Lê Hữu Đức được cất nhắc làm phó, rồi làm Cục trưởng cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, PGĐ Học Viện Quốc phòng.
Ông là một trong những thành viên của Tổ Trung tâm thành lập năm 1973 gồm 4 người, do tướng Lê Trọng Tấn làm tổ trưởng. Tổ này có nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch Giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976.
Tổ họp liên tục. Rất nhiều lần ông được báo cáo Kế hoạch trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lần ông được báo cáo trực tiếp suốt 3 tiếng đồng hồ với Tổng Bí thư Lê Duẩn.
"Anh Ba (ông Lê Duẩn) là người rất sáng suốt, nhưng anh không phản đối gì. Anh nói sẽ bàn thêm với anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng). 2 giờ chiều cùng ngày, anh Ba mời cả Tổ trung tâm sang bàn thảo tiếp và liên quan" – tướng Đức nhớ lại.
Vĩnh biệt “Hổ cụt đường 9” – Vị tướng khiến quân thù khiếp sợ - Ảnh 3.
Trưa 30.4, giờ khắc lịch sử của dân tộc, khi bộ đội ta cắm cờ trên Dinh Dộc Lập, tướng Đức cũng có mặt bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong "tổng hành dinh".
5 vị tướng, tá (Thiếu tướng Cao Văn Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng; Đại tá Lê Hữu Đức, Cục trưởng Tác chiến; Đại tá Nguyễn Trọng Yên và Thượng tá Phạm Chí Nhân, Cục trưởng và Cục phó Tuyên huấn) đều đứng bật dậy hân hoan nhìn Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ gậy vào Dinh Độc lập trên tấm bản đồ chiến tranh, ăn mừng chiến thắng.
"Đó là những thời khắc không bao giờ quên. Nhưng cuộc đời binh nghiệp của tôi, như nhiều đồng đội khác, không dừng lại ở đấy. Tôi tiếp tục cùng đất nước tham gia "trọn gói" vào hai cuộc chiến khốc liệt nữa để bảo vệ tổ quốc" – tướng Đức bồi hồi.
Những năm tháng cuối đời của Trung tướng Lê Hữu Đức, tôi có may mắn gặp gỡ ông nhiều lần. Kể cả khi đã rất yếu, thì chất lính chiến máu lửa, quyết liệt của chàng trai Nghi Xuân – Hà Tĩnh thủa xưa, vẫn cháy ngùn ngụt qua những cái vung tay, cái giọng sang sảng và những ý kiến đanh thép trên báo chí.
    Hai lần cuối cùng, chúng tôi tổ chức Giao lưu trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về thành tựu huyền thoại của ngành Quân y Việt Nam, tướng Đức đều nhận lời tham dự.
    Nhưng bệnh huyết áp của ông trở chứng, khiến ông không thể đến tòa soạn tham dự. Ông nằm trên giường ở nhà để đọc câu trả lời cho phóng viên truyền về tòa soạn.
    Sáng nay, tôi đến thăm ông lần cuối. Tôi đã nhìn rất lâu lần cuối cùng vào khuôn mặt vị chiến tướng oanh liệt ấy và nghĩ rằng: Những chứng nhân của một trang lịch sử hào hùng của đất nước, rồi cũng sẽ ra đi, nhưng những thứ họ để lại, không thể phai nhạt.
    Rời đám tang, tôi điện thoại cho vị chiến tướng lừng danh khác, một đồng đội cũ trên mặt trận Tây Nguyên của tướng Đức. Ở đầu bên kia, giọng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (đã 92 tuổi) sang sảng: "Tôi vừa đi viếng anh Đức về. Đi theo đoàn cựu binh cũ của mặt trận Tây Nguyên. Hôm nay, anh ấy sẽ được gặp lại nhiều đồng đội.".
    Vâng, cuối cùng thì ông đã được về với tổ tiên, thủ trưởng Võ Nguyên Giáp và biết bao đồng đội của cả 4 cuộc chiến bi tráng.Vĩnh biệt ông!
    theo Trí Thức Trẻ

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét