Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

HƯƠNG VỊ QUÊ HƯƠNG 75

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Trở lại sông Tiền
Những con sông bao giờ cũng dịu hiền, êm ái, cần mẫn và chở che. Mỗi dòng sông quê, bến nước tuổi thơ, những lần tắm sông tràn ngập niềm vui đều để lại trong lòng chúng ta nhiều kỷ niệm của một thời đã xa. Chính những kỷ niệm đó đã theo ta suốt cả cuộc đời này 

5 điểm du ngoạn thú vị khi đến Tiền Giang

Tiền Giang rất thích hợp để bạn có thể trải nghiêm, để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên. Ngoài di tích lịch sử, bạn sẽ còn mê mệt với cảnh sắc con người nơi đây.
Tiền Giang cách TP HCM 70 km, cầu Mỹ Lợi nối với thành phố Hồ Chí Minh mới khai trương khiến khoảng cách chỉ còn khoảng 25 km. Bạn có thể đi đến nơi đây bằng xe máy để tận hưởng cảm giác mới lạ. Bạn sẽ đến được nơi nổi tiếng với những vườn cây ăn trái trĩu quả, với chợ nổi trên sông và nhiều danh lam thắng cảnh
Chùa Vĩnh Tràng
Đến Tiền Giang, du khách đều muốn ghé qua chùa Vĩnh Tràng, ngôi chùa lớn nhất tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 5 km. Chùa nằm ở đường Nguyễn Trung Trực, thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, là di tích kiến trúc nghệ thuật cổ và độc đáo, ngôi chùa được xây dựng đầu thế kỷ 19 với sự kết hợp giữa kiến trúc phương Đông và Tây hài hòa trong từng đường nét chạm khắc.
Chùa được xây dựng theo dạng chữ Quốc của Hán tự như các chùa Hoa, nhưng có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, nền lót gạch men Nhật Bản, bông sắt theo phong cách Pháp. Riêng chữ Hán được viết theo kiểu chữ triện cổ, còn chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gothique. Nhìn tổng quan bên ngoài, chùa là sự kết hợp hài hòa giữa Á và Âu.
Tuy kết hợp những tinh hoa thế giới, Vĩnh Tràng vẫn đậm nét kiến trúc Việt Nam trong những nét tượng Phật, những chi tiết rồng phượng uốn lượn, mềm mại, tỉ mỉ. Mái uốn cong cong, nhìn từ xa ta có thể tưởng như lạc vào một ngôi chùa cổ chỉ có ở nước ngoài.
Xung quanh chùa Vĩnh Tràng là những vườn cây cảnh trồng nhiều hoa cỏ, những hồ nước tỏa hương sen và những cây cổ thụ rợp bóng mát, tạo sự hòa quyện giữa khung cảnh thiên nhiên với không gian kiến trúc, khiến chùa thêm cổ kính, uy nghiêm.
Chợ nổi Cái Bè
Chợ nổi Cái Bè. Ảnh: Ngọc Trinh.
Chợ nổi Cái Bè. Ảnh: Ngọc Trinh.
Là điểm đặc biệt chỉ có ở miền Tây sông nước, chợ nổi là hình thức trao đổi buôn bán trên sông nước giữa thuyền này với thuyền kia, có từ thời xa xưa.
Chợ nổi Cái Bè là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ, là nơi trao đổi buôn bán của hơn 400 xuồng ghe mỗi ngày diễn ra từ 4h đến 15h hàng ngày, nhưng thời gian lý tưởng nhất để bạn tham quan khu chợ này vào khoảng từ 5h đến 7h.
Mặt hàng kinh doanh chủ yếu của các ghe thuyền ở đây là trái cây và các mặt hàng nông sản. Hàng hóa rất đa dạng và phong phú, nổi bật nhất là trái cây, bởi Cái Bè là nơi có nhiều vườn trái nhất tỉnh Tiền Giang, với các loại trái cây ngon nổi tiếng như cam, bưởi, quýt Cái Bè, vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh… và là trạm trung chuyển trái cây đi mọi miền đất nước.
Điều đặc biệt nữa là mỗi ghe bán hàng đều dựng một cây sào, trên đó có treo một hoặc nhiều món hàng mà người ta muốn bán (bán gì sẽ treo thứ đó). Bạn muốn mua thứ gì chỉ cần nhìn trên đầu cây là xác định được xuồng ghe bán hàng bạn muốn mua chứ không phải rao mời. Bởi thế mới có chuyện khoai lang hay bí đỏ mọc ngược lên trời khiến nhiều du khách tò mò để rồi thích thú khi biết được nguyên do.
Chợ nổi Cái Bè cũng có các tiện ích như chợ trên bờ. Những chiếc xuồng nhỏ bán hàng rong như cơm, phở, hủ tiếu, đồ tạp hóa… chạy theo các mạn ghe, mạn tàu để bán hàng. Ngồi trên thuyền, du khách có thể thưởng thức ngay tô hủ tiếu nóng hổi, hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng...
Trại rắn Đồng Tâm
Trại rắn Đồng Tâm hay còn gọi là xí nghiệp dược phẩm Quân khu 9, nằm tọa lạc bên bờ sông Tiền, có diện tích khoảng 30 ha, không gian xanh mát thoáng đãng. Đây là một trong những trại nuôi rắn lớn nhất Việt Nam với hơn 400 chủng loài và được xem như một bảo tàng về rắn đầu tiên ở Việt Nam, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.
Bạn có thể tận mắt chiêm ngưỡng từ những loài rắn hiền lành không độc, đến các loài rắn cực độc. Rắn ược nuôi thả tự do, gồm 3 khu vực phù hợp với tính chất mỗi loài: khu vực nuôi theo kiểu đảo hồ nước, khu vực nuôi rắn độc và khu vực nuôi trăn.
Trại rắn Đồng Tâm là nơi nuôi rắn lớn nhất trong cả nước. Ảnh: Hữu Danh / Báo Lao Động.
Trại rắn Đồng Tâm là trại nuôi rắn lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Hữu Danh / Báo Lao Động.
Nuôi được các loài rắn và trăn này, đặc biệt các loài rắn dữ đều rất kỳ công và đầy nguy hiểm. Các nhân viên ở trại rắn Đồng Tâm làm việc rất cẩn trọng, kể cả khi mở cửa chuồng phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng và chậm rãi để rắn không phóng ra ngoài, hoặc cắn vào người. Việc chăm sóc rắn cũng như chăm sóc một đứa trẻ, bởi phải thường xuyên theo dõi để phát hiện con nào có dấu hiệu bất thường hoặc bị bệnh để điều trị kịp thời.
Mục đích của trại rắn Đồng Tâm là nuôi rắn lấy nọc xuất khẩu, kết hợp trồng cây dược liệu, và bảo tồn những loài động vật quý hiếm khác như trăn, cá sấu, ba ba, cáo, gấu... Đặc biệt, đây còn là nơi chữa trị rắn cắn rất hữu hiệu cho người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận, là nơi cũng thu hút được nhiều khách du lịch mỗi khi ghé qua thăm Tiền Giang.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Đây là một trong ba thương hiệu nổi tiếng nhất của miền Nam, Nhìn sơ, hủ tiếu Mỹ Tho cũng giống với các loại hủ tiếu khác, nhưng chỉ đến khi ăn thử bạn mới cảm nhận được sự khác biệt rất riêng của món ăn này.
Đặc điểm của sợi hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai và giòn giòn thơm ngon, không lẫn với hủ tiếu ở một nơi nào khác. Nguyên liệu ăn kèm khá phong phú nên bạn có thể thoải mái lựa chọn thịt, lòng, xương hay hải sản... tùy theo ý thích. Điểm hấp dẫn nhất chính là nước dùng. Ngoài vị ngọt của nước hầm xương, còn có cái mằn mặn của tôm khô, ngọt nhẹ của củ cải, tạo cảm giác dìu dịu nơi đầu lưỡi khi thưởng thức.
Đến đây, bạn có thể ghé qua quán hủ tiếu Hạnh (đường Nguyễn An Ninh). Quán rất đông khách do giữ được hương vị truyền thống và rất riêng nên luôn thu hút mọi người đến thưởng thức. Giá khoảng 40.000 đồng.
Ngoài ra có nhiều quán hủ tiếu khác cũng rất ngon năm ven trên đường cũng rất được lòng du khách như hủ tiếu mực, hủ tiếu bò viên… với giá rẻ hơn chỉ khoảng 20.000 đồng.
Du lịch sinh thái miệt vườn Cái Bè
Vị trí: Miệt vườn Cái Bè nằm dọc theo bờ bắc của sông Tiền, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Là xứ xở của nhiều trái cây nhất vũng đồng bằng Nam Bộ, được thiên nhiên yêu thương ban tặng cho nhiều phù sa, đất đai màu mỡ cùng khí hậu ôn hòa, cây trái ở đây trồng quanh năm. Biết được điểm mạnh của vùng, người dân học thêm nhiều kỹ thuật trồng cây ăn trái biến nơi đây thành vựa trái cây lớn, vừa bán trong nước và xuất khẩu nước ngoài.
Khu du lịch sinh thái Miệt vườn Cái Bè. Ảnh: Canthotv.vn.
Khu du lịch sinh thái Miệt vườn Cái Bè. Ảnh: Canthotv.
Hiện nay, toàn huyện Cái Bè có gần 15.000 ha vườn trồng cây ăn trái với nhiều chủng loại như sầu riêng tứ quý, sầu riêng sữa hạt lép, bưởi Năm Roi, bưởi đường hồng, bưởi da láng... Nhãn thì có nhãn long, nhãn tiêu da bò. Cam có nhiều loại, nhưng cam sành và cam mật là hai giống cam ngon nhất. Đặc biệt là các loại nổi tiếng như xoài cát Hoà Lộc, Ngoài ra, còn nhiều loại cây ăn quả khác như sapôchê, ổi, táo, quýt, mít, mận, hồng đào...
Miệt vườn Cái Bè thuộc hạng phong phú vào bậc nhất, có trái cây cả 4 mùa, mùa nào thì thưởng thức theo quả mua ấy, nên đến Cái Bè dù ở mùa nào bạn cũng được thưởng thức nhiều loại trái cây chín thơm ngon. Người dân nơi đây hiền lành, chất phác, chân tình và hiếu khách.
Ngoài ra, ở đây các bạn còn được phục vụ các món ăn đậm chất Nam Bộ như cá tai tượng chiên xù, cá lóc rút xương dồn thịt cuốn bánh tráng, vịt nấu cháo ăn với rau muống, cá lóc nướng trui…
Các món ăn ở đây ngon, đậm đà, khung cảnh hữu tình. Khi đến tham quan những nhà vườn Cái Bè, được hòa mình vào nếp sinh hoạt của người dân nơi đây, du khách sẽ được thư giãn, hòa mình với thiên nhiên nghe đờn ca tài tử, cảm nhận được tính cách của con người phương Nam để rồi sẽ có ấn tượng khó quên khi đã đến nơi này

Nguyễn Thùy Trang

Hình Ảnh Du Lịch Nhật Ký Hành Trình

Cung phượt khám phá các cửa sông của dòng Cửu Long

Cung phượt chinh phục chín cửa sông Cửu Long không còn mới đối với những người yêu thích khám phá, tuy nhiên việc được tự mình lênh đênh trên những chiếc đò ngang, quan sát và tiếp xúc để hiểu thêm con người vùng đất miền Tây Nam Bộ là trải nghiệm đáng quý, đặc biệt với tôi – một con người được sinh ra ở vùng núi Tây Nguyên.

Phượt 9 cửa sông Cửu Long, hành trình thú vị nhiều cảm xúc!
Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Ở Việt Nam, sông được chia làm 2 sông lớn: sông Tiền và sông Hậu và đổ ra biển thông qua 9 cửa biển nên được gọi là sông Cửu Long. Sông Cửu Long mang theo lượng phù sa màu mỡ tạo nên vùng đồng bằng Sông Cửu Long rộng lớn và là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên hiện nay một cửa một cửa đã bị bồi lấp và một cửa đã bị ngăn dòng chảy.
Danh sách 8 cửa sông còn sót lại của sông Cửu Long
Danh sách 8 cửa sông còn sót lại của sông Cửu Long
Xuất phát Sài Gòn từ sáng sớm, tôi vượt qua cầu Mỹ Lợi về thị xã Gò Công, cầu vừa được xây dựng cách đây vài năm thay cho phà Mỹ Lợi – chuyến phà có nhiều kỷ niệm với người dân Tiền Giang.
Cầu Mỹ Lợi thay thế cho Phà Mỹ Lợi xưa
Cầu Mỹ Lợi thay thế cho Phà Mỹ Lợi xưa
Tranh thủ uống ly cà phê sữa miền Tây: sữa nhiều và cà phê ít
Từ Gò Công, tôi xuôi về phải bến phà Đèn Đỏ để vượt Cửa Tiểu của sông Tiền. Tuy nhiên hôm nay nước cạn và phà không vào được, phải chạy đến bến phà Bến Chùa cách đó 5km để qua huyện Tân Phú Đông.
Phượt 9 cửa sông Cửu Long - Cửa Tiểu
Phượt 9 cửa sông Cửu Long – Cửa Tiểu
Tân Phú Đông là huyện mới và còn nhiều khó khăn của tỉnh Tiền Giang được tách ra từ Gò Công Đông và gò công Tây. Tân Phú Đông là huyện đặc biệt nằm trên một cù lao của sông Tiền, kẹp giữa Cửa Đại & Cửa Tiểu.
Chạy dọc theo con đường Tân Phú Đông để tìm về đò Bà Từ – Bình Đại để vượt cửa Đại -là cửa biển lớn nhất, đây cũng là ranh giới giữa 2 tỉnh Tiền Giang – Bến Tre.
Đò Bà Từ nhỏ, các phương tiện và người được di chuyển lên xe lên mái cẩn thận và mất khoảng hơn 20 phút mới cập bến Bình Đại, Bến Tre.
Phượt 9 cửa sông Cửu Long - Cửa Đại
Phượt 9 cửa sông Cửu Long – Cửa Đại
Từ đây quyết tôi từ đây quyết định chạy về biển Thừa Đức, là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện Bình Đại. từ đây có thể ngắm nhìn được Cửa Đại rõ nét nhất. Cũng khá giống biển Cần Giờ hay Tân Thành, nước biển Thừa Đức có màu đục của phù sa và bùn. Nước rút ra xa để lộ bãi biển dài đầy những vân sóng đẹp mắt.
Biển Thừa Đức, Bến Tre
Biển Thừa Đức, Bến Tre
Từ biển Thừa Đức tôi tìm về đò Bến Thủ để qua sông Ba Lai. Mặc dù sông Ba Lai Trước đây cũng là một trong chín cửa sông Cửu Long nhưng hiện tại đã bị chặn bằng việc xây dựng Cống Ba Lai. Vượt qua sông Ba Lai là đến địa phận của huyện Ba Tri.
Cửa Ba Lai
Cửa Ba Lai
Từ cảng cá Ba Tri tiếp tục bắt đò vượt cửa sông Hàm Luông để đến với huyện Thạnh Phú.
Phượt 9 cửa sông Cửu Long - cửa Hàm Luông
Phượt 9 cửa sông Cửu Long – cửa Hàm Luông
Thạnh Phú là huyện cuối cùng của tỉnh Bến Tre, ngăn cách với tỉnh Trà Vinh bằng sông Cổ Chiên. Trước đây khi sông Cổ Chiên chưa được bắc cầu thì việc di chuyển đến Trà Vinh đến các tỉnh khác cực kỳ khó khăn. Việc xây dựng cầu Cổ Chiên làm một bước tiến giúp giao thông từ Trà Vinh về thành phố Hồ Chí Minh nhanh gọn hơn. Thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Để đi qua cửa Cổ Chiên về với Trà Vinh, tôi chọn phà Bến Chổi là bến phà sát với cửa sông Cổ Chiên nhất, từ đây có thể nhìn rõ tiếp nơi tiếp giáp giữa biển Đông và sông Cổ Chiên.
Phượt 9 cửa sông Cửu Long - cửa Cổ Chiên
Phượt 9 cửa sông Cửu Long – cửa Cổ Chiên
Cách cửa Cổ Chiên khoảng vài cây số trên con đường đan sát biển của cù lao Long Hoà là cửa Cung Hầu. Vượt sông Cổ Chiên qua cửa Cung Hầu sẽ cập bến thị trấn Mỹ long của huyện Cầu Ngang, Trà Vinh.
Phượt 9 cửa sông Cửu Long - Cửa Cung Hầu
Phượt 9 cửa sông Cửu Long – Cửa Cung Hầu
Tiếp tục chạy dọc biển vào ngày hôm sau, sau khi ăn thử món bún nước lèo Trà Vinh: giống bún mắm, nhưng ăn kèm với heo quay và huyết, kết hợp với vị mắm khá nồng, hơi khó ăn 1 chút.
Cửa tiếp theo trên hành trình ra biển của sông Cửu Long là cửa Định An, nối thị trấn Định An với Cù Lao Dung. Và Cù Lao Dung cũng là cù lao nằm giữa 2 cửa sông. Lần này di chuyển bằng phà Định An – Vàm Ông Tám.
Phượt 9 cửa sông Cửu Long - cửa Định An
Phượt 9 cửa sông Cửu Long – cửa Định An
Đất Cù Lao Dung trước đây là cũng là nơi có cửa sông Ba Thắc chảy qua, nhưng theo thời gian bị bồi đắp, hiện tại cửa sông này không còn, chỉ còn dấu tích là rạch Cồn Tròn chạy dọc Cù Lao. Ở Cù Lao Dung, sẽ có cơ hội chạy dọc những cánh đồng mía bạt ngàn – cây trồng chính của cù lao, giúp cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường gần đó.

Cù Lao Dung, Sóc Trăng
Cù Lao Dung, Sóc Trăng
Từ Cù Lao Dung, theo đò Nông Trường để vượt cửa Trần Đề, bên kia sông là địa phận thị trấn Trần Đề của Sóc Trăng. Đây là cửa sông cuối cùng của dòng Cửu Long ra biển.
Phượt 9 cửa sông Cửu Long - cửa Trần Đề
Phượt 9 cửa sông Cửu Long – cửa Trần Đề
Hành trình chinh phục cung đường này không có gì khó khăn, cũng không có nhiều hoạt động hay điểm đến gì đặc sắc, nhưng việc được đi, được đến và tìm hiểu, được ăn những món ăn dân giã miền Tây, được trò chuyện… thì cũng có nhiều thứ hay ho đáng để trải nghiệm.

LẨU MẮM CÁ LINH BÔNG ĐIÊN ĐIỂN MIỀN TÂY

Tuy chỉ là một món ăn dân dã, bình dị nhưng lẩu cá linh bông điên điển - món ăn dân dã Miền Tây đã hấp dẫn nhiều du khách ngay từ màu sắc bắt mắt, hương thoảng nhẹ cho đến vị thơm ngon.

Lẩu cá linh bông điên điển – Món ngon mùa nước nổi

Mỗi khi đến mùa nước nổi hàng năm (từ tháng 9 – tháng 11), ở miền Tây lại xuất hiện rất nhiều cá linh; trong đó đầu mùa là thời điểm cá ngon nhất bởi cá chưa quá lớn, xương chưa cứng và bụng cá có mỡ nên ăn rất béo. Cá linh non xuất hiện vào đầu mùa nước nổi, thường tập trung nhiều ở các nơi đầu nguồn như Tân Châu (An Giang), An Phú (An Giang), Thốt Nốt (Cần Thơ), Hồng Ngự (Đồng Tháp)…
Cá linh ngon nhất là vào mùa nước nổi.
Khi đó, người dân nơi đây bắt đầu chuẩn bị công cụ với những con thuyền ba lá, những chiếc lưới cá rồi len lỏi qua các con lạch, dòng sông để kéo lên những mẻ cá linh nặng trịch. Sau đó, người dân sẽ đem cá linh bán cho các khu chợ, thương lái với giá khá cao hoặc giữ lại một ít làm mắm hay chế biến thành các món kho, canh, nấu lẩu, chiên trứng… cho bữa cơm của gia đình.
Không chỉ người dân địa phương mà rất nhiều du khách đã từng thưởng thức loại cá này khi đi du lịch miền Tây đều nhớ mãi hương vị thơm ngon, lạ miệng của loài cá đặc trưng mùa nước nổi miền Tây.
Cá linh nhúng dấm cũng rất ngon miệng.
Cá linh vào đầu mùa hay cuối mùa đều có thể làm ra được nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như cá linh kho mắm ruốc, kho khóm, kho mía; canh chua cá linh; cá linh tẩm bột chiên giòn… Ngoài ra, với những con cá linh béo ú, bụng đầy mỡ có thể đem nướng trên bếp than hồng, khi ăn thịt vừa ngọt vừa béo, lại rất mềm và có mùi thơm phức. Tuy nhiên, để chế biến ra món cá linh thì khâu làm cá là vất vả nhất, bởi vì phải cắt đuôi, cắt ruột và cá hơi nhỏ nên rất tốn công và mất nhiều thời gian.
Đặc biệt, khi nhắc đến cá linh, người ta lại nghĩ đến bông điên điển – loại hoa gắn liền với mùa nước nổi có màu vàng tươi, mọc tràn ngập khắp các đầm lầy, mé sông, ruộng nước hay dọc theo các triền đê. Bông điên điển cho hương vị rất đặc biệt, ăn vừa giòn vừa thơm, lại béo béo bùi bùi nên được người dân miền Tây ưa chuộng và chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng.
Nhưng lẩu cá linh bông điên điển mới là món ngon nhất.
Và một trong những món ngon miền Tây đặc trưng nhất chính là lẩu cá linh bông điên điển – đặc sản nổi tiếng vào mùa nước nổi. Cá linh chỉ nhỏ cỡ ngón tay út, thân màu trắng sáng, khi cho vào nồi lẩu đem để nguyên con, bỏ ruột; còn bông điên điển nhúng lẩu dùng loại vừa mới hái xuống nên rất tươi ngon. Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận được thịt cá linh mềm béo, rất ngọt; bông điên điển giòn ngọt, có vị hơi chát lạ miệng.
Ngoài 2 nguyên liệu chính là cá linh và bông điên điển, món lẩu này còn ăn kèm với nhiều loại rau dân dã khác như bông súng, ngò gai, rau nhút…

Cách nấu món lẩu cá linh bông điên điển

Muốn có một nồi lẩu cá linh bông điên điển thơm ngon, trước tiên phải chọn cá linh thật tươi, béo tròn đem móc bỏ ruột, làm sạch, để cho ráo nước rồi ướp với ớt, tỏi, đường, bột ngọt, tiêu, một ít muối và để thấm gia vị trong khoảng 10 phút. Còn bông điên điển cũng chọn loại còn tươi và chưa bung cánh, như vậy khi ăn sẽ vừa giòn vừa có mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ.
Ngoài ra, tùy theo từng vùng mà nước lẩu được nấu theo nhiều cách khác nhau như ninh với xương cá, xương heo để lấy vị ngọt hoặc nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa có màu trong, vừa có vị ngọt thanh.
Ngoài xương heo, nước dùng lẩu cá linh bông điên điển nấu bằng nước dừa tươi cũng rất ngon.
Trong thời gian chờ cá ngấm gia vị, cần chuẩn bị nước lẩu bằng cách rửa sạch xương heo rồi trụng sơ với nước sôi, hầm xương bằng lửa lớn trong 1 tiếng và vớt bọt thường xuyên để nước trong, sau đó lọc bỏ xương heo, lấy nước dùng. Còn nếu nấu nước lẩu bằng dừa tươi thì đổ nước dừa vào nồi lẩu để nấu, thêm đường, nước mắm, lá me non để nước hơi chua và nêm nếm cho vừa ăn.
Tiếp theo phi tỏi, cho một chút tóp mỡ và rau ngò gai vào xào thơm rồi đổ vào nồi nước dùng, đun cho sôi thì cho ớt sừng cắt lát vào. Vì cá linh rất mềm và dễ chín, do đó trước khi ăn mới cho cá vào nồi nước lẩu đang sôi; vừa ăn vừa nhúng vào cọng bông súng bẻ khúc, bông điên điển để giữ độ ngọt và giòn của hoa.
Lẩu cá linh bông điên điển ăn kèm với nhiều loại rau khác nhau.
Bên cạnh nồi nước lẩu thơm phức cùng đĩa cá linh tươi rói và bông điên điển vàng tươi là các loại rau khác như rau nhút, rau muống… tùy theo sở thích của từng người. Ngoài ra, món lẩu cá linh bông điên điển ăn kèm với cơm trắng hoặc bún tươi và thêm một chén nước mắm chua ngọt cay chấm cá sẽ giúp cho món ăn thêm phần đậm đà, hấp dẫn hơn.
Món ăn này thu hút nhờ vị chua thanh của nước lẩu, ngọt béo của cá linh và giòn thơm của bông điên điển khiến cho những ai thưởng thức cũng phải tấm tắc khen ngon.
Nếu đã một lần đến với miền Tây trong mùa nước nổi, ngoài món cá lóc nướng trui miền Tây ngon nức tiếng, du khách đừng quên thưởng thức món ăn đặc sản nổi tiếng này để cảm nhận trọn vẹn hương vị quyến rũ, đặc trưng, khó có thể tìm thấy ở nơi khác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét