Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

TIẾNG THƠ 18

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                 Tiếng thơ - nhạc hiệu - Đài tiếng nói Việt Nam

--------------------------------------------------------------------- 

 

                                          Bóng Người Trên Sân Ga - Thơ Nguyễn Bính

Thể thơ: Thơ mới bảy chữ
Thời kỳ: Hiện đại
 
Đăng bởi Vanachi vào 24/06/2005 15:24, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 10/02/2006 09:13, số lượt xem: 50294
 
Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.

Có lần tôi thấy hai cô gái
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
"Đường về nhà chị chắc xa xôi?"

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.

Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại:
"Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!"

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.

Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Tôi đã từng chờ những chuyến xe
Đã từng đưa đón kẻ đi về
Sao nhà ga ấy sân ga ấy
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?


Hà Nội, 1937

Nguồn:
1. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968
2. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003


                                                     Sầu Rụng - Thơ Lưu Trọng Lư

Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
Tặng Hoài Thanh, người bạn đầu tiên đã đưa lại cho ta cái hương vị say nồng của cuộc đời và của văn chương.

Vừng trăng từ độ lên ngôi,
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ.
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng,
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo.
Năm năm tiếng lụa xe đều...
Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây.

Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay,
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông.
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng,
Thời gian lặng rớt một dòng buồn tênh.


Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004


                                                     Bông Hoa Rừng - Thơ Thế Lữ 

 

Bài thơ “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư nhìn từ văn hóa thiền

In
Nhà thơ Phạm Thiên Thư.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư.
Trong nền văn học Việt Nam, văn học Phật giáo chiếm một vị trí khá lớn. Những thiền sư – thi sĩ như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Khuông Việt, Mãn Giác, Huyền Quang… đã tạo nên dòng thơ Thiền linh diệu suốt hai triều Lý – Trần. Một dòng thơ mà cho đến bây giờ và chắc chắn mãi về sau chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp minh triết và tinh thần nhân văn của nó. Đến thế kỷ XX, một thế kỷ nhiều vinh quang nhưng cũng quá nhiều cay đắng của người Việt, văn học lại chứng kiến sự xuất hiện của một nhà thơ Phật giáo: Phạm Thiên Thư – “người hiền sĩ ngồi bên lề cuộc sống ta bà, lặng yên thi hóa kinh phật”[1]. Đọc thơ ông, ta tìm thấy những điều phong phú và mới lạ về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên. Giữa một thời đạn lửa, ông bình thản lập cho mình một cõi thi ca riêng: trong trẻo, trữ tình và đậm chất Thiền...
Bài thơ “Động hoa vàng” là một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất trong cõi thơ Phạm Thiên Thư. Xuất hiện khoảng đầu thập niên 70 ở miền Nam, bài lục bát 400 câu này là một câu chuyện tình yêu trong sáng, cao khiết không nhuốm màu tục lụy. Tựa một viên ngọc lung linh huyền ảo, nó dẫn người đọc tìm về một thế giới tịch lặng, đơn sơ đẫm hương Thiền. Nơi ấy con người có thể tìm được con đường nuôi dưỡng chân tâm hầu mong một cuộc sống bình an, thanh thản. Hẳn không mấy khó khăn để nhận ra rằng văn hóa Thiền thấm đẫm trong từng câu, từng chữ và làm nên nét đẹp thâm trầm, ý nhị cho bài thơ.

1. “ Động hoa vàng” – Cõi thiền hay không gian thoát tục
Hương Thiền tỏa trong bài thơ “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư trước hết ở không gian nghệ thuật. Từ câu chuyện “gã từ quan” coi thường danh lợi, chán ghét những thị phi, giành giật trong cõi đời mà tìm về nơi thông xanh suối biếc, nương náu chốn núi rừng, nhà thơ đưa ta đến không gian bát ngát của động hoa vàng. Động hoa vàng là đâu? Là một động Hoàng Hoa heo hút giữa biên thùy trong thơ “Chinh phụ ngâm”:
“ Xót người lần lữa ải xa
Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài”
Hay là một thung lũng hoa vàng nào đó trong thực tại. Chỉ biết đó là không gian mơ ước của những người quá mệt mỏi trước thời cuộc, muốn tìm về thiên nhiên để thanh lọc tâm hồn mình. Từ động hoa vàng, nhà thơ nói đến rất nhiều những hình ảnh thuộc về không gian. Đó là: miền tuyết thơm, suối tơ huyền, suối hoa rừng, cội thu xanh, đồi dạ lan, miền cỏ hoa, bến hoa tươi, đường lặng im, non xanh, thềm trăng, lưng núi phượng… Tất cả những hình ảnh sang trọng, thanh thoát mà đơn sơ ấy thuộc về một không gian thoát tục. Không ồn ào náo động, không phù phiếm lòe loẹt, tất cả ở trong một trạng thái vắng lặng, thanh bình, nhẹ nhàng, trong sáng, trầm mặc. Đó là không gian của văn hóa Thiền – không gian tịch lặng, phảng phất nét sabi trong  thơ Hai- cư Nhật Bản:
“Mái lều im
Một con chim gõ kiến
Gõ ngoài trụ hiên”
( Basô – Nhật Chiêu dịch)
Đặc biệt, không gian thoát tục ấy là một không gian được phủ đầy hoa, đầy  trăng  và tiếng chim. Có đến 38 lần Phạm Thiên Thư nhắc đến động hoa, thảm hoa, giàn hoa… 15 lần nhắc đến trăng và 32 lần sử dụng hình ảnh cánh chim, tiếng chim trong bài thơ “Động hoa vàng”. Đó là một đồi dạ lan trong miền u tĩnh:
“Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan”
là hương hoa trong ấm trà mùa đông:
“Đất nam có lão trồng hoa
Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông”
hay cánh hoa dại ven đường:
“Bông hoa trắng rụng bên đường
Cánh thơm thông điệp vô thường tuyết băng”
Đó là ánh trăng in dấu giày:
“Người về sao nở trên tay
Với hài đẫm nguyệt thêm dài gót hoa”
hay bóng trăng thanh bình nơi thôn dã:
“Bóng trăng tịch mặc hiên nhà
Thành đàn nảy hạt tỳ bà quyện hương”
Cùng với trăng, hoa là tiếng chim, người đọc có cảm giác tiếng chim như ngập tràn không gian:
“Tiếng chim trong cõi vô cùng
Nở ra bát ngát trên rừng quế hương”
Đó là tiếng chim linh thiêng theo văn hóa Thiền và đời sống tâm linh  người Việt,  là bầy nhạn trắng mùa xuân:
“Mười con nhạn trắng về tha
Như lai thượng trụ trên tà áo xuân”
là con hạc nhuốm màu huyền thoại:
“Hạc xưa về khép cánh tà
Tiếng rơi thành hạt mưa sa tần ngần"
Trăng, hoa và tiếng chim, hương hoa thoang thoảng, ánh trăng nhẹ nhàng, tiếng chim trong vắt làm cho không gian trở nên tịch lặng, linh thiêng, thấm đẫm thiền vị. Đó là nơi con người có thể lắng lòng lại, thả hồn vào cõi thinh không để tìm sự bình an, thanh thản. Không gian “Động hoa vàng” trong thơ Phạm Thiên Thư có nét gì đó tựa cõi Bồng Lai nơi chàng Từ Thức gặp tiên, tựa suối hoa đào trong “Đào hoa nguyên ký”, tựa không gian trong thơ Hai-cư:
“Quán bên đường
Các du nữ ngủ
Trăng và đinh hương ”
(Basô – Nhật Chiêu dịch)
2. “Mùa xuân” – Thời gian vĩnh cửu
Nếu không gian của bài thơ “Động hoa vàng” là một không gian vắng lặng, huyền diệu với ánh trăng, hương hoa và tiếng chim thì thời gian trong bài thơ là thời gian mùa xuân. Có đến 13 lần phạm Thiên thư nói đến mùa xuân trong bài thơ này, cũng có nghĩa là thời gian bài thơ chủ yếu xoay quanh mùa khởi đầu cho một năm, mùa của hạnh phúc và niềm vui. Đó là mùa xuân ở động hoa vàng, nơi con người sống giữa thiên nhiên để tâm hồn thanh tịnh:
“Mùa xuân bỏ vào suối chơi
Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa”
là mùa xuân ở đầu nguồn con suối, nơi chú cá nhỏ bất ngờ gặp bóng mây trôi trong nước:
“Có con cá mại bờ xanh
Bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân
Giữa dòng cá gặp phù vân
Hỏi sao mây bỏ non thần xuống chơi”
Ngay cả khi hoài niệm về tình yêu thì thời gian hoài niệm vẫn là thời gian mùa xuân:
“Con khuyên nó hót trên bờ
Em thay áo tím thờ ơ giang đầu
Nhớ xưa có kẻ lên lầu
Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa”
Thi ca xưa nay thường ưu ái mùa thu hơn bất cứ mùa nào trong năm. Với gió heo may, với tiết trời se lạnh, với lá vàng rơi, mùa thu dễ chạm vào những cảm xúc tinh tế nhất của thi nhân. Ấy thế mà suốt cả một bài lục bát 400 câu, Phạm Thiên Thư hầu như rất ít nói về mùa thu mà nói nhiều đến mùa xuân. Thiền tông quan niệm bậc trí giả khi đã đạt Đạo, hiểu được lẽ vận hành của tạo vật, thoát khỏi tham, sân, si thì tâm hồn sẽ đạt đến cảnh giới của mùa xuân an lạc, không còn buồn khổ sầu lo. Mùa xuân trong “Động hoa vàng” cũng là một mùa xuân như thế. Nó không chỉ là mùa xuân của ngoại giới mà còn là mùa xuân của tâm tưởng khi con người đã từ bỏ tất cả những giành giật, đua chen  mà tìm tới cõi tịch diệt của Thiền tông. Đó có lẽ là mùa xuân vĩnh cửu mà Mãn Giác Thiền Sư đã nói đến trong bài kệ nổi tiếng của mình:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
(Cáo tật thị chúng)
3. “Gã từ quan” – Nhân vật trữ tình với sự hoà quyện giữa Đời và Đạo
Chuyện được kể trong “Động hoa vàng” là chuyện của gã từ quan – chủ thể và cũng là nhân vật trữ tình của tác phẩm. Đó là một chuyện tình yêu nhuốm Thiền vị khiến bài thơ trở nên đẫm hương Thiền. Thiền học và tình yêu, hai khái niệm tưởng chừng không thể dung hòa được bởi tình là khổ lụy còn thiền là giải thoát, tình là lưu luyến còn Thiền là cắt đứt nghiệp chướng. Ấy vậy mà nhân vật gã từ quan cứ vấn vít nửa đời, nửa Đạo, chơi vơi giữa tình yêu và Phật pháp.
Nội dung bài thơ là chuyện tình yêu, là những lời yêu Phạm Thiên Thư gửi đến người tình nhưng Thiền tính lại hiển hiện trong cái nhìn, trong ngôn ngữ, trong tâm thức nhà thơ:
“Em nằm ngó cội thu xanh
Môi ươm đào lý một nhành đôi mươi
Về em vàng phố mây trời
Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thì thôi thôi nhé đoạn trường thế thôi”
Nhân vật trữ tình ngắm người yêu mà suy ngẫm, nào lúc nằm, nào lúc về, nào hình hài, nào dáng vẻ, nào môi ươm đào lý, nào gót dời hoa xuân. Thế nhưng tóc ấy chỉ là phù vân, lệ ấy, dáng ấy mong manh như sương khói. Em đẹp rạng ngời giữa cội thu xanh, giữa vàng phố mây trời  nhưng chỉ là vô thường, là hư huyễn. Đó là nỗi sầu nhuốm vẻ Thiền khi nói đến người yêu.
Có lúc đang nói chuyện Thiền, chuyện “Gối tay nệm cỏ nằm say/ Gõ vào đá tụng một vài biển kinh” thì những kỷ niệm tinh khôi của tình yêu chợt ùa về trong tâm tưởng:
“Nhớ xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa”
Để rồi hình bóng người yêu hiện lên trong mắt nhân vật trữ tình với một vẻ đẹp  thánh thiện tựa Quan Thế Âm:
“Áo em phất cõi di đà
Ngón chân em nở cánh hoa đại từ”
Ta có cảm giác đây là một tu sĩ lãng mạn, một hiền giả tìm về cõi Phật vẫn mang theo mình hình bóng người yêu. Chính sự kết hợp diệu kỳ của tình yêu và Thiền học đã tạo nên vẻ đẹp vừa nồng nàn vừa linh thiêng chỉ có trong thơ Phạm Thiên Thư. Chính con vạc đậu bờ kinh cũng ghẹo nhà thơ – nhân vật trữ tình:
“Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng thưa bác Thiên Thư
Khoác chi cái áo thầy tu ỡm ờ”
Tìm hiểu thi phẩm “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư ở các góc độ: Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, nhân vật trữ tình… Sẽ nhìn thấy được vẻ đẹp vi diệu, linh thiêng ẩn trong từng câu, từng chữ. Nhìn từ văn hóa Thiền, “Động hoa vàng” tựa một loài hoa bình dị mà thoang thoảng một mùi hương dịu nhẹ, thanh tao làm say đắm lòng người. Đó là cõi Thiền tịch lặng, là ánh trăng thanh bình  trong cõi phù sinh.
Hồ Tấn Nguyên Minh
_________________________
1 Lê Quang Đức, “Ngồi chơi với Phạm Thiên Thư”, báo Đà Nẵng ngày 25/10/2009
Nguồn: vanvn.net.

Những bông hoa không tàn

14:43 | 07/02/2015
Tết năm ấy, nhà thơ Yến Lan còn cư ngụ ở một căn gác số chẵn phố Hàng Quạt. Tôi đến chúc Tết, nhà thơ đứng dậy bắt tay tôi, mời tôi ngồi, rồi hào hứng đọc cho tôi nghe bài thơ tứ tuyệt chắc ông vừa khai bút:
Em đến xin hồng, hồng chửa nụ
Hôm nay hồng nở bóng em xa
Cầm em bữa trước em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa!
 
Cả bài thơ sáng tạo nhất ở chữ cầm dùng cho cả người và… hoa.
Cầm chân khách, bởi vì khách đến rồi đi, bao giờ gặp lại? Hoa cũng thế, hoa như người khách thăm, đến rồi đi… Với ông, hoa như người vậy. Làm xong nhiệm vụ, nó không tàn, nó ra đi… Ông không chỉ tái tạo chữ, ông còn phát nghĩa thêm cho nó ở cái hành động ra đi.
Nhà thơ Yến Lan thuộc nhóm thơ Bình Định, cùng với Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, người thời ấy mệnh danh các ông là nhóm Bàn thành tứ hữu. Ông có đặc điểm: càng về già, càng viết ngắn và trụ lại ở thể thơ tứ tuyệt. Lần sau, khi ông nghỉ hưu, về lại quê hương, tôi có dịp ghé thăm Bình Định, ông tặng tôi tập thơ tứ tuyệt vừa in xong, lại thêm thú vị vì ông đặt tên cho nó là Cầm chân hoa vừa mang ý nghĩa: thơ ông như người cầm giữ lại những tinh hoa của cuộc đời, của đất trời tươi đẹp. Nó lại vừa mang tên bài thơ nhỏ ông làm hôm ấy mà khái quát được cả sự dài rộng, trường tồn của Thơ và cái Đẹp. Tôi, tất nhiên là người may mắn được chứng kiến sự ra đời của cả hai hiện tượng ấy, nhất là được đọc cả những nét thần hứng chưa giãn hết trên gương mặt ông sớm mùng một Tết năm ấy.
Nương rẫy mùa xuân Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn
Thưởng hoa là sự thẩm định vô cùng tinh tế. Nếu Yến Lan tinh tế ở chữ cầm, thì Xuân Diệu tinh tế ở mắt nhìn, ở cảm giác, trí tưởng tượng:
Sắc đào như thở rung rung
Toàn cây là một nỗi lòng nở hoa
Nhà bình luận thơ Viên Mai nổi tiếng ở Trung Quốc đã vô cùng thán phục khi nghe một “thảo dân” reo lên: “Ồ! Cả một thân hoa!” trước cây hoa nở rộ hết mình. Xuân Diệu đã học được và nâng cao hơn một buớc: “Toàn cây là một nỗi lòng nở hoa”.
Nhà thơ Lý Bạch là người gắn bó với trăng nhiều nhất trong giới thơ. Ông uống rượu với Trăng, với cái bóng của mình, và không quên mời cả Hoa chứng kiến:
Có rượu không có bạn
Một mình chuốc dưới Hoa
Cất chén mời trăng sáng
Mình với Bóng là ba.
(Một mình uống rượu dưới trăng, Tương Như dịch
Ông cha ta ngày xưa sống rất gần thiên nhiên, nghe tiếng chim kêu mà biết thời khắc, nhìn hoa để thấy mùa đi. Nhà sư thi sĩ Huyền Quang (1254 - 1334) đã từng ghi nhận: Năm cuối trong rừng không có lịch/ Kìa hoa cúc nở biết trùng dương.
Trùng dương đây là Tết Trùng cửu mùng 9 tháng 9, đã sang tiết thu.
Không thể kể hết có bao nhiêu bài thơ hay liên quan đến hoa. Hoa thường gợi một kỷ niệm, là cớ để thi sĩ bày tỏ nỗi lòng:
Trăm giàn lý đỏ đã lên hoa
Tâm sự như in cảnh ác tà
 
Câu chuyện thương tâm ở mùa hoa nào thì người trong cuộc mặc nhiên mã hóa mùa hoa đó thành biểu tượng cho chuyện của mình:
Hôm nay lại nở hoa ly đỏ 
Trong rượu vân vân bao vết cũ 
Người chẳng thấy rằng hoa như tim
Hoa nát lòng ta đau vạn thuở.
 Đó là bài Can trường hành nổi tiếng của Thâm Tâm. Hoa cũng có nhiều sắc độ màu và hương như tính tình con người. Có người trong sáng, hiền dịu, có người sắc sảo dữ dằn. Nhà thơ Chế Lan Viên vào vườn Bác, vì nhớ đến Bác mà hiểu được mùi hương dung dị thanh cao của hoa mộc:
Nhớ Bác, hiểu mùi hoa mộc
Làn hương đạm ấy sao nồng
Ngỡ khuất sau làn gió biếc
Trong hồn, thơ mãi vào trong
                                (Hoa mộc trong vườn Bác)

Có thứ hương hoa quyến rũ mạnh mẽ:
Mở cửa, đường thơm hoa sữa gọi
Phải bùng ra phố, phải đi thôi

                                (Thu cảm, Vân Long)
Mùi hoa dạ hương thì còn “dữ dằn“ hơn thế nữa mà nhà thơ Trần Lê Văn đã phải miêu tả:
Không chừng mực chẳng êm đềm
Giữa vườn nổi trận hương đêm dạt dào
Say người, say cả chiêm bao
Trông hiền dịu thế mà sao dữ dằn.
                                            (Hoa dạ hương)
Nhưng thường thì hoa vẫn biểu trưng cho những gì dịu dàng, xinh nhỏ. Thi sĩ Nguyễn Bính trách người yêu  thật tế nhị:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
Và ông dùng hoa để nhắc nhủ:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Còn gì tự nhiên hợp lẽ hơn Hoa chanh nở giữa vườn chanh, điều hiển nhiên như chân lý khiến cô gái không thể giận được chàng trai khéo nói.
Còn một kiểu hay, mượn hoa nói người, gửi tình mà ta không dễ thấy ngay vì nó tinh tế quá:
Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó!
 
                            (Thu nhà em, Lê Đạt)
Mùa thu là của mọi nhà, sao lại có mùa thu nhà em? Ấy bởi cái gì riêng của em đều hay đều đẹp cả, những cái chung của mọi người, gần em, đều bị “riêng hóa” . Lại còn nắng cúc nữa. Nắng là của trời, nhưng bông cúc cũng vàng như mặt trời, vừa tạo được ánh sáng, vừa tạo được bóng râm cho nên trên sân vườn ta thấy được từng vũng nhỏ lăm răm. “Lăm răm” lại là một chữ mới nữa. Cái vũng thơ đó dường như chỉ để dành riêng cho cô gái rửa lông mày.
Vườn đẹp, hoa đẹp, người đẹp khiến chàng trai ngẩn ngơ… Nhà thơ đã “mã hóa” tâm cảm ấy trong một từ heo may với cách tu từ sáng tạo: dùng danh từ thay cho tính từ: Nông nỗi heo may từ đó.
Trong thơ tình yêu của ta có bụi hoa nho nhỏ dịu hiền như trên, lại có cả cây hoa lực lưỡng đánh dấu cả một vùng quê của người ta yêu dấu, làm cái mốc của sự mong chờ cho chàng trai đang yêu:
Và nỗi nhớ chẳng có gì nguôi nổi
Trong bập bùng hoa gạo phía bờ em

                    (Hoa gạo phía bờ em, Hoàng Hữu)
Sắc hoa, chỉ nguyên màu đỏ cũng đã nhiều sắc độ, ngoài sắc độ màu còn cả sắc độ tình cảm người viết, khiến một họa sĩ bậc thầy cũng phải lúng túng khi chọn màu cho hai câu thơ này:
Nếu hoa biết mình chỉ là chứng nhân cho những cuộc tình
                                                                     dang dở

Hẳn màu đỏ kia không thể đỏ thế này? 
                                    (Thơ Nguyễn Hà)
Vậy phải đỏ thế nào để hợp với vai trò chứng nhân cho cuộc tình tan vỡ?
Để bài viết có hậu, xin bạn đọc nghe những câu kết của một mối tình đang nở rạng của nhà thơ Phạm Công Trứ:
Tay em cầm một bông hồng
Đẹp tươi như thể… trắng trong như là…
Sao anh như thấy thừa ra
Hoặc là hoa ấy hoặc là… chính em.
Để ca ngợi một cô gái, nhà thơ sẵn sàng loại trừ bông hoa một cách oan uổng. Sao ta không thể ôm gọn cả cô gái cầm bông hoa vào lòng mình. Không có gì là thừa cả trong cõi đất trời này!
Vân Long

                                      Những bài thơ ngâm hay nhất || Quốc Anh ft Hồng Ngát

 

 


 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét