Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 183

(ĐC sưu tầm trên NET)

                              Những chuyện chưa kể về lực lượng tình báo quân sự Việt Nam

Huyền thoại tình báo VN (Kỳ 1): Những kiểu tra tấn ghê rợn từ… máy quay điện

Nữ Đại tá Đinh Thị Vân là Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam.
    Nhà tôi ở gần số 8, Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi có căn hộ của nữ anh hùng tình báo Đinh Thị Vân.
    Bà đã thanh thản ra đi mãi mãi, để lại những câu chuyện như huyền thoại về một nữ điệp viên cộng sản cả đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
    Những mẩu chuyện như việc bà 'lấy vợ cho chồng', gạt bỏ mọi nỗi niềm riêng để hoạt động trong lòng địch… giờ được ông Đinh Văn Đạt, người cháu của bà, kể lại với niềm tự hào đặc biệt.
    Cho đến nay, khi bà đã trở thành người thiên cổ thì những câu chuyện về bà vẫn gây xúc động mạnh mẽ cho người được biết.
    Nữ Đại tá Đinh Thị Vân, Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của ngành tình báo sống mãi trong lịch sử ngành tình báo quốc phòng Việt Nam không chỉ bởi những chiến công mà còn bởi bà là người đã chịu đựng, hy sinh hạnh phúc riêng tư vì nhiệm vụ.
    Đại tá Đinh Thị Vân, SN 1916, ở làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tên thật của bà là Đinh Thị Mậu, xuất thân trong một gia đình nho học, có truyền thống yêu nước.
    Ngay từ nhỏ, bà đã ý thức được tinh thần đấu tranh chống thực dân đế quốc vì độc lập dân tộc.
    Bà được các anh trai là Đinh Lai Hạp và Đinh Thúc Dự, những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương ngày ấy giác ngộ, động viên tham gia hoạt động cách mạng, làm giao thông liên lạc, cất giữ tài liệu bí mật của Đảng và tham gia tổ chức nhóm 'ái hữu tương tế', nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng.
    Tháng 6/1954, bà là Huyện ủy viên Huyện ủy Xuân Trường, tham gia Ban chấp hành Tỉnh hội Phụ nữ tỉnh Nam Định thì tổ chức quyết định điều động Đinh Thị Vân lên công tác tại Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu-Bộ Quốc Phòng.
    Bà được giao nhiệm vụ về Hà Nội hoạt động bí mật trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của địch.
    Để yên tâm công tác theo yêu cầu của cấp trên, bà đã cưới vợ cho chồng, đem hạnh phúc của mình đặt vào tay người khác với một ý nguyện quên mình vì Tổ quốc.
    Một mình nhận nhiệm vụ vào hang ổ quân thù, bà chỉ day dứt vì thương mẹ. Bà hiểu rằng, nhiệm vụ mới, có thể kéo dài hàng chục năm, bà sẽ không có cơ hội gặp lại mẹ.
    Bà Đinh Thị Vân chuẩn bị cho một chuyến công tác vào nội đô Sài Gòn
    Bà Đinh Thị Vân chuẩn bị cho một chuyến công tác vào nội đô Sài Gòn
    Năm 1954, tổ chức phân công bà vào Nam. Với bí danh Trần Thị Mỹ, bà cùng gia đình cơ sở tên P di cư vào Nam với danh nghĩa chị dâu, chồng chết, không có con, đi cùng em chồng.
    Sau một thời gian ngắn, bà đã ổn định được thế đứng hợp pháp, vận động được người trong hàng ngũ địch làm việc cho ta, lấy được nhiều tin tức, tài liệu của địch.
    Tháng 8/1959, khi đang hoạt động trong hang ổ Mỹ-ngụy giữa Sài Gòn thì bà bị một tên phản bội chỉ điểm. Bà bị địch bắt và tra khảo về đồng chí Năm Phong, một giao thông viên của Đặc khu ủy.
    Bọn mật vụ thay nhau tra khảo suốt đêm không nghỉ, hòng làm bà mỏi mệt phải khai ra. Tiếp đó, những trận đòn vùi dập trong Sở mật vụ khiến 10 ngón tay bà sưng húp, không cựa quậy được.
    Những chiếc đinh bù loong vẫn liên tiếp dội lên người bà. Không moi được gì, chúng đem máy quay điện đến. Bà chỉ còn thấy những tia xanh đỏ lóe lên trước mặt, toàn thân rung lên rồi không biết gì nữa.
    Ngất đi, tỉnh dậy không biết bao lần nhưng bà không hé răng khai nửa lời khiến bọn mật vụ cay cú trói bà vào ghế.
    Địch đổi cách tra tấn. Chúng cho một tên nói năng nhỏ nhẹ đến tâm sự. Nó nói: 'Như thế là chúng đánh dì 4 cách rồi, còn 3 cách nữa, ác lắm, con sợ dì không chịu được.
    Vì vậy dì nên khai đại đi, nếu chúng không lập được hồ sơ về dì thì con sợ chúng đánh dì chết mất'.
    Bà nghĩ: 'Chúng bay còn 3 cách, chứ 30 cách tra tấn nữa, tao cũng không sợ'. Bà lại tiếp tục im lặng khiến tên này không moi được gì.
    Tức giận, địch treo ngược bà lên, đạp văng từ bên này sang bên kia, có lúc quay tít như con quay, đầu óc choáng váng, nước mắt, nước mũi trào ra.
    Sau chúng giúi đầu bà xuống thùng nước xà phòng, bắt bà uống nước đầy bụng, rồi trói chặt bà vắt lên nắp thành phuy chứa nước bẩn, đưa máy quay điện dí sát vành tai rồi quay mạnh.
    Bà bị hất nhào đầu xuống nước, toàn thân co giật liên hồi. Khi tỉnh dậy, nhớ lời dạy của Bác Hồ: 'Uy vũ bất năng khuất', bà thì thầm:
    'Bác ơi, dẫu cháu có phải chết, cháu cũng sẽ đứng vững, sẽ xứng đáng là người đảng viên của Đảng do Bác sáng lập'.
    Nghĩ đến các cơ sở đã che giấu cho mình, bà càng có thêm quyết tâm chịu đau, không khai nửa lời.
    Khoảnh khắc đời thường của bà Đinh Thị Vân
    Khoảnh khắc đời thường của bà Đinh Thị Vân
    Sau mấy ngày địch không tra tấn, chúng gọi bà lên và nói: 'Nếu thực sự bà chỉ là người buôn bán, thì giấy bút đây, bà viết hai câu: Đả đảo Cộng sản, đả đảo Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ thả bà ngay'.
    Bà lấy lý do tay đau, với lại Cụ Hồ có bắt bớ gì bà đâu mà bà đả đảo. Nó bảo bà hô bằng miệng cũng được, bà không kìm được, đứng dậy chỉ vào mặt tên chủ sự:
    'Tổ sư cha cái thằng Ngô Đình Diệm tay sai nhà mày'.
    Tên chủ sự đạp bà bắn vào chân tường. Bà ngất lịm. Lại những cuộc tra tấn chết đi, sống lại. Bà giật dây chuyền, bông tai ném xuống rồi nghiến răng nói:
    'Mày cứ quay điện đi, quay nữa đi, quay cho tao chết đi, tao không sợ. Bỏ đây tao quay cho'. Bà bứt dây trói, cầm lấy bình quay tít, người bung khỏi ghế, đầu lao xuống nhà, lịm đi.
    Không còn cách nào khai thác, địch đưa bà đến sở thú, nơi chúng có những phương thức tra tấn vô cùng dã man.
    Bà lấy ghim cài đầu, hì hụi khắc vào tường: 'Tôi là Trần Thị Mỹ, quê ở Nam Định, bị bắt ngày 19/8/1959, qua an ninh quân đội, trại Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt.
    Hôm nay quay về đây, tôi sẵn sàng chết ở đây'. Được mấy hôm, chúng lại bịt mắt, giải bà đến chỗ tên Phan Khanh, một tên cáo già trong tra khảo tù binh.
    Tên này dẫn chuyện mẹ bà ở Nam Định đã chết trong cải cách ruộng đất, hòng lung lạc bà nhưng không khai thác được gì.
    Về sau, lợi dụng chính phủ ngụy quyền liên tục đảo chính, lật đổ lẫn nhau, bà đã thoát ra khỏi nhà tù, tiếp tục gây dựng mạng lưới tình báo.
    Bà và mạng lưới của bà đã cung cấp sớm cho tổ chức những tin quan trọng như: Việc Mỹ đưa bao nhiên quân vào miền Nam, sự bố trí giữa quân Mỹ và quân ngụy, hỗn hợp quân Mỹ-ngụy;
    Kế hoạch xây dựng nghĩa quân, địa phương quân của địch trên 43 tỉnh, thành miền Nam; chiến dịch 'ba mũi tên tìm-diệt' mà Mỹ-ngụy dự định tiến hành;
    Âm mưu của địch trong chiến dịch (Junction City) Gian-sơn Xi-ti với ý đồ đập tan cơ quan đầu não Việt cộng; các thông tin phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta trong Xuân Mậu Thân năm 1968.
    Cho đến khi bà rút khỏi Sài Gòn, địch không hề hay biết về mạng lưới tình báo của bà. Bà đã nêu cao phẩm chất của người đảng viên cộng sản, hy sinh hạnh phúc riêng vì lý tưởng cách mạng.
    Ngày 25/8/1970, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và là anh hùng đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng, với lời tuyên dương:
    'Đồng chí Đinh Thị Vân thiếu tá bộ binh, là một cán bộ mẫu mực, trung thành, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, có năng lực vận động tổ chức quần chúng giỏi, bám chắc cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng trong những hoàn cảnh rất khó khăn'.
    Những năm tháng cuối đời, bà luôn được sống trong vòng tay yêu thương của đồng đội, nhân dân.
    Theo Hồng Hải - Thanh Xuân - Thu Hùng/Qdnd.vn

    Huyền thoại tình báo VN (Kỳ 2): Phương Tây choáng váng với tướng Ẩn

    Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, người cán bộ tình báo được cả thế giới biết đến như một 'điệp viên hoàn hảo'.
      Bằng chất giọng hóm hỉnh, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) - Anh hùng LLVT nhân dân (nguyên Cụm trưởng Cụm H63) kể cho chúng tôi hồi ức về những ngày tháng cùng Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) tung hoành trong sào huyệt của địch.
      Khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, Phạm Xuân Ẩn được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, được mời ra thủ đô Hà Nội dự lễ mừng chiến thắng và được gặp gỡ nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội.
      Được tin này, giới báo chí phương Tây, trong đó tất nhiên có nhiều người là nhân viên tình báo quốc tế đã từng đến Sài Gòn, vô cùng sửng sốt: 'Phạm Xuân Ẩn là tình báo của Việt Cộng ư? Thật không thể tin nổi!'.
      Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Tư Cang. Ảnh: NGUYỄN HỒNG.
      Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Tư Cang. Ảnh: NGUYỄN HỒNG.
      Trước 30/4/1975, Phạm Xuân Ẩn là phóng viên thường trú của Báo Time, một tờ thời báo của Mỹ tại Sài Gòn, có văn phòng trên đường Hàn Thuyên, ngay trước cửa Dinh Độc Lập.
      Anh cũng cộng tác chặt chẽ với nhiều tờ báo lớn của Mỹ như: Newsweek, New York Herald Tribune…
      Hai Trung và Tư Cang thường lui tới ngôi nhà gỗ góc đường Hai Bà Trưng và Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai).
      Nơi này là văn phòng của tờ Chistian Science Monitor (Người hướng dẫn khoa học cơ đốc giáo) để trò chuyện thân mật với một cô phóng viên người Mỹ.
      Có lần, Phạm Xuân Ẩn đứng tên đồng tác giả với cô này trên một bài báo. Vì bài báo có vài ý 'không hay' đối với cuộc chiến tranh mà Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam nên anh Ẩn bị Tòa Đại sứ Mỹ gọi lên 'dằn mặt'.
      Ẩn đưa bài báo cho Tư Cang xem và thuật lại: 'Tụi nó mở tủ rút ra một tập hồ sơ về tôi, từ lý lịch cá nhân đến mọi hành động, mọi sự di chuyển của tôi từ khi qua Mỹ học nghề làm báo đều được ghi lại đầy đủ, chi tiết. Tình báo Mỹ làm việc cẩn thận lắm…'.
      Rồi anh cười và nói tiếp: 'Chỉ có chuyện 7 ngày tôi vào Chiến khu Củ Chi bồi dưỡng chính trị trước khi anh Mười Hương phái tôi sang Mỹ để học nghề báo là họ không có trong hồ sơ…
      Trong buổi tiếp xúc sáng hôm ấy, họ có ý làm cho tôi thấy: Tôi nằm trong tầm ngắm của họ, đừng dại dột mà chống đối hoặc làm điều gì trái ý'.
      Sau khi tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (Geneve) năm 1954, Tư Cang được Cục II (nay là Tổng cục II) rút về Hà Nội bồi dưỡng thêm nghiệp vụ tình báo rồi đưa trở lại miền Nam cuối năm 1961 với quân hàm đại úy.
      Từ đó, ông được giao nhiệm vụ Cụm trưởng Cụm H63, trong đó Phạm Xuân Ẩn được coi là chủ lực của cụm.
      Trong mấy năm liền, Tư Cang và Phạm Xuân Ẩn trao đổi liên lạc bằng thư từ qua đường giao thông mật.
      Cụm H63 đóng tại khu du kích Củ Chi, nếu theo đường Hóc Môn, cụm chỉ cách Sài Gòn không quá 50 cây số.
      Thường thì cứ tối đến, Tư Cang vào ấp chiến lược trao thư cho giao thông viên thì sáng hôm sau, Phạm Xuân Ẩn trong Sài Gòn đã nhận được.
      Còn Phạm Xuân Ẩn, cứ mỗi sáng đi làm, dừng ô tô bên lề chợ Cũ, vào mua thực phẩm cho chim, để lại trong cái rổ của chị bán vàng giả món gì đó thì đến chiều món 'hàng' ấy về đến căn cứ của cụm.
      Tin gấp thì dùng điện đài báo cáo kịp thời về trên, còn tài liệu, phim ảnh thì đường dây võ trang hỏa tốc đưa về Phòng Tình báo Miền trên rừng Tây Ninh.
      Đó là 'chuyện thường ngày' mà hai ông đã qua mặt tình báo Mỹ, qua mặt bọn phản bội đầu hàng tay sai chỉ điểm. Để tránh thành quy luật, hai người phải thay đổi luôn về thời gian, địa điểm, con người.
      Nhà báo Phạm Xuân Ẩn làm việc tại tòa báo Time, số 7, Hàn Thuyên, Sài Gòn năm 1973
      Nhà báo Phạm Xuân Ẩn làm việc tại tòa báo Time, số 7, Hàn Thuyên, Sài Gòn năm 1973
      Trong suốt những năm chống Mỹ, Cụm H63 không bị lộ người nào, lưới giao thông mật trong Sài Gòn và các ấp chiến lược xung quanh gồm 14 chị em giao thông đều nguyên vẹn đến ngày hòa bình.
      'Chị bán vàng giả', giao thông đặc biệt với Phạm Xuân Ẩn trong Sài Gòn là Nguyễn Thị Ba, ngày giải phóng miền Nam được phong cấp thiếu tá, được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.
      Từ đầu năm 1966, lúc Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, đẩy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên đỉnh điểm can thiệp, Thủ trưởng Phòng Tình báo Miền chỉ thị Tư Cang vào Sài Gòn trực tiếp cùng cụm nâng cao hiệu suất phục vụ tài liệu, tin tức, cùng giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra.
      Vào Sài Gòn, cùng bàn bạc công việc, cùng đi thực hiện các chỉ thị công tác cấp trên giao, Phạm Xuân Ẩn và Tư Cang rất gắn bó, tình cảm thân thương và tôn trọng lẫn nhau.
      Có lần, sau khi lấy được và gửi về trên một tài liệu rất quan trọng về ý đồ chiến lược của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam, cấp trên thông báo tặng thưởng cho Phạm Xuân Ẩn một Huân chương Chiến công hạng nhất.
      Tư Cang báo tin vui ấy cho Phạm Xuân Ẩn. Bằng giọng rất cảm động, Phạm Xuân Ẩn nói: 'Tôi cảm ơn sự quan tâm của cấp trên đối với tôi. Đó cũng là trách nhiệm của tôi mà thôi'.
      Ngưng một chút, giọng trầm hơn, ông nói tiếp: 'Nhưng cuộc chiến tranh còn dài, đời người cán bộ tình báo biết bao giờ mới có cơ hội để đeo tấm huân chương cao quý ấy. Vở kịch còn đang diễn, màn chưa hạ…'.
      Có lần, hai ông được giao một nhiệm vụ, cả hai phải bàn đi tính lại suốt cả tháng trời, mấy lần xin ý kiến cấp trên phương án thực hiện, sau cùng mới quyết định.
      Đó là việc đưa một lá thư (kèm ảnh) của Trung ương Đảng bạn cho một đối tượng đang làm việc trong một sứ quán của một nước tư bản tại Sài Gòn.
      Trao lá thư, tức lộ mình là Việt Cộng, có thể bị bắt ngay tại chỗ. Phạm Xuân Ẩn thi hành xong, trở ra gặp Tư Cang và nói:
      'Tay tôi đưa lá thơ mà tự nhiên đầu gối phát run lên, mấy chục năm làm tình báo tôi chưa khi nào run như vậy'.
      Sau giải phóng, có lần Phạm Xuân Ẩn đã nói với Tư Cang: 'Bây giờ ôn lại công việc của tụi mình, tôi không hiểu nổi tại sao tôi với anh không bị giặc phát hiện, bắt giam, tra tấn, thủ tiêu như nhiều anh chị em tình báo khác cùng hoạt động trong thành. Tôi và anh chắc cao số…'.
      Tư Cang không tin vào tướng số nhưng với câu đùa của Phạm Xuân Ẩn, ông lý giải: 'Theo tôi nghĩ: Khi người cán bộ tình báo đã xác định sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc thì dù ở trong lòng địch nhưng tâm hồn rất thanh thản, phong thái rất ung dung.
      Đó là yếu tố chính đánh bại mọi nghi ngờ của kẻ thù. Thêm vào đó là phương pháp bình phong.
      Ẩn là một nhà báo của Mỹ, được đào tạo bài bản từ bên Mỹ, lại được thu nhận làm việc trong Sở Nghiên cứu chính trị của bác sĩ Trần Kim Tuyến-là cơ quan mật vụ cao nhất, nhiều quyền lực nhất của chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ thì còn ai nghi ngờ gì Phạm Xuân Ẩn nữa? Đó là bình phong.
      Còn mưu mẹo thì anh ấy có nhiều mưu mẹo qua mặt địch'.
      Ông Tư Cang kể rằng: Phạm Xuân Ẩn khi ra đường thường dắt theo một con chó béc-giê to, giống chó rất đắt tiền. Một người trí thức, ăn mặc đàng hoàng, đúng thời trang, dừng chiếc ô tô bên lề đường...
      Phong cách ấy, ai có thể nghĩ đó là một cán bộ tình báo Việt Cộng? Phạm Xuân Ẩn đã chọn cho mình cách 'ngụy trang' kỹ lưỡng, dù đôi khi chỉ là những tiểu tiết rất nhỏ.
      Ví dụ như chuyện ông 'chỉ huy' chú chó ấy bằng tiếng Pháp. Có hôm, tại Nhà hàng Victory trên đại lộ Hàm Nghi, sau khi cùng Tư Cang trao đổi, bàn bạc công việc xong, Phạm Xuân Ẩn rời bàn đứng dậy đi trả tiền nước.
      Con chó từ nãy tới giờ nằm im dưới gầm bàn, vụt đứng dậy đi theo chủ. Ẩn quay lại, ra lệnh: 'Reste là!' (Đứng lại đó'. Con béc-giê dừng ngay tức khắc. Trả tiền xong, khi Phạm Xuân Ẩn trở về bàn, con chó cũng quay lại, đi theo anh.
      Anh lại ra lệnh: 'Couche toi!' (Nằm xuống). Con vật dễ thương chấp hành ngay, nằm khoanh dưới bàn. Thực khách trong nhà hàng, nhiều người rất ngạc nhiên, thích thú.
      Tư Cang cũng không nén nổi tò mò, hỏi về cách huấn luyện chú chó thì được Phạm Xuân Ẩn cho biết câu chuyện thú vị:
      Con chó này nguyên là của một quan chức cao cấp bên Pháp tặng cho tướng Nguyễn Cao Kỳ (lúc ấy giữ chức Trưởng ban Hành pháp, thực chất là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa).
      Biết giống chó quý, Phạm Xuân Ẩn bàn với người quản lý chó trong Dinh Độc Lập: 'Ông hãy làm cho nó ốm đói, ghẻ lở, xấu xí rồi đề nghị thanh lý cho tôi. Tôi sẽ không để ông thiệt'.
      Và thế là con chó thuộc về Phạm Xuân Ẩn.
      Tư Cang nhớ mãi lần đầu tiên ông gặp Phạm Xuân Ẩn. Đó là một ngày đầu năm 1966, nhận được tin nhắn của Tư Cang, Ẩn đến nhà cơ sở ở 136B đường Gia Long (đường Lý Tự Trọng-quận 1 hiện nay) để gặp và hai người rủ nhau ra đường phố Sài Gòn.
      Lúc đi trong hẻm, Ẩn lặng lẽ quan sát Tư Cang từ đầu đến chân và nói: 'Anh ở trỏng ra mà coi được lắm. Nhưng bộ đồ của anh mới quá, anh phải thay đồ cũ cũ một chút.
      Còn đôi giày, đôi này không xứng, để tôi dẫn anh đi thay ngay một đôi giày da…'.
      Buổi đầu gặp nhau giữa hai nhà tình báo đã thân mật, tự nhiên như vậy! Tình bạn giữa hai chiến sĩ tình báo tài năng, mưu lược được vun đắp qua cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, lắm hiểm nguy.
      Tình bạn ấy về già càng thêm mặn nồng. Những năm 2003 - 2004, Phạm Xuân Ẩn thường đi xe đạp vào nhà Tư Cang hái đu đủ xanh, nói làm thuốc chữa đau dạ dày cho vợ.
      Những năm sau ốm yếu, hai ông vẫn trao đổi, hỏi thăm nhau bằng điện thoại. Mỗi lần nhắc lại chuyện xưa, cả hai thường có câu:
      Không hiểu sao hai chúng mình không bị giặc bắt. Và bao giờ kết thúc câu chuyện cũng bằng những tràng cười sảng khoái, lạc quan, yêu đời.
      Đến năm 2006, bệnh phổi của Phạm Xuân Ẩn trở nặng, Tư Cang đến thăm ông ở Bệnh viên Quân y 175. Cầm tay Tư Cang, Phạm Xuân Ẩn nói, vẫn với nụ cười hóm hỉnh như ngày nào:
      Còn sống đến ngày nay, tôi với anh may mắn hơn nhiều đồng đội. Hồi ấy, đồng đội của chúng ta vào thành bị bắt nhiều quá, riêng hai đứa mình lọt qua hết, không may mắn thì gọi là gì? Chắc lá số tử vi của hai đứa mình tốt lắm!
      'Ẩn là một người hay đùa, đùa đến phút chót cuộc đời mình' - ông Tư Cang nhận xét về người bạn chiến đấu thân thiết như vậy.
      Theo Hồng Hải - Thanh Xuân - Thu Hùng/Qdnd.vn

      Huyền thoại tình báo VN (Kỳ 3): Nguyên mẫu điệp viên phim 'Ván bài lật ngửa'

      Nhiệm vụ mà nhà tình báo cách mạng Phạm Ngọc Thảo đã làm, đến nay vẫn được coi là 'có một không hai'.
        Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nhận định: 'Anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta'.
        Trong cuốn sách 'Điệp viên hoàn hảo', nhà sử học người Mỹ Larry Berman đã dẫn lời điệp viên Phạm Xuân Ẩn: 'Nhiệm vụ được giao cho Phạm Ngọc Thảo khác với nhiệm vụ của tôi.
        Ông ấy có nhiệm vụ làm mất ổn định của chế độ Diệm và vạch âm mưu đảo chính, còn tôi là một nhà tình báo chiến lược. Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều'.
        Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Ngọc Thảo là tấm gương thầm lặng hy sinh, trung thành với lý tưởng cách mạng đến phút giây cuối cùng.
        Đối với kẻ thù, khi tra tấn Phạm Ngọc Thảo đến chết, chúng vẫn không hay biết ông là điệp viên cộng sản.
        Ông được đồng bào, chiến sĩ cả nước biết đến nhiều hơn sau khi nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý viết tác phẩm 'Ván bài lật ngửa' mà Phạm Ngọc Thảo là nguyên mẫu nhân vật chính.
        Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Ngọc Thảo
        Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Ngọc Thảo
        Hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã đề cập ngắn gọn về cuộc đời như huyền thoại của ông:
        'Đồng chí Phạm Ngọc Thảo (tức Phạm Thao), SN 1922, tại tỉnh Long Xuyên, dân tộc Kinh.
        Tham gia cách mạng năm 1945, nhập ngũ 1946. Lúc hy sinh, đồng chí là Đại tá, cán bộ Cục Nghiên cứu, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
        Tháng 8/1945, đồng chí tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn. Đầu năm 1946, đồng chí được cử ra miền Bắc học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân I).
        Ra trường, đồng chí trở lại miền Nam hoạt động ở địa bàn Khu 8, Khu 9. Cuối năm 1947, được trên giao làm Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ (cơ quan tình báo của ta).
        Với tinh thần trách nhiệm, trong một thời gian ngắn, đồng chí đã thống nhất được các lực lượng tình báo toàn Nam bộ.
        Năm 1949, được trên điều sang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410 chủ lực Khu 9, tiểu đoàn đã chiến đấu nhiều trận thắng lợi lớn, góp phần mở rộng vùng giải phóng.
        Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhận chỉ thị của tổ chức, đồng chí ở lại miền Nam, dựa vào thế lực là một gia đình trí thức, theo Thiên Chúa giáo, thân cận với gia đình họ Ngô, đồng chí đã thâm nhập đi sâu, leo cao vào chế độ ngụy quyền miền Nam, phục vụ yêu cầu tình báo chiến lược.
        Trong thời gian làm việc trong chế độ ngụy, Phạm Ngọc Thảo lần lượt là: Năm 1956, được phong Đại úy, Tỉnh trưởng Bảo an Vĩnh Long.
        Năm 1957, được đề bạt Thiếu tá, thuộc Sở Nghiên cứu chính trị-xã hội của Phủ Tổng thống (cơ quan mật vụ của ngụy do Trần Kim Tuyến phụ trách).
        Năm 1958, được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre).
        Cuối năm 1961, do bị nghi ngờ là nội tuyến của Việt Cộng, nên địch điều đồng chí đi học nước ngoài, đến giữa năm 1962 về đảm nhiệm chức Tham vụ chuyên môn Phủ Tổng thống.
        Phạm Ngọc Thảo nhận bằng tốt nghiệp khóa học về chỉ huy tham mưu trên đất Mỹ
        Phạm Ngọc Thảo nhận bằng tốt nghiệp khóa học về chỉ huy tham mưu trên đất Mỹ
        Với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, với ý thức kỷ luật cao, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ tình báo mưu trí, sáng tạo, giành thế chủ động tấn công địch.
        Những năm làm tỉnh trưởng, với bình phong bất lợi nhưng đồng chí đã cung cấp được nhiều tin tức, tài liệu liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu, nên đã ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do các cuộc hành quân quy mô lớn của địch gây ra.
        Lợi dụng chức vụ tỉnh trưởng, đồng chí đã đẩy được 1 trung đoàn của Sư đoàn Bộ binh 3 của ngụy, 5 tiểu đoàn biệt động do địch đưa về đàn áp phong trào du kích Bến Tre ra khỏi tỉnh.
        Hoặc khi địch mở cuộc hành quân ở khu vực nào đó, đồng chí đã bí mật báo cho lực lượng ta biết để đối phó…
        Năm 1965, không may sa vào tay địch, chúng tra tấn đồng chí rất dã man, song không hề lay chuyển được ý chí sắt đá của đồng chí.
        Cay cú trước khí phách hiên ngang của người cộng sản, địch đã giết hại đồng chí.
        Đồng chí Phạm Ngọc Thảo là một cán bộ tình báo chiến lược, được Trung ương trực tiếp chỉ đạo đi sâu, leo cao vào những vị trí trọng yếu của địch.
        Với bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí đã lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.
        Đồng chí đã được truy phong quân hàm Đại tá và được công nhận liệt sĩ.
        Xét thành tích đặc biệt xuất sắc của đồng chí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 30/8/1995, đồng chí được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân'.
        Vì nhiều lý do, nhiều chi tiết, câu chuyện như huyền thoại về cuộc đời hoạt động của Phạm Ngọc Thảo đến nay vẫn chưa được công bố.
        Nhiều nhà phân tích tình báo quốc tế đã gọi Phạm Ngọc Thảo là 'điệp viên có một không hai' vì ông là điệp viên hoạt động đơn tuyến, không có đồng đội trực tiếp hỗ trợ, chỉ chịu sự chỉ đạo về chiến lược của Trung ương.
        Nhiệm vụ của ông không phải là thu thập tin tức mà là tác động đến sự 'rối loạn chế độ ngụy quyền'. Bằng hoạt động của mình, Phạm Ngọc Thảo là người có thể tác động trực tiếp đến ngụy quân, ngụy quyền.
        Là sĩ quan cao cấp trong Quân lực Việt Nam cộng hòa, ông đã trực tiếp đạo diễn và tham gia chỉ đạo hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển, gây mất ổn định chính phủ ngụy quyền những năm 1964 - 1965.
        Trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái quân đội ngụy, Phạm Ngọc Thảo bị xem là đối tượng nguy hiểm và bị đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào.
        Mặc dù vậy, ông vẫn tiếp tục nhiệm vụ mà không trốn chạy để bảo toàn tính mạng. Thậm chí, cả khi bị bắt và tra tấn dã man, tàn bạo đến chết, Phạm Ngọc Thảo vẫn không hé lộ tung tích của mình.
        Mãi sau này, khi ông được truy phong Anh hùng LLVT nhân dân, người ta mới biết ông là điệp viên cộng sản.
        Đồng chí Trần Bạch Đằng (bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý), nguyên Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, cũng nhận xét:
        'Các nhà tình báo thông thường có nhiệm vụ giấu mình, thu thập, khai thác tin tức chuyển về trung tâm.
        Riêng Phạm Ngọc Thảo đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, tung hoành hoạt động vì Tổ quốc cho tới tận lúc hy sinh, trường kỳ mai phục và độc lập tác chiến. Anh là người tình báo đặc biệt có một không hai'.
        Theo dịch giả Lê Đỗ Huy, trong công văn tháng 6/1965 của tình báo Mỹ, có tài liệu nhan đề Đại tá Phạm Ngọc Thảo (Colonel Pham Ngoc Thao, 4/6/1965).
        Điện mật này đánh số 00780, do William Colby, Phó giám đốc về kế hoạch cơ quan CIA ở Sài Gòn viết như sau:
        1. Đã phát hiện được Phạm Ngọc Thảo tung tăng lượn phố ngay giữa Sài Gòn và giúp đỡ chủ bút của một tờ báo bí mật.
         (Hai đoạn số 2 và 3 bị CIA xóa khi giải mật)
        4. Vấn đề này quả là nghiêm trọng, trên 2 phương diện. Thứ nhất, chính quyền hiện hành của Việt Nam cộng hòa vẫn ngại ngùng, không có chủ trương bắt và hành hình Phạm Ngọc Thảo.
        Còn rất ít nghi ngờ về chỗ ẩn nấp của Thảo ở Sài Gòn, cũng như một kế hoạch phối hợp cảnh sát để bắt giữ Thảo.
        Chính quyền Sài Gòn lại luận giải một cách chắc chắn rằng Thảo là một biểu tượng của người Công giáo, tới mức, việc bỏ tù/thủ tiêu Thảo trong tình hình như thế này sẽ gây bùng nổ.
        Cách suy luận như thế của Thủ tướng Quát lại được dung túng bởi Công văn số 4003 ngày 2 tháng Sáu của Sứ quán Mỹ từ Sài Gòn.
        Theo đó Đại sứ Taylor báo cáo rằng Quát đã nhất trí để cho Thảo và một số người khác bí mật rời đất nước, cho dù chính Quát hiểu rằng cần có một kỷ luật cấp quốc gia cao hơn.
        5. Vấn đề thứ hai là cốt cách của Thảo. Ông ta tin vào sứ mạng cứu nhân độ thế, xả thân vì dân tộc mình, như một thiên sứ.
        Ông ta biết rõ mình phải làm gì. Lung lạc được Thảo bởi tiền tài hay hình phạt, kể cả tử hình, để ông ta ngừng tạo ra tình thế chỉ có lợi cho một mình Việt Cộng, rõ ràng là điều không thể.
        Việc Thảo không sợ bị trừng phạt còn do ông ta được bảo trợ bởi các thủ lĩnh quân sự Công giáo. Cũng không có bằng chứng rõ rệt rằng, Thảo đang không được Việt Cộng hỗ trợ một cách bí mật.
        Cho đến nay, điệp viên Phạm Ngọc Thảo vẫn được xem là một bí ẩn khó có thể giải mã của báo chí quốc tế.
        Có nhà báo đã viết: 'Sự bí ẩn không phải vì xung quanh ông vẫn còn những bí mật quân sự, cũng không phải xung quanh ông có những điều 'nhạy cảm' khó nói.
        Khó giải mã là do tầng tầng lớp lớp những biến cố lịch sử, những quan hệ, sự thiên biến vạn hóa của chiến lược, chiến thuật, kỹ thuật, nghệ thuật chiến tranh tồn tại trên chiến trường, trên chính trường và trong cuộc sống nhưng nằm ngoài sách vở và các bản tổng kết'.
        Còn Thiếu tướng tình báo Nguyễn Đức Trí (Nguyễn Văn Khiêm) nhận xét: 'Trong lịch sử tình báo nước ta, câu chuyện ly kỳ như Phạm Ngọc Thảo là hãn hữu'Theo Hồng Hải - Thanh Xuân - Thu Hùng/Qdnd.vn

        Huyền thoại tình báo VN (Kỳ 4): 'Ông tướng tình báo và 2 bà vợ'

        Thiếu tướng Đặng Trần Đức hoạt động ngay trong sào huyệt cơ quan tình báo của Địch - Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy.
          Đặng Trần Đức (bí danh: Ba Quốc) SN 1922, quê ở Thanh Trì (Hà Nội), nhập ngũ tháng 5/1949.
          Tham gia cách mạng từ ngày đầu giành chính quyền ở Hà Nội năm 1945, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời xã Thanh Trì rồi công an huyện Thanh Trì.
          Năm 1950, theo yêu cầu của Đảng và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, ông được tổ chức bố trí vào hoạt động trong hàng ngũ địch.
          Ông đã cung cấp nhiều tin tức, tài liệu về địch có giá trị, phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
          Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, theo chỉ thị của tổ chức, ông đi theo con đường của địch vào hoạt động tại Sài Gòn.
          Một ngày làm việc trong thời bình của Thiếu tướng Đặng Trần Đức
          Một ngày làm việc trong thời bình của Thiếu tướng Đặng Trần Đức
          Lúc đầu, ông chỉ làm nhân viên kế toán nhưng với nhãn quan chính trị nhạy bén, ông từng bước tiếp cận và ghi điểm trong mắt Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị (thực chất là một cơ quan mật vụ chống Cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm).
          Ba Quốc là một trong những 'phụ tá trung thành' của Trần Kim Tuyến.
          Sau khi vượt qua những cuộc sát hạch bằng máy kiểm tra nói dối của Mỹ, ông ngày càng chiếm được niềm tin của các nhân vật cộm cán trong Phủ Đặc ủy.
          Nhờ đó, ông được tiếp cận với nhiều tài liệu quan trọng trong cơ quan tình báo của ngụy.
          Đặc biệt, ông khéo léo lợi dụng sơ hở và những mâu thuẫn của chính quyền ngụy để củng cố vị trí, tăng cường khả năng thu thập tin tức.
          Như sau cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ông nắm được thông tin về mặt trận Khe Sanh lúc đó có thể sẽ biến thành một 'Điện Biên Phủ thứ hai' và người Mỹ đang có nhiều tính toán để thoát khỏi thế sa lầy ở Việt Nam.
          Một trong những cách thoát khỏi tình trạng sa lầy là nếu không có lối thoát về quân sự, Mỹ sẽ thực hiện một cuộc đảo chính, thay chính quyền quân sự bằng một chính quyền dân sự để 'thương thuyết với Việt cộng'.
          Nắm được tình hình đó, ông khéo léo đưa thông tin này đến tai Linh Quang Viên, Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Đặc ủy trưởng Phủ Đặc ủy Tình báo trung ương ngụy.
          Theo 'hiến kế' của ông Ba Quốc, Viên cho lập một phòng gọi là Phòng Tình hình - nơi tập trung tất cả mọi tin tức về lĩnh vực an ninh tình báo.
          Ông được tin dùng, đưa về Phòng Tình hình, để từ đó, ông có điều kiện liên kết với các phần tử đối lập với chính quyền Thiệu và qua đó tiếp cận, nắm được các nguồn tin tình báo quan trọng trong Phủ Đặc ủy.
          Công tác tại Phòng Tình hình là cơ hội để Ba Quốc tiếp cận các tủ chứa tài liệu tuyệt mật của tên Thiếu tá Nguyễn Văn Giàu.
          Ông kể lại: 'Hằng ngày, cứ 7h30 sáng, Giàu đến phòng làm việc, 9h30 đi uống cà phê, 10h30 trở về nhận tin hay tiếp xúc với các trưởng ban thuộc Sở Giao dịch dân sự, ký các giấy tờ công văn... cho đến hết ngày.
          Sáng thứ bảy ông ta tiếp cố vấn Mỹ Tom Barret, chiều thứ bảy nghỉ cho đến sáng thứ hai tuần sau…'.
          Một buổi sáng, lúc gần đến 9h30, Ba Quốc cầm một tập hồ sơ lên phòng Nguyễn Văn Giàu. Đến trước cửa ông dừng lại.
          Biết ý, Giàu hỏi: 'Chắc anh cần làm việc riêng với ông Lê Liêm, anh cứ vào bàn giấy của tôi ngồi, tôi đi uống cà phê một lát'.
          'Được lời như cởi tấm lòng', Ba Quốc cảm ơn rồi bước vào, ngồi vào vị trí của Nguyễn Văn Giàu.
          Đợi Giàu bước ra một hồi lâu, ông mới mở tủ và phát hiện trong đó có một tập hồ sơ có tên 'Stay behind in North Vietnam' - (tạm dịch là: Các mạng lưới gián điệp được cài cắm lại ở miền Bắc Việt Nam).
          Đây chính là mục tiêu từ lâu của Ba Quốc.
          Ước lượng Nguyễn Văn Giàu đi uống cà phê trong khoảng 1 tiếng, trong tay không có máy chụp ảnh nên Ba Quốc chỉ còn cách là… chép tay lại, mỗi lần chép một ít, vừa chép vừa nhìn đồng hồ để tính toán giờ giấc cất hồ sơ vào tủ.
          Ông kể: 'Từ hôm đó trở đi, cứ mỗi lần nhìn thấy tủ hồ sơ của Nguyễn Văn Giàu hé mở là tôi lại canh đến giờ cà phê của Giàu để mang hồ sơ lên.
          Lần nào cũng vậy, Giàu lại nhường chỗ cho tôi. Khoảng nửa tháng, tôi chép hết 35 bộ hồ sơ của 35 ổ gián điệp cài ở miền Bắc'.
          Trong thời gian chép lại hồ sơ gián điệp, chỉ duy nhất một lần ông Ba Quốc bị nữ thư ký đánh máy tài liệu mật tên là Nguyễn Thị Lệ bất ngờ bước vào và nhìn thấy ông đứng cạnh tủ tài liệu mật của Nguyễn Văn Giàu nhưng cô ta không hề tỏ vẻ ngạc nhiên hay có phản ứng.
          Theo ông Ba Quốc, có lẽ cô nhân viên này từng nhìn thấy ông ngồi làm việc tại bàn giấy của Nguyễn Văn Giàu nên cô ta coi việc ông đứng trước tủ hay ngồi ở bàn là chuyện tất nhiên.
          Toàn bộ 35 bộ hồ sơ gián điệp ở miền Bắc, Ba Quốc chuyển cho cơ sở gửi về cấp trên. Các nhóm gián điệp này sau đó bị ta bắt gọn.
          Được địch tin dùng ở vị trí ngày càng cao, Ba Quốc càng có điều kiện tiếp xúc với các nhân vật cao cấp trong chính quyền tay sai ngụy Sài Gòn.
          Nhờ đó, tin tức khai thác được ngày càng phong phú, không chỉ về an ninh mà cả các kế hoạch quân sự của địch, ý đồ giải quyết chiến tranh của Mỹ…
          Những tin tức, tài liệu được kịp thời gửi lên trên, giúp ta chỉ đạo đánh địch.
          Ngoài ra, ông còn khẩn cấp báo tin về những cuộc vây bắt của cảnh sát địch nhằm bắt một số cán bộ của ta hoạt động ở nội thành, giúp cho cơ quan có trách nhiệm thông báo bảo đảm an toàn cho cán bộ ta, đồng thời làm tốt việc phá hoại nội bộ địch.
          Chân dung Thiếu tướng Đặng Trần Đức
          Chân dung Thiếu tướng Đặng Trần Đức
          24 năm hoạt động trong hàng ngũ địch, ông đã thu được nhiều tài liệu, tin tức có giá trị của địch cho cách mạng, trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, ông luôn giữ vững ý chí, phẩm chất đạo đức người cách mạng và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
          Trong cuộc đời hoạt động tình báo đặc biệt xuất sắc và bí hiểm của ông, những người thân trong gia đình ông đã chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh.
          Để bảo vệ vỏ bọc cho ông hoạt động, có người đã bị chế độ ngụy quyền bắt bớ, tra tấn, đàn áp; vợ con ông ở lại miền Bắc cũng chịu không ít điều tiếng nhưng vẫn thầm lặng chịu đựng để ông yên tâm hoạt động.
          Cuộc đời tình báo của Ba Quốc là một huyền thoại nhưng câu chuyện 'ông tướng tình báo và 2 bà vợ' của ông cũng nhuốm màu huyền thoại.
          Chuyện là, trước năm 1954, khi hoạt động trong nội thành Hà Nội, ông Ba Quốc bị Vũ Đình Lý, Trưởng Công an Hà Nội, nghi ngờ nhưng vì nể ông quen thân với Đàm Y, Quận trưởng Quận 1 Hà Nội, nên không ra lệnh bắt.
          Vũ Đình Lý đã cho lập hồ sơ nghi vấn ông là nhân viên công an Việt Minh, giao cho cấp dưới tiếp tục theo dõi…
          Cho nên, khi tổ chức chỉ thị cho ông 'theo địch vào Nam' tiếp tục hoạt động, nếu một mình ra đi, ông Ba Quốc có nguy cơ bị lộ tung tích vì hồ sơ nghi vấn ông là Việt Minh vẫn chưa được giải quyết.
          Trong khi đó, vợ chồng ông Đàm Y lại có ý gá nghĩa ông với người cháu gái của họ để chuẩn bị cho cuộc di cư vào Nam đang sắp sửa bắt đầu.
          Trước tình hình đó, tổ chức đề nghị ông Ba Quốc nên thuận theo sắp xếp của Đàm Y để xóa bỏ tận gốc hồ sơ 'Việt Minh nằm vùng', củng cố vỏ bọc vững chắc cho chặng đường hoạt động gian nan và lâu dài phía trước.
          Trước yêu cầu của tổ chức, ông Ba Quốc quyết định nói thật với vợ mình.
          Điều ông không ngờ là vợ ông, bà Phạm Thị Thanh (lúc này ông bà đã có 2 con, 1 trai, 1 gái) quyết định đặt quyền lợi đất nước lên trên hạnh phúc lứa đôi.
          Khi nghe chồng chia sẻ về nhiệm vụ vào Nam hoạt động, phải lấy vợ khác để tạo vỏ bọc tốt nhất, bà Thanh lặng lẽ gật đầu nhưng với điều kiện:
          Ông Ba Quốc phải trao lại đôi hoa tai (quà cưới trước đây của bà) cho người vợ sau và phải ghi trên giấy tờ vợ sau là vợ kế...
          Chị Đặng Thị Hữu Hạnh, con gái ông Ba Quốc với người vợ sau, đã có lần tâm sự: 'Trước năm 1975, khi nhìn tờ khai sanh của mình, tôi thấy dòng cuối, phần ghi là vợ chính thức hay vợ kế, bố tôi ghi là vợ kế.
          Tôi có hỏi bố tại sao gọi là vợ kế khi bố chỉ có một mình mẹ. Bố tôi nói khi nào con lớn lên thì bố sẽ nói cho nghe...
          Sau 1975, bố tôi mới lấy tờ khai sinh ra và nói rằng: Hồi trước con Hạnh có hỏi bố tại sao ở đây ghi là vợ kế mà không ghi là vợ chính thức thì bố giải thích luôn, bố hoạt động như thế này nên do điều kiện, bố đã có 2 người vợ'.
          Sau khi Ba Quốc 'theo địch vào Nam', vợ con ông bị bà con làng xóm hắt hủi, dè bỉu.
          Con gái ông - Đặng Thị Giang mới học cấp I đã phải chịu tổn thương về tâm lý khi bị bạn bè xa lánh.
          Trước sự miệt thị, khinh rẻ của hàng xóm, vợ con ông đã buộc lòng phải dời quê hương, dắt nhau lên nông trường Vân Lĩnh xin làm công nhân trồng chè.
          Vợ con ông đã sống trong những ngày tháng cô đơn, buồn tủi với nỗi ám ảnh là vợ con của một kẻ 'theo giặc'.
          Mãi đến sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), Ba Quốc ra Bắc, về quê tìm lại vợ con, nghe lại những 'nỗi đoạn trường' mà vợ con đã trải, ông xúc động nói với vợ: 'Em là một người anh hùng'.
          Ngày 6/11/1978, Đặng Trần Đức được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
          Ông mất năm 2004 trong niềm tiếc thương của gia đình, đồng chí, đồng đội.
          Theo Hồng Hải - Thanh Xuân - Thu Hùng/Qdnd.vn

          Huyền thoại tình báo VN (Kỳ cuối): Người chiến sĩ khiến CIA kinh ngạc

          Đại tá Nguyễn Văn Minh suốt 16 năm sống trong sào huyệt quân đội VNCH đã cung cấp nhiều tin tức cực kỳ quý báu.
            Năm 2006, tại Mỹ diễn ra Hội thảo quốc tế về 'Tình báo trong Chiến tranh Việt Nam', do Trung tâm Việt Nam, thuộc Đại học Công nghệ Texas cùng Trung tâm Nghiên cứu tình báo thuộc CIA phối hợp tổ chức.
            Một cựu nhân viên CIA đã nhận định rằng: 'Đúng là phải có một điệp viên cộng sản từng nằm ngay trong lòng Bộ Tổng Tham mưu (ngụy).
            Dường như không phải là sĩ quan cao cấp, không phải là tùy tùng thân cận của Tổng thống Thiệu, song chắc chắn nhân vật này đã gửi ra Bộ Chính trị Bắc Việt nhiều tin tình báo chiến lược'.
            Thông tin đó, về sau đã được giải mật. Đó là điệp viên mang bí số H3 của Phòng Tình báo B2, với hơn 20 năm sống trong lòng địch, 16 năm sống trong sào huyệt của Quân đội VNCH, đã thể hiện bản lĩnh kiên cường và mưu trí 'siêu việt'.
            Giữa 'biển giáo, rừng gươm', một mình hoạt động đơn tuyến, tính mạng lúc nào cũng treo 'trên miệng cọp' nhưng ông đã bình tĩnh hoạt động, hoàn thành tốt các chức trách mà quân đội ngụy giao cho, tạo nên 'tấm bình phong' an toàn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cách mạng giao phó.
            Ông là Đại tá tình báo Nguyễn Văn Minh, Anh hùng LLVT nhân dân.
            Điệp viên H3 và Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu (ngụy), nơi ông hoạt động trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
            Điệp viên H3 và Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu (ngụy), nơi ông hoạt động trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
            Nguyễn Văn Minh SN 1933, quê Hưng Yên, trong một gia đình thợ thủ công. Lớn lên, ông vào Sài Gòn tìm việc làm, lòng yêu nước đã thôi thúc ông tìm đến với cách mạng.
            20 tuổi, ông đã là một công nhân hoạt động bí mật cho Mặt trận Liên Việt giữa lòng Sài Gòn. Đến năm 1959, ông được Quận ủy Thủ Đức phái khiển tìm cách lọt vào quân đội ngụy quyền Sài Gòn.
            Năm 1963, lợi dụng sự kiện chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các phe phái ngụy quân, ngụy quyền chèn ép nhau để tranh quyền, đoạt lợi, ông đã tìm cách chui sâu vào hàng ngũ kẻ thù với chức danh nhân viên văn thư của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Có.
            Không lâu sau đó, Nguyễn Cao Kỳ lật đổ Nguyễn Hữu Có nhưng với vỏ bọc là một nhân viên quân sự mẫn cán, tận tụy với công việc, được nhiều người trong văn phòng quý mến nên ông được tân Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên tiếp tục tin dùng.
            Từ đó, H3 trở thành một trong 4 nhân viên văn thư của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng.
            Công việc hằng ngày của H3 là tiếp nhận và lưu trữ công văn đi-công văn đến giữa Văn phòng Tổng tham mưu trưởng với các cơ quan, đơn vị trong quân đội ngụy; đặc biệt là trao đổi công văn với Phủ Tổng thống, với các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân đoàn, quân khu.
            Công việc này tạo cơ hội để H3 tiếp xúc với các tài liệu tối mật của địch. Chính vì vậy, những tài liệu, tin tức mà H3 cung cấp cho ta rất có giá trị, bảo đảm độ chính xác cao.
            Làm việc trong môi trường tối mật như vậy, H3 luôn bị các cơ quan mật vụ, an ninh của địch để ý, theo dõi nhưng anh đã tìm ra cách hoạt động để che mắt kẻ thù.
            Không thể tiến hành sao chụp tài liệu vì nếu làm như thế dễ bị lộ, H3 đã rèn luyện để ghi nhớ, chép lại toàn bộ các công văn ông tiếp xúc hằng ngày rồi chuyển về lưới tình báo do đồng chí Hai Kim phụ trách.
            Cách làm này đòi hỏi trí não ông hoạt động không ngơi nghỉ. Đôi mắt ông lúc về già bị mờ đi rất nhanh do hoạt động quá tải trong hàng chục năm ròng.
            Để có thể nắm nhiều tài liệu của địch, ông khéo léo nhận về mình nhiều phần việc trong số 4 nhân viên văn thư.
            Ngày làm việc cho địch, đêm thức viết lại để báo cho tổ chức; rất nhiều đêm ông thức trắng để báo cáo cho hết các nội dung công văn đã nắm được hằng ngày.
            Hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân của ông viết ngắn gọn nhưng đã phần nào ghi lại những thành tích 'huyền thoại' của ông:
            'Được sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan tình báo, đồng chí đã cung cấp nhiều tài liệu có giá trị chiến dịch, chiến lược quan trọng mà tình báo cần, với nhiều tài liệu nguyên bản đạt độ tin cậy và chính xác cao, giúp cho cơ quan chỉ đạo chiến lược của ta hiểu rõ âm mưu ý đồ của địch như:
            Ý đồ bình định nông thôn, kế hoạch lấn chiếm xóa các vùng giải phóng theo kiểu 'lấp lỗ da báo'.
            Các tin tình báo do đồng chí Minh cung cấp là cơ sở tin cậy cho cơ quan chỉ đạo đánh giá đúng âm mưu ý đồ của Mỹ sau khi ký Hiệp định Paris năm 1973.
            Tin của đồng chí luôn giúp trên khẳng định: 'Đối với Mỹ không có nửa hòa, nửa chiến, Mỹ chỉ tìm cách xóa ta, nếu ta mạnh, Mỹ chịu thua, nếu ta yếu, Mỹ lấn tới'.
            Tháng 3/1974, đồng chí Nguyễn Văn Minh đã cung cấp kế hoạch quân sự vùng 4 (kế hoạch Lý Thường Kiệt), đây là kế hoạch quân sự hàng năm sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết.
            Tháng 4/1974, đồng chí tiếp tục báo cáo bổ sung về hoạt động của các đơn vị dự bị chiến lược dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, không quân... đồng thời báo cáo tóm tắt kế hoạch quân sự toàn miền Nam của Mỹ-ngụy
            Những tin tức của đồng chí cung cấp đã phục vụ cho Quân ủy Trung ương giải đáp một loạt các vấn đề chiến lược quan trọng trong một thời điểm then chốt.
            Chân dung Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Minh
            Chân dung Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Minh
            Khi ta chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tin tức của đồng chí đã giúp trên khẳng định:
            'Khi ta đánh vào Sài Gòn thì Mỹ không trực tiếp tham chiến trở lại', 'Mỹ coi như chiến tranh ở Việt Nam đối với Mỹ đã kết thúc, Mỹ sẽ không chi viện cho quân ngụy bằng lực lượng chiến đấu của Mỹ'.
            Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chọn giải pháp cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 trong thời gian ngắn nhất'.
            Ngoài những tin tức có ý nghĩa chiến lược trên, đồng chí còn cung cấp những tin tức về chủ trương mới của quân ngụy; theo dõi diễn biến toàn miền; tin địch nhận định về ta;
            Chủ trương đối phó của địch; việc bố trí binh lực giữa các quân khu; việc sử dụng lực lượng tổng trù bị dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, không quân;
            Việc địch tổ chức lại lực lượng sau những lần tổn thất; những hoạt động của địch nhằm phát hiện việc điều động bố trí lực lượng lớn của ta; những hoạt động đánh phá ngăn chặn ta và những khó khăn, lúng túng của địch...
            Hơn 20 năm hoạt động bí mật giữa lòng địch, có 16 năm hoạt động trong quân đội ngụy, trong đó có gần 10 năm nằm trong cơ quan Bộ Tổng Tham mưu ngụy, đồng chí đã tạo cho mình một vỏ bọc ở vị trí cao sâu.
            Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1973 - 1975), đồng chí là cơ sở chủ yếu cung cấp được khối lượng lớn tin tức, tài liệu về chiến dịch, chiến lược của địch, góp phần tích cực vào đại thắng Mùa xuân 1975, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.
            Trong sự kiện ngày 30/4/1975, khi Quân giải phóng đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy, chính Nguyễn Văn Minh đã động viên các viên chức trong văn phòng của tướng Cao Văn Viên gìn giữ, niêm phong kho tàng, hồ sơ, bảo toàn tài liệu, máy móc trong văn phòng để bàn giao cho Quân giải phóng.
            Chuyện kể rằng, khi đồng chí Bảy Vĩnh (cũng là một cán bộ tình báo), chỉ huy một bộ phận Quân giải phóng xông vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy đã 'đụng' một viên thượng sĩ nhất của ngụy như đang chờ đợi.
            Viên thượng sĩ 'quèn' đó đã ở lại cho tới 3 giờ chiều, khi mọi việc giao nộp sổ sách cho Quân giải phóng xong xuôi.
            Hệ thống máy tính lưu trữ hồ sơ của hơn 1 triệu quân ngụy cùng toàn bộ giấy tờ tại Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên được niêm phong không mất một tờ nào.
            Viên thượng sĩ ấy trực tiếp trao chìa khoá, dẫn Quân giải phóng tiếp quản tất cả những gì còn lại ở cơ quan đầu não của Quân đội Việt Nam Cộng hòa.
            32 năm sau (năm 2007), trong một gian nhà nhỏ ở TP HCM, Đại tá tình báo Bảy Vĩnh (cũng là Anh hùng LLVT nhân dân) nhớ lại khoảnh khắc đó:
            'Khi tôi và anh em xông vào thì thấy 2 nhân viên văn phòng ngồi chờ. Các ngăn tủ đã được khoá kín. Tôi hỏi đường lên nóc Bộ Tổng Tham mưu thì một người đàn ông cao, gầy chỉ đường...
            Mãi về sau này, tôi mới có dịp gặp lại 'kẻ chỉ đường' trong một tình huống hoàn toàn bất ngờ: Cuộc gặp mặt những anh em đồng đội của Phòng tình báo J22-Bộ Tham mưu Quân giải phóng miền Nam'.
            Cả 2 ông khi đó đã vào tuổi 'thất thập cổ lai hy', đều cùng nghỉ hưu với quân hàm đại tá.
            Thiếu tướng tình báo Sáu Trí (Nguyễn Văn Khiêm), nguyên Trưởng phòng tình báo Miền J22, đã ghi lại những dòng tưởng thưởng về người đồng đội ẩn danh H3:
            'Anh đã lấy tin, tài liệu về các phòng hành quân (BTTM); tin tức, tài liệu giá trị lâu dài như kế hoạch Lý Thường Kiệt; về lực lượng đặc biệt. Âm mưu và thủ đoạn bình định của địch.
            Tình hình quân số, bố trí quân (chủ lực và địa phương). Có những tin định kỳ quan trọng như biệt kích đổ bộ; tàu lặn, tinh thần quân đội Sài Gòn ở Quân khu 1 sau chiến dịch Quảng Trị của ta...
            Chất lượng công tác của H3 đáp ứng đúng yêu cầu của lãnh đạo trong giai đoạn then chốt của cuộc chiến tranh: Ta cần hiểu sâu về địch để giành toàn thắng'.
            H3-Nguyễn Văn Minh trở thành một trong những điệp viên huyền thoại, khiến kẻ thù kinh ngạc về bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần 'thép' của ông.
            Năm 1999, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân.
            Theo Hồng Hải - Thanh Xuân - Thu Hùng/Qdnd.vn
             

            Không có nhận xét nào:

            Đăng nhận xét