KÝ ỨC CHÓI LỌI 68

(ĐC sưu tầm trên NET)
 

     Kỳ tích xe tăng Việt Nam: Chỉ 2 thành viên, khoắng xuống biển, "x,ơ,i t,á,i" tàu biệt kích

TRẬN ĐẤU TĂNG 1 CHỌI 10- KỲ TÍCH CỦA BỘ ĐỘI TTG VIỆT NAM


Trận đấu "1 chọi 10": Kỳ tích của Bộ đội xe tăng Việt Nam
Xe tăng 377 tại Di tích Lịch sử Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (huyện Đắk Tô, Kontum).

Trong chiến tranh Việt Nam các trận đấu tăng không nhiều. Nhưng có một trận đã đi vào lịch sử. Đó là trận đấu “1 chọi 10” diễn ra ở Đắc Tô 2 ngày 24.4.1972.

Phối hợp với các chiến trường khác trên toàn miền Nam, BTL Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh từ ngày 31.3.1972, trong đó mục tiêu chủ yếu là tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh để mở đường tiến đánh Kon Tum, mở rộng vùng kiểm soát của ta ở Tây Nguyên.
Sông Pô Kô vẫn chảy xuôi...
Tây Nguyên - phía VNCH gọi là Cao nguyên Trung phần là một dải các cao nguyên có độ cao 500-800 mét trải dài suốt mấy trăm ki-lô-mét, lại giáp giới với Lào và Căm-pu-chia nên còn được gọi là “Mái nhà của Đông Dương”.
Trong con mắt các nhà quân sự từ xưa đều đánh giá rất cao vị trí vùng đất này, họ cho rằng: “Ai làm chủ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ được miền Nam và cả Đông Dương”.
Chính vì vậy, Tây Nguyên trở thành vùng tranh chấp ác liệt giữa các bên, trong đó Đắc Tô-Tân Cảnh là điểm trọng yếu nhất bởi đó chính là căn cứ tiền tiêu của hệ thống phòng thủ Bắc Tây Nguyên bên phía VNCH.
Do vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, Tân Cảnh được xây dựng hết sức kiên cố và vững chắc theo tiêu chuẩn Mỹ.
Đồn trú ở đây gồm có Trung đoàn 42 (gồm 4 tiểu đoàn) của Sư đoàn bộ binh 22, Sở chỉ huy tiền phương sư đoàn, Thiết đoàn 14 (gồm 27 xe tăng và 14 xe bọc thép), cụm pháo binh sư đoàn (10 khẩu).
Cách đó 8 km về phía tây là căn cứ Đắc Tô 2 có 2 tiểu đoàn BB thuộc Trung đoàn 47, 1 chi đội thiết kỵ nhưng mức độ kiên cố thì kém hơn.
Xa hơn nữa là căn cứ biên phòng Bến Hét do lực lượng biệt kích đóng giữ. Với hệ thống công sự vật cản kiên cố, với lực lượng đồn trú hùng mạnh... bọn địch ở Tân Cảnh thường huyênh hoang: “Bao giờ sông Pô Kô chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh được Tân Cảnh”.
Chúng còn viết thành khẩu hiệu căng lên ở cổng chính của căn cứ.
Rạng sáng ngày 24.4.1972, ta đồng loạt tiến công căn cứ Tân Cảnh và Đắc Tô 2. Lực lượng tiến công Tân Cảnh là Trung đoàn bộ binh 66 được tăng cường Đại đội xe tăng 7 và một số bộ phận khác như đặc công, phòng không, tên lửa chống tăng B72...
Lực lượng tiến công Đắc Tô 2 là Trung đoàn 1 của Sư đoàn bộ binh 2. Do tạo được bất ngờ và lựa chọn hướng tiến công chính xác cùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội, đến 8 giờ sáng quân ta đã cơ bản làm chủ Tân Cảnh.

Chiếc xe tăng số hiệu 377 và kỳ tích trong trận đánh Đắc Tô - Tân Cảnh ngày 24-04-1972.
Chiếc xe tăng số hiệu 377 và kỳ tích trong trận đánh Đắc Tô - Tân Cảnh ngày 24-04-1972.
Tuy nhiên, tại Đắc Tô 2 tình hình gặp nhiều khó khăn. Địch điều động 2 chi đội xe tăng (10 xe M41) từ Bến Hét theo đường 18 về phản kích đang từng bước đẩy lùi quân ta. Tình thế hết sức nguy cấp.
BTL chiến dịch quyết định điều 1 trung đội xe tăng lên chi viện cho bộ binh ta đánh địch phản kích. Lúc này, Trung đội xe tăng 3 đã hoàn thành nhiệm vụ trên hướng thứ yếu và đang ở gần Đắc Tô 2 nhất nên được chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ này.
Trận “1 chọi 10 lịch sử”
Trung đội xe tăng 3 do thiếu úy Nguyễn Nhân Triển chỉ huy gồm 3 xe tăng: 377, 354, 369 và 1 xe cao xạ tự hành ZSU57-2 số hiệu 472. Xe 377 có 4 thành viên: Nguyễn Nhân Triển-trưởng xe; Cao Trần Vịnh-lái xe; Nguyễn Đắc Lượng-pháo thủ và Hoàng Văn Ái-nạp đạn.
Ngay khi nhận nhiệm vụ Triển lập tức truyền lệnh đến toàn trung đội và lệnh cho lái xe tăng tốc độ hướng về Đắc Tô 2.
Con đường 18 nối Tân Cảnh với Đắc Tô 2 bị hư hỏng nhiều nên cơ động rất khó khăn, khoảng cách giữa các xe ngày càng giãn rộng.
Đến gần Đắc Tô 2, khi quan sát thấy bộ binh ta đang vừa rút lui vừa chống đỡ một cách tuyệt vọng trước đoàn xe tăng hung hãn của địch, sự sống còn của hàng trăm chiến sĩ như trứng để đầu đẳng...
Nguyễn Nhân Triển quyết định không chờ các xe sau đến mà chỉ huy xe lao thẳng vào đội hình địch. Như một con mãnh hổ lao vào giữa đàn sói, xe 377 nhanh chóng bắn cháy 2 xe M41 làm cho quân địch kinh hoàng.
Chúng không dồn ép bộ binh ta nữa mà tổ chức lại đội hình bao vây xe 377 lại và bắn trả liên tiếp. Xe 377 lợi dụng địa hình địa vật đánh trả kiên cường.
Tuy nhiên, “mãnh hổ nan địch quần hồ”. Sau khi diệt thêm một số xe địch nữa thì xe 377 trúng 3 phát đạn và bốc cháy. Ngay cả khi khói đen đã bốc lên từ tháp pháo, các chiến sĩ BB vẫn thấy 1 phát pháo nữa được bắn ra thiêu cháy 1 xe tăng địch.
Đúng lúc ấy 2 xe 354 và 369 cơ động đến nơi tiếp tục tiêu diệt địch nhưng sau đó bị máy bay bắn hỏng. Đợt phản kích của địch bị chặn đứng, bộ binh ta lao lên làm chủ Đắc Tô 2.
Cho đến giờ, cũng không biết đích xác xe 377 đã bắn hạ bao nhiêu xe địch, chỉ biết rằng sau trận đánh địch bỏ lại 9 xác xe M41 cháy thui, trong đó xung quanh 377 là 7 chiếc, có chiếc chỉ cách 377 chưa đầy 100 mét.

Xác những chiếc xe tăng Mỹ do kíp xe 377 bắn cháy tại trận Đắk Tô.
Xác những chiếc xe tăng Mỹ do kíp xe 377 bắn cháy tại trận Đắk Tô.
Hậu chiến
Sau khi tìm kiếm không thấy, đồng thời tham khảo ý kiến các chiến sĩ bộ binh, đơn vị đi đến kết luận: “Tất cả 4 thành viên xe 377 đã hy sinh anh dũng trong xe”, ngày 01.5.1972 một tổ công tác được giao nhiệm vụ đi thu gom hài cốt của các liệt sĩ.
Sau khi loại bỏ hết những mảnh kim loại ngổn ngang họ gạt nước mắt cẩn trọng gom từng chút một tàn tro di cốt của các anh. Tất cả chỉ chưa đầy một ba lô.
Họ mang về đơn vị, chia làm 4 phần và mai táng các anh tại ngọn đồi phía đông bắc Thị trấn Tân Cảnh (nay đã quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Đắc Tô).
Nơi chiến địa khốc liệt ngày ấy hôm nay đã mọc lên một ngôi trường với cái tên “Trường Trung học cơ sở 24 tháng 4” - ngày diễn ra trận đấu “1 chọi 10” huyền thoại.
Còn chiếc xe 377 được đưa về tượng đài chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh. Nghe nói hôm đó, mặc dù hai chiếc máy ủi công suất lớn đã xúm vào kéo đến nỗi đứt cả dây cáp mà nó vẫn trơ như đá, vững như đồng không chịu nhúc nhích một ly.
Dường như nó muốn mãi mãi nằm lại nơi chiến trường đẫm máu ngày nào thì phải. Rồi có ai đó góp ý, Ban tổ chức đã biện một mâm lễ nhỏ và thành kính thắp hương khấn bái xin anh linh các liệt sỹ cho đưa chiếc xe của các anh về nơi trang trọng hơn.
Chẳng biết có phải các anh đồng ý hay không nhưng vừa tàn một tuần nhang, nó đã nhẹ nhàng theo những người lai dắt về vị trí hiện nay như một chú voi Tây Nguyên đã thuần dưỡng theo người quản tượng.

Xe tăng 377 tại Di tích Lịch sử Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (huyện Đắk Tô, Kontum).
Xe tăng 377 tại Di tích Lịch sử Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (huyện Đắk Tô, Kontum).
Cũng trong lúc thu gom di cốt các anh, tổ công tác còn phát hiện một nắm cơm đã cháy đen nằm trên vành tháp pháo. Nắm cơm tiêu chuẩn sáng ngày hôm đó mà kíp xe vẫn chưa kịp ăn vì còn phải gấp gáp cơ động lên chi viện bộ binh.
Qua mấy nghìn độ lửa, những hạt cơm đã cháy thành than, đen ngời, rắn chắc như một tảng kíp-lê. Nắm cơm đó hiện nay nằm trang trọng trong bảo tàng lực lượng Tăng Thiết Giáp Việt Nam ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Nó nằm đấy, giản dị khiêm nhường song cũng đã lấy đi bao nước mắt của những người đã từng một lần tới thăm.
Tuyên dương hành động anh hùng và sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, ngày 09 tháng 2 năm 2009, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định số 56/QĐ-CTN, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho kíp xe 377.
Dẫu có muộn màng một chút song chắc rằng ở cõi vĩnh hằng các anh cũng sẽ ngậm cười.
Nguồn: http://soha.vn/quan-su/tran-dau-1-choi-10-ky-tich-cua-bo-doi-xe-tang-viet-nam-20151102104226395.htm

Trận đấu xe tăng thiết giáp lớn nhất trong 

Chiến tranh Việt Nam

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |
Trận đấu xe tăng thiết giáp lớn nhất trong Chiến tranh Việt Nam
Xác chiếc xe tăng M48 của Mỹ nguỵ bị bắn cháy khi chúng nống ra hòng lấn chiếm vùng giải phóng của ta ở Cửa Việt – Quảng Trị năm 1973. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Trung Thành.

Đặc biệt, đó cũng là trận đấu có sự chênh lệch lực lượng lớn nhất: 7 xe tăng thiết giáp của QĐND Việt Nam đối đầu với hơn 130 xe của phía Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Đó là trận đánh chống lấn chiếm tại Cửa Việt (Quảng Trị) trước thời khắc Hiệp định Paris có hiệu lực - 8 giờ sáng ngày 28/01/1973.
ĐẠI TÁ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập,...
Bối cảnh trước trận đánh
Cửa Việt thuộc địa phận huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là một quân cảng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ mở ra biển Đông và đại dương của vùng Trị - Thiên.
Đồng thời, nơi này là đầu mối tiếp vận cho các lực lượng ở khu vực này cả theo đường thủy lẫn đường bộ. Đây cũng là nơi neo đậu, tiếp tế, sửa chữa... của các tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ và Hải quân VNCH.
Tại khu vực này có 2 cảng: cảng Mỹ ở phía ngoài biển, cảng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở phía trong.
Sông Thạch Hãn đoạn chảy qua Cửa Việt (còn gọi là sông Cửa Việt) được bổ sung nguồn nước của sông Hiếu có chiều rộng trung bình 600-700 mét là một vật cản thiên nhiên lợi hại trước các lực lượng tiến công.
Trước tháng 4.1972, Cửa Việt thuộc quyền kiểm soát của VNCH.
Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, trước sức tiến công mạnh mẽ của QĐNDVN, phía VNCH đã phải rút chạy khỏi Cửa Việt.

Cảng Cửa Việt - 1969 - Photo by K Weston.
Cảng Cửa Việt - 1969 - Photo by K Weston.
Sau các cuộc chiến đấu giằng co trong năm 1972, đến trước thời điểm Hiệp định Paris được ký kết thì ranh giới giữa hai bên đã được hình thành theo tuyến Long Quang Thanh Hội cách Cửa Việt khoảng 10 km về phía nam.
Thời gian này, cơ quan trung ương của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được đặt tại Cam Lộ, Quảng Trị càng làm cho vị trí của Cửa Việt thêm phần quan trọng.
Nhận thức rõ vai trò ngày càng quan trọng của khu vực này, Quân lực VNCH dưới sự giúp đỡ của người Mỹ đã bí mật xây dựng kế hoạch chiến dịch mang tên “Tango City” với mục đích chiếm lại Cửa Việt trước khi Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực.
Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch này được tiến hành một cách hết sức bí mật và ngày 25.01.1973, chiến dịch bắt đầu.
Tương quan lực lượng
Về phía VNCH, để phục vụ Chiến dịch Tango City, một đơn vị đặc nhiệm với tên gọi Lực lượng đặc nhiệm Tango đã được thành lập, đặt dưới sự chỉ huy của Sư đoàn Thủy quân lục chiến (TQLC), do Đại tá Nguyễn Thành Trí, Phó tư lệnh TQLC làm chỉ huy trưởng.
Đơn vị này bao gồm Tiểu đoàn 2 và 4 TQLC, cộng thêm 3 đại đội tăng cường của Tiều đoàn 9 và 1 đại đội của Tiểu đoàn 5 TQLC, cùng với đó là Thiết đoàn chiến xa 20 (trang bị xe tăng M48), các Thiết đoàn kỵ binh 7 và 17 (trang bị xe tăng M41 và thiết giáp M113).
Hỗ trợ lực lượng này còn có các Lữ đoàn TQLC 147 và 258 tiến đánh trên các hướng thứ yếu, 3 tiểu đoàn pháo binh TQLC, 2 tiểu đoàn bảo an, 4 tàu đổ bộ LCU, cùng hỏa lực chi viện của Hạm đội 7 và Không quân Hoa Kỳ.
Về phía Quân giải phóng (QGP) có các đơn vị sau tham gia phòng ngự: Trung đoàn 101/Sư đoàn BB 325; Trung đoàn 48 và 64/ Sư đoàn BB 320B; Trung đoàn BB 27; Tiểu đoàn 66/ Trung đoàn BBCG 202 (thiếu) cùng một số đơn vị binh chủng và du kích địa phương...
Tuy nhiên, lực lượng trực tiếp phòng ngự trên chốt tương đối mỏng còn đại bộ phận đều ở tuyến sau.
Tiểu đoàn bộ binh cơ giới (BBCG) 66 sau gần 1 năm tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị đã bị tổn thất khá nhiều nhưng chưa được bổ sung lực lượng kịp thời, lại đang làm nhiệm vụ cả ở bờ bắc và bờ nam sông Thạch Hãn nên lực lượng khá mỏng.
Tính đến ngày 25.01.1973, lực lượng TTG bố trí tại Nam Cửa Việt chỉ có 5 xe. Đó là: 1 xe tăng bơi K63-85 (số hiệu 704), 2 xe thiết giáp (TG) K63 (có trang bị 2 bệ phóng tên lửa chống tăng B72), 2 xe TG BTR50PK lắp cao xạ 23mm.
Trong đó xe tăng bơi K63-85 do đại đội trưởng Khoán chỉ huy cùng 2 xe K63 bố trí tại điểm cao 12 ở phía đông thôn Hà Tây, còn 2 xe cao xạ tự hành bố trí ở Vĩnh Hòa.
Trong khi đó, lực lượng TTG phía VNCH gồm 3 thiết đoàn. Mỗi thiết đoàn trung bình có 40- 45 xe. Tổng số TTG tham gia chiến dịch khoảng 130 xe các loại (trong đó có khoảng 40 M48).
Nếu chỉ so sánh đơn thuần về lực lượng TTG tại thời điểm này thì có một sự chênh lệch quá lớn: 5/130.
Tuy nhiên, bên phía QGP có lợi thế là chủ động phòng ngự, hệ thống công sự tương đối vững chắc và đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ đã trải qua chiến đấu dài ngày, rất dũng cảm và thiện chiến.

Trước đó, Quảng Trị là chiến trường đẫm máu với lực lượng TTG của VNCH.
Trước đó, Quảng Trị là chiến trường đẫm máu với lực lượng TTG của VNCH.
Sơ lược diễn biến và kết quả
Nửa đêm về sáng ngày 26.01.1973, sau màn hỏa lực chuẩn bị cường độ cao bằng cả không quân, pháo binh và pháo hạm..., phía VNCH triển khai tiến công đồng loạt vào cả tuyến chốt Long Quang - Thanh Hội.
Phía QĐNDVN đã chiến đấu rất kiên cường song vẫn để đối phương chiếm được một phần điểm tựa ở nam Vĩnh Hòa Phường.
Ngày 27 tháng 1, Hoa Kỳ và VNCH dùng hỏa lực đánh phá dữ dội trên toàn bộ khu vực nam Cửa Việt, đồng thời tiếp tục tiến công trên toàn tuyến. Phía QĐNDVN đã tăng cường lực lượng từ phía sau lên nên vẫn giữ vững trận địa.
Tiểu đoàn BBCG66 cũng tăng cường 3 xe K63 sang bờ Nam nhưng do sóng to, hộp xích bơi không bảo đảm nên chỉ có xe 476 sang được bổ sung cho trận địa phòng ngự tại điểm cao 12.
Tiến công trực diện không có kết quả, phía VNCH thay đổi cách đánh. Họ không đột phá chính diện mà lợi dụng ban đêm luồn qua khe hở giữa các trận địa phòng ngự của QĐNDVN tiến ra Cửa Việt.
23 giờ 30 phút ngày 27 tháng 1, lợi dụng lúc gió to, sóng lớn, nước thủy triều xuống, Lực lượng đặc nhiệm Tango với khoảng 10 TTG và 2 đại đội BB bí mật tiến theo mép nước ra cảng Cửa Việt.
Do tập trung vào tuyến phòng thủ chính phía trong đất liền nên QĐNDVN đã bị bất ngờ. Đến 1 giờ 30 phút ngày 28 tháng 1 phân đội TTG chốt giữ tại điểm cao 12 mới phát hiện được quân địch.
Tin tức đó lập tức được báo cáo lên Ban chỉ huy Trung đòan BB101, đồng thời phân đội nhận lệnh nhanh chóng phản kích diệt địch.
Do chỉ có 1 xe tăng K63-85 trang bị pháo 85 mm, còn 3 xe TG chỉ có súng 12, 7 mm cùng vũ khí của BB không tiêu diệt địch từ xa được nên chỉ huy phân đội TTG quyết định sẽ cho xe xuất kích rời công sự bất ngờ tiến công vào bên sườn đội hình địch.
Khi đến gần địch bộ binh sẽ xuống xe dùng B40, B41 và các loại vũ khí BB diệt địch. Khi địch kịp củng cố lực lượng tổ chức phản xung phong thì lại nhanh chóng trở về công sự.
Với cách đánh này có thể tận dụng được đêm tối và ưu thế quen thuộc địa hình của bộ đội ta để tiếp cận địch.
Ngay đợt xuất kích đầu tiên, mặc dù đèn chiếu sáng kính ngắm hỏng song xe tăng bơi số 704 với 7 phát đạn đã bắn cháy 3, bắn hỏng 1 xe tăng. Các xe thiết giáp cũng diệt được nhiều địch buộc phía VNCH phải lùi lại củng cố.
Tuy nhiên, một bộ phận bộ binh VNCH đã tiếp cận cảng Mỹ nhưng cũng bị lực lượng BB của Trung đoàn 101 chặn đánh quyết liệt.
Phía VNCH sử dụng pháo binh bắn mạnh vào trận địa phòng ngự rồi tiếp tục tiến công. Nhờ thông thạo địa hình, địa vật phân đội TTG lại tiếp tục xuất kích lần thứ hai tiêu diệt 2 M48, 1 M41 và 50 tên địch.
Lúc 4 giờ 10 phút VNCH tổ chức trận tiến công thứ ba với 10 xe TTG và khoảng 2 đại đội BB. Phân đội TTG ở điểm cao 12 tiếp tục xuất kích lần thứ ba, đồng thời 2 xe TG lắp pháo cao xạ từ Vĩnh Hòa được lệnh cơ động đến đánh vào sườn buộc phía VNCH phải rút lui.
Trong lần xuất kích này, xe tăng 704 bị bắn cháy.
Lúc 4 giờ 50, VNCH tiếp tục tiến công trên 2 hướng. Các xe TG lại xuất kích một lần nữa, bắn cháy 1 xe M113.
Tuy nhiên, đến 5 giờ 30, lực lượng Tango City đã chiếm được cảng Mỹ, một phần thôn Hà Tây, Phó Hội, đồng thời đưa quân từ phía sau lên chuẩn bị đánh chiếm toàn bộ khu vực nam Cửa Việt.
Thực hiện quyết tâm đẩy địch ra khỏi khu vực Cảng trước khi HĐ Paris có hiệu lực (vào lúc 8 giờ ngày 28.01.1973), bên phía QGP tăng cường thêm lực lượng chuẩn bị phản kích.
Tiểu đoàn BBCG 66 cũng quyết định đưa thêm 2 xe BTR50PK lắp pháo cao xạ 23mm sang bờ nam. Lúc này, toàn bộ lực lượng TG của QGP có 5 xe, bao gồm 1 xe K63 và 4 xe TG lắp pháo cao xạ 23 mm.
Lúc 7 giờ 32 phút, sau một đợt pháo hỏa chuẩn bị ngắn các lực lượng QGP bắt đầu phản kích. 5 xe TG của Tiểu đoàn BBCG66 cắm cờ giải phóng, mỗi xe chở theo 8-10 chiến sĩ BB dẫn dắt BB phản kích trên cả 3 hướng.
Trước sức tiến công mãnh liệt của QGP, lực lượng VNCH phải rút lui khỏi cảng Mỹ khoảng 700 mét. Tuy nhiên, chỉ trước khi Hiệp định Parsi chính thức có hiệu lực vài phút thì cả 5 xe TG của Tiểu đoàn 66 đã lần lượt bị bắn cháy.
Lúc này, quân VNCH hình thành 4 cụm quân trên bãi biển, mỗi cụm cách nhau khoảng 1000 mét. Cụm gần nhất cách cảng Cửa Việt 700 mét. Tại mỗi cụm đều bố trí TTG ở vòng ngoài, phía trong là bộ binh.
Như vậy, tính đến thời điểm này phía VNCH đã chiếm được một diện tích khá lớn vùng giải phóng  mà mấy tháng trước đây họ không làm gì được.
Trước tình hình đó, phía QGP đặt mục tiêu phải lấy lại bằng được vùng đất đã mất, ít nhất phải khôi phục lại ranh giới Long Quang - Thanh Hội như trước ngày 25/01/1973.
Đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi điện cho tướng Lê Trọng Tấn- Tư lệnh mặt trận B5: “Các anh cho đánh chiếm lại ngay. Cố gắng đưa cho được những đứa con khoẻ mạnh nhất của Đào Huy Vũ* sang nhé? Phải lấy lại bằng được” (1).
Đến thời điểm này, dBBCG 66 chỉ còn 2 xe TG ở bờ nam, trong đó có 1 xe cao xạ hỏng máy không cơ động được.
Ngày 30.01 tiểu đoàn đưa sang 3 xe nữa nhưng không vượt được sông. Bộ tư lệnh B5 quyết định điều 1 đại đội xe T59 của Trung đoàn xe tăng 203 từ Cam Lộ xuống dùng phà tự hành sang bờ nam.
5 giờ 30 ngày 31/01, phía QGP bắt đầu tiến công. Hỏa lực pháo cối và TLCT B72 bắn mạnh vào các cụm 1 và 2 của VNCH. Mặc dù chỉ có 1 xe song xe TG số 059 chở theo 8 chiến sĩ BB vẫn xuất kích đánh địch.
Các chiến sĩ BB dùng B40, B41 bắn cháy 5 xe TTG và bắt sống 1 xe M48. Sau đó chiến sĩ lái xe Vũ Văn Nhật đã dùng chiếc xe này kéo được 3 xe tăng và 2 TG địch về điểm cao 12.
Thừa thắng xông lên, lúc 7 giờ 55 phút QGP tiếp tục tiến công cụm 3. Các chiến sĩ BBCG diệt thêm 5 xe, thu 4 xe tăng và 2 xe M113.
8 giờ 25 phút, chỉ 1 xe T59 số 995 vượt được sông sang bờ nam đã ngay lập tức tham gia chiến đấu cùng BB ở Vĩnh Hòa Phường, bắn cháy 2 xe tăng địch.
10 giờ 30 phút ngày 31.01, toàn bộ lực lượng VNCH rút chạy khỏi khu vực nam Cửa Việt. Chiến dịch Tango City thất bại hoàn toàn, vùng giải phóng được khôi phục lại như trước ngày 25.01.
Kết quả, phía VNCH thiệt hại 2300 quân, 113 xe TTG bị diệt, 12 xe bị bắt sống, rơi 5 máy bay, cháy 1 tàu chiến.
Riêng lực lượng TTG của Tiểu đoàn BBCG66 và 1 xe T59 của Trung đoàn 203 đã bắn cháy 18 TTG địch, thu 3 xe M48, 3 xe M41 và 5 xe M113. Về phía Tiểu đoàn BBCG 66 bị bắn cháy 6 xe (1 xe tăng bơi K63-85 và 5 xe TG).
Xét riêng về TTG trong trận này, mặc dù tương quan lực lượng hết sức bất lợi song nhờ tinh thần chiến đấu dũng cảm và cách đánh phù hợp nên đã đạt hiệu suất chiến đấu rất cao, góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung.
Trận đấu TTG Cửa Việt tuy không thật điển hình song đã đi vào lịch sử và để lại nhiều bài học quý giá về sử dụng TTG.
Ghi chú: (1). Chương 2 - Tổng Hành dinh trong Mùa Xuân toàn thắng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đào Huy Vũ: Đại tá Tư lệnh binh chủng TTG. Ý của Đại tướng là hãy đưa những loại xe tăng mạnh nhất mà binh chủng TTG có sang bờ Nam Cửa Việt.
theo Thế giới trẻ

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH