VÕ THUẬT TINH HOA 89

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Huyền Thoại Võ Việt: Võ Sư Hạ Hai Con Hổ Dữ Cùng Lúc

Nguyễn Văn Đương - tay đấm 'máu điên cuồng'

Từng bị chê bai vì thể hình nhưng Nguyễn Văn Đương lại theo đuổi lối đánh tấn công vũ bão, để rồi giúp boxing Việt Nam lần đầu sau 32 năm giành vé dự Olympic.




Nguyễn Văn Đương theo đuổi lối đánh tấn công mạnh mẽ. Ảnh: FBNV
Theo đuổi lối đánh tấn công nên khi trọng tài ra hiệu bắt đầu là Văn Đương thường "vào việc luôn" - như lời anh nói. Ảnh: FBNV.
SEA Games 2019, Nguyễn Văn Đương thua toàn diện Chatchai Decha Butdee ở trận chung kết hạng 57kg. Trong những lần tập huấn tại Thái Lan trước đó, võ sĩ Việt Nam cũng vài lần "no đòn" khi thi đấu cọ xát với đối thủ sinh năm 1985, chủ nhân bốn tấm HC vàng SEA Games, một lần vô địch châu Á và từng giành HC đồng giải thế giới năm 2013. Chính vì vậy, khi tái ngộ ở tứ kết vòng loại boxing Olympic 2020 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (diễn ra ở Jordan) hôm 9/3, không nhiều người nghĩ Nguyễn Văn Đương có cơ hội.
Và trong sự nghiệp võ thuật nhiều chông gai, đó không phải là lần duy nhất anh tưởng như bị số phận chối bỏ.
Sinh năm 1996 tại Bắc Giang, từ nhỏ Văn Đương đã mê phim võ thuật và học taekwondo ở trường. Hết năm lớp 7, biết người anh họ đang học boxing ở đội Công an nhân dân, anh xin bố mẹ lên Hà Nội tập cùng. "Hồi đó tôi nặng chỉ 32 kg, bé xíu nên được gọi là 'Gà con'. Thầy ban đầu còn tuyên bố không nhận vì người nhỏ quá, và chỉ cho tập hai tháng hè để rèn sức khoẻ. Nhưng sau đó, nhận thấy tố chất và sự quyết tâm của tôi, thầy cho ở lại".
Năm 2010, ngay lần đầu dự giải trẻ toàn quốc, Văn Đương giành HC vàng lứa tuổi 13-14. Một năm sau dự giải, anh thua ngay trận đầu, trước đối thủ năm trước vô địch lứa 15 tuổi. Tới năm 2012, anh lại thất bại ngay trận ra quân, trước đối thủ gian lận tuổi. Chán nản vì thành tích đi xuống, Văn Đương về quê, ôn lại văn hoá rồi tính thi vào một trường quân đội. Nhưng chỉ một tuần sau, anh gọi điện xin mẹ được bỏ học để trở lại Hà Nội, tiếp tục theo đuổi võ thuật. 
"Lúc đó ngày nào tôi cũng tập chạy, tập kỹ thuật ra đòn dù xác định bỏ võ", Văn Đương kể lại với VnExpress. "Khi xin lại, may mà các thầy thương nên tiếp nhận. Ba tháng sau, tôi thi đấu ở giải quốc gia, giành HC đồng. Thành tích này giúp tôi tự tin, tiếp tục theo đuổi boxing và đạt thành công như ngày hôm nay".
Nguyễn Văn Đương nhận tấm vé tham dự Olympic 2020 sau trận tứ kết tại Jordan, ngày 8/3
Nguyễn Văn Đương nhận tấm vé tham dự Olympic 2020 sau trận tứ kết tại Jordan. 
Trong trận đấu với Chatchai Decha Butdee, Văn Đương khiến tất cả sững sờ khi hạ đo ván đối thủ chỉ sau 30 giây.
Trận đấu vừa bắt đầu, anh lao ngay vào đôi công. 13 giây, võ sĩ Việt Nam tung ra bảy cú đấm, khiến Chatchai nằm sàn. Trọng tài đếm tới tám rồi cho trận đấu tiếp diễn. Ngay lập tức, Văn Đương tung cú móc ngang tay trái rất nặng, khiến đối thủ nằm sàn lần thứ hai. Anh được xử thắng bằng điểm RSC (tương đương knock-out kỹ thuật ở quyền Anh chuyên nghiệp). Một trận đấu ngắn ngủi chưa tới một phút nhưng giúp boxing Việt Nam giành tấm vé dự Olympic sau 32 năm.
Thành tựu đó vốn dĩ là điều vượt ngoài sức tưởng tượng của Văn Đương. Trước khi đến Jordan, các HLV cũng bảo anh tham dự để giao lưu học hỏi là chính và xem khả năng giành vé Olympic là xa vời. Ở châu Á, vốn có nhiều cường quốc boxing như Uzbekistan, Kazakhstan hay Trung Quốc... với nhiều tay đấm xuất sắc. Thế nên khi thắng Chatchai, Văn Đương không hiểu đó là thực hay mơ.
"Liều lĩnh và sự điên cuồng đã mang lại tấm vé Olympic", Văn Đương lý giải, và thừa nhận anh có sẵn "máu điên cuồng" trong người. Chính vì vậy tay đấm quê Bắc Giang theo đuổi lối đánh tấn công ào ạt. "Sau nhiều trận đấu tập, các chuyên gia nước ngoài nói với tôi rằng đừng cố 'giết đối thủ', chỉ nên thắng điểm. Tôi đôi khi phải dãn ra, di chuyển và không tấn công điên cuồng. Giờ mọi thứ đỡ hơn, quan trọng là HLV chỉ đạo ở dưới, sẽ kiềm chế được tôi", Văn Đương thừa nhận.
Ở giải đấu tại Jordan, trước trận đấu Chatchai, anh cũng đã thắng knock-out Charlie Senior của Australia.
Văn Đương sẽ được đi tập huấn nước ngoài, đấu cọ xát với các đối thủ chuyên nghiệp để chuẩn bị cho Olympic 2020. Ảnh: FBNV
Văn Đương sẽ được đi tập huấn nước ngoài, đấu cọ xát với các đối thủ chuyên nghiệp để chuẩn bị cho Olympic 2020. Ảnh: FBNV
Đêm sau chiến thắng Chatchai, Văn Đương hưng phấn đến mức khó ngủ. Anh phải cố lắm mới có thể chợp mắt, để có sức chuẩn bị cho trận bán kết. Trận ấy, Văn Đương thua điểm 2-3 trước Alwadi Mohammad Abdelaziz của chủ nhà Jordan. Dù có những vấn đề về trọng tài, anh không phàn nàn mà chỉ tiếc nuối bởi chưa thể hiện được những gì tốt nhất mình có.
Hiện tại, Tổng cục TDTT đã lên kế hoạch đưa Văn Đương đi tập huấn tại nước ngoài để chuẩn bị cho Olympic 2020. Tuy nhiên, mọi chuyện còn phụ thuộc vào tình hình Covid-19. "Olympic thì khó nói trước, bởi các đối thủ đều cực kỳ mạnh", Văn Đương cho hay. "Tôi chỉ biết mình sẽ chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo tổ quốc. Đánh để sau khi trận đấu kết thúc không có gì phải hối hận".
Lâm Thoả

Người được đại võ sư truyền bí kíp

1 Thanh Niên
Thỉnh thoảng lại có một thanh niên ở phương xa khăn gói tìm về làng Tây Sơn, tỉnh Bình Định để học võ.
Dù cao tuổi, nhưng hằng ngày võ sư Mười Hoàng vẫn đàm đạo võ thuật
Ảnh: L.V.C
Thời còn sống, võ sư Phan Thọ thường nhìn rất kỹ tướng mạo của chàng thanh niên có chí hành hiệp tìm thầy, sau đó hỏi: “Con muốn học bên môn gì? Nếu mà học đối kháng thì ở đây ít bữa rồi qua nhà Mười Hoàng”.
Trước khi qua đời vào năm 2014 (thọ 89 tuổi), võ sư Phan Thọ liên tục căn dặn Mười Hoàng và chia sẻ những bí kíp võ thuật cận chiến.

Tay đấm sắt

Cách đây 20 năm, trong một quán cơm kéo rào (quán cơm tù) trên quốc lộ 1A, hành khách trên một chiếc xe hôi hám, nóng nực, xộc xệch và đầy bụi đường vừa qua cửa thì nghe tiếng ken két kéo cửa sắt sau lưng của đám người phục vụ. Một cuộc ẩu đả đã xảy ra và giữa âm thanh hỗn độn đó, giọng một người Bình Định cất lên với vẻ ôn tồn. Người đàn ông này bước ra can ngăn, đó là Mười Hoàng. Những kẻ gây gổ chạm vào người ông thì đều bật ra vì những cú đỡ gạt. Ông không ra đòn, chỉ can ngăn. Đệ tử của Mười Hoàng đi chuyến đó vào Bình Định rước thầy ra mở võ đường càng khâm phục đức tính nhẫn nhịn của sư phụ.



Người được đại võ sư truyền bí kíp - ảnh 1
Võ sư Mười Hoàng cùng đệ tử dạy võ cho các em học sinh
Xóm Bắc, thôn 1, xã Bình Nghi (H.Tây Sơn) trong màn đêm vang lên tiếng hô đánh quyền. Mười Hoàng năm nay đã 77 tuổi, ông không còn dành thời gian ra bắc để giúp các đệ tử mở võ đường mà cùng học trò là Lê Công Mười tổ chức lớp võ tại sân nhà. Học trò đến học võ đông nhất là vào dịp nghỉ hè. 20 võ sinh đang tập luyện thì chiếm một nửa là nữ. Đòn thế mà các võ sinh tập là sử dụng vai, chỏ, cộng với cú lắc người, đảo tấn để áp sát đối phương, tấn công đòn liên hoàn. Đây là những đòn thế đặc trưng của võ Tây Sơn mà cố võ sư Phan Thọ thường biểu diễn.
Gia cảnh của võ sư Mười Hoàng cũng giống các võ sư khác ở H.Tây Sơn, đó là nghèo, sống đắp đổi qua ngày. Thời trẻ, nhiều thanh niên ở xa tìm đến nhà để học võ, những võ sinh thành đạt trở về quê nhà mở võ đường thì Mười Hoàng đều đến hỗ trợ, dạy thêm binh khí. Đường đao của ông như rồng bay phượng múa, quyền cước vun vút với bước tấn mềm mại. Các đệ tử thường ồ lên khi thấy ông biểu diễn đòn lướt, áp sát các võ sĩ sử dụng đòn chân, đảo vai để cả thân pháp cuốn tròn theo lực, sau đó hạ thấp người, ném võ sĩ này văng ra cả mét.
Mười Hoàng có tính cách của một người nông dân, khá mộc mạc. Trên tấm bìa ghi tóm lược võ đức treo trước bàn thờ, ông viết: “Trông: nghĩ sao cho tỏ; Nghe: nghe sao cho suốt…”. Mười Hoàng có khả năng xem tướng mạo để chọn học trò. Ông chỉ lướt qua khuôn mặt, nghe giọng nói, dáng đi thì có thể phỏng đoán ra được phần lớn tính cách của người đó. Mười Hoàng cho rằng: “Nếu học trò có tướng mạo đức độ thì mình truyền dạy kỹ; còn học trò có tính hơn thua, thiếu kiên nhẫn thì mình cũng vẫn dạy nhưng mà dạy theo cách khác”.

Sống đời võ

Một võ sư có giữ riêng cho mình một bí quyết hay không? Trước khi võ sư Phan Thọ qua đời có truyền lại cho ông những bí quyết gì? Tôi tò mò hỏi võ sư Mười Hoàng. Ông cười và cho biết, Phan Thọ luôn xưng hô là anh Bốn, điều gì cũng tâm sự. Hai gia đình ở cùng xã Bình Nghi, quan hệ sui gia, nên thường xuyên qua lại. Phan Thọ thường nói rằng: “Anh Bốn khuyên em, tìm thằng đệ tử nào đó để nối hậu, em có “số vàng” nào thì truyền dạy, khuyên nó, làm sao cho nó phải làm theo gương của ông thầy dạy mình, đừng để thất truyền võ Bình Định”.
Phan Thọ (1926 - 2014) được giới võ thuật mệnh danh là võ sư huyền thoại tinh thông Thập bát ban binh khí, và là người giữ lửa cho tinh hoa võ thuật làng võ An Vinh trên 200 năm tuổi.
Còn võ sư Lê Công Hoàng (Mười Hoàng) đã đào tạo hàng ngàn võ sĩ, trong đó có 15 võ sĩ thi đấu cấp quốc gia, nhiều võ sĩ nổi tiếng như Lê Anh Tuấn, đơn vị quân đội, Trần Văn Đông, Trương Văn Phúc ở tỉnh Nghệ An
Phan Thọ học võ từ năm 18 tuổi, là võ sư tinh thông thập bát ban binh khí, từng sử dụng đòn Độc xà trạm nguyệt để hạ võ sĩ taekwondo của Đại Hàn. Ông từng đến học nhiều thầy và thông làu các môn kiếm, roi, đao, thương, lăn, khiên... Mười Hoàng không thể học hết được tất cả võ thuật của Phan Thọ, nhưng cũng được võ sư Phan Thọ truyền thụ lại khá nhiều bí quyết võ thuật, kinh nghiệm trong môn võ đối kháng.
Nhiều năm trước, những thanh niên tới làng Tây Sơn học võ, một số được võ sư Phan Thọ dạy vài khóa rồi chỉ lên nhà Mười Hoàng học tiếp. Phần lớn những thanh niên này đến học võ chỉ mang theo một ít tiền lận lưng, chi tiêu một thời gian rồi hết. Học trò hỏi “thầy tính con bao nhiêu một tháng?”, Mười Hoàng nhìn bộ dạng là biết liền, nên chỉ ra chiếc võng đung đưa trên hè và chiếc giường nhà dưới rồi nói, thầy cho ở miễn phí, còn thầy cũng nghèo nên con ráng góp tiền ăn.
Gần nhà võ sư Mười Hoàng có nhiều lò gạch thủ công. Học trò Mười Hoàng xin vào làm công cho lò gạch, hằng ngày nắn, vác đất, chiều về bắt đầu học võ. Hoàn cảnh càng khổ thì quyết tâm học võ càng cao. Khoảng sân rộng dưới gốc cây xoài trước nhà Mười Hoàng là nơi biết bao nhiêu võ sinh ở các tỉnh đã đến lưu lại và tập võ. Quả ngọt mà võ sư Mười Hoàng thu được không phải là tiền bạc, mà là sự thành danh của học trò. Nhiều người trong số đó hiện nay đã trở thành võ sư, tiếp tục mở chi nhánh võ Tây Sơn, truyền dạy cho học trò tại nhiều tỉnh thành như: Hải Dương, Nghệ An, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng

Anh Bốn gởi em

Nhà Mười Hoàng được bài trí theo cách của một con người sống hết mình cho võ thuật. Chính giữa nhà treo tấm ảnh vua Quang Trung, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Góc nhà là một chiếc kệ bày binh khí, gồm 15 loại, đủ cả đao, thương, côn, kiếm, roi trường, kiếm ngắn. Tấm ảnh đại võ sư Phan Thọ được ông lồng vào khung kính và đặt cạnh bàn thờ. Hằng ngày ngồi uống nước trà bên cạnh giá binh khí, chiêm nghiệm về cuộc đời dạy và học võ từ năm 19 tuổi, ngày nào ông cũng nhắc đến Phan Thọ.
Bà Nguyễn Thị Diêu, vợ Mười Hoàng, được học trò xưng là sư mẫu. Bà Diêu kể lại, lúc võ sư Phan Thọ cảm thấy người yếu đi, ông thường gọi Mười Hoàng lên và anh em cứ choàng tay nhau nói chuyện. Phan Thọ dặn đi dặn lại là: “Anh Bốn không biết ngày nào sẽ ra đi, em ở lại làm tròn nghĩa vụ, giữ cho môn phái võ còn danh dự cho ngày sau”. Hỏi chuyện võ sư Phan Thọ có trao truyền lại bí kíp võ thuật nào cho Mười Hoàng hay không, vợ ông cho biết, chỉ nghe Phan Thọ kéo sát Mười Hoàng vào dặn chừng: “Anh Bốn dặn là em giữ mấy đường đó, tới khi cuối đời thì tìm học trò truyền lại, đệ tử nào tin tưởng thì mới nói”.
Bí kíp mà Phan Thọ truyền lại cho Mười Hoàng chỉ thông qua lời nói. Võ sư Mười Hoàng cho biết, đối với người học võ lâu năm thì chỉ cần nói miệng. Võ sư Mười Hoàng cho biết: “Hồi xưa võ lấn văn, nhà giàu mới có tiền cho con học võ. Còn bây giờ thì văn lấn võ. Vợ chồng tôi sinh ra được 4 người con trai, 1 người con gái, nhưng không đứa nào chịu học võ, vì nói nghề võ nghèo, không kiếm nổi tiền bạc”.
Sát nhà ông là võ sư Lê Công Mười, đệ tử ruột, phụ trách Câu lạc bộ Lê Công Mười ở thôn Trường An 3, xã Song An (TX.An Khê, tỉnh Gia Lai), từng là tay đấm không có đối thủ hạng cân 45 - 48 kg. Còn đệ tử của ông ở các tỉnh phía bắc thì rất nhiều. Mười Hoàng sẽ truyền lại bí kíp cho học trò theo lời dặn của cố võ sư Phan Thọ, nhưng chưa biết sẽ chọn ai.

Cửu âm chân kinh là võ công có thật trong lịch sử?

Thứ hai, ngày 18/05/2020 10:32 AM (GMT+7)
Cửu âm chân kinh trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung là bộ tuyệt học võ công từng khiến nhân sĩ võ lâm một thời vấy máu tranh đoạt, cả giang hồ điên đảo săn lùng. Nhưng ít ai biết rằng bộ võ công này là có thật trong lịch sử Trung Hoa.
Bình luận 0
Tuyệt học khiến võ lâm dậy sóng
Theo tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Cửu âm chân kinh là tên gọi của một bộ võ công lần đầu xuất hiện trong bộ truyện Anh hùng xạ điêu (tiểu thuyết đầu tiên của bộ Xạ điêu tam khúc), qua lời kể của Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông cho Quách Tĩnh nghe lý do tại sao mình bị Hoàng Dược Sư giam giữ trên Đào Hoa đảo. Theo lời kể của Lão Ngoan đồng, người viết nên Cửu âm chân kinh là Hoàng Thường mà nguyên nhân sâu xa là từ những thù oán của Hoàng Thường với giới võ lâm.


Cửu âm chân kinh là võ công có thật trong lịch sử? - Ảnh 1.
Vương Trùng Dương đoạt được Cửu âm chân kinh nhưng không luyện.
Hoàng Thường vốn là một quan văn trong triều dưới thời đại vua Huy Tông triều Tống, theo lệnh của hoàng đế thu thập hết sách của Đạo gia 5481 quyển viết thành bộ sách Vạn thọ Đạo tàng (theo lời Chu Bá Thông thì việc này diễn ra vào năm Chính Hòa thứ năm, vua Huy Tông). Nhờ trí thông minh và kiên trì, Hoàng Thường đã học được toàn bộ các bí kíp võ học Đạo gia và trở thành một cao thủ võ lâm. Sau đó, theo lệnh của Huy Tông hoàng đế, Hoàng Thường dẫn quân đến tiêu diệt Minh Giáo, do lính triều đình quá kém cỏi nên quân của Hoàng Thường bị đại bại, nhưng ông cũng giết được một vài cao thủ và sứ giả của Minh Giáo. Sau đó Hoàng Thường bị người thân của các cao thủ mà ông đã giết cùng lúc kéo đến hỏi tội, Hoàng Thường giết được vài người, nhưng do kẻ thù quá đông ông không chống nổi, kết quả là cả nhà Hoàng Thường bị sát hại, chỉ một mình Hoàng Thường thoát nạn chạy lên núi ẩn náu quyết rèn luyện võ công cao cường để trả thù.
Sau một thời gian dài tu luyện và ngộ được đạo lý võ học, Hoàng Thường xuống núi với ý định trả thù nhưng ông nhận ra tất cả các đối thủ đều đã chết hết, thậm chí con cái đối thủ cũng đã già nua, Hoàng Thường hết ý định trả thù, nhưng tiếc những kiến thức võ học Đạo gia mà mình học được nên viết thành bộ Cửu âm chân kinh gồm 2 quyển: Quyển thượng bao gồm đạo lý thâm ảo của Đạo gia từ đó đúc kết thành bí kíp rèn luyện nội công căn bản, tiêu biểu đoạn mở đầu trong quyển thượng có câu "Đạo của trời là cắt cái có thừa bù vào chỗ không đủ, cho nên hư có thể thắng thực, không đủ có thể thắng có thừa" lấy ý "Đạo trời lấy chỗ thừa mà đắp vào chỗ thiếu hụt" từ Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Quyển hạ gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể. Sau khi Hoàng Thường qua đời, Cửu âm chân kinh lưu lạc trong nhân gian khiến giới võ lâm tranh đoạt và gây ra sự chém giết để giành lấy bí kíp này.
Trước thời kỳ xảy ra những nội dung chính của câu chuyện trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, có năm người võ công cao siêu nhất cùng đấu với nhau trên đỉnh Hoa Sơn để tranh nhau Cửu âm chân kinh gồm Hoàng Dược Sư (Đông Tà), Âu Dương Phong (Tây Độc), Đoàn Trí Hưng (Nam Đế), Hồng Thất Công (Bắc Cái), và Vương Trùng Dương. Võ công của Vương Trùng Dương cao nhất và giành được Cửu âm chân kinh. Ông định đốt sách để tránh chuyện tàn sát trong võ lâm, nhưng lại tiếc công người xưa nên giấu quyển sách đi. Trước khi chết, ông đã giao cho Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông là sư đệ của mình đi giấu hai quyển sách ở hai nơi nhằm tránh cho quyển sách rơi vào tay kẻ xấu.
Trên đường đi giấu sách, Lão Ngoan đồng bị vợ Hoàng Dược Sư đánh lừa, dùng trí nhớ siêu phàm đọc lại một lần nhớ hết quyển hạ. Bà về viết lại cho chồng, nhưng Hoàng Dược Sư chưa tu luyện thì bị học trò là cặp vợ chồng Mai Siêu Phong, Trần Huyền Phong lấy trộm quyển hạ trốn đi, luyện ra những võ công âm độc Cửu âm bạch cốt trảo. Hoàng Dược Sư nổi giận đánh gãy chân các học trò còn lại và đuổi ra khỏi đảo Đào Hoa. Vợ Hoàng Dược Sư lúc đó mang thai cố gắng nhớ lại viết lại sách cho chồng nên bị kiệt sức và mất sau khi sinh con. Chu Bá Thông thấy vậy đến Đào Hoa đảo đòi sách và đánh nhau với Hoàng Dược Sư, thua trận bị nhốt trong động đá.


Cửu âm chân kinh là võ công có thật trong lịch sử? - Ảnh 2.
Nhân vật Quách Tĩnh từng luyện Cửu âm chân kinh.
Vô tình từ những ân oán giữa Giang nam thất quái và vợ chồng Mai Siêu Phong khiến cho Quách Tĩnh có được nội dung Cửu âm chân kinh phần quyển hạ được ghi lại trên da bụng của Trần Huyền Phong. Khi Quách Tĩnh gặp Chu Bá Thông trên Đào Hoa đảo, Chu Bá Thông đã dạy cho Quách Tĩnh thuộc lòng cả bộ Cửu âm chân kinh và cũng vô tình đó, Chu Bá Thông cũng luyện thành và trở thành một nhân vật võ công cao nhất. Một phần của Cửu âm chân kinh viết bằng tiếng Phạn được Nhất Đăng đại sư dịch lại sang Trung văn. Sau này, Quách Tĩnh trở thành một cao thủ nhờ tu luyện Cửu âm chân kinh.
Khi đến bộ Thần điêu đại hiệp, Cửu âm chân kinh một lần nữa xuất hiện. Vương Trùng Dương trước khi chết đã ghi lại một phần nội dung Cửu âm chân kinh trong thạch động Hoạt tử nhân mà Dương Quá và Tiểu Long Nữ là hai người có duyên luyện được bí kíp này.
Cửu âm chân kinh được vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung giấu trong kiếm Ỷ Thiên, được Chu Chỉ Nhược luyện tập. Thành tựu nhất trong truyện Ỷ thiên đồ long ký có lẽ là cô gái áo vàng, hậu nhân của Dương Quá và Tiểu Long Nữ.


Cửu âm chân kinh là võ công có thật trong lịch sử? - Ảnh 3.
Hoàng Sam Nữ Tử đã luyện thành thạo Cửu âm chân kinh.
Cửu âm chân kinh không chỉ là huyền thoại
Theo sử sách Trung Hoa, Hoàng Thường là một nhân vật có thật. Ông sống vào khoảng 1043 – 1130 và là một viên quan cao cấp tỉnh Phúc Kiến.
Hoàng Thường là người ham thích đạo thuật và có học vấn uyên thâm hơn người, được vua Tống Huy Tông ủy thác phụ trách việc khắc in bộ Chính Hòa vạn thọ Đạo tạng trong 8 năm. Sau khi qua đời, ông được truy tặng hàm Thái phó.


Cửu âm chân kinh là võ công có thật trong lịch sử? - Ảnh 4.
Một tài liệu có nói về Cửu âm chân kinh.
Những quan niệm cho rằng Cửu âm chân kinh là có thật bắt nguồn từ một cuộc khảo cổ khu mộ Hoàng Thường.
Sau quá trình nghiên cứu, ông Dương Dược Hùng, Chủ nhiệm Văn phòng Điều tra - Tìm kiếm văn vật huyện Sùng Nhân - Giang Tây, người trực tiếp khảo sát khu mộ đã khẳng định bí kíp Cửu âm chân kinh là có thật và tác giả chính là Hoàng Thường.
Nhà nghiên cứu này còn giải thích rằng, ở thời của Hoàng Thường, nước Tống bước vào các cuộc chiến tranh liên miên với quân Liêu và Kim. Thời cuộc loạn lạc khiến việc luyện tập võ nghệ là rất phổ biến.
Hoàng Thường vốn là Lễ bộ thượng thư với trình độ uyên thâm, lại có cơ hội tiếp xúc nhiều với các tướng lĩnh, nhân sĩ võ công cao cường. Vì thế, việc ông tập hợp các chiêu thức võ công tâm đắc để biên soạn thành bí kíp là điều hoàn toàn có cơ sở.


Cửu âm chân kinh là võ công có thật trong lịch sử? - Ảnh 5.
Nhân vật Dương Quá cũng từng luyện Cửu âm chân kinh.
Theo một số tài liệu, bí kíp này có 364 chữ, sau đó bị người khác sửa thành hơn nghìn chữ, thêm vào Cửu âm bạch cốt trảo căn cứ vào Cửu âm chân kinh mà tạo ra.
Đến thời Nam Tống, từ bí kíp này Toàn chân giáo còn cho ra đời Cửu dương thần công (tức Tiên thiên chân khí).
Cửu dương thần công sau đó được sáng tạo thêm, xuất phát từ các môn Tử Hà Thần Công, Thái Thanh Cương Khí, Huyền Môn Cương Khí. Môn này thuộc loại thần công cương khí của nội công huyền môn. Nếu chăm chỉ tập luyện, người học võ sẽ có được cơ thể cường tráng, linh hoạt, tránh được nhiều bệnh tật, thậm chí ở mức độ cao có thể "đao thương bát nhập".
Nhắc đến các loại công phu có thể làm cơ thể trở nên kim cang bất hoạt, chúng ta có thể kể đến Kim Chung Tráo – một trong Thất thập nhị huyền công của Thiếu Lâm. Là một công phu có thật, Kim Chung Tráo có thể khiến cơ thể người tập như gang thép, chịu đựng được các tác động ngoại lực như đâm, cắt của vũ khí bén. Như vậy, những gì miêu tả về Cửu âm chân kinh cũng không phải là không có cơ sở.
Dẫu vậy, vẫn không ai có thể nói chính xác sự thật về Cửu âm chân kinh của đời thực. Với những người hâm mộ kiếm hiệp, có lẽ họ cũng không cần sự thật ấy. Cửu âm chân kinh vẫn mãi là một trong những tình tiết lớn và quan trọng nhất trong sự thành công của kiếm hiệp Kim Dung. Sức mạnh của Cửu âm chân kinh trở thành thứ ma lực vô hình, lôi kéo cả giang hồ vào những cuộc tranh đoạt, tạo nên những mối quan hệ thú vị giữa những nhân vật.
(PV - theo Người Đưa Tin)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH