TT&HĐ I - 8/g
Tần Thủy Hoàng Doanh Chính
PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ
CHƯƠNG VIII: HOÀNG LÃO
Không biết mà nói là ngu, biết mà không nói là hiểm.
CHU-HI
Ở đời cái gì thung dung thì còn, cấp bách quá thì mất. Việc mà thung dung thì có ý vị. Người mà thung dung thì sống lâu.
Làm việc nghĩa chớ kể thiệt hại. Luận anh hùng chớ kể hơn thua.
Tâm niệm trầm tĩnh thì lẽ gì nghĩ chẳng tới. Chí khí cao rộng thì việc gì làm chẳng xong.
Tầm thuật quý nhất là sáng suốt. Tướng mạo quý nhất là chính đại. Ngôn ngữ quý nhất là giản dị, Chân thật.
Khí kiêng nhất là hung hăng. Tâm kiêng nhất là hẹp hòi. Tài kiêng nhất là bộc lộ.
Tâm phải rộng để dung nạp người trong thiên hạ. Tâm phải công bằng để làm việc trong thiên hạ.Tâm phải trầm tĩnh để xét lý trong thiên hạ. Tâm phải vững vàng để chống lại những biến cố trong thiên hạ.
Việc sắp xảy ra mà ngăn được, việc đang xảy ra mà cứu được, đó là quyền biến. Chưa có việc mà biết việc sắp đến, mới có việc mà biết được việc sau, có tài năng. Định việc mà biết việc xảy ra thế này, thế nọ, như vậy là biết lo xa. Người như thế là người có kiến thức rộng rãi.
Làm việc nghĩa chớ kể thiệt hại. Luận anh hùng chớ kể hơn thua.
Tâm niệm trầm tĩnh thì lẽ gì nghĩ chẳng tới. Chí khí cao rộng thì việc gì làm chẳng xong.
Tầm thuật quý nhất là sáng suốt. Tướng mạo quý nhất là chính đại. Ngôn ngữ quý nhất là giản dị, Chân thật.
Khí kiêng nhất là hung hăng. Tâm kiêng nhất là hẹp hòi. Tài kiêng nhất là bộc lộ.
Tâm phải rộng để dung nạp người trong thiên hạ. Tâm phải công bằng để làm việc trong thiên hạ.Tâm phải trầm tĩnh để xét lý trong thiên hạ. Tâm phải vững vàng để chống lại những biến cố trong thiên hạ.
Việc sắp xảy ra mà ngăn được, việc đang xảy ra mà cứu được, đó là quyền biến. Chưa có việc mà biết việc sắp đến, mới có việc mà biết được việc sau, có tài năng. Định việc mà biết việc xảy ra thế này, thế nọ, như vậy là biết lo xa. Người như thế là người có kiến thức rộng rãi.
LÃ-TƯ-PHÚC
Khiến người ta nể lời, Không bằng khiến người ta tin lời.
Khiến người ta tin lời, Không bằng khiến người ta vui vẻ nhận lời.
Đem họa phước mà răn dọa là khiến người ta sợ.
Đem lý lẽ mà răn dụ là khiến người ta tin
Dùng tâm lý mà giác ngộ là khiến người ta vui lòng mà nghe theo.
Biết đủ trong cái đủ của mình thì luôn luôn đủ.
Biết người là trí, biết mình là sáng
Không có lỗi nào to bằng ham muốn; Không có tai hoạ nào to bằng không biết đủ.
Lo thắng người thì loạn; Lo thắng mình thì bình.
Lời thành thật thì không đẹp; Lời đẹp thì không thành thật.
LỄ KÝBiết người là trí, biết mình là sáng
Không có lỗi nào to bằng ham muốn; Không có tai hoạ nào to bằng không biết đủ.
Lo thắng người thì loạn; Lo thắng mình thì bình.
Lời thành thật thì không đẹp; Lời đẹp thì không thành thật.
“Lời của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, mà thiên hạ không ai hiểu được, làm được. Lời của ta có tôn chỉ, việc của ta có căn bản. Vì thiên hạ không hiểu ngôn luận của ta nên không biết ta. Người hiểu ta rất ít, người theo ta được là rất hiếm. Cho nên thánh nhân mặc áo vải thô mà ôm ngọc quý trong lòng.”
Lão Tử
(Tiếp theo)
5-. Tử Cống (môn
đệ của Khổng Tử) sau khi xuống nước Sở ở phương Nam, trở về Tấn, đi qua đất Hán
Âm, thấy một ông lão đang làm vườn. Ông ấy xuống một đường hầm, vô một cái giếng,
rồi xách lên một vò nước để tưới rau. Cực nhọc mà kết quả chẳng được bao. Tử Cống
nói với ông lão:
- Có một cái máy
một ngày có thể tưới được một trăm luống rau, cụ muốn dùng không?
Ông lão ngẩng lên
nhìn Tử Cống hỏi:
- Cái máy ấy ra
sao?
- Máy ấy bằng gỗ
đục, phía sau nặng, phía trước nhẹ, đưa (vò) nước lên như thể kéo bằng tay vậy,
mau như nước sôi tràn nồi. Tên nó là cái “cần vọt” (cần kéo).
Ông lão làm vườn
nghe xong, nổi giận, đỏ mặt lên, nén cười nhẹ, bảo:
- Lão nghe thầy
lão nói rằng hễ dùng cơ giới thì tất có cơ sự (việc máy móc), có cơ sự thì tất
có cơ tâm (lòng máy móc) có cơ tâm thì không còn thiên tính trong trắng nữa mà
tâm thần không yên ổn, tâm thần không yên ổn thì Đạo sẽ lánh xa, không che chở
mình nữa. Lão không phải không biết cái lợi của cơ giới, nhưng cho dùng nó là
nhục, thế thôi.
Tử Cống xấu hổ,
cúi đầu không đáp. Một lát sau, ông lão làm vườn mới hỏi:
- Chú là ai?
- Thưa, một đệ
tử của Khổng Khâu.
- Chú phải thuộc
hạng người muốn học cho rộng để đòi làm ông thánh, hô hào để thiên hạ theo mình,
gảy đàn, ca hát than thở để chuốc danh đấy không? Chú nên quên thần khí, bỏ hình
hài của chú đi thì may ra mới tới gần được Đạo. Thân chú, chú còn không “trị” được
thì làm sao trị được thiên hạ? Thôi đi đi, để lão làm việc.
Tử Cống xấu hổ,
tím mặt lại, sợ sệt. Không trấn tĩnh lại được ngay. Đi ba chục dặm rồi tâm thần
mới định.
Bọn đệ tử hỏi Tử
Cống:
- Người lúc nãy
là ai vậy? Tại sao thầy biến sắc tới suốt ngày như vậy?
Tử Cống đáp:
- Trước kia ta
cho rằng trong thiên hạ chỉ có mỗi một người (là Khổng Tử), không ngờ lại còn có
ông lão này. Ta nghe thầy ta dạy: “Hành động thì phải hợp thời cơ, cộng nghiệp
thì phải tính sao cho thành công. Dùng sức ít mà kết quả nhiều, đó là đạo của
thánh nhân”. Lời ông lão hôm nay khác hẳn: hễ giữ được Đạo thì cái Đức được toàn
vẹn, Đức toàn vẹn thì hình thể được toàn vẹn, hình thể toàn vẹn thì tinh thần được
toàn vẹn; Giữ cho tinh thần toàn vẹn là đạo của thánh nhân; thánh nhân sống tạm
ở đời này cũng như mọi người, không biết (chết rồi) về đâu. Thật là hoàn toàn
trong sạch. Người nào chỉ nghĩ tới cái lợi mà dùng cơ giới là không giữ được cái
tâm như ông lão ấy. Ông ấy chỉ theo ý chí của mình, hành động theo lòng mình. Dù
được cả thiên hạ khen và theo lời mình, ông ấy cũng thản nhiên, dù bị cả thiên
hạ chê là lời ông ấy không theo được, ông ấy cũng không buồn. Khen hay chê cũng
chẳng làm ông ấy thay đổi gì cả, người như vậy là toàn đức. Ta chỉ là hạng người
dễ bị ảnh hưởng của người khác như làn sóng dưới gió.
Về tới Lỗ, Tử Cống
kể lại chuyện ấy với Khổng Tử. Khổng Tử bảo: “Người đó hiểu lầm đạo thuật của
thời nguyên thủy hỗn mang. Người đó biết một mà không biết hai, biết trị nội tâm
mà không biết trị ngoại vật. Giữ cái tâm sáng suốt, chất phác, vô vi để trở về
với tự nhiên, giữ được bản tính và tinh thần, ngao du trong cõi thế tục, cái đó
có đáng gì cho anh ngạc nhiên? Đạo thuật của thời nguyên thủy hỗn mang, có đáng
gì cho thầy trò mình biết?”.
6-. Cực Thanh hỏi
Vô Cùng:
- Anh biết Đạo
không?
Vô Cùng đáp:
- Không.
Cực Thanh hỏi Vô
Vi:
- Anh biết Đạo
không?
- Biết.
- Anh biết Đạo,
vậy có thể nói được nó ra sao không?
- Được.
- Vậy nó ra
sao?
- Theo tôi, nó
có thể quí hay tiện, tụ hay tán. Đó, nó như vậy.
Cực Thanh kể lại
những lời của Vô Cùng và Vô Vi cho Vô Thủy nghe và hỏi:
- Vô Cùng không
biết Đạo, mà Vô Vi biết. Như vậy ai phải ai trái?
Vô Thủy đáp:
- Người nào không
biết mới là sâu sắc, người nào biết thì nông cạn. Không biết là cảm được cái bề
trong, biết chỉ là thấy bề ngoài.
Cực Thanh gật đầu,
than:
- Vậy không biết
mới là biết, mà biết lại là không biết. Ai biết được cái biết mà là không biết?
Vô Thủy bảo:
- Đạo không thể
nghe được; cái gì nghe được thì không phải là Đạo. Đạo không thể thấy được; cái
gì thấy được thì không phải là Đạo. Đạo không thể đem ra giảng được, cái gì giảng
được thì không phải là Đạo. Ai biết được rằng cái gì sinh ra hình thể thì không
có hình thể. Đạo, không thể dùng tên mà gọi được.
Vô Thủy nói tiếp:
- Có người hỏi
về Đạo mà mình trả lời tức là không biết Đạo. Nói cái việc hỏi về Đạo đủ tỏ rằng
chưa nghe gì về Đạo. Đạo thì không thể đem ra hỏi được, mà hỏi thì không trả lời
được. Đã không thể hỏi được mà còn hỏi thì câu hỏi đó rỗng không, đã không đáp được
mà còn đáp thì lời đáp đó vô nghĩa. Dùng lời vô nghĩa mà đáp một câu hỏi rỗng
không, như vậy là ngoài thì không quan sát Vũ Trụ, trong thì không biết nguồn gốc,
tất không vượt được núi Côn Lôn, mà ngao du ở cõi Thái Hư. (Côn Lôn là dãy núi
lớn nhất ở phía tây Trung Hoa. Ở đây chỉ cảnh giới cực cao xa. Cõi Thái Hư đây
tức là cõi “vô hà hữu chi lương” chỗ hư vô tịch mịch).
7-. Ánh Sáng Rực
Rỡ hỏi Không Có:
- Thấy là có
hay không có?
Hỏi mà không được
đáp. Ánh Sáng Rực Rỡ bèn chăm chú nhìn trang mạo của Không Có, chỉ thấy tối tăm
và hư không. Suốt ngày nhìn Không Có mà không thấy gì cả, nghe mà không nghe gì
cả, sờ mó mà không nắm được gì cả. Ánh Sáng Rực Rỡ thán phục:
- Thật là cao
xa! Ai mà đạt được. Ta có thể hiểu được sự hư không, nhưng không thể cho cái hư
không là không có, đến như không có mà là có thì làm sao đạt được cảnh giới ấy.
8-. Khổng Tử là bạn của Liễu Hạ Quí. Liễu Hạ Quí, tức Liễu Hạ Huệ, họ Triển, tên Cầm, nhà ở dưới gốc cây liễu, nên gọi là Liễu Hạ, nổi tiếng là trong sạch; có người em tên là Đạo Chích (là tướng cướp tên Chích). Đạo Chích cầm đầu chín ngàn bộ hạ hoành hành trong thiên hạ, xâm đoạt các nước chư hầu, đào tường khoét vách, lùa ngựa bò, bắt cóc vợ và con gái người ta, tham lợi tới quên cả thân thích, không đoái hoài tới cha mẹ anh em, không cúng giỗ tổ tiên. Họ qua nơi nào, nếu là nước lớn thì cố giữ thành, nước nhỏ thì nấp sau lưng, dân tình khốn khổ.
Liễu Hạ Quí bảo
Khổng Tử:
- Làm cha thì
phải răn đe con, làm anh thì phải dạy bảo em. Nhưng nếu con, em không chịu nghe
lời cha, anh thì dù có tài biện thuyết như ông, phỏng làm được gì không? Mà thằng
Chích lòng sôi như suối nóng, ý chí như bão táp; nó mạnh đủ để đương đầu với mọi
kẻ thù, bẻm mép đủ để che giấu, tô điểm những tật của nó, hễ thuận ý nó thì nó
thích, trái ý nó thì nó giận, mắng chửi liền. Ông đừng nên đi!
Khổng Tử không
nghe, cứ đi. Nhan Hồi đánh xe, ngồi bên trái, Tử Công ngồi bên phải, thấy Đạo
Chích đương nghỉ ngơi với bộ hạ ở phía nam núi Thái Sơn. Họ băm gan người làm món
ăn bữa chiều. Khổng Tử xuống xe, tiến lại gần người canh gác, nói:
- Tôi là Khổng Khâu
nước Lỗ, nghe tiếng tướng quân là người nghĩa khí cao, muốn xin yết kiến.
Nói rồi ông vái
hai vái.
Người đó vào thông
báo, Đạo Chích nghe xong, nổi giận tới nỗi mắt sáng như ngôi sao (nảy lửa), tóc
dựng ngược muốn hất cái mũ lên. Hắn nói:
- Tên Khổng Khâu
đó, phải là kẻ xảo trá ở nước Lỗ đấy không? Ra bảo nó như vầy cho ta: “Mày là tên
bày đặt ra lời này lẽ nọ rồi nói thác ra của vua Văn vua Vũ, mày đội cái mũ
trang sức lòe loẹt, đeo cái dây lưng bằng da bò. Mày ba hoa nói bậy, không cày
mà ăn, không dệt mà mặc! Mày khua môi múa mỏ, bày đặt ra điều thị phi để mê hoặc
bọn vua chúa, khiến kẻ sĩ trong thiên hạ không trở về bản tính được; mượn cớ trọng
hiếu đễ mà thực là chỉ cầu được phong hầu mà hưởng phú quí. Tội của mày nặng lắm.
Cút ngay đi, nếu không tao bằm gan mày để ăn bữa trưa!”.
Nhưng Khổng Tử
vẫn xin vô thông báo lần nữa, bảo:
- Tôi may mắn được
quen ông Liễu Hạ Quí, xin được vô bái kiến dưới trướng.
Người canh gác
lại vào thông báo lần nữa. Đạo Chích nói:
- Cho nó vô!
Khổng Tử vội vàng
tiến vô, không dám ngồi vào chiếu, lùi lại, vái Chích hai vái. Chích nổi giận đùng
đùng, duỗi hai chân, đặt tay lên chuôi kiếm, ngó Khổng Tử trừng trừng, giọng dữ
như con cọp cái đương cho con bú mà bị quấy phá. Hắn bảo:
- Khâu, lại đây!
Mày nói mà thuận ý tao thì được sống, nếu trái thì sẽ mất mạng đấy.
Khổng Tử bảo:
- Khâu tôi nghe
nói trong thiên hạ có ba đức quí: thân thể cao lớn, dung mạo đẹp đẽ vô cùng, bất
luận già trẻ, sang hèn trông thấy đều thích, đó là đức quí thứ nhất; trí tuệ
bao quát trời đất, biên biệt được mọi vật, đó là đức quí thứ nhì; dũng mãnh quả
cảm, qui tụ được nhiều binh lính mà thống lĩnh họ, đó là đức thứ ba, thấp hơn cả.
Ai mà có được một trong ba đức đó thì đáng làm vua trong thiên hạ. Nay tướng quân
có đủ cả: cao tám thước hai (một thước thời đó bằng khoảng một gang tay), diện
mục đều sáng, môi đỏ như son, răng trắng như vỏ sò nước Tề (nước Tề có biển),
tiếng vang như chuông. Vậy mà người ta gọi tướng quân là “tướng cướp tên Chích”,
tôi lấy làm xấu hổ cho tướng quân, lẽ nào lại chịu như vậy. Nếu tướng quân chịu
nghe lời tôi thì tôi sẽ vì tướng quân đi sứ Ngô, Việt ở phương Nam; Tề, Lỗ ở phương
Bắc; Tống, Vệ ở phương Đông; Tấn, Sở ở phương Tây. Tôi sẽ thuyết phục người ta
xây một cái thành lớn mấy trăm dặm, lập một ấp lớn mấy trăm ngàn nhà, tôn tướng
quân làm vua chư hầu, mà mở một cuộc đời mới từ nay: bãi binh, cho lính về, tập
hợp anh em, nuôi nấng họ và cúng giỗ tổ tiên. Đó là hành vi của bậc thánh nhân
và kẻ sĩ có tài, thiên hạ chỉ mong được như vậy.
Chích vẫn chưa
nguôi giận, đáp:
- Khâu, lại đây!
Kẻ nào bị thuyết phục vì lợi, hoặc nghe lời khuyên mà sửa tính, kẻ đó chỉ là hạng
ngu xuẩn, tầm thường. Nay tao cao lớn, dung mạo đẹp đẽ, ai trông thấy cũng thích,
đó là cái đức cha mẹ tao di truyền lại, chẳng đợi mày khen, tao cũng biết. Mà tao
nghe nói kẻ nào thích khen trước mặt người khác thì sau lưng sẽ nói xấu người
ta. Mày hứa sẽ cho tao một thành lớn với nhiều nhiều dân, là muốn dùng lợi mà dụ
dỗ tao, coi tao như hạng tầm thường. Nếu được như thế đi nữa thì phỏng tao giữ được
bao lâu? Thành dù lớn tới mấy cũng không bằng cả thiên hạ được. Nghiêu, Thuấn làm
chủ thiên hạ đấy mà con cháu không có một miếng đất cắm dùi; Thang và Vũ làm thiên
tử đấy mà đời sau tuyệt diệt; như vậy chẳng do nắm được cái lợi lớn đấy ư?
Vả lại tao nghe
rằng đời xưa cầm thú nhiều mà người ít, cho nên dân mới phải làm ổ để ở mà tránh
chúng; ban ngày lượm hạt dẻ, trái lật, ban đêm ngủ ở trên cây, cho nên mới gọi
là “thời ở trong ổ” (Sáo thị chi dân).
Đời xưa, con người
không có quần áo, mùa hè chất chứa cành cây để mùa đông đốt mà sưởi, cho nên gọi
là “thời biết cách sống” (Tri sinh chi dân). Thời Thần Nông, người ta ngủ ngon,
sáng dậy thư thái. Người ta chỉ biết có mẹ mà không biết có cha (thời mẫu hệ!), sống chung với
hươu nai, cày ruộng mà ăn, dệt vải mà mặc, không có ý hại nhau. Đó là thời Đức
tuyệt cao (thời Thế giới đại đồng?).
Nhưng rồi Hoàng
Đế kém Đức, giao chiến với Si Vưu ở cánh đồng Trác Lộc, máu chảy tới trăm dặm.
Rồi Nghiêu, Thuấn cầm quyền, đặt ra quan chức; Thang đuổi vua đi, Võ Vương giết
Trụ. Từ đó về sau, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, đa số đàn áp thiểu số (thời bắt đầu có sự phân hóa xã hội, phân chia tầng lớp giàu-nghèo, thống trị-bị trị, đã có khái niệm quyền lực, tư hữu?). Từ Thang, Võ
tới nay, chỉ toàn là bọn gây loạn thôi. Mà bây giờ mày muốn theo đạo vua Văn
vua Võ, nắm ngôn luận trong thiên hạ để dạy đời sau. Mày bận cái áo rộng tay (áo
của nho sĩ-hàng ngũ trí thức đương thời), đeo cái đai hẹp kia, dùng xảo ngôn và hành vi giả dối để mê hoặc bọn
vua chúa trong thiên hạ, mà mong được phú quí. Đạo tặc bậc nhất là mày đấy. Tại
sao thiên hạ không gọi mày là thằng tướng cướp Khâu mà lại gọi tao là thằng tướng
cướp Chích?
Mày dùng lời ngọt
ngào dụ dỗ Tử Lộ theo mày; nó bỏ cái mũ cao, cây kiếm dài đi, theo học mày, và
thiên hạ đều khen Khổng Khâu biết ngăn bạo hành, cấm điều trái. Nhưng rốt cuộc,
Tử Lộ muốn giết vua nước Vệ mà thất bại, bị vua Vệ băm thây làm mắm ở cửa Đông
Kinh Thành; vậy là giáo dục của mày lầm lẫn rồi.
Mày tự cho là bậc
thiên tài, thánh nhân ư? Mày bị đuổi hai lần ở Lỗ, bị trục xuất khỏi Vệ, bị khốn
đốn ở Tề, bị vây ở khoảng giữa Trần và Thái, khắp thiên hạ không còn chỗ nào để
dung thân. Mày dạy Tử Lộ mà khiến thây nó bị băm ra làm mắm. Như vậy là cái Đạo
của mày không ích gì cho mày và cho người, có đáng cho ai nghe không?
Trên đời không
ai được tôn sùng bằng Hoàng Đế, mà đức của Hoàng Đế cũng không hoàn toàn, gây
chiến ở đồng Trác Lộc, máu chảy trăm dặm. Nghiêu làm vua thì bất từ, Thuấn làm con
thì bất hiếu, Vũ bán thân bất toại; Thang đuổi vua Kiệt đi, Võ Vương giết vua
Trụ, Văn Vương bị giam ở ngục Dữu Lí (Nghiêu mưu giết con trưởng, Thuấn cưới vợ
không xin phép cha mẹ, Vũ lo trị thủy dầm mưa dãi nắng mà sinh bệnh, Văn Vương
bị Trụ giam bảy năm). Sáu ông ấy được thiên hạ đề cao đấy. Nhưng xét cho kỹ, họ
đều bị cái lợi mê hoặc mà mất bản chân, khiến họ làm ngược lại hẳn bản tính của
họ, hành vi đó của họ thật đáng xấu hổ.
Hạng người mà
thiên hạ khen là hiền thì có Bá Di, Thúc Tề. Hai ông ấy từ chối ngôi vua nước Cô
Trúc để rồi chết đói trên núi Thú Dương, thịt xương không ai chôn cho. Bảo Tiêu
tô điểm đức hạnh mà chê bai người đời, sau phải ôm cây mà chết (Ông là ẩn sĩ đời
Chu, vô rừng ở, lượm trái cây mà ăn. Tử Cống nói
khích: “Ông chê nhà Chu mà ở trên đất của Chu, ăn trái cây của Chu. Như vậy có phải không?”. Bảo Tiêu bèn ôm cây chịu chết
khô.). Thân Đồ Địch can vua, vua không nghe, rồi ôm đá gieo mình xuống sông làm
mồi cho cá và ba ba. Giới Tử Thôi rất trung quân, tự cắt đùi để nuôi Tấn Văn Công
trong khi bỏ nước mà đi, sau Tấn Văn Công quên Giới Tử Thôi, Tử Thôi giận, bỏ vô
rừng, ôm cây chịu chết thiêu (Giới Tử Thôi, cũng gọi là Giới Chi Thôi, trốn
theo thái tử Trùng Nhĩ, cắt thịt đùi nuôi Trùng Nhĩ, sau thành Tấn Văn Công. Tấn
Văn Công thưởng các người tòng vong mà quên ông, ông cõng mẹ vào núi ở. Văn Công
ân hận mời Thôi ra, Thôi không ra, Văn Công đốt núi để ông phải ra, nhưng ông ở
lì trong núi mà chịu chết thiêu. Hôm đó là ngày mồng 3 tháng 3. Từ đó, vua ra lệnh
ngày ấy cấm lửa, phải ăn nguội để kỷ niệm Thôi. Tết đó là tết Hàn thực). Vĩ
Sinh hẹn với một người con gái ở dưới cầu, nàng không đến, nước sông dâng lên,
Vĩ Sinh không về, ôm cột cầu, mà chịu chết đuối. Sáu người đó chết không khác gì
con chó bị giết, con heo bị nhận nước, tên hành khất cầm cái bầu đi xin ăn. Họ đều
ham danh mà khinh chết, không nhớ đến cái điều căn bản là di dưỡng tuổi thọ.
Hạng người mà
thiên hạ khen là trung thần, không ai bằng Tỉ Can và Ngũ Tử Tư, mà Tử Tư bị ném
thây xuống sông, Tỉ Can bị moi tim. Hai ông ấy được gọi là trung thần đấy, rốt
cuộc bị thiên hạ cười chê, như vậy thì có gì đâu mà đáng khen.
Khâu, mày muốn
thuyết tao, đem chuyện quỉ thần ra nói thì tao không biết, chứ nói chuyện người
thì bất quá chỉ như vậy, tao biết cả rồi. Tao nói về tình người cho mày nghe này:
mắt ưa sắc đẹp, tai ưa tiếng êm đềm, miệng muốn nếm vị ngọt, chí khí muốn được
thỏa mãn. Người ta thượng thọ thì được trăm tuổi, trung thọ được tám mươi, hạ
thọ được sáu mươi, mà trừ những lúc đau yếu, những lúc có tang, buồn rầu lo lắng
ra, thì mỗi tháng chỉ còn bốn năm ngày mở miệng ra cười được thôi. Trời với đất
vô cùng, kiếp người hữu hạn, đem cái thời gian hữu hạn gửi vào trong cái khoảng
vô cùng thì không khác gì bóng câu qua cửa. Kẻ nào không biết thỏa mãn ý chí,
giữ gìn thọ mệnh thì không hiểu gì về Đạo cả. Những lời nói của mày, Khâu, tao
không chấp nhận được. Dông đi, về ngay đi, đừng nói thêm nữa! Cái Đạo của mày điên
rồ vô nghĩa, xảo trá, hư ngụy, không làm cho người ta bảo toàn được chân tính,
không đáng đem ra bàn.
Khổng Tử vái
hai vái rồi vội vàng chạy ra cửa, lên xe ba lần mới nắm được dây cương vì hoảng
hốt, mắt không thấy rõ, mặt tái mét như tro tàn, ngồi dựa vào cái đòn ở trước
xe, đầu cúi xuống, thở không ra hơi.
Về tới phía ngoài
cửa Đông kinh đô nước Lỗ thì gặp Liễu Hạ Quí. Liễu Hạ Quí hỏi:
- Mấy bữa rày
không thấy mặt ông đâu. Mà sao xe và ngựa có vẻ như đi xa về. Phải chăng ông đi
thăm thằng Chích?
Khổng Tử ngẩng
mặt lên trời thở dài:
- Phải!
- Thế nó có nói
gì trái ý như tôi đã đoán không?
- Có. Khâu tôi
như con người vô bệnh mà để cho người ta châm cứu vậy. Tôi đã chạy lại xoa đầu,
vuốt râu cọp, suýt nữa bị cọp nhai.
(Khi Trang Tử kể
câu chuyện này xong, chúng ta có nêu thắc mắc: theo Tư Mã Thiên thì Chích sống ở
thời Hoàng Đế, cách thời Khổng Tử xa lắc… Trang Tử cười hề hề mà rằng:
- Cả ba người: Khổng
Tử, Liễu Hạ Quí và Đạo Chích đều khác thời nhau. Chuyện ta kể chỉ là ngụ ngôn để
tỏ cái lòng của ta, thế thôi!).
(Hết chương VIII)
Nhận xét
Đăng nhận xét