Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

TT&HĐ I - 9/i


                                                                 Văn Minh Ấn Độ

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG IX: NHÌN LẠI

-"Mục đích duy nhất của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại." 
Bleiste

-"Đạo đức cao thượng nhất của nhân loại là gì?Đó chính là lòng yêu nước"
Napoleon.

-"Nhân loại luôn có một chỗ độc đáo:
nó lưu giữ hai bộ phép tắc đạo đức - một bộ lén lút, một bộ công khai; một bộ chân chính, một bộ làm bộ làm tịch"
 
Mark Twain

-“Nhân loại không có sự đòi hỏi nào cao hơn là làm sao đạt tới cái chí thiện, chí mỹ và chính vì giải quyết vấn đề ấy mà nó đã cố gắng...”
 
Vidhusekharsastri

-"Chủ nghĩa anh hùng theo mệnh lệnh, bạo lực phi lý và tất cả những điều vô nghĩa nhân danh lòng ái quốc – tôi mới căm ghét chúng làm sao!"
Albert Einstein

-"Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng".
Aleksandr Solzhenitsyn

-"Đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị; và đặc biệt trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước".
Alexander Hamilton

-"Anh có thể rứt bỏ con người khỏi xứ sở họ, nhưng anh không bao giờ có thể rứt bỏ được xứ sở nơi lòng người"
 
John Don Passos

 

 

(Tiếp theo)



                                              ***
Theo truyền thuyết Ấn Độ (dù không có bằng chứng xác đáng nào!), các kinh Vêđa đã xuất hiện từ 3000 năm TCN. Có người còn cho rằng thời điểm xuất hiện của chúng sớm hơn nữa, vào khoảng 6000 năm TCN, thậm chí là 10000 TCN.
Nhưng không một ai biết các kinh Vêđa đó xuất hiện từ đâu. Các nhà hiền triết Ấn Độ cổ đại chỉ đơn giản cho rằng chúng là những chân lý được Đấng Tối Cao (hay Thượng Đế) mặc khải cho loài người. Một truyền thuyết, dù thiếu hẳn sự xác tín khoa học thì ở một mức độ nhất định, vẫn có thể còn lưu giữ trong lòng nó vài tín hiệu, vài thông tin về sự thực nào đó trong mịt mù quá khứ, bởi vai trò ban đầu, nguyên thủy của truyền thuyết chính là bảo tồn những hiểu biết về quá khứ bằng ngôn ngữ, hay nói cách khác, truyền thuyết là "lịch sử truyền khẩu" đã biến dạng theo hướng thi vị hóa, linh thiêng hóa theo thời gian, tùy thuộc vào nhận thức của từng thời đại, và chỉ trở thành mặc định khi chữ viết đã tương đối hoàn thiện. 
Cũng do đó, nghiên cứu lịch sử loài người thời tối cổ-tiền sử mà không chú ý tham khảo và biết cách khai thác những tín hiệu, thông tin thực sự quí báu "bị phủ vùi" trong truyền thuyết thì thật là... đáng tiếc...

Vì mang nội dung hàm chứa tư tưởng tôn quí sự sống thiêng liêng trong những ý niệm hồn nhiên mà cao khiết, ngây thơ mà thâm sâu, với văn phong súc tích của thời truyền khẩu, theo lối tụng ca giàu vần điệu, vừa uyển chuyển ngân nga, vừa nghiêm cẩn uyên áo, nên kinh Vêđa cũng được tôn gọi là "Thánh kinh Vêđa". Bộ kinh Vêđa có bốn tập (tạng) mà tập lâu đời nhất là Rig Vêđa. Nghe nói Rig Vêđa là tập hợp gồm khoảng mười quyển, với 1028 bài tụng ca mà bài cổ nhất được cho là đã tồn tại từ khoảng 1500 năm TCN, và bài xuất hiện muộn nhất cũng vào khoảng 1000 năm TCN. 
Theo nhận định của các nhà sử học thì khoảng thời gian đó cũng hầu như "trùng khít" với khoảng thời gian xảy ra quá trình lan cư của tộc người Arian vào Ấn Độ và dựa vào những chỉ thị mang tính bằng chứng mà họ cũng cho rằng có mối quan hệ khăng khít giữa sự "có mặt" người Arian ở Ấn Độ và sự xuất hiện kinh Rig Vêđa. Sự thực phải chăng là như thế?
 Nếu tin vào truyền thuyết Ấn Độ thì thời điểm ra đời của kinh Rig Vêđa rõ ràng là phải sớm hơn rất nhiều so với suy đoán hiện nay. Có thể nào giả định rằng rất lâu trước khi người Arian xâm nhập Ấn Độ, trong cư dân "bản địa" Ấn Độ đã tồn tại một tinh thần tín ngưỡng nào đó về tự nhiên-xã hội mà sau khi tiếp thu, hòa hợp với tín ngưỡng của người Arian thì trở thành cốt lõi tạo nên nền tảng tư tưởng của Rig Vêđa để rồi đến lượt Rig Vêđa trở thành giềng mối tư tưởng của bộ kinh Vêđa cũng như của bộ kinh Upanishad? Chúng ta trả lời câu hỏi này theo hướng khẳng định nhưng chỉ trong... hoang tưởng! Còn đúng hay sai thì hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ "mạnh mẽ" hay "yếu xìu" của sự biện minh tiếp theo đây của chúng ta, trên cơ sở những đúc kết hiện nay về khảo cổ học, về nhân chủng học và tất nhiên là cả sự "thừa kế" ý kiến "có lợi" từ các nhà nghiên cứu chuyên môn.

Theo từ điển mở Wikipedia:
"Những di vật riêng rẽ của người vượn đứng thẳng tại Hathnora, thuộc lưu vực Narmada tại Trung Ấn chứng tỏ rằng Ấn Độ đã có người định cư ít nhất từ thời trung kỷ pleitoxen, độ khoảng 200.000 đến 500.000 năm trước. Thời kỳ đồ đá giữa tại tiểu lục địa Ấn Độ bao phủ một khoảng thời gian độ 250.000, bắt đầu khoảng 300.000 năm trước. Con người hiện đại có vẻ đã định cư ở tiểu lục địa trước giai đoạn cuối của kỷ Băng Hà cuối cùng, khoảng chừng 12.000 năm trước. Những sự định cư lâu dài đầu tiên được xác nhận xuất hiện 9.000 năm trước tại hang đá Bhimbetka, thuộc bang Madhya Pradesh ngày nay. Sự khám phá ra Mehrgarh (7000 năm trước công nguyên trở về trước) là biểu tượng của văn hóa thời đầu đồ đá mới, nó thuộc tỉnh Balochistan của Pakistan ngày nay. Những dấu tích văn hóa của thời kỳ đồ đá mới đã được tìm thấy dưới vịnh Khambat, khảo sát niên đại bằng Carbon xác định vào khoảng năm 7500 trước công nguyên. Văn hóa cuối thời kỳ đồ đá mới xuất hiện ở vùng lưu vực sông Ấn giữa giai đoạn năm 6000 và 2000 trước công nguyên và tại vùng Nam Ấn giữa giai đoạn năm 2800 và 1200 trước công nguyên", "Các nhà khảo cổ đã tìm ra cái nôi đầu tiên của Ấn Độ tại lưu vực sông Ấn. Tại đây người ta tìm thấy pho tượng một người đàn ông trong tư thế suy tưởng gợi đến môn phái yoga. Rất nhiều hiện vật được tìm thấy ở khu vực Harappa và Mohenjo có niên đại từ 3.000 dến 1.800 trước công nguyên. Những tìm tòi gần đây hé mở phần nào về sự lan tỏa của nền văn minh lưu vực sông Ấn rộng lớn về miền Bắc và miền Tây xa xôi cùng với cư dân lưu vực sông Ấn lại có quan hệ gần gũi với văn hóa Dravidian, từng phồn thịnh từ rất lâu ở miền Nam Ấn Độ trước khi người Aryan đặt chân đến".
Trong bài "Sự hình thành dân cư Ấn Độ" của nhà nghiên cứu Hà Văn Thủy có đoạn:
"Theo những phát hiện di truyền học mới nhất thì sớm hơn 74000 năm trước, người di cư từ châu Phi men theo bờ Ấn Độ dương đã tới Ấn Độ, theo cửa các con sông. Nhưng 74000 năm trước, núi lửa Toba trên đảo Sumatra phun trào, phủ nham thạch lên toàn vùng Nam Á, thiêu trụi các cánh rừng và hủy diệt tất cả những người có mặt trong khu vực. Sau “mùa đông nguyên tử” hàng ngàn năm, những người sống sót ở xung quanh tiến vào tái chiếm Ấn Độ. Đó là những người da đen Negritoid, cư trú ở Nam và Đông Nam Ấn, trở thành dân cư bản địa,.

Khoảng 50.000 năm trước, từ Đông Dương, người Việt cổ vượt qua đất Mianmar sang Ấn. Người Việt cổ ra đời khoảng 70.000 năm trước, do hòa huyết của hai đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi sang theo bờ biển Nam Á. Có nghĩa là những người tới Đông Nam Á cùng nguồn cội với những người tới Ấn Độ. Nhưng vì nguyên do nào đó, trong những người dừng lại Ấn Độ chỉ có Negrito mà không có Mongoloid. Tại đồng bằng Hainanland, là thềm biển Đông ngày nay, người Australoid kết hợp với người Mongoloid sinh ra bốn chủng Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Do số lượng người Australoid vượt trội nên trong cộng đồng Việt cổ, yếu tố Australoid trở thành chủ đạo và được nhân chủng học xếp vào nhóm loại hình Australoid. Do điều kiện môi trường thuận lợi, người Việt tăng nhanh số lượng, lan tỏa sang Úc và các đảo ngoài khơi Đông Nam Á. Khoảng 40.000 năm trước, do khí hậu phía Bắc bớt lạnh, người Việt lên khai phá Trung Hoa, rồi từ Tây Nam Trung Hoa di cư vào Ấn Độ. Tại đây, người Việt gặp người bản địa da đen Negro, vốn là người tái chiếm đất Ấn sau thảm họa Toba. Rất có thể một tình trạng sau: tuy có mặt nơi đây rất sớm, nhưng vì nhiều nguyên nhân, giống như đồng chủng của họ trên một số hòn đảo Đông Nam Á, sinh xuất của người Negro thấp, dân số tăng chậm và trở thành những bộ lạc thiểu số sống ở Nam Ấn cho tới hôm nay. Đó là chưa kể, do hôn phối cận huyết kéo dài, họ bị suy thoái về di truyền, trở về gần với dạng gốc châu Phi. Như vậy, khoảng 40000 năm trước, người Australoid, mà chủ lực là chủng Indonesian có mặt trên toàn tiểu lục địa Ấn Độ, được lịch sử gọi là Dravidian.

Đối chiếu sự phát hiện của di truyền học hôm nay với những nhận định của giới nhân chủng học Anh thế kỷ XIX, ta thấy, theo tiêu chí hình thái học sọ người, các nhà nhân chủng học Anh đã nhận xét đúng về nhân học của cộng đồng Dravidian: vừa có yếu tố Australoid, vừa có yếu tố Indonesian, vừa có chất Mông Cổ, lại có những đặc điểm Ethiopia. Điều này thêm bằng cớ xác nhận Dravidian là con lai của Mongoloid và Australoid từ châu Phi tới.

Cuộc thiên di của người Việt cổ tới Ấn liên tục qua nhiều thiên niên kỷ, tới giai đoạn người Hòa Bình mang công cụ Đá Mới, sau đó là cây kê và lúa nước sang xây dựng kinh tế nông nghiệp trên đất Ấn Độ. Khoảng 3000 năm TCN, Người Dravidian đã sáng tạo nên văn minh sông Indus nổi tiếng. Khảo cổ học phát hiện những hiện vật của văn hóa vật thể của người Dravidian nhưng không giúp khám phá văn hóa phi vật thể của họ. Đến nay, ta có thể khẳng định rằng đó là nền văn hóa nông nghiệp được kế thừa từ tộc Việt trên địa bàn Đông Nam Á cũng như trên lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà.

Khoảng 2000 năm TCN, người Aryan thuộc chủng Á – Âu (Eurasian), là những bộ lạc du mục rất thiện chiến từ Iran kéo vào xâm lăng Ấn Độ. Đây là cuộc chiến khốc liệt. Người Aryan tiêu và diệt bắt người Dravidian làm nô lệ. Không chỉ cướp đoạt tài sản, người Aryan còn chiếm khối lượng lớn đất canh tác của dân bản địa và dồn họ xuống phía nam. Là dân du mục có nền văn minh khá cao, người Aryan mang tới Ấn Độ chữ Phạn, xã hội chia đẳng cấp và đạo Balamôn, một đa thần giáo với những kinh sách khẳng định việc phân chia giai cấp.
(...)
Sự kiện 2000 năm TCN, người Aryan xâm lăng lãnh thổ của người Dravidian ở Ấn Độ cũng giống như 600 năm trước đó người Mông Cổ xâm chiếm đất đai của người Bách Việt phía nam Hoàng Hà. Cùng là sự xâm lăng của những tộc du mục đối với các bộ lạc nông nghiệp nhưng tình huống hai cuộc xâm lăng khác nhau đã đưa tới những hệ lụy lịch sử hoàn toàn khác nhau. Người Mông Cổ du mục nhân số ít. Khi vào Trung Nguyên, một vùng đất mênh mông, kinh tế trù phú, gặp cuộc kháng chiến mãnh liệt của số người đông đảo gấp bội, kẻ xâm lăng tuy thiện chiến nhưng cũng không thể chiến thắng dễ dàng. Vì vậy, người Mông Cổ thấy không thể và cũng không cần tiêu diệt dân bản địa hay bắt làm nô lệ mà thực hiện chính sách khôn ngoan: giành cho người Mông Cổ vị trí thống trị, hoạt động thương mại còn cho người bản địa làm nông nghiệp, và những nghề nặng nhọc. Chính sách khôn khéo này xoa dịu sự đối kháng của người Bách Việt và sớm tạo nên mối hòa đồng trong xã hội.
Một thời gian sau, do sự chung sống nên xảy ra hòa huyết Mông-Việt, tạo ra chủng mới Mongoloid phương Nam được gọi là người Hoa Hạ, tổ tiên của người Hán. Ngày nay người Hán chiếm 93% nhân số Trung Hoa".
Như vậy, trước khi người Arian xâm nhập, ở Ấn Độ đã tồn tại nền văn minh vượt trội của người Dravian (được coi là dân "bản địa") mà đỉnh cao chói lọi là văn minh Harappa-Mohenjo, và cội nguồn của nền văn minh này cùng với văn hóa tín ngưỡng của nó chính là những gì đã lan truyền tới từ văn minh Đông-Nam Châu Á, cụ thể là văn minh Hòa Bình, theo hai ngả trọng yếu là từ Lào và Trung Quốc sang mà dải đất đóng vai trò trung chuyển là Nêpan ngày nay. Có lẽ sự lan tỏa dân cư của người Arian vào Ấn Độ không đến nỗi "khốc liệt" như nhận định trên và sự đồng hóa văn hóa Dravian-Arian cũng không phải theo hướng văn hóa Arian lấn át văn hóa bản địa mà hoàn toàn ngược lại. Nghĩa là chúng ta cho rằng trước khi xuất hiện Rig Vêđa (một thể hiện về sự hòa hợp văn hóa Dravian-Arian) thì ở Ấn Độ đã từng tồn tại tương đối bền vững một dạng kinh thuần túy Dravian nào đó để rồi sau này đóng vai trò nền tảng nhận thức trong Rig Vêđa...

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét