TIN BUỒN (Mười Hương) 53

(ĐC sưu tầm trên NET)

Ông Mười Hương, người tổ chức đường dây tình báo cho tướng Phạm Xuân Ẩn, từ trần

8 Thanh Niên Online
Ông Trần Quốc Hương, có bí danh Mười Hương, được biết đến là người trực tiếp tổ chức hoạt động cho những nhà tình báo lừng danh như: Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, đã từ trần.
Ông Trần Quốc Hương nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng vào năm 2018
Ảnh: TTXVN
Ngày 11.6, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư thông báo ông Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương), nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính T.Ư, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư đã từ trần.
Thông báo của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư cho biết ông Trần Quốc Hương sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần vào hồi 10 giờ 10 ngày 11.6.2020 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM.
Ông Trần Quốc Hương tên thật là Trần Ngọc Ban có bí danh là Mười Hương, sinh năm 1924 tại xã Vũ Bản, H.Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông là người trực tiếp tổ chức hoạt động cho những nhà tình báo lừng danh như Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ. Ông Trần Quốc Hương đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương, huy chương khác...

Cùng dự lễ trao tặng có ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM; đại diện các ban của Đảng và các sở, ban, ngành của TP.HCM...
Ông Trần Quốc Hương sinh năm 1924 tại xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, tham gia cách mạng năm 1937, vào

Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại


        
“Thế hệ chúng tôi mỗi khi gặp vấn đề gì hóc búa đều đến gặp ông cụ xin chỉ bảo” - Huỳnh Huề
Cuối giờ chiều một ngày tháng 4-2009, tôi một mình lang thang trong Khu di tích Căn cứ T.Ư Cục miền Nam, thuộc H. Tân Biên, Tây Ninh, nằm trên vành đai biên giới Việt Nam – Campuchia. Cả một trảng rừng mênh mông trong áng trời xế bóng chiều hôm màu mỡ gà thật là kỳ thú. Bước trên lá khô xào xạc trong rừng chiều biên giới, trong tôi có một cảm giác vừa thân quen vừa lạ lẫm, lại vừa thân thương không sao diễn tả hết. Những con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn tôi qua rất nhiều căn nhà lá được phục chế nằm dưới tán lá rừng. Mỗi căn nhà gắn với tên một con người, đều là những nhân vật có tên trong sách lịch sử, như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... Trong số ấy, tôi phát hiện ra một căn nhà gắn bảng tên Trần Quốc Hương - người duy nhất còn sống được ghi tạc chốn này. Lòng bảo lòng, một ngày nào đó phải tìm gặp ông.
Ấy vậy mà cũng phải mất đến mấy năm sau tôi mới có cơ hội.
Một ngày cuối tháng 5-2011, tôi được Thiếu tướng Huỳnh Huề (thường gọi thân mật là Ba Hoàng), Anh hùng LLVTND Việt Nam, dẫn lối đến thăm ông Trần Quốc Hương, tức ông Mười Hương. Lúc đó Thiếu tướng Ba Hoàng mới chuyển công tác từ vị trí Giám đốc CA tỉnh Đắc Lắc về làm Cục trưởng thuộc Tổng Cục An ninh 2, Bộ CA. Ông Ba Hoàng là người xứ Quảng, thời chiến vào Sài Gòn học, cùng một nhóm anh em đồng hương xăng xái hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên. Khi ông Mười Hương lập Cụm Điệp báo A10 ở Campuchia, phân công ông Mười Thắng (hiện sống ở TPHCM) làm Cụm trưởng, mấy anh em xứ Quảng móc nối lại với nhau hoạt động, Ba Hoàng làm Cụm phó, phối hợp “đánh” vào tận văn phòng Phó Thủ tướng VNCH Nguyễn Văn Hảo, dinh Hoa Lan (nơi ở của Tổng thống Dương Văn Minh), cơ quan tình báo kỹ thuật CIA, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bưu điện Sài Gòn, lõm chính trị Bảy Hiền...
Trở lại với ông Mười Hương, cho đến lúc ngồi trong phòng khách ở Q.2, TPHCM, tôi vẫn lâng lâng cảm giác giống như khi một mình lang thang trong rừng chiều biên giới năm nào, khác chăng là có thêm phần bối rối, có lẽ bởi sự nhỏ bé của mình với tầm vóc quá lớn của người sắp gặp. Trong căn phòng trang trí giản dị còn lưu dấu của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các vị Ủy viên Bộ Chính trị, các vị bộ trưởng, các nhà tình báo, các sỹ quan cao cấp của CAND, QĐND, các trí thức đương đại... đến thăm hỏi, trao đổi với vị chủ nhà có dáng người nhỏ nhắn, tinh anh. Ngay hôm tôi đến thì cũng có khách là vợ chồng cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, cháu ruột của nhà cách mạng Tạ Quang Bửu, trên đường ra công cán ở Côn Đảo ghé vào thăm ông.
Thế nhưng, khi ông Mười Hương xuất hiện, mọi cảm giác “sợ” trong tôi tan biến, sau cái khoát tay. “Thôi... Thôi... Có công chuyện gì thì cũng gác lại đã. Bây giờ tôi muốn nghe các anh nói về vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của ta trên biển. Mấy ngày nay tôi không ngủ được cũng vì cái chuyện này”. Thấy khách còn bối rối, ông giải thích thêm: “Ở đây có một ông bộ trưởng, một ông tướng, một ông nhà báo, tôi muốn nghe quan điểm của các ông. Đất nước có chuyện thì phải xúm vào mà tính trước đã, còn chuyện của mình lúc nào tính chả được!”. Vậy là, câu chuyện của chúng tôi cuốn ngay vào đề tài Biển Đông. Ông chăm chú nghe từng người nói. Đôi mắt sáng như xoáy vào tận tâm can, như muốn hiểu cho thật tận tường cặn kẽ mọi quan điểm, suy nghĩ của từng người. May cho tôi, bởi hôm trước đã có dịp trò chuyện với Tiến sỹ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu có tiếng về Hoàng Sa – Trường Sa, chủ bút Tập san Sử Địa ở miền Nam trước 1975, nên còn nhớ được đôi điều để trình bày với ông Mười Hương, chứ nếu không cũng đến là xấu hổ!
Tôi chợt nghĩ, thuở xưa, chắc ông Mười Hương cũng đã nhìn xoáy vào tận tâm can của những lính lê dương để thu phục họ rời hàng ngũ thực dân ra giúp chính phủ Cụ Hồ, hoặc xoáy vào tâm can của những nhà tình báo huyền thoại Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn để chỉ đạo họ, hoặc xoáy vào tâm can của Ngô Văn Cẩn, Ngô Đình Nhu để mà đấu trí, hoặc xoáy vào tâm can những học trò xứ Quảng để biến họ thành Cụm Điệp báo A10...
Sau khi nghe hết thảy các ý kiến, đến lượt mình, ông Mười Hương nói: “Sống cạnh nước lớn phải làm được hai chuyện. Thứ nhất, phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn, sống có trước có sau, đừng vì chuyện lặt vặt mà sinh ra cãi vã xích mích. Những chuyện cãi vã lặt vặt chẳng giải quyết được cái gì cho ai cả, tốt nhất là dẹp nó đi cho đỡ vướng. Thứ hai là cũng đừng có nhún nhường quá, phải có đối sách rõ ràng, dứt khoát, cái gì hợp tác thì hợp tác, cái gì bị xâm hại thì phải quyết liệt đấu tranh tới cùng”.
Cuộc trò chuyện về chủ đề Biển Đông vẫn còn kéo dài nữa, gia chủ yêu cầu khách cùng mình thảo luận từng chi tiết nhỏ nhất, đặt ra nhiều khả năng, phân tích theo lý lẽ riêng của từng người. Và mỗi khi hết phần trình bày của mình, ông lại muốn nghe ý kiến của từng người trong cuộc về các lập luận của ông. Mọi lý lẽ, thông tin, chuyện xưa, chuyện nay mà ông nêu ra trong câu chuyện sinh động vô cùng.
Thiếu tướng Huỳnh Huề ghé tai nói với tôi: “Thế hệ chúng tôi mỗi khi gặp vấn đề gì hóc búa đều đến gặp ông cụ xin chỉ bảo”.
“Ông cụ” là từ mà nhiều điệp viên trong Ban An ninh T.Ư Cục miền Nam và An ninh Sài Gòn – Gia Định (T4) trước đây gọi thân mật ông Mười Hương.
Trời đã ngả về chiều, mồ hôi lấm tấm trên vầng trán gia chủ, giọng nói ông trầm xuống. Ông bà cựu Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc đã từ biệt để kịp ra Côn Đảo. Ông Mười Hương tựa lưng vào ghế, buột miệng: “Tính ra tôi ở miền Nam cũng đã được hơn nửa thế kỷ rồi đấy. Vậy mà có lần tôi phải nói với cô Phương Thảo (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM – N.L) rằng, có một việc không bao giờ tôi làm được, ấy là nhại giọng miền Nam. Nhiều ông tài thật, nói được cả giọng Bắc, giọng Nam. Tôi thì có lúc thử rồi nhưng thấy nó lố bịch thế nào ấy, nên thôi”..
        
Ông TRẦN QUỐC HƯƠNG (Mười Hương)* Huân chương Sao Vàng
* Huân chương Hồ Chí Minh
* Huân chương Quân công hạng Nhất
* Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

(còn nữa)
Theo Nguyễn Lê/CA TP Đà Nẵng

Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (2)


        
Ông TRẦN QUỐC HƯƠNG (Mười Hương)* Huân chương Sao Vàng
* Huân chương Hồ Chí Minh
* Huân chương Quân công hạng Nhất
* Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

(Cadn.com.vn) - Tên gọi Mười Hương nghe 'rất Nam Bộ' nhưng thực ra ông sinh ở vùng chiêm trũng xứ Bắc, xã Vụ Bản, H. Bình Lục, Hà Nam. Tên thật của ông là Trần Ngọc Ban, sau tham gia kháng chiến đổi thành Trần Quốc Hương, Mười Hương là tên thường gọi.
Mười Hương sinh năm 1924 trong một gia đình thuộc tầng lớp trên lúc bấy giờ. Quãng những năm 30 của thế kỷ trước, cụ thân sinh ông làm nghề mộc ở huyện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, giáp Hà Nội, anh trai làm nghề thầu khoán, giàu có, thời đó đã có ô- tô riêng, bản thân ông lại học trường Tây, nhưng nửa chừng thì bỏ học đi theo Việt Minh.
Ông Mười Hương kể: 'Năm 12 tuổi, đang học primaire thì tôi bắt đầu tham gia thanh niên dân chủ ở Hà Nội. Sau này, quãng năm 1939 thì hoạt động trong Hội truyền bá chữ Quốc ngữ (do Việt Minh lãnh đạo). Nhờ thầy tôi, ông Nguyễn Đức Quỳ, sau này làm đến chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, dạy bảo nên trưởng thành rất sớm'. Ông Nguyễn Đức Quỳ quê ở Bắc Ninh, lúc đó hoạt động trong Xứ ủy Bắc Kỳ. Cơ quan Xứ ủy hoạt động ở vùng ngoại vi Hà Nội, gồm 3 lãnh đạo cốt cán là Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt và Trường Chinh. Giai đoạn đầu Mười Hương hoạt động ở Hà Nội cũng là lúc bùng nổ chiến tranh thế giới lần thứ hai, phe phát xít giành thế thượng phong, đàn áp dã man phong trào dân chủ. Ở Việt Nam, thực dân Pháp đầu hàng phát xít Nhật. Nhật thực hành chính sách hà khắc mọi mặt. Đề cập đến giai đoạn này, ông Mười Hương bảo, có lẽ nó được mô tả súc tích và đầy đủ nhất trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch, đoạn: 'Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói'.
Sáng dạ, năng nổ, trẻ, Mười Hương nhanh chóng trở thành 'thổ công Hà Nội' (một biệt danh của ông lúc bấy giờ). Thế mà năm 1941, Mười Hương cũng lọt vào tay mật vụ Pháp, mới thấy hệ thống mật vụ của địch thời đó cũng chẳng hề đơn giản tí nào. Ông Mười Hương kể: 'Tôi lên Hà Nội, ở nhà thuê cùng các anh trong Hội truyền bá chữ Quốc ngữ. Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, cùng anh em trong Hội tổ chức treo cờ và rải truyền đơn. Tôi thuộc tổ treo cờ, cùng với một anh nữa. Lúc tôi chuẩn bị buộc cờ lên cây bàng thì phát hiện hai thằng mật thám đến gần. Tôi nhảy xuống, bỏ chạy, cầm theo hai lá cờ chưa kịp treo, đem về cất ở thư viện, nhưng sợ mất, tiếc, nên đem về cất vào hòm trong nhà trọ. Chẳng may, tổ rải truyền đơn có người bị bắt, khai, vậy là mật thám 'úp'. Chúng thu cờ, bắt tôi và khoảng 10 anh nữa'.
Khi bị bắt, theo giấy tờ tùy thân, Mười Hương chưa đầy 15 tuổi, ban đầu bị nhốt ở Hỏa Lò, sau đưa ra tòa án binh nhưng Pháp không kết án được, một phần khác là nhờ anh trai có của, lo lót cho đám mật vụ, quan tòa. Những người đàn anh hoạt động cùng Mười Hương trong Hội truyền bá chữ quốc ngữ, đều là những nhà cách mạng kỳ cựu, như Lê Toàn Thư, Nguyễn Thọ Chân... bị kết án, giam ở Hỏa Lò. Ông Mười Hương kể: 'Thầy cãi được anh trai tôi thuê nói với quan Pháp rằng: Thằng này sống xa gia đình đâm ra lêu lổng, bị bạn bè rủ rê chứ Cộng sản gì. Thế nhưng, lúc tôi làm cam đoan, một tên mật thám nói với Lanéque, Chánh Mật thám Bắc Kỳ, câu này: 'Nên nhớ, Cộng sản ăn sâu vào máu thằng này rồi. Thả ra là nó lại theo Cộng sản ngay thôi'.
Quả nhiên, tên mật thám đã không sai!
Sau khi ra tù, được sự giới thiệu của Lê Toàn Thư, Nguyễn Thọ Chân, Mười Hương ngay lập tức tìm cách bắt liên lạc với nhà cách mạng Trường Chinh, lúc bấy giờ là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng cơ sở cách mạng (ở Thanh Trì, ngoại ô Hà Nội) thấy Mười Hương... trọc đầu (bị cạo ở Hỏa Lò) nên từ chối! Mười Hương quay về nối liên lạc với Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, thuê nhà trọ tại nhà số 6, phố Công sứ Miriben (nay là phố Trần Nhân Tông, Hà Nội). Chính nơi đây đã giúp ích rất lớn để sau này cách mạng Việt Nam có một tên tuổi lớn Trần Quốc Hương. Bởi, trong môi trường này, Mười Hương được tiếp xúc học hỏi với rất nhiều trí thức đương đại, như Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Đình Tuất, Lưu Văn Lợi, Nguyên Hồng, Nguyễn Tạo, Lê Tất Đắc, Tô Hoài, Nam Cao... 
'
Thả ra là nó lại theo Cộng sản ngay' - MẬT THÁM PHÁP
Trong số những nhân vật tiếng tăm ở Hà Nội, Mười Hương quen thân và có nhiều kỷ niệm với Thôi Hữu, một nhân cách lớn. Ông Mười Hương kể: 'Anh Thôi Hữu người Thanh Hóa, hơn tôi 6 tuổi, trọ cùng nhà, cùng hoạt động trong Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, viết báo, làm thơ rất giỏi. Nhiều bài viết của anh được anh Trường Chinh khen. Hồi tôi bị bắt đưa đi Hỏa Lò thì anh Thôi Hữu đang công tác Việt Trì nên thoát. Cuối năm 1944, khi đó anh đang hoạt động trong Ban Địch vận do anh Trường Chinh trực tiếp phụ trách thì bị địch bắt'. Sau khi bị bắt, Thôi Hữu tìm cách cắt cổ tự sát nhưng bất thành, địch đưa vào bệnh viện Bạch Mai chữa trị, canh chừng cẩn mật. Mười Hương quyết lẻn vào thăm Thôi Hữu, mặc dù biết rõ như thế chẳng khác nào tự chui đầu vào cửa tử. Nửa đêm, Mười Hương cải trang lẻn vào thăm Thôi Hữu. Cuộc gặp chỉ diễn ra trong thoáng chốc, và khi bị Thôi Hữu mắng vì tự động liều mình, Mười Hương chỉ kịp đáp: 'Biết anh bị bắt sao không vào thăm được?'.
Khí khái của một nhà hoạt động lớn đã bắt đầu bộc lộ lên từ cậu thiếu niên trong lòng Hà Nội thời hỗn loạn.
(Còn nữa)
Theo Nguyễn Lê/CA TP Đà Nẵng

Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (3)


        
Ông TRẦN QUỐC HƯƠNG (Mười Hương)* Huân chương Sao Vàng
* Huân chương Hồ Chí Minh
* Huân chương Quân công hạng Nhất
* Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

(Cadn.com.vn) - Ông Mười Hương kể: 'Trước lúc nổ ra Cách mạng Tháng Tám, tình hình ở Hà Nội rất hỗn loạn. Lúc đó, Nhật vẫn chiếm thế thượng phong, Pháp chỉ còn trên danh nghĩa, làm theo lệnh của Nhật là chính. Hai thằng đế quốc này gằm ghè nhau chỉ chực có cơ hội là thanh toán. Ngay trong hàng ngũ Pháp cũng bị chia rẽ, gồm phe chủ chiến và phe chủ hòa. Và cái phe chủ hòa này có một đặc điểm rất đáng quan tâm'.
Lúc này, Mười Hương đã hoạt động như trợ lý của Tổng Bí thư Trường Chinh, với chức danh là thành viên Đội công tác đặc biệt của Trung ương, tiền thân của Văn phòng Trung ương Đảng hiện nay. Ông Mười Hương kể: 'Khi Bác Hồ về Hà Nội trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám, ở chỗ 48 – Hàng Đào, anh Nguyễn Lương Bằng gặp tôi giao nhiệm vụ: 'Thường vụ giao tôi lo cho Bác, cậu lo cho Tổng Bí thư Trường Chinh'. Đó là đoạn sau này chứ tôi đã phục vụ anh Trường Chinh từ trước đó khá lâu rồi, lúc anh đang hoạt động với các anh Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt trong Xứ ủy Bắc kỳ. Tháng 11-1941, anh được bầu làm Tổng Bí thư thì tôi lại tiếp tục việc cũ mà làm thôi.
- Công việc cụ thể lúc đó là gì, thưa ông?, tôi hỏi.
- Lúc đó Đảng chưa có chính quyền, công an, quân đội gì cả. Cơ cấu tổ chức rất gọn (khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, cả nước mới có 5.000 đảng viên – P.V). Anh Trường Chinh hoạt động bí mật chủ yếu ở một vùng gọi là 'An toàn khu' (ATK), nhưng không phải vùng ATK ở núi rừng Tây Bắc trong giai đoạn 9 năm kháng chiến (1946 – 1954) đâu, mà nằm ngay sát nách Hà Nội (Ông Mười Hương tỏ ra tiếc vì đến nay chưa có ai hệ thống được tư liệu về ATK này, ông cho đó là một ATK thể hiện sự kỳ tài của những vị lãnh đạo Đảng thời kỳ đầu – N.L). Tôi là thành viên Đội Công tác đặc biệt của T.Ư trực tiếp giúp việc Tổng Bí thư, lo đủ thứ, vừa bảo vệ, vừa quan hệ với các cơ sở Đảng, và nhất là tiếp cận lực lượng ủng hộ cách mạng trong giới trí thức, quân nhân Pháp để tranh thủ đứng vào hàng ngũ ta.
Trở lại câu chuyện phe chủ hòa trong quân đội Pháp, ông Mười Hương kể: 'Lúc phát-xít Đức đánh Châu Âu, một số người bỏ chạy sang Pháp, tưởng thế là thoát, không ngờ, đến Pháp rồi thì bị Pháp ra điều kiện: Hoặc là đi lính cho Pháp, hoặc là bị bắt trả về quê, mà quê họ thì đang bị Đức Quốc xã chiếm, về chỉ có chết. Kẹt đường, họ gia nhập quân đội Pháp và bị đẩy sang Đông Dương. Những người này đa số có học thức, có tinh thần phản chiến nhưng không công khai. Tổng Bí thư Trường Chinh giao cho tôi làm binh vận, thuyết phục họ đứng ra giúp ta, tham gia vào 'Mặt trận dân chủ chống phát-xít' do Việt Minh lãnh đạo, nếu thực hiện được một cuộc đảo chính thì càng tốt'.
Trong số những người lính Pháp có tinh thần phản chiến, có sĩ quan Ernest Frey, người gốc Áo, chạy sang Pháp, bị bắt đi lính lê dương. Thông qua Ernest Frey, Mười Hương đã tổ chức được một nhóm sĩ quan thân Việt Minh ngay trong hàng ngũ Pháp. Và cũng chính ông bắc cầu nối để Tổng Bí thư Trường Chinh làm một chuyện cực kỳ mạo hiểm giữa lúc dầu sôi lửa bỏng: Trực tiếp gặp lính lê dương tại Hà Nội để thuyết phục họ tham gia Việt Minh khi phát động kháng chiến, nói cách khác là tạo binh biến!
Ông Mười Hương kể: 'Năm 1944, anh Hoàng Văn Thụ bị Pháp xử bắn, Xứ ủy Bắc kỳ chỉ còn anh Hoàng Quốc Việt và anh Trường Chinh trực tiếp lãnh đạo. Sau khi hội ý với anh Hoàng Quốc Việt, anh Trường Chinh quyết định đi gặp nhóm chiến sĩ quốc tế có xu hướng ngả theo Việt Minh. Cuộc gặp đầu tiên là với Borcher (có tên Việt Nam là Chiến Sỹ). Phải làm đủ trò để che mắt mật thám Pháp, tôi mới bố trí cho hai người gặp nhau ở nghĩa địa làng Vẽ. Khi hai người nói chuyện thì tôi canh chừng. Khoảng một tuần sau, Borcher gặp tôi, bày tỏ thái độ đặc biệt ngưỡng mộ trí tuệ và tài ăn nói của 'đại diện Việt Minh' – lúc ấy anh ta vẫn chưa biết mình được nói chuyện với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương!'.
        
'Thường vụ giao tôi lo cho Bác, cậu lo cho Tổng Bí thư Trường Chinh' - NGUYỄN LƯƠNG BẰNG
Sau đó, quãng cuối năm 1944, nghĩa là chỉ còn mấy tháng nữa là nổ ra Cách mạng Tháng Tám 1945, Mười Hương nhận lãnh một việc khó hơn nữa – Tổng Bí thư Trường Chinh muốn trực tiếp nói chuyện với nhóm chiến sĩ quốc tế ngay trong hàng ngũ Pháp tại Hà Nội. Việc này quá hệ trọng. Sinh mệnh của một trong những lãnh đạo chủ chốt cuộc cách mạng được đặt vào tay anh. Mười Hương phối hợp với Borcher làm nhiệm vụ đặc biệt này.
Ông Mười Hương nhớ lại: 'Tiết cuối năm 1944 rét lắm. Tôi chuẩn bị xe cùng với anh Trường Chinh từ Việt Trì vào Hà Nội. Anh cải trang thành lái buôn bè gỗ, vì tuyến này rất nhiều người đi lại buôn gỗ từ mạn ngược về đồng bằng. Suốt dọc đường đi gặp rất nhiều quân Nhật nhưng chúng chẳng nghi ngờ gì. Đến Hà Nội, anh Trường Chinh vào trú tại nhà em gái tôi, có chồng làm tự vệ, sau hy sinh trong Kháng chiến 9 năm (1946 – 1954). Sau đó, chúng tôi lại đón anh Phan Hiền, lúc đó là sinh viên luật, sau này làm đến chức Bộ trưởng Tư pháp, rồi cùng đi gặp. Trước đó, anh Trường Chinh dặn, tôi sẽ tham gia cuộc họp với tư cách là đại diện Thanh niên Việt Minh ở Hà Nội, còn anh Hiền đại diện cho giới trí thức.
Khi vừa vào cuộc gặp, thấy Trường Chinh, một sĩ quan tên là Louis Caput thốt lên: 'Đại diện Tổng bộ Việt Minh chính là ông à?'. Hóa ra, trước đây, Trường Chinh và Louis Caput đã làm việc chung, anh ta là Bí thư Đảng bộ xã hội Pháp toàn Đông Dương. Rất nhiều người Pháp dù thân Việt Minh nhưng đến lúc bấy giờ vẫn chưa biết Đảng Cộng sản lãnh đạo mặt trận Việt Minh. Thật là một cuộc hội ngộ lịch sử, trong giờ phút quyết định của cuộc đấu tranh một mất một còn, những người cộng sản đã gặp nhau. Với khả năng thuyết phục tài tình của Tổng Bí thư Trường Chinh, cuộc họp kỳ lạ cuối năm 1944 đã tạo thêm cho Việt Minh một lực lượng đáng tin và đặc biệt quan trọng trong hàng ngũ Pháp ngay trước thềm cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Mười Hương, 'thổ công Hà Nội', lúc đó mới tròn 20 tuổi.
(còn nữa)
Theo Nguyễn Lê/CA TP Đà Nẵng

Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (4)


        
Ông TRẦN QUỐC HƯƠNG (Mười Hương)* Huân chương Sao Vàng
* Huân chương Hồ Chí Minh
* Huân chương Quân công hạng Nhất
* Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chúng tôi dự định sẽ dành nhiều thời gian tìm hiểu để viết riêng trong một dịp khác. Còn bây giờ, chúng ta sẽ gặp ông Mười Hương trong một hoàn cảnh mới. Đó là năm 1954, sau Hiệp định Genevè, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc.
'Chú đi sao nhớ về vậy' - BÁC HỒ. 
Quãng tháng 8-1954, Xứ ủy Nam Kỳ cử ông Lê Đức Thọ, lúc bấy giờ đang là Bí thư Trung ương Cục miền Nam ra Hà Nội họp. Lúc này, thực hiện Hiệp định Genevè, hàng vạn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, để lại một khoảng trống rất lớn, miền Nam rất cần cán bộ hoạt động địch hậu ở đô thị. Ra Bắc, ông Lê Đức Thọ 'xin' Mười Hương tăng cường cho miền Nam, dù ông Phạm Văn Đồng muốn Mười Hương hoạt động ngoại giao.
Ông Mười Hương kể: 'Sau khi anh Lê Đức Thọ đề cập chuyện chi viện tôi cho miền Nam, anh Trường Chinh hỏi ý kiến Bác Hồ...'.
Nhắc tới Bác Hồ, ông Mười Hương trầm lại. Niềm xúc động dồn lên khuôn mặt nhà cách mạng lão thành, người chỉ huy tình báo huyền thoại. Ông bảo: 'Tôi nghĩ, Bác Hồ là một nhà tình báo giỏi. Bác quen biết đủ hạng người, lại hiểu rất rõ họ. Bác lại nhìn thấy kẻ thù kể cả khi chúng còn chưa lộ diện. Khi ta vừa chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác phân tích, cuộc chiến này do Mỹ chi trả, mà Mỹ đâu có dễ dàng để mất phí tổn chiến tranh được, nên Bác đã liệu trước được một cuộc chiến khác rồi. Vừa lập nên thắng lợi 'vang dội năm châu, chấn động địa cầu' mà nghĩ ra được chuyện ấy, lịch sử không có được mấy người đâu! Khi tôi chuẩn bị vào Nam, Bác dặn dò cặn kẽ từng điều một, sau này càng nghiệm lại càng thấy sâu sắc vô cùng'.
Trước lúc lên đường vào Nam, do công tác đặc biệt, Mười Hương phải tạo ra vỏ bọc ác nghiệt: Kẻ phản bội. Hỏi về chuyện này, ông không nói, chỉ khoát tay. Thế nhưng, trong bối cảnh miền Bắc lúc bấy giờ, giữa lúc mọi người, từ cụ già đến em nhỏ đều căm thù Mỹ - ngụy đến tận xương tủy thì hẳn ai cũng hình dung ra được nỗi đau tột độ mà gia đình ông phải chịu đựng. Bố ông mất mà vẫn hận đứa con 'bất hiếu'. Có một người tự sâu thẳm trái tim, thương yêu ông vô tận, ấy là mẹ ông.
Vào Nam, ông Mười Hương tham gia lãnh đạo Ban Địch tình Xứ ủy Nam Kỳ, hoạt động ở Sài Gòn, được giao nhiệm vụ tổ chức, chỉ huy lực lượng tình báo lúc bấy giờ - một trong những thế hệ tình báo kỳ tài bậc nhất trong lịch sử mấy nghìn năm của Việt Nam từng được biết đến.
Bất chợt, ông Mười Hương hỏi tôi:
- Cậu là nhà báo, tôi hỏi thẳng nhé, cớ sao mà mấy ông Khu V với mấy ông Nam Bộ hay ghét nhau?
Tôi đáp:
- Người Khu V ở nơi khắc nghiệt, quanh năm góp nhặt từng củ sắn củ khoai, quen nếp sống nếp nghĩ thắt lưng buộc bụng. Người Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi, lúa gạo trên đồng, tôm cá dưới sông, nếp sống nếp nghĩ tự do phóng khoáng. Bởi vậy, bụng dạ người Khu V và người Nam Bộ chẳng xung khắc ghét bỏ gì nhau nhưng tính cách, tác phong có phần trái ngược mà thôi.
Ông Mười Hương bảo:
- Ghét thế thôi chứ không có lập trường quan điểm gì đâu! Cá nhân cả thôi, tôi lạ gì. Thế cho nên tôi mới thấy kẻ thù nó chia rẽ giỏi. Nó vào trong người mình lúc nào không hay.
Ông Mười Hương kể tiếp: 'Trước khi tôi lên đường vào Nam, Bác gọi đến dặn dò. Bác bảo, hoạt động trong Nam khó lắm. Có hai cái khó. Một là tác phong người trong Nam, các đồng chí trong Nam khác hẳn ngoài Bắc. Ngoài này, cán bộ các chú cứ bàn đi tính lại chán ra, chứ trong Nam chỉ bàn với nhau năm ba câu đồng ý thế là làm chết bỏ. Hai là phong tục, tập quán, người Nam Bộ khác xa ngoài Bắc, từ chuyện thờ cúng đến sinh hoạt hằng ngày, vào Nam hoạt động trước hết phải tìm hiểu cho thật kỹ. Bởi vậy, tôi vào Nam nhưng trung ương chủ trương không phong chức vụ, không giới thiệu, phải tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện, tự thân vận động, nếu phát triển được thì làm việc, nếu không thì tổ chức đào tạo, huấn luyện vài ba lớp rồi trở ra. Phân tích tình hình, Bác bảo, Mỹ xâm lược ta nhưng nó giấu mặt, nó không muốn ta thực hiện chiến tranh vệ quốc, giải phóng đất nước mà muốn cả thế giới lẫn người Việt Nam nghĩ rằng đó là một cuộc nội chiến, một cuộc chiến tranh ý thức hệ. Làm tình báo đánh Mỹ phải đánh thẳng vào cái luận điệu đó, làm cho chúng lộ rõ chân tướng ra'.
Mười năm sau, tức là năm 1964, Mười Hương trở ra Bắc sau khi đã lãnh đạo mạng lưới tình báo đánh vào tận đầu não chế độ VNCH, bản thân gánh chịu những biến cố lớn lao nhất cuộc đời, trong đó có quãng thời gian 6 năm vừa ở trại giam Tòa Khâm (TT - Huế) vừa lãnh đạo tình báo với những cuộc đấu trí một mất một còn. Trước khi ông trở lại miền Nam hoạt động tiếp, Bác Hồ lại dặn: 'Chú đi sao nhớ về vậy'. Mấy chục năm sau này nữa, khi đã trở thành một ông già tóc bạc tay yếu chân run, ông Mười Hương càng chiêm nghiệm lời Bác dặn càng thấy sâu sắc vô cùng.
(còn nữa)
Theo Nguyễn Lê/CA TP Đà Nẵng

Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (5)


        
Ông TRẦN QUỐC HƯƠNG (Mười Hương)* Huân chương Sao Vàng
* Huân chương Hồ Chí Minh
* Huân chương Quân công hạng Nhất
* Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong 2 giai đoạn đầu, trùng khít thời gian tồn tại của chế độ gia đình trị họ Ngô, đối tượng chính của mạng lưới tình báo cách mạng dưới sự lãnh đạo của ông Mười Hương là chế độ gia đình trị họ Ngô.
Năm 1957, lúc đang ở Sài Gòn, ông Mười Hương rơi vào tay Ngô Đình Cẩn, bị đưa ra Huế giam cầm. Ngô Đình Cẩn là lãnh đạo tuyệt đối Đoàn công tác đặc biệt miền Trung, còn Dương Văn Hiếu là Trưởng Đoàn. Không giống như tên gọi mĩ miều của nó, thực chất đây là một tổ chức phản gián của chế độ họ Ngô.
Ông Mười Hương nói với chúng tôi: Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa hiểu hết mọi vấn đề của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung, nó vẫn là một chấm đen bí ẩn trong công tác nghiên cứu các cơ quan đặc biệt. Điểm đặc biệt của Đoàn công tác đặc biệt Miền Trung là bắt người không cần bằng chứng, chỉ nghi thôi là đủ. Người bị bắt không cần đưa ra tòa xét xử, thường thì... tự động biến mất. Đặc biệt hơn nữa, Cẩn không muốn giết người mà muốn giết tư tưởng. Bởi vậy, lọt vào tay Cẩn, đối với những người mà Cẩn cho rằng ít quan trọng, thường thì họ bị thủ tiêu, còn những người bản lĩnh, kiên trung, quan trọng, có học thức thì phải sẵn sàng cho những cuộc đấu trí cực kỳ căng thẳng được che đậy dưới những cuộc tranh luận và vẻ hiền lành, điềm đạm, đôi khi tốt bụng của những tay mật vụ lão luyện, trong đó có cả những người trước đây theo cách mạng nhưng đã bị chiêu hàng. Cán bộ ta, nếu không vững vàng, có thể bị khuất phục ngay. Mà một khi đã bị khuất phục thì Cẩn lại coi như rơm rác, trở thành người... ít quan trọng, nghĩa là họ sẽ bị thủ tiêu. Bởi vậy, ai muốn giữ được mạng sống thì phải đấu trí tới cùng, không để chúng lấn át tư tưởng.
Một lần, khi đang ở Tòa Khâm, người của Ngô Đình Cẩn bảo ông Mười Hương ăn mặc chỉnh tề rồi chở ra biển Thuận An. Khi ông tới, Ngô Đình Nhu đã đợi sẵn. Nhu là bộ não của chế độ họ Ngô. Mấy năm rồi ông Mười Hương ở Tòa Khâm, Ngô Đình Cẩn, Dương Văn Hiếu rất muốn chiêu hàng nhưng bất thành, cuộc gặp gỡ lần này thực chất là chúng định dùng Nhu để chiêu hàng ông.
Mở đầu câu chuyện, Ngô Đình Nhu nói, đáng tiếc là miền Nam không có được đội ngũ tuyên huấn giỏi như miền Bắc. Thực chất, đây là kiểu 'đá xoáy', ý nói Việt Cộng chỉ giỏi tuyên truyền, hô hào, mị dân. Bắt ngay ý này, ông Mười Hương đáp: Ông Nhu nói vậy không đúng. Miền Bắc có lẽ phải chứ không phải giỏi tuyên truyền. Tuyên truyền rỗng thì cùng lắm lừa mị được vài người thôi, chứ làm sao lừa mị cho cả một dân tộc. Với lại, kiểu tuyên truyền đó làm sao kêu gọi được trí thức, mà trí thức trong hàng ngũ Việt Cộng đâu có thiếu!
Sau cuộc nói chuyện đó, ông Mười Hương không gặp Ngô Đình Nhu nữa. Nhu thất vọng vì không chiêu hàng được ông Mười Hương, lại trả cho Ngô Đình Cẩn đưa ông về trại giam Tòa Khâm. Sau này, Ngô Đình Cẩn nói với thuộc hạ: 'Tao không giết thằng Mười Hương, vì thằng này đích thật là Cộng sản ngoan cố nhưng nhiều cái nó nói, chúng ta phải suy nghĩ'.
Thực ra, từ năm 1954, khi Diệm - Nhu về nước lập chính quyền bù nhìn, ông Mười Hương đã nghiên cứu rất kỹ gia đình này. Trong 6 năm bị giam cầm ở Huế, vô tình, ông Mười Hương lại được giam cùng nhiều cán bộ tình báo dưới quyền, trực tiếp chỉ huy, hướng dẫn họ không những thoát khỏi nhà giam mà còn thâm nhập sâu vào chế độ Diệm - Nhu. Ông Mười Hương rút ra kết luận quan trọng, mang tính chiến lược, khiến các mạng lưới tình báo cách mạng, trong đó có các nhà tình báo huyền thoại như Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy... phải quyết tâm hạ bằng được Diệm - Nhu.
'Tao không giết thằng Mười Hương, vì thằng này đích thật là Cộng sản ngoan cố nhưng nhiều cái nó nói, chúng ta phải suy nghĩ' - NGÔ ĐÌNH CẨN
Ông Mười Hương kể: 'Tôi có cơ sở gần gia đình Ngô Đình Cẩn. Tôi báo cáo ra Trung ương rằng chúng ta không thể coi anh em Diệm - Nhu như đám Tâm - Hữu(*) được. Tâm - Hữu thì rõ ràng là tay sai để kiếm tiền. Nhưng anh em nhà Diệm nó có tinh thần dân tộc và nó nhất định chống mình. Vì sao tôi nói vậy? Bởi vì khi thằng Mỹ gặp thằng Diệm rồi đưa về thì anh em nó có một cuộc họp. Sau thì có nhiều người nói với tôi về cuộc họp này. Nó nói với nhau: 'Chúng ta nhất định phải chống Cộng thôi, nhưng mà phải nói là chúng ta thất thế rồi. Chúng ta bảo là chúng ta là Quốc gia nhưng có người Quốc gia nào mà tự thân chống Pháp? Không có. Đều là dựa vào Pháp hay là dựa vào Nhật mới có bây giờ. Thế nên chúng ta không có chính nghĩa'. Tôi nghe cái báo cáo ấy, tôi gửi ra ngoài Trung ương rằng, kẻ thù của chúng ta nguy hiểm lắm. Quả thật là sau này nó lập ra cái đảng Cần lao nhân vị, có hẳn một lý thuyết. Tôi báo cáo ra như thế, Bác Hồ bảo rằng 'chú ấy nói đúng đấy'... Ngừng giây lát, ông Mười Hương cười, bảo: 'Bây giờ nói với các ông như thế dễ chứ lúc bấy giờ mấy ông đảng viên ông ấy trình sao được, mấy ông ấy bảo tôi là cái thằng hay nói linh tinh!'.
Ông Mười Hương bị giam ở Huế 6 năm. Lúc Ngô Đình Cẩn - Dương Văn Hiếu chuẩn bị sắp xếp cho ông 'tự động biến mất' thì ngày 1-11-1963 'Đây. Rõ ràng Diệm Nhu đã chết' (tiêu đề một bài trên báo Buổi Sáng phát hành ở Sài Gòn lúc bấy giờ).
 (còn nữa).
(*) Trần Văn Hữu và Nguyễn Văn Tâm là 2 thủ tướng Quốc gia Việt Nam từ 1950-1953 dưới quyền Quốc trưởng Bảo Đại do Pháp dựng lên.
Theo Nguyễn Lê/CA TP Đà Nẵng

Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (6)


Nhưng mệnh đề 'thằng Mỹ không dùng nó nữa' lại 'vô tình' trùng khít với mục tiêu đấu tranh của mạng lưới tình báo do chính ông Mười Hương trực tiếp lãnh đạo (!), trong đó phải kể đến: Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn...
Ông Mười Hương kể, Phạm Ngọc Thảo do ông Lê Duẩn, lúc đó đang là Bí thư T.Ư Cục miền Nam trực tiếp phụ trách từ trước. Sau khi ông Mười Hương vào Nam, ông Lê Duẩn giao Phạm Ngọc Thảo cho Ban Địch tình Xứ ủy Nam Kỳ phụ trách, gồm ông Mười Hương, ông Năm Xuân (Đại tướng Mai Chí Thọ) và ông Bảy Chiếm (Thượng tướng Cao Đăng Chiếm). Nhưng lúc bấy giờ cả ông Năm Xuân và ông Bảy Chiếm đều không thể hoạt động ở Sài Gòn do trước đó thành tích quá lẫy lừng, dễ bị lộ, vậy nên Ban Địch tình Xứ ủy giao Phạm Ngọc Thảo cho ông Mười Hương trực tiếp chỉ huy ngay khi mới vào Nam (1954).
Cuộc đời hoạt động lẫy lừng và bi tráng của Phạm Ngọc Thảo gắn liền với những cuộc đảo chính làm chao đảo chính trường Sài Gòn đã được viết thành nhiều cuốn sách, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết chuyển thể thành phim 'Ván bài lật ngửa' của Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng). Đại tá Phạm Ngọc Thảo chính là nguyên mẫu của Đại tá Nguyễn Thành Luân mà nhiều người biết đến.
Năm 1954, khi Mỹ đưa Diệm - Nhu về nước lập chính phủ, Phạm Ngọc Thảo được chỉ định tham gia 'Đệ nhất cộng hòa'. Vấn đề là làm sao để Diệm - Nhu tin dùng, bởi ông quá nổi tiếng, ai cũng rõ ông từng tham gia Việt Minh đánh Pháp, mà bản thân Diệm trước đó lại do Pháp nuôi. Sau khi bàn bạc, ông Mười Hương thống nhất với Phạm Ngọc Thảo là... nói thật hết. Diệm - Nhu, CIA hỏi gì khai nấy. Duy chỉ có một chi tiết Phạm Ngọc Thảo không bao giờ khai: Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi được Diệm - Nhu dùng, Phạm Ngọc Thảo đã hoạt động vô cùng năng nổ, đặc biệt có uy tín trong quân đội cũng như có sự che chở của các giáo xứ, gây nên nhiều cuộc đảo chính khuynh đảo chính trường, quân đội Sài Gòn.
Một trong những cuộc đảo chính đó diễn ra ngày 1-11-1963.
Với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông Mười Hương là người tham gia cử Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học báo chí. Ông Mười Hương kể: 'Tôi có dự một buổi tiệc có Ẩn và mấy tay CIA nữa. Bọn nó mê Ẩn lắm, muốn cho Ẩn tham gia chính quyền, quân đội. Nhưng tôi nói Ẩn nên đi học báo chí, vì cái nghề này không vướng vào đảo chính, đứa nào lên thì cũng tồn tại được. Mà đã làm báo thì làm cho báo Mỹ luôn, chứ làm cho báo chí Sài Gòn thì không ăn thua'. Sau này, khi Phạm Xuân Ẩn đang học báo chí ở Mỹ thì ông Mười Hương bị Ngô Đình Cẩn bắt, giam ở Tòa Khâm (Huế), chịu đựng đủ thứ thủ đoạn cực kỳ nham hiểm của 'hung thần miền Trung'. Trong nhiều tài liệu, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn kể lại rằng, lúc đó nếu ông Mười Hương hé nửa lời là xem như Phạm Xuân Ẩn hết đường sống chứ nói gì đến đường về, chính Phạm Xuân Ẩn cũng đã chuẩn bị cho tình huống này.
Nói không quá rằng, nhờ Mười Hương mà cách mạng giữ được 'điệp viên hoàn hảo' Phạm Xuân Ẩn. Nhưng đó chỉ là một chi tiết trong những câu chuyện thần kỳ của cách mạng Việt Nam mà thôi.
Năm 1958, khi ông Mười Hương đang bị Ngô Đình Cẩn giam giữ ở Tòa Khâm thì Vũ Ngọc Nhạ và Lê Hữu Thúy cũng bị nghi ngờ và bị bắt vào đây. Chính tại nơi này, ông Mười Hương có truyền đạt Vũ Ngọc Nhạ một ý quan trọng. Đó là, trong Công giáo có nhiều dòng tu, thời bấy giờ dòng tu khắc kỷ do giám mục Lê Hữu Từ (Giám Mục chính tòa Phát Diệm, Giám quản tông tòa Giáo phận Bùi Chu) và Hoàng Quỳnh (rất có uy tín, nhưng lúc đó lại không được hòa hiếu với gia đình họ Ngô). Do đó, muốn được Diệm - Nhu tin dùng, dứt khoát phải bám lấy cha Từ, cha Quỳnh. Sau này, với vỏ bọc là cầu nối giữa công giáo Bùi Chu - Phát Diệm và gia đình họ Ngô, Vũ Ngọc Nhạ trở thành người gắn với nhiều sự kiện của chế độ gia đình trị này.
Với Lê Hữu Thúy, ông Mười Hương có kỷ niệm khá thú vị. Ông Mười Hương đánh giá rất cao cách thức hoạt động của con người này, đó là không bao giờ moi tin tức mà chỉ từng bước, từng bước tác động để những người phía bên kia nhận thức đúng về dân tộc, từ đó tự nguyện đứng ra giúp đỡ cách mạng. Cũng chính nhờ đó, khi lưới điệp báo A22 bị phá vỡ, Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ và nhiều cơ sở khác bị kết án đày ra Côn Đảo (1969), họ vẫn hoạt động rất hiệu quả, tiêu biểu là điệp vụ thu thập và chuyển cho T.Ư Cục miền Nam toàn bộ danh sách tù nhân.
'Anh em hoạt động tài tình, tôi chỉ chỉ trỏ thôi' - TRẦN QUỐC HƯƠNG.
Sau khi lưới điệp báo A22 bị vỡ, Lê Hữu Thúy bị đẩy ra Côn Đảo, điều đặc biệt thú vị là chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại không tin vào điều này; ông ta cho rằng, đó là chiêu trò của CIA nhằm vào ông. Bởi vậy, mặc dù ở Côn Đảo nhưng các thành viên chủ chốt của A22 như Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy được đối đãi tương đối ổn, thậm chí còn được bố trí làm một số công việc ở khu vực văn phòng. Chính từ đây, thông qua một cơ sở bí mật, Lê Hữu Thúy đã lấy được danh sách đầy đủ 17.000 tù nhân ở Côn Đảo và chuyển vào đất liền. Việc này có ý nghĩa rất lớn, bởi lẽ, giới chức Sài Gòn lúc đó khẳng định ở Côn Đảo chỉ có 5.000 tù nhân, nghĩa là họ đang che giấu 12.000 tù nhân. Nhờ danh sách của Lê Hữu Thúy, hàng ngàn tù nhân mà VNCH che giấu đã được trao trả. Đồng thời, việc này cũng giáng một đòn hết sức nặng nề đối với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, khiến ông ta bị Giáo hoàng Paolo VI từ chối tiếp kiến.
Hiện nay, hầu như tất cả các tác giả viết về mạng lưới tình báo cách mạng ở miền Nam trước năm 1975 đều khẳng định về vai trò then chốt của ông Mười Hương đối với Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy. Bản thân các nhà tình báo chiến lược cũng nói lên điều đó. Ấy thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, ông Mười Hương chỉ nói: 'Anh em hoạt động tài tình, tôi chỉ chỉ trỏ thôi'!
Chúng tôi trộm nghĩ, cái sự 'chỉ trỏ' như ông Mười Hương mấy người có được?
(còn nữa)
Theo Nguyễn Lê/CA TP Đà Nẵng

Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (7)


Với những tư liệu đang dần hé lộ, có thể nói rằng, Cụm Điệp báo A10 chính là lá bài bí ẩn, lạ kỳ, trong ván bài cuối cùng của An ninh T4 với chính quyền Sài Gòn, có ảnh hưởng rất lớn đến tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tổng thống Dương Văn Minh theo những hướng khác nhau.
Khoảng 5 năm trở lại đây, chúng tôi có dịp tiếp cận những nhân vật cộm cán của Cụm Điệp báo A10, như các ông Mười Thắng (Luật sư Nguyễn Minh Trí), Ba Hoàng (thiếu tướng Huỳnh Huề, Anh hùng LLVTND, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Bắc, nguyên Giám đốc CA tỉnh Đắc Lắc, nguyên Cục trưởng, Tổng cục An ninh 1 Bộ CA), Năm Quang (Bác sỹ Nguyễn Hữu Khánh Duy, nguyên Trung tá CAND, hiện là Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, Q. Bình Thạnh, TPHCM), Ngô Văn Dũng (nguyên Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), Lương Mạnh Dũng (nguyên Giám đốc Cty Điện lực khu vực 3, Đà Nẵng), Ba Vũ (Võ Vân, Phó Chánh văn phòng Sở GTVT TPHCM, cháu của nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công)... cũng chỉ mới có thể hình dung sơ lược về Cụm Điệp báo A10.
Chúng tôi cũng đã có dịp giới thiệu đến bạn đọc về Cụm Điệp báo qua gần 20 kỳ báo trong 3 loạt bài: 'A10 - Những người 'xúi' Dương Văn Minh ngừng bắn', 'Người Quảng ở dinh Độc lập' và 'Chuyên viên đặc nhiệm'. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thông tin còn hết sức sơ sài, bởi lẽ mới chỉ đề cập qua chủ yếu đóng góp của một số người trong số hàng chục thành viên của Cụm điệp báo rất đặc biệt này.
Ông Mười Thắng nói: Nhiệm vụ chính của Cụm A10 là xây dựng lực lượng điệp báo bí mật, tổ chức thu thập và báo cáo kịp thời các tin tức tình hình, ý đồ tổ chức của địch phục vụ công tác phản gián, tình báo chiến lược kết hợp xây dựng các 'lõm chính trị' phục vụ yêu cầu của cách mạng, góp phần làm tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo phong trào ở đô thị, tấn công chính trị nhằm vào các giới ở Sài Gòn; đặc biệt là nhóm Dương Văn Minh và gây ảnh hưởng đối với các nhân vật chính trị có khả năng là con bài của Mỹ, chi phối một vài tờ báo đối lập. Nói thì dài dòng, nhưng trọng tâm là làm sao tác động để Dương Văn Minh lật đổ Nguyễn Văn Thiệu rồi sau đó chi phối hoạt động của ông ta để có lợi cho cách mạng.
Thực hiện nhiệm vụ trên, Cụm A10 đã xây dựng được 39 cơ sở bí mật đi sâu nắm tình hình trong các cơ quan quan trọng của địch như Nha Kỹ thuật, Tổng cục Tiếp vận (Bộ Tổng Tham mưu), Văn phòng Phó Thủ tướng, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, Cơ quan Nha Cảnh sát đô thành, Đài Phát tin Mẹ Việt Nam (do CIA chỉ đạo)... Trong quá trình hoạt động, A10 đã tổ chức đưa cán bộ điệp báo nắm vai trò Giám đốc kỹ thuật tờ Điện Tín (đây là tờ báo thân Dương Văn Minh và đối lập với Nguyễn Văn Thiệu), chi phối tờ Đại Dân tộc, bản tin nội bộ của nhóm Dương Văn Minh, Ban tham mưu lực lượng Luật sư tranh đấu, làm Thư ký Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế...
Trong số 39 thành viên thì Huỳnh Bá Thành (họa sỹ Ớt, cố Tổng Biên tập Báo Công an TPHCM) được xem là người có đóng góp đặc biệt quan trọng. Ông Mười Thắng kể: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo và Cụm A10, trong khoảng thời gian 1973 - 1975, anh Huỳnh Bá Thành đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Đáng kể nhất là anh đã xây dựng, khai thác nhiều đầu mối quan hệ có lợi trong nhóm lực lượng thứ ba như dân biểu Phan Xuân Huy (con rể Dương Văn Minh), kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, dân biểu Lý Quý Chung (sau này là Tổng trưởng thông tin của chính phủ Dương Văn Minh), Hồ Ngọc Nhuận (chủ bút Báo Tin Sáng), Giáo sư Lý Chánh Trung... Thông qua các mối quan hệ này, A10, mà trực tiếp là anh Huỳnh Bá Thành, từng bước tác động nhóm Dương Văn Minh, góp phần trong việc 18 đoàn thể ra tuyên cáo chống Thiệu.
Khoảng từ năm 1973, để chia rẽ quần chúng, Nguyễn Văn Thiệu cho thành lập vài ba tổ chức nhằm thu hút quần chúng đánh lạc dư luận đang chĩa vào mình. A10 nắm tình hình các tổ chức này, chỉ đạo anh Huỳnh Bá Thành dùng ngòi bút đưa lên Báo Điện Tín hình ảnh hàng loạt các nhân vật trong chính trường chế độ cũ dưới dạng 'ký sự nhân vật', vừa vạch mặt số tay sai trung thành với Mỹ - ngụy, vừa lôi kéo số lưng chừng, góp phần phân hóa nội bộ kẻ địch, tạo thế đấu tranh của phong trào đô thị, tập hợp rộng rãi lực lượng chống Thiệu.
Ngày 22-9-1974, Mỹ - Thiệu vạch ra 'Kế hoạch Sao chổi' với nội dung đưa ra các biện pháp đàn áp các phong trào dân chủ yêu nước, báo chí tiến bộ... Huỳnh Bá Thành thông qua cơ sở bí mật lấy được bản kế hoạch này từ thiếu tá cảnh sát đặc biệt Trần Đình Bình. Theo chỉ đạo của A10, anh Huỳnh Bá Thành đã đưa nguyên văn kế hoạch này trên tờ Điện Tín số ra ngày 1-10-1974, gây ra làn sóng căm phẫn trong công luận và quần chúng khiến chính quyền Thiệu bị lúng túng và bẽ mặt.
'Làm sao mà một đám học trò Quảng Nam - Đà Nẵng biến thành điệp viên hết vậy?' - MỘT BẠN ĐỌC LỚN TUỔI.
Về việc Huỳnh Bá Thành tác động để Dương Văn Minh ngừng bắn, ông Mười Thắng có chép trong một tài liệu, xin lược trích dẫn: Từ việc chọn xây dựng Cụm A10 chuyên trách nhóm Dương Văn Minh, bố trí anh Huỳnh Bá Thành vào ở dinh Hoa Lan, tiếp cận như bà con thân tín trong nhà chứ không phải như các chính khách, đến việc tổ chức liên lạc truyền đạt từ căn cứ, thậm chí đưa anh Thành ra căn cứ vào cuối tháng 2-1975 để gặp đồng chí Mai Chí Thọ và đồng chí Lê Thanh Vân và tiếp thu chỉ thị của đồng chí Trần Quốc Hương (Trưởng ban An ninh T4) phải làm gì trong cuộc Tổng tiến công 1975. Tất cả một chuỗi dài sự kiện chứng minh đây là một hành động có tổ chức, có kế hoạch phối hợp chu đáo nhịp nhàng, có tính toán tỉ mỉ.
Sau nữa, việc tác động để ông Dương Văn Minh ra quyết định ngưng bắn không chỉ đơn thuần và duy nhất là nói với ông Dương Văn Minh mà chủ yếu và căn bản là tác động có tổ chức và hệ thống lên toàn bộ các nhân vật trong nội các của Minh. Đó không phải là hành vi riêng lẽ của anh Thành mà đồng bộ của toàn bộ các lực lượng bí mật của cách mạng, trong đó có Cụm A10 xung quanh ông Minh và các nhân vật chính trị tôn giáo. Chung quanh Minh vào chiều 28-4-1975 đến tối 29-4-1975 là những nhân vật chủ hòa hoặc có liên hệ ít nhiều với cách mạng. Tuy nhiên, vào chiều 29-4-1975 - 24 giờ sau cuộc dội bom của Nguyễn Thành Trung, người trực tiếp nói rõ tình thế cuối cùng và yêu cầu Dương Văn Minh tiến hành đầu hàng - chính là Huỳnh Bá Thành. Anh Thành xứng đáng là tiêu biểu và đại diện cho những cán bộ, chiến sĩ an ninh thực hiện nhiệm vụ anh hùng này.
Nguyễn Lê
Theo (còn nữa)/CA TP Đà Nẵng
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH