Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

BÍ ẨN LỊCH SỬ 130

(ĐC sưu tầm trên NET)

 
Giải Mã Bí Ẩn Nguyên Nhân Về Sự Ra Đi Của BAO CÔNG Và Sự Đáng Sợ Đằng Sau Việc QUẬT MỘ Bao Công

Bí ẩn nguyên nhân cái chết và việc Bao Công bị phá mộ

Thứ Bảy, ngày 14/12/2019 19:45 PM (GMT+7)

Cái chết của Bao Công luôn là một bí ẩn làm đau đầu các nhà nghiên cứu lịch sử. Bao Công nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, nhưng sau khi chết lại chịu cảnh bị quật mộ. Đây là một câu chuyện đầy xót xa đối với Bao Thanh Thiên.

Bí ẩn nguyên nhân cái chết và việc Bao Công bị phá mộ - 1
Nhiều giả thiết cho rằng, Bao Công chết do bị hạ độc (ảnh minh họa)
Theo Tống sử, Bao Công mất năm 1022, khi đang giữ chức Khu mật phó sứ (chức vụ tương đương với hữu Tể tướng). Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu cho ông.
Bao Công được ban thụy hiệu là “Hiếu Túc”, có nghĩa là hiếu đạo – công minh. Hoàng đế còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cữu Bao Công về quê cũ Lư Châu (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc), an táng.
Đáng nói, trên bia mộ của Bao Công lại được khắc dòng chữ:
“Năm Gia Hựu thứ bảy, tháng 5, ngày Kỷ Mùi (tức ngày 12.5.1062) vừa ra bàn việc, phát bệnh nên quay về. Hoàng thượng sai sứ giả ban cho thuốc tốt, đến ngày Tân Mùi (tức ngày 24.5.1062) thì không dậy được nữa”.
Có thể thấy, toàn bộ quá trình đột nhiên phát bệnh rồi tử vong của Bao Công chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 13 ngày. Trước đó, cũng không có chi tiết nào đề cập đến triệu chứng hay bệnh tình của Bao Công. Không rõ Bao Công mắc căn bệnh gì, mà lại có thể suy sụp nhanh đến như vậy.

Lại nói đến một chi tiết đáng ngờ khác, sau khi bệnh phát đột ngột, Bao Công được Tống Nhân Tông ban cho “thuốc tốt” và qua đời. Không rõ “thuốc tốt” là loại thuốc nào.
Trên bia mộ thường thấy của những vị đại thần, cũng ít khi thấy đề cập đến tình hình diễn biến dẫn đến cái chết (đây là nhiệm vụ của người chép sử), mà thường chỉ cho ghi tạc lại những thành tựu, công lao.
Tình tiết này đã làm dấy lên mối nghi ngờ của các nhà sử học trong suốt một thời gian dài, liệu Bao Công có bị đầu độc chết hay không?
Bí ẩn nguyên nhân cái chết và việc Bao Công bị phá mộ - 2
Sau khi giám định hài cốt, nguyên nhân cái chết của Bao Công mới được sáng tỏ phần nào (ảnh minh họa)
Trong suốt sự nghiệp làm quan của mình, Bao Công đã gây thù chuốc oán với không ít người. Nhiều quan lại đã từng bị ông tố cáo, cho về vườn. Những người được hoàng đế sủng ái như Trương Quý Phi, Trương Ngiêu Tá coi Bao Công như cái gai trong mắt. Ông cũng không ít lần đứng ra tố cáo thói gian manh, khai khống, bớt xén dược liệu của các quan ngự y.
Thậm chí, ngay cả hoàng đế Tống Nhân Tông, Bao Công cũng không ngần ngại đắc tội. Như vậy, việc một vị quan chính trực, ngay thẳng như Bao Công bị trả thù, hãm hại cũng có nhiều khả năng xảy ra.
Năm 1973, các nhà khoa học thuộc Phòng nghiên cứu động vật có xương sống và người cổ, Viện Khoa học Trung Quốc, phối hợp với Viện Bảo tàng tỉnh An Huy, đã tiến hành giám định xương của Bao Công trong khu mộ gia tộc.
Kết quả cho thấy, hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương của Bao Công cao hơn nhiều so với xương của người hiện tại. Trong khi đó, hàm lượng chì và thạch tín lại thấp hơn người bình thường.
Theo chuyên gia Hồ Hân Dân, Viện trưởng Viện bảo tàng tỉnh An Huy khi đó, kết quả giám định này sơ bộ đã loại trừ khả năng Bao Công bị trúng độc cấp tính do uống thuốc có chứa thạch tín.
Thời xưa, độc dược được sử dụng chủ yếu là tì sương (thạch tín) và chu sa (thủy ngân), chúng có độc tính cực mạnh.
Về vấn đề hàm lượng thủy ngân cao trong xương của Bao Công, các nhà khoa học đưa ra hai khả năng. Một là khi an táng ông, người ta đã cho vào quan tài nhiều thủy ngân, để ướp giữ thi thể và trừ tà. Chất này xâm thực vào xương dẫn đến hàm lượng thủy ngân tăng cao. Khả năng thứ hai là Bao Công từng uống thuốc hay ăn loại thực phẩm có chứa thủy ngân nên bị trúng độc thủy ngân.
Theo kết quả nghiên cứu, đa số các nhà khoa học đều nghiêng về giả thiết Bao Công mất đột ngột do bệnh tim mạch hoặc đột quỵ, chứ không phải vì trúng độc. Tuy nhiên, sự thật về cái chết của ông đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn.
Bí ẩn nguyên nhân cái chết và việc Bao Công bị phá mộ - 3
Bao Công trở thành “nạn nhân” của Cách mạng văn hóa Trung Quốc (ảnh minh họa)
Lại có vấn đề khác cần phải nói, thi thể của Bao Công rõ ràng đã được chôn cách đó gần ngàn năm, tại sao đến năm 1973, các nhà khoa học lại có mẫu xương để nghiên cứu. Đây lại là một bi kịch khác của Bao Công – phá mộ.
Việc phá hoại mộ người chết là điều cấm kỵ trong văn hóa phương Đông. Vậy vì đâu một con người nổi tiếng thanh liêm, chính trực như Bao Công, đến khi chết lại không được mồ yên mả đẹp?
Theo Shohu, năm 1966, cuộc Cách mạng văn hóa bùng nổ tại Trung Quốc, Bao Công dù là một vị quan tốt, lại đáng trừng trị hơn là đám tham quan ô lại, vì đã “duy trì, ủng hộ chế độ phong kiến”. Bao Công bị xếp vào nhóm “ngưu quỷ, xà thần”, cần phải quét sạch tàn dư.
Quần thể kiến trúc cổ của từ đường Bao Công bị phá sạch từ trong ra ngoài. Bia đá, hoành phi, câu đối, tượng Vương Triều, Mã Hán… quý giá đều bị đập nát vụn. Bức tượng Bao Công được làm từ gỗ đàn hương, lớn như người thật, bị dùng dao chém nát, kéo bỏ ra ngoài rãnh.
Bộ gia phả “Bao thị tông phổ” và bức vẽ truyền thần Bao Công lúc còn sống cực kỳ quý giá, cũng bị đốt ra tro. May mắn, mộ phần Bao Công lúc này mới chỉ bị hư hại bên ngoài, chưa bị đào lên. Từ đường thờ Bao Công cuối cùng trở thành bếp nấu ăn của hợp tác xã.
Bí ẩn nguyên nhân cái chết và việc Bao Công bị phá mộ - 4
Mộ Bao Công bị khai quật sau đó hài cốt bị tuyệt tích (ảnh minh họa)
Đến năm 1973, Cách mạng văn hóa vẫn chưa kết thúc, khu mộ của Bao Công không tránh khỏi kiếp nạn.
Đầu năm 1973, Ủy ban Cách mạng thành phố Hợp Phì ra thông báo phải di dời, đào khu mộ Bao Công, để… xây lò nung vôi. Nếu đến hết tháng 3, con cháu Bao Công vẫn không chịu thực hiện việc di dời thì sẽ bị xử lý theo dạng mộ vô chủ.
Những hậu duệ của Bao Công phải nuốt nước mắt, phối hợp với chính quyền địa phương khai quật mộ tổ, mặc dù việc đào mộ tổ tiên đã xây cách đó ngót ngàn năm, là điều đại kỵ theo truyền thống Trung Quốc.
Sau khi khai quật, 11 bộ xương, trong đó có cả hài cốt của Bao Công được tìm thấy. Đặc biệt, phát hiện thêm các mảnh của tấm bia đá, khắc chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của Bao Công, có giá trị rất lớn về lịch sử.
Hài cốt của Bao Công được đặt trong quan tài làm bằng gỗ mộc tơ vàng rất quý. Đồ vật chôn theo ông không đáng kể, chỉ có vài xâu tiền đồng, ấn đồng và nghiên mực. Mộ của Bao Công là ngôi mộ nhỏ nhất trong khu mộ dòng họ. Một số mảnh xương trong ngôi mộ của Bao Công cũng được đưa đi xét nghiệm vào thời điểm này.
Những bộ hài cốt được chứa trong 11 chiếc quan tài gỗ và đưa từ Hợp Phì đi an táng tại nơi khác, là huyện Phì Đông, tỉnh An Huy. Tuy nhiên, khi con cháu của Bao Công đang làm lễ nhập thổ thì lại bị chính quyền xã đến xua đuổi:
“Bao Chửng là phái bảo hoàng của triều Tống, kẻ nào dám chôn hắn ở nơi đây thì là thành phần phản cách mạng. Nếu không sớm đưa đi nơi khác thì sẽ bị tiêu hủy”.
Con cháu của Bao Công xin mãi không được, chỉ còn biết ôm hài cốt của tổ tiên mà khóc. 11 bộ hài cốt sau đó bị cất giấu trong nhà dân ở xã khác, không được an táng tử tế.
Bí ẩn nguyên nhân cái chết và việc Bao Công bị phá mộ - 5
Hầm mộ Bao Công tại Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc (ảnh minh họa)
Mãi đến tháng 12.1973, những hậu duệ của Bao Công, đại diện là Bao Tiên Chính, quyết định đưa 11 bộ hài cốt vào 11 chiếc vò, giả làm vò đựng dưa muối, đem đi chôn trộm tại núi Long Sơn, tỉnh An Huy.
Tháng 10.1985, cuộc Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc đã kết thúc, chính quyền tỉnh An Huy lúc này lại cho phục dựng lại khu mộ và từ đường Bao Công một cách hoành tráng. Con cháu của Bao Thanh Thiên quyết định đưa hài cốt tổ tiên từ núi Long Sơn về lại Hợp Phì an táng.
Tuy nhiên, khi đào 11 vò đựng hài cốt thì tất cả đều rỗng không. Bao Tiên Chính, người trực tiếp chôn hài cốt tại núi Long Sơn khi trước, đã chết cách đó mấy năm.
Rất có thể, Bao Tiên Chính vì quá xót xa, muốn tránh cho hài cốt của tổ tiên bị đả động đến một lần nữa, nên quyết định đem đi chôn tại một nơi không ai hay biết. Như vậy, hài cốt của Bao Công chính thức mất tích.
Chính quyền địa phương và con cháu của Bao Công phải tìm đến Viện khoa học Trung Quốc, xin lại 35 mảnh xương của Bao Công trước đây được đem đi giám định. 20 mảnh xương của Bao Công được đưa về an táng, 15 mảnh xương còn lại được trưng bày tại Viện Bảo tàng tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Nhiều người đến nay nhắc lại câu chuyện này, vẫn không khỏi đau xót và thương tiếc cho Bao Công, một vị quan nổi tiếng công minh, chính trực, đã qua đời gần ngàn năm rồi mà vẫn chưa được thực sự yên nghỉ. Hài cốt của ông đến nay vẫn thất lạc ở nơi rừng núi hoang vu, lạnh lẽo.
Nguồn: http://danviet.vn/the-gioi/bi-an-nguyen-nhan-cai-chet-va-viec-bao-cong-bi-pha-mo-1039513.html
Trước một Hitler cực mạnh, Churchill trở thành vị cứu tinh của cả châu Âu như thế nào?
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất của cuộc Thế chiến II, Churchill đã can đảm đứng ra gánh vác vận mệnh của nước Anh và...

Theo Vương Nam (tổng hợp) (Dân Việt)




Những tài năng vượt bậc ít người biết tới của Hòa Thân

Thứ Hai, ngày 30/09/2019 00:30 AM (GMT+7)

Nhiều người cho rằng Hòa Thân chỉ là một kẻ tiểu nhân, tham lam vô độ, không có tài cán gì. Tuy nhiên, Hòa Thân thực sự là một người tài giỏi trong nhiều lĩnh vực.

Những tài năng vượt bậc ít người biết tới của Hòa Thân - 1
Hòa Thân không chỉ biết tham ô, nhũng nhiễu mà còn là người rất tài năng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Sau khi bị Gia Khánh hoàng đế xử tử, những tài liệu có liên quan đến Hòa Thân đã bị hủy hoại rất nhiều. Phần lớn tư liệu lịch sử, cũng như những câu chuyện trong dân gian đều nói về những điểm xấu của Hòa Thân.
Tuy nhiên, cần phải xác định trên thực tế, Hòa Thân làm quan dưới thời Càn Long, một vị minh quân, làm nên thời “Khang Càn thịnh thế”. Nếu không có công trạng gì mà chỉ biết tham nhũng, phá hoại, chắc chắn Hòa Thân đã sớm mất đầu chứ không thể ngày càng leo lên những chức vị cao như vậy.
Trước hết, về mặt quân sự. Dưới thời Càn Long, Hòa Thân cũng từng có nhiều lần đảm nhiệm những chức vụ như làm đốc quân, cung ứng quân nhu, hậu cần, hoạch định chiến lược và đều có những đóng góp nhất định. Năm Càn Long thứ 44 (năm 1782), nổ ra cuộc khởi nghĩa Tô tứ thập tam tại tỉnh Cam Túc, đích thân Hòa Thân cùng A Quý đem quân trấn áp và giành được thắng lợi.

Những tài năng vượt bậc ít người biết tới của Hòa Thân - 2
Hòa Thân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực quân sự (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Trong lĩnh vực kinh tế, Hòa Thân cũng có nhiều cống hiến. Thanh sử cảo chép: Năm 52 Càn Long (năm 1788), giá gạo trong thành Bắc Kinh lên rất cao, các hộ đều tích trữ hàng. Giá cả đắt đỏ khiến dân thành thị, đặc biệt là dân nghèo kêu đến tận trời.
Trước tình hình đó, Hòa Thân ra lệnh cấm dân trong thành không được tích trữ quá 50 thạch lương thực (1 thạch = 120 kg), nếu không đều phải trị tội. Hòa Thân còn chủ trương đem 6.000 thạch gạo trong kho của triều đình ra bán giá rẻ, nhằm hạ giá gạo. Các thương nhân trong thành đều phản đối, chỉ có Lưu Dung ủng hộ ông ta.
Những tài năng vượt bậc ít người biết tới của Hòa Thân - 3
Hòa Thân từng là người đứng ra giải quyết nạn đói trong thành Bắc Kinh (ảnh minh họa)
Trong việc quản lý tài chính, Hòa Thân cũng đặc biệt có tài năng. Trước khi Hòa Thân nhậm chức tổng quản phủ nội vụ, cơ quan này thường thu không đủ chi. Từ sau khi Hòa Thân đến, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, phủ nội vụ không những chu cấp đầy đủ tiền bạc cho hoàng cung, lại còn có thể trích ra một phần cho các phủ bên ngoài.
Theo Thanh sử, khi đảm nhiệm công việc thu thuế tại Sùng Văn Môn, Hòa Thân làm việc rất nghiệm ngặt, hiệu quả. Dân ở xung quanh thành Bắc Kinh đều biết mà tự giác. Khi đi qua cổng thành, họ đều phải giắt tiền lên vành mũ, để quan thu thuế tự rút tiền ra. Số thuế Sùng Văn Môn thu được, mỗi năm nộp lên 173.200 lạng bạc, đứng thứ tư trong 300 trạm thuế cả nước.
Những tài năng vượt bậc ít người biết tới của Hòa Thân - 4
Hòa Thân là người đặc biệt có tài trong việc quản lý kinh tế, tài chính (ảnh minh họa)
Hòa Thân cũng là một nhà ngoại giao xuất sắc. Ông thông thạo 4 thứ tiếng Mãn, Hán, Mông, Tạng. Tương truyền, vào sinh nhật lần thứ 70 của Càn Long, một vị Đại Lạt (người đứng đầu giáo phái Lạt Ma – Phật giáo ở Tây Tạng) có gửi cho Càn Long một bức thư chúc thọ được viết bằng tiếng Tây Tạng. Cả triều đình không ai dịch nổi, chỉ riêng Hòa Thân dịch được và còn thay Càn Long viết chiếu thư trả lời.
Dưới thời Càn Long, tất cả những công việc ngoại giao với nước ngoài, đặc biệt là với Anh quốc, đều do Hòa Thân toàn quyền quyết định. Năm 1793, một đoàn sứ giả lớn của nước Anh đến Trung Quốc, Hòa Thân đã đứng ra tiếp đón và hoàn thành xất sắc nhiệm vụ.
Người Anh đã yêu cầu Trung Quốc cho họ được tự do buôn bán, lại còn đòi được giảm, miễn thuế và được sử dụng một số hòn đảo tại Quảng Châu làm nơi tập kết hàng hóa. Trước những yêu sách như vậy, Hòa Thân đã cứng rắn từ chối.
Những tài năng vượt bậc ít người biết tới của Hòa Thân - 5
Hòa Thân là một nhà ngoại giao xuất sắc (ảnh minh họa)
Thanh sử chép lại việc Hòa Thân đối đáp với sứ thần Anh quốc là Mã Giáp Nhĩ Ni (Mac Cartrey) như sau:
- Đây không phải là các ngài (nước Anh) muốn xây dựng một quốc gia khác trên lãnh thổ của chúng tôi hay sao? Quý quốc yêu cầu được sử dụng đất đai của chúng tôi mà không cho phép chúng tôi phòng bị gì cả. Việc như thế này thì làm sao còn có thể thương lượng thêm nữa.
Ngày hôm sau, Hòa Thân gọi Mã Giáp Nhĩ Ni tới, tặng cho ông ta rất nhiều lễ vật. Sau đó, đưa quốc thư của Càn Long cho ông ta, tỏ ý hãy mau về nước. Thái độ ngoại giao của Hòa Thân vừa khéo léo vừa cương quyết. Trong bản hồi ký của mình, sứ thần Mã Giáp Nhĩ Ni cũng tỏ ra rất khâm phục Hòa Thân.
Trong lĩnh vực văn hóa, Hòa Thân cũng là người đứng ra làm tổng tài biên soạn Tứ khố toàn thư, một tác phẩm có quy mô khổng lồ của triều Thanh. Ngoài ra, ông còn có công trong việc phát hiện, hoàn thiện và bảo vệ tiểu thuyết Hồng Lâu Mông, một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc. Có thể nói, Hòa Thân là một con người đa tài nhưng cũng lắm tật.
_____________
Hòa Thân là một đại tham quan đệ nhất lịch sử, hoàng đế Càn Long có lẽ cũng phần nào nhận ra được điều đó. Nhưng tại sao Càn Long dường như nhắm mắt cho qua, để mặc Hòa Thân lộng hành, thao túng triều đình?  Mời bạn cùng tìm hiểu bề chuyện này trong bài kỳ tới, xuất bản sáng 1/10/2019
Cuộc sống cực độ xa xỉ đến vua chúa cũng không theo nổi của Hòa Thân
Hòa Thân có những sở thích ăn chơi rất khác người và xa hoa cực độ. Ngay cả các bậc vua chúa có lẽ cũng không đủ sức...

Theo Vương Nam (Dân Việt)





Vì sao Càn Long biết Hòa Thân làm điều xấu trước mắt mình mà vẫn một mực sủng ái?

Thứ Ba, ngày 01/10/2019 00:30 AM (GMT+7)

Càn Long thường đối xử với các quan lại dưới quyền rất nghiêm khắc, nhưng riêng với Hòa Thân lại mắt nhắm mắt mở, để cho ông ta mặc sức lộng hành.

Vì sao Càn Long biết Hòa Thân làm điều xấu trước mắt mình mà vẫn một mực sủng ái? - 1
Hòa Thân là người nắm rõ suy nghĩ của Càn Long hơn tất cả mọi người (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Hòa Thân là một đại tham quan, từng bị tố cáo nhiều lần. Càn Long dù không biết rõ sự tham nhũng của ông ta nhưng cũng không thể không có sự nghi ngờ. Vậy tại sao Càn Long lại cố tình bỏ qua?
Có một số quan điểm cho rằng, Càn Long muốn để cho Hòa Thân lấp đầy túi tham, đạt đến đỉnh cao quyền lực. Sau đó, để cho Gia Khánh trừng trị ông ta, như một “món quà” cho người kế vị.
Tuy nhiên, không có căn cứ lịch sử nào xác thực cho điều này. Mặt khác, Càn Long không có lý do để làm vậy. Bởi lẽ, tiền mà Hòa Thân tham ô được cũng chính là từ ngân khố của Càn Long. Hòa Thân cũng đã tiêu xài, sống xa xỉ không hề ít, Càn Long không khác gì tự đào hố chôn mình.
Mặt khác, nếu cứ để mặc cho Hòa Thân thâu tóm quyền lực, hoàng đế non trẻ Gia Khánh rất có thể bị lật đổ. Chưa kể, có rất nhiều chi tiết thể hiện vào những năm cuối đời, Càn Long vẫn thể hiện sự tín nhiệm tuyệt đối với Hòa Thân.

Nguyên nhân nào khiến Càn Long lại sủng ái Hòa Thân như vậy? Dựa vào các tài liệu lịch sử, có thể cho rằng, đó là do Hòa Thân đã phục vụ Càn Long rất tốt. Thanh sử chép: Trước mặt Càn Long, Hòa Thân không xưng thần mà chỉ xưng nô tài. Hoàng đế bị ho đờm, Hòa Thân dùng nịch khí (ống nhổ) đỡ lấy.
Vì sao Càn Long biết Hòa Thân làm điều xấu trước mắt mình mà vẫn một mực sủng ái? - 2
Từ chỉ cử của Càn Long, Hòa Thân còn có thể đoán được đề thi đưa ra (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Không chỉ hầu hạ hết sức cung kính, Hòa Thân còn rất thành công trong việc nắm được tâm lý của hoàng đế. Từ khi còn nhỏ, Hòa Thân đã ra sức sưu tầm thơ văn của Càn Long và nghiên cứu chúng. Nhờ đó, ông ta hiểu được thái độ và suy nghĩ của hoàng đế. Điều này đã giúp Hòa Thân từ một thị vệ tiểu tốt mà một bước lên mây.
Chỉ cần thấy qua cử chỉ của Càn Long, Hòa Thân cũng biết được hoàng đế đang nghĩ gì. Thậm chí, nhờ vậy mà Hòa Thân còn có lần đoán được cả đề thi do Càn Long đưa ra.
Câu chuyện này được thể hiện trong Toàn thư lịch sử Trung Quốc, hai người Ngô Tỉnh Khâm, Ngô Tỉnh Lan từng là thầy của Hòa Thân trong Hàm An cung. Tuy cả hai đều là những người giỏi giang, nhưng đi thi nhiều lần vẫn không đỗ.
Học trò của họ là Hòa Thân thì lại một bước làm đại quan. Ngô Tỉnh Khâm, Ngô Tỉnh Lan nghe nói năm đó Hòa Thân phụ trách thi hương ở phủ Thuận Thiên bèn lập tức xin thi ở Thuận Thiên phủ.
Hai người tìm tới Hòa Thân, vừa gặp mặt đã quỳ hai gối xuống nhận Hòa Thân là thầy. Ngô Tỉnh Khâm, Ngô Tỉnh Lan từ thầy, trong chốc lát đã là học trò của Hòa Thân.
Đề thi Hương năm đó do chính Càn Long ban ra. Càn Long khi ra đề xong thì giao cho thái giám ở bên cạnh dán kín, chuyển cho nội các. Hòa Thân đã đợi sẵn tên thái giám ở trong cung, ngăn lại mà hỏi. Thái giám nói hoàng thượng đã xem sách Luận Ngữ, đợi đến khi đọc gần hết thì cười rồi viết đề thi. Vốn tinh thông Luận ngữ, Hòa Thân đoán đề ra chắc chắn nằm trong chương “Khí Hê”.
“Hê” thực ra là tên gọi thời cổ của dấm. Luận Ngữ có chép: “Khổng Tử nói: ai bảo Vi sinh là người thoáng? Có người muốn một ít dấm, nhà mình không có, nhưng không nói là không có bèn sang nhà người khác xin rồi cho người ta”. Trong chữ “khí hê” lại bao gồm cả hai chữ “ất dậu”. Cuộc thi hương năm đó cũng chính vào năm Ất Dậu.
Hòa Thân vì vậy bảo anh em họ Ngô chỉ cần học kĩ chương Khí Hê trong Luận Ngữ thôi. Ngô Tỉnh Khâm, Ngô Tỉnh Lan cực kỳ vui mừng. Quả nhiên, đề thi ra đúng như dự liệu của Hòa Thân, cả hai người đều đỗ và được bổ làm quan ngay sau đó.
Vì sao Càn Long biết Hòa Thân làm điều xấu trước mắt mình mà vẫn một mực sủng ái? - 3
Hòa Thân luôn là người đứng ra lo liệu chi tiêu cho việc ăn chơi của Càn Long (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Không chỉ là người hầu hạ, biết cách chiều chuộng mọi nhu cầu của hoàng đế. Hòa Thân còn là người quản lý tài chính số một, là túi tiền của Càn Long. Thậm chí, ông ta còn sẵn sàng thay Càn Long chịu tiếng xấu.
Càn Long 6 lần đi tuần thú phương nam, đều do một tay Hòa Thân lo liệu, không tốn một đồng quốc khố. Điều này khiến cho Càn Long vô cùng thỏa mãn. Tuy nhiên, ở phía sau, Hòa Thân đã dùng quyền lực của mình, gâp áp lực đến những quan lại, đặc biệt là các thương nhân giàu có ở Giang Nam. Ép họ phải “tự nguyện” chi chả những khoản chi phí khổng lồ phục vụ việc đi lạ, vui chơi của hoàng đế.
Thanh sử chép: Ngày 12, tháng giêng, năm Càn Long 44 (năm 1780), hoàng đế chuẩn bị xuống Giang Nam lần thứ năm. Chỉ yêu cầu phủ nội vụ lo liệu những chi phí thường ngày, còn lại giao cho Hòa Thân.
Hòa Thân lệnh cho tổng đốc, tuần phủ các tỉnh, các thương nhân gấp rút tu bổ, xây dựng hành cung, vườn cảnh, khơi thông sông ngòi. Càn Long tới xem, thấy nơi nơi thuyền bè đậu kín mặt sông, liên tiếp mấy nghìn chiếc, tỏ ra vô cùng mừng rỡ.
Hòa Thân cũng chính là người đề xuất chế độ nộp bạc thay tội, khiến cho quan lại tha hồ tham nhũng mà không lo bị xử tử. Dân chúng oán ghét Hòa Thân dung túng cho quan tham. Thực chất, nguồn tiền thu được cũng một phần để thõa mãn sự tiêu xài của Càn Long.
Vì sao Càn Long biết Hòa Thân làm điều xấu trước mắt mình mà vẫn một mực sủng ái? - 4
Hòa Thân sẵn sàng chịu tiếng xấu thay cho Càn Long (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Năm Càn Long thứ 55 (1790), Càn Long chuẩn bị chúc thọ 80 tuổi. Càn Long lệnh cho tổ chức lễ chúc thọ phải thực hành đơn giản, tiết kiệm. Hòa Thân đương nhiên là người tổ chức sự kiện quan trọng này. Tác phẩm Hòa Thân đại thần tham nhũng viết:
Tuy hoàng đế ra lệnh tiết kiệm, nhưng quan viên lại tuân lệnh Hòa Thân thực hiện việc tiêu pha lớn. Đồ dùng sử dụng trong cung đều phải thay mới. Lầu gác, cung điện phải trang trí bằng vàng ngọc…Số tiền chi ra không biết bao nhiêu mà kể nhưng lại không dùng đến một xu công quỹ. Hòa Thân bắt các quan lại từ tam phẩm trở lên đều phải nộp tiền, lại có thêm 400 vạn lạng bạc của các thương nhân vùng Lưỡng Hoài nộp vào để chi tiêu.
Hòa Thân còn là người đứng ra tổ chức cho Càn Long bữa tiệc lẩu lớn nhất lịch sử Trung Quốc. Năm Gia Khánh thứ nhất, Hòa Thân thay hoàng đế tổ chức Thiên tẩu yến. Bao gồm 1.550 nồi lẩu, mời hơn 5.000 người, đều là những quan viên, người già trên 70 tuổi, được vào hoàng cung dùng bữa với hoàng đế. Điều này khiến cho Càn Long vô cùng vẻ vang, được khắp nơi ca tụng công đức.
Vì sao Càn Long biết Hòa Thân làm điều xấu trước mắt mình mà vẫn một mực sủng ái? - 5
Thiên tẩu yến xa hoa mà Hòa Thân tổ chức cho Càn Long (ảnh minh họa)
Càn Long muốn ăn chơi xa xỉ, nhưng lại không muốn mang tiếng xấu. Ngoài Hòa Thân ra, không ai có thể giúp ông ta làm điều đó. Vì thế, Càn Long không thể nào thiếu được Hòa Thân.
Cũng có quan điểm cho rằng, sở dĩ Càn Long sủng ái Hòa Thân như vậy, là bởi vì dưới thời ông trị vì, nhân tài trong triều đình quá nhiều. Để tránh việc bị các đại thần quyền cao chức trọng lấn át, Càn Long sử dụng Hòa Thân như một con bài chính trị, làm đối trọng và cân bằng quyền lực với phe của các lão thần trong triều, để hai bên kiểm soát lẫn nhau. Dĩ nhiên, ông biết Hòa Thân có nhiều điểm xấu, nhưng có lẽ ông chấp nhận điều đó chừng nào nó chưa ảnh hưởng đến quyền lực tối cao của mình.
_____________
Nhắc tới Hòa Thân thì không thể không nói tới Lưu Dung - địch thủ lớn nhất của Hòa Thân. Giữa hai người đã có những cuộc đối đầu gay gắt nhưng cũng không kém phần thú vị, hài hước. Mời bạn đón đọc trong bài kỳ tới, xuất bản sáng 02/10/2019.
Những ngón ăn chơi ”khét” nhất lịch sử Trung Quốc của vua Càn Long
Vị vua này sống thọ nhất, cai trị lâu nhất và đa tình nhất lịch sử Trung Quốc.

Theo Vương Nam (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét