Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

TT&HĐ I - 8/f

  

                                            

Phim Hay 2020 | TẦN THUỶ HOÀNG TRÙNG SINH - Tập 01 | Phim Bộ Trung Quốc Hay Nhất 2020

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
CHƯƠNG VIII: HOÀNG LÃO


Không biết mà nói là ngu, biết mà không nói là hiểm.
 
                                                                                                                                         CHU-HI
Ở đời cái gì thung dung thì còn, cấp bách quá thì mất. Việc mà thung dung thì có ý vị. Người mà thung dung thì sống lâu.
Làm việc nghĩa chớ kể thiệt hại. Luận anh hùng chớ kể hơn thua.
Tâm niệm trầm tĩnh thì lẽ gì nghĩ chẳng tới. Chí khí cao rộng thì việc gì làm chẳng xong.
Tầm thuật quý nhất là sáng suốt. Tướng mạo quý nhất là chính đại. Ngôn ngữ quý nhất là giản dị, Chân thật.
Khí kiêng nhất là hung hăng. Tâm kiêng nhất là hẹp hòi. Tài kiêng nhất là bộc lộ.
Tâm phải rộng để dung nạp người trong thiên hạ. Tâm phải công bằng để làm việc trong thiên hạ.Tâm phải trầm tĩnh để xét lý trong thiên hạ. Tâm phải vững vàng để chống lại những biến cố trong thiên hạ.
Việc sắp xảy ra mà ngăn được, việc đang xảy ra mà cứu được, đó là quyền biến. Chưa có việc mà biết việc sắp đến, mới có việc mà biết được việc sau, có tài năng. Định việc mà biết việc xảy ra thế này, thế nọ, như vậy là biết lo xa. Người như thế là người có kiến thức rộng rãi.
                                                                                                                                                                                                                LÃ-TƯ-PHÚC
 
Khiến người ta nể lời, Không bằng khiến người ta tin lời.
Khiến người ta tin lời, Không bằng khiến người ta vui vẻ nhận lời.
Đem họa phước mà răn dọa là khiến người ta sợ.
Đem lý lẽ mà răn dụ là khiến người ta tin
Dùng tâm lý mà giác ngộ là khiến người ta vui lòng mà nghe theo.
                                                                                                                        
                                                                                                               VƯƠNG DƯƠNG MINH


Biết đủ trong cái đủ của mình thì luôn luôn đủ.
Biết người là trí, biết mình là sáng
Không có lỗi nào to bằng ham muốn; Không có tai hoạ nào to bằng không biết đủ.
Lo thắng người thì loạn; Lo thắng mình thì bình.
Lời thành thật thì không đẹp; Lời đẹp thì không thành thật.

 
                                                                                                      LỄ KÝ
 



“Lời của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, mà thiên hạ không ai hiểu được, làm được. Lời của ta có tôn chỉ, việc của ta có căn bản. Vì thiên hạ không hiểu ngôn luận của ta nên không biết ta. Người hiểu ta rất ít, người theo ta được là rất hiếm. Cho nên thánh nhân mặc áo vải thô mà ôm ngọc quý trong lòng.”


Lão Tử

 



(Tiếp theo)


 ***

Liệt Tử kể:

1-. Nước Tống có người làm trò Sơn Đông xin diễn trò cho vua Nguyên (nước Tống) coi. Vua Nguyên cho gọi vô. Anh ta đứng lên hai cây cà kheo cao gấp hai anh ta mà vừa chạy vừa nhảy. Rồi lấy bảy cây kiếm tung lên trời và bắt, lúc nào cũng có năm cây ở trên không. Vua Nguyên ngạc nhiên lắm, thưởng cho anh ta vàng và lụa.

Một người làm trò khác có tài đánh đu hay tin đó, tới xin làm trò cho vua Nguyên coi. Vua Nguyên nổi giận, bảo:

- Trước đã có một người làm trò lạ xin ta cho diễn. Trò đó vô dụng, nhưng gặp lúc ta vui vẻ cho nên thưởng hắn vàng, lụa. Tên này chắc nghe vậy mà tới, cũng mong được ta thưởng nữa đây. bắt giam và làm nhục nó đi.

Một tháng sau hắn mới được thả!

2-. Vua Tần Mục Công bảo Bá Nhạc (người nổi tiếng coi ngựa thời cổ)

- Ông đã già rồi, con cháu có người nào sai tìm ngựa tốt được không?

Bá Nhạc đáp:

- Ngựa tốt, coi hình dáng, gân cốt thì biết được. Nhưng con ngựa nhất thiên hạ thì có cái gì đó như ẩn như hiện, như có như không, cảm được chứ không thấy được, nó chạy thì không tung bụi lên (tuyệt trần), không để lại dấu xe nữa. Bầy con của thần đều bất tài, giảng cho chúng hiểu thế nào là ngựa tốt mà không giảng cho chúng nhận thức được con ngựa tuyệt trần. Thần có một người bạn cùng chở củi và rau, tên là Cửu Phương Cao, coi ngựa không kém thần, đại vương nên vời người đó tới.

Mục Vương vời người đó tới, sai đi tìm ngựa. Ba tháng sau người đó về tâu:

- Được ngựa rồi, ở Sa Khâu.

Mục Vương hỏi:

- Ngựa ra sao?

- Ngựa cái vàng.

Sai người đi bắt ngựa, thì là một con ngựa đen. Mục Vương bất bình, vời Bá Nhạc tới bảo:

- Hỏng! người ông giới thiệu đi tìm ngựa, không phân biệt nổi ngựa đực ngựa cái, màu đen màu vàng, thì làm sao biết được ngựa?

Bá Nhạc bùi ngùi, thở dài rồi tâu:

- Tới mức đó ư? Thế thì anh ấy hơn thần cả ngàn vạn lần rồi. Cái mà anh Cao xét là cái huyền vi của trời; anh ấy nhận thấy cái tinh thần mà quên cái thô thiển, xét cái ở trong mà quên cái ở ngoài; cái gì đáng thấy thì thấy, không đáng thấy thì thôi; cái gì đáng nhìn thì nhìn, không đáng nhìn thì bỏ. cái thuật đó của anh Cao có phải chỉ để coi tướng ngựa thôi đâu, còn quí hơn vậy nữa.

Khi ngựa dắt về, quả nhiên không ngựa nào bằng.

3-. Ở phía đông có một người tên là Viên Tinh Mục, đi xa, giữa đường gần chết đói. Một tên cướp ở Hồ Phủ, tên là Khâu trông thấy, đổ nước vào miệng và đút thức ăn cho. Ba lần như vậy, Viên Tinh Mục mới tỉnh, mở mắt nhìn thấy tên cướp, hỏi:

- Ông là ai vậy

Đáp:

- Tôi là người Hồ Phủ, tên Khâu đây

Viên Tinh Mục bảo:

- Ấy, vậy anh là một tên cướp hả? Sao lại cho ta ăn uống? Ta trọng nghĩa, không nhận thức ăn của anh đâu

Nói xong, hai tay chống xuống đất, người đó cố mửa thức ăn ra, không được, chỉ nghe thấy tiếng ọc ọc trong bụng, rồi ngã gục xuống, chết.

Người Hồ Phủ đúng là một tên cướp, nhưng cứu sống người đói, không phải là một hành vi cướp bóc. Viên Tinh Mục lấy lẽ người đó là kẻ cướp mà không chịu ăn thức ăn của người đó (vì cho là của bất nghĩa) như vậy là lầm danh với thực.

4-. Dân Hàm Đan có lệ ngày nguyên đán đem chim ngói dâng Giản Tử (tức Trịnh Giản Tử, được phong ấp ở Hàm Đan). Giản Tử mừng lắm, thưởng họ rất hậu. Một người khách hỏi tại sao, ông đáp:

- Ngày nguyên đán mà phóng sinh thì tỏ rằng mình có lòng thương loài vật.

Người khách nói:

- Dân chúng biết ông muốn phóng sinh, tất tranh nhau bắt chim ngói, và nhiều chim sẽ bị chết. Nếu ông muốn cho chim sống thì không gì bằng cấm dân đừng bắt; bắt rồi phóng sinh thì lòng tốt của ông không đủ bù cái hại.

Giản Tử nghe ra, đáp:

- Đúng vậy!

5-. Họ Điền nước Tề tế thần đường sá (tương tự như cúng đầu xe ở ta) ở trong sân, thực khách tới số ngàn. Giữa bữa tiệc, có người dâng lên món cá và món chim nhạn. Họ Điền nhìn rồi thở dài:

- Trời hậu đãi loài người thật! Sinh ra ngũ cốc, các chim để chúng ta ăn.

Một người khách đến tán thưởng ầm ĩ.

Một đứa con họ Bảo mới mười hai tuổi, dự vào hàng dưới, tiến lên thưa:

- Không đúng như lời ngài nói, Vạn vật trong Trời đất với chúng ta đều là sinh vật cả, không loài nào quí, không loài nào hèn. Chỉ dùng trí khôn và sức mạnh mà khuất phục lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau thôi, chứ không có loài nào sinh ra cho loài khác ăn thịt. Loài người thấy cái gì ăn được là ăn, trời đâu có vì người mà sinh ra các loài đó. Muỗi mòng kia đốt da ta, hổ lang kia ăn thịt ta, có thể nói là trời vì chúng mà sinh ra chúng ta không?

6-. Dương Chu nói:

- Vạn vật sống thì khác nhau mà chết thì như nhau hết. Sống, có kẻ hiền người ngu, kẻ sang người hèn, thế là khác nhau; chết thì xác tan ra, hôi thối, tiêu diệt, ai cũng như ai. Hiền hay ngu, sang hay hèn, không phải mình muốn mà được. Cho nên sống không phải do mình, chết không phải do mình, hiền hay ngu không phải do mình, hèn hay sang không phải do mình, mà là vạn vật cùng sống, cùng chết, cùng hiền, cùng ngu, cùng sang, cùng hèn cả. Sống mười năm hay trăm năm thì rồi cũng chết, thánh hiền cũng chết, ngu ác cũng chết. Sống là Nghiêu, Thuấn, chết là thịt rã xương mục. Đều là thịt rã xương mục thì ai mà phân biệt được là Nghiêu, Thuấn hay Kiệt, Trụ? Thế thì cứ hưởng đời đi, nghĩ làm quái gì đến chuyện sau khi chết!

7-. Cầm Tử hỏi Dương Chu:

- Nhổ một sợi lông trên mình ông để cứu đời, ông chịu không?

Dương Chu đáp:

       - Đời đâu có thể cứu được bằng một sợi lông?

       - Cho rằng cứu được đi thì ông chịu không?

Dương Chu không đáp.

Cầm Tử bước ra ngoài, kể lại với Mạnh Tôn Dương. Mạnh Tôn Dương bảo:

- Ông không hiểu được ý của Phu Tử, để tôi giảng cho. Nếu để người ta cắt da thịt mà được vạn cân vàng, ông chịu không?

     - Chịu.

     - Để cho người ta bẻ gãy tay chân mà được một nước thì ông chịu không?

Cầm Tử làm thinh.

Một lát sau, Mạnh Tôn Dương bảo:

- Một sợi lông không quan trọng bằng da thịt, da thịt không quan trọng bằng tay chân, điều đó hiển nhiên. Nhưng nhiều lông thì thành da thịt, nhiều da thịt thì thành tay chân; một sợi lông chỉ là một phần vạn của thân thể, nhưng tại sao lại khinh nó?

Cầm Tử đáp:

- Tôi không thể trả lời ông được, nhưng đem lời của ông nói với Lão Đam, Quan Dõan thì hợp với họ, mà tôi đem lời của tôi nói với Đại Vũ, Mặc Địch thì cũng hợp với họ.

Mạnh Tôn Dương quay lại nói qua chuyện khác với môn đệ.

8-. Dương Chu nói:

- Các việc lớn thời thái cổ đã dứt rồi, ai có thể ghi lại được? Hành vi của Tam Hoàng tới nay như còn như mất, hành vi của Ngũ Đế như tỉnh như mộng, hành vi của Tam Vương (vua Vũ nhà Hạ, vua Thang nhà Thương, vua Văn Vương nhà Chu) như ẩn như hiện, một ức việc không biết chắc được một việc. Ngay những việc đương thời ta đây, hoặc được nghe hoặc được thấy mà vạn việc cũng không biết chắc được một việc; những việc trước mắt ta đây, hoặc còn hoặc mất, ngàn việc cũng không biết chắc được một việc.

Từ thời thái cổ tới nay, có biết cơ man nào là năm, mà từ thời vua Phục Hi tới nay, cũng đã trên ba ngàn năm rồi. Hiền ngu, gian ác, thành bại, thị phi, không có gì là không bị tiêu diệt, chỉ sớm hoặc muộn mà thôi. Coi trọng tiếng khen tiếng chê một thời mà làm cho tinh thần hình hài tiều tụy, muốn lưu lại cái danh hão mấy trăm năm sau khi chết, nhưng chết rồi, có cách nào làm cho nắm xương tàn tươi lại, tái sinh mà hưởng lạc được không?


9-. Dương Chu nói:

- Nhà sang, áo đẹp, thức ăn ngon, vợ đẹp, có bốn thứ ấy thì có cầu gì khác nữa? Có bốn thứ đó rồi mà còn cầu thêm nữa là tham lam vô độ, tham lam vô độ là loài mọt của âm dương (trời đất).

Trung với vua không đủ để làm cho vua được yên mà đủ làm nguy cho bản thân mình; giữ nghĩa không đủ để làm lợi cho người mà đủ làm hại cho đời sống của mình. Sự an ổn của người, trên không nhờ đức trung, vậy nên bỏ tiếng trung đi; sự lợi ích của người khác không do ta giữ nghĩa, vậy nên bỏ tiếng nghĩa đi. Vua tôi đều được yên ổn, người và ta đều được lợi đó là đạo của cổ nhân.

Làm điều lợi cho người thì được hậu quả tốt, làm điều oán cho người thì sẽ hại tới thân . Phát ở ta mà ứng ra ngoài, đó là tình đời (lẽ thường). Cho nên người hiền minh thì thận trọng về  hành động của mình.

10-. Người láng giềng của Dương Tử mất cừu, đã sai tất cả người trong nhà đi tìm, lại xin Dương Tử cho trẻ tìm hộ nữa. Dương Chu hỏi:

- Ôi! Mất có một con cừu, sao mà cần nhiều người thế?

Người kia đáp:

- Vì đường có nhiều ngã rẽ

Lại hỏi:

- Tìm được không?

- Không

- Sao lại không tìm được?

Đáp:

- Theo một ngã rẽ lại gặp ngã rẽ khác, không biết theo ngã nào, đành phải về.

Dương Chu rầu rầu nét mặt, một hồi lâu không nói gì cả, suốt ngày hôm đó không cười. Môn đệ lấy làm lạ, đánh bạo hỏi:

- Một con cừu có đáng giá gì đâu, mà con đó lại không phải của thầy, sao thầy lại rầu rĩ tới không nói, không cười như vậy?

Dương Chu không đáp và môn đệ không hiểu ý thầy ra sao

Mạnh Tôn Dương trở ra nói với Tâm Đô Tử:

- Xưa ba anh em nhà nọ đi chơi nước Tề, nước Lỗ. Cả ba cùng học một thầy, đạt được đạo nhân nghĩa rồi về. Người cha hỏi:

- Đạo nhân nghĩa ra sao?

Người con lớn đáp:

- Theo đạo nhân nghĩa thì con phải yêu cái thân con mà coi thường cái danh.

Người con giữa đáp:

- Theo đạo nhân nghĩa thì con phải hủy cái thân con để thành danh.

Người con thứ ba đáp:

- Theo đạo nhân nghĩa thì con phải giữ cho vẹn cả cái thân lẫn cái danh của con.

Ý kiến ba người đó trái ngược nhau mà họ đều học chung một thầy cả, vậy biết ai phải ai trái?

Dương Tử đáp:

Xưa có một người sống ở bờ sông, quen với nước, can đảm bơi lội, chở đò cho người qua sông, kiếm tiền nuôi được trăm miệng ăn. Nhiều người đem lương thực lại xin học, nhưng có tới một nửa chết đuối. Họ học lội chứ không học chết đuối, mà hại như vậy. Theo anh thì ai phải, ai trái?

Tâm Đô Tử làm thinh bước ra. Mạnh Tôn Dương trách:

- Anh hỏi gì mà quanh co vậy? Và thầy trả lời sao mà khó hiểu thế? Tôi hoang mang quá.

Tâm Đô Tử đáp:

- Vì con đường lớn có nhiều ngã rẽ cho nên không tìm được cừu. Vì có nhiều ý kiến, cho nên hại cho người học đạo. Sự học, gốc thì như nhau, là một, mà ngọn thì khác nhau. Cho nên chỉ người nào biết quay về chỗ đồng nhất mới khỏi bị nguy hại. Anh làm môn đệ của thầy từ lâu, tập đạo của thầy mà không hiểu ý thầy, đáng buồn thật.

11-. Dương Chu nói:

Người làm điều thiện không phải để cầu danh mà danh tự nó tới. Danh không hẹn gì với lợi mà lợi theo nó. Lợi không hẹn gì với sự tranh giành mà tranh giành cứ đến với nó. Vì vậy, người quân tử phải thận trọng mà làm đức thiện.

 ***

Trang Tử kể:

1-. Lão Tử bảo:

- Đạo lớn tới nỗi không biết đâu là cùng, mà nhỏ đến nỗi không sót một vật nào. Cho nên vạn vật đều có đủ trong đó. Nó rộng tới nỗi cái gì cũng dung nạp được, sâu tới nỗi không ai dò được. Hình thể, đạo đức, nhân nghĩa chỉ là những nhánh nhỏ của tinh thần, chỉ bậc chí nhân mới cho chúng một định nghĩa được. Chỉ bậc chí nhân mới thấu triệt được thế giới để mà không bị lụy về nó; mọi người đều tranh nhau quyền bính, chí nhân thì không dự vào. Chí nhân giữ kỹ cái Đạo, không vì lợi lộc mà đổi lòng. Biết rõ được bản chất của sự vật, giữ được cái bản nguyên chung, cho nên vượt được trời đất, bỏ lại vạn vật mà tinh thần hoàn toàn tự do. Chí nhân hiểu Đạo hợp nhất với Đạo, gạt nhân nghĩa ra, bỏ lễ nhạc, nên lòng được yên tĩnh.

2-. Đã năm mươi mốt tuổi mà vẫn chưa được nghe về Đạo nên Khổng Tử đi xuống đất Bái ở phương Nam để yết kiến Lão Đam.

Lão Đam bảo:

- Ông lại đấy ư? Tôi nghe nói ông đã là người hiền phương bắc. Ông hiểu Đạo không?

Khổng Tử đáp:

- Tôi chưa hiểu.

- Ông tìm Đạo cách nào.

- Tôi tìm Đạo trong độ số (thuật số trong Kinh Dịch?), năm năm mà không được.

- Rồi làm sao nữa?

- Rồi tôi tìm nó trong âm dương, mười hai năm mà không được. Trời có vận chuyển không? Đất có đứng im không? Mặt trời mặt trăng có tranh chỗ nhau không? Ai làm chủ tể cái đó? Ai duy trì cái đó? Ai vô sự mà đầy cái đó, khiến nó chạy? Hoặc giả có một cái máy bí mật bất đắc dĩ chạy hoài chăng? Hay là vũ trụ tự nhiên vận chuyển mà không tự ngưng được chăng? Ai vô sự mà cao hứng gây ra cái đó? Gió nổi ở phương Bắc, khi thì thổi qua Tây, khi thì thổi qua Đông, có lúc lại xoáy ốc, mà cuốn lên cao. Ai hô hấp mà thành vậy? Ai vô sự mà hướng gió về phía này phía khác và làm nó ngừng? Xin hỏi ông nguyên do ở đâu.

Lão Đam bảo:

- Tự nhiên! Nếu Đạo mà có thể dâng cho người khác được thì ai cũng đem dâng nó lên vua rồi; nếu nó có thể tặng được thì ai cũng tặng nó cho cha mẹ rồi; nếu nó có thể bảo cho người khác hay được thì ai cũng bảo cho anh em rồi; nếu nó có thể cho được thì ai cũng đem nó cho con cháu rồi. Nhưng không được! Nguyên do thế này: trong lòng không có bản chất của Đạo thì Đạo không lưu lại trong đó được; ngoài không phối hợp với đối tượng thì Đạo không vận hành được. Nếu phát động ở trong mà ngoài không tiếp thu được thì thánh đức không hiện (nguyên văn: thánh nhân bất xuất); nếu phát động ở ngoài mà trong lòng không có sẵn bản chất của Đạo thì thánh đức không lưu lại.

Danh vọng là của người khác cho mình, không nên nhận nhiều quá. Nhân và nghĩa là quán trọ của tiên vương, chỉ nên ghé đó một đêm, không nên ở lâu, ở lâu thì bị nhiều điều trách móc.

Bậc chí nhân thời xưa mượn con đường “nhân” mà đi, ghé quán “nghĩa” mà nghỉ (rồi đi tiếp chứ không ở lâu), thảnh thơi tiêu dao, sống đạm bạc và độc lập. Tiêu dao thì vô vi, sống đạm bạc thì dễ được thỏa mãn, độc lập thì không bị tổn thất. Đời xưa cho như vậy là giữ được bản chân.

Ai nhắm việc làm giàu thì không từ bỏ được lợi lộc; ai nhằm sự vinh hiển thì không từ bỏ được cái danh; ai ham quyền thế thì không nhường quyền bính cho người được; nắm giữ nó thì run sợ mà buông ra thì rầu rĩ. Những kẻ đó không có gì để tự răn mà hãm bớt sự thị dục, họ bị trời hành hạ. Oán, ân, lấy, cho, khuyên răn, dạy bảo, sinh, sát, tám cái đó, là khí cụ của chính quyền. Chỉ người nào thuận theo sự biến hóa tự nhiên là dùng được những khí cụ ấy. Cho nên bảo: “Tự sửa mình cho ngay rồi mới cai trị được người”. Trong lòng không theo qui tắc ấy thì thiên cơ không mở ra đâu!

3-. Khổng Tử nói với lão Đam:

Khâu tôi nghiên cứu lục Kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu, tự cho là đã tốn công và hiểu được kỹ. Tôi đã yết kiến bảy mươi hai ông vua, bàn luận về đạo của tiên vương, giảng rõ về chính sách của Chu Công và Thiệu Công (cũng là con của vua Văn Vương), không một ông vua nào dùng lời của tôi cả. Quá lắm! Tại khó thuyết phục bọn họ hay tại khó làm sáng được đạo?

Lão Tử đáp:

- Không gặp được một ông vua nào biết trị nước, là may cho ông đấy. Vì lục kinh chỉ là cái di tích cổ hữu của tiên vương, đâu phải là cái tinh thần tiên vương lưu lại. Những lời họ nói ngày nay cũng là dấu vết thôi. Như giày dẫm lên đất để lại một cái dấu, dấu đó không phải là giày. Loài ngỗng trắng, con trống con mái nhìn nhau trừng trừng, con ngươi không cử động mà tự nhiên sinh sản; con sâu đực kêu lên ở trên, ở dưới con cái hòa theo, mà cũng tự nhiên sinh sản. Hễ có con đực con cái cùng một loài thì sinh sản dễ dàng. Không thể đổi được thiên tính cùng vận mệnh; bốn mùa không thể ngừng lại được, đại đạo không thể bị nghẽn lấp. Đạt được đạo thì làm gì cũng được, để mất nó thì không làm gì được cả.

Khổng Tử nghe rồi ba tháng không ra khỏi cửa (?)!

4-. Thôi Cồ hỏi Lão Đam:

- Không trị thiên hạ thì làm sao cải hóa được lòng người?

Lão Đam đáp:

- Phải cẩn thận, đừng làm dao động lòng người. Lòng người, hễ đè thì nó ép xuống, kích thích thì nó bồng lên. Ép xuống rồi bồng lên hoài thì nó không được thảnh thơi. Nhu thắng được cương. Ai vụ danh thì tổn hại bản tính, lòng có lúc nóng như lửa, có lúc lạnh như đá (dễ rạn vỡ?). Tư tưởng biến đổi rất mau, tới nỗi chỉ trong thời gian cúi đầu và ngửng lên, nó đã đi ra ngoài bốn bể rồi trở về rồi. Khi nghỉ thì nó lặng lẽ như cái vực; khi động thì nó như treo trên trời. Lòng người thật kiêu căng và không gì cưỡng chế được.

Xưa, vua Hoàng Đế là người đầu tiên dùng nhân nghĩa làm dao động lòng người, rồi vua Nghiêu và vua Thuấn mới hy sinh tới nỗi bắp vế tiêu hết thịt, ống chân trụi hết lông, để lo cho hình thể nhân dân được an thích; hai ông ấy làm tiều tụy ngũ tạng để lo việc nhân nghĩa, khô kiệt khí huyết để đặt ra pháp độ mà vẫn không thành công. Rồi vua Nghiêu phải đày Hoan Đâu lên núi Sùng, đánh đuổi rợ Tam Miêu tới Tam Nguy, trục xuất Cung Công tại U Đô, như vậy chẳng phải là thất bại ư?

Tới đời tam Đại (Hạ, Thương, Chu), thiên hạ đại loạn. Kẻ đê hèn thì như Kiệt, Chích, người cao thượng thì như Tăng (Sâm), Sử (Ngự). Nho, Mặc xuất hiện. Kẻ vui thích và kẻ bất bình nghi ngờ lẫn nhau, người ngu và kẻ trí khinh bỉ lẫn nhau, người thiện và kẻ ác chê bai lẫn nhau, người ngay thẳng và kẻ gian dối trách mắng lẫn nhau, mà thiên hạ suy. Khi cái Đức lớn không được mọi người cùng theo thì xã hội tán loạn. Khi thiên hạ thích tri thức thì mọi người kiệt lực vào việc học. Do đó người ta chế tạo ra cái rìu, cái cưa để xẻ, dùng dây và mực để vạch dấu mà đẽo, cái búa, cái dùi để đục, mà thiên hạ rối bời. Lỗi về những kẻ làm dao động lòng người. (Ngày nay có một bộ phận trí thức có lẽ do học và đọc "đủ thứ" nhiều quá nên hóa rồ, quên mất chuyên môn mình, quên mất sự sống mình, quên luôn cả trách nhiệm đối với gia đình, vợ con mình, cứ chăm chăm "chúi mũi" vào chuyện "Ngu Công dời núi", tụ tập nhau lại bù khú rượu thịt không phải để hưởng đời mà là để "tiền hô hậu ủng" rú gào thảm thiết: "Bình thiên hạ!Bình thiên hạ! Bình thiên...". Thật không hiểu nổi! Bó tay!!!)

Từ đó người hiền ẩn cư trên núi cao, trong hang đá, mà những ông vua mười ngàn cỗ xe (vua nước lớn) lo lắng, sợ sệt ngồi trên miếu đường. Ngày nay, những kẻ bị tử hình nằm chồng chất lên nhau, đâu đâu cũng thấy những kẻ bị tra tấn, xử tội và Nho, Mặc mới từ trong cảnh cùm xích đó, gắng sức cứu đời. Hỡi ơi! Sao mà họ không thấy xấu hổ, không biết nhục nhỉ! Thì ra thành trì chỉ để tạo ra những gông cùm và làm sao biết được Tăng Sâm, Sử Ngư chẳng tiếp tay cho tên Kiệt và tên Chính?

Cho nên bảo: “Tuyệt thánh khí trí rồi thiên hạ sẽ thái bình”. (Trí thức nói chung là nguyên khí quốc gia, nhưng nếu không biết kìm chế, coi chừng lại thành xú khí làm nhục quốc thể).
(Còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét