TT&HĐ I - 8/c


                                         
Triết học Liệt Tử

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
CHƯƠNG VIII: HOÀNG LÃO


Không biết mà nói là ngu, biết mà không nói là hiểm.
 
                                                                                                                                         CHU-HI
Ở đời cái gì thung dung thì còn, cấp bách quá thì mất. Việc mà thung dung thì có ý vị. Người mà thung dung thì sống lâu.
Làm việc nghĩa chớ kể thiệt hại. Luận anh hùng chớ kể hơn thua.
Tâm niệm trầm tĩnh thì lẽ gì nghĩ chẳng tới. Chí khí cao rộng thì việc gì làm chẳng xong.
Tầm thuật quý nhất là sáng suốt. Tướng mạo quý nhất là chính đại. Ngôn ngữ quý nhất là giản dị, Chân thật.
Khí kiêng nhất là hung hăng. Tâm kiêng nhất là hẹp hòi. Tài kiêng nhất là bộc lộ.
Tâm phải rộng để dung nạp người trong thiên hạ. Tâm phải công bằng để làm việc trong thiên hạ.Tâm phải trầm tĩnh để xét lý trong thiên hạ. Tâm phải vững vàng để chống lại những biến cố trong thiên hạ.
Việc sắp xảy ra mà ngăn được, việc đang xảy ra mà cứu được, đó là quyền biến. Chưa có việc mà biết việc sắp đến, mới có việc mà biết được việc sau, có tài năng. Định việc mà biết việc xảy ra thế này, thế nọ, như vậy là biết lo xa. Người như thế là người có kiến thức rộng rãi.
                                                                                                                                                                                                                LÃ-TƯ-PHÚC
 
Khiến người ta nể lời, Không bằng khiến người ta tin lời. 

Khiến người ta tin lời, Không bằng khiến người ta vui vẻ nhận lời. 

Đem họa phước mà răn dọa là khiến người ta sợ. 

Đem lý lẽ mà răn dụ là khiến người ta tin 

Dùng tâm lý mà giác ngộ là khiến người ta vui lòng mà nghe theo.
                                                                                                                        
                                                                                                               VƯƠNG DƯƠNG MINH


Biết đủ trong cái đủ của mình thì luôn luôn đủ.
Biết người là trí, biết mình là sáng
Không có lỗi nào to bằng ham muốn; Không có tai hoạ nào to bằng không biết đủ.
Lo thắng người thì loạn; Lo thắng mình thì bình.
Lời thành thật thì không đẹp; Lời đẹp thì không thành thật.

 
                                                                                                      LỄ KÝ
 



“Lời của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, mà thiên hạ không ai hiểu được, làm được. Lời của ta có tôn chỉ, việc của ta có căn bản. Vì thiên hạ không hiểu ngôn luận của ta nên không biết ta. Người hiểu ta rất ít, người theo ta được là rất hiếm. Cho nên thánh nhân mặc áo vải thô mà ôm ngọc quý trong lòng.”

Lão Tử





(Tiếp theo)


Trong sách Liệt Tử có những đoạn giảng giải về cái Đạo Huyền Diệu, cái Nền tảng, cái Tối cao, cái có thể cảm thấy được mà không nhận diện được:

“Có một vật sinh ra các vật khác mà không được vật nào sinh ra cả; biến hóa các vật khác mà tự nó không biến hóa. Vậy cái không được sinh ra có thể sinh (làm chủ tể) các vật được sinh ra, cái không biến hóa có thể biến hóa các vật biến hóa. Mà cái được sinh ra không thể không sinh ra cái khác; do đó mà sinh sinh, hóa hóa hoài, không thời nào không sinh, không thời nào không hóa. Do đó có âm dương, bốn mùa. Cái không được sinh ra, là đồng nhất, vô thủy vô chung; cái không biến hóa là trong khoảng vô cùng; cái đạo của cái duy nhất không thể dò được”.

Trong “Đạo Đức Kinh”, chúng ta thấy có một câu là lạ, mang tính thần thoại: “Thần hang bất tử, gọi là Huyền Tẫn. Cửa của Huyền Tẫn là gốc của trời đất, dằng dặc như bất tuyệt, tạo thành mọi vật mà không mệt”. Trong “Liệt Tử” cũng dẫn câu này và cho là của Hoàng Đế(?). Theo truyền thuyết, Hoàng Đế là một thánh quân, tên là Hiên Viên, làm vua một trăm năm (2698 - 2598 TCN), viết một cuốn sách gồm bốn thiên, gọi là Hoàng Đế Thư, đã thất truyền. Có thể câu đó là truyền ngôn của những đời trước, Lão Tử chép lại; có vẻ như mô tả cảnh quan của bầu trời đêm của Vũ Trụ. Huyền Tẫn (Mẹ nhiệm màu) là cái tên có nghĩa như tên gọi ngày nay là Vũ Trụ chăng? Trong bầu trời đêm, chúng ta như đang đứng trước cửa của một cái hang vĩ đại, “dằng dặc như bất tuyệt”!

Sau câu trích đó, sách Liệt Tử viết tiếp:

“Vì vậy mà vật nào sinh ra các vật khác thì không được sinh ra; vật nào biến hóa các vật khác thì không biến hóa. Nó tự sinh, tự hóa, tự thành hình, tự thành sắc, sáng suốt, tự có sức mạnh, tự tăng giảm. Nó tự nhiên như vậy, chứ không phải cố ý mà sinh hóa, thành hình, thành sắc, sáng suốt, có sức mạnh, tăng giảm”.

Đoạn khác:

“Sự vận chuyển không bao giờ ngừng. Trời đất biến chuyển bí mật, ai mà biết được? Cho nên, vật giảm ở phía này thì tăng ở phía khác, đầy ở kia thì vơi ở đây. Tăng, giảm, vơi, đầy, sinh ra lẫn nhau rồi chết; qua lại nối tiếp nhau mật thiết, ai mà thấy được sự biến chuyển?”

Liệt Tử giảng về vô vi:

“Cái từ sống mà sinh ra là cái chết, nhưng cái sinh ra cái sống thì bất tuyệt; cái từ cái hình gây nên là cái thực (chất), nhưng cái khiến cho thành hình thì không hề có (nghĩa là cái vô?); cái từ thanh âm gây nên là thính giác, nhưng cái khiến cho thành thanh âm thì không hề phát nên tiếng; cái từ màu sắc gây nên là thị giác, nhưng cái khiến cho thành màu sắc thì không hề hiện ra; cái từ mùi vị gây nên là vị giác, nhưng cái khiến cho thành mùi vị thì không hề lộ ra.

Tất cả những cái đó đều là vô vi mà ra cả. Vô vi có thể âm, có thể dương, có thể nhu, có thể cương, có thể dài, có thể ngắn, có thể tròn, có thể vuông, có thể sinh, có thể tử, có thể nóng, có thể lạnh, có thể nổi, có thể chìm, có thể là âm trầm, có thể là âm bổng, có thể hiển hiện ra, có thể biến mất, có thể tím đen, có thể vàng, có thể ngọt, có thể đắng, có thể tanh hôi, có thể thơm tho.

Vô vi tuy vô vi, vô năng mà không gì là không biết, không gì là không làm được”.

Nền tảng triết học Trang Tử cũng là của triết học Lão Tử. Quan niệm về Đạo của Trang Tử hoàn toàn đồng thuận với quan niệm về Đạo của Lão Tử. Tuy nhiên trong tư tưởng triết học của Trang Tử, đã xuất hiện những bộ phận mới có tính chất như bổ sung, điều chỉnh, mở rộng thêm về lý luận trong việc nhận thức tự nhiên - xã hội. Trang Tử đã nêu ra được mối quan hệ giữa nhận thức và thực tại; tính nước đôi, tương đối của khái niệm… Tất cả những quan niệm mới ấy có thể là do Trang Tử đã chịu ảnh hưởng của một trường phái triết học mà ở thời đại nhà Hán gọi là Danh Gia (ở thời Chiến Quốc được gọi là Hình Gia hay Biện Gia): Có thể nói đại biểu của Danh Gia là Huệ Thi và Công Tôn Long. Công lao của họ đối với triết học có lẽ là từ những biện bác có vẻ như phi lý của mình, họ đã vạch ra được tính hữu hạn, tính bất ổn, nước đôi, tính tương đối của khái niệm mà suy cho cùng là tính chủ quan tất yếu của nhận thức trước một thực tại khách quan. Tư Mã Đàm, trong “Sử ký” của mình (chương 20) đã đánh giá khá xác đáng về Danh Gia:

“Danh Gia xét tỉ mỉ các điểm trong những nhận định phức tạp công phu làm cho kẻ khác không thể phủ nhận ý tưởng của mình được. Họ chuyên định nghĩa các danh từ nhưng bỏ quên mất cảm tính của nhân loại. Bởi vậy, tôi nói rằng: họ đưa người ta vào sự tô điểm danh từ làm cho người ta dễ quên mất chân lý. Tuy nhiên bắt danh từ phải diễn tả được sự thực và như thế nghiên cứu trật tự hợp lý để không còn lầm lẫn nữa, ấy là nhiệm vụ cần phải tìm tòi khảo cứu”.

Trước đây đã có lần chúng ta nói về sự bất ổn của khái niệm rồi. Ở đây chúng ta không đề cập sâu tới vấn đề đó nữa.

Huệ Thi không để lại sách gì ngoài mười câu phi lý nổi tiếng cho hậu thế. Trang Tử đánh giá Huệ Thi là:

“Đem bàn tung ra cả vạn vật mà không chán. Rút lại được tiếng là tay biện bác giỏi. Tiếc thay tài của Huệ Thi, lồng lộng mà không có đức!”

Sách của Công Tôn Long còn lưu đến ngày nay là cuốn “Công Tôn Long tử”, gồm sáu thiên. Ở chương một sách đó có đoạn nói:

“Công Tôn Long là biện sĩ ở thời đại Chiến Quốc. Ông ghét sự tán loạn của danh với thực, và dùng cái tài sở trường của mình để thảo luận về điểm giữ cái trắng. Ông mượn vật làm tỷ dụ để luận bàn về vấn đề giữ trắng… Ông muốn suy rộng cách biện thuyết như thế để chỉnh đốn lại danh với thực và làm thay đổi cả thế giới”.

Chính Công Tôn Long đã nói về mình:

“Cái học thuyết của Long là cho rằng ngựa trắng không phải là ngựa. Bắt Long bỏ thuyết ấy đi thì Long này không còn lấy gì mà dạy nữa.”

Chúng ta trở về với Thái Thượng Lão Ông!

Hãy nghe về Đạo qua cách nói của Trang Tử:

“Đạo có thực và tồn tại, nhưng vô vi mà không có hình trạng, có thể truyền nó được nhưng không thể tiếp nhận nó được, hiểu nó được mà không thấy nó được. Nó tự là gốc của nó, trước khi có trời đất đã có nó rồi. Nó tạo ra quỉ thần, thượng đế, nó sinh ra trời đất. Nó ở trên thái cực mà không cao, ở dưới lục cực mà không sâu, có trước trời đất mà không phải là trường cửu, có trước thời thượng cổ mà không phải là già.”

Đó là Đạo theo nghĩa thực thể Tối Cao; còn Đạo theo nghĩa là Nguyên lý Tối Thượng thì:

“Biết được Thiên Đạo và nhân sự, đó là đạt được mức cao nhất của tri thức. Biết được Thiên Đạo là biết rằng vạn vật do Tự Nhiên sinh ra, vậy thì phải theo Tự Nhiên (…) Như vậy là tri thức cao minh nhất. nhưng tri thức đó cũng có cái lụy của nó, vì tri thức nào cũng phải có đối tượng (có cái mốc, cái chuẩn mực rồi mới biết được đúng sai), mà đối tượng lại không xác định được (bất định, tùy thuộc). Chẳng hạn làm sao biết được cái mà tôi gọi là trời đó không phải là người, và cái tôi gọi là người đó không phải là trời? Với lại chỉ bậc chân nhân mới có được chân tri.”

Và:

“Vạn vật đều ngang nhau, có vật nào dài, vật nào ngắn đâu? Đạo không có đầu và cuối. Vật sinh rồi chết, đừng trông cậy khi nó thành tựu vì vật có lúc đầy lúc vơi, không có hình thể bất biến. Tuổi không thể lùi lại được, thời gian không thể ngừng lại được. Có tăng thì có giảm, có đầy thì có vơi, có chung thì có thủy. Có thể coi đó là xu hướng của Đại Đạo, tình lý của vạn vật.”

Qua đó, rõ ràng rằng vũ trụ quan của Trang Tử chỉ là sự tiếp thu trọn vẹn vũ trụ quan của Lão Tử, không có gì mới. Có mới chăng là cái nhận thức nặng chủ nghĩa hoài nghi do ảnh hưởng của Danh gia. Điều này thể hiện rất rõ trong chương “Tề vật luận” (mọi vật ngang nhau) của “Nam Hoa Kinh”.

Lão Tử ngay từ đầu, khi cho rằng Đạo không thể gọi đúng tên được thì có nghĩa rằng ông đã biết tính hữu hạn của khái niệm; khi nói rằng “không” và “có” cùng từ Đạo mà ra và chỉ khác tên gọi thôi thì có nghĩa rằng ông đã biết về tính tương phản của thế giới, cái tương đối của khái niệm. Do đó mà ông đã rào trước đón sau, là chỉ tạm dùng cái có ý nghĩa hữu hạn, tương đối để nói về cái có vẻ vô cùng, tuyệt đối.

Khi ta nói vật này là âm, vật kia là dương thì cũng có thể nói vật này là dương và vật kia là âm, vì âm, dương chỉ là tên gọi, do ta qui định và chỉ đúng cho riêng ta thôi. Đó chính là tính tương đối khách quan của khái niệm. Nhưng dù có đặt tên thế nào đi nữa thì tính tương phản của hai vật đó cũng không thay đổi, đó là sự thực khách quan. Cần biết rằng sự tương phản của thế giới do tính đầy đủ của Tự Nhiên Tồn Tại mà có.

Hiện thực là thực tại khách quan đã qua nhận thức. Nó luôn phiến diện và nặng tính qui ước của chủ quan nhận thức. Cùng một thực tại khách quan, tùy vào trình độ tư duy, góc độ (đối với thực tại xã hội thì là lập trường) của quan sát và độ bảo thủ của nhận thức mà có nhiều hiện thực khác nhau. Tính chủ quan của hiện thực thể hiện ra như là thành kiến của nhận thức. Đó là nguồn gốc làm hình thành nên cái gọi là tính tương đối chủ quan của khái niệm.

Trang Tử đã chưa phân biệt được hai tính chất tương đối ấy của khái niệm nên sa dần vào chủ nghĩa hoài nghi đối với khả năng nhận thức, và đó là bước thụt lùi về tư tưởng của ông.

Trong khi Lão Tử dứt khoát:

“Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra cái xấu; ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra điều (khái niệm) ác”, thì Trang Tử luận cụ thể hơn, qua đó mà nêu bật được tầm quan trọng thiết yếu của "thực chứng", dù là trong "tâm trạng hoang mang":

“Mình là người khác; người khác cũng là mình. Người kia có quan niệm của họ về thị, phi (đúng, sai). Mình cũng có quan niệm của mình về thị, phi. Có một sự khu biệt thực nào giữa mình và người kia không? Mình và người đừng chống đối nhau nữa, cái cốt yếu của Đạo ở đó. Cái cốt yếu ở trung tâm cho nên ứng với các biến hóa vô cùng. Cái thị biến hóa vô cùng, mà cái phi cũng biến hóa vô cùng. Cho nên mới bảo: không gì bằng dùng trực giác.”

“Giả sử tôi tranh biện với anh mà anh thắng tôi thì có nhất định là anh phải, tôi trái không? Nếu tôi thắng anh thì có nhất định tôi phải, anh trái không? Trong chúng ta có một người phải một người trái? Hay là cả hai chúng ta đều phải cả hoặc đều trái cả? Anh và tôi làm sao biết được điều đó? Mà một người thứ ba nào khác thì cũng hồ đồ không biết được, lựa ai sáng suốt làm trọng tài đây? Hỏi một người cùng một ý kiến với anh, thì người đó do lẽ cùng ý kiến với anh, làm sao có thể phê phán được? Nếu là một người cùng ý kiến với tôi, thì người này do lẽ cùng ý kiến với tôi, làm sao có thể phê phán được? Nếu là một người ý kiến khác cả tôi lẫn anh, hoặc giống cả tôi lẫn anh thì cũng làm sao phán đoán được? Vậy anh, tôi và người thứ ba đó đều không quyết được ai phải, ai trái. Có nên đợi một người thứ tư nữa không?”

“Đạo bị cái gì che lấp tới nỗi phải phân biệt chân với ngụy? Lời bị cái gì che lấp tới nỗi phân biệt phải với trái? Khi nào thì đạo không còn, khi nào thì lời không chấp nhận được? Đạo bị thành kiến nhỏ nhen che lấp; lời nói bị sự hoa mỹ phù phiếm che lấp. Do đó mà phái Nho và phái Mặc tranh luận với nhau. Cái gì phái này cho là phải thì phái kia cho là trái; cái gì phái này cho là trái thì phái kia cho là phải. Muốn thấy điểm phải trong chỗ họ cho là trái, thấy điểm trái trong chỗ họ cho là phải, thì không gì bằng dùng trực giác.”

“Để cho thành kiến của mình làm thay mình, sai khiến mình, như vậy ai cũng có thầy hết, còn cần gì nhận người khác làm thầy nữa? Vì tinh thần của mình làm thầy mình, cho nên người ngu cũng có thầy rồi. Kẻ nào muốn vượt thành kiến của mình để phân biệt thị phi thì cũng không khác gì bảo rằng hôm nay đi qua nước Việt mà đã tới đó từ hôm qua rồi, nghĩa là coi cái không có là có. Về điểm đó, thần minh như ông Vũ (người khởi nghiệp nhà Hạ) cũng không thể biết được. Tôi làm sao mà biết được?”

Và Trang Tử đi đến kết luận:

“Cái Đạo mà minh thị ra rồi thì không phải là Đạo; biện mà phải dùng lời nói thì không đạt được chân lý”.

Với câu nói này thôi, Trang Tử đã hiểu sai ý của Lão Tử về sự không đặt một cái tên mang một ý nghĩa giới hạn nào cho cái tạm gọi là Đạo. Từ đó mà ông kêu gọi:

“Đừng suy luận gì hết thì thấy được Đạo!”

Đó cũng chính là luận điểm xuyên suốt, có tính sống còn của Thiền học sau này. 
Thiền cho rằng không thể đạt được chân lý bằng tư duy lý luận; không thể tiếp cận được thực tại đích thực bằng tri giác; muốn nhận chân được Tồn Tại, muốn “ngộ” được chân lý tuyệt đối hay Thực Tại Tối Cao thì không có con đường nào khác ngoài con đường trực giác, vượt lên trên mọi khái niệm, vứt bỏ mọi khái niệm để tu tập, thực hành chiêm nghiệm tâm linh trực tiếp (chứ không phải bằng tư duy trừu tượng!!!). Phải chăng Lão Tử là người gợi mở nhưng chính Trang Tử mới là người đầu tiên đề xướng ra cách thức "Thiền" với hy vọng đạt được đến nhận thức tuyệt đích về thực tại khách quan? Và cũng từ đây, để vượt qua trạng thái bế tắc về lý luận của Đạo Gia, nó đã tất yếu phân ly thành hai ngả: ngả hình thành Đạo Giáo tu tập thành tiên và ngả hình thành Đạo Phật tu tập thành chính quả!? Có thể lắm!

莊子


Zhuangzi.gif
Trang Tử
Sinh Trang Chu
Hà Nam, Trung Quốc
Công việc triết gia

Nhưng nếu không có một chút suy nghĩ nào, không tiếp thu được một trình độ nhận thức nào gọi là đủ thì biết thế nào là loại bỏ tạp niệm, (chứ chưa cần nói đến loại bỏ hết khái niệm), vượt lên trên mọi khái niệm để mà chiêm nghiệm bằng con đường tâm linh, trực tiếp nhận chân được Tồn Tại??? Một pho tượng đá thì dù có ngồi thiền tu đến một triệu năm, cũng chẳng ngộ thêm được điều gì ngoài cái mà hồn đá đã “ngộ” được từ trước!

Thực ra, Trang Tử (và không riêng gì Trang Tử!) đã không thấy được điều giản dị này: khách quan và chủ quan là hai yếu tố có tính tương phản trong nhận thức, giữa chúng có mối quan hệ qua lại khăng khít với nhau, là tiền đề của nhau, chuyển hóa lẫn nhau, y hệt như mối quan hệ của cặp Có - Không, hay cặp Âm - Dương vậy. Làm gì có nhận thức tuyệt đối khi bản thân nhận thức đã bị lệ thuộc Trái Đất này rồi? Làm gì có "đốn ngộ" tuyệt đối khi Cõi Niết Bàn chỉ là sự phủ dụ đầy yếm thế và mông lung để mưu cầu giảm bớt khổ đau trên thế gian này thôi? Làm gì có "tịnh độ" khi trong cõi "Nhà Phật" còn bộn bề sự khát vọng không thể giải chấp được bằng sự khuyên răn chí tình nhưng quá viển vông của chính Đạo nhà Phật!?

Đứng ở vị trí trung dung, chúng ta nói: nếu chỉ bằng tư duy lý luận đơn thuần, con người sẽ không nhận thức được tuyệt đối Tồn Tại bởi vì năm giác quan của con người không cho phép nó nhìn thấy hết, bao quát được thực tại vốn dĩ, nhất là ở tầng nền tảng siêu vi mô cũng như ở tầng siêu vĩ mô! Ít ai để ý rằng ngay từ buổi đầu xuất hiện, một quá trình nhận thức đã bao gồm bốn yếu tố cơ bản là Thấy-Suy-Chứng-Biết. Bốn yếu tố ấy có mối tương quan mật thiết với nhau: Không Thấy, thì sao Suy, Suy mà không Chứng thì sao Biết chắc? Mặt khác, Biết sẽ làm cho Thấy thêm sâu rộng và qua đó "chắp thêm cánh" cho Suy, kích thích tăng cường Chứng để Biết chắc hơn nữa cũng như tỏ tường hơn nữa… Ở một tầm cao tri thức nào đấy, cái Thấy ấy cũng chính là Thực Chứng (Khoa học tự nhiên), cái Biết ấy chính là Tri Thức Lý Luận (Triết học) và cái Suy ấy chính là Chiêm Nghiệm Tâm Linh (giác quan thứ sáu hay tổng giác, là sự thăng hoa của tri giác ở trạng thái tột độ). Đến một trình độ nào đó, bốn yếu tố ấy sẽ làm nên một nhận thức tối hậu, đủ nhìn thấy được bản chất tuyệt đối của Tồn Tại, ở góc độ quan sát của con người (chỉ thế thôi chăng?!)

Rốt cuộc, cái Đạo Huyền Diệu của Lão Tử, qua Trang Tử diễn giải, vừa sáng tỏ hơn vừa huyễn hoặc hơn, đầy đủ thị phi mà cũng vượt trên thị phi, ăm ắp hơi thở của Thiền:

“Đông Quách Tử hỏi Trang Tử:

- Cái ông gọi là Đạo ấy, nó ở đâu?

Trang Tử đáp:

- Ở khắp nơi.

- Phải chỉ ra chỗ nào mới được chứ.

- Trong con kiến.

- Sao mà thấp vậy?

- Trong cọng cỏ.

- Còn thấp hơn nữa ư?

- Trong mảnh sành.

- Sao càng thấp quá vậy?

- Trong cục phân.

Đông Quách Tử không hỏi nữa. Trang Tử bảo:

- Những câu hỏi của ông không đi đôi thực chất vấn đề. Như viên xét thuế hỏi người coi chợ về cách dẫm lên con heo để biết nó mập hay không: chân càng lún xuống thì heo càng mập. Ông đừng nên chỉ hẳn một vật nào mà hỏi, như vậy ông sẽ không bỏ sót. Cái Đạo tối cao như vậy, mà lời nói cao cả cũng vậy: bao hàm, phổ biến, và đủ cả. Ba danh từ đó tuy khác mà ý nghĩa như nhau (tính toàn diện của Đạo - NV).

Người nào đã tiêu dao ở cõi hư vô, bao gồm mà nghị luận thì biết được Đạo là vô cùng. Người nào đã vô vi thì điềm đạm mà an tĩnh, tịch mịch mà thanh hư, điều hòa mà nhàn dật. Bỏ tham vọng của ta đi, đi mà không biết để tới đâu, về mà không biết sẽ ngừng ở đâu, đi và về đều không có mục đích. Bàng hoàng ở trong cảnh giới mênh mông hư vô mà bậc đại trí cũng không biết giới hạn của nó, Chủ tể của vật (tức Đạo) với vật đều không có giới hạn (vì Đạo ở trong vật, vật ở trong Đạo), nhưng vật với vật thì có giới hạn, đó là giới hạn của vật. Cái không có giới hạn (tức Đạo) nắm trong cái giới hạn (tức vật), Đạo tuy nằm trong vật có giới hạn mà chính nó không có giới hạn. Như cái người ta gọi là đầy rỗng, suy diệt. Đạo tuy ở trong cái đầy rỗng mà không phải là đầy rỗng; ở trong cái suy diệt mà không phải suy diệt; ở trong gốc và ngọn mà không phải là gốc, ngọn; ở trong cái tích tụ và tiêu tán mà không phải là tích tụ, tiêu tán.”

Đọc “Quỉ Cốc Tử” chúng ta thấy tác giả đã nói đến vấn đề quan sát (trì khu), nghĩa là tác giả đã phân định ra cái thế giới nội tại bên trong của quan sát (thuyết âm phù) và cái bên ngoài, đối tượng của quan sát, nhưng chưa thấy được mối quan hệ hết sức sâu xa giữa hai thế giới ấy, mối quan hệ có tính tương phản, tiền đề "sống còn" của nhau. Điều đặc sắc nhất theo chúng ta nghĩ, trong tác phẩm Nam Hoa Kinh của mình, Trang Tử đã là người đầu tiên của triết học cổ đại Trung Quốc chính thức đưa ra ý niệm rõ ràng về sự phân định khách quan giữa “cái tôi” và Vũ Trụ, giữa chủ thể nhận thức và khách thể nhận thức. Ông nói:

“Không có cái không phải là ta thì không có ta. Nhưng không có ta thì không thể hiện được sự biến hóa của tự nhiên. Như vậy, ta với tự nhiên thật mật thiết với nhau. Nhưng không ai biết được chủ tể (nguyên nhân) của Vũ Trụ (toàn bộ sự việc đó) là gì.”

Ta, cũng như trời đất, cũng như vạn vật, đều từ Đạo mà ra, đều cùng gốc, xét ở góc độ này thì ta cũng như trời đất, vạn vật chẳng khác gì nhau cả. Ta chưa sinh ra thì đối với ta, cả ta, vạn vật, trời đất đều chưa có; chỉ khi có ta (vì ta thấy), trời đất, vạn vật mới có (xuất hiện). Có lẽ vì thế mà Trang Tử mới nói: “Trời đất với ta cùng sinh ra, vạn vật với ta là một.”

Phụ họa theo, chúng ta ngâm:

Có trời đất mới có tôi

Có tôi, trời đất lần hồi hiện ra.

Trời cao đất thấp bao la

Cho tôi ở giữa để mà buồn vui

Đất gần, trời tít xa vời

Nên đời tôi ngắn, đến rồi lại đi…

Phải chăng hội ngộ, chia ly
                                Đều về với Đạo, qui y đất trời? 
(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH